văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, March 5, 2012

phan bá thụy dương * bài tưởng niệm Hoàng Trúc Ly



gởi Trần Tuấn Kiệt



bụi trần phủ áo phong sương
mà người nay đã hà phương thăng trầm

rượu nồng tưởng niệm cố nhân
ngàn chung cay ngọt một lần từ ly


hỏi người, người đã bỏ đi
nằm trong đáy mộ có gì nhớ thương -

tóc bồng nẻo vắng cô đơn
một thân lưu lạc u hồn lạnh mê


người xa chưa lạc lối về
sao hiền huynh chẳng chờ nghe đôi lời

ngủ yên Hoàng Trúc Ly ơi
chuyển thân hóa kiếp đời đời cuồng say


rượu ngon còn một chai này
hãy chia nhau chút men cay thâm tình

cõi trần dẫu có phiêu linh
cõi hư vô hẳn hồi sinh non Bồng. 

phan bá thụy dương

SA GIANG TRẦN TUẤN KIỆT * một mùa xuân trở lại

Hải Xuân

Ngày giáp Tết ở Saigon nóng ran ran, tôi đến Linh ở đường Nguyễn Thiện Thuật, cũng để nhờ anh ta giúp vài chuyện về dịch thuật.
Trước nhà Linh có hai người đàn bà Trung hoa bán khoai lang nướng. Tôi mua hai củ khoai tím Dương Ngọc ăn rất thơm ngon, ngồi xuống xe nước mía, tôi hỏi bà chủ Linh chừng nào về. Bà ta bảo cậu mới đi uống cà phê đâu đó. Bác ngồi đợi không bao lâu Linh sẽ về. Ít khi nào Linh đi đâu vì bà mẹ bắt anh ta coi nhà không cho ra ngoài. Tôi cười Linh đã là bác sĩ rồi mà.


Cách đây khoảng gần bốn mươi năm, đây là con đường thân thương của tôi nhất. Tôi ở đậu để đi học trong xóm ở đường Hai Mươi bây giờ đổi tên là ĐBPhủ. Lịch sử đã thay đổi hết. Và lớp trẻ như Linh lớn lên sau 75 không còn biết gì về những người tăm tiếng trước kia nữa.

Con đường này trước 75 có rất nhiều quán cà phê văn nghệ. Quán nào cũng vang lên bài Sang Ngang của Đỗ Lễ "Đưa em sang sông…". Bọn thanh niên cứ quây lấy các cô gái xinh xinh và lãng mạn suốt ngày yêu cầu quán cho nghe cứ sang sông sang ngang… Xuyên qua đường này đến Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ), tôi thường đi với người bạn cùng quê lên là dân Sa đéc bạn học lớp ba, lớp tư tiểu học. Hắn lên Saigon trước và gặp tôi ở quán cà phê vỉa hè ở đó. Hắn bảo:
- Tôi có đọc anh trên báo Phổ thông. Anh có biết Đàm trường viễn kiến của ông Nguyễn Đức Quỳnh trong hẻm gần chùa đó không?
- Không.
- Ở đó, ngày nào cũng nhiều người tụ tập nói chuyện xôm tụ lắm.

Lúc này tôi và Hàn Giang Dương Thành Long và anh Mẫn bút hiệu Giang Châu, cả ba thành lập thi đoàn Tam Giang, sau có thêm Chương Đình Thu (Bạch Lộ) nữa. Bọn trẻ chúng tôi thời đó mê thơ văn quên cả ăn cơm, thường thì chỉ lấy cà phê, thuốc lá làm thức ăn chính.
Hắn dẫn tôi vào nhà cụ Nguyễn Đức Quỳnh, căn nhà nằm ngang chắn ở cuối con đường hẻm rộng. Thường khi có xe bộ trưởng Công dân vụ Ngô Trọng Hiếu vào đó. Cụ Quỳnh là cố vấn của ông Hiếu. Tôi nhớ hôm đó cụ Quỳnh đang ca ngợi tranh Nguyễn Trung, cho họa sĩ là người vẽ ngựa giỏi nhất. Cũng không ngờ trong buổi đầu tiên đến, tôi gặp nhiều người đã nghe danh trên văn đàn ở đó. Lý Đại Nguyên như đệ tử ruột của cụ Nguyễn Đức Quỳnh cùng Duy Sinh là con cả cụ Quỳnh lý luận, tranh luận sôi nổi về vấn đề văn hóa mới và văn hóa dân tộc.

Ban đầu tôi ngỡ tất cả cùng nhóm nhưng không phải. Duy Lam và Thế Uyên thường bài bác tranh Tạ Tỵ, Duy Sinh lại có vẻ chống lại bố là cụ Quỳnh với tư tưởng hiện sinh mới nhập vào VN đang cùng nhóm Sáng Tạo có Mai Thảo làm chủ súy. Có mặt rất nhiều người như Hoàng Bảo Việt, Hồ Nam, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Tô Thùy Yên, Mai Sử Giương là Nguyễn Nghiệp Nhượng…

Hôm đó là ngày đầu xuân nên có bánh mứt Tết. Ngồi cạnh tôi là Trần Dạ Từ bút hiệu Hoài Nam dường như có xuất bản quyển thơ Hương Cau Quê Ngoại. Cả nhà nhiếp ảnh Nguyễn Cao Đàm đang phàn nàn về cái giải thưởng hạng nhất Quốc tế chưa được đi lãnh vì nhà nước bắt đóng thuế. Phần nhiều ở đó là các nhà văn miền Bắc di cư 54 vào Nam thời đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm.

Cụ Quỳnh nói dõng dạc:
- Tôi bảo đảm anh em cứ tự do phát biểu, cả chỉ trích chính quyền. Các anh em sẽ không hề bị hỏi han bắt bớ gì cả khi ở nhà này trở về.
Tất nhiên cụ Quỳnh đã có bảo đảm của Ngô Trọng Hiếu, một ông bộ trưởng quyền uy đứng vào hàng thứ ba chỉ sau Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu thời đó. Cho nên anh em văn nghệ tranh luận nhau quyết liệt nhất là nhóm Sáng Tạo có Duy Thanh với nhóm Văn Hóa Ngày Nay, hậu thân của Tự Lực Văn Đoàn với Thế Uyên và Duy Lam là hai kiện tướng.
Dương Nghiễm Mậu, Trần Dạ Từ, Hồ Nam… phát biểu hầu như thao thao bất tuyệt. Đã gọi là Đàm Trường Viễn Kiến thì tất mọi khuynh hướng, mọi tư tưởng văn hóa tôn giáo chính trị nghệ thuật đều được đem ra mổ xẻ thẳng thừng và với các nhà văn hóa mới đầy nhiệt huyết.

Chẳng bao lâu, cái lò luyện người với tư tưởng tổng hợp, gọi là Tổng Thức Vận đó tiêm nhiễm tôi hồi nào không hay. Hồi đó còn có nhóm Hoa Mười Phương của Kiều Thệ Thủy. Tờ Mã Thượng của Linh Thi và Sinh Lực của Đồng Tân đã viết về tôi khi ấy chưa đầy mười tám tuổi. Có lần mọi người đề cập đến Bùi Giáng cho là một hiện tượng lạ. Cụ Quỳnh nói Bùi giáng là Lão tử thời nay. Tôi chơi thân và hiểu Bùi Giáng nên không đồng ý với nhận xét này. Tôi về ghé kể cho Bùi Giáng nghe. Ông cười cười lôi tôi ra khỏi nhà, nói:
- Mình đi ăn tiết canh vịt ở Ngã Bảy đi. Ông rất thích tiết canh.
Rồi ông đem chiếc xe Mobylette ra chở tôi đến Ngã Bảy bây giờ là đường Lý Thái Tổ gần Ngã sáu Chợ Lớn, nơi đó bày đủ các hàng ăn uống nhậu nhẹt. Lúc này Bùi Giáng còn làm giáo sư dạy ở trường Tân Thanh, có cả nhà viết sử Thiên Giang, triết gia Đệ Tam là Tam Ích sau dạy Pháp văn, nghiên cứu viết về Hiện sinh và Phật giáo.

Những người này là thày tôi ở trường Tân Thanh. Lúc đó tôi theo Nguyễn Vỹ muu sinh và hằng ngày vào nhà cụ Lê văn Trương ở Ngã tư quốc tế chơi, có lúc Trầm Tử Thiêng từ Khánh Hội cũng qua chơi. Cả Thanh Quang sau chịu ảnh hưởng Phi Lạc Sang Tàu của Hồ Hữu Tường cùng bà Trúc Lâm Nương làm giáo chủ đạo Hồng Môn ở Vạn Kiếp (Gia Định).

Đi du xuân mà ăn tiết canh thì tôi không thích nhưng chiều Bùi Giáng nên theo cũng đi theo. Cách cái quán tiết canh đó là quán chị Lệ Liễu. Chị mở quán ca nhạc gần đó bày sân khấu nhỏ để các ca sĩ lên mà ca hát ngâm nga thâu đêm suốt sáng, phía trong quán nổi tiếng nhất là nơi ăn chơi một thời. Đại đức Trí Minh, bạn của Vũ Anh Khanh lúc chưa đi tu thường đến đây vừa nhậu, vừa hát và ngâm thơ của ông, dẫn theo Mặc Tưởng và Thùy Dương Tử. Tôi muốn dắt Bùi Giáng vào quán Lệ Liễu chơi nhưng ở đây quá bụi không thích hợp với ông nên thôi.

Trời xuân rộn rã, tôi vừa uống chút bia thấy ngà ngà. Nhìn qua bên kia đường, một dãy nhà dọc Lý Thái Tổ đang bán đủ loại hàng hóa, máy móc như mọi con đường khác. Phía sau lưng dãy nhà mơí xây này ngày xưa bãi cỏ mọc vô tội vạ, con đường đó vào sâu hơn là nơi "cát cứ" của ban Văn nghệ địa phương quân do đại úy Tô Công Biên coi. Tôi không nhớ lúc đó Du Tử Lê là thiếu úy hay trung úy cũng ở đó.

Hằng ngày Anh Thuần  dẫn ca sĩ lên Đài phát thanh quân đội nơi có đại tá Cao Tiêu, Tô Kiều Ngân, Tô Thùy Yên, Tường Linh và Phan Bá Thụy Dương thường có mặt. Đó là Cục Chiến Tranh Tâm Lý ở ngay Sở Thú. Khi tôi đang làm báo, viết báo cho Phổ Thông, trong Tao Đàn Bạch Nga của Nguyễn Vỹ, một hôm đại tá Phát (Nguyễn Tấn Phát), một bác sĩ từng là bác sĩ riêng của Ngô Đình Diệm bảo tôi vào lính Văn Nghệ Địa Phương Quân. Ông Phát cũng gia nhập tao Đàn Bạch Nga với Thu Nhi, Minh Đức Hoài Trinh, Tuệ Mai, Nguyễn Thu Minh, Bạch Yến. Thế là tôi vào Ban văn nghệ Địa phương quân, có nhiệm vụ viết sapô cho ca sĩ giới thiệu các bài hát.

Ban văn nghệ này rất nổi tiếng, người điều khiển là anh Nguyễn Hữu Sáng, em ruột Nguyễn Hữu Thiết là người điềm đạm, ít nói và có tài.
Thời ở Địa phương quân, tôi biết Lam Phương, anh hiền lành, cũng ít nói nhưng hay vào trại trễ, bị phạt chạy vòng sân. Cái thân hình bệ vệ của Lam Phương lúc bị đại úy Tô Công Biên phạt chạy vòng sân khiến ai cũng tức cười. Ngày nào mọi người cũng tập dượt ầm ĩ cả trại. Sáo có Nguyễn Đình Nghĩa, Khả Năng, Phi Thoàn là hai cây cười rôm rả nhất. Có một anh hề nổi tiếng chịu chơi nhất, hễ buổi sớm lôi nhạc cụ ra thấy thiếu cây đàn gì thì y như bắt anh ta phải "đi chuộc" ở tiệm cầm đồ về là có ngay. Đó là danh hề Thanh Việt có cả Tùng Lâm nữa. Cũng một ngày Tết khác, tôi gặp Khả Năng sau 75 ở rạp Rex thì anh vui vẻ nói "Mới ở trại cải tạo về". Nghe nói anh trốn qua Thái lan hay Mã lai gì đó rồi mất tăm hơi luôn.

Tôi ngồi với Bùi Giáng mà nhớ tới những ngày cùng Du Tử Lê ở ban Văn nghệ Địa phương quân, sau tôi bị chuyển qua hậu bị quân đưa vô Rừng sác rồi biến luôn không vào trại nữa.
Bùi Giáng gọi thêm rượu rồi ra ngoài, lát sau có người cầm vào hai dĩa bánh ướt to tướng. Bùi Giáng nói:
- Ăn đi. Anh còn vào Đàm trường viễn kiến không ?
Tôi vừa ăn vừa lắc đầu.
- Viết báo với Chu Tử lo kiếm cơm. Từ ngày cụ Quỳnh mất tôi không tới đó nữa.
Bùi Giáng hỏi:
- Chu Tử có tốt không?
- Tốt, vui với anh em lắm. Có Hồ Nam, Trần Dạ Từ, Duyên Anh làm ở đó nữa, nhất là Tú Kếu.
Tôi hỏi:
- Ông có đọc thơ Tú Kếu?
Bùi Giáng trả lời:
- Tú Kếu làm thơ lục bát hay lắm. Còn thơ đen thì không có đọc.

Sau đó tôi nói với Chu Tử lấy tập sách kiếm hiệp của Ngọa Long Sinh là Kim Kiếm Điêu Linh do Bùi Giáng dịch đưa vào báo Sống. Sau biến cố 75, mọi sự đều thay đổi. Bạn tôi Trầm Tử Thiêng qua Mỹ viết bản trường ca Áo dài Việt Nam tôi được nghe một lần. Rồi anh mất bên đó.


Mùa xuân này tôi chợt có dịp trở về con đường hẻm Bàn cờ cũ gần nhà cụ Quỳnh nơi cư xá Đô Thành có trường Tân Thanh xưa nay đã biến thành khách sạn. Đi sâu vào cư xá Đô Thành tôi từng vào thăm chị em Khánh Ly ở một căn gác nhỏ dường như mướn trong đó. Thấy tôi đến cả hai ngó nhau cười như không tiền đãi cà phê đen nữa. Em gái Khánh ly rất đẹp, lần nào tôi đến cũng nói: Anh Kiệt ngâm thơ cho em nghe đi, sau này cô lấy Văn Quang, anh vẫn còn ở lại VN.

Tôi ngồi tư lự một lát thì Linh và San Hà đi đâu trờ về. Linh mời:
- Vào nhà chơi đi anh
- Thôi mình ngồi uống nước mía, anh có việc nhờ em.
San Hà báo tin:
- Từ ngày chị Huệ Thu ghé thăm anh bị trợt thang gác đến nay cũng chưa lành.
- Chị Huệ Thu là người có lòng tốt. Nghe nói chị tửu lượng cao. Trùng Dương không những viết truyện hay mà uống rượu cũng cừ lắm, Tú Trinh cũng vậy. Có lần Tú Trinh ghé nhà không gặp nói với con gái anh sẽ chở anh đi nhậu. Những người bạn trước đều rủ anh nhậu cả chỉ có em bảo anh thôi hút thuốc.
- Anh bị bệnh, hút nhiều quá làm sao du xuân. Sao cây hải đường năm rồi anh không giữ lại?
- Phải, cây hải đường cành lá xum xuê đẹp lộng lẫy, Phạm Cung xuống xem nói đó là đại hồng trà, hái lá nấu làm trà xanh uống ngon lắm. Nhà Hồ Hữu Thủ rộng rãi, năm nay anh định mua tặng anh ấy một cây hải đường, nhà mình chật hẹp không trồng lâu được.

À quên nhắc lại ban Văn nghệ Địa phương quân, anh em văn nghệ kẻ còn người mất. Vừa rồi xem băng Thúy Nga thấy có chương trình về Lam Phương. Nhưng anh nay đã già, bị tai biến mạch máu não, tay phải không còn đàn được nữa. Nhớ tới Lam Phương ngày nào với hàng trăm bản nhạc đi vào lòng người. Thật buồn cho số phận tài hoa của một nhạc sĩ.
Khi tôi làm báo Sống, thỉnh thoảng Khánh Ly ghé chơi. Chúng tôi hay ngồi ăn hủ tíu ở quán Tàu đường Gia Long. Lúc đó, ghế chủ tịch đại diện sinh viên Văn khoa có Trần Lam Giang, sau là Phạm Quân Khanh, Phạm Quốc Bảo, Ngô Vương Toại. Thêm anh em Cung Văn Nguyễn vạn Hồng, nhà thơ nữ Hồng Khắc Kim Mai ở Văn khoa thường lui tới nhà tôi. Chúng tôi ngồi quán bên hông Lê Thánh Tôn. Thường xuyên có Khánh Ly và các anh em nhà báo, nhạc sĩ, họa sĩ cũng ở đó. Một lần khách lạ quen với Khánh Ly tạt vào, nàng vội giới thiệu. Anh Kiệt nhà thơ nổi tiếng đấy… nhưng em không biết được thơ hay hay dở… rồi Khánh Ly cười rất vui.

Ngày đó trong khuôn viên đại học Văn khoa có dựng một gian nhà gỗ nhỏ của nhóm họa sĩ trẻ gồm Mai Chửng điêu khắc, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Hồ Thành Đức… Căn nhà gỗ này do Nguyễn Trung và Hồ Thành Đức xin được trong không quân đem về dựng lại. Hằng ngày Nguyên Khai và Nguyễn Thành Nhơn đến điêu khắc chơi và thoạt tiên cũng là chỗ ngủ của Nguyễn Nghiệp Nhượng và Cù Nguyễn. Sau 75, khi qua đường Lê Thánh Tôn, tôi nhớ lại cái quán cà phê cũ đã thay mới, các cây điệp (phượng đỏ) cội rất lớn, thân cây bị cưa cụt đã đâm ra thêm nhiều cành nhánh mới, có nhánh đã ra hoa. Tôi đứng lặng nhớ về bạn bè hay gặp nhau ở đấy. Trần Lam Giang, Lê Tài Tấn, Phạm Quốc Bảo và Bùi Ngọc Tuấn, nhớ tới các bạn họa sĩ, Khánh Ly, Nguyễn Thụy Long, Lam Thiên Hương thuở còn xuân sắc tươi đẹp. Bây giờ Lam Thiên Hương trở thành bà ngoại già thường dắt cháu ngoại đến Cung văn hóa Lao động chơi.

Lê Thánh Tôn và những cành điệp cũ gợi cho tôi rất nhiều về lịch sử của một thời. Nay mùa xuân trở lại, con đường vẫn rộn ràng xe cộ, khách nước ngoài đi lại dập dìu. Cả mấy chục năm ở Saigon mà tôi cứ quanh quẩn mãi Thị Nghè như một thằng Mán không biết gì nhiều sự đổi thay. Năm 2005 Phan Bá Thụy Dương lần đầu tiên về nước ghé thăm tôi hai đứa mới trở lại nơi đây nhìn sang Pagoda cũ với tâm trạng ngậm ngùi. Cũng chính từ gốc phố nhộn nhịp này tôi và PBTD đã làm 2 bài thơ Tưởng Niệm Hoàng Trúc Ly.

San Hà chở tôi trên chiếc xe Honda thời tiền sử chậm chạp, tôi nóí:
- Chạy cẩn thận thôi coi chừng đụng người ta đấy
San Hà cười.
- Không sao đâu. Để đó em chạy an toàn chở anh đi xem hoa.
- Anh nghe nói trong Tao đàn có dựng đền Hùng vương, xem hoa xong rồi ta vào lễ đền tổ nghe .
Rồi San Hà cho xe rẽ qua cửa Tây Saigon đi về phía bùng binh. Chợ hoa chỗ ấy thật đông đúc, Hải đường, dạ lý và muôn hồng nghìn tía đua nhau khoesắc mừng mùa xuân mới.



SA GIANG TRẦN TUẤN KIỆT

Tuesday, February 28, 2012

Tiểu Tử * Chuyện Giả Tưởng




( Đây là một chuyện giả tưởng. Viết dưới dạng …kiếm hiệp để thấy cái chất hoàn toàn giả tưởng của nó. Vậy, nếu có trùng hợp với ngoài đời là sự ngẫu nhiên ngoài ý muốn của tác giả ).


…Gã tên là Nguyễn Văn Mít ( Tên giả đó. Sau này, trong khi tung hoành trên chốn giang hồ, gã còn thay tên đổi họ… lia chia để đánh lạc hướng kẻ địch. Cho nên, cả hai phía hắc bạch chẳng biết đâu mà mò ! ) Người ta truyền tụng rằng gã thuộc giòng dõi mấy đời khoa bảng, chớ thật ra ông nội của gã là nhà nông. Điều này giải thích tại sao gã sanh ra đã biết căm thù địa chủ. Sự căm thù đó thể hiện qua lập luận rất tà giáo sau đây : tất cả những thằng có ruộng đều là địa chủ, mà hễ là địa chủ là phải ác ôn, tất cả những người làm ruộng đều là bần nông, mà hễ là bần nông thì phải thay trâu để cày bừa. Cái lý luận của Mít đưa đến khẳng định : để không còn có người bóc lột người, phải lôi bọn địa chủ – lớn nhỏ hầm-bà-lằng – xuống làm bần nông hết ( Sau này, khi Mít đã gồm thâu một phần thiên hạ và lên làm minh chủ võ lâm, hắn đã áp dụng " chiêu số đấu tố địa chủ " một cách bừa bãi, giết hại không biết bao nhiêu sanh linh thuộc cả hai phe hắc bạch, gây sóng gió trên chốn giang hồ một dạo ! )

Mặc dầu có gốc nhà nông nhưng Nguyễn văn Mít lại không thích làm ruộng. Gã lý luận : tại vì mình làm ruộng mới sanh ra giới địa chủ. Và gã cũng không thích đi học, bởi vì nhà trường đẻ ra trí-thức, trí-thức đẻ ra bất công ( Mấy thằng có chút chữ nghĩa lúc nào mà không ăn trên ngồi trốc ? ) bất công đẻ ra bè phái, bè phái đẻ ra…v.v. Cho nên sau khi biết đọc biết viết sơ sơ, gã bỏ đi " giang hồ tầm sư học đạo " để thực hiện cái mộng của hắn : làm bá chủ võ lâm ! ( Bàn về trí thức, giáo chủ Bắc phái – một hệ phái hắc đạo lừng danh giang hồ – đã tuyên bố một câu…xanh dờn :
" Trí thức không bằng một cục phân ". Thật đúng với tư tưởng của Mít ta. Cho nên sau này Mít đã tìm đến thọ giáo với vị giáo chủ đó hết một thời gian, học được những quái chiêu vô cùng tàn khốc. Như chiêu " trăm hoa đua nở ", khi phát chiêu người nghiêng nghiêng như cành liễu đong đưa, hai tay dang ra như đón chào, từ lòng bàn tay chưởng phong tuông ra thật nhẹ nhàn mang theo mùi thơm ngọt ngào mời mọc như mùi rượu " trúc diệp thanh "…làm địch thủ ngất ngây, nhắm mắt bước vào vòng chưởng lực ! Ghê gớm vậy đó ! )

Một hôm, Nguyễn văn Mít dừng chân ở một quán nước nằm cạnh bìa rừng. Trong khi xì xụp húp tô nước vối nóng hổi, gã nghe ( Cái… nghề nghe lén này, gã là số một ! ) hai tên có vẻ đạo tặc ngồi ở bàn bên to nhỏ mà tay vẫn không rời đốc kiếm :
- Đại huynh liệu đến chùa Thiếu Lâm có biết đường dẫn tới Tàng Kinh Các không ?
- Ta đã có mang theo sơ đồ, ngươi yên tâm. Ta chỉ cần ngươi nhanh tay hạ thủ mấy tên sư đứng gác quanh đó. Còn bên trong ta sẽ lo liệu.
- Nghe nói ở đó chứa rất nhiều võ công bí kíp lưu truyền tồn trữ từ mấy mươi đời. Người giang hồ nói chỉ cần học được một pho thôi cũng đủ làm cho bốn phương cao thủ võ lâm nể mặt.
- Ngươi nói đúng. Nhưng mà…
Tên này bỗng liếc sang Mít, làm tô nước vối trong tay của gã xuýt rơi xuống bàn. Mít vội vã húp lia húp lịa không kịp thổi ( Mới ra giang hồ, còn kém bản lãnh là cái chắc ! ) Tên " đại huynh " đứng lên :
- Ta đi thôi ! Đường còn xa.
Rồi cả hai khoác bọc hành lý, bước ra khỏi quán.

Đợi cho chúng đi một đỗi, Mít trả tiền rồi cấp mã-tấu lẽo đẽo theo sau. Vừa đi vừa suy nghĩ : " Mình muốn tầm sư học đạo mà thiên địa mênh mông biết sư ở mô ? Thời may gặp hai tên này gợi ý cho mình lên chùa Thiếu Lâm thọ giáo. Kệ nó ! Mình cứ tạm cạo đầu làm sư làm tiểu một thời gian rồi sau đó xuống núi mặc tình mà tung hoành ". Rồi gã lại suy nghĩ : " Mà mình phải thủ tiêu hai tên đạo tặc này mới được. Kẻo chúng nó lên… làm rùm trên đó thì sức mấy mà mấy thằng trọc không nghi mình nằm vùng ? " ( Xưa nay, Mít thù địa chủ, ghét trí thức, và không ưa thầy tu. Cho nên mới gọi ông sư là " thằng trọc ". Mít lý luận : " Bọn này là bọn đứng ở kẽ giữa, nghĩa là không theo phe nào hết. Vậy là không theo phe ta. Phải xem chúng như thành phần nguy hiểm " ) Nghĩ đến đó – đến hành động thủ tiêu hai tên đi phía trước – Mít hâm hở cầm chắc mã tấu, nín thở nhón chân chạy theo. Gã định từ phía sau " phụp " cho mỗi đứa một phát ( Cái trò… đánh lén hạ cấp này cũng là " nghề " của gã, bởi vì gã chủ trương " mọi " phương tiện đều tốt, quân tử tiểu nhân là cái… khỉ gì ? " ) Chưa kịp ra tay, gã đã nghĩ lại : " Chúng nó hai thằng. Mình mới phụp thằng đầu thì thằng kia đã phụp lại mình rồi. Không ổn ! Không ổn ! " Vậy là gã dừng lại, núp sau góc cây, tìm một phương kế khác. Vốn tánh khôn ranh xảo quyệt, nên chỉ cần vài phút sau là gã đã nghĩ ra một quỷ kế để đưa gã vào làm đệ tử Thiếu Lâm mà không tốn công sức và …nước bọt để xin xỏ, lại còn được lòng tin cẩn của các " sư tiền bối " nữa là khác ! Quỷ kế đó như sau : xin cùng đi với hai tên kia cho có bạn trên đường dài ; trong khi chuyện trò, mình thổ lộ tâm tình rằng thì là mình chán mùi tục lụy nên muốn lên chùa Thiếu Lâm để qui y đầu Phật ( Thế nào chúng nó cũng nói rằng chúng nó cũng muốn lên xem thắng cảnh ở trên đó ! ) ; lần hồi mình làm thân với chúng nó để đánh tan mọi nghi kỵ ngờ vực ; đến chùa, mình lạy xin qui y, nhưng…" bỏ nhỏ " với mấy sư rằng bọn nó có gian ý, bằng cớ là trong người thằng " đại huynh " có tấm sơ đồ để xâm nhập Tàng Kinh Các …Thế là xong chuyện !

Vậy mà xong chuyện thật ! Nguyễn văn Mít đã được một vị sư chùa Thiếu Lâm nhận làm đệ tử ( Đời thứ mấy gã cốc cần biết ). Hằng ngày, ngoài việc tập luyện võ nghệ, gã phải nấu nước pha trà và quét dọn chánh điện. Mới đầu gã thấy thích thú. Nhưng sau một tuần trăng gã bắt đầu càu nhàu :" Bắt trèo lên tuột xuống lau chùi mấy tượng phật muốn …hộc xì dầu mà chỉ mới dạy đứng trung bình tấn và thở khí công. Cứ đà này thì còn lâu mình mới thành cao thủ ".
Một hôm, gã bỗng nhớ lại câu chuyện của hai tên đạo tặc định đột nhập Tàng Kinh Các. Rồi gã suy nghĩ : " Tại sao mình không lén vào đó …'chơm' đại một pho rồi tuột xuống núi chạy về xứ ? Học thẳng trong sách có phải nhanh hơn không ? " Lại suy nghĩ : " Tàng Kinh Các thì mình biết ở đâu rồi. Nhưng muốn vào đó không phải dễ ? Phải qua hai thằng trọc ngồi ngay cửa vào và tránh mấy thằng khác đi tuần rỏn chung quanh. Mặc dù mình được các sư tin cẩn, nhưng không có lý do mà đi lẩn quẩn gần đó chúng nó cũng sanh nghi. Phải đẻ ra một cái cớ, hay đợi một cơ hội...". Mấy hôm sau, cơ hội đã đến với Mít : chú tiểu quét dọn Tàng Kinh Các ngã bịnh, Mít ta – người đã được phương trượng gọi là " cứu tinh của Thiếu Lâm Tự " sau vụ tố cáo hai tên gian tặc – được cắt đi thay thế. Được lịnh, lòng Mít như …mở cờ, nhưng ngoài mặt thì cứ tỉnh bơ như chẳng có chuyện gì quan trọng ( Đây cũng là điểm cốt cán của con người Mít : nhìn bên ngoài ít ai đoán đúng trạng thái ở bên trong. Cho nên sau này, trong những kỳ đại hội quần hùng, biết bao nhiêu cao thủ võ lâm đã lầm Mít. Họ đã ôm hun Mít – hồi này đã đổi tên là Xoài – " thấm thiết tình huynh đệ chi giao " để rồi ít lâu sau tử vong trong chưởng phong của gã ! ) Vậy là sáng bữa đó, Mít – mặt hiền như bụt – cấp chổi cầm khăn vào Tàng Kinh Các.

Sau khi kính cẩn châm trà cho vị sư già đang ngồi đọc sách trên bồ đoàn đặt ngay giữa đại sảnh, Mít lui cui quét dọn lau chùi, miệng như lâm râm niệm Phật mà mắt thì …láu liên. Gian phòng này không rộng bao nhiêu, nhưng sách nằm trên kệ thì đầy tường. Ngoài ra, còn nhiều ngã vào bên trong nhưng bị đóng lại bằng những cánh cửa to có khoá. Mít nghĩ : " Mẹ nó ! Biết quyển nào mà lấy !" Nhưng khi nhớ lại những gì đã nghe lén ở quán nước, gã tự nhủ : " Quyển nào mà chẳng dạy võ công. Cứ xem pho nào vừa …tầm tay mà cũng đừng to quá để lận lưng không thấy cợm … là đớp." Thế là sau khi để ý đến một quyển kinh đúng … tiêu chuẩn gã cứ lau đi lau lại vòng vòng để … rình " thằng trọc " ngồi kia. Lâu sau, vị sư già – chừng như mỏi mệt – chấp tay nhắm mắt. Đợi một lúc, gã khúm núm thưa nhỏ : " Bạch sư cụ … " Gã … bạch mấy lần mà sư ông vẫn làm thinh. Gã mừng rỡ … phóng lại chỗ để cái khăn lau làm dấu khi nãy, rút lấy quyển kinh nhét lẹ vào lưng. Nhìn lại sư cụ thấy vẫn chấp tay nhắm mắt thở đều. Gã từ tốn cấp chổi cầm khăn nhẹ nhàng đi ra mà nghe trong lòng đang … thổi kèn đánh trống ! Đêm đó, gã " tuột " xuống núi, không quên mò lại kẹt đá lấy thanh mã tấu mà gã đã cất giấu trước lúc gã lên chùa xuống tóc qui y ( Hành động của gã ở chùa Thiếu Lâm – gọi nôm na là lừa thầy phản bạn – người trên chốn giang hồ chẳng ai hay biết. Các nhà sư được lịnh nín khe. Có lẽ sợ mất mặt. Mãi về sau này, một vị sư … phản tỉnh đã " xì " ra, nhưng lúc đó Mít – đổi tên là Hà văn Ổi – đã là giáo chủ của một môn phái, nên … hồ sơ được xếp vào văn khố ! )

Xuống núi, sau khi chạy đến tờ mờ sáng thấy đã khá xa, Mít lủi đại vào một bìa rừng núp xem động tĩnh. Thấy êm rơ nên gã bèn trèo lên một cành cây to rút quyển sách ra coi. Quyển sách đó đã bị mọt ăn mất trang bìa và mấy trang đầu. Bên trong cũng bị lủng rất nhiều lỗ nhưng vẫn còn nhiều chữ và hình vẽ. Gã sung sướng quên cả mệt nhọc, nhét quyển sách vào ngực, tựa lưng vào thân cây suy nghĩ miên man :
" Vậy là chẳng mấy chốc mình sẽ thành cao thủ. Phải là cao thủ mới lập ra môn phái, mới chế ngự được quần hùng, mới gồm thâu được thiên hạ, mới thanh toán hết địa chủ, mới đè đầu được lũ trí thức, mới nắm cổ mấy thằng trọc, mới … mới … " Rồi gã ngủ thiếp đi … ngon lành !

Vậy là trên đường về xứ – bây giờ gã đã đổi tên là Lý văn Xoài – mỗi ngày Mít ( Xin lỗi. Tôi vẫn phải dùng tên Mít để độc giả dễ dàng theo dõi câu chuyện, kẻo không, sẽ không còn biết ai là ai nữa ! ) trốn vào một nơi vắng vẻ mở sách ra học. Mới đầu còn hơi khó hiểu, khó làm. Thêm phần sách bị mọt đục nên phải khổ công mò mẫm. Nhưng nhờ mấy chương đầu còn nhiều hình vẽ với những mũi tên chỉ dẫn nên lần lần gã cũng hấp thụ được. Nội công của gã càng ngày càng thâm hậu, và gã đã có thể đào khoét sâu dưới đất một cái hang có ngõ vào được bít lại, rồi gã nằm dưới đó mấy hôm mà không … chết ! ( Sau này, trong công tác nghiên cứu các tuyệt kỹ võ lâm, ngài Ku-Ba-Móp của xứ Nga-la-tư có đặt giả thuyết rằng gã đã ngậm mấy viên nhựa … á phiện để chịu đựng. Giả thuyết chưa được kiểm chứng nhưng vẫn … lưu hồ sơ ! )
 
Khi về đến xứ thì gã đã có thể phóng mã tấu mà không nghe … tiếng gió ( thế mới chém lén kẽ địch được ! ) và trong bóng tối gã vẫn xuất chiêu trúng đích dễ dàng ( thế mới là … hắc đạo ! ) Có điều là những chiêu thức của gã phần nhiều thật quái dị. Lý do là khi đọc tới những hàng chữ bị mọt ăn mất gã cứ … ráp đại những hàng chữ còn lại với nhau cho nó … xong chuyện ! Ví dụ như khi gã học chiêu " Đao thức trực chiếu ", trong sách có mấy dòng chữ bị mọt đục, gã đành đọc " nhảy " nên khi phát chiêu, đường mã tấu lại đi … cong cong chớ không đi thẳng ! Ngay như chiêu " Chẻ trúc ", rất tầm thường mà trên giang hồ ai ai cũng biết, đường mã tấu của gã đang đi xuống bỗng dừng lại – chỗ này sách bị mọt đục – rồi rút về như thâu thức – lại mọt đục mất mấy hàng – chợt lại … chém tiếp, chém tiếp ! Cho nên cao thủ võ lâm chỉ thấy ở gã toàn là quái chiêu thôi ( Vài chục năm sau, chính những chiêu thức " không giống ai " đó đã làm cho mấy " đại cao thủ " của xứ Đại Hùng Kê và xứ Đại Bàng bị thân bại danh liệt )
 
Về xứ, gã rút vào một cái hang đá ở vùng cao nguyên để tiếp tục luyện tập võ công. Lâu lâu, gã … xuất hang để " tiếu ngạo giang hồ ", thâu nạp đồ đệ và để kết giao với các giáo phái khác hầu có thêm vây cánh. Hồi này, quê hương của gã vẫn bị thống trị bởi xứ Đại Hùng Kê, cho nên gã dùng chiêu bài " cứu quốc " để quy tụ quần hùng, bởi vì gã biết rằng ai ai cũng muốn " viết lại trang lịch sử " giống như phong trào " Phản Thanh phục Minh " ở bên Tàu thuở trước. Trong thâm tâm của gã muốn mượn tay quần hùng để diệt bọn Đại Hùng Kê, rồi sau đó gã sẽ chế ngự quần hùng để gã lên làm võ lâm bá chủ là cái mộng của gã xưa nay ! Về phía quần hùng thì họ xem Nguyễn văn Mít tức là Xoài ( Nhưng bây giờ đã đổi tên là Hà văn Ổi ) như một nhân vật có khả năng liên kết tất cả các phe hắc bạch, bởi vì sau mấy lần luận kiếm, họ nhận thấy đường … mã tấu của gã không thuộc một môn phái nào cả ( Cái thế " vô sư môn " của gã hoá giải mọi tranh chấp phe phái vốn dĩ là nguồn chia rẽ xưa nay của giới võ lâm ). Vậy là toàn thể quần hùng nhất tề " đứng lên cứu nước " dưới sự lãnh đạo của Mít ( tức là Hà văn Ổi ). Quyển bí kíp bị mọt đục vậy mà đã giúp gã " làm nên sự nghiệp ".

Trở lại chuyện luyện tập võ công của Mít – ở trong hang, dĩ nhiên – gã tuyên bố với đệ tử và quần hùng rằng ở hang để đừng bị ràng buộc bởi vật chất xa hoa và gã ở một mình để dễ tập trung tư tưởng ngày đêm tìm đường cứu nước. Vậy là mọi người rút lui êm lặng mà lòng thán phục con người đã quá hy sinh vì đại nghĩa đó ! Chẳng ai biết rằng gã đang cố gắng học cho chóng hết quyển bí kíp võ công đó để còn tiêu hủy nó đi hầu xoá tan dấu vết. Gã còn nghĩ : " Ngày nào mà quyển bí kíp còn, là ngày đó sanh mạng của mình vẫn không yên. Sẽ có những thằng khốn nạn tìm cách giết mình để cướp bí kíp. Hoặc sẽ có những thằng mất dạy lén ăn cắp trong lúc mình sơ hở. Loại đệ tử phản thầy thời nào mà không có ? Nguy hiểm ! Nguy hiểm ! Sách mà lọt vào tay chúng thì thế giới này sẽ … loạn tới đâu ? ". ( Phải lý luận như thế mới là … đỉnh cao trí tuệ ! Điều gì " ta " làm, cái gì của " ta ", hay … lấy về cho " ta " đều đúng đều tốt, đều có chánh nghĩa. Còn những gì " của lũ chúng nó " đều sai, đều xấu, đều ngụy hoàn toàn ! )

Thấm thoát mà Mít đã học gần hết quyển sách. Bây giờ nội lực gã rất thâm hậu, võ công gã đã vào mức thượng thừa. Mỗi chiêu phát ra là cả mười hai thành công lực đẩy tới ! Từ xa, gã có thể phá sập một nhịp cầu đúc hay đánh lật một đoàn xe lửa nặng cả ngàn tấn mà chỉ xử dụng công lực của … một ngón tay ấn xuống cái nút đỏ ! (Ngày xưa, Đoàn Nam Đế bên Tàu có môn " nhứt dương chỉ " lừng danh giang hồ, nhưng so với môn " độc chỉ công " này của gã thì chẳng thấm vào đâu cả ). Còn " thần sầu quỷ khóc " hơn nữa là gã chỉ cần dang hai tay … hốt một cái là " cát bay đá chạy, nhà sập cây ngã ". Môn này gọi là " Bình địa thức ", là môn mà gã thường dùng nhứt để đánh dấu nơi nào gã đã đi qua…
Hôm nay, gã dứt điểm quyển bí kíp. Chiêu thức cuối cùng này, bởi vì gã đã vượt mức thượng thừa, chỉ cần đọc đến đâu là tự nhiên tâm ý phát huy đến đó. Hai tay gã đưa tới đưa lui càng lúc càng nhanh. Chưởng phong nghe o o … Vách đá bốn bên và trên trần bể vụn ra nhỏ, rơi rào rào … Gã chấp tay thâu thức, trầm khí đan điền, rồi vừa cười to vừa hét lớn : " Ha ! Ha ! Ta đã thành công ! Ta đã thành công !" Tiếng của gã dội trong vách đá, nghe vang vang tiếp nối một cách thật là ma quái…

Gã cầm quyển sách lên, vừa lật nhanh mấy trang mới học xong vừa suy nghĩ : " Từ quyển sách nhỏ này ta sẽ tạo nên một môn phái vĩ-đại !" Bỗng gã thấy ở trang cuối có mấy dòng chữ nhỏ. Gã đưa lên đọc : " Đến đây là hết quyển Thượng dạy về môn Đả Phá. Xin đọc tiếp quyển Hạ dạy về môn Xây Dựng để phát huy toàn bộ pho võ thuật Thái Bình Thư này ". Gã ngạc nhiên thốt : " Thì ra còn một quyển nữa mà ta không biết. Tiên sư nó ! " Suy nghĩ một lúc, gã bỗng cười khẩy : " Xây dựng là cái khỉ gì mà mấy thằng trọc vẽ vời ? Với công lực thiên hạ vô địch của ta, chuyện di sơn đảo hải ta còn làm được thì chuyện gì mà ta không làm được ? " Rồi gã cười to ngạo nghễ, đập hai bàn tay vào nhau : quyển sách tan thành mảnh vụn…
 
Thời gian sau, Mít tái xuất giang hồ với cái tên mới là Hà Văn Ổi, lập môn phái Hồng Kỳ giáo thâu nhận đệ tử, chiêu dụ quần hùng, đánh đuổi bọn bạch chủng Tây Vực, gồm thâu thiên hạ rồi lên làm võ lâm chí tôn với khẩu hiệu " Muôn năm truờng trị "…

-oOo-

Rồi ba mươi năm sau…
Thanh mã tấu " trấn giáo " của Nguyễn Văn Mít ( tức Xoài, tức Ổi… ) đã truyền qua mấy đời chửơng môn. Vị nào cũng là " đại cao thủ ", nhưng không có vị nào đẻ ra được môn võ công mà giới giang hồ gọi nôm na là " Xây Dựng ". Cho nên, Hồng Kỳ giáo chỉ biết có " Đả Phá " dài dài…

DU TỬ LÊ * Có Không Một Mùa Xanh Như Ngọc?



 
Chị Nhã,

Dường như, người ta chỉ nghĩ nhiều đến nhau, muốn nói nhiều điều với nhau, khi người ta đã gần như vĩnh viễn xa nhau, gần như tuyệt vọng trong mơ ước gặp lại mặt nhau. Điều đó, có thể sai với nhiều người, nhưng với tôi thì quả thật là như thế.

Như thế đó, chị Nhã. Năm năm trời xa nhau. Năm năm trời chị em không thấy mặt nhau. Chị biết không, tôi nghĩ, tôi đã nghĩ rất nhiều về chị. Nghĩ về chị, như nghĩ, nhớ về mẹ già. Về những đứa con mồ côi mẹ của tôi còn ở lại. Nghĩ và nhớ về chị Uyển, về anh Dương, về bác Trưởng, về dì Giám, dì Khiêm, chị Công, thằng Chương, cái Gái…

Năm năm trời, ở bên này đại dương, như ở một tinh cầu khác. Một đời sống khác. Tôi chỉ còn là tôi, ở những phút nhớ về. Ở những giây tưởng lại đó.

Năm năm trời, chị Nhã, tôi nhớ mọi thứ. Tôi nhớ đủ điều. Ở tất cả mọi nơi. Trong tất cả mọi thời tiết. Nhớ và nghĩ đến những điều cỏn con, những thứ vụn vặt. Nhớ, nghĩ và thương yêu cả những người mà trước đây tôi vốn ghét. Nhưng sau hết, nhiều hơn cả, vẫn là nhớ và nghĩ đến chị. Có lẽ tại chị có cùng tôi, bên tôi trong suốt tuổi thơ lủi thủi của chúng ta. Cái tuổi thơ đầy nắng cháy, vàng ứa trên hai chiếc sân phơi thóc mênh mông…Cái tuổi thơ rét ngọt ủ những nắm ngô hay lạc rang nóng hổi trong túi, chơi trò trốn tìm quanh những vựa lúa, vựa ô mai ở dãy nhà ngang.

Tôi nhớ và nghĩ đến chị nhiều, nhiều nữa, trong những trò chơi, mà tôi sung sướng được tham dự - Những trò chơi con gái – Những sợi dây vút qua, vút lại, dưới những bàn chân trần da non, đỏ ửng – Hay những viên sỏi tung lên – trong khi những ngón tay nhỏ xíu chụp vội những viên khác. Chúng ta luôn vội vàng, hấp tấp như thế. Chúng ta chụp lấy những viên sỏi óng trong, trên nền gạch đỏ, như chụp vội những hạt hạnh phúc, những hạt ước mơ thơ dại – Và vì chúng ta vội quá hay chúng ta tham quá, cho nên chúng ta đã chụp hụt, chúng ta đã chạm, đã làm rơi, rơi khỏi kẽ tay chúng ta, những hạt mơ ước ấy…

Nhưng chị Nhã, tôi nghĩ còn nhớ nhiều đến chị, nhiều nhất, nhiều hơn cả (mà chắc chị chẳng tài nào đoán được) – đó là những ngày giáp tết. Những ngày giáp tết của Sài Gòn cũ, của thành phố xưa. Những giáp tết của Sài Gòn, Sài Gòn chứ không Hà Nội – Vì Sài Gòn, Sài Gòn mới thật sự ắp đầy trong ghi nhận của chúng ta. Hà Nội, cái tên quen thuộc nhưng mơ hồ đó, đã nhạt nhòa, thực sự đã nhạt nhòa, nếu không muốn kể như đã chết – thực sự đã chết. Kể từ ngày chúng ta đặt những bước chân đầu tiên lên thang của chiếc máy bay khổng lồ, rời Hà Nội.

Thực sự, thực sự, chính Sài Gòn, đường phố Sài Gòn, thời tiết Sài Gòn, mới là chiếc nôi lớn, mảnh vườn xanh nuôi dưỡng chúng ta lớn. Lớn lên, như ngày nay, như tết này, chị bước vào tuổi bốn hai và tôi vừa hay bốn mươi. Sài Gòn với mấy chục mùa xuân đi qua. Những mùa xuân đi qua trên Sài Gòn, đi qua trên chúng ta. Những mùa xuân đi qua từ những tuổi mười một, mười hai. Đđi qua từ những tuổi mười ba, mười bốn, thì chị Nhã, thử hỏi làm sao quên. Làm sao xóa – Làm sao nhòa nhạt – Càng không thể nhòa nhạt trong tuổi già đang đến. Càng không thể nhòa nhạt trong trí nhớ đóng khung – kỷ niệm thu gọn (bởi đời còn đã hết).

Chị Nhã, dường như tôi đã không nói được điều tôi muốn nói. Dường như nãy giờ, tôi chỉ nói quanh. Nói quanh một điều nào lẽ ra phải nói. Dường như tôi sửa soạn để nói đến điều đó. Nhưng như đã bảo với chị là tôi có quá nhiều điều để nói, nên càng sửa soạn, càng rào đón, tôi càng đi xa hơn ý định. Điều buồn cười, điều đáng tội nghiệp cho những kẻ không có khả năng diễn tả ý mình ở chỗ đó. Đã lúng túng, y càng lúng túng hơn. Đã khó nói, càng nói nhiều, y càng khó quay lại – Tôi là kẻ suốt đời cứ lúng túng loanh quanh như vậy đó, chị Nhã ạ. Cũng như mấy chục năm, sống gần nhau, tuy cùng một thành phố, chỉ cách vài con đường mà cả năm chị em chỉ gặp nhau dăm ba lần, trong những dịp giỡ chạp hoặc tết nhất. Ngay ở những lần hiếm hoi kia, hình như chúng ta cũng chẳng bao giờ có được một lời dịu dàng dành cho nhau. Dù không thể chối cãi rằng giòng máu trong người chúng ta đã khiến nỗi đau đớn của tôi cũng như là của chị. Niềm lo lắng của chị không nói ra, cũng là của tôi. Chúng ta chia xẻ cho nhau tất cả mọi điều. Nhưng hoàn toàn trong âm thầm, trong kín lặng, trong xó góc riêng tư của chị - trong chốn ở, ăn, kín bưng của tôi.

Dường như, chị Nhã, tuổi tác đã đẩy anh chị em chúng ta xa nhau hơn. Xa tới lạnh lẽo. Xa tới quên lãng – Mặc dù sự thực anh Dương, chị Quý chiếm ngự và chĩu nặng trong đời sống của chị và tôi – cũng ngược lại, tôi và chị đã khuấy động thường xuyên, lòng họ. Tôi vẫn cho, cái không hay, cái không tốt lớn lao nhất trong gia đình chúng ta là sự im lặng. Sự dấu đi, sự dè xuống cảm tình của người này trước mặt người kia.

Cung cách đó, thời gian đã thành thói quen, tập quán. Đến đỗi, chúng ta chỉ còn gặp nhau, đủ mặt vào ngày mồng một Tết, hoặc ngày mồng ba (ngày giỗ anh Uyển, và cũng là ngày hóa vàng.) Ở ngày đó, chúng ta cũng chỉ có thể nói với nhau, một đôi câu bâng quơ. Hỏi thăm nhau dăm chuyện lạt lẽo. Lạt lẽo và đửng dưng, như thể chúng ta chỉ mới vừa biết nhau tức thì, chứ không phải chúng ta đã có chung với nhau một cội rễ.

Chị Nhã, cứ lần họp mặt anh chị em đông đủ, vui vẻ đó, chị không để ý đâu, câu đầu tiên bao giờ cũng là câu chị hỏi tôi – “Này cậu, chậu cúc kia tôi mua đấy. Cậu thấy có đẹp không?” – Chị nói và chỉ vào góc nhà, mặc dù những chậu hoa ở phòng khách năm nào cũng chỉ có một mình chị mua. Và tết năm nào, thì hai chậu cúc vàng cũng chiếm chỗ tốt nhất cạnh hai chiếc ghế sa-lông, sát tường, bên tay trái, khi đẩy cửa bước vào. Trong khi đối diện với nó là hai chậu quất, trái đỏ chi chít, nhiều đến tưởng như đó chỉ là những chùm trái giả, làm bằng plastic. Và bao giờ thì chị cũng không kịp đợi tôi trả lời (dù câu trả lời của tôi mấy chục năm, cũng chưa bao giờ đổi khác) chị đã tiếp ngay:

Mà này, cậu biết không, gớm, tôi mua được giá rẻ lắm. Tôi phải trả giá, phải đi tới, đi lui, làm bộ chê bai lắm, mới được giá đó đấy. Chứ mà gặp tay…mơ (chị cứ làm như chị là tay…nhà nghề không bằng) là nó nói thách rồi, mua hớ cả trăm bạc, chứ không chơi đâu…

Anh Dương ngồi quanh quẩn đâu đó, mặc đồ lính (quanh năm đồ lính – kể cả ngày tết), đang đùa với mấy đứa nhỏ, con anh Quí, hoặc đang lơ mơ đôi mắt đục lờ sau cặp kính trắng, lại khựng lại, hay bật người lên, nói trỏng một câu:

Khéo vẽ…gặp mấy con mẹ chợ hoa, nó tán cho vài câu, nở mũi, nhắm mắt vào mua, chứ…”

Có thể anh muốn nói “chứ hay hớm gì mà khoe,” hoặc “chứ quí báu gì” – Nhưng tôi luôn kịp thời khỏa lấp quả trùy cuối cùng nặng cả ngàn cân đó của anh Dương bằng cách nói theo chị rằng:

Vâng! Hoa thế kia mà mua được giá đó là giởi lắm đấy!”

Hoặc để chị vui lòng hơn:

Ôi giời ơi, hoa cỏ ở giữa cái rừng hoa đường Nguyễn Huệ như vậy, mà chị nhặt đúng cái chậu đẹp như vậy là cả một kỳ công rồi. Không dễ gì ai cũng làm được đâu!”

Và sau câu trả lời của tôi, chúng ta thường rơi hẫng vào im lặng. Cái im lặng khó hiểu. Cái im lặng kỳ cục không hiểu vì câu nói đâm ngang bửa củi của anh Dương, hay vì sau đó, mỗi chúng ta, đã có ngay trong đầu một hình ảnh, một ý tưởng để theo đuổi, để gậm nhấm với riêng mình.

Chị Nhã, chẳng bao giờ chị biết đâu, riêng lòng tôi, những lúc ấy, là một cõi mênh mông tẻ lạnh.

Riêng lòng tôi lúc ấy, là nỗi chua xót, ngậm ngùi. Cái chua xót, ngậm ngùi của một kẻ bất lực, nhìn thấy tận mắt sự suy sụp, vẻ tàn phai của một hình tượng gần gũi nhất, êm đềm nhất. Tôi muốn nói bóng tối trong mắt chị. Tôi muốn nói những nếp nhăn nhiều hơn trên mặt chị.Tôi muốn nói những sợi tóc cằn khô hơn, ròn vụn hơn trên đầu chị. (Dù cho đó là một mái tóc mới uốn chải để ăn tết!)

Chị Nhã, chị không biết đâu, tôi thấy rõ sự tương phản của những bông cúc vàng trong chậu, và tuổi già trên đôi vai chị nhô cao. Mỗi năm những chậu cúc chị mua về một đẹp hơn. Hoa to hơn, rực rỡ hơn vì sự tiến bộ của phân bón, của ngành trồng tỉa. Nhưng mỗi năm, chúng ta một già hơn. Tàn tạ hơn. Xa cách nhau hơn. Vì chúng ta không phải là cây cỏ. Chúng ta là người. Chúng ta cần nhiều thứ. Những thứ khác hơn phân bón. Và nhất là với chị, với một người phụ nữ, đã đi qua tuổi ba mươi, đã bước quá sâu vào cảnh đời héo khô con gái.

Và sau hết, mỗi năm, mỗi lần tết đến, tôi lại nhớ một chuyện đã cũ, một chuyện nhỏ nhặt, cực kỳ nhỏ nhặt – Nhỏ nhặt đến độ chẳng còn ai nhớ tới, kể cả chị - Đó là giữa cái tết thứ hai của chúng ta ở Sài Gòn – Khi chị làm đổ chậu cúc đặt trên chiếc ghế đẩu, rơi xuống sàn đá hoa, vỡ tan nát , anh Quí tát chị một cái, giữa ngày mồng một. Mẹ lui cui đi dọn và cằn nhằn anh. Lời qua tiếng lại – trở thành to tiếng. Mẹ vào buồng trong, ngồi trên đi-văng, bưng mặt khóc. Chị xuống bếp. tôi không nhớ chị có khóc không. Chỉ biết chị không ăn bữa trưa, hôm mồng một tết đó. Lúc chuyện xảy ra, tôi mới mặc xong chiếc quần tây bằng vải ka ki mới (chiếc quần mới duy nhất mỗi năm) và một chiếc áo sơ mi cũ, đi ra giữa cửa. Cảnh tượng diễn ra rất nhanh. Thật nhanh, như tôi nhớ thì chỉ trong nháy mắt mà thôi. Và tôi đứng sững giữa ngưỡng cửa của hai căn phòng. Thấy sự giận dữ cực điểm nơi mặt anh Quí. Thấy mẹ già ngồi dựa lưng vào tường, hai đầu gối co sát ngực – và thấp thoáng, qua chiếc cửa sổ lớn, qua sân sau thấy mái tóc thề của chị, rung trên chiếc áo cánh trắng tay phồng…Tôi đã tự hứa. Tôi đã thề với chính tôi – lớn lên – đi làm, có tiền mỗi lần tết đến – Tôi sẽ mua, mua rất nhiều hoa cúc. Tôi sẽ bày cúc la liệt từ ngoài cửa vào tận trong bếp. Tôi sẽ để ngang dọc – cho ai muốn đá, muốn đụng sao cũng được – và một chậu lớn nhất, đẹp nhất sẽ dành riêng cho chị để nhớ những ngày chúng ta còn bé.

Nhưng rồi năm năm, mười năm, hai mười năm…mấy chục cái tết đi qua, tôi đã vào đời. Tôi đã kiếm ra tiền (đôi khi tôi cũng kiếm được rất nhiều tiền), nhưng chưa một lần nào, tôi đem được về nhà, dù chỉ một chậu cúc nhỏ - cho riêng chị!

Bây giờ, sau năm năm, và một cái tết nữa sắp đến, chị đang bước vào tuổi bốn mươi, với một đời chồng nửa đường đứt gánh (một đời chồng mà lửa hương chưa quá một năm!) – Và một mẹ già, mẹ đã quá già, như ngọn đèn dầu trước gió – một bầy cháu côi cút, không mẹ, không cha – Tôi nghĩ chắc bóng tối ở bất cứ xó xỉnh nào, trong ngôi nhà cũ kia, cũng không thể tối bằng bóng tối trong mắt chị - Bóng tối trong một đôi mắt còn đời, nhưng kể như đã hết!

Bây giờ, sau năm năm, và một cái tết nữa, sắp đến, tôi biết rằng không một bông cúc nào, còn có thể nở được dù chỉ le lói, riêng trong tâm hồn chị.

Trong khi đó, bây giờ, ở đây, sau năm năm, mỗi khi mùa lạnh tới, cúc nở đầy đường – cúc ngập vàng mọi lối. Không cần mua, không có tiền tôi cũng có thể hái trộm cho chị, không phải chỉ một bông, mà cả bó, cả bị - Nhưng cách nào, làm cách nào? Chị Nhã – để tôi có thể gửi về chị! Gửi về giữa lòng Sài Gòn đã bị chôn sống. Cách nào? Chúng ta còn có thể có được, dù chỉ một chậu cúc vỡ hay một cành cúc gẫy, khi chúng ta cũng đã quá già, và mỗi kẻ đã cải danh, đổi lốt ở một đầu trái đất.

Chẳng cách nào – chẳng có mùa xuân nào đâu, dành cho chúng ta, một khi chính cõi lòng chúng ta cũng đã héo úa.

Cách nào? Chẳng còn cách nào đâu – một khi chính ta, cũng đã phải tự thú nhận rằng ta đã không còn là ta của những ngày trước nữa.

Mỗi chúng ta chỉ sót lại, cái tên gọi – như một danh từ chỉ đồ vật, đất đá. Những cái tên gọi trơn tru, không một âm vang vọng lên, ngoài tiếng động khô khan, vụn tan của chính tên gọi đó. Như Nhã – Nhã- như Tưởng, Nam, Như Mai- Tú, như Du-Tử-Lê, còn nhạt hơn cỏ, còn nhầy hơn giun, còn ngu ngơ hơn dế chũi…

TRẦN VẤN LỆ * Đêm Đêm Dỗ Giấc





Ra cửa sau ngồi.  Gió lạnh.  Vô.
Đi ra cửa trước.  Lạnh.  Vi vu
Ở đây gió ít nhờ cây lá
Nghe gió bỗng buồn đến ngẩn ngơ...

Phải có bạn cùng không đến nổi
Nhìn ra xe cộ thấy thêm buồn
Người ta sao chẳng ai ngừng nghỉ
Cuộc sống như là mạch nước tuôn...

Gọi bạn, bạn xa, không bắt máy
Chỉ ngày Thứ Bảy mới đôi khi
Gặp nhau Chúa Nhật, bâng quơ, phố
Câu chuyện bâng quơ, chẳng có gì...

Giờ, đã nửa đêm, xe có bớt
Mà đêm càng xuống lạnh càng lên...
Thả hơi khói thuốc nhìn sao rụng
Đếm một, hai, ba rồi cũng quên...

Thôi, bỏ chỗ ngồi, thôi, cố ngủ
Dỗ mình như thể dỗ con thơ...
Nằm nghe gió thoảng ngoài hiên trống
Có lẽ trăng khuya cũng đã mờ...

Có lẽ!  Muôn đời ta có lẽ
Đi hoài có lẽ có nơi vui?
Quê Hương đẹp nhất không vui nữa
Cái bóng theo ta đến cuối đời!

Nhắm mắt bảo mình:  Thôi cố ngủ
Nhớ sao một thuở trước ba quân
Mệt nằm xuống cỏ lim dim mắt
Nghe dế kêu vang trước cửa rừng...


TRẦN VẤN LỆ

 

Phạm Tín An Ninh * Gói quà đầu năm

tranh Đằng Giao

Tôi phải ngồi lại trên các bậc đá nghỉ chân đến ba lần trước khi bước vào cổng chùa. Ngôi chùa nhỏ nằm trên một triền núi, được phủ mát bởi những tàng cây. Ngôi nhà khách bằng gỗ, khá xinh xắn, nằm trong một khu vườn toàn hoa vạn thọ. Phía trước là một tượng Phật ngồi dươi gốc cây bồ đề, cành lá được cắt tỉa công phu. Chung quanh là cả một vùng núi trời tĩnh mịch.Tôi không phải là phật tử, nhưng ngồi nghe tiếng mõ và lời cầu kinh trong chùa vọng ra, cũng thấy lòng nhẹ hẳn đi trước bao nhiêu điều phiền não.

Hôm nay là mồng một tết, nhưng cảnh chùa khá im ắng, bởi chùa nằm khá xa khu dân chúng. Ngày hôm qua tôi có đến đây, nhưng thầy trụ trì đi vắng. Tôi đã để lại tấm danh thiếp của chồng tôi, viết vài dòng phía sau xin hẹn thầy hôm nay trở lại.

Chú tiểu còn rất trẻ, mang trà ra mời và xin tôi chờ thêm mươi phút nữa, vì thầy trụ trì đang khai kinh cho buổi lễ tân niên. Tôi nôn nao muốn sớm được nhìn mặt vị ân nhân của mình, nhưng cũng dặn lòng phải kiên nhẫn và cẩn trọng ý tứ trước một nhà sư.

Hơn ba mươi năm trước. Lúc ấy tôi còn là cô bé học trò trường trung học An Túc, nằm giữa thị trấn An Khê, bên QL 19 nối liền Qui Nhơn với Pleiku. Chiến tranh đang thời kỳ ác liệt. Tuổi còn nhỏ, nhưng ngày nào tôi cũng nghe cha mẹ và các thầy cô bàn chuyện chiến trường: đánh lớn ở Pleime, Dakto, Tân Cảnh. Mấy năm nay, An Khê tương đồi bình yên, nhờ Sư Đòan 101 Không Kỵ Hoa Kỳ có căn cứ ở đây, và dọc theo đèo An Khê có đồn bót của các đơn vị thuộc Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn. Giữa lúc chiến tranh ngày khốc liệt, bất ngờ lực lượng đồng minh rút quân về nước, làm dân chúng ở đây hoang mang, lo lắng. Xứ họ đạo của tôi cũng được cha chánh xứ tổ chức những toán tự vệ, phối hợp với quận, lo canh gác khu vực của mình.

Chiều ba mươi Tết, được thông báo của tỉnh, các cơ quan trên quận phối hợp với các thầy cô giáo và cả Hội Đồng giáo xứ đi mọi nhà kêu gọi đóng góp những gói quà tượng trưng dành tặng cho anh em chiến sĩ của một đơn vị từ xa tới, thay thế lực lượng đồng minh, đồn trú ở đây.

- Tôi nghiệp, nghe nói anh em đã phải rời căn cứ từ sáng sớm 30 để chiều mồng một Tết có mặt ở đây. Họ có biết tết nhất gì đâu! Ông cha xứ nói với chúng tôi như thế.

.............

Cả quận vui mừng, nô nức trước tin vui. Riêng tôi còn vui hơn khi tưởng tượng sẽ có nhiều anh lính đến cái thị trấn nhỏ xíu buồn tênh này, nên rất sốt sắng trong việc gói quà. Tôi tự tay thực hiện được hai gói quà, gồm một số bánh mức, chiếc khăn tay do tôi thêu lấy, kèm theo lá thơ chúc mừng năm mới tới hai anh chiến sĩ vô danh nào đó. Tôi nắn nót viết thật đẹp rồi đề tên, lớp và trường học phía dưới. Vì “sao y bản chánh” từ một bài luận văn tháng trước, nên hai lá thư giống nhau như đúc. Nhìn hai gói quà tôi mỉm cười, khi nghĩ sẽ có hai “người tình không chân dung” nào đó nhận được lá thư nồng nàn của một cô “em gái hậu phương”. Ban đầu, các thầy cô cho biết, đám học trò chúng tôi được hướng dẫn vào căn cứ để tận tay tặng quà cho các anh chiến sĩ. Bọn tôi đứa nào cũng hớn hở, lăng xăng giặt ủi lại chiếc áo dài trắng ưng ý nhất. Nhưng sau đó dưới tỉnh cho biết là trước khi vào An Khê, các đơn vị này còn phải hành quân mở đường, giải tỏa một số đồn bót của lực lượng Đại Hàn nằm dọc theo đèo An Khê, bị địch quân bao vây đã ba hôm nay. Cuối cùng tất cả quà đều được nộp cho trường, và thầy hiệu trưởng cùng các thầy cô giáo sẽ mang vào cho đơn vị để trao lại cho anh em chiến sĩ khi tình hình an ninh cho phép. Bọn học trò chúng tôi tiếc hùi hụi vì mất một dịp được vào xem căn cứ và ủy lạo các anh chiến sĩ.

- Nam Mô A Di Đà Phật. Xin chào bà. Xin lỗi, chắc là bà đã chờ tôi lâu lắm phải không ?

Câu hỏi của thầy trụ trì cắt đứt dòng hồi tưởng của tôi. Tôi đứng lên, vụng về chấp hai tay trước ngực chào lại thầy. Tôi muốn nhìn thật kỹ khuôn mặt của thầy, nhưng thấy ái ngại, nên chỉ cúi đầu im lặng.

- Cái cổng tam quan, ngôi nhà khách này, và những bậc đá trên con đường mà bà vừa đi lên là do tiền cúng dường của ông bà. Chúng tôi xin tán thán công đức và cầu xin chư Phật gia hộ cho ông bà cùng gia đình. Bà có muốn đi một vòng xem cảnh chùa không ? Xin mời bà.

Thầy vừa nói vừa chỉ tay về phía cổng tam quan.

- Dạ, công ơn của thầy đối với gia đình tôi lớn lao quá. Biết làm sao đền đáp. Xin thầy đừng nhắc tới công đức, làm tôi thêm xấu hổ. Tôi vừa bước theo phía sau thầy, vừa nói.

- Mô Phật ! Giúp người, đó là nhiệm vụ của kẻ tu hành, dù là tôn giáo nào. Sao bà lại gọi là công ơn. Thầy nở một nụ cười độ lượng.

Đi phía sau, nhìn dáng đi khoan thai của thầy, tôi băn khoăn suy nghĩ: Khuôn mặt thì có nhiều nét giống, nhưng với cái dáng đi thì lại khác hẳn. Có thể ngày xưa là lính nên cần phải nhanh nhẹn. Tôi nghĩ thầm như thế.

Khi đến cửa tam quan, thầy dừng lại và chỉ tay về hướng bờ biển, nơi có mấy tảng đá ở triền núi, phía dưới là một khu rừng rậm:

- Chính ở nơi đó, tôi đã tìm gặp chồng của bà

Năm ấy, khi chồng tôi vừa mới trốn về từ trại tù cải tạo Gia Trung (anh chỉ là thầy giáo, dạy một trường trong khu người Thượng, bị bắt năm 1979 vì bị kết tội hợp tác với lực lượng Fulro chống lại chính quyền Cộng sản), được một người bạn thân cho đi theo một chuyến vượt biển do gia đình anh ta tổ chức. Lúc ấy ai cũng nghĩ ra đi là không bao giờ gặp lại vợ con, mà có ở lại cũng sống không yên, chỉ làm khổ cho gia đình. Hơn nữa lúc ấy tôi vừa mới sanh đứa con đầu lòng, nên không thể đi cùng. Chúng tôi đành gạt lệ chia tay mà không dám nghĩ sẽ có ngày tái ngộ.

Tàu vừa ra khơi hơn một ngày thì bị hỏng máy, trong lúc gió mưa tầm tã. Tất cả mọi người phải đem sinh mạng chống chọi với phong ba. Cuối cùng, sau gần ba ngày bềnh bồng trên biển, nhờ những cơn gió nhiệm màu đã đẩy chiếc tàu với hơn một nửa số người sống sót, giạt vào một ghềnh đá lúc trời nhá nhem tối. Tưởng đã thoát chết, nào ngờ khi vừa leo lên bờ thì bị một toán công an biên phòng vây bắt. Một số người yếu sức thì đành đưa tay cho họ trói. Chồng tôi cùng một vài thanh niên khác dùng hết tàn lực chạy trốn trong các hốc đá bên triền núi. Mấy lần thoát chết dưới những tràng đạn. Nhờ trời tối anh chạy thoát vào khu rừng trước khi kiệt sức. Khi tỉnh lại, anh thấy mình nằm trong ngôi chùa nhỏ nằm bên triền núi. Anh được vị trụ trì săn sóc và che dấu chu đáo, mặc dù biết anh là người công giáo, bởi trên cổ có đeo thánh giá. Sau hơn một tuần, nhờ thầy giúp cạo đầu, cho áo quần để cải dạng một thầy tu, và gởi theo một chiếc xe đò của một phật tử thân quen, chồng tôi mới trốn được vào nhà bà cô ruột ở Cam Ranh. Sau đó nhờ chính bà cô này tìm đường để vượt biển tiếp.Và lần này anh đã đươc tàu Pháp vớt, nên được sang định cư bên Pháp. Ba năm sau, tôi và đứa con được anh bảo lãnh với diện đoàn tụ gia đình.

- Mô Phật! Tôi nghiệp, ông ấy đã về tìm thăm tôi hai lần, và giúp cho tôi khá nhiều tiền để lập lại ngôi chùa này và một nhà từ thiện nuôi các em bé tật nguyền dưới xóm. Công đức của ông bà thật lớn lắm.

Tôi nhớ lại tấm ảnh mà chồng tôi chụp chung với thầy trong lần thứ nhì về thăm thầy. Bao nhiêu lần tôi đã nhìn kỷ tấm ảnh, lại nghe chồng tôi bảo, ngày xưa thầy cũng là lính, nên tôi đã ngồi hằng giờ hình dung, nhớ lại một người quen lúc trước.

- Thực ra anh ấy ngại không muốn về, nhưng vì nhớ ơn thầy mà anh ấy mới về gặp thầy. Lần này chính tôi đề nghị được thay anh về thăm thầy, nhân dịp thăm mẹ của tôi đang ốm nặng.

- Mô Phật ! Tôi hiểu nỗi khổ tâm của ông ấy.

Tôi nghe tiếng thở dài của vị trụ trì, và thấy thầy đưa mắt nhìn về một nơi xa xăm nào đó. Từ lúc mới gặp nhau trong ngôi nhà khách, tôi nghĩ là thầy đã nhận ra tôi. Tôi chờ thầy hỏi, nhưng có thể thầy đã quên hay bây giờ là kẻ tu hành, nên thầy không muốn nhắc lại chuyện thế tục ngày xưa. Không để lỡ mất cơ hội, tôi lên tiếng:

- Tôi về đây, gặp thầy cũng để muốn xin được hỏi thầy một điều, mà bấy lâu nay cứ băn khoăn mãi trong lòng, nhưng ngại thầy là bậc tu hành, nên tôi không dám .

Thầy nhìn tôi, im lặng giây lát rồi lên tiếng :

- Mô Phật! Kẻ tu hành lúc nào cũng muốn đem ánh sáng cho chúng sinh hầu giải tỏa những lo âu phiền não. Xin bà cứ tự nhiên.

- Xin thầy tha lỗi, nếu có điều gì không phải. Có phải thế danh của thầy là Quế, Lê Phương Quế ?

Thầy ngạc nhiên nhìn tôi, rồi nhìn lên khoảng không, nhíu mày.

- Mô Phật! Làm sao mà bà biết được tên của tôi ?

- Thầy còn nhớ anh Lân, trung sĩ Đỗ Lân, ở Sư Đoàn 23 BB, có đóng quân ở An Khê vào những ngày tết năm 1972 ?

- Bà còn biết cả bạn tôi? Anh Lân đã tử trận ở Kontum từ mùa hè 72 . Bà có biết không?

Tôi có một thoáng giận thầy, vì nghĩ là đến bây giờ ông vẫn chưa nhận ra mình. Chẳng lẽ thầy vô tình đến thế. Nhưng ngay sau đó tôi hối hận về ý nghĩ của mình. Sao lại đem chuyện đời để mà trách một vị chân tu, một người đã xa lánh chuyện hồng trần, thế sự. Thầy đã cho mình hỏi và sẳn sàng tâm sự đã là một điều hỉ xả rồi.

- Dạ, tôi có biết, và tôi cũng có đến Kontum thăm mộ anh mấy lần. Sau này tôi về tìm để xây lại ngôi mộ cho anh, thì nghĩa trang không còn nữa, và không ai biết mộ anh đã chuyển đi đâu .

Đôi mắt của vị trụ trì sáng hẳn lên. Thầy mở đôi mắt thật to nhìn tôi, đưa tay lên định nắm vai tôi, nhưng rồi kịp khựng lại.

- Vậy là Xuân ? Bà là cô Xuân ngày xưa? Mô Phật! Sao lại có chuyện kỳ ngộ lạ lùng này.

Vâng, tôi chính là Xuân, cô bé học trò trường trung học An Túc ngày xưa. Người đã gói hai gói quà Xuân ủy lạo cho những chiến sĩ đến giữ an ninh cho quê tôi vào đúng chiều ngày mồng một tết. Hai gói quà được nộp cho trường để chuyển tới cho các anh, vì lúc ấy đơn vị đang hành quân mở đường để đến nơi trú đóng.

Sau một cái tết an bình, cả thị trấn nhỏ của tôi nhộn nhịp hẳn lên bởi sự có mặt của một trung đoàn lính chiến, ngày mồng tám tết, đám học trò chúng tôi trở lại trường, nhưng các thầy cô biết là trong lòng đám học trò ai cũng còn dư âm ngày tết, nên cho chúng tôi tập họp lại hát hò và kể chuyện vui. Trong lúc thầy hướng dẫn đệm đàn cho cả đám học trò ca hát, thầy giám thị đến tìm tôi, bảo tôi lên văn phòng có người nhà muốn gặp. Bước theo thầy giám thị mà lòng tôi lo lắng không biết ở nhà có chuyện gì, thì ông đưa tay chỉ hai anh lính đang ngồi chờ trên chiếc ghế đá trong sân trường.

Hai anh lính thật trẻ đứng lên chào tôi, nhoẻn miệng cười :

- Hai đứa tôi đến để cám ơn Xuân và chúc mừng Xuân năm mới .

Tôi thoáng một chút ngạc nhiên và bẽn lẽn :

- Em có làm gì đâu mà hai anh cám ơn ? Mà sao hai anh biết được tên em ?

Hai anh cùng mở túi áo lấy ra bức thư. Vừa kịp nhận ra đó là hai bức thư mà tôi đã “sao y bản chánh” bỏ trong hai gói quà ủy lạo, thì một anh lên tiếng :

- Tôi là Đỗ Lân, và người bạn thân của tôi đây là Lê Phương Quế. Trông anh hiền như con gái, nhưng Xuân đừng nhầm với nữ ca sĩ Phương Hồng Quế nghe, mặc dù anh Quế bạn tôi cũng có giọng hát rất hay, không thua gì Phương Hồng Quế . Hai đứa tôi nhận hai gói quà của Xuân. Quà cáp như nhau và lời lẽ trong cả hai bức thơ cũng giống nhau như đúc. Cô Xuân thật công bình. Cám ơn nghe!

Tôi hơi quê, nhưng cố làm ra vẻ tự nhiên:

- Hai anh tới trường tìm Xuân, không sợ thầy giám thị la Xuân hà ?

Anh lính thứ nhì, tên Quế, lên tiếng :

- Bọn tôi bảo là anh em bà con với Xuân, đi lính xa nhà bây giờ mới gặp. Thầy giám thị coi bộ cũng thương lính lắm, nên chắc không nở la rầy người yêu, à xin lỗi, người em của lính đâu!

Mặc dù thấy hai anh chàng có vẻ thư sinh, vui tính, nhưng nhớ lời bà chị thường bảo mấy ông lính bạo dạn và tán gái hay lắm. Phải coi chừng. Tôi nhủ thầm như thế. Và để xem hai anh chàng này có thực sự bạo dạn hay không tôi khoanh tay:

- Nghe nói anh Quế hát hay không thua gì Phương Hồng Quế, em xin mời hai anh vào lớp em chơi. Bọn em cũng đang ca hát trong đó, chứ không có học hành gì đâu. Đám bạn em sẽ mừng lắm đó.

Hai anh nhìn nhau cười, rồi gật đầu, theo tôi vào lớp.

Cả đám bạn học trò im bặt, tò mò nhìn ra khi thấy tôi dắt theo hai anh lính trẻ. Tôi nói với vị giáo sư hướng dẫn :

- Thưa thầy, có hai anh lính nhận được quà tết của lớp mình, đến cám ơn và xin hát cho cả lớp mình nghe .

Thầy hướng dẫn lớp gật đầu, đến bắt tay hai anh, tươi cười :

- Hồi nãy tới giờ mấy cô chỉ hát những bài tình yêu lính chiến, bây giờ đích thân lính chiến hát tặng mấy cô thì còn gì hay bằng, phải không ?

Cả lớp vỗ tay .

Anh lính tên Lân bước lên bục giảng, hai tay mân mê chiếc nón bê- rê :

- Kính thưa thầy, thưa các bạn. Tôi không biết hát, nên xin dành phần nói trước.

Chúng tôi xin cám ơn những gói quà Tết của nhà trường, của các bạn. Trong không khí Tết, vì nhiệm vụ phải xa nhà, được những món quà của các bạn chúng tôi thấy ấm áp nhiều lắm. Đặc biệt hai đứa tôi đây đã nhận được quà của cô Xuân. Chỉ cần cái tên của cô là hai đứa chúng tôi cũng đã có cả một mùa xuân rồi . Xin cám ơn và kính chúc thầy, chúc các bạn một năm mới vạn điều như ý.

Cả lớp lại rộn lên tiếng cười và những tràng vỗ tay không dứt. Một con bạn có tiếng nghịch nhất lớp quay về hướng tôi ngồi :

- Xuân ơi, mày chỉ được chọn một trong hai thôi. Còn để dành cho đứa khác nữa chứ!

Đúng là nhất quỉ nhì ba, còn thứ ba là bọn này. Tôi đoán hai anh chàng lính sữa đang nghĩ như thế. Anh lính tên Lân bẽn lẽn, ngừng lại đôi phút rồi đưa tay về hướng người bạn, tiếp tục :

- Bây giờ, xin giới thiệu anh bạn thân nhất của tôi, Lê Phương Quế, mà chúng tôi thường gọi là Phương Hồng Quế, tiếng hát hàng đầu của trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, sẽ lên hát một vài bài tặng thầy và các bạn .

Tôi cũng phục tài ăn nói khá “tâm lý chiến” của anh chàng Lân này. Cái giọng Huế nghe cũng êm ái, cứ như rót mật vào tai người ta. Bây giờ nhìn kỹ thấy anh ta cũng đẹp trai, nụ cười cũng có duyên ghê lắm. Lính cỡ này chắc sẽ làm khổ vài cô em gái hậu phương đây. Tôi mỉm cười với ý nghĩ vừa thoáng trong đầu.

Anh Quế bước lại chỗ thầy hướng dẫn để xin nhờ thầy đệm đàn. Anh hát bài Xuân Này Con Không Về của nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân. Trông anh có dáng dấp thư sinh và khuôn mặt hiền lành như một thầy tu.

Tiếng hát cất lên làm cả lớp im bặt. Đúng là giọng hát của anh rất hay, điêu luyện, lúc réo rắt lúc trầm buồn không thua một ca sĩ chuyên nghiệp. Dường như có cùng tâm trạng với nội dung bài hát, nên anh đã hát với tất cả cảm xúc, làm dao động trái tim mọi người. Bài hát chấm dứt, mà cả lớp dường như còn thẫn thờ, yên lặng. Sau đó bùng vỡ bởi những tràng vỗ tay và nhiều tiếng la: bis, bis...

Anh cúi xuống một lúc, hình như để dấu sự cảm xúc, rồi ngước lên nói nhỏ hai tiếng cám ơn và xin hát tiếp bài Chiều Trên Phá Tam Giang, thơ của Tô Thùy Yên phổ nhạc.

Lần này, chính tôi không cầm được nước mắt. Không chỉ vì anh hát hay, nhưng tôi thấy xúc động, thấm thía hơn cuộc đời của những người lính chiến.

- Thưa thầy. Bây giờ đã đi tu rồi, thầy có còn hát những bản nhạc tình lính ngày xưa? Tôi vẫn còn nhớ cái cảm xúc khi thầy hát cho cả lớp tôi nghe, sau cái tết năm nào ở trường An Túc. Thầy hát thật hay và truyền cảm. Hôm ấy là lần đầu tiên tôi được gặp thầy và anh Lân.

- Mô Phật ! Bây giờ tôi chỉ còn biết tụng kinh gõ mõ, cầu cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. Nhưng những gì bà vừa nhắc lại, cũng là con người, làm sao tôi có thể quên.

- Xin thầy thứ lỗi, nếu tôi đã nhắc thầy nhớ lại chuyện đời để làm bận lòng một bậc chân tu.

- Mô Phật! Đạo ở trong Đời, cũng như hai kẻ đồng hành. Hành đạo là để giúp đời. Kẻ tu hành như chúng tôi cũng chỉ là “cư trần lạc đạo” mà thôi, thưa bà.

- Cư trần lạc đạo là sao, thưa thầy?

- Có nghĩa là hiện diện nơi trần thế mà hành đạo, vui đạo. Chứ không phải xa lánh trần thế đầy khổ nhục để tìm sự thanh thản riêng cho bản thân mình.

- Cám ơn thầy. Thầy giảng hay quá. Ngày đầu tiên gặp thầy, và nhất là lúc nhìn thầy đứng hát trên bục lớp, tôi đã thấy thầy giống một nhà tu. Có lẽ thầy đã có căn duyên từ trước, phải không thầy ?

- Mô Phật! Ai cũng có thể tu hành, và bất cứ ai cũng có thể thành Phật được, thưa bà .

Không ngờ lần gặp gỡ đầu tiên năm ấy lại mang đến cho tôi mối tình đầu. Sau vài lần gặp nhau, tôi biết Lân và Quế là hai người bạn thân thiết từ lúc còn học trong trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu. Ra trường về cùng đơn vị, nên sống với nhau như anh em, mặc dù tôn giáo khác nhau. Quế đạo Phật còn Lân là tín đồ Công giáo. Những ngày chủ nhật không bận hành quân, Lân đều đi lễ nhà thờ, nên chúng tôi thường gặp nhau hơn. Và lần nào tôi cũng mời Lân về nhà. Cha mẹ tôi cũng rất thương quí Lân, nhất là sau khi biết cha mẹ Lân đã chết trong biến cố tết Mậu Thân. Tính tình Lân lại hiền lành chân chất và hiếu học. Dù bận hành quân liên miên, nhưng anh vẫn cố gắng tự học để thi tú tài vào mùa hè này. Cũng có đôi lần Quế theo Lân đến nhà tôi chơi. Càng lúc chúng tôi càng thân nhau hơn.

Tôi biết là Lân cũng thích tôi. Trong túi áo của anh lúc nào cũng có chiếc khăn tay tôi đã tặng anh trong gói quà Xuân. Mỗi lần chia tay, anh bịn rịn lưu luyến không muốn rời tôi. Còn tôi, cũng thấy nhớ anh da diết và mong chờ anh từng ngày trong các lần anh đi hành quân. Tối nào tôi cũng đọc kinh cầu nguyên cho anh được bình yên trở về.

Bây giờ tôi mới biết tình yêu là gì. Tôi bắt đầu biết tương tư, mơ mộng, nhớ nhung và man mác buồn khi thiếu vắng anh. Những bản nhạc tình lính, người yêu của lính, dường như càng lúc tôi càng thấy hay hơn, và tôi hát nhiều hơn. Sau mỗi lần hành quân, Lân đều mang về tặng tôi những cánh hoa lan rừng. Tôi nghe nói vùng núi rừng An Khê này có nhiều hoa lan. Có những loại hoa lạ, thật đẹp mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy hoặc biết tên. Chỉ sau hai tháng, trong phòng tôi treo đầy hoa lan rừng. Tôi thích nhất là những cánh hoa màu tím. Có lẽ tôi nhớ tới màu tím hoa sim trong một bản nhạc mà tôi thường hay hát..

Chiến tranh lại ngày càng ác liệt. Ngồi trong lớp học, bọn tôi vẫn thường nghe tiếng súng, tiếng máy bay vần vũ trên bầu trời. Ban đêm, nhìn qua cửa sổ, những trái hỏa châu lơ lững giữa trời, soi sáng cả một vùng núi non nào đó. Rồi tôi nghe tin Dakto mất, Tân Cãnh thất thủ, thành phố Kontum bị pháo kích..Một số người đã phải bỏ nhà chạy xuống Pleiku, sống trong các trường học, được chính quyền dùng làm trại tiếp cư.

Hơn một tuần, tôi chưa gặp Lân bởi đơn vị anh có lệnh cắm trại, ứng chiến. Bất ngờ gặp lại anh trong lễ sáng chủ nhật ở nhà thờ. Khi tôi đang quỳ gối cầu kinh, Lân đến sau, quỳ xuống bên cạnh. Tan lễ, vừa bước ra khỏi nhà thờ thì chúng tôi gặp anh Quế đứng đợi từ lúc nào. Tôi mời hai anh về nhà. Trên đường đi, cả hai anh im lặng, không nói một lời gì. Nhìn nét mặt thật buồn, tôi nghĩ là họ đang ưu tư điều gì. Tôi hỏi, nhưng hai anh chỉ nhìn nhau rồi lắc đầu, không nói.

Suốt ngày hôm ấy hai anh ở lại nhà tôi. Mẹ tôi đãi hai anh một con gà tơ. Trong lúc Lân và Quế rượt bắt gà trong vườn, tôi tìm hái mấy trái cà, trái mướp và rau thơm. Cả ba chúng tôi cùng làm bếp, đùa giỡn, ca hát líu lo, không còn chút ưu tư nào trên khuôn mặt của mọi người. Ăn cơm xong, chúng tôi rủ nhau ra ngồi dưới những cây dừa rợp bóng, nghe Quế hát, rồi chúng tôi cùng hát theo những bài tình ca quen thuộc. Buổi chiều, Quế cáo từ tôi, chào ba mẹ tôi xin về trước. Trong phòng tôi chỉ còn có tôi và Lân. Lần đầu tiên tôi nghe Lân rụt rè tỏ tình. Anh bảo, đời chiến binh rày đây mai đó, rồi có một ngày, anh sẽ phải đi xa, nhưng lúc nào cũng mang theo bóng hình của tôi vào những nơi gió cát. Những lời anh nói làm tôi nhớ tới những câu thơ Chinh Phụ Ngâm thật hay của bà Đoàn thị Điểm dịch mà tôi đã học. Những câu thơ thật buồn bây giờ lại càng buồn hơn. Tôi khóc.

Lần đầu tiên tôi khóc, không biết là vì hạnh phúc đến bất chợt của mối tình đầu hay là vì nghĩ tới nỗi cô đơn của người Chinh Phụ. Tôi giật mình, khi Lân ôm tôi vào lòng. Tôi đứng im, bất động, đón nhận nụ hôn tình yêu đầu đời trong hai hàng nước mắt. Tôi tiễn Lân ra đầu làng, hai đứa ôm lấy nhau khi bóng chiều vừa tắt.

Sáng hôm sau, ngồi trong lớp học, khi thấy từng đoàn xe nhà binh chở đầy lính chạy về hướng Pleiku, lòng tôi thẫn thờ khi nghĩ là Lân đã đi xa..Tôi vội lên xin phép cô giáo ra ngoài. Nhưng khi tôi vừa chạy đến hàng thông phía trước, thì đoàn xe cuối cùng đã chạy qua bên kia cầu .

Xuân ơi,

Anh đang ở phi trường Pleiku để chuận bị được không vận lên Kontum. Chiến trường đang ác liệt. Căn cứ Tân Cảnh vừa thất thủ. Địch quân đang tràn xuống uy hiếp thành phố Kontum. Thành phố đang bị cô lập nởi những cái chốt của địch quân trên đỉnh núi ChuPao, cắt đứt quôc lộ 14 nối liền với Pleiku. Sợ lên Kontum rồi, anh không liên lạc được với em, nên viết vội ít dòng tin em và cũng xin lỗi em vì hôm qua, khi chia tay ở nhà em, anh không nói chuyện anh đi. Mong em thông cảm bởi đó là bí mật quân sự, anh không được phép tiết lộ, mặc dù anh rất yêu em và tin em..

Không biết đến bao giờ mình mới gặp lại, nhưng dù bất cứ hoàn cảnh nào, anh vẫn luôn mang theo trong tim mình hình bóng của em. Em nhớ cầu nguyện cho anh nghe.Xin cho anh kính lời hỏi thăm hai bác cùng gia đình. Cầu xin Chúa và Đức Mẹ Maria luôn che chở em cùng tất cả mọi người.

Hôn em

Đỗ Lân

Không ngờ lá thư này là lá thư cuối cùng tôi nhận được của Lân. Chỉ ba tuần sau, Lân hy sinh. Người báo tin buồn này chính là Lê Phương Quế, người bạn chí thân của Lân và sau này cũng là bạn của tôi. Lá thư có kèm theo vài di vật, Quế đã nhờ một anh phi công gởi cho tôi từ Pleiku , sau một chuyến đổ quân cho đơn vị của Quế ở Kontum. Lân đã bị thương rất nặng khi cùng với vị tiểu đoàn trưởng chui qua hàng rào phòng thủ, mở đường vào giải cứu Bệnh Viện 2 Dã Chiến, đang bị địch quân xua xe tăng đánh chiếm, với ý đồ lợi dụng những thương binh nằm trong bệnh viện, làm bàn đạp tấn công vào khu phi trường nằm sát thị xã Kontum. Lân chết lúc chờ máy bay tản thương. Chính Quế là người đã vuốt mắt cho Lân và nghe những lời trăn trối cuối cùng. Anh nhờ Quế giữ để trao lại cho tôi cái dây chuyền có mang thánh giá cùng mấy tấm ảnh có hình của cha mẹ anh và của anh mặc lễ phục trắng đội bê rê đỏ khi còn là thiếu sinh quân. Những tấm ảnh ấy bây giờ vẫn còn trong nhà thờ An Túc, và sợi dây chuyền tôi vẫn còn cất giữ đến hôm nay. Anh Quế còn cho biết thêm, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Lân còn thì thào gọi tên tôi, và khi lục trong túi áo, anh Quế còn thấy cái khăn tay và lá thư của tôi tặng Lân trong gói quà tết hôm nào.

- Thưa thầy, cuối năm 1973 tôi có nhận được thư của thầy. Lúc ấy thầy bị thương nặng, nằm ở quân y viện Pleiku. Tôi có tìm đến thăm, nhưng người ta bảo là thầy đã được chuyển về quân y viện Nguyễn Huệ ở Nha Trang, để được gần nhà. Lúc ấy đoạn đèo An Khê lại bị địch chiếm, nên xe đò không chạy được. Mấy tháng sau, khi đi được xuống NhaTrang tìm thăm thầy, thì thầy đã xuất viện. Tôi có hỏi nhưng bệnh viện không biết thầy ở đâu.

- Mô Phật! Đúng như bà nói. Tôi được Hội Đồng Giám Định Y Khoa cho xuất ngũ, vì thương tích. Tôi về sống với mẹ già. Lúc ấy bà cũng đang tu tại gia, ăn chay trường. Suốt một đời bà đã lo lắng cầu nguyện cho cha tôi, rồi đến tôi. Cha tôi cũng đã tử trận năm 1965, trong trận Đồng Xoài, khi ấy tôi chỉ vừa 11 tuổi.

- Nhờ vậy mà thầy đã đi tu .

- Lý do đó chỉ một phần. Cái chính là do tôi đã sống trong chiến tranh, chứng kiến bao nhiêu cái chết quá đau lòng, như cái chết của những người còn quá trẻ như Lân. Họ đâu có tội tình gì. Tôi nghĩ tới cuộc chiến phi nghĩa, khi mà anh em cùng một nhà lại chém giết thù hận lẫn nhau. Nhất là những người lính miền bắc, chỉ vì một số người cầm quyền nhân danh các thứ chủ nghĩa này nọ, để xua họ vào miền nam chém giết chính đồng bào mình. Trước khi nhắm mắt, có lẽ họ chẳng biết họ chết trong núi rừng, trong đói khổ, để cho ai và được điều gì ? Gia đình, cha mẹ hay vợ con họ ra sao ? Tôi nghĩ tới cái Vô Thường, Vô Minh mà Đức Phật đã dạy, nên tôi đã tìm tới cửa Thiền để mong trút bỏ mọi ám ảnh, oan khiên.

Như vừa nhớ ra một điều gì, thầy chỉ tay về hướng sau chùa :

- Mời bà đi theo tôi. Mong bà sẽ tìm thấy một điều kỳ diệu.

Tôi theo thầy đi dọc theo triền đồi, đến một nơi tương đối bằng phẳng. Lại một khu vườn nhỏ toàn hoa sim. Tuyêt diệu hơn, bên trên các khung cây được treo đầy những cánh lan rừng. Tôi nhớ tới những cành lan mà Lân thường mang về tặng tôi sau các cuộc hành quân. Ngày xuân, tất cả đang nở rộ một mùa hoa. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn là giữa khu vườn là một ngôi mộ, trên tấm bia lại có cây thánh giá. Tôi thắc mắc hỏi thầy.

Thầy im lặng, không trả lời, ra dấu bảo tôi cùng thầy đến gần ngôi mộ. Tôi bàng hoàng khi đọc mấy dòng chữ trên mô bia :

Giuse Đỗ Lân

Sinh ngày 10.7. 1953 tại Huế

Tử ngày 11. 5. 1972 tại Kontum

Tôi quỳ trước ngôi mộ, đưa tay lên ngực làm dấu thánh giá rồi khóc sụt sùi. Một cơn gió xào xạc làm chao động cả rừng cây. Dường như tôi đã ngồi ở đây lâu lắm. Khi lau nước mắt đứng lên tôi không còn thấy thầy trụ trì. Có lẽ thầy muốn để tôi ngồi khóc một mình mà thổn thức với người xưa, hay là muốn tránh xa chuyện vui buồn của thế tục.

Khi trở lại chùa, tôi có cảm giác như chân mình đang bước vào khoảng không, hụt hẫng. Chú tiểu chờ tôi trong căn nhà khách, chuyển lại lời xin lỗi của thầy trụ trì và trao lại cho tôi một tờ giấy học trò được xếp làm đôi. Thầy trụ trì đang cúng ngọ. Tôi mở tờ giấy ra đọc, trong lúc tiếng chuông chùa ngân nga như muốn làm dịu đi phần nào những cơn sóng đang bềnh bồng trong lòng tôi. Trên tờ giấy chỉ có mấy dòng chữ :

Xin chào bà và cám ơn bà. Chính tôi đã mang hài cốt của anh Lân về cải táng trong vườn chùa, khi được tin nghĩa trang trong thành phố Kontum bị giải tỏa. Anh Lân mồ côi, không còn ai thân thích.Từ nay, xin bà hãy cầu nguyện cho anh Lân, theo nghi thức tôn giáo của bà.

Nam Mô A Di Đà Phật.

phạmtínanninh

(Tác giả viết lại phỏng theo lời kể của một nữ độc giả. Độc giả này sau khi đọc bài Trên Chiến Trường Xưa (Kontum) của tác giả, được phổ biến trên nhiều số báo nhân ngày 30.4.2008, đã tìm cách liên lạc với tác giả để tìm hiểu vế cái chết của người tình cũ. Anh đã tử thương trong trận tái chiếm Bệnh Viện 2 Dã Chiến, Kontum ngày 11.5.1972)

Sunday, February 26, 2012

PHẠM NHÃ DỰ * ÐIỆU LUÂN VŨ MÙA ÐÔNG


















Dưới mưa tuyết ta dìu em
Bồng bềnh trôi cơn mê hoặc
Chìm đắm miên man cõi mặc
Sóng đời bước mau qua mau

Nhạc trỗi bên bờ giao hưởng
Ngày xanh theo cơn nổi trôi
Chạm nhẹ thời gian cô tịch
Quay cuồng phiên khúc miên du

Hỏi khẽ riêng ta có mặt
Em trắng như tuyết mùa đông
Em thoát như bóng trên đồng
Bay qua muôn bước như không

Quanh quanh chập chờn muôn bóng
Nhảy nhót trên phím điêu linh
Âm vọng quay quay ngất ngất
Khóc cười theo điệu vô minh

Bóng đời nghiêng xanh bờ mắt
Ta nghiêng nửa cánh tay chùn
Phiêu hốt trên đường ảo thực
Dìu em muôn bước mông lung

Xin lỗi điệu đời cứ tiếp
Riêng ta nhảy múa khôn cùng
Lạc dần đêm sâu vô kiếp
Chập chùn một bóng hư không.

phạmnhãdự

Friday, February 24, 2012

phan bá thụy dương * bóng thời gian




biển lặng sóng nước xanh như mắt ngọc
liểu vờn bay như suối tóc người tình
cơn nắng hồng - giọt nắng mới lung linh
thuyền ai đó mái chèo khua bỡ ngỡ

ôm khổ hạnh én lần qua đất nhớ
gió về đâu
nghiêng ngã khóm phi lau
gió về đâu
mà bụi khói xôn xao
mây lờ lửng trên đỉnh trời vàng vọt

cành lá biếc
vừa đâm chồi nảy lộc
ai báo Xuân cho lau cỏ rộn ràng
nhịp trống nào xa
khoan nhặt mênh mang
nghe phảng phất bóng thời gian v
ời vợi.