văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Saturday, May 2, 2020

VĨNH HẢO ¤¤ VỀ VƯỜN


Về đây, sáng sớm mặt trời soi nơi vườn trước, buổi chiều nắng xiên ở vườn sau. Trên cao độ của vùng đồi núi chập chùng, mây trắng giăng ngang tầm mắt. Chung quanh trống trải, nhìn đâu cũng thấy trời xanh. Gió lồng lộng xua cây lá lao xao. Hàng xóm dăm ba căn nhà đất rộng thênh thang. Lũ trẻ chơi đùa trên con đường nhỏ chỉ rộn lên một lúc rồi trả lại không khí êm đềm của khu ngoại ô im vắng.

Bên nhà người hàng xóm, con ngựa con mấy tháng tuổi trông thật dễ thương; nó cuồng chân chạy rông trong khoảng chuồng rào bằng lưới mắt cáo, trong khi ngựa mẹ thì sục đầu vào cái thùng phuy nhựa tìm nước uống. Thùng trống, ngựa mẹ dùng mõm hất qua hất lại lăn lóc, tạo tiếng kêu lục cục để nhắc nhở chủ quan tâm. Ha, mấy nhà hàng xóm này nhà nào cũng nuôi ngựa. Ít nhất cũng hai con. Thế mà chưa ai làm cái chuồng cho đàng hoàng. Họ mượn hàng rào mắt cáo của vườn nhà để làm chỗ "nhốt" ngựa. Trong khi đó, sân sau của mình lại có cái chuồng ngựa thật rộng đóng bằng loại nhựa đặc màu trắng. Chuồng ngựa kiên cố, có cổng cài then đàng hoàng, mới tinh au, sáng lên giữa nền đất vàng sậm. Ừ, thì có chuồng, để làm chi đây? Người có ngựa lại không có chuồng; người có chuồng lại chẳng nuôi ngựa! Đâu phải mình cố ý sở hữu cái chuồng ngựa này đâu. Chỉ tại chủ nhà trước đóng chuồng nuôi ngựa, bây giờ bán nhà, mang ngựa đi, bỏ lại cái chuồng nơi đây, thế thôi!

Nếu không thích khuôn khổ thì đừng bày chuyện đặt ra những khuôn thước đạo đức, những điều lệ nội qui, những đường hướng, qui tắc, qui luật... đòi hỏi hoặc ép buộc người này người kia phải nghiêm chỉnh tuân theo, trong khi chính mình lại bê bối, lem nhem, chẳng tôn trọng ngay cả những điều lệ căn bản tối thiểu! Còn nếu không theo được qui ước chung thì hãy im lặng, sống nơi hoang vu rừng rú, chẳng cần luật tắc gì của tổ chức con người và xã hội. Ngựa hoang thì cần gì chuồng. Ngựa nhà thì phải có chuồng tươm tất. Không đủ khả năng làm chuồng thì đừng nuôi ngựa. Không thích nuôi ngựa thì đừng làm chuồng. Chuyện chỉ có vậy thôi, sao lại làm cho trở thành rối rắm cuộc đời!

Lâu lắm rồi mới trở lại công việc cuốc cỏ, dọn vườn. Khu vườn người trước để lại sao mà um tùm, rậm rịt. Vườn trước họ còn cố gắng cắt tỉa, dọn dẹp cho được mắt và tránh sự phiền hà của hàng xóm cũng như của sở vệ sinh thành phố--nhưng cũng chỉ được xem là tàm tạm thôi--còn vườn sau thì quả là giống một khu rừng thu gọn. Cỏ gai và những giây leo tràn lan, lấn lướt những giống cây quý. Đồ đạc trong nhà không dùng được nữa cũng vất bừa đâu đó chung quanh, bất cứ chỗ nào còn được khoảng trống. Hì hục cả tháng trời dọn dẹp, khu vườn vẫn chưa gọn sạch như ý muốn.

Chẳng phải sự ngăn nắp, gọn gàng, thứ tự, sạch sẽ... là điều mà ai cũng ưa thích, mong muốn. Có khi sự bừa bãi, vô trật tự, dơ nhớp, bầy hầy... lại cho người ta niềm thú vị, thoải mái nào đó. Như ý của mình không hẳn sẽ như ý người khác, ngược lại cũng thế. Cứ theo tính khí và thói quen của mình mà tạo nên thế giới của riêng mình, như ý mình; rồi hồn nhiên mà sống trong sự bày vẽ đó. Trật tự không hẳn là tốt đẹp; vô trật tự cũng không hẳn là tồi tệ. Trật tự là sự bày biện theo công thức; vô trật tự là thứ trật tự ngoài công thức qui định của con người và xã hội. Có thể nào chọn một trong hai thứ trật tự này không nhỉ? Nếu được thì tại sao phải lo vườn trước tươm tất để che mắt thiên hạ, còn vườn sau thì bừa bãi, luộm thuộm, hoàn toàn trái ngược? Hay là sống ở cuộc đời này phải đi hàng hai, bề ngoài sống với thiên hạ, bề trong thì sống cho mình? Ôi, chẳng lẽ con người trong tư cách một phần tử của xã hội và nhân loại, đều phải như thế? Và ngay cả những người lãnh đạo quốc gia, tôn giáo, đoàn thể... cũng phải như thế? Nếu phóng khoáng với người, khắc kỷ với mình thì là điều đại hạnh cho cuộc đời. Chỉ sợ là ngược lại. Mà thực tế đã cho thấy, chỉ toàn là ngược lại.

Mùa đông, mặt trời lặn sớm. Mới năm giờ chiều mà mây xa đã tím ửng cả nửa vòm trời. Ngồi ở hiên sau, lắng nghe âm thanh của hoàng hôn rơi xuống theo gió nhẹ. Tiếng chó sủa đâu đó khi xe chạy qua đường. Một đàn chim bay vội về phương bắc, nơi dãy núi trùng trùng giăng ngang ẩn hiện sau màn mây mờ đục. Cuộc sống của con người dường như ngưng tụ trong khoảnh khắc, nhường chỗ cho sự tịch lặng của màn đêm huyền diệu. Muôn sao bắt đầu ánh lên những chớp lòe linh động của những thế giới bí ẩn xa xăm.

Về vườn, vui thú điền viên, thực chất chỉ là ảo vọng sắp xếp cuộc đời theo ý mình, trong khả năng giới hạn của mình. Một mảnh vườn nhỏ bừa bộn cỏ gai và rác rưới không hẳn là phải cần đến sự chăm sóc của bàn tay và khối óc con người. Dọn dẹp sắp xếp thì là vườn. Để cỏ cây tha hồ trỗi dậy thì là rừng. Có gì đẹp, xấu, sạch, dơ? Chỉ là theo ý mình hay không mà thôi. Nhưng nếu chủ tâm tạo dựng vườn tược thì cũng nên chăm sóc vườn sau như là vườn trước, trong nhà cũng như ngoài sân. Không phải vì bên trong và bên sau, khuất mắt thiên hạ thì cẩu thả bê bối; không phải vì bên ngoài và đàng trước trình diện láng giềng mà cẩn trọng vun quén chăm lo. Cỏ rác, bụi bặm, có bao giờ ngưng sinh sôi, tràn lấn? Cuộc đời và thuộc tính của nó có bao giờ là sự bất hoại, thường nhiên? Chính sự bất toàn khổ đau là trật tự muôn đời của con người và xã hội. Vô trật tự là trật tự của nó. Ai cũng hiểu điều này và đã từng phát biểu nhiều lần về điều này. Như thế, nguyện làm giảm thiểu khổ đau cho cuộc đời, có thể nói nôm na chỉ là ước vọng dọn vườn: không phải để có một mảnh vườn tuyệt đối đẹp đẽ, ngăn nắp, sạch sẽ, không bao giờ có rác rưới, cỏ gai... mà để tiếp tục công việc của một người dấn thân đi trên con đường dài bất tận. Còn cỏ rác thì còn dọn dẹp, chẳng làm sao mà gọi là về vườn, vui thú điền viên được. Cũng vậy, cuộc đời còn khổ đau bất toàn, thì chẳng làm sao mà nghỉ ngơi, hưởng nhàn được.

Về đây, một mình ngồi lặng ở hiên sau ngắm bóng chiều tà mù lạnh hơi sương và những đêm dài huyền hoặc bóng ngàn sao. Trong bóng đêm, không có sự sạch-dơ, tốt-xấu; không có vườn hay rừng; không có phố thị hay ngoại ô. Chỉ có niềm tịch lặng. Và tôi, tuy về vườn, lại chẳng có vẻ gì là cách xa với con người và cuộc đời bên ngoài thềm hiên nhỏ nơi đây. Con đường vẫn như thế, dài bất tận. Không thể không đi.

Vĩnh Hảo