văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, November 25, 2020

TRANG LUÂN ** CƠN LỐC THỜI GIAN

     Phải!  Anh là một người lính.  Một người lính thật sự với đầy đủ mọi ý nghĩa giản dị và thuần túy của nó.  Người lính của những năm tháng khói lửa trước đây ở miền Nam, nơi mà tuổi thơ anh đã vươn mình, lớn lên rồi trưởng thành ở tại đấy.

           Làm sao anh có thể quên được từng ngôi trường mà trước đây anh thường ngồi, cho đến các bài học thuộc lòng, cùng những bài lịch sử oanh liệt, ca tụng tinh thần đấu tranh bền bỉ của dân tộc ta!  Từng bài công dân nồng nàn, dạt dào.  Anh đều nhớ và nhớ rõ tất cả.  Chưa bao giờ anh quên!  Chưa bao giờ!  Anh có thể quả quyết với em là như thế.  Từng khuôn mặt bạn bè, cho đến các đồng đội đã từng chen vai, sát cánh với anh trên cùng một trận tuyến trong cuộc chiến tranh đẫm máu vừa qua.  Chưa khi nào anh phủ nhận hoặc chối bỏ về quá khứ của chính mình, mặc dù quá khứ đó chẳng có gì đáng nói cho lắm!  Lúc nào anh cũng tỏ ra hãnh diện về con đường chông gai, khổ ải mà anh đã đi qua.  Lương tâm không khi nào cho phép anh, cầm bất cứ mũi dao nhọn nào để đâm lại bạn bè hoặc đồng đội anh trước đây, hầu mưu cầu lấy sự sống còn cho riêng chính bản thân mình!  Anh cho đấy là hành động nhơ nhớp, bẩn thỉu, đê hèn và xấu xa nhất.

         Ngược lại, ngay chính em cũng vậy.  Em sinh ra rồi lớn lên trên mảnh đất miền Nam thân yêu này.  Nó gắn bó, ăn sâu vào tiềm thức em bằng các hình ảnh thân thuộc cùng mọi diễn biến về tình cảm, thể hiện trong đời sống quen thuộc hằng ngày, đúc kết thành chuỗi xâu ngà ngọc của kỷ niệm.  Anh nghĩ rằng:  Không khi nào em có thể quên được!  Mặc dù em cố tình lẩn trốn, hoặc chối bỏ, khước từ với tất cả những gì ở dĩ vãng. Từ con đường quen thuộc ngày xưa mà em vẫn thường đi qua, cho đến người tình xa xăm đã gục ngã, vùi thây trong khoảnh rừng già, âm u, ngút ngàn, tận vùng Cao Nguyên hẻo lánh - nơi anh đồn trú trước đây. Tín chết!  Chết một cách khủng khiếp trong trận đánh dữ dội, khốc liệt.  Chính anh chứng kiến tận mắt nó chết.  Chết vội vã, tức tưởi.  Trên khóe mắt sâu hút, anh đọc thấy được nỗi khắc khoải, băn khoăn còn đọng lại, phảng phất ở trong đấy.  Nó chết đi và cuốn theo biết bao nhiêu mộng ước bình dị, dở dang vào không gian bất tận.  Anh đành phải bất lực, trước sức phản kháng dữ dội của địch quân.  Với biết bao nhiêu đợt xung phong, để rồi cuối cùng anh vẫn không tài nào lấy được xác nó!  Chính vì thế, đơn vị anh đành phải hứng chịu những trận mưa pháo nẩy lửa, kinh hoàng, cùng các cuộc tấn công ồ ạt, điên cuồng của lực lượng ngổ ngáo chính qui Bắc Việt.  

          Sau trận đánh ác liệt, thảm khốc ấy, đơn vị anh chẳng khác nào như chiếc áo loang lỗ, lem luốc, bám trên thân hình tiều tụy của những người dân thuộc vùng kinh tế mới, hiện đang sống vất vưởng, lây lất tại mấy nơi nghèo nàn, hẻo lánh, sơ xác, hiu quạnh.  

         Anh thoát chết trong trận đánh đó là nhờ vào bản tính liều lĩnh, nẩy sinh ra ý định táo bạo, mở đường máu xông ra để tìm sự sống.  Anh đánh điện tín về Sài Gòn báo tin cho em hay.  Vài ngày sau, anh nhận được thư em với đầy rẫy lời lẽ chua chát, trách cứ, đay nghiến anh thậm tệ.  Anh sững sờ, ngẩn người nghe lòng mình tê điếng.  Anh tưởng rằng, sau cái chết của Tín, sẽ làm cho em chua xót, sống âm thầm bên các công thức, phương trình cùng mọi khuôn mặt ngây dại đóng khung ở lớp học.  Anh vẫn còn nhớ, đã có lần em tâm sự với anh, vào buổi chiều mưa ồ ạt trút xuống Sài Gòn như thác đổ.  Lần đó, anh được nghỉ phép thường niên để về thăm gia đình.  Sau khi đọc xong lá thư của Tín nhờ anh trao tận tay cho em.  Lá thư Tín viết không dài lắm!  Viết trong căn hầm nhỏ hẹp, tối tăm, nồng nặc xông lên mùi ẩm thấp.  Lá thư với những dòng chữ nguệch ngoạc, ngắn gọn, nhưng cũng đủ nói lên được cái tâm trạng u uẩn của người lính vùng biên trấn.  Người lính sống nay, chết mai.  Người lính viết cho người tình bé nhỏ ở hậu tuyến.  Người lính gắn bó với những thửa rừng già màu lục, cùng các đồi núi chập chùng, ngút ngàn, bát ngát.  Em ngước lên nhìn anh với cặp mắt bùi ngùi, chứa chan niềm thương cảm ở trong đấy.  Bên ngoài, cơn mưa vẫn thản nhiên trút xuống như thác đổ, kéo theo từng lũ rác rưởi, lềnh bềnh, đổ xô, cuốn trôi về cuối ngõ.  Tự nhiên anh nẩy sinh ra ý tưởng hết sức là ngộ nghĩnh.  Cho dù trận mưa có mạnh bạo, sỗ sàng đến thế nào đi chăng nữa!  Nhưng nó vẫn không tài nào tẩy xóa được những buồn phiền, đắng cay, tê tái, nhức nhối ở tại đời sống này.  Em ném tầm mắt nhìn ra bên ngoài, như muốn gửi gấm về nơi xa xăm, chân trời ấy, nỗi nhớ nhung thầm kín hôm nay, cùng mọi ước nguyện tươi đẹp về một bình mình rạng ngời, rực rỡ ở tương lai.  Thoáng chợt, em cất nhẹ lên tiếng thở dài nghe thật não nề, ai oán.  Im lặng!  Tất cả đều im lặng!  Chung quanh anh, căn phòng đều trùng xuống sự im lặng lạ thường.  Thứ im lặng nặng nề, đặc quánh, buồn se sắt.  Lát sau, em mới quay sang nói với anh bằng câu hết sức là cảm động:

“Đời em chỉ có Tín là tuyệt đối.  Nói dại, ngộ nhỡ sau này Tín có mất đi, em sẽ trở thành vô nghĩa giữa dòng đời rộng lớn, đầy phong ba, bão táp, phiền toái này.”

          Nhưng!  Rồi!  Em đã quên.  Quên đi một cách vội vã, nhanh chóng.  Anh phân vân tự hỏi. “Sao vậy!” Phải chăng, đấy là phương tiện, là cứu cánh để chạy trốn dĩ vãng.  Cái dĩ vãng của một thời yêu đương lãng mạn.  Anh tìm đủ mọi lý do để biện minh cho em.  Em còn trẻ.  Trẻ thật sự.  Dù sao đi chăng nữa, em vẫn chỉ là đứa con gái không hơn không kém!  Chính vì thế, em cần phải có tương lai.  Cần phải có gia đình để có chỗ nương tựa như đám con Phượng, con Loan, con Liễu ở trong xóm.  Chúng nó đều là chỗ bạn thân với em.  Đều chơi chung, học chung với em ngay từ dạo còn ngồi ở dưới bậc tiểu học.  Rồi lên đến trung học.  Và!  Cứ thế, cứ thế, cái mối giây tình cảm ấy, mỗi ngày mỗi phát triển theo tốc độ của thời gian rồi đổi màu thành xanh mướt cho đến ngày hôm nay.  Đâu có lý nào lại bắt em phải ở vậy cho đến mãn đời, mãn kiếp!  Em bước chân lên xe về nhà chồng chỉ vỏn vẹn sau bốn tháng Tín mất.  Anh vẫn còn nhớ!  Năm ấy là năm 1969.  Năm mở màn cho trận đánh Ben Hét.  Trận đánh nẩy lửa, kinh hoàng, dài lê thê đến gần cả bốn tháng trời ròng rã.  Và!  Đấy cũng là lần đầu tiên, các đơn vị thuộc Vùng 2 Chiến Thuật đã phải chiến đấu đơn độc, lẻ loi trên địa bàn của mặt trận Tây Nguyên.  Anh nhớ mãi trận đánh ấy.  Trận đánh dai dẳng, để đời.  Trận đánh đã gây xôn xao trong dư luận quần chúng, cũng như là báo chí vào thời điểm lúc bấy giờ.  Trận đánh đã khiến cho ai nấy đều phải nhăn mặt, lắc đầu, đồng thời dẫn tới sự đánh giá và so sánh, về sự chênh lệch quá xa, nghiêng hẳn về phía bộ đội miền Bắc.  Chẳng những họ hơn hẳn về mặt quân số, mà ngay đến cả về phần vũ khí, đạn dược, họ cũng còn trội hơn ta nữa là đằng khác!  Nói như thế, em cũng đủ hiểu, cán cân lực lượng giữa đôi bên chẳng tương xứng chút nào!  Chính vì lẽ đó, anh cùng đồng đội, đã phải vất vả chịu đựng các cuộc tấn công phủ đầu, cùng những trận mưa pháo ào ạt, lũ lượt kéo tới, rồi chúi xuống nổ tung tóe, cấy xới xuống vị trí mà đơn vị anh đương đóng.  Có đêm, bọn anh còn phải khiêng xác của đồng đội, mò mẫm, lặn lội, di chuyển dưới cơn mưa rừng mịt mù, tầm tã. Trong khi đó, từng loạt bom cứ lạnh lùng, âm thầm trút xuống, rồi đua nhau nổ rền, vang động cả một góc rừng ở sau lưng.

         Chắc hẳn em vẫn còn nhớ năm 1971!  Năm mà hầu hết ai nấy ở miền Nam cũng đều nghe nói đến chiến dịch Hạ Lào.  Đến cuộc hành quân Lam Sơn 719 diễn ra ở tại Vùng 1 Chiến Thuật.  Cuộc hành quân được các giới chức cao cấp đánh giá là cuộc hành quân lịch sử, qui mô và táo bạo nhất kể từ trước cho tới nay.  Cuộc hành quân mở ra với chủ đích, là tìm và tiêu diệt địch, đồng thời phá hủy các cơ sở hậu cần của bộ đội Bắc Việt nằm trong vùng rừng núi Nam Lào.  Ngày nào trên hệ thống phát thanh của đài Tiếng Nói Quân Đội cũng đều ra rả những bản tin tức sốt dẻo, về các cuộc giao tranh đẫm máu của những đơn vị lẫy lừng đang diễn ra ở ngoài mặt trận.  Trong giai đoạn này, bỗng nhiên anh lại có lệnh thuyên chuyển về phục vụ tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.  Miền xình lầy của Vùng 4 Chiến Thuật.  Nếu không nhắc tới thì thôi!  Mà cứ nhắc đến, thì y như, anh lại cảm thấy rùng mình, ớn lạnh cả toàn thân.  Đời thuở nào, trước khi nắm được cái sự vụ lệnh thuyên chuyển ở trong tay, anh đã phải trả bằng một cái giá thật quá đắt.  Một cái giá mà theo như anh nghĩ, khó có thể nào quên được trong đời sống hiện hữu, bấp bênh này.  Liên tiếp suốt cả mấy ngày đêm không ngủ.  Mấy ngày đêm, anh cùng đồng đội phải nằm mọp ở dưới giao thông hào.  Phải nhai cơm sấy ở tại chỗ và lúc nào cũng không quên, ghì chặt lấy tay súng, để chống trả những đợt tấn công điên cuồng, ác liệt của địch quân.  Giữa giây phút thập tử nhất sinh đó, anh có cảm tưởng như mình khó có thể nào về được tới Sài Gòn, để nhìn lại bạn bè cùng mọi người thân thuộc ở trong gia đình.  Tính cho đến ngày hôm nay, lẩm nhẩm mà đã mười mấy năm trôi qua rồi đấy em!  Mười mấy năm.  Nhưng!  Anh vẫn tự hỏi!  Tại sao dạo ấy, lệnh thuyên chuyển lại không về sớm hơn chừng dăm ba tuần lễ!  Mà lại ra đúng ngay vào giữa lúc tình hình chiến sự đang biến chuyển sang giai đoạn gay go và quyết liệt nhất.  Đúng là cái số xui xẻo có khác!  Cái số phải chịu cảnh gian truân, trắc trở cả một đời.  Giữa lúc tình thế đang bước vào thời kỳ nóng bỏng, xôi xục, thì chẳng có đơn vị nào lại tốt bụng, cho mình ra đi một cách dễ dàng đâu em!  Chắc chắn họ sẽ viện ra đủ mọi lý do để giữ chặt lấy mình lại.  Họ giữ lại để cân hồ.  Giữ lại vì lý do công vụ!  Vì nhu cầu cấp bách, đòi hỏi của chiến trường.  Đấy là cái lý do hợp lý và xác đáng nhất, để họ neo anh lại, ròng rã suốt gần cả một tháng trời ở trên đấy.  Nói như thế, em cũng đủ hiểu, cường độ chiến sự tại vùng tam biên trong giai đoạn này, được mô tả là xôi đọng, khủng khiếp hơn lúc nào hết.  

          Xuyên qua hệ thống truyền thanh, truyền hình cũng như là báo chí ở Sài Gòn, em mới chỉ biết được phần nào về mấy trận đánh sinh tử đã diễn ra ở vùng rừng núi tam biên.  Về ngọn đồi 1100.  Ngọn đồi còn được đặt cho một cái tên là Căn Cứ Hỏa Lực số 6.  Căn cứ này đã bị thất thủ.  Bị tràn ngập.  Bị đánh tan bởi lực lượng hùng hậu, ngổ ngáo đông gấp bội.  Ngoài ra, em cũng đâu có biết được lực lượng của ta là bao nhiêu!  Về tình trạng thiếu hụt quân số ở ngoài tiền tuyến.  Về trường hợp của tiểu đoàn anh bị xé lẻ, chia ba.  Chia ba có nghĩa là Tiểu Đoàn bị phân tán, chia ra thành ba ngả khác nhau.  Một Đại Đội có nhiệm vụ giữ an ninh cho phi trường Phượng Hoàng.  Nói như thế, Tiểu Đoàn chỉ còn lại có Đại Đội Chỉ Huy cộng với một Đại Đội tác chiến nằm trấn thủ ở trên đó.  Đối với lực lượng chênh lệch, ít ỏi như thế, thì thử hỏi, làm sao mà tiểu đoàn anh có thể chống đỡ nổi với các đợt tấn công nẩy lửa, ồ ạt, dũng mãnh của địch quân lúc bấy giờ!”

         Còn riêng anh cùng đồng đội thì bị khóa chặt.  Bị bao vây trên ngọn đồi 1314.  Ngọn đồi còn được quen gọi là Căn Cứ Hỏa Lực số 5.  Hai căn cứ này được thiết lập kể từ ngày quân đội Mỹ còn hiện diện ở tại nơi đây.  Chính anh cùng đồng đội đã từng cố thủ ở trên trên đấy.  Từng chiến đấu vật vã, liên tiếp suốt cả mấy ngày đêm không ngủ.  Mấy ngày đêm cận kề với sự chết.  Mấy ngày đêm, anh tưởng chừng, thân xác anh sẽ bỏ lai rồi vùi thây ở trên đó.  Giữa lúc anh cùng đồng đội đang rơi vào tình trạng cạn kiệt, đuối sức, thì cũng chính là lúc, đơn vị anh được giải vây, đồng thời bọn anh được cứu thoát.  Công lao ấy đều nhờ vào sức chiến đấu gan lì, quả cảm của các đơn vị tiếp viện. Và!  Cũng nhờ đó, anh mới được lệnh bàn giao, rồi trở lại Tân Cảnh, để nhận sự vụ lênh thuyên chuyển về miền Tây xình lầy.  Trong lần này anh lại có dịp gặp được em ở Sài Gòn.  Anh hỏi em về đời sống gia đình.  Về con cái.  Về người chồng đã gắn bó với em trong suốt khoảng thời gian vừa qua.  Em điềm đạm, nhỏ nhẹ nói với anh:    

“Bây giờ thì em đầy đủ quá rồi.  Em chẳng còn thiếu bất cứ một thứ gì, từ tinh thần cho đến vật chất!”

          Em ngừng lại trầm ngâm trong giây lát rồi nói tiếp:

“Anh Ngữ mỗi ngày hai buổi đi làm.  Em cũng vậy.  Cháu Lan còn nhỏ dại, ở nhà với bà ngoại.  Cháu rất ngoan anh ạ.  Như vậy, em còn đòi hỏi gì nữa bây giờ!  Em mãn nguyện lắm rồi.  Chân lý về hai chữ hạnh phúc là gì hở anh!  Phải chăng, đó là thành tựu của mọi kết quả mà mình đã xây dựng được.  Có phải đúng như vậy, không anh!”

         Anh lưỡng lự, suy nghĩ về câu nói ấy.  Nó chẳng khác nào như thứ âm hưởng, vương vấn thường xuyên trong đầu óc anh.  Hay nói khác đi!  Đó chính là món hành trang đem theo anh trên các nẻo đường hành quân xa xôi, diệu vợi.  Thời gian cứ lạnh lùng trôi qua.  Anh vẫn chỉ là người lính không hơn không kém!  Anh dẵm chân xuôi ngược trên các khoảnh rừng già biên giới Tây Nguyên, cho đến miền xình lầy của Vùng 4 Chiến Thuật.  Anh vẫn là anh.  Miệt mài và thầm lặng.  Từ chiến trường Ben Hét nẩy lửa.  Chư Pa heo hút.  Daksan ngùn ngụt khói súng.  Căn Cứ Hỏa Lực 5 kinh hoàng trong mưa pháo của địch quân.  Chính anh nằm trên ngọn đồi ấy, ròng rã suốt cả mấy ngày đêm không ngủ.  Mấy ngày đêm khiến cho thần kinh anh bị căng thẳng tột cùng.  Mọi tế bào trên thân thể anh hầu như muốn vỡ tung ra.  Anh cùng đồng đội đều phải khom mình ở dưới giao thông hào, chăm chú, quan sát, hầu đối phó với từng đợt tấn công điên cuồng và liên tục của địch quân.  Đầu óc anh lúc bấy giờ bị quay cuồng trước những tiếng nổ long trời, lở đất.  Những tọa độ phản pháo.  Những hỏa tập cận phòng cùng mọi từ ngữ quân sự quen thuộc để điều chỉnh các phi tuần oanh kích.  Anh tưởng rằng, mình sẽ chết trong trận đánh ấy.  Nhưng!  Cuối cung, anh vẫn sống, vẫn thở, vẫn đi, đứng, lành lặn như mọi người khác, rồi trở về để gặp lại gia đình cùng bạn bè thân thuộc.  Vợ chồng em có nhã ý, mời anh đến tận nhà để dùng cơm, với chủ đích là mừng anh được thoát nạn.  Dí dỏm hơn nữa, em còn xin lễ tạ ơn cho anh.  Anh vô cùng cảm động trước tấm thịnh tình cao đẹp đó và đóng khung nó vào cái vị trí đặc biệt trong toa tàu kỷ niệm ở trong anh.

            Sau lần gặp gỡ ấy, anh lại tiếp tục lầm lũi, âm thầm đi vào chiến trường mới.  Từ Chương Thiện, U Minh, Cam Bốt, Cà Mâu, Kiến Phong, Kiến Tường, Cô Tô, Hòn Me, Hòn Sóc….Nơi nào anh cũng đến rồi lại đi!  Máu cùng mồ hôi anh đã từng nhỏ xuống mảnh đất ấy, văng vãi, loang đầy trên những ngọn cỏ, rồi tuần tự thâm lại, thấm luồn vào mạch đất.  Đã bốn lần trực thăng đưa anh từ chiến trường về quân y viện điều trị.  Bốn lần xuất viện, nghỉ dưỡng bệnh, rồi quay đầu trở lại chiến trường.

            “Đời anh là cả một chuỗi ngày dài sương gió.” 

            Phải!  Đúng thế!  Chính em đã thốt lên câu nói ấy.  Đời anh gắn liền với mặt trận, đối diện trưc tiếp với sự chết.  Anh không thích sống ở văn phòng!  Kiểu cách và khúm núm.  Điều đó anh không thích!  Anh không muốn luồn cúi và nịnh bợ!  Chính vì điểm này mà đời anh mới khổ.

           Anh lầm lũi trong đời sống tác chiến, để rồi trong thoáng giây ngơi nghỉ, chuyếnh choáng trong cơn say, hầu tạm quên đi nỗi xót xa, nhọc nhằn, nghiệt ngã khoác lên trong cuôc sống.  Chưa bao giờ anh khước từ với bất cứ một mục tiêu nguy hiểm nào!  Chưa bao giờ!  Anh có thể thẳng thắn nói với em là như thế.  Anh vẫn là người lính có kỷ luật với đầy đủ mọi ý nghĩa thầm kín của nó.  Quân đội chỉ có kỷ luật.  Bởi vì điều dễ hiểu:  Kỷ luật là sức mạnh của quân đội.  Trong binh thư cũng chưa hề dạy anh đầu hàng một cách nhục nhã, đau đớn, chua chát đến như vậy.  Cuối cùng, rồi bài toán cũng dẫn tới đáp số bi thảm, cay đắng bằng cả sự thất bại toàn diện ở miền Nam.  Anh cùng đồng đội đành phải miễn cưỡng buông súng, để rồi nhận lãnh cái hậu quả ê chề, đè nặng, dồn nén xuống người anh.

          Thấm thoát mà đã mười bốn năm vùn vụt qua đi.  Mười bốn năm đi qua đời anh chẳng khác nào như cơn ác mộng hãi hùng.  Mười bốn năm, anh vẫn sống.  Vẫn thở.  Vẫn sinh hoạt đều đặn, đi, đứng như mọi người khác!  Mười bốn năm, cuốn trọn ở trong anh, vỏn vẹn chỉ có mỗi điều duy nhất, là không khi nào anh quên được cái biến cố của mười bốn năm trước đây!  Nó ghi lại ở trong anh bằng cả nỗi đắng cay, dằn vặt, tê buốt mà theo như anh nghĩ, khó có thể nào nhạt phai ở cuộc đời còn lại!  Nhiều đêm, anh vẫn tự nhủ thầm với chính mình:  Phải quên!  Phai cố quên đi tất cả để sống với chuỗi ngày tháng hờ hững, trống trải, vô nghĩa ở trước mặt.  Anh cố tìm cách để xua đuổi, tẩy uế các vết thương ấy ra khỏi ngoài tâm thức.  Nhưng!  Ngược lại!  Nó chẳng khác nào như chứng bệnh nan y, bất trị!  Thứ ung nhọt mưng mủ, lây lan, lở lói, bám cứng, dính chặt ở trong anh từ năm này sang đến năm khác!  Chưa bao giờ anh xây dựng ước vọng to lớn nào cả!  Chưa bao giờ!  Anh muốn sống giản dị, bình thương như mọi người khác, hầu tích lũy vốn liếng căn bản cho tương lai của những đứa con anh đương sống ở Việt Nam.  Chúng đang đi trên vỉa hè thối tha ở Sài Gòn.  Chúng đương ngủ chập chờn hoặc suy nghĩ về thân phận mơ hồ của người cha chúng nó trước đây.  Chúng đương bị tiêm nhiễm, đầu độc bởi thứ lý thuyết mù quáng, vong bản, đi ngược lại với những nguyện vọng thiết tha của toàn dân.  Chúng sẽ bị lôi cuốn, nhập cuộc vào các cuộc chiến tranh tàn bạo, phi lý và vô nghĩa.  Anh không biết mình phải làm gì bây giờ!  Thất vọng, anh phác lên cử chỉ yếu ớt.  Hằng bao nhiêu người bị chôn vùi tuổi xuân vào chiến trường Campuchia.  Bao nhiêu người ra đi vĩnh viễn để xây dựng lý tưởng hão huyền, mù quáng.  Còn bao nhiêu người nữa đang chuẩn bị để lấp vào cái khoảng trống rộng lớn, thênh thang đó.  Chán nản, anh cất nhẹ lên tiếng thở dài ngao ngán, buông thả niềm suy tư, nổi trôi về quá khứ của giai đoạn lịch sử tang thương nhất.  Lịch sử sau này sẽ viết gì về thời điểm đó!  Viết gì!  Cho đến giờ phút này, anh mới nhận chân ra được.  Chính cái biến cố ngàỳ ba mươi tháng tư, năm một nghìn chín trăm bảy mươi lăm, đã phơi bày, lột tả hết được từng góc cạnh về chữ “trung,” chữ “tín” cùng mọi thái độ hèn nhát, đê tiện, váng lên tại các trại tù được mệnh danh là cải tạo.  Cũng chính cái biến cố đó, mới chứng minh được những người đàn bà can đảm, sống vì chồng và tận tụy với chồng.  Nhờ đấy, người ta mới nhận ra được chân tướng của những kẻ bội bạc, phũ phàng.  Họ đã quên!  Quên đi tất cả!  Đang tâm vùi dập quá khứ một cách trắng trợn, trơ trẽn.  Điển hình, ngay chính em cũng nằm trong cái hàng ngũ xấu xa, nhơ nhớp đó.  Em xoay lưng, chối bỏ với tất cả những gì ở quá khứ, để chung sống với kẻ thù địch của chồng mình.  Hoàn cảnh ư!  Điều đó, anh không tin!   Không bao giờ anh tin!  Anh có thể thẳng thắn nói với em là như thế.  Em đoạn tuyệt với tất cả mọi kỷ niệm vàng son, óng ả của một thời ở dĩ vãng.  Chính em là tên hung thủ đã giết Ngữ một cách tàn nhẫn không gươm dáo.  Cuối cùng, nó phải chết tức tưởi ở trong nhà tù.  Nó chết đi mà tâm tư nó còn đem theo niềm uất hận.  Sao em lại quá nhẫn tâm đến như vậy!  Quả thật!  Ngay chính anh cũng không có thể ngờ được, về sự ngoảnh mặt trắng trợn, trơ trẽn ở nơi em!  Những sợi mưa đầu mùa đã tiễn đưa Ngữ tới nơi an nghỉ quạnh hiu.  Đêm hôm đó, anh cảm thấy ray rứt, buồn rũ rượi.  Cuộc đời là những dấu chấm, dấu hỏi cùng chuỗi chán trường dài lê thê.  Em thật sự là kẻ đã lột xác.  Là kẻ đã thay đổi toàn diện từ thể chất cho đến đời sống tâm linh của chính mình.  Em đang tâm, chối bỏ cả quá khứ để chạy duổi, rượt bắt theo những ảo tưởng phù phiếm ở trước mặt.  Em tung hô, đề cao những kẻ xấu xa, độc ác, nhớ nhớp, phản bội lại dân tộc.  Nghĩ đến đấy, tự nhiên anh cảm thấy phẫn uất, tắc nghẽn, khô cứng cả cuống họng.  Thú thật, cho đến giờ phut này, anh vẫn không hiểu vì lý do gì!  Tại sao!  Vì nguyên nhân hoặc động lực nào, đã thúc đẩy em xoay chiều, đổi hướng trên bình diện của lãnh vực tư tưởng!  Bao nhiêu đêm anh trằn trọc, suy nghĩ.   Bao nhiêu đêm anh vò đầu, bóp trán, để rồi cuối cùng, anh vẫn chẳng tìm ra được câu trả lời nào cho hợp lý và xác đáng hơn!  

“Chính các anh là những kẻ có tội với tổ quốc và nhân dân.”  

           Anh nhớ mãi câu nói đó, mà em đã nói với anh vào lần gặp gỡ đầu tiên, kể từ ngày anh ra tù, và đấy cũng là lần cuối cùng anh chuẩn bị để giã từ Sài Gòn.

           Bây giờ thì anh đương đứng ở bên đây bờ đại dương.  Một vùng đất hứa xa lạ với anh về tất cả mọi phương diện.  Quê hương chỉ còn là hình ảnh lung linh, mờ ảo, tiềm ẩn ở tâm trí.  Ở đây, hai chữ tự do đều được tôn trọng triệt để và được đề cao tối đa.  Hầu hết ai nấy đều được hưởng cái quyền bình đẳng ngang nhau.  Giờ đây, anh không còn cái cảm giác hoang mang, hồi hộp, trước bóng dáng của mấy tên công an đứng lầm lì, soi mói trên các nẻo đường phố Sài Gòn như trước đây.  Anh chiêm nghiệm về ý nghĩa cao quí, đích thật của hai chữ tự do.  Chỉ có tự do mới là hạt giống vô giá nhất để ươm lên cái thảm nhung mượt mà, bóng bẩy của hạnh phúc.  Hành trang mà anh đem đến đây chỉ vỏn vẹn có số kỷ niệm cùng mọi hình ảnh thân thuộc.  Vỏn vẹn thật đơn giản mà anh cũng vẫn sống.  Sống để hy vọng.  Hy vọng về một ngày nào đó, anh sẽ trở lại và đi trên từng con đường quen thuộc xưa cũ.  Ghé vào các quán cóc bên vỉa hè Sài Gòn mà trước đây anh thường ngồi.  Thăm lại đám bạn bè cùng mọi người thân thuộc.  Anh tin rằng:  Ngày đó sẽ đến và phải đến.  Lịch sử sẽ quay đều, liên tục vào không gian lẫn thời gian bất tận.  Lịch sử sẽ chẳng bao giờ ngừng lại!  Đấy là điều hiển nhiên chắc chắn.  Làm sao em có thể biết được những gì sẽ xảy ra ở hôm nay lẫn ngày mai!  Làm sao em có thể quả quyết rằng, chế độ Cộng Sản hiện nay sẽ tồn tại, bất diệt!  Anh không tin và không khi nào anh tin!  Chúng ta hãy thử điểm lại các triều đại vàng son của một thời oanh liệt trước kia.  Các triều đại sáng chói, uy nghi của một Thành Cát Tư Hãn, Cua Tần Thủy Hoàng.  Cua Nã Phá Luân chẳng hạn.  Cuối cùng, rồi mấy triều đại ấy, cũng đều phải chôn vùi theo cát bụi của thời gian.  Nói tóm lại, tất cả rồi cũng đều phải lần lượt đi theo qui trình đào thải của thượng đế.  Anh tin chắc rằng:  Rồi một ngày nào đó, chế độ bạo quyền hiện nay ở Việt Nam, sẽ phải tuần tự đi xuống và lần lượt rã ra, cũng giống như các tảng băng trên vùng Bắc Cực bắt đầu chuyển mình vào một ngày Hạ nắng ấm.  Anh có thể quả quyết với em, là ngày đó sẽ đến và phải đến.”

        Có một điều mà ai nấy cũng đều phải công nhận rằng:  Chiến thắng mùa xuân năm một nghìn chín trăm bảy mươi lăm, đã đưa bạo quyền miền Bắc lên đến đỉnh cao của vinh quang, thì cũng chính chiến thắng ấy, đã đánh dấu sự phân hóa, lũng đoạn trên bề mặt của hệ thống tư tưởng.  Nhờ vào năm một nghìn chin trăm bảy mươi lăm, nhân dân miền Bắc mới thấy rõ được đời sống của nhân dân miền Nam.  Từ đó, họ mới có ý niệm sâu sắc về hai chữ tự do, để rồi dẫn tới thái độ đánh giá và so sánh, đồng thời mới thấy rõ được dã tâm thâm độc, xảo trá của chế độ.  Nhân dân trở nên mất niềm tin vào tập đoàn thống trị. Trong khi đó, trên cơ cấu của thượng tầng kiến trúc, thường xuyên diễn ra những tần bi kịch tranh chấp vì ảnh hưởng, vì quyền lợi.  Đấy là anh chưa đề cập tới các tệ trạng thối nát đương bành trướng, hoành hành, thao túng dưới hàng ngũ của hạ tầng cơ sở.  Phải chăng, đó là hiện tượng mở màn, để dẫn tới con đường suy thoái cho cả một chế độ.  Biết bao nhiêu mâu thuẫn, hoài nghi đương thấm dần, đục khoét, xoáy mòn nơi tâm não của người cán binh Cộng Sản.  Họ được bù đắp gì sau khi toàn thắng ở miền Nam!  Trong khi đó, chế độ lại theo đuổi tham vọng mù quáng, là xô đẩy nhân dân Việt Nam sa lầy vào cuộc chiến tranh phi lý ở Campuchia.  Chính họ mới là những tay đồ tể khát máu và hung bạo nhất trong lịch sử của dân tộc.  Họ chà đạp lên nhân dân Việt Nam, lợi dụng trên xương máu của đồng bào, để mưu cầu những tham vọng điên cuồng, bất chánh.  Lịch sử sau này sẽ gắt gao lên án họ.  Chính họ mới là kẻ có tội với tổ quốc và nhân dân. 

           Nhiều đêm khó ngủ, anh vẫn trằn trọc suy nghĩ.  Bao nhiêu năm rồi em nhỉ!  Bao nhiêu năm, họ đã đạt tới được cái mục đích cuối cùng, đó là sự chiến thắng ở miền Nam, đồng thời đề ra chính sách cải tạo xã hội ở miền Nam, lên ngang hàng với xã hội mịền Bắc, theo chiều hướng đi lên của Chủ Nghĩa Xã Hội.  Vậy thử hỏi!  Với công cuộc xây dựng xã hội, họ đã đạt tới được những thành quả nào to lớn, rực rỡ, ngõ hầu kiến tạo tương lai hứa hẹn, ngời sáng đến với đất nước.  Anh không đồng ý với em về quan điểm, cho đến mọi lập luận về nhân sinh quan theo chiều hướng của Marx.  Giữa lúc mọi người đang thức tỉnh, thấy rõ được những sai lầm, gượng ép, nằm trơ trẽn trên bình diện của lý thuyết đó, thì ngược lại, ngay chính em, lại cuồng tín, ca tụng, cổ võ cho đường lối phi nghĩa, vô nhân đạo.  Nghĩ đến đấy, tự nhien anh cảm thấy tâm tư mình đau nhói, buồn rũ rượi.

 

         Anh vẫn đi!  Đi miệt mài, phiêu lãng trên khoảnh trời xa lạ.  Cuộc đời chẳng khác nào như những vì sao đổi ngôi, phải không em!  Anh chính là tên lãng tử, lê gót trên nẻo vô định.  Trong thoáng giây dừng bước, anh giật mình, chạnh nhớ về em, về các con, cùng mọi khuôn mặt đăm chiêu trên vỉa hè Sài Gòn.  Anh đem niềm nhung nhớ về thành phố ấy.  Về mảnh đất điêu tàn, nhục nhằn.  Về thân phận làm người như em cùng mọi người khác, đang bị bao vây, bưng bít bởi những bất công, nghiệt ngã.  Trời tháng tư chói chang, khiến cho anh có cảm giác như mình đang đi dưới sức nóng cay nghiệt của những ngày tháng tư năm nào!  Tháng tư nặng nề, tang tóc, cuốn theo những sự kiện bất hạnh đến với đất nước.  Phòng tuyến Phan Rang bị thất thủ.  Tiếp nối đến Long Khánh ngùn ngụt khói súng và cuối cùng thì rơi vào sự kiểm soát của Bắc quân.  Sài Gòn lên cơn sốt tột cùng.  Sài Gòn lo âu, hớt hải, chen chúc nhau chờ di tản.  Tháng tư diễn ra với những cuộc bàn giao vội vàng, hấp tấp.  Tháng tư đau nhói trong bản tin cay đắng đầu hàng.  Tháng tư buông súng.  Tháng tư hạ màn, kết thúc.  Tháng tư ảm đạm, thê lương.  Ngay buổi chiều hôm ấy, địch pháo kích vào bệnh viện thị xã, nhằm cảnh cáo, uy hiếp tiểu khu.  Tướng Hưng tự sát.  Tướng Nam cũng tìm cái chết để đền nợ nước.  Tướng Hai ở căn cứ Đồng Tâm cũng kết liễu cuộc đời bằng viên độc dược oán hờn.  Nghe đâu, có cả tướng Phú ở Sài Gòn.  Tướng Vỹ ở Lai Khê.  Một người bạn cùng đơn vị nói với anh như thế.  Anh nghiêng mình đem niềm kính phục về năm vị tướng tuẫn tiết này.  Những vị tướng noi theo gương Hoàng Diệu, Phan thanh Giản.  Những vị tướng đi vào lịch sử.  Những vị tướng đã nêu cao tinh thần bất khuất của dân tộc.  Anh liên tưởng đến buổi sang ảm đạm, thê lương hơn bao giờ hết.  Buổi sáng mà người dân tỉnh lỵ đều ngơ ngác, hoang mang trước các đơn vị địa phương, xốc xếch trong bộ đồng phục nylon dầu, cùng chiếc nón tai bèo, lác đác vào tiếp quản thành phố.  Anh nhớ đến cánh cửa sắt nặng nề của khám đường được mở ra và mọi người đều sững sờ nhìn nhau thầm hiểu.  Từng bài học chính trị nhạt nhẽo, cho đến cái chính sách lật lọng, bịp bợm đã chôn vùi tuổi trẻ ở trong anh xuống tận cùng của hố thẳm đen tối, của ngục tù, của nông trường lầm than, đọa đầy, bỏng cháy.  Anh vẫn còn nhớ câu mà anh nói với em vào lần gặp mặt đầu tiên kể từ ngày anh bước chân vào trong tù:

“Bây giờ anh chẳng khác nào như tên nô lệ thời trung cổ.  Một tên nô lệ không hơn không kém, trước những hành động thô bạo, dã man của những kẻ chiến thắng hung tàn, bạo ngược.”

           Nói xong, anh nhếch miệng cười chua chát.  Em thỏ thẻ bên tai anh:

“Chừng nào thì anh được trả tự do!  Em nghe nói là không lâu đâu anh ạ!  Nhưng vấn đề chính yếu được đặt ra, là mình phải kiên trì để đạt tới sự tiến bộ thật sự về cả hai lãnh vực, từ tư tưởng cho tới lao động.”

           Anh ngước lên nhìn em, rồi chậm rãi dằn từng tiếng:

“Cho đến giờ này em vẫn còn tin tưởng ở nơi họ hay sao!  Tiến bộ!  Thế nào gọi là tiến bộ!  Chẳng qua đấy chỉ là tấm vải thưa để che đậy cái dã tâm quỉ quyệt, xảo trá ở bên trong.  Anh không tin!  Không khi nào anh tin!  Ngay từ khi anh bước chân vào khám đường Vĩnh Long, anh mới thấy rõ được sự sai lầm của chính mình.  Anh đã quyết định vạch sẵn cho mình một con đường để đi.  Một con đường mà theo như anh nghĩ, khó có thể nào đạt tới được sự thành tựu mỹ mãn như ý mình hằng mong muốn.  Nhưng!  Anh vẫn phải chấp nhận và theo đuổi nó cho đến tận cùng.  Bởi vì!  Như em cũng đã biết.  Anh không còn giải pháp nào khác hơn để lựa chọn!  Anh sẽ trốn!  Từ giã khỏi nơi tù túng, đầy ải này.  Không có lý do nào để trói buộc anh phải chôn vùi cuộc đời ở tại nơi đây!  Anh biết rằng, đây là quyết định hết sức táo bạo.  Một quyết định điên rồ thì đúng hơn.  Một quyết định rủi nhiều, may ít.  Nhưng anh vẫn phải chấp nhận tất cả.  Chấp nhận mọi hậu quả rủi ro, bi đát sẽ đến với anh!  Cho dù có phải đổi cả cái tính mạng gầy gò, ốm yếu này đi chăng nữa!” 

          Ngừng lại vài giây, anh đổi giọng, bầy tỏ sự chán trường của chính mình: 

“Thật ra, anh đã chán quá rồi!  Chán thật sự!  Chưa bao giờ anh nghĩ đến ngày về!  Bởi vì nó còn xa lắm, mù mịt, thăm thẳm ở mãi tận cuối chân trời.”

           Em dơm dớm nước mắt:

“Đừng!  Anh!  Đừng bao giờ dại dột!  Trốn ra trong lúc này thì chỉ có mỗi con đường duy nhất là dẫn đến sự chết.”


           Thoắt chốc mà mười bốn năm trôi qua rồi đấy em! Tốc độ thời gian thật quá nhanh em nhỉ!  Mười bốn năm làm cho chúng ta già hẳn đi.  Mười bốn năm còn đọng lại nơi ký ức của chúng minh được những gì!  Đau đớn, tủi nhục cùng nỗi băn khoăn về tương lai đục tối của đàn con chúng mình.  Có phải đúng như vậy không em!

           Mười bốn năm đi qua đời anh, là cả chặng đường dài nhục nhằn, gian khổ.  Mười bốn năm kéo lê thân xác héo gầy qua các nhà tù Tri Tôn, Tịnh Biên, Long Xuyên, Châu Đốc, Tà Đảnh, Chí Hòa với chuỗi ngày tháng dai dẳng, hồi hộp, lo âu.  Suối Máu cùng chuỗi năm tháng khổ sai lao động trên nông trường Đồng Hòa hẻo lánh.  Rốt cuộc, anh cũng vẫn sống, rồi trở về để nhìn lại em cùng các con.   Nhìn lại Sài Gòn với nỗi xót xa gợn nhăn ở tâm thức.  Sài Gòn tiều tụy hẳn đi từ khuôn mặt cho đến chiều sâu của nó.  Anh có cảm giác như mình đang đứng trên thành phố xa lạ nào khác!  Sài Gòn hôm nay khác hẳn với Sài Gòn của những năm tháng thuở nào.  Một Sài Gòn lạc quan biến mất, nhường bước cho Sài Gòn của lo âu, của khắc khoải, của đăm chiêu, tư lự cùng những khuôn mặt cằn cỗi, nhăn nheo, già nua đi trươc tuổi.

           Anh gửi về em nỗi nhớ nhung thầm kín hôm nay, cùng nỗi ưu tư, khắc khoải, phiền toái đang âm ỉ, gậm nhấm trong tâm linh anh nơi chân trời mới này.  Anh mơ về một ngày nào đó.   Một ngày thật đẹp trời, chan hòa với đầy đủ mọi ý nghĩa sâu sắc, trọn vẹn về hai chữ tự do cùng nền hòa bình đích thực trải rộng trên quê hương mình.  Quê hương là tiếng gọi thiêng liêng, cao cả.  Là nơi mà anh được sinh ra, uống từng dòng sữa mẹ ngọt ngào ở nơi đấy.  Nó có hấp lực mãnh liệt gắn bó anh vào từng con đường quen thuộc, cho đến từng cánh đồng phẳng lì, mượt mà chạy dài thẳng tắp.  Từng ngôi làng thân yêu cho đến các cụm rừng già ngút ngàn cùng những dòng sông hiền hòa, rực rỡ.  Từ đó, nó gói ghém, chắt chiu thành những tháp ngà vàng óng của kỷ niệm.  Những kỷ niệm ấy cứ sống mãi, chôn chặt ở trong anh, và anh có bổn phận ôm ấp, nâng niu nó như một thứ kỷ vật ngà ngọc, vô giá khó quên ở tại đời sống này.

           Anh mang nỗi uẩn khúc, sâu kín đến thành phố xa lạ.  Thành phố mà anh mới đặt chân đến được mấy ngày hôm nay.  Chung quanh anh, người ta đương xôn xao, chuẩn bị đón mừng mùa giáng sinh bừng đến cùng một năm mới dương lịch tràn đầy hy vọng.  Thành phố rực sáng với những ánh đèn màu lấp lánh về đêm, cùng những trận mưa tuyết lạnh lẽo, âm thầm, mịt mùng rơi xuống.  Thành phố mà ai nấy đều bình thản, lạc quan về tương lai đất nước họ.  Họ sống với đầy đủ ý nghĩa sống.  Anh buông ý nghĩ về quê hương đọa đầy.  Về bóng tối đương trùm kín trên mọi nẻo đường đất nước hôm nay.  Về đám bạn bè đang tuyệt vọng trong phạm vi hạn hẹp của bốn bức tường thối tha, đen tối.  Tự nhiên, anh muốn hét lên một tiếng thật to, để vơi đi được phần nào nỗi uẩn ức đang trào lên, tắc nghẽn ở trong anh hiện giờ.  Thoáng chợt, anh muốn thắp lên điếu thuốc.  Anh thò tay vào túi quần, rút ra bao thuốc, lấy một điếu, cài lên môi, rồi bằng động tác thật khoan thai, bật hộp quẹt châm lửa.  Anh cố rít một hơi cay xé xuống buồng phổi, rồi thản nhiên ngước lên thở ra nhè nhẹ.  Từng lọn khói no tròn, uốn éo tỏa ra, cuốn theo biết bao nhiêu nỗi muộn phiền, đắng cay, tê tái của người dân tỵ nạn./.