văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, September 3, 2012

Hoàng Trúc Ly * Mùa Xuân Nằm Mộng Thấy Tam Ích









                 


Người về cát bụi như giun dế
Hồn gặp linh hồn không nói năng
Người quàng khăn đỏ như em bé
Trong truyện thần tiên bị sói  ăn

Tôi hôn khô héo bờ môi chết
Da thịt mồ hoang không máu tươi
Nắm tay tê tái bàn tay chết
Áo khói sương khuya hỡi dáng người

Tôi thấy người nhìn le lói quá
Ánh trăng vừa rụng một hồn ma
Tôi biết người cười chua xót quá
Vui đời, ai nhắc bạn hôm qua ?

Trừng mắt đau theo chân người đi
Lòng nghe vô tận một chia ly
Xiết bao ngày tháng căm căm nhớ
Buồn dựng ngang mày một tử thi 
        


thơ Nguyễn Đức Nhơn






Tri kỷ


Đâu còn sống được bao lâu nữa
Nên chẳng còn gì để luyến lưu
Ta như chiếc lá rơi ngoài ngõ
Chiếc lá ươm vàng chiếc lá thu

Một mai em hỡi ta về đất
Em có buồn không em hỡi em?
Thôi cứ để cho lòng thanh thản
Bận bịu làm gì chuyện thế gian

Ta cũng biết đời ta là cát bụi
Rồi sẽ tan đi một sớm một chiều
Nếu có ai nhỏ giùm giọt lệ
Thì cũng chỉ là giọt lệ thôi!...

Ta một đời trầm luân bể khổ
Mượn rượu giải sầu sáng xỉn chiều say
Qua bao năm sao dời vật đổi
Tay trắng vẫn còn tay trắng tay!

Một mai nếu có người tri kỷ
Nhắc lại đời ta trong tiệc vui
Thì cũng chỉ là thêm men đắng
Cho nồng thêm cốc rượu vậy thôi!...

Đời cứ thản nhiên trôi trôi mãi
Đâu biết chuyện gì theo phía sau
Đâu biết chuyện gì chờ phía trước
Đến lúc đụng đầu mới biết đau!...

Thôi nhé hồn thơ ta đã cạn
Mạch sầu ta cũng đã nguôi ngoai
Cho ta gởi đến người tri kỷ
Một chút vui buồn một chút thôi!...

Nguyễn Đức Nhơn
Aug – 2012


Mùa lá đổ

Một ngày hoa lá rơi đầy ngõ
Em trở về thăm buổi tựu trường
Tôi đã yêu em từ dạo ấy
Khi tuổi đời vừa nở nụ yêu đương

Em cũng yêu tôi từ dạo ấy
Nhưng tình vội đến vội chia xa
Em lặng nhìn tôi dòng lệ ứa
Ngăn lại làm gì giọt lệ sa!

Cổng trường khép lại cuộc yêu đương
Tôi cũng ra đi vạn nẻo buồn
Từng bước chân đi từng bước nhớ
Thôi rồi chấm hết một mùa thương

Từ đó mỗi lần hoa lá đổ
Là mỗi lần nhớ quá cổng trường xưa
Em có biết nơi phương trời xa thẳm
Có một người lặng lẽ bước trong mưa

Em ở nơi nào em biết không
Đời tôi như chiếc lá sầu đông
Lặng lẽ bốn mùa bay theo gió
Ngăn lại làm gì ngọn bắc phong

Rồi lại một chiều hoa lá đổ
Có người mang đến một tin vui
Tôi xem thiệp cưới mà như đã
Bóp nát tim mình cho máu rơi

Thôi rồi em hỡi vui mùa cưới
Nhớ lại làm gì chuyện trái ngang
Tôi như cánh gió mùa băng giá
Chôn chặt cuộc tình đã dở dang

Từ đó đâu còn mong gặp lại
Nhưng tình quấn quít mãi không thôi
Tôi vẫn nhớ về con phố nhỏ
Có một người giẵm nát trái tim tôi

Ngày lại ngày qua tôi vẫn mơ
Mơ về phố cũ cổng trường xưa
Lặng lẽ trong tôi dòng lệ nhỏ
Cho hồn thắm đẫm một bài thơ

Em hỡi làm sao tôi quên được
Một chiều trời đất nổi phong ba
Một chiều hoa lá rơi đầy ngõ
Mỗi bước ngập ngừng mỗi bước xa…

Nguyễn Đức Nhơn
July – 2012


Friday, August 31, 2012

Văn Quang * Nỗi đau của khán giả, nỗi nhục của bóng tròn Việt Nam

Dân nghèo còn hết hồn khi được dịp chiêm ngưỡng chiếc siêu xe Rolls-Royce Phantom Rồng, trị giá vài chục tỷ đồng của ông “trùm Kiên”.
Đây không phải là chuyện ông bầu Kiên (người đứng thứ 4 trong số 100 người giàu nhất Việt Nam 2010 với tài sản gần 3.000 tỷ đồng), một đại gia tên tuổi lừng lẫy cả trong làng bóng đá. Ông đã, đang, từng là chủ tịch, là nhân viên hội đồng quản trị, là người hùn vốn trong vô số những ngân hàng, những đại doanh nghiệp, đại công ty… vừa bị bắt đang gây sóng gió tại Việt Nam. Ngoài việc “làm bóng đá” và ngân hàng, ông Kiên cùng những người trong đại gia đình ông kinh doanh những “mặt hàng” dân Việt Nam gọi là “siêu khủng”, “siêu hot” như kinh doanh sân golf; xây dựng hạ tầng giao thông; quản lý tài sản hữu hình và vô hình của doanh nghiệp; đại lý thu đổi ngoại tệ; xuất nhập cảng vàng, mua bán vàng bạc đá quý... Người dân há mồm không thể ngờ lại có người lắm chức, lắm quyền và giàu đến thế. Bây giờ, qua báo chí mới được thấy căn nhà “vĩ đại” của ông trên mảnh đất kim cương ở Hồ Tây mà choáng váng. Dân nghèo còn hết hồn khi được dịp chiêm ngưỡng chiếc siêu xe Rolls-Royce Phantom Rồng, trị giá vài chục tỷ đồng của ông “trùm Kiên”.

Khi ông bị bắt lại không “dây dưa” gì đến các ngân hàng (theo tin tức “chính thống” được đưa ra).
Tuy nhiên, tối 23-8, cảnh sát điều tra Bộ Công An đã bắt và khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Á Châu (ACB). Ông Lý Xuân Hải đã được dẫn giải về trại tạm giam để điều tra làm rõ vụ án.
Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đã chấp thuận bổ nhiệm chức danh Tổng Giám Đốc với ông Đỗ Minh Toàn thay cho ông Lý Xuân Hải...

Tóm tắt ban đầu, ông Kiên bị bắt điều tra vì lý do gì?
Bầu Kiên bị bắt vì những lý do: “kinh doanh trái phép” xảy ra tại 3 công ty khác nhau. Đó là Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B, Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội và Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội.
Theo nguồn tin ban đầu, ông Kiên bị cáo buộc đã dùng tư cách pháp nhân của 3 công ty nêu trên để thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính dù các doanh nghiệp đó không có chức năng này. Ông Kiên đã lợi dụng pháp nhân của 3 công ty để vay vốn ngân hàng, mua bán cổ phiếu. Sau đó, dùng cổ phiếu thế chấp lại cho các ngân hàng, lập các kế hoạch kinh doanh giả, nâng giá trị của các công ty. Cả ba công ty này đều do ông Nguyễn Đức Kiên lập ra và giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị. Còn phải chờ thời gian để có những thông tin rõ ràng hơn từ các cơ quan điều tra.
“Quả bom” này bạn đọc đã biết nhiều ở hầu hết các báo trong nước cũng như ngoài nước. Tôi không tường thuật lại chi tiết bản tin. Tôi chỉ nhắc đến tâm trạng thật nhất của người dân trước sự việc này. Những biến chuyển tiếp theo, xin để một kỳ khác, có đầy đủ dữ kiện, tôi sẽ tường thuật chi tiết hơn.

Tâm lý “gửi tạm” đang là xu thế tất yếu
Ngay sau khi tin đồn bầu Kiên bị bắt, sự trấn an của Ngân Hàng Nhà Nước đưa ra gấp gáp, kịp thời, với lời kêu gọi của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam: “Ngân hàng Nhà nước kêu gọi người gửi tiền tại ACB hoàn toàn yên tâm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ, trường hợp cần thiết, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để ổn định và bảo đảm an toàn hệ thống”. Nói cho rõ hơn là Ngân Hàng Nhà Nước sẵn sàng rót tiền cho ngân hàng ACB trả cho khách. Đồng thờinhiều ngân hàng đã đồng loạt phủ nhận sự ảnh hưởng của ông Nguyễn Đức Kiên. Nhưng cái gì cũng có hai mặt, càng trấn an nhanh bao nhiêu thì càng kích thích sự nghi ngại của “khổ chủ” bấy nhiêu. Cho nên, thật sự vẫn làm những người gửi tiền tại ngân hàng Việt Nam hoang mang. Không cứ gì những người dân có tí tiền dành dụm gửi tại ngân hàng ACB, là một ngân hàng lớn có liên quan ít nhiều đến ông bầu Kiên, mà ngay cả những người gửi tiền ở các ngân hàng khác, dù lớn hay nhỏ cũng ngơ ngác, tìm hiểu xem… số tiền để dành của mình liệu có giữ được không hay như ông nước hoa Thanh Hương thì… cuộc đời đi đứt. Tân Tổng giám đốc ngân hàng ACB Đỗ Minh Toàn xác nhận lượng người tới rút tiền bắt đầu tăng cao trong ngày 21-8 và tiếp tục tăng đột ngột vào hôm sau. Ông Toàn nói thêm: “Tuy nhiên đến hôm nay đã dịu bớt và bắt đầu có khách gửi tiền trở lại”.

3 lý do người dân chưa dứt khoát gửi tiền ở đâu
Trước hết là nếu rút tiền chưa đến kỳ hạn thì số lời chỉ còn có 2% hoặc 3%, thay vì 9%. Thứ hai là rút tiền về rồi cất trong tủ, không sinh lời, tiền mất giá sẽ lỗ nặng. Thứ ba là chẳng biết đầu tư vào “kênh” nào, bởi chẳng có nơi nào đáng tin cậy. Lại gặp tín dụng đen như thời kỳ ông Ngân Hàng Nhà Nước mới “xiết đầu vào” thì tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Thế nên, cho đến lúc này, người dân đang vẫn cứ tạm thời để đấy cái đã, chờ xem tinh hình biến chuyển ra sao rồi tính sau. Tôi cần nhấn mạnh cho rõ là tâm lý “gửi tạm tiền ở các ngân hàng” lúc này đang là “xu thế tất yếu” buộc người gửi tiền phải tính đến. Có lẽ rồi đây những người gửi tiền thời hạn lâu dài như 6 tháng, 1 năm sẽ bớt nhiều, chỉ còn lại những người gửi ngắn hạn, 1-2 tháng. Họ đề phòng khi cần rút ra là rút được ngay. Đó chính là cái “tâm trạng tạm thời” hiện nay và là sự đề phòng thụ động rất cần thiết. Bởi vậy nếu có một biến động nào đó thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Còn chuyện thị trường cổ phiếu hoảng loạn là của các “đại gia”, chẳng ăn nhậu gì tới “dân Bàn Cờ, ba cọc ba đồng”.
Bây giờ xin trở lại chuyện đáng nói nhất trong tuần này. Đó là chuyện bóng đá.

Nỗi đau của khán giả Việt Nam
Trước hết mời bạn đọc xem những hàng chữ sau đây của người hâm mộ bóng tròn tại Việt Nam trong mấy ngáy qua:
“Tôi ngu như bò mới đi xem trận hôm qua”
Bạn Đoàn Công Minh “tự sỉ vả” mình: “Hôm qua hăm hở đi xem trận chung kết, người đông như kiến... bon chen khổ sở để cuối cùng nhận ra một chân lý: tui thiệt ngu như bò mới đi xem trận hôm qua”.
“Tôi nghĩ muôn đời tôi không xem bóng tròn Việt nữa”
Bạn Bá Sơn viết: “Tôi nghĩ muôn đời tôi không xem bóng tròn Việt nữa với lối đá như hôm qua tôi xem mà buồn quá. Với lối chơi thể thao như vậy nếu Việt Nam đạt được chức vô địch Seagames tôi sẵn sàng ủng hộ đội bóng Việt 5 triệu Mỹ kim”.
“Chẳng bao giờ đọc những cái tin về bóng tròn Việt Nam”
Bạn Hoàng Anh viết: “Chán với các tin bóng tròn Việt Nam. Thật sự các cầu thủ Việt Nam không có đầy đủ tư cách, trình độ thì không bằng ai nhưng bệnh ngôi sao thì thôi rồi. Ai biết được nội tình trong một đội bóng thì phải phát ngấy với mấy ông trời con này! Cả các ông lãnh đạo và ông bầu các đội bóng cũng vậy nốt!”.
“Đây là câu trả lời cho việc tôi chẳng bao giờ đi xem một trận bóng tròn của Việt Nam, chẳng bao giờ đọc những cái tin về bóng tròn Việt Nam, vì có đọc chỉ tổ bực mình làm ảnh hưởng đến công việc, gia đình”.
Như chuyện khôi hài
Bạn Nguyên Hải viết: “Không khi nào mà tôi cũng như người hâm mộ bóng tròn Việt Nam đón nhận tin kết thúc giải bóng tròn vô địch quốc gia và nhà tân vô địch một cách hờ hững và nhạt nhẽo đến như vậy, đúng như cách các cầu thủ Hanoi T&T ăn vạ, câu giờ”.
“Làm bóng tròn cốt là khích lệ tinh thần dân tộc, màu cờ sắc áo và để người hâm mộ được vui mà cuối cùng chẳng thấy đâu. Buồn quá, bóng tròn Việt Nam cũng như xã hội, rõ ràng đích thị ông Hiển có 2 đội bóng, quy chế bóng tròn chuyên nghiệp đã cấm nhưng không xử được. Vì sao? Vì tên đăng ký đội bóng SHB Đà Nẵng ông Hiển có phải là chủ đâu! Đúng như kê khai tài sản để chống tham nhũng vậy, thật khôi hài”.
Mèo vẫn hoàn mèo
Ông Quảng than thở: “Sau khi thay tên gọi, rồi thay ban điều hành nhưng cuối cùng thì mèo vẫn hoàn mèo, bóng tròn Việt Nam vẫn là sân chơi cho vài đại gia lắm tiền nhiều chiêu và toàn là quái chiêu, cả thế giới chuyên nghiệp không ai dám làm như vậy cả, các ông ấy đang ngồi xổm trên khán giả, ngồi xổm trên sự thăng tiến của bóng tròn nước nhà. Bởi vậy bóng tròn Việt Nam vẫn đang ngồi xổm giữa cái ao làng mà mồm vẫn ra rả đang ngồi ở biển với các nước khác. Chán !!!!!”.

Không còn đủ kiên nhẫn yêu đội bóng trên quê hương mình
Thưa bạn đọc, đó chỉ mới là vài nỗi công phẫn của hàng triệu khán giả Việt Nam khi xem xong trận chung kết bóng tròn tranh ngôi vô địch quốc gia năm 2012.
Thật ra đã từ lâu, tôi không muốn nói đến bóng tròn Việt Nam bởi tôi biết độc giả ở nước ngoài cũng “chán mớ đời” những chuyện này rồi. Ngay như ở Việt Nam, những người hâm mộ bóng tròn cũng đã quay lưng lại với nền bóng tròn “trên không chằng, dưới không rễ này”. Các sân bóng cứ ngày một vắng dần khán giả. Có khi nhìn vào một trận thi đấu bóng tròn ngay trên sân nhà, đội nhà, cũng chỉ lèo tèo vài chục đến vài trăm khán giả vào ngồi loạc choạc ở các bệ xi măng. Vài ông quan chức thể thao ngồi cho có vị trên các hàng ghế VIP trống hươ trống hoác.
Tôi nói “những người hâm mộ bóng tròn Việt Nam” là chưa đủ nghĩa, thật ra có hàng chục triệu nam nữ thanh niên Việt Nam yêu bóng tròn, say mê bóng tròn. Bởi đó đã trở thành môn thể thao vua như “quốc hồn quốc túy” có truyền thống lâu đời tại Việt Nam rồi. Nhưng nếu trước kia người hâm mộ Việt Nam yêu “mê mệt” những đội bóng như Hải Quan, Tổng Tham Mưu, AJS… và những Tam Lang, Liêm, Thanh, Ngầu, Há, Rạng, Đực… thì bây giờ họ không còn “đủ kiên nhẫn” để yêu đội nào, yêu cầu thủ nào của Việt Nam nữa cả. Tại sao vậy? Vì một cầu thủ trẻ mới lên chân, được khán giả yêu thích, đã tưởng mình là “sao”, tuần sau “lật kèo” với đội bóng nghèo, nhảy sang đá cho đội giầu là khán giả chán ngay.
Ở Việt Nam có hàng chục tờ báo chuyên về thể thao và bóng tròn. Nhưng người đọc bây giờ chỉ toàn đọc chuyện bên Anh, bên Ý, bên Đức, bên Pháp, kể cả chuyện bên lề, chứ không cần biết đến những cầu thủ Việt Nam tuần này đá thế nào, thắng thua cũng thây kệ. Chỉ thỉnh thoảng coi vài cái tin cầu thủ này đi chơi với chân dài nào, mua cho chân ngắn cái gì rồi tặc lưỡi “Thằng bé chăn trâu hồi này cũng xe sì po, cặp kè tóc đỏ môi xanh, làm nhà cho bố mẹ. Thôi cũng mừng cho nó, thằng con có hiếu”… Đại khái như thế thôi.
Ở Việt Nam chẳng thiếu gì những Câu Lạc Bộ yêu Arsenal, MU, Man City… Vắng hẳn những Câu Lạc Bộ yêu đội bóng Việt Nam, chỉ còn vài ông chuyên đánh trống thổi kèn, nhảy múa lung tung theo sau vài đội bóng, khua động trận đấu thêm om xòm cho “dui”.

Đến sân xem bóng tròn vào cửa tự do lại được uống bia miễn phí
Ấy vậy mà sân bóng trước đây được gọi là sân Cộng Hòa, nay được thay bằng tên sân Thống Nhất, buổi chiều ngày Chủ Nhật 19-8 vừa qua đã đông nghẹt khán giả. Một phần vì các báo đã tô điểm cho trận chung kết giải vô địch năm nay rất gay go, quyết liệt, hào hứng giữa hai đội bóng Sài Gòn Xuân Thành và Hà Nội T&T. Mỗi đội chỉ hơn kém nhau có 1 điểm nên ngôi vô địch tất nhiên sẽ là đội thắng. Ngoài ra còn 2 yếu tố khác là các phương tiện truyền thông quảng cáo rầm rộ chỉ bán vé ở khán đài chính, còn các khán đài cánh B-C-D đều được “tháo khoán” cho khán giả vào xem tự do. Thêm một yếu tố câu khách đến sân là được uống bia miễn phí do tổng công ty bia Sài Gòn Lê Hồng Xanh cung cấp. Có lẽ đây là điều chưa từng có ở bất cứ sân bóng nào trên thế giới kể cả ở những nước nghèo khó Châu Phi. Nó cho thấy sư xuống dốc thê thảm của bóng tròn Việt Nam đến nỗi phải có những “chiêu trò” mời mọc như thế, khán giả mới chịu đến sân.
Hơn 37 năm rồi, tôi mới lại được nhìn thấy khung cảnh sân bóng quen thuộc ấy đông đúc đến như vậy. Nỗi nhớ nôn nao về những ngày ngồi trên sân xem bóng tròn trước những năm 1975. Thú thật là bây giờ tôi không còn muốn đến sân hòa vào cái không khí náo nức của khán giả như xưa, tôi chỉ còn đủ can đảm ngồi xem các đội bóng Việt Nam đá qua Ti Vi. Gặp những buổi chiều hết Olympic, hết tennis Cincinnati Masters 2012 chẳng còn gì để xem, cũng gọi là có tí “máu” bóng tròn nên ngồi xem một trận đấu cho hết thì giờ.
Sân bóng phải đóng cửa từ rất sớm vì hết chỗ. Bốn giờ chiều mới khai mạc giải, mới 2 giờ trưa, khán giả bình dân từ khắp nơi đổ đến sân bóng đông như kiến. Nhiều khán giả leo trèo bất kể là hàng rào sắt đầy nguy hiểm, cố chen lấn may ra tìm được cách nhảy vào sân. Có khá nhiều khán giả lặn lội từ Hà Nội đến Sài Gòn cổ động cho đội nhà Hà Nội T&T. Cũng có rất đông khán giả từ những nơi gần Sài Gòn như Bình Dương, Long Khánh, Biên Hòa cũng “bay” về Sài Gòn ủng hộ gà nhà Sài Gòn Xuân Thành. Cái cảnh chen chúc ấy gần 40 năm mới có một lần.

Đá “cụi”, đá “đểu”
Vậy mà họ được xem một trận vô địch như thế nào? Đáp lại lòng nhiệt tình, háo hức của khán giả, cầu thủ đội nhất bảng đã đá một trận “cụi” nhất trong lịch sử những trận chung kết trên thế giới. Khán giả bảo nhau: “Chúng nó đá đểu” là đúng. Quả là đối với khán giả thì cầu thủ đá như thế là chơi đểu thật, phụ lại lòng mong đợi của hàng triệu người. Hầu hết những tờ báo ở Việt Nam đều phải cay đắng đưa tin “Mong đợi sẽ được xem một trận bóng hấp dẫn, với quyết tâm giành chiến thắng cao của cả hai đội, trái lại, người hâm mộ bóng tròn Việt Nam hăm hở đến sân lại phải xem một màn kịch vụng về với nhiều màn câu giờ, đá nhường, đá cầm hòa”.

Tại sao lại đá cầm hòa cho đội “đàn em” vô địch?
Tất cả đều nghĩ rằng với thế cuộc trước trận đấu: Hà Nội T&T đang dẫn trước với 46 điểm, Sài Gòn Xuân Thành kém hơn với 45 điểm, SH Đà Nẵng 44 điểm thì rất nhiều người hâm mộ mong chờ, đây sẽ là trận đấu quyết liệt, với các pha tấn công dồn dập, ăn miếng trả miếng hòng dành điểm. Chỉ cần có 1 trái thắng thua trên sân Thống Nhất là đội Đà Nẵng dù có thắng bao nhiêu trên sân Ninh Bình cũng là thừa, bởi vẫn kém điểm đội thắng trong trận này.
Một đội đang đứng nhất bảng (T&T Hà Nội), cần phải giành chiến thắng để lên ngôi vô địch lại dùng mọi thủ đoạn để đá câu giờ, thay tiền đạo bằng hậu vệ… để có thể kiếm được hạng nhì, nhường ngôi vô địch cho SHB Đà Nẵng. Đội Sài Gòn Xuân Thành tấn công quyết liệt nhưng hầu hết các cầu thủ “Tây”, sút những trái bóng như mơ ngủ, ngay trước cửa khung thành mà sút bắn ra ngoài. Sự chậm chạp vụng về của những cầu thủ “ngoại” đô con, dẻo dai được tiếng là “những hảo thủ hạng nhất” làm cho người ta chán ngán. Có khán giả đã phải thốt lên: “Cú đó tôi sút cũng vào, cho thằng đó nghỉ việc đi”. Khán giả trở nên nghi ngờ “làm như cầu thủ Sài Gòn Xuân Thành cũng chẳng muốn thắng vì một lý do khó hiểu nào đó, chứ chưa chắc chỉ là thiếu may mắn”. Nhưng thật ra là họ vô duyên và thiếu may mắn thật. Có bị cầm hòa thì cũng chỉ nên tự trách mình thôi.

Mặt dạn mày dầy ăn vạ nằm sân
Nhưng màn bi hài kịch thuộc về đội Hà Nội T&T trình diễn mỗi phút càng lộ rõ khi nghe tin đội Đà Nẵng thắng đội Ninh Bình một trái. Như vậy nếu hai đội ở sân Thống Nhất hòa thì Đội Đà Nẵng sẽ có thêm 3 điểm là 47 (vô địch), trong khi Hà Nội T&T 46 điểm (hạng nhì) và Sài Gòn Xuân Thành 45 điểm (hạng ba).
Ai cũng biết Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng đều có cùng một ông chủ là bầu Hiển. Cho nên đội Hà Nội T&T cố sống cố chết đá cụi, đá cầu hòa là để nhường ngôi vô địch lại cho đàn em. Bởi đá “tử thủ” với Sài Gòn Xuân Thành dễ hơn là mong thắng. Trong khi đội Đà Nẵng thắng đội Ninh Bình dưới cơ, dưới hạng dễ dàng hơn nhiều.
Đặc biệt khi biết tin đội Đà Nẵng đã ghi được ba bàn thì thái độ thi đấu của Hà Nội T&T trở nên cực kỳ trơ trẽn. Họ không buồn tấn công mà chỉ lo ăn vạ hay câu giờ.
Đến trọng tài chính cũng ngán ngẩm khi ông liên tục yêu cầu các cầu thủ của Hà Nội T&T đứng lên thi đấu và thôi ăn vạ. Cầu thủ Hà Nội T&T nằm la liệt, anh đầu sân, em cuối sân, cứ thế ăn vạ đủ kiểu, bất chấp sự la ó, chán chường của khán giả. Đúng kiểu mặt dạn mày dầy, nằm được là cứ nằm, kệ khán giả, kệ bóng tròn, mặc kệ cả danh dự cá nhân, danh dự của cả đội bóng. Tất nhiên huấn luyện viên Phan Thanh Hùng của Hà Nội T&T là người đã bày ra chiến thuật và trực tiếp “chỉ đạo” các cầu thủ đá cụi. Vậy mà ông huấn luyện viên của đội này lại sắp lên chức làm huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Việt Nam!!! Ông sẽ huấn luyện cho đội tuyển quốc gia theo kiểu nào đây?

Hủy bỏ giải đấu và không tuyển chọn huấn luyện viên đã chỉ đạo đá cụi
Còn rầt nhiều điều đáng nói về chuyện bóng tròn Việt Nam, nhưng e làm nhàm tai bạn đọc. Ở đây tôi chỉ nêu ra ý kiến của một số khán giả nhiều tuổi vẫn say mê bóng tròn. Trước hết, Liên Đoàn Bóng Đá Việt Nam hãy nghe cho kỹ nỗi phẫn uất của khán giả với những chứng cớ không thể chối cãi trong trận đá “cụi” tranh ngôi vô địch này. Vậy theo đúng luật, Liên Đoàn hãy hủy bỏ ngay kết quả của trận đấu này, coi như năm nay không có đội vô địch. Có sao đâu.
Cũng như tại Olympic Luân Đôn vừa qua. Một số cầu thủ sắp đặt trắng trợn theo cách thức bôi nhọ và ngược lại tinh thần Olympic, ban tổ chức đã đuổi các lực sĩ có mặt trong 2 trận vũ cầu rởm ra sân, hủy bỏ các trận đấu đó. Tám lực sĩ bị loại thẳng khỏi hạng đánh đôi nữ. Ngay cả khi võ sĩ lãnh huy chương rồi cũng có thể bị hủy bỏ nếu dính doping. Đó là cách làm đúng luật, đúng tinh thần thể thao trong sáng.
Đội Đà Nẵng và khán giả sông Đà chắc cũng chẳng vinh dự gì khi đón nhận ngôi vô địch tử trên trời rớt xuống. “Vui là vui gượng kẻo là” đấy thôi.
Thứ hai là không tuyển chọn huấn luyện viên đã chỉ đạo trận đấu cụi làm huấn luyện viên đội tuyển quốc gia. Có thể thêm các biện pháp trừng phạt đội bóng và cả huấn luyện viên đã bôi nhọ làng bóng tròn.
Tôi không biết Liên Đoàn có đủ bản lãnh, đủ “khôn lớn” để làm được việc này không?
Ngay cả Bộ Văn Hóa - Thể Thao cũng cần chấn chỉnh lại ngay cái Liên Đoàn này, thay thế những cái đầu già cũ bằng những những cái đầu thông minh, tâm huyết hơn.
Câu hỏi còn ở phía trước mặt. Bạn đọc hãy đợi xem màn kịch này có chìm xuồng không?
VQ

Nguyễn Mạnh Trinh – Chuyến xe buýt và khúc hát người lính mù



Sài gòn, năm 1980. Lúc đó, cuộc “cách“ cái ”mạng” ngày 30 tháng tư đã năm năm. Nhưng xem ra không khí chiến tranh vẫn còn bao phủ. Đời sống càng ngày càng đi vào bế tắc. Hè đường đầy những người đi kinh tề mới trở về hoặc vượt biên mất nhà sinh sống. Họ trở thành những người không nhà không hộ khẩu sống lây lất trong một thành phố đầy đe dọa. Những trại giam đầy áp người tù, tù chính trị và tù hình sự. Đêm đêm là thời gian của kiểm tra hộ khẩu, của bắt người, của đe dọa chập chờn ngoài cánh cửa. Với người dân thường còn như vậy. Huống chi những người tù bị gọi là “cải tạo” trở về. Đời sống lại càng bị đe dọa hơn biết bao nhiều. Tôi cũng bị ảnh hưởng trong thời thế ấy. Sống bất hợp pháp trong nhà của mình và trong đầu óc lúc nào cũng chờ đợi một chuyến vượt biển ra đi. Cột đèn mà cũng muốn xuất ngoại, huống chi…


Lúc ấy, phương tiện giao thông đi lại hầu như chỉ có xe buýt ở trong thành phố và xe đò đi xa ngoài thành phố. Ở bến xe, sinh hoạt thật nhộn nhịp. Như ở Xa Cảng Miền Tây lúc nào cũng đầy người mà số đông là những người chờ đợi một chuyến xe. Có người phải ngủ đêm chầu chực nhiều ngày. Nhưng nếu có tiền mua vé chợ đen, thì được đi ngay. Bao nhiêu con buôn đi hàng ngày mà còn chở theo hàng hóa cồng kềnh mà đâu có chờ đợi gì đâu. Còn xe buýt, thì là chỗ hỗn tạp. Đi xe luôn phải coi chừng, ăn cắp móc túi như ranh. Chỉ một loáng thôi, dù đã giữ gìn nhưng bị mất mát ngay một cách nhãn tiền. Thời mạt pháp, ai có thân thì giữ…

Trên một chuyến xe, có hai người lính cũ, một mù một què, dắt díu nhau đi hát để kiếm miếng ăn độ nhật. Người què thì dẫn đường cho người mù không có mắt để đi lần theo từng hàng ghế. Họ mặc bộ quần áo trận đã rách te tua bạc phếch nhưng vẫn còn phảng phất đâu đó hình ảnh của người lính thời xưa. Trên tay người lính mù là chiếc dàn mandoline cũ kỹ và anh hát những bản nhạc lính của cuộc chiến ngày cũ đã tàn nhưng còn nhiều hậu quả nhức nhối. Những bản nhạc đã vinh danh những anh hùng như “Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc“ hoặc ”Người Ở Lại Charlie”. Khi hát tôi thấy dường như trong đôi mắt đen đục của người lính mù có chút nước mắt. Đi lần qua những hàng ghế, cũng có những người cho tiền, mặc dù họ không phải là những người khá giả trong xã hội này. Và nếu có một vài chú bộ đội phê bình nào là nhạc phản động, nào là nhạc vàng bị cấm thì họ lại bào chữa bảo vệ ”Người ta tàn tật đi kiếm ăn mà còn làm khó!”…

Trong không khí đe dọa, họ vẫn cất tiếng hát. Hình như, họ đang chiến đấu với tiếng hát của mình. Cờ bay, cờ bay trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu…Hay : Anh không chết đâu anh người anh hùng mũ đỏ tên Đương… Hay Anh Quốc ơi từ nay trong gió ra khơi từ nay trên cánh mây trôi có hồn anh trong cõi lòng tôi. Ơi những tiếng hát nhắc lại một thời binh lửa mà những người bây giờ đang hát đã hiến dâng cho đất nước những phần thân thể của mình. Tự nhiên, tôi cảm thấy mình xúc động quá. Những người lính thời trước chịu bao nhiêu điều thua thiệt mà bây giờ vẫn còn cất tiếng hát bất chấp đe dọa bất chấp công an để vẳng lên tâm sự của mình. Và qua từng chuyến xe này qua chuyến xe khác, họ vẫn hát dù có khi bị bò vàng bắt hoặc đánh chửi. Những lời hát vẫn cất lên, mặc kệ bạo lực mặc kệ ngục tù.

Có một bài thơ, đã được viết từ cảm xúc đó. Bài thơ ”Chuyến xe bus và khúc hát người lính mù”
Trang lịch sử đã dầy thêm lớp bụi
Ngăn kéo đời vùi kín mộ phần riêng
Và lãnh đạm chẳng còn người nhắc đến
Người trở về từ cuộc chiến lãng quên
Đôi mắt đục nhìn mỏi mòn kiếp khác
Đắt dìu nhau khập khiễng chuyến xe đời
Người thua trận phần thịt xương bỏ lại
Trên ruộng đồng sầu quê mẹ rã rời
Chuyến xe vang lời ca nào năm cũ
Nhắc chặng đường binh lửa lúc xa xưa
Khói mịt mù đường chiến tranh bụi phủ
Nghe bàng hoàng giọt nắng hắt giữa trưa
Tiếng thê thiết gọi địa danh quen thuộc
Thưở dọc ngang mê mải ngọn cờ bay
Cuộc thánh chiến gió muộn phiền thổi ngược
Dấu giầy buồn còn vết giữa sình lầy
Ôi tiếng hát nhớ những người gục ngã
Ngồi chuyến xe sao vang vọng nỗi niềm
Âm thanh cao xoáy tròn tim gỗ đá
Thúc hồn người theo nhịp thở chưa quên
Ôi tiếng hát vinh danh đời lính chiến
Cho máu xương không uổng phí ngày mai
Có sương khói trong mắt đời cầu nguyện
Để lỡ làng không chĩu nặng bờ vai
Người thản nhiên những tia nhìn cú vọ
Đây tàn hơi còn sót lại một đời
Đây ngôn ngữ của Việt Nam đổ vỡ
Vẳng không gian chợt héo một nụ cười
Ta nghe rực cuối hồn trăm bó đuốc
Một đời hoài tìm kiếm ánh đèn soi…”


Bài thơ đó tôi viết ở Sài Gòn năm 1980. Bây giờ năm 2010, như vậy đã ba chục năm. Tôi đã rời thành phố thân yêu và cũng đã định cư ở Hoa Kỳ 30 năm. Hôm nay ngồi đọc tin về Đại Nhạc Hội tổ chức ở ngoài trời “Cám Ơn Anh” để gây quỹ cứu giúp thương phế binh của QLVNCH còn kẹt lại ở quê nhà bỗng dưngsinh ra nhiều hồi tưởng. Bài thơ dắt tôi trở về những ngày tháng năm năm 1975, khi Cộng sản đã chiếm được đất nước đã thẳng tay dã man đuổi tất cả thương bệnh binh trong quân y viện ra ngoài bất kể tình trạng nguy hiểm hay không. Nạn nhân nặng nề nhất ngay lập tức chịu ảnh hưởng thua trận chính là những người thương binh. Biết bao nhiêu là thảm cảnh xảy ra. Không hiểu họ đã xoay sở thế nào để sống còn trong hoàn cảnh cực kỳ bi đát ấy.

Chính Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh Quân Đoàn 4, trước khi quyết định tự sát đã đến thăm thương binh ở quân y viện Cần Thơ lần cuối vì ông biết số phận đáng thương của những người lính này. Trước khi tử tiết, ông đã đến từng giường bệnh để an ủi những người lính đang điều trị tại đây. Ông đã não lòng khi trả lời một câu nói của người lính đang nằm viện : ”Thiếu Tướng đừng bỏ chúng em !”. “Không, Thiếu Tướng không bỏ đâu”. Phải, mặc dù đã đến lúc cờ tàn, ông không còn giúp đỡ gì được những anh hùng nhưng là nạn nhân của cuộc chiến nhưng tấm lòng nhân hậu của ông đã là gương sáng cho đời sau.

Gần đây tôi có đọc một lá thư của một người lính bị tàn phế gửi cho một người bạn từ Việt Nam. Bức thư có nhiều đoạn làm tôi suy nghĩ:
“… Các anh ạ! Bây giờ thì buồn quá! Các anh – những sĩ quan QLVNCH, những người anh của chúng tôi, những Đại Bàng, những Bắc Đẩu, Hắc Báo của ngày nào một thời tung hoành ngang dọc khắp các chiến trường… các anh đã có một thời quang vinh và một thời nhục nhã, giờ đây sau 30 năm vẫn lặng lẽ, các anh cũng nhòa đi hình ảnh của ngày xưa?
Các anh đã quên rồi sao? Quên rồi những chiến sĩ thuộc quyền của các anh đã nằm xuống vĩnh viễn trên đất mẹ thiêng liêng quên những đồng đội còn sống sót trong một tấm thân tật nguyền đau khổ, sống lây lất ở đầu đường xó chợ. Xin cảm ơn các anh về những đồng đô la mà các anh gửi về cho chúng tôi trong chương trình giúp đỡ thương phế binh QLVNCH. Những đồng tiền đó dù có giúp cho chúng tôi trong một thời gian ngắn, dù có an ủi cho những đớn đau vật chất được đôi phần nhưng cũng không làm sao giúp chúng tôi quên nỗi nhục nhã mất nước! Chúng tôi cần ở các anh những chuyện khác, các anh có thấu hiểu cho chúng tôi hay không? Tôi đã hiểu vì sao thằng khuân vác ở xóm trên, thằng vá xe đạp ở đầu đường, thằng chống nạng đi bán vé số ở cạnh nhà lại ghét cay ghét đắng đám Việt kiều. Họ là những người lính năm xưa, họ đã từng tuân lệnh những Đại Bàng, Thần Hổ xông pha nơi trận mạc. Họ đã từng chắt chiu từng đồng bạc nghĩa tình chung thủy gửi vào tận chốn tù đày thăm các anh. Họ đã từng uống với các anh chung rượu ân tình ngày đưa các anh lên phi cơ về vùng đất mới. Họ từng nuôi nấng một hoài vọng, một kỳ vọng ngày về vinh quang của QLVNCH.
Nhưng chính các anh đã làm họ oán ghét đến độ khinh bỉ khi các anh áo gấm về làng, chễnh chệ ngồi giữa nhà hàng khách sạn năm sao tung tiền ra để tỏ rõ một Việt Kiều yêu nước. Các anh có biết không? Từ trong sâu thẳm của cuộc đời, những người lính VNCH đang lê lết ở ngoài cửa nhà hàng mà các anh đang ăn uống vui chơi, đang nhìn các anh với ánh mắt hận thù. Hận thù lớn nhất của người lính là sự bội bạc, là sự phản bội! Không biết khi tôi kết tội các anh là phản bội có quá đáng hay không, nhưng các anh hãy tự suy nghĩ một chút sẽ thấy rõ hơn chúng tôi. Tôi không tin là tất cả các anh đã biến thái thành những tên Việt gian nhưng sự trở về như các anh trong hiện tại là đồng nghĩa với sự phản bội. Các Anh đã phản bội lại Tổ Quốc và rõ ràng nhất các anh đã phản bội lại chúng tôi…”

Đọc lá thư ấy, lòng tôi như chùng xuống. Mỗi một người đếu có hoàn cảnh cũng như cách chọn lựa riêng nhưng tôi không ngờ rằng trong sâu thẳm của những người lính cũ còn có những nỗi niềm như thế. Sự phân cách quá sâu đậm, những con sông chia cách vẫn chưa thể lấp bằng được. Ngẫm suy lại, từ một khía cạnh nhìn ngắm khác nhau, đã có những khác biệt cho từng hành động…

Tới bây giờ, với những người ở hải ngoại đã không quên các anh, những thương phế binh VNCH. Dù có một số ít vô ý thức trở về nước vui chơi trên nỗi nhọc nhằn của dân tộc nhưng phần đông đều hiểu và tri ân những người lính đã mang xương máu và thân thễ hiến dâng cho đất nước. Ở đại nhạc hôi “Cám Ơn Anh”, hàng chục ngàn khán gỉa đi xem không phải chỉ là đơn thuần mua vui mà là biểu lộ tinh thần biết ơn đối với người lính VNCH. Dù số tiền thu được lên tới cả triệu đô-la nhưng cũng không đủ cho nhu cầu của hàng chục ngàn người lính tàn phế cần giúp đỡ. Nhưng của ít tình nhiều, điều đó mới là đáng quý. Cũng như, với sự tham dự của cả hơn một trăm ca nhạc nghệ sỹ, cùng với cả trăm người thiện nguyện bỏ công sức và cả tiền của cá nhân, thì đó phải hiểu là một thành quả to lớn ở hải ngoại của những người dân luôn luôn tương trợ giúp đỡ nhau. Cám ơn anh! Những thương phế binh đã hiến dâng đời mình cho đất nước…

Nguyễn Mạnh Trinh

Sunday, August 26, 2012

Trần Vấn Lệ * Di Chúc Khắc Trên Đá


       


Lòng riêng là phiến đá muôn thuở khối tình chung.

Nơi đây trời-đất-người xa xứ, một khối tình trong nấm-mộ-đôi, một chỗ ước mơ:  Đà Lạt cũ, ngàn năm mây trắng vẫn trôi trôi…

 Nơi đây không phải nơi-hò-hẹn mà cuối đường như mới bắt đầu.  Nằm tựa bên nhau hay đứng tựa, đi tìm và đã tới Thiên Thu!

Nơi đây đóng cửa mười phương Phật, duy nhất phương lòng đủ chứa chan.  Nếp áo tình nhân trăng có bạc, cỏ sương con nhện kéo tơ vàng! Em ơi hãy nói như Di Chúc, lạc mấy đầu non cũng trở về.  Dẫu mất núi sông còn giấc ngủ, chưa hề có một cuộc Chia Ly!
 
Tran Van Le

Friday, August 24, 2012

VÕ THỊ ĐIỀM ĐẠM * Em



Thư đi vội vào giảng đường nhỏ của trường Y tá nằm phía tây thành phố cảng Hamburg, tìm một chỗ trống ở những hàng ghế đầu để nghe cho rõ. Còn hai phút nữa, mắt nhìn lên đồng hồ trên tường, tay lục tìm cây viết và quyển tập trong giỏ xách để ghi chép, thói quen từ thời sinh viên già, mặc dù Thư biết là tất cả các bài giảng đều sẽ được phát cho từng học viên để làm tài liệu nghiên cứu sau này. Một nhấn tay nhẹ trên vai. Quay lại, Thư reo:
- Anh Thành! Lâu quá!
Thành cũng là đồng nghiệp, làm ở một bệnh viện cách Hamburg hai giờ xe hơi. Hôm nay là khóa tu nghiệp cho y tá vùng bắc nước Đức. Cả vùng chỉ có hai y tá chánh ngạch người Việt nên Thư quen Thành cũng đã khá lâu, hai mươi năm không chừng, qua những khóa tu nghiệp hàng năm. Cả năm sáu năm rồi, năm nay hai người mới chọn cùng khóa. Thành cười rộng miệng, mắt một mí kéo dài như nhỏ lại, giọng bắc pha tám mươi phần trăm giọng Nam hỏi một câu dư thừa:
- Cô Thư cũng chọn đề tài này à?
- Nhìn tới nhìn lui, chẳng có đề tài nào hấp dẫn cả nên chọn đại. Lâu lâu được đi tu nghiệp, được bao ăn uống, trốn mấy bệnh nhân cằn nhằn, đòi nói chuyện. Rảnh rang được vài ngày, không đi uổng chết. Anh vẫn làm chỗ cũ chứ?
- Vâng! Già rồi, cũng chẳng muốn thay đổi gì nữa. Còn cô?
- Cũng mõi rồi anh, không muốn bon chen nữa, lúc này Thư có được 8 giờ ngồi trực bàn nên nhàn lắm. Thôi tới giờ, chút nói chuyện thêm.
Giờ giải lao, Thành rủ Thư lại ngồi ở một góc canteen để nói chuyện bằng tiếng Việt, cho đã. Thành nhìn Thư chọc:
- Coi cô Thư không có gì thay đổi cả, năm sáu năm rồi còn gì, có cọng tóc bạc nào chưa?
- Năm mươi rồi đó anh, tìm kỹ thì ít nhất cũng chục cọng, bắt Harald nhổ, ổng cằn nhằn hoài.
Đang chuyện trò trăng nước thì có tiếng mobile kêu, Thành rút máy trong túi, nháy mắt xin lỗi Thư. Thư nhìn lơ đãng ra sân, vô tình mà lại lắng nghe câu chuyện đàm thoại. Nhiều người thường khó chịu khi nghe ai đó nói chuyện trong mobile, họ khó chịu không vì phải bị nghe chuyện thiên hạ, họ khó chịu vì chỉ nghe một nửa cuộc đối thoại, làm họ không hiểu toàn vẹn, làm trí tò mò vô hình trong họ không được thỏa mãn. Thư cười thầm khi lắng nghe mẫu đối thoại không che dấu của người bạn. Giọng Thành, người đàn ông gần 60 mươi tuổi, tóc muối nhiều hơn tiêu, đổi hẳn, dịu ngọt:
- Em đừng mua gì cho anh.
- . . . . . . .
- Áo len của anh cả chục cái mặc không hết.
- . . . . . .
- Ừ thôi cũng được, nếu em thích màu đó. Em tìm được cái nào cho em chưa ?
- . . . . . .
- Chút ba giờ thì xong, em chờ anh ở cà phê Đà Lạt nha!
Thư đùa:
- Hai ông bà già rồi mà còn tình tứ quá nhỉ, anh với em ngọt sớt.
Thành nhìn Thư như có vẻ thông cảm vì câu nói đùa mang chút sót xa đó, Thành hiểu Thư.
Trở lại giảng đường, Thư thẩn thờ: Tiếng Việt mình hay thật, có những đại danh từ được dùng để xưng hô với nhau thật trìu mến, thật đặc biệt cho người trong cuộc, chớ không như những ngôn ngữ khác, cái gì cũng you với I, cái gì cũng toa với moa, cái gì cũng ich với du, cái gì cũng mich với dich… Tiếng Việt mình, tiếng anh và em thật mầu nhiệm, thật ngọt mật…. Cho đến cuối đời, tóc bạc da mồi vẫn còn giữ tiếng xưng hô thần ái đó. Tiếng anh và em như một chứng nhận tình yêu…
…Trong quán kem cuối đường Nguyễn Du gần tới nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Hải âu yếm hỏi:
- Anh đặt kem dâu cho em nha?
Tiếng em Hải kéo dài, thật nhẹ, thật êm như hai ngón tay Hải vuốt cẩn thận gò má Thư hồng rám nắng. Giọng Phan Thiết cưng cứng nồng nàng của Hải làm Thư cảm động, nũng nịu:
- Thêm hai cây bánh kẹp nữa, anh quên món tủ của em.
Tiếng em lần đầu tiênThư xưng với Hải sau ba tháng quen nhau. Tiếng em được giọng con gái Sài Gòn nhão nhẹc kéo dài, đầy thương yêu làm Hải xúc động. Tiếng em mà Hải đã kiên nhẫn chờ đợi. Hải hiểu như đó là dấu hiệu đáp lại tình yêu của anh khi Thư xưng em một cách nũng nịu như muốn áp mặt vào bờ ngực Hải căng cứng, như muốn thu nhỏ trong vòng tay anh. Hải ngồi xuống cái ghế mây bên Thư, vuốt nhẹ cánh tay trần có những cọng lông măng mịn màng, mắt Hải đầy thương yêu:
- Thêm một trái dâu lớn thật lớn?
Thường thì Hải gọi Thư bằng tên Thư ngọt ngào hay “Chó Nâu” đùa nghịch. Cái tên “Chó Nâu” Hải đặt cho Thư vì hình ảnh cô bé Sài Gòn trong cái quần pat nhung nâu xậm, vai đeo cái giỏ da nâu chỗ đậm chỗ lợt vì mớ quần áo ướt vừa đi bơi về, đôi giầy sandal da nâu thấp gót, cái áo thun trắng trên ngực có thêu chữ Dream bằng sợi chỉ nâu mỹ miều ôm sát người, lần đầu tiên Hải quen Thư trên con đường Phan Thanh Giản…. Hình ảnh tươi trẻ đầy sức sống của cô bé Sài Gòn đã là sinh viên rồi mà vẫn con nghịch ngợm như nữ sinh trung học. Cô bé đã làm yếu lòng Hải ngay từ lúc gặp gỡ vì lối nói chuyện không e ấp, vì ánh mắt nhìn trong sáng, nhìn thẳng người đối diện không chút e dè như những cô gái khác khi nói chuyện lần đầu tiên với đàn ông xa lạ. Khi nào Hải và Thư dùng tiếng em, tự nhiên cả hai đều cảm nhận cả làn sóng tình trìu mến cho nhau đậm đà hơn, ngọt mật hơn thường lệ.
Thư ngẫn người, lời giảng viên nghe văng vẳng đâu đây.
Tiếng Hải đầm ấm dỗ dành dưới dàn hoàng lan năm nào trong đêm Hải trở về để sáng sớm mai xe thiếu tá Vinh đến đón đi Long Khánh. Cái đêm cả hai đều không ngờ là đêm cuối cùng. Lòng Hải hoang mang vì anh hiểu tình hình chiến trận của những ngày cuối xuân năm 1975. Lòng Thư lo âu vì phim Mộng Thường do Thanh Lan đóng, chiếu trên TV, vì giọng Thái Thanh nức nỡ bài Kỷ Vật Cho Em mỗi ngày trên radio. Hải không kể cho Thư nghe nổi hoang mang của mình. Thư không kể cho Hải nghe nổi âu lo của mình. Cho nên Thư níu kéo, cho nên Hải chùng chằng:
- Em vô nhà rồi anh mới đi.
- Làm sao anh về?
- Anh đi lang thang.
- Xa lắm!
- Anh đi lang thang để nhớ em.
- Cho em theo anh đi lang thang.
- Không được! Khuya rồi, nghe lời anh, vô nhà đi, ba má la em.
- Em chịu la.
- Chó Nâu hư, anh lớn, anh không để ba má la Chó Nâu.
Thư vùng vằng đi vô nhà, nước mắt lăn dài trên má, nước mắt thấm mặn môi Thư. Nước mắt rơi trên trang giấy đã ngưng ghi chép từ lâu. Thư giả bộ nhắc cặp kính cận lau mắt, lau mặt, làm như mắt bị vướng hạt bụi nào đó, hạt bụi của những ngày tháng Sài Gòn thơ mộng.
Sau Hải, Thư chưa một lần được may mắn xưng em với những người đàn ông đã có cảm tình với Thư, với những người đàn ông Thư đã có cảm tình. Không phải tiếng em Thư dùng với hai chị mình, không phải tiếng em Thư dùng với hai ông anh rễ, không phải tiếng em Thư dùng với mấy ông anh con cô Ba. Bởi vì sau Hải, những mối tình chưa đến đã tan, những mối tình Thư chưa kịp chuẩn bị cho phép lòng mình xưng tiếng em ngọt mật, tiếng em mang ý nghĩa cho nhau. Tiếng em đối với Thư mang đầy ý nghĩa thương yêu gắn bó cho nên Thư không dám dùng khi Thư thấy lòng mình chưa thực sự chín chắn cho chữ em thiêng liêng đó.
Sau Hải, những viên đá tình yêu được ném xuống hồ nước nhưng không tạo được vòng tròn làm chứng tích tình yêu trên mặt hồ bởi hồ nước luôn luôn gợn sóng, bởi lòng Thư chưa yên ổn, bởi những tình cảm của những người đàn ông chưa đậm đà để đủ có kiên nhẫn chờ đợi Thư xưng tiếng em mang đầy thương yêu cho mình.
Harald không hiểu tiếng em mầu nhiệm trong ngôn ngữ tình yêu của người Việt nên anh không cần chờ đợi. Anh yêu Thư và muốn sống đời với Thư mà không chờ Thư nói tiếng em yêu anh, ngay cả tiếng yêu anh bằng ngôn ngữ nước anh. Năm đầu mới lấy nhau, trong cơn nồng ấm vợ chồng, Harald năn nỉ:
- Nói đi Thư! Nói rằng em yêu anh bằng ngôn ngữ nước em đi Thư, nói em yêu anh bằng ngôn ngữ tự đáy lòng em đi Thư.
Thư tãng lờ, Thư im lặng, Thư hôn chồng đậm đà hơn. Thư lẫn tránh. Thư cảm nhận tiếng thở dài Harald cố nén tận đáy sâu. Harald không nài nỉ nữa, lời nài nỉ khônh được đáplại đã trở thành vết chàm lúc mờ lúc tỏ. Vòng tay trần thơm mềm ấm xiết mạnh hơn không xóa được vết chàm đó trong tình yêu Harald dành cho vợ. Vết chàm chém vào tim Harald, vết chàm luôn quấy phá Harald những lúc hờn vợ. Vết chàm không chịu nằm yên, âm thầm khơi lên những đợt sóng ngầm phá rối đời sống bình an bên vợ.
Năm mươi tuổi rồi, Thư lúc nào cũng xưng tên mình như thời còn đi học với những người đàn ông Thư giao thiệp hàng ngày. Ba mươi năm rồi, ba mươi năm mất Hải, mất bàng hoàng không một dấu tích báo trước; Hai mươi năm rồi, hai mươi năm tình nghĩa vợ chồng vẫn thắm thiết mặc dù không có một đứa con để gắn bó với nhau; Thư chưa một lần được xưng tiếng em thiêng liêng. Thư chôn vùi tiếng em ngọt mật đó dưới lòng đại dương như con ốc hương khi sợ hãi vội đóng kín tấm phên, thu mình trong lớp vỏ ốc cứng mang màu nâu, trắng mỹ miều, dũi sâu xuống lớp cát trắng mịn xa tận biển khơi.
Nổi sót xa thỉnh thoảng làm nhói tim Thư vì Thư biết rằng mình không bao giờ có được cái diễm phúc đó, cái diễm phúc được xưng em ngọt mật với người chồng không hiểu ý nghĩa thiêng liêng của chữ em, với người chồng mình thương yêu.
Diễm phúc cho chị, diễm phúc cho em.

Võ Thị Điềm Đạm