văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, November 22, 2018

* NGUYỄN AN BÌNH ** XÓM TRỌ

@ Nguyễn văn Bảy
                                                           
      Lão Cụt bước những bước chân chậm rải về phía quán cô Tư Bông, đằng sau lão là con Còi chạy lẳng quẳng theo chân lão, lâu lâu nó kêu lên ư ử như ngầm báo cho ông chủ biết tôi đây ông chủ, tôi đang theo sau ông chủ đấy nhé. Tôi sẽ luôn bảo vệ ông, ông đừng lo ông chủ nhé. Lão Cụt chừng như hiểu ý quay lại nheo mắt nhìn nó như muốn nói khổ lắm nói mãi. Đến cửa quán cô Tư Bông, tần ngần một chút lão mở lời trước:

-  Cô Tư ơi, bán cho tôi mấy món đồ nhé.
Tư Bông xởi lởi:
-  Gì thế lão Cụt, hôm nay lại thiếu nữa à?
Mặt lão Cụt làm ra vẻ nhăn nhó trông thật thảm nảo:
-  Đôi khi khó khăn một chút thôi mà. Cô thấy có bao giờ tôi thiếu quán cô lâu không? Làm khó nhau chị vậy cô Tư.
-  Đành rằng vậy. Nhưng trong xóm trọ nầy ai cũng thiếu cả lấy vốn đâu tui mua hàng bán chứ lão? Hôm qua sửa xe gặp chuyện gì sao?
Lão Cụt xua tay:
         -  Không có chuyện gì đâu cô Tư ơi. Ông trời lúc nầy kỳ quá hè, lúc mưa lúc nắng,  hôm qua trời mưa mấy chập, xe cộ chạy qua chạy lại mà không thấy ma nào bể vỏ hư xe, chỉ có mấy đứa học trò dừng lại bơm ruột, có mấy nghìn bạc nhằm nhò gi. Tôi lại bị khớp đau chân nó hành chịu không nổi nên cuốn gói về sớm, mất toi hết một ngày công. Kiểu nầy lâu ngày biết lấy gì mà sống đây không biết.
        Cô Tư Bông làm ra vẻ thông cảm:
        - Ối giời! Trời sanh voi sanh cỏ mà, lão khéo lo bò trắng răng. Hôm nay ế ẩm ngày mai biết không chừng tự dưng ngang qua ông vỏ bể lốp xẹp người ta đưa xe vô sửa nườm nượp thì sao? Nói vậy thôi chứ lão muốn lấy cái gì thì lấy đi nhá.
Lão Cụt nhờ cô lấy mấy thứ thật cần thiết cho cuộc sống hằng ngày như vài kí gạo, mấy con khô và dăm cái trứng vịt, chai nước mắm, vài ngàn mở nước và không quên nói với cô Tư chủ quán đong cho mình một lít rượu đế, Tư Bông bỏ tất cả vào trong cái túi xách nhựa đưa cho lão. Lão Cụt cầm lấy quay đi, vừa đi vừa quay mặt lại nói:
-   Nhớ ghi sổ nhé cô Tư. 
-   Biết rồi, lão về đi, uống vừa vừa thôi cảm gió không ai hay chết bất đắc kỳ tử đó nghe lão Cụt.
Lão Cụt nhăn mặt nói một câu y chang như nói với con Còi:
-  Biết rồi khổ lắm nói mãi.
  Nhìn cái dáng liêu xiêu lão đi về phòng trọ Tư Bông thở dài. Từ ngày có mấy dãy nhà trọ đến nay có lẽ lão Cụt là người khách trọ đầu tiên có kỷ lục ở lâu nhất, có thể nói thâm căn cố đế ở xóm ngụ cư nầy. Nói là xóm nhà trọ cho văn vẻ vậy thôi chứ thật ra gọi là khu chòm mả thì đúng hơn bởi vì xóm nhà trọ của Tư Bông trước kia chỉ là vũng lầy cỏ mọc um tùm của khu chòm mả không người ở, vợ chồng Tư Bông dành dụm tiền từng bước san lấp cất được mấy dãy phòng trọ cho dân lao động thuê với giá rẻ, rồi mở quán tạp hóa nhỏ bán mấy thứ linh tinh, lặt vặt phục vụ nhu cầu sinh hoạt của dân ngụ cư không được nhiều tiền nầy cũng tạm ổn.  Không vợ không con lão Cụt sống thui thủi với con chó Còi mà lão lượm được ở đâu đó trong một ngày vá xe ở góc đường ngoài phố. Cuộc đời của lão cũng bi thảm lắm. Vợ lão mắc bệnh ung thư vú, phấu thuật cắt một bên vú rồi nhưng phát hiện trể nên nó di căn tùm lum, tiền bạc tốn kém không ít, hết tiền hết bạc thì vợ lão cũng ra đi. Nỗi buồn vợ chết chưa nguôi thì tai họa lại ập đến với thằng con trai lão. Một hôm nó đi làm hồ trượt chân té từ giàn giáo cao xuống chấn thương sọ nảo chết không kịp nói với lão câu nào. Lão như điên như khùng rồi bỏ quê ra đi thề đến chết cũng không trở về cái nơi đã gây cho lão qua nhiều đau khổ bất hạnh, về làm gì kia chứ, còn ai nữa để mà về?. Lão lang thang làm thuê bất cứ điều gì người ta mướn, có tiền bao nhiêu đều cúng cô hồn vào men rượu hết cho vơi đi  nỗi buồn, sự cô độc ăn sâu trong lòng lão. Một bửa uống say quắc cần câu nằm tênh hênh ở hiên nhà bất tỉnh nhân sự, may người ta hay kịp cạo gió, giật tóc mai, xoa dầu túa xua, nếu không lão đã theo ông bà ông vãi từ lâu rồi. Sau trận thừa chết thiếu sống đó lão đâm ra sợ rượu một thời gian rồi chứng nào tật nấy không bỏ được. Sức khỏe không cho phép lão làm những công việc nặng nhọc nữa, lão đành  sắm bộ đồ nghề ra vá sửa xe ở góc đường nhà văn hóa thiếu nhi kiếm sống lây lất qua ngày, nhờ trời cũng không đến nổi chết đói. Có ai biết lão tên gì đâu nên người ta đặt cho lão cái tên Cụt vậy, vì lão đã cụt đường rồi, quê đâu mà về không phải sao?còn chó Còi nó ốm nhom ốm nhách ra không gọi nó là Còi thì gọi là gì?
     Lão Cụt vừa đi khuất thì côTư Bông lại bắt gặp cặp mắt hấp háy của con Đẹp, cái nhìn chom hom của thằng Tốt con mụ Thung ở góc quán. Mẹ con mụ Thung cũng mới phiêu dạt đến xóm ngụ cư nầy chừng năm chứ mấy, cả ba mẹ con suốt ngày lang thang ngoài đường bán vé số nuôi thân, mà cái nghề bán vé số coi bộ cũng bạc bẻo lắm, đi bán quanh năm suốt tháng cũng chẳng thấy dư một đồng nào, tiền nhà tháng nào cũng trể tới trể luôn nhưng tánh tình cũng không đến nổi nào nếu không cô cững tìm cách tống khứ đi từ lâu rồi cũng nên, Tư Bông giả vờ tằng hắng như ngầm bảo tao đã thấy hai đứa bây rồi đấy nhé rồi cô lên tiếng:
-   Gì đó hai đứa? có chuyện gì muốn nói với Tư à? Giờ nầy sao bây chưa đi bán vậy?
  Con Đẹp lanh chanh:
-   Định cho Tư xem cái nầy.
-    Cái gì vậy?
  Con Đẹp chìa cái kính đeo mắt ra:
-   Cho Tư cái nầy?
-   Cái kính à? của ai thế? Hai đứa kiếm ở đâu vậy, Lại ăn trộm nữa chứ gì?
 Con Đẹp phụng phịu:
-   Tư lại nghĩ xấu hai đứa con rồi, con lượm đó mà.
Thằng Tốt vọt miệng nói lia:
-   Chỉ chôm của người ta đó Tư ơi.
    Nhớ lại lần đầu tiên nghe mấy đứa nhỏ gọi mình là Tư ơi Tư à  làm Tư Bông thấy tức cười. Lúc mới dọn đến ở trọ mụ Thung sai con nhỏ qua mua mấy gói mì, nó nói:
-   Tư ơi! Bán cho mẹ con mấy gói mì đi Tư.
Đang sẳn giận lão Tư về vụ đi mua hàng lộn tới lộn lui mắc công đi trả lại người ta tốn thì giờ. Ai đời đâu kêu mua nước mắm lại mua nước tương, kêu mua khăn giấy lại đi mua giấy vệ sinh, đầu óc của lão Tư lúc nầy cũng ba lơn hết chổ nói, lại gặp con nhỏ lóc chóc nầy kêu Tư ơi Tư hởi, Tư Bông sựng cồ lên ngay:
-   Nè nhỏ! Bây gọi ai là Tư nầy Tư kia hả? Tao cái gì đi nữa cũng hơn tuổi má của tụi bây, bộ bây không biết phép tắc kẻ trên người dưới thế nào hả?
   Con bé cười lỏn lẻn:
-   Tại con quen xưng hô như ở quê rồi Tư ơi.
-   Ở quê bây xưng hô ra sao?
-   Con nghe con Đèo nó gọi dì Út nó là Út ơi Út hỡi , thằng Đậu kêu cô Tám nó là Tám trống không trống lốc, đâu thấy dì Út cô Tám tụi nó giận hờn, bắt bẻ gì đâu, còn mua bánh cho tụi nó ăn nữa kia. Con kêu Cô Tư là Tư ơi Tư hỡi giống như con Đèo, thằng Đậu gọi dì Út, cô Tám tụi nó vậy mà, có sao đâu, Tư đừng giận nghe.
  Nghe lời lí sự cùn của con Đẹp cũng ngộ ngộ, Tư Bông bật cười dịu giọng:
-   Ai thèm chấp nhất gì bọn trẻ con chúng bây, tụi bây nói coi chừng có móc lưỡi câu ngoắc qua ngoắc lại là biết tay tao đó.
   Vậy là mặc nhiên giữa cô và hai đứa trẻ con nhà mụ Thung có một hợp đồng bất thành văn trong cách xưng hô như vậy cho tới bây giờ.
   Nghe thằng Tốt nói, Tư Bông nghiêm nét mặt nhìn con Đẹp:
-   Tư đã nói với bây bao nhiêu lần, nghèo phải để cho người ta thương, ăn cắp cái đồ vặt vảnh của người ta để làm gì?
 Con Đẹp trả treo:
-   Tại người ta xem thường con trước chứ bộ.
Cô Tư vặn lại:
-   Người ta xem thường bây cái gì kể Tư nghe coi.
Thằng Tốt lại ăn cơm hớt lời chị nó:
-   Tư coi hôm qua chỉ mời ông khách đang ngồi uống cà phê mua vé số, người ta đang đọc báo thời sự gì đó coi bộ chăm chú lắm, không trả lời trả vốn gì, để chiếc kính trên bàn không để ý là chỉ chôm ngay bỏ vào giỏ đó cô.
Con chị quay lại cú vào đầu thằng em một cái rõ to:
-   Xí, mầy biết cái gì mà nói.
Tư Bông bảo con Đẹp:
-   Thôi! Tư biết hết rồi, lỗi tại bây chứ có phải người ta đâu, người ta là khách mà, hôm nay không mua thì hôm khác người ta mua, bộ bây tưởng bán một lần là đứt đuôi con nòng nọc hay sao? Đem trả cho người ta đi.
-   Biết người ta ở đâu mà trả? Sông dài cá lội biệt tăm mà Tư.
-    Chà! Hôm nay xổ văn chương với Tư hả? Bây giỏi lắm mà, thử tìm cách đi con. Tìm không ra để trả lại cho người ta đừng vác bản mặt đền gặp Tư nữa nghe không?
Mặt con Đẹp tiu nghỉu:
-   Ừ! Tư nói con nghe. Trả thì trả, mà nầy Tư ơi!
-   Gì nữa.
-   Tụi con đói quá, đi bán mà chưa có cái gì vô bụng.
-   Tư biết ngay mà. Nè! Tư cho mỗi đứa một chiếc bánh dừa, ăn rồi đi bán, nhớ không có la cà làm chuyện bậy bạ đó nghe.
    Hai chị em mừng quýnh cầm hai chiếc bánh dừa chạy đi sau khi dạ một tiếng thật to. Nhìn theo hai đứa trẻ, Tư Bông thở dài ngao ngán. Cũng tại thằng cha chúng không nên thân, ham cá độ cá điếc làm chi thua cháy túi đến nổi mướn xe ôm chạy lên cầu Mỹ Thuận nhảy xuống sông Tiền tự tử, mà cái cầu nầy có huông hay làm sao đó nghe. Mới khánh thành chưa đầy một tháng đã có người mượn cái phù kiều nầy quá giang về âm phủ rồi năm nào cũng có người nhảy sông tự tử. Bộ thằng chả tưởng có quới nhơn phù hộ hay sao chớ,vớt chả lên cho tiền trả nợ giống như nàng Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường được sư Giác Duyên cứu để hội ngộ với Kim Trọng sau mười lăm năm lưu lạc phong trần, còn lâu mới có chuyện đó nghe. Thời buổi @ chứ bộ trong chuyện cổ tích chắc? Nhẩy một phát là mất tăm ba ngày sau mới nổi lên như thằng chổng à nghe.
     Kế phòng của mẹ con mụ Thung là phòng trọ của ông tiên Lý Thiết Quài. Ông nầy có nhiều điều đáng nói lắm đây. Tên cúng cơm của ông ta là Trọn, Út Trọn. Ông bà ta thường nói giàu út ăn, nghèo út chịu. Út Trọn là con Út trong một gia đình khá giả, có hai người chị đều có gia đình cả, lại là con trai độc nhất trong gia đình nên từ nhỏ được cha mẹ cưng chiều hết mức. Cũng vì thế mà lão ta quậy phá hết cở thợ mộc. Trong một lần trèo lên cây cao chọc phá ổ chim chơi tẻ gảy giò, không biết chữa trị thế nào mà cuối cùng chân đi cà thọt. Lớn lên chút xíu mê đá gà, nhậu nhẹt, khoái phim chưởng, gái gú tiêu hết tài sản gia đình nên có con gái nhà lành nào thèm ưng, nghe nói đến tên Út Trọn là đàn bà con gái sợ chạy mất dép. Ông bà bô buồn rầu lần lượt theo ông bà ông vải qui tiên hết trọi còn lão cũng hết cách sống bán nhà đi lưu linh lưu địa tứ xứ thảm không biết đường đâu mà kể. Xem phim Hồng Kông riết hắn thấy hình dáng mình coi bộ giống tiên ông Lý Thiết Quài trong bộ phim Bát Tiên Đông Du Quá Hải hay sao mà hắn tự vơ cho mình cái tên Lý Thiết Quài để dễ kiếm ăn không biết chừng-  Hắn sắm cho mình cây gậy có cái nghoéo phía trên, dùng dây chỉ đỏ cột trái bầu hồ lô trên đó không biết lão kiếm ở đâu ra, đầu bịt khăn vàng, mặc áo ba túi, tóc tai để bùm xùm cho giống nhân vật trong phim. Hằng ngày lão quanh quẩn ở mấy ngôi chùa trong thành phố, hôm nay chùa nầy mai chùa khác. Khách thập phương thấy lạ tội nghiệp nên cho tiền lão không ít- Có một điều ngộ là Lý Thiết Quài thời @ hiện đại nầy chưa hề chìa tay xin tiền một ai à nghe, ta là tiên ông mà, tại họ cho tiền ta chứ bộ - Có tiền rủng rỉnh lão lại sinh tật mê gái, không biết mấy thằng pê đê bắt tin được từ đâu đeo bám lấy hắn như đỉa đói, kết cục là tiên ông Lý Thiết Quài thường bị lột sạch tiền sau những màn sờ sẩm đầy kịch tính. Cái kim trong bộc lâu ngày cũng lòi ra khi thằng xe ôm đầu xóm mối đưa rước của lão từ chùa nầy sang chùa khác, từ tụ điểm nọ đến tụ điểm kia trong một lần đưa Lý Thiết Quài về nhà trọ, say rượu hắn ta bức xúc nói hoạch tẹt ra hết. Thế là cả xóm biết chuyện lão Lý Thiết Quài bị bọn pê-đê trấn lột bởi cái tội hám gái của lão khiến mấy hôm liền lão xấu hổ không dám ra khỏi phòng, nhưng rồi lão học được cái chữ nơ pa tất tần tật, mình sống cho mình chứ sống cho ai, cóc cần thiên hạ nói gì thì nói.
     Vừa mới nhắc Lý Thiết Quài thì đúng y rằng linh thiêng quá cở thợ mộc. Lý Thiết Quài ở đâu lù đù đi tới, hắn ghé quán Tư Bông mua gói thuốc rồi dợm đi, tới giờ hắn đi kiếm tiền rồi mà. Tư Bông nói dói theo:  
-   Nè ông Lý Thiết Quài, phải biết để dành tiền nghe, kẻo bệnh không có tiền uống thuốc đó.
    Lão sựng lại một chút, bụng bảo dạ con mẹ nầy xí xọn quá, ưa xía vào chuyện của người khác làm gì không biết, hắn rảo bước nhanh nói vọng lại:
-   Cô lo cho lão Tư nhà cô đấy, già mà còn chơi trống bổi đó nghe.
  Tư Bông nghe Lý Thiết Quài nói con tim bỗng nhiên co thắt lại lòng cảm thấy buồn hiu buồn hắt. Sống với nhau mấy chục năm cô lại không ngờ mình rơi vào tình cảnh thê thảm do ông chồng mắc dịch mang lại. Chuyện là thế nầy: Phòng trọ chổ hai anh em thằng Chơn, Chất thuê lúc trước là nơi vợ chồng Tư Bông cho đào Hồng ở. Đào Hồng là cô đào lỡ thời mạt vận- thời buổi nầy mấy cô đào chánh, kép chánh kiếm sống còn vất vả nữa là cô đào phụ trong gánh hát đã qua thời hoàng kim của nó - cô dạt vào mấy quán nhậu hát mấy câu vọng cổ, các tụ điểm đờn ca tài tử để kiếm sống qua ngày. Lão Tư trở thành bác tài chở đào Hồng từ tụ điểm nầy sang tụ điểm khác. Đi riết rồi dính với nhau lúc nào không ai biết, khi lở dở ra đào Hồng trốn mất biệt còn lão Tư sau đó cũng biến theo sau khi cuỗm của côTư Bông hơn chục triệu bạc. Nổi đau như cào xé ruột gan Tư Bông, tiền mất cô không tiếc chỉ giận thằng chồng bội bạc, nhưng cô cố dằn lại không muốn cư dân trong xóm ngụ cư biết, “xấu chàng hổ thiếp” ích lợi gì, vậy mà tên Lý Thiết Quài nầy lại khơi đúng mạch đau trong tâm hồn cô xem có đáng giận không, chiều  hắn về đây biết tay cô đồ mắc dịch mắc ôn.  
    Sát bên phòng ông Lý Thiết Quài là phòng của vợ chồng thằng ca sĩ kẹo kéo Duy Khánh. Cặp đôi hoàn hảo nầy dạt dìa từ nơi cùng trời cuối đất của đất nước mình, tận Cà Mau Năm Căn gì đó(nói là vợ chồng cho có vẻ danh chánh ngôn thuận với bà con trong cái xóm chòm mả tí tẹo nầy đó thôi chứ thật ra bọn chúng có cưới xin gì đâu, thương nhau thì dắt nhau đi vậy thôi, đời mà có gì đâu để bàn cải). Tư Bông cũng chỉ nghe phong phanh từ con vợ của thằng ca sĩ Duy Khánh nói thế mỗi lần qua quán cô mua gói thuốc cho thằng chồng hoặc dăm ba món linh tinh lang tang như tương cà mắm muối, bột ngọt trái chanh trái ớt cho những buổi cơm chiều đơn sơ vội vội vàng vàng để chuẩn bị cho buổi tối đi bán kẹo kéo, la cà từ đầu hôm đến khuya lơ khuya lắc ở những quán nhậu mới về. Nói thật con vợ thằng Duy Khánh tổ cha cũng là đứa la cà nhiều chuyện ba hoa chích chòe. Nó khoe thằng chồng nó trước kia là kép chánh của đoàn cải lương Bông Tràm, Bông Bụp gì đó ở tận Cà Mau U Minh , giọng ca mùi vô cùng làm bao cô  thôn nữ chết mê chết mệt nhưng chỉ có nó là lọt vô mắt xanh của thằng Duy Khánh mà thôi (ghê quá không biết có thiệt hay không, nó nói sao biết vậy thôi mà). Hỏi tại sao đang làm kép chánh ngon lành lại bỏ đi bán kẹo mần chi cho cực khổ, con nhỏ trả lời tỉnh khô: tại ảnh ham làm Lục Vân Tiên đó. Ủa, chuyện nầy ngộ à nghe, thích làm Lục Vân Tiên có mắc mớ gì đến chuyện bỏ gánh hát tha phương cầu thực vậy cà, nói nghe cái coi. Chuyện thế nầy cô Tư ơi: Ảnh thấy thằng cha giám đốc đoàn hát ăn chặn lương tiền của anh em nghệ sĩ, thay mặt anh em trong đoàn ảnh tố thằng chả với Sở Văn Hóa Thông Tin ai dè bị thằng chả phản pháo, tức khí nên ảnh xin nghỉ việc ở nhà đi bán kẹo kéo, tự do không ai nói nặng nói nhẹ tiếng bấc tiếng chì, không ai ăn chặn ăn bớt đồng tiền cực khổ mà mình kiếm được vậy mới là lãng tử anh hùng chứ phải không cô Tư(Bà mẹ mầy nói hay như một câu trong tuồng cải lương í). Xuất giá tùng phu, xuất gia tùng phụ, ảnh đi đâu con theo đó mà cô. Tư Bông hỏi tại sao gọi thằng chồng mầy tên Duy Khánh bộ nghệ danh của nó khi còn đi hát à, con vợ nhún vai cười cười. Má không biết đó thôi, đó là do khán giả mộ điệu đặt tên cho ảnh đó, giọng ca của ảnh không thua gì Duy Khánh thứ thiệt đó nha, nhất là khi ảnh ca mấy bản ruột của Duy Khánh “Ai ra xứ Huế”, “Xin anh giữ trọn tình quê” là nghe  hết sẩy đó má ơi.(Ối chà! Tụi bây là Duy Khánh hay Duy gì đi nữa mà tiền bạc không sòng phẳng là tao tống ra đường hết trọi. Liệu hồn đó)
       Hằng đêm điểm đầu tiên mà vợ chồng thằng Duy Khánh thường đóng đô dài lâu là hẻm vịt nấu chao 77 hai cây cuốc. Nghĩ cũng thật lạ, hồi nẳm không biết từ lúc nào khởi đầu cái hẻm nầy mọc lên chỉ có một quán vịt nấu chao ở gần cuối hẻm lèo tèo vài ba cái bàn, thực khách toàn là dân lao động, thợ hồ khuân vác gì đó, lâu ngày có thêm đám sinh viên nghèo ở khu nhà trọ gần đó góp phần, chỉ đông vào những ngày cuối tuần cánh thợ hồ được chủ đãi (hay bản thân tự thưởng cho mình một chầu nhậu xả xú bắp sau một tuần làm việc mệt mõi), nhờ bán rẻ lại nhiệt tình chiều chuộng khách chẳng mấy chốc ăn nên làm ra. Mấy nhà trong hẻm bắt chước nhảy ra làm ăn xí phần nhất là cái quán La Cà đầu hẻm nhờ mặt bằng rộng, lợi thế ở đầu con hẻm lại biết sử dụng chiêu trò ma giáo cho người luôn đón lỏng mời khách nên cái quán đầu tiên dần dần ế khách, dẹp tiệm. Tự sinh thì tự diệt, cuộc đời là thế, không thể trách ai được. Sống ở đời, cạnh tranh sinh tồn cá lớn nuốt cá bé, chuyện thường tình có gì đâu phải bàn cãi, phải không?
      Điểm tập kết thứ hai của chiếc xe kẹo vợ chồng thằng Duy Khánh là mấy cái quán nhậu bình dân trên con đường mới mở  rộng mênh mông nối dài từ đường Mậu Thân qua vòng xoay đồng hồ bốn mặt lên thẳng cái sân bay mới mở, có thể nói đây là con đường đẹp nhất của cái thành phố nầy đó nghe. Người ta nói sân bay mớikhánh thành sẽ là sân bay quốc tế qui mô rất hoành tráng, hằng năm đón không biết bao nhiêu là lượt khách quốc tế đến tham quan vùng đồng bằng sông Cửu Long. rồi cả miền Tây nầy sẽ cất cánh bay lên, thu nhập đầu ngươi lên đến hàng ngàn thậm chi hàng chục ngàn đô la mỗi năm lận chứ bộ. Cất cánh đâu chưa thấy chứ từ hồi có sân bay quốc tế nầy, chỉ thấy lèo tèo mấy chuyến bay nội địa đi TP Hồ Chí Minh. Hà Nội hay ngược lại họa hoằn gần tết có mấy chuyến bay từ Đài Loan, Đại Hàn gì đó đưa mấy cô dâu lấy chồng xứ lạ về thăm nhà. Nói có trời làm chứng nghe, chỉ thấy con đường mới mở chạy lên sân bay là có thay da đổi thịt thiệt, nhanh chóng cấp kỳ không cần cầu chứng. Từ những vườn cây ăn trái, ruộng đồng xanh tốt trở mình thành những biệt thự khang trang của các đại gia mới nổi mà đồng tiền họ làm ra trong sạch hay không có trời mà biết, rồi văn phòng đại diện của công ty nầy nọ tận đâu đâu ở Sài Gòn. Đà Nẳng, Hà Nội cũng không chừng, mấy công ty nầy không bíết có “Sống Vang” hay không thì hạ hồi phân giải mới biết. Xôm tụ nhất là những tiệm mát xa mát xít của các cô gái đẹp như múi mít, ở ngoài tuy không có dán chữ nhưng ai cũng biết trong ví không có cọc tiền dày cộp thì đừng vào không khéo phải ký sổ nợ thì quê độ lắm đó và những quán nhậu từ cao cấp đến bình dân mọc dài hàng mấy cây số lận (chưa có dấu hiệu gì chấm dứt à nghe), nào là gà đá hầm xả, trâu luộc mẻ, cầy bẩy món(nói bảy món là quen cái miệng chứ thực mấy tay bợm nhậu muốn chế biến ra bao nhiêu món mà không được), ốc nhé, buổi tối đèn xanh đèn đỏ nhấp nháy lia lia, tiếng cụng ly bôm bốp trông phát thèm, người không biết uống rượu chắc cũng muốn vào quán nhậu một lần cho biết. Điểm cuối cùng của chiếc xe kẹo kéo đáp là điểm nhậu ở khu hội chợ thương mại. Nơi đây mấy năm trước có xây dựng một khu công viên nước rất qui mô của một nhà đầu tư nào đó, chắc họ thấy khu công viên nước ở Sài Gòn ăn nên làm ra nên quyết định đầu tư vào thành phố nầy với ý định hốt bạc. Ngày khánh thành mấy ông lãnh đạo, nhà đầu tư tổ chức thật hoành tráng, mấy đoàn lân sư rồng được mời tới biểu diễn thật rôm rả, người ta ra vô tham quan mua vé tấp nập ào ào. Lão Tư cũng chở cô đi xem người ta khánh thành cái công viên nước to đùng lần đầu tiên có mặt ở thành phô miền Tây sông nước, thấy người ta ra vào nhộn nhịp lão Tư cũng đâm ra háo hức, phán một câu xanh dờn:
-               Chà! kỳ nầy chắc họ hốt bạc đây.
 Tư Bông ngồi ở phía sau nhéo vào lưng lão một cái đau điếng:
-               Hứ! hốt bạc cắc thì có. Con nít miền Tây đứa nào đứa nấy đều biết bơi từ trong bụng mẹ, mặc sức bơi lội dưới sông thỏa thích, không tốn một đồng xu cắc bạc nào, vô đây bơi làm gì vừa tốn tiền vừa mất vệ sinh, hoài của.
     Lão Tư không tin lắm nhưng cũng ừ ào cho qua chuyện chứ trong lòng lão lại nghĩ khác, bộ người ta ngu sao bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để nó biến thành nơi bò ỉa à, nhưng nhiều lần vợ lão đoán trúng phốc nhiều việc vả lại đưa ra lập trường chính kiến khác với bả làm gì chỉ tổ điếc lỗ tai mà thôi. Ấy vậy mà lời vợ lão lại đúng y chang một sai một chút nào. Không chờ đợi lâu đâu, chỉ sau hơn một năm hoạt động, khu công viên nước đồ sộ hoành tráng thế kia đã trở thành nơi bò ỉa thật, nó hoang tàn đến mức thảm nảo, cả khu công viên nước cỏ bắt đầu mọc um tùm, chắc chờ ngày kêu mấy cửa hàng phế liệu đến bán sắt vụn mà thôi. Giờ đây để vớt vát người ta tận dụng mặt bằng còn lại của nó để cho thuê làm sân vui chơi giải trí cho trẻ em với cái tên nghe khá ngộ nghỉnh, tức cười “Heo Con”, mặt bằng còn lại là quán cà phê và mấy quán nhậu nổi tiếng bò bảy món, bê thui và nhất là mấy món dê hấp dẫn, nhưng phải tám chín giờ tối thì mới xôm tụ hẳn lên, vì thế điểm cuối cùng của chiếc xe kẹo kéo là điểm nhậu nầy,thằng Duy Khánh tìm chỗ dựng xe ở một chỗ thich hợp, lấy ngón tay búng bốc bốc vào chiếc mic đang cầm tay thử âm thanh xem thế nào rồi cất tiếng hát nghêu ngao để gây ấn tượng cho tay nhậu đang hỉ hả anh một ly, tôi một ly, nào ta cùng vô, còn con vợ đem mấy que kẹo kéo được bọc sẳn trong những bao giấy trắng xinh xắn đi mời thực khách đang say sưa ăn nhậu. Trời! chiếc kẹo kéo bóc vỏ ra dài chừng một tất rưởi, lớp kẹo mỏng dờn bên trong lơ thơ mấy hột đậu phộng, vốn chừng một ngàn mà nó dám bán tới năm ngàn đồng lận chớ, mắc thấy mụ nội mà cũng có người mua, nhiều khi mấy tay bợm nhậu còn boa thêm kha khá với yêu cầu ra kêu thằng kẹo kéo hát bài mà họ thich nhất là khách quen kêu nó hát bài của Duy Khánh nghe, dĩ nhiên là thằng chồng không từ chối, nhiệt tình hát cho khách thưởng lãm. Mỗi tối như thế vợ chồng hắn kiếm cũng kha khá dủ tiền trang trải cuộc sống, còn để dành được chút ít, vợ chồng hắn bắt đầu mơ đến chuyện làm giàu.      
       Vừa mới đóng cửa nhắm mắt được một chút là nghe tiếng nhạc xập xình từ xa vọng lại một lúc một rõ dần từ chiếc xe kẹo kéo của thằng Duy Khánh làm inh ỏi cả xóm và tiếng cười giởn nức nẻ của cặp đôi nầy làm cho cô thêm bực mình, ban ngày đã mệt mõi với lũ con nít chạy giởn lung tung, chửi lộn nhau chí chóe làm điếc cả con ráy (lũ trẻ nầy có đứa nào được cha mẹ cho đi học đàng hoàng như con người ta đâu, nghèo muốn chết mà đòi đi học đừng có mơ), phải canh chừng sợ chúng ăn cắp vặt, rồi buôn bán cơm nước lu bu oải muốn chết, tới khuya vừa ngả lưng chợp mắt mới tí xíu  lại nghe tiếng nhạc ầm ĩ của vợ chồng thằng Duy Khánh thật bực mình muốn chết. Khi chiếc xe kẹo kéo vừa trờ tới, cô  bật đèn trong nhà sáng chưng nói giọng ra, tiếng rõ mồm một:
   -    Mồ tổ cha hai đứa bây, đã nói bao nhiêu lần nói rồi vẫn vậy, tối ỏm tối om, khuya lơ khuya lắc không để cho lối xóm người ta ngủ mai còn đi kiếm miếng cơm, sáng bửng con mắt  tụi bây còn ôm xà nẹo ngủ chết mê chết mệt. hai đứa mầy lại muốn làm dậy sóc bom bo cả lên hả? Muốn tao cho mỗi đứa một cây không hả đồ chết tiệt.
     Hai đứa không những không giận mà cười ré lên trông có vẻ vui thích, con vợ nói trông niềm phấn khích:
-               Má Tư chưa ngủ hả má Tư? Hôm nay tụi con trúng mánh lớn, phải mừng chứ má.
 Tư Bông mắng:
-               Mẹ cha tụi bây, trúng mánh thì vợ chồng bây hưởng chứ có chia cho cái xóm nầy đồng xu cắc bạc đâu mà ầm ĩ lên thế, bộ tụi bây muốn cả xóm thức dậy đập cho một trận mới chịu tắt đài à?
 Thằng Duy Khánh vừa dặn nhỏ cái vô-lum của cái máy như biết mình làm chuyện không phải trong bụng chửi thầm con vợ ngu vừa vừa thôi chớ để dành cho người khác ngu một chút được không, vừa phân bua với cô Tư:
-               Xin lỗi má Tư tại hôm nay có chuyện vui quá. Được người ta “boa” hậu hĩ. Lần đầu tiên đó mà Tư. Tụi con có mua vịt quay về ăn mừng, vịt quay chính cống Bắc Kinh đó nghe má, có thêm mấy lon bia nữa. Mà chưa ngủ qua lai rai với tụi con một chút cho vui nghe má.
  Lòng Tư Bông có vẻ dịu lại, cảm thấy mát ruột mát gan, dù sao thằng nầy cũng biết kẻ trên người dưới, không giống như con vợ nó cứ bô lô bô la cái miệng dễ làm cho người khác mích lòng. Giọng cô mềm lại:
        - Thôi về nhà ngủ đi, có nhậu nhẹt gì đó cũng nho nhỏ thôi để cho người ta ngủ,tối thui rồi tao cũng không có giờ giấc đâu mà lai rai với tụi bây, không khéo sáng mai tao cũng bị nghe chửi lây đó. Nhớ để dành mấy miếng xương cho con Còi của lão Cụt đó nghe.
   Vợ chồng thằng Duy Khánh dạ một tiếng nhỏ xíu rồi đẩy chiếc xe kẹo về phòng trọ vẻ mặt ỉu xìu. Bị la cho một trận, mất vui nhậu không còn thấy hứng nữa.
         La vợ chồng thằng Duy Khánh một trận, Tư Bông tắt đèn lên giường đi ngủ. Nằm chưa ấm lưng đã nghe tiếng thẻ tre kêu lốc cốc của anh em thằng bán mì gỏ, trọ kế căn của ông Lý Thiết Quài. Xe mì gỏ về xóm chắc hơn hai giờ sáng rồi, đó là xe mì của hai anh em thằng Chơn, Chất quê đâu tận Quảng Ngãi gì đó vào đây bán mì gỏ đã năm, sáu năm nay. Hồi tụi nó mới vào thằng lớn vừa đúng mười bảy, thằng nhỏ mới mười ba tuổi, cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, đã bị quăng ra ngoài cuộc sống để mưu sinh rồi. Nói nào ngay hai thằng nầy cũng hiền hậu, dễ mến chịu thương chịu khó không phải như tụi đá cá lăn dưa, nếu không Tư Bông đã tống khứ bọn chúng đi từ lâu lắm rồi, Có hôm thân tình cô hỏi:
-               Làm chi mà bây bỏ nhà bỏ cửa ngoài đó vào tận đây bán mì gỏ lận?
         Thằng anh nhìn cô Tư cười mếu:
-               Ngoài đó nghèo rớt mộng tơi, không miếng đất cắm dùi lấy gì sống cô.
-               Vậy chứ cha mẹ bây làm gì còn không?
-               Ba con chết mất tiêu từ mấy đời dương rồi. Nghèo quá ổng đi mót sắt vụn, phế liệu để bán. Một hôm cưa nhằm trái bom, bùm một cái đầu một nơi, tay chân một nơi, mẹ con khóc quá trời.
        Giọng Tư Bông hơi bực mình:
-               Tao nghe bây nói như ai chết  chứ không phải cha bây không bằng, sao vậy?
  Thằng Chất nói leo:
-               Tụi con khóc muốn chết chứ bộ, nhưng sinh nghề tử nghiệp nói sao được cô. Bởi vậy tụi con mới thay cha chạy vô đây bán mì gỏ để lo cho mẹ và mấy đứa em nè.
-               Thế à? Phải vậy chớ.
    Biết gia cảnh của hai anh em thằng mì gỏ,Tư Bông cảm thấy tồi tội làm sao, nên những lúc thấy buôn bán ế ẩm, thiếu tiền mua miếng thịt hòn than,Tư Bông sẳn lòng cho hai anh em nó mượn để qua cơn ngặt nghèo túng hụt. Mà ông trời cao thật không có mắt chút nào, mới dành dụm kha khá tiền định cuối năm  tranh thủ về quê ăn tết một lần thì đùng một cái không biết trên trang mạng hoặc báo lá cải nào đó ở Sài Gòn tung lên cái tin giật gân: Nước lèo của mấy cái xe mì gỏ muốn cho ngon ngọt đậm đà đã sử dụng thịt …chuột để hầm thay vì xương heo. Eo ơi,cái tin động trời nầy giống như quả bom nguyên tử mà Mỹ trút xuống hai hòn đảo của Nhật trong thế chiến thứ hai không bằng. Người ta quay lưng với mấy cái xe mì gỏ, chạy ngang qua nhìn mấy cái xe mì với cặp mắt hình viên đạn, ngán ngại cũng không biết chừng, ông xe ôm, anh sinh viên, chị bán chè đậu đen, mấy mối ruột gọi tô mì mà cười cười nói nói nửa chơi nửa thật trông phát ghét: Nè! nước lèo có bỏ thịt chuột vô không đó mậy. Báo hại thằng anh phải vớt mấy cục xương heo to tổ chảng lên cho khách xem để chứng minh mình không sử dụng đồ bị dịch đáng nguyền rủa ấy. Vậy mà thu nhập cũng giảm gần gấp đôi hết mấy tháng, tiêu mẹ cái ước mơ về quê ăn tết, được đoàn tụ với mẹ và em của Chơn và Chất. Nghĩ tới chuyện nầy thương hai thằng nhỏ quá trời Tư Bông giận quá chửi đổng:
  - Tổ cha mấy thằng ăn không ngồi rồi, báo lá cải phao tin đồn nhảm, bá vơ bá láp để tin tức được nhiều người xem, báo bán cho chạy mà không cần biết có hại người ta tán gia bại sản hay không. Đồ chết tiệt.
          Xe mì về rồi là vãn tuồng, trả lại cái không khí hiu hắt của xóm trọ. Cái xóm trọ nhỏ bé nầy  lại chìm vào im lặng, tĩnh mịch, hằng ngày xe mì là vị khách cuối cùng mà. Đêm nay tự nhiênTư Bông trằn trọc mãi vẫn không ngủ được. Mới sáng đây thôi đoàn cán bộ địa chính của thành phố kết hợp với cán bộ quận, phường xuống xóm chòm mả đo đạc lại sau gần ba năm im ỉm, lần nầy trong họ có vẻ quyết liệt, đo đạc cẩn thận, điều tra lại tình hình hộ tịch hộ khẩu, đất đai để lên phương án chót cho việc đền bù, hổ trợ, nghe đâu phương án cất trường tiểu học mấy năm nay án binh bất động vì không có tiền, bây giờ đã có tiền tài trợ của ngân hàng quốc tế gì đó, kinh phí đã rót xuống địa phương rồi thì tiến hành xây dựng thôi. Rồi đây cái xóm trọ sẽ biến mất, thay thế thành một ngôi trường tiểu học khang trang cho mấy đứa nhỏ có nơi học hành đàng hoàng tử tế, mà là trường đạt chuẩn quốc gia nữa chứ, giởn sao. Ngôi trường cũ xuống cấp từ lâu, có từ năm thìn bão lụt nào trước ngày giải phóng, tiêu tùng lúc nào không biết, âu là mình cũng góp một chút công sức cho xã hội, không có của cải thì bằng tấm lòng cũng được mà. Rời bỏ nơi đã từng gắn bó lâu năm, có những người hàng xóm tuy hằng ngày có những xung đột nầy nọ nhưng một sớm một chiều cũng không tránh khỏi bùi ngùi, chua xót. Lão Cụt, ông Lý Thiết Quài, Mụ Thung, vợ chồng Duy Khánh mà cả xóm đều gọi họ là cặp đôi hoàn hảo(chắc nhiễm tên cái game show gì đó trên đài truyền hình), rồi con Đẹp, thằng Tốt, thằng Chơn, thằng Chất cả con chó Còi nữa ẩn hiện chập chờn trong giấc ngủ héo hắt của cô.  Nhưng đời mà, bèo dạt mây trôi, hợp rồi lại tan, quy luật của tạo hóa mà sao tránh khỏi được, buồn làm gì. Có điều giờ nầy không biết lão Tư ở đâu, sống chết thế nào. sống với nhau mấy chục năm mà lão không biết tính cô sao? La ào ào vậy chứ cô còn thương lão lắm, tháng trước lão Tư có về trông như con chó ốm, con Còi của lão Cụt sao thi lão y như vậy, ai biểu làm bậy chi giờ chịu cực khổ vậy nè. Nhìn lão Tư Bông  thấy xót cả ruột, nhưng cô làm như không thấy lão như chưa từng có lão trong đời cô cho lão biết thế nào là sự trừng phạt đối với kẻ phản bội, cô không cho lão vào nhà, ngủ một đêm ngoài sân để muổi cắn lão một lần cho bỏ ghét,  còn nói ông mà lén phén tôi vác chổi chà đơm ông bây giờ, đi cho khuất mắt tôi, thấy cái bản mặt ông là thấy ghét liền rồi hà. Nói là nói vậy chứ cô định bụng sáng mai thức dậy thấy lão còn đó cô làm bộ la lão một chập nữa cho lão chừa cái thói già teo cả chim rồi mà còn chơi trống bổi rồi mới kêu lão đánh răng rửa mặt, đi tắm rửa cho sạch sẽ, còn cô chuẩn bị bửa ăn sáng cho lão thật ngon, bánh mì trứng gà ốp la đó mà, món lão thích nhất vậy mà sáng ra lão bỏ đi đâu mất tiêu, mất biệt luôn cả năm nay, chắc lão nghĩ cô vẫn còn giận, tình nghĩa đôi ta đến đây là đoạn tuyệt chắc. Đêm đó nằm ngoài hiên lạnh lẽo, vắt tay lên trán ngẫm nghĩ, suốt đêm không thấy cô động tịnh, ừ hử gì cả, lão nghĩ chắc cô không tha thứ cho lão nữa rồi, tội lão nặng quá mà, dám lừa dối tình cảm của cô nên lão đã bỏ đi luôn chứ gì? Lão Tư ơi là lão Tư, sao lão khờ quá vậy, lão biết tính tôi quá mà, giận đó rồi quên đó biết không? Con người ta ai cũng có lỗi lầm, lão thử xem trên đời nầy có ai hoàn thiện không chứ? Kỳ nầy lão mà không về thì đừng có trách tôi ăn ở bạc bẻo với lão đó nghen, tôi nói được là làm được đó, tôi nói là tôi giữ lời, liệu hồn lão đó.
Trong giấc ngủ chập chờn Tư Bông dường như nghe có tiếng đập cửa, tiếng lão Tư gỏ cửa dồn dập:
   -    Bà nó ơi! mở cửa cho tôi nhanh lên, mưa quá trời nè.
Tư Bông mừng húm, chạy nhanh ra mở cửa cho lão, vậy mà lão còn cằn nhằn:
  -  Sao bà chậm như rùa vậy, lạnh thấy bà cố nội luôn đây.
 Chắc chắn Cô không những không giận mà cảm thấy hạnh phúc như chưa từng nghe lời cằn nhằn đáng yêu của lão Tư bao giờ.   
Vậy ra đó là giấc mơ của cô thôi ư? Lão Tư không biết giờ nầy lão ở đâu kia chứ!

NGUYỄN AN BÌNH