văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, July 19, 2022

Dương Minh Trí ** Vài cảm nghĩ nhân đọc “Bông hồng cho Mẹ & Những cảm nhận học Phật” của Bs. Đỗ Hồng Ngọc


Cách đây khoảng hai tuần, tôi nhận được cuốn sách này vào buổi học Phật chiều thư Bảy hàng tuần ở lớp Phật học & Đời sống (PH&ĐS) tại Chùa Phật học Xá Lợi. Nhìn thấy bác “khệ nệ” xách giỏ sách để phân phát cho các Phật tử “thấy mà thương”.

Tôi không có cơ duyên được bác chữa bệnh khi còn nhỏ và cũng không có nhiều cơ hội đọc thơ của bác, nhưng lại có may mắn được học Phật với bác một thời gian đủ để hiểu những vấn đề cơ bản trong Phật học. Một nhân duyên thiện lành.

Lần đầu tiên tôi biết đến bác, không phải được diện kiến dung nhan mà qua cuốn sách “Thiền và sức khỏe”. Nhớ lúc đó mỗi lần chở con đi học thêm Anh văn tại các trung tâm ngoại ngữ tôi thường mang theo nó để đọc trong khi chờ đợi con tan lớp. Một cuốn sách hấp dẫn.

Cơ duyên đưa đẩy tôi đến lớp PH&ĐS (lúc đó lớp chưa mang tên này) tại chùa XL cũng nhờ … bác. Nhớ lại buổi chiều hôm đó tôi có tham dự một buổi nói chuyện của bác về Thiền tại giảng đường Chánh Trí, khi kết thúc đi ra tình cờ thấy một tờ thông báo về lớp Phật học, thế là tìm hiểu và tham gia cho đến bây giờ. Một khởi đầu lạ lùng.

Đọc các bài viết của bác, một đặc điểm nổi bật mà tôi cảm nhận được là thường có lồng thêm những kiến thức về y học, tâm lý học và xã hội học như là một phương tiện khoa học nhằm minh họa, chứng minh thêm cho nội dung bài viết. Nhờ vậy ngoài nội dung bài viết, độc giả cũng có thêm những hiểu biết cơ bản của các lãnh vực trên. Một đặc điểm khác là bác viết những chủ đề về Phật học không bị lạc vào cách kiến giải hàn lâm, rắc rối mà rất đời thường, gần gũi, dễ nhớ nhưng cũng không lạc khỏi ý kinh. Lối viết như chơi với văn phong nhẹ nhàng, đôi lúc dí dõm nhưng cũng rất sâu sắc. Một cách viết thú vị.

Hãy cùng nhau đi dạo qua vài bài bác viết trong cuốn sách bác vừa tặng.

Trong bài Cha mẹ và con cái, bác đã đưa ra hình ảnh về tấm lòng bao la của cha mẹ đối với con cái từ khi con còn là một bào thai trong bụng mẹ cho đến khi con trưởng thành để nói về Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi  Hỷ, Xả), bốn đức tính cao đẹp mà giáo lý nhà Phật thường hay đề cập. Thật là sống động, trực quan và gần gũi biết bao, đọc là cảm nhận được ngay. Bác kết luận: “Từ – Bi – Hỷ – Xả chính là cách mà cha mẹ đã dành cho con cái suốt cả cuộc đời đó vậy.

Khi bắt đầu tìm hiểu về Thiền, tôi có thắc mắc “Tại sao lại dùng hơi thở làm đề mục chú tâm, quan sát mà không là một đối tượng khác? Tôi nghĩ đơn giản đối tượng nào cũng được vì mục đích là dừng cái tâm lăng xăng như con khỉ, con ngựa là được”. Trong bài “Thiền và Thở”, tôi đã thấy câu trả lời: “Thật ra thì quán sát cái gì cũng được cả, bởi tất cả đều là pháp- nhứt thiết pháp giai thị Phật pháp- nhưng quán sát hơi thở thì có điều kiện để thấy ‘ngũ uẩn giai không’ hơn, tức thấy vô ngã hơn. Vô ngã ở đây không còn là một ý niệm, một khái niệm mà là một trạng thái. Để thấy “vô ngã” thì tốt nhất là quán sát từ “ngã”, từ hơi thở là tốt nhất, một đối tượng sẵn có ngay trong bản thân mình. […] Hơi thở dễ quan sát nhất vì nó nằm ngay trước mũi mình, ngay dưới mắt mình! Lúc nào cũng phải thở. Ở đâu cũng phải thở. Cái hay nữa là quán sát nó thì không ai nhìn thấy, chỉ riêng ta biết với ta thôi! […] Hơi thở lại rất nhạy với cảm xúc. Trước một cảnh đẹp, ta “nín thở”. Lúc lo âu, ta hổn hển. Lúc sảng khoái ta lâng lâng. Lúc sợ hãi, hồi hộp ta thở nhiều kiểu khác nhau, muôn hình vạn trạng. Và nhờ đó mà thấy vô thường. Nhờ đó mà ta quán sát được cái tâm ta. Thở cũng gắn với các hoạt động cơ bắp. Khi mệt, ta mệt “bỡ hơi tai”, mệt đứt hơi, mệt hết hơi; khi khỏe, ta thở nhẹ nhàng sảng khoái! Nhờ đó mà ta quán sát được cái thân ta. Rõ ràng chỉ có hơi thở mới là một sợi dây nhạy cảm buộc vào thân vào tâm, là cái cầu nối giữa thân và tâm. Không chỉ thế, thở còn vừa là ý thức, vừa là vô thức. Như không cần ta. Như ở ngoài ta. Như không có ta. Quan sát thở, ta còn có dịp đào sâu xuống…vô thức. Ta thấy thở gắn với sự sống chết của kiếp người. Còn sống là còn thở, chết là hết thở, là tắt thở, là ngừng thở. Để ý một chút ta sẽ thấy đời người thực ra chỉ là… một hơi thở! […] Quán sát hơi thở do đó ta thấy đựơc sự sinh diệt”. Rỏ ràng cho thắc mắc của tôi rồi.

Trong bài“Trời cao đất rộng một mình tôi đi“, một kiến thức cơ bản về y học mà tôi học được: Loài người có trí thông minh vượt trội là nhờ vỏ não phát triển, với hàng trăm tỷ tế bào thần kinh, hàng trăm nghìn tỷ tỷ các mối nối… dày đặc nhưng sự điều hành hô hấp của ta lại không nằm ở vỏ não. Nó nằm ở hành tủy, dưới vỏ não. Các trung khu hô hấp nằm ở đó, điều hành sự thở. Vì thế mà dù vỏ não không hoạt động (ngủ, hôn mê…) thì sự thở (hô hấp) vẫn được duy trì. Khi tập trung (sati) vào hơi thở là ta đã giải phóng cho vỏ não được nghỉ ngơi! ‘Tâm an’ nhờ đó”. Thực tế cho thấy khi quan sát một em bé đang ngủ say, ý thức không hoạt động nhưng cái bụng của bé vẫn phình lên, xẹp xuống đó thôi! Hơi thở vẫn vào ra đó thôi! Trong tình trạng vô thức này mình không làm chủ được hơi thở, nó như ở ngoài ta. Đó là vô ngã.

Trong nhà Phật, khái niệm sanh tử luân hồi nhằm để chỉ sự sống chết cứ xoay vần, nối tiếp nơi một chúng sanh, tức là một chúng sanh sau khi chết sẽ trở lại thế giới dưới một hình hài khác theo một trong sáu đường: thiên, nhân, Atula, ngạ quỷ, súc sanh và địa ngục. Nếu chỉ hiểu sống chết một cách đơn thuần theo kiểu thế gian thì chúng ta chỉ còn cách là tin như thế mà không thế thấy hoặc cảm nhận được gì. Trong bài Luân hồi sanh tử, Bác đã chỉ cho ta thấy: “Luân hồi sanh tử còn là tiến trình tâm trong mỗi sát-na. Từ sáng đến chiều, từ trưa đến tối ta đã… lang thang sáu nẻo biết bao lần. Hết thiên, nhân lại đến atula rồi ngạ quỷ súc sanh địa ngục xà quần không ngưng nghỉ. Sáng bảnh mắt ra, người sảng khoái, lâng lâng, quần là áo lượt có thua gì… tiên nhân đâu, vậy mà trưa nghe một cú điện thoại từ đâu đó bỗng đùng đùng nổi giận, đỏ mặt tía tai, bầm gan tím ruột, lọt tõm vào địa ngục… Chỉ một thoáng thôi, đã từ thiên đàng rơi xuống địa ngục, từ thiên nhân thành Atula, ngạ quỹ… Một thoáng thôi, tiến trình tâm đã trải qua muôn ngàn kiếp rồi vậy!“. À thì ra thế, trong một thời gian ngắn thôi tâm ta cũng đã luân hồi sanh tử biết bao nhiêu lần: tâm bình thường là đang ở cõi người, tâm vui như đang ở cõi thiên, tâm sân như đang đọa địa ngục, …rồi lại lặp đi lặp lại cứ như thế.

Là con người sống trong thế gian này, cũng có lúc chúng ta tự hỏi: “Ta từ đâu đến, sinh ra đời để làm gì và chết sẽ đi về đâu? “Ở đây không bàn về chuyện tâm linh sâu xa, có thể trả lời đơn giản theo kiểu thế gian: “Ta từ bụng mẹ chui ra, sinh ra đời để sống như bao nhiêu người khác và chết sẽ trở về với cát bụi. Thế là hết cuộc đời!”. Đây là hành trình của một đời người, sanh ra để mà chết và hành trình này đã được diễn giải rất rỏ, pha lẫn đôi chút dí dỏm trong bài Chọn những nụ cười: “Từ trứng và tinh trùng, ta hình thành một cái phôi phải nhìn dưới kính hiển vi mới thấy. Rồi rất nhanh, trở thành một thai nhi loi ngoi trong vũng nước ối, trong bụng mẹ. Không thở. Không ăn. Không ngủ. […]Thế rồi chín tháng mười ngày ta bung ra ngoài cứ y như cánh hoa phải xòe nở đúng thời đúng tiết vậy. Việc đầu tiên là… thở. […] Mệt mỏi rồi nhé! Từ đó đã phải lệ thuộc vào cái gì đó bên ngoài. Rồi phải bú nữa trời ạ. [..]. Cứ thế mà chùn chụt để nuôi thân. Rồi biết lật, biết ngồi, biết bò, biết đứng chựng, biết đi, biết chạy nhảy, leo trèo… Rồi biết nói năng, suy nghĩ. Nhớ, tiếc, giận hờn, giành giựt, đấu đá, ghen tuông, ích kỷ, thất tình lục dục đủ thứ không lúc nào ngưng. Và dĩ nhiên vẫn thở và vẫn ăn. Rồi nam tu nữ nhũ. Rồi chọn lựa. Rồi giao cấu. Rồi đẻ ra một lô một lốc chẳng biết từ đâu ra. Đến một hôm, ta từ hùng hục chạy, ta… lững thững đi, rồi chập chững đứng, vật vựa, nghiêng ngả, rồi ngồi một chỗ, mắt lờ đờ nhìn xa xăm, rồi lồm cồm, bò lê, bò lết… Từ chùn chụt, ngấu nghiến, ừng ực, dô dô 100%… ta bỏ ăn bỏ uống, thấy cái gì cũng rệu rạo, nhóp nhép vì xệu xạo răng cỏ. Rồi thở cũng cà giật, cà hước… Ta trở lại cái hồi thai nhi trong bụng mẹ, bây giờ là “mẹ Như Lai”, một vòng khép kín. Thì ra, ta đã từ đó mà đến để rồi loay hoay một vòng về lại chốn xưa”. Rồi bác nhận xét: “Nhìn suốt cuộc hành trình đó, có cái gì tức cười, vừa tàn nhẫn vừa thương tâm. Cái hiện hữu chỉ là thị hiện, trình hiện chút chơi vậy thôi. Nó giả. Nó tạm. Vậy mà sao ta cứ tưởng thiệt mới đáng thương làm sao. Gieo rắc và sinh sôi. Cứ vậy”.Đến đây lại nhớ nhà thơ Bùi Giáng: “Ta cứ ngỡ trần gian là cõi thực/ Thế cho nên tất bật tới bây giờ”.

“Độc cư”, một bài viết khác của bác. Độc cư có phải là sống một mình, không có ai chung quanh? Hãy xem bác diễn giải: “Ở một mình, ăn một mình, đi một mình, ngủ một mình mà đầu óc quẩn quanh biết bao hình bóng, biết bao câu chuyện, nhớ tiếc dĩ vãng, mơ tưởng tương lai thì không thật độc cư ! Dĩ vãng qua rồi. Quấn quít với nó mãi thì gánh nặng đeo mang bao giờ đặt xuống ? Tương lai chưa tới, Que sera sera. Biết ra sao ngày sau. Chuyện ngày mai của ngày mai. What will be will be. Tướng như vậy, tánh như vậy…bổn mạt cứu cánh nó như vậy…Vậy phải chăng an trú trong hiện tại, sống “hiện sinh” xả láng?Hiệsinh kiểu đó cũng chẳng phải hiện sinh chút nào! Độc cư không chỉ rời xa dĩ vãng, không đắm đuối tương lai mà hiện tại cũng phải nhìn bằng con mắt khác. Mắt tuệ: vô thường, khổ, không, duyên sinh, vô ngã…Độc cư và Thiền định không hai. Độc cư thứ thiệt thì nghe ngóng được vận hành của Như Lai trong từng sát na, là sống với Như Lai, sống cùng Như Lai, sống như lai. Và như vậy, người ta có thể sống độc cư bất cứ ở đâu, giữa chợ đời, trong gia đình, dưới gốc cây, nơi rừng thẩm… Cho nên càng sớm “độc cư” thì càng không cảm thấy cô đơn…”. Như vậy sống độc cư không phải là sống một mình mà sống an trú vững chải trong giây phút hiện tại và ý thức được những gì đang xảy ra trong hiện tại, không mắc kẹt vào quá khứ và cũng không bay bổng đến tương lai, nhờ vậy tâm không phóng dật và quay về bên trong chính mình.

Con người được cấu tạo bởi năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) và tưởng là một uẩn trong năm uẩn. Tưởng là sự nhận thức, nhận biết qua giác quan, nó còn được gọi là tri giác. Tưởng cũng giống như cặp mắt kính ta đeo để nhìn sự vật, nếu đeo mắt kính màu gì thì sẽ cảnh vật giống như màu đó. Chúng ta đau khổ hay hạnh phúc đều do cái tưởng này. Vậy muốn chấm dứt khổ đau, ta phải biết sửa đổi cách nhận thức của mình, tức là sửa lại cách tưởng của mình, tập bỏ dần những cặp mắt kính màu để nhìn trực tiếp sự vật. Trong bài “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác”, bác có viết: “Có tưởng là bắt đầu sinh sự. Tưởng vô vàn. Tưởng vô tận. Muốn thiên đàng có thiên đàng. Muốn điạ ngục có địa ngục. Cho nên tu là tu Tâm. ‘Nhất thiết duy tâm tạo’. Tất cả là do tâm bày vẽ ra. Phật từ thời Hoa Nghiêm đã nói rõ như thế. Hạnh phúc khổ đau từ đó. So sánh hơn thua, chém giết nhau từ đó. Tiếng Việt ta còn hay hơn: Tướng và Tưởng, chỉ khác nhau có mỗi cái dấu sắc, dấu hỏi… Mà đã ngàn trùng cách xa!”. 

Tưởng cũng được nhắc đến trong bài “Quán Thế Âm Bồ Tát”Nỗi sợ của con người là ghê gớm nhất. Sợ chết, sợ khổ, sợ nghèo, sợ xấu xí, sợ bệnh hoạn, sợ già nua… Cho nên làm cho con người ta hết sợ là đủ để mang lại hạnh phúc, đủ để  ‘cứu vớt chúng sanh’. Nhưng vì đâu mà người ta sợ? Vì tưởng. Tưởng nên mới thấy sợi dây thành con rắn. Tưởng nên mới cho cái gì của mình cũng nhất thiên hạ. Tưởng nên vô thường mà thấy là thường, vô ngã mà thấy là ngã… Tưởng là của ta, là ta, là tự ngã của ta nên mới tính chuyện gồm thâu lục quốc, nhất thống giang hồ, muôn năm trường trị, trường sanh bất tử…. Rồi tác giả chỉ ra thuốc đặc trị cái tưởng: ” ‘Một lòng xưng danh’ Quán Thế Âm Bồ tát, lập tức vô lượng vô số khổ não sẽ được xóa mất ngay vì Quán Thế Âm là vị Bồ-tát có khả năng “nghe được tiếng kêu của trần thế!” với lòng đại từ đại bi, sẵn sàng ra tay cứu độ. Có thể được ư ? Có thể được. Vì vỏ não ta một lúc không thể có hai ý tưởng cùng tồn tại. Các ý tưởng có thể nối tiếp nhau, dắt dây nhau, niệm này vừa dứt niệm kia đã sanh, chen chúc nhau thì có, nhưng cùng lúc thì không. Nếu đã ‘một lòng’ thực sự ‘xưng danh’ Quán Thế Âm thì không thể cùng lúc ‘xưng danh’ vị Bồ tát nào khác hay ý tưởng nào khác. Cái khó là ‘một lòng’, tức ‘nhất tâm’: nhất tâm bất loạn. Gọi tên, xưng danh Quán Thế Âm bởi vì chỉ có Quán Thế Âm mới có nghìn mắt nghìn tay, mới có nước cam lồ rưới tắt tất cả tham sân si của chúng sanh, mới có khả năng giúp ta hết sợ hãi với một pháp thí tuyệt diệu: vô úy thí!”. Tại sao hay như vậy? linh như vậy? Bác đã chỉ ra ẩn dụ, ẩn nghĩa trong đoạn trên:“Thì ra Quán Thế Âm Bồ tát chẳng phải ai xa lạ: Ngài chính là Quán Tự tại Bồ tát. ‘Quán Tự tại Bồ-tát hành thâm Bát Nhã Ba-la-mật-đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai Không, độ nhất thiết khổ ách’!  Một khi ‘Sắc tức thị Không/ Không tức thị Sắc’ thì lửa sao còn làm cháy được, nước sao còn làm trôi được, gió sao còn thổi bay được, dao gậy xiềng xích sao còn hung hăng được? Và tham sân si cũng đã không tồn tại nữa rồi, đã gaté, gaté, paragaté, parasamgaté rồi, đã “đáo bỉ ngạn”, đã qua bờ bên kia rồi… thì còn sợ hãi điều chi? “Vô úy thí” là vậy!”

Trong kinh Pháp Hoa, ngoài Bồ tát Quán Thế Âm kinh còn nói đến một vị Bồ tát khác cũng rất thú vị, có một pháp tu khá đơn giản và lạ kỳ. Hãy nghe bác nói đến pháp tu của Ngài trong bài viết “Thường Bất Khinh Bồ tát”Thường là luôn luôn, bất là không và khinh là coi nhẹ- Thường Bất Khinh là không bao giờ coi nhẹ, không bao giờ khinh người, nói khác đi luôn tôn trọng người, bất cứ là ai, ở đâu, không phân biệt. Bởi vì dưới mắt Thường Bất Khinh, ai cũng sẵn có Phật tri kiến, Phật tánh đó rồi, chẳng qua vì không thấy biết mà không rõ được sự thực, nên không tìm ra hạnh phúc đích thực của kiếp người mà quằn quại trong nỗi khổ đau, bất hạnh. […] ông chỉ làm mỗi việc: chắp tay xá lạy mọi người, bất kể là ai và nói với họ rằng : Tôi không dám coi thường ngài. Ngài chính là một vị Phật tương lai. Ngài sẽ thành Phật ! Nghe ông nói, ai cũng chưng hửng. Phật ư ? Thành Phật tương lai ư ? Còn lâu ! Giỡn chơi sao chớ. Chế giễu hả? Và người ta đánh đuổi ông, nguyền rủa ông, ném đá vào ông. Mặc kệ, ông vẫn kiên trì, không một chút nao lòng, vẫn cứ mỗi một câu nói đó : Tôi không dám khinh ngài, ngài sẽ là một vị Phật tương lai, ngài sẽ thành Phật. Nghe một lần hai lần thì nổi giận, nghe trăm lần ngàn lần thì giật mình, ngạc nhiên và sửng sốt. Rồi nhìn ngắm lại mình. Ủa, mà cũng dám lắm chớ. Ai cũng có hạt giống Phật mà, chịu khó tưới tẩm có ngày dám mọc lên một cây Bồ đề lắm chớ. Phật là chúng sanh đã giác ngộ còn chúng sanh là Phật sẽ thành đó thôi. Và từ đó, lòng tự tin trỗi dậy. Tín thì tấn, rồi niệm, rồi định rồi huệ. Con đường tất yếu nó vậy“.Liên hệ đến giao tiếp truyền thông giữa người với người trong cuộc sốngbácnhận xét: Tôn trọng, đức tính thứ nhất để thiết lập truyền thông hiệu quả giữa người với người. Thiếu tôn trọng thì truyền thông lập tức gẫy đổ. Tôn trọng phải xuất phát từ lòng thành, nếu không chỉ là sự giả vờ, đóng kịch, không qua mắt được ai.Thường Bất Khinh bằng tất cả lòng thành nên mới nhẫn nhục và tinh tấn đến vậy”. Chúng ta thử áp dụng pháp tu của Ngài khi bị ai xúc phạm, ghét bỏ hay thậm chí muốn hãm hại xem sao!

Dân gian có câu: “Một trăm lần nghe không bằng một lần thấy” hay có thể suy ra “một trăm lần đọc về từ bi không bằng một lần thấy hành động từ bi nơi vị thầy”. Một vị thầy trong đạo dạy ta giáo lý qua khẩu giáo và giới đức qua thân giáo, chính thân giáo, tức hành động, nhân cách, giới phẩm và đức hạnh của vị thầy mới quan trọng, nó làm gương cho ta noi theo. Đây một bài học không lời. Hãy đọc đoạn bác viết trong bài “Với kinh Kim Cang Bát Nhã”Cái điều bỡ ngỡ và chưng hửng đầu tiên khi học Kim Cang là hy vọng được đọc, được nghe những lời hay ý đẹp, những khuôn vàng thước ngọc, những bài giảng uyên áo. Thế mà, trời ạ, Kim Cang lại đi kể ngay một chuyện rất đỗi bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường nữa, chẳng ăn nhập vào đâu, đó là chuyện Phật tới giờ ăn, đói bụng, bèn mặc áo, ôm bình bát đi… khất thực, chẳng thèm nói lấy một tiếng! Nghĩ mà coi, giữa lúc có hàng ngàn người, cả các vị Đại Bồ tát, A la hán, các vị chức sắc và các đại đệ tử thân tín ngồi hồi hộp chờ nghe những lời giáo huấn sâu xa thì Phật chẳng nói chẳng rằng, mặc áo, cầm bình bát, vào thành khất thực. Đến khi khất thực thấy vừa đủ rồi ung dung trở lại hội trường, bày ra ăn, ăn xong, thu dọn y bát đâu đó đàng hoàng rồi rửa chân sạch sẽ, ngồi xếp bằng… thở, nghĩa là… nhập định! Chẳng thèm nói lấy một tiếng. Chẳng thèm ban cho một chút huấn từ […]. Bỗng dưng, Tu Bồ Đề xuất hiện. Ngồi giữa đám đông như mọi người bỗng ông đứng phắt dậy, cung kính cúi chào đúng nghi lễ với bậc Thế Tôn rồi cất lời ca ngợi: Thật là tuyệt vời! Thật là tuyệt diệu! Thật xưa nay chưa từng có! Thế Tôn đã khéo léo dạy dỗ, khéo léo trao truyền, khéo léo gởi gắm cho các vị đang có mặt tại đây hôm nay! Lúc đó thì quả thực mới bùng nổ bài học vừa được truyền trao mà chẳng ai ngờ! Lúc đó thì sự chưng hửng đã trở thành nỗi áy náy. Chết rồi, nãy giờ không để ý, không theo dõi kỹ bài giảng không lời kia của Đức Phật! May mà có Tu Bồ Đề phát hiện! Những người không để ý quan sát kỹ sẽ mất đi một cơ hội đáng tiếc”.Rồi bác nhận xét rằng:Phật có cách dạy riêng của ngài: Không nói một lời mà chỉ làm cho coi. Đó là một phương pháp giáo dục rất mới mà bây giờ người ta gọi là “demonstration”, tức biểu diễn, làm gương, làm cho bắt chước, một lối dạy kỹ năng sống (life skills) rất hiện đại. Một lần nữa cho thấy học Phật, tu Phật là làm chớ không phải nói. Làm trước, nói sau. Hoặc cũng chẳng cần nói”.

 Saigon 17/07/2022

Dương Minh Trí

(Thành viên lớp Phật Học & Đời Sống)