văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, May 6, 2019

Thiếu Khanh ** VƯƠNG ĐẠO VÀ VỊ HÙNG VƯƠNG THỨ 19



Nói đến vị Hùng Vương thứ 19 tức là mặc nhiên chấp nhận có 18 vị Hùng Vương trước đó.
 Đây là nói về mặt logic chớ hầu như tất cả sử sách của ta đều dành chỗ trang trọng cho các vị hiền nhân minh triết này trong thời kỳ sơ khai khuyết sử của dân tộc. Trong Việt Nam Sử Lược (VNSL), học giả Trần Trọng Kim tỏ ý nghi ngờ tính xác thực của thời đại Hùng Vương trải dài trong 2622 năm với 18 đời “Vua,” bắt đầu từ năm 2879 trước Công nguyên (CN), tức cách đây (năm 2019) 4898 năm, và kết thúc sau khi Thục Phán đánh chiếm nước Văn Lang của Hùng Vương thứ 18 để sáp nhập với nước Tây Âu hay nước Âu Việt lập ra nước Âu Lạc vào năm 258 trước CN.

Có người, không biết dựa vào đâu, đã kể vanh vách tên của 18 vị “Vua” Hùng, như thể ngay từ thời khởi thủy xa xăm đó người Việt đã có tổ chức quốc gia chặt chẽ và đã có sách vở để ghi chép tên mỗi vị “Vua.” 
Thật ra, Vương không phải là vua. Hùng Vương không phải là “Vua” Hùng.
  • I. VƯƠNG LÀ MỘT TỪ TIẾNG VIỆT – VƯƠNG LÀ MỘT BẬC THÁNH NHÂN
Để hiểu rõ vị thế của các vị Hùng Vương trong tinh thần văn hóa và lịch sử dân tộc, trước hết cần làm rõ ý nghĩa nguyên thủy của từ VƯƠNG. 
Trong bài viết “The Birth of Vietnam, Dịch và ngẫm nghĩ,” người viết đã có đề xuất điều này, nhưng ở đây có lẽ cần được lập lại để nội dung bài viết được rõ và nhất quán. 
VƯƠNG là một từ cổ có mặt và được dùng trong cả hai ngôn ngữ, Hán và Việt, trong suốt lịch sử hàng ngàn năm. Tuy được người Tàu viết thành chữ từ rất sớm, nhưng theo ý nghĩa và sự sử dụng trong đời sống thực tế thì Vương là một từ tiếng Việt, trong ngữ hệ Nam Á (vì người Việt nói ngôn ngữ Nam Á, Austroasiatic languages), chớ nó không phải tiếng Hán. 
Chữ Vương () được người Tàu cổ thể hiện bằng ba vạch nằm ngang được cho là tượng trưng Tam Tài (thiên, địa, nhân) và một vạch dọc nối liền ở giữa ba vạch ngang ấy, ngụ ý một “đấng” nối thông tam tài, tức kết nối con người với trời và đất. Con người có khả năng nối thông tam tài đó phải là một nhà đại hiền triết, hay một bậc thánh nhân hiểu thấu lẽ huyền vi của vạn vật, chớ không phải một người cai trị thế tục, không phải một ông vua.
Trong Lục thư (sáu cách viết chữ Hán), dạng chữ Vương này được gọi là chữ Khải (Khải thư) mới phát triển từ khoảng thế kỷ III.
Sách Hán Tự Tố Nguyên của Lý Lạc Nghị cho thấy chữ Vương-giáp-cốt-văn (), tức loại chữ khắc trên mai rùa xương thú cổ hơn chữ Khải khoảng một ngàn năm, có hình dạng một người đứng dang tay như một vị pháp sư cầu khẩn với trời đất. Và một chữ Vương-kim-văn – tức chữ khắc trên đồ dùng bằng kim loại (thường là đồ đồng) xuất hiện vào khoảng thời gian giữa hai chữ Vương kia, mà theo Lý Lạc Nghị, có hình dạng lưỡi rìu, loại vũ khí vừa là dụng cụ đặc trưng của người Việt cổ. Với chữ Vương-kim-văn ( ) tuy vẽ hình chiếc rìu lưỡi loe (hoặc loại rìu lưỡi xéo) ta cũng thấy sự gợi ý của khái niệm “nối thông tam tài” sẽ dẫn đến chữ Vương-Khải-thư của nhiều thế kỷ sau.
Gần 5000 năm trước, dân tộc ta vẫn còn trong tình trạng rất sơ khai, tuy đã định cư nhưng chắc là chưa có tổ chức quốc gia sớm như thế, nên chưa thể có Vua. Hoặc giả, từ cái mốc 2879 trước CN, người Lạc Việt đã có tổ chức quốc gia nhưng không phải dạng nhà nước quân chủ đứng đầu là một ông vua, mà theo một hình thức nhà nước đặc biệt dưới sự lãnh đạo của một vị Vương
Sách Lĩnh Nam Chích Quái viết: “Âu Cơ và 50 người con lên ở đất Phong Châu, suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, đông giáp nam hải, tây tới Ba Thục, bắc tới Động Đình hồ, nam tới nước Hồ Tôn (nay là Chiêm Thành). Chia nước làm 15 bộ (còn gọi là quận): Việt Thường, Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Văn Lang, Quế Lâm, Tượng Quận. Chia các em cai trị.”
Sách Đại Việt Sử Lược viết: “Vào thời Chu Trang Vương (696 – 682 trước CN) ở bộ Gia Ninh có một dị nhân dùng pháp thuật thu phục tất cả các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang… Truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương.” 
Một dị nhân dùng pháp thuật là hành động của một pháp sư là người có những sự giao tiếp với các lực siêu nhiên và siêu hình. Điều đó phù hợp với tính cách kết nối con người với trời đất của một bậc Vương
Trong thời đại còn mông muội của nhân loại, con người chịu ảnh hưởng nặng nề dưới các lực tự nhiên chưa được hiểu rõ nên các điều ma thuật rất phổ biến và người ta rất tôn trọng những người có khả năng sử dụng ma thuật mà về sau được gọi là pháp sư. Dị nhân tự xưng mình là Hùng Vương. Có lẽ người thời Chu Trang Vương đã có dịp chứng kiến sự xuất hiện của vị Hùng Vương thứ 18, cho nên ngay từ đó người ta đã có kết luận: “Truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương.”
Vào khoảng năm 1968, trong giới nghiên cứu sử học tại miền Nam nổi lên một cuộc tranh cãi về chuyện Lạc vương hay Hùng vương, nhân có người giở lại đề xướng trước kia của Henri Maspéro, một nhà nghiên cứu người Pháp, cho rằng không có Hùng Vương mà chỉ có Lạc Vương, và rằng các nhà chép sử Tàu đã chép nhầm tự dạng Lạc vương ( )ra Hùng vương (雄王)khiến các sử gia Việt nhầm lẫn. Thời đó nhà văn kiêm nhà nghiên cứu Bình Nguyên Lộc đã bật cười: “Một ông Tây chê các ông Tàu viết nhầm chữ… Hán!”
Chữ Hùng ()trong Hùng vương vừa là một cái Họ (ví dụ Hùng Vương được hiểu là vị “vua” họ Hùng), cũng vừa có nghĩa là người hay vật đứng hàng đầu. Theo tác giả sách “The Birth of Vietnam,” giáo sư tiến sĩ sử học Keith Weller Taylor, “từ Hùng có nguồn gốc từ một danh hiệu của người thủ lĩnh đến nay vẫn còn tồn tại trong ngôn ngữ của các dân tộc nói tiếng Môn-Khmer sống tại các vùng núi ở Đông Nam Á, cũng như trong tiếng Mường, thứ ngôn ngữ miền trung du gần gũi chị em với tiếng Việt.”  
Trong sách “Lịch Sử Việt Nam – Từ Nguồn Gốc Đến Thế Kỷ XX” Gs Lê Thành Khôi cũng cho rằng “Tiếng Việt với các phương ngữ Mường có [cùng] một từ vựng trên cơ sở Môn-Khmer.” Theo giáo sư ngôn ngữ học người Mỹ Gérard Diffloth, tiếng Việt thuộc chi Việt – Katu, nhóm Môn-Khmer, ngữ hệ Nam Á. Vậy, Hùng, tuy được viết dưới dạng chữ Hán nhưng nó cũng là một từ Nam Á, hoặc từ tiếng Việt cổ. Từ đó, viết Lạc vương là đúng, đó là vị Vương (pháp sư) của người Lạc Việt. Mà viết Hùng vương cũng đúng. Hùng vương là vị Lạc vương thủ lãnh, đứng trên các Lạc Vương. Điều này cho ta hiểu dưới Hùng vương còn có các Lạc vương. Lạc vương là vị vương của mỗi cộng đồng người Lạc, hay mỗi bộ trong 15 bộ của nước Văn Lang. Và Hùng vương là vị Lạc vương đại thủ lĩnh đứng cao hơn hết. 
Trong khung cảnh xã hội sơ khai nhiều ngàn năm trước, một con người có khả năng “nối thông tam tài – kết nối con người với trời đất” là một nhân vật rất có uy thế và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của mọi người, và nhân vật đó lãnh đạo cộng đồng dân cư bằng uy tín thần quyền hay đạo đức của họ, chớ không phải cai trị bằng quyền lực vũ lực. Mỗi cộng đồng dân cư địa phương (tức mỗi “bộ”) luôn luôn có một vị pháp sư (Vương,) nhưng phải vài trăm năm mới xuất hiện một vị Đại pháp sư pháp thuật cao cường, có đủ quyền lực tinh thần và uy tín về tri thức để trấn áp và thống lãnh toàn bộ các vương trong cả nước, và được tôn xưng, hay tự xưng là Hùng Vương. Điều đó giải thích tại sao trong suốt 2622 năm mà chỉ có 18 vị Hùng Vương. Đương nhiên mỗi vị Hùng Vương đều có tên tuổi, nhưng qua hàng ngàn năm mà không có phương tiện ghi chép người ta không thể nhớ được, chỉ nhớ thứ tự xuất hiện của họ. Bởi các Hùng Vương xuất hiện cách xa nhau như thế trong thời gian, nên họ không bao giờ có triều đình với các quan văn võ như triều đình của Tàu, cũng chẳng thể có chuyện cha truyền con nối được.   
Vào khoảng thiên niên kỷ III trước CN, các bộ tộc người Hán du mục, đã có tổ chức xã hội với người đứng đầu xưng Đế, từ vùng Tây Bắc nước Tàu tràn xuống phía dưới sông Hoàng Hà.  Những dân mới đến thấy tại đây đã có các tộc dân người Việt (Bách Việt) mà họ gọi chung là Yüeh của nền văn minh định cư nông nghiệp đang phát triển dưới sự lãnh đạo của các Lạc vươngHùng vương. Những bộ tộc người Hán đã ở lại chung sống với dân bản địa và tiếp nhận ảnh hưởng của nền văn hóa Vương đạo (Đạo của các Vương). của các tộc người Việt. Nhưng bọn người mới đến vốn là dân du mục, với bản tính hung hãn, họ liên tục gây chiến tranh và nuốt dần lãnh thổ của các tộc Việt trong Bách Việt, biến các quốc gia này thành các nước chư hầu của họ.
Theo truyền thuyết, không chịu được bản tính hung tàn của giống dân du mục, người Lạc Việt mà ranh giới bờ cõi phía Bắc lên tận hồ Động Đình trên bờ nam sông Dương Tử rút dần xuống phía nam vượt qua Ngũ Lĩnh, nằm cách xa tầm với của bọn người Hán nên còn kéo dài và duy trì cơ chế Hùng Vương cho đến khi đất nước Âu Lạc lọt vào tay Triệu Đà, một tay phiêu lưu người Hán.
Nhiều người Việt không di tản ở lại sống với người Hán. Số người Việt rất đông. Lâu ngày, tiếng nói của người Hán chịu ảnh hưởng của cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt, họ gọi các thủ lãnh của họ là Đế Cốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Thần Nông … vân vân, (thay vì theo trật tự tiếng Hán là Cốc đế, Nghiêu đế, Thuấn đế, Nông thần…). Không những thế, bị hấp dẫn bởi tinh thần Vương đạo tốt đẹp của người Việt, các thủ lĩnh người Hán cũng từ bỏ Đế hiệu để xưng Vương như người Việt.
Trong tinh thần văn minh nông nghiệp của người Việt, Vương là một người đại minh triết, đại hiền triết, như một thánh nhân, thay mặt trời đất bảo vệ và yêu thương con người và vạn vật. Có lẽ chính ý tưởng Vương gần với ý nghĩa một đấng gần gũi với trời, thay trời hành đạo, đã hấp dẫn giới cai trị Tàu. Họ từ bỏ ngôi vị Đế thống trị giống dân chăn súc vật chẳng cao sang để thay bằng ngôi vị Vương và xưng mình là thiên tử (con trời). 
Sau khi diệt xong nhà Thương, Cơ Phát lập nên nhà Chu, xưng hiệu Vũ Vương, bắt đầu một triều đại kéo dài 800 năm, triều đại dài nhất trong lịch sử nhân loại, với 12 đời vua Tây Chu, và 25 trong số 26 đời vua Đông Chu đều xưng Vương hiệu. Riêng ông vua cuối cùng của triều Đông Chu vì quá suy yếu không dám xưng vương, chỉ xưng Đông Chu Quân, rốt cuộc bị nhà Tần bắt và giết vào năm 249 trước CN, chấm dứt triều đại nhà Chu.
Tất cả các Vua nhà Chu bắt chước người Việt xưng Vương, nhưng không xưng Hùng Vương.  Vì họ chỉ xưng Vương thì các vua chư hầu của họ không ai được xưng Vương nữa, mà chỉ được mang các tước công, hầu, hoặc bá, tùy theo mức độ quan trọng của các thuộc quốc đó. Thoạt đầu nhà Chu có đến tám trăm nước chư hầu; các chư hầu này liên miên đánh phá tiêu diệt thôn tính lẫn nhau, đến cuối thời Chiến quốc rút lại còn 7 nước. Lúc bấy giờ nhà Chu suy yếu, các chư hầu nổi lên xưng vương đồng loạt.
Các đời vua nhà Chu tuy xưng Vương, nhưng họ luôn ý thức Vương là một khái niệm ngoại lai. Nó là của người Việt. Về sau, người Tàu vẽ một chữ Quốc chỉ đất nước của tộc người có khái niệm Vương đó bằng cách vẽ hình chữ Vương trong một ô vuông. Đó là chữ Quốc () của người (Lạc) Việt. Chữ Quốc mà người Tàu gọi là chữ Quốc “đơn” với thái độ phân biệt đối xử, được dùng để chỉ duy nhất đất nước của người Việt thôi; họ không dùng chữ Quốc đó để chỉ một quốc gia nào khác. Thậm chí, khi tìm cách thay thế chữ quốc phồn thể () khó nhớ khó viết của họ, họ không thèm dùng chữ Quốc “đơn” có sẵn (vì nó là của người Việt) mà thêm một chấm vào chữ Vương trong chữ Quốc “đơn” biến chữ vương thành chữ “ngọc” với ngụ ý Trung Quốc (中国) là đất người của ngọc ngà châu báu, chớ không phải của Vương đạo. Vương đạo là của người Việt. 
Khái niệm “Vương” của người Việt mang tính nhân văn rất cao, và nền văn hóa Vương đạo chỉ phù hợp với chủng người Việt trong nền văn minh nông nghiệp hiền hòa sống hòa bình với nhau. Họ, các Vương hay Hùng Vương của người Việt, là bậc hiền triết, đấng thánh nhân, có thể giữ vị trí lãnh đạo xã hội bằng uy tín đạo đức của mình, chớ không phải cai trị bằng vũ lực. Một người ở ngôi vị Hùng Vương vẫn để cho các vương khác tồn tại trong mỗi cộng đồng dân cư trong cả nước, chớ không dẹp bỏ họ. Trái lại khi một thủ lãnh người Hoa xưng vương, ông ta tức khắc tiêu diệt hết các vương khác, để không ai được xưng con hay cháu chắt gì cả của ông Trời. Tuy ngôi vị Vương đưa một thủ lĩnh người Hán lên vị trí cao cả là “thiên tử,” con trai độc nhất của ông trời, nhưng cũng chính ngôi Vương này đã bộc lộ nhiều điểm không thích hợp với tộc người du mục, khiến đế chế của họ bị suy yếu và dẫn đến tan rã: Vương thì không dùng vũ lực, cho nên các “thiên tử” nhà Chu không có vũ lực trong tay, đất nước của thiên tử bị chia xẻ manh mún, thiên tử bị các chư hầu ăn hiếp và lấn át mà đành bó tay không làm gì được.  
Đó là lý do khiến các nước chư hầu của nhà Chu tuy thấy Vương đạo có tính nhân văn tốt đẹp và luôn đề cao nó, nhưng họ không theo, mặc dù Không Tử mang nó đi thuyết giảng đến mòn giầy lỏng gối mà chẳng vua chúa chư hầu nào thèm nghe. Cuối cùng, khi Tần vương Doanh Chính thống nhất Trung Hoa, ông ta lên ngôi Hoàng Đế, xưng Thủy hoàng đế (Hoàng đế đầu tiên) của truyền thống mới, không thèm đếm xỉa đến các ông Đế trước kia trong lịch sử của họ đã nhiễm văn hóa Việt. Từ đây ngôi vị Vương được các Hoàng đế ban cho các con trai thứ của mình. (Con trai trưởng thì được phong Đông cung Thái tử để nối ngôi cha.) Vương từ một ngôi vị cao quý nối thông tam tài, đáng lẽ đứng trên các vua chúa trần gian, trở thành một tước vị thế tục, không còn mang tính thiêng liêng hay minh triết hiền triết gì nữa. Một ông con thứ của Vua thì minh triết đến đâu, và làm sao có thể đứng ra kết nối con người với trời đất cơ chứ!?
Những điều đó xác nhận Vương là một từ tiếng Việt, của riêng tộc người Việt. Và nó là một từ mang khái niệm hoàn toàn ngoại lai đối với người Ttung quốc và văn hóa Trung quốc.
  • II. 18 BÀ HÙNG VƯƠNG
18 BÀ Hùng Vương không phải là những bà vợ của 18 ÔNG Hùng Vương, mà bản thân các bà ấy là Hùng Vương. Hoặc nói cách khác, tất cả 18 vị Hùng Vương trong lịch sử đều là Phụ Nữ!
Trong sách Việt Nam Sử Lược, học giả Trần Trọng Kim viết: “Quyền chính trị (của các “Vua Hùng”) thì cứ cha truyền con nối gọi là phụ đạo.” Viết như thế là nói theo các sách vở của Tàu mô phỏng hình thức triều đình của Tàu, và hoàn toàn không chính xác với tình hình thực tế của lịch sử Việt Nam.  
Trước hết, Hùng Vương không phải là Vua, nên không có tính cha truyền con nối. Hùng Vương chỉ là một bậc hiền triết, một pháp sư trưởng của cả nước, làm trung gian giữa con người và trời đất qua các nghi lễ cúng tế, như còn thấy trong vai trò của các thầy mo hay thầy cúng trong các cộng đồng dân tộc thiểu số hiện đại. Hùng Vương không bao giờ làm công việc cai trị, cũng không có ban bệ triều đinh với những lạc hầu lạc tướng theo kiểu triều đình người Tàu như sử chép. 
Ở phần chú thích trong bài viết của mình trong cuốn sách nghiên cứu của nhiều tác giả “Thời Đại Hùng Vương – Lịch sử - Kinh tế - Chính trị - Văn hóa – Xã hội,” học giả Nguyễn Đổng Chi ghi nhận: ”Một sứ giả Trung quốc đến Việt Nam năm 990 về miêu tả cho thấy một ông vua và một triều đình sinh hoạt rất bình dị, ví dụ: “Lê Hoàn đi chân đất xuống nước và câu cá bằng một cần câu bằng tre dài; mỗi lần nhà vua câu được một con cá thì quần thần nhảy lên và reo mừng…” Trừ ngành quân sự ra chưa có ngành nào hoàn chỉnh và phát huy tác dụng một cách đắc lực.”
Vào cuối thế kỷ X mà trình trạng triều đình của nền quân chủ Việt Nam còn ở mức độ sơ khai như thế; thế thì từ hơn ba ngàn năm trước đó, Hùng Vương đã không phải là vua, làm gì có triều đình với quyền lực chính trị cha truyền con nối?
Thứ hai, từ thời thượng cổ vô sử cho đến vài thế kỷ đầu công nguyên, người Việt hoàn toàn sống trong chế độ mẫu hệ; người ta chỉ biết mẹ và quyền lực của mẹ chớ không hề biết cha mình là ai, nói chi đến việc công nhận quyền “phụ đạo cha truyền con nối” của một ông Hùng Vương… đực rựa!
Các sách sử của ta ít khi nói gì về chế độ mẫu hệ này. Mà có nói thì cũng luôn luôn với tư thế người đàn ông của chế độ phụ hệ. Trong tác phẩm “Lịch Sử Việt Nam…” Gs Lê Thành Khôi ghi nhận: “Lạc long Quân, sau khi lấy Âu Cơ, vẫn tiếp tục sống với mẹ và để vợ lo toan việc dạy đỗ toàn bộ con cái của hai người: như vậy đây là một hệ thống theo mẫu hệ.”
Chúng ta biết, ngay cả trong thế kỷ 21 này, ở một số dân tộc thiểu số còn theo mẫu hệ, người con trai không cưới vợ, mà người con gái chủ động cưới chồng. Có thể nói “Lạc Long Quân trưởng thành rồi mà vẫn còn sống với mẹ,” thì được, vì trong chế độ mẫu hệ, người đàn ông con trai nào cũng phải chịu sự bảo vệ và quyền lực của mẹ.  Nhưng nói “Lạc Long Quân cưới Âu Cơ” thì đó là cách nói của người đàn ông trong chế độ phụ hệ, với thái độ xem nhẹ hoặc không quan tâm đúng mức về sự tồn tại của chế độ mẫu hệ của người Việt thời sơ khai gần 5000 năm trước. Do đó, người ta càng không nói gì về nỗ lực khá vất vả của chính quyền nhà Hán nhằm cải tạo chế độ phụ hệ cho người Việt sau khi chúng chiếm được đất nước Nam Việt của con cháu Triệu Đà và đánh bại cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. 
Sở dĩ Hai Bà Trưng và các tướng lãnh của bà, cũng toàn phụ nữ, dễ dàng vận động hàng vạn quân sĩ, chắc chắn là toàn thanh niên nam giới, theo mình trong cuộc khởi nghĩa, không phải chỉ vì các bà có chính nghĩa và lòng dân sục sôi yêu nước chống xâm lăng, mà do hàng ngàn năm qua người ta sống trong chế độ mẫu hệ, quen phục tùng phụ nữ, xem sự phục tùng đó một điều tự nhiên, nhất định phải thế. Đặc biệt là hai bà Trưng khởi nghĩa và cầm quân đánh giặc ngay khi chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách vẫn còn sống chớ không phải vì Thi Sách bị Tô Định giết mà bà đứng dậy báo thù chồng như sách sử của ta từng ghi lại. Tiến sĩ Keith Weller Taylor cho biết không thấy có bằng chứng nào về việc Tô Định giết Thi Sách để hứng chịu sự phục thù của hai bà Trưng. Sở dĩ các sách lịch sử từ trước tới giờ viết như thế là vì các “định kiến phụ hệ của những thế kỷ về sau không chấp nhận sự kiện một phụ nữ lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa và được tôn là nữ vương trong khi chồng bà còn sống. Các nguồn tư liệu Trung quốc nói rõ Thi Sách phục tùng sự lãnh đạo của vợ.”  Câu nói trào phúng “Nhất vợ nhì trời” không phải người ta vô cớ nói cho vui mà có phản ảnh vị trí quan trọng của người phụ nữ Việt Nam trong thời mẫu hệ. 
Theo Tiến sĩ Keith Weller Taylor, cho đến thế kỷ đầu Công nguyên, “tinh thần mẫu hệ của thời này còn được xác nhận mạnh mẽ hơn nữa với sự kiện là mộ và đền thờ của thân mẫu bà Trưng Trắc vẫn còn đó mà tuyệt không thấy có di tích gì cả của phụ thân bà.” 
Gần hai trăm năm sau bà Trưng, cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu trong thế kỷ III cũng cho thấy ảnh hưởng của mẫu hệ vẫn còn rất mạnh mẽ. Là một thiếu nữ 19 tuổi, không có “gia thế” như hai bà họ Trưng mà có chỗ nói là “con gái quan Lạc Tướng ở Mê Linh,” cô gái Triệu Thị Trinh “chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người,” đã phất cờ khởi nghĩa quy tụ hàng vạn đàn ông thanh niên sẵn sàng nghe lệnh mình xông ra giết giặc. Những người nông dân nghe theo lời hiệu triệu của “bà” Triệu lúc bấy giờ, cũng giống những nông dân Nam Kỳ gần 17 thế kỷ sau đứng lên chống Pháp được vẽ lại dưới ngòi bút của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu:
Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu bầu ngòi
Trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu nón gõ.
Vốn là nông dân ứng nghĩa, họ không chống nổi binh lực tinh nhuệ của địch quân. Họ bị đánh bại. “Bà” Triệu tuẫn tiết khi mới 23 tuổi.
Chính do ảnh hưởng mạnh mẽ của chế độ mẫu hệ đã khiến hàng vạn đàn ông nghiêm chỉnh tuân lệnh một cô gái 19 tuổi. Ngay cả người anh “bà” là Triệu Quốc Đạt cũng giao binh quyền của mình cho em, và sẵn sàng nghe lệnh của em gái. 
Vào thế kỷ III của công nguyên, tức là đã bị thế lực đô hộ chuyển sang phụ hệ vài thế kỷ rồi mà vẫn còn như thế, huống hồ trong khung cảnh xã hội mẫu hệ hơn hai ngàn năm trước đó. 
Tập quán mẫu hệ khiến người ta chỉ biết mẹ mà không biết cha còn kéo dài rất lâu về sau. Trong nhiều truyền thuyết về những nhân vật thế kỷ X, thậm chí thế kỷ XI, người ta vẫn còn kể về những người phụ nữ chỉ vì ăn một trái cây lạ, uống một ngụm nước dòng suối thiêng, hay dẫm vào vết chân người khổng lồ, hoặc chỉ nằm mơ thấy thần nhân thôi mà cũng mang thai. Hoặc, hoang đường hơn nữa, có người bị giao long (tức cá sấu), rái cá, trăn, rắn “hiếp” mà có thai. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép một bà họ Phạm đi chơi chùa Tiên Sơn, mộng thấy thần nhân rồi có thai, sinh ra Lý Công Uẩn, là người về sau mở ra triều đại nhà Lý, tức vua Lý Thái Tổ. Từ điển Di tích Văn Hóa Việt Nam (Nxb Khoa học Xã hội, 1993), mục “Bái Uyên (Đình)” kể chuyện về thời nhà Lý, bà vú nuôi của vua Lý Thần Tông tắm sông “bị giao long quấn lấy người, sau thụ thai sinh được một trai…” và nhiều mục truyện tương tự khác. Cho đến một ngàn năm sau thời hai bà Trưng mà ảnh hưởng mẫu hệ vẫn còn rơi rớt như thế, làm sao từ ba đến gần bốn ngàn năm trước đó lại có thể có các ÔNG Hùng Vương? Làm sao mà các ÔNG Hùng Vương có thể giữ quyền lực chính trị “cha truyền con nối gọi là phụ đạo” được?
Sau khi sống quen trong chế độ phụ hệ rồi, người ta quên mất chế độ mẫu hệ trong quá khứ, và dùng con mắt phụ hệ để nhận định sự việc. Người ta phải “giết” ông Thi Sách đi rồi mới chịu chấp nhận ngọn cờ khởi nghĩa của hai bà Trưng! Ngay cả Tiến sĩ Keith Weller Taylor, một người Tây phương đã quen với vai trò và vị trí của phụ nữ trong xã hội hiện đại, và dù đã nắm các sử liệu trong tay như thế mà cũng còn có vẻ phân vân như thể không tin lắm vào quyền lực tuyệt đối của phụ nữ Việt Nam trong chế độ mẫu hệ. Ông viết: “Trong xã hội Lạc người phụ nữ có vị thế tương đối cao. Như chúng ta sẽ thấy, khi các hào trưởng Lạc nổi lên chống lại ảnh hưởng ngày càng nặng nề của Trung quốc, các cuộc nổi dậy của họ đều do phụ nữ lãnh đạo.”
Và “Xã hội Việt Nam thời thượng cổ có thể là không phải chịu sự kiểm soát của phụ nữ, nhưng rõ ràng là phụ nữ có các quyền thừa kế cho phép họ đảm nhiệm các vai trò lãnh đạo chính trị.”
Tuy Hùng Vương có thể là những nhân vật mang tính thần quyền và không chính thức giữ vai trò chính trị, nhưng xét tính chất quan trọng của nữ quyền trong chế độ mẫu hệ như ta thấy qua các ví dụ trên, vai trò Hùng Vương mà ảnh hưởng chi phối toàn thể quốc gia trong thời thượng cổ đó, chắc chắn phải nằm trong tay phụ nữ. Các Hùng Vương, vì vậy, đã do phụ nữ đảm nhận. Trong lịch sử đã có 18 BÀ Hùng Vương mà có thể do các sử gia về sau chịu ảnh hưởng phụ hệ nên đã không (dám) nhìn nhận và thậm chí không (dám) chép thẳng ra.
Có phải vì phụ nữ đã giữ vai trò pháp sư từ thời thượng cổ nên cho đến tận ngày nay trong giới đồng bóng thường chỉ có những người phụ nữ “ngồi đồng” mà ít khi có nam giới? Và có thể nào những Mẫu Thoải (Thủy), Mẫu Thượng Ngàn, Bà Chúa Liễu, Bà Thánh Mẫu, và vô số nữ thần khác trong thần thoại Việt Nam là những tàn dư của các (bà) Vương trong chế độ mẫu hệ đó không?
  • III. VỊ HÙNG VƯƠNG THỨ 19.
Cuối đời Hùng vương thứ 18, có người tên Thục Phán không biết từ đâu “mang ba vạn quân” tới đánh chiếm nước Văn Lang lập ra nước Âu Lạc và xưng An Dương vương. Sự kiện này khá mù mờ, mỗi sách nói một khác. 
Sách Đại Việt Sử Lược viết ngắn gọn: Cuối đời nhà Chu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi rồi lên thay.
Sách Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn nói rõ hơn: Thục Phán là con thứ của Vua Thục ở Tứ Xuyên, sau khi nước bị Tần diệt đã chạy sang cướp lấy hai nước Tây Âu và Văn lang để lập nên nước Âu Lạc. 
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép nhiều chi tiết hơn: “An Dương Vương, Họ Thục, tên Phán là người Ba Thục, ở ngôi 50 năm, đóng đô ở Phong khê (nay là thành Cổ Loa). Giáp Thìn, năm thứ 1 (257 trước CN) , (Chu Noãn Vương năm thứ 58), Vua [tức An Dương Vương] đã thôn tính nước Văn Lang, đổi quốc hiệu là Âu Lạc. Trước kia vua nhiều lần đem quân đánh Hùng Vương, nhưng Hùng vương binh hùng tướng mạnh, vua bị thua mãi. Hùng Vương bảo vua rằng: “Ta có sức thần, nước Thục không sợ ư?” Rồi Hùng Vương bỏ không sửa sang võ bị, chỉ ham ăn uống vui chơi. Quân Thục kéo sát đến nơi, hãy còn say mềm chưa tỉnh, rồi thổ huyết nhảy xuống giếng chết, quân lính quay giáo đầu hàng Thục vương.”
Sách Khâm Định Việt Sử Thông giám Cương Mục chép lại Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, cũng nói tương tự.
Sách Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim chép: GỐC TÍCH NHÀ THỤC: Nhà Thục chép trong sử nước ta không phải là nước Thục bên Tàu, vì rằng cứ theo sử nước Tàu thì bấy giờ đất Ba Thục (Tứ Xuyên) đã thuộc về nhà Tần cai trị rồi, thì còn có vua nào nữa. Vả, sử lại chép rằng khi Thục vương Phán lấy được nước Văn Lang thì đổi quốc hiệu là Âu Lạc, tức là nước Âu Lạc gồm cả nước Thục và nước Văn lang. Song xét trong lịch sử không thấy đâu nói đất Ba Thục thuộc về Âu Lạc. Huống chi lấy địa ý mà xét thì từ đất Ba Thục (Tứ Xuyên) sang đến Văn lang (Bắc Việt) cách bao nhiêu đường đất, có bao nhiêu núi sông ngăn trở, làm thế nào mà quân Thục sang lấy nước Văn lang dễ dàng  như vậy? Sử cũ lại chép rằng An Dương Vương họ là Thục, tên Phán. Như vậy chắc hẳn là nhà Thục, tức là một họ nào độc lập ở gần nước Văn Lang, chớ không phải là nước Thục bên Tàu.”
Sách Lịch Sử Việt Nam (tập 1) của Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam, (NXB Khoa học Xã hội, HN, 1971, (trang 68) ghi: “Vào nửa sau thế kỷ III trước công nghuyên, nhân sự suy yếu của triều đại Hùng Vương cuối cùng, Thục Phán, một thủ lĩnh người Âu Việt ở miền núi, đã phát nhiều đạo quân tiến đánh kinh đô Văn lang (miền Lâm Thao, Bạch hạc, Vĩnh phú) và đánh đổ triều Hùng.”
Trong “Lịch Sử Việt Nam – Từ Nguồn Gốc Đến Giữa Thế Kỷ XX” Gs Lê Thành Khôi dẫn truyền thuyết của người Tày ở Cao Bằng, cho Thục Phán là “vua xứ Nam Cương nằm ở phía đông Văn Lang trên vùng Cao Bằng hiện nay và phía tây Quảng Tây.”
Tiến sĩ Keith Weller Taylor cũng đề cập thuyết này và không biết ông tham khảo từ tư liệu nào cho rằng Thục Phán đã mang ba vạn quân đến đánh Hùng Vương 18, nhưng chính ông đã căn cứ vào các dữ liệu ngôn ngữ và dân số để bác bỏ thông tin đó. Ngôn ngữ của người dân nước Văn Lang không có biến đổi hay có thêm yếu tố mới nào để chứng tỏ có nhiều người lạ ở nơi xa đến. Và dân số trong nước cũng không tăng lên. Không có ba vạn người nào ở đâu mới đến cả. 
Thế thì sự mù mờ về gốc gác xuất xứ của Thục Phán cho thấy ông không phải là người ngoài thâm nhập vào nước Văn Lang.  Ông chính là một vị Đại Pháp sư mới trong nước Văn Lang – lần này xuất hiện vị đại pháp sư mới là một người đàn ông.
Sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc cộng với hơn một ngàn năm đất nước giành lại được nền độc lập tự chủ, chúng ta không có cơ hội tiếp xúc tinh thần Vương đạo, và chúng ta đã quá quen thuộc với khái niệm Vua là một nhân vật chính trị nên không còn nhớ hay cảm nhận ý nghĩa nguyên thủy của từ Vương nữa. Hoặc chúng ta đồng hóa khái niệm Vương là Vua. Do vậy, đọc ba từ An Dương Vương chúng ta chỉ “thấy” đó là một ông vua bình thường, và đã không cảm nhận đó là một vị Hùng Vương trong tinh thần và ý nghĩa nguyên thủy – Vị Hùng Vương thứ 19!
Vương Lực, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng của Trung Quốc, nói Vua là âm cổ của Vương. Như thế hàm ý Vương hay Vua cũng chỉ là một người, chỉ khác là cách phát âm của cùng một từ đó qua thời gian. Điều này đáng tin đến mức độ nào cũng chỉ trong phạm vi nghiên cứu ngôn ngữ học. Thực ra hai từ này chỉ hai thực thể khác nhau. Có thể ngày nay Vương đã bị hiểu cùng nghĩa với từ Vua, chỉ một nhà lãnh đạo chính trị, đứng đầu quốc gia trong nền quân chủ. Nhưng Vương của gần 5000 ngàn năm trước là một pháp sư, sử dụng pháp thuật, có thể cảm thông với trời đất, là trung gian nối kết con người với thiên địa.  
Có lẽ vị Hùng Vương thứ 18 đã qua đời từ lâu và Thục Phán xuất hiện như một “dị nhân” mới, tiếp nối truyền thống với tính cách của một vị Vương “nguyên thủy.” Ông tự xưng mình là Vương trong tinh thần và ý nghĩa đó. Ông là một “dị nhân” sử dụng pháp thuật, và pháp thuật cao cường của ông đã thể hiện trong việc trấn áp Bạch kê tinh phá hoại công trình xây dựng thành Cổ Loa. Việc sử dụng móng thần Kim Quy để làm lẫy nỏ cũng là một dạng pháp thuật. Ông đến sau khi vị Hùng Vương trước không còn nữa, cho nên không hề có một cuộc chiến tranh giành ngôi đoạt nước nào với vị Hùng Vương trước đó cả.
Sở dĩ sách sử nói ông đánh chiếm nước Văn Lang, tiêu diệt “vua Hùng” thứ 18, vì trong tư tưởng các sử gia mang tinh thần phụ hệ, hiểu Vương là Vua; mà thông thường, hễ một ông vua mới xuất hiện trong một đất nước mà không phải từ dòng dõi vua cũ, tất là trước đó ông ta đã đánh diệt vua cũ để chiếm lấy nước. Thế nhưng không một cuốn sử nào ghi lại được một cuộc chiến tranh giữa Thục Phán và Hùng Vương 18 một cách cụ thể.  Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có nhiều chi tiết hơn các sách khác về chuyện xâm lăng chiếm nước này, nhưng lại rất vu vơ và hời hợt, thậm chí tính bịa đặt bày ra lộ liễu. 
Trong thời kỳ chế độ mẫu hệ nghiêm nhặt, và do 18 vị Hùng Vương trước ông đều là phụ nữ, đưa đến sự mặc định trong ý thức người đương thời: truyền thống Hùng Vương phải là phụ nữ. Mà An Dương Vương là đàn ông. Tính nam giới của ông gây xáo trộn truyền thống, nên ông không thể xưng mình là Hùng Vương. Ông xưng An Dương Vương để phân biệt mình với các Hùng Vương vốn là phụ nữ.
Đến nay dường như chưa có ai nghiên cứu ý nghĩa của hai từ An Dương này. Có thể nào nó cũng vô nghĩa như tên quận Cửu Chân? Nếu thế, có khả năng đó là một từ Việt cổ được người Tàu phiên âm, và các sử gia ta chép lại mà qua hàng ngàn năm không ai còn nhớ nghĩa gốc của nó nữa. 
Nhưng theo ý nghĩa nguyên thủy, Hùng Vương là vị Lạc Vương hàng đầu, vị đại pháp sư, đại hiền triết lãnh đạo quốc gia, thì An Dương Vương chính là vị Hùng Vương thứ 19. Ông còn là vị Hùng Vương đầu tiên có tầm cỡ một nhà trị quốc có sách lược, xây dựng kinh thành làm chỗ định đô, xây dựng quân đội và chế tạo vũ khí để bảo vệ đất nước, những việc mà 18 vị Hùng Vương trước đó chưa từng làm. 
Sỡ dĩ ông có những hoạt động như thế vì thời đại đã đổi khác. Sau hàng ngàn năm định cư, người dân Lạc Việt hiện giờ dưới sự lãnh đạo của ông sắp phải đối diện với hiểm họa xâm lăng từ phương bắc. Nhiều ngàn năm trước, để tránh sự hung hãn của giống người du mục, người Lạc Việt đã rời bỏ vùng Động Đình hồ, lùi dần về phương nam. Giờ đây cuộc sống cả nước đang phát triển phồn vinh với nền văn minh lúa nước và văn hóa vương đạo rực rỡ bên này dãy Ngũ Lĩnh, không thể bỏ mà đi đâu nữa, mà cũng không còn chỗ nào để lùi nữa. Một vị Hùng Vương nam giới xuất hiện vào lúc này là rất phù hợp.                             Nói Thời đại Hùng Vương chấm dứt với cái chết của vị Hùng Vương thứ 18 vào năm 257 trước CN có lẽ là không chính xác. Vị Hùng Vương thứ 18 đã xuất hiện từ thời Chu Trang Vương và có lẽ đã qua đời vào thế kỷ VI trước CN rồi. Thời đại Hùng Vương chỉ chấm dứt sau khi nước Âu Lạc của An Dương Vương bị Triệu Đà cướp lấy vào năm 208 trước CN.

TK
(1 Apr. 2019)

Ghi chú:
 1- Có thể đọc ở đây: 
Hoặc trong sách Chân Dung Văn Nghệ Sĩ Qua Góc Nhìn Ngô Nguyên Nghiễm, Quyển Hạ, trang 927
 2- Riêng “rìu lưỡi xéo” là từ dùng phổ biến trong các tài liệu khảo cổ học Việt Nam, nhưng trong sách Lịch Sử Việt Nam của Gs Lê Thành Khôi gọi là “rìu (có) hình bàn chân người.”
 3- The name Hùng derives from an Austroasiatic tittle of chieftainship that has persisted up to the present time in the language of Mon-Khmer speaking peoples living in the mountains of Southeast Asia, as well as in Mường, the upland sister language of Vietnamese. (Keith Weller Taylor, The Birth of Vietnam, University of California Press, First edition, page 3.)
 4- Lê thành Khôi, Lịch Sử Việt Nam, Từ Nguồn Gốc Đến Giữa Thế Kỷ XX, Nhã Nam – Thế giới xuất bản, 2016, trang 89.
 5- Các nhà ngữ học Việt Nam thường xếp tiếng Việt vào chi Việt – Chứt (Gs Nguyễn Tài Cẩn), hoặc chi Việt – Mường (Gs Trần Trí Dõi)
 6- “Tư Mã Thiên, sử gia chính thống của Hán tộc đã phải thừa nhận một sự thật là: “Việt tuy gọi là man di nhưng tiên khởi đã có đại công đức với muôn dân vậy.” Điều này chứng tỏ rằng Hán tộc phải chịu ơn tộc Việt vì đã tiếp nhận nền văn minh của Bách Việt để rồi biến cải thành văn minh Trung quốc.” (Theo Phạm Trần Anh, Việt Nam Thời Lập Quốc, Việt Nam Ngày Mai xb, 2011, trang 65
 7- “Trong sách Trung Dung, Khổng Tử đã viết như sau: “Độ lượng, bao dung, khoan hòa giáo hóa, không báo thù kẻ vô đạo, đó là sức mạnh của phương Nam, người quân tử cư xử như vậy! Mặc giáp cỡi ngựa, xông pha giáo mác, đến chết không chán, đó là sức mạnh của phương Bắc. Kẻ cường đạo cư xử như vậy.” (Theo Phạm Trần Anh, ibid trang 65)
 8- (Nhiều tác giả), Thời Đại Hùng Vương – Lịch sử - Kinh tế - Chính trị - Văn hóa – Xã hội,  Nxb Khoa học xã hội, HN, 1976, trang 156.
 Lê Thành Khôi, ibid. trang 71.
 Later Vietnamese historians favored the idea that Thi Sách was killed by Su Ting, thus provoking his wife to rebellion.  There is no evidence for this idea; surely it came from the patriarcal bias of later centuries, which could not counternance a woman leading a rebellion and being recognized as queen so long as her husband still lived. The Chinese sources made it clear that Thi Sách followed his wife’s leadership.” (Keith Weller Taylor, ibid. page 39).
 “The matriachal flavor of the time is further attested by the fact that Trưng Trắc’s mother’s tomb and spirit temple have survived, although nothing remains of her father.” (Keith Weller Taylor, ibid, 1991, page 39.)
 “Women enjoyed a relatively high status in Lạc society. As we shall presently see, when the Lac lords eventually rose up against increasing Chinese influence, they were led by women.” (Keith Weller Taylor, ibid, page 13.
 “Ancient Vietnamese society may not have been controlled by women, but it is clear the women enjoy hereditary rights that allowed them to assume roles of political leadership.” (Keith Weller Taylor, ibid, page 77.)
 Lê Thành Khôi, ibid, page 74.
 “Hán Hiến đế, một vị vua của Hán tộc đã phải thừa nhận nước ta là một nước văn hiến: “Giao chỉ là đất văn hiến, núi sông un dúc, trân bảo rất nhiều, văn vật khả quan, nhân tài kiệt xuất.” (Theo Phạm Trần Anh, ibid., trang 65)