Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ kinh nghiệm học Phật đến bạn đọc |
TIN LIÊN QUAN
Trò chuyện với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: “Bông hồng cho mẹ và những cảm nhận học Phật” |
Trong buổi gặp gỡ, bạn đọc lắng nghe những chia sẻ thân tình của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về con đường thi ca, nhân duyên với ngành y và cảm nhận ban đầu về Phật học của mình. Ông cũng chia sẻ thêm về những kiến thức cơ bản cho người mới đầu học đạo cũng như kinh nghiệm thực hành trong cuộc sống hàng ngày, giúp thân và tâm an lạc hơn.
Dịp này, mọi người có cơ hội tìm hiểu sâu hơn pháp môn “Thiền và Thở”, cách thức vận dụng nó để phòng, chữa các bệnh lý về thân, giảm các lo âu, stress trong công việc và mang lại an tịnh cho tâm hơn qua sự chia sẻ rất sinh động và thiết thực của vị bác sĩ này.
Tác phẩm “Bông hồng cho mẹ và những cảm nhận học Phật” |
“Thân tâm của mình dường như được làm mới lại, trước đây thấy sự mất mát đó là một nỗi đau nhưng sau khi nghe bác sĩ chia sẻ thì nhận thấy, đôi khi nỗi đau đó là niềm may mắn để mình thể ngộ nhiều điều mới hơn trong cuộc sống bộn bề này”, bạn trẻ Hà Thúy Vi (26 tuổi, quận 8) xúc động khi nghe 4 câu thơ:
Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông…
(Bông hồng cho mẹ – Đỗ Hồng Ngọc)
Tác phẩm “Bông hồng cho mẹ và những cảm nhận học Phật”, tập hợp 37 bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trên Phật học Từ Quang tục bản (2012-2022), do Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành. Với Mùa Vu lan: Bông hồng cho mẹ, Thương nhớ đòn roi, Vè thiền tập, Nói thêm về thiền bụng, Luân hồi sanh tử, Quán Thế Âm Bồ-tat,… trong tác phẩm mới này gợi mở sự truyền thông về tình mẫu tử thiêng liêng và nhận thức về giáo lý Phật đà một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ thực hành.
Niềm hoan hỷ trên khuôn mặt của nhiều người khi tham dự buổi trò chuyện |
“Cuốn sách này ra đời nhân dịp Vu Lan sắp về, nó thể hiện nỗi nhớ về mẹ, cũng như cảm nhận về Phật học và một số trải nghiệm của tôi khi thực hành nó”, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ.
Đỗ Hồng Ngọc là tác giả của nhiều tác phẩm đã đi vào lòng người, với giọng văn nhẹ nhàng như lời tự sự, trong đó có nhiều tác phẩm liên quan Phật học đã tái bản nhiều lần, như Nghĩ từ trái tim, Gươm báu trao tay, Thiền và Sức khỏe, Gì đẹp bằng sen?…
====
Nguyễn Quang Chơn ** buổi Ra mắt sách BÔNG HỒNG CHO MẸ & Những Cảm Nhận Học Phật của Đỗ Hồng Ngọc
(http://www.phamcaohoang.com/
Như là một cái duyên. Lâu lắm không gặp bác sĩ, nhà thơ ĐHN kể từ 2019. Và mấy tháng nay anh em không liên lạc nhau, bỗng nhiên nhận tin nhắn hỏi thăm của anh. Kèm lời mời buổi ra mắt sách “ BÔNG HỒNG CHO MẸ VÀ NHỮNG CẢM NHẬN HỌC PHẬT” của anh tại số 7 Nguyễn Thị Minh Khai Sài Gòn. Cũng là dịp tôi vào thăm cháu nội. Nên kéo con trai Quang Dũng cùng đi….
Số 7 NTMK chỉ một con số mà dài lòng thòng với bao nhiêu hẻm. Chúng tôi đến đúng giờ nhưng tìm đúng nơi đã trễ 15 phút, anh đang bắt đầu buổi ra mắt. Khán phòng nhỏ thuộc về “Hội quán các bà mẹ”. Mà chẳng hiểu vì là của “các bà mẹ” hay sao mà tôi đảo mắt nhìn, tham dự có tất thảy 53 người, mà chỉ có 12 “men”, còn lại là các bà các cô với áo dài nghiêm cẩn. Tưởng sẽ gặp nhiều bạn bè “Quán Văn”, nhưng không, chỉ có chị HKO…
Anh ĐHN vẫn vậy. Từ tốn. Nhẹ nhàng. Nhưng dường như dấu ấn thời gian vẫn khắc trên anh một chút mõi mệt, một chút chậm chạp, một chút…quên quên, so với…3 năm trước!…
Trời ạ. Anh đã tuổi 80. Tuổi 80 mà anh còn ngồi trên diễn đàn, còn trả lời rành rọt mấy câu hỏi của bạn bè, là mừng lắm rồi mặc dầu, “bạn hỏi như dzậy phải không?” đã là quá giỏi!…
Trong cuộc vui còn gặp anh Nguyễn Tiến Nhân, nhà Phật học. Tàn cuộc, anh Nhân nói nhỏ, “Đi uống bia!” Nhưng bận hẹn với cháu nội yêu thương An Chi nên phải vội vã kiếu từ!……
Nói gì đây? Hai tiếng đồng hồ ngắn ngủi để nghe giọng nói, được nhìn những khuôn mặt hiền an mình quí mến. Để nhìn một khung cảnh thân quen của bạn bè ngày ra sách. Để cảm nhận sự gặp gỡ là chia ly, của anh em bè bạn, của những tình thân. Thì cũng đã là cảm nhận sự vô ưu của người “học Phật” rồi còn gì!…
Thi sĩ Đỗ Nghê-Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, vẫn hít vào, thở ra, hồn nhiên tự tại, như tôi như anh, như mọi người, nhưng có lẽ trong sáng hôm nay, tôi “quán” được rằng, anh đã thở ra, thở đến chúng tôi hơi thở bằng an, khi chia tay anh lui bước, thì dưới chân cầu thang kia là một góc chợ, rất đời thường!…
Cám ơn anh ĐHN, một chủ nhật hồn nhiên!
Nguyễn Quang Chơn
17.7.22