văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Sunday, October 9, 2011

ÐỖ QUÝ TOÀN * Sau Khi Ðọc Thơ Tình Của Luân Hoán

  1.
Nếu kiếp sau trời cho tôi làm thi sĩ, tôi muốn được làm thơ tình như Luân Hoán. Sáng làm thơ. Trưa làm thơ. Tối trước khi đi ngủ cũng hãy làm thơ đã. Làm thơ khi thức dậy, để lót dạ. Làm thơ khi đứng đợi xe, để qua thì giờ. Nhìn người yêu lên máy bay, muốn làm thơ. Nhìn người yêu lên đò qua sông, phải làm thơ. Thấy người yêu cũ ngồi xích lô bên cầu chữ Y (dầu có vợ đi bên cạnh) cũng liếc mắt ngó theo, rồi làm thơ. Ðến Chùa gặp em làm thơ. Ðụng em khi đi lễ nhà thờ cũng làm thơ nữa...

Saturday, October 8, 2011

Nguyễn Đức Nhơn * Bến Đợi



Sông nước chiều thu gợn sóng buồn
Mây trời bảng lảng, bóng chiều buông
Thuyền em đỗ bến phương nào nhỉ?
Có nhớ quay về thăm cố hương? 
 
Lầu nước buồn hiu đứng đợi em
Lối xưa chiều xuống phố lên đèn
Mơ thấy em về neo bến vắng
Dưới bóng trăng vàng - Trăng mới lên
 
Chiều xuống Mường giang nước lững lờ  
Mấy mùa sương khói dệt thành thơ
Màu hoa phượng đỏ đâu rồi nhỉ?
Chỉ thấy hoa vàng rơi xác xơ
 
Người đi đâu đó người đi mãi
Cốc rượu giang hồ men ngấm say
Có biết bao mùa hoa phượng nở?
Và biết bao mùa hoa trắng bay?
 
Tượng đá buồn hiu đứng đợi ai
Bến xưa ngày ngắn nhớ đêm dài
Người đi - Đi mãi - Người đi mãi
Có biết trên đầu tóc lén phai?
 
Nguyễn Đức Nhơn - Sep-21-2011 
 

PHAN BÁ THỤY DƯƠNG * Bên Hồ Câu Tuyết & Quán Đợi Bên Cầu


bên hồ câu tuyết

ta ngồi đây một mình câu tuyết
tuyết tả tơi bay gió lạnh lùng
hồ ảm đạm buồn bên cành chết
nổi chìm bóng lẻ trước mông lung

quán đợi bên cầu 

nhìn xa khói bếp mờ nhân ảnh
có phải chăng em quán dọc đường
cát bụi nhạt nhòa trên tóc mượt
sao còn đứng đó ngóng tà dương?
 
nắng Hạ đường dài chân ngại bước
ai tiếp ai chào khách viễn phương
giọng hát nào êm -
êm như biển nhớ
em quán bên cầu đón gió sương?
 
Phan Bá Thụy Dương 
 

PHẠM TÍN AN NINH * Những Điều Mơ Ước



Có một dạo, đi đâu tôi cũng nghe thiên hạ hát bài Con Chim Đa Đa,"sao không lấy chồng gần mà đi lấy chồng xa.." rồi đến bài Chị Tôi, "thế là chị ơi rụng bông hoa gạo". Đúng như người ta nói, Thơ và Nhạc có ngôn ngữ riêng của nó. Một người không có nhiều chữ nghĩa như tôi, nhiều khi say mê hát một bài hát mà sau đó suy nghĩ mãi vẫn không hiểu rõ ngọn ngành, ý nghĩa một vài câu. Trong bài Chị Tôi, tôi cũng rất ư là lờ mờ cái sự kiện.. rụng bông hoa gạo..và trời cho làm thơ.. này lắm. Dù vậy tôi vẫn thấy bản nhạc phổ từ một bài thơ chỉ vỏn vẹn mấy câu này, khá hay. Mà ngay đến cái sự hay này tôi cũng mơ hồ, không biết có đúng là tôi biết thưởng thức thơ nhạc không, hay là chỉ vì có sự đồng cảm mà tôi thấy lòng mình xúc động. Bởi vì mỗi lần nghe ai đó hát bản nhạc Chị Tôi, tôi lại da diết nhớ đến bà Cô Út của tôi.

Friday, October 7, 2011

TRẦN VĂN NAM * Nhầm Lẫn Khi Đọc Thơ

Nhầm lẫn khi đọc thơ khác với sáng tạo khi đọc thơ. Tuy vẫn cùng một cách thức là thêm thắt phần mình vào thơ của người khác, nhưng sáng tạo có tính chủ động, còn nhầm lẫn thuộc tính thụ động bị đẩy đi do chính sự lẫn lộn của mình.

VIÊN LINH * Đầu Thai



Sớm nay trả lại ưu phiền
Đời ta đã nhẹ trăm miền hợp tan
Xuân hồng chỉ đỏ ngồi đan
Lưới thưa giăng một trần gian đứng chờ
Đừng khô sợi chỉ đừng khô
Trăm năm sống vội ngựa thồ xe bon
Ngón này chỉ nọ đan luôn
Lưới ơi mau rộng thân buồn sắp rơi.

Sớm nay trả lại ơn đời
Thâu canh bụi phủ thân người lãng du
Giọt mòn gieo mái thiên thu
Chân mưa dạ héo hon bù lúc vui
Sớm nay rộng đất xa trời
Trăm tay tượng đá nghe dời chỗ xưa
Lưới ơi chỉ hỡi đừng thưa
Bên kia dương thế hồn chưa chịu về.

Viên Linh

DZẠ CHI * Phải Chi


 
Tôi về đúng vụ mùa hoa bưởi
nở trắng vườn sau bỡn cợt sương
hành trang tôi vẫn mang theo chuổi
ngọc thuở tình ta tẩm mật hương

Tôi về con nắng chiều chưa nhạt
trên dấu môi son trãi lụa vàng
áo ai lay khẻ như câu hát
ngày xưa em gọi chuyến đò ngang

Heo may vẫn thế,buồn hiu hắt
con dế dầm sương cất tiếng than
tiếng sáo ai…vì ai chất ngất
tiếc chi rẽ gió động mây ngàn

Tôi về giao động mùa thương cũ
em mải mê tô mặt nạ đời
đêm cao cổ hát,lời ca cú
Chàm ơi!!! mòn mỏi tiếng ru Hời

Thơ thoát y rồi em thấy đó
trái tim tôi thất lạc nụ cười
đôi dòng máu ngược về hai ngõ
như dấu môi em,bước chân tôi

Phải chi hoa nở thêm lần nữa
thơ sẽ vì em chạm mặt đời
đâu ngày khất thực đêm lần lữa
hẹn gió đông về giải nhiệt môi.

Dzạ Chi

Thursday, October 6, 2011

ĐẶNG TIẾN * Thi Giới Đinh Hùng


Đinh Hùng sinh ngày 3 tháng 7 năm 1920 tại làng Trung Phụng, ngoại vi thành Hà Nội (chánh quán làng Phượng Dực, tỉnh Hà Đông), Bắc Việt.

Thuở nhỏ, học trường Sinh Từ. Đậu tú tài khi học xong trường Bưởi, Hà Nội.

Tham gia sinh hoạt văn nghệ từ rất sớm, từ trước 1945, nhưng chỉ chính thức sống bằng nghề văn báo ít lâu trước khi di cư vô Nam (1952-54). Tại Sài Gòn, ông viết truyện dài dã sử (ký Hoài Điệp, Thứ Lang), làm thơ trào phúng (ký Thần Đăng), vẽ tranh, soạn kịch thơ và phụ trách mục thi ca Tao Đàn trên các luồng sóng phát thanh. Năm 1962, ông được trao tặng giải thưởng Văn chương Toàn quốc (về Thơ).

VÕ THẠNH VĂN * Bài Thơ Nhập Mộng



Ta dựng lều bên suối
Làm thơ tình liêu trai
Gọi em từ tiền kiếp
Xin dời gót thiên nhai

Đợi em về nhập mộng
Ta kết vần liêu trai
Sương rơi che cửa động
Tưởng lạc dấu tàn phai

Ngai vàng còn bỏ ngỏ
Chờ em về đăng quang
Tượng thần buồn thống khổ
Bụi nhàu ố thời gian

Bên triền chênh vênh đá
Ta đẽo làm thạch am
Dệt khổ thơ khai phá
Nghìn năm sáng trăng rằm

Đợi em về nhập thất
Ta gieo vần liêu trai
Ngoài trời mưa lất phất
Trong hang lời kinh sai

Mượn mây chiều thuở nọ
Trộn ráng chiều lụa thưa
Thắp nến hồng cháy đỏ
Thỉnh em ghé truyền thừa

Ta đọc kinh nhật tụng
Trì niệm lời yêu ma
Sơn đầu băng tuyết rụng
Trang thơ rớt bão nhòa

phù hư dật sĩ
VÕ THẠNH VĂN

Thursday, September 15, 2011

◘ PHAN BÁ THỤY DƯƠNG * Wilbert Rideau : KẺ TỬ TỘI THẤT HỌC TRỞ THÀNH MỘT CÂY BÚT LỪNG DANH

Tương lai mỗi tội nhân là một vị thánh.
Quá khứ mỗi vị thánh là một tội nhân.”  
Saint Augustine

Không phải kẻ nào mang án tử hình cũng hoàn toàn tuyệt vọng, mất đi niềm tin về sự sống còn của mình. Thảm trạng cùng nhục cảnh tù đày nhiều lúc lại là môi trường, cơ hội tốt để con người có thể phát huy, ghi lại những suy tư, những khổ ải, gian truân mà họ đã kinh qua, chiêm nghiệm… Tác phẩm của những kẻ khổ nạn này thường được người đọc ưu ái đón nhận và nhiều khi được xem, liệt vào hàng kiệt tác trong các lãnh vực báo chí, văn học, chính trị…