văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, June 22, 2012

Trần Văn Sơn * Cõi Riêng Trần Kiêu Bạt [1945-2005]

tranh Nguyễn Trung


Trước năm 1975 tôi chưa hề gặp Trần Kiêu Bạt, chỉ biết tên nhau qua thơ văn đăng rải rác trên các tạp chí văn nghệ tại Sàigòn. Bạn quân cảnh Cần Thơ, tôi lính trận đóng quân ở tiền đồn heo hút quận Tánh Linh, Bình Tuy, giáp ranh tỉnh Lâm Đồng. Năm 1972, nhà xuất bản Khai Phá của nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm ấn hành tập thơ Vườn Dĩ Vãng của tôi, có giới thiệu in thơ của Trần Kiêu Bạt. Chờ mãi không thấy, có lẽ bạn tôi đang bận coi tù ở Côn Đảo, cách xa đất liền nên không tiện liên lạc để xúc tiến công việc như dự định.

Cuối tháng 10 năm 1993 gia đình tôi qua Mỹ theo diện H.O. Hà Thúc Sinh đưa TKB đến thăm tôi. Đó lần đầu tiên tôi và Bạt gặp mặt nhau. Nhà hai bạn gần này nhau, cách một con đường ở thành phố Alhambra, nhà tôi thì ở El Monte thuộc quận Los Angeles cách nhau 15 phút lái xe. Từ đó cứ mỗi cuối tuần, nửa tháng hoặc có tiệc vui 3 gia đình bọn tôi họp mặt, bạn bè con cái vui vẻ càng ngày càng thắt chặt thêm tình thân. Khề khà bên ly rượu 3 đứa tôi bàn chuyện thế sự, nhắc chuyện quê nhà, chuyện bạn bè người mất người còn, kẻ lưu lạc xứ người. Những lúc như vậy Phạm Nhã Dự, Trần Phù Thế ở các tiểu bang khác xa tận miền Đông Hoa Kỳ cũng thường gọi điện thoại góp chuyện.

Trần Kiêu Bạt ngâm thơ rất hay, giọng sang sảng cuốn hút người nghe. Khi ngà ngà say yêu cầu mãi anh mới ngâm vài bài thơ đắc ý của bạn. Hành Phương Nam, một tuyệt tác của nhà thơ Nguyễn Bính được bạn ngâm nhiều nhất:

...Đôi ta lưu lạc phương Nam này
Trải mấy mùa qua én nhạn bay
Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
Mà ta với người buồn vậy thay

Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu
Mà không uống cạn mà không say
Lời thề buổi ấy cầu Tư mã
Mà áo khinh cừu không ai may...

“Mà ta với người buồn vậy thay”. Bạn vừa ngâm vừa nghẹn ngào rơi nước mắt, ngâm xong uống cạn ly bia, ôm đầu gục mặt khóc. Nỗi lòng của bạn, của tôi, của những người tị nạn sống trên đất tạm dung này đều như nhau. Nỗi buồn mất nước. Niềm đau của cả một dân tộc. “Vui là vui gượng kẻo mà”. Vui chỉ thoáng qua còn buồn thì vạn cổ. “Lời thề buổi ấy cầu Tư mã” Biết đâu...sẽ có một ngày...

TKB tính bộc trực, hào sảng, phóng khoáng, dám sống chết với bạn bè. Hà Thúc Sinh thì bệnh hoạn triền miên vì hậu quả của những trận đòn thù trong các trại tù cộng sản. hai khớp xương háng mục rệu được tháp lại bằng hai thanh inox. Anh em văn nghệ tặng anh biệt hiệu là “trung tâm y tế toàn khoa”. Mỗi lần trái gió trở trời, bệnh nặng hay nhẹ, HTS ới lên một tiếng là TKB đến cạo gió, đấm lưng, bóp tay chân... Vợ tôi vốn ốm yếu, nhỏ con, cân nặng chưa đầy 80 pound, qua Mỹ mấy ngày đã lao vào may vá, làm mỗi ngày trên 14 giờ, có khi còn thức trắng đêm. Một vài lần bị xỉu ngay trên bàn máy may. Nhà không có ai, các con đi học, tôi lo sợ cuống cuồng gần như tuyệt vọng, chính TKB đã chạy đến chở vợ tôi đi nhà thương cấp cứu.

Không những chỉ với gia đình tôi, gia đình HTS mà với tất cả mọi người, quen thân hay sơ, nếu cần bạn tôi có mặt ngay, giúp đở tận tình, kể cả tiền bạc. Bạn thường tâm sự với tôi: “mình qua Mỹ trắng tay, nay thêm một lần trắng tay nữa thì có sao đâu”. Con người của TKB là như thế. Tấm lòng nhân hậu của bạn tôi thể hiện qua sự chí thành, chí tình với tha nhân. Cung cách sống ấy khó có ai bì được. HTS thường giục chúng tôi in thơ. TKB ậm ừ cho qua chuyện. Làm sao in thơ được hở bạn hiền? Tôi tù cộng sản 9 năm, ra tù trốn trình diện, sống chui rúc bửa đói bửa no, tìm đường vượt biên. Thân tàn sức kiệt, lo chuyện cơm áo chưa xong thì đầu óc đâu nghĩ đến văn chương chữ nghĩa.. Tôi có làm một số bài thơ, học thuộc và dấu trong đầu. Thơ Tù. Thơ Đời. Thơ cho vợ con, bè bạn. Thơ cho tôi nhìn lại tôi, nghiền ngẫm về người, về đời, về một thời khốn nhục đã qua:

Đã lâu rồi ba không làm thơ nữa
bởi vì ba không nhìn thấy ba đâu
là chiếc bóng bên trời hiu quạnh
ba dật dờ như xác lá nổi trôi

Trong cuộc sống ba không là gì cả
trong gia đình ba là kẻ mộng du
nhìn bốn phía thấy mặt trời mọc khắp
nhưng mặt trời đâu phải của riêng ba

Con đừng hỏi tại sao ba im lặng
có điều gì đáng để nói đâu con
ba đã uống đắng cay trong men rượu
giết đời ba và giết cả đời con

Tình thân, sự gắn bó giữa 3 gia đình tưởng không thể rời xa. Vậy mà sau đó HTS bỏ Cali qua Charlotte với Vũ Uyên Giang, TKB sang Arizona. Mỗi lần ra đi đều có tiệc tiển đưa. Tửu lượng TKB vào hạng cừ khôi, bạn chấp tôi một bạn hai chai bia, HTS thì nhấp nháp cầm chừng. Tivi mới mua. Tủ lạnh mới mua. Sopha mới mua...hai bạn năn nỉ giao cho tôi giữ dùm gọi là để nhớ nhau. Làm sao tôi có thể nhận được? Gần 40 năm thân nhau như anh em ruột thịt, vừa là bạn văn nghệ vừa là tình chiến hữu, tôi nghèo, bạn nghèo, song chúng ta bao giờ cũng bảo vệ cho đến hơi thở cuối cùng danh dự của người lính, khí tiết của kẻ sĩ; dù bị hành hạ, tra tấn trong ngục tù CS hoặc bị nhận chìm dưới đáy địa ngục CS.

Xa nhau chúng tôi vẫn thường xuyên nhận được tin nhau. Một hôm, vào khoảng 4 giờ sáng điện thoại reo vang, bên kia đầu giây Phạm Nhã Dự báo tin động trời:”Trần Kiêu Bạt chết rồi mày biết không, mày có biết không?”. Tôi không tin ở tai mình, hỏi gặng: ”mày nói gì, nói lớn lên, TKB làm sao, làm sao?”. Đúng rồi, bạn tôi, nhà thơ tốt bụng ấy đã chết năm 2005 trong một tai nạn xe cộ vào lúc nửa đêm. Tôi chết điếng người, tự nhiên mệt muốn tắt thở.

HTS lúc đó bệnh nặng, tôi xe cộ không có, lại quá gấp rút nên không có mặt tiễn bạn đến nơi an nghỉ cuối cùng, đành phải gởi vòng hoa phúng điếu.

Năm sau, vợ chồng tôi đi Arizona mang chút quà mừng 2 cháu Đường Thi, Đường Vân ra trường, thắp nén hương, đọc bài thơ tôi khóc TKB:

Khóc Trần Kiêu Bạt

Tin dữ đến bất ngờ - lòng ta đau như cắt -
ba năm không gặp mặt - khoảnh khắc bạn xa đời
ba năm không gặp mặt - giờ đã thành thiên thu -
Xưa đóng quân Võ Đắt - bạn quân cảnh Cần Thơ
lính tiền đồn đánh giặc - biết nhau qua văn thơ -
trai giữa thời loạn lạc - sống chết có ai ngờ -

Quê người bạn phất phơ - mười năm còn ngơ ngác -
việc đến cứ bảo chờ - lần khân đầu đã bạc -
cánh buồm xưa rách nát - không ủ gió tương lai* -
Khóc bạn giọt lệ khô - nghẹn ngào câu tử biệt
con dại, vợ bơ vơ - giữa ta bà sinh diệt -
Có. Không. Bạn trở về - cõi riêng Trần Kiêu Bạt.

TVS – El Monte, CA. 2005
* thơ Trần Kiêu Bạt.

 và đặt bài thơ trên bàn thờ bạn cùng bài thơ của Trần Phù Thế.

Hơn 3 năm nay, kể từ ngày bạn xa người đời, hình ảnh bạn vẫn còn ẩn hiện trong tâm trí tôi và sẽ còn mãi mãi... Tấm lòng nhân hậu của bạn. Cách thế sống của bạn. Tôi không tin là bạn đã vĩnh viễn ra đi mà bạn đang rong chơi một nơi nào đó an nhiên và thơ mộng hơn: Cõi Riêng Trần Kiêu Bạt.

Trần Văn Sơn

  



THƠ TRẦN KIÊU BẠT (trích)

Đêm ở Gia định thành đêm cận Tết Ất Mão
trên Nghinh Phong Các của Hà Thúc Sinh: 2/75

gác vắng đêm nay trời trở lạnh
chiếu chăn không ấm được lòng trai
đàn ai trong gió nghe buồn quá
nghe tựa hồ như tiếng thở dài

bạn hiền muốn gọi không đành gọi
độc ẩm như người chiến quốc xưa
cờ đời dang dở đau nghìn kiếp
mộng lớn tan rồi chuyện gió mưa

người xưa sống giữa thời dâu bể
chí lớn hai tay muốn vá trời
hỡi ơi, ta cũng đời dâu bể
sao lòng những tưởng chuyện rong chơi

tự do hề – ngày nay có khác
người xưa đất rộng dưới chân đi
ta nay hề đi không hết bước
quẩn quanh quanh quẩn một góc hè

người xưa hề, giận đi làm loạn
kiếm chém cho tan cái bất bằng (*)
ta nay hề, giận ngồi bó gối
ngó ngày ngó tháng ngó năm tan

cất giọng ngâm tràn câu khí khái
mềm môi không dứt, ý hoang mang
nghìn khuya rồi chỉ mình ta thức
đối ảnh đêm trường một bóng trăng
(* )ý  thơ cổ


Những hồn tan nát kia ơi
hãy nhớ rằng ta vẫn sống   

có phải đêm nay đông đủ cả
bạn ta những kẻ biết làm thơ
sống thời cô quạnh như đêm tối
mỗi ngày lụn chết một cơn mơ

có phải đêm nay không hẹn trước
vô tình sương gió dạt về đây
những cánh bướm xưa giờ đã rách
không còn giữ được gió tương lai

có phải lở rồi bao mong ước
bạn ta hồn lạnh bấy lâu nay
bạn ta tan nát vì chinh chiến
sống chết cầm như chuyện rũi may

có phải thương thân mà muốn khóc
hỡi ơi đầu bạc tuổi ba mươi
ngày bụi điểm mồ hôi chí  lớn
đêm nghe máu nhỏ lịm đời vui

thì hãy cùng nhau mà uống rượu
tưởng người thất chí mùa thu xưa
dù sao hãy nhớ ta còn sống
sá gì dâu bể nắng cùng mưa

giang hồ như lá trong giòng lũ
thì hãy vui lên buổi gặp này
nhớ chăng hảo hán ngàn năm trước
tung chén cười run hơi rượu cay

sương xuống ngoài kia dù có lạnh
bạn ta hãy uống tàn canh thôi
tữu phá thành sầu ai đó nhỉ
hẳn giết bao nhiêu nỗi ngậm ngùi

2/75

Phải người là mộng tình tôi

gặp người trong buổi tà dương
áo bay loáng thoáng mùi hương đã gần
giọng tôi thưa rất ngập ngừng
hỏi rằng có phải mùa xuân đang về
gặp người như thể cơn mê
xuống tôi hồn quạnh bốn bề tịch liêu
lẫn trong sắc chút yêu kiều
ngoài khoe dáng nữ trong chiều thanh tân
gặp người chẳng ngại làm thân
nhìn trong đôi mắt ngỡ gần từ lâu
hồn tôi lâu lắm còn sầu
có thương xin gởi chút màu nhớ nhau.

Tàn cuộc

Chưa tới ba mươi mà đã chín
cả hồn lẫn xác tự hôm nao
khuya nay chút gió về run lá
lá rụng âm thầm một kiếp đau

15/1/75

Người đi là chết cả hồn tôi

gởi theo chút gió làm thương nhớ
người về đầu bãi cuối sông kia
vai nghiêng cho rớt vành trăng lạnh
là chết hồn tôi buổi cách chia

buồn cứ gượng vui mà muốn khóc
mỗi người nay đã mỗi đời riêng
còn đây, yêu dấu bao nhiêu đó
cũng đủ đời tôi đến lặng chìm

ra đi cầm chắc là tan hết
tháng ngày chất chứa tháng ngày đau
quanh đây hương phấn xưa nhiều lắm
mà thấy dường như đã nhạt màu

không đành như thể là vô vọng
lòng người đâu biết được buồn vui
tình yêu sót lại đời tôi đó
dẫu đến tàn hơi cũng ngậm ngùi

dẫu cho mai mốt hay hơn nữa
thuyền về xin đậu bến đò quen
hồn tôi áo trắng kia còn mới
là để chờ mang kích thước em.

ngày giã từ Cần Thơ

hôm đi, không gặp được người
ở nơi đưa tiễn mình tôi rất buồn
khi người về tới bến sông
thuyền tôi đã lướt trên giòng viễn du
hồn khuya phơi ướt sương mù
chờ người đau lắm kể từ hoàng hôn
thôi người ở lại sớm hôm
đường xưa ngọn cỏ như là dáng tôi.

Trần Kiêu Bạt

Thursday, June 21, 2012

KINH DƯƠNG VƯƠNG * Chị Yến


tranh Hồ Thành Đức

                                                                              Kính tặng Thầy Hà Cẩm Tâm

Thời Pháp thuộc Liên Bang Đông Dương, cha tôi là công chức ngân khố làm việc ở Nam Vang, thủ đô Cao Miên. Tuy làm việc cho Pháp, ông có cảm tình với Việt Minh. Mỗi sáng trước khi đi làm, ông và anh cả tôi vào buồng, đóng kín cửa hát quốc ca, chào cờ đỏ sao vàng. Bị mật thám Pháp theo dõi, biết trước tình thế, nhân lúc có các vụ cáp duồn của người Cao Miên, ông cho mẹ và hai anh em tôi - em gái và tôi - về tá túc nhà ông bà ngoại ở làng Tịnh Thới, huyện Cao Lãnh tỉnh Sa Dec - nay là Đồng Tháp.

Ông bị Pháp bắt. Nhờ hiệp định Sơ Bộ 6/3, ký giữa Việt Minh và Pháp, có điều khoản trao trả tù chính trị, ông được thả, nhưng phải trở về nguyên quán tỉnh Phú Thọ, Tonkin, (Bắc Việt Nam). Trên chuyến tàu lửa Xuyên Việt từ Nam Vang về Tonkin, khi tàu ghé ga Sài gòn, Cochinchine (Nam Việt Nam) ông trốn ở lại, rồi tìm đường về Cao Lãnh với mẹ con tôi. Cao Lãnh lúc ấy còn là vùng thuộc Pháp, Việt Minh gọi là vùng tạm chiếm.

Cha tôi là người Bắc. Lúc ấy, để chia rẽ Bắc-Trung-Nam, Pháp vận động phong trào “bài Bắc”, người Nam nghe ai nói giọng Bắc họ đánh, nên ông không dám hé môi. Muốn mua thức ăn nước uống, ông chỉ ra dấu, như người câm. Ông tìm được đường về với vợ con.

Vẫn giữ tinh thần chống Pháp, ông đưa gia đình vào sống trong vùng tự do - vùng kháng chiến - lúc ấy là Đồng Tháp Mười, thuộc Khu 9 – Long Châu Sa, tức Vĩnh Long, Châu Đốc, SaDec. Gia tài của một gia đình hai vợ chồng ba đứa con chỉ chất đầy một chiếc xuồng. Quan trọng nhất là gạo và mấy lít muối hột. Vào Đồng Tháp Mười, gia đình tôi ghé lại xã Ba Sao. Nhờ một người hảo tâm giúp đỡ, cha tôi cất một vuông nhà bên bờ kinh xán, nửa trên bờ nửa dưới nước, cột kèo bằng tre, lợp đưng - một loại cỏ lác phơi khô – làm nơi trú ngụ và mở quán bán thức ăn sinh sống. Quán có tên là “Đoàn Kết”, cha tôi có hỗn danh là ông Đoàn Kết. Quán rất nổi tiếng. Cán bộ Khu 9 đi công tác qua Ba Sao đường sông, đường bộ đều ghé quán ăn uống, nghỉ ngơi. Những cán bộ là trí thức thành thị thích gặp và nói chuyện với cha tôi - ông phán chống Tây - trong tinh thần đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Chính trên một nền nhà này, cha tôi bốn lần cất lại nhà vì bị quân đội Pháp và lính Việt commando đi ruồng đốt và bom đánh sập. Khi căn nhà cuối cùng bị máy bay bắn cháy, cha tôi không đủ can đảm cất lần thứ năm nữa, ông mua một chiếc ghe có mui sống đời trôi nổi trên kinh rạch. Ba Sao, Mỹ Quí, Mỹ An, Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều … Ông sống với bác Bằng - một ông già, trước là người phụ bán quán ăn - quyết tâm theo kháng chiến đến cùng. Gần đến ngày Tổng phản công, máy bay Pháp bắn phá dữ dội. Mẹ tôi, sau nhiều lần cãi vã và bị cha tôi mắng “liếm gót giày thực dân ăn bơ thừa sữa cặn”, bà không chịu nổi cảnh máy bay bắn sớm bắn chiều, rồi đến cả đêm - hồi ấy gọi là “giờ độc lập” - bà đưa chúng tôi ra vùng tạm chiếm ở Cao Lãnh. Lại cũng một chiếc xuồng nhỏ, chờ đêm đến, kín đáo lặng lẽ ra đi trên sông… Chúng tôi bị du kích chặn lại, đòi bắn thả trôi sông. Mẹ tôi năn nỉ, họ để cho đi, nhưng giữ lại gạo và ít thức ăn, một con gà mái đẻ, bảo không được đem tiếp tế cho giặc.

Ba Sao là một xã nhỏ, đường giao thông chủ yếu là con kinh xán đào thông ra sông Tiền Giang - có lẽ là để rửa phèn. Trên bộ là con đường mòn đi theo bờ kinh rộng vài thước, hai bên lề cỏ mọc, mưa xuống đất nhão thành bùn. Ngôi chợ có nhà lồng lợp ngói xi măng, nhưng cuối cùng, sau nhiều lần bị máy bay đánh phá, chỉ còn trơ lại mấy cây cột cháy đen. Mé kinh có cây cầu gỗ bắt xa ra khỏi bờ làm bến cho tàu nhỏ, ghe thuyền đậu. Nước kinh nhiều phèn trong leo lẽo, áo quần giặt lâu ngày đóng vàng. Cá chốt dày đặc. Bỏ xuống một chút đồ ăn chúng bu lại trồi lên khỏi mặt nước. Cá chốt có ba sọc đen, nhỏ con gọi là cá chốt chuột, không ai ăn, chỉ để làm phân trồng cây thuốc lá. Vào mùa cá dại, khi độ phèn cao, cá không sống nổi, chết nổi lềnh bềnh đủ thứ cá. Cá rô, cá trê, cá lóc, cá trèn, cá chạch lấu... tha hồ vớt, ăn không xuể, mẹ tôi tiếc đem làm khô. Đêm trong, cả bầu trời trăng sao in trong lòng kinh. Tôi còn thuộc bài hát “Con kinh xanh xanh những chiều êm ả nước trôi...” Tôi hay ra đứng bên bờ kinh ngắm bầu trời trong nước. Mỗi khi có ghe thương hồ đi qua với giọng hò lơ đối đáp... Bầu trời tan ra, nước rẽ sau ghe để lại một vệt sáng dài.

Xã Ba Sao có một người đàn bà điên người Bắc. Bà xé hết áo quần, trần truồng đi từ đầu trên xuống xóm dưới với dáng đi rất lạ, bước dài, hai tay vung vẩy. Với mái tóc húi cua, răng nhuộm đen, bà nói lảm nhảm, khi cười, khi khóc, la hét suốt ngày. Bà là người đàn bà đầu tiên tôi thấy trong tư thế khoả thân. Đối với tôi, cậu bé tám tuổi, là một sự kiện gây nhiều ấn tượng. Tôi tò mò quan sát cặp vú xệ, núm đen, bộ phận sinh dục lông lơ thơ của bà, hoàn toàn không xúc động, nếu không muốn nói là có một cảm giác rờn rợn.

Chồng bà là một cán bộ thông tin xã. Tôi không biết tên ông, chỉ nghe gọi là “ông cán bộ”. Ông khoảng năm mươi tuổi, tóc hoa râm hớt cao, răng nhuộm đen. Trước đây là phu đồn điền cao su Pháp. Ông mặc áo bà ba vải trắng hiệu “Xe lửa” đã nhuộm bùn non. Lúc nào đến quán cha tôi ông cũng đội chiếc mũ lưỡi trai bộ đội, mang sắc cốt màu vàng ka ki đã cũ. Một hôm ông đến đúng lúc cha tôi đang xẻ bưởi. Trái bưởi to bằng đầu tôi, ông Bảy hàng xóm vừa mới cho. Trong khi cha tôi tách múi bưởi, ông hỏi xin chiếc vỏ. Cha tôi hỏi để làm gì, ông nói ông ăn. Cha tôi hơi ngac nhiên, nhưng đồng ý. Ông bẻ vỏ bưởi, cắn từng miếng, nhai nuốt ngon lành, khen “ngon đáo để”. Ông kể rằng tuổi thơ nhà nghèo, ông không được ăn bưởi. Ông thèm. Khi có ai xẻ bưởi ông xin vỏ để ăn. Lâu dần, vỏ bưởi trở thành một món ăn ngon đối với ông. Tôi nhìn ông ăn bằng cặp mắt hiếu kỳ, có hơi thương hại. Ông vừa nhai, nhìn lại tôi cười hồn nhiên. Loáng cái ông đã ăn sạch chiếc vỏ bưởi to. Cha tôi kín đáo nhìn ông, cố lấy vẻ thản nhiên dấu nỗi cảm động. Cha tôi mời ông ăn bưởi, ông vui vẻ ăn, khen “ngon quá, cực ngon”. Tôi để ý thấy ông không nhai, chỉ cho bưởi vào miệng, hình như trong cổ họng có một súc hút, bưởi trôi tuột vào ngay. “Ngon quá” thì tôi có nghe, nhưng “cực ngon” thì mới nghe lần đầu. Cha tôi và tôi cũng ăn, nhưng tôi thấy cha tôi chỉ ăn lấy lệ, cố tình nhường cho ông. Còn tôi nhìn ông ăn cũng cảm thấy ngon rồi. Ông bỏ hột bưởi xuống bàn nói “làm mồi câu cá tốt lắm đây”. Tôi học ông thêm một chuyện. Ông đã ăn hết luôn trái bưởi. Ông xin một tách trà. Ông uống nhanh, đứng lên vỗ bụng nói “no quá, lâu lắm mới được chén một bữa”. Ông cám ơn rồi ra về. Tôi nhìn theo ông, dáng ông đi chậm chạp, nặng nề. Lúc ấy tôi mới nhớ ra, ông đã ăn tiêu tan một trò chơi của tôi. Tôi hay lấy vỏ bưởi bóp với vôi, vắt lấy nước để đông lại như thạch, chơi trò mua bán.

Ông có một cô con gái khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, tôi gọi là chị Yến. Chị ở một mình làm ruộng trong đồng xa, thỉnh thoảng mới bơi xuồng ra xã bán vài con vịt chị nuôi, lấy tiền đi chợ. Mỗi lần như thế, chị ghé quán cho tôi vài mẫu kẹo đậu phọng làm bằng đường đen. Chị rất thương tôi, tôi cũng thương chị. Chị Yến rất đẹp. Thân hình nẩy nở cân đối. Mặt trái xoan trắng hồng, môi đỏ thắm với hàm răng trắng đều, khi chị cười mắt sáng lấp lánh, cả khuôn mặt chị sáng lên rạng rỡ. Tóc chị hơi hoe vàng - chắc vì dang nắng nhiều - Cha tôi có lần nói đùa xin bố chị cho chị về làm con dâu. Anh cả tôi lớn hơn chị vài tuổi, cùng tên với chị. Chị cười thẹn, đỏ mặt bỏ chạy. Tôi bỗng nhiên cảm thấy buồn buồn.

Chị Yến ở một mình trong căn chòi mà chung quanh chị phải cách xa hàng chục cây số mới có làng xóm. Nhiều ngày, tháng, chị không có ai để nói tiếng người, ngoài vài lời với mấy con vịt chị nuôi. Căn chòi của chị Yến tôi chưa lần nào đến, nhưng tôi hình dung ra được, vì có lần tôi ở với ông ngoại cũng làm ruộng trong đồng xa như chị. Căn chòi được dựng trên một mô đất - thường là gò mối - cao hơn mặt nước chừng bốn năm tấc, bằng mấy thanh tre, lợp đứng. Nhìn xa, căn chòi như nổi trên mặt nước. Trong chòi kê một chiếc giường tre ọp ẹp. Bếp là ba ông táo bằng đất, dụng cụ nấu ăn là vài chiếc nồi đất nung để nấu cơm, kho cá, nấu canh. Phương tiện đi lại duy nhất là một chiếc xuồng nhỏ. Nước cạn chống bằng sào, nước sâu bơi bằng dầm. Đồng Tháp Mười rộng mênh mông, mùa nước trông như biển. Đứng từ trong chòi hay trên xuồng, nhìn ra chung quanh, thấy chân trời vây như một chiếc chén úp. Con người sống heo hút, biệt lập chìm lỉm trong bao la đất trời. Chị Yến sống như thế từ năm này qua năm khác, làm ruộng nuôi gia đình.

Chị Yến còn một đứa em trai, bằng tuổi tôi. Tôi không biết nó tên gì, chỉ nghe mọi người gọi nó là “thằng Cu”. Có lẽ thằng Cu là người bạn đầu tiên của tôi ở Ba Sao. Đầu nó cũng húi cua như mẹ nó - bà điên. Quanh năm suốt tháng nó chỉ mặc một cái áo hở rốn, không thể gọi màu gì, vá miếng này chồng lên miếng khác. Chưa bao giờ tôi thấy nó mặc quần. Tôi hay chơi với nó và thương nó với một chút lòng thương hại. Tôi không biết nhà nó ở đâu, cũng không đi tìm, chỉ gặp khi nó đến nhà tôi hoặc lang thang ngoài đường. Nó là một đứa trẻ cô độc và cả cô đơn nhất thế giới, đối với tôi. Mẹ điên, chị làm ruộng xa, cha cán bộ đi công tác liên miên. Tôi không biết nó lấy gì ăn mà vẫn sống được. Thỉnh thoảng tôi chia với nó miếng kẹo, khúc mía, trái ổi. Khi nó đến mà tôi bận phụ cha tiếp khách, tôi thấy nó ngồi bẹp xuống đất mân mê cu nó, như một trò giải trí buồn tẻ. Một hôm nó rủ tôi ra bờ kinh chơi trò ném thia lia. Sau khi ném mỏi tay, nó bày tôi chơi trò đá cu. Nó đứng hơi ưỡn người, lộn cu nó ra một cách thành thạo - tôi nghĩ nó đã làm nhiều lần - tôi thấy đầu cu nó đỏ hồng, bóng loáng. Nó bảo tôi làm. Tôi cố gắng, nhưng đau quá không chịu nổi. Tôi chưa làm như vậy bao giờ. Cuối cùng nó nói “thôi cũng được” và bước đến gần tôi. Nó quẹt cu nó vào cu tôi. Cu nó cứng, cu tôi mềm. Tôi cảm thấy nhột nhột. Lần đầu tiên một cảm giác lạ rân rân thể xác tôi tiếp nhận.

Một buổi sáng sớm nước kinh lớn, sóng đánh dập dồn. Tôi chuẩn bị chống cửa quán lên đón khách, tôi nghe nhốn nháo tiếng những người đi chợ cột ghe xuồng vào cầu gỗ la lên “thằng chõng, thằng chõng, bà con ơi!” Người ta đổ đến xem. Tôi len lỏi ra tận đầu cầu để nhìn cho rõ. Thằng chõng là xác chết sình căng tròn của một cô gái. Cô còn mặc một chiếc áo bà ba màu đen, nhưng không có quần. Nước lớn, cái xác sình trôi từ trong đồng ra kinh để tìm đường ra sông cái. Thằng chõng kẹt vào giữa hai cột cầu, sóng đánh dập dềnh lên xuống. Người ta lật ngửa thằng chõng lại, nhiều tiếng người la lên cùng lúc: “Con Yến! con Yến!”. “Trời ơi! Con ông cán bộ”. Tôi nhìn kỹ lại thằng chõng, thấy lộ dần ra dáng dấp chị Yến. Tôi ôm mặt khóc rưng rức, bỏ chạy về nhà. Tôi đi tìm thằng Cu, kéo nó ra coi thằng chõng là chị nó, nhưng nó không chịu đi. Nó chỉ đứng xa xa nhìn, mặt nó trơ ra không cảm xúc, nhưng nét mặt nó có một vẻ gì khác lạ, như sự cố gắng chịu đựng. Tôi bỗng thấy nó lớn lên, mặc dù nó vẫn ở truồng. Rồi nó ngoe ngoảy bỏ đi một cách dứt khoát. Tôi muốn chạy theo, nhưng chân tôi không nhúc nhích. Tôi đứng tại chỗ nhìn cái đít tóp không có thịt của nó xa dần.

Giữa lúc người ta đang xôn xao bàn tính vớt thằng chõng lên, bỗng nghe một tiếng hét khản đặc trộn với tiếng khóc vang lên. Từ xa, bà điên trần truồng từ trên bờ lao xuống chiếc cầu gỗ. Người ta dạt ra nhường chỗ cho bà. Cảnh tượng một người đàn bà đầu trọc, trần truồng đứng nhìn chăm chăm vào thằng chõng với đôi mắt khô thất thần, miệng móm, lơ thơ mấy chiếc răng, môi run run phát ra những tiếng ư ử lạ tai, không biết đó có phải là tiếng khóc của một người mẹ điên khóc con hay không? Rồi bất ngờ, bà nhảy xuống nước, ôm chặt thằng chõng, khó khăn lắm người ta mới gỡ được bà ra.

Cha tôi, ông cán bộ và bà con vớt xác chị Yến lên, bó chiếu đem chôn trong gò mả xã Ba Sao.

Khi mọi người đã ra về rồi thằng Cu rủ tôi thăm mả chị nó. Khi đến nơi, chúng tôi thấy bà điên đang ôm nấm mộ mới đất còn ướt, mình mẩy lấm lem. Nó đứng chết trân nhìn cảnh tượng người đàn bà điên là mẹ nó với hai con mắt ráo hoảnh, trong khi người đàn bà điên vật vã, đầu gục gặc, tay vỗ lên nấm mồ đất ướt đồm độp. Hu hu! Hu hu! Bà đã khóc được thành tiếng. “Hu hu”, đã rõ là tiếng khóc của một con người! Bỗng thằng Cu quay lại ôm chặt tôi, úp mặt vào vai tôi khóc rấm rức. Tiếng khóc của nó rất lạ, như một đoạn nhạc có âm điệu đứt quãng, lập đi lập lại. Những tiếng hừ hứ… hừ hứ không thoát ra khỏi cổ họng nó làm cho ruột gan tôi cuộn lên. Bất ngờ, nó xô tôi ra, quay lại, hai tay chắp sau chiếc mông tóp, thong thả bước đi. Tôi nhìn theo nó, thấy nó lớn hẳn lên, không còn là “Thằng Cu” nữa. Bà điên khóc một hồi, bỏ đi. Còn tôi, đứng nhìn nấm mộ, nghĩ rằng từ nay tôi không bao giờ còn thấy chị Yến nữa, chị không về vuốt tóc tôi, cho tôi kẹo nữa. Người ta đã hãm hiếp chị, giết chị, thả xác chị xuống nước. Nghĩ đến cảnh ấy, bụng tôi đau thắt lại.

“Chi Yến.. ơ... ơi! Chị Yến ơ...ơ...ơ...” Tôi gào lên. Tôi muốn gào lên cho trời nghe, đất nghe. Giọng tôi âm vang trong khu gò mả đã đầy bóng tối. Tôi gào lên, nước mắt chảy ràn rụa. “Chị Yến ơ...ơ...ơ... ”


Kinh Dương Vương

Phan Tấn Hải * Thiếu Nữ Trong Ngôi Nhà Bệnh


<>


 

Phải nhiều tháng sau, tôi mới biết cô nàng bị bệnh ung thư. Gần như là không ý thức, tôi từng nhìn những dãy chai thuốc đủ nhãn hiệu, thuốc viên, thuốc nước, thuốc bột trong ngăn tủ phòng nàng và hoàn toàn không thắc mắc hay có ý niệm gì về sự có mặt của chúng. Cũng thường thôi, có nhiều người vẫn thích để đủ thứ thuốc men thu thập nhiều năm ở một góc tủ như thói quen ở Việt Nam mà không bận tâm gì đến ngày tháng có thể hư hao chi cả, và nếu là trụ sinh thì càng dễ tính, cứ gom lại thật nhiều rồi sẽ gởi về nước cho thân nhân. Lại nữa, các loại thuốc mua từ toa bác sĩ thì chẳng ghi chú gì, chỉ có mấy dòng ghi tên thuốc và ngày uống mấy viên thôi, chẳng ai biết nổi là thuốc hay kẹo.
Nhưng càng lúc nàng càng xanh xao, nét mặt tái nhợt đi, buổi sáng, buổi chiều, buổi tối. Nói rõ các buổi như vậy vì thời gian đầu hai đứa gặp nhau, sắc mặt nàng thay đổi theo thời gian trong ngày. Buổi sáng tươi tỉnh, hồng hào, nàng rực rỡ, rạng ngời. Buổi chiều nàng ủ dột, buồn ra mặt. Và buổi tối nàng thường than mệt và đòi về nhà. Ðôi khi tôi chỉ hỏi, tại sao vậy, và rồi thôi. Không bao giờ tôi nghĩ cần phải vặn hỏi ai điều gì. Ðiều gì người ta không nói, thì mình không cần phải thắc mắc. Chơi với nhau là phải tin nhau, tin cả lời nói và phải tin cả sự im lặng, tất cả đều có những ý nghĩa gì đó. Vả lại nếu xét về vai vế thì tôi lớn hơn nàng nhiều chứ, cả về tuổi nữa, và người lớn thì phải có phong cách người lớn, nghĩa là biết tôn trọng cả những điều người thấp vai không nói. Tôi chỉ nói đùa là tôi không cần mua đồng hồ, vì chỉ cần nhìn mặt nàng đã có thể đoán được mấy giờ rồi. Thí dụ đôi mắt rực sáng như vậy, gò má hồng như vậy, nàng xông xáo như vậy, nhất định phải là trong khoảng bảy hay tám giờ sáng. Hay là khi đôi mắt bắt đầu trở nên xa vắng như đang hướng về một chân trời nào đó thì trời hẳn đã về chiều. "Tùy theo mức độ xa vắng của mắt em, anh sẽ gọi được giờ, thí dụ như bây giờ phải ước chừng là sáu giờ chiều," tôi đã nhiều lần nói với nàng như vậy khi ngồi ở quán Baron. Và khi nàng đứng lên đòi về, tôi gấp giấy tờ sách vở lại, thì mặt nàng hẳn đã nhạt ra, có khi những ngón tay còn run run nữa. Bấy giờ tôi lại đoán được là chín hoặc chín giờ rưỡi khuya.
Tôi nhớ, lần đầu tiên gặp lại nàng là ở trong quán Baron. Bấy giờ là chiều lắm rồi, tôi đang ngồi trong quán, lúc đó thật vắng, đọc những xấp bài vở, báo chí đủ loại thì cô nàng đứng ngay trước mặt tôi, gọi tên tôi và hỏi tại sao tôi lại xuất hiện ở vùng thủ đô tị nạn này. Tôi ngẩng nhìn lên, chỉ nhớ mang máng đã gặp nàng đâu đó trên đảo. Nhưng tôi chẳng mấy khi nhớ được những chuyện gì xảy ra hôm qua, huống gì là của nhiều năm trước. Cô nàng tự giới thiệu là có quen tôi khi còn trên đảo, và anh không thể nào nhớ mặt được những kẻ đứng thật xa và nói thật nhỏ. Tôi đã tự trách mình vô tâm và trả lời rằng, ai cũng có thể nhớ được một tên nổi tiếng ở dơ, lười tắm và làm đủ thứ chuyện lung tung cho đồng bào như vậy; tôi hơi ngạc nhiên nghe mình tự nói xấu cách hồn nhiên, và lại xin lỗi về trí nhớ của mình. Sau này tôi có hỏi lại anh Trung, người Ðạo Trưởng của tôi, thì anh cũng chẳng thể nhớ nổi cô bé nào như vậy cả. Có hàng trăm cô bé thế chứ, cậu nói thế làm sao tôi nhớ nổi, anh trả lời nhát gừng. Tôi đã trả lời, chỉ có một thôi, một cô bé kỳ dị như vậy đấy, với cả một pharmacy trong phòng. Có hề gì đâu, cũng như trong phòng cậu là đủ thứ sách thôi, anh Trung đáp. Chịu thua, tôi không bao giờ cãi được với ai.
***
Buổi chiều, khi chạng vạng tối, tôi thường đến Baron ngồi đọc, ghi chú và suy nghĩ về những điều phải viết. Cà phê ở đây thì đậm, uống vào có thể thức tới hai, ba giờ sáng, còn bánh mì thì có thể thay cơm được. Quán thường vắng vào chiều và tối. Ðiều hay nhất là không có nhạc vì quán thuộc loại bình dân. Tôi không ưa những quán nhạc ồn ào, đông đúc, mịt mù khói thuốc. Ngồi ở đây, nhìn qua những khung kính ra đường Brookhurst, nhìn buổi chiều, nhìn đêm, nhìn chiếc xe cà tàng của mình bên ngõ hẻm, rồi cúi xuống đọc trên những trang giấy, rồi có khi chạy tới nhà tên bạn hỏi han đôi chuyện hoặc vào bàn gõ lóc cóc dăm bài thơ cho nó đỡ mệt. Tôi đã có thói quen sống hạnh phúc được trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi bị gây rối vì chuyện tiền bạc hoặc cộng đồng.
Những thời gian về sau, nàng thường ra ngồi với tôi. Có khi hỏi chuyện chán chê, rồi lại im lặng, rồi lại đọc những xấp bài tôi để trên bàn, đủ thứ nhảm nhí, và có khi về Thiền, về chính trị, hoặc thứ gì cũng đôi chút nghiêm trang, vân vân. Rồi lại hỏi những câu không đâu vào đâu. Chẳng hạn như, "Làm thế nào để khỏi bệnh?" Lần đó, tôi đáp, "Tại sao cần khỏi bệnh chứ. Bồ tát bệnh vì chúng sanh bệnh cơ mà." Nàng đáp, "Hôm bữa anh khóc um xùm khi mới bị nhức răng sơ sơ, thì chúng ta đâu cần phải bệnh để hiểu được Kinh Phật." Tới những chỗ lý luận cụ thể về cuộc đời thì tôi lại im lặng, bởi vì thực sự tôi chẳng hề hiểu chi về cuộc đời cả.
Phải nhiều tháng sau, nàng mới nói cho biết có lẽ nàng sắp chết. Bấy giờ tôi mới ngẩng mặt lên khỏi mớ giấy tờ, ngạc nhiên nhìn nàng. Chín giờ tối rồi, một tiếng nữa quán sẽ đóng cửa, không còn ai trong quán trừ chúng tôi. Mắt nàng yếu đi, người nàng trước giờ vẫn gầy bây giờ như gầy thêm hơn. Ung thư à, tôi thắc mắc, lạ nhỉ, cái này cũng giống như xổ số đấy. Mặt nàng xịu xuống, ra dáng bé con hẳn, im lặng hồi lâu. Tôi vẫn không thể hình dung được cô bé đang ngồi trước mặt tôi hôm nào có thể biến mất trên đời này. Ngay cả nếu bây giờ cô nàng ngã xuống, lên cơn sốt trăm độ, ngay giữa quán này, đương nhiên là tôi sẽ ẵm cô nàng đi cấp cứu, nhưng vẫn sẽ không thấy chuyện này có thật tí nào. Tôi đã nói với nàng như vậy, thấy nàng vẫn mở to mắt nhìn như không hiểu, tôi giải thích thêm, từ lâu rồi anh vẫn thấy mọi chuyện trên đời chỉ là những giấc mơ thôi. Tôi ấp úng, thí dụ chúng ta đang ngồi đây, giữa quán cà phê vắng thế này, thì cũng không có gì là thật cả, chỉ là những giấc mơ thôi, thấy được như vậy, đây chỉ là những giấc mơ chúng ta sờ được và bơi lội trong nó thì em sẽ không bao giờ đau khổ, thắc mắc hay bận tâm. Em có đùa bao giờ đâu, nàng gắng gượng nói. Ừ thì không đùa, nhưng em phải tập Thiền và thể dục, anh sẽ dạy cho, dễ lắm, bệnh nào cũng chữa được. Lời tôi nói như tan vào không khí. Nàng không trả lời, nét mặt xanh nhợt nhạt.
Nàng ở trong một căn chung cư góc Brookhurst và Hazard. Buổi chiều nàng đi bộ ra quán ngồi chơi và nói chuyện với tôi, tới khuya rồi lại về. Làm thế nào cô bé sống được trên thế gian này nhỉ, tôi thắc mắc, lại ngay giữa cái thành phố đầy những xô xát, ồn áo, nhảm nhí này. Tôi thích nơi này biết mấy, cũng như mọi nơi trên trần gian này, chỉ vì tôi không thể ý thức được mình có thể ghét bỏ một nơi nào trong cuộc đời. Nhưng còn cô bé, cô nàng mỏng manh như một hơi thở, gầy như một que tăm, ngây thơ như một dòng chữ trong kinh Phật, và có vẻ như không bao giờ biết tới tuổi thành niên, làm sao có thể ngồi ngay giữa quán Baron này mà không hề sợ hãi. Cái món tiền tàn phế đâu có bao nhiêu. Tôi có thể sống được, và cả hạnh phúc nữa với không một xu dính túi, nhưng còn nàng, cô bé gầy gò dúm dó kia làm sao sống nổi giữa trần gian điên dại này.
"Em phải biết trần gian mình lắm bệnh, và đừng thắc mắc gì cả." Tôi giải thích một hôm như vậy và không biết có nên tò mò hỏi thêm về căn bệnh của nàng. Nhỡ như đó là một bệnh khó trả lời, thí dụ như ung thư vú hay tử cung chẳng hạn. "Em phải tập nói chuyện với hư vô hằng đêm, hằng ngày." Tôi băn khoăn không biết mình có đang nói những điều quá xa lạ với nàng chăng. "Cứ gọi tên nó ra mà hỏi chuyện, như một người bạn. Ðừng giận dữ bao giờ cả. Thì thầm to nhỏ. Khi nào nó hành đau quá thì thôi, tìm cách ngủ."
Cô bé mở một tờ báo lá cải và chỉ vào một bài quan điểm. "Sao người ta cứ gọi nhau ra đánh phá lung tung ha. Em thấy cuộc đời mình kỳ dị lắm. Anh đọc bài này chưa. Anh làm báo nữa làm chi."
"Anh chỉ có một điều bận tâm hiện nay thôi. Ðó là làm sao cho em và những người đi sau không bao giờ biết tới bệnh là gì." Tôi thò tay qua bàn, xếp tờ báo kia lại và ném qua bàn bên cạnh. "Cuộc đời lạ lắm. Chúng ta không bao giờ hiểu được. Ðể anh bổ túc một ý kiến hôm trước, chúng ta không những chỉ đang sống trong mơ, mà thực sự tự thân cũng chỉ là những bóng thoáng qua, ẩn hiện trong đó."
Cô bé nhíu trán. Thói quen này tôi không thích lắm. Một lần tôi có phê bình, em đừng tập kiểu nhíu trán cau mày ra dáng đăm chiêu nữa, có vẻ người lớn một cách không tốt. Bởi vì cau mày nhíu trán cũng không thể làm em trở nên nhà bác học được. Thế là suốt cả tuần lễ kế tiếp, cô nàng nhíu trán cau mày liên tục. Cũng may những thói quen như vậy nàng quên cũng rất mau. Lúc đó tôi tự nhủ, phải chi chứng bệnh nàng cũng thế thì hay biết mấy, muốn nhớ thì có, muốn quên thì đi, cuộc đời sẽ vui biết mấy.
"Em muốn anh tới đưa đón mỗi chiều ra quán Baron. Em không còn sống bao nhiêu ngày nữa." Cô bé một hôm nói nghiêm trang như một mệnh lệnh. Khuôn mặt nàng nhợt nhạt, xanh xao, hiện lên đôi mắt sáng nhìn thẳng vào tôi. "Em có thể đi bộ ra ngồi với anh được. Nhưng em muốn từ bây giờ anh phải đón em ra đây."
Tôi không thấy có gì để từ chối. Một hôm nào, cô bé rời khỏi cuộc đời này, rời những hệ lụy trần gian và sẽ vui vì những ngày hôm nay. "Chi vậy nhỉ," tôi vẫn cãi bướng, "em cần phải ngủ nhiều hơn là đi chơi. Nhất là ra đây lại khói thuốc, bụi bặm, có tốt đâu. Nhỡ thằng nào quăng lựu đạn vào đây thì lại hỏng. Cứ gối đầu vào pharmacy của em mà ngủ là tốt nhất."
Người cô bé như nhỏ lại, đôi mắt vẫn nhìn thẳng vào tôi.
"Mỗi ngày em phải hỏi anh khoảng ba câu hỏi về Thiền. Anh sẽ trả lời, em không cần hiểu, nhưng bắt buộc phải nghe và nhớ. Có như vậy anh mới đưa đi chơi, và mỗi ngày sẽ đón em ra đây. OK? Ðược ha." Tôi ra giọng thầy, "Vậy thì hôm nay câu hỏi nào đây?"
"Em đâu biết hỏi gì." Cô nàng giọng nhỏ lại, nhìn ra ngoài những khung kính. Tôi đoán nàng hơi mệt, bây giờ là trễ rồi, trời sụp tối ngoài kia. Tôi cũng không biết phải nói gì. Hình như có gì chận nơi cổ họng tôi. Cô nàng nói, giọng thật nhẹ, rất nhiều khi em buồn ngủ, như bây giờ chẳng hạn, nhưng cứ sợ sẽ không bao giờ thức dậy. Cũng có khi đau, đau cả người chứ, nàng vẫn nhìn ra những ngọn đèn đường. Ðau đớn lắm, như bây giờ chẳng hạn, nhưng em muốn anh thăm em mỗi ngày...
***
Bây giờ thì tôi biết nàng bị ung thư tử cung. Cũng lạ, vì chứng bệnh này thường xảy ra cho người lớn tuổi. Một lần nàng vào nhà thương Anaheim nằm cả tuần lễ. Mỗi chiều tôi đều vào chơi bên giường bệnh với nàng. Tôi đọc đôi tin vớ vẩn về Việt Nam, giả vờ lướt qua vài bài thơ cho có lệ, thơ dở lắm, chẳng thấy bài nào hay cả, tôi cứ gạt qua như vậy. Em tập thở đi, cũng đỡ mệt hay đau đớn chẳng hạn. Nàng gầy hẳn đi, hai gò má nhô xương ra. Giọng nàng thì thầm, anh không nên nhìn em trong hoàn cảnh này. Nàng nói nàng chẳng ưa tí nào bộ đồng phục màu xanh của nhà thương. Tôi ngồi bên cạnh và đọc thầm bài Ðại Bi Chú. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai, tôi nhìn những ống thuốc bên giường nàng. Tôi siết chặt tay nàng dưới tấm ra giường. Tay em toàn là xương, làm thế nào có lại thịt da như ngày xưa nhỉ, tôi bùi ngùi suy nghĩ. Sau lần mổ này, sức cô bé sẽ yếu hẳn, bác sĩ nói với tôi như vậy. Người bác sĩ già tóc trắng người Mỹ giải thích với tôi về cách gìn giữ sức khỏe hằng ngày cho nàng. Ông ta có vẻ hiểu lầm như chúng tôi là tình nhân, hoặc một kiểu như đang sống với nhau.
"Thuốc ấy à, cô ấy cần cả một pharmacy đấy. Nhưng rồi cũng sẽ chẳng đâu vào đâu." Gibson, người bác sĩ già lắc lắc đầu. Từng mảnh tóc trắng bay trên đầu, ông đứng giữa hành lang sạch bóng và thơm mùi nhà thương giải thích.
Nhà thương cách thư viện công cộng hai block. Suốt ngày tôi ngồi đọc và viết trong thư viện, chờ tới bốn giờ thì vào thăm nàng. Nhưng những ngày này trôi qua thật chậm, tôi không đọc được nhiều và cũng không viết nhiều. Máu lười cũng nổi lên rồi, tôi tự khiển trách như vậy. Nhưng cũng không phải, tôi nghiệm ra mình không tập trung tinh thần được. Tôi nhớ tới những ngày mẹ tôi sắp mất. Những ngày ấy tôi vẫn không bao giờ nghĩ rằng mình sắp xa mẹ. Chuyện gì với mình cũng là chuyện bất ngờ, tôi tự nghĩ. Nhưng còn chuyện này, cô bé hẳn là sắp rời thế giới này rồi, tim tôi thắt lại khi nhớ tới lời bác sĩ. Y Học không tiên đoán được gì thêm cho những trường hợp này, cách nói ông dè dặt.
"Mr. Gibson, ông nghĩ rằng bao giờ nàng đi," tôi ngập ngừng hỏi.
"Cứ giả thiết là vài năm nữa chẳng hạn, cũng có thể là vài tháng. Tốt hơn hết là cứ bình tỉnh chờ thôi. Nhưng còn phép lạ nữa chứ. Chúng ta phải tin vào những điều không hiểu được." Ông nói chậm rãi, gật gù, đôi mắt xanh nhìn tôi như chờ đợi một phản ứng.
Tôi đã trả lời rằng tôi tin vào phép lạ, bởi vì cuộc sống tự nó đã là phép lạ. Tôi ngạc nhiên nghe giọng mình rất mực bình tỉnh.
***
Nếu chúng ta không thở nữa
không thấy được bầu trời xanh trên kia
không nắm được tay nhau trong đời này
và câm lặng đời đời dán lên môi
hãy tin vào...

Bài thơ tôi làm được mấy câu, cũng dở dang. Tôi đọc khi nàng ra viện. Căn phòng em tự nhiên thân thiết hơn, nàng nói khi tôi đưa nàng về. Về lại cái pharmacy này vui hơn, tôi kiếm chuyện để nói. Bình thường tôi thuộc loại ít lời. Vài ngày sau, nàng mới nhớ là tôi có đọc bài thơ nào đấy cho nàng. Bài thơ anh làm đó hả, cô nàng hỏi. Ừ, thơ dở lắm, đừng nhớ tới nó nữa, tôi lầu bầu. Anh có cả trăm bài như thế đấy, đừng bắt anh làm thơ, chẳng ai khen cả. Có em khen chứ, em thích những bài thơ như vậy, nàng biện hộ. Ừ thôi quên đi, anh năn nỉ mà.
Khi hơi khỏe khoắn một chút, cô bé lại đòi ra quán Baron chơi mỗi chiều. Chi vậy, tôi tìm lời ngăn cản, ở nhà cho chóng khỏe. Ngoài kia đầy khói thuốc đấy. Em thích ngồi nhìn buổi chiều, vả lại em thật sự không bệnh, nhưng chính là cuộc đời bệnh, cuộc đời làm em bệnh. Tôi đùa, không phải em bệnh, đúng không, mà là ngôi nhà bệnh chứ gì. Cô bé gật đầu, dáng như hiểu mọi lời tôi nói. Chúng tôi bật ra cười. Tôi nói thêm, em không biết rằng buổi chiều làm em mệt sao, mặt mũi cứ nhợt nhạt ra, ai cũng biết là bệnh cả. Vả lại, bây giờ em cần phải mập ra một tí. Nàng xịu mặt xuống, em lúc nào cũng toàn xương cả, làm sao mập nổi. Tôi im lặng. Nàng hỏi sang chuyện khác, lúc này báo chí còn chống phá lung tung nữa không. Có trời biết họ đang làm gì, trần gian mình lắm chuyện lắm, tôi nói trong cách để nàng khỏi suy nghĩ. Anh nhà báo, anh biết chứ, cô bé trở giọng bướng bĩnh. Câu hỏi thứ nhất về Thiền em chưa hỏi mà, tôi vặn lại, thôi ngủ đi nghe chưa. Tôi kéo mền phủ khắp người nàng.
***
Tôi ngồi trên sàn nhà sắp xếp những bề bộn sách vở, áo quần của nàng. Ðôi con búp bế nhựa thò đầu giữa đống lung tung ấy, tóc vàng, mắt xanh, biết nhắm mắt, mở mắt. Tôi nằm lăn ra giữa phòng ngủ vì mệt, tay còn ôm hai con búp bê vào ngực. Buổi sáng thức dậy, nàng đang pha cà phê. Tôi xin lỗi vì ngủ quên, đáng ra anh nên về nhà, những người chung quanh có thể nói những lời không tốt. Nàng bảo không sao, em cũng sắp theo ông Phật rồi, chẳng ai thắc mắc đâu, mắt nàng vẫn nhìn tôi thăm dò. Tôi bảo, cuộc đời nhảm lắm, họ bịa chuyện lung tung cho coi. Nàng bảo, anh cứ giải thích thì họ phải tin thôi. Tin cái gì nhỉ, tôi băn khoăn, nếu đêm qua em thôi không thở nữa, họ sẽ bảo gì đấy, chẳng hạn như anh rape em, hay là lảm nhảm gì đấy. Cô bé đem ly cà phê đặt trước mặt tôi, ẳm lên hai búp bê nhựa, nói như với búp bê, chẳng sao cả các em nhỉ. Tôi không biết nói thêm gì cho rõ hơn, em nghe này, thí dụ đấy, họ bảo là chúng mình làm tình thì chẳng tốt cho em tí nào. Nàng mở to mắt nhìn, nhưng mình có đâu, mà họ nói thì có sao đâu. Tôi nhún vai và đứng dậy ôm nàng vào lòng. Nàng chỉ là một đứa bé không bao giờ lớn. Nàng tựa đầu vào ngực tôi, em không còn bao nhiêu ngày sống nữa. Tôi nói, em chỉ là đứa bé sáu tuổi. Nàng bảo, còn anh là sáu tuổi rưỡi, mắt nàng vẫn ngẩng nhìn lên, tay bấu chặt vai tôi.
Từ đó, thỉnh thoảng tôi đến ngủ phòng nàng mỗi khi lười về nhà hoặc có khi để làm nàng vui. Tôi không nằm trên sàn nhà nữa, nàng dạy tôi mở chiếc ghế sofa ra làm giường. Cũng hơi phiền vì phải dùng một tí sức và sự khéo léo để mở được các lò so sắp rỉ sét bên trong ghế. Nhiều ngày lên được phòng nàng, tôi trải túi ngủ ngay trên sàn nhà và chui vào ngủ. Cách này tiện hơn dù nàng cứ lầu bầu hoài. Tôi ngủ ở đây tiện cho việc ăn uống của tôi. Và đôi phần cũng tiện cho sức khỏe của nàng. Nàng bảo, ngủ một mình em sợ lắm. Sao lại sợ nhỉ, tôi giải thích rằng tất cả những nỗi sợ đều không có thực. Em sợ đau đớn, và đôi khi sợ chết nữa. Nàng nói nàng cảm được nỗi đau len vào từng bắp thịt, thắt các cơ lại và di chuyển qua lại dăm nơi trên cơ thể nàng. Còn sợ chết nữa, nàng nói thật nhanh, em sợ không thấy anh nữa. Nếu em tập được không suy nghĩ gì cả, tôi giải thích, thì sẽ không bao giờ thấy được gì là sợ hãi với lo lắng. Nàng có vẻ không tin bao nhiêu vào những điều như vậy.
***
Có đôi tên nhà báo bắt đầu thắc mắc về hành động của tôi. Họ xì xầm đôi điều và tôi nghe lại từ những nguồn khác. Khi tin này được diễn dịch qua mấy bà vợ của họ thì càng nghiêm trọng nữa. Tôi bảo với một tên bạn thân của tôi, làm sao đính chính bây giờ, tội nghiệp cho cô bé chứ. Tên này thuộc loại cũng chẳng bận tâm chuyện gì trên đời, hắn chỉ gật gù bảo kệ. Tao chỉ ngồi canh bệnh cho cô bé thôi, ai cũng có thể đoán như vậy, tôi nói. Thế mày cũng nghĩ rằng tao làm tình với cô nàng à, tôi có vẻ hơi quạu quọ khi phải nói như vậy. Biết làm sao được, hắn bảo để hắn giải thích cho những nguồn tin kia im đi. Tôi chỉ hy vọng cô bé không nghe gì cả. Nếu tôi biết có ai nói gì với nàng, tôi sẽ vặn cổ hắn ngay.
"Phòng cô bé là một pharmacy, còn tao là người canh bệnh. Hiểu chưa?" Tôi đứng lên và nói gằn với tên bạn như vậy trước khi về.
Thật sự thì như vậy. Tôi đã sống đơn giản như vậy. Tôi chỉ là kẻ săn sóc trần gian này, và trước tiên là cô bé. Thế thôi.
Bệnh nàng càng lúc càng nặng. Mùi thuốc lúc nào cũng bốc lên ngợp cả phòng. Ban đêm nàng thường trằn trọc, bật đèn dậy đọc sách, hoặc pha thuốc uống. Nàng nói, nỗi sợ của nàng càng lúc càng tăng. Tôi nói biết sao bây giờ, cứ thở đều đặn rồi sẽ ngủ quên thôi. Nàng nói có khi đau quá, cứ nhìn thấy những hình ảnh dữ dội hiện ra trước mắt. Tôi hỏi hình ảnh gì. Nàng nói hình ảnh trong những cuốn sách về ma quỷ hay địa ngục gì đấy, đủ những thứ nàng từng đọc hồi nhỏ. Tôi nói, khi nào em sợ cứ bật đèn lên đọc sách, đừng lo anh mất ngủ, vì anh có thể ngủ được trong mọi điều kiện.
Suốt tuần như vậy, nàng than thở về sợ hãi, về sự chết. Tôi cứ nằm vật ra trên sofa, giữa sàn nhà bề bộn đủ thứ, bóp bóp hai con búp bê cho nó kêu những tiếng oa oa cho nàng vui, rồi lại nói lảm nhảm về mọi chuyện trên đời cho tới khi hoặc nàng ngủ quên hoặc tôi gục đầu vào đống sách vở thiếp đi.
Thời gian sau này chúng tôi không ra quán Baron nữa. Lý do chính là không có tiền. Tiền tem thư và điện thoại của tôi còn nhiều hơn tiền chợ. Tôi còn phải tiết kiệm sức khỏe của nàng nữa chứ, đi đứng nhiều chỉ mệt thêm. Phòng làm việc và nơi ăn ngủ của tôi bây giờ là ghế sofa của nàng.
***
Một chiều, nàng bảo tôi đưa nàng đi chơi. Tôi chở nàng ra Laguna Beach, vào các shopping mall và trở về khi đêm xuống. Nàng nói muốn vào Baron uống ly cà phê cuối cùng. Tôi ngạc nhiên hỏi sao lại cuối cùng. Mặt nàng tái xanh, gầy nhợt nhạt. Tôi cũng chìu nàng và nói sẽ làm mọi chuyện trên đời này để làm nàng vui. Khi ngồi trong quán tự nhiên nàng chảy nước mắt. Tôi hỏi sao vậy. Nàng nói buồn ngủ. Em không còn đau đớn nữa, nhưng buồn ngủ lắm, tự nhiên buồn ngủ dễ sợ. Và nàng gục đầu lên bàn, nước mắt còn ngấn mi và nói để em ngủ. Tôi trả tiền và dìu nàng vào xe đưa về. Tôi phải ẳm nàng lên cầu thang. Nàng nhẹ như bông. Ðầu gục vào ngực tôi, mắt nhắm lại, nét mặt dịu dàng. Tôi nghe như tiếng thì thầm khi đặt nàng xuống giường, em không sợ nữa, không sợ gì nữa. Tay nàng vẫn níu chặt ngực áo tôi. Trên khuôn mặt nàng hiện ra một vẻ bình yên làm tôi vui. Nàng trở người và ôm chặt lấy tôi, đầu dúi vào ngực tôi. Tôi kéo chăn đắp và ôm nàng ngủ. Sáng hôm sau nàng không thức dậy nữa. Ðôi mắt nàng không bao giờ mở ra nữa. Giọt nước mắt trên mí đã khô, nhưng nụ cười vẫn còn tươi.
Sau này, một người bạn bác sĩ cho biết những người bệnh ung thư chết thường rất là đau đớn, vật vả. Tôi không nói gì về cái chết bình yên của nàng, tôi không thích nói những điều riêng tư. Tới bây giờ thường khi mỗi khi trở giấc, tôi vẫn cảm thấy nàng đang dúi đầu vào ngực tôi, gối đầu vào vai tôi, tóc nàng còn thơm mùi chanel vương vất trên mặt tôi, vòng tay nhỏ nhắn của nàng vẫn ôm chặt tôi. Mỗi khi cảm thấy như vậy, tôi lại đọc thầm ba biến Ðại Bi cho nàng. Chúng tôi chỉ là những đứa trẻ trên trần gian này. Và nàng, cô bé kia đã một thời sợ hãi cuộc đời và nay đã đi xa, thật xa. Còn gởi lại nụ cười. Thật tươi. Ngay cả khi đôi mắt đã khép vĩnh viễn.
***
Nhiều tuần sau, một chiều tôi trở lại Baron, ngồi đúng nơi bàn chúng tôi thường ngồi. Ngoài trời bắt đầu tối. Tôi nhìn qua những bàn trống và chợt nhớ lời nàng một hôm, chúng ta đang trong ngôi nhà bệnh. Nơi này có bệnh? Tôi không biết. Chỉ biết tôi đang nhớ nàng kinh khủng, nắm giẻ rách thơm mùi bệnh viện của tôi.
Khi đưa tay vào túi lục tiền, tôi thấy lại mảnh giấy hôm trước ghi bài thơ. Tờ giấy nhăn nheo, rách bèo nhèo. Tôi không dám mở ra đọc lại, chỉ nhét vội vào túi. Và khi đứng dậy ra về, tôi đi như chạy.


tranh Thanh Trí