|
tranh Trương Thị Thịnh |
Con mèo gào trên mái nhà hồi đêm bị đập chết ném ngoài mặt đường. Mặt trời chưa lên khỏi hàng điệp. Trong nhà, đứa trẻ nhỏm dậy bên đống chăn gối đã xếp ngay ngắn thút thít khóc vì một cơn mơ ngủ muộn. Người bạn trẻ không còn lo lắng hoặc nói nhiều như tối qua. Anh hút thuốc, muốn ngủ lại. Qua nằm trong ghế xích đu thấy khoẻ khoắn, có thể tiếp tục quãng đường chót. Khu phố quận cổ kính bên con đường những đèo, đầy ổ gà, về sáng chỉ còn vẻ khuất tịch. Căn phòng sáng sủa. Những kệ sách, đàn sáo, mành trúc, tượng thạch cao… tạo vẻ thanh bình bất ngờ. Lúc mới tới, nhìn phố quận đổ nát, Qua đã ngỡ người bạn không còn ở đây. Qua cũng làm người bạn ngạc nhiên. Nghe Qua nói đã giải ngũ – "Mười ba tuổi lính rồi còn gì", anh ta khoa chân múa tay: "Khoẻ rồi. Khoẻ rồi". Qua cười: "Khoẻ gì. Băm lăm băm sáu tuổi rồi". "Cho tôi đổi cái tuổi hiếm có đó, ô-kê?". Người bạn trẻ ồn ào như nô giỡn. Mãi lúc đêm xuống, anh mới lo lắng và nổi giận.
Bây giờ người bạn có vẻ mệt, cần ngủ thêm một giấc. Qua cũng muốn dời đây sớm, sợ phiền. Nhiều chuyến xe đã qua đầy người không chịu dừng giữa đường. Đứa trẻ đón xe giúp đội cái mũ dạ kín tai đứng co ro bên ngoài cửa sổ chấn song sét gỉ hát mãi một bài với cái mồm bốc khói. "Thượng Đế hỡi, có thấu cho Việt Nam này…"
Qua âm ư hát theo đứa nhỏ. Người bạn đã ngủ gục. Nới rộng cà vạt, Qua lại trước gương soi. Chẳng còn vẻ gì nhà binh. Qua muốn nghĩ sẵn cho mình một nghề để dễ ăn nói nếu xe bị chặn xét. Qua trong gương soi chẳng có vẻ sinh viên, công chức, cũng không giống lái buôn. Qua nhớ tới cái máy ấp hột vịt của cha Hồi. Hôm trước vào sửa sắc đẹp, Hồi đi chơi với Qua, nói nhiều chuyện. Hồi tả cái máy ấp hột vịt một cách khó khăn nhưng Qua thực hiểu. Qua bảo: "Có khi tôi cũng làm nghề chăn nuôi". Nàng cười không tin: "Trung uý giải ngũ mà làm nghề ấp hột vịt, hột gà… Trung uý giải ngũ phải đi làm cho Mỹ chớ". Mặt Hồi lúc đó mới bớt vẻ gây gổ như lời đồn song chua chát sao đó. Nỗi vui gặp lại bạn cũ khiến Hồi ít gìn giữ. Hồi bảo Qua cũ mèm nhưng vẫn chững chạc, thân mật. "Đi với anh, Hồi thấy khuôn mặt mới của Hồi bớt lạ". Hai người đi nhiều chỗ, xuống cả Biên Hoà, ghé cả khu vườn thờ Quan Thế Âm Phú Lâm. Qua hỏi chuyện vợ chồng, Hồi cười ngất kêu mình cao số. Có một buổi sáng, hai người len lỏi suốt buổi ở mấy phố Tàu khu chợ Cũ, uống cà phê sữa ăn bánh bao coi khắc con dấu, sửa khoá cũ. Nói về bạn bè ở quê, Hồi bảo lớp thì đi lính, lớp thì chồng con, ngoài giờ dạy ở trường cha xứ, Hồi chơi với hai đứa em gái nhỏ hoặc viết những bài "nhận định" ngắn về phụ nữ, xã hội gởi cho các báo. Qua hỏi thăm gia đình Hồi. "Lỉnh kỉnh như mỗi ngày một chuyến dọn nhà".
Sau hồi bị bỏ tù vì tội trốn lính được cha cứu ra lo cho đi nghĩa quân, Cát bớt hẳn thói xấc láo. Hai cha con có vẻ tương đắc, lo làm lo ăn. Có bữa trời lạnh, mưa lất phất, đứng trên lều trường cha xứ, Hồi thấy nó lom khom đạp xe từ đồn lính bên kia sông về nhà. Phải bỏ bàn tứ sắc băng qua cánh đồng ngập nước về sửa cái máy ấp trứng cho cha, nom Cát thực tội. Cũng ở trên lầu nhà trường, nhiều bữa Hồi nhìn về rặng núi đầu sông hình dung chỗ ẩn náu của Noạn. Có thực thằng em ngỗ nghịch đó ở đấy không? Nếu thực nó có mặt ở đó trước hay sau ngày lão đánh cá Tề Thiên bị bửa đầu trên bãi cát? Dù sao, cũng chỉ là tin đồn láo. Noạn chưa thể làm việc đó.
Trước ngày cãi cọ với cha mấy bữa, Noạn còn phải học Cát cách xỏ dây giầy. Riêng má Hồi lại lẩn thẩn nghĩ khác về nó. Là người miền Bắc – dấu vết chỉ còn lại hai cái tên Kim Lớn, Kim Con đặt cho hai đứa con gái nhỏ – lại thêm lo lắng, bà muốn mọi người phải tin là Noạn đã thay bà… lội sông vượt núi và tìm về quê ngoại. Bà nâng niu tưởng tượng đó một cách thoi thóp. Như cha Hồi vẫn gắng gượng muốn dàn trải cuộc sống mình như một đời sống thảnh thơi, dưỡng già. Nhưng lớp lớp nhà cửa, hoa màu bỏ lại dưới làng vẫn còn gần lắm, chưa quên. Và đám con cái ông thì như vậy. Đã có người nào được nên vợ nên chồng? Có Hương dịu dàng được sống sẵn đời làm vợ từ lúc còn đi học lại chết sớm. Hương chết, Qua bỏ đi, gia đình Hồi vắng hẳn một người con trai, một thiếu nữ để nhắc tới với đám con còn lại.
Hồi kể chuyện nhà, có lúc như xúc động. Hồi nói như được tin cậy, không hề đắn đo. Qua nghĩ Hồi vẫn nhìn mình như hồi sắp cưới Hương. "Hương, giọt sương đầu cành liễu", Qua vẫn nói thế khi ngỡ Hương là vợ, khi Hương đã chết. Những năm tại ngũ, Qua vẫn nghĩ giá có một đứa con với Hương để cho bà má nuôi thì vẫn hơn. Mấy người em Qua con cái hàng đàn, bà má vẫn còn áy náy. Thấy Qua dẫn Hồi đi chơi bà có vẻ khuyến khích. Hồi dời Sài-gòn, dự tính về thăm quê của Qua sau ngày giải ngũ bị bà nhắc nhở nhiều lần. Đã không chắc ở những lý do khiến mình lần lữa chuyện vợ con, Qua nghĩ cũng nên gặp lại Hồi lẫn nữa như một cách làm vừa lòng mẹ.
Đứa nhỏ vẫy được một chiếc Destoto chở hàng rối rít gọi Qua. Người bạn trẻ mở choàng mắt. Qua bảo:
"Xe khó đón, quá giang đại xe này cũng được".
Người bạn đưa ra cửa bắt tay nói đùa:
"Chúc anh về quê lấy được vợ hiền".
Từ cabine xe một người đàn bà tóc ngắn lởm chởm, mang kiếng trắng, ngó ra:
"Trong xe có chiếu, có võng khỏi lo không có chỗ ngồi".
Qua leo lên chiếc thang sắt dựng sát ca-bin. Người đàn bà nói theo:
"Anh đừng chải đầu trong xe".
Chiếc xe cồng kềnh trên con đường lồi lõm dường như cần nhiều kiêng cữ. Qua chui qua cái cửa sổ nhỏ, nhảy vào trong thùng xe. Lòng xe trống trơn, rộng thênh thang. Cuối xe tấm phên song sắt hạ xuống với những chuỗi móc xích lớn. Sát thành xe phía trước, để một chiếc rương bọc thiếc sáng loáng, một cặp mền chiếu còn mới như đồ dùng cô dâu. Qua nằm lên chiếc võng nylon giăng ngang phía trước. Xe chạy, Qua đón chừng người đàn bà phía trước là vợ người tài xế to lớn lông lá. Xe họ đói hàng, chạy thêm nửa ngày đường nữa ra quận ngoài kiếm mối. Chiếc xe rung chuyển toàn thân. Qua chao chát như tự đùa giỡn. Xe chạy như dò đường. Qua hình dung cảnh tượng bên ngoài. Những lùm hoa sặc sỡ, hai bên lề đường, trên những lưng đèo, len lỏi vào tận những triền núi nhấp nhô đá lưng voi. Khúc đường ven biển này bao giờ chẳng thế. Dù đã qua khúc đường hôm qua hay chưa, dù nhìn ra hay quay đi, dù Hương sắp là vợ Qua hay đã chết, những lùm hoa vẫn sặc sỡ và những đá lưng voi vẫn đen trũi trên triền núi cao. Hương trên những khúc đường này thường hồi hộp kêu đi đã xa. Phải đem chuyện vợ chồng ra dỗ. Chuyện vợ chồng nghe nhiều xa lạ hơn biết bao nhiêu nhưng Hương vẫn ưng. Hương trên sườn núi như bỗng có phút lìa đời không thấy nét tươi tiếng nói. Hương bên những lưng đá voi thêm một tấm hình kỷ niệm vẫn như ao ước thơ ngây muốn ghép mình ở lại với thiên nhiên, không toại nguyện.
Dọc đường có thêm một người lính, một bà già quá giang. Qua nhường võng cho bà, trải chiếu nằm ngửa trên sàn. Người lính tì tay đứng ngoài cửa sổ. Những đai sắt quanh thùng xe nghiến rít. Sàn xe vặn vẹo. Tấm phên chấn song đập không ngớt. Những chuỗi xích phá phách. Chiếc võng tung theo từng cái xe lắc. Bà già vô thăm người con đi lính nhưng tới nơi thì nghe đại đội vừa đổi đi. Miệng bà đỏ tươi quết trầu. Một tay ngoắc lên níu chặt mớ dây võng trên đầu, một tay luôn luôn kéo lại hai ống quần xô xuống tận háng. Trông bà, Qua như thấy mình đã giải ngũ lâu lắm, thấy lạ mắt. Những ngày sống lại với gia đình chưa quen, vơ vất. Gặp Hồi, nghe mẹ nhắc nhở, Qua bỗng thấy việc về quê như điều thiết thực thứ nhất có thể làm. Nhưng Hương cũng vừa thấp thoáng đâu đó. Qua về đây vì người chị hay người em? Những ngày vừa qua không khác gì nằm ngửa trên chiếc xe rung chuyển này. Qua có định được gì đâu? Có gì để mà định đâu.
Tới quận, Qua kêu một chiếc xe gắn máy có thùng chở người ở phía sau về nhà Hồi. Hồ sen ở bên đường vào phố nước vẫn trong veo, nhiều bóng mát. Qua một đám đông bu quanh mấy cái xác du kích, Qua nom có người như ông Cổn – cha Hồi – ở một tiệm nước bước ra. Ông Cổn thực. Qua bảo xe ngừng lại, kêu ông. Ông Cổn nom già đi nhưng dáng bộ vẫn to lớn, khoẻ mạnh. Ông có vẻ vừa uống rượu.
"Về hồi nào đó cháu?"
Ông hỏi mừng rỡ. Qua thấy ông không gọi mình là con như trước. Qua chỉ lên xe:
"Cháu vừa về. Lên xe cùng về bác?"
Ông Cổn cười nói dềnh dàng bước lên xe. Ông vỗ và bóp vai Qua:
"Tưởng biệt tích luôn rồi chớ. Con Hồi nó không vô cũng không hay cháu đã giải ngũ".
"Cháu tính ghé vô bác…"
"Về đây thì ở với bác chớ ở đâu nữa. Nom ra cũng không khác xưa mấy".
Ông Cổn cười rung má, ngắm nghía Qua rồi lại cười nói lớn tiếng. Những người đi hai bên đường tò mò nhìn theo chiếc xe. Ông Cổn vận áo veston cũ, đội mũ dạ, mang cà vạt đỏ và có mùi nước bông. Không hiểu thời gian sau này ông có thêm một vài cuộc tình ái già nào nữa? Hồi còn làm vườn ở làng, ông đã in carte de visite bỏ túi và lái được xe du lịch. Qua hỏi: "Bác đi đâu về đó?"
"Giờ thì còn đi đâu nữa, già rồi".
Ông Cổn cười nói nhưng có vẻ cố ý lộn câu trả lời. Qua bảo:
"Đi lính cả mười năm, giờ nom xác chết vẫn thấy gớm".
Ông Cổn gật gật:
"Ờ… ờ… Một tuần có khi năm sáu buổi họ đem về để ở đó".
Qua hỏi chuyện ấp trứng. Ông Cổn nói cũng đủ ăn nhưng chưa thể phát triển nghề này được.
Dứt chiến tranh mới có thể có những dự tính quy mô. Mùi nước bông làm Qua thấy khó chịu.
Về tới nhà ông Cổn, Qua thấy một người cỡ tuổi ông, nom quen, ngồi ở phòng uống nước. Ông già này có cặp xương má thực nở và nước da xám khô. Qua hoang mang xúc động vì một kỷ niệm thuở nhỏ không nhớ rõ. Ông Cổn nói nhỏ:
"Ông Bảy đó, nhớ không?"
Qua gật bừa. Ông Bảy đứng dậy có vẻ bỡ ngỡ vì sự có mặt của Qua.
"Thằng Qua con chị Hai Lựu đó, anh Bảy".
Ông Bảy có vẻ nhớ ra, cười lớn nắm lấy cổ tay Qua mà lắc mà hỏi. Một đôi chim cu đang ăn bột bắp trên những bao chất thành đống ở góc phòng vỗ cánh bay ra ngoài. Thấy hai người dường như có chuyện nói, Qua chào ông Bảy ra nhà sau cất đồ.
"Phải Kim Lớn đó không?"
Qua hỏi một cô nhỏ nép sau bức mành ny-lon nhìn ra phòng ngoài. Cô nhỏ ù té chạy biến ra sau. Nom giống Hồi như đúc. Bà Cổn và Hồi từ bếp lên thấy Qua có vẻ mừng. Qua châm thuốc hút trả lời những câu hỏi. Lúc nói gặp ông Cổn giữa đường, bà Cổn có vẻ giận:
"Đi coi xem chừng nào người ta mang xác thằng Noạn về chớ còn đi đâu nữa".
Bà Cổn kể lể, cho rằng vì chồng mà Noạn đi. Hồi phải kêu luôn miệng bà mới chịu bỏ xuống bếp. Hồi bảo:
"Bả đang giận anh già Bảy Da Trâu nên nói tùm lum".
Qua bật cười. Ông già ngoài kia là lão Bảy Da Trâu. "Bảy Da Trâu đẻ con trọc đầu", Qua lẩm bẩm làm Hồi phì cười.
"Hồi trước anh già làm bọn mình thất kinh. Giờ tới lượt bọn nhỏ. Kim Lớn thấy anh già tới trốn biệt. Vừa đi dạy về đã phải vô bếp thế nó. Kim Con tức anh già lắm nhưng cũng chỉ nép một xó nhìn ra".
Mấy bữa nay ngày nào anh già cũng tới cầu thân để hỏi Kim Lớn cho thằng con út. Ông già với Cát chịu lắm. Nhưng mấy má con Hồi phản đối. Giờ thì bà má đã sợ ông già. Còn mỗi Hồi với hai đứa nhỏ. Kim Lớn còn nhỏ quá. Nói chuyện chồng con nó khóc um rồi lủi trốn như mèo. Nó ngoan hơn cả Hương hồi trước.
Bữa cơm trưa Cát không về. Kim Lớn cũng không thấy mặt. Ông Cổn coi đã no nhưng vẫn sai Kim Con đi mua la-de và uống từng ly lớn. Bữa cơm vui. Kể cả lúc ông nói chuyện nhà. Giọng ông ngây ngất nhưng vẫn là giọng vợ thương con. Ông đổ lỗi cho vợ, cho con, cho tình thế.
"Nói với cháu mà giấu giếm nỗi gì. Nhà cửa, tài sản thì vậy đó. Con cái thì vậy đó. Giờ tao già rồi, trông được một đám cưới tao mừng một, hai đám cưới tao mừng hai. Tuổi tao lẽ ra phải cháu đầy đàn mới đúng".
Ông nói lúc Hồi nhắc tới lão Bảy Da Trâu, chực cãi. Trong câu chuyện, nhiều lúc ông nhắc tới Hương, giọng buồn. Hương lại thấp thoáng đâu đó. Như những đêm biết Hương sắp chết, Qua khóc nức vì bỗng ước ao mãnh liệt được ngủ với người tình. Hương như chỉ khêu gợi trước một Qua lạc thần, bất định.
Giấc nghỉ trưa yên tĩnh như mọi cánh cửa đều khép kín. Qua thiếp dần trong tiếng người xào xạc quanh một thuyền cá mới về vọng lại. Lúc Qua ngủ dậy, Hồi đã tới trường. Ông Cổn đã xuống nhà nuôi gà. Kim Lớn lẻn về nhà ăn cơm nguội dưới bếp. Qua làm quen với hai Kim và nghe bà Cổn nói chuyện mình với Hương hồi sắp cưới. Trong nhà này, Hương vẫn còn quanh quẩn. Hương ở cả đôi mắt ngước nhìn, khuôn mặt cúi xuống mắc cỡ của Kim Lớn lúc tò mò nghe chuyện. Qua đọc "Bảy Da Trâu đẻ con trọc đầu" cho hai đứa nghe. Chúng cười khúc khích. Câu đó Hương làm cho cả lớp đọc sau bữa lão Bảy Da Trâu dụ Qua tới dạy võ Bình Định, bẹo Qua bầm một bên tai.
Buổi chiều lão Bảy Da Trâu lại tới nói chuyện tào lao. Kim Lớn lại trốn. Qua nói với bà Cổn đi thăm một số bà con. Bà bảo Qua để ý kiếm giúp Kim Lớn dẫn về. Ở đây Qua còn ít người thân. Những người quen gặp lại ở khu tản cư ngoài quận nói chuyện với Qua trong những nhà lá cửa chèn kín phên che mưa gió. Hồi nói buổi chiều dạy có hai giờ đầu, hẹn đi chơi. Về tới quận, Qua đã thấy Hồi trên đường về. Hồi ngồi trong chiếc xe hơi ọp ẹp chạy dềnh dàng giữa phố với một người để ria mép, ngậm xì gà. Thấy Qua, Hồi ra hiệu ngừng lại. Chiếc xe lảo đảo như tài xế đang kỳ tập lái. Qua được giới thiệu, biết người trong xe là đồng nghiệp Hồi. Qua trỏ một tiệm cà phê mời vô uống. Anh ta nhã nhặn từ chối. Chiếc xe đảo đảo lăn về cuối phố. Hồi chê cà phê tiệm này dở, bảo tới Ngư Nữ. Ngư Nữ có vẻ ấm cúng. Ngoài cửa quay kẻ một dòng chữ quảng cáo: Muốn ngon giấc, muốn mơ mộng, muốn thức trắng đêm xin đẩy cửa vô. Qua bảo Hồi trước khi vào:
"Uống xong đi thăm mộ Hương một chút".
"Lãng mạn".
Hồi nheo mắt, cười. Qua phân trần nhưng Hồi có vẻ lơ đãng. Hồi kêu cà phê phin, Qua một chai la-de. Hồi ngắm những giọt cà phê kêu dạy mãi cũng nhàm. Thơ Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát đọc qua mồm một đứa con trai hai mươi nghe cũ mèm, dễ giận.
"Anh đã tính kiếm việc gì làm chưa? Hồi hỏi".
"Giờ thì chưa".
Qua trả lời, lảng tránh. Từ bữa về nhà tới giờ thiếu gì những câu hỏi nhắc nhở như thế. Chừng nào định lấy vợ? Chừng nào định đi làm? Qua thường trả lời cần nghỉ ngơi ít lâu rồi tính.
Chiếc cửa quay bị đẩy vô. Một đám thanh niên vận áo len, veston, cầm ô, dắt chó bước vào. Qua hỏi sao Hồi không tính chuyện vô Sài-gòn? Hồi nói đã sửa soạn đi thì kẹt vụ thằng Noạn. Hồi đổ lỗi cho ông Cổn và bỗng giận dữ:
"Kim Lớn mà phải lấy con Bảy Da Trâu, Hồi bỏ đây đi luôn. Thêm một lần bị ông già kết tội phá hoại gia cảnh an nhàn thảnh thơi của ổng cũng không hề gì. Ổng hết lối tìm thanh bình rồi. Ổng tìm ở Kim Lớn".
"Hồi nói quá đáng".
Qua nói. Hồi lắc đầu, mắt long lanh như muốn khóc. Giọng Hồi đứt quãng:
"Hồi hiểu ổng quá mà… Ổng chạy hoài… ngó đâu hãi đó. Ngày nào ổng không thắt cà vạt đỏ, xức nước bông lảng vảng ra bãi cỏ xem có thấy xác thằng Noạn?"
Đám thanh niên mới vào bỗng ồn lên cãi lộn về cuốn sách Mặt trời không bao giờ có thực. Qua kêu tính tiền. Hai người ra khỏi tiệm. Gặp một chiếc xe gắn máy chở thuê, hai người leo lên thùng sau bảo chạy ra ngoài đầm.
Quận trước kia là tỉnh lỵ, nằm dưới chân núi và một bên bờ biển. Trên dốc cao chân núi nhìn xuống chỉ thấy một rừng dừa. Những ngôi nhà cổ phong rêu với những bậc tam cấp rộng, những tường hoa, những cổng sắt nặng rải rác một bên đường dẫn vào quận thấy bỏ không. Bên này đường là bìa đầm, một bờ đá cao chạy dài được xây cao hơn mặt quốc lộ. Những thân dừa cao vút trồng dọc theo bờ đá đều nghiêng vào trong đất liền vì những trận gió bão về mùa lạnh từ ngoài đầm thổi vào. Ngoài kia là núi là những doi đất trồng dừa bao vòng. Nước đầm rút thấp. Những cây si xanh dựng đứng trên những mớ rễ nâu hình nón nhô khỏi những lớp sóng gợn gợn. Chiếc xe từ trong quận chạy ra dừng bên bờ đá. Qua ngơ ngác:
"Tôi vẫn chưa nhớ ra".
Hồi xuống xe bật cười:
"Vậy mà cứ muốn làm bộ chung thuỷ".
Qua trả tiền xe, đi theo Hồi thấy ngượng. Hồi vẫn giỡn:
"Biết anh đi thăm mộ Hương, ông bà già chắc cảm động lắm".
"Về đây ngày dài quá cũng chẳng biết làm gì".
Qua nói như lúc vô tiệm nước. Hai người băng qua lộ, theo một con đường nhỏ ngập cát đi vòng ra bãi dừa sau dãy nhà cổ. Qua hỏi:
"Mộ Hương ở gần… làm sao mà đi lối này?"
"Đi rồi biết, hỏi hoài hết bất ngờ".
"Đường này an ninh không?"
"Ban ngày đâu cũng như đâu. Có đi, có về, anh khỏi lo".
Qua bỗng mừng rỡ:
"Nhớ ra rồi. Có vậy cũng quên".
Hồi đứng khựng lại cười:
"Nhớ ra rồi, anh đi trước cho Hồi theo".
Qua lắc đầu:
"Chỉ nhớ được cái cổng nghĩa địa, không nhớ lối đi. Cái cổng có hai hàng chữ nho mốc meo… Mộ Hương ở ngay phía sau ngôi miễu thờ".
"Giàu tưởng tượng".
Hồi ngắt lời quây quả đi. Qua không nói thêm. Hàng chữ nho mốc, ngôi miễu thờ. Và nỗi xúc động mơ hồ sau đó quen thuộc như mặt trăng trên đầm nước hồi trước kia. Qua bãi dừa, hai người theo con đường mòn lên sườn núi. Cổng nghĩa địa nom khác trước. Ngôi miễu cũng không còn. Qua đứng lại theo Hồi trước một ngôi mộ trần trụi, tấm bia lệch một bên. Mấy ngôi mộ xung quanh cũng vậy.
"Tôi giàu tưởng tượng thực".
Qua nói. Ở đây quả tình không có gì đặc biệt. Cái cổng, ngôi miễu, mấy thứ đó ở nghĩa địa chôn một người trung sĩ còn có mỗi khúc mình.
Từ lúc về đây, Hương được nghe nhắc tới nhiều quá. Và Qua nương theo. Như thể không còn gì ngoài những dẫn dắt bất ngờ. Hương thực chẳng còn gì. Mối xúc động quen thuộc không hẳn thuộc về nàng.
Qua nhìn Hồi, lấy thuốc hút, nới rộng cà vạt, nhìn khắp nghĩa địa. Nếu không kịp nhớ ra ngôi miễu để có điều nói, Qua đã khen Hồi đẹp.
Hai người trở về ngồi ở bờ đá chờ xe. Có một thanh niên quần bó sát, tóc nặng, mang kiếng trắng đang ngồi bên chiếc Honda hút thuốc hát tâm ca. Ở dưới hầm, một thanh niên khác vận quần xà lỏn sọc đổ, áo trùng tới đầu gối bì bõm lội ra với cái mũ kê-pi mắc dưới lớp rễ si. Hồi bỗng dưng lại nổi nóng.
"Nó còn nhỏ xíu đã ồn ào bày đặt chuyện chồng con, ông già tôi thực hết việc tính".
Qua nghĩ rằng mối xúc động nào nơi mình chắc cũng mơ hồ như nhau. Về đây ngày dài quá. Như Hồi sống ở Sài-gòn mới phải. Sài-gòn mới có chỗ công kích cái xã hội này và không bị để ý nhiều mỗi khi cần sửa lại sắc đẹp. Ngồi trên bờ đá này, hợp lý phải là hai người đã yêu nhau. Vớt xong cái mũ, hai thanh niên rồ máy xe chạy về phía quận. Hồi vẫn nói:
"… Thằng con Bảy Da Trâu súng ngắn, súng dài gì cũng không vác nổi mà lão vẫn lo ngoài tết nó bị kêu đi. Lão năn nỉ ông già đủ mọi cách. Lão muốn nhờ Kim Lớn giữ giùm một giọt máu của thằng này…"
Qua muốn an ủi Hồi nhưng không biết an ủi sao. Hồi viết về xã hội, đã quen đặt nhiều liên hệ với những xung quanh. Trong khi đó Hồi vẫn sống một mình với mớ tuổi và nhan sắc cần sửa lại của mình. Ở quận lỵ này, Hồi đã thành người vừa ồn ào, vừa lủi thủi giữa những thứ khác. Hồi coi hai Kim là bạn chơi cũng phải. Giờ Kim Lớn bị ép duyên, dù ngồi đây trong lúc trăng lên, gió rét, Hồi vẫn có thể nổi nóng, nguyền rủa.
Có một chút nắng mỏng hửng lên trên lớp ngọn dừa ở những doi cát ngoài kia. Hồi đã im tiếng, có chút bỡ ngỡ vì nỗi yên lặng chợt nhận thấy. Giọng nàng nghe nhỏ:
"Về đây anh ít vui?"
"Ít vui hơn buổi sáng đi với Hồi quanh mấy phố Tàu coi sửa khoá cũ".
Qua nói đùa, không thể trả lời dứt khoát.
"Chừng nào anh đi?"
"Cũng nay mai. Về đây ngày dài quá".
Qua ngẫm nghĩ rồi hỏi:
"Hồi biết tôi về đây làm gì không?"
Hồi cười không trả lời. Những chùm rễ si nâu màu đất đã ngập nước. Sóng gợn đã rõ từng lớp bọt trắng xoá, có tiếng động. Người nọ thấy khó nghe trọn lời người kia.
Y Uyên