“Nè, tao hỏi thiệt. Mày chết dưới bàn tay lão ấy rồi hả…?”.
Chị Nhân kéo chữ “hả” dài thậm thượt, rất giống với âm thanh lưỡi sóng trườn vào mép cát đang đuối sức. Lại thêm cái mặt dài đuỗng, miệng há rộng, hai đồng tử mở hết cỡ; trông chị cứ như vừa thấy xác người lạ trên vệ đường, khiến nàng muốn cười thật to, dẫu cho giọng cười lúc đó có thể ướt nhẹp, khai khai mùi nước tiểu trẻ con đái dầm.
Tại sao người lớn, ý nàng muốn nói là người có vai vế, tuổi tác thường hay nhìn kẻ dưới với đôi mắt kẻ cả, bộ tịch bề trên.
Giọng điệu của chị Nhân nghe y chang giọng mẹ. Cũng xẳng lét. Chua lòm, cũng bới tận gốc ngọn, thiếu điều bứt trụi cả lá mà không cần động tới tay chân. Thiệt buồn cười. Người lớn bao giờ cũng cho rằng mình đúng. Người càng có nhiều quyền thì càng chứng tỏ mình là đấng toàn năng, luôn luôn chính xác hơn kẻ dưới từng ly mét, mặc dù những suy nghĩ và hành động thì sai ngoắt, trật lất.
Độc đoán, cố chấp, bảo thủ, nàng lẩm bẩm.
Mà mẹ mình nói gì nhỉ? Phải, nhớ rồi. Mày điên hay sao mà phải ra chỗ ấy, một khu mồ mả vừa san lấp. Oan hồn nằm dưới nền đất sẽ bóp họng tụi bay. Đâu có mẹ, nàng ôm hai vai xương xẩu bà cụ. Đâu có đụng chạm gì, bóp là bóp tụi móc ngoặc làm dự án, thẩm định rồi giao cho lũ đầu tư. Con chỉ mua thôi, đâu có phá phách, xua đuối người chết đi chỗ khác để giành đất, nàng dông dài. Mẹ nhướng cặp mắt hom hem nhìn nàng như kẻ lạ. Nhưng tại sao nhà cửa rộng thênh thang không ở, lại mò ra chỗ mồ mả ấy, hay có thằng nào rù quến? Mẹ day day dấu hỏi như thể bà cụ đang ngoáy trầu. Nàng chụp lấy tay mẹ. Ai rù được con, mẹ khéo lo. Chẳng ai có thể quến được con đâu. Mẹ giật tay lại. Ăn nói kiểu đó đó, con với cái. Tao nói để coi, một mẹ một con thể nào “đi đêm cũng có ngày gặp ma”, làm sao mà cái bọn đàn ông như lũ sói ấy, thấy đàn bà cô thân đơn độc lại không rắp tâm rình nhử này nọ. Cục mỡ tránh sao nổi miệng mèo, hả con?
Thêm một cú hạ giọng nữa của mẹ, lúc đó giống sao giống lạ giống lùng giọng anh kép tuồng đóng vai tướng xuống xề bi ai với người đẹp từ chối mối tình đầy nặng như trái núi của mình khiến nàng bật cười lớn. Mẹ nàng kêu: Con điên!
oOo
Lúc dọn đến nhà mới, việc đầu tiên là nàng đến chùa xin thầy trụ trì, trì chú cho tấm gương bát quái. Nàng không tin lắm, nhưng cả khu phố mới ai ai cũng “thỉnh” về, treo lủng lẳng trước hiên tấm kính bát quái trừ tà ma đuổi quỷ khiến nàng không thể dửng dưng.
Kệ. Treo lên chẳng chết ai, đôi khi buồn ngước dòm hẳn cũng sẽ thấy vui mắt. Mà cũng rất có thể, nếu có ma quỉ thật, chúng sẽ phải lộn vòng vòng trong lưỡng cực không thể chạy ra phá phách? Ủa, mà sao lưỡng cực lại có hai cái hột nhỏ xíu y như tinh trùng và trứng tưng tửng nhìn nhau, chực chập lại? Ý nghĩ này bất ngờ nhảy xộc vô đầu khi nàng thấy thầy, cũng trạc tuổi nàng, vừa gõ mõ, điểm chuông, đọc trì chú vừa liếc nhìn vào chỗ hõm trên cổ áo khoét rộng. Nàng kéo cổ áo lên, giữ chỗ ngực bằng hai tay chắp lại, mà nghe như mùi nhang khói dậy lên từ nịt áo muốn bứt tung ra.
Khi cầm tấm kính “chiếu yêu” bước lui khỏi chánh điện, thầy dặn với:
– Con cần gì cứ tới thầy giúp.
– Mô phật, con cảm ơn thầy – Nàng đáp. Thầy ngó xoắn chỗ vết cong trên ngực. Hai con mắt cha này dâm vô độ. Không rõ kinh kệ có làm xẹp xuống phần nào chăng, nàng tự hỏi khi bước gần tới cổng tam quan.
Có xẹp xuống hay phồng lên là việc của thầy. Nàng không phải quan tâm, bởi từ bữa hôm đó, nàng không quay lại cổng chùa lần nữa, mặc dù tấm kính bát quái chỉ bốn tháng sau, bị gió bão đập cho rơi xuống nền gạch hoa, răn nứt nhiều mảnh.
Phải công nhận, những đêm đầu tiên ngủ trong căn nhà mới, thiệt sợ. Hai mẹ con nàng ôm cứng lấy nhau khi nghe tiếng rú rít trong hàng dương phía bên kia đường. Tiếng rít nghe như tiếng mài gươm trên tảng đá, như âm thanh luyện đao của Bát Lê (*) sau vườn chuối dinh quan Tổng Đốc. Lạnh cả gáy.
Kinh khủng hơn, khi quán mở, độ hai tuần sau, đêm, hai mẹ con nàng lại phải ôm nhau, kéo mền trùm kín, vì lũ chuột xộc vào nhà chí chóe suốt đêm. Ban đầu là những cảm giác sợ đến són đái. Hết sợ chuyển sang bực bội rồi quen dần thời gian không lâu sau đó, nhưng chẳng dễ chịu chút nào. Đôi lúc nàng nghĩ vẩn vơ, hay ta kiếm quách một tay vệ sĩ. Chí ít nó cũng linh nghiệm hơn tấm kính bát quái răn nứt kia?
Chị Nhân tới thăm, lại ồ ồ lớn giọng: “Tao thấy nhiều thằng xứng đáng hơn, mắc chứng ôn dịch gì lại nhào vô thằng chả”?
Nàng xâu chuỗi lại cấp thứ của nhân vật có gai nhọn hoắc này. Lúc đầu là “lão”, nay chuyển sang “thằng chả”, có nghĩa rằng trong mắt chị Nhân, nhân vật làm cho nàng “chết” và “nhào” đang nhích gần hơn, thu hẹp dần khoảng cách tuổi tác. Mà có khi nào chị hạ thấp hơn nữa không nhỉ, như “nó” hay “anh ta” chẳng hạn? Vì ít ra, theo suy nghĩ của nàng, chị không còn coi trọng chuyện cách biệt tuổi tác quá lớn đến độ dị hợm; nhưng đằng nào, lớn nhỏ gì cũng vẫn là nguyên nhân gây ra sự không hài lòng đối với những người lớn, trải đời như chị; lại nữa có rất nhiều nguy cơ làm cho em gái chị phải biến thành “cục mỡ” như mẹ đã cảnh báo.
Nhiều khi đứng trước gương soi, nàng xoay qua bên này, ẹo chút bên kia, đưa tay véo vào hông, nắn ngực, xoa xoa lên mặt, nắn chóp mũi… Đẹp. Nàng cười rung rinh và thừa nhận mình đẹp từ đầu đến chân ngay tại thời điểm “gái một con” (nàng thầm cảm ơn tạo hóa đã tặng cho nàng chút nhan sắc, và rồi tự hỏi tại sao Tùng lại bỏ mẹ con nàng để chạy theo cô nàng ca sĩ cà tong cà teo gần giống que nhang?). Tự nhiên cái xộc xệch, vớ vẩn lại chun vô đầu. Gái một con. Ờ thì một. Hơi đúng đúng, dù rằng trước đó nàng không mấy tin tưởng nhan sắc tùy thuộc vào vấn đề sinh học cùng dắt tay đi theo chiều dọc thời gian, tồn tại ở thời điểm “một con”. Hai, ba… hay một bầy lúc nhúc của mẹ Âu Cơ thì sao nào? Mấy ngàn năm rồi, mẹ vẫn đẹp trong mắt dân Việt kia mà?
Hay mẹ hoặc chị Nhân thử đứng ra giả bộ tổ chức kén chồng lần nữa cho nàng, dám chắc rằng không chỉ có hai anh Sơn Tinh và Thủy Tinh, mà sẽ có nhiều chàng sắp hàng từ đại lộ vua Hùng chạy vào đích là cái quán này. Kẻ chiến thắng sẽ bế xốc nàng lên giống như mấy tay coureur về đích ôm bó hoa tươi trước bục. Rồi sau đó… Hoang tưởng. Bậy bạ.
Ý tưởng về chuyện đua xe đạp, đua marathon dậy lên trong đầu như khói chiều vương vất trên đọt cau. Nàng nghĩ vụ này sẽ hấp dẫn như một tuồng cải lương mùi và liền sắp xếp mọi diễn biến của từng nhân vật, theo thứ tự thời gian các anh chàng tới quán cà phê buổi sáng và bia bọt buổi chiều.
Đầu tiên là anh chàng sĩ quan mang quân hàm cấp tá, đang còn tại vị, vợ chết ba năm, có đứa con gái duy nhất lên bốn, tính theo tuổi bà mụ. Anh chàng đến quán uống cà phê tám lần. Lần thứ chín, quán vắng, chàng nhìn nàng đắm đuối, mở lời. Chàng khai vắn tắt lí lịch rồi nói tôi yêu em. Nếu em đồng ý, tôi sẽ cưới em và chỉ cần sinh cho tôi đứa con trai. Lương hiện tại của tôi mười mấy triệu. Nhà cửa vật chất đầy đủ. Chỉ cần em sinh cho tôi đứa con trai, em sẽ không thiếu thứ gì trên đời này. Giọng chàng diễn tả thiếu chút gia vị mùi mẫn, nhưng mang nhiều cân đong đo đếm như đang đối mặt với đối phương ngoài chiến trường. Dòm bộ dạng, chàng có vẻ là một kịch sĩ hơn là một chiến binh, bởi chàng đang tập diễn hài kịch trên sân khấu nhỏ!
Nàng áp tay mình lên mu bàn tay chàng, như thầy lang vườn mới học nghề, bắt mạch cho bệnh nhân. Nàng nhỏ nhẹ: Em cảm ơn anh. Nhưng em sợ cái “không thiếu thứ gì trên đời này”. Bộ anh tính thụt két hay ăn chặn của lính sao? Không. Em sợ cảnh tù tội. Thứ đến vụ “sinh cho tôi đứa con trai”. Lại tra ổ khóa, điều khiển tôi như cái máy đẻ sao? Cảm ơn anh. Tôi không thể đẻ được. Chắc chắn tôi không đẻ được nữa đâu.
Chàng chết lặng. Sau đó biến mất. Không bao giờ thấy tới quán nữa. Ồ, giặc đến chàng đánh đấm ra sao nhỉ? Nàng mất đi một khách hàng nhưng bù lại, những lúc buồn buồn, nhớ chuyện cũ, nàng bật cười đến nước mắt chảy ràn rụa.
Chàng thứ hai là một giảng viên khoa tiểu học. Chàng tầm thước. Bụng to hơn ngực, thuộc loại “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”. Giọng nói thì luôn dính cục như những viên kẹo ướt phơi ngoài nắng, có biệt tài nói bất cứ đề tài gì, từ thượng vàng đến hạ cám theo kiểu suy diễn của “giai cấp bần cố nông” làm nên lịch sử, đang ở tầm cao thời đại. Chàng khai trước “tòa” rằng vợ sắp hưu, bị bệnh gì đó bằng tiếng tây, nàng không nhớ, không còn chức năng đàn bà. Chàng nói tôi thương em. Chúng ta hãy đến với nhau. Nhà ai nấy ở. Anh sẽ lo chu đáo cho mẹ con em.
Lần này nàng không xem mạch vì tay đang bận ghi hóa đơn tính tiền cho khách nhậu. Đến khi chàng hỏi lại: Em đồng ý chứ? Nàng giật mình, hỏi cái gì đồng ý. Chàng nhắc lại đúng lúc ông khách bước tới xìa hóa đơn kêu ghi nợ. Tâm trạng nàng đang như vừa bị con kiến cắn, tiếp liền sau đó là con ong đốt, đau ngứa rát tạt, khiến nàng xẵng giọng: Bộ anh tưởng tôi là gái gọi sao? Ông khách cầm hóa đơn khất nợ la lên: Thì ghi nợ một lần, cuối tháng lãnh lương trả. Làm gì ầm ĩ gái gọi ở trỏng. Này, cầm cái này vậy. Vừa nói khách vừa tháo chiếc nhẫn trên ngón áp út đặt xuống bàn, hầm hầm quay ra. Tai họa. Mồ hôi nhiểu lộp độp và hơi thở hắt lên đè cứng ngực bay vọt ra cả miệng cả mũi, thiếu điều nhấc bổng mấy cái ly trên bàn lên không trung. Nàng vội vã cùng với mồ hôi, hơi thở gắt, nhổm dậy cầm chiếc nhẫn lao ra cửa đuổi theo ông khách…
Chàng thứ ba là anh nhà báo tỉnh, có mái tóc nghệ sĩ, kính mát luôn gắn lên mắt dù đang ngồi trong nhà. Vợ chàng là đốc tờ tại chức, trưởng khoa sinh đẻ bệnh viện địa phương. Chị bác sĩ bốn bảy này chưa một lần sinh nở, không biết lỗi do ai bởi cả hai đều khăng khăng đối phương mới là thủ phạm chính. Chén đũa rổn rảng, lọc cọc suốt. Chàng buồn tình chè chén và quán nàng là địa điểm lý tưởng để trút bầu tâm sự. Nàng chia sẻ nỗi đau và cảm thông hoàn cảnh. Bà bác sĩ được điệp báo cung cấp thông tin, bỏ sở, phóng xe máy tới xách tai chồng như xách con thú cưng và buông tuồng những ngôn ngữ chưa hề ghi trong từ điển, dẫu là từ điển.bách khoa toàn thư do các viện sĩ, giáo sư tiến sĩ lỗi lạc ở nước ta biên soạn!
Nàng thở dốc. Đếm ra chắc còn dài ngoằng. Tựu trung là chàng nào cũng có cặp mắt và ý nghĩ và một vài hành vi rất kém vệ sinh.
Nàng gạt tất qua một bên.
Và như vậy, nàng chưa là cục mỡ, chưa kẻ nào rù quến được nàng như mẹ nghĩ.
Vậy mà mấy tháng sau, sau những “cuộc tấn công thần tốc” lớn nhỏ, thân cây chỉ một người ôm lỏng là nàng đang bắt đầu có dấu hiệu rung rinh run rẩy; không vì bão tố, không vì sấm sét mưa giông, mà chỉ là những cơn gió thoảng, hiu hiu nhẹ.
Nàng cố xua đuổi hình ảnh “những ngọn gió” bằng nhiều cách khác nhau trong mọi sinh hoạt hàng ngày: Băm dao xuống thớt mạnh hơn. Những con mực ống bị nhồi thịt băm quá mức, đến nỗi con mực phình chướng như thằng chết trôi, rồi tưởng tượng thằng đó đã chết thật, chí ít đang sặc nước, đang ngáp ngáp gần chết. Nàng lại hả hê khi miết đầu bút vào các chữ số tờ hóa đơn, xé cái roẹt, dứt khoát như thể đang xé nát thằng chả ra làm nhiều mảnh. Lại hả hê. Nàng bắt đầu cự nự, đốp chát tay đôi với khách, trái với bản tính dịu dàng, đôi khi phải đóng kịch trước mặt các thượng đế. Thói xấu này rõ ràng có duyên cớ, duyên cớ tù mù rối như nùi rơm quấn quanh nọc!
Cả hai tháng nay thằng chả lặn đâu mất tăm, trong khi nàng vẫn tiếp tục miết mạnh đầu bút bi vào các chữ số; tiếp tục xé roẹt những tờ hóa đơn mỗi lúc nghe chừng to hơn, nhưng không biết để làm gì.
Ủa, liên quan gì vậy cà?
Mắc mớ chi vậy cà? Thật thảm hại!
oOo
Nàng không nhớ thằng chả đến quán vào lúc nào, nhưng thường có nhiều người, ít nhất bốn người cùng đến quán. Hai người là công chức địa phương. Người thứ ba là thầu khoán. Người cuối nghề tự do, hình như có trang trại cà phê đâu đó trên Lâm Đồng. Không biết thằng chả nghề ngỗng gì. Mù tịt. Nhưng xem ra, trong lúc chuyện trò, cả bốn người đều tỏ ra kính trọng rất mực. Trong quán ồn ào, những người bạn ồn ào thì thằng chả ngồi im, góp chuyện bằng những nụ cười, hiếm khi nghe tiếng tranh biện. Thằng chả chỉ có cười, nụ cười như đứa con nít còn ẵm ngửa. Đẹp lạ.
Nàng ra tay khai thác bạn đi cùng thằng chả: Ổng sống độc thân một mình trong ngôi nhà cổ cách phố chừng mười phút chạy xe máy. Đó là lời anh công chức. Anh thầu khoán thì thêm: Suốt ngày giam mình trong nhà, vẽ và chép tranh thuê cho người khác. Mấy cha đầu nậu lợi dụng chả mang tranh qua bên kia kiếm bộn xu.
Té ra thằng chả là thợ vẽ, họa sĩ vườn. Nàng khoái trá khi tưởng tượng thằng chả là tay thợ vẽ đang trong trạng thái đứt dây, bị chạm, tàng tàng các thứ…
Mà thằng chả đứt dây thiệt. Thử tưởng tượng, trong tiết trời tháng Chạp. Lạnh cắt da. Gió bấc từ biển thổi ào ạt, lạnh đến ngứa rần rần mang tai, ngón tay… thì thằng chả bất ngờ đề nghị với đám bạn bốn tên: Mang tất ra bãi ngồi nghe biển và hàng dương hát. Cả bọn hào hứng lên đồng với chả, bước ra khỏi quán với vẻ mặt lũ trẻ con chính hiệu. Tất nhiên nàng phải tò mò, bám theo như công an theo dõi bọn tội phạm hoặc chuẩn bị thành tội phạm.
Thùng bia lật úp làm bàn. Món nhậu trong túi nylon. Bia trên tay mỗi người. Cả bọn cười nói gì đó vang động một góc bãi vắng. Mây vần vũ tối xầm trên đầu. Biển đập ầm ầm, bọt sóng tung tóe lên gần sát chỗ thùng bia lật úp. Những đọt dương như muốn ngã chúi vào đường lớn. Gió quật nghiêng ngã. Nàng tựa người khuất vào gốc dương lẩm bẩm: Đấy mà gọi là biển hát, dương hát. Đồ khùng! Nàng muốn chạy lại và gào lớn lên. Nhưng nàng không chạy, bước chậm về phía chiếc thùng giấy lật ngược, vây quanh bởi năm con người như cây cau cảnh che chắn chiếc thùng không để gió đuổi bay đi. Cát ướt miết trong lòng bàn chân. Gió thổi dạt mái tóc nàng ra sau, tốc vạt áo choàng đen, muốn bứt tung hàng cúc cài kín. Mọi người cùng ồ lên: Em ra chi đây, gió lạnh lắm. Riêng chả không hề mở miệng, cho đến khi nàng đứng tựa vào thân cây dương trụi lá, chả mới ngước lên, nói với gió gào: Nhin cô chủ nhỏ như đang bay. Mái tóc ngược gió và hát kìa. Tuyệt vời…
Thằng chả lại mất tăm đến bốn tháng trước và sau tết. Một bữa chả đột ngột xuất hiện, tóc tai rối nùi, áo quần xộc xệch. Chả chào nàng bằng nụ cười nửa miệng, từ tốn kéo ghế ngồi xuống, từ tốn rút máy gọi bạn. Không đủ, nhưng cũng có anh công chức trốn sở và anh chủ trang trại cùng mấy người khác nàng chưa gặp bao giờ.
Thằng chả nói: Bữa nay tôi đãi mấy chú, nhưng không phải ngồi đây. Mang tất lên tôi, mừng bức tranh vừa xong? Hai người kia kêu ô kê. Khi mọi thứ đã đặt vào túi nylon, vào thùng. Thằng chả ngước cặp mắt như thỏi nam châm quay về phía nàng: Mời cô. Cô sẽ ngạc nhiên vì nó đó. Nàng tỉnh queo: Cảm ơn, tôi bận khách. Thằng chả cười cười: Cô sẽ hối tiếc giây phút đấy đấy. Giây phút nào, hối tiếc cái gì? Nàng bĩu môi thầm trong đầu. Nhưng sau đó, khi mọi người chuẩn bị ra xe, nàng đổi ý. Có lẽ thằng chả nói không quá. Có điều gì đó mà linh cảm đàn bà trong nàng chỗi dậy gây chút bứt rứt, chút háo hức, tò mò… không thể hiểu, không thể giải thích.
Căn nhà cổ kính nằm sâu trong khu vườn cây um tùm. Mái ngói âm dương rêu mốc. Hàng hiên rộng, kê chiếc bàn nước và nhiều ghế đẩu kiểu cổ. Gian thờ chính giữa với câu đối, hoành phi, tủ cẩn xà cừ, bộ trường kỷ. Bên phải là phòng ngủ, bên trái la liệt vải toan, ống màu, giá vẽ. Tranh dựng vào tường, treo trên vách, lộn xộn như gánh hàng xén ở chợ quê…
Nàng tò mò bước vào, xán lại gần những bức tranh đầy sắc màu mà không mấy hiểu. Một bức khác nằm trên giá, phủ tấm voan màu xanh nhạt. Trong khi mấy người bạn bày biện lên bàn, chả xộc vô miệng nói mời cô, tay đưa ra phía hàng hiên. Chà, có đâu kiểu mời mọc trịch thượng, kém lịch sự như vậy? Tự ái lăn tăn trong đầu, phập phều trong bụng. Nàng chưa chịu nhúc nhích. Còn thằng chả thì đưa đôi cánh tay rắn chắc bê nguyên giá vẽ phủ tấm voan xanh…bước đi với điệu bộ của một kẻ hãnh tiến, phách lối, chẳng coi ai ra gì!
Nàng còn lớ ngớ ngó cái hóc xó lộn xộn thì bên ngoài, mọi người cùng ồ lên một lượt. Nghe động, nàng quay ra cũng một cách bước tới như hồi ở dưới bãi bước nhẹ về phía chiếc thùng giấy lật ngược.
Bức tranh hiện ra trước mắt. Thiếu nữ bước trên cồn cát. Gió thổi lật mái tóc ra sau chẻ thành trăm, ngàn sợi bay rối cọ vào nhau và phát ra âm thanh. Chiếc khăn choàng và vạt áo cũng bay ngược. Cả khối hình chính trên khung vải như đang bay lên không trung, bên dưới là bãi cát mịn, là gốc dương trụi lá, sóng biển vồng cuộn xa xa. Nàng há hốc mồm nhìn chăm chăm. Người thiếu nữ trong tranh là nàng, cả mái tóc, khăn choàng kẽ ô vuông đen trắng và tấm áo màu xanh lá cây. Tất cả như đang cùng với sóng cuộn, với hàng dương ngân lên những khúc nhạc bất tận của đại dương…
Thằng chả cầm lon bia trong tay trái, nói tôi vẽ bức này để tặng cô chủ nhỏ hôm ra bãi với chúng ta.
Cái đẹp chỉ xuất hiện bất thần trong tích tắc, chả thêm.
Cảm ơn cô. Bức tranh tên Giấc Mơ Bay.
Nàng đứng chết trân. Tâm thần bấn loạn.
Nguyễn Lệ Uyên