văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, March 14, 2019

LƯƠNG THƯ TRUNG ** MỘT CHÚT NẮNG SÀI GÒN


Bạn ạ, mấy ngày nay thời tiết dường như ấm áp hơn mọi ngày, mặc dù mùa Đông nơi này vẫn còn kéo dài đến cuối tháng ba. Hàng phong hai bên con lộ chính đi ngang qua thành phố không còn một chiếc lá nào từ dạo cuối Thu. Những cành nhánh khẳng khiu chừng như đang rạo rực chuyên chở những dòng nhựa cho một mùa hoa sắp nở vào những ngày nắng ấm sẽ về lại vùng đất lạnh rét căm căm mấy tháng ròng.

Bạn có thấy không, trên xa lộ liên bang đang bước vào đêm tràn ngập ánh đèn đỏ, đèn vàng lấp lánh như muôn vì sao trên bầu trời vào một đêm Hè nào đó nơi xứ sở mình. 
Từ lâu lắm rồi, có đến tám năm dài, hôm nay tôi mới có dịp gặp bạn nơi này để nghe bạn nói một chút về Sài Gòn. Bạn đang mang đến đây một chút nắng ấm quê hương. Bạn làm tôi nhớ con đường đi ngang qua đại học xá Minh Mạng ngày xưa, nhớ những gốc me già thay lá vào mùa mưa già, nhớ con đường mà tôi đi học mỗi ngày, từ ngã Bảy ngược ra ngã Sáu Sài Gòn, men theo con đường Gia Long với chiếc xe đạp cọc cạch hướng về Trung Tâm Văn Hoá Pháp ngang bịnh viện Đồn Đất của những ngày Hè...
Dòng xe cộ tràn ngập trên xa lộ 93 này vào buổi chiều làm cho nhiều chiếc xe dường như đang dừng lại giữa đường. Có lẽ nhờ vậy mà tôi được dịp nghe bạn kể nhiều hơn về những gì mà tôi đang nhớ. Bạn nói về nơi bạn ở, con đường Nguyễn Tri Phương, nối liền từ con đường Trần Quốc Toản chạy suốt đến tận bến Hàm Tử cặp bờ sông với dòng nước đen ngòm quanh năm... Con sông nhỏ này dường như chứa đựng hết những chất dơ bẩn của Sài Gòn tuôn ra từ những miệng ống cống mà cư dân quanh vùng vẫn phải chịu đựng từ biết bao đời không rời nổi. Cùng số phận, con kinh Thị Nghè cũng một màu nước đen như vậy bốn mùa. Mỗi chiều về, hai bên hè phố Nguyễn Tri Phương, vùng La Cai này, là những món nhậu được bày bán dẫy đầy, hàng quán tấp nập chen chúc, xe cộ ồn ào. Và bạn làm tôi nhớ lại những ngày dưới ruộng theo ghe lên Sài Gòn, tôi thường ra đây tìm món mì xào khói hoặc món bò vò viên, rồi lai rai vài ly bia lạnh cho quên đi dòng đời lúc nào cũng thừa cái nghèo, dư cái cực và thiếu cái thảnh thơi của một lớp người đồng bái. Rồi bạn lại hỏi tôi về những ngày làm ruộng. Bạn hỏi tôi có làm ruộng thật không? Tôi trả lời bạn dòng họ tôi làm ruộng nhiều đời. Ngay như tôi đây, những móng chân cùng cực không ngón nào còn nguyên vẹn chiếc móng lúc ban đầu khi tôi mới chào đời. Bạn nhắc đến những cánh đồng lúa bao la với màu xanh xanh hiền hoà dọc theo hai bên những con đường liên tỉnh miền Tây vào những ngày bạn đi tìm kiếm nguồn cội tiếng đàn độc huyền hoặc điệu dân ca miền Lục tỉnh. Tôi nghe thương quá bà con nơi tôi chôn nhau cắt rún. Bạn ơi, những cánh đồng lúa xanh như mạ non ấy là niềm hy vọng của bao người nghèo khó dưới miền quê sau những ngày lặn lội trong bùn. Nhưng như bạn biết đó, ở đời này, đôi lúc người ta cũng đâu có được những cái suông sẻ như lòng mình mơ ước. Và rồi, họ bắt đầu những ngày lo âu mới một cách thật tội nghiệp. Tôi đã sống nơi những cánh đồng lúa xanh dờn ấy và tôi đã biết được thế nào là nỗi lòng của những mảnh đời nơi ruộng rẫy bùn lầy. Chắc bạn nghĩ rằng tôi quá bi quan trong cái nhìn, trong cảm nhận về cuộc sống chân chất của dân quê. Không phải thế bạn ạ! Phải nhận ra rằng, tôi cảm thương hoàn cảnh của họ nhiều lắm mới phải. Tôi nghe bạn nhắc về Tri Tôn, một nơi chốn thật xa xôi mà bạn đã đến đó vào thập niên 80 với nhà cửa của dân cư vùng này còn xơ xác lắm.  Bạn có biết tôi đang nhìn ra phía trước với dòng xe như bám chặt mặt đường mà rơm rớm nước mắt không? Tôi nhớ lại những năm tháng ấy giặc Miên từ bên kia biên giới tràn qua chém giết người Việt mình đầu lâu chất thành đống cao vòi vọi như cái núi nhỏ trong chùa vùng Thất Sơn mà hãi hùng! Tôi nhớ lại mái lá đơn sơ của ngôi nhà cũ mà cha mẹ tôi tạo dựng sau khi chạy giặc mười mấy năm liền mới trở lại mảnh vườn xưa, ngày ấy cũng xác xơ như vậy. Những ngày ấy vợ con tôi nheo nhóc trăm bề! Sáng tiếng heo kêu đòi ăn bên chưn ục ịch. Trưa lên đồng bùn lầy nắng cháy khô da nứt đất. Tối ngủ muỗi ngủ mồng. Con bịnh lên bịnh xuống với chứng sốt xuất huyết giết người của loài muỗi cỏ bất nhân thất đức. Và rồi, cha mẹ tôi mất trong cảnh cơ hàn thiếu trước hụt sau, không tiền, không thuốc men gì ngoài mấy ngọn kiếng cò, mấy lá xuyên tâm liên mọc bừa bãi ngoài vườn bên khóm rau thơm, bên cây thuốc hàn, cỏ mực. Trong lúc ấy tôi bị giam giữ giữa rừng tràm mà phải nén cơn đau đứt ruột. Sau này, tôi có viết mấy câu thơ cho mình, để tôi đọc bạn nghe nhe:
“U Minh mấy bận rừng thay lá,
Mấy lượt ong về hút nhụy hoa,
Sao buộc đời ta hoài chốn ấy 
Không về tiễn được mẹ cha ta !

Khi con trở lại căn nhà cũ
Tiá má mười năm đã ngủ vùi,
Nghi ngút khói hương nhà vẫn lạnh,
Bao mùa mưa nắng, mấy sương rơi !”
Những năm tháng đó, ngày nào cũng như ngày nào, trên các con sông chảy ngang qua làng mạc tấp nập những chiếc xuồng nhỏ nối đuôi nhau với hai tấm cà rèm che nắng, che mưa từ các miệt Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long chở đầy con nít đi tìm miếng cơm trôi giạt khắp vùng ruộng rẫy. Chỗ nào họ cũng có thể dừng lại làm nơi trú ngụ kể cả bên gốc gáo đầy loài sâu lông hoặc bên bụi tre gai đầy chà chơm gai nhọn. Việc gì họ cũng có thể xin làm mướn dù cực khổ để kiếm hạt gạo, hạt muối nuôi con . Từ làm cỏ, cắt gặt, dặm lúa, đào đất, vét mương, miễn sao có vài lít gạo qua ngày.Từ ngọn rau, con cá, con cua đến cóc nhái gì họ cũng quơ quào lấy sống. Bạn nói với tôi bây giờ đã đỡ nhiều rồi. Tôi biết thế, nhưng bạn ơi, ở nhà quê như miệt kinh tôi ở, dân dã vẫn không khá bao nhiêu khi đất trời mưa không thuận gió không hòa, gây biết bao khốn khổ cho người hiền lương vô tội. Hồi năm ngoái, miệt Năm Căn, sông Ông Đốc, Cà Mau bão táp. Rồi mới trong năm, lại lũ lụt miền Trung biết mấy tang thương. Bạn có biết từ nơi chốn xa xăm này có biết bao tấm lòng hướng về vùng bão táp ấy không? Chốc nữa đây, tôi sẽ mời bạn bắt tay những con người bằng da thịt ấy mà nghe ấm áp cõi lòng khi bạn nhận ra trái tim mọi người vẫn luôn luôn vang động nhịp đập từ tâm vô vụ lợi... Những người cùng khổ thường hay thương xót những người cùng khổ nhiều hơn. Bạn có biết người mời bạn uống cà phê buổi sáng này, thuở ấu thơ, anh ấy mồ côi mẹ lúc vừa tròn mười một tháng tuổi không? Bạn ơi, khi cha tôi mất lúc tôi mới ba mươi bốn tuổi và khi mẹ tôi mất tôi cũng được ba mươi chín tuổi rồi, thế nhưng, mỗi lần nhớ lại mẹ cha mình là mỗi lần tôi xót xa lắm cảnh không còn mẹ còn cha mà buồn đứt ruột! Nói gì đến người bạn mà bạn đã gặp, đau xót biết dường nào khi nhớ lại mình không còn mẹ thuở nằm nôi!!! Nghĩ phận mình côi cút và rồi anh ôm hết người khốn khó vào lòng không so đo hơn thiệt mà xắn tay áo cứu người hoạn nạn. Miễn sao giúp người thương khó càng mau mắn càng mừng rồi! Lòng bao dung ấy thật hiếm thay! Còn anh bạn tặng bạn quyển sách nữa, cũng là một người cùng khổ biết bao phen! Thoát chết trong chiến tranh, thoát chết trong rừng núi miền thượng du trùng điệp tai ương, thoát chết trên đường qua Miên vượt biển tai họa chập chùng, vậy mà rồi khi ngồi lại một mình suy ngẫm kiếp con người, anh ấy muốn ôm hết khổ đau của người đồng thời mà chịu đựng một mình qua từng dòng chữ viết để thành trang sách lưu dấu một thời kỳ. Phải rộng lượng lắm, phải từ tâm lắm mới chịu nghèo mà trải lòng ra làm việc nghĩa nhân như vậy! Phải thế không bạn?  
Nơi xứ xở này, bạn nhìn thấy đâu đâu cũng đầy xe hơi chật ních như vậy.  Lúc tôi mới sang đây, nhiều lúc tôi cảm thấy muốn ngộp thở. Và bây giờ, sau tám năm rồi, tôi vẫn cảm thấy ngộp thở như lúc ban đầu. Còn Sài Gòn thì sao? Sao bạn không nói cho tôi nghe thêm một chút về đời sống ở đó? Tôi được bạn cho biết bạn ít đi ra ngoài vì phải kiếm sống bằng chính tài năng và khối óc của bạn hơn là bươn chảy như mọi người. Vậy là bạn được may mắn rồi đó. Chúng tôi nơi này, mỗi ngày phải dậy sớm để lo việc mưu sinh, lo kiếm sống cho gia đình nhưng những trái tim của các người xa xứ bao giờ cũng in đậm một mảnh hồn sông núi, ruộng vườn, và đồng bào nơi cố quốc . 
Bạn ơi, trái đất tròn mà, vì thế gặp bạn nơi đây là tôi mừng lắm. Đêm mùa Đông mà tôi nghe lòng mình ấm lại khi những tiếng hát được cất cao như mừng bạn đến thật bất ngờ . Những giọng ca không nhà nghề chút nào mà mang cả trời thương nhớ biết bao nhiêu! Chiều Trên Đồi Tăng Nhơn Phú, Thu Hát Cho Người của những nhạc sĩ chuyên nghiệp hoặc Tôi Sẽ Đi của một nhà văn viết nhạc hoặc Đôi Mắt Em Buồn của người nghệ sĩ mà bạn quen tên, có để lại ở lòng bạn chút kỷ niệm nào không? Riêng tôi, chắc tôi sẽ nhớ hoài về một cuộc hội ngộ thật dễ thương này. Bởi lẽ, ở đó, những con tim thật là Việt Nam đang ngập đầy thương yêu muốn trao gởi cho một người bạn mới đến nơi này với một tâm hồn đầy cảm nhận Việt Nam. Chúng ta, có khác chăng là khác tuổi đời, khác một nơi chốn ở, khác công ăn việc làm nhưng cái mẫu số chung là mình cùng một màu máu, một màu da, một nỗi đam mê cái đẹp trong văn chương và một Sài Gòn của những tháng năm còn cắp sách đến trường. Bạn nhớ Tây Ninh qua một lần dạy học với những đứa học trò gần bằng tuổi mình bằng trái tim tuổi trẻ. Bạn làm tôi nhớ một người bạn học dưới mái trường văn khoa ngày trước cũng thật lãng mạn dễ thương như vậy. Hai nỗi nhớ hai cảnh đời khác biệt nhưng dường như có chung một niềm thương mến khó phôi pha .
Bạn ạ, hôm nay nơi này có tuyết rơi nhiều và có lẽ bạn đã rời xa thành phố này như cánh chim trốn tuyết đang bay về vùng nắng ấm phương nam. Những người mà bạn đã gặp, ai ai cũng gởi lời cầu chúc bạn thượng lộ bình an và chúng tôi cảm ơn bạn đã mang đến đây một chút nắng Sài Gòn...
Lương Thư Trung