tranh : Dương Sen |
Mùa xuân, là đề tài lớn của nhiều thi văn sĩ. Thời điểm ấy, người và trời đất giao hòa. Năm cũ đi, năm mới đến, hứa hẹn bao nhiêu là thay đổi. Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn, cái vòng sinh hóa ấy với tiến trình nhất định đã làm thành sự chuyển động của thiên nhiên. Mùa xuân hoa lá tốt tươi, thời tiết ấm áp. Tình yêu vì thế cũng làm tâm hồn mở rộng ra những khuôn trời lãng mạn, những mơ ước của hình thành mộng mơ…
Nói đến mùa xuân, chúng ta phải nhắc đến bản nhạc "Anh Cho Em Mùa Xuân", thơ Kim Tuấn, Nguyễn Hiền phổ nhạc, cũng như các bản nhạc mùa xuân nổi tiếng khác. Cứ mỗi đầu năm, khi còn ở trong nước trước năm 1975 hay bây giờ ở hải ngoại, những bản nhạc ấy lại rộn rã trên những làn sóng điện, những chương trình truyền hình và cà những chương trình video, DVD nữa.
Riêng bản nhạc "Anh Cho Em Mùa Xuân" phổ từ bài thơ "Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân" có những ca từ thật dễ thương. Những đoạn thơ năm chữ dường như dễ giao hòa với âm nhạc để tạo thành những xúc động cho người nghe. Bản nhạc ấy, nhiều khi còn trở thành những kỷ niệm riêng của nhiều người, của những cặp tình nhân âu yếm trao nhau tình cảm chứa chan trong môi, trong mắt và trong cả bàng bạc đất trời. Mùa xuân, với Kim Tuấn mở ra những hình ảnh của mơ ước đơn sơ hiền hòa, gần với thực tại nhưng lại chan chứa những mộng mơ lứa đôi thầm kín. Những hình ảnh quê hương, những tâm tình chân chất của mùa xuân rất Việt Nam. Thơ và nhạc, như một mà hai, như hai mà một, quyện lẫn vào nhau làm thành những lời tha thiết yêu đời yêu người. Trong bối cảnh của những ngày đầu năm, nhạc sĩ Nguyễn Hiền đọc thơ của thi sĩ Kim Tuấn như một duyên nghiệp tình cờ và chỉ trong một phút giây đã tạo nên một ca khúc bất tử cho âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ đã có lần kể lại những phút giây sáng tác ấy, như một giây phút bắt được của trời. Thơ đã ngay lập tức biến thành nốt nhạc và tiết tấu và những câu thơ ấy là của trời đất dành riêng để hiến tặng cho đời…”Hôm ấy là ngày mùng 5 Tết năm 1962, tôi đến sở làm trong lúc đất trời vẫn còn hương vị Tết. Một người bạn rủ ra ngoài ăn sáng, lúc trở về thấy trên mặt bàn giấy có một tập thơ mỏng tôi bèn lật qua xem thử thì gặp bài thơ Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân. Đọc xong thấy hay hay và đang lúc lòng còn hưng phấn với không khí xuân tràn trề tôi đã nảy ra ý định phổ nhạc bài thơ ấy. Giấy nhạc không có sẵn tôi phải kẻ khuôn nhạc bằng tay và chỉ có một hai tiếng là xong bài nhạc. Xong tôi cất vào ngăn kéo bàn làm việc… Sáng hôm sau có anh chàng trẻ tuổi đến tìm tôi, tự giới thiệu tên mình và cho biết ”Hôm qua em có đến tìm anh để biếu anh tập thơ bốn mươi bài nhưng không gặp được anh” Tôi cười "Hóa ra anh là tác giả bài thơ xuân ấy! Tôi vừa mới phổ nhạc bài thơ của anh xong” Anh ta ngạc nhiên và rất vui khi tôi lấy bài nhạc trong ngăn kéo ra... hát cho anh ta nghe. Tôi lấy câu đầu của bài thơ đặt tên cho bài nhạc “Anh cho em mùa xuân”. Anh chàng trẻ tuổi ấy là nhà thơ Kim Tuấn...”
Nhạc sĩ đã hầu như xử dụng phần lớn những câu thơ của nguyên tác khi chuyển thể. Và, những ý niệm của thi sĩ hình như cũng được biểu hiện theo với sự hòa đồng. Thơ chan chứa cảm xúc và nhạc làm thơ vút lên, bay bổng. Bài thơ “Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân“ :
Anh cho em mùa xuân
Nụ hoa vàng mới nở
Chiều đông nào nhung nhớ
Đường lao xao lá đầy
Chân bước mòn vỉa phố
Mắt buồn vin ngọn cây
Anh cho em mùa xuân
Mùa xuân này tất cả
Lộc non vừa trẩy lá
Thơ còn thương cõi đời
Con chim mừng ríu rít
Vui khói chiều chơi vơi
Đất mẹ gầy cỏ (có) lúa
Đồng ta xanh mấy mùa
Con trâu từ đồng cỏ
Giục mõ về rộn khua
Ngoài đê diều thẳng cánh
Trong xóm vang chuông chùa
Chiều in vào bóng núi
Câu hát hò vẳng đưa
Tóc mẹ già mây bạc
Trăng chờ trong liếp dừa
Con sông dài mấy nhánh
Cát trắng bờ quê xưa
Anh cho em mùa xuân
Bàn tay thơm sữa ngọt
Giải đất hiền chim hót
Người yêu nhau trọn đời
Mái nhà ai mới lợp
Trẻ vui đùa nơi nơi
Hết buồn mưa phố nhỏ
Hẹn cho nhau cuộc đời
Khi hoa vàng sắp nở
Trời sắp sang mùa xuân
Anh cho em tất cả
Tình yêu non nước này
Bài thơ còn xao xuyến
Nắng vàng trên ngọn cây.
Nhà văn Võ Hồng đã viết những nhận xét của mình về bài thơ này trong bức thư gửi ngày 8 tháng 7 năm 1971 cho thi sĩ Kim Tuấn được in ở bìa của tập thơ “Thơ Kim Tuấn 1962-1972” đã nhắc đến nhạc sĩ Felix Arvers (1806-1850) tác giả của nhạc khúc nổi tiếng Le Sonnet D’Arvers[1] có những câu mà ông cho là có âm điệu giống như : ”Mon âme a son secret, ma vie a son mystere,...":
“Tôi được đọc thơ anh đã lâu, nhất là cứ vào ba mươi tết mỗi năm là tôi đón đợi nghe bài thơ được phổ nhạc của anh. Có một cái gì dịu dàng trong đó, thiết tha trong đó. Có không khí của mùa xuân trong đó, mùa Xuân trong lòng người xưng Em.
Anh cho em mùa xuân... Tôi liên tưởng đến bài Sonnet của Arvers. Nhất định nó sẽ sống như Sonnet d’Arvers, như Valse của Strauss...”
Nhạc sĩ Lê Văn Khoa cũng có những nhận xét khá lý thú về bản nhạc này:
“…Cái duyên mà nhạc sĩ Nguyễn Hiền nói đến qua câu chuyện ấy là gì, nếu không phải là mối duyên cho ông gặp bài thơ ấy và tác gỉa bài thơ ấy.
Nếu không có mối duyên ấy thì “Nụ hoa vàng ngày xuân“ dẫu có là bài thơ hay vẫn chỉ là bài thơ nằm im lìm trong những trang thơ.
Nếu không có mối duyên ấy thì sẽ không có “Anh cho em mùa xuân” một trong những bài nhạc xuân hay nhất của người Việt.
Nếu không có mối duyên ấy thì chàng trai trẻ trong câu chuyện trên, tác giả “Nụ hoa vàng ngày xuân” chắc sẽ không được nhiều nhạc sĩ tìm đến thơ chàng để phổ nhạc (để mong có thêm được “Anh cho em mùa xuân“ khác).
Thế nhưng “Anh cho em mùa xuân” có thực sự là một trong những bài nhạc xuân hay nhất? hầu như trước giờ chúng ta chưa từng làm công việc tuyển chọn những bài nhạc hay nhất trong số những bài nhạc xuân. Thế nhưng ở trong nước thì đã có làm. Tết Đinh Hợi năm kia, báo chí trong nước (Tuổi Trẻ Online/2/2007) đã tổ chức một cuộc thi gọi là “bình chọn ca khúc xuân hay nhất” Cách bình chọn : độc giả chọn ra ca khúc mình yêu thích nhất trong một danh sách... đã được chọn lựa sẵn gồm 22 bản nhạc xuân. Ba bài có số bình chọn cao nhất sẽ đạt danh hiệu ”Những Ca Khúc Xuân Hay Nhất” Trong danh sách ấy có 8 bài của các nhạc sĩ ở miền Nam trước năm 1975 (tất nhiên là không có những bài bị cấm phổ biến). Điều thú vị, kết quả cuộc bình chọn: ca khúc đứng đầu trong ba “Ca khúc xuân hay nhất” là ”Anh cho em mùa xuân” của Nguyễn Hiền, một nhạc sĩ miền Nam sống ở nước ngoài và đã qua đời (Hai ca khúc xếp hạng nhì và ba thuộc về các nhạc sĩ trong nước).
Trước đó “Anh cho em mùa xuân” cũng từng góp mặt trong Tuyển Tập Những Ca Khúc Hay Nhất về Mùa Xuân phát hành ở trong nước qua nhà xuất bản Cà Mau năm 2004.
Người việt ở ngoài nước hát “Anh cho em mùa xuân”, người Việt ở trong nước cũng hát “Anh cho em mùa xuân“ và còn bình chọn là ca khúc xuân hay nhất.
Không chỉ là một trong những bài nhạc xuân hay nhất, “Anh cho em mùa xuân” còn là một trong những bài phổ thơ hay nhất.
Khi làm công việc “lấy thơ ghép nhạc” nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã không đổi một chữ nào trong ba đoạn thơ đầu của “Nụ hoa vàng ngày xuân” (từ câu thơ đầu cho đến câu ”mùa xuân này tất cả, lộc non vừa trẩy lá…) ông nhớ lại ”thật là hứng thú khi tôi lấy ba câu thơ đầu (Anh cho em mùa xuân/ nụ hoa vàng mới nở/chiều đông nào nhung nhớ...) thành một câu nhạc, thấy đi rất ngọt nên cứ thế mà phát triển bài thơ thành ca khúc.” Điều gì khiến ông phổ nhạc rất “ngọt” rất nhanh bài thơ ấy? Có phải vì ông bắt được ”tình thơ ý nhạc"? Có phải vì ông tìm thấy ”trong thơ có nhạc” và ông chỉ làm công việc ghi xuống những “notes”, những ký âm trên những dòng kẻ nhạc. Công việc có vẻ đơn giản ấy (không phải là ai cũng có thể làm được) đã chắp cho thơ “đôi cánh nhạc”. Nhiều người viết nhạc chỉ mong phổ được một bài thơ như ông, không chút gượng ép, đi rất “ngọt”, đi rất ngon trớn, rất tự nhiên như nguồn nhạc hứng dâng trào, như nhạc và thơ chảy tràn như suối...”
Kim Tuấn trước năm 1975 là một người lính. Và thơ của ông cũng có nhiều bài viết về chiến tranh. Tuần báo Tìm Hiểu có bài viết về tiểu sử của ông trong số báo ra ngày 30 tháng 6 năm 1971 và được in lại ở trang bìa sau của tập “Thơ Kim Tuấn“ của nhà xuất bản Gìn Vàng Giữ Ngọc :
”Nhà thơ Kim Tuấn tên thật là Vĩnh Khuê sinh trưởng ở Huế, hiện là phóng viên chiến trường cho Đài vô tuyến truyền thanh Quân Đội tại Quân khu 2. Trước đó ông đã ở trong Lực Lượng Đặc Biệt 5 năm trông coi một toán văn nghệ trình diễn lưu động khắp các trại Biên Phòng dọc theo biên giới Việt Lào. Sau đó khi Lực Lượng Đặc Biệt giải tán, ông trở về với bộ binh làm phóng viên chiến trường.
Làm thơ từ năm 1951, những bài thơ đầu đăng trên tờ Cải Tạo, tuần báo Đời Mới, Nhân Loại và mãi đến năm 1960 tác phẩm đầu tay của ông viết cùng với Định Giang lấy tên “Ngàn Thương” mới được đem in, sau đó đến tập Dấu Bụi Hồng (1971).
Bản tính thầm lặng, không muốn tham dự vào những sinh hoạt ồn ào như một số nhà văn nhà thơ khác nên mặc dầu thơ Kim Tuấn được biết đến nhiều nhưng không ai biết ông qua lớp áo dã chiến đầy bùn sình khi ông làm phóng sự chiến trường với cái tên Vĩnh Khuê.
Khác với những thi sĩ khác, thường nói đến tình yêu, chiến tranh qua những hình ảnh tại thành thị quen thuộc đến nhàm chán, thơ Kim Tuấn lựa chọn một không gian - khung trời quê hương, thứ quê hương đồng ruộng và thân phận của người dân trong chiến tranh, những người khát hòa bình như khát sống khát yêu thương.
Trong số các bài thơ êm đềm của Kim Tuấn đã được phổ nhạc. Bài thơ ”Những điều ghi được trong giấc ngủ” hay còn gọi là "Khi Tôi Về”, Phạm Duy phổ nhạc và bài “Anh cho em mùa xuân” do Nguyễn Hiền phổ nhạc...”
Thật ra, có rất nhiều bài thơ của Kim Tuấn được phổ nhạc như bài thơ "Kỷ niệm" thành bản nhạc “Những bước chân âm thầm“ Y Vân phổ nhạc, như “Ta ở trời tây nhớ trời đông” Phạm Đình Chương phổ nhạc, như “Khi xa Sài Gòn“ Lê Uyên Phương phổ nhạc, như: ”Em hát lý cây bông" Nguyễn Phú Yên phổ nhạc, như: ”Nắng cũng buồ “ Hoàng Châu phổ nhạc,...
Sau năm 1975, Kim Tuấn lưu lạc ở nhiều nơi và sau cùng thì dạy học ở trường dạy tiếng Anh và dạy nghề cho những trẻ bụi đời ở quận tư thành phố Sài Gòn bên Khánh Hội và ông mất đúng ngày trung thu sau khi đi dự lễ phát quà cho trẻ em nghèo ở trường ông dạy học trở về và bị stroke và qua đời.
Kim Tuấn đã nói về cuộc đời mình trong “Kim Tuấn Đôi Điều Với Bạn Yêu Thơ” thay lời bạt cho tập thơ ”Thời của trái tim hồng” xuất bản năm 1990. Một người làm thơ sau một thời gian dài không cầm bút với những thôi thúc thâm tâm, tuy không làm thơ nhưng lại yêu thi ca tột độ:
”... Như tôi đã nói ở trên, gần 15 năm nay tôi rất ít làm thơ. Thơ để làm gì giữa những mưu toan của cuộc sống, thơ lạc loài như đứa con hoang. Bởi vậy nếu có dăm bài thơ trong mười lăm năm ấy chính là lúc tôi yêu thơ vô cùng, chính là lúc trái tim - thơ - tôi thúc bách tôi phải biến những lời phán truyền của nó thành con chữ. Xin bạn hiểu cho, tại sao lại chỉ có những bài thơ tình yêu.
Đầu năm 1977, tôi quay lại nghề cũ của tôi ở Quận Cảng nghèo nàn. Tôi tự nhốt mình lại trong bốn bức vách với những đứa học trò nghịch ngợm. Phía sau lưng tôi là bảng đen và phía trước tôi là những đôi mắt nhìn lên ông thầy xác xơ của chúng nó. Ngày tháng qua đi, và tóc tôi mỗi ngày lại thêm những sợi bạc. Một thời dung thân ở quận nhỏ nghèo nàn với những người rất hiểu tôi là anh Nguyễn Văn Nghĩa. Trong một cuộc đời lại có những cuộc đời. Tôi vẫn sống và không dán cho mình một nhãn hiệu nào. Trong suốt thời gian gần 15 năm tôi gác bút cầm phấn, nhưng anh em quen thì vẫn phiền hà sao tôi chẳng làm thơ. Có khi trách móc, có khi thúc giục...”
Thời chiến tranh trước 1975, chúng ta có một Kim Tuấn đa diện, của thơ chiến tranh, của thơ phố núi. Ở đó, có suy tư thực, có đời sống thực của những người lính trong lửa khói chiến tranh. Thơ mùa xuân, của đời lính hiện thực, những người lính nghèo mang trên vai những lẩn quẩn sinh kế đời thường, những eo sèo của những ngày cuối năm buồn nản của bài thơ “Gửi mẹ mùa xuân”:
“Tết này thêm chút tiền lương lính
có dăm trăm bạc gửi quê nhà
mẹ mua thêm gạo ăn qua Tết
con ở rừng cam khổ cũng qua
con ở rừng ăn Tết cá khô
có cơm gạo sấy kiếp sông hồ
khi vui chung bạn dăm chai đế
khi chết nằm yên dưới đáy mồ.
Tết này Tết nữa chưa yên giặc
Chắc mai chắc mốt có hòa bình
Con nghe nói thế con tin thế
Phương này như cũ vẫn phiêu linh.”
Hòa bình vẫn là những mong ước của một thời binh lửa. Những ngày đầu xuân ngưng bắn, chỉ là cơn mưa mau của một trời khô hạn, mưa mà chẳng ướt được đất bởi cái thực tế vẫn y nguyên chém giết không có gì đổi thay, thay đổi. Chỉ có một vài giờ ngưng tiếng súng, chỉ một vài giờ rong chơi được trên cánh đồng còn thơm mùi cỏ rạ. Rồi sau đó lại súng cầm tay, đi vào khuôn trời mù mịt chiến tranh:
“mùa xuân rồi đó em
mấy mươi giờ ngưng chiến
mấy giờ quên hận thù
mấy giờ không súng nổ
mấy giờ ta rong chơi
trên đồng thơm cỏ rạ
trên đường không chông mìn
trên cõi đời Xuân mới
trên cõi ta một mình.
xuân nào xuân mới đến
xuân nào xuân đi qua
xuân nào ta ngồi lại
ôm nỗi sầu trống không
quê hương mù khói lửa
ta nuôi lớn hận thù
mùa xuân qua lặng lẽ...”
Thơ có lúc như đang ở giữa chiến trường, như những câu thơ Chinh Phụ ngâm thời trước hay Quang Dũng thời gần đây. Thơ ở rừng xanh, ở những khúc độc hành của người thơ bâng khuâng nhìn thiên nhiên dãi dầu quặn mình theo binh lửa.
“chiều qua biên giới Xuân vừa đến
ngẩng mặt nhìn lên chỏm núi xa
gió qua Lào Hạ mây giăng thấp
rừng lá chồi xanh bỗng nhớ nhà
nhớ nhà xa lắc phương trời đó
nhìn dưới đèo cao mây trắng bay
đêm có mình ta nơi đất lạ
cũng buồn như những thoáng men cay
men say chất ngất chiều chưa hết
Tây bắc rừng xanh màu lá xanh
Tây Bắc người đi chưa trở lại
Sông buồn con nước chảy quanh quanh…”
Thi sĩ Kim Tuấn cũng là người làm thơ về Pleiku độc đáo và trước năm 1975 đã có một thời cư ngụ lâu dài ở Pleiku. Với Pleiku, anh là một người cố cựu và đã sống đã thở với phố núi này với tâm tình của một người chọn lựa một quê hương thứ hai. Với riêng tôi thì thơ của ông có nhiều nét rất gần gũi với cuộc sống mình cũng đã một thời ở đó.
Chúng ta hãy thử đọc bài thơ “Buổi chiều ở Pleiku“ để thấy lại cảm giác của một thời thế nào. Những phút rất thật từ nỗi bâng khuâng đời sống.
“Buổi chiều ở Pleiku có cà phê và có bạn hiền
Có biển hồ nước trong, có lúc buồn soi mặt
ôi mặt mình sao bỗng gớm ghê
ôi đời mình sao nhìn muốn khóc
Ta với ta xa lạ vô cùng
Buổi chiều ở Pleiku có gì lạ đâu hở em
Có nỗi cô đơn trong cõi sương mù
Có phố buồn hiu có đêm giấu mặt
Có giấc sầu dài trong cõi thiên thu
Có bức tường vôi ghi dấu đạn thù
Có cuộc đời ta chìm trong khói lửa
Kiếp người sao đã lãng du
Buổi chiều ở Pleiku
Buổi chiều nghe mưa bay trên đầu ngọn núi
Buổi chiều như mọi buổi chiều
Tiếng phi cơ, tiếng xe và tiếng súng
Anh còn tiếng nào để nói yêu em.”
Những buổi chiều ở Pleiku,với “tiềng phi cơ, tiếng xe và tiếng súng”, đúng là tình cảnh chúng tôi nhưng khác với thi sĩ là chúng tôi vẫn còn nhiều lời yêu em chứ không phải ”anh còn tiếng nào để nói yêu em”.
Có bài “Làm thơ trên núi” của những cảm giác thực của một buổi chiêu đứng trên cao nhìn xuống thành phố dưới thấp. Bài thơ của cô đơn, của những phút giây mà con người tự nhiên nghĩ ra những điều thật xa lạ, trong cái lạnh lẽo của thiên nhiên có nỗi mênh mang của số phận con người:
“làm thơ chiều trên núi
gió lạnh cùng sương mù
bụi đường vương áo đỏ
rừng xanh và tóc xanh
bếp nhà ai khói trắng
thác nước đổ sau ghành
đá mòn như tuổi trẻ
mười năm còn chiến tranh
mười năm xa phố chợ
mười năm không thị thành
mười năm còn ở lính
chiến trận xa lửa mù
lên cao cùng trời đất
ngước mặt trông mây chiều
cúi xuống nhìn vực thẳm
đã già đi bao nhiêu…”
Kim Tuấn quen thuộc với rừng với núi. Quanh quẩn ở vùng ba biên giới, những cuộc hành quân nhắc đến những địa danh gợi lại nỗi niềm hoang vu, nhắc lại những giây phút của cái Ta lẫn lộn vào không gian u tịch:
“Khi về núi đứng trông theo
con sông nước cạn bên đèo khói mây
đỉnh cao chiều gió ngang mày
lênh đênh sương phủ vòm cây nhớ rừng
mắt buồn giọt nhỏ rưng rưng
mưa bay xuống thấp lưng chừng lũng sâu
cỏ xanh màu lá hoa sầu
đá xanh màu nhớ đêm sâu ngút ngàn
với trời mây đã lang thang
với ta cuộc chiến bàng hoàng lửa reo”
Có một bài thơ văn xuôi của Kim Tuấn nhưng lại được phổ nhạc thật hay. Bài thơ ”Những điều ghi được trong giấc ngủ”. Phổ thơ văn xuôi có lẽ là một công việc khá lạ bởi vì đem âm nhạc để biểu hiện cho những giàn trải của ngôn ngữ không phải là điều dễ dàng.
“khi tôi trở về có con chim câu nằm trong tổ ấm. Dây kẽm gai hết rào quanh đồn phòng ngự và người lính đã trở về cày đám ruộng xanh
Khi tôi trở về có con diều bay đùa trong gió. Ở quê nhà, trên thảm cỏ xanh, có đứa trẻ để bụng lòi chấm rốn đen cười nụ thanh bình. Buổi chiều có con trâu rung mõ vu vơ như trong giấc mộng...”
Phạm Duy đã từ những ngôn ngữ ấy của thơ để phổ thành ca khúc “Khi tôi về” với ước vọng hòa bình tươi đẹp trên quê hương. Nhưng thực tế, khi hết chiến tranh thì không phải những hình ảnh tươi đẹp ấy. Mà là chia ly, là chết chóc, là những đêm đen tối thẳm của lịch sử dân tộc chúng ta…
Kim Tuấn làm thơ về Pleiku với nhiều nỗi niềm trăn trở quá. Nhưng thơ của “Nụ hoa Vàng Cho Em” phổ nhạc thành “Anh cho em mùa xuân“ hay “Kỷ Niệm” phổ thành “Những bước chân âm thầm” lại có nhiều yêu đương tình tự và lãng mạn của những người cảm thông được với thiên nhiên với thời tiết những vẻ đẹp của đất trời.
Thơ của ông cũng có nhiều bài rất lãng mạn thơ mộng chứ không phải chỉ có trăn trở suy tư. Có khi là thơ của tuổi học trò, của tuổi mười bảy mười tám mộng mơ...
Như bài “Ngày Em Còn Thắt Bím” chẳng hạn:
“tóc bím nghĩa là tóc dễ thương
tóc bâng khuâng lá rụng bên đường
tóc chia đường gió chia thương nhớ
chia nỗi buồn cho ai vấn vương
Tóc bím nghĩa là tóc mộng mơ
Để ai thương nhớ để ai chờ
Để ai ngơ ngẩn giờ tan học
Em vẫn vô tình vẫn giả lơ
Tóc bím nghĩa là tóc ngẩn ngơ
Tình ta xanh biếc mộng ơ hờ
Chiều xanh áo trắng mùa mây trắng
Em ngọt ngào và em ngây thơ.”
Về cuối đời, Kim Tuấn chỉ làm thơ tình yêu. Những bài thơ mượt mà, sống lại từ kỷ niệm. Những bài thơ của trái tim nguyên si hơi thở thanh xuân. Thơ tình yêu như:
“Bàn tay có gì đâu mà sao nói thật nhiều điều
khi giận hờn khoanh tròn trước ngực
và khi buồn vuốt tóc nhớ người yêu
Bàn tay viết thư tình (tha thiết biết bao nhiêu)
Để khi đọc, người ta vui... phát khóc
Bàn tay có gì đâu sao nói thật nhiều điều
Bàn tay lái xe đến nơi hò hẹn
Bàn tay che môi cười một tí làm duyên
Và bàn tay nào đó chỉ để dành riêng
Khi chải tóc thấy thêm nhiều sợi nhớ
Thấy ngọt ngào khi nghĩ đến nhau
Xin thời gian đừng vội qua mau
Bởi bàn tay tình yêu có nhiều điều muốn nói...”
Tôi thích thơ Kim Tuấn vì ở trong đời sống tôi có những kỷ niệm thực. Đó là lúc tôi vừa đến phố núi Pleiku. Cảm giác khởi đầu của tôi khi đến đó thật là lạ lùng.
Ngày đầu tiên khi tôi từ Nha Trang xuống phi trường Cù Hanh là một ngày mưa u ám. Phi cơ trực thăng khi bay qua Khánh Dương bị bắn và tôi hiểu chiến tranh đã đón chào tên lính trẻ làm thân lính thú đồn xa như thế. Mưa sủi bọt trên mặt nhựa phi đạo và bầu trời nặng nề u ám mầu mây đen. Gió ào ạt lồng lộng ngoài kia khiến cho tôi thấy mình quá nhỏ nhoi trong cái buồn mênh mang của đất trời. Lúc ấy, tôi thấy những câu thơ vẩn vơ trong óc. của Kim Tuấn, Vũ Hữu Định, Nguyễn Bắc Sơn,…Thơ tự nhiên thành một phần của một ngày, một tháng, một năm,… của riêng tôi. Thơ để quên đi hiện tại. Những giọt mưa quất vào mặt, buốt rát. Những ngọn gió thốc vào ngực. Nặng tê…Tự nhiên tôi thấy mình thật gần gũi thân thiết với những vần thơ biết là bao nhiêu. Có lúc, tôi nghĩ thi ca là một phần đời sống mình…
Nguyễn Mạnh Trinh
[1] Ma vie a son secret, mon ame a son mystere,
Un amour eternel en un moment conçu,
Le mal est sans espoir aussi j'ai du me taire,
Et celle qui l'a fait n'en a jamais rien su,
Helas j'aurais passé près d'elle inapercu
Toujours à ses cotés pourtant solitaire,
Et j'aurais jusqu'au bout fait mon temps sur la terre,
N'osant rien demander et n'ayant rien reçu.
Pour elle quoi que Dieu l'est faite douce et tendre,
Elle ira son chemin distraite et sans entendre,
Ce murmure d'amour elevé sur ses pas.
A l'ostere de voir pieusement fidèle,
Elle dira lisant ces vers tout rempli d'ailes
Quelle est donc cette femme et ne comprendra pas.
Un amour eternel en un moment conçu,
Le mal est sans espoir aussi j'ai du me taire,
Et celle qui l'a fait n'en a jamais rien su,
Helas j'aurais passé près d'elle inapercu
Toujours à ses cotés pourtant solitaire,
Et j'aurais jusqu'au bout fait mon temps sur la terre,
N'osant rien demander et n'ayant rien reçu.
Pour elle quoi que Dieu l'est faite douce et tendre,
Elle ira son chemin distraite et sans entendre,
Ce murmure d'amour elevé sur ses pas.
A l'ostere de voir pieusement fidèle,
Elle dira lisant ces vers tout rempli d'ailes
Quelle est donc cette femme et ne comprendra pas.