văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, February 2, 2012

PHẠM TÍN AN NINH * Vạt Nắng Cuối Chiều


Thanh Tri

Tháng 7/75, khi mọi người vẫn còn đang ngơ ngác, chưa kịp hoàn hồn trước bao thù hận, mất mát chia lìa, thì ở khu làng biển nghèo Bá Hà,.. một cậu bé 15 tuổi lại ngỡ ngàng trước một tin vui – có mẹ. Khi bà ngoại dắt Hưng vào nhà và chỉ một người đàn bà xa lạ, bảo đó là mẹ mình. Hưng bất ngờ đến sững sờ, cứ ngỡ như bà mẹ này vừa mới từ trên trời rơi xuống.
Từ khi sinh ra, rồi cả một thời tuổi thơ Hưng chỉ sống với bà ngoại. Ngoại nghèo khổ, một thân một mình vất vả làm thuê, gánh mướn, chắt chiu nuôi đứa cháu duy nhất của mình. Hưng lớn lên bằng tấm lòng bao la của ngoại và sóng gió của biển khơi mênh mông. Trò chơi chỉ là rượt theo các chú dã tràng trên bờ biển vắng hoặc nhặt những chiếc vỏ ốc, vỏ sò sau mỗi lần thủy triều lên xuống. Càng lớn Hưng càng khôi ngô, khỏe mạnh. Có lẽ nhờ tiếng hát ru hời của ngoại cùng âm thanh rạt rào của biển luôn an ủi vỗ về mà Hưng gần như quên hẳn nỗi bất hạnh mồ côi và hun đúc Hưng thành một đứa bé khôn ngoan, thánh thiện, sớm biết nhìn bầu trời xanh bao la mà khát khao bao điều ước vọng.
Năm mới lên tám tuổi, vừa hết lớp ba, dù rất say mê học hành nhưng không đành nhìn ngoại ngày một còng lưng, Hưng phải xin nghỉ học để đi làm phụ ngoại. Theo ghe lưới cá của mấy người hàng xóm. Thời gian nghỉ ngơi, ở nhà tự học, đọc sách vở mà Hưng mượn được hoặc mua lại từ những bạn bè hay các anh chị học sinh lớn tuổi trong làng. Hưng ít khi hỏi ngoại về cha mẹ mình, vì Hưng không hề biết mặt họ, và trong ký ức non nớt cũng như trong cả những giấc mơ của Hưng cũng không bao giờ có hình ảnh cha mẹ. Chỉ nghe bà ngoại kể là cả hai người đều bị bạo bệnh qua đời lúc Hưng mới sinh ra. Có lẽ thấy tội nghiệp đứa cháu côi cút của mình, bà không muốn Hưng phải suy nghĩ hay nhớ đến chuyện buồn này, nên chỉ kể vội một đôi lần, lúc Hưng mới lớn lên và bắt đầu nhận hiểu đôi điều ở quanh mình. Rồi không bao giờ bà nhắc lại nữa.
Hưng có hai ông cậu, em của mẹ, nhưng ít khi gặp mặt. Ông cậu nhỏ đi làm xa ở đâu đó, còn ông cậu lớn thì đi lính quân dịch, một năm chỉ về phép đôi ba lần. Ông có vợ, nhưng gởi vợ lại cho ngoại. Bà mợ thì hiền lành, nhưng ông cậu lần nào về cũng ghen tương, gây gổ với mợ, với ngoại, mặc dù ông rất thương và lo lắng cho ngoại. Có lần ngoại buồn, hờn cậu, dắt Hưng theo ra tận vùng quê Xuân Tự, ngoài Vạn Giã ở với gia đình người em của ngoại. Sau hơn nửa tháng, nguôi ngoai và nhớ nhà, nhớ biển, nhớ cả đôi gánh tần tảo của mình, bà cháu lại dắt díu trở về làng cũ. Đó là kỷ niệm một lần đi xa độc nhất trong tuổi thơ của Hưng.
Mười lăm năm sống bên cạnh ngoại, trừ chuyến đi xa duy nhất ấy, Hưng chỉ quanh quẩn ở làng quê Bá Hà hay trong khu vực Hòn Khói. Một khu làng nghèo thuộc huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, nằm bên bờ một cái vịnh nhỏ xa xôi, cách biệt thị tứ. Thời Pháp thuộc, chưa có nhiều phương tiện giao thông, nơi này chẳng khác nào một ốc đảo. Muốn đến nơi khác phải di chuyển bằng ghe thuyền. Dân chúng đa số sống bằng nghề đánh cá, làm muối, một ít làm ruộng. Nghèo, nhưng để bù lại, ông trời đã ban cho họ sự kiên nhẫn, trí thông minh, lòng hiếu học, cùng những cô con gái mặn mà nhan sắc.

Đầu thập niên 60, Bá Hà, Hòn Khói có khá nhiều người trẻ vươn lên, thành đạt bằng con đường chữ nghĩa, tốt nghiệp bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, đã tạo một làn sóng đưa con cái vào các thành phố lớn Nha Trang, Sài Gòn theo học. Nhà nào cũng hy vọng con cháu mình sẽ bước ra khỏi cái nghiệp nghèo khổ, ít học, quanh năm chỉ soi mặt dưới biển, trên đồng từ mấy đời của dòng họ, cha ông. Điều đáng buồn là cùng với cái đà vươn lên ấy cũng là lúc xảy ra nhiều biến động đau thương của đất nước. Bá Hà, Hòn Khói lại là nơi có nhiều anh em ruột thịt và bạn bè thân thiết, kẻ đứng bên này, người đứng bên kia, trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Chủ nghĩa Mác-Lê một thời đã hấp dẫn một số người trí thức trẻ, vươn lên từ những tầng lớp nghèo khổ, khi “đấu tranh giai cấp” trở thành mục tiêu và lý tưởng của họ. Họ không hiểu là người ta đã lợi dụng điều này, dẫn dắt họ vào con đường lầm lạc để cuối cùng chỉ phục vụ cho một nhóm người ác độc, chẳng hề có lý tưởng mà chỉ khát khao quyền lực, bạc tiền.
Hương là một trong số những người đi theo con đường cam go đầy bất trắc ấy. Có điều không nổi đình, nổi đám như nhà họ Đỗ cùng xóm. Một anh giáo sư có vợ bác sĩ và mấy người cháu ruột đều có bằng cấp cao, kẻ vào bưng, người hoạt động nội thành, sau 75 làm nhiều chức rất lớn trong đảng. (Nhưng cũng chỉ vài năm sau thì giật mình thấy “lạc đường” nên quay lại chống đảng để bị tù tội và mất hết bổng lộc) (*). Việc ra đi của cô gái tên Hương này kín đáo, thầm lặng và từ một lý do đặc biệt hơn, không ai biết được.
Hưởng ứng phong trào cho con cái tiến thân theo con đường sách vở, cha mẹ Hương chắt chiu tiền bạc cho cô con gái của mình vào Sài gòn học. Thương cha mẹ nghèo mà phải vất vả lo lắng cho mình, sau khi vào Sài Gòn một thời gian, Hương kiếm việc làm thêm; vừa làm vừa học. Công việc chỉ là phụ giúp trong một nhà máy dệt, nhưng sau một tháng, ông chủ thấy Hương vừa hiền lành thật thà, vừa có chí học hành nên cho Hương làm sổ sách, kế toán. Biết Hương thuê phòng trọ trong khu lao động nghèo, sống một mình giữa Sài Gòn ồn ào đầy bất trắc, ông chủ tốt bụng động lòng thương cho về ở chung với đám con cái trong ngôi nhà rộng lớn của mình. Vừa làm cho xưởng dệt vừa phụ giúp những chuyện lặt vặt trong nhà.
Ông Bùi Văn Trụ, chủ xưởng dệt Bắc Hà là một kiến trúc sư tài ba, từng thiết kế nhiều khu đô thị và nhận lãnh công trình xây cất khu chợ Hòa Bình Đà Lạt. Gia đình trước ở Hà Nội và đã mấy đời làm chủ nhiều xưởng dệt. Năm 1954, cả nhà di cư vào Nam, sống ở khu Phùng Hưng, Chợ Lớn. Sau khi tạm ổn định đời sống và việc học hành cho con cái, ông gầy dựng lại Xưởng dệt Bắc Hà này. Được sự giúp đỡ của chính quyền trong bước đầu, nhưng chính yếu là nhờ vốn liếng và nhiều kinh nghiệm của ông, xưởng dệt ngày càng phát triển, không bị thất thế giữa những xưởng dệt lớn khác ở chung quanh mà hầu hết do Hoa kiều làm chủ.
Biết ông Trụ là người có khả năng và tâm huyết, chính phủ Ngô Đình Diệm đã yêu cầu ông cộng tác trong chương trình tái định cư và kiếm công ăn việc làm cho hơn một triệu người đồng cảnh với ông. Xưởng dệt Bắc Hà cũng là nơi quy tụ nhiều người di cư có kinh nghiệm trong nghề dệt.
Vợ mất, để lại cho ông bốn người con, ba trai một gái. Ông tục huyền với bà vợ mới, là bạn thân của vợ ông và cũng chính là người quản lý mấy xưởng dệt của ông ngoài Hà Nội. Khi di cư vào Nam, gia đình ông, ngoài vợ chồng và cậu con trai nhỏ của bà vợ sau, còn có cả bốn đứa con của bà vợ trước. Vào Sài Gòn ông bà có thêm một cô con gái út. Các con đều theo học các trường Tây: Jean Jacques Rousseau hay Marie Curie. Ông Trụ rất cưng con, nhưng thường bận đi xa trong nghề kiến trúc, hay giúp việc định cư cho những bà con khác, nên giao cho vợ chăm sóc, dạy dỗ đàn con, ngoài việc quản lý xưởng dệt Bắc Hà. Có lẽ một phần do ảnh hưởng nghề nghiệp, nhiều năm với cương vị quản lý mấy xưởng dệt lớn, nhân viên lên đến mấy trăm người, nên bà khá nghiêm khắc với con cái.
Trong mấy cậu con trai có Hoành, con út của đời vợ trước, rất giống bố, khá đẹp trai, hiền lành, học hành chăm chỉ và luôn vâng lời cha mẹ. Hoành không những giống bố về khuôn mặt, dáng đi mà còn ở đức tính rộng lượng, thương người. Thấy Hương con nhà nghèo, nhưng xinh xắn, nhu mì và hiếu học, Hoành rất quí mến, thương yêu lo lắng cho Hương như cô em gái. Hoành thường dạy kèm thêm cho Hương. Những ngày nghỉ, khi đưa các em gái đi chơi, Hoành luôn rủ Hương cùng đi. Thường chỉ đi dạo trong Sở Thú, ăn kem hoặc xem ciné. Sự gần gũi, thân tình và hợp tính nhau dần dần đã làm tình yêu nẩy nở.
Cuộc tình đẹp nhưng thầm lặng kéo dài gần hai năm, càng lúc càng say đắm, nồng nàn với kết quả là Hương mang thai. Hoành đem sự việc thưa cùng cha mẹ và xin được cưới Hương làm vợ. Lúc ấy Hoành đang học năm cuối trường Jean Jacques Rousseau và chuẩn bị thi BAC II. Cha của Hoành, sau khi la rầy rồi cũng đồng ý. Ông bảo Hương là đứa con gái hiền hậu dễ thương, lỗi là ở con trai mình. Cha mẹ phải có trách nhiệm, nhất là trong bụng Hương đang có giọt máu của họ Bùi. Nhưng bà kế mẫu của Hoành thì vừa nghiêm khắc, vừa bảo vệ nếp nhà “môn đăng hộ đối”, quyết liệt khước từ. Sau nhiều lần bàn cãi, cha của Hoành phải tạm thời nhượng bộ để giữ hòa khí gia đình. Cuối cùng ông bà đi tới quyết định: Thuê chỗ ở khác cho Hương sống để chờ sinh đẻ. Sau khi sinh xong, ông bà sẽ bắt đứa con và chu cấp tiền bạc như một đền bù để Hương về quê sinh sống, cắt đứt mọi liên lạc với gia đình cũng như với Hoành. Thực ra, trong thâm tâm ông Trụ, cha Hoành, đây chỉ là kế hoãn binh với bà vợ kế, chờ sau này, mọi việc lắng xuống, ông sẽ mua nhà riêng cho Hoành và tìm cách đưa Hương trở về sống với Hoành và con. Tiếc là ông không nói sớm điều ấy với Hoành. Hoành quá thật thà đem hết mọi việc kể cho Hương nghe, và khuyên Hương cứ ở lại sinh đẻ rồi sau này sẽ tính. Vừa bất bình trước sự khinh miệt giai cấp của gia đình Hoành, vừa giận thái độ khiếp nhược của Hoành, và nhất là sợ bị mất đứa con, hôm sau Hương viết để lại cho Hoành một lá thư từ biệt, trút bao đớn đau trách móc, rồi lặng lẽ ra đi. Để đánh lạc hướng gia đình Hoành, ngừa việc sau này họ đi tìm để bắt đứa con, Hương bảo sẽ về quê ở Diên Khánh (Thành) thay vì về Hòn Khói. Vì xưa nay, mọi người chỉ biết Hương là người từ Nha Trang vào học, thế thôi.
***
Mười lăm năm chưa biết mặt mẹ, chưa hề biết cảm giác của một đứa con có mẹ. Bây giờ bỗng dưng gặp một người bảo là mẹ mình, Hưng không có cảm xúc. Ngồi nghe mẹ kể lại cuộc đời bà và nguyên nhân sự có mặt của mình trên thế gian này, Hưng ngậm ngùi nhưng vẫn không hiểu hết được những điều đã xảy ra. Sao giống chuyện trong mấy cuốn tiểu thuyết mà mình đã đọc. Hưng thầm nghĩ như thế rồi hỏi mẹ:
- Vậy tại sao mẹ lại bỏ con lại cho bà ngoại khi con chỉ mới lên ba?
- Đó là điều đau xót và ân hận nhất của mẹ, đã dằn vặt mẹ bao nhiêu năm nay. Nhưng xin con hãy hiểu và tha thứ cho mẹ. Lúc ấy mẹ không có con đường nào khác. Phụ lòng bà ngoại, xấu hổ với bà con láng giềng vốn còn rất đậm nề nếp cũ, con gái không chồng mà có con là cái tội xấu xa, cái án vô hình nhưng nặng nề lắm, con ạ.
- Đã bao nhiêu năm, sao mẹ không tìm cách liên lạc với bà ngoại và với con, để bà ngoại vừa một mình khốn khổ nuôi con vừa buồn vì tưởng mẹ đã chết thật rồi.
- Thực ra thì lúc ấy mẹ cũng muốn chết lắm. Viết lá thư để lại cho ngoại, bảo là mẹ xuống biển tự tử. Khuya hôm ấy mẹ có ra biển, nhưng khi lội xuống biển, nhìn thấy biển mênh mông, đen sẫm, nghe tiếng sóng thét gào, mẹ bỗng giật mình sợ hãi, không còn một chút can đảm. Mẹ bước lên bờ với ý nghĩ bỏ đi, nhưng chưa biết đi đâu, mẹ ra trốn ngoài ghềnh đá bên động cát, thì bất ngờ gặp mấy người du kích trong xã, trong đó có cô Tám, bạn học của mẹ lúc nhỏ, rủ vào bưng theo kháng chiến. Mẹ đi theo cô ấy.
- Sao mẹ không ở trong đội du kích cho gần nhà mà lại đi ra tận ngoài Bắc?
- Mẹ được cô Tám dắt lên núi để học tập. Nghe nói cách mạng là thực hiện triệt để cuộc đấu tranh giai cấp, mẹ thấy rất hợp với ước nguyện của mẹ nên đã xin tình nguyện để được kết nạp vào đảng. Hơn nữa, mẹ cũng muốn rời xa quê hương, để không ai còn biết đến mình. Mẹ được đưa ra Liên Khu 5, ba năm sau chuyển ra Bắc. Và cũng ở tại Liên Khu 5 này mẹ đã gặp cha của con bây giờ.
Đưa tay chỉ người đàn ông cao lớn, mặc bộ áo quần bằng vải kaki Nam Định, vai mang xắc-cốt, nãy giờ ngồi yên lặng trên bộ phản, bên cạnh bà ngoại, và hai đứa trẻ lạ, mẹ Hưng tiếp tục:
- Chú Ba đây là chồng của mẹ. Và con Hồng, thằng Hà đây là em của con. Trước khi vào Nam, chú Ba nhất quyết bảo mẹ phải nói với con, chính chú ấy là cha ruột để cho con vui, nhưng mẹ không chịu. Mẹ muốn con biết rõ sự thật, vì chuyện cha con là chuyện máu mủ thiêng liêng. Con có nghĩ về mẹ thế nào cũng được, nhưng mẹ muốn con biết rõ lai lịch của mình.
Ông Ba đứng dậy, bước lại ôm vai Hưng thân mật :
- Mặc dù trước đây chưa được gặp con, nhưng mẹ con đã kể cho chú nghe về con từ khi mẹ và chú mới quen nhau. Chú rất thương con, và mong là con luôn xem chú như là ba của con. Nếu được, xin con cho chú cái vinh dự làm cha của con trong giấy khai sinh. Chú thực lòng không muốn trong khai sanh của con đề cha là vô danh, như mẹ đã kể cho chú nghe.
Nói xong ông Ba gọi hai đứa con lại, bảo anh Hưng đây là anh hai của hai đứa con. Từ nay phải gọi là anh hai và thương yêu, vâng lời anh ấy. Hai đứa nhỏ bước đến vòng tay, bẽn lẽn chào Hưng.
Cái giọng Bình Định lai Bắc kỳ của ông Ba hơi khó nghe. Nhưng Hưng hiểu được những điều ông muốn nói và tin những tình cảm ấy là chân thật. Mặc dù sau tháng 4/75, Hưng nghe người trong làng kháo nhau: Đừng nghe những gì Cộng Sản nói.
Sum họp được hai ngày, thời gian chưa đủ để Hưng cảm giác có mẹ, có em, thì mẹ Hưng cùng chồng và hai con phải vào Cam Ranh để nhận nhiệm sở mới. Nghe nói ông Ba làm ở Phòng Địa Chính còn mẹ Hưng thì làm hiệu trưởng một trường phổ thông cấp 1. Trước khi đi ông bà để lại cho bà cháu Hưng mấy bao gạo, một số tiền và ít áo quần.

Sự thay đổi qua bất ngờ và khá lớn lao đó vẫn chưa đủ làm cho Hưng mất đi cái cảm giác mồ côi. Mười lăm năm, đã quen và yêu cuộc sống tuy vất vả nhưng rất yên ả với ngoại, với biển cùng đám bạn bè ở cái làng nghèo Bá Hà này nên Hưng không muốn có một sự đổi thay nào nữa. Từ ngày người mẹ xuất hiện, với một lai lịch khá mơ hồ về cha, cùng với sự xáo trộn từ đầu tháng Tư, kéo theo bao âu lo của bà con trong xóm, đầu óc Hưng lúc nào cũng căng thẳng, chẳng khác nào những đêm biển lặng, theo thuyền đi lưới cá ngoải khơi, đột nhiên bị dông tố bất ngờ. Bao nhiêu năm sống với ngoại, Hưng ví ngoại như cây cổ thụ đầu làng, quanh năm phủ bóng che mưa, che nắng cho mình. Hưng không muốn có ngày bị người ta kéo ra khỏi cái bóng thần tiên ấy, cho dù người ấy là ai. Bỗng dưng Hưng thấy thương ngoại hơn. Tối tối, Hưng chui vào nằm bên ngoại, ôm ngoại thật chặt như sợ bà sắp tuột mất khỏi vòng tay bé nhỏ của mình. Còn ngoại thì khác, bà tỏ ra phấn chấn, vui mừng, thường nắm tay Hưng bảo nhỏ:
- Hãy vui lên nghe con, bây giờ thì con đã có mẹ. Trước đây ngoại rất lo sợ, vì ngoại đã già rồi, nếu có bề gì biết có ai lo lắng cho con. Bây giờ con có mẹ, ngoại yên lòng.
Ngoại nói là ngoại mừng, nhưng nhìn vào mắt ngoại, Hưng thấy ngoại đang khóc.
Hơn một tháng sau, mẹ và chú Ba đưa xe con về đón ngoại và Hưng vào Cam Ranh. Gia đình ông bà được cấp ngôi nhà khá rộng trong khu cư xá, nghe nói của một công chức VNCH bị tịch thu. Mới làm việc chỉ hơn một tháng, nhưng ông bà tỏ ra chán ngán. Ông bảo làm trong ngành địa chính nên biết rõ nhiều điều bất công, khuất tất. Từ việc tịch thu tài sản của nhiều người dân vô tội đến việc giành giật chia chác từ chức tước đến nhà cửa, đất đai giữa những cán bộ trong các ban quân quản và guồng máy chính quyền mới vừa “biên chế”. Mẹ Hưng thì dễ dàng nhận ra hệ thống giáo dục và trình độ của các giáo chức miền Nam, hơn hẳn bây giờ và cả ngoài Bắc. Tuy phải chấp hành cấp trên, nhưng với chức vụ hiệu trưởng, bà cảm thấy e thẹn, nhất là những khi phải họp hành “giao ban” với các giáo chức cũ. Hưng nghe mẹ thường buồn bã tâm sự với ngoại :
- Điều buồn nhất sau bao nhiêu năm trở lại quê nhà là con cảm thấy thật cô đơn. Láng giềng, bạn bè cùng lớp cùng trường ngày xưa dường như đều muốn xa lánh con. Có ai bất ngờ gặp con giữa đường, họ giả vờ vồn vã nhưng con nhìn thấy rõ sự dè dặt trong mắt họ.
Ông bà luôn chăm sóc ngoại, vỗ về an ủi Hưng. Nhiều đêm bà ngủ cùng phòng với Hưng để mẹ con tâm sự. Nước mắt của mẹ dần dà đã thấm đẫm trong lòng Hưng, làm Hưng xúc động. Nằm trong vòng tay, với những cái nhìn âu yếm, cùng những giọt nước mắt ấy của mẹ đã làm Hưng thấy gần gũi, thấu hiểu được nỗi lòng và ước mơ của mẹ. Nhiều lúc, thấy mẹ ngồi thẫn thờ nhìn xa xăm, Hưng biết là cả một quá khứ đau buồn đang trở về với mẹ, nhưng không hiểu là hình bóng của cha Hưng đã hiện lên như thế nào trước mắt mẹ. Mẹ có còn thương cha, có dành một ngăn nhỏ nào trong trái tim của bà cho người tình xưa, hay chỉ có oán trách, hận thù? Còn chú Ba, chồng của mẹ bây giờ, thực ra cũng là một người tốt, chân chất hiền lành, thường tâm tình khuyên bảo, năn nỉ Hưng ở lại với ông bà và hai em. Ông sẽ lo cho Hưng đi học trở lại, có mẹ kèm thêm để Hưng học nhanh hơn. Ông cũng tỏ ý muốn thay mặt cho cha Hưng để bù đắp những gì mà hơn 15 năm qua Hưng bị mất mát quá nhiều. Ông tha thiết mong được Hưng gọi mình là ba như hai đứa em của Hưng.
Hai tuần ở đây, tình cảm trong Hưng có nhiều biến chuyển. Hưng bắt đầu gọi ông Ba bằng cha, và cũng là lần đầu tiên Hưng cảm giác mình có mẹ. Hưng thấy hạnh phúc và cũng có chút hãnh diện về mẹ, một người đàn bà lớn tuổi nhưng còn nhan sắc và hiểu biết. Có một điều Hưng vẫn mơ hồ, không biết con đường gai góc mà mẹ đã đi trong gần mười lăm năm, bỏ Hưng côi cút với ngoại, có phải mẹ đã thực sự tìm đúng lý tưởng của mẹ ? Hưng thấy cái làng Bá Hà này vốn cũng đã nghèo, giờ lại càng nghèo khổ xơ xác hơn. Các chủ ghe mà Hưng đã từng đi theo phụ lưới, giờ phải đem ghe thuyền giao nộp hết cho hợp tác xã. Các anh chị từng vươn lên trong học hành, có cả ông thầy trẻ từng dạy Hưng, một thời làm hãnh diện cho Bá Hà, giờ một số bị tù đày, số còn lại thì quay về nghiệp cũ; đánh cá, làm muối, làm ruộng. Chẳng lẽ học hành, giỏi giang chữ nghĩa lại có tội ? Mọi người ai cũng ngờ vực, sợ sệt lo âu.
***
Tháng 5/78, một chiếc thuyền nhỏ vượt biển tắp vào một hoang đảo ở Nam Dương. Trên thuyền gồm có 18 người, đa số là thanh, thiếu niên. Tất cả được Cơ Quan Cao Ủy Tị Nạn LHQ đón nhận đưa về tạm trú tại trại tị nạn Tandungpinang. Trong số 18 người này có Hưng, cậu bé đánh cá vùng biển Hòn Khói năm nào, bây giờ đã 18 tuổi. Được phái đoàn Mỹ nhận, Hưng đến định cư tại Tiểu bang Florida vào đầu tháng 10/79 với sự bảo trợ của một gia đình người Mỹ tốt bụng.
Nhờ có sẵn đức tính cần cù chăm chỉ, từng trải qua cả một thời tuổi thơ cơ cực, và cũng nhờ vào trí thông minh của ông trời ban cho người dân nghèo Hòn Khói, Hưng vừa đi làm giúp đỡ gia đình, nhất là bà ngoại ở Việt Nam, vừa theo học tại một trường Cộng Đồng dành cho người lớn tuổi. Hưng học rất nhanh và luôn đạt điểm cao, được khích lệ của các thầy cô giáo. Hưng theo gương Nguyễn Xuân Nam, một người bạn nghèo cùng làng Bá Hà, sang Mỹ trước Hưng một năm, nổi danh hiếu học (**). Trong chuyến đi của Hưng có cậu em ruột của Nguyễn Xuân Nam.
Khi được Cao Ủy Tị Nạn và Phái Đoàn Mỹ phỏng vấn, hỏi do động cơ nào mà Hưng vượt biển ra đi. Hưng trả lời là chính bà ngoại đã khuyên và giúp Hưng tìm mọi cách, bà bảo :
- Chỉ mới sau mấy năm “giải phóng” mà coi bộ dân chúng khốn khổ quá chừng. Ai cũng lo sợ, oán than cách mạng. Ngoại già rồi, nhưng con còn trẻ phải tìm mọi cách ra đi. Ở lại coi bộ khó sống lắm con ạ.
Đó là lời khai hoàn toàn thành thật, vì xưa nay Hưng không hề biết nói dối. Có điều Hưng hơi ngạc nhiên khi nghe ngoại bất ngờ nói ra điều này, mà trước đó Hưng chưa bao giờ nghe bà nói tới. Sau này, Hưng mới biết đó là quyết định của mẹ và ông cha kế. Cả số tiền để Hưng trả cho chủ ghe cũng do ông bà đưa cho ngoại.
Lá thư đầu tiên nhận được của mẹ, có cả ông Ba, người cha kế viết chung trong đó, Ông bà chúc mừng Hưng đã đến xứ tự do, nơi bảo đảm tìm thấy tương lai, nếu ở lại, giờ này Hưng đã bị đi nghĩa vụ quân sự và có thể bỏ xác oan uổng ở chiến trường Campuchia trong cuộc tranh giành quyền lực giữa những người Cộng Sản. Hai năm sau, tháng 12/81, Hưng được tin ông xin phục viên, viện cớ chứng đau nhức đến buốt óc do một mảnh đạn còn nằm trong đầu, bị thương trong trận tấn công Quảng Trị 1972, không thể giải phẫu lấy ra được. Mẹ Hưng còn dạy học thêm vài năm nữa, sau này xin nghỉ vào Bình Dương làm nghề trồng cây ăn trái.
Năm 1992, sau khi tốt nghiệp đại học và đã có công việc làm ổn định, được tin ngoại ốm nặng, Hưng vội vã về Việt nam thăm ngoại. Xin bảo lãnh ngoại sang Mỹ để chữa bệnh và sống với Hưng, nhưng ngoại nhất quyết chối từ, bảo là bà đã sống ở làng quê Bá Hà cả một đời người, như cây đa mọc rễ không dễ gì mà bứt ra được. Không ngờ đó là lần cuối cùng Hưng gặp ngoại. Bà qua đời vào năm 1998. Được tin ngoại mất, Hưng có cảm giác như cả bầu trời sập xuống. Hưng tưởng tượng cái cây cổ thụ xum xuê to lớn ở đầu làng Bá Hà vừa bị bật gốc. Dù bây giờ Hưng đã thực sự trưởng thành, có một gia đình hạnh phúc với vợ con, công ăn việc làm ổn định, nhưng Hưng vẫn cảm thấy như vừa mất đi cái bóng mát vĩ đại để tâm hồn mình trú ẩn. Bởi mỗi khi buồn, cảm thấy cô đơn lạc lõng trên xứ lạ quê người, nghĩ tới ngoại là tinh thần Hưng phấn chấn. Nhớ những ngày mình còn bé, ngoại thường dắt lên chùa lễ Phật. Hưng chấp tay trước ngực, đứng nép bên ngoại trước tượng Phật, nghe ngoại chỉ cầu xin bao điều may mắn tốt đẹp cho đứa cháu côi cút của mình. Có lẽ nhớ những lời cầu xin này của ngoại mà cuộc đời mình mới được như hôm nay. Bây giờ trang sách cuộc đời như vừa bị ai đó xé đi mất nửa trang đầu, để nửa sau không còn ý nghĩa gì nữa. Hưng khóc hết nước mắt và hụt hẫng đến suy sụp cả tinh thần.
Ông Ba, người chồng sau của mẹ cũng qua đời mấy năm sau đó. Hưng dắt vợ con về Việt Nam để chịu tang ông như người cha ruột của mình. Hưng xin xây mộ phần cho ông, an ủi mẹ và hai em. Trước khi rời Việt Nam, Hưng gởi lại cho mẹ một số tiền và hứa mỗi tháng sẽ gởi thêm về để phụ cho hai em ăn học đến nơi đến chốn.
Trong lần về Việt Nam lo đám tang cho ngoại, Hưng có dịp tâm tình riêng với mẹ. Mấy ngày hai mẹ con nằm trong khách sạn Hải Yến ở Nha Trang, khi ngoài trời gió mưa tầm tã, mẹ đã kể lại tỉ mỉ hơn về cha ruột của Hưng, về cuộc tình thật đẹp, thật lãng mạn nhưng kết cục quá đau đớn của ông bà. Mẹ cũng không còn trách cha. Bảo ông ấy là người tốt, hiểu biết, thương người, nhưng lúc ấy còn đang đi học, lệ thuộc nhiều vào gia đình, hơn nữa lại là đứa con luôn vâng lời cha mẹ. Hôm ấy, lần đầu tiên mẹ ngỏ ý muốn Hưng đi tìm cha, dù điều ấy bây giờ rất nhiêu khê, nhất là sau tháng 4/75, những người giàu có đã phải bỏ nhà cửa, bỏ Sài gòn ra nước ngoài hay đến một vùng quê xa xôi nào đó để mong còn giữ được cái thân.
Nghe lời mẹ, trước khi trở lại Mỹ, Hưng thuê xe đến khu Phùng Hưng trong Chợ Lớn. Đúng như lời mẹ nói, tất cả đã đổi thay, không ai biết gì về gia đình ông chủ xưởng dệt Bắc Hà ngày trước. Vừa thất vọng, vừa nghĩ là nếu có tìm được ai đó trong gia đình cha, chắc gì họ đã đón nhận mình. Bởi trong mười lăm năm Hưng sống côi cút khổ cực, cũng không hề thấy có ai đi tìm đứa con, đứa cháu lạc loài bất hạnh. Hưng quyết định bỏ hết, cố quên đi cái quá khứ đau buồn và phiền muộn ấy để cho lòng thanh thản. Hưng nhủ thầm “không ai thay đổi được quá khứ, mình nên dồn hết trí óc và thời gian còn lại để xây dựng tương lai”. Hôm ấy, khi máy bay lấy cao độ để rời khỏi không phận Sài gòn, Hưng nhìn xuống, qua khung cửa kiến nhỏ, nhận ra khu vực Chợ Lớn nằm xa xa phía dưới, bất giác Hưng đưa tay lên chào. Hưng nghĩ đó không chỉ là cái vẫy tay từ biệt khu phố Phùng Hưng, mà còn từ biệt luôn một quá khứ mơ hồ. bất hạnh với một người cha chỉ nghe như huyền thoại.
***
Cách đây hai tuần, khi đang say ngủ Hưng giật mình bởi chuông điện thoại reo. Xem đồng hồ, đã hơn hai giờ sáng. Giờ này mà ai gọi chắc là có điều khẩn cấp lắm. Hưng bốc ống nghe. Bên kia đầu dây là Hà, đứa em trai cùng mẹ khác cha đang gọi từ Sài gòn. Hà gọi từ một trạm internet, nên hiện lên trên khung điện thoại của Hưng một dãy số lạ hoắc. Hà báo tin đã tìm được một người biết gia đình ông bà Bùi văn Trụ, chủ xưởng dệt Bắc Hà. Việc đi tìm tin tức về người cha ruột của Hưng hy vọng có nhiều manh mối. Cái tin bất ngờ đó làm cho Hưng lo lắng hơn là vui mừng. Không biết khi tìm được rồi họ có nhận mình không?
Cái vẫy tay từ biệt hôm nào trên máy bay, Hưng tưởng đã bỏ lại cho khu phố Phùng Hưng tất cả quá khứ buồn thảm. Hưng muốn xóa sạch hết tất cả, như cái xưởng dệt Bắc Hà giờ cũng chẳng còn một dấu tích nào. Nhưng rồi một giấc mơ đã làm Hưng thay đổi. Một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ, có tiếng điện thoại reo, Hưng bốc máy lên nghe. Giọng một người đàn ông :
- Có phải Hưng đó không con? Ba là Hoành, cha của con đây. Bao nhiêu năm đi tìm con khắp nơi mà không gặp. Ba rất thương nhớ con. Hãy tha thứ cho ba nghe Hưng!
Hưng giật mình tỉnh giấc, trong tai vẫn còn văng vẳng tiếng người vừa nhận là cha mình. Giọng nói trầm ấm, hiền lành, xúc động. Giấc mơ đã làm Hưng nhớ lại câu nói “cha con là máu mủ thiêng liêng” của mẹ trong ngày đầu tiên khi hai mẹ con gặp nhau tại căn nhà tranh của ngoại ở làng quê Bá Hà hơn 36 năm trước. Chính giấc mơ đã thôi thúc Hưng đi tìm lại cha mình
Hưng nghĩ ngay tới Hà, đứa em trai một mẹ khác cha, nhưng rất giống Hưng và luôn kính trọng, thương yêu, giữ tình nghĩa với Hưng chẳng khác nào anh em ruột. Từ hơn mười năm nay, Hà làm việc cho một công ty xuất nhập cảng lớn tại Sài Gòn, chắc chắn quen biết nhiều người. Hưng liền gọi điện thoại về Việt Nam, bảo Hà hỏi mẹ rõ ràng chi tiết về gia đình ông bà chủ xưởng dệt Bắc Hà để tìm ra tông tích của cha Hưng. Hà hết lòng ủng hộ mẹ và Hưng về việc này. Ngày nào, sau khi đi làm về, Hà cũng chạy ngay xuống khu phố Phùng Hưng.
Qua bao biến cố, thăng trầm, Sài Gòn – Chợ Lớn bây giờ đổi thay nhiều quá. Cả khu xưởng dệt Bắc Hà không còn lại một dấu tích gì. Người ta đã phá hết để xây khu chung cư mới. Hầu hết dân chúng ở khu vực này từ ngoài Bắc mới vào sau 75. Dường như chẳng còn ai biết có một xưởng dệt tên Bắc Hà từng hiện diện ở nơi này. Hơn nữa, mọi người đang tất bật rượt đuổi theo thời gian để tìm cơ may trong cơn sốt đổi đời, thì còn đầu óc và thời giờ đâu mà nhớ tới ngày xưa, ngay cả cái thời đẹp đẽ hạnh phúc mà họ đã mất. Sau mấy ngày, Hà may mắn gặp được một ông già tốt bụng. Ông thuê lại căn nhà của một người Bắc 54 đã ở đây hơn 30 năm kể từ ngày di cư vào Nam. Hy vọng ông ấy biết nhiều về gia đình chủ nhân xưởng dệt Bắc Hà. Ông tìm địa chỉ đưa cho Hà. Hà chạy ngay lên tận Biên Hòa và gặp được người chủ nhà gốc Bắc 54 ấy. Ông cụ đã trên 85 tuổi, nhưng trí nhớ còn rất tốt. Ông biết rất rõ về gia đình ông bà kiến trúc sư Bùi văn Trụ và xưởng dệt Bắc Hà nhưng ông bảo sau 75, cả nhà cửa và xưởng dệt đều bị tịch thu. Có lẽ tất cả đã ra nước ngoài. Vì từ ngày ấy ông không còn gặp và cũng chẳng nghe ai nói tới gia đình ấy nữa. Tuy nhiên, ông có biết một bà bác sĩ hiện ở bên Pháp, là bà con với gia đình ông bà chủ Bắc Hà. Bà có về Việt nam thăm thân nhân và bạn bè một đôi lần. Ông hứa sẽ tìm một người quen, là bạn thân của bà bác sĩ ấy, để hỏi giùm tin tức. Hà mừng quá, xin số điện thoại của ông cụ rồi chạy ngay đến một trạm internet ở gần đó để gọi cho Hưng, mặc dù biết ông anh của mình giờ này đang ngủ say. Hà bảo :
- Em báo tin để cho anh “phấn khởi” và tốt nhất là em cho anh số phôn của ông cụ, để anh gọi về trực tiếp nói chuyện. Sẽ hấp dẫn, hồi hộp và chính xác hơn là em.
Sáng hôm sau, Hưng gọi về và gặp được ông già Bắc Kỳ 54 khả kính. Nhưng ông bảo phải chờ ông hỏi thăm, vì chưa gặp được người ấy. Ông hẹn Hưng tuần sau gọi lại. Trong một tuần ấy, lòng Hưng rối như tơ vò. Không biết người cha ấy như thế nào, vợ con ra sao. Nhà giàu và học hành như thế đối với mẹ con Hưng họ là giai cấp thượng lưu. Hơn nữa còn bà vợ. Liệu bà có cho chồng nhận Hưng là con, khi sợ bị chia mất một phần gia tài, và nhất là tình cảm của mẹ con bà? Hưng tâm tình với vợ. Là một người hiểu rõ tính tình, suy nghĩ và cả một quá khứ bất hạnh buồn thảm của chồng, vợ Hưng luôn an ủi, khích lệ và chia sẻ cùng chồng mọi tâm sự, nỗi niềm:
- Em nghĩ anh nên vui và nắm lấy cơ hội này để tìm gặp lại cha. Vì hoàn cảnh của anh, của chúng mình hiện nay, em không sợ gia đình cha sẽ hiểu lầm. Mình không cần bất cứ tài sản gì nữa, còn tình cảm, đó là sự thiêng liêng như mẹ đã nói, không ai có thể nhẫn tâm chia cách được. Hơn nữa nếu còn sống, cha cũng đã già rồi. Em tin là dù trước kia có thế nào, bây giờ bất ngờ gặp được anh, chắc là cha sẽ vui mừng ghê lắm. Hơn nữa, đó chính là điều ước mong của mẹ.
Những lời nói của vợ làm cho Hưng bớt căng thẳng và vui vẻ hơn, nhưng chưa hết hẳn lo âu. Sau một tuần lễ dài nhất trong đời, Hưng gọi điện thoại về Biên Hòa gặp ông cụ Bắc Kỳ 54. Rất may mắn ông đã có số điện thoại của bà bác sĩ ở bên Pháp. Đó là bà bác sĩ Tuyết, trước kia là học trò của ông bác sĩ Bùi Huy Lâm hiện ở bên Mỹ. Hưng rụt rè gọi cho bà Tuyết. Một người đàn ông bốc phôn. Nhưng mới nói vài câu, Hưng nghe bên kia đầu dây im lặng, rồi cúp máy. Hưng đoán có lẽ ông là chồng của bác sĩ Tuyết, tưởng ai gọi nhầm số. Cũng có thể ông không muốn nghe, ngại dính vào câu chuyện phiền toái của Hưng. Suy nghĩ mãi, cuối cùng Hưng hỏi vài người quen ở Cali, xin số phôn của bác sĩ Bùi Huy Lâm. Ông này khá nổi tiếng ở đây. Ông Lâm thật nhân từ, tốt bụng, vui vẻ và chịu khó nghe Hưng trình bày một câu chuyện khá dài. Ông tỏ ra xúc động. Khi đang khóc trong điện thoại, Hưng nghe bên kia đầu dây có tiếng sụt sùi. Ông hứa sẽ liên lạc ngay với bà Tuyết để kể lại đầy đủ sự việc và bảo đảm bà sẽ sốt sắng trong việc này. Ông còn an ủi Hưng:
- Cháu yên tâm. Bây giờ không phải chỉ có cháu, mà còn có cả bác nữa, chúng ta nhất định sẽ tìm ra bố của con.
Tấm lòng của bác sĩ Lâm làm Hưng thực sự cảm kích. Hưng nghĩ mình đã may mắn gặp một người nhân từ, nên hy vọng mọi điều sẽ tốt đẹp.
Cuối cùng thì Hưng cũng gặp được bà bác sĩ Tuyết. Lần này bà lắng tai, thăm hỏi an ủi và cho Hưng số điện thoại của người cô út, em cùng cha khác mẹ với cha Hưng. Bà sống ở Thụy Sĩ.
Hôm nói chuyện với cô, tự dưng Hưng xúc động đến nghẹn ngào. Bà chỉ lớn hơn Hưng có bốn tuổi. Tuy hoàn toàn không biết gì về Hưng, không hề được nghe người anh tên Bùi văn Hoành của bà đã từng có một đứa con như thế, nhưng bà rất vui vẻ, thân thiện và dành cho Hưng những lời thương yêu, quí mến. Chính tấm lòng và giọng nói của bà đã làm cho Hưng có cảm giác người này thực sự có liên hệ máu thịt với mình.
Hưng gởi ngay cho bà vài tấm ảnh của Hưng qua email và ngược lại bà cũng gởi cho Hưng tấm ảnh của người anh, mà Hưng bảo là cha. Xem ảnh xong, bà bảo là Hưng giống cha Hoành như đúc. Còn Hưng, khi nhận tấm ảnh của cha, tấm ảnh lúc ông còn trẻ, nên cả vợ chồng Hưng đều giật mình tưởng người trong ảnh chính là Hưng bây giờ. Bà cũng báo tin cho người chị cả của bố, bác Hương, hiện định cư ở Canada gọi sang Mỹ thăm và vui mừng đón nhận Hưng. Tối hôm ấy, Hưng rất xúc động nhận được một email ngắn của cô út :
- Hưng đã quậy trời, quậy đất đi tìm bố, từ bác sĩ Lâm ở Cali, đến cô Tuyết, bác Túc ở Pháp. Tất cả đã biết và cùng chia sẻ niềm hạnh phúc. Cô ở Suisse và bác Hương ở Toronto đã mở rộng vòng tay đón Hưng vào gia đình họ Bùi. Cô rất vui vì Hưng tìm được dòng suối trong, và Hưng sẽ như dòng thác đổ, như sông Cửu Long chẩy về ôm hết những người Hưng muốn thương yêu
Có một điều không phải như Hưng nghe mẹ và ông cụ Bắc Kỳ 54 ở Phùng Hưng ước đoán trước đây, cha của Hưng không định cư ở Pháp sau 75, mà vẫn còn ở Sài Gòn. Điều ngạc nhiên hơn ông từng là đại úy phi công VNCH. Bị tù 7 năm sau tháng 4/75. Ông đủ điều kiện đi Mỹ theo diện HO, nhưng bà vợ, nhờ chôn giấu được một số vàng của cha mẹ để lại sau 75, nên còn vốn để buôn bán làm ăn, điều quan trọng hơn là cả cha mẹ bà đều bị bệnh nặng nằm một chỗ cần đến sự săn sóc của bà, nên bà không thể bỏ đi. Cuối cùng bố Hưng phải đành ở lại. Bà cô út rất tế nhị, vừa muốn tránh việc phiền muộn có thể ảnh hưởng tới cuộc kỳ ngộ, và cũng muốn dành trọn cảm giác ngạc nhiên cho ông anh, nên bà bảo sẽ không trực tiếp cho cha Hưng biết, mà chỉ cho Hưng số điện thoại và địa chỉ của ông, đề nghị Hưng nhờ đứa em ở Sài gòn tìm cách hẹn ông ra ngoài, kể chuyện về Hưng, rồi sau đó gọi điện thoại để hai cha con nói chuyện.
Hưng nghe theo lời cô, nhờ Hà giúp mình mọi việc. Chiều hôm sau, từ một quán cà phê trong giờ vắng khách, ông Hoành lần đầu tiên nghe tiếng nói của đứa con hơn 51 năm chưa hề biết mặt.
Giọng nói đôn hậu pha lẫn chút đùa cợt, có lúc lại nghẹn ngào đứt đoạn của ông đã gây cho Hưng cảm giác gần gũi, thân thiết ngay từ phút ban đầu. Ông kể chuyện về bố ông và ông, đau buồn thế nào khi biết mẹ Hưng bỏ đi, vã đã vất vả kiên nhẫn đi khắp nơi tìm mẹ con Hưng mà không gặp. Khi nghĩ là mẹ Hưng đã tự tử mang theo dòng máu của mình, cha con ông đã ân hận đau đớn như thế nào. Trong phòng riêng ông có để tấm ảnh nhỏ của mẹ Hưng trên kệ thờ. Thấy ông đau buồn tiều tụy, bố ông xin giấy tờ cho ông sang Pháp du học. Nhưng khi ông chuẩn bị lên đường thì bố ông đột ngột qua đời do một tai nạn ở Lâm Đồng. Ông phải ở lại, phụ bà kế mẫu lo cho xưởng dệt và mấy đứa em. Khi đến tuổi động viên, xin vào trường Không Quân ở Nha Trang và làm phi công quan sát (L19) cho đến ngày mất nước. Thời gian biệt phái công tác ở Trà Nóc, ông quen cô con gái của một thương gia ở thành phố Cần Thơ. Sau này trở thành vợ của ông. Bây giờ ông bà có bốn người con, hai trai hai gái. Tất cả đều đã trưởng thành và có gia đình riêng. Những điều ông kể, nhiều lần bị gián đoạn. Không phải ông quên, hay ái ngại, mà vì phải dừng lại để lau nước mắt. Bên kia đầu dây, Hưng cũng sụt sùi.
Ông nhờ Hà về thưa lại với mẹ xin cho ông được đến thăm mẹ. Được bà đồng ý, sáng hôm sau ông lái xe lên Bình Dương. Vợ chồng Hà giúp trang điểm, thay áo quần mới cho mẹ. Vừa vui mừng, vừa xúc động khi nép vào cánh cửa nhà sau, nhìn lén cuộc trùng phùng kỳ diệu của mẹ mình với người tình xưa, Cả hai đều bạc tóc. Ông nắm tay bà :
- Bà còn giận tôi không?
Mẹ Hưng không trả lời mà bật khóc. Đôi mắt của bà đã bị mờ từ hơn bốn năm nay, bây giờ càng mờ hơn qua làn nước mắt. Nhưng dường như bà đã nhận ra ông, nhìn thấy ông rất rõ qua ký ức và cả tâm hồn bà. Ông ôm lưng, dìu bà ngồi vào chiếc ghế bành bên cửa sổ. Khi thấy bà ngồi bỏ hai chân trên ghế, ông đùa :
- Bà ngồi cái kiểu này, hèn gì Thái Lan đang bị một trận lụt kinh hoàng bên ấy.
Bà hiểu ý, vội bỏ thòng hai chân xuống, đưa tay lau nước mắt rồi nhoẻn miệng cười. Vợ Hà véo nhẹ tay chồng khi thấy mẹ đã trên 70 nhưng vẫn còn giữ chút thẹn thùng của thời con gái.
Ông nói tiếp:
- Chắc bà thương tôi lắm hay sao mà đặt tên cho mấy đứa con sau này cũng bằng vần H, và cháu Hà trông cũng giống tôi lắm?
Bà lảng sang chuyện khác:
- Nghe nói ông là sĩ quan Cộng Hòa, khi biết tôi theo Việt Cộng ông có thù ghét tôi không?
Ông cười thật to:
- Nhiều lần bay trên trời, tôi phát hiện mấy cô du kích tắm truồng dưới suối. Tôi sà xuống thật thấp định phóng mấy trái hỏa tiễn, nhưng bỗng nhận ra có bà dưới đó, nên tôi vội vã bay đi. Chứ hồi đó tôi bắn một phát thì làm sao bây giờ hai đứa còn gặp nhau đây.
Không biết vì giọng bông đùa rất tự nhiên hay vì chữ “hai đứa” của ông vừa nói, bà bỗng im lặng, đưa đôi mắt đục mờ nhìn xa xăm. Trong ký ức của bà, hình ảnh anh học trò Hoành 19, 20 tuổi tuấn tú ngày xưa vừa sống dậy, tạo cảm giác trẻ trung, cùng một chút lãng mạn trong lòng bà.
Dường như ông đã đoán trước và chờ đợi thời điểm kỳ diệu này, bước ra xe lấy bó hoa vào trao cho bà:
- Xin bà nhận cho tôi vui. Đây là bó hoa đáng lẽ tôi trao cho bà trong ngày đám cưới, giờ lại trở thành bó hoa xin tạ tội, dù rất muộn màng. Cái lỗi lớn nhất của tôi là đã đẩy bà đi lạc vào một con đường, để đến cuối đời bà vẫn mãi ăn năn.
Khi thấy bà ôm chặt bó hoa vào lòng, rưng rưng nước mắt, ông bỗng trầm xuống:
- Tôi xin cám ơn bà. Dù bà không nói ra, nhưng tôi biết là bà đã tha thứ cho tôi. Thằng Hưng, đứa con bất hạnh của chúng ta, dù ở thật xa, nhưng tôi đang nhìn thấy nó mỉm cười. Tôi mong chờ để đón vợ chồng nó và hai đứa cháu nội của mình. Nay mai tụi nó sẽ về đây để cùng với bà và tôi ôm nhau mừng cho cuộc trùng phùng kỳ diệu này.
Trước khi chia tay, ông xin phép bà được thắp một nén hương trên bàn thờ ông Ba, chồng của bà.
Khi tôi ngồi viết lại câu chuyện này theo lời kể của Hưng, thì Hưng cùng vợ và hai cô con gái đang có mặt tai phi trường Tampa, bắt đầu cuộc hành trình về Việt Nam để tìm lại nguồn cội và quá khứ của mình. Cầu mong cuộc trùng phùng sẽ làm lành được những vết thương trong lòng mỗi người, trải qua bao đổi thay, tan thương dâu bể.
Đồi Hacienda Heights, Mùa Thanksgiving 2011
 Phạm Tín An Ninh
Chú thích
(*) Gs Đỗ Trung Hiếu, sau 75 làm Ủy Viên Liên Lạc Các Tôn Giáo của Trung Ương Đảng CSVN, vợ là bác sĩ Văn và cháu là Đỗ Hữu Ưng. Cả ba đều là đảng viên Cộng sản. Riêng Hiếu gia nhập đảng CS (1956) trước khi hoạt động trong phong trào sinh viên Phật Tử Sài gòn. Sau này(1986) phản tỉnh, cùng với Nguyễn Hộ và các đảng viên kỳ cựu trong Câu Lạc Bộ Kháng Chiến Cũ, chống lại đảng nên (1992) đã bị tù và tước hết đảng tịch cùng các chức vụ.
(**) Nguyễn Xuân Nam, vượt biên trước Hưng một năm, lúc 19 tuổi. Ở Việt nam, Nam mồ côi mẹ, cha bị thương tật, chỉ học đến lớp ba, rồi nghỉ, theo cha làm nghề đánh cá. Vậy mà sau hơn mười năm sang Mỹ đã trở thành một bác sĩ nổi danh, được Hội Đồng Giáo dục Y Khoa trường đại học Harvard bình chọn là một trong những bác sĩ giỏi nhất nước Mỹ(2010), hiện là Trưởng Khoa Nhi Đồng bệnh viện Los Angeles, California và cũng là giáo sư tại một số trường Đại Học của Hoa Kỳ
<><> <><>

phan bá thụy dương * lời gọi cỏ may












® qua nét vẽ Paul Warner

1-
mùa mưa lần trước tôi đem đơn vị
đến tiếp thu vùng đất nhỏ điêu tàn
lối hẹp làng em lầy lội dấu chân
những mái tranh nghèo ôi sao cô tịch
vườn chuối bỏ hoang cỏ lên xanh biếc
ruộng lúa bom cày,
đạn phá đêm đêm
trăm gian nan,
thống khổ với truân chuyên
người người chỉ
nguyện cầu trong sầu não

2-
em thong thả ngồi bên sông giặt áo
mặc gió chiều hôn lên mái tóc thề
để nắng vàng mờ nhạt khói thôn quê
cất tiếng hát ru hồn bông súng nhỏ
chín con rồng phun nước phù sa đỏ
rẽ nhánh phân đôi sông Hậu, sông Tiền
em đang chờ hay đang mộng thiên duyên
cho tôi nắm một bàn tay trắng mượt

3-
em gái quê sao dịu dàng tha thướt
mắt mơ huyền và môi má như son
tôi ngẩn ngơ nhìn trên chiếc thuyền con
muốn sang bến nhưng ngập ngừng tay lái
em mỉm cười chào người xa mới tới
rồi thẹn thùng ôm áo mỏng quay đi
tôi trông theo chẳng biết nói năng gì
chỉ thấy rõ hoa lòng đang nở rộ

4-
đời chinh nhân tôi đến rồi đi đó
bỏ lại sau lưng
bao nỗi nhớ niềm thương
mùa mưa năm nay sao bổng lạ thường
tôi trở lại mà lòng nghe hoang vắng
chiều bên cầu cuối Thu nghe lành lạnh
em gái quê đã ra tỉnh học rồi
chiếc xuồng con xuôi ngược một mình tôi
ngắm mây tím hoàng hôn trong lặng lẽ

5-
sao em chưa về chăm nom vườn bí
nhặt hái nương dâu trái mộng vừa tròn
xin cát mềm cho em nhẹ gót son
đi thả hương nồng lên hoa đồng nội
mùa mưa năm nay gió lồng phơi phới
nên tôi biết buồn -
tôi biết bâng khuâng
đường nhân gian ai dõi mắt hoài mong
và gặp gỡ làm chi thêm nhung nhớ

6-
quần chiến trận tôi còn vương lau cỏ
cố ngủ vùi trong quên lãng uyên nhiên
mưa – mưa lên,
cho rũ hết ưu phiền
hồn tôi đó -
đớn đau trên tháp mục
em có về qua những vườn hoa cúc
đừng thiết tha đón nhặt lục bình trôi
chim nào bay cao ngút tận lưng trời
soãi cánh bạc u ơ lời hờn dỗi
hồn tôi đó - lòng cỏ may phất phới
dật dờ trên sóng nước, đắm trong sương.

phan bá thụy dương

ĐINH HÙNG * Buồn Á Đông Xưa

















Khép áo hoàng hôn, em lên đường,
Buồn xưa Đông Á về muôn phương.
Mắt ta loạn dáng mây hồ hải,
Mộng ngát lâm tuyền mái tóc hương.


Xưa Á Đông buồn xuôi đại dương,
Chiều tha phương đến ngủ bên nàng.
Tóc ai thả lướt con thuyền mộng,
Nghiêng xuống đôi vai chút phấn vàng.


Nắng nhỏ phiêu lưu rợn cánh sầu,
Vòng tay non biển thoắt lìa nhau.
Giang biên thoảng ướt mùi hương lạ,
Hồn lạc sân ga, lỡ chuyến tầu.


Nếp áo trường sơn, tóc suối ngàn,
Nụ cười phiêu lãng giữa không gian.
Người đi, mây cũng làm du khách,
Nắng chuyển hương theo nhịp gió đàn.


Mộng ơi! thuyền có trao đầu sóng,
Xin nở tươi mầu hoa đại dương.
Biển biếc, cù lao dài ánh mắt,
Ngàn khơi, mơ bóng nguyệt hoang đường.


Ta khát cuồng lưu vị biển đông,
Dìu em trên lá cỏ thu bồng.
Cơn say thấm tận lòng thương hải,
Chìm nổi vầng dương đáy thủy cung.


Hoàng hôn khép áo em lên đường,
Buồn Á Đông xưa về viễn phương.
Đảo tuyết, rừng hoang, mây lữ thứ,
Hồn ơi! Xin hẹn cánh chim sương.


Đinh Hùng

DZẠ CHI * NGƯỜI VỀ




Người về đôi mắt đăm chiêu
Áo thơ dấu một đôi điều trong sương
Ta lêu lổng giữa mùa thương
Bàn tay người vẫn bao dung nhiệm mầu

Môi người héo một trời sầu
Ta thâu đêm réo nơi đâu khơi nguồn
Tóc người rối sợi trầm hương
Ta đau như thể đêm tân hôn buồn

Hóa thân kiếp vạc đêm sương
Hồn Ta tục lụy lạc đường thiên di
Mai này đan áo vu qui
Mủi kim người có chút gì buồn không

Ta từ ẫn ngữ dung thân
Niêm phong cổ tháp vẽ chân dung đời
Vẽ vì sao mới đổi ngôi
Đường băng khép một cuộc chơi thăng trầm.

Dzạ Chi


TRẦN VẤN LỆ * Xem Tranh Mưa Nắng

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Người buồn vẽ nắng vẽ mưa
Tôi buồn vọc chữ vẽ thơ một mình
Nắng mưa còn có cái hình
Thơ tôi con chữ vô tình cứ bay...

Tranh người triển lãm hôm nay
Thơ tôi in sách một ngày không mong!
Nắng mưa thấy cũng nặng lòng
Những tranh vẽ cảnh biển sông thật buồn.

Mưa thêm nước mắt cho nguồn
Nắng khô héo hết cái hồn người dưng...
Người cho tôi thấy lại rừng
Mưa chan nắng gội tôi từng trải qua.

Tôi làm thơ nói về hoa
Bỗng dưng ý lạc như là nắng thiêu!
Tôi làm thơ nói tình yêu
Bỗng dưng ý lạc như chiều tỉ tê!

Xem tranh người vẽ, tôi về
Thơ tôi có chữ không dè của ai!
 Sắc màu người chọn không phai
Thơ tôi không lẽ đã bay sang người?
 
Trần Vấn Lệ

Tuesday, January 31, 2012

VŨ ÁNH * Hình ảnh một vị Sư Già - TT Thích Quảng Long



Mùa hè năm ấy có lẽ là một mùa hè nóng bức oi ả nhất của thập niên tám mươi tại miền Bắc. Trại giam Ba Sao, Nam Hà thuộc tỉnh Hà Nam Ninh như nằm yên dưới sức nóng như thiêu đốt, ngay cả về đêm cái nóng như vẫn còn âm ỉ, mọi thứ như tỏa ra hơi nóng - những bức tường, những sàn lót gạch hung hung đỏ, cái sân tráng xi măng trước mặt, ngay cả cái ván lót trên sàn nằm cũng toát ra hơi nóng. Những tù nhân chính trị chế độ cũ như trong một lò ngục tối trên trần gian, ban ngày thì lao động khổ sai đổ mồ hôi không phải đổi lấy bát cơm mà đổi lấy ít thức ăn độn như khoai hay sắn hay bo bo mà vẫn không đủ no, ban đêm thì cố dỗ giấc ngủ trong cái nóng như nung như đốt ấy trong cái nhà nằm xếp hai từng như cá đóng hộp trong buồng giam. Mồ hôi lại đổ ra cho đến khi mệt lả người đi thì giấc ngủ chập chờn mới đến.

Cái nóng kinh người đã kéo dài cả tháng nay và đồng ruộng đã nứt nẻ, các em bé chăn trâu mà Trung và các bạn gặp trên đường đi lao động cũng môi khô và chui vào các bụi cây trú nắng. Các giếng nước cũng từ từ khô cạn đưa đến nạn thiếu nước trầm trọng cho cả dân chúng những làng bên ngoài lẫn những người tù khốn khổ trong trại.

Buổi trưa hôm đó cũng như mọi ngày sau khi lao động về, ăn xong phần ăn trưa ít ỏi, các người tù cố nằm dỗ giấc ngủ ngắn để lấy sức lao động buổi chiều thì thấy một vị sư già đang ngồi ngoài sân nắng trong thế kiết già cả nửa tiếng đồng hồ và mặt ngước nhìn thẳng lên trời. Những khi hạn hán thì thầy vẫn cầu nguyện như thế và sau đó chiều tối hay trước nửa đêm thể nào mưa giông cũng kéo đến. Đêm nay cũng thế, Trung cố dỗ giấc ngủ để mà mai còn sức trả cái nợ lao động nhưng không làm sao nhắm mắt được, mồ hôi trên người cứ nhỏ từng giọt như làm cho sức khỏe của anh cạn dần đi theo đêm. Anh nhớ tới thằng bạn thân nằm bên cạnh nói với anh hồi chiều rằng chỉ ước ao ông Trời cho một trận mưa chứ đã tù cả chục năm rồi cũng chẳng mơ ước xa xôi gì ngày trở về nữa. Thế rồi, như một phép lạ những làn gió mát từ đâu từ từ thổi đến, len lỏi vào những khung cửa sổ, luồng dưới những cánh cửa buồng giam và từ xa xa vài lằn chớp nhoáng lên bên trời. Chẳng bao lâu sau thì những giọt mưa, ôi những giọt mưa cam lồ của Trời ban xuống như thêm sức mạnh cho những người tù biệt xứ lưu đày. Các buồng giam không ai bảo ai đều thức dậy và tung mùng ra để được hít thở những giây phút mát rượi của làn gió lùa vào trại giam.

Vô tình Trung nhìn xuống nơi vị sư già giam cùng buồng với anh, thầy vẫn như còn đang ngồi thiền trong mùng, mặt quay vào tường trong thế kiết già. Trung chợt hiểu và các bạn anh cũng hiểu rằng chính nhờ thầy cầu nguyện mà đã có trận mưa đêm nay. Vị sư già đó chính là Trung Tá Quyền Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo của QLVNCH - Thượng Tọa Thích Quảng Long, một người tù xuất chúng đã làm cho kẻ thù phải cúi đầu kính nể. Giang sơn của thầy cũng là một tấm chiếu, hai bộ quần áo tù, và một cái chăn đỏ Trung Quốc như mọi người và nằm một dãy với các Đại Đức Tuyên Úy khác.

Anh nhớ đến thầy Khuê, một vị Tuyên Úy Phật Giáo và Tam Đẳng Huyền Đai Nhu Đạo võ đường Quang Trung, một vị Đại Đức mà anh rất mến thương và kính trọng, đã từng nói với anh rằng nếu nói về đạo Phật, về sự tu hành thì hãy lấy thầy Long mà làm gương; đừng vì một vài vị Tuyên Úy đã không nghiêm giữ được giới răn mà hiểu lầm về đạo Phật mà mất đi niềm tin.

Anh nhớ lại câu chuyện lúc mới bước chân vào trại giam Long Thành sau khi Sàigòn sụp đổ và hầu như mọi người đều không biết bấu víu vào đâu, niềm tin vào các tôn giáo cũng bị lung lay thì một sự việc đã xảy ra làm mọi người đều kính trọng thầy, nhất là khi biết hai tòa đại sứ bạn đã đến đón thầy đi di tản trước đó nhưng thầy đã khẳng khái chối từ và thanh thản bước chân vào trại giam.

Trong thời gian mới bị giam giữ, một hôm thầy được gọi ra làm việc để gặp hai vị sư quốc doanh là Thượng Tọa Thích Minh... và Thích Thiện... Hai vị này ra sức thuyết phục và chiêu dụ thầy để thầy ủng hộ phong trào “Phật giáo yêu nước”, và nói sẽ bảo lãnh cho thầy ra khỏi tù ngay để nhờ thầy góp công góp sức xây dựng phong trào Phật Giáo Yêu Nước này. Hai vị sư này chính là người mà Cảnh Sát Đặc Biệt thuộc lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia đã bắt giam trước năm 1975 vì hoạt động cho Cộng Sản. Thích Minh... đã bị đày ra Côn Đảo, còn Thích Thiện... thì thường được gọi là Ôn TĐ. Sau đó chính Thượng Tọa Thích Quảng Long là người đã đứng ra bảo lãnh cho họ ra khỏi tù để ăn năn hối cải mà trở về lại con đường tu hành vì họ đã bị lộ hình tích. Không ngờ ông trời trớ trêu để có ngày họ lại đến trại Long Thành và đối đầu với thầy trong hoàn cảnh đặc biệt này của đất nước.

Thầy nhìn hai vị sư quốc doanh kia và từ tốn chậm rãi nhưng thật cương quyết thầy nói: “Các ông đã dựng nên cái phong trào “Phật Giáo yêu nước” ấy thì các ông cứ tiếp tục công việc mà các ông đã làm, còn tôi là một Tuyên Úy trong quân đội và tôi sẽ theo chân các Phật tử trong các trại giam, họ đi đến đâu thì tôi cũng sẽ đi đến đấy với họ cho tới cùng. Thôi các ông về đi”.

Và sau đó thầy chấp nhận việc chuyển trại ra Bắc mở đầu cho một quãng đời biệt xứ lưu đày. Những ai có may mắn gặp thầy trong trại giam thầy đều kính trọng vị sư già này, người mà lúc nào cũng như mỉm cười, hòa nhã, giản dị, khiêm tốn và giúp đỡ tất cả mọi tù nhân mỗi khi thầy có phương tiện.

Năm 1976, thầy cùng một số Tuyên Úy chuyển trại từ Nam ra Bắc và bị giam giữ tại trại 1 Sơn La hay còn gọi là trại Mường Thái là nơi mà trước kia Pháp đã từng giam giữ những tù nhân bị án lưu đày. Năm sau thì thầy có tên trong số những tù nhân di chuyển về trại Yên Hạ, trại giam này nằm dưới thung lũng và bao vây chung quanh bởi những dãy núi đá vôi, thuộc huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Trại Yên Hạ là nơi chuyên giam giữ những tử tội hình sự cướp của giết người mà đã được nhà nước “khoan hồng” tha cho tội chết.

Chỉ hơn một năm sau thì các tù nhân này dần dần kiệt sức vì lao động khổ sai, thiếu dinh dưỡng, thiếu ăn nhất là thiếu chất mỡ và đường, và vì khí độc từ dãy núi đá vôi phả vào từ chung quanh. Bởi thế chỉ sau một thời gian ngắn chuyển trại từ trong Nam ra ngoài Bắc, ai nấy đều gầy như bộ xương còn biết đi. Khi đi lao động hay đi trở về trại, người ta chỉ thấy những bộ quần áo tù phấp phới bay mà chẳng thấy da thịt đâu. Thế rồi sau bốn năm trời giam cầm và lưu đày, một số những người tù lần đầu tiên được nhận một gói nhỏ tiếp tế cực kỳ quí giá từ gia đình trong Nam gửi ra, một số khác thì vẫn chưa nối lại được sợi dây với gia đình trong Nam.

Trong gói nhỏ mà các Phật tử gởi cho thầy Long có 15 cục đường móng trâu, lúc đó ai mà có được 5 cục đường như thế thì đã là thần tiên rồi, nhưng thầy từ từ đem ra phân phát hết 15 cục đường quí giá đó cho những người cùng buồng. Ưu tiên những tù nhân nào mà đã kiệt lực thì được một cục, những người đau ốm khác thì mỗi người được nửa cục mà thôi, còn riêng thầy thì không có một miếng đường nào hết. Những người tù này khi nhận được cục đường từ tay thầy phân phát đã không cầm được nước mắt trước tấm lòng vị tha, quảng đại vô biên của một vị sư mà tâm đã định và huệ đã ngời sáng.

Thầy cũng không thoát được những vụ hỏi cung, một hình thức tra tấn tinh thần những người tù khốn khó này trong trại giam. Một tên cán bộ từ Hà Nội vào với mái tóc hoa râm có vẻ là một viên chức cao cấp thuộc Bộ Nội Vụ đã hỏi cung thầy trong ba ngày liên tiếp. Hắn vứt cho thầy tờ giấy để tối về khai báo những tội lỗi đã chống đảng, nhà nước và nhân dân trước kia khi hoạt động ở Sàigòn cho Nha Tuyên Úy Phật Giáo của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Sáng hôm sau, khi kêu ra làm việc tiếp tục, thầy đã nộp bản khai báo cho hắn, vừa xem xong thì hắn đùng đùng nổi giận ném tờ khai xuống bàn và quát tháo: “Anh khai báo thế này hả? Tại sao anh lại chép Chú Đại Bi vào đây? anh muốn tù rục xương ra không?”.

Vẫn thái độ bình tĩnh và từ tốn của một vị cao tăng thầy chậm rãi trả lời: “Thì đây chính là những gì mà tôi đã làm và đã tụng niệm khi xưa, có thế thôi!”.
Hắn với vẻ mặt hầm hầm liệng cho thầy một tờ giấy khác để khai báo lại một cách thành khẩn để được sớm khoan hồng. Sáng ngày hôm sau, thầy nộp cho hắn một tờ thứ hai và trên tờ đó thầy chép lại thật nắn nót bài Kinh Bát Nhã. Đến đây thì hắn nổi điên lên và mạt sát thầy thậm tệ và đe dọa rằng thầy sẽ tù mọt gông và đừng mong sẽ được hưởng lượng khoan hồng.

Thầy ung dung trả lời rằng: “Các ông cứ việc giam giữ tôi bao lâu cũng được, tôi chỉ xin các ông hãy thả hết những người tù chính trị chế độ cũ mà các ông đang giam giữ mà thôi”.

Từ đó đến sau, chúng ít khi kêu thầy ra hỏi cung nữa cho đến mãi năm 87, trước khi có một đợt thả lớn tại trại Ba Sao Nam Hà thì trong các vị Tuyên Úy bị hỏi cung có tên thầy. Nhưng đặc biệt lần này chúng gọi thầy bằng thầy chứ không gọi là anh như trước nữa, tuy nhiên chúng vẫn dụ dỗ thầy nhận tội để được khoan hồng. Thầy trả lời rằng các ông cứ thả hết các ông đại đức tuyên úy ra đi vì họ chẳng có tội lỗi gì hết tất cả đều do tôi và họ đều làm theo chỉ thị của tôi hết, muốn gì thì cứ giữ tôi ở lại đến bao lâu cũng được. Chúng đành chào thua và chỉ vài tháng sau thì thầy có tên trong danh sách được thả ra khỏi trại cùng với tất cả các đại đức và những vị mục sư linh mục khác trong các Nha Tuyên Úy quân đội.

Thầy ở tù mười hai năm, một năm trong Nam và mười một năm lưu đày trong những trại giam được dựng lên nơi rừng thiêng núi độc miền Bắc. Về miền Nam, thầy trở lại chùa Giác Ngạn trên đường Trương Minh Ký cũ ở Sàigòn để lại lo Phật sự, cúng kiến giúp đỡ các gia đình Phật tử. Khi đi đâu tụng kinh thầy vẫn đơn sơ trong chiếc áo nâu sòng và phe phẩy chiếc quạt đã sờn rách và môi luôn nở nụ cười hiền hậu giống như một ông già nhà quê chất phát hiền lành.

Chùa Vĩnh Nghiêm có vời thầy ra nhưng thầy vẫn ở lại Giác Ngạn - ngôi chùa mà thầy góp công xây dựng lên và trụ trì cho tới khi mất nước - cho tới khi thầy viên tịch vài năm sau đó.

Vũ Ánh

Monday, January 30, 2012

MANG VIÊN LONG * Sáu Bẹo


Khi học đến lớp ba trường làng năm 1957, Sáu Bẹo mới có ý thức rõ ràng hơn về cái tên “ Bẹo “ không đẹp của mình! Trước đó, dù lũ bạn thường chọc ghẹo ngay trong lớp học, đôi khi thầy cô cũng lấy làm lạ về cái tên “ Bẹo “ khó nghe, vô tình hỏi nhưng Sáu Bẹo chỉ tủm tỉm cười, rồi lãng tránh! Sáu Bẹo thường nghĩ: Nếu cha mình lúc ấy thay dấu “ nặng” ( Bẹo ) thành dấu huyền ( Bèo ), dấu “sắc“ ( Béo ) hay dấu “hỏi” ( Bẻo) thì cũng không thể hơn! Sáu biết cha cũng là thầy dạy học ở sơ cấp, có vốn chữ Hán được ông nội Hương Kiểm chỉ dạy, nhưng sao lại hết chữ để đặt tên cho đứa con trai duy nhất của mình đứng sau ba người con gái toàn là tên đẹp vậy ( Thanh Trúc, Cẩm Hương, Thiên Lý)? Sáu Bẹo cảm thấy ngượng ngùng khi hỏi cha nên hỏi mẹ: “ Sao mẹ đặt tên cho con ai ai cũng kêu xấu cả vậy ? “ – “ Vì con là cháu nội đích tôn, nên ông nội đã đặt cho con, mẹ không dám cải ! “. Một lần, Sáu Bẹo mạnh dạn hỏi cha: “ Cháu nội đích tôn phải đặt tên xấu vậy hở cha? “- “ Không phải cháu đích tôn là phải đặt tên xấu đâu! “ – “ Nhưng sao tên con kỳ vậy? “ – “ Vì ông bà nội quá thương yêu con nên đặt vậy thôi , ba cũng không dám trái lời “ – “ Mẹ bảo không dám cãi, cha cũng không dám trái lời, con không hiểu sao ông bà nội kỳ lạ vậy? “ – “ Ông bà nội chỉ có mỗi mình ba là trai, ba cũng chỉ có con là trai, nên ông bà “ sợ “ đặt tên đẹp sẽ khó nuôi, thấy con thường nũng niu khóc đòi nên gọi là “ Bẹo “ – thằng cu Bẹo, nghe cũng dễ thương mà! “

Lớn lên, học qua bậc trung học đệ nhất cấp, Sáu Bẹo không còn dịp để nghĩ về cái tên của mình nữa, vì đã nghỉ học. Đó là vào năm sau vụ đảo chánh lật đổ gia đình ông Ngô Đình Diệm 1963 ,quê của Sáu Bẹo chộn rộn, cuộc sống cũng thay đổi, ngày càng thêm khó khăn ,còn Sáu Bẹo thi vào khóa sư phạm cấp tốc không đổ, nên Sáu Bẹo phải nghỉ học. Ba năm sau, trúng tuổi lính, Sáu Bẹo được dưa vào trường hạ sĩ quan Đông Đế, ra trường với “ cánh gà “ ở vai áo, binh chủng thiết giáp. Năm 68, sau biến cố Mậu Thân ,cha Sáu Bẹo gọi về cưới vợ là cô Hương, đang làm cô đỡ hương thôn ở xã. Không đẹp nhưng có duyên thầm, giỏi giang, mạnh khỏe, có tay nghề vững vàng được bà con trong xã thương mến. Ông Hương Kiểm cưới vợ cho Sáu Bẹo là muốn cột chân Sáu lại, nhưng Sáu cứ lần lữa, hẹn dịp…Tình yêu trong buổi giao thời chưa đủ sức nặng để níu chân Sáu Bẹo lại chăng?
Năm 1970, Hương sinh đứa con gái đầu lòng. Sáu Bẹo mãi dong ruỗi trên chiếc xe bọc thép tận miền rừng núi Dakto,đã gởi thư về dặn đặt tên “Mận”. Ông còn dặn thêm : “… Em đẻ được đứa nào, cứ lấy tên cây trái trong vườn nhà mình mà đặt tên nhé? “. Chiến tranh ngày càng lan nhanh, khốc liệt,cha Sáu Bẹo nhiều phen bảo Sáu Bẹo đào ngũ, nhưng phải đợi đến năm 72, khi Hương sinh đứa con gái thứ hai ( đặt tên Đào ) không có Sáu Bẹo ở nhà, Sáu Bẹo mới trốn về.
Hương rất mắn đẻ, sau Đào là cậu con trai trưởng. tên là Lê. Sau Lê, cứ cách hai ba năm, Hương lại đẻ lên tiếp thêm bốn cậu con trai nữa: Cam, Lựu, Chanh, Quýt. Quýt -cậu con trai út, sinh vào năm 83 nhưng trong 7 người con ( cả trai và gái ) chỉ có Mận và Lê là rất giống Sáu Bẹo,còn năm người con kia mỗi đứa một khuôn mặt! Điều làm cho cả xóm Thượng Tây thường xầm xì bàn tán là nét mặt mỗi đứa, đều rất giống những người đàn ông trong xóm Thượng Tây này! Giống đến nỗi như khuôn đúc vậy. Từ khuôn mặt, chân tay, dáng vóc như “ cắt để “ vào, không lẫn vào đâu được.
Có lẽ Sáu Bẹo cũng nhận ra điều lạ thường ấy trước tiên, nhưng ông không hề mở miệng. Vẫn yêu thương, chăm sóc lo lắng từng miếng ăn, tấm áo, ốm đau cho đến chuyện học hành của các con, như nhau. Ra khỏi nhà đi làm, Sáu Bẹo thường nghe bạn bè chặn hỏi. chọc quê: “ Tao thấy mấy đứa nhỏ sau này đâu phải là con của mầy? Mầy không có con mắt hay sao vậy? “. Sáu Bẹo phớt lờ ,chỉ cười: “ Nghé ai vào chuồng nhà mình là của mình thôi! “.


Mấy bà ở xóm Thượng Tây được dịp ngồi tụm lại lúc rảnh rổi để tám chuyện về mấy đứa con của Sáu không dứt : Đứa nào giống cha phó chủ nhiệm hợp tác xã, con nào giống ông công an thôn, thằng nào giống gã nào… vân… vân .Đôi lúc nói ngay trước mặt Hương và Sáu Bẹo nữa, nhưng Sáu chằng hề để tai vào. Hương thấy chồng thản nhiên trước mọi lời dị nghị, dè bỉm, cũng lặng yên theo Sáu không tỏ thái độ gì. Có phải vì e sợ bà con dòm ngó, theo dõi mà Hương đã chỉ sinh cho mỗi người một đứa con thôi? Năm đúa con là năm người, năm khuôn mặt khác nhau?
Khi Sáu Bẹo cưới vợ cho Chanh làm sui đám thứ sáu, ở làng Hạ Đông người con dâu kề út nầy đi đâu cũng bị mấy bà ở chợ Xổm níu áo, kề tai nói nhỏ: “ Cha chồng mày đâu phải là Sáu Bẹo! Là ông Tám Hùng ở cuối xóm đây này! Mày ghé thăm, rồi xem thử có giống thằng Chanh không nhé? “. Vợ Chanh im lặng, về nhà thủ thỉ với chồng: “ Anh ơi! Em đi đâu cũng nghe mấy bà nói anh không phải là con của cha đây mà là…”. Chanh vừa nghe vợ nói ,gạt phăng đi: “ Đó là chuyện của người lớn, anh không biết! Anh chỉ biết anh được sinh ra ở nhà này, cha đã lo lắng, chăm sóc, thương yêu anh hết lòng. Anh không cần biết “ cha” nào khác! Nếu có, cũng là quân bạc tình, đểu giả!”.
Sáu Bẹo ngoài việc đi làm thuê hằng ngày, và Hương có mặt ở trạm xá một buổi hai vợ chồng còn làm thêm tám sào ruộng. Cả hai cùng ra đồng, sạ lúa, làm cỏ, tát nước rồi đến mùa thu hoạch cùng nhau cắt và gánh về, ít thuê mướn ai. Buổi trưa,cần ở lại ngoài ruộng, Sáu Bẹo thường là người chạy về nhà mang cơm nước ra cho vợ. Có hôm, để dành được chút ít ông ghé chợ Xổm cuốn thêm cho Hương một cuốn bánh xèo, hay cuốn thịt trứng . Có bà trông thấy, tọc mạch hỏi : “ Hai vợ chồng mà cuốn một cuốn thì ai ăn ai nhịn vậy anh Sáu? “ . Sáu Bẹo cười hà hà: “ Tôi đâu thèm ăn ngữ này? Nếu ăn, thì tám cuốn cũng không đủ mà! “. Lúc cầm cuốn bánh ra đi, Sáu Bẹo nhỏ giọng: “ Đàn bà sinh đẻ khó khổ, mất sức lắm. Ngoài trạm ngoài đồng về là lăng xăng lo cơm nước, quét dọn, gà heo. Đêm đến, con đau con khóc, phải thức ẵm bồng… Còn đàn ông ấy à? Về đến nhà rửa chân tay xong là leo phóc lên võng nằm toòng teng… Nhà con đông vậy, bà ấy có gì mà ăn thêm đâu?”.
Chuyện Sáu Bẹo chạy đi cắt bè lá chuối quấn trên lưng Hương cho mưa khỏi ướt khi cùng đi làm ngoài đồng bất chợt cơn mưa dông ập đến, đã được mấy bà Xóm Thượng Tây truyền đi nhanh chóng khắp xã!
Và, dường như là “phóng viên nhà nghề” ,chuyện nhà của vợ chồng Sáu Bẹo luôn được mấy bà xóm Thượng Tây dòm ngó,nhỏ to - “ cập nhật “ hằng ngày. Ngay chuyện Sáu Bẹo mới ăn giỗ tối qua về, say thốc mữa cả nhà.Hương đã nhẹ nhàng săn sóc Sáu Bẹo ra sao, lau dọn nhà cửa sạch sẽ thế nào, treo mùng cho Sáu Bẹo ngủ …cũng đều được mấy bà bàn tán một cách hăng hái.


Khu vườn rộng lớn, cùng với ngôi nhà từ đường dòng họ Võ được vợ chồng Sáu Bẹo và các con, cháu chăm sóc rất chu đáo. Những ngày giỗ, kỵ ,Hương và đám con dâu. rể ,cháu nội ngoại đều chung lo tươm tất, trang trọng. Sáu Bẹo chỉ làm một việc là mặc áo thụng xanh lên đèn, rót trà lễ cúng. Sau ông, lần lượt đến Hương, các con trai,gái rể, dâu ,cháu nội ngoại răm rắp thứ tự dâng hương ông bà…Ông bà đang ngồi ở trên cao chắc cũng không ngờ trong đám con cháu ngoan ngoãn, lễ phép ấy, có đứa không cùng huyết thống với mình? Mà có cần cùng dòng máu nhà họ Võ không? Sáu Bẹo cũng không hề thắc mắc, và luôn tin rằng tình thương yêu của chúng sẽ cảm hóa được vong linh người mất hơn là người cùng dòng máu mà tẻ nhạt, thờ ơ chỉ lo làm giàu, chẳng nghĩ gì đến ông bà, cha mẹ?!
Ngoại trừ Đào có chồng xa, theo về nhà chồng ở Vinh Thạnh ,mấy người con còn lại, Sáu Bẹo đều chia cho một khu đất trong vườn, xây nhà ,chia sẻ vật dụng sinh hoạt như nhau. Không đứa nào hơn đúa nào cả. Ai làm thêm có tiền, muốn mua sắm gì, tùy ý. Do vậy, mấy anh chị em sống quanh quẩn bên nhau, yêu thương, chia sớt cho nhau như lúc còn sống chung một nhà. Bà con cả xómThượng Tây nhìn vào, dần dần cảm phục, không còn bàn tán ra vào chuyện con cái của Sáu Bẹo nữa! Sau thằng Quýt, bà Hương không còn sanh thêm đứa nào. Bảy đứa con một đời đàn bà, đã khiến bà tự cảm thấy quá đủ chăng? Riêng Sáu Bẹo, có lần nói đùa với vợ : “ Vườn nhà ta còn nào Ổi, Xoài, Mít…sao bà không sanh thêm cho vui? “
Sau ngày đám cưới Quýt ,làm sui đám cuối cùng, chứng đau tức bên ngực trái thường xuyên hơn, kéo dài lâu hơn .Sáu Bẹo phải nghỉ hằn ở nhà, không đi nhận việc làm xa nữa. Mận nói : “ Cha nên nghỉ bớt việc đi! Lũ con lo cho cha được mà! “. Lê – trưởng nam, thường lập lại: “ Đời cha đã khổ nhiều vì các con rồi! Cha còn khỏe ngày nào, hưởng vui ngày đó. Mai kia, đau nặng, nằm xuống còn vui thú gì đâu? “. Quýt thêm vào: ” Lúc ấy, cha còn có ăn uống được gì nữa đâu? Mà có muốn ăn, cũng đâu ăn được? Có muốn đi chơi xa, thăm bạn bè, cũng đâu có ngồi xe được nữa, mà cha ham công tiếc việc? Cha còn sống khỏe bên tụi con ngày nào, là mừng còn hơn cho vàng mà! “. Cô dâu thứ ba – vợ của Lựu, cũng góp ý: “ Bây giờ cha còn ăn uống được, không cho ăn. Mai kia cha đau nặng, ăn làm sao? Có cúng giỗ linh đình, cũng chỉ để che mắt thiên hạ mà thôi!”
Sáu Bẹo nghỉ việc vì theo dõi biết sức khỏe của mình hao mòn dần, bệnh tim trở nặng hơn, chứ chẳng phải vì những lời can gián, an ủi của các con. Cũng từ dạo ấy ,các con Sáu Bẹo luôn dành cho ông sự quan tâm chăm sóc đặc biệt.Khi thì mấy lạng thịt bò, chục trứng vịt lộn, cuốn bánh nem chả, lát cá thu, và trong túi ông thường xuyên có tiền để chi dùng tùy ý! Đứa con nào gởi cho gì ông cũng đều nhận, không quan tâm ít nhiều, không hề từ chối. Sáu Bẹo thường nói với hàng xóm: “ Con chúng thương gởi cho gì, thì nhận cho chúng vui. chứ tôi đâu thèm ăn món gì nữa? Cơm rau mắm cho chắt ruột thôi…”. Mà thật vậy, sau khi các con đi rồi ,Sáu Bẹo đưa hết cho bà Hương. Ngay cả cuốn bánh dành cho riêng ông. Nói: “ Bà đi chợ mua thứ gì cũng được miễn bà thích, về ăn! Tôi không thèm thứ gì đâu! “. Ông chìa cuốn bánh ra trước mặt Hương: “ Bà ăn giùm tôi cuốn bánh này đi! Tôi chỉ cần rau mắm, hay dưa cải kho thịt ba chỉ là ngon lắm rồi! Tôi không ưa mấy món này…” .Ông thường dặn khi bà cắp rổ đi chợ: “ Hôm nào có mắm cua ngon, bà mua cho tôi một chai, ăn với rau lan luộc nhé? Còn bà ra chợ, có bún giò cháo lòng gì ngon thì nên ăn để khỏi mất công mua về nấu nướng phiền lắm! “.
Sau khi Sáu Bẹo bị cơn đột quỵ bị ngất xỉu phải chở đi bệnh viện tỉnh cấp cứu, các con ông đề nghị đưa ông vào viện tim thành phố để giải phẩu, ông quyết không chịu. Ông trả lời con: “ Ba già rồi, sống thêm vài ba năm ,đâu có ích gì mà các con phải mất cả trăm triệu bạc trong lúc còn khổ vậy? Chi bằng, các con để dành sau này cha có mất đi có mà lo cho các con. lo cho mẹ để bà ấy đỡ khổ! Bà ấy đã khổ vì các con nhiều rồi. mà vắng cha ai chăm sóc cho mẹ con đây “.
Mấy anh chị em Mận bàn tính nhau, thuê một chiếc xe 12 chỗ ngồi mời Sáu Bẹo và mẹ đi chơi một buổi. Sáu Bẹo nghe vậy cười: “ Các con cho cha với mẹ mầy đi thăm lăng Quang Trung, thăm cầu Nhơn Hội, thăm chùa Long Khánh rồi về”. Sáu Bẹo ngồi trước xe, nhìn ngó quang cảnh, cảm thấy sự đổi thay trong bao nhiêu năm thật xa lạ, và nhanh chóng, mà nghĩ đến đời người. Cuộc đời đổi thay cũng thật nhanh chóng!
Sau ngày đi chơi xa vài hôm.Một buổi sáng sớm, khi ăn xong bát cháo đậu xanh bà Hương mang vào buồng Sáu Bẹo gọi: “ Mẹ con Mận ơi! “
- Có chuyện gì vậy ông?
- Có chút chuyện…
- Mà chuyện gì? .Bà Hương đon đả bước vào buồng, ngồi yên trên chiếc dựa dựa vẫn dành cho bà mỗi lần vào chăm sóc, trò chuyện với ông. Nhìn gương mặt Sáu Bẹo xanh tái.
- Bà gọi hết mấy đứa nhỏ về gặp tôi, bà nhé?
- Lại có chuyện gi?
- Có chuyện.Giọng Sáu yếu dần, ông cảm thấy hơi thở nặng nề, chùng thấp.
Chưa có đứa nào ra khỏi nhà đi làm nên chỉ nửa giờ sau, là đã có mặt trong buồng ông đầy đủ. Riêng Đào, khi nhận được điện của Lê đã hẹn sẽ nhờ xe thồ chở về ngay vì chuyến xe duy nhất từ VĩnhThanh về thành phố chưa đến giờ khởi hành.
Có lẽ nghe được tiếng ồn ,Sáu Bẹo hé mở đôi mắt lờ đờ, liếc nhìn một vòng hết thảy đám con cháu. Ông khép mắt lại. Gắng giữ hơi thở đều. Bàn tay mặt áp lên ngực trái.
- Các con đã dủ hết chưa?
- Dạ, đủ hết rồi! Bà Hương đắp khẻ.
- Thằng Lê đâu?
- Thưa, có con đây…
- Con bưng ảnh cha đi trước nhé?
- Dạ !
- Thằng Hưng con mày và thằng Tấn con thằng Cam đi hai bên, một đứa bưng khay hương đèn, một đứa bưng khay hoa nước…
- Dạ!
- Con trai, cháu trai đi bên trái quan tài..
- Dạ!
- Con gái, cháu gái đi bên phải quan tài…
- Dạ!
- Mẹ mày đi sau sát quan tài…
- Dạ !
- Tất cả không được khóc…
- Dạ…
- Các con nghe rõ chưa?
- Thưa rõ…
- Ngay từ bây giờ, các con các cháu, hãy niệm Phật đi! Cha sắp đi đây, ông đi đây…
Sáu Bẹo nhếch môi dường như một nụ cười. Nét mặt bình thản.
- Vĩnh biệt bà, Hương ơi! Sáu Bẹo khẽ hé mở đôi mắt, rồi từ từ khép lại…
Tiếng niệm Phật của đám con cháu Sáu Bẹo rền vang khơi động một góc xóm Thượng Tây còn yên tĩnh…

Mặc dù Sáu Bẹo đã vắng bóng trong ngôi nhà này, nhưng với bà Hương, Sáu Bẹo vẫn còn đó. Ông vẫn còn nằm toòng teng trên võng, ngồi xếp bằng trên tấm phảng uống trà, hay cùng bà ngồi ăn nơi chiếc bàn vuông nhỏ nhắn kia…Mỗi sáng, bà đều dậy thật sớm chạy đi mua khi bánh hỏi, bánh ướt, bánh xèo khi thì tô cháo, hộp xôi về đặt ở chiếc bàn vuông trước bàn thờ Sáu Bẹo thắp hương, mời ông ăn. Bà cùng ngồi ăn với ông cho đến hết bữa. Phần trong chén Sáu Bẹo ,bà ăn sau cùng. Trước khi dọn mâm thức ăn, bà đốt cho ông điếu thuốc Basto đỏ, cắm vào lư hương. Một ngày ba lần bà không bỏ sót bữa nào cho dầu là ngày đau yếu…