văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, January 31, 2012

VŨ ÁNH * Hình ảnh một vị Sư Già - TT Thích Quảng Long



Mùa hè năm ấy có lẽ là một mùa hè nóng bức oi ả nhất của thập niên tám mươi tại miền Bắc. Trại giam Ba Sao, Nam Hà thuộc tỉnh Hà Nam Ninh như nằm yên dưới sức nóng như thiêu đốt, ngay cả về đêm cái nóng như vẫn còn âm ỉ, mọi thứ như tỏa ra hơi nóng - những bức tường, những sàn lót gạch hung hung đỏ, cái sân tráng xi măng trước mặt, ngay cả cái ván lót trên sàn nằm cũng toát ra hơi nóng. Những tù nhân chính trị chế độ cũ như trong một lò ngục tối trên trần gian, ban ngày thì lao động khổ sai đổ mồ hôi không phải đổi lấy bát cơm mà đổi lấy ít thức ăn độn như khoai hay sắn hay bo bo mà vẫn không đủ no, ban đêm thì cố dỗ giấc ngủ trong cái nóng như nung như đốt ấy trong cái nhà nằm xếp hai từng như cá đóng hộp trong buồng giam. Mồ hôi lại đổ ra cho đến khi mệt lả người đi thì giấc ngủ chập chờn mới đến.

Cái nóng kinh người đã kéo dài cả tháng nay và đồng ruộng đã nứt nẻ, các em bé chăn trâu mà Trung và các bạn gặp trên đường đi lao động cũng môi khô và chui vào các bụi cây trú nắng. Các giếng nước cũng từ từ khô cạn đưa đến nạn thiếu nước trầm trọng cho cả dân chúng những làng bên ngoài lẫn những người tù khốn khổ trong trại.

Buổi trưa hôm đó cũng như mọi ngày sau khi lao động về, ăn xong phần ăn trưa ít ỏi, các người tù cố nằm dỗ giấc ngủ ngắn để lấy sức lao động buổi chiều thì thấy một vị sư già đang ngồi ngoài sân nắng trong thế kiết già cả nửa tiếng đồng hồ và mặt ngước nhìn thẳng lên trời. Những khi hạn hán thì thầy vẫn cầu nguyện như thế và sau đó chiều tối hay trước nửa đêm thể nào mưa giông cũng kéo đến. Đêm nay cũng thế, Trung cố dỗ giấc ngủ để mà mai còn sức trả cái nợ lao động nhưng không làm sao nhắm mắt được, mồ hôi trên người cứ nhỏ từng giọt như làm cho sức khỏe của anh cạn dần đi theo đêm. Anh nhớ tới thằng bạn thân nằm bên cạnh nói với anh hồi chiều rằng chỉ ước ao ông Trời cho một trận mưa chứ đã tù cả chục năm rồi cũng chẳng mơ ước xa xôi gì ngày trở về nữa. Thế rồi, như một phép lạ những làn gió mát từ đâu từ từ thổi đến, len lỏi vào những khung cửa sổ, luồng dưới những cánh cửa buồng giam và từ xa xa vài lằn chớp nhoáng lên bên trời. Chẳng bao lâu sau thì những giọt mưa, ôi những giọt mưa cam lồ của Trời ban xuống như thêm sức mạnh cho những người tù biệt xứ lưu đày. Các buồng giam không ai bảo ai đều thức dậy và tung mùng ra để được hít thở những giây phút mát rượi của làn gió lùa vào trại giam.

Vô tình Trung nhìn xuống nơi vị sư già giam cùng buồng với anh, thầy vẫn như còn đang ngồi thiền trong mùng, mặt quay vào tường trong thế kiết già. Trung chợt hiểu và các bạn anh cũng hiểu rằng chính nhờ thầy cầu nguyện mà đã có trận mưa đêm nay. Vị sư già đó chính là Trung Tá Quyền Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo của QLVNCH - Thượng Tọa Thích Quảng Long, một người tù xuất chúng đã làm cho kẻ thù phải cúi đầu kính nể. Giang sơn của thầy cũng là một tấm chiếu, hai bộ quần áo tù, và một cái chăn đỏ Trung Quốc như mọi người và nằm một dãy với các Đại Đức Tuyên Úy khác.

Anh nhớ đến thầy Khuê, một vị Tuyên Úy Phật Giáo và Tam Đẳng Huyền Đai Nhu Đạo võ đường Quang Trung, một vị Đại Đức mà anh rất mến thương và kính trọng, đã từng nói với anh rằng nếu nói về đạo Phật, về sự tu hành thì hãy lấy thầy Long mà làm gương; đừng vì một vài vị Tuyên Úy đã không nghiêm giữ được giới răn mà hiểu lầm về đạo Phật mà mất đi niềm tin.

Anh nhớ lại câu chuyện lúc mới bước chân vào trại giam Long Thành sau khi Sàigòn sụp đổ và hầu như mọi người đều không biết bấu víu vào đâu, niềm tin vào các tôn giáo cũng bị lung lay thì một sự việc đã xảy ra làm mọi người đều kính trọng thầy, nhất là khi biết hai tòa đại sứ bạn đã đến đón thầy đi di tản trước đó nhưng thầy đã khẳng khái chối từ và thanh thản bước chân vào trại giam.

Trong thời gian mới bị giam giữ, một hôm thầy được gọi ra làm việc để gặp hai vị sư quốc doanh là Thượng Tọa Thích Minh... và Thích Thiện... Hai vị này ra sức thuyết phục và chiêu dụ thầy để thầy ủng hộ phong trào “Phật giáo yêu nước”, và nói sẽ bảo lãnh cho thầy ra khỏi tù ngay để nhờ thầy góp công góp sức xây dựng phong trào Phật Giáo Yêu Nước này. Hai vị sư này chính là người mà Cảnh Sát Đặc Biệt thuộc lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia đã bắt giam trước năm 1975 vì hoạt động cho Cộng Sản. Thích Minh... đã bị đày ra Côn Đảo, còn Thích Thiện... thì thường được gọi là Ôn TĐ. Sau đó chính Thượng Tọa Thích Quảng Long là người đã đứng ra bảo lãnh cho họ ra khỏi tù để ăn năn hối cải mà trở về lại con đường tu hành vì họ đã bị lộ hình tích. Không ngờ ông trời trớ trêu để có ngày họ lại đến trại Long Thành và đối đầu với thầy trong hoàn cảnh đặc biệt này của đất nước.

Thầy nhìn hai vị sư quốc doanh kia và từ tốn chậm rãi nhưng thật cương quyết thầy nói: “Các ông đã dựng nên cái phong trào “Phật Giáo yêu nước” ấy thì các ông cứ tiếp tục công việc mà các ông đã làm, còn tôi là một Tuyên Úy trong quân đội và tôi sẽ theo chân các Phật tử trong các trại giam, họ đi đến đâu thì tôi cũng sẽ đi đến đấy với họ cho tới cùng. Thôi các ông về đi”.

Và sau đó thầy chấp nhận việc chuyển trại ra Bắc mở đầu cho một quãng đời biệt xứ lưu đày. Những ai có may mắn gặp thầy trong trại giam thầy đều kính trọng vị sư già này, người mà lúc nào cũng như mỉm cười, hòa nhã, giản dị, khiêm tốn và giúp đỡ tất cả mọi tù nhân mỗi khi thầy có phương tiện.

Năm 1976, thầy cùng một số Tuyên Úy chuyển trại từ Nam ra Bắc và bị giam giữ tại trại 1 Sơn La hay còn gọi là trại Mường Thái là nơi mà trước kia Pháp đã từng giam giữ những tù nhân bị án lưu đày. Năm sau thì thầy có tên trong số những tù nhân di chuyển về trại Yên Hạ, trại giam này nằm dưới thung lũng và bao vây chung quanh bởi những dãy núi đá vôi, thuộc huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Trại Yên Hạ là nơi chuyên giam giữ những tử tội hình sự cướp của giết người mà đã được nhà nước “khoan hồng” tha cho tội chết.

Chỉ hơn một năm sau thì các tù nhân này dần dần kiệt sức vì lao động khổ sai, thiếu dinh dưỡng, thiếu ăn nhất là thiếu chất mỡ và đường, và vì khí độc từ dãy núi đá vôi phả vào từ chung quanh. Bởi thế chỉ sau một thời gian ngắn chuyển trại từ trong Nam ra ngoài Bắc, ai nấy đều gầy như bộ xương còn biết đi. Khi đi lao động hay đi trở về trại, người ta chỉ thấy những bộ quần áo tù phấp phới bay mà chẳng thấy da thịt đâu. Thế rồi sau bốn năm trời giam cầm và lưu đày, một số những người tù lần đầu tiên được nhận một gói nhỏ tiếp tế cực kỳ quí giá từ gia đình trong Nam gửi ra, một số khác thì vẫn chưa nối lại được sợi dây với gia đình trong Nam.

Trong gói nhỏ mà các Phật tử gởi cho thầy Long có 15 cục đường móng trâu, lúc đó ai mà có được 5 cục đường như thế thì đã là thần tiên rồi, nhưng thầy từ từ đem ra phân phát hết 15 cục đường quí giá đó cho những người cùng buồng. Ưu tiên những tù nhân nào mà đã kiệt lực thì được một cục, những người đau ốm khác thì mỗi người được nửa cục mà thôi, còn riêng thầy thì không có một miếng đường nào hết. Những người tù này khi nhận được cục đường từ tay thầy phân phát đã không cầm được nước mắt trước tấm lòng vị tha, quảng đại vô biên của một vị sư mà tâm đã định và huệ đã ngời sáng.

Thầy cũng không thoát được những vụ hỏi cung, một hình thức tra tấn tinh thần những người tù khốn khó này trong trại giam. Một tên cán bộ từ Hà Nội vào với mái tóc hoa râm có vẻ là một viên chức cao cấp thuộc Bộ Nội Vụ đã hỏi cung thầy trong ba ngày liên tiếp. Hắn vứt cho thầy tờ giấy để tối về khai báo những tội lỗi đã chống đảng, nhà nước và nhân dân trước kia khi hoạt động ở Sàigòn cho Nha Tuyên Úy Phật Giáo của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Sáng hôm sau, khi kêu ra làm việc tiếp tục, thầy đã nộp bản khai báo cho hắn, vừa xem xong thì hắn đùng đùng nổi giận ném tờ khai xuống bàn và quát tháo: “Anh khai báo thế này hả? Tại sao anh lại chép Chú Đại Bi vào đây? anh muốn tù rục xương ra không?”.

Vẫn thái độ bình tĩnh và từ tốn của một vị cao tăng thầy chậm rãi trả lời: “Thì đây chính là những gì mà tôi đã làm và đã tụng niệm khi xưa, có thế thôi!”.
Hắn với vẻ mặt hầm hầm liệng cho thầy một tờ giấy khác để khai báo lại một cách thành khẩn để được sớm khoan hồng. Sáng ngày hôm sau, thầy nộp cho hắn một tờ thứ hai và trên tờ đó thầy chép lại thật nắn nót bài Kinh Bát Nhã. Đến đây thì hắn nổi điên lên và mạt sát thầy thậm tệ và đe dọa rằng thầy sẽ tù mọt gông và đừng mong sẽ được hưởng lượng khoan hồng.

Thầy ung dung trả lời rằng: “Các ông cứ việc giam giữ tôi bao lâu cũng được, tôi chỉ xin các ông hãy thả hết những người tù chính trị chế độ cũ mà các ông đang giam giữ mà thôi”.

Từ đó đến sau, chúng ít khi kêu thầy ra hỏi cung nữa cho đến mãi năm 87, trước khi có một đợt thả lớn tại trại Ba Sao Nam Hà thì trong các vị Tuyên Úy bị hỏi cung có tên thầy. Nhưng đặc biệt lần này chúng gọi thầy bằng thầy chứ không gọi là anh như trước nữa, tuy nhiên chúng vẫn dụ dỗ thầy nhận tội để được khoan hồng. Thầy trả lời rằng các ông cứ thả hết các ông đại đức tuyên úy ra đi vì họ chẳng có tội lỗi gì hết tất cả đều do tôi và họ đều làm theo chỉ thị của tôi hết, muốn gì thì cứ giữ tôi ở lại đến bao lâu cũng được. Chúng đành chào thua và chỉ vài tháng sau thì thầy có tên trong danh sách được thả ra khỏi trại cùng với tất cả các đại đức và những vị mục sư linh mục khác trong các Nha Tuyên Úy quân đội.

Thầy ở tù mười hai năm, một năm trong Nam và mười một năm lưu đày trong những trại giam được dựng lên nơi rừng thiêng núi độc miền Bắc. Về miền Nam, thầy trở lại chùa Giác Ngạn trên đường Trương Minh Ký cũ ở Sàigòn để lại lo Phật sự, cúng kiến giúp đỡ các gia đình Phật tử. Khi đi đâu tụng kinh thầy vẫn đơn sơ trong chiếc áo nâu sòng và phe phẩy chiếc quạt đã sờn rách và môi luôn nở nụ cười hiền hậu giống như một ông già nhà quê chất phát hiền lành.

Chùa Vĩnh Nghiêm có vời thầy ra nhưng thầy vẫn ở lại Giác Ngạn - ngôi chùa mà thầy góp công xây dựng lên và trụ trì cho tới khi mất nước - cho tới khi thầy viên tịch vài năm sau đó.

Vũ Ánh

Monday, January 30, 2012

MANG VIÊN LONG * Sáu Bẹo


Khi học đến lớp ba trường làng năm 1957, Sáu Bẹo mới có ý thức rõ ràng hơn về cái tên “ Bẹo “ không đẹp của mình! Trước đó, dù lũ bạn thường chọc ghẹo ngay trong lớp học, đôi khi thầy cô cũng lấy làm lạ về cái tên “ Bẹo “ khó nghe, vô tình hỏi nhưng Sáu Bẹo chỉ tủm tỉm cười, rồi lãng tránh! Sáu Bẹo thường nghĩ: Nếu cha mình lúc ấy thay dấu “ nặng” ( Bẹo ) thành dấu huyền ( Bèo ), dấu “sắc“ ( Béo ) hay dấu “hỏi” ( Bẻo) thì cũng không thể hơn! Sáu biết cha cũng là thầy dạy học ở sơ cấp, có vốn chữ Hán được ông nội Hương Kiểm chỉ dạy, nhưng sao lại hết chữ để đặt tên cho đứa con trai duy nhất của mình đứng sau ba người con gái toàn là tên đẹp vậy ( Thanh Trúc, Cẩm Hương, Thiên Lý)? Sáu Bẹo cảm thấy ngượng ngùng khi hỏi cha nên hỏi mẹ: “ Sao mẹ đặt tên cho con ai ai cũng kêu xấu cả vậy ? “ – “ Vì con là cháu nội đích tôn, nên ông nội đã đặt cho con, mẹ không dám cải ! “. Một lần, Sáu Bẹo mạnh dạn hỏi cha: “ Cháu nội đích tôn phải đặt tên xấu vậy hở cha? “- “ Không phải cháu đích tôn là phải đặt tên xấu đâu! “ – “ Nhưng sao tên con kỳ vậy? “ – “ Vì ông bà nội quá thương yêu con nên đặt vậy thôi , ba cũng không dám trái lời “ – “ Mẹ bảo không dám cãi, cha cũng không dám trái lời, con không hiểu sao ông bà nội kỳ lạ vậy? “ – “ Ông bà nội chỉ có mỗi mình ba là trai, ba cũng chỉ có con là trai, nên ông bà “ sợ “ đặt tên đẹp sẽ khó nuôi, thấy con thường nũng niu khóc đòi nên gọi là “ Bẹo “ – thằng cu Bẹo, nghe cũng dễ thương mà! “

Lớn lên, học qua bậc trung học đệ nhất cấp, Sáu Bẹo không còn dịp để nghĩ về cái tên của mình nữa, vì đã nghỉ học. Đó là vào năm sau vụ đảo chánh lật đổ gia đình ông Ngô Đình Diệm 1963 ,quê của Sáu Bẹo chộn rộn, cuộc sống cũng thay đổi, ngày càng thêm khó khăn ,còn Sáu Bẹo thi vào khóa sư phạm cấp tốc không đổ, nên Sáu Bẹo phải nghỉ học. Ba năm sau, trúng tuổi lính, Sáu Bẹo được dưa vào trường hạ sĩ quan Đông Đế, ra trường với “ cánh gà “ ở vai áo, binh chủng thiết giáp. Năm 68, sau biến cố Mậu Thân ,cha Sáu Bẹo gọi về cưới vợ là cô Hương, đang làm cô đỡ hương thôn ở xã. Không đẹp nhưng có duyên thầm, giỏi giang, mạnh khỏe, có tay nghề vững vàng được bà con trong xã thương mến. Ông Hương Kiểm cưới vợ cho Sáu Bẹo là muốn cột chân Sáu lại, nhưng Sáu cứ lần lữa, hẹn dịp…Tình yêu trong buổi giao thời chưa đủ sức nặng để níu chân Sáu Bẹo lại chăng?
Năm 1970, Hương sinh đứa con gái đầu lòng. Sáu Bẹo mãi dong ruỗi trên chiếc xe bọc thép tận miền rừng núi Dakto,đã gởi thư về dặn đặt tên “Mận”. Ông còn dặn thêm : “… Em đẻ được đứa nào, cứ lấy tên cây trái trong vườn nhà mình mà đặt tên nhé? “. Chiến tranh ngày càng lan nhanh, khốc liệt,cha Sáu Bẹo nhiều phen bảo Sáu Bẹo đào ngũ, nhưng phải đợi đến năm 72, khi Hương sinh đứa con gái thứ hai ( đặt tên Đào ) không có Sáu Bẹo ở nhà, Sáu Bẹo mới trốn về.
Hương rất mắn đẻ, sau Đào là cậu con trai trưởng. tên là Lê. Sau Lê, cứ cách hai ba năm, Hương lại đẻ lên tiếp thêm bốn cậu con trai nữa: Cam, Lựu, Chanh, Quýt. Quýt -cậu con trai út, sinh vào năm 83 nhưng trong 7 người con ( cả trai và gái ) chỉ có Mận và Lê là rất giống Sáu Bẹo,còn năm người con kia mỗi đứa một khuôn mặt! Điều làm cho cả xóm Thượng Tây thường xầm xì bàn tán là nét mặt mỗi đứa, đều rất giống những người đàn ông trong xóm Thượng Tây này! Giống đến nỗi như khuôn đúc vậy. Từ khuôn mặt, chân tay, dáng vóc như “ cắt để “ vào, không lẫn vào đâu được.
Có lẽ Sáu Bẹo cũng nhận ra điều lạ thường ấy trước tiên, nhưng ông không hề mở miệng. Vẫn yêu thương, chăm sóc lo lắng từng miếng ăn, tấm áo, ốm đau cho đến chuyện học hành của các con, như nhau. Ra khỏi nhà đi làm, Sáu Bẹo thường nghe bạn bè chặn hỏi. chọc quê: “ Tao thấy mấy đứa nhỏ sau này đâu phải là con của mầy? Mầy không có con mắt hay sao vậy? “. Sáu Bẹo phớt lờ ,chỉ cười: “ Nghé ai vào chuồng nhà mình là của mình thôi! “.


Mấy bà ở xóm Thượng Tây được dịp ngồi tụm lại lúc rảnh rổi để tám chuyện về mấy đứa con của Sáu không dứt : Đứa nào giống cha phó chủ nhiệm hợp tác xã, con nào giống ông công an thôn, thằng nào giống gã nào… vân… vân .Đôi lúc nói ngay trước mặt Hương và Sáu Bẹo nữa, nhưng Sáu chằng hề để tai vào. Hương thấy chồng thản nhiên trước mọi lời dị nghị, dè bỉm, cũng lặng yên theo Sáu không tỏ thái độ gì. Có phải vì e sợ bà con dòm ngó, theo dõi mà Hương đã chỉ sinh cho mỗi người một đứa con thôi? Năm đúa con là năm người, năm khuôn mặt khác nhau?
Khi Sáu Bẹo cưới vợ cho Chanh làm sui đám thứ sáu, ở làng Hạ Đông người con dâu kề út nầy đi đâu cũng bị mấy bà ở chợ Xổm níu áo, kề tai nói nhỏ: “ Cha chồng mày đâu phải là Sáu Bẹo! Là ông Tám Hùng ở cuối xóm đây này! Mày ghé thăm, rồi xem thử có giống thằng Chanh không nhé? “. Vợ Chanh im lặng, về nhà thủ thỉ với chồng: “ Anh ơi! Em đi đâu cũng nghe mấy bà nói anh không phải là con của cha đây mà là…”. Chanh vừa nghe vợ nói ,gạt phăng đi: “ Đó là chuyện của người lớn, anh không biết! Anh chỉ biết anh được sinh ra ở nhà này, cha đã lo lắng, chăm sóc, thương yêu anh hết lòng. Anh không cần biết “ cha” nào khác! Nếu có, cũng là quân bạc tình, đểu giả!”.
Sáu Bẹo ngoài việc đi làm thuê hằng ngày, và Hương có mặt ở trạm xá một buổi hai vợ chồng còn làm thêm tám sào ruộng. Cả hai cùng ra đồng, sạ lúa, làm cỏ, tát nước rồi đến mùa thu hoạch cùng nhau cắt và gánh về, ít thuê mướn ai. Buổi trưa,cần ở lại ngoài ruộng, Sáu Bẹo thường là người chạy về nhà mang cơm nước ra cho vợ. Có hôm, để dành được chút ít ông ghé chợ Xổm cuốn thêm cho Hương một cuốn bánh xèo, hay cuốn thịt trứng . Có bà trông thấy, tọc mạch hỏi : “ Hai vợ chồng mà cuốn một cuốn thì ai ăn ai nhịn vậy anh Sáu? “ . Sáu Bẹo cười hà hà: “ Tôi đâu thèm ăn ngữ này? Nếu ăn, thì tám cuốn cũng không đủ mà! “. Lúc cầm cuốn bánh ra đi, Sáu Bẹo nhỏ giọng: “ Đàn bà sinh đẻ khó khổ, mất sức lắm. Ngoài trạm ngoài đồng về là lăng xăng lo cơm nước, quét dọn, gà heo. Đêm đến, con đau con khóc, phải thức ẵm bồng… Còn đàn ông ấy à? Về đến nhà rửa chân tay xong là leo phóc lên võng nằm toòng teng… Nhà con đông vậy, bà ấy có gì mà ăn thêm đâu?”.
Chuyện Sáu Bẹo chạy đi cắt bè lá chuối quấn trên lưng Hương cho mưa khỏi ướt khi cùng đi làm ngoài đồng bất chợt cơn mưa dông ập đến, đã được mấy bà Xóm Thượng Tây truyền đi nhanh chóng khắp xã!
Và, dường như là “phóng viên nhà nghề” ,chuyện nhà của vợ chồng Sáu Bẹo luôn được mấy bà xóm Thượng Tây dòm ngó,nhỏ to - “ cập nhật “ hằng ngày. Ngay chuyện Sáu Bẹo mới ăn giỗ tối qua về, say thốc mữa cả nhà.Hương đã nhẹ nhàng săn sóc Sáu Bẹo ra sao, lau dọn nhà cửa sạch sẽ thế nào, treo mùng cho Sáu Bẹo ngủ …cũng đều được mấy bà bàn tán một cách hăng hái.


Khu vườn rộng lớn, cùng với ngôi nhà từ đường dòng họ Võ được vợ chồng Sáu Bẹo và các con, cháu chăm sóc rất chu đáo. Những ngày giỗ, kỵ ,Hương và đám con dâu. rể ,cháu nội ngoại đều chung lo tươm tất, trang trọng. Sáu Bẹo chỉ làm một việc là mặc áo thụng xanh lên đèn, rót trà lễ cúng. Sau ông, lần lượt đến Hương, các con trai,gái rể, dâu ,cháu nội ngoại răm rắp thứ tự dâng hương ông bà…Ông bà đang ngồi ở trên cao chắc cũng không ngờ trong đám con cháu ngoan ngoãn, lễ phép ấy, có đứa không cùng huyết thống với mình? Mà có cần cùng dòng máu nhà họ Võ không? Sáu Bẹo cũng không hề thắc mắc, và luôn tin rằng tình thương yêu của chúng sẽ cảm hóa được vong linh người mất hơn là người cùng dòng máu mà tẻ nhạt, thờ ơ chỉ lo làm giàu, chẳng nghĩ gì đến ông bà, cha mẹ?!
Ngoại trừ Đào có chồng xa, theo về nhà chồng ở Vinh Thạnh ,mấy người con còn lại, Sáu Bẹo đều chia cho một khu đất trong vườn, xây nhà ,chia sẻ vật dụng sinh hoạt như nhau. Không đứa nào hơn đúa nào cả. Ai làm thêm có tiền, muốn mua sắm gì, tùy ý. Do vậy, mấy anh chị em sống quanh quẩn bên nhau, yêu thương, chia sớt cho nhau như lúc còn sống chung một nhà. Bà con cả xómThượng Tây nhìn vào, dần dần cảm phục, không còn bàn tán ra vào chuyện con cái của Sáu Bẹo nữa! Sau thằng Quýt, bà Hương không còn sanh thêm đứa nào. Bảy đứa con một đời đàn bà, đã khiến bà tự cảm thấy quá đủ chăng? Riêng Sáu Bẹo, có lần nói đùa với vợ : “ Vườn nhà ta còn nào Ổi, Xoài, Mít…sao bà không sanh thêm cho vui? “
Sau ngày đám cưới Quýt ,làm sui đám cuối cùng, chứng đau tức bên ngực trái thường xuyên hơn, kéo dài lâu hơn .Sáu Bẹo phải nghỉ hằn ở nhà, không đi nhận việc làm xa nữa. Mận nói : “ Cha nên nghỉ bớt việc đi! Lũ con lo cho cha được mà! “. Lê – trưởng nam, thường lập lại: “ Đời cha đã khổ nhiều vì các con rồi! Cha còn khỏe ngày nào, hưởng vui ngày đó. Mai kia, đau nặng, nằm xuống còn vui thú gì đâu? “. Quýt thêm vào: ” Lúc ấy, cha còn có ăn uống được gì nữa đâu? Mà có muốn ăn, cũng đâu ăn được? Có muốn đi chơi xa, thăm bạn bè, cũng đâu có ngồi xe được nữa, mà cha ham công tiếc việc? Cha còn sống khỏe bên tụi con ngày nào, là mừng còn hơn cho vàng mà! “. Cô dâu thứ ba – vợ của Lựu, cũng góp ý: “ Bây giờ cha còn ăn uống được, không cho ăn. Mai kia cha đau nặng, ăn làm sao? Có cúng giỗ linh đình, cũng chỉ để che mắt thiên hạ mà thôi!”
Sáu Bẹo nghỉ việc vì theo dõi biết sức khỏe của mình hao mòn dần, bệnh tim trở nặng hơn, chứ chẳng phải vì những lời can gián, an ủi của các con. Cũng từ dạo ấy ,các con Sáu Bẹo luôn dành cho ông sự quan tâm chăm sóc đặc biệt.Khi thì mấy lạng thịt bò, chục trứng vịt lộn, cuốn bánh nem chả, lát cá thu, và trong túi ông thường xuyên có tiền để chi dùng tùy ý! Đứa con nào gởi cho gì ông cũng đều nhận, không quan tâm ít nhiều, không hề từ chối. Sáu Bẹo thường nói với hàng xóm: “ Con chúng thương gởi cho gì, thì nhận cho chúng vui. chứ tôi đâu thèm ăn món gì nữa? Cơm rau mắm cho chắt ruột thôi…”. Mà thật vậy, sau khi các con đi rồi ,Sáu Bẹo đưa hết cho bà Hương. Ngay cả cuốn bánh dành cho riêng ông. Nói: “ Bà đi chợ mua thứ gì cũng được miễn bà thích, về ăn! Tôi không thèm thứ gì đâu! “. Ông chìa cuốn bánh ra trước mặt Hương: “ Bà ăn giùm tôi cuốn bánh này đi! Tôi chỉ cần rau mắm, hay dưa cải kho thịt ba chỉ là ngon lắm rồi! Tôi không ưa mấy món này…” .Ông thường dặn khi bà cắp rổ đi chợ: “ Hôm nào có mắm cua ngon, bà mua cho tôi một chai, ăn với rau lan luộc nhé? Còn bà ra chợ, có bún giò cháo lòng gì ngon thì nên ăn để khỏi mất công mua về nấu nướng phiền lắm! “.
Sau khi Sáu Bẹo bị cơn đột quỵ bị ngất xỉu phải chở đi bệnh viện tỉnh cấp cứu, các con ông đề nghị đưa ông vào viện tim thành phố để giải phẩu, ông quyết không chịu. Ông trả lời con: “ Ba già rồi, sống thêm vài ba năm ,đâu có ích gì mà các con phải mất cả trăm triệu bạc trong lúc còn khổ vậy? Chi bằng, các con để dành sau này cha có mất đi có mà lo cho các con. lo cho mẹ để bà ấy đỡ khổ! Bà ấy đã khổ vì các con nhiều rồi. mà vắng cha ai chăm sóc cho mẹ con đây “.
Mấy anh chị em Mận bàn tính nhau, thuê một chiếc xe 12 chỗ ngồi mời Sáu Bẹo và mẹ đi chơi một buổi. Sáu Bẹo nghe vậy cười: “ Các con cho cha với mẹ mầy đi thăm lăng Quang Trung, thăm cầu Nhơn Hội, thăm chùa Long Khánh rồi về”. Sáu Bẹo ngồi trước xe, nhìn ngó quang cảnh, cảm thấy sự đổi thay trong bao nhiêu năm thật xa lạ, và nhanh chóng, mà nghĩ đến đời người. Cuộc đời đổi thay cũng thật nhanh chóng!
Sau ngày đi chơi xa vài hôm.Một buổi sáng sớm, khi ăn xong bát cháo đậu xanh bà Hương mang vào buồng Sáu Bẹo gọi: “ Mẹ con Mận ơi! “
- Có chuyện gì vậy ông?
- Có chút chuyện…
- Mà chuyện gì? .Bà Hương đon đả bước vào buồng, ngồi yên trên chiếc dựa dựa vẫn dành cho bà mỗi lần vào chăm sóc, trò chuyện với ông. Nhìn gương mặt Sáu Bẹo xanh tái.
- Bà gọi hết mấy đứa nhỏ về gặp tôi, bà nhé?
- Lại có chuyện gi?
- Có chuyện.Giọng Sáu yếu dần, ông cảm thấy hơi thở nặng nề, chùng thấp.
Chưa có đứa nào ra khỏi nhà đi làm nên chỉ nửa giờ sau, là đã có mặt trong buồng ông đầy đủ. Riêng Đào, khi nhận được điện của Lê đã hẹn sẽ nhờ xe thồ chở về ngay vì chuyến xe duy nhất từ VĩnhThanh về thành phố chưa đến giờ khởi hành.
Có lẽ nghe được tiếng ồn ,Sáu Bẹo hé mở đôi mắt lờ đờ, liếc nhìn một vòng hết thảy đám con cháu. Ông khép mắt lại. Gắng giữ hơi thở đều. Bàn tay mặt áp lên ngực trái.
- Các con đã dủ hết chưa?
- Dạ, đủ hết rồi! Bà Hương đắp khẻ.
- Thằng Lê đâu?
- Thưa, có con đây…
- Con bưng ảnh cha đi trước nhé?
- Dạ !
- Thằng Hưng con mày và thằng Tấn con thằng Cam đi hai bên, một đứa bưng khay hương đèn, một đứa bưng khay hoa nước…
- Dạ!
- Con trai, cháu trai đi bên trái quan tài..
- Dạ!
- Con gái, cháu gái đi bên phải quan tài…
- Dạ!
- Mẹ mày đi sau sát quan tài…
- Dạ !
- Tất cả không được khóc…
- Dạ…
- Các con nghe rõ chưa?
- Thưa rõ…
- Ngay từ bây giờ, các con các cháu, hãy niệm Phật đi! Cha sắp đi đây, ông đi đây…
Sáu Bẹo nhếch môi dường như một nụ cười. Nét mặt bình thản.
- Vĩnh biệt bà, Hương ơi! Sáu Bẹo khẽ hé mở đôi mắt, rồi từ từ khép lại…
Tiếng niệm Phật của đám con cháu Sáu Bẹo rền vang khơi động một góc xóm Thượng Tây còn yên tĩnh…

Mặc dù Sáu Bẹo đã vắng bóng trong ngôi nhà này, nhưng với bà Hương, Sáu Bẹo vẫn còn đó. Ông vẫn còn nằm toòng teng trên võng, ngồi xếp bằng trên tấm phảng uống trà, hay cùng bà ngồi ăn nơi chiếc bàn vuông nhỏ nhắn kia…Mỗi sáng, bà đều dậy thật sớm chạy đi mua khi bánh hỏi, bánh ướt, bánh xèo khi thì tô cháo, hộp xôi về đặt ở chiếc bàn vuông trước bàn thờ Sáu Bẹo thắp hương, mời ông ăn. Bà cùng ngồi ăn với ông cho đến hết bữa. Phần trong chén Sáu Bẹo ,bà ăn sau cùng. Trước khi dọn mâm thức ăn, bà đốt cho ông điếu thuốc Basto đỏ, cắm vào lư hương. Một ngày ba lần bà không bỏ sót bữa nào cho dầu là ngày đau yếu…

LAN ĐÀM * MÙA XUÂN 1975


Đỗ Duy Tuấn
 
Những cơn mưa mùa dài dòng như một người kể chuyện vô duyên nhất đã chỉ làm được một điều tốt là làm cho bầu trời ô nhiễm của vùng Los Angeles sạch sẽ hẳn. Những cơn mưa lê thê cũng níu kéo cái lạnh của những ngày cuối đông, làm cho tháng ba ở đây mang đầy hình ảnh của một thành phố Đà Lạt trong quá khứ. Tâm Như mặc chiếc áo coat bằng dạ màu nâu sậm mua tại Ann Taylor từ hơn ba tháng trước. Lúc đó là mùa thu. Buổi chiều thứ sáu Bích Hà điện thoại cho Tâm Như, giọng nói hốt hoảng như vừa nghe tin động đất ở Seattle:
- Ann Taylor nó hạ đại giá mùa thu! Mày ghé tao rồi chúng mình đi Brea Mall.
Tâm Như chọn hai cái khăn quàng cổ và chiếc áo coat dạ. Hai món hàng này đều được trừ 50% và còn trừ thêm extra 10% nữa. Bích Hà chọn một chiếc áo coat màu đen.
- Tao thích màu nâu như mày chọn. Nhưng nếu cả hai đứa đều mặc màu nâu, tụi bạn chúng lại kêu lên là mình ở viện mồ côi ra…
Ngồi ở food court, Bích Hà kể:
- Mày biết không, năm 1975 tao vừa bảy tuổi, bố tao định cho hai anh em tao làm trẻ mồ côi để được di tản sang Mỹ …
Tâm Như ngạc nhiên:
- Hai anh em? Tao có bao giờ thấy anh mày đâu?
- Anh Hải ở với chú tao bên Maryland. Chính chú tao đã lo cho gia đình tao đi Mỹ. Mày không biết là tao còn một người anh lớn nữa. Anh ấy ở Virginia. Bốn mươi lăm tuổi rồi mà chưa có vợ!
Tâm Như thấy đau nhói trong tim. ‘Mình cũng ba mươi lăm rồi mà vẫn chưa có chồng’. Ba Tâm Như là một sĩ quan cao cấp trong quân đội VNCH cũ. Ông là một người lịch thiệp nhưng kín đáo. Ngay đối với vợ con, ông cũng không bao giờ để lộ một xúc động tình cảm nào cả. Một vài lần cả gia đình đi ăn tiệm, Tâm Như hết sức cảm động khi thấy nhiều người đồng hương ghé lại bàn chào ba Tâm Như thật kính cẩn, ‘Ở nhà Ba chỉ là một người cha bình thường. Ra đường Ba được mọi người kính trọng…’. Một lần ba Tâm Như giải thích ‘ Họ là những chiến hữu của ba’. Những companion-in-arm. Tâm Như biết ba là một quân nhân, nhưng Tâm Như không biết một chút gì về quá khứ của ông. Tâm Như cũng không biết gì về chiến tranh, ngoài những cuốn phim như The Longest Day, Forest Gum hay Saving Private Ryan … mà Tâm Như đã xem một cách thờ ơ. Tâm Như không thể hiểu được rằng tại sao lại phải có chiến tranh? Tại sao con người có thể cầm súng bắn con người, như người thợ săn bắn một con thú? Trong cuốn album gia đình, chỉ gồm những tấm ảnh ghi lại những ngày còn ở quê nhà, có một tấm chụp ba Tâm Như mặc đại lễ đứng giữa một đám đông trong một buổi tiếp tân nào đó. Tâm Như rất thích hình ảnh của những quân nhân lịch thiệp trong những bộ đại lễ lộng lẫy giữa khung cảnh rực rỡ của những buổi dạ vũ mà Tâm Như thường thấy trên màn bạc. Tâm Như nhớ hình ảnh của André và Pierre trong War And Peace, của Napoléon trong Désirée…Nhiều lúc Tâm Như thấy mình như là một thứ alien, một kẻ ngoại cuộc giữa đám đông vui vẻ, nhộn nhịp. Một lần Tâm Như đã thoáng nghe mẹ than thở với ba:
- Con gái hơn ba mươi tuổi rối mà chưa lập gia đình. Con mình nó đẹp chứ nó đâu có xấu! Lại còn học hành đàng hoàng…
Mẹ Tâm Như nói về số mệnh, về tuổi tác, về các vì sao trên trời. Tâm Như nghe ba trấn an mẹ:
- Mình đang ở Mỹ chứ không còn ở Việt Nam thời Tự Lực Văn Đoàn nữa. Con gái bây giờ muốn lấy chồng lúc nào cũng không muộn…
Mẹ thở dài:
- Vẫn biết vậy nhưng nếu con nó lập gia đình sớm, mình sớm có cháu ngoại bế…
Những cơn mưa vội vàng buổi sáng đã tạnh hẳn. Bầu trời phía bắc còn u ám nhưng nắng đã trải óng ánh trên thảm cỏ vàng của những ngọn đồi nằm hai bên xa lộ. Xe chạy qua exit Imperial Highway, lối dẫn vào Brea Mall, đường bắt đầu lên dốc. Ở điểm cao nhất của xa lộ, những ngọn đồi hai bên như vạt rộng ra, mở trước mắt Tâm Như một khoảng núi trùng trùng điệp điệp, đỉnh cao phủ tuyết trắng như bạc. Tâm Như ngẩn ngơ, ‘ Mấy tuần nay không ghé thăm Bích Hà, không ngờ thiên nhiên đã thay đổi tuyệt vời như vậy!’. Cảnh đẹp khiến cho lòng Tâm Như tươi sáng. Tâm Như chợt hứng khởi hát nho nhỏ theo người ca sĩ qua radio trên xe ‘ I just call to say I love you’. Tâm Như không có ai để điện thoại và nói ‘ I love you’ dù Tâm Như muốn được nói điều này. Tâm Như khao khát được nói ra điều này. Tâm Như rất ngạc nhiên trước thái độ sống của Bích Hà. Vinh, chồng Bích Hà, tình nguyện đi làm ở Singapore hai năm. Bích Hà không đi theo vì ‘ Tao có công việc của tao ở đây và tao cũng còn phải trông coi bà già tao nữa chứ! Đi hai năm không đóng thuế, không chi phí gì, anh ấy có thể để dành tiền, mai mốt retire sớm…!’.
Khi Tâm Như đậu xe trước cửa nhà Bích Hà, trời đã nắng ráo. Tâm Như mở cửa xe bước xuống đường và chợt chú ý đến một chiếc SUV to cao sừng sững đậu trên driveway. Xe mang bảng số của tiểu bang Virginia với dòng chữ ‘Virginia Is For Lovers’. ‘ Bích Hà có khách phương xa lại thăm. Nó không cho mình biết gì về việc này cả…’.
Bích Hà đón tiếp Tâm Như thật nồng nhiệt, tưởng như hai người đã lâu lắm không gặp mặt nhau. Bích Hà lúc nào cũng có nụ cười trên môi, nụ cười thật tươi, thật tự tại, ‘ Con nhỏ này không bao giờ biết buồn’. Tâm Như ngồi xuống ghế sofa trong family room. Bích Hà đi vào trong bếp,
- Để tao pha bình trà.
Bích Hà biết Tâm Như thích uống trà. Bích Hà luôn luôn ghi nhớ những ý thích của bạn hữu. Tâm Như hơn Bích Hà ba tuổi nhưng hai người thân thiết với nhau từ những ngày học ở UCLA. Những ngày thật vui, thật vội vã, thật nuối tiếc, ‘ Mình bắt đầu thấy sợ hãi những bước chân của thời gian’. Bích Hà từ trong bếp đi ra với một khay trà.
- Mày có khách phương xa tới thăm à?
Bích Hà đặt trà xuống bàn:
- Không phải khách. Anh Phong, anh già của tao ở Virginia, có job mới ở California nên bỏ đất của những người tình để về đây.
- Ông ấy đâu rồi? Xe đậu ngoài cửa…
- Ông ấy đưa bà già tao đi chợ. Bà già bảo không bao giờ bà thèm leo lên chiếc xe cục mịch như xe đò của anh Phong. Anh Phong lái chiếc Saab của tao.
Bích Hà gọi mẹ là bà già, nhưng Tâm Như thấy bà chưa già. Mẹ Bích Hà có một vẻ đẹp quý phái, bà có đôi mắt như mắt người mẫu trong tranh tố nữ của Trung Hoa. Mẹ của Bích Hà chắc chỉ trên sáu mươi, bà là một người có trái tim rộng lượng, lúc nào cũng trang trọng như một người khách quý ghé thăm bạn hữu trong những chuyến du lịch mùa hè. Bà ăn nói điềm đạm nhưng cởi mở, hành động chững chạc nhưng thân tình.
Bích Hà rót trà ra tách nhỏ :
- Trà sen thật do bà ngoại tao từ Hà Nội gửi qua đấy. Trà sen hóa học uống hắc xịt mà còn hại cho sức khỏe nữa.
- Bà ngoại của mày ở Hà Nội?
Tâm Như thấy Bích Hà như một cuốn sách, mỗi trang lại có thêm cái mới, mỗi chương lại có thêm một biến cố. Tâm Như thích thú tìm hiểu về Bích Hà, về gia đình Bích Hà, như một người say mê đọc một cuốn tiểu thuyết.
- Chắc có một ngày nào đó mày sẽ cho biết là ông tằng tổ của mày là một vị vua nhà Lê…
Bích Hà đưa tách trà cho Tâm Như:
- Giòng họ tao không có ai làm lớn cả. Hình như tao có ông cụ ngoại đậu cử nhân nên được gọi là Cụ Cử. Mẹ tao rất hãnh diện về cái lai lịch này.
Tâm Như nhìn Bích Hà, và chợt ghi nhận những thay đổi nhỏ trong cách trang trí cái family room quen thuộc này. Trong những bức hình treo trên tường có một bức hình mới. Hình một người lính trẻ đứng bên một dòng sông. Bức hình mờ nhạt như bị out-of-focus, nụ cười của người trong ảnh chỉ là một vệt dài trắng xóa. Và bức tượng bán thân của Beethoven đặt trên mặt chiếc đàn dương cầm, mọi lần chỉ đeo cái headphone, hôm nay lại được trang bị thêm một chiếc mũ beret đỏ. Tâm Như chợt nhớ lại có một lần Bích Hà tâm sự:
- Anh tao là lính nhảy dù. Qua Mỹ, anh ấy giữ mãi chiếc mũ beret đỏ. Ông ấy dặn dò mẹ tao giữ cái mũ cho ông ấy như của gia bảo vậy.
- Mỗi người đều giữ một kỷ niệm…
- Kỷ niệm của anh tao là chiếc mũ beret đỏ. Ông ấy gàn bát sách nên đến bây giờ vẫn không có vợ…
- Chưa có vợ?
- Tao nghĩ tao dùng chữ ‘không’ rất chính xác. Mỗi lần anh tao về Cali, anh ấy lại đem cái mũ beret đỏ ra đội và ngắm mình trong gương cứ như anh chàng Narcissus vậy.
- Tao nghĩ ông ấy không chỉ yêu một kỷ niệm mà còn hãnh diện về quá khứ. Người ta có quyền hãnh diện với quá khứ là cựu cái này, cựu cái kia. Ông ấy có quyền hãnh diện với quá khứ là người lính đội mũ beret đỏ…
Tâm Như đặt tách trà xuống bàn, chậm rãi đứng dậy và bước lại bên bức tường treo những khung ảnh đủ cỡ.
- Người lính này là anh của mày phải không?
- Ừ, hình anh Phong đấy. Hình chụp bên bờ sông Thạch Hãn. Anh Phong bảo Thạch Hãn có nghĩa là mồ hôi của đá. Tao thấy đó là hình ảnh của cuộc đời người lính…Mẹ tao được điện thoại anh tao bảo về Cali, bà mang hình đóng khung và treo ở đây. Bà cũng đem cái mũ beret đỏ của anh Phong ra triển lãm…Tao nghĩ mẹ tao phải là một chính trị gia, một chính trị gia giống như Bà Hillary… Anh Phong về, anh ấy cảm động lắm, anh ấy mua tặng bà già tao cái đồng hồ Cartier.
- À, từ lúc nãy tao để ý không thấy bác trai đâu. Chắc bác đi xoa mà chược?
- Không, bố tao theo ông chồng tao qua Singapore. Ông chồng tao điện thoại về mời,’ Bố retired rồi, bố qua đây chơi cho nó thay đổi không khí. Vui thì bố ở lâu, buồn thì bố về Mỹ’…. Tao xúi dục thêm ‘ Bố qua bên đó canh chừng chồng con hộ con…’

Tâm Như cầm chiếc mũ beret đỏ trên đầu bức tượng bán thân của nhạc sĩ Beethoven. Tâm Như chợt nhớ như một bức ảnh phóng đại đặt ngay trước mắt, bức ảnh những người lính đội mũ beret đỏ đứng giữa một khu phố vắng tanh vào một buổi chiều mùa xuân kinh hoàng tại thành phố Sàigòn hơn hai mươi lăm năm về trước…
Tâm Như nhớ thật rõ theo nhịp tim đập dồn dập, Sàigòn đang tắt lịm như một ngọn nến tàn. Chiến tranh dưới mắt nhìn của một đứa trẻ lên mười mang những đe dọa thật kinh hoàng. Chiến tranh đang tiến dần về thành phố Sàigòn, đang bao quanh thành phố Sàigòn. Chiến tranh như một đám mây đen chụp xuống một tòa lâu đài cổ trong một cuốn phim ma quái.
Tâm Như nhớ mãi buổi chiều hôm đó, mẹ mặc chiếc áo len xanh cho Tâm Như, mẹ viết tên tuổi Tâm Như lên một tờ giấy lớn gấp tư, nhét vào túi áo trước ngực có kim băng cài giữ. Mẹ vẫy xe taxi đưa Tâm Như vào Tân Sơn Nhất, ‘ Mẹ muốn cả gia đình xum họp vào lúc Sàigòn sụp đổ’. Xe taxi bị chặn lại trước Bộ Tổng Tham Mưu. Tâm Như ngơ ngác trước những người lính nhảy dù đội mũ đỏ. Tâm Như nhớ mãi khuôn mặt người lính nhảy dù thật trẻ nhìn qua cửa kính xe,
- Thưa bà, bà nên đưa em trở về nhà. Nơi đây sắp sửa thành bãi chiến trường.
Người tài xế taxi hốt hoảng đuổi khách, ông ta nhảy bổ khỏi xe và mở toang cửa sau,
- Bà xuống đi, tôi không tính tiền xe đâu! Tôi phải trở lại Sàigòn ngay…
Hai mẹ con Tâm Như đứng giữa một con đường lặng câm, với người lính bình thản, và bầu không khí chiến tranh nặng nề đến nghẹt thở. Người lính nhảy dù trẻ ái ngại nhìn hai mẹ con Tâm Như :
- Bà nên đưa em về nhà ngay…
Mẹ Tâm Như đáp thật tự nhiên, Tâm Như chưa lần nào thấy mẹ lạnh lùng như vậy:
-Tôi là vợ Đại Tá Thu, tôi muốn ở bên cạnh chồng tôi vào lúc nguy khốn này. Xin anh giúp tôi và cháu gặp nhà tôi..
Người lính dù chợt đổi sắc diện. Tâm Như tưởng như đôi mắt sáng trưng của anh chợt mờ đi:
- Bà và em đứng tránh dưới gốc cây này, để tôi trình với thượng cấp của tôi .
Anh vội vã chạy đi, và một lúc sau đó trở lại với một người sĩ quan cũng còn thật trẻ :
- Thưa bà, đây là thiếu úy Phan…
Thiếu úy Phan nghiêng người chào mẹ Tâm Như:
-Thưa bà, ông nhà đang họp trong Bộ Tổng Tham Mưu. Chúng tôi được lệnh đưa bà và em vào phi trường di tản. Trung sĩ Phong sẽ đưa bà và em vào phi trường. Xin bà đừng lo, ông nhà và chúng tôi sẽ di tản sau nếu cần thiết.
Trung sĩ Phong lái xe Jeep đưa mẹ con Tâm Như vào phi trường Tân Sơn Nhất. Tâm Như nhìn sang, thấy người lính nhảy dù trẻ có một vết sẹo ở phía trên lông mày. Vết sẹo như nhát dao xẻ trên những ổ bánh mì nóng Tâm Như vẫn thường ăn vào buổi sáng mỗi ngày. Tay áo trận sắn cao, cánh tay anh xâm hình một con chim soải cánh.
Xe đậu giữa phi đạo hỗn loạn, trung sĩ Phong đưa mẹ con Tâm Như đến bên một chiếc trực thăng lớn. Anh dơ tay chào người phi công và gửi gấm:
- Gia đình Đại Tá Thu, xin Đại úy lo giùm.
Trung sĩ Phong giúp mẹ con Tâm Như leo lên trực thăng. Trước khi từ giã, anh dúi vào tay Tâm Như một thanh kẹo chocolat:
- Chúc bà và em may mắn.
Mẹ Tâm Như móc tờ giấy trong túi áo Tâm Như, viết vài hàng chữ và trao cho trung sĩ Phong:
- Nhờ anh đưa cho ông nhà tôi.
Sau này khi gia đình đoàn tụ tại Subic Bay, ba Tâm Như kể với mẹ, ‘ Nhận được giấy từ trung sĩ Phong, anh yên tâm vì em và con đã di tản nên sau đó, ở phút cuối cùng, anh đã quyết định cùng một số chiến hữu ra đi…’
Tâm Như và Bích Hà đang ngồi nói chuyện ngoài sân sau thì mẹ Bích Hà đi chợ về. Bác Minh Tâm, mẹ của Bích Hà, ôm Tâm Như:
-Tuần trước Bích Hà xuống dưới đó chơi với cháu nên bác không được gặp cháu. Bác cảm thấy như mất một buổi xum họp đại gia đình. Cháu vào trong nhà để bác giới thiệu anh trai của Bích Hà với cháu.
Ba người cùng đi vào nhà trong. Khi đi qua phòng bếp, Tâm Như thấy một thanh niên hai tay ôm hai túi giấy đi chợ. Tâm Như tự hỏi, ‘ Mình xếp loại anh ta là một trung niên hay một thanh niên? Anh chàng chưa già nhưng cũng không còn trẻ nữa!’
Bác Minh Tâm nắm tay Tâm Như:
-Phong, anh của Bích Hà đấy cháu. Còn đây là Tâm Như, bạn của Bích Hà.
Phong gật đầu chào Tâm Như. Phong có một vẻ gì thật quen thuộc, ‘ Mình phải gặp Phong ở đâu rồi? Hay Phong giống một người nào mình quen?’. Tâm Như chợt để ý đến vết sẹo phía trên lông mày phải của Phong . ‘Chẳng lẽ anh chàng này là…? Không hiểu cánh tay Phong có xâm hình con ó hay không?’. Phong đặt hai túi giấy xuống bàn :
- Mẹ tôi bảo nhà có khách. Mẹ tôi lại không giỏi nghề nấu nướng. Bà đề nghị ra tiệm Tàu mua thức ăn về nhà ăn cho tiện.
Bà Minh Tâm cười:
- Tiệm Sam Woo nấu ăn được lắm cháu. Bác nghĩ nấu nướng ở nhà cũng chỉ ngon đến vậy là cùng…
Mọi người vui vẻ bày thức ăn ra bàn. Khi Phong đưa bát cơm cho Tâm Như, anh phân trần:
- Ba tôi bảo nếu mẹ tôi nấu nướng cũng giỏi như bà chơi mà chược thì ông là người hạnh phúc nhất trên đời này!
Bích Hà bênh mẹ:
- Mẹ bỏ mà chược cũng đã hơn bốn năm nay rồi!
Bác Minh Tâm nhìn Phong, đôi mắt bác chợt mang đầy nét trìu mến. Bác nói thật nhỏ nhẹ, thật chân thành:
- Từ hơn bốn năm nay mẹ vẫn ăn chay mỗi tháng một tuần. Mẹ cầu xin Trời Phật cho Phong lấy được một người vợ hiền. Nếu mẹ giầu, mẹ đã xây chùa, mẹ đã đúc chuông…
Bích Hà nắm tay bác Minh Tâm:
- Con cũng sẽ ăn chay để cầu Trời Phật cho anh Phong lấy được vợ.
Phong cười lớn:
- Cám ơn mẹ, cám ơn Bích Hà. Nhưng tại sao mọi người đều đang đói bụng, nhìn thức ăn thì ngon mà không chịu ăn đi. Nhà lại có khách quý, chúng ta không nên làm phiền khách quý vì những chuyện lôi thôi của tôi…
Tâm Như tự nhiên muốn đặt mình vào trong cuộc:
- Tại sao anh Phong sợ lấy vợ? Tôi nghe nói một người lính chiến không bao giờ biết sợ. Anh là người lính dù, anh yêu cái mũ beret đỏ của anh…
Phong quay sang nhìn Tâm Như, đôi mắt chân thật, đôi mắt tự tin của một chiến sĩ :
- Chuyện sợ hay không sợ là một chuyện thật dài. Tôi mong sẽ có dịp trình bày với cô Tâm Như. Chuyện tôi không có vợ nó không liên hệ đến chữ sợ mà nó liên hệ đến chữ cơ và chữ duyên. Cái cơ đã đẩy tôi chạy thục mạng trong suốt cuộc đời tôi. Ngày trượt tú tài, tôi tình nguyện đi lính nhảy dù. Chọn lựa này cũng chẳng liên hệ gì đến chữ sợ hay chữ không sợ. Nó là một chọn lựa bốc đồng. Cả nhà tôi khóc như mưa, như gió. Lính nhảy dù đánh trận quanh năm không có thì giờ nghĩ đến chuyện lập gia đình. Tôi đi lính đúng vào lúc chiến trường sôi động cực độ. Qua Mỹ, tôi cắm cố đi học lại cho mẹ vui lòng. Học xong đi làm để trả nợ. Và ngoảnh đi ngoảnh lại đã… sắp già. Còn chữ duyên thì là tôi không có duyên với ai, hay chưa có duyên với ai…
Tâm Như thấy Phong thật lạ, anh nói về cuộc đời như anh nói về một cuộc vui chơi. Tâm Như cố xếp Phong đứng ở một khu phố vắng tại Sàigòn vào một ngày cuối cùng trước khi sụp đổ. Phong cũng có vết sẹo ở trên long mày phải . ‘ Phong có xâm con ó ở tay hay không?’. Trời tháng ba ở Cali còn lạnh. Phong mặc chiếc áo len rộng màu ngọc thạch. Tâm Như chợt thấy Phong thân thiết như một người bạn cũ, một người bạn chân thành và tận tình. Một người bạn hiểu rõ lòng ta như một thứ alter-ego. Phong nói về Phong, như nói về Tâm Như. Tâm sự của Phong cũng là tâm sự của Tâm Như . ‘ Mình cũng chạy hụt hơi theo cuộc đời, và bây giờ mình đã ba mươi lăm tuổi rồi!’.
Sau bữa cơm trưa thật thoải mái, Bác Tâm Minh bảo bác có tật xấu do ảnh hưởng của thực dân Pháp để lại . ‘ Bác phải ngủ trưa nửa tiếng đồng hồ thì đầu óc bác mới minh mẫn…’. Bích Hà pha một bình trà mới.
- Tụi mình ra ngồi ngoài patio nhìn tuyết trên núi cao.
Buổi trưa tháng ba thật đẹp. Những cơn mưa vừa đổ qua khiến bầu trời như tấm kính được lau chùi sáng choang. Không khí thoang thoảng mùi hoa trà. Ba người ngồi quanh chiếc bàn gỗ đặt dưới giàn hoa giấy. Bích Hà là người yêu nghệ thuật, hay nói đúng ra, Bích Hà là người yêu vẻ đẹp của vườn tược. Khu vườn sau nhà Bích Hà giống như một khu rừng nhiệt đới, đầy bóng mát, đầy cây cỏ. Màu xanh của lá khiến cho Tâm Như cảm thấy lòng mình thật thoải mái.
Phía sau bức tường đá xanh che chở khu vườn là những dốc đồi ngổn ngang. Tường có treo những chậu hoa đầy màu sắc, tô từng mảng màu rực rỡ trên nền đá sần sùi. Xa xa là những dãy núi đỉnh phủ đầy tuyết trắng. Tâm Như chợt hiểu tại sao tâm Bích Hà lúc nào cũng bình yên. Thiên nhiên là bàn tay vỗ về và nâng đỡ dịu dàng nhất. Thiên nhiên không bao giờ làm dáng nhưng thiên nhiên lúc nào cũng đẹp tuyệt vời.
Tâm Như chợt ghi nhận là Phong đội chiếc mũ beret đỏ không rõ từ lúc nào. Hơn bốn mươi tuổi, Phong trông vẫn còn nhiều nét thơ dại. Hình ảnh ngày cuối cùng ở Sàigòn đột ngột chuyển qua lũ lượt trước mặt Tâm Như. Những người lính dù ở gần phi trường Tân Sơn Nhất. Những người lính thầm lặng và bình thản giữa một không khí chiến tranh ngột ngạt. Tâm Như hỏi Phong:
- Anh là một người lính chiến, anh hãy kể một kỷ niệm đẹp nhất trong đời quân ngũ của anh đi. Tôi đọc sách, thấy những người lính chiến thường nhắc lại quá khứ của họ như nhắc về những mối tình thật đẹp…
Phong gỡ chiếc mũ beret đỏ đặt xuống bàn:
- Kỷ niệm tôi không bao giờ quên được là kỷ niệm về lần uống rượu sau cùng với các bạn đồng ngũ. Tôi không bao giờ uống rượu sau lần đó nữa. Tôi nhớ chúng tôi nghe lệnh đầu hàng của vị tổng thống sau cùng đọc trên đài phát thanh. Lệnh đầu hàng như một trái bom nổ ngay chỗ đóng quân. Chúng tôi đang ở giữa thành phố Sàigòn thân yêu vậy mà chúng tôi vẫn cảm thấy thật cô đơn, cô đơn như những kẻ sống sót cuối cùng trên một hành tinh đang tàn lụi.
Tôi nhớ anh Sáu, anh Sáu là xếp lớn, là đại bàng của chúng tôi, anh Sáu đứng trên capot xe Jeep chỉ huy, anh nói thật bình thản, thật gãy gọn như anh vẫn thường nói với chúng tôi từ bao nhiêu lâu nay. Anh bảo, ‘ Vận nước có lúc thịnh, có lúc suy. Nhưng ngay bây giờ đây là vận mạt của tổ quốc. Cũng đành vậy thôi !’ Cũng đành! Nghe như một tiếng thét tuyệt vọng. Anh Sáu bảo ‘ Chúng ta hãy uống với nhau một lần sau cùng rồi chia tay’. Rượu chỉ còn hai chai Martell. Anh bảo,‘ Hãy bắt chước người xưa, rượu hòa với nước, trên dưới cùng uống’. Rượu được hòa với nước, mỗi người múc môt ca mà uống, như uống chính nỗi điên cuồng trong lòng mình. Rượu nhạt thếch, nhưng rượu thật đắng cay. Thiếu úy Hạnh uống ca rượu, rồi ngẩng mặt nhìn trời khóc nức nở,‘Tại sao?’. Chính tôi cũng tự hỏi tại sao ? Và tôi, cùng đồng đội, cùng bật khóc như Thiếu Úy Hạnh.
Rồi mọi người chia tay sau những cái vung tay chào giã biệt. Tôi tình nguyện lái xe đưa anh Sáu đi ‘ thăm Sàigòn của chúng ta một lần cuối cùng’, vì tôi chẳng còn nơi đâu để về… và trời đất xô đẩy làm sao, hai thầy trò ghé vào một tiệm hủ tiếu ở Cầu Ông Lãnh. Một ông chủ ghe đã mời hai thầy trò chúng tôi lên một chiếc ghe bầu chở đầy dưa hấu. Ghe chạy ra Vũng Tàu, rồi ra khơi nơi có hạm đội Mỹ. Khi chia tay, người chủ ghe bảo ‘ Con trai tôi cũng là lính nhảy dù!’. Tôi không bao giờ uống rượu nữa, vì tôi không bao giờ quên được bữa rượu ngày hôm đó…
Tâm Như cảm thấy mình cũng muốn tâm sự với Phong:
- Tôi cũng có một kỷ niệm về những người lính mũ đỏ. Tôi nhớ một buổi chiều mùa xuân buồn thảm của một ngày Sàigòn đang chờ tan rã. Mẹ con tôi vẫy được chiếc taxi để đi tìm bố tôi. Xe bị chặn ở gần phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi nhớ người lính mũ đỏ nhìn qua cửa kính xe. Anh có vết sẹo phía trên lông mày bên phải.
LAN ĐÀM

Friday, January 27, 2012

MH.HOÀILINHPHƯƠNG * Tô Canh Mồng Tơi Bên Trời Hoa Thịnh Đốn.

Lương Trường Thọ


* viết nhân ngày mừng tuổi thọ 83 của mẫu thân.


Thư con gái viết từ miền Đông Bắc

Sao nghe nghẹn lòng, nước mắt chan cơm

Canh mồng tơi nhắc một thời lận đận…

Ba tội tù, Mẹ thề nguyện sắt son


Trả áo phu nhân, thân cò quãng vắng

Gánh gạo nuôi chồng tù ngục oan khiên

Vai nào mang một đàn con thơ dại?

Vai nào gồng một quê mẹ ngã nghiêng?


Nước mất, nhà tan…trời cao quá đổi!

Chất ngất hận thù… đất thấp không hay

Giữa khốn cùng, Mẹ vươn vai lá mỏng

                                Mong con nên người ở một ngày mai …


Mẹ có một đời bảng đen, phấn trắng

Hun đúc cho con ý chí quật cường

Thương Việt Nam vẫn còn dài tăm tối

Ba tử tù – trong huyệt mộ - bi thương!


Chúng con tha hương – những mùa xuân đất khách

Đã qua một thời khốn khó, điêu linh

Nhưng chiều nay bên trời Hoa Thịnh Đốn

Canh mồng tơi – nghe lệ nhỏ riêng mình!


Từ Đông Bắc thương Mẹ già trăm tuổi

Năm tháng quay cuồng trong căn bệnh trầm kha

Alzheimer đưa Mẹ vào hoang tưởng

Thuở xa xưa…miền quê cũ chưa nhòa…


Con bất hiếu – nghìn trùng – xin tạ lỗi

Chưa đáp đền ơn Mẹ đã hy sinh

Tô canh mồng tơi vẫn còn trong ký ức

Vẫn tươi xanh như màu biển Thái Bình!


M.H.HOÀI LINH PHƯƠNG

Washington DC Jan 25, 2012




Thursday, January 26, 2012

PHÒ MÃ LẦU ÔNG HOÀNG * LÀM THƠ TRÊN SÔNG CÀ – TI



tặng ung thị bạch tuyết, ung thị thu hà, nguyễn thanh tùng, phan thiết
phạm đình thừa, phan bá thụy dương …



Về Phan Thiết thèm ngâm câu lục bát

bạn ta ơi! Từ Thế Mộng, Hoài Khanh…

con sông ấy có trôi theo thân phận (1)

có chở đầy trăng và thuyền cũng đầy trăng.


Về Phan Thiết thèm ngâm câu lục bát

bạn ta ơi! Kiều Thệ Thủy, Thế Viên …

buổi sinh thời thầy trò nhà ngươi cùng ta chén rượu

nay xa người

ta không rượu cũng môi cay.


Về Phan Thiết thèm ngâm câu lục bát

bạn ta ơi! Tôn Thất Trâm, Tuệ Tâm, Chế Vân …

một dạo ta về chơi Phố Lầu, Phan Rí Cửa

đêm mưa rừng trắng mường trắng mán

bạn ta cùng tập hút thuốc uống ly đen

năm mươi năm ta chưa gặp lại

ta bây giờ thất quốc sang bang.


Về Phan Thiết thèm ngâm câu lục bát

ta đứng hát cát bụi bay mờ mờ châu thổ

thành quách xưa ứa lệ dưới chân người

lạnh ngắt trái tim hồn treo tháp cổ

ma nương Bình Thuận xuống trăng chơi.


Về Phan Thiết thèm ngâm câu lục bát

Hoài Khanh, Từ Thế Mộng, Thế Viên ơi

một thuở bạn ta làm thơ ngất trời ngất biển

đêm mưa rừng cuồng lũ nước sông trôi.


Về Phan Thiết thèm ngâm câu lục bát

chiếc cầu gỗ em đi về mấy độ

nay không còn khua nhẹ bước chân quen

sông Cà - Ti ơi có nhớ thương người

bao nhiêu con nước xa nguồn

thì con sông ấy cũng buồn thế thôi (2).


Về Phan Thiết thèm ngâm câu lục bát

Hoài Khanh, Từ Thế Mộng, Thế Viên ơi

người yêu tôi khóc đêm qua

má hồng lệ nhỏ tay ngà chìm sao (3)

trời mưa ướt bụi ướt bờ

lạy trời đừng ướt áo Hồ Thế Viên (4).


Về Phan Thiết thèm ngâm câu lục bát

vui qua mau sầu ở lại lâu dài (5).

  1. Hoài Khanh, Thân Phận, Sàigòn Việt Nam, 1958.
  2. Hoài Khanh, Dâng Rừng, Saigòn Việt Nam, 1957.
  3. Thế Viên, Người Yêu Tôi Khóc, Sàigòn Việt Nam, 1960.
  4. Nữ sinh Phan Bội Châu Phan Thiết tặng thầy Hồ Thế Viên.
    (do Hồ Đình Phương trích dẫn, Văn Nghệ Tiền Phong, Sàigòn Việt Nam, 1957.)

  1. Tạ Ký, Sầu Ở Lại, Quế Sơn, Sàigòn Việt Nam, 1974, trang 3.


tháng giêng 2012

ở san jose

PHÒ MÃ LẦU ÔNG HOÀNG






HẢI PHƯƠNG * Lục bát hậu chăn trâu ở Hoàng Liên Sơn


Hờ Hữu Thủ
1.

Biển khỏa thân nắng

sớm mai

ta sơ sinh gió

thổi dài mái lưng.

Em tươi rói biển

thơm lừng

ta linh hồn sợi

dây thừng

bán khai.


2.

Em nằm

lục địa trùng tu

ngực cời

mông độn

biên khu tăng cường.

Em bày thế trận

điên cuồng

mưa sa trên núi

ngọn nguồn biển xanh.


3.

Em nằm trên cỏ

hát chơi

vành môi thiên cổ

ngậm lời nguyên ngôn.


Đêm khuya ngát nguyệt

bãi cồn

tóc tươi rói gió

lay hồn cỏ lau.


Cơ đồ tái

ngộ biển dâu

mưa phai phế tích

nắng màu phiêu du.

Em nằm

lá hát vàng thu

nguồn cơn háo hức

biển mù

mịt cơn.


4.

Em nằm

lục địa phân vân

vòng eo

khép lại trời gần đất

nghiêng

ngực trần ra quẻ

sấm rền

hư vô trụi lá cành mềm vong thân

                             đường sinh tử dưới khe mòn

chân dài bát nhã

càn khôn dậy thì.


Mùa xuân sắm sửa

ra đi

đỏng đảnh áo mặc nhiều khi quên cài

ý hỏi tóc xõa lai rai

nẻo về thế sự tròn vai phố phường.


5. Tặng Trương Vũ


Khỏa thân em

biển cuồng lưu

vọng âm trên núi

sương mù dưới khe.

                             Khỏa thân em

bước chân nghe

lao xao thuở ấy

lá hè rụng rơi.

                             khỏa thân em

gió lên khơi

mưa dầm phế tích

đêm cời trăng

xanh.

Sắc màu em

điệu vô thanh

ngày sau

vỗ nhịp dạ hành

khúc xưa.


tháng giêng 2012

ở san jose

HẢI PHƯƠNG