văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, November 28, 2012

LAN ĐÀM * TIỂU TRUYỆN TIÊU SƠN












BÀI TRƯƠNG QUỲNH NHƯ

Ta còn rượu, chỉ vắng người,
Bài thơ họa dở, tình ơi sao buồn.
Kinh kỳ lạnh những hoàng hôn,
Lối quen, lầu cũ bước dồn sợ đau.
Tiêu Sơn cách mấy giang đầu,
Xa thêm- người đã thay mầu áo xưa.
Khuê phòng trằn trọc tiểu thư,
Rừng hoang, cổ tự, thiền sư ngậm ngùi.
Nến hồng lửa ngọn chẳng vui,
Vườn khuya trăng cũng ngủ vùi trong mây.
Sương đêm mờ mịt sông đầy,
Vạc kêu, ta nhớ vừa say một mình.

BÀI PHẠM THÁI

Từ mượn nâu sồng che kiếm bạc,
Mười năm gió núi lộng thư phòng.
Rượu cạn, bình khô, chiều nắng tắt,
Nhớ người, tê buốt ngọn thu phong.

Thao thức nghìn khuya Tiêu Sơn lạnh,
Nửa đời mộng lỡ, nhạt chờ mong.
Cổ tự mưa sương chìm cô quạnh,
Kệ buồn, tráng sĩ để sầu đong.

Gươm báu vẫn nằn yên trong vỏ,
Ngựa chồn soi bóng lặng suối trong.
Những sớm rừng hoang vang tiếng mõ,
Trông vời, xa cách mấy Thăng Long.

Thôi trả dọc ngang cho thiên hạ,
Tình ơi, chuyện cũ sót sa lòng.
Khóe mắt giai nhân tàn chí cả,
Chùa nghèo, trà đắng, nhện đầy song.













ĐOẠN CUỐI, TIÊU SƠN
Trương Quỳnh Như

Nhớ người chợt tỉnh cơn say,
Kinh đô đêm lạnh, trăng gầy mông lung.
Gọi tên âm lạc thanh chùng,
Tiêu Sơn xa đã muôn trùng, tình ơi.


Phạm Thái

Dọc ngang thôi trả cho đời,
Tương tư xin gửi lại người, Quỳnh Như.
Lời kinh thay tiếng tạ từ,
Chiều sương, chùa vắng, thiền sư nghẹn ngào.

Bạt

Giai nhân, hề, vẫn chiêm bao
Thất phu, hề, biết chốn nào dung thân ?

LAN ĐÀM

Cung Tích Biền * Ở trỏng là khói mây



1-
“ Về thăm nước lâu ngày, cháu thấy nơi đây luôn có một cái gì ở trỏng”.
“Ở trỏng là nghĩa làm sao? Ở trỏng cái gì?”.
“ Nghĩa là trỏng mùa xuân, xã hội này luôn có héo hắt thu, có lạnh lẽo đông. Rất nóng bức hạ”.
“ Cô không sành tiếng Việt. Nên gắng gói gọn và nói rõ ràng hơn”.
“ Nghĩa là vấn đề, là có bao vấn đề, những dữ liệu trong sử sách, những hiện tượng xã hội, khắp bao la mịt mùng sự việc thường nhật đang tỏ lộ, bày biện ra trên bề mặt hiện thực này luôn có một cái gì còn khuất lấp, ẩn giấu phía sau cái chúng ta đang rõ ràng nhìn thấy hoặc hiểu biết”.
“ Cô muốn nói đến cái bí ẩn đằng sau những hiện tượng?”
“ Không phải. Cháu muốn nói đến cái lương thiện, cái sự thật mà người ta đang che giấu, hủy diệt nó đi. Không có gì gọi rằng bí ẩn. Nó có đấy một giá trị, nhưng giá trị ấy đang bị bào mòn, hủy hoại”.
* * *
Nhị Xuân đến thăm tôi vào một ngày xáp Tết. Đây là dịp bà con xa xứ nhân năm mới về thăm quê nhà. Màu trời, bóng nắng, cỏ cây có khác hơn một chút. Ấy là trong khi thiêng có cái mầu nhiệm làm cho vạn vật trở nên hài hòa, tươi vui hơn, kể cả con heo con gà thấy chúng cũng chẳng lo toan chi, vẫn gáy vang, ụt ịt thư thả, dù chúng sắp bị mần thịt, bằm chặt, cho vô cối xay, làm ra chả nem, chiên nướng đưa lên bàn thờ khói hương, rồi hạ xuống hỉ hả buổi tiệc đầu xuân.
Bọn trẻ con có áo mới, thêm tuổi đời xanh tươi. Là hẳn nhiên vui. Bọn tuổi già, còn vài bước lai rai là hui nhị tì, cũng vui, xuân nhựt mà. Chung sự, ngỏm củ tỏi đấy, là một cư xử khá bình thường, giản dị và sòng phẳng. Chẳng ai bảo rằng tôi không thể món nhận quà trời cho ấy. Kẻ nào ham hố nhận quà hai lần là có một từ biệt dở dang, e nỗi trầm luân kéo dài thêm ra. // Người chết hai lần thịt da nát tan// ông Trịnh từng tài tình diễn giải.
Được cái, khi lòng nguôi ngoai, nghe ra chán hít thở khí trời, ấy là lúc những nỗi buồn thân quen, những luyến nhớ thường tình được nấu chảy ra tiếng khóc, rót vào cái hòm thiên thu. Bay bay trên ngọn lửa phù du. Lại rất gọn gàng, anh chàng trai trẻ to khỏe bặm trợn 70 ký, cụ già tóc bạc rụng răng cu teo, tất thấy đều là một nhúm xương đen, bỏ vào một cái hủ sành kích cỡ rất ư như nhau, sắp thẳng băng hàng lối trong chỗ khói hương chung. Bình đẳng rất mực. Chết, là ta đi gầy dựng một mùa Xuân khác.
* * *
Nhị Xuân sống ở Paris từ thuở lọt lòng mẹ. Cô mang hai dòng máu Việt Pháp. Cha của cô là một người bạn học cũ, thân thiết và học cùng lớp với tôi tại Huế non năm chục năm trước. Thưở ấy, anh bạn tôi được một học bổng sang Pháp du học. Sau, anh lấy vợ người Pháp, cùng là bạn sinh viên, rồi ở luôn xứ người.
Đây là lần thứ hai Nhị Xuân, cô gái 24 tuổi, về thăm quê nhà. Lần thứ nhất lúc mười hai tuổi, cô chưa biết gì Việt nam. Lần này cô trưởng thành, gọi rằng cô biết nhiều, rất nhiều, nhưng theo cô, rốt cuộc, cô than phiền theo cách không sành sõi tiếng “cha đẻ” [mẹ cô người Pháp mà] thì rằng là: “Nơi đây cái gì cũng có vấn đề ở trỏng bác ạ. Vấn đề là có quá nhiều vấn đề kỳ quái…quặc, không thể lý giải theo lô-gích khoa học được”. Tôi bảo: “ Cháu về thăm quê hương mấy ngày rồi ra đi, quan thiết chi nhiều ba cái kỳ quái…quặc mà mang…cái vấn đề vô bụng”.
* * *
Hóa ra Nhị Xuân về thăm quê nhà rồi ở luôn suốt một năm ròng. Cô làm một cuộc nghiên cứu với đề tài: “ Sự Thật nào ở trỏng một Sụ Thật đang hiển nhiên phô bày trên bề mặt xã hội hôm nay tại Việt Nam”.
Cô hứa , và nhất định thực hiện để hoàn thành ý nguyện của mình.
Chúng tôi rất thường gặp nhau. Tôi bàng hoàng vì thiện chí, sự thông minh và tiến trình hòa nhập, khám phá, của cô. Có lẽ vì ở xứ Mẹ cô đã thừa hưởng được một nền giáo dục tiên tiến, lương thiện, để nuôi dưỡng được sự tự do trong cái cách làm người của mình.
Tôi càng kinh ngạc hơn, sự hòa nhập, mang tích hiến tế, của cô có một số phận lịch sử khó giải. Cô trở về cội nguồn của cha cô. Như con tằm phải trả nợ lá dâu xanh. Như thế. Cái kén, phải được nấu chín, cái ruột nằm trong phải hiện ra cái vật chết, là thân con nhộng, thì mới ra tơ. Cái hiện tình tuy son phấn mà vô luân của lịch sử này mai kia phải hóa tro, thì Sụ Thật, cái Lương Thiện mới được bày ra sợi tơ dưới ánh mặt trời. Khi ấy bao nhiêu con người lương tri của hôm nay đang là Bãi Nhộng.
* * *
Ảnh hưởng mẹ, và môi trường ngôn ngữ bản địa, Nhị Xuân tuy đã tốt nghiệp đại học, đang là một nghiên cứu sinh tiếng Việt, cô vẫn chưa sành sõi lắm. Một câu nói chen vài ba từ nước ngoài. Giọng cô phát âm tiếng Việt thật êm ái nhưng nội dung, câu cú, hơi làm mệt người nghe.
Một hôm Nhị Xuân thánh thót:
- Cháu rất dấu yêu Việt nam. Giờ đây cháu muốn thu gọn cái đề tài vào trỏng cái chữ nghĩa. Nó gọn nhẹ hơn. Cháu tham vọng làm một án luận sẽ về văn chương Việt Nam. Cháu rất sẽ muốn nhờ bác lá lành đùm lá rách giúp cháu, như chẳng hạn bác làm một thầy dạy phạm trù ngôn ngữ, cả thảy là cố vấn luôn cái vấn đề luận án”.
Chỗ này có cái ngặt nghèo. Rõ là cô bị ảnh hưởng, dùng từ ngữ ở nhiều tình huống đôi khi không đáng dùng, hoặc dùng sai. Giúp một người cháu thì tôi sẵn sàng giúp hết lòng, nhưng nghe ra chênh vênh quá. Như việc con trâu cái cho con bò con thiếu mẹ bú sữa trâu.
* * *
Nhị Xuân đẹp huyền ảo do sự tương tác dị chủng. Sự hòa trộn mơ màng từ tâm linh đông phương với sắc thái hình hài, mọi điều mọi việc đều rõ nét lý trí của tây phương. Đôi mắt cô rộng, sáng đẹp, có lẫn chút màu ngà lạnh lạnh. Cô nhìn tôi mong đợi một sự đồng tình. Tôi lưỡng lự một lúc rồi khuyên cô nên từ bỏ ý định ấy đi. Cô tâm sự:
- Cháu muốn rất nhân đây, làm cái việc cực kỳ khó khăn này, vượt tường rào ngôn ngữ, là để sửa lại cái mất gốc Việt nam của cháu. Bác ạ, cháu muốn tìm hiểu những gì có-cái-việt-nam-ở-trỏng..Đây là quê hương của bên nội cháu mà.
Lạ. Là cô phát âm cái từ Trỏng rất chuẩn.
Chạm mặt một cái thịnh tình. Một chọn lựa trở về đầy nhiệt tâm và tha thiết. Thôi cũng đành. Trước tiên tôi khuyên Nhị Xuân nên bỏ một thời gian học cho thấu ngọn nguồn tiếng Viêt, sau, hãy tính tới các tư liệu, việc nghiên cứu.

 2-
Nghe tôi khuyên nhủ, Nhị Xuân miệt mài học tiếng “cha-đẻ”. Bằng nhiều cách. Ngoài việc mua sách đọc, vào thư viện nghiên cứu, cô xông vào chốn bụi bặm đời thường. Những ngày xuân bà con dành thời gian đi viếng chùa chiềng, thăm thắng cảnh, du lịch đó đây, Nhị Xuân la cà ở khu tây ba lô Phạm Ngũ Lão, những khu xóm nghèo, chợ búa, tiếp cận các sinh viên Việt cùng trang lứa. Có hôm tôi thấy Nhị Xuân ngồi đấu láo bên bàn rượu chỗ bờ kè kinh Nhiêu Lộc, nước kinh đen hôi kinh hoàng lúc triều xuống cạn kiệt, bày lô nhô trên những bãi bùn là rác rưởi xác thối. Nhị Xuân bận quần cộc như con trai, áo ba lỗ, cùng một bọn trai phạch ngực bàn luận thông tin vỉa hè. Đêm, cô ghi chép khá tường tận những gì xảy ra trong ngày.
Cô học cả những phương ngữ bắc trung nam. Miền trung gọi đôi tất, thì miền nam gọi ấy là đôi vớ. Có lúc cô biết nhại theo lời nhạc, cô hát // quê hương tôi cái màn mà kêu cái mùng// Cô nhận ra giọng Bắc giọng Huế, rồi tập nói, giọng rất chuẩn. Cô rủ tôi đi karaoke, cô hát rất hay. Món gì cô tập tành cũng lẹ làng.
Dân Paris, còn rất trẻ, cô lại thích cải lương. Cô tâm sự, bác ạ đời sống vùn vụt bụi bặm thế này mà hát một câu vọng cổ rề rà, nhởn nhơ như chẳng có tháng ngày, nghe ra nó loãng bớt độ đặm đặt, đời trở nên thư thả, thong dong… //Trời ơi bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu … Hà [tắt đèn tối thui] Bạn tình ơi đừng hoài công mòn mỏi đợi chờ // Hãy gọi tên anh trong những chiều sương lạnh, khi cánh nhạn bay về cuối nẻo trời xa // Hay những lúc canh khuya tựa rèm châu ngắm áng trăng tà nàng hãy nhớ đến tháng Tư Đen này có một người yêu đã vùi thây giữa vùng cát trắng… Chu Lai.
Cô hát rất mùi. Lại thêm thắt hai từ Chu Lai, và tháng Tư Đen vào bài hát. Cô bảo, cho nó ảo não cùng mình.
* * *
Một hôm Nhị Xuân rủ tôi cùng ra bến xe bến Miền Đông. Chao ôi là đám chạy xe ôm mời khách, đám bán vé xe lậu níu kéo, bọn bán hàng rong mời chào. Bụi bặm, ồn ào, một cảnh vô cùng hỗn loạn. Nhị Xuân tỉnh bơ, lại khuyên tôi coi chừng bị móc túi với giựt điện thoại. Ngon thiệt. Cô gái lai trắng dẫn tôi ra chốn phàm phu này là để cô thị hiện cái cách “Cháu đã ở trỏng Việt nam rồi ạ. Bác chớ lo về cái vấn đề ngôn ngữ.”
Tôi nghiêm chỉnh nói:
- Tôi rất phục cháu tinh thần ham học và tính khoa học trong tiếp cận. Nhưng Nhị Xuân ạ, trong đích thị những gì là văn chương thi ca rất hiếm tính chợ búa, rau cải, lái xe đò…Xe đò, rau cải, chợ búa, thậm chí tận đáy cái xã hội tục tỉu không hẳn là vô bổ vô dụng; nó vẫn là những tư liệu, chất sống, nguồn cơn đẩy ra cái bộ mặt thật của xã hội con người. Nhưng nó phải được tinh lọc, gạn chẻ khi dùng vào văn chương nghệ thuật. Khác với tây phương của cháu, nơi ấy từ trong nền móng, ngay đối với những lớp ngưởi bình dân họ vẫn được giáo dục kỹ lưỡng, được thừa hưởng một cấp độ văn hóa cao. Nơi này khác, cháu phải thận trọng, chớ bị đánh lừa.
Nhị Xuân tươi cười, nhưng cách nói của cô có chút than van:
- Nhưng trong cái văn chương nơi xứ này, ở trỏng cái chữ nghĩa của Việt nam cũng có rất nhiều…vấn đề bác ạ
- Vấn đề chi?
- Thiên về cảm tính quá.
- Không sao. Đông phương mà. Ông Lâm Ngữ Đường đã từng nói “Người Tây phương làm thơ từ cái đầu, người phương Đông mần thơ bằng…cái bụng”.
Nhị Xuân lại rên rĩ chung quanh “cái vấn đề” của cô:
- Đành vậy. Nhưng cháu thấy có tai hại khủng khiếp cái nhân cách nơi này.
- Khủng khiếp cái chi?
- Nơi này, những người gọi là trí thức Việt nam cái vấn đề trộm cướp hơi là nhiều.Văn hóa này không biết xấu hổ, chẳng biết cảm ơn, không hề xin lỗi ai, chẳng ngại ngùng trong việc trộm cướp.
- Trộm cướp ? có thể cháu dùng từ chưa chuẩn. Ta có nên nhẹ nhàng hơn không ?
Nhị Xuân trình bày rõ hơn, giọng rất quyết liệt.
- Dạ, người ta chuộng cái Danh mà bỏ đi cái Thực. Người này cổm thơ đạo văn, đánh cắp tư liệu của người kia. Cháu đã đọc một số tiểu luận, luận án, cả một số bài viết gọi rằng danh giá đương thời, đó chính là cái cháu cũng đã đọc, đã thấy có sẵn trong lưu trử trước đây nơi các thư viện. Người hôm nay chỉ làm mỗi việc nhẹ nhàng là “vào trỏng” bê nguyên tư liệu của người có trước; chép ra, rồi bỏ tên tác giả, không cần ghi chú cội nguồn tư liệu. Họ đương nhiên xem sản phầm ấy, tư tưởng, công lao kẻ khác chính là của mình. Đã là thạc sĩ, tiến sĩ sao hành tung như bọn lâm tặc. Nơi này người ta dùng chung tài sản trí tuệ, như anh em trong nhà dùng chung cái nón. Chẳng của riêng ai. Bác giải thích xem có phải vì ham danh vọng địa vị mà hóa ra trộm cướp không cần nổ súng.
Tôi cười ngất, lại hỏi:
- Ở bên Pa-ri ba – rỉ gì đấy chắc là cháu có từng ăn nước mắm?
- Ồ, mắm nước à, Ba cháu thích lắm.
- Mẹ cháu, bà đầm ấy có thích không?
- Ôi hồi đấu má cháu ói, sau ghiền.
- Nhị Xuân có biết cái gì làm cho nước mắm hấp dẫn không?
- Dạ …mùi
- Giỏi. Nhưng mùi của nước mắm mùi gì?
- Dạ hôi
- Ấy, chính cái thum thủm ấy là mùi thơm, là hấp lực đối với ai mê thích. Mê thích rồi thì Hôi chính là Thơm. Có người ca ngợi mùi nước mắm chính là quốc hồn quốc túy.
Chừng như Nhị Xuân chưa hiều cách đặt “vấn đề”mang tính ẩn dụ của tôi, cô nói:
- Bác ạ, ngoài mùi rồi còn phải vị nữa chớ bác? Bắt đầu từ cái Tết này cháu biết ăn thịt heo cuốn bánh tráng chấm nước mắm. Ngon tuyệt. Nhưng phải là nước mắm từ xác cá kia. Từ mục nát. Có cái hóa kiếp kia. Chớ nước mắm hóa chất thì huề.
* * *
Nhị Xuân là loại thanh nữ khá đặc biệt. Một cõi lai vàng-trắng thuộc loại hiếm. Không những mê nước mắm mà cả thịt chó mắm tôm. Cô ăn rất điệu nghệ. Kẹp cái mơ ra làm sao. Cái rựa mận phải dùng sau cái món nào. Đưa cay, với cô phải là rượu nếp than chớ rượu tây là sai dòng lạc điệu. Cô học cách gói bánh tét, gói nem, cách làm dưa hành củ kiệu, cô bảo cô phải mang cái phong vị Việt nam trở lại Paris trong mùa xuân tới để tặng mẹ cô.
Để trở lại câu chuyện mùi với vị, Nhị Xuân nhắc lại:
- Bác ạ, cái mùi với cái vị thường chẳng hòa điệu. Cái vị không phản ánh cái mùi. Cái mùi không giải thích được vị. Bác có thể nói rõ hơn vì sao?
- Nhị Xuân ạ, nó như cái Danh với cái Thực. Cái danh có danh thơm, và danh nặng mùi. Cháu là giỏi tiếng Việt lẫn tính Việt lắm rồi. Nhưng phải hiểu, Mùi thì tới trước, có thể lan rộng xa. Còn Vị, khi nó phải đẫm vào đến đầu môi chót lưỡi. Mùi là cái tiếng tăm. Vị là cái thực chất. Kẻ manh tâm bất chính, chính là bỏ đi cái vị, mà lấy cái mùi làm chính.
- Cháu chưa hiểu.
- Mùi là cái của các vị trộm cướp kia muốn biến ra cái danh.
Nhị Xuân lửng lơ một thoáng, rồi nói:
- Cảm ơn bác, giờ cháu hiểu ra …cái vấn đề…
* * *
Mùa xuân tới cuối mùa hạ, như nắng mưa thay nhau, Nhị Xuân khi vui khi buồn, luôn bị ám ảnh, phiền hà cái cách “trộm của nhau”. Cô đâm ra nghi ngờ mọi thứ. Cô tới với với các bậc gọi rằng danh giá, ngự trên quyền năng nơi này, qua cái mùi nặng nặng.
Tôi hỏi:
- Bị bệnh nghi ngờ, bị tẩu hỏa, vậy cháu có muốn tôi chủng ngừa không.
- Để làm gì.
- Đề sống bình yên, sống chung cùng.
- Bác nói gì cháu chưa hiểu.
- Chủng ngừa, tức là cấy vào người cái có thể là bệnh tật, hiểm họa sẽ tới mai sau. Tôi sẽ chủng ngừa cho cháu cái Dỏm. Mục đích “chủng” là giải tỏa sự sợ hãi, thất vọng, phòng ngừa cái dị ứng, bệnh tật khi gặp phải. Không hề bị đồng hóa, nhưng là bình thường hóa, bằng cách tạo thói quen sống chung với nó, chúng nó. Tỉ như cấy con vi trùng lao ác nhơn vào cái người, sau này gặp phải một bầy vi trùng lao xâm nhập, cơ thể ta nó nhàn nhã bảo: “Cái vấn đề này cũ rích rồi, chán rồi, trong phổi tao đã có con sâu lao phổi từ khuya. Đi chỗ khác chơi anh em vi trùng lao thân mến ạ”.
- Cháu vẫn chưa hiểu.
- Muốn thằng nhỏ sau này từ bỏ thịt heo thì từ bé nhỏ cứ tống thịt mỡ vào mồm nó. Muốn một bọn trẻ hóa ngu, ớn cái vấn đề tư tưởng – để về sau dễ sai khiến, dễ lùa chúng vào bầy đàn theo duy nhất một lý tưởng, đồng nhất một chiều tư duy, thì hãy chủng ngừa chúng ngay từ thưở chập chửng đến trường, là ngày ngày học tập môt tư tưởng. Như đã chủng ngừa cái lao phổi cái dịch hạch, cái uốn ván, cái viêm siêu vi gan, lúc lớn khôn bọn trẻ nhóc này sẽ rùng mình, buồn nôn nếu ai nhắc tới cái tư tưởng. Có một đứa ngớ ngẩn nào đưa ra cái ý đấu tranh, phản biện, là bị đồng lứa mắng ngay: “ Dẹp cha mày đi tư với tưởng. Hãy lo cái nồi gạo nhà mày đi”.
- Bác ơi bác có thuốc chống nôn không?
- Có đây. Khuấy với cà phê mà uống hằng ngày đi, nếu muốn lơ lửng chốn thường trực gây buồn nôn này.

 3-
Một hôm, Nhị Xuân nhờ tôi kiểm tra kiến văn của cô, tôi hỏi:
- Lâu nay đi chơi với bọn đầu đường xó chợ, cô đã đọc những gì, những ai, những thời đại nào trong cái gọi rằng có thơ ca Việt nam ở trỏng?
- Dạ cháu đọc thơ các thi nhân cách mạng.
- Lạy chúa tôi. Đã đọc thơ Lý, Trần, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương chưa?
- Dạ có chút chút. Trước khi qua đây cháu có nghiên cứu chút đỉnh ở Paris. Nhưng chẳng hiểu hươu nai gì cái vấn đề cổ điển với kinh điển.
Tôi hỏi:
- Cháu có rành thơ lục bát không?
Cô thành thật trả lời”
- Dạ không. Cháu có gặp một vài thi sĩ trẻ Việt Nam…
- Gặp? Là sao? Là ngủ với các cậu ấy cho phình thơ ra phải không?
Nhị Xuân từ tốn:
- Dạ các anh ấy bảo rằng thi ca Việt nam chỉ có những thằng vô tài bất tướng mới làm thơ lục bát. Như Nguyễn Du chẳng hạn, không biết mần thơ mới, tân hình thức, thơ tự do mới ngồi mà rặn ra truyện Kiều.
- Vậy là chưa hề đọc truyện Kiều hà?
- Dạ. Đọc cũng vô ích.
Tôi hằn giọng:
- Cô mà gặp mấy thi-sĩ-đồi-thịt-băm ấy thì nên dè chừng.
Tôi bảo cô đưa quyển vở. Tôi chép vào đó mấy câu thơ. Rồi kỹ lưỡng hỏi cho chắc:
- Cháu biết thơ này của ai không?
Cô đọc bài thơ. Thái độ trân trọng. Cô nhíu mày rồi trả lời:
- Thơ này có vẽ tân hình thức hay hậu hiện đại hay thơ tự do gì đấy, nhưng cháu không biết là của thi nhân nào.
Tôi bảo Nhị Xuân là thơ của tôi đấy. Cung Tích Biền mần thơ đấy. Rồi tôi ký đàng hoàng tên thằng chả Cung Tích Biền tác giả hoành tráng dưới bài thơ. Bài thơ thế này:
Trăm năm trong
Cõi người
Ta chữ
Tài chữ
Mạng [ không phải w.w.w] khéo là
Ghét nhau”.
[ thơ Cung Tích Biền]
Cô cháu cười hiền hòa, nói:
- Thơ của bác ngôn ngữ tài tình quá. Để rồi cháu nghiên cứu xem cái vấn đề bác nói gì ở-trỏng-những-câu-thơ như là “ Hậu Hiện Đại” này.
Cô lại hỏi:
- Bác ạ, sao bài thơ không có tựa đề.
Tôi cười nói:
- Tựa đề của nó là Thơ Chủng Ngừa.
* * *
Ba hôm sau tôi nhận được một cú điện thoại. Có giọng cô gái hỏi:
- Bác ơi bác có lấy bút hiệu nào khác là Nguyễn Du không ạ ?
- Nhị Xuân, cháu gặp ông ấy rồi hà.
- Dạ trong nhà sách. Không thấy ông ta đâu. Chỉ thấy thơ bác sao hao hao thơ Nguyễn Du quá xá cở?
- Chao ôi ăn mỡ rồi mà không biết quen mùi, biết ngán mỡ hà.
- Dạ cháu hiểu. Cháu chỉ tự trách sao biết Nguyễn Du quá muộn. Nhưng mà chao ôi, tới Bác mà cũng đạo thơ của người khác, cũng nhặt của người làm của mình hà.
- Bác là ai ? là ai mà thiếu khả năng lưu manh, trộm của người để lừa bịp thế gian.
* * *
Một chiều cuối năm. Chúng tôi gặp nhau. Nhìn ánh mắt Nhị Xuân tôi biết sự thất vọng này có đượm chút hài hước, có cái thử thách mông lung khi đối diện một quê cha rất đổi bàng hoàng. Nụ cười của cô như được gội rửa phần nào những thơ ngây tới từ tây phương, mà tôi gặp gỡ lần đầu. Nụ cười Nhị Xuân hôm nay có màu héo hắt, lẫn chút khinh bạt, sau khi thua thiệt vì cái đểu cáng của thời thế an – nam.
Cô tặng tôi một trái sầu riêng [thứ này có mùi, mà ta ghiền] và vài lạng cà phê [thứ đắng này phải thêm ngọt mới nuốt trôi, nhưng thiếu nó thì u mê, gật gù trọn ngày]. Tôi hỏi:
- Thứ này tặng cho tài mần thơ của bác phải không?
- Dạ nhưng là bác Nguyễn Du.
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mạng khéo là ghét nhau”
Rôi cô đọc thuộc làu cho tôi nghe nào Truyện Kiều, Chinh Phụ ngâm, cả thơ của một số thi sĩ nổi danh đương đại.

4-
Tôi và Nhị Xuân, trong một quán cà phê vườn ở miệt Làng Hoa Gò Vấp, ngoài kia bạt ngàn những màu hoa chờ mùa chợ hoa cuối năm. Một mùa hoa Xuân cuối cùng. Rồi đây những cánh đồng hoa của Làng Hoa thơm ngát sẽ không còn, vì những thửa đất này đã đô thị hóa, chờ xây nhà.
Chủ quán có treo những cái lồng chim rỗng, những cái chén để đựng nước cùng thức ăn lật nghiêng ngả. Chim chết ráo từ đời tám hoánh. Đất đai giá tăng nhanh, anh ta đã bán khu vườn này rồi.
Nhìn một hàng lồng chim trống hoát, lòng ta rộng một nỗi xót. Như nhìn cái đầu trì trệ thiếu rự do, trống rỗng vĩ đại quanh đây, vì thiếu sự bay nhảy vút tung.
Cô cháu thông minh, bằng một lời ngắn ngủi:
- Cảm ơn Thầy đã chủng ngừa cho em. Nên bớt nỗi đau. Dù quen rồi, nhưng từ nay em cần cẩn trọng hơn khi đi vào cái Ở-Trỏng của Việt nam, trên mọi lĩnh vực. Em cảm ơn Thầy.
Tôi không giải thích gì thêm, vì tôi rõ cô đã hiểu, đã từng giáp mặt cái hệ thống, cái văn hóa hôm nay, trên cái xứ sở nhiều…cái vấn đề cực kỳ là vấn đề kỳ quái…quặc này.
Cô về Paris.
* * *
Tôi vẫn nhớ mãi một tâm hồn dị chủng khắc khoải trong một xác thân dị chủng. Nhớ một vẻ đẹp thánh nữ đành cưu mang một mùa Xuân nơi cội nguồn giống nòi cha cô hằng trải qua nhiều nghìn năm. Lòng người trong nhân gian ấy xuống cấp, lạc đường vào nẻo quỷ. Nhưng thiên nhiên ấy vần còn một lời thân ái chào cô. Quê hương ấy, vẫn còn một phần lương tri tận hiến sau cùng, đưa dắt cô trên những nẻo đường hy vọng.
Tôi nhớ những đồi nương đầy gió và mùi lá khô hôm tôi đưa nàng về thăm quê tôi. Đứng trên Nỗng Ông Tào, nhìn về phương nam, đã thấy xa xa trong sương chiều cây trụ tháp truyền tin hai màu xanh đỏ của thành phố Tam kỳ. Đó là một nơi chốn có thực đã từ lâu hóa hư ảo trong tôi, mỗi khi tôi đứng trên khu rừng nghiêng nghiêng theo lưng đồi này. Khu rừng xanh lá luôn như buông thả, như muốn trôi xuống cánh đồng mùa đông, hòa tan cùng biển nước trắng dưới kia.
Những chuyến xe xa tít trên đường cái quan chạy bên này đồi Tuần Dưỡng vào Quán Gò, rồi qua tháp Bà Rầu Con Nghê, trước khi vào tới Tam Kỳ. Cái đầu nghê, tác phẩm nghệ thuật Champa một thời nằm ngay trên đám ruộng nước. Một cái đầu đá nghìn thu mùa đông ngước nhìn qua mặt nước lạnh buồn; mùa hạ thửa đất khô, khô hạn nhiều tháng ngày, nứt nẻ ra những hoa văn đất, như một phối cảnh tưởng niệm cái đầu nghìn thu Champa không tóc bạc. Tôi đưa nàng đến thăm tháp. Những cành xanh lêu lỗng bám vào những bực đá xám rêu. Nàng bảo: “ Mùi thời gian thật buồn”.
Có ai un khói dưới chân đồi. Người ta dọn mùa rừng để đón xuân. Nàng bảo là nàng thích mùi hoa giỏ giẻ thơm rực hương lúc hoàng hôn. Tôi bảo hãy còn nhiều mùi thơm khiêm tốn, xa vắng nơi thôn giả. Mùi rạ khô. Mùi của đất lúc cơn mưa giồng chiếu nắng vừa đổ xuống. Mùi gỗ cũ trong cột kèo miếu đền. Tất cả đi ra từ mùi Mẹ. Đi ra từ linh thiêng ấm áp.
Nỗng Ông Tào đầy nắng và gió. Nắng có màu. Nắng có hình thù in trên tường vôi mã mồ lạnh. Gió thì vô hình, không màu, chẳng biết nặng nhẹ, nhưng quả là tôi và nàng đang bị gió đấy trôi. Một lúc nàng quay lại, sâu trong mắt nàng nỗi buồn như tan chảy, xoắn tròn, và kêu rít. Nàng đưa cái hoa giỏ giẻ cánh trắng nhỏ, phần trong tâm cánh hoa có màu vàng nghệ lên tầm mắt. Nàng nghe hoa nói bằng đôi mắt.
Nàng đã về Paris.
 
Cung Tích Biền
Bồ Đề cốc 2010

Trần Vấn Lệ * Khi Yêu Nhau



 

 
dinhcuong

Khi yêu nhau, người ta không nói,
để trái tim thao thiết thay lời,
để bầy chim ca ngợi mặt trời,
để hoa hồng em ơi vì em hoa nở…

Khi yêu nhau, một giây hơi thở
đủ buộc ràng đời đến trăm năm. 
Có thể người ta nói rất âm thầm,
bốn mắt nhắm cho vầng trăng lộng lẫy…

Hai chữ Tình Yêu không cần nhìn thấy…
bởi thấy rồi ở Lưu Bút Ngày Xanh. 
Ánh mắt người con gái long lanh,
ánh mắt người con trai có hình sông dáng núi…

Trong chiến tranh, tình yêu là chờ đợi. 
Trong hòa bình tiếp nối ước mơ. 
Tình yêu từ xưa rất đổi xưa
là bài thơ không cần câu kết thúc…

Hãy đếm tình yêu như đếm tóc…
tưởng tượng mình cầm hạnh phúc trên tay. 
Người đàn ông nào cũng muốn mình kẽ chân mày
cho người đàn bà mình yêu thương mãi mãi…

Ai bảo em được sinh làm con gái
cho anh thề chê hết thảy giai nhân!

Trần Vấn Lệ

Tuesday, November 27, 2012

phan bá thụy dương * đêm bên dòng sông lạnh







bài cho anh ĐinhTừThức

 




thử hỏi dòng sông Seine -
theo thủy triều xuôi ngược
mỏi mệt chưa
qua năm tháng thăng trầm
du thuyền nọ ai đưa và ai đón
có hao gầy với mưa nắng mong manh

cửa Khải Hoàn
có chia niềm kiêu hãnh
ngọn Eiffel
còn thao thức dung tình
đền Nguyện Cổ
có trao lời kinh sáng
rửa hoà chưa bao tội lổi nhân sinh

này dòng thủy triều miệt mài trôi chảy
đã u hoài mấy độ dưới trăng khuya
đèn heo hắt -
sao ánh đèn heo hắt quá
có đủ ấm lòng tận đáy sâu kia ?

thử hỏi con nước sông Seine -
đong đưa khi ròng khi lớn
mỏi mệt chưa sao còn vẫn luân lưu
hãy soi chiếu mặt người như gương thánh
rồi bềnh bồng trong quên lãng, vô ưu

có cánh chim vừa đáp trên cành liễu
và mây đen quấn quít rũ nhau về
thôi, xin vẩy tay chào -
xin vẩy tay chào dòng sông êm ả
biệt kinh kỳ ta tìm chốn sơn khê.