văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, February 28, 2013

Văn Quang * Ấm ớ chuyện đầu năm


Vừa bước sang đầu năm con Rắn, VN đã có khối chuyện ồn ào, mới có cũ có, đủ mục lẩm cẩm, đủ chuyện “ấm ớ hội tề.” Nhiều bạn thuộc loại “cụ” chắc chưa quên cái “hội tề” xưa kia, nhiều bạn quên hoặc chưa biết. Vậy xin nhắc lại chút xíu về cái “hội tề” này, tại sao người ta lại gọi hội này là “hội ấm ớ”. Chuyện kể rằng vào khoảng những năm 1948-1954, khi quân đội Pháp lập nhiều đồn bót ở những vùng quê mới chiếm đóng, dân trong các làng mạc quanh “bót” tức là đồn Tây đóng, thường chạy “tản cư” hết. Nhưng sau một thời gian, nhà cửa ruộng vườn còn đó nên dân làng lại trở về cày cấy, kiếm sống. Để có một Ủy Ban Hành Chánh trông coi công việc trong làng, người Pháp lập ra mội Hội Đồng, như Ủy Ban Hành Chánh, thay mặt cho dân giao thiệp với các quan trong đồn. Người ta gọi cái Ủy Ban đó là Hội Tề. Hồi đó hầu hết người dân thôn quê chỉ biết có Việt Minh chống xâm lược, chứ chưa biết đảng Cộng Sản là gì.
Vào thời đó, Việt Minh mới thành lập những đội du kích, sống lẫn lộn với người dân trong làng. Đêm đến làng là do Việt Minh kiểm soát, ban ngày quân đội Pháp cai trị. Đêm Việt Minh đào đường, phá đường hoặc có những hoạt động trong làng, ban ngày lính Pháp lại vào làng, truy hỏi cái Hội Tề đó về những hoạt động này như “ai phá đường?”. Các ông trong hội tề cứ ấm a ấm ớ trả lời: “Dường như mấy thằng ở làng bên cạnh hoặc nó ở đâu mang súng về, chúng tôi không biết”. Rồi Tây lại bắt dân ra đắp lại đường. Thật ra thì chính những anh đắp lại đường hôm nay lại là những anh phá đường đêm hôm trước. Tây nói cũng ừ, Việt Minh nói cũng đúng, nửa nọ nửa kia, nửa theo nửa chống, nửa nạc nửa mỡ. Cứ cái kiểu ấy kéo dài, nên Hội Tề được dân gọi là “hội ấm ớ”. Năm 1949-50, tôi cũng đã có thời gian phải sống trong “làng Tề” như thế này.

Sáng xách ô.. tô đi, tối xách ô tô về
Vào thời đại ngày nay, kiểu ấm ớ hội tề này diễn ra dưới những hình thức khác nhau. Thí dụ như đến nay người ta tạm xác nhận có 30% quan chức “sáng xách ô đi tối xách về”. Chính Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rõ tại cuộc họp thứ nhất Ban Chỉ Đạo Đề Án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức chiều 25-1-2013: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào.” Vậy những cơ quan đó, gọi cho đúng là làm việc theo kiểu “ấm ớ hội tề” thời xa xưa? Thời nay các quan không che nắng che mưa bằng ô nữa mà bằng “ô tô” cho nó hợp thời đại “anh hùng”. Nên có nhiều bạn đọc còn nói là những ông sáng xách “ô tô con” đi tối xách “ô tô con” về còn nhiều hơn con số 30%.

Đa quan tàn dân
Một thí dụ khác còn “tức cười” hơn là một cơ quan có tới 3 ông sếp chỉ huy 1 nhân viên. Đây không phải chuyện “mấy thằng phản động phịa ra để nói xấu chế độ”, mà là chuyện hoàn toàn có thật.
Theo kết quả thống kê từ Sở Nội Vụ Nghệ An, hiện một số sở, ban ngành cấp huyện đang tồn tại một nghịch lý, lãnh đạo nhiều hơn nhân viên. Có trường hợp ở một phòng ban, chỉ có 1 nhân viên, nhưng có tới... 3 cán bộ lãnh đạo.
Đơn cử như ngay chính trường hợp của Sở Nội Vụ tỉnh Nghệ An, với 31 biên chế (công chức chính ngạch, ăn lương nhà nước) nhưng đã có tới 19 lãnh đạo gồm 1 giám đốc, 4 phó giám đốc và các trưởng, phó phòng. Phòng công chức viên chức của Sở hiện có 4 biên chế thì có tới 3 lãnh đạo gồm 1 trưởng phòng, 2 phó phòng, và chỉ có 1 nhân viên để giao phụ trách các công việc cần thiết.
Ở đời, cái gì hiếm mới quí. Đông quan khiến cái danh quan cũng nhảm nhí. Ở cái phòng mà 3 vị chỉ huy, chỉ có một nhân viên như đã nói ở trên thì nhân viên trở thành hàng độc, hàng quý hiếm. Đến khi lấy phiếu tín nhiệm từ “quần chúng” chẳng hạn. Nếu nhân viên này “lắc” ai là người đó coi như 100% không có tín nhiệm, tất nhiên về vườn sớm. Tết vừa qua, có khi các sếp đua nhau mang quà cáp cho ông nhân viên quý hiếm kia đấy.
Dân gian có câu: “Đa quan thì tàn dân”. Nhiều quan dân đã khổ rồi mà quan lại nhiều hơn dân thì dân khổ hơn là cái chắc.

131 gia đình dân mà có tới 120 cán bộ xã, thôn
Còn khôi hài và ấm ớ hội tề hơn nữa là xã Minh Cầm, một trong 2 xã xa nhất của huyện Ba Chẽ. Dân số toàn xã hiện có khoảng 519 người dân sống rải rác ở 5 thôn, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm tới 94%. Vậy mà vài năm trở lại đây, số lượng cán bộ xã, thôn ở Minh Cầm gần ngang ngửa với số gia đình dân trong xã. Đến nỗi, nhiều người phải thốt lên: Ra đường là gặp cán bộ... Khi được hỏi về số lượng cán bộ đang có trong xã, ông Bàn Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Cầm nhẩm tính lên tới 120 người.
Điều quan trọng hơn, chính là số lượng viên chức lại không phản ánh được chất lượng hoạt động của đội ngũ này. Hơn 100,9 ha rừng tự nhiên ở tiểu khu 133, 134 của xã bị tàn phá trong một thời gian dài nhưng chính quyền xã lại không hề biết. Sự việc diễn ra từ tháng 1-2012 và đỉnh điểm của việc tàn phá này là vào tháng 4-2012, khi hàng chục người ùa vào đốt trụi, chặt hạ cây rừng.
Với đầy đủ ban bệ từ thôn đến xã, vậy mà sự việc lớn tày trời như thế xảy ra trong suốt thời gian dài mà chính quyền không hề có sự can thiệp nào.
Còn đối với hơn 100 cán bộ làm công tác tại các thôn, trách nhiệm của họ ở đâu trong khi ngân sách địa phương hàng năm vẫn đang phải chi trả một khoản tiền không nhỏ cho các ông quan xã này. Đúng là chuyện chỉ có ở Việt Nam.

Chuyện cũ như trái đất vẫn tái diễn
Chuyện đầu năm cũ rích vẫn cứ được lập đi lập lại từ năm này qua năm khác. Từ chuyện người dân kéo đến chùa chiền bị chặt chém thoải mái với những cảnh nhếch nhác quen thuộc vẫn cứ diễn ra. Những chuyện cướp bóc trong dịp Tết và sau Tết xảy ra ngày một man rợ hơn như vụ tướng cướp “Thịnh Mắt Ma” và đồng bọn chôn sống một anh tài xế taxi rồi mang lựu đạn xông vào tiệm vàng cướp 200 cây vàng. Chuyện xõa tóc “thôi miên”, cướp hơn 1 tỷ giữa Thủ đô Hà Nội là một kiểu cướp mới rất khó đề phòng. Rồi đến chuyện Chung Hân Đồng, một ca sĩ nổi tiếng trong nhóm nhạc Twins của Hồng Kông, sang VN chơi lễ Valentine hôm 15-2 vừa qua, nhưng lúc dạo phố ở TP Sài Gòn bị giật mất chiếc điện thoại. Chung Hân Đồng kể câu chuyện này trong chương trình phỏng vấn trên đài phát thanh quốc tế CRHK và cho biết “Sự việc làm tôi gặp ác mộng ngay đêm đó”.
Đúng là một nỗi nhục quốc thể. Tôi sẽ trở lại vấn đề này trong kỳ sau. Ở đây tôi chỉ có thể điểm qua vài nét chính vui vui vào dịp đầu xuân này.

Kỳ cục chuyện Cảnh Sát Giao Thông xử phạt
Về những tai nạn xe cộ làm thiệt mạng hàng trăm người, mặc dù theo báo cáo năm nay tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm bớt, nhưng con số gần 300 vụ tai nạn vẫn còn là quá nhiều. Trong hơn 290 vụ TNGT dịp Tết vừa qua, hầu hết xảy ra trên đường bộ và có liên quan đến rượu, bia. Như thế, trách nhiệm trước tiên thuộc về người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Trên khắp các quốc lộ, dễ dàng bắt gặp tài xế xe tải, xe khách phóng bạt mạng, liên tục lấn tuyến, vượt mặt nhau; nhiều người chạy xe máy không thèm đội mũ bảo hiểm, cứ thấy vắng bóng CSGT là phóng nhanh vượt ẩu. Những kẻ chạy xe mà không biết quý tính mạng của mình thì làm gì còn nghĩ đến tính mạng của người khác! Vì thế, TNGT không chỉ gây hậu quả đối với kẻ gây ra tai nạn mà còn tước đoạt một cách oan uổng mạng sống của nhiều nạn nhân vô tội.

Lái xe vi phạm “hù” trung tá Cảnh Sát Giao Thông
Nhưng có một chuyện buồn cười và cũng đáng suy nghĩ đó là chuyện tài xế xe khách vờ gọi trợ lý Thứ trưởng Bộ Công an để “dọa” Cảnh sát Giao Thông (CSGT). Sự việc xảy ra vào lúc 9g20 sáng 18-2 tại phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh.
Bị tổ tuần tra CSGT Công an TP Hà Tĩnh buộc lỗi đậu xe không đúng nơi quy định, nhóm tài xế, lơ xe BKS 17B-00415 (từ Thái Bình) đã nhảy xuống xe chửi bới, một người còn vờ gọi điện thoại cho trợ lý Thứ trưởng Bộ Công an.
Cho rằng lực lượng CSGT kiểm tra không đúng quy trình, chức năng, toàn bộ lái xe, lơ xe gồm 4 người đã nhảy xuống lớn tiếng đôi co với CSGT. Trong khi số đông người dân đứng xem, tài xế và lơ xe ra sức mạt sát CSGT.
Đáng chú ý, khi tổ tuần tra đang yêu cầu chủ xe xuất trình các giấy tờ liên quan, một tài xế mặc áo đen tên Tám đã rút điện thoại di động gọi cho ai đó, rồi “dọa” tổ CSGT là vừa gọi cho trợ lý một thứ trưởng Bộ Công An. Trung tá Nguyễn Trường Kỷ, một nhân viên trong tổ CSGT Công An TP Hà Tĩnh, vặn hỏi gọi cho ai, tài xế Tám trả lời: “Tôi gọi cho anh Tân, trợ lý anh Trường, thứ trưởng Bộ Công An”. Ngay sau đó, tài xế Tám đưa máy điện thoại để Trung tá Kỷ nói chuyện với trợ lý thứ trưởng Bộ Công An.
Sau đó, tổ tuần tra CSGT Công An TP Hà Tĩnh chỉ xử phạt ở mức độ nhắc nhở rồi cho xe đi. Sau khi chiếc xe và tổ tuần tra CSGT đã đi khỏi, nhiều người dân bực bội trước thái độ hống hách, có tính côn đồ của nhóm tài xế xe khách 17B-00415 cũng như cách xử phạt “kỳ cục” của tổ tuần tra CSGT Công An TP Hà Tĩnh. Tại sao CSGT phải nghe điện thoại của anh lơ xe đưa cho. Ai cũng mặc, cứ theo luật mà làm.
Xác minh của PV báo Dân trí cho thấy, tài xế xe đã tạo dựng một cuộc gọi giả mạo để “dọa” tổ tuần tra CSGT bởi hiện nay, trong các thứ trưởng Bộ Công An không có ai tên là Trường.

Theo phản ảnh của người dân, câu chuyện lại khác:
- Bạn dungnguyen569@gmail.com viết:
Tui la người rất ít bình luận trên các bài báo, nhưng đọc xong bài báo này thấy... mắc cười vì 2 lý do: Thứ nhất về mặt công an, sau khi nghe điện thoại mà chỉ... xử lý nhắc nhở thì chắc chắn có vị quan chức ở đầu dây bên kia, theo tôi là chính xác. Thứ 2, bên báo chí điều tra rồi viết là không phải là số điện thoại của quan chức, tôi lại cảm thấy... buồn... cười. Dân đâu phải là những người chẳng biết gì cả.
- Bạn thaibinhbca@gmail.com chắc là dân Thái Bình nên biết rõ hơn:
Tôi tin người nghe điện là trợ lý thật, vì Thái Bình có người làm như vậy ở Bộ CA mà
- Bạn khoacao123698745@gmail.com gọi có nhận định sâu sắc hơn:
Đa số mấy vụ mạo danh người thân quen các quan chức cao cấp, theo tôi thấy toàn xảy ra ở phía Bắc. Lẽ nào “văn hóa dựa dẫm” theo kiểu “một người làm quan, cả họ được nhờ” đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người?
Nhìn lại thái độ “nhún nhường” của toán CSGT cho người ta thấy rõ là thái đô “nể sợ” thật sự trước những lời của cánh tài xế có quen biết ông thứ trưởng. Nhưng dù có ông thứ trưởng Trường hay không có ông Trường thì vẫn phải xử theo đúng pháp luật chứ sao lại “tha bổng” dễ dàng như thế. Hóa ra CSGT cũng biết “rét cóng” trước uy quyền xa tít mù tắp. Nếu gặp cánh tài xế không quen biết ông lớn nào, chắc chắn 100% là cánh tài xế xe này lãnh đủ. Đã vi phạm pháp luật còn hống hách chửi bới người đang thi hành công vụ thì “chết là cái chắc”. Đúng là một chuyện khôi hài đáng suy nghĩ. Thì ra lâu nay người ta vẫn sống với nhau bằng thân quen, quyền lực chứ không phải bằng pháp luật.

Xe công biển số xanh tấp nập đi lễ chùa
Cũng trong chuyện xe cộ, chuyện quan dùng xe công đi lễ chùa đã từng xảy ra từ nhiều năm trước, năm nay được nghiêm cấm cẩn thận. UBND TP Hà Nội đã yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ, nhân viên dùng xe công đi lễ chùa. Nhưng cái sự nghiêm cấm đó không hề biết đến chữ “nghiêm” mà có khi còn “phát huy” mạnh mẽ hơn, tức là nó biến thành chữ “đùa”, tức là coi lệnh lạc như đùa nhau một tí thôi.
Trong tiết trời ấm áp đầu xuân, khi các lễ hội xa gần từ chùa Hương, chợ Viềng, Yên Tử, Phủ Giầy... đều tấp nập du khách trẩy hội, chắc là có nhiều quan ông quan bà đi lễ để cầu xin tài lộc năm nay gấp năm gấp 10 năm trước. Hãy lấy một địa điểm làm “điển hình” thôi. Ngày 19-2 (mùng 10 âm lịch), hàng loạt xe biển xanh (biển số của các cơ quan nhà nước) thuộc các tỉnh thành phía bắc... đã đổ về khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh).
Theo quy định của ban tổ chức, những xe phục vụ lễ hội, xe ưu tiên, xe của đại biểu đều có phù hiệu riêng và được đậu xe ở gần khu vực lên nhà chờ cáp treo. Các xe khác của dân phải đậu ở nơi xa hơn.
Đã có rất nhiều xe biển xanh không thuộc diện khách mời từ các tỉnh đổ về Yên Tử. Trong đó có nhiều xe biển kiểm soát Hà Nội, xe công của TP Hải Phòng, của tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang tấp nập đậu vào bãi.
Bạn Đặng Văn Cường cho biết trên tờ báo Dân Trí: “Năm nay tôi thấy các quan chức sử dụng xe công đi chúc tết nhiều hơn năm trước. Tôi không hiểu tại sao càng cấm lại càng nhiều ??? Bạn nghĩ xem còn gì tuyệt vời hơn làm công chức ở VN?”.
Đúng là thứ chuyện thật cứ như đùa.

Hai ông tỉnh đá nhau trước mũi thiên hạ
Còn những chuyện vặt như chuyện cấm đốt pháo cũng lại trở thành “vô ích” đối với một số địa phương. Trong đêm giao thừa, tiếng pháo nổ râm ran khắp các xã ở huyện Kim Thành (Hải Dương) khiến người dân đổ ra đường xem. Sáng mùng 1, trước cửa các gia đình trên quốc lộ 5 rải đầy xác pháo đỏ và trắng. Ngoài Hải Dương, một số địa phương khác cũng xảy ra tỉnh trạng đốt pháo và có người bị thương do đốt pháo nổ.
Tuy nhiên có một sự “tréo cẳng ngỗng” là tỉnh nói ít, huyện bảo nhiều! Vui hơn thế,
chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương, cho biết, tỉnh đã báo cáo lên chính phủ không có hiện tượng đốt pháo. Nhưng sau đó, ông Nguyễn Mạnh Hiển, chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, trong khi trả lời báo chí đã thừa nhận: “Việc đốt pháo trên địa bàn tỉnh là có thật”. Đồng thời, UBND một số huyện, thị xã ở Hải Dương như Ninh Giang, Gia Lộc, Kim Thành, Chí Linh đều xác nhận có để xảy ra tình trạng đốt pháo
Ông nói có, ông nói nói không, hai ông đầu tỉnh tỉnh đá nhau trước dư luận và chính phủ, giống y chang chuyện “ấm ớ hôi tề” xưa kia, phải không các cụ? Dân vừa buồn cười vừa phát sợ những báo cáo và phát ngôn của các quan to. Chẳng biết bao giờ nói thật, chẳng biết khi nào nói dối.

“Văn hóa ứng xử” chính là bộ mặt của từng người
Mới bước vào đầu năm, dư luận đã um sùm về vụ ông “đại biểu” quốc hội Hoàng Hữu Phước đã có những ngôn từ chỉ trích nặng nề những phát biểu của ông đại biểu Dương Trung Quốc.
Ở quốc hội nước nào cũng vậy, việc các ông dân biểu, nghị sĩ (ở VN gọi là đại biểu) có ý kiến trái ngược nhau là chuyện bình thường nhưng chì chiết, thóa mạ nhau một cách nặng nề như blog của đại biểu Phước thì rất ít khi xảy ra. Bởi đó là vấn đề khá nghiêm trọng trong “văn hóa ứng xử”. Người ta có thể chỉ trích, tranh luận về một vấn đề nào đó một cách thẳng thắn, tìm đến chân lý mang lại lợi ích cho dân cho nước.
Đó là văn hóa cần có của mỗi người, ngay trong đời thường, trong cách viết cũng vậy. Nhiều vị phát biểu những vấn đề rất gai góc trên nghị trường hoặc trên những bài báo, nhưng lời lẽ và ngôn từ rất chừng mực, tế nhị, có văn hóa. Việc có văn hóa trong ứng xử, phát ngôn, trong lời nói hoặc giao tiếp với nhau rất quan trọng dù là với bất cứ ai. Đó chính là bộ mặt thật của mỗi người. Cố tình bôi xấu nhục mạ người khác chính là bôi xấu mình trước. Các vị “đại biểu” cho dân càng cần phải ý thức được điều này trước khi tranh luận một ý kiến khác với “đồng nghiệp” của mình.

Hai ông nghị ngồi chung một hội trường “đá” nhau nặng quá
Trở lại với chuyện bài viết đăng trên blog của đại biểu quốc hội Hoàng Hữu Phước viết về “đại biểu” Dương Trung Quốc đã làm “kinh ngạc” dư luận những ngày đầu năm mới vừa qua, tôi chỉ xin trích lời của ông Lê Như Tiến, Phó Chủ Nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội nói về vấn đề này cũng tạm đầy đủ. Ông Tiến nói:
“Việc người viết dùng từ “đại ngu” để nói về người khác là một từ rất mạnh, ngay với những người bình thường, thậm chí những người có trình độ rất thấp cũng không dùng với nhau, không thiếu những cách nói khác để thể hiện. Vậy mà nói nặng nề kiểu “đại ngu”, “tứ đại ngu”, nói ngụ ý kiến thức của đồng nghiệp thấp, ít học thì hết sức không nên. Trong bài viết cũng rất nhiều từ ngữ khác mang tính chất thóa mạ như“loạn ngôn”, “hiếu chiến”, “háo thắng”, “bất tri vô trí”, loạn ngôn, loạn hành, loạn trí, “Dương Trung Quốc đã nói xằng bậy”, “tự làm lộ cho toàn dân biết mình không biết ngoại ngữ trong khi bản thân là một nhà sử học”, “danh xưng nhà đĩ học bên cạnh nhà sử học”… là quá nặng nề, đến mức rất phản cảm. Không thể dùng những từ này để nói về một đại biểu quốc hội, một người đồng nghiệp với mình”.
Bạn đọc đã thấy ông đại biểu Hoàng Hữu Phước dùng những từ ngữ như thế nào để “hạ” ông Dương Trung Quốc. Đúng là “kinh khủng”, người dân muốn bịt mũi lại trước những lời lẽ “bẩn” hơn cả “bẩn”. Tôi chưa nói ông Dương Trung Quốc giỏi hay không giỏi và phản ứng của ông Quốc ra sao, nhưng ít ra ông ta cũng ngồi chung ghế một hội trường với ông Phước từ vài năm nay. Người dân nghĩ thế nào đây về cái “mái nhà chung” ấy đây? Câu hỏi thật khó trả lời. Nhờ bạn đọc mách giùm.
Còn vô số chuyện vui kiểu “ấm ớ hội tề” như thế này về những ngày đầu xuân ở VN. Nhưng bài đã khá dài, xin để kỳ sau bàn tiếp.


Văn Quang 22-2-2013

Lương Thư Trung * Nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm: một thời khai phá và những người đồng hành

-Tên thật : Ngô Tấn Thiền
-Sinh ngày 12/08/1944 tại Châu Đốc (Thất Sơn- Nam Việt)
-Tốt nghiệp Đại Học Dược Khoa Sài Gòn.
-Thơ văn được giới thiệu trên nhiều tạp chí văn chương trong và ngoài nước.
-Đã xuất bản riêng 14 tác phẩm, không kể có mặt trong hơn 40 tác phẩm chung với bạn hữu.
-Chủ trương tạp chí và nhà xuất bản Khai Phá trước 1975.
-Hiện đang sống và viết tại Thư trang Quang Hạnh, Sài Gòn.

Monday, February 25, 2013

phan bá thụy dương * thõng tay theo gió



nước sông trôi mãi bao giờ mỏi
ta có còn gì để luyến mong?
sắc diện bơ phờ râu tóc bạc
lửng thửng rong chơi cõi tang bồng

đôi khi chạnh thấy lòng xa vắng
một vạt nắng hồng - một áng mây
cũng đủ cho hồn êm ấm lại
giữa phút mê cuồng, giữa cuộc say

           núi cao lũng thấp rừng hoang phế
           quanh quẩn xuống lên –
           quanh quẩn ra vào
           hỡi ai ngơ ngác bên bờ suối
           sao nhặt trăng tàn ướp cỏ đau?

           trong chốn mơ hồ u tịch đó
           thoảng nghe dìu dặt tiếng tiêu buông
           thõng tay theo gió theo mưa lũ
           tâm trụ an nhiên, mộng bình thường.



Ngô Nguyên Nghiễm * Vũ Hữu Định, Đường Gian Nan Chạy Suốt Kiếp Người


Bóng dáng của Vũ Hữu Định như một con ngựa hoang, ngày tháng chất chồng trên vó ngược mà chính bản thân chủ nhân cũng không lường trước được phương hướng để định vị cuộc đời trước mặt.

Saturday, February 23, 2013

Đinh Hùng * Khuôn Ngọc Pha Sương



Đã lắng vào đêm hơi thở say,
Trời xanh hạ thấp xuống vai này.
Ôi bờ vai nhỏ xuân vừa dậy!
Ngọc ẩm hoa quỳnh ý ngón tay.
Anh hỏi ngàn sao trong mắt em,
Hàng mi trinh nữ vội buông rèm.
Hồn đau lưu lạc đêm rừng tóc
Sương khói biên thùy hay trái tim.

 
Nguyệt thẹn hàm răng nét ngọc kiều,
Kề môi nghe biển rộng cô liêu
Mây vương mười ngón tay mê ngủ
Cung bậc làn da, lụa thủy triều.

 
Động giấc hoa đêm, lẩn dáng người
Nghìn xưa vầng trán ấy sao rơi
Mưa sương ánh mắt khung trời lạ
Nửa mặt huyền vi sáng nụ cười.

 
Chớp mắt xuân thu động gót giày,
Vành mây còn rộng lối hương bay,
Bàn chân thôi cũng tan thành bướm
Xô lệch không gian một nét mày.

 
Tay nhỏ thu hình cả giấc mê
Anh xoay chiều núi đón em về
Rừng trầm biển động hơi em thở
Huyền hoặc thời gian một nét mi. 

 
Tiếng hát pha sương chìm mặt ngọc
Điệu buồn áo tím, mưa đêm xanh.
Nhớ nhau mây trắng bay đầy gối
Em có là mây? Em của anh. 

 

Friday, February 22, 2013

Trần Kiêm Đoàn * Năm mới thiền với cái loa

Đây thôn Liễu Hạ. Quê tôi bên cạnh sông Bồ.

Có những cặp loa truyền thanh công cộng làm việc bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông… Xuân. Sáng sớm từ 5 giờ sáng đến 6 giờ 30. Tối từ 5 gờ 30 đến 7 giờ tối. Hệ thống loa mới hiện đại không dây, âm thanh tuyệt hảo nghe rõ mồn một như xé tai nhét vào. Hai cái loa bắt ngay trên nóc cột điện phía trước nhà tôi ở xóm Kên. Mỗi lần phát thanh thì cả xóm không còn nghe tiếng gà kêu, chó sủa… Người trong nhà nói với nhau phải ra dấu bằng tay vì tiếng loa chan chát ở bên tai.
Có một thuở trên quê tôi cần đến cái loa vì trong làng chỉ có dăm ba nhà kha khá mới sắm nổi cái “đài” nghe riêng. Nhưng hôm nay đang có máy truyền hình, máy truyền thanh băng dĩa, mạng truyền thông internet… thế mà những cái loa công cộng vẫn sống mạnh, sống hùng như xe thời gian và trục địa cầu chưa hề chuyển bánh.
Cách 30 năm tôi mới về quê ăn Tết. Đang hưởng hạnh phúc nghe cháu nhỏ ríu rít chuyện quê mình thì thình lình tiếng loa ré lên như muốn bứt phá không gian tĩnh lặng của một làng quê bao quanh với những đồng lúa. Người làng tôi như chú Điền* thì gọi là “đài dói” – kêu không nghe thì phải dói – để làm mốc thời gian cho giờ hẹn: “Cháu sẽ gặp chú ở cổng làng để đi bộ thể dục khi ‘đài dói’ nghe.” Nghĩa là chúng tôi sẽ gặp nhau lúc 5 giờ sáng! Có một thuở, khi nghề nông đi vào hợp tác xã, người xã viên thức dậy cùng với tiếng loa đầu tiên để ra đồng làm việc. Người nông dân vất vả làm việc nhưng số lúa gạo được chia từng mùa vẫn không đủ ăn. Trên quê tôi, tình trạng thiếu ăn, đói miếng đã vượt qua nhờ giống lúa mới từ miền Nam ra, có sản lượng gấp ba bốn lần giống lúa cũ và phương thức canh tác nông trường tập thể kiểu Tàu đã được chuyển qua lối canh tác tư nhân. Nhưng cái biểu tượng “đài dói – đói dài” vẫn còn tại thế! Nhân loại xưa nay vẫn lao đao vì hai đối cực khủng hoảng: Khủng hoảng thừa và khủng hoảng thiếu. Khủng hoảng thiếu của âm thanh làm cho con người đối diện với hư vô; khủng hoảng thừa âm thanh cũng làm cho lòng người điên đảo.
Căn gác ngôi nhà thừa tự của chúng tôi đối diện với miệng loa mở rộng. Chiếc loa tròn vành vạnh với cục cồi ở giữa, trong bóng tối nửa vời trông như miệng thầy pháp đọc bùa chú trừ ma ếm quỷ. Những ngày đầu, tôi muốn điên lên vì sự khuấy động dai dẳng thành bức xúc. Tôi cố gắng bưng tai, rồi nhét bông vào tai. Nhưng được năm ba bữa thì tiếng loa như chui vào mũi, vào miệng mà phát ra. Sớm sớm, thú tiêu khiển của tôi là uống nước trà và ngồi định tâm từ khi trời chưa sáng. Và buổi chiều, thật là êm đềm và hạnh phúc khi được quây quần ăn cơm chiều cùng gia đình với những câu chuyện vui buồn trong ngày được tuổi trẻ và tuổi già kể cho nhau nghe trong tiếng cười dòn tan. Bây giờ tiếng loa giúp cho bữa ăn nhanh hơn vì mọi người chỉ có việc ăn với tiếng loa đầy mâm cơm, chẳng ai nói với nhau lời nào vì tiếng loa to hơn tiếng nói. Suốt bữa cơm gia đình, chỉ còn biết nói với nhau bằng mắt, bằng tay cho đến cuối bữa rồi buông đũa và ai lo việc nấy. Tôi được cái lợi là dù mưa hay nắng cũng bắt đầu vội vàng đi bộ trên những con đường làng và những cánh đồng vắng thoát ra ngoài âm hưởng của tiếng loa. Nhưng sớm và tối đi bộ đến 3 giờ đồng hồ ở tuổi về hưu thì chân khổ hơn tai. Đi được vài ba ngày thì chân sưng lên vì vận động quá mức bình thường. Thà để tai chịu trận vẫn dễ chịu hơn là khớp xương chân đau nhức.
Suốt hai tuần đi bộ siêng năng như chiếc loa phát hoài không mõi nản. Tôi quyết định ngồi lỳ ở nhà. Trước thì chỉ ngồi định tâm nhưng bây giờ thì phải ngồi “thiền” thật sự. Ba ngày đầu, tôi muốn bỏ cuộc. Âm thanh có khi cũng nhồi lên, lượn xuống đánh vào bờ tai như đi thuyền nan gặp sóng lớn. Trong tôi, bắt đầu xuất hiện hai nhân vật: Động và Tĩnh từ một góc khuất nào đó lên tiếng.
Động nói:
- Thế nầy là quá lắm! Mỗi ngày chỉ có hai buổi sinh hoạt chính cho gia đình trong ngày mà đã mất 3 giờ nghe “đài dói” rồi thì ý nghĩa đời sống thường nhật thành ra lao đao và vô vị quá.
Tĩnh nói:
- Biển cả luôn luôn gầm thét mà hải đảo vẫn im lìm mới chung sống hòa hợp với nhau từ thuở khai thiên lập địa đến bây giờ; đó là cái lý của trời đất. Cảnh động làm tâm động theo; đó là cái lý của phàm nhân. Đài dói mà lòng ta vẫn tĩnh; đó là cái lý của hành giả.
Hmm… không biết ông “hành giả” ấy là ai mà chảnh chọe đến thế. Ban đầu, tôi ghét cái anh Tĩnh. Tôi ước chi nắm được anh ta để sớm sớm, chiều chiều bắt ngồi trước mặt nhà tôi mà nghe loa cho bớt “chảnh”. Nhưng khổ nỗi, tôi càng cố tìm thì anh ta càng mất hút. Những lúc ngồi định tâm theo lối… thiền tọa, cái tâm niệm của tôi bị vướng vào cuộc truy đuổi không ngừng nghỉ về anh Tĩnh mà tôi cho là gàn bướng ấy khiến tôi lơi dần cuộc đối kháng thầm lặng giữa mình và cái loa huyên náo. Cái loa cứ phát ra rả, tôi càng lắng nghe rõ hơn lời anh Tĩnh. Tôi suy nghĩ về Như Lai – về Tathàgata – là bậc thấy rõ tường tận sự thật của vạn pháp nên không đến, không đi, không bị đời uế nhiễm. Tôi nhớ lời Lục Tổ “như thị, như thị”; thấy vậy là vậy, tự nhiên như nhiên. Tất cả đều vốn có như thế nên chẳng từ đâu đến và cũng chẳng đi về đâu. Cái loa là cái loa. Nó được làm ra để phát ra tiếng động. Như tôi sinh ra làm người, có hai tai để nghe, có cái miệng để nói. Ghét cái loa cũng như ghét khẩu súng. Khẩu súng đâu phải là kẻ sát nhân, cái đàn không phải là nhạc sĩ, lời kinh đâu phải sự giác ngộ mà tất cả chỉ là phương tiện lành hay dữ đưa đến bờ thiện, ác. Nhưng cứu cánh đã nằm sẵn trong phương tiện và ngược lại. Không thể nào dùng tâm độc ác để thành tựu yêu thương hay nói lời dối trá để làm người trung thực. Khẩu “xà” không bao giờ đến từ tâm “Phật” và đã là tâm “Phật’ thì không thể có khẩu “xà”!
Đêm Giao Thừa năm Quý Tỵ 2013 là một thời điểm thật khó khăn cho tôi. Cái loa mở hết tốc độ từ 5 giờ chiều đến quá Giao Thừa. Trước bàn thờ hương chong đèn rạng giữa thời khắc thiêng liêng nhất trong năm, tôi nghĩ mình khó lòng mà tập trung được tâm thành để nói lời khấn nguyện. Trong năm cảm xúc thuộc lý tính và cảm tính là tiếng động, mùi hương…vị, xúc, pháp thì tiếng “đài dói” đã lấy đi gần hết thảy. Âm thanh bùng lên giữa thời khắc cần lắng đọng sẽ làm uế nhiễm khả năng thẩm thấu mùi nhang trầm thanh thoát, vị ngọt ngào của quê hương, cảm giác êm đềm trong không gian quê mẹ và khung cảnh trầm lắng giữa phút Giao Thừa.
Rồi cũng đến giờ tiễn năm cũ mừng năm mới. Trong phút Giao Thừa tống cựu nghinh tân ấy, trước bàn thờ nghi ngút khói hương, tôi mặc áo dài khăn đóng, kính cẩn đánh một hồi chuông. Tuy tiếng chuông nhỏ như hơi thở khói sương trong âm thanh náo động của tiếng loa; nhưng thật lạ lùng, âm thanh nhỏ bé và sâu lắng đó đã nói lên một sự thật lặng im: Ta là ta, đến cũng là đi; tiếp cận với tất cả nhưng cũng chẳng hề dính mắc vào đâu cả. Tôi lắng mình dõi theo tiếng chuông Giao Thừa thanh thoát và quên đi tạp âm của tiếng loa, tiếng máy xe hay tiếng gọi bầy đàn của vạn vật đang mang mùa Xuân qua ngõ đời đầy vọng tưởng.
Đứng một mình trên sân thượng của ngôi nhà thừa tự, nhìn pháo hoa đón Năm Mới bừng lên rực rỡ trên bầu trời xứ Huế, tôi liên tưởng đến hỉnh ảnh tương tự trên bầu trời Cal-Expo của thành phố thủ phủ Sacramento, tiểu bang California – nơi tôi đã sống ba mươi năm – để cảm thấy thế giới nầy đang nhỏ lại. Nhỏ hay lớn chỉ là một khái niệm tương đối. Nhỏ lại như một Lỗ Đen; rồi một ngày nào đó sau tiếng nổ Big Bang sẽ sinh ra một vũ trụ vô biên. Quê tôi cách nơi tôi sinh sống mười bảy giờ bay, nhưng khi nhớ thương thì hai nơi thành một, nhưng khi chán ghét thì rất dễ trở thành “vô gia cư” trong chính căn nhà thừa tự của mình.
Sau Giao Thừa, tiếng loa im bặt. Có những âm thanh và dòng nước trôi đi không bao giờ trở lại và cũng chẳng còn ai nhớ, ai quên. Nhưng trong lòng tôi, dư âm của tiếng chuông vẫn còn ngân nga như lộc Xuân trên chậu mai vàng vừa hé nở cánh hoa đầu tiên.

Liễu Hạ thôn, một ngày đầu Xuân 2013  
Trần Kiêm Đoàn

Nguyễn Mạnh Trinh * Hồ Trường An, tác giả và tác phẩm


Hồ Trường An là một tác giả có sức sáng tác sung mãn và liên tục có mặt trong cả 20 năm văn học miền nam và hơn 30 năm văn học ở hải ngoại. Vừa là nhà văn, nhà thơ, người nhận định văn học và âm nhạc, những tác phẩm phong phú và đa dạng của ông đã tạo thành một vóc dáng tác gỉa có nhiều cống hiến cho nghệ thuật.

TRẦN VĂN SƠN * ĐIỀM LẠ


Đêm nằm trăn trở mơ điềm lạ
Hồng Hà dâng nước ngập Thăng Long
Thủy quái trơ xương trong mộ đá
Trấn Quốc chùa nghiêng lấp miệng rồng
Nắng dữ hỏa thiêu bầy nhện đỏ
Mưa dầm quét sạch nọc xà vương
Hồi chuông giải nghiệp tan oan khí
Tiếng mõ công phu tiếp dẫn đường
 
Điềm lạ vùi sâu hình tượng cũ
Hồn thiêng sông núi vẫn ngàn năm
Phù sa lấn biển bình nguyên mở
Đất nở hoa bát ngát hương trầm

Ta về ngó lại mây Tần Lĩnh
Thương kẻ chăn dê hận Bắc triều
Tây nguyên địa chấn chôn chồn cáo
Bản Giốc thác gầm diệt ác miêu

Ta về bụi phủ đời du tử
Ánh sáng tây phương đủ ấm lòng
Biển đông sóng dựng ngăn bờ cõi
Hải đảo chim trời nối Cữu Long

Điềm lạ khơi nguồn dòng chính sử
Núi liền sông nhân loại một nhà
Thế giới nẩy mầm cây bất tử
Vô sinh vô diệt đạo tâm  TA…

TVS


Tô Thùy Yên * Chim kêu bãi quạnh

     Dưới lũng, trên triền, nắng xếp nhỏ.
     Nước ròng sâu, sông lảng lảng xa.

     Khắc khoải chim kêu ngày tận tuyệt.
     Ai trầm luân đó có về qua?
     Mông quạnh bãi phơi vũng vướng mắc,
     Con cò lặng ngẩng lắng hơi thu.
     Xác cây gục hỗn mang cành rễ.
     Rừng đứng quanh đây, rừng tận đâu?
     Gió thấp thoáng, xa xôi hiện ẩn.
     Đêm nay, mây đâu nghỉ phương nào?

     Khắc khoải chim kêu hồn khuất giạt.
     Cảnh nổi trôi giờ đã lặng chưa?
     Ngấn nước đục khoen lem cỏ sậy,
     Lưu mà chi chỉ dấu phù hư?
     Xương cốt vẫn là xương cốt cũ,
     Đành rêm nhức mãi trở trời xưa.
     Linh chăng những vàng tiền mẹ đốt?
     Cửa để, con đi chơi về khuya.

     Khắc khoải chim kêu đời khổ nạn.
     Cò ai ngồi rạng cội cây già?
     Chim vút lên như hòn đá ném,
     Rồi tôi, cái có chỉ là qua.
     Chiều nay, trên bãi sông run rủi,
     Mường tượng dòng sông trôi tro ta.
     Một mai, ngoài cõi gió hao đuối,
     Ai hỏi ai về ai trước kia?

     Khắc khoải chim kêu mùa xoá giải.      
     Hành nhân về bên giếng quê nhà.
     Ngõ trúc chiều ngát cơm gạo mới.
     Ngọn đèn thắp đợi đã rền hoa.
     Cởi đôi giày vẹt, tấm áo tả,
     Xót xa như lột một lần da.
     Chiêm bao, âu cũng chiêm bao cả.
     Mưa lớn, chừng mưa rợp hải hà.

     Chiều bóc, bóc dần những rớt nắng
     Loi ngoi nắm níu lũng triền xa. 

     Tô Thùy Yên
 

Tiểu Tử * Tôi nằm gác tay lên trán

Hồi nãy, nằm một mình trong phòng, tôi gác tay lên trán hồi nào tôi không hay! Một cử chỉ rất tầm thường, ở quê tôi - Việt Nam – thiên hạ hay làm như vậy khi suy nghĩ chuyện gì hay khi gặp khó khăn gì. Và thường thì cử chỉ "gác tay lên trán"  đó lâu lâu có kèm theo tiếng thở dài … làm như để trút ra một cái gì đang đè trong lồng ngực.

Nhớ hồi nhỏ, nằm gác tay lên trán là bị người lớn rầy : "Lất tay xuống! Làm vậy không nên!". Không ai giải thích tại sao không nên, nhưng rồi khi lớn lên, không ai dạy mà tự nhiên cũng biết nằm gác tay lên trán, và cũng không ai dạy mà tự nhiên cũng biết thở dài …

Tôi bỏ xứ đi chui từ cuối 1978. Bao nhiêu năm "trôi sông lạc chợ" ở nhiều nơi, tôi không thấy ai nằm gác tay lên trán hết! Và tôi cũng quên mất cái cử chỉ tầm thường đó, cho đến hồi nãy đây tôi bắt gặp lại "nó" trong lúc nằm một mình trong phòng. Thì ra "nó" đã theo tôi đi lưu vong, ẩn mình một cách khiêm nhường trong tiềm thức, để bây giờ "nó" cầm cánh tay tôi gác lên trán, tự nhiên như ngày xưa – ba mươi năm trước – khi tôi chưa rời khỏi quê hương …

Ở đây - ở Pháp - thời tiết đang vào thu. Lá cây chỉ mới lai rai ngả màu vàng chớ chưa rơi rụng vội. Trời còn sáng trong, đầy nắng chớ chưa ảm đạm âm u và cũng mới se se lạnh thôi, chỉ cần quấn cái khăn lên cổ là ra đường đủ ấm.

Một chút "tả cảnh" để thấy tôi không bị tù chân tù cẳng trong chung cư như vào mùa đông tháng giá, cái mùa mà một người già "tám bó" như tôi ngày ngày vì sợ lạnh nên cứ ru rú trong nhà bước qua bước lại trong sáu chục thước vuông hay xem tê-lê để ngủ gà ngủ gật! Như vậy, thì đâu có gì bắt tôi phải nằm nhà để gác tay lên trán?

Kể ra, từ ngày tôi vượt biên rồi định cư ở Pháp, chắc nhờ Ông Bà độ nên cuộc đời lưu vong của tôi đã không bị "ba chìm bảy nổi". Có … lang bang ba tháng đầu đi tìm việc làm, nhờ tiền trợ cấp của nhà nước nên không đến nỗi te tua, mấy đứa con cũng có chỗ ăn chỗ học. Rồi duyên may đưa tôi qua Phi Châu làm việc hết mười mấy năm, khi về hưu ở Pháp thì con cái đã lập gia đình và "ra riêng" hết. Vợ chồng tôi thâu gọn lại, liệu cơm mà gắp mắm, nên cuộc sống cũng an bày. Lâu lâu chạy lại nhà con giữ cháu nội cháu ngoại, và lâu lâu đi "đổi gió" xa xa gần gần … Tóm lại, cuộc sống về già mà được như vậy là … "có phước rồi còn muốn gì nữa?". Vậy mà hồi nãy tôi đã nằm gác tay lên trán và lâu lâu lại thở dài …

Hồi sáng, một thằng bạn già gọi điện thoại cho hay vợ chồng thằng A về Việt Nam bị chận lại ở phi trường Tân Sơn Nhứt. Sau đó, "họ" cho bà vợ "nhập khẩu" còn ông chồng thì bị đuổi trở về Pháp, dĩ nhiên là không cho biết lý do ! Ông chồng khuyên vợ cứ vào đi, dẫu là gì gì đi nữa thì cũng là quê hương mình mà! Nghe kể đến đó, tôi tưởng tượng như chính tôi đang đứng ở trong nhà ga phi trường Tân Sơn Nhứt, nhìn qua các khung cửa kiếng thấy quê hương tôi ở ngay bên ngoài, cái quê hương mà ba mươi năm tôi chưa nhìn lại, cái quê hương mà ngay bây giờ, mặc dầu đang đứng bên trong nhà ga, khứu giác của tôi vẫn nghe rõ được mùi …

Ờ … mùi quê hương! Có mùi bông lài, bông bưởi, bông cau … Có mùi lúa chín, mùi rơm mùi rạ …Rồi mùi đống un, mùi chuồng trâu chuồng bò …Rồi mùi bùn non khi nước ròng bỏ bãi, v.v... Tôi biết, vợ chồng thằng A - nhỏ hơn tôi gần một con giáp – cũng có gốc "ruộng" như tôi, nghĩa là đã lớn lên ở thôn quê, đã lội bưng lội đồng bắt cá mò cua từ thuở nhỏ bị nước phèn đóng lớp vào tay chân nên lúc nào cũng thấy mốc cời! Tôi chắc chắn vợ chồng nó đứng trong ga phi trường cũng nghe mùi quê hương như tôi đã tưởng tượng. Vợ thằng A - người VN được chánh quyền VN cho phép về quê hương để dời mồ mả ông bà cha mẹ họ hàng ra khỏi đất hương hỏa theo lịnh của nhà nước – nghe lời chồng khuyên "vào đi em" bèn nhìn qua lần cửa kiếng để nhận thấy cái mùi quê hương nó hấp dẫn vô cùng, nó lôi kéo vô cùng, chỉ cần bước có mấy bước là đặt chân vào mảnh đất thân yêu mà mình đã xa cách gần ba mươi năm … Tôi biết, vợ thằng A là một người dàn bà thật thà trung hậu, chắc thế nào cô ta cũng quay lại nhìn chồng rồi rơi nước mắt lắc đầu.

Đúng như tôi nghĩ, thằng bạn già kể tiếp trong điện thoại: "Hai đứa nó đã về đến Paris hồi sáng, phone từ phi trường Charles de Gaulle cho hay nội vụ và nhấn mạnh rằng tụi nó coi như tụi nó thí cô hồn!". Nói xong, thằng bạn già cười vang khoái trá trước khi nói "au revoir"!

Tôi gác máy, nhìn quanh nhớ lại hôm nay rằm vợ tôi đi làm công quả ở chùa tới tối mới về, tôi bèn vào phòng nằm đọc báo. Tờ Figaro đầy chữ như vậy mà tôi không làm sao đọc được một hàng! Trong đầu tôi còn vang vang tiếng cười của thằng bạn già và câu nói "thí cô hồn" của vợ chồng thằng A. Tôi buông tờ báo, nghiêng người nhìn ra cửa sổ, nghĩ đến cảnh vợ chồng nó bị "quây" trong phi trường Tân Sơn Nhứt, mà thương! Ở xứ người, mình vào ra dễ dàng – dĩ nhiên là đừng … mang dao hay mang bom mang súng, cũng đừng mang bạch phiến cần sa! – còn mình về xứ mình, mặc dầu trong thông hành có "Giấy Miễn Thị Thực – Certificate Of Visa Exemption" do Đại Sứ Quán VN tại Pháp cấp, mình vẫn gặp khó khăn trắc trở bất ngờ mà mình không bao giờ được biết lý do! Vợ chồng A "thí cô hồn" là phải! Ở đó mà cãi à? Toàn là một lũ cô hồn thì nói thứ tiếng gì cho chúng nó hiểu?

Tôi trở mình nhìn lên trần nhà, miên man nghĩ về quê hương, hay nói cho rõ hơn, tôi nhớ về cái làng quê của tôi nằm bên sông Vàm Cỏ. Không biết cái "Chợ Nhỏ" bây giờ còn đó hay đã bị "di dời" đi nơi khác, theo … truyền thống đổi đời của cách mạng? (Trong làng chỉ có một cái chợ, vậy mà thiên hạ gọi là Chợ Nhỏ, làm như còn một cái chợ nào khác lớn hơn vậy!) Còn "Ngã Ba Cây Trôm" nằm trên con lộ cái, chỗ có bãi đất trống để xe đò tấp vô rước khách, chỗ có cây trôm mà dân trong làng hay đem dao đến chém vào thân cây để lấy mủ đem về pha nước đường uống giải khát giải nhiệt … không biết có nằm trong một "quy hoạch cải cách đô thị có trình độ khoa học cao" của nhà nước? Còn cái đình làng, bây giờ đã thành một cơ quan gì chưa? Cái bến cát nằm dài theo ven sông, chỗ mà ngày xưa - thuở nhỏ - tụi tôi kéo nhau một lũ cởi truồng tắm giỡn đùng đùng … bây giờ vẫn còn là bến cát hay đã bị chiếm dụng để mấy "ông lớn" xây dinh thự với tường rào kiên cố và nhà thủy tạ có cầu tàu nằm trườn ra sông ngạo nghễ? Cái lò đường trong Xóm Mới, vào mùa mía chạy che ép mía ngày đêm nghe trèo trẹo, nấu đường làm mùi thơm ngọt lịm bay trùm cả xóm … bây giờ còn là "Lò Đường Ông Út K" hay đã … biến thành "Nhà Máy Đường của Nhà Nước"? Trường tiểu học mà thời tôi còn đi học, ông đốc H cho gắn trên trụ cổng tấm bảng "Cấm Trâu Bò Vào Trường" vì mấy ông chủ bò hay thả bò vào ăn cỏ dọc hàng rào bông bụp … bây giờ đã thành … cái gì rồi? Và nghĩa địa của làng, thường gọi là "gò đồng mả", nằm một bên con đường đất đỏ dẫn vào Xóm Trong, cái gò đó - cả trăm năm – là nơi an nghỉ cuối cùng của dân trong làng, không phân biệt lớn nhỏ giàu nghèo … vẫn còn đó hay đã nhường chỗ cho những "Công Trình Văn Hóa Phục Vụ Nhân Dân"?

…Nhớ đến đó, tự nhiên tôi thở dài … Rồi tự nhiên tôi gác tay lên trán … Tôi vẫn nhìn lên trần nhà: trần nhà trắng phau, ở đó không hiện lên được một nét nào của quê hương tôi hết. Rồi tôi nghĩ: nếu tôi có trở lại VN, có "được phép" đặt chân lên vùng đất mẹ, chắc chắn tôi sẽ không tìm lại được những hình ảnh cũ. Bởi vì quê hương tôi đã bị "họ" bôi xóa trắng như trần nhà tôi đang nhìn, để thay vào đó một cái gì không ra một cái gì hết, mang nhãn hiệu "Dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh", nghe mà … điếc con ráy !

Bây giờ, tôi hiểu tại sao tôi đã nằm gác tay lên trán mà thở dài …

Tiểu Tử

Thursday, February 21, 2013

Viên Linh * Bằng hữu cuối trời: nhà thơ Hoài Khanh

tranh Hà Cẩm Tâm

Cuối năm 2012, trang Văn Học này đã có hai bài “Bằng hữu cuối trời:” thi sĩ Sa Giang Trần Tuấn Kiệt (Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012) và nhà thơ thiền giả Tuệ Sỹ (Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012).
 
Kỳ này người bạn thơ ở nửa vòng trái đất phía Ðông xa vời vợi kia hiện ra trong tâm trí người viết là nhà thơ Hoài Khanh, người bạn từ thuở cho tôi xem bản thảo “Dâng Rừng,” sau này năm 1957 trở thành thi phẩm đầu tay của anh.

Tạ Ký * Buồn như

Tặng Tôn Thất Trung Nghĩa

Buồn như ly rượu cạn,
Không còn rượu cho say
Buồn như ly rượu đầy,
Không còn một người bạn. 

 
Buồn như đêm khuya vắng,
Qua cửa sổ trông trăng.
Buồn như em nói rằng:
Nhớ anh từng đêm trăng.


 
Buồn như yêu không được,
Dù người yêu có thừa.
Buồn như mối tình xưa,
Chỉ còn dòng lưu bút. 

 
Buồn như buồn như thế,
Buồn như một kiếp người.
Đây cõi lòng quạnh quẽ
Buồn như đóa hoa rơi.

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Y Vân phổ nhạc thành nhạc phẩm Buồn.

Thy An *Cảm tạ Đất Trời

cảm tạ Đất Trời
đã cho ta khu vườn diễm tuyệt
hoa cỏ thơm lành
xuân hạ thu đông
những buổi sáng âm thầm
đứng giữa thinh không
đời như giòng sông lớn
chìm lắng xuống những tâm tư cuồng vọng
cảm tạ Đất Trời
đã cho ta sự sống
nhịp đập con tim vẫn bình yên
giữa những vần vũ của thiên nhiên
sáng đọng sương
chiều tắt nắng
ta nhìn ta, đời mở cửa ưu phiền
trong cô độc,
bỗng thấy thiêng liêng từng hơi thở
cảm tạ Đất Trời
đã dang tay rộng mở
dạy cho ta biết yêu Người và vạn vật chung quanh
chim hót trong xanh,
thơ ngủ yên lành
giọt tâm kinh rụng xuống
biến phút giây ngắn ngủi
thành bao la biển cả ...
cảm tạ Đất Trời
đã cho ta không gian mới lạ
đón ta về sau những lầm lỡ phôi pha
mùa thu mượt mà
mùa đông buốt giá
thiết tha những đêm đen chờ sáng
mặn nồng những trưa nắng đợi mưa
tình yêu vẫn nhiệm mầu
như ánh sao huyền diệu đến từ bao la vũ trụ
cảm tạ Đất Trời
đã cho ta một quê hương lam lũ
nơi ta sẽ trở về cho dù mù mịt sơn khê
mái tóc điểm sương
manh áo phong trần
dừng chân lại 
nghe tiếng réo gọi của bao tấm lòng trung hậu
cảm tạ Đất Trời
đã cho ta những bến đậu
đạm bạc quê người
cuộc hành trình qua trăm cõi bể dâu
quán cốc tha hương, đầm ấm những đêm thâu
đi, đến
ở, về
buồn viễn xứ
vẫn nghe lòng trong sạch.

ThyAn

Kinh Dương Vương * Phiên Chợ

tranh Hiếu Đệ


Quay mặt ra phía sân chợ X… Hội đồng xã TL có dựng một tấm xi măng làm bảng kẻ khẩu hiệu, từ thời đệ nhất Cộng Hòa. Dạo đó người ta đắp nổi hẳn bằng xi măng giòng chữ "Ngô Tổng Thống muôn năm". Nhưng dường như lòng hoài vọng của con người ít khi được toại nguyện, nên sau đó họ phải hối hả đục bỏ, viết lại trên mặt xi măng nham nhở một câu khác: "Hoan hô tinh thần cách mạng 1/11". Để rồi sau đó và sau đó… Bây giờ thì chồng lên có đến năm bẩy lớp sơn nứt nẻ, người ta đọc thấy: "Y… Chính phủ của dân nghèo", viết bằng sơn màu lục đậm mà sương nắng đã làm cho bạc mầu. Một buổi sáng, dân chúng đến họp chợ lại thấy lấp lên trên hàng chữ vôi: "Đả đảo Mỹ ngụy" trắng xóa. Ông xã trưởng sai thằng con nhỏ ba chân bốn cẳng xách miếng giẻ chạy ra chùi không kịp thở.

Bên cạnh, một tấm bảng thiếc cong queo đóng trên một cây tre khô nhỏ, vẽ mũi tên chỉ xuống, viết mấy chữ "cấm phóng uế nơi đây" bằng sơn đỏ, đã hóa màu gạch. Nhưng dường như sự cấm kỵ luôn luôn có sức hấp dẫn trái ngược, nên chỗ nào viết một câu có nội dung tương tự thì chỗ đó người ta đến phóng uế kỹ hơn những chỗ khác! Ở đây cũng không tránh khỏi trường hợp chung đó.


Phía sau tấm xi măng kẻ khẩu hiệu là nơi để cho mấy ông mấy bà, mấy cô đi chợ lỡ đường ghé lại trút bỏ sự khó chịu. Lâu ngày, mặt đất nhão ra thành một vũng bùn đen sền sệt, nước đọng vàng vàng, từng chỗ váng khô trắng loang lổ như muối, mùi khai nồng xông lên quyện trong không khí lan ra cả một vùng. Cỏ mồng gà, rau dền, cải trời cất đầu lên không nổi, đèo đọt, vàng cháy.


Phía ngoài thì chẳng đến nỗi nào. "Ăn coi nồi, ngồi coi hướng" người miền quê Việt Nam có ý tứ, chỗ nào khuất thì làm những việc kín đáo hơi khó coi, còn chỗ phơi ra giữa mắt thiên hạ họ biết kiêng dè, làm những việc dễ nhìn hơn. Ở khoảng đất ngay dưới chân tấm xi măng, mấy bà già thường đến nhổ cỗ trầu. Ngày này tháng nọ, lớp cỗ trầu khô dày lên, mặt đất hóa mầu nâu sẫm. Những cái bã đã vắt hết nước cốt khô queo, dẹp lép giơ những sợi vỏ cau trắng bện chặt lại với nhau, nằm rải rác. Nước cỗ trầu văng bám lên mặt xi măng chảy dọc xuống như những vệt máu đọng.


Xế chiều hôm đó, khi phiên chợ sắp tan, có cuộc di quân ngang qua chợ. Hai người lính trong đoàn quân khiêng một người đàn ông mình mẩy đầy thương tích, đặt nằm trong bóng ngả dưới chân tấm xi măng. Hắn nằm ngay chò, thở thoi thóp, chân tay phó mặc. Mấy anh lính súng đạn đầy người, vẻ mặt mệt mỏi, áo quần bết bùng đã khô, dừng lại nhốn nháo đứng vây quanh. Đám dân chúng đi chợ tò mò xúm lại xem, thì thầm những câu hỏi, đưa vài nhận xét. Chẳng mấy chốc cái thân thể khốn nạn bị một vòng người vây chung quanh.

Con Bê lên bốn và em nó, cu Lộc lên ba, thấy người ta đông đảo cũng vội vã chạy đến chen vào xem. Chúng chui lòn qua kẽ đùi, qua trôn những người lớn lọt vào giữa đám. Vừa trông thấy gã đàn ông bị thương mắt hai đứa sáng rực lên, mừng rỡ nhào tới kêu: "Ba! Ba! Ba về rồi!" Những cặp mắt đổ dồn vào hai đứa trẻ. Nhưng đã có người cúi xuống nắm cánh tay hai đứa lôi mạnh ra, nạt: "Có đứng im không?". Con Bê không dám ngước nhìn người vừa la nó, tiu nghỉu vòng hai tay trước bụng, còn thằng Lộc chắp hai tay sau đít, nẩy cái bụng ỏng, dương mắt ngó lơ láo hết người nầy đến người khác. Trong ánh mắt ngây thơ của chúng có thể đọc thấy nỗi ngạc nhiên. Hai đứa trẻ nghĩ rằng cha chúng bị đau và đang nằm ngủ, nhưng sao người ta lại đứng vây quanh dòm ngó chi vậy!


Gã đàn ông văn mình rên rỉ, ú ớ nói sảng. Con Bê lại xấn đến, nó định cúi xuống nói với gã điều gì, nhưng một lần nữa tiếng người lúc nãy lại thét bắt nó đứng yên.


Ở vòng trong cùng, đứng gần gã đàn ông bị thương, viên đại úy tiểu đoàn trưởng - có bàn tay bị thương đã được băng bó - vẻ mặt cau có, nhìn gã đàn ông chằm chằm, hằn học. Ông ta quay ra nói lớn với đám đông: - "Thôi đồng bào giải tán đi! Ai về nhà nấy, lo công lo việc. Giải tán! Giải tán!. - Ông khoác khoác bàn tay quấn băng trắng thấm máu ra dấu, nhưng chẳng mấy ai nghe lời. Họ chỉ dang ra một đỗi, đứng xa xa nhìn lại.


Bên cạnh viên đại úy, một chuẩn úy trẻ, dáng người nhỏ nhắn, bộ điệu bối rối. Gương mặt trẻ đến nỗi, dầu làn da rắm nắng, vẫn chưa đủ phong thái dày dạn của một người lính trận. Đôi mắt đăm chiêu sáng hồn nhiên và làn da còn khá mịn màng của anh khiến người ta nghĩ anh từ giã nhà trường chưa lâu và chỉ mới nhập cuộc. Đứng quay về một hướng khác, nhưng anh luôn luôn liếc mắt nhìn chừng viên đại úy, chùi mãi bàn tay phải vào ống quần trận bết bùn, mạnh như cọ xát. Chốc chốc anh lại lấy khăn tay lau mồ hôi rịn ra trên trán, thu vào túi rồi lại lấy ra, vò nát. Những ngón tay bấu chặt lấy chiếc khăn như muốn bóp cho nát ra. Đôi mắt khuất dưới vành mũ sắt nghiêng, bọc lưới, vướng những chiếc lá nhỏ đã héo, nhờ chút bóng mờ che bớt làm tối lại không trông thấy rõ, vì lẽ hàm răng trên của anh cắn chặt vành môi dưới như muốn làm cho đứt lìa, khiến người ta không mong mỏi nhìn ánh mắt khổ sở của anh.


Thời gian như ngưng đọng lại. Mọi người giữ sự im lặng khác thường. Đến nỗi như họ đã hóa thành những tượng đá sống động. Chỉ riêng anh chuẩn úy, mỗi lúc tăng thêm vẻ bồn chồn. Anh như đứng không yên. Hai tay luôn luôn cử động, những cử động thừa thãi, rời rạc. Sự dồn nén xúc động khiến các ngón tay anh dù muốn giữ chặt cũng run lên nhè nhẹ. Một cái gì trong anh cần phải được giải tỏa ngay, nếu không, anh sắp nổ tung. Môi anh cũng run lên nữa, mấp máy muốn nói, nhưng anh vẫn giữ im lặng.
- Đại úy! Bỗng anh lên tiếng đột ngột. Tiếng nói phát ra làm cho chính anh cũng ngạc nhiên. "Hắn… Hắn…" Anh lấp bấp nói tiếp, đầy xúc động trong giọng nói. "Máu hắn đã ra nhiều lắm rồi. Đại úy! Giọng anh từng lúc tắt mất trong cổ họng như anh đã nuốt. Chỉ một câu ngắn anh phải dừng lại nhiều lần, tự trấn tỉnh bằng cách nuốt nước miếng trong cái miệng khô khan. Trái cổ nổi rõ chạy lên chạy xuống liên hồi.
- Đại úy… Tôi sợ… Hắn sẽ không qua khỏi, nếu không được… chuyền máu. Vì lòng nhân đạo, xin đại úy hãy gọi trực thăng đưa hắn về bệnh viện Trung ương. Từ đêm hôm đến giờ, hắn…"


Anh ngập ngừng, định nói thêm một lời khẩn cầu nào nữa, nhưng viên đại úy đã ngắt lời anh một cách khó chịu:
"Từ đêm hôm tới giờ… Hừ! Từ đêm hôm đến giờ bao nhiêu đồng đội của anh cũng phải nằm chờ từng chuyến trực thăng tải thương trong khi họ sắp chết". Gương mặt viên đại úy bỗng dịu lại, nhìn ra xa. Anh quên có những người đã nhắm mắt vĩnh viễn vì không đủ sức chờ đợi?! Ông nói tiếp, giọng chua chát thoáng chút mai mỉa, lạnh khô. "Họ là bạn anh, những người có thể đưa ngực hứng đạn AK thay anh, có thể nằm đè lên quả lựu đạn ném đến bên anh để chết thay anh".
- Nhưng trong chuyến tải thương cuối cùng… Đại úy… Giọng anh yếu hẳn, đầy bối rối, ái ngại. Gương mặt trong cơn xúc động bất lực xám lại như một mặt đá. Trên đó chỉ còn lại đôi mắt. Đôi mắt trong sức cố gắng tuyệt vời để duy trì nghị lực rực lên như hai hòn than đỏ, nhìn thẳng vào mặt viên đại úy, anh nói gần như thét:
- Chuyến tải thương cuối cùng còn thừa chỗ!" Nói xong, như đã trút ra ngoài tất cả sinh lực, người anh rũ xuống, buồn thảm, ánh mắt mờ đục, vừng trán phẳng lạnh, xanh, nhớp nháp mồ hôi, hai khóe môi chĩu xuống, hai cánh tay buông thõng, các ngón tay duỗi xuôi, mềm yếu. Hiện thân anh, nỗi tuyệt vọng cùng cực.


Trong vài giây cố đè nén sự kinh ngạc, viên đại úy cười mũi. Hai cánh chiếc mũi sư tử láng ngời của ông phập phồng như nở thêm ra. Nhưng vẻ mỉa mai chế nhạo trong nụ cười bỗng biến mất khi ông ngước mắt lên nhìn người thuộc cấp. Sự rũ xuống trong cơn tuyệt vọng nơi viên chuẩn úy như một khối băng mà dù lòng có chai đá, viên đại úy cũng không đủ can đảm làm cho nó tan chảy. Tuy nhiên hai khóe đôi môi khô khan của ông dịch xuống và nụ cười nở ra có vẻ cay đắng lẫn thương hại người sĩ quan trẻ.
- Anh đừng quan trọng hóa một việc tầm thường. Ông nói, giọng độ lượng, đầy tự tin. Bỏ cái thói cảm động vặt của đàn bà đó đi. Anh phải nhớ, hiện tại anh là một chiến sĩ, anh hãy làm tròn và đúng bổn phận của anh: "GIẾT KẺ THÙ". Giết kẻ thù, anh nghe rõ chưa?" Giọng ông cao lên, lạnh sắc. Giết càng nhiều càng tốt. Bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào, trường hợp nào. Kẻ thù của anh là ai? Nó là gã đàn ông bị thương đang nằm trước mặt anh kia. Ông đưa tay chỉ. Nó đang hấp hối dưới chân anh. Giọng ông trở nên như thét. Hãy giết! Ông dậm mạnh chân giày xuống mặt đất khô. Giết không nghĩ ngợi. Đó là bổn phận của anh, dù anh không chọn lựa. Lì lợm và tàn nhẫn. Anh phải học tàn nhẫn không hối hận, như ngày trước người ta đã dạy anh những bài học luân lý về lòng thương người vậy. Anh phải ghi nhớ điều này. Ở mặt trận không có lòng nhân đạo, không có thời gian cho anh nhớ đến hai tiếng vô nghĩa đó. Chỉ còn lại những phản ứng, nhanh hay chậm. Và chỉ có sống hay gục ngã.


Viên chuẩn úy phát một cử động. Anh định nói điều gì nhưng nhìn ánh mắt lạnh lẽo và vẻ mặt kinh bạc của cấp chỉ huy, anh lại im bặt. Ông ta đã ngừng nói. Trong phút giây ngắn ngủi của khoảng thời gian im lặng đó, ông như lắng nghe giọng mình hãy còn tiếp tục, nhưng ý nghĩa những lời nói đã đổi khác, phản lại những gì ông vừa nói. Ông bối rối, vội vã phá tan khoảng thời gian im lặng khó chịu đó, dường như ông cũng sợ phải nghe giọng nói của chính mình trong khoảng im, cái giọng chống đối lại ông một cách hùng hồn.
- Anh hãy giết cho bằng hết những kẻ thù. Giọng ông đã giảm bớt vẻ hăng hái. "Trong một cuộc chiến tranh kéo dài không giới hạn thời gian, không gian hay hoàn cảnh này, một cuộc chiến tối tăm, rối nùi, liên miên vô độ, hầu như bất tận, cho đến khi anh buông xuôi tay, rồi đến lượt con anh, cháu chắt anh nữa cũng chưa chừng, anh phải luôn luôn tỉnh thức, chủ động và quyết liệt. Một cuộc chiến quái gở trong lịch sử chiến tranh nhân loại mà anh đã chìm vào. Anh có quyền nghĩ sẽ nhờ một phép mầu khiến nó đột nhiên chấm dứt, nhưng tự anh, anh hoàn toàn bất lực làm cho nó chấm dứt. Đó là công việc của những người khác. Bổn phận của anh là mù quáng tuân theo mệnh lệnh bắt anh phải chiến đấu, cho đến hơi thở cuối cùng, không được thắc mắc. Hiện tại, mệnh lệnh đó bảo anh phải giết cho bằng hết, giết đến tên cuối cùng những kẻ như gã đàn ông đang nằm hấp hối nầy. Đó là những tên Cộng sản, những tên Việt cộng phá rối. Anh phải say sưa và điên cuồng thi hành theo mệnh lệnh đó, cho đến khi… Đã là chiến sĩ, anh không nên và cũng không có quyền nghĩ bao giờ thì cuộc chiến chấm dứt, ngày đó còn xa hay gần đến. Chỉ có chiến đấu và chiến đấu. Ngoài ra…


Ông bỏ lửng câu nói giữa chừng. Một khoảng im lặng kéo dài, trong đó dường như viên đại úy lại nghe vang lên những lời phản đối của chính giọng ông. Anh chuẩn úy nhận ra điều đó nơi nét mặt trầm ngâm cúi  xuống của ông. Ông cũng nghe thấy cái giọng phản đối hùng hồn như lần trước, hẳn vậy. Nhưng lần nầy ông không còn tỏ ra sợ phải nghe những lời phản đối đó nữa, ông đã hiểu ra. Ông nói tiếp, bớt xúc động, cố lấy giọng lạnh lùng:
- Anh đã có công mang hắn về đây, ông đưa mắt nhìn người đàn ông bị thương, lưỡng lự… Có thể đó là một việc làm tốt đối với riêng lương tâm anh, còn tôi, ông đưa bàn tay lành lên làm dấu bằng ngón trỏ và cái, số không! Mong người bạn trẻ không cảm thấy khó chịu khi nghe tôi nói như vậy. Đó là sự thật. Ông tiếp lời, cười thành tiếng ngắn, khô. Bạn là người mới nhập cuộc chém giết, còn quá mới mẻ trong nghề, nên bạn còn giữ được lòng nhân đạo và có thể dùng nó theo lương tâm bạn. Đó mới chính thực là lý tưởng con người hoài vọng. Nhưng thời gian và hoàn cảnh khắc nghiệt đã biến đổi họ thành những mẩu người khác hẳn mà mỗi khi nhớ lại họ không khỏi kinh ngạc, xót xa. Nhưng còn biết làm sao hơn khi tay đã nhúng vào chàm, là nhuộm luôn cả thân thể mình vào đấy như từ thuở cha mẹ sinh ra mình đã xanh ngắt một mảu, để tránh cái mặc cảm tay mình đã vấy máu! Không thế làm sao họ có thể sống nổi, với cái của nợ gọi là lương tâm chứ? Tôi là một người lính nghề - không phải làm nghĩa vụ, anh nhớ cho như vậy - tôi đi lính để lãnh lương nuôi vợ con tôi, thay vì tôi làm ruộng hay đạp xích lô hoặc làm một nghề gì khác. Trái tim đỏ của tôi đã được thứ kinh nghiệm mặn đắng của máu và nước mắt hai mươi năm lăn lộn trong nghề ướp cho nó khô chai thành một khối thịt vô cảm. Thật đau đớn và chua xót. Nhưng… Như thế…


Ông chấm dứt đột ngột, cúi mặt xuống, vẫy vẫy một bàn tay trong không, những cử động lơ đễnh, tuyệt vọng như những nhịp vỗ rã rời của một cánh chim mỏi. Ông đập mạnh tay vào khẩu súng lục đeo lủng lẳng bên hông.
- Bây giờ, giọng ngập ngừng nhưng ông vượt qua được ngay, tôi không tiếc gì mấy viên đạn vô nghĩa nầy. Tôi tưởng đó là hành động nhân đạo tốt nhất tôi còn có thể cố gắng làm được. Người ta quen gọi đó là phát ân huệ. Ông gục gật đầu nhè nhẹ. Phải, phát ân huệ. Ông nói những chữ cuối cùng như chỉ để cho chính ông. Thôi tùy anh! Giọng ông hạ xuống trầm ở âm độ thấp như thì thầm. Anh có quyền hành động như một con người. Riêng tôi, hãy đừng chú ý đến. Hãy xem tôi như một người đã bỏ đi, một vật thừa còn mang hình dạng con người nhưng đã mất hẳn nhân tính.


Nói xong ông vội vã quay lưng bước đi, có vẻ như ông muốn giấu vẻ xúc động vừa thoáng hiện trên gương mặt không để viên chuẩn úy trông thấy. Anh lính cận vệ và người mang máy truyền tin cũng nhanh nhẹn bước theo. Được một quãng, viên đại úy quay nhìn lại nhưng thật nhanh, ông quay về hướng cũ lầm lũi bước.


Anh chuẩn úy đứng lặng người, có cảm tưởng bị bỏ rơi. Những lời viên đại úy vừa nói còn văng vẳng bên tai. Lòng thù hận mù quáng và lương tâm nhân ái bị nguyền rủa dậy lên trong anh như cơn bão dữ, vùi dập anh, con thuyền mỏng manh khốn khổ trong một biển thẳm vô tâm.

Anh nhìn xuống người đàn ông bị thương đang hấp hối, ánh mắt tối lại. Anh mở cặp mắt đỏ như khóc, buồn rầu nhìn theo dáng đi khập khiểng của người chỉ huy già. Các đường nét trên gương mặt trẻ trung nhăn nhúm lại trong cuộc phấn đấu tuyệt vọng. Môi anh mím chặt, run run như cố dằn tiếng khóc chực vỡ ra, mồ hôi rịn lấm tấm trên làn da trán xanh tái.


*
- Chết em rồi chuẩn úy ơi! Một quả lựa đạn nổ sát bên anh. Người lính mang máy truyền tin ngã xuống, thảng thốt kêu lên. Anh trườn tới bên hắn. Hắn quằn quại trên vũng máu nóng hổi, rên rỉ những lời trăn trối… Anh vuốt mắt hắn. Sờ làn da đang mất dần hơi ấm trở nên lạnh lẽo.
- Chết cha mày rồi! Sau một tràng đạn M16 nổ dòn, tiếng một người kêu thét lên. Người lính trong toán anh vừa bắn vừa nghiến răng nguyền rủa. Chính hắn đó, chuẩn úy. Gã đàn ông, người đã ném trái lựu đạn giết chết người lính của anh, bị trúng đạn M16, bị thương nặng, nằm ngất trong một hốc đá phủ rậm cây lá.


*
Trong khói đạn chưa mờ, giữa những tiếng kêu than rên siết của các thương binh, chiếc trực thăng tải thương đáp liều lĩnh xuống giữa mặt trận. Những thương binh được hối hả đưa lên dưới làn đạn của địch.
Chân lún trong bùn lầy, anh bồng gã đàn ông chạy về phía máy bay.
"Đại úy! Đại úy!" Anh la lên khan cổ. "Còn người nầy, đại úy cho hắn lên luôn."
Ông đại úy nhìn lại, giận dữ, vung tay, trợn mắt hét:
"Anh điên à? Vất nó xuống ngay. Tôi ra lệnh. Mặc kệ quân khốn nạn." Ông giơ hai tay lên trời. "Hành động điên rồ! Điên rồ!"
"
Nhưng hắn bị thương nặng, đại úy, phải cứu hắn!" Anh hốt hoảng la lên.
Cánh cửa chiếc trực thăng đã đóng lại. Tiếng động cơ nổ dòn, máy bay rời khỏi mặt đất để lại trận gió cánh quạt quật người anh nghiêng ngả. Người sững như trời trồng, bàng hoàng nhìn theo chiếc trực thăng có dấu thập đỏ biến mất trong mây xa, trên tay anh còn giữ chặt gã đàn ông bất tỉnh.


*


Anh đưa mắt nhìn những người chung quanh, nhưng họ vội quay đi tránh, sau khi để lại cho anh những ánh mắt xa lạ, nghi ngờ. Thái độ đó khiến anh xấu hổ và cảm thấy lạc lõng, tưởng chừng như anh đang đứng ở một nơi không phải là thế giới con người, và những sinh vật đang vây quanh anh kia, tuy giống anh hình dáng mà không là đồng loại. Muốn nhờ họ giúp đỡ anh, anh thấy có sự ngăn cách lớn lao. Anh là kẻ lạ đối với họ. Điều đó khiến anh khó nói ra lời yêu cầu khẩn thiết, nhờ họ thay anh giúp đỡ gã đàn ông khốn nạn. Nỗi chua xót bóp thắt trái tim anh. Cuối cùng, anh bước đến gần hai đứa trẻ, con Bê và thằng Lộc, mà anh để ý khi chúng xán đến bên người đàn ông và gọi gã bằng ba. Anh vơ vét trong các túi áo trận, moi ra nắm giấy bạc nhầu nát nhét vào bàn tay nhỏ của con Bê, anh giữ bàn tay run rẩy của nó một lúc, cúi xuống nhìn rồi lại ngẩng lên, nhiều lượt. Anh như muốn nói với con Bê điều gì, nhưng đột ngột, nhẹ nhàng anh buông tay nó, rẽ đám đông, bước những bước gần như chạy. Con Bê cầm nắm tiền đứng ngơ ngác nhìn theo. Viên chuẩn úy đi theo hướng của vị chỉ huy.


Anh vừa đi khỏi, đám đông ồn ào lên. Mỗi người một câu, đưa ra ý kiến mình, không ai nghe gì. Thằng cu Lộc sợ hãi níu lấy cánh tay chị nó, nhưng lầm tay một người đàn bà. Chị ta nhìn xuống, rẩy nhẹ khiến nó hoảng kinh, co rúm người lại, mắt lắm lét. Chị ta nhìn nó, mỉm cười rồi ngước lên nghe những lời bàn tán.
- Mới bữa tê hắn còn ngồi uống cà phê với tui ngoài quán bà Tùng đây ne" - Một người đàn ông nói dửng dưng. Anh ta đang ngậm một điếu thuốc Cẩm lệ vấn to tướng, nước miếng thấm ướp mẹp - Ai mà có dè. Hắn theo Giải phóng khi mô rứa hề? Anh ta chợt ngẩng lên nhìn lướt qua những người đứng xung quanh rồi chậc lưỡi:
- Thời buổi ni bò trâu lẫn lộn, thật chẳng biết ai là ai, thấy thì thấy rứa thôi, biết lòng họ ra răng.
- Răng khôn chở hắn lên nhà thương quận băng bó?  Một chị đàn bà đứng bên anh ta lên tiếng hỏi. Coi bộ hắn yếu dữ rồi.
- Ai mà dám. Tiếng trả lời. Khi hồi bộ không nghe ông đại úy đòi bắn bỏ răng còn đòi băng với bó?
- Cái thứ phá làng phá xóm nớ thì để cho chết đáng kiếp, người đàn ông hút cẩm lệ nói, cứu vớt làm chi.
- Hừ! Chị đàn bà cãi lại. Thì cũng phải cứu người ta cái đã rồi mần tình mần tội chi thì mần chớ.


Để hắn chết rứa mà coi được con mắt à?  Chị nói mập mờ. Biết ai phá ai không. Ai cũng phá hết. Kẻ phá thứ ni, người phá thứ tê.
Người đàn ông bực tức gắt:
- Ừ, bà có giỏi đem hắn về nuôi thử.
Chị đàn bà đỏ bừng mặt không trả lời được. Đám người đứng chung quanh tò mò lắng nghe hai người đối đáp. Chị đàn bà háy anh ta một cái dài rồi ngoe ngoảy bỏ đi.
- Người ác chi mà ác dữ rứa. Cũng thời người ta với nhau chớ bộ thú vật răng mà xử tàn tệ như rứa. Chị cúi mặt nói lầm bầm. Đi một đổi xa rồi chị còn quay lại nguýt anh ta nửa con mắt.
Đến lúc ấy mới có người chú ý đến hai đứa trẻ, nói với con Bê:
- Chuẩn úy cho tiền mi đó. Lộn vô lưng quần cất đi. Coi chừng không cả mất.


Phiên chợ chiều còn lưa thưa mấy người dẹp hàng muộn. Chỉ một lát sau khu chợ đã vắng ngắt, còn trơ cái nền trống và mớ rác rưởi.


Hai đứa trẻ vừa thoát khỏi đám người làm chúng sợ hãi, vội chạy xấn đến bên gã đàn ông. Gã tỉnh lại chút ít, trở mình rên rỉ, cố mở đôi mắt sưng húp bầm tím, kêu khát. Con Bê kiếm một lon sữa không chạy xuống mé sông rửa rồi múc lên một lon nước để bên cạnh gã:
- Nước nì ba. Ba uống đi. Nó tì hẳn hai khuỷu tay xuống đất, ghé cái đầu nhỏ tóc rối khô sát vào mặt ba nó, giọng nó hết sức âu yếm:
- Nước nì ba. Ba uống đi ba.  Nó sờ lên những vết thương đầy ruồi hỏi. Ai đánh ba mạnh dữ rứa?
Gã đàn ông cố mở từ từ cái miệng sưng húp ra, nhưng không nói được. Gã ráng sức đưa bàn tay xanh mét dính đầy máu khô chỉ vào cái miệng mở hé chỉ chực khép lại. Con Bê bối rối  một lúc, nhưng rồi nó biểu ra, bưng lon nước lên đổ vào miệng gã. Nó lóng cóng, làm nước đổ tràn ra cả mặt mũi, khiến gã đàn ông sặc sụa, thở nấc lên. Con Bê sợ cuống, lật đật để lon nước xuống đưa tay vuốt lia lịa những giọt nước còn đọng lại trên trán gã, trên hai gò má nhẫm những vết thương nhỏ đã khô máu. Bàn tay đầy đất của con Bê vẽ lên làn da xanh mặt gã những đường nét bùn quằn quện.
- Ba uống nữa thôi? Con Bê ái ngại cúi xuống hỏi. Người cha cố mở mắt nhìn đứa con gái nhỏ với hai khe mắt tối. Gã muốn lắc đầu nhưng không thể cử động được. Cái đầu chỉ nghiêng qua nửa vòng rồi nằm yên. Khe mắt vội khép lại.
Con Bê bưng lon nước lên uống một hơi, đưa tay quệt ngang miệng. Nó ngồi xếp bè he, chống hai bàn tay xòe xuống đất hai bên gối, ngoẻo đầu nhìn cha nó:
- Ba đi mô lâu ghê. Nó nói, giọng trách móc. Ba có mượn gạo bác Năm về nấu cơm ăn không. Mấy bữa ni tụi con đói bụng, bà Tư cho ăn cơm cháy không hà.


Người cha không nghe lời của đứa con gái nhỏ nói, gã nằm thiêm thiếp, vô giác.
Thằng cu Lộc chạy rông trong sân chợ bươi các đống rác rưởi tìm thức ăn. Nó khệ nệ ôm trước cái bụng ỏng đem về mấy củ khoai lang sùng, vài lon sữa bò còn dính chút sữa, một miếng xơ mít và những vỏ ốc, vỏ sò, để xuống bên cạnh chị, nói:
- Khoai nì, mít nì, chị Bê ăn đi. Nó vừa mời vừa gỡ những sợi xơ mít đút vào miệng nhai ăn ngon lành. Con Bê lựa một mẩu khoai lang sùng nó cho là ngon nhất, cúi xuống sát mặt cha nó, hỏi:
- Ba ăn khoai hông ba?  Nó chờ đợi một lúc, nhưng người cha không nghe lời con mình hỏi.
Thằng cu Lộc vặt xong miếng xơ mít, đưa phần vỏ còn lại cho chị nó. Nó lấy một lon sữa, thò cả bàn tay nhỏ vào vét, mút ngón tay chùn chụt. Con Bê cạp miếng vỏ mít chỉ chừa lại lớp gai nhọn. Buồn bã, nó nhai luôn mẩu khoai khi hồi đã mời gã đàn ông.


Trời sụp tối. Khu chợ và suốt dọc con đường duy nhất dẫn đến hoàn toàn vắng vẻ. Chợ họp ở đây như những phiên chợ ma. Người ta ùa đến để trao đổi với nhau một lúc rồi biến đi cả. Không ai còn dám ở ngoài khi bóng tối trở lại, vì lúc đó người ta không còn phân biệt được nhau, sự ngộ nhận dễ đưa đến tai họa.


*
Gã đàn ông bị những cơn ác mộng vây chặt. Nhiều lần gã mở choàng mắt ngơ ngác giơ một bàn tay lên, quờ quạng trong bóng đêm, thảng thốt kêu lên: "Cứu tôi với… Cứu tôi với…"


Trong tâm trí mịt mờ, phản ứng đó hoàn toàn từ vô thức. Hai con mắt gã đã bị một bức màn đen như bóng tối sâu thẳm mịt mùng của cõi hỗn mang che lấp. Hai con mắt thất thần mở trừng trừng trong những cơn động kinh nối tiếp kéo theo những bắp thịt hai bên mép sắp cứng lại, làm cho cái miệng muốn phát ra tiếng kêu la méo xệch, và thứ âm thanh thoát ra biến thành những chuỗi tiếng ú ớ  kinh dị.


Trong cõi u minh của thần trí, những hình ảnh ghi đậm nét trong quãng đời quá khứ hiện về. Lẫn lộn, mịt mờ, xô đẩy chen lấn nhau như những hình ảnh trong một đoạn phim chồng.


(…) Cha mẹ gã, mặt mũi hốc hác, xanh xao như hai xác ma, áo quần rách nát, ướt sũng thứ bùn đen quánh dưới đáy mồ, lỗ mắt, hốc mũi sâu hoắm, đen ngòm. Hai cái đầu chỉ là hai mẩu sọ dừa khô còn bám những sợi tóc bạc. Hai người đến trước mặt hắn run rẩy, khóc lóc, vén mớ vải rách tươm lên chỉ vào hai cái bụng xẹp khô, để lòi hai bộ xương sườn, kêu đói: "Con cho ba mạ xin miếng cơm miếng cháo. Con cho ba mạ xin tấm áo manh quần mặc cả lạnh." Nước mắt gã ứa ra, chảy ròng ròng xuống má. Gã nhớ ra, từ ngày cha mẹ gã nhịn đói nhường cơm cho gã ăn trong năm mất mùa, rồi vì cơn đói mà chết, đã mấy chục năm qua rồi, gã không có chén cơm, nén nhang cúng bái. Gã đau đớn gào lên: "Ba ơi! Mạ ơi! Con bất hiếu của ba mạ đây!" Gã chồm tới ôm lấy hai người, nhưng toàn thân gã đau buốt, ngã quỵ xuống. Cha mẹ gã cúi xuống hôn lên mặt gã. Từ hốc mắt, mũi dòi bọ lúc nhúc rơi ra, bò lổm ngổm. Bỗng hai bóng người dang ra xa, cười lên sặc sụa - những tràng cười dài đầy hờn oán biến thành những mũi tên đen đâm vào tim gã làm văng vung vãi những con bọ tanh hôi lên mặt gã. Hình ảnh hai bóng ma mờ dần. Âm thanh giọng cười rùng rợn trôi xa, vang vọng trong một cõi sương mù đen dày đặc…


(…) Thằng Ất mới lên tám với bầy trâu của người chú họ lang thang trong những đồng cát bao la những ngày nắng cháy mùa hè, những chiều mưa tầm tã giá buốt mùa đông… Nó quằn quại kêu khóc trong những trận đòn trối chết khi có một con trâu đi lạc không tìm thấy. Những đêm lùa trâu về muộn không dám hỏi cơm. Nó nằm ngủ trong chuồng với bụng đói trên lưng vật, ôm lớp da lông lá để tìm chút hơi ấm. Người thím dâu đanh đá mỏ dài mồm nhọn với đám con ác độc.


(…) Út, người con gái mồ côi cùng xóm đã mang đến cho gã chút niềm tin và hy vọng. Một đêm mưa lũ hai đứa bỏ nhà chủ trốn đi. Nàng đã cho gã con Bê và Cu Lộc… Một quả đạn oan nghiệt đã cướp nàng ra khỏi đời gã. Một buổi sáng ngoài ruộng lúa. Út ngã ra quằn quại trên vũng máu, một bàn tay níu lấy gã, tay kia còn giữ chặt nắm mạ chưa kịp cấy. Nàng kêu tên gã, con Bê, thằng Lộc thảm thiết rồi tắt thở. Những giòng nước mắt nóng hổi của gã tưới đầm đìa lên mặt Út…


(…) Anh Năm, người đàn ông trong xóm đến khuyên lơn, an ủi gã, lo lắng chôn cất vợ gã chu đáo. Anh Năm nói những lời dỗ dành hứa hẹn… gã không hiểu anh Năm nói gì, nhưng trong trí tưởng tượng của gã vẽ ra một đời sống tương lai tuơi sáng. Trước mắt gã mở ra một thiên đàng hạnh phúc: gã và các con sẽ sống một đời sung sướng, cơm no, áo ấm, trong sự nhìn nhận và tôn trọng nhân phẩm của con người… Rồi gã bằng lòng nhận lãnh những việc anh Năm giao phó. Gã say mê, tận tâm thi hành với lòng hoài vọng, tự tha thứ…


(…) Những oan hồn thi thể không toàn vẹn ùa đến vây lấy gã kêu réo, khóc lóc đòi đền mạng… Lão trưởng ấp cụt đầu đứng sừng sững, tay bưng chiếc nón lá đựng cái đầu lão mắt còn mở nhìn gã trừng trừng. Ở khoảng cổ cụt hơi thở ra phun phì phì, máu sủi bọt reo lên như tiếng cười… Cô Lan có chồng đi lính Quốc gia bị gã hạ sát, tay bồng đứa con bào thai sáu tháng đỏ hỏn nét mặt buồn rầu, xanh xao, nhưng đôi mắt nhìn gã rực lửa căm hờn… Vô số những oan hồn già trẻ mà hắn chưa hề quen biết, đứt đầu, cụt tay, gẫy chân, mất nửa thân mình treo lơ lửng giữa từng không. Có cả vong hồn những đoạn đường, những chiếc cầu, những toa xe lửa, xe đò, xe lam… Tất cả vây quanh gã la hét, kêu gào, nguyền rủa như muốn ăn tươi nuốt sống gã. Gã hốt hoảng, vùng dậy chạy và bỗng thấy mình nhẹ hẫng như một làn khói. Gã la lên: "Tui không biết… Tui không biết… Không phải tui… Người ta xúi tui làm… Tui vô tội… Vô tội… Ối cha ơi… Mẹ ơi!" Gã chạy trốn đám oan hồn, lướt đi trên các ngọn cây, nóc nhà, băng qua vườn tược ruộng đồng, làng mạc, núi đồi, giòng sông chảy qua làng gã đang yên ngủ… Gã lướt đi như một cơn gió mỏng manh yên lặng. Những oan hồn đuổi nà theo gã bén gót. Bỗng giữa tiếng khóc than kêu réo đòi mạng ồn ào, gã nghe giọng vợ gã áo não vượt lên cao: "Ất ơi! Anh Ất ơi! Chờ em với… Anh ơi!" Gã bàng hoàng quay lại, xô ngã đám oan hồn, ôm chầm lấy vợ. Đám oan hồn đông vô số kể ào đến vây lấy gã. Một tay ôm vợ, một tay gã vung lên gạt đám oan hồn ra mở được một lối thoát, cắm đầu chạy miết. Bên nách, vợ gã rền rỉ: "Anh ơi! Con Bê! Thằng Lộc, mô rồi anh? Con chúng ta mô rồi?" Nhưng gã không còn nghe gì nữa, gã mãi lo tìm lối để thoát thân, chạy trốn đám oan hồn đang níu kéo. Trước mặt gã là một cõi tối tăm lạnh lẽo. Gã không còn thấy, còn nghĩ ngợi, gã ôm chặt vợ, lao vào khoảng tối đen mịt mờ…


*
Sáng hôm sau, khi con Bê thức dậy nó không thấy Cu Lộc nằm bên cạnh. Nó dụi dụi hai con mắt, ngó quanh quất tìm em.. Thằng Cu Lộc đang tẩn mẩn sờ lên đôi mắt nhắm nghiền của gã đàn ông. Nó cong hai ngón tay trỏ và cái bé xí nhéo lấy từng con kiến cao cẳng trong đêm đã đánh hơi bu lại,nhấm nháp chất nước sền sệt, rỉ ra từ hai khóe mắt đọng ghèn của gã.
- Mi có để cho ba ngủ không hả Lộc, phá chi nớ?
Con Bê rày em. Nó chớp chớp mắt liền mấy cái, vuốt vuốt hàng lông nheo dính ghèn khô, để ra trước mắt nhìn.


Những tia nắng bình minh trong trẻo của một ngày mới dọi qua bụi tre như những mũi tên vàng, làm nó chói mắt. Bóng cành lá tre vắt qua thân thể người đàn ông những nét mờ, di động theo gió, in đậm hơn trên màu đen chiếc áo bà ba lấm bùn, vén lên hở bụng. Gã nằm co lại như một con tôm nướng, hai cẳng chân dài xanh mét, chồng lên so le. Gân rút hai cánh tay lại co quắp. Chiếc đầu ngả hẳn sang bên, tóc dài quá gáy dính máu bện lại thành từng lọn. Đôi môi khô xám, miệng há ra như đang la lộ ra những chiếc răng đóng bựa và nhựa thuốc lá vàng.


Một con chim chìa vôi từ trong bụi tre bay ra, kêu lên mấy tiếng, nhẹ nhàng sà xuống đậu trên mặt đất, nhún nhẩy trên đôi chân nhỏ, gần bên Cu Lộc. Mắt thằng bé sáng lên, nó bỏ ngay lũ kiến đen cao cẳng quay ra phía con chim, khum khum cái mông đít tóp, nhè nhẹ bò chồm tới. Con chim nhảy nhảy, mắt nháy láo liêng, ngoắc ngoắc chòm lông đen chen trắng, như phe phẩy một cánh quạt mở ra chưa hết. Thấy có bóng người nó niễng đầu nhìn rồi vụt bay vào bụi tre đậu trên một cành nhỏ làm chĩu xuống, rung rinh những chiếc lá tre non xanh mởn còn láng ướt lớp sương đêm.


Cu Lộc nhìn theo tiếc ngẩn ngơ. Thấy con Bê đã thức dậy, nó nhăn nhó đòi ăn:
- Đói bụng quá chị Bê ơi! Kêu ba thức dậy về nhà nấu cơm ăn, ngủ chi mà lâu dữ rứa.
- Mụ cô mi nờ. Con Bê cóc lên đầu Cu Lộc, mắng phủ. Ăn liền cái miệng mà cũng đòi hoài.
Mắng xong, nhìn nét mặt tiu nghỉu của em, ánh mắt nó dịu lại, hối hận đã mắng oan thằng nhỏ. Từ chiều qua, hai chị em mới ăn mấy củ khoai lang sùng rồi xuống mé sông uống bụng nước lạnh, chớ có gì đâu mà ăn hoài.
Ba hôm trước, cha chúng nó trước khi đi có nấu để lại nồi sắn. Gã dặn con Bê hễ đói bụng thì lấy sắn đó mà ăn. "Ba qua mượn gạo về nấu cơm cho hai con ăn". Gã nói với hai đứa nhỏ rồi bỏ đi biệt. Nhưng nồi sắn chỉ có mấy củ, hai đứa đã ăn hết cả ngay ngày đầu. Mấy hôm sau đói bụng, đến bữa ăn chúng qua nhà bà Tư hàng xóm ngồi dòm miệng. Khi ăn xong, bà vét cho chúng phần cơm cháy, chan cho tí nước cá kho.


Cu Lộc khóc mếu máo, đưa bàn tay bẩn lên gãi đầu đầy những mụn ghẻ lở. Nó trần truồng, da đen bóng, đóng lớp cáu ghét lâu ngày không tắm rửa, loang lổ từng chỗ như dấu nước mưa dột thấm trên một trần nhà ám khói. Con Bê thì có được manh quần cụt vải thô, nhưng đã lên nước, chẳng còn nhận ra màu gì.
- Mi ngồi đây nghe Lộc, con Bê dặn em, tao lại thím Tùng mua xôi về cho ăn. Nó vươn vai đứng dậy, há họng ngáp dài. Đừng có phá, Bê dặn em, để ba ngủ. Mi mà phá làm ba thức dậy, tao không cho ăn xôi mô nghe. Ba đang đau đó.
- Răng mà ba đau rứa chị Bê hè? Lộc liếc nhìn ba nó, vui vẻ hỏi chị. Ai đánh làm ba đau rứa?
- Tao biết chi mô. Con Bê nạt. Mi con nít hỏi chi?
Trước khi đi, con bê xách cái lon sữa chạy ù xuống sông múc một lon đầy nước để bên cạnh gã đàn ông. Nó dặn em:
- Răng chừ ba thức dậy, đưa cho ba rửa mặt, nghe Lộc.
- Chị Bê đi mua xôi mau hí. Thằng Lộc nói với theo, Cu đói bụng ghê đi.
Trong khi chờ con Bê mua xôi, Cu Lộc thấy dưới cạnh lưng gã đàn ông một vết loang màu đỏ sẫm, thấm ra trên đất. Nó bốc lên một ngụm, bóp trong lòng bàn tay, thấy dẻo như bùn đặc. Nó xúc lên, ém đầy mấy vỏ sò, vỏ hến, chơi làm bánh. Nó đổ ra, sắp thành hàng những chiếc bánh in hình nửa con sò màu huyết dụ. Con Bê trở lại, ôm trước bụng ba gói xôi, hai gói nhỏ, một gói lớn. Thằng Lộc trông thấy vội vàng nhổm đít dậy, chạy ra reo mừng. Nó quẹt hai bàn tay chiếu lệ sau mông, chìa cả hai tay ra đỡ lấy gói xôi con Bê đưa.
- Mi lấy gói nhỏ ni nghe. Bê nói. Tao cũng ăn gói nhỏ. Gói lớn để dành cho ba.
Hai đứa trẻ ngồi bệt xuống đất, bên cạnh gã đàn ông, ăn chăm chỉ, giữ từng hột xôi, vén khéo không hề rơi rớt. Chúng nâng gói xôi cẩn thẩn trong hai bàn tay, cúi xuống, kề miệng mà ngoạm.


Cu Lộc khoe chị công trình làm bánh của nó. Con Bê miệng nhai nhóp nhép, cầm những chiếc bánh in đất lên xem vẻ khoái chí. Nó rướn cổ ra để nuốt cho trôi miếng xôi to, nói với em:
- Ờ, giỏi! Tí nữa ăn xong, chị em mình chơi buôn bán. Cu đi kiếm lá về làm tiền nghe.


Hai đứa đã ăn xong. Thằng Lộc chạy đi bẻ lá. Con Bê bọc thêm lớp lá chuối khô ngoài gói xôi lớn đem để bên cạnh lon nước gần chỗ cha nó nằm. Nó dặn đi dặn lại Cu Lộc:
- Xôi ni của ba, mi không được ăn chùng, nghe Lộc. Tao đập.
Hai đứa trẻ bắt đầu cuộc chơi. Thằng Lộc làm người đến mua. Con bê bán cho em nó những chiếc bánh in làm bằng đất trộn với máu của cha chúng nó. Cu Lộc trả lại chị nó những đồng tiền lá./.