văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, July 8, 2011

VĨNH HẢO * Quét Rác

Đào Hải Triều : Tịnh Tâm

  
Những hoa hồng hôm qua nở đẹp dưới nắng buổi đầu thu, nay đã rụng xuống sân, vẽ thành một khoanh nhỏ lốm đốm những cánh hoa teo rút, đỏ tía. Lá vàng từ cây kiểng vườn nhà kế bên cũng lác đác rải xuống vườn này. Trời không gió, nhưng lạnh. Qua khung kiếng cửa sổ hướng về vườn trước, thấp thoáng có bóng người bộ hành băng ngang, khoác áo dày, dẫm trên lá xào xạc. Ngập trên bãi cỏ và lối đi là lá phong, nhiều màu, từ vàng nhạt đến đỏ sẫm. Nhìn từ xa, chỉ thấy một thảm lá dầy, thỉnh thoảng giao động như những đợt sóng nhỏ gợn nhẹ trên mặt đại dương chóa ánh mặt trời.

Thảm lá ấy sẽ được trải khắp vườn trước như thế cho đến cuối tuần, khi những người làm vườn mang máy thổi và dụng cụ hốt rác đến. Chẳng biết nên buồn hay vui khi lá vàng được dọn sạch, trả lại cho khu vườn vẻ ngăn nắp, sạch sẽ cố hữu, như mọi người mong đợi.

Hoa trên cành, lá trên cây, người trên đời, khi rơi ngã xuống, mang theo sinh khí và cái đẹp xuống lòng đất. Những cánh hoa phai và những chiếc lá vàng nhiều sắc màu, cũng chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành rác rến. Trên thực tế, mỹ quan chẳng qua cũng chỉ là một thoáng lãng mạn của những kẻ dị cảm, đa tình, không thắng nổi cái ngăn nắp trật tự và vệ sinh chung của đời sống xã hội.
Con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô.” Nai có thích lá vàng không thì không biết. Người thì hầu như đa số thích ngắm lá vàng mùa thu, còn trên cành hay rụng đầy mặt đất. Người cũng thích dẫm lên lá khô, lắng nghe tiếng lào xào vui tai. Có khi hứng thú nằm lăn trên thảm lá, đùa giỡn với nhau, hoặc chỉ một mình, nằm im, lặng ngắm những cánh chim bay ngang trời thu tịch mịch, và lắng nghe tiếng gió rung đưa những hàng cây trơ trụi.

Nhưng đó chỉ là những phút nhàn tản, nghỉ ngơi, muốn tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên nơi bãi cỏ, công viên, bìa rừng… còn ở nhà, sân trước hay vườn sau, lá vàng khô là rác rến, cần phải hốt dọn.

Thực tế của đời sống trong tương quan xã hội là như thế. Những gì đã rơi, tàn, phai, héo úa, không còn dính vào thân, không còn là sở hữu của ai, hoặc không ai muốn sở hữu… đều là rác.

Tóc huyền ai thơm, tung bay những chiều lộng gió, rời khỏi mái đầu ấy, một sợi hay một nhúm, trên đất hay trong thức ăn, sẽ không còn là chủ đề cho một câu thơ lãng mạn.

Rác. Rác. Rác. Nhìn đâu cũng thấy rác là đặt chân nơi cánh cửa của chánh kiến, phân biệt chánh-tà, thiện-ác. Rác là những gì đã được sinh ra, tạo ra, mà không duy trì được trạng thái nguyên thủy của chúng, hoặc không cần thiết dùng đến nữa. Nhân nơi rác mà thấy cái tướng hoại diệt. Không có sinh thì không có diệt. Không có diệt thì không có rác. Cho nên việc quét rác, dọn dẹp là việc trường kỳ không bao giờ dứt, của người phu chuyên nghiệp đối với vệ sinh chung, của mỗi người đối với nơi trú ẩn sinh sống của mình, và nhất là những người mang hạnh nguyện quét lá, lau chùi, nơi già-lam tịnh địa.

Quét dọn rác rến, lau chùi bụi bặm là hiện tướng, cũng là hiện tượng, của việc trau luyện nội tâm, tịnh hóa ý niệm. “Thời thời thường phất thức, vật sử nhạ trần ai.” Lau chùi trong từng giây phút, từng niệm, đừng để bụi rác bám vào. Mỗi ý niệm khởi sinh, rồi tan biến đi, đều trở thành rác. Dù là ý niệm tốt hay xấu, cũng đều là rác.

Trong thiền quán, dùng niệm sau để xua đuổi hoặc quan sát niệm trước thì cũng giống như dùng chổi mà quét rác. Niệm trước là rác, niệm sau là chổi. Niệm trước vừa sinh, đã diệt, trở thành rác. Niệm sau mới vừa làm chổi, đã trở thành rác, để rồi bị cái niệm sau đó nữa, quét đi. Rác, chổi, rác, chổi, rác, chổi… Chổi, rác, chổi, rác, chổi, rác… Cứ thế mà thực tập, người quét rác dần tiến đến trạng thái không còn rác phát sinh: vô niệm. Rác không sinh thì chổi cũng không sinh. Không rác thì cần gì chổi. Có rác nên có chổi. Nhưng nếu tự thân rác vốn đã là chổi thì tự thân chổi cũng vốn là rác. Cây chổi cùn, không dùng được nữa, dù còn rác hay hết rác, thì chổi đó cũng đã là rác. Tiêu đích  cuối cùng của việc quét rác là ở chỗ không còn rác; nhưng tâm thái và hành vi thượng thừa của sự nghiệp quét rác chính là lúc có thể vất đi cái chổi. Không dũng mãnh vất đi cái chổi thì muôn đời, dù khổ nhọc công phu đến đâu, vẫn cứ là rác.
Chổi. Chổi. Chổi. Nhìn đâu cũng thấy chổi là đặt chân nơi cảnh giới diệu dụng của phương tiện. Nơi ấy, nhìn đâu cũng thấy Phật Pháp; đặt tay vào phương tiện nào, phương tiện ấy trở thành Phật Pháp. Không thấy được công dụng của chổi thì không thấy Phật Pháp. Không thấy được mục tiêu của chổi, lập tức biến chổi thành rác, không cần chờ cho chổi hư hoại, cùn mòn. Thấy được mục tiêu của chổi thì có thể dùng bất cứ vật dụng nào để quét dọn rác và bụi bặm, không nhất thiết phải là chổi.

Chân lý không thể được diễn đạt rốt ráo bằng ngôn ngữ văn tự. Nói, diễn tả, là để hiển bày chân lý, giống như dùng chổi mà quét rác. Xua quét đi tất cả những gì không phải sự thật để hiển bày sự thật. Ở nơi chốn không còn gì để quét, không còn gì để lau chùi được nữa, mới là cái chỗ tột cùng của việc lau quét, chứ không phải ở nơi bụi rác, cũng không phải ở nơi khăn lau và cây chổi.

Không thể nhân danh chân lý tối thượng để tổn hại kẻ khác, dù bằng ngôn ngữ của chánh pháp, huống hồ là ngôn ngữ thế tục, phi pháp. “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp.” Phật Pháp cũng chỉ là phương tiện, là chổi để quét, và cũng là rác cần dọn đi.

Với cái tâm bất chánh thì dù có dùng ngôn ngữ của chánh pháp, nhân danh mục tiêu tối hậu của chánh pháp, vẫn cứ là những manh động của tà kiến, của tà nhân. Chánh pháp cần được tuyên dương và truyền bá là do có thể nương nơi đó mà thấu đạt sự thật. Nhờ sự thật mà sống an lạc và hạnh phúc, giác ngộ và giải thoát. Cho nên, nếu vì chánh pháp mà thương tổn, tác hại đến người khác, thì chẳng khác gì phỉ báng chánh pháp. Đó là dấu hiệu của cây chổi chưa kịp quét rác mà đã trở nên mục rữa như rác rưởi.

Từ mục đích tối hậu là hiển bày chân lý, chúng ta vẽ nên những lý tưởng, vận động những phong trào, dựng nên những tổ chức. Những thứ ấy, nếu cố gắng gìn giữ, bảo vệ, điều hướng một cách khéo léo, có thể phần nào tương hợp với mục đích tối hậu kia, ít ra cũng lợi mình lợi người trong một thời gian hay hoàn cảnh nào đó. Ngược lại, sẽ dẫn đến một kết quả tệ hại, xa vời, chẳng một chút dính nhập đến mục tiêu nhắm đến. Lý tưởng, phong trào, tổ chức… là những phương tiện, nhưng thường khi lại trở thành cứu cánh để tôn thờ, bảo vệ, rồi từ “cứu cánh ảo” ấy, tranh thủ những địa vị và danh vọng hão huyền, đến nỗi có thể vì chúng mà đánh mất lương tri, làm bạn với kẻ ác, sẵn sàng làm điều ác, biến lý tưởng, phong trào, tổ chức của mình thành đống rác uế nhiễm mà không tự biết.

Kẻ thượng trí là người có thể tạo nên tất cả mà cũng sẵn sàng vất bỏ tất cả. Không thấy được sự giả lập của phương tiện thì muôn kiếp chỉ lẩn quẩn trong đống rác trần gian.

Gió. Gió. Gió. Gió động hay lá động? Từng cơn gió lùa qua làm chao động mặt lá. Thỉnh thoảng có cơn gió xoáy, cuốn xoay những chiếc lá vàng đưa lên cao, dẫn đi xa, rồi thả chúng rơi rụng dần nơi góc vườn. Có gió hay lá nào động đâu! Chỉ là vọng động của tâm. Thiền sư Huệ Năng đã từng nêu ý đó.

Những gì bạn nói, những gì tôi nói, đều là rác cả. Chẳng có lời nào có thể ở mãi với đời; bởi vì âm thanh, ngôn ngữ, cũng đều là tướng của vô thường, hoại diệt. Chỉ ở cảnh giới bất động của tâm, khi mà con đường ngôn ngữ tuyệt dứt, mới hiện bày một thế giới cao rộng bao la; nơi đó, không có bụi rác, không có chổi, không có gió. Ngôn ngữ đạo, đoạn. Tâm hành xứ, diệt. Nơi đó, là niềm tịch lặng thâm sâu không bờ mé, là chỗ mà cả ý và lời đều không thể chạm đến được.


Vĩnh Hảo 

LINH PHƯƠNG * Sợi Tơ Tình Này



 
   Ngọt bùi
   chia sẻ cùng anh
   Hợp tan
   là chuyện để dành nhân gian

   Em về
   tìm lại mùa trăng
   Thuở mình soi bóng
   quên không hẹn hò

   Mang theo
   con mắt có đuôi
   Ra đi từ thuở
   đất trời bão giông

   Nắng Cali
   mưa Sài Gòn
   Em bên Mỹ quốc
   anh còn Việt Nam

   Buổi tương phùng
   mộng hồi hương
   Đôi bờ biển
   Thái Bình Dương xa vời

   Chờ nhau
   chờ đến bao giờ
   Em
   anh
   nối được
   sợi tơ tình này

  Linh Phương 

Thursday, June 30, 2011

TIỂU TỬ * Viết Một Chuyện Tình

            Mấy lúc gần đây, không hiểu sao, tôi bỗng thèm viết một chuyện tình ! Từ ngày tập tễnh viết văn, nhớ lại, tôi chưa từng viết chuyện tình nào cả. Điều này làm tôi cũng ngạc nhiên, bởi vì, chuyện tình là chất liệu mà các nhà văn khai thác thừơng nhứt và nhiều nhứt. Từ những ngòi bút măng non của tuổi học trò qua những nhà văn " tài tử " hay đã thành danh… có ai không từng viết chuyện tình ? Chỉ có tôi là chưa. Lạ thật !