văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, July 29, 2011

TRẦN KIÊM ĐOÀN * Nhật Ký Hành Hương

  








Sacramento, rằm tháng sáu ta, 2011
Nhật ký hành hương 1 :
Hạnh buông xả.
Chỉ còn một tháng nữa là hết mùa An Cư Kiết Hạ theo truyền thống Phật giáo hàng năm. Ngày cuối của mùa an cư kết thúc vào rằm tháng Bảy. Nắng giao mùa của Thu sang phai màu làm nhớ Mẹ. Những người theo đạo Phật thường chọn thời điểm nầy để tu học và làm công quả. Sống ở xứ Mỹ đã ba chục mùa Kết Hạ mà tôi chưa được lần nào "có duyên" đến chùa chiêm bái bầu không khí An Cư đượm nhuần đạo vị như thời còn ở Huế. Hoàn cảnh thay đổi, đất trời còn thay đổi theo; huống chi là khói sương của một chân trời cũ. Tìm đâu ra một tiếng chuông chùa hay chuông nhà thờ theo gió Nồm đồng vọng trên xứ Mỹ quạt nhiều hơn gió nầy.

Người Mỹ có vẻ thực tế hơn người Việt khi cho rằng, về hưu không phải là gác kiếm xoa tay quy ẩn mà đây là một cơ hội quý báu cuối đời để được sống và làm những điều mình thích, nhưng khi còn đa đoan với chuyện áo cơm chưa làm được. Như có một mùa Hè đã lâu lắm, gặp Trịnh Công Sơn ngồi quán cà phê Tôn Thành Nội Huế để mơ… dễ sợ. Mơ khi đất nước thanh bình sẽ đi thăm cầu gãy vì mìn và thăm mộ bia đều như nấm! Tôi thì không thế. Cũng là một gã “con trai của mạ” xứ Huế thơ mộng, tộng bộng hai đầu, đang lên lão nhưng lại mơ đi thăm lại thế giới của mình. Thế giới nhỏ bé riêng của tôi bắt đầu từ ngôi chùa làng đổ nát và bà mẹ quê trên Quê Mẹ. Đời tha hương của tôi bắt đầu từ thành phố Baton Rouge. Hình ảnh “Cây Gậy Đỏ” mang bóng dáng của ông Tây Nhà Đèn hơn là chú Sam Cao Bồi Texas xứ Mỹ.
Ba mươi năm chưa về thăm lại Baton Rouge, tôi không còn nhớ thành phố đầu tiên cưu mang gia đình tôi trên đất Mỹ giờ như thế nào. Ngày ấy, từ trại tạm cư Bataan, Phi Luật Tân, chúng tôi đến Mỹ theo diện “đầu trọc”; nghĩa là không có ai quen biết hay bà con thân thích đón nhận giúp đỡ bước đầu. May được Hội Chiến Sĩ Baton Rouge nhận bảo trợ. Ba mươi năm trước, gia đình tôi đặt chân xuống xứ Baton Rouge lạ hoắc vào một đêm tối trời mùa Thu. Gia đình các anh chị trong hội Chiến Sĩ đến đón tận phi trường. Từ bác Nguyễn Văn Chuân, các anh Lê Bá Khiếu, Trần Huệ, Vũ Quốc Công đến các bạn Nguyễn Văn Hạnh, Trần Bé, Cáp Côi… là những cựu chiến sĩ cấp tướng, cấp tá, cấp úy, cấp sỹ vang bóng một thời; sau cuộc đao binh, nay làm từ thiện. Khi ngồi viết những dòng nầy trên American Airline từ Sacramento về Baton Rouge, nhắc đến cảnh cũ, người xưa  tôi bỗng cảm thấy bâng khuâng với nỗi buồn lay lắt khi đếm lại các anh chị trong Hội Chiến Sĩ Baton Rouge đã ra đi gần một nửa.  Ai cũng biết “nhân sinh tự cổ thùy vô tử” nhưng vẫn tự hỏi, đời gặp nhau có mấy lần vui và sẽ được mấy lần còn gặp lại. Nên càng già, nếu gặp được nhau thì phải đừng giận, bớt trách, ít cãi, thêm khen, lắng nghe, đừng chê và tìm đến nhau với cái tâm buông xả.
Trong các công hạnh đơn giản mà sâu dày và khó thực hiện cho vẹn toàn nhất là hạnh buông xả. Hành giả Phật giáo lấy tâm buông xả làm công hạnh hàng đầu. Buông xả là không chấp thủ, không nắm giữ. Không nắm giữ tiền tài, danh lợi, vật chất  khó nhưng mà dễ vạn lần hơn buông bỏ những ý nghĩ đã chồng chất thành núi, thành đồi, thành vết sẹo trong tâm mà người ta thường gọi là định kiến, là cố chấp, là chấp trước. Đây chính là thủ phạm gây nên phiền não và đau khổ. Vũ trụ và con người thì thay đổi từng nháy mắt mà người ta thì cứ khư khư nắm giữ mãi cái nhìn, cái nghĩ về một đối tượng sự việc hay con người nào đó từ ba bốn mươi năm trước. Người ta lôi những bóng ma đã lụi tàn trong quá khứ và đuổi bắt những bóng quái ảo ảnh của tương lai mà quên mất hiện tại. Người ta ngỡ mình đang đánh đấm tơi bời một “đối thủ” – hoang tưởng –mà mình cho là gian ác, là kẻ thù nào đó hay ca tụng hết lời một nhân vật quá vãng mình cho là kiệt hiệt anh hùng, nhưng thật ra là đang mò trăng đáy giếng! 

Bởi vậy, trong Lục Độ Ba La Mật của đạo Phật thì hạnh Bố Thí đứng đầu. Bố thí không chỉ là cho mà còn là buông xả. Tay cho mà tâm không cầu; cúng dường mà lòng không mong đợi mảy may một  hạt bụi khen chê. Buông xả là cánh cửa đầu tiên không khóa, không cài để bước vào các hạnh khác. Không buông xả thì tâm chưa sẵn sàng bố thí. Nhích bước đi đâu mà khỏi bị vướng víu khi lối về lại với chính mình vẫn còn cửa đóng then gài.
Trẻ khôn qua, già lú lại”, cổ nhân Việt Nam đã từng ngắm nhìn và suy nghĩ đến bạc đầu khi nói lên hình ảnh trung thực mà xót xa nầy. Cũng đành buông tay trước dòng chảy một chiều “sớm như tơ mà tối đã như sương” của thời gian thôi! Tôi đang quên dần tên những con đường đã đi qua và tên những người bạn đã gặp. Không buồn, không vui trước sự mất còn; không vất đi oan uổng, không níu lại tiếc thương mới mong học được bài vở lòng của hạnh buông xả. John Milton tin có một Thiên Đường nên đã dày công đến mù mắt soạn nên thiên anh hùng ca Thiên Đường Đã Mất – Paradise Lost – trong khi mất hay còn cũng chỉ là một không hai đối với người thực hành hạnh buông xả.

Hôm nay, về lại thành phố ba mươi năm trước, với cái tâm cố hướng tới nhưng vẫn còn quá nhiều vướng mắc, mong học chút hương hoa về hạnh buông xả, tôi đi lặng lẽ như một chiếc lá rơi trên đường vắng đang vào Thu. Chẳng mong, chẳng cầu, chẳng đợi; không lấy, không cho… Tôi chỉ muốn tìm lại chính mình. Chuyến đi mở đầu như một cuộc hành hương tâm lý. Những dòng nhật ký tiếp theo sẽ ghi lại những gì tôi sẽ gặp trên đường hành hương vạn lý mà thật ra muôn kiếp cũng chỉ là sự lập đi lập lại tấm thân nầy. Nếu không tìm ra một lối bứt phá hay một ngã rẽ thuận dòng thì giờ đây cũng sẽ là mãi mãi. Về đâu theo lối mòn đơn điệu. Về đâu mà cứ trôi lăn hoài. Dừng chân ở chốn nào đây hay long đong bước dài thêm mỏi nản.

Trần Kiêm Đoàn
Baton Rouge, 28-7- 2011
Chùa Tam Bảo
Baton Rouge, LOUISIANA 7-2011
------------------------------------------------------
 Nhật ký hành hương 2 :
Đêm nghe tiếng chuông chùa Tam Bảo

Monday, July 25, 2011

TRẦN VĂN SƠN * Lời Thề Sát Thát.

 
Người xưa cuối đời
Rửa tay gác kiếm
Lên non ẩn dật
Thong dong bầu rượu túi thơ
Ngày bày ván cờ
Phá thế trận hỗn mang
Đêm nằm tréo cẳng
Nhìn trời
Ngâm thơ vịnh nguyệt
 
Ta sinh thời mạt vận
Học không thông vần quốc ngữ
Đọc hoài chưa hiểu sách thánh hiền
Câu thất phu hữu trách
Tuổi trẻ ta
Ăn chưa no lo chưa đủ
Mẹ cha còn đùm bọc áo cơm
Đã phải lao đầu vào cuộc chiến tranh
Xông pha trận mạc
Bạn bè ta
Đứa mất tích Tết Mậu Thân
Thằng vùi thây Mùa Hè Đỏ Lửa
 
May mà ta sống sót trở về
Mang trái tim Trường Sơn rướm máu
Để ta còn nhìn thấy ngày ba mươi tháng tư
Bầy thú dữ về thành
Nhốt người trong chuồng nuôi súc vật
Tuổi trẻ ta
Bị dìm xuống tận cùng địa ngục
Hoàng Liên Sơn
Nam
Gia Trung
Bùi Gia Mập
Hàng trăm trại tù khổ sai
Hàng vạn nấm mồ vô chủ
Bạn bè ta
Nằm xuống
Khí uất xông lên
Mịt mờ trời đất
 
Ta nay cuối đời
Bẻ súng xa quê
Lưu lạc năm châu bốn bể
Ngày còng lưng may vá nuôi con
Kiếm từng xu bạc lẻ
Sức kiệt thân tàn
Đêm trằn trọc năm canh
Vọng lời thề   SÁT  THÁT
Đầu óc trăm ngàn mủi kim châm
Loạn tâm
loạn trí
 
Hận ta là kẻ bất tài
Không như Ức Trai Nguyễn Trãi
Truyền hịch Bình Ngô Đại cáo
Hận ta là kẻ bất tài
Không như vua Thần Thánh Tông
Mở hội nghị Diên Hồng
Luận bàn việc nước
Đồng lực
Đồng tâm
Đáng đuổi ngoại xăm
Bão vệ giang sơn tổ quốc
 
Thôi ta đành tập tễnh văn chương
Viết lời thơ chính khí

Trần  Văn  Sơn
7/2011

Wednesday, July 20, 2011

TRẦN THIỆN HIỆP * Bài Thơ Của Người Bị Bịt Miệng

tranh Hà Cẩm Tâm
 
Bị bịt miệng, tôi làm thơ:
Từ đỉnh Ải Vân nhìn ra Đông Hải
Nơi có Trường sa, Hoàng sa
Quần đảo của nước nhà
Nơi Cộng Sản Bắc Kinh đang mưu đồ xâm chiếm
Gây sục sôi hơn tám mươi triệu tấm lòng
Già trẻ, gái trai vươn vai Phù Đổng
Suốt chiều dài đất nước Bắc-Trung-Nam
Chống lũ cướp bá quyền Hán tộc

Saigon-Hà Nội trào dâng cơn lốc
Người yêu nước đứng dậy xuống đường
Bất chấp đàn áp, bắt giam
Việt Nam! Việt Nam!
Hào hùng từng trang lịch sử
Tiền nhân đuổi giặc phương Bắc tham tàn
Hoàng Sa, Trường Sa máu xương đất Việt
Lãnh hải kiên cường bất diệt
Dân ta ngàn lần không chịu nhục
Sao Bắc bộ phủ im tiếng cúi đầu
Như chư hầu thần phục Bắc Kinh
Loại đồng chí này còn đâu tình nghĩa
Hà cớ gì gọi dạ bảo vâng
16 chữ vàng răng môi xảo trá
Vận nước đang hồi nghiêng ngả
Thay vì đốt lửa Diên Hồng đuổi giặc
Lại ra tay trấn áp biểu tình
Đảng độc tài không đếm xỉa nhục vinh
Coi Tổ Quốc, toàn dân như bèo bọt

Tôi theo đoàn biểu tình
Tập họp quanh khu tượng đài vua Lý
Sáng Hồ Gươm nắng tháng 6 chan hòa
Từng gương mặt trẻ, già
Hiện rõ lòng thiết tha yêu nước
Tay nắm tay cùng cất bước
Cùng hô vang:
Hoàng Sa, Trường Sa quần đảo của ta”
Tôi xúc động bật trào nước mắt

Rồi Chúa nhật tuần kế tiếp
Trời Saigon rạng rở nắng ban mai
Các nẽo đường dân chúng nối dài
Vội vàng đến nơi điểm hẹn
Tôi luồn lách tránh công an giả dạng
Đến công viên trước dinh Độc Lập họp đoàn
Dẫu đã già tôi cảm thấy hân hoan
Chia thông cảm với người không quen biết
Người yêu nước trẻ, già đều tha thiết
Một quốc gia hùng mạnh, tự do
Một tương lai tiến bộ, ấm no
Không bịt miệng, còng tay kẻ nói lên sự thật

Giang sơn này Tổ Tiên để lại
Kẻ hậu sinh phải gìn giữ vun bồi
Bằng kiên cường, xương máu, mồ hôi
Không để mất sông, mất biển
Mất núi, mất rừng
Luôn đoàn kết, sát cánh chung lưng
Mỗi tấc đất thấm máu đào tiền nhân dựng nước
Giống Lạc Hồng truyền đời học được
Lịch sử kiêu hùng tên gọi Việt Nam

Trần Thiện Hiệp
Quê nhà mùa hạ 2011


Tuesday, July 19, 2011

giới thiệu sách: tuyển tập thơ tường linh.

Nhà thơ Tường Linh vừa hoàn tất việc ấn loát "Thơ Tường Linh tuyển tập" vào hạ tuần tháng 7-2011 tại Saigon. Tập thơ được Nhà xuất bản Văn Học (Hà Nội) duyệt và cấp Quyết định cho ấn hành. Đây là tuyển tập cả đời thơ - ngót 60 năm cầm bút của TL do chính tác giả tự tuyển trong số hơn nghìn bài thơ của anh.

Tuyển tập thơ này dày 672 trang, gồm 396 bài và may mắn là không bị duyệt bỏ một bài hay một chữ nào. Hiện nay, nhà thơ đã 81 tuổi và chắc chắn "Thơ Tường Linh tuyển tập" là tác phẩm thi ca cuối cùng của anh, sau:
- Thơ Tập Làm Thuở Nhỏ [in thạch bản, Tam Kỳ 1950] – Mùa Di [in thạch bản, Bồng Sơn 1953] – Mùa Hoa Cải [Huế 1955] – Mây Cố Quận [nxb Tao Đàn, Saigon 1962] – Nghìn Khuya [ nxb Tao Đàn, Saigon 1965] – Thu Ơi Từ Đó [ nxb Tao Đàn, Saigon 1972] – Giọt Cổ Cầm [nxb Đà Nẳng 1998] – Về Hỏi Lại [nxb Đà Nẳng 2001].

Được biết, vì tài chính eo hẹp, nhà thơ Tường Linh chỉ in được một số lượng sách hạn chế nên anh không gửi bán rộng khắp qua hệ thống phát hành của các nhà sách. Muốn mua tuyển tập thơ “đồ sộ” này bạn đọc và các thân hữu gần xa có thể liên hệ với tác giả qua địa chỉ:

Ông Nguyễn Linh
72/6 Bạch Đằng (Phường 24) Quận Bình Thạnh - Saigon - Việt Nam
Tel: (08) 35112490

Nhận sách tại nhà riêng, dù mua hay tặng, trang đầu sách đều có chữ ký và triện son của tác giả Tường Linh.

Phan Bá Thụy Dương
Sau đây người viết xin giới thiệu trước một số bài tiêu biểu trong "Thơ Tường Linh tuyển tập".


Trường Xuân Tứ Tuyệt
 Nam quốc sơn hà Nam đế cư
 Lý Thường Kiệt 

Cả Tống triều run
Trước một bài tứ tuyệt
Thơ đắp lửa phòng tuyết sông Như Nguyệt
Vun cao sức cháy hoả thành
Nam quốc sơn hà” vòi vọi
Ba vần thơm ngát sử xanh

Người đã viết bốn câu trên giấy
Hay trên lá cờ, đốc kiếm, thanh tre…
Thì lực bút cũng chuyển thành sấm dậy
Mọi vùng đất trời, sông biển đều nghe

Người đã viết bôn câu bằng tiếng máu
Bằng hành khúc quân dân hợp tấu
Nung lửa quyết sinh lên ngọn biếc
Thành thơ
Lưỡi thép hùng văn
Dũng mãnh vô bờ !
Giặc cường bạo phải vứt cờ, xếp giáo
Tiếng thơ ngân dài phương cảo
Dài theo tuổi nước trường tồn
Mỗi nét sử hồng máu rực nét son
Tổ quốc trường xuân bài tứ tuyệt !
                                   
Mưa Hải Vân

Trở về thăm Huế xưa đây
Mùa thơ lỗi hẹn chiều mây Ngự Bình
Hành trang của chuyến hành trình
Vuông khăn ký ức gói tình mang theo
Sông Hàn tiễn. Gió sông reo
Xe tầm tã vượt mưa đèo Hải Vân
Gió xoay sóng biển thêm tầng
Rèm thương phía Huế hỏi phần ai buông ?
Hỏi mưa khó giải ngọn nguồn
Hỏi lòng ngại chạm vết buồn không tên
Mưa nhoà đỉnh dốc xe lên
Quán đèo thả khói lan nền chiều nghiêng
Chênh vênh suối toả băng triền
Tình phương ẩn tích vọng miền nhớ nhung
Mây đùn lợp kín không trung
Rừng run tiếp biển mịt mùng. Vẫn mưa…
                       
Hạt mưa

Chiêm bao tôi thấy
đời mình là hạt mưa
hạt mưa đơn côi
rơi hoài chưa tới đất

Hạt mưa rơi giữa vòm trời đang nắng
đất dậy hương mùa
bởi mai đầu xuân
sen giữa hạ
những đàn chim quen, chim lạ
bay ngược chiều, khác hướng thiên di

Giọt mưa lẻ loi
rơi hoài chưa tới đất
rơi mà như treo

Một dải ngân hà
lớp lớp phù vân
kia biển
nọ rừng…
những vật thể mông mênh như không có thật
giọt mưa chỉ dừng
khi mặt đất hiện vài tích tắc
cái dấu chấm hết tròn nhoè.

Sóng

Mãi mãi vỗ bờ
Đợt sau ùn đợt trước
Tiếng trùng dương đơn sơ

Rì rào cuồng điệu biển
Mong vô cùng dấu lặng rớt hồn ta
Mong vô cùng từ hướng mịt mù xa
Khoảnh khắc gió ngừng xôn xao biển sóng

Biển chiều tím
Biển càng cao sức vọng
Hoài công mong tiếng đáp bãi bờ
Vô tình len một ý thơ
Nói với sóng, với hồn ta trước biển
Cái đơn điệu bỗng gợi niềm xao xuyến
Thơ bâng khuâng
Sóng cắt tả tơi chiều.

Đẹp xưa

Em thuở ấy là hồng nhan tri kỷ
Không phải với ta mà với thơ ta
Chẳng hề có “sông Ngân” nào ngăn cách
Em cứ là chiếc bóng vạn trùng xa

Những phương danh thường là Hương, là Tuyết,
Cũng là Vân hay Thảo… rất diễm kiều
Ta chắc thế, dù không hề hạnh kiến
Cái Đẹp tìm cái Đẹp nối tin yêu

Trăng độc hành luôn cùng ta thao thức
Dòm qua song gác hàn sĩ đòi thơ
Và ngầm mách em cũng lừa giấc ngủ
Ngồi chong đèn đối cảm những dòng mơ…

Lưu nỗi nhớ không tên vào cõi nhớ
Một đời thơ đến với những đời người
Hãy thoả nguyện cả hai bờ viễn cách
Chân dung tình trẻ mãi tuổi đôi mươi.
( Trích “Thơ Tường Linh tuyển tập” )