Dù ông Dần ép buộc đủ điều, con Thúy vẫn cương quyết không chịu kết hôn với thằng Long, người con trai duy nhất của ông Thất Sang, một địa chủ giàu có, sở hữu hàng trăm mẫu ruộng. Tài sản đồ sộ nầy là do cha ông qua đời để lại. Cha ông Sang là một người nông dân cấp tiến. Ông gạt bỏ cái quan niệm cổ hủ “lấy giạ đong lúa, chứ không ai lấy giạ đong chữ” và quyết tâm cho Sang học hành. Sau khi lấy được bằng Thành Chung. Nhiều lần Triều Đình mời ông ra làm quan nhưng ông đều từ chối.
Tuy là một điền chủ giàu có, nhưng ông Sang sống hòa đồng với mọi người. Thường hay giúp đỡ những ai sa cơ thất thế, bị đám tham quan ô lại làm khó dễ để moi tiền. Nhiều đêm ông Sang suy nghĩ “tiền không phải là phương cách tốt để trám miệng những tên tham quan mà chỉ có quyền hành mới làm được điều này.”
Thế rồi ông Sang vận động Triều Đình Huế mua hàm Thất Phẩm với tước Hồng Lô Tự Khanh. Từ đó đám quan lại từ cấp tỉnh đến cấp làng xã đều kiêng nể ông. Tuy là một người có quyền thế trong xã hội, nhưng trong gia đình, ông Sang không làm cách nào trị được thằng con ngỗ nghịch của mình. Tuy học hành đỗ đạt nhưng tính tình thằng Long vô cùng quái đản, thường gây chuyện với bà con hàng xóm, khiến trong làng ai ai cũng ghét.
Một hôm ông Sang đến nhà ông Dần chơi. Ông Sang tâm sự:
- Việc xã hội thì tôi trị được nhưng việc gia đình thì tôi đành bó tay. Tôi không biết phải làm cách nào để dạy dỗ thằng con ngỗ nghịch này của tôi.
Ông Dần là một người hám danh, ông không quan tâm đến tính tình của thằng Long mà chỉ nghĩ nếu làm sui gia với ông Thất Sang thì sẽ nở mày nở mặt với bà con hàng xóm. Ông liền nói:
- Tôi có cách này không biết ông Thất có bằng lòng không?
- Ông Dần cứ nói. Miễn sao trị được thằng con của tôi thì việc gì tôi cũng chấp nhận.
Ông Dần nói:
- Con Thúy nhà tôi tuy không học hành bao nhiêu. Nhưng nếu ông Thất không chê thì tôi gả nó cho thằng Long. Con ngựa có “chứng” cách mấy khi buộc cương rồi thì nó sẽ được thuần phục ngay.
Ông Thất nói:
- Vậy thì tốt quá. Tôi vô cùng cảm ơn ông Dần.
Ông Dần đem việc này nói với con Thúy. Con Thúy giật nẩy người, nói:
- Ba ơi! Sao việc hệ trọng như vậy mà Ba không hỏi con trước. Con thà chết chứ không lấy thằng con trai mất dạy đó đâu.
- Ba đã hứa với ông Thất rồi. Không cách nào thay đổi được. Gia đình họ giàu có. Được làm dâu người ta là phước ba đời của con có biết không?
- Không đâu Ba. Hạnh phúc của con không thể đổi lấy cái giàu có không thuộc về mình. Ba cũng biết tính tình bà Sang rồi mà. Thằng con mất dạy đó cũng do bà ta cưng chiều dung túng mà ra. Ông Thất là một người có địa vị trong xã hội. Ổng không muốn gia đình xào xáo, làm tổn hại đến thanh danh của ổng, nên mỗi lần ông rầy la thằng Long, bà Sang làm hung làm dữ là ổng im miệng ngay. Gia đình người ta như vậy, không lẽ Ba muốn đẩy con vào cái lò lửa đó cho người ta thiêu sống con hay sao?
Ông Dần đập bàn đứng dậy định đánh con Thúy, nhưng ông chợt nghĩ “phải dỗ ngọt con nhỏ nầy mới được”. Thế là ông vừa ngồi xuống vừa nói:
- Ba biết con còn khờ dại nên mới nghĩ như vậy. Ba để con có thời gian suy nghĩ. Nhưng Ba cũng nói trước cho con biết là dù ông trời có sập xuống Ba cũng không thay đổi ý định này đâu.
Ông Dần nói xong, hùng hổ đập bàn đứng dậy bỏ sang nhà hàng xóm tán gẫu.
Khi ông Dần đi rồi, con Thúy vào phòng vừa khóc vừa năn nỉ bà Dần:
- Mẹ ơi! Mẹ giúp con đi. Ba bắt con phải lấy thằng mất dạy đó làm sao con nghe lời được!
Bà Dần nói:
- Con cũng biết mà! Có bao giờ Ba con chịu nghe lời Mẹ đâu. Con hãy can đảm lên. Muốn làm gì thì làm. Mẹ cũng là một nạn nhân, đã chịu đựng những tháng năm buồn khổ nhịn nhục Ba con đủ điều. Nên Mẹ rất hiểu nỗi lòng con. Nhưng Mẹ không có cách nào giúp con được.
Cuối cùng con Thúy cũng phải khuất phục trước sự ép bức thô bạo của ông Dần. Trước đám cưới vài ngày. Con Thúy nằm vùi trong phòng không chịu ăn uống gì cả. Bà Dần dỗ dành khuyên nhủ đủ điều nó mới cố nuốt vài ba muổng cơm rồi nằm lăn ra khóc tức tưởi.
Đám cưới được tổ chức linh đình. Bà con trong làng vì sợ mẹ con bà Sang trả thù nên không ai dám vắng mặt. Con Thúy vì không ăn uống đầy đủ lại thêm buồn rầu quá độ nên đám rước dâu còn cách nhà trai vài trăm thước, nó ngã ra bất tĩnh. Bà Dần vội bồng nó chạy về nhà chăm sóc. Nhưng chưa tới nhà thì con Thúy tĩnh lại. Bà Dần quyết tâm không nhường nhịn ông Dần mà gả con Thúy cho thằng Long nữa. Bà nhanh trí không bồng con Thúy về nhà mà ẵm nó đến nhà một người bạn giấu nó ở đó. Sau khi con Thúy ngủ yên. Bà Dần trở về nhà lấy đồ đạt để đưa con Thúy vào Sài Gòn. Khi về đến nhà bà thấy ông Dần ngồi ở bàn ăn với một chai rượu. Ông Dần để ly rượu còn cầm trên tay xuống bàn nói:
- Bà à! Tôi đoán được việc làm của bà. Đã đến nước này, tôi không biết phải làm gì ngoài việc chấp nhận những hậu quả của việc đào hôn. Với thế lực của ông Thất Sang, ổng muốn làm gì chúng ta mà chẳng được! Bà hãy nói với con Thúy cứ an tâm. Mọi việc đã có tôi gánh vác. Tôi có viết sẵn một bức thư, bà đưa cho cô Ba nó, nói tôi muốn cho con Thúy tiếp tục học hành; phần Bà thì cứ ở Sài Gòn chơi một thời gian, khi nào sự việc giải quyết xong rồi hẳn về.
Đám cưới không thành. Mẹ con bà Sang tức giận. Bà quyết tâm bắt con Thúy về làm dâu cho bằng được. Nhưng khi bà Sang tới nhà thì không thấy con Thúy đâu cả; bà chửi mắng xối xả còn thằng Long thì hăm he đủ điều.
***
Ba ngày sau ông Sang đến nhà. Ông Dần vội vã pha trà, khúng núm mời mọc. Ông Sang nói:
- Ngồi đi ông Dần. Việc này là lỗi của tôi và ông. Có điều tôi không hay biết gì về việc ép hôn của ông. Nếu biết trước con Thúy nhất quyết không chịu kết hôn cùng thằng Long thì tôi hủy bỏ hôn ước ngay.
Ông Dần nói:
- Cảm ơn ông Thất nhiều lắm. Tôi không ngờ đứa con nầy của tôi quá cứng đầu như vậy.
- Ông Dần à! Giả dụ như tôi và ông, nếu bị bắt buộc phải kết hôn với một người mà mình không yêu thì cả tôi và ông đều nhất định không chịu, thì tại sao ép một đứa con gái phải lấy một thằng con trai mà nó không yêu?! Ngược lại nếu con mình đòi lấy cho bằng được cái thằng mất dạy như thằng con tôi thì ông nghĩ thế nào? Nếu là ông thì tôi không biết. Nhưng nếu là tôi thì nhất định không bao giờ chấp nhận. Tiện đây tôi thành thật xin lỗi ông vì muốn cho thằng con có sự ràng buộc của người vợ mà thay đổi tính tình như ông đã nói. Ông Dần ơi! Cả tôi và ông đều sai cả rồi!!! Tôi cũng nói cho ông hay là tôi đã gởi thằng con mất dạy của tôi vào một trường đào tạo Sỹ Quan Hiện Dịch. Tôi biết chỉ có kỷ luật quân trường mới làm cho nó chừa cái thói hư tật xấu mà làm lại một người đàng hoàng.
Ông Dần nghe ông Sang nói mà thấy xấu hổ bội phần. Ông cúi mặt không thốt được một lời…
Đúng như những gì mà ông Sang nói với ông Dần lúc trước, Long bây giờ tính tình thay đổi hẳn. Đã là một sĩ quan với cấp bậc Trung Úy, chững chạc trong bộ quân phục màu ô liêu.
***
Từ khi rời quê nhà vào Sài Gòn để tránh cuộc hôn nhân do người cha sắp đặt, Thúy nhất định không về thăm nhà và tiếp tục việc học hành. Hai năm sau Thúy lấy được bằng Tú Tài II. Rồi với ước mơ làm một cô giáo, Thúy may mắn vào được Trường Đại Học Sư Phạm. Sau khi tốt nghiệp, Thúy xin về dạy tại Trường Trung Học Phan Bội Châu ở Phan Thiết. Ngoài giờ giảng dạy ở trường, Thúy thường vào thư viện đọc sách hay ra biển Thương Chánh hóng mát. Cuộc đời của Thúy êm đềm trôi như một áng mây chiều lang thang trên nền trời trong xanh.
***
Ngày đầu tiên đặt chân lên quê nhà, Thúy mới biết một ít về cuộc đời của Long sau ngày đám cưới bất thành. Thúy có chút ngậm ngùi! Nó nghĩ về cuộc đời của một người lính xa nhà. Nỗi cô đơn buồn chán luôn khuấy động tâm tư tình cảm của họ. Thúy lại nghĩ không biết có phải vì đám cưới bất thành mà Long đau buồn nên vào quân đội hay không?!
Ở bãi biển Thương Chánh, Thúy nhẹ nhàng từng bước dọc theo mé nước trong giờ biển cạn. Nhìn xa xa Thúy thấy có một người lính mặc quân phục ngồi ở trên cồn cát. Khi tới gần Thúy mới nhận ra người ngồi đó chính là Long và Long cũng nhận ra Thúy. Long đứng lên bước nhanh ra mé nước:
- Chào Thúy. Lâu lắm mới gặp lại em. Trông em hơi khác một chút.
- Chào anh. Em cũng vậy. Nhìn anh khác xưa nhiều. Sống trong quân đội chắc buồn lắm phải không anh?
Long trả lời:
- Đúng vậy Thúy. Nỗi buồn đau trong quá khứ luôn hiện về trong đầu anh.
Thúy biết câu trả lời nầy của Long mang tâm sự của một quá khứ bắt nguồn từ một lần kết hôn không thành.
Thúy hỏi:
- Anh muốn nói về cuộc hôn nhân bất thành của chúng ta phải không?
- Không đâu Thúy. Anh đâu dám nhắc đến chuyện này.
Bóng chiều ngả xuống thật nhanh. Bãi biển chỉ còn lại hai người.
Thúy hỏi:
- Chừng nào anh trở về đơn vị?
- Thứ Hai tuần sau.
Thúy nói bâng quơ:
- Chỉ còn năm ngày thôi sao!!! …
Nguyễn Đức Nhơn
25/02/19