văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, October 10, 2013

Hà Thúc Sinh * Dưa Cà Mắm Muối

Ông bà đi một tháng thăm mấy cậu dì học xa. Kinh nghiệm những lần trước nhà thiếu bà như quân thiếu tướng, bừa bãi chồng lên nhau một tí, bẩn quệt lên nhau một tí, không lâu trong nhà ngoài vườn thừa điều kiện đón bà về bằng nỗi bàng hoàng. Lần này bà dặn vợ chàng, "Mẹ đi cuối tuần chị chịu khó ghé xem trong ngoài hộ mẹ." Cậu em cười, Chưa chi mẹ lo cái vườn đấy." Bà gắt, "Liệu mà lo cơm nước cho bà cố." Chàng bảo vợ, "Dưới vòm trời đâu có mẹ có vườn đó có chút quê hương." Mấy đứa cháu nhỏ bà gom về hết. "Các anh các chị bận đi làm," bà bảo, "hè cứ đem hết về đây cho bà trị." Thằng út chàng nằm trong số gom quân. Dì út nghiễm nhiên xử lý thường vụ chức tư lệnh. Bảng phân công gắn trên tủ lạnh. Lính tráng tuân lệnh răm rắp. Cuối tuần ghé, nó cầm vòi tưới, khoe, "Con phải làm thôi. Thằng Khôi to con lo cắt cỏ. Cái Vân tưới dối, chết cây bà." Chàng hỏi, "Thế tưới sao mới thật?" Nó bảo, "Thọc hết ngón tay xuống vẫn ướt mới đủ." Vợ chàng nói, "Bà bảo không sai. Thằng này tóc quăn, sau lại khổ." Chàng nói, "Cỡ bố nó là cùng." Vợ chàng cười, "Tóc anh hết quăn rồi." Chàng thở ra, "Hói còn quăn vào đâu!"

Tưới đều thế mà mấy gốc dưa gang, nhất là mấy luống cà bát cà pháo chưa ra hoa. Bà cố ra vườn bảo, "Năm nay dám mất mùa cà. Giờ chưa ra hoa mát trời sợ hỏng." Chàng nói, "Chắc do thời khí, hai năm trước cũng vậy đó bà." Bà cố hỏi, "Thế hai năm trước cũng mất mùa à? Bà chẳng nhớ đâu đấy." Chàng chỉ con, cười, "Quên gì bà hỏi thằng này. Nó nhớ dai lắm. Mê món cà bung nó nhớ hết." Bà cố quay vào, lẩm bẩm, "Té ra ở Mỹ đáng quên là con gà đáng nhớ là quả cà, lạ đấy nhỉ!"

Chàng nói với cậu em sắp lấy vợ đang ngồi sang lại mớ băng chuột mèo, "Nhớ lấy, mai mốt bảo mợ ấy trồng cà." Cậu em cười tít mắt dúi mũi vào máy. Chàng nghĩ cậu này sẽ không nhớ chuyện cà nhưng rồi cũng khổ. Cậu đang cố lưu giữ loại hoạt hoạ nay không còn trình chiếu phổ thông, ý để cho lũ con tương lai hưởng được tiếng cười thời các cháu cậu đã hưởng. Vợ chàng cự nự, "Cậu ấm ớ." Chàng không can thiệp nhưng nghĩ đàn bà không hiểu với đàn ông dĩ vãng chẳng riêng đẹp còn cần. Cậu em đang sốt sắng giữ một dĩ vãng gần. Thế hệ chàng nôn nả với dĩ vãng xa.

&

Xưa còn sống mẹ chàng hay ăn cơm với trám muối, nhất là dưa muối xổi. Cha chàng lại thích cà. Quanh năm nhà có những vại cà nén. Mỗi khi gắp miếng cà lên cụ thường bảo, "Trong như miếng hổ phách thế này mới ngon." Trải bao loạn lạc, bồng bế nhau vào Nam, ê răng, cụ thôi ăn cà nén xoay sang ăn cà pháo ngâm tương. Cụ thường muối lấy, ngâm lấy; và khi gắp quả cà lên vẫn lời xưa ý cũ: "Trong như miếng hổ phách thế này mới ngon." Mấy chú mấy cô sau lập gia đình ở riêng, thấy cũng muối cũng ngâm cà kiểu ấy, nói câu ấy.

Ở Mỹ có đủ thứ nhưng đâu phải nhất nhất tìm ra miếng hổ phách để giải thích cho lũ trẻ miếng cà ngon phải như thế nào. Vả giải thích ích gì khi chúng nhai dưa chuột muối rau ráu, chép miệng chơi cũng hết lọ ô-liu, có khuyến khích nhai thử quả cà chỉ ngao ngán đưa nhận xét "vừa dai vừa chẳng mùi vị gì bố ạ." Chàng kiên nhẫn bảo, "Cà Thái đóng lọ nó thế. Phải trong như..." Mới đây vợ chàng bật cười cắt ngang, "Cuối tuần này chắc khỏi về bà." Chàng hỏi, "Sao thế?" Nàng đáp, "Kẹt chị Kim hẹn đem nhẫn lên cho xem. Năm ly thôi. Em phải lo trước. Cứ để cậu ấy loay hoay phút cuối thiếu nhẫn cô dâu thì chết." Chàng nhớ đến bà bạn già vui tính. "Từ San Diego lên à?" Chàng hỏi. "Dặn chị ấy đi xa đừng mang nhiều món, cướp bóc như rươi." Như chưa thoát khỏi từ trường mấy chiếc nhẫn, vợ chàng kể, "Kỳ trước em xuống chị ấy cho xem toàn hột nước trắng, dầu hoả thích hơn." Chàng cười, "Cứ nước này nước nọ, chẳng hiểu gì." Vợ chàng dấm dẳng, "Đàn ông!" Đứa lớn như từ lâu đợi bố lọt ổ phục kích, cười chen, "Kim cương với bố như cà với con, cứ hổ phách hổ phách con cũng chẳng hiểu gì."

Khi không chàng buồn hụt hẫng.

Đầu tháng chín ông bà về tới. Mấy đứa bé như có chỗ trút một gánh nặng. TV thoải mái, game thoải mái. Dì út tíu tít khoe thành quả tề gia nội trợ. Cậu em tạm rời giàn máy hát, nằm võng sau nhà nghiền ngẫm quyển "Yêu Con Như Một Người Cha Lớn" của một tác giả Á châu nào đó. Bà cố vẫn thủng thẳng ra vào, độc thoại, "Ở thì nhớ mồ mả, về thì nhớ cháu con, chẳng biết định sao nữa." Ông thì trở lại với những giáo trình soạn dở. Chỉ bà xắn tay lao tiếp vào những công việc quen thuộc mà giá có thọ trăm tuổi tưởng vẫn thiếu thì giờ hoàn tất. Thấy vợ chồng chàng lên, bà hỏi, "Sao dạo này anh gầy thế?" Chàng tính đáp "con mất ngủ quá" nhưng vợ chàng đã nhanh nhẩu đáp, "Có chịu ăn đâu mẹ. Gàn lắm. Cứ bảo gốc nông dân, toàn mơ cua đồng mồng tơi rau đay mướp hương và cà... và phải trong như miếng hổ phách cơ!" Bà nhìn vườn cười bảo, "Thoại được việc, hy vọng có ít quả ăn ghém."

Rồi cả nhà rộ lên chuyện cô dâu chú rể trong mâm cơm rôm rả tiếng cười. Chàng ăn xong ra vườn đứng hút thuốc. Gió như bước chân mùa thu khẽ tới. Hoa lá co cụm lời thủ thỉ vĩnh biệt nhau. Chàng không biết chia với ai mối lo xương thịt. Mấy ngày trước điện thoại về Việt Nam chàng hay tin cụ vào bệnh viện. Chú em trấn an, "Cậu vẫn gắt, nói nhạt miệng thèm cơm cà, vậy vẫn khoẻ anh cứ yên tâm." Chàng tính nhắc "quả cà bằng ba chén thuốc" nhưng lan man chuyện khác, quên mất. Nhớ tuần trước nữa được nói chuyện với cụ, chàng nói sẽ về thăm, cụ lặng giây lâu, giọng thều thào, "Nghe nói lại phải xin xỏ, cam kết, quỵ luỵ..." Cụ ngừng, còn chàng thì bâng khuâng mãi. Phải đó là thứ sau cùng ở mỗi người cha mà thời gian không thể làm tiều tuỵ?

Trời trùng hẳn. Gió thổi mây xoắn xít. Và lòng chàng cũng xoắn xít một nỗi thương nhớ lộn màu thấm thía lo âu.

Nhớ hôm ấy chàng về tới nhà đã chạng vạng. Mấy đứa lớn hết hè trở lại các trường phương xa từ tuần trước. Vợ chàng và thằng út nán lại nhà ông bà bàn thêm chuyện cưới hỏi.

Chàng đứng ngoài ban-công nghe tiếng quạ kêu trên mấy ngọn cọ, bất ổn. Mai mình sẽ hỏi một hãng du lịch xem sao, mua vé về tưới chuyện gì hậu xét. Tưới cho mấy chậu ớt ít nước chàng mới mở cửa. Đang khi loay hoay xỏ chìa khoá chàng thấy trên cửa gắn miếng giấy nhỏ. Miếng giấy mang chữ ký người anh họ viết vội: "Gọi mãi không ai bắt phone. Anh chị đến cũng không gặp. Báo chú biết cậu mất rồi."

Khi không chàng không biết mình đang đứng bên mặt nào của cánh cửa; hồn tênh hênh, nhẹ hẫng, trong như miếng hổ phách. Cũng khá lâu chàng thấy bầu trời nhá nhem thoắt đổi thành màu hoa cà mênh mang, rười rượi, trễ tràng. Chàng bấm ba lần mới gọi trúng số nhà cha mẹ vợ.

Chín giờ sáng hôm sau chàng mới choàng dậy, ngửi thấy mùi hương nến phòng ngoài, lòng hoang mang không hiểu sao lại có thứ giấc ngủ bất nhân. Tối qua quên chàng đâu uống thuốc. Nắng lách màn gió đặt một dải tang trên bàn.

Con chàng khẽ mở cửa, mắt bối rối, một lát nói nhỏ:

"Mẹ đi mua hoa. Ông bà gọi lúc bố còn ngủ. Tối qua bà bảo bói mãi mới được mấy quả, đem hết về cho bố. Bói là gì bố?"

Chàng cay mắt nhìn con, bất giác thấy có gì xông lên mũi, hăng hăng, mặn mòi, tựa mùi dưa cà mắm muối.