văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Saturday, April 7, 2012

TC Hoàng Long Hải * Phận người





Thịnh đẹp.

Ai cũng nói Thịnh đẹp.

Ngay từ khi còn bé, Thịnh cũng biết Thịnh đẹp.

Hồi ấy, ba Thịnh là công chức cao cấp ở tỉnh, nên ông thường tham dự các buổi lễ ở chùa, nhà thờ và được mời tham dự các buổi diễn văn nghệ. Vừa là con út, vừa đẹp, Thịnh thường được ba Thịnh dẫn “con gái cưng” đi theo.

Dĩ nhiên, mẹ Thịnh cũng cưng Thịnh như vậy. Thịnh được mẹ chăm sóc việc ăn, mặc, nhất là mặc, khi Thịnh đã là “con gái”.

Khi còn mặc đầm, mẹ Thịnh lo mua sắm áo đầm cho Thịnh. Lớn hơn, tức là khi Thịnh qua khỏi bậc tiểu học, lên trung học, Thịnh không còn mặc đầm mà mặc áo dài. Áo dài mặc đi học, theo qui định của trường, là áo trắng. Những ngày lễ, đi phố, đi chơi, Thịnh mặc áo màu. Có nhiều màu Thịnh rất thích, nên Thịnh có ít nhất sáu, bảy cái áo cho những màu ấy. Thứ nhất, thích màu tím, Thịnh thường mặc áo màu tím than, là màu của thi ca, của thời trang, màu “thịnh” của con gái thời ấy. Ấy là “Màu thời gian không xanh, màu thời gian tím ngắt như trong thơ Đoàn Phú Tứ. Đó cũng là “màu của chiều hoang”. “Chiều hành quân, qua những đồi sim, màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biên biệt”. Áo màu tím Thịnh thường mặc vào những chiều cuối thu, khi có những “chân trời tím”, như trong một cuốn tiểu thuyết.

Mùa xuân, Thịnh mặc màu hoàng yến, cho hợp với tuổi xuân của Thịnh. Mùa hè, Thịnh mặc áo màu thiên thanh. Cả ba mầu ấy, đều thích hợp với màu da trắng của Thịnh. Ngoài ra, Thịnh có những áo bông với nhiều màu khác nữa, nhưng chỉ là áo phụ, để mặc khi không có... mục đích gì cả hay cho có vẻ người lớn một chút.

Ra phố, Thịnh có thể ghé vào một sạp vải hay một cửa hàng vải nào đó, xem vải, chọn màu và nói với bà chủ: “xé cho cháu một áo.” Xong, Thịnh cầm áo đến thợ. Mẹ Thịnh sẽ đi phố, và ghé vào trả tiền ở nơi nào người ta đã “xé một áo” cho Thịnh. Thịnh không phải lo nghĩ về chuyện đó.

Với quê hương, Thịnh có những nơi vui chơi khác nhau. Huế, nơi Thịnh học đệ nhị cấp, Thịnh thích đi dạo phố vào chiều thứ bảy, chủ nhật. Đi dạo phố, Thịnh thường nhìn lén mình trong tủ kiếng, xem thử Thịnh đẹp như thế nào. Thịnh ghé vào nhà sách, tìm sách để mua, và ban cho anh chàng nào theo đuôi Thịnh bằng một cái nhìn “chết người”. Chưa bao giờ Thịnh thấy “Chiều nay em ra phố về, thấy đời là con nước trôi”, là “những quán không”,“những chuyến xe người ta chia tay cuối đường” như trong bài hát của một nhạc sĩ nào đó, Thịnh không quan tâm.

Thích nhất là những chiều cận tết, Thịnh đi xem chợ hoa bên cạnh đầu cầu Trường Tiền. Nó có đủ những hoa thật, hoa giả, hoa người, và những đứa con gái đẹp như Thịnh, đẹp hơn Thịnh. Bọn con gái đẹp có sức hút đến với nhau, để so đẹp, khoe áo, giày, guốc và cười mấy thằng con trai ngớ ngẩn chạy theo làm những cái đuôi.


Chiều thứ sáu, Thịnh hối hả ra bến xe lô Huế - Quảng Trị sau khi tan trường. Thịnh về thăm mẹ, thăm gia đình mỗi cuối tuần.

Hôm ấy, Thịnh là người khách cuối cùng. Khi Thịnh vào xe, người ngồi bên cạnh Thịnh là một thanh niên, có lẽ là một sinh viên đại học Huế. Băng ghế chật, những bốn người. Người thanh niên ngồi thu lu, hình như anh ta không dám nhúc nhích, sợ đụng chạm đến người Thịnh.

Xe qua khỏi cầu Phò Trạch thì trời đã tối hẵn. Đây là một khu rừng tràm thấp, phía núi là đường xe hơi - Quốc lộ 1 - phía biển Đông là đường xe lửa. Hai con đường, ở quãng nầy, gần như song song. Có chiếc xe lửa đang chạy xình xịch bên ấy. Thịnh thoáng thấy người ngồi bên cạnh nghiêng đầu nhìn về hướng chiếc xe lửa. Anh ta nói, như để chính cho anh ta nghe: “Đẹp quá!”. Thịnh tự hỏi: Cái gì đẹp? Thịnh đẹp? Nếu thấy Thịnh đẹp sao nãy giờ anh ta không nói gì, nhất là khi trời còn sáng, mới thấy Thịnh đẹp được chứ. Còn bây giờ thì trời đã tối rồi. Có lẽ anh nói hình ảnh chiếc xe lửa đẹp vì Thịnh thấy anh ta nhìn chăm chú về phía ấy.

Chiếc xe lửa như con thú dữ, màu đen hùi, nổi lên khỏi những cây tràm thấp, in hình lên bầu trời còn sáng mờ mờ. Con quái vật lao tới, hơi nước từ đầu máy tỏa lên trời cao. Thỉnh thoảng nó thét lên tiếng còi rền rỉ, và khói từ ống khói tỏa ra.

Cùng với khói tuôn ra là những đốm lửa nhỏ. Những đốm lửa bay tỏa quay cuồng trong không gian, như ngàn vạn tinh cầu trong vũ trụ đen tối bao la. Chúng bay lên cao, tỏa ra xa, rơi xuống từ từ và tắt ngấm đâu đó, trong những gốc tràm đen đủi. Tinh cầu đã tắt. Bao giờ thì tinh cầu của loài người sẽ tắt. Thịnh tự nghĩ như vậy? Tinh cầu tắt rồi, không chỉ nhân loại mà mọi sinh vật trên địa cầu nầy sẽ chìm vào bóng tối, sẽ diệt vong.

Thịnh nhớ hình như thầy giáo có nói tới điều ấy, nói tới cái tuổi của địa cầu. Tuổi ấy có thể là năm sáu triệu năm. Địa cầu mới đi được một nửa cuộc đời của nó, và nó còn một nửa đời nữa. Tới cuối đời, lúc nó tắt ngấm như đốm lửa phun ra từ ống khói đầu máy xe lửa, thì cuộc đời Thịnh đã qua rồi, qua quá lâu! Sự tàn tạ ấy, đâu phải sẽ xảy ra ngày mai, ngày kia mà khiến cho Thịnh phải lo. Dù sao, cái đẹp của vũ trụ, trong ý nghĩa tương đối nào đó, sẽ là cái đẹp vĩnh cửu.

Tuy nhiên, tiếng khen và cái nhìn của người thanh niên ngồi bên cạnh, tuồng như đánh thức một ý niệm nào đó, về sự tồn tại, sự “hiện hữu”, của lời thầy giáo dạy môn triết, về vũ trụ mà nó đã nằm sâu trong tiềm thức từ lâu rồi. Dù sao thì hôm nay, nó cũng đánh thức một ý niệm về cái đẹp của vũ trụ mà người thanh niên đã chỉ cho Thịnh thấy. Thịnh có cảm tình với anh ta.

Trí thức, phải có một cái gì sâu sắc hơn người!

Thịnh nói một mình, cũng hình như nói với anh ta: “Tuần tới thử về quê bằng xe lửa, coi có vui hơn không?”

Người thanh niên nghĩ rằng Thịnh nói với anh, nên anh ta trả lời:

- “Thích thú hơn mà buồn hơn! Cô ạ!”

Thịnh nói:

- “Vậy thì tôi sẽ đi coi thử nó buồn như thế nào!”

Thế rồi hai người nói chuyện với nhau, dè dặt vì mới gặp lần đầu, cho tới khi xuống xe.

Chiều thứ sáu tuần sau, Thịnh lên ga Huế để đi xe lửa về Quảng Trị. Khi Thịnh đi vào cửa bên phải để vào chỗ quầy bán vé thì anh ấy đứng ngay cửa. Chờ Thịnh hay tình cờ mà gặp? Rõ ràng là anh ấy làm như “tình cờ” vì khi Thịnh đi tới chỗ bán vé thì anh ấy nói: “Tôi mua giùm cho cô rồi”.

Ở cái tuổi trên dưới hai mươi nầy, bọn con trai không khôn ranh bằng bọn con gái. Giả làm tình cờ gặp mà mua vé trước thì tình cờ thế nào được? Biết vậy Thịnh hỏi:

- “Anh chờ em có lâu không?

- “Không lâu lắm.” Đó là câu trả lời hay là lời thú nhận biết sẽ gặp Thịnh?!

Thế rồi Thịnh cùng anh ấy ra sân ga.

Đường xe lửa “thống nhất” Saigon - Đông Hà khánh thành khoảng năm 1957. Từ Saigon ra Huế, đoàn xe lửa dài tới ba chục toa, kéo bằng đầu máy chạy dầu cặn, có khói mà không có lửa như đầu máy chạy bằng hơi nước. Từ Huế ra Đông Hà, đoàn xe được kéo bằng đầu máy xe lửa cũ, chạy bằng hơi nước. Xe đã chờ sẵn trong sân ga, chờ khi đoàn tầu từ Saigon ra, khoảng một giờ sau, sau khi sang khách và hàng hóa xong thì khởi hành. Khách đi Saigon - Huế thì đông. Huế đi Đông Hà đâu có bao nhiêu nên đoàn tầu chỉ có vài ba toa.

Đầu máy màu đen, các toa xe cũ kỹ màu xám đen. Sau khi rít lên hai hồi còi dài con tàu xục xịch chạy ra khỏi sân ga khi trời sập tối. Chưa được bao lâu, xe lửa sắp qua cầu trên sông Hương, lại rít lên hai hồi còi dài nữa. Tiếng còi xe lửa chạy bằng máy hơi nước, làm Thịnh nhớ lại một đoạn giảng văn đã học của Lê Văn Trương trong cuốn tiểu thuyết “Tôi là mẹ” của ông.

“Tầu “Cờ lốt sáp”, trước khi nhổ neo, theo lệ thường, rút lên ba hồi còi. Còi rút thất dài, hùng dũng bao nhiêu thhì ai oán bấy nhiêu...”

Thịnh không thấy cái hùng dũng trong những hồi còi của đầu máy xe lửa từ Huế ra Quảng Trị. Thịnh cũng không thấy ai oán như tác giả muốn nói. Thịnh chỉ thấy buồn, một nỗi buồn nhẹ nhàng và bâng khuâng. Tiếng còi tầu nhắc Thịnh nhớ đến mẹ, đến thành phố nhỏ của Thịnh, đến những chiều Thịnh đi dạo bên bờ sông Thạch Hãn, chợt nghe tiếng còi tầu và ngó lên phía cầu ga. Một con tầu đen lầm lũi chạy qua cầu ga hay cầu Bầu Vịt ở bên cạnh, có một luồng khói trắng tỏa ra phía sau con tầu. Nó làm Thịnh nhớ cái sân ga nhỏ của thành phố nơi Thịnh sinh trưởng, những khi tầu đến rồi đi, không có lắm người đưa tiễn, nhưng hình như nó cũng mang đầy nỗi buồn của những sân ga vắng vẻ, một nỗi buồn dài dằng dặc, lặng lẽ, kéo dài từ sáng đến chiều, từ chiều đến đêm khuya.

Chính là những đêm khuya, sau khi nằm trong chăn, nghe tiếng còi tầu từ xa vọng về, trí Thịnh bỗng hiện ra cái sân ga vắng vẻ đó, tưởng có ai đang vội vã lên tầu, có ai đang đưa tay lau giọt nước mắt, tiễn một người đi xuôi về phía nam xa lắc, mờ mịt, và biết có một ngày trở về hay không.

Tiếng còi tầu cũng làm cho Thịnh nghĩ tới sông Thạch Hãn, con sông trầm lặng và buồn bã, tỏa lên những luồng hơi nước mong manh, che mờ một phần khung cảnh hiu quạnh bãi cát vắng vẻ bên kia sông, hay rặng tre đen bên phía đó, rặng tre chạy dài cho tới cuối sông.

Với nỗi buồn vu vơ ấy, Thịnh lặng lẽ ngồi im trong toa tầu, có một chút hơi lạnh từ cửa sổ toa xe bay vào. Thỉnh thoảng, có vài hạt lửa nhỏ bay vào trong toa, như một tinh cầu đi lạc, thoát ra ngoài vũ trụ, rồi tắt ngấm dâu đó dưới hàng ghế ngồi dài dọc theo thành toa.

Có lẽ trân trọng trước sự im lặng của Thịnh, anh ấy không nói một lời, cho đến khi tầu vào ga. Thịnh vội vàng chào anh ấy với một nụ cười tươi như Thịnh thường có, rồi vội vàng lên xe xích-lô để mau về với mẹ.

Tuần tới, Thịnh lại cùng vè quê bằng xe lửa với anh ấy. Khi đã vào ngồi trong toa, trời còn sáng, anh ấy đưa cho Thịnh một bài thơ do anh ấy chép tay. Thịnh còn nhớ và ghi lại vào đây:

Đón Em

Ngược lại một đường tàu để đón em từ một sân ga
Ðường vô như rất xa
Bánh tàu lăn không ăn hết đường thương nhớ.
Cùng một đường đi quanh co lối ngõ
Nhìn hai bên thêm thấy rõ lòng em.
Yêu nhau từ một ánh đèn
Rồi trên những chuyến tàu để tàu đi, đi mãi.


Từ một điểm nhớ thương anh nôn nao trở lại
Ðón em
Chiều nay
Ðể đốt lên từ vầng mắt thâm gầy
Một ánh lửa chong suốt đời, trọn kiếp.
Em ơi em!
Ngược một đường đi giờ này em có biết
Lắc lư nghiêng ngã con tàu
Ta vẫn muốn đi mau
Ði thật mau để nhìn em buồn bên cửa gió.
Nhìn em,
Đôi dòng mắt mở
Trông tìm sân vắng, ga đơn.
Ðể rồi khi chớm nở giận hờn
Anh xuất hiện
Màu hoa lên ánh mắt.
Náo nức ngồi đây, thân tàu lay lắt


Náo nức ngồi đây, thân tàu lay lắt
Mà thương nhớ xót xa trông chờ quay quắt.
Ta viết mau để quên tiếng xa gần.
Ðường dù dài nhưng chưa hết trăm năm
Tàu có chậm nhưng đường đi có hạn.
Ta sẽ gặp nhau giữa chiều hửng nắng,
Ta sẽ ôm em hôn trắng môi hồng.
Hôn thật lâu để trút nhớ cùng mong
Lên môi thắm hiền, yêu, chân thật.
Nghĩa là viết cho đến giờ gặp mặt.
 

Đọc một mạch xong bài thơ, Thịnh hỏi:

- “Thơ của ai mà hay vậy? Của anh hả?”

Anh ấy nói:

- “Tôi có thử làm thơ, nhưng làm xong thì vứt bỏ, thấy nó dở quá. Bài nầy của ông Đỗ Tấn, in trong báo, thấy hay, tôi chép lại tặng cô.”

- “Đỗ Tấn nào? Ông dạy Việt Văn ở trường Bồ Đề ấy hả?” Thịnh hỏi.

- “Vậy cô không biết chuyện tình của ông ta với cô Cao Xuân Y. ở Nguyễn Hoàng hả?” Anh ấy hỏi.

- “Câu chuyện tình lãng mạn ấy ở thành phố nầy ai mà không biết. Ông ta lớn tuổi, đã có vợ, nhưng lại là một nhà thơ. Còn cô giáo là cô gái mới lớn, chưa từng biết yêu. Chuyện tình rắc rối thật đó.”

- “Rắc rối nên có người không dám yêu!” Anh ấy nói đùa.

- “Chưa chắc đấy, làm sao biết ai bạo gan hơn ai?” Thịnh cũng nói đùa.


Dĩ nhiên là Thịnh và yêu nhau. Anh ấy tỏ tình hôm anh rủ Thịnh đi chơi Khiêm Lăng.

Trong nhà thủy tạ vắng vẻ, anh ấy quì xuống, run rẩy, nói không ra lời. Một lúc sau, anh ấy hôn Thịnh, lần đầu tiên trong đời Thịnh mà cũng là cái hôn đầu tiên trong đời của anh ấy. Cũng như mọi người, cái hôn đầu sợ hết hồn hơn là ham muốn. Nhưng lẽ nào yêu nhau mà không hôn nhau.

Một lúc sau, bình tĩnh hơn, khi đứng ở hành lang nhà thủy tạ, nhìn mấy con cá lội dưới hồ nước, Thịnh mới nói đùa một câu, cho anh ấy mau “lại hồn”.

- “Làm gì mà nhát vậy, “run như run thần tử thấy long nhan.”

Anh ấy cười, trả lời: “Run thiệt.”

Thịnh nói tiếp:

- “Em có phải là chúa hay đức mẹ đâu. “Quỳ cạnh Chúa đám chiên lành run rẩy”. Đám chiên nầy chỉ có một con nên run dữ.” Thịnh lại nói đùa.

Thế rồi những tuần tiếp sau, Thịnh không về quê. Thịnh và anh ấy ở lại Huế, cuối tuần đi chơi lăng, từ lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, Thiệu trị, Khải Định… không nơi nào hai người không tới. Đi chơi lăng cũng có nghĩa là đi chơi Đồi Vọng Cảnh, thăm viếng các ngôi chùa nằm sâu, phía xa trong núi. Và rồi, một đêm, quá vui, Thịnh liều ở lại với anh ấy, cho anh ấy cái gì cao quí nhứt của đời con gái. Đó là một biến cố lớn, nhưng Thịnh đã yêu và đã liều.

Thấy vì “ham vui” nhiều quá, Thịnh đâm lo. Còn hai tháng nữa là thi phần hai, Thịnh vẫn chưa học ôn hết bài. Mỗi lần đi chùa, Thịnh lại cầu nguyện cho ngày thi được gặp may, trúng tủ.


Thịnh không gặp may. Không những Thịnh hỏng kỳ đầu, lại hỏng luôn kỳ hai. Đó là một sự khiếp đảm. Cũng có người hỏng thi nên tự tử đấy. Có cô gái, nhà ở Kim Long, không thấy tên mình trên bảng đậu, về ngang cầu xe lửa, bèn buông xe đạp, nhảy xuống sông. Cả thành phố Huế náo động lên vì cái tin “cô nữ học sinh”, không phải “mua chai thuốc chuột” mà lại nhảy xuống sông Hương.

Thi cử, đối với bọn học trò Huế là một biến cố trọng đại. Ra làm cô giáo, hay cao hơn, kỹ sư bác sĩ, hay chuyên môn như nữ hộ sinh, y tá, v.v… hay làm nghề buôn bán vất vả, tất cả chỉ thuộc vào một cái tên được đánh máy lên trên bảng yết kết quả thi… Nó quan trọng hơn cả việc lấy chồng, nếu người ta có sắc đẹp chỉ bình bình, kỹ sư, bác sĩ không ngó tới. Cũng từ cái thực tế đó, Thịnh cũng như các bạn của Thịnh có câu châm ngôn “Thà bị “bồ” đá, không thà hỏng thi.” Cơm cha, áo mẹ, công thầy mà hỏng thi trời ơi! Có cái nào đau đớn hơn!

Và Thịnh đã hỏng thi.

Thịnh trở về quê, ở nhà với mẹ, với một nỗi buồn mênh mông vì hỏng thi, không trở lại trường, tự học lấy, sang năm thi “tự do”.

Thế nhưng Thịnh lại lấy chồng.

Năm ấy, một người cùng làng, du học ở Pháp về, đang giữ một chức vụ lớn ở Saigon, về thăm quê, thăm ba má Thịnh và xin cưới Thịnh.

Mẹ Thịnh thấy con đang buồn vì hỏng thi, lại thấy anh ta học hành bên Tây về, bằng cấp cao, tương lai sáng lạn, nên khuyên Thịnh.

Thịnh đang hối hận nhiều chuyện. Chuyện tình yêu như lửa cháy, nóng vội và liều lĩnh, chuyện hỏng thi và những câu nói của bạn bè “Người tình không phải là người chồng”. Hai người ấy khác nhau như thế nào? Người tình là người nghệ sĩ, lãng mạn, đàn giỏi, hát hay, thơ văn bay bổng…Người chồng thì phải bảo đảm tương lai cho vợ. Lấy một ông kỹ sư, bác sĩ, có chức vụ cao ở bệnh viện, ở ngành y tế, có phòng mạch… Chẳng bao lâu sẽ có xe hơi, có biệt thự… Người tình không bao giờ có thể đem lại những điều hạnh phúc, sung sướng như người chồng.


Trong ý nghĩa đó, Thịnh bằng lòng.

Rồi Thịnh theo chồng vào Saigon, ít khi về quê, không gặp lại người cũ. Thịnh đi một mạch trên một đoạn đường dài. Có thế lực, giàu có, tuần lễ trước ngày 30 tháng tư 1975, Thịnh đã cùng chồng di tản sang Mỹ.


Anh thân yêu!

Nghe tin anh ở Đông Hà, Thịnh muốn về thăm anh, dù câu chuyện cũ đã qua nửa thế kỷ rồi đấy.

Không phải Thịnh đi tìm chuyện quên hay nhớ, nhưng khi xa anh, Thịnh cứ nghĩ cuộc đời của mỗi chúng ta như môt giòng sông chia hai, không bao giờ gặp nhau lại nữa.

Thế rồi mỗi giòng sông đều có nhiều hạnh phúc và nhiều nỗi thương đau. Thịnh không có con cái gì cả. Anh ấy qua đời cũng đã mười năm. Thịnh sống cuộc đời cô quạnh nơi xứ người, nhưng tất cả rồi cũng quen đi anh à. Đời sống, dù ở đâu, nó cũng có những nỗi vui buồn. Nếu Thịnh bỏ xứ Mỹ mà về lại quê nhà, chắc gì Thịnh sẽ không cảm thấy cô đơn, chắc gì Thịnh sẽ không có những nỗi vui buồn như khi Thịnh sống ở xứ Mỹ nầy.

Thịnh lấy chồng, bỏ xứ đi mất, nhưng Thịnh vẫn nghĩ sâu trong lòng: “Với anh là Tình, với chồng là Nghĩa”. Thịnh không thể quên đi, quên đi chứ đừng nói là mau quên, một mối tình đầu, mối tình độc nhứt, mà cũng là mối tình đẹp nhất, ít ai có được. Tuy vậy, Thịnh cứ để kín trong lòng, không thương, không nhớ, không tiếc, không buồn…

Chỉ buồn là mới năm ngoái đây, Thịnh lại có được tin anh.

Anh cũng rời bỏ ngôi trường anh đang học, nhập ngủ sau khi “được tin em lấy chồng”.

Cuộc chiến tàn để lại trên thân thể anh những dấu tích không bao giờ lành hẵn được. Dấu tích trên thân thể và cả những dấu tích trong tâm hồn. Rồi sau những năm tù đầy, anh chẳng còn gì hết, ngoài một tấm thân tàn, trở về Đông Hà, nơi cố quận, chờ một ngày cuối đời, như anh nói với người bạn anh. Người ấy cũng đã kể lại cho Thịnh nghe.

Từ Mỹ, Thịnh về Saigon, dự tính về Đông Hà gặp anh một lần nữa, một lần chót, mà trước kia, Thịnh không bao giờ nghĩ tới. Dù sao, cũng phải thăm anh một lần.

Về Huế, Thịnh dự tính ngày mai sẽ về Đông Hà, gặp anh.

Nhưng rồi chiều hôm qua, Thịnh lại đi dạo phố Trần Hưng Đạo, Gia Long như ngày xưa, những ngày nghĩ, Thịnh thường đi dạo phố vậy. Mùa xuân, Thịnh mặc áo màu hoàng yến. Cái hình ảnh của Thịnh ngày ấy, anh còn giữ trong lòng không? Hình ảnh ấy có phải là của một nữ hoàng, một Lý phu nhân, một Dương Quí Phi, không chịu gặp hoàng thượng, chỉ cắt một nắm tóc gởi cho hoàng thượng để tỏ lòng nhớ thương.


Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ
phụng quân vương Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa, thiếp phụ chàng


Anh thân yêu!

Cái đẹp của Thinh ngày xưa không còn nữa, tuy tóc chưa bạc hết, da chưa mồi, nhưng làm sao Thịnh còn được những đường cong, không có những nếp nhăn trên mặt…

Đang dạo phố, tự nhìn hình mình trong một tủ kính cửa hàng nào đó trên đường Trần Hưng Đạo, Thịnh bỗng thấy sợ nếu gặp lại anh. Màu hoàng yến không còn “ăn” với màu da của Thịnh nữa. Mái tóc cắt ngang nửa lưng nay khô vàng, cứng, không còn bay bay theo gió như anh đã từng ca ngợi. Bước chân Thịnh trên đường phố không còn thanh thoát nhẹ nhàng mà nặng nề, chậm lụt, nụ cười không còn tươi mà ủ dột,… Tất cả đã hết rồi, một thời con gái.

Phi tần không chịu gặp vua vì nhan sắc đã tàn tạ. Thịnh có thể gặp anh được không, hoàng thượng cuảa Thịnh, khi nhan sắc Thịnh đã phai tàn?

Không anh à!

Một mối tình đẹp, những hình ảnh đẹp. Sao có thể xóa nhòa đi được? Hình ảnh Thịnh trong tim anh có phải là một hình ảnh đẹp không? Sao Thịnh có thể thay vào đó hình ảnh một … bà già.


&


Vậy rồi Thịnh trở lại Saigon để sang Mỹ, sau khi gởi lai bức thư và cái mà Thịnh gọi là “một chút quà mọn”. Chút quà mọn đó không giống như món tóc mà Dương Quí Phi đã gởi cho Đường Minh Hoàng./

Và cũng không có hồi âm!


hoànglonghải

Thursday, April 5, 2012

Trần Hoài Thư * Tháng Tư Quốc Hận: Ban Mê Thuột Ngày Đầu Ngày Cuối

Hôm nay, 37 năm về trước, Ban Mê Thuột thất thủ. Đây là một câu truyện được xây dựng từ những dữ kiện có thật theo lời kể của cựu Thiếu Uý trinh sát Trung Đoàn 45/SĐ23B và cũng là người bạn cùng một Sư Đoàn, Nguyễn Lương Sơn. Tác giả mong được nói lên phần nào về một biến cố lịch sử mà những người lính vô danh VNCH đã là những chứng nhân, và hơn nữa đã tham dự thật sự vào, bằng máu, nước mắt, kiêu hãnh và tủi nhục trong những ngày oan nghiệt nhất của lịch sử đất nước từ ngày đầu tiên 10/03 đến ngày cuối cùng 17/03/1975 tại Ban Mê Thuột.
Ban Đông, ngày 01/03. Đại Đội về Ban Mê Thuột chưa kịp nghỉ dưỡng quân, bổ sung quân số, lại được lệnh tăng phái cho tiểu khu. Lệnh từ tiểu khu: Đến Ban Đông để tiếp nhận căn cứ do một đơn vị địa phương quân bàn giao lại. Cấp trên cho đi nghỉ mát hay cho vào hiểm địa chăng. Không ai cần biết. Lại lên đường. Trung đội trưởng Minh lại ngồi trong cabin, đám lính ngồi đằng sau, chĩa súng ra ngoài bìa rừng. Buổi sáng từ giã thành phố, từ giã Liên, quán cà phê, tiếng hát của Lệ Thu nức nở Nghìn Trùng Xa Cách từ rạp hát Thăng Long, con phố ngắn hai bên vách tường vôi sậm bùn đỏ sệt như lời hát nào đi năm phút trở về chốn cũ. Đường về hướng Tây cũng như hướng Đông, hướng Nam, hướng Bắc. Vẫn là cõi sống và cõi chết. Vẫn là những khu rừng già che hết cả tầm nhìn. Vẫn là những lần ngồi trong xe, rồi nhảy xuống, rồi nhìn bản đồ, địa bàn, ra lệnh, hét hò, chửi thề. Vẫn là những hơi thuốc hít vội, những đầu lọc như bị cắn nhừ để chống những nỗi lo âu vô cớ...

Đóng đồn. Lâu lắm, đơn vị mới được dịp dừng lại trong bốn bề phòng tuyến, co cụm lại thay vì phải bung ra từng toán tăng phái cho tiểu khu, Trung Đoàn, Sư Đoàn hay Quân Đoàn. Buổi sáng Đại Đội tập họp, Minh lại nhớ Thiếu Uý Thường. Toán hắn đã chạm địch khi nhảy xuống rừng tìm tin tức của toán Minh. Nhưng cuối cùng, toán thất lạc của Minh đã trở về an toàn và toán đi tìm đã không còn dịp để trở về nữa. Thiếu Uý Thường đã ôm trái lựu đạn tự sát vì bị thương quá nặng để rảnh tay đồng đội. Khi nghe tin thằng bạn thân chết Minh đã lấy súng bắn như điên cuồng về phía rừng. Mắt Minh long lên đỏ ngầu. Minh nhớ đôi mắt của bạn. Nụ cười của bạn. Nhớ đến cái dáng bất cần của bạn. Hắn dường như sống để mà lao về phía trước. Ngọn cỏ ngọn lau còn rụt rè, trái lại đối với hắn, cả thân hắn đứng thẳng, như thể thách thức với trận mạc. Và xác hắn banh. Tiếng nổ của trái lựu đạn thật quá lẻ loi không có ý nghĩa gì hết so với những tràng sấm kinh động từ những lần phi pháo trên những cánh rừng già Trường Sơn. Trung đội mất một Thiếu Uý Thường thì vẫn có một sĩ quan khác được bổ sung. Và nếu không có sĩ quan bổ sung, một hạ sĩ quan toán phó sẽ lên thay. Không ai bận tâm thắc mắc về một cuộc chiến mà chiến công được vinh danh qua những xác chết. Chỉ có những người cùng vào sinh ra tử với nhau này. Chỉ có những đứa con mỗi ngày chia xẻ từng hộp thịt quân tiếp vụ, từng hơi thuốc, từng cô gái giang hồ, từng chai bia lăn lóc, từng mẫu âm thoại trên máy PRC 25 này. Thường ơi, tao nhớ mày, mày biết không. Tại sao hôm nay mày không có mặt để đi đóng tiền đồn với tao.
___
Ban Đông ngày 01/03. Quận cách Ban Mê Thuột chừng 45 cây số về hướng Tây. Quận của mặt trời lặn. Đoàn xe bốn chiếc lăn bánh trên con đường nhựa còn sót lại thời kỳ Pháp thuộc. Bụi đỏ cuốn mù. Qua rừng cao su, những đồn điền trà và cà phê bất tận. Chiếc xe hàng chạy qua đầy ngập hành khách, những người Thượng trên rẫy hay bên đường đã cho người lính tự tin hơn về sự an ninh của con trục lộ miền núi. Sương mù vẫn còn trùm phủ những ngọn đồi xa. Người lính truyền tin Đại Đội vẫn tiếp tục báo cáo và nhận lệnh. Tháng Ba, Tết đã qua, mùa xuân vẫn còn vương vít trong đất trời, với những đàn chim én nô đùa trong không gian tươi thắm nắng vàng. Núi rừng trùng trùng điệp điệp vây quanh, không có gì toả ra những đe doạ dưới một màu xanh thẫm bạt ngàn. Nhưng Minh đã biết hơn ai hết về những tai hoạ đang chờ chực dưới những cánh rừng già phía dưới ấy. Các toán đã báo cáo đến mệt lả về phòng hai. Từ Đức Lập, Thuần Mẫn, từ Lệ Trung, Lệ Thanh, từ Phú Bổn, Quảng Đức và dưới những cánh rừng già Đắc Lắc. Mỗi lần nhảy là bọn Minh phải ôm tim ôm ngực trước những bước chân di chuyển, tiếng động cưa cây, chặt gỗ làm cầu, dọn đường cho tăng và những đoàn quân xa nặng, những đồ lương khô còn vất lại trên đường mòn, những bãi cỏ lau bị rạp vì bước chân người. Bọn Minh biết rõ từ lúc đầu tháng Giêng năm 1975, những sửa soạn sôi nổi như không còn che dấu được nữa của những đơn vị Sư Đoàn F10, Sư Đoàn 320, Trung Đoàn Quyết Thắng, cả Trung Đoàn chiến xa đang dàn binh dọc theo hành lang của các tỉnh miền núi như Pleiku, Tuyên Đức, Đắc Lắc, Phú Bổn... Minh có dự cảm về một trận chiến sắp sửa ở đâu đây. Trận phún thạch không biết sẽ phụt lên lúc nào, và ở đâu. Đâu là điểm nóng, điểm lạnh. Ngày trước, mỗi lần lấy tin là cả một sự khó khăn. Toán phải bung sâu vào mật khu, xa bộ chỉ huy hàng mười lăm, hai chục cây số, lặn lội trong rừng già, mới tìm được tin mà báo cáo. Bây giờ, không còn phải vất vả như xưa nữa. Địch có mặt khắp nơi, khắp chốn, công khai, như thể sắp dự vào một trận đại địa chiến một mất một còn.

Ban Đông. Ngày 01/03. Xế trưa. Không có đơn vị địa phương quân nào đợi sẵn để bàn giao căn cứ. Căn cứ trống trơn, trơ vơ những hàng dây kẽm, những giao thông hào, những nhà tôn tiền chế và bãi phi đạo tầm ngắn còn lại từ thời tiểu đoàn biệt động quân biên phòng trấn đóng. Thì ra, đơn vị địa phương quân đã bỏ căn cứ từ lúc nào. Bỏ mà không nói một tiếng cho Đại Đội đến tiếp nhận. Thẩm quyền của Minh chửi bới um sùm qua máy. Đại Đội bắt đầu tiếp nhận căn cứ. Dưới mắt Minh, núi rừng trong nắng chiều vàng thẩm, trùng điệp. Anh có thể thấy bao quát một vùng rộng lớn, mãi tít bên kia hành lang. Vâng, đây là cửa ngõ xâm nhập. Và căn cứ này là con mắt có thể quan sát được sự di chuyển của quân địch. Tầm quan trọng về chiến lược đã được để lại dấu tích bằng một căn cứ vững chắc, có cả phi đạo cho máy bay. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa. Thời biệt kích Mỹ. Thời Biệt Động Quân biên phòng. Thời máy bay lên xuống căn cứ không ngớt. Thời mà cả tiểu đoàn vũ khí hùng hậu. Thời hễ bốc máy xin được yểm trợ là có phi pháo hay B52. Cái thời đó đã không còn nữa. Mà trái lại, lúc này là cái thời chỉ có một Đại Đội trấn giữ lẻ loi, cô đơn giữa một trùng trùng điệp điệp Sư Đoàn, binh đoàn địch, chẳng cần giấu giiếm.

Phải. Lúc này, là lúc chín mùi cho một mặt trận. Về phía địch, họ đã đạt được ý nguyện, có nghĩa là không còn pháo đài bay, mắt điện tử dòm ngó khi họ chuyển quân xâm nhập, hay không còn những phản lực cơ từ đệ thất hạm đội, hay từ các căn cứ nội địa sẵn sàng có mặt trên đầu họ. Ký kết hiệp định Ba Lê, có nghĩa là người Mỹ phủi tay để nhìn một miền Nam trước sau gì cũng thoi thóp. Minh đã nhảy biết bao nhiêu lần. Và bao nhiêu lần Minh lấy tin từng đơn vị cấp Sư Đoàn đang ngày đêm ồ ạt tiến về Nam như tiến vào chỗ không người.

Như thường lệ, buổi tối các toán phải bung ra nằm ngoài phòng tuyến. Minh cho toán của Chuẩn Uý Hào lên nằm trên ngọn đồi cao điểm của căn cứ. Riêng anh theo toán của Trung Sĩ I Bao, dẫn người truyền tin cùng tên tà lọt đi cùng. Đêm trên cao, sao càng rõ hơn. Gió từ phía Lào thổi qua, vẫn còn mang theo hơi ẩm uớt từ những cánh rừng già. Phía dưới chợ, le lói vài ánh đèn như dấu hiệu của sự sống. Ngày xưa nơi này được tiếng là một quận trù phú về lâm sản và thú rừng. Bây giờ, người dân đã bỏ đi gần hết. Chỉ còn những người Thượng sống chết với núi rừng.

Đêm đầu tiên ở Ban Đông, Minh nghe vọng về rất rõ tiếng máy xe tiếng chân người di chuyển, cả tiếng cưa cây, bắc cầu, đóng cọc, có cả tiếng máy xe ủi... Kể từ khi không còn bóng những pháo đài bay, F110, hay F111 địch đã không còn là những bóng ma như người ta đã nói. Họ công khai xuất hiện. Như bọn Minh đã từng báo cáo suốt mấy tháng trước đây. Nhưng chẳng ai thèm ngó ngàng. Không còn B52, không còn thuốc khai quang, hết cho cây rừng còn xanh lá, thôi pháo binh, hết máy bay ném bom mỗi khi có lời yêu cầu. Và đêm nay, cũng vậy. Cả Đại Đội đang chờ đợi một điều sẽ đến. Có thể là một cuộc tấn công cũng nên. Minh lo không thể ngủ được. Minh sợ thằng gác ngủ quên. Đôi khi, Minh phải trở dậy đi tuần tra. Từ cả tháng nay, tin đồn Quốc Thánh về cùng những đứa con trinh sát của Sư Đoàn, cho biết Ban Mê Thuột sẽ gặp đại nạn, vô phương cứu chữa. Người ta nói anh linh của Tướng Trương Quang Ân nhập vào Quốc Thánh. Và Ngài chỉ đặc biệt độ trì trinh sát, bởi khi còn sống, vị Tướng này rất thương mến lính trinh sát. Trời ơi, sao Ngài không chịu nhập vào mấy tay lãnh tụ, tướng lãnh, Sài Gòn hay Ngũ Giác Đài. Sao Ngài lại không dùng quyền uy để bắt họ ra nằm ngoài Ban Đông một đêm với lính, mới hiểu là điềm triệu này đúng. Tại sao lại đem một Đại Đội trinh sát đi nằm tiền đồn. Để làm gì. Minh không thể hiểu. Trong bóng đêm đen đặc, Minh đang chờ. Như chờ suốt bao lâu từ khi về đơn vị, từ chức toán trưởng, trung đội phó và giờ là trung đội trưởng. Chờ trong khi hết đồng đội này đến đồng đội khác, cứ tiếp tục tiến lên, bước sâu vào, nhảy ào xuống, cái cõi mà ai ai cũng phải hãi hùng. Từ một đơn vị trực thuộc Trung Đoàn, bây giờ đơn vị lại trở thành con ghẻ của mọi bà dì vô tâm. Hết Sư Đoàn xin, đến Quân Khu rồi tiểu khu xin. Xin để nhảy lấy tin. Nhưng khi tin đã cho rồi, thì chẳng cần ai đếm xỉa. Họ đâu có biết gì về nỗi bơ vơ của đám con ở chiến trường này đâu. Họ làm ngơ trước những lời báo cáo. Đến bây giờ Minh mới hiểu tại sao đơn vị địa phương quân lại bỏ căn cứ. Và tại sao đơn vị Minh lại được lệnh về đây để đóng đồn. Không ai có thể sống mãi trong tình trạng cực kỳ căng thẳng và tuyệt vọng như thế này mãi. Dù quá mệt, mắt muốn chụp xuống, nhưng Minh vẫn không thể nào ngủ được. Tiếng động càng lúc càng rõ, càng dội về. Giả dụ đêm nay địch tấn công căn cứ thì sao. Dĩ nhiên là phải xin bắn trái sáng, phi pháo nổ chụp. Còn khuya. Thằng bạn thuộc tiểu đoàn pháo binh cho biết tiêu chuẩn mỗi ngày từ 8 quả nay xuống 6 quả. Minh nhìn lên bầu trời đầy sao. Minh mong đêm cho mau hết. Có tiếng gọi đổi phiên gác. Bóng người lính gác lờ mờ in trên giao thông hào. Một vì sao rụng, bay xẹt ngang bầu trời. Một ngày trôi qua yên tĩnh. Ngày thứ hai, Minh được tin từ trên cho biết đám lính Thượng sẽ làm phản, nội ứng. Các sĩ quan họp lại. Không ai đều tin chuyện này xảy ra. Riêng Minh biết rõ họ trong những năm anh chỉ huy từ chức toán trưởng đến chức trung đội trưởng. Họ là những người lính rất thuần hậu và đầy tinh thần trách nhiệm. Họ không bao giờ tìm cách trốn tránh hành quân hay kích gác cẩu thả. Họ cũng không hề ba gai anh chị như một ít người lính Kinh. Khi đụng trận xong, họ hay chạy đầu, lật xác tìm chiến lợi phẩm. Tuy vậy, phòng ngừa vẫn là cách tốt nhất. Thẩm quyền bí mật phân tán họ ra khắp các trung đội, cố chia cách họ được chừng nào hay chừng nấy, nhất là trong đêm nằm tiền đồn.

Ngày đóng đồn cũng nhàn nhã. Chỉ cực nhất là ban đêm. Còn ban ngày, mấy thằng lính chùi súng ống hay xuống dòng sông Ban Đông liệng cá hay xuống chợ ngồi trong túp quán bên đường nhìn con gái đàn bà Thượng. Trong nỗi hiu quạnh của tiền đồn heo hút, những người lính thỉnh thoảng tụm năm tụm ba dạo đàn hát hò. Trong đơn vị, có Thành, Tánh, Minh là những tay nghệ sĩ còn chuyên nghiệp hơn cả những tay nghệ sĩ phòng Tâm Lý Chiến. Tiếng hát làm cả bọn phải nín thở, đưa họ về những vùng trời cũ – mà họ đã bỏ lại đằng sau, hay chưa bao giờ bắt gặp – giúp họ quên đi hiện tại đang rình rập đe doạ xung quanh. Ngày sương mù che phủ cả núi rừng, làm đôi lần mắt Minh phải mờ đi, lòng chao lạnh. Ai đưa ta đến chốn này. Cứ núi cứ rừng cứ buông cứ bản. Nơi xa, em thì vàng võ đợi chờ. Cha mẹ thì ngày đêm đốt nhang cầu nguyện. Đã bao lần vào sinh ra tử. Cái chết chạm đến nhàm rốt cùng lòng Minh cũng dửng dưng. Chỉ sợ, là những người còn lại. Phải chi con người sống như cây cỏ cầm thú, thì đỡ khổ cho hắn biết mấy.

Ngày 09/03/1975

Lệnh đơn vị phải rút về Ban Mê Thuột. Đức Lập đang bị áp lực nặng. Con đường 14 đã bị cắt. Quảng Đức đang nguy ngập. Bây giờ, đơn vị lại bỏ trống Ban Đông. Dù sao đi nữa, cả bọn cũng vui mừng. Không ai cần thắc mắc về những tin tức bi quan xảy ra xung quanh họ. Chuyện ấy là chuyện của Dinh Độc Lập, Quân Đoàn. Bởi nhiều người lính trong đơn vị đều có thân nhân ở Ban Mê Thuột. Riêng Minh thì nhớ đến Liên. Đi đâu, thành phố này vẫn là mái nhà cuối cùng. Ở đó, mỗi lần Minh trở về, Liên dọn cho Minh những bữa cơm còn nghi ngút khói, cho Minh những lần làm tình cuồng bạo, và sau đó, là Minh lại ra đi, tiếp tục lao vào cõi sống chết. Đi đâu cũng nhớ đến những con đường đầy bùn đỏ, những vách tường màu đỏ kịt, quán cà phê và tiếng nhạc và đầy ngập khói thuốc.

Đi đâu cũng nhớ lại một đêm lành lạnh bình an trong thành phố mà sao hình như càng thấp hơn, càng long lanh hơn, mà ngày như nắng đầy bụi, và mưa như làm đất trở nên nhảo nhẹt bám cứng đế giày. Ban Mê Thuột. Minh đã đi nhiều, nhưng chỉ có Ban Mê Thuột bắt Minh phải nhớ. Như những cánh rừng cao su và cà phê, đến nỗi vào mùa hoa cà phê nở, cả một thị trấn như ngào ngạt hương hoa. Trong thành phố, những hàng cây muồng hoa vàng rực bên cạnh giáng hương, trâm, bông li ti trắng, cùng những vườn bông sứ hoang dại như làm thành phố chìm vào trong nỗi man dại ngây ngất...

Dù được lệnh rút về Ban Mê Thuột nhưng phương tiện chờ hoài vẫn không thấy. Trong khi các đơn vị địa phương quân đã được các đoàn xe GMC tới bốc từ lâu. Thẩm quyền Minh năn nỉ đến ráo nước bọt mới được Quân Khu cho một chiếc chinook già nua cũ mèm vào lúc bốn giờ chiều.

Đại Đội phải chia làm hai nhóm để được chở đi vì chỉ có mỗi một chiếc duy nhất. Minh theo đoàn sau. Con tàu oằn mình như mang gánh quá sức nặng, đến nỗi một nửa thân tàu phải nghiêng hẳn xuống như mất cả thăng bằng mặc dù hai cánh quạt đang cố quay tít. Cả bọn ngồi trên sàn. Kính từ những khung cửa đã bị bể hoàn toàn, khiến gió thốc vào no nê. Cơn nắng oi nồng vẫn còn chói chan trong thinh không. Phương Tây vẫn yên tĩnh. Giã từ mười ngày tại Ban Đông vô sự. Giã từ những đêm căng thẳng và những ngày nhìn xuống phía rừng già, để dự cảm về một điềm gỡ sắp xảy đến. Giã từ một tuần lể xuống chợ nhìn con gái Thượng ngực trần và ngồi quán cóc trong chợ. Giã từ để tiếp tục bước vào một chuyến đi tăng phái khác. Nghề của trinh sát là phải vậy. Cứ chỗ nào khó, cần là bốc trinh sát, là bắt trinh sát dẫn đầu. Như hôm nay. Về Ban Mê Thuột để hướng dẫn một tiểu đoàn trừ ( - ) của Trung Đoàn 53 lên giải toả Đức Lập. Tần số bắt đầu đổi sang hàng ngang. Trung Đoàn. Sư Đoàn. Quân Khu. Rồi chiếc Chinook đáp xuống phi trường ở cây số 3. Đoàn xe đã đậu sẵn. Tin lại cho biết Đức Lập đã mất. Miễn đi. Đại Đội được lệnh về hậu cứ của Trung Đoàn 53. Quân trú phòng trong hậu cứ quá đông, Trung Đoàn trưởng cho ra nằm ở phi trường Phụng Dực, cách hậu cứ khoảng 3, 4 trăm mét. Lúc ấy gần tối. Không ai biết một mảy may gì về tình hình. Lính tráng bỏ đơn vị đón xe về thăm thân nhân. Đám sĩ quan ngồi chung xe zeep chạy về thành phố lúc màn đêm buông xuống. Thị xã vẫn yên tĩnh. Nhạc từ rạp hát vẫn vọng trong thinh không. Những ngọn điện đường vẫn mờ nhạt. Đây là ngã Năm. Bên kia là rạp chiếu bóng. Phía góc đường dẫn về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23BB là câu lạc bộ sĩ quan. Đối diện là ngôi nhà thờ đá. Và con đường mờ tối như dẫn vào một cõi bình an, một bến tàu chờ đợi những con người vừa trải qua những thềm địa ngục. Có người con gái chờ đợi Minh trong căn nhà trọ giữa vườn hoa sứ. Có quán cà phê, ngồi cùng bạn hữu đốt những sợi khói tình si. Có những chai bia, chai rượu nồng nàn, hay những con mèo đêm mắt hồ ly luân lạc từ đâu lại. Không ai biết đến những gì sẽ xảy đến. Bởi tất cả thị xã vẫn yên tĩnh lạ lùng. Minh kêu xe dừng lại ở trước nhà Liên. Đêm nay nếu đơn vị không cấm trại, Minh sẽ xin phép thẩm quyền ở lại cùng nàng. Mà thẩm quyền thông cảm. Anh ta nói: "Thôi mày ở lại đi. Có gì tao cho tài xế tới bốc". Minh nói là anh muốn đi uống cà phê, lâu lắm không nếm mùi cà phê Ban Mê Thuột. Trong nhà Liên ríu ra ríu rít. Mà nàng ngạc nhiên thật. Đôi mắt nàng mở lớn. Minh muốn ôm nàng, ôm siết và hôn lên đôi môi mọng đỏ. Cả thân thể nhỏ bé thon mềm kia là của Minh, nhưng Minh cứ muốn khám phá thêm, tìm tòi thêm. Bên trong da thịt kia là con tim vô cùng rực lửa, tha thiết, dâng hiến trọn vẹn nhất, đầy đủ nhất, dữ dội nhất.

Minh đã không ngờ lại gặp Liên tại thị xã này. Định mệnh hay chăng. Khi mà trên tấm poncho ở bên xa lộ Sài Gòn Biên Hoà, hai người cùng ôm nhau quằn quại dưới cơn mưa như thác, khi mà cả quần áo của nàng ướt dầm dề, lồ lộ da thịt đỏ hồng, khi mà miệng này ngoạm vào miệng kia, tiếng thở hổn hển trong ngày cuối cùng, để Minh coi đó như là dư vị kỷ niệm để nhớ lại một lần. Rõ ràng ngày ấy người con gái Sài Gòn đã không đòi hỏi gì ở Minh. Nàng cho anh dù biết rằng ngày mai, anh sẽ quên nàng. Vâng, Minh biết mình quá tàn nhẫn. Chiến tranh quá cuồng bạo, kinh hoàng, không còn cảnh anh qua đồi sim viết thư về em gái hậu phương. Chiến tranh đẩy anh đến no nê cùng máu, nước mắt, làm quen với xác người, mất đầu, mất hạ bộ, dòi bọ lúc nhúc. Chiến tranh làm một người thầy giáo như anh đi vào trong những động giang hồ, chửi thề hơn ai hết, uống rượu đập ly, mắt đỏ ngầu, răng nghiến kèn kẹt trước những thi thể của bạn bè... Chiến tranh làm anh trở nên lì lợm, lạnh lùng. Chiến tranh đẩy anh đi tìm cái sống trong cái chết và cái giá trị ghê gớm của cái sống. Chiến tranh làm anh chẳng cần hối hận khi bỏ Liên, hay những người con gái khác. Nhưng Liên thì không. Liên không vô tâm như anh. Liên không quên mối tình đầu quá sức nồng nhiệt. Nàng sẽ theo anh. Theo hoài. Chẳng thắc mắc, tính toán, so đo. Nàng sẽ đến góc bể chân trời để gặp một người đã phá nổ cõi xuân thì của nàng, để lại những vết sướt đầu đời.

Vì thế khi tốt nghiệp lớp cán sự xã hội, nàng đã chọn Ban Mê Thuột. Nàng lại gặp người tình cũ. Và căn phòng thuê của nàng như một mái ấm cho mỗi lần Minh về phép hay dưỡng quân. Lần này cũng vậy. Đã hơn một tuần xa cách, quá lâu. Liên nghĩ đến đêm nay, lòng lại dâng lên niềm rạo rực. Má nàng au hồng. Nàng nói với Minh, anh nhớ về sớm nhé. Ở nhà em nấu cơm. Anh kêu các bạn anh nói về cùng ăn cơm chung nhé.

Chín giờ đêm, xe quân cảnh chạy khắp nơi trong thị xã, lục lạo đám lính đang ngồi trong các quán hay trong động giang hồ bắt phải về đơn vị khẩn cấp. Họ gặp đám sĩ quan của Đại Đội trong quán cà phê. Họ chào tay và cho biết lệnh báo động đỏ đã ban khắp thị xã. Địch chỉ cách Ban Mê Thuột không bao xa, có thể tấn công thành phố bất cứ lúc nào. Đám sĩ quan lên xe phóng về sân bay Phụng Dực. Những chiếc xe dân sự, hay nhà binh cũng gấp rút hối hả không kém. Đám lính súng ống đội nón sắt ngồi trên xe. Xuất chiếu bóng đã mãn, thành phố ngạt thở. Minh không còn đủ tâm trí để nghĩ về buổi cơm tối mà người yêu đã chờ đợi anh. Tin tức lại cho hay địch chỉ cách thị xã hai cây số. Điều mà Minh dự cảm đã đến. Đức Lập đã mất hồi trưa hôm qua. Bây giờ, là thành phố này đang báo động đỏ. Trong bóng tối, thẩm quyền bật đèn pin lên bản đồ, chấm toạ độ, và chia trách nhiệm cho từng trung đội. Những ngọn đèn từ hậu cứ Trung Đoàn mờ nhạt phía sau. Có tin ta đã bắt được một sĩ quan pháo của địch khi hắn ta tìm cách xâm nhập vào thị xã để điều nghiên các cứ điểm. Như vậy rõ ràng là phe Bắc quân đang mở trận đánh lớn vào thị xã. Sĩ quan không dám cho lính biết, sợ hàng ngũ hoang mang giao động. Truyền tin được lệnh chuyển tần số hàng ngang, có thể liên lạc với máy bay từ duới Nha Trang bao vùng. Minh đốt từ điếu thuốc này sang điếu thuốc khác. Những người sĩ quan trong Đại Đội cũng vậy. Mấy tháng trời anh đã báo cáo, bạn bè anh đã báo cáo, có người đã chết, có người đã bị tàn phế, cũng vì những bản tin này, nhưng rốt cùng, mọi sự đến phải đến. Đến một cách thật dửng dưng. Không ai có thể ngờ cả một binh đoàn đông như vậy lại cách thị xã hai cây số. Quân không còn nữa để mà giữ. Đồn thì bỏ chạy trước tiên. Trung Đoàn 44, 45 thì tản rộng khắp nơi. Liên đoàn Biệt Động Quân thì không thấy đâu. Khắp nơi nằm yên, bó tay, thụ động. Ngay cả ở thị xã này, chỉ có những khẩu 105 ly so với những khẩu trọng pháo 130 ly của địch. Và địch cứ thế mà vào, càng ngày càng sát thị xã. Chẳng những người mà còn cả hàng đoàn xe tăng. Trách nhiệm này là trách nhiệm của ai. Hay là đã đến một thời mà nơi này ngập biển máu như lời người đạo sĩ dạo nào xuất hiện giữa thành phố đã rao truyền. Minh đã viết một bài đăng trên báo Sài Gòn kể về người đạo sĩ cuồng điên múa kiếm giữa đám dân thị xã hiếu kỳ cách đây đã lâu. Ông ta khóc ròng: "Thương thay, thương thay chúng sinh tội nghiệp. Đây là nơi mà máu là biển, máu ngập tràn. Thương thay!" để cuối cùng ông ta bị thầy cảnh sát xua đi vì lưu thông công cộng. Có phải cái ngày này đã đến rồi chăng.

Trong bóng đêm ngạt thở, những bóng người ẩn hiện trên sân phi đạo. Mọi sự vẫn bình thường. miền Nam này không thể bỏ mất Ban Mê Thuột được. Phải giữ nó. Tiếng nói nào quá vô hình nhưng quá vũ bão thúc giục anh, và có lẽ thúc dục tất cả những người lính trong đơn vị. Sớm hay muộn, quân tiếp viện sẽ đến. Biệt Động Quân sẽ vào. Nhảy Dù từ dưới duyên hải sẽ lên. Bằng mọi giá phải cố mà giữ. Ban Mê Thuột không thể nào mất được.

Minh được lệnh cho con mình phòng thủ phía Tây Nam cuối phi đạo nhìn ra một buôn Thượng. Trong bóng tối, cả bọn móc đất từ những ụ đất kiên cố, một thời dùng để che chở máy bay. Hai bàn tay móc đến chảy máu, đến muốn tróc móng, để đào những hố ẩn thân từ bên trong ụ. Bề cao ụ quá ba thước, trống trải, không mái che, nhưng chắc chắn có thể che chở được tầm đạn trực xạ, ngay cả tầm đạn chiến xa. Phi trường Phụng Dực là ải đầu tiên để che chở bộ chỉ huy Trung Đoàn 53 BB, và hậu cứ, cùng trại gia binh Trung Đoàn. May mắn ở xung quanh phi trường, là bãi đất trống trước khi dẫn đến bìa rừng cao su. Đêm đen tối quá chừng. Rừng cao su ngoài phi trường ngày xưa đối với Minh là cả một khu rừng cổ tích, với những hàng cây song song, lá cành đan nhau như mái vương cung thánh đường, và Liên bỏ dép, chạy chân trần trên rừng lá khô vàng, và tóc nàng bay lướt thướt, rối cả mặt nàng. Và khi Liên quay tròn người như một điệu luân vũ, thì Minh không sao cầm nổi cơn xúc động, anh ôm choàng lấy Liên, đẩy Liên vào thân cây, rồi hôn từ mắt xuống phần thân thể phía dưới... Vâng, Liên, anh đang chuẩn bị đây. Bên anh là dây đạn, lựu đạn, M72, là M60, anh sẽ chiến đấu cho mà xem. Đơn vị anh sẽ cản đầu xe tăng, sẽ đánh cận chiến, sẽ đâm lưỡi lê, sẽ quần thảo tay đôi.. Không thể dễ dàng chơi với bọn trinh sát này được. Quốc Thánh không về phù trợ có nghĩa là Quốc Thánh muốn để những đứa con này ở lại giữ Ban Mê Thuột.

oOo

Vào hai giờ sáng, địch bắt đầu pháo vào thị xã loạn cuồng. Hàng ngàn quả cũng nên. Đạn rớt khắp nơi, không dứt. Nhưng hình như địch quên cứ điểm phi trường. (Minh đoán là tình báo địch chưa phát hiện đơn vị anh, vì giờ chót, đơn vị anh đến nhận phòng tuyến khi trời quá tối). Trong đêm dày, Minh thấy cả một bầu trời đầy những chớp lửa và gào rú tiếng đạn pháo. Hình như bốn bề tám hướng địch đều nhất loạt chĩa bao nhiêu họng pháo về thị xã và Bộ chỉ huy Trung Đoàn. Thỉnh thoảng một vài đám cháy bốc ngọn rực sáng trong đêm. Minh nhớ đến Liên. Nhớ và cầu nguyện cho nàng. Mới cách đây vài tiếng đồng hồ là sự bình an, là giấc mơ, là nũng nịu, là vòng tay ân tình, là cà phê ở quán đường Hai Bà Trưng, là tiếng nhạc, thì bây giờ tất cả chìm đắm trong biển lửa. Minh không tưởng tượng là mọi sự lại xảy ra nhanh đến độ sững sờ như thế. Cường độ pháo dường như tăng chớ không giảm. Chắc là một cuộc tấn công vào thị xã. Trong máy truyền tin, hỗn loạn muôn ngàn âm thanh, của ta, của địch, của lời cầu cứu hay của men say chiến thắng, của tiếng pháo, cả tiếng nổ dòn dã của tiểu, đại liên... Rồi Minh thấy từ phía trong hậu cứ Trung Đoàn muôn ngàn tia đạn bắn ra đan kết với muôn ngàn tia đạn lửa từ ngoài bắn vào, như cả một buổi hoa đăng cuồng loạn của sa tăng quỉ sứ. Minh biết là địch đã bắt đầu tấn công. Có điều địch vẫn chưa biết có một Đại Đội trinh sát đang nằm cách hậu cứ một khu rừng cao su nhỏ này. Địch đã từ hướng Đông Nam, Đông Bắc chọc thẳng vào phòng tuyến Trung Đoàn vào lúc 5 giờ sáng. Bảy giờ sáng đơn vị địch bị những quả đạn pháo rót xuống đầu, cũng như sức phản ứng quá mạnh của quân phòng thủ nên rút dạt về hướng phi trường. Cả một Đại Đội chờ sẵn, và bắn, bắn, bắn. Lần đầu tiên Minh mới thấy trước mắt anh hàng hàng lớp lớp địch quân nằm chết la liệt trên bãi đất trống. Tay anh bóp cò điên cuồng. Anh say máu. Những tên địch ngơ ngác dường như không biết phải ẩn ở chỗ nào, sau đó té nhào, văng khẩu súng. Anh không còn bình tĩnh nữa. Họ chết nhiều quá. Có lẽ tại họ khinh địch. Trong khi lửa vẫn cháy ở trong thị xã. Và đạn vẫn ầm ầm vang dậy bốn bề. Trong máy, tin cho biết, địch đã chiếm một số cứ điểm trong thị xã. Nhưng ở nơi này, là xác địch nằm la liệt, trong bộ quân phục mới cắt chỉ. Đơn vị Minh tịch thu đến 5 khẩu SA7, và cả rừng súng, và bắt sống 3 tù binh. Riêng Minh cũng lấy được một cuốn nhật ký và một cây viết máy hiệu Hồng Hà từ một C trưởng (Đại Đội Trưởng) thuộc K5 SĐ 316. Lật trang đầu, anh muốn khóc. Có ảnh của một người vợ và đứa con dán ở trang đầu.

Chiến thắng đầu tiên đã làm nức lòng những đứa con trinh sát hơn bao giờ hết. Số súng và tù binh được lệnh mang về Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 53BB.
---
Như vậy, ngày N, khởi đầu cho một thành phố bị hiếp đồng loạt và man rợ. Xe tăng ào vào từ khắp nơi. Địch quân, Sư Đoàn này đến Sư Đoàn khác tiến vào thị xã như vào chỗ không người. Thành phố trống trơn bỏ ngõ như người đàn bà trần truồng bị vồ dập từ tứ phía. Từ phi trường, bọn anh đã nghe, thấy, và hiểu từng giờ, từng phút cơn hấp hối của một con bệnh. Đêm cũng như ngày, những đứa con bộ binh, ngầy ngật cùng những đêm trắng mắt, những nỗi căng thẳng tột cùng giữa các ụ máy bay. Đêm cũng như ngày, đơn vị đã chịu đựng hết những quả cối, hay đạn 130 ly, hay 57 ly từ xe tăng, đến từng đợt tấn công từ các đơn vị đặc công hay tùng thiết, để giữ vững phòng tuyến trách nhiệm... Đêm cũng như ngày, Đêm cũng như ngày, không còn gì để mà suy nghĩ nữa. Mắt ráo hoảnh. Không còn sức để chịu đựng nhưng vẫn phải chịu đựng. Đêm chớp lửa. Đêm bạo cuồng. Đêm lóe sáng khắp thị xã. Và ngày, địch lại đưa đơn vị này tấn công, rồi thảm bại, rồi đưa đơn vị khác tiếp tục. Đặc công của 316 lui đến 320 rồi đến tăng. May mà có những hàng cây cao su để bọn anh còn nhào ra cận chiến, lách bên này, núp bên kia, chụp, vật, lấy súng, lấy đạn, lấy lương khô. May mà có hai khẩu M60 đặt từ trên cao điểm, và trung sĩ nhất Sữu bóp cò và ba người lao công chiến trường phục hồi lại cấp bậc ngay tại chỗ để trở thành ba cây súng mới. May mà cả bọn có ụ cản như những pháo đài kiên cố để cản lại trăm ngàn quả đạn. May mà máy vẫn còn liên lạc được với bộ chỉ huy Trung Đoàn, Quân Khu và cả máy bay từ dưới Nha Trang lên để bọn anh còn hy vọng là quân tiếp viện sẽ đến giải cứu kịp thời. Lữ đoàn Dù từ dưới Khánh Dương sắp được bốc. Biệt động quân sẽ được đổ xuống. Và Trung Đoàn 44, 45 sẽ có mặt...

Tăng địch vẫn tiếp tục theo hướng Đông Bắc, từ rừng cao su tấn công thẳng vào bộ chỉ huy Trung Đoàn. Và bọn anh ở ngoài có nhiệm vụ giúp điều chỉnh pháo binh rót những quả 105 ly vào ngay đội ngũ địch. Và đã bảy ngày, từng giây từng phút. Không thể tưởng tượng là Đại Đội đã chiến đấu trong những điều kiện cô đơn đến độ ghê gớm như thế. Phi đạo vẫn còn đó. Bể nước cao vời vợi vẫn còn đó. Bộ chỉ huy của Trung Đoàn vẫn còn đó. Còn đó, như cái xác của trung sĩ nhất Sữu bị banh ra tơi tả cùng với khẩu đại liên M. 60 khi quả đạn 57 ly từ tăng bắn trực xạ vào anh ta. Nửa xác của anh bị bắn lên không, nhìn từ xa thấy rõ những mảnh thịt tung tóe như xác pháo. Còn đó, để hai mẹ con người đàn bà vào trưa ngày 14/03 – bốn ngày sau trận đánh mở màn – bỗng nhiên xuất hiện trên bãi đất trống. Trời ơi, đừng tới nữa chị. Nơi này đâu phải là cái bến để mẹ con chị tìm đến mà nương nhờ. Nơi này là cõi địa ngục mà. Hãy tìm chỗ khác. Bọn anh đã xô đuổi hai mẹ con họ giữa lúc họ rất cần bọn anh. Không. Đôi mắt chị sợ hãi và tuyệt vọng. Và chị lại dẫn đứa con chị rời khỏi phi trường, trở lại phía con đường nhựa. Rồi trái pháo chụp xuống. Không còn thấy bóng họ nữa.

Còn đó, bởi vì vào trinh sát là không thể để địch túm cổ được. Một vài người bạn sa cơ của họ trước đây đã bị móc mắt, xẻo mũi. Vâng, mắt để nhìn, mũi để ngữi, để đánh hơi bọn ông, bây giờ bọn ông sẽ dạy cho con bài học. Mọi giá phải chơi lại. Không còn cách nào hơn. Minh đã chuẩn bị một trái lựu đạn cuối cùng. Và những người lính kia cũng vậy. Có mệnh hệ gì thì mở chốt đồng loạt và chết đồng loạt. Trinh sát là phải vậy. Chính cái điều lựa chọn dứt khoát này đã là sức mạnh ghê gớm để cả Đại Đội còn có mặt trong cơn đại hồng thuỷ. Lửa và chất nổ như cháy cả buồng tim, để những người lính không còn hãi sợ, để Minh, dù là Thiếu Uý, phải phạt người Thiếu Uý trung đội phó cầm lựu đạn mà chạy đầu khi toán của hắn không chịu dàn hàng ngang xung phong vào bìa rừng, mà ở đằng sau bắn tới vào ngày 12/03. Vì anh có thâm niên quân vụ hơn. Lúc này, ông thần chính là kỷ luật. Lúc này, thằng nào yếu mềm là phạt mang lựu đạn ra nằm ngoài bìa rừng. Lúc này, kêu chạy phải chạy, xung phong là xung phong, mang mìn gài chiến xa cách phòng tuyến cả trăm thước, phải tuân lệnh. Lúc này, nằm tận trong bìa rừng làm tiền đồn phải nằm. Không nghe, bắn. Lúc này chỉ biết càng bắn, càng đâm, càng tung lựu đạn, càng hả hê cuồng sát, càng hả hê khi thấy những người lính đối phương thét la vang dội, Bác ơi, Bố Mẹ ơi. Như tiếng thét kinh hoàng của người lính trẻ Bắc quân trước khi hắn chết. Hắn không quen đánh trong rừng cao su. Hắn như con nai, thay vì chạy về phía sau cùng hàng ngũ, hắn chạy về phía trước. Và phụp. Máu vọt thành vòi, bắn lên gương mặt của hạ sĩ nhất Đặng. Lúc này không còn thắc mắc, bận tâm, lương tâm, nhân bản. Lúc này không còn cảnh bắt tù binh mang về bản doanh Trung Đoàn như trong lần thử chiến đầu tiên cùng K5 thuộc 316 nữa. Mà không thể mang được. Trong khi xung quanh thiên binh vạn mã trùng điệp vây quanh tìm cách giết đám con chiu chắt...

Wednesday, April 4, 2012

Thy An Nguyễn Thế Tài * Mùa xuân nhớ dòng thơ




Đào Hải Triều



1.
khi con chim họa mi
bên mảng tường rêu xanh
gửi lời từ biệt đến mùa đông hiu quạnh
bằng nụ hôn những cành hoa bay theo gió,
chữ nghĩa của ta sẽ no tròn
phơi trên tấm lưng trần
bát ngát đại dương
và khu vườn hoang sơ
sẽ trở mình thức dậy
như giấc mơ
băng qua những đám mây ngủ sắc

 2.
viên sỏi nhỏ chiều nắng tắt
trinh nguyên như môi cười trổ nụ hôm qua
muôn đời ngủ yên
hiền hòa
dưới những bước chân nõn nà
hài hoa, gót ngọc
đã vượt ngàn năm ánh sáng
ân cần bọc lấy ngực tim
và đo kỷ niệm bằng những vòng dây ái ngại
3.
bên kia những biển dâu bờ bãi
ta bỗng nghe
loài người mòn mỏi trở về
đứng giữa đêm sương
trái tim oặn đau thời chinh chiến
và tình thương chưa đủ lớn
để bôi đi những đoạn trường
của lịch sử oan khiên ...
ôi hai vầng nhật nguyệt
âm thầm
nhỏ lệ xuống quê hương trăn trở
4.
cửa thiên đường chưa một lần rộng mở
nghe tàn hơi con phố cũ quay về
dẫm lên ký ức từng trang sách đam mê
tiếng ca hào sảng của bầy ngựa rừng si dại
nhắc ta nhớ lại
mảnh trăng vàng ghế lạnh công viên
ngút ngàn những ánh sao
như mắt của tình nhân cô độc
giữa vũ trụ bao la
tìm một nơi trú ẩn
lạ thường
5.
khóm hoa vàng đọng lại những giọt sương
đêm khuấy tan nỗi buồn
pha thơ vào rượu
chữ nghĩa ngục tù
không giữ nổi màu xanh
trên đôi mắt long lanh chờ sáng
và ngôn ngữ cúi đầu
bất lực
gục trên những đam mê tuyệt vọng
bầu ngực căng phồng khao khát yêu thương

6.
giữa những hoang đường
có tiếng hát đầu năm như con chim bay lạc
bám lấy góc tường rêu : điểm tựa cuộc đời
dòng thơ lao đao trên bầu trời xưa cũ
mời mọc tuổi thanh xuân
âm thanh trượt ngã ...
và trên những xôn xao ngày tháng
hãy nhìn hoa nở để quàng vai hạnh phúc
thơ biến thành di chúc mịt mù
7.
mãi mãi
mùa xuân lang thang
lặng lẽ
tiễn người về cuối phố thiên thu ...
 
thyan NTT
 

Tường Linh * Ðêm Vũng Tàu


. sóng nhớ thương chi
đến bạc đầu
niềm khơi
trăn trở đã bao lâu ?
Vũng Tàu
đêm
gió xôn xao quá
lạ vị cà phê
quán Bãi Dâu


giọt đắng rơi..rơi...
biển mịt mùng
tâm tư thềm biển nỗi riêng , chung
giàn khoan típ tắp khơi xa đó
đêm lại nối ngày
tim biển rung


giọt đắng ngừng rơi
sóng mãi reo
đèn khơi không động
mắt vương neo
Vũng Tàu phóng khoáng
đêm
mừng khách
trở gót
bờ trăng
sóng vỗ theo


Tường Linh

MANG VIÊN LONG * Hai trường hợp một cuộc tình



Tại phòng số 2, cô nhân viên phụ trách phát cho Ngạn và Kiều mỗi người hai mẫu giấy, hướng dẫn sơ lược điền vào các khoảng, rồi chỉ cho họ đến phòng cuối dãy hành lang…
Phòng “Viết Đơn & Thư” dành cho những kẻ có việc đến Tòa nhỏ hẹp, kê ba dãy bàn ngắn, trống trải đến nổi không có một tấm lịch treo tường. Nó trơ trụi, khô khốc, và lạnh lẽo như những con người đã bước chân vào đây. Vào chốn cuối cùng của tháng năm dằn vặt, muộn phiền để kết thúc một phần đời sống bất hạnh thương đau.


  Khi Ngạn và Kiều bước vào, thì hai cô cậu khoảng trên 25 tuổi cũng lần lược bước ra khỏi phòng. Cậu thanh niên mặc quần jean xanh, áo sọc rằn đỏ vội vã đi về phía phòng số 3 dể nộp đơn, còn cô gái ngơ ngác lửng thửng bước theo sau. Nhìn dáng vẻ lạnh băng, thiểu não và khô héo của cô gái, Ngạn hiểu họ cũng vừa làm công việc giống mình trước đó mấy phút, để chấm dứt một cuộc tình! Chấm dứt cái ngày xe hoa áo cưới, nụ cười chúc tụng rộn rã mà có lẽ chỉ vừa xảy ra cách ngày hôm nay đối với họ không lâu! Họ đã rời xa căn phòng rực rỡ sắc mầu hương thơm hoa chúc dành cho tân lang và tân giai nhân để bước vào ngồi trong chiếc phòng trống trơn trắng toát này để vĩnh viễn rời xa?

Kiều ngồi vào chiếc bàn trên,hý hoáy viết vào các khoảng trống, còn Ngạn ngồi ở bàn dưới lơ đểnh nhìn vào hai tấm giấy đặt trước mặt, chưa viết vội. Anh có ý chờ Kiều viết xong rồi mượn ghi lại cho nhanh. Trong đầu anh trống rổng, đông cứng như tản đá, chẳng biết phải viết thế nào cho phù hợp với toan tính của Kiều. Đồng thời, anh cũng nhận ra, trong các khoảng cần điền vào cho hợp lệ .Ngạn cảm thấy đối với anh không có gì khó khăn, phức tạp cả. Anh cũng đã từng nghĩ đến điều ấy từ những tháng trước khi đồng ý cùng Kiều đến đây rồi. Tất cả đều “ không” ,bởi vì cái “không” lớn nhất của đời anh đã đến từ vài năm nay khi Kiều có ý định theo học lớp sư phạm do người chú đang công tác ở phòng giáo dục gợi ý, vì nàng có đủ điều kiện về bằng cấp và lý lịch! Chỉ cần ly hôn với Ngạn, là mọi chuyện sẽ êm thắm. Còn nghề may vá sơ sài, riêng lẻ của Kiều đang vắng dần khách cùng với sự ế ẩm của nghề sửa chữa máy may cũ của Ngạn. Trong khu phố đã bắt đầu xuất hiện trở lại vài hiệu may uy tín, ngoài chợ áo quần may sẵn cũng dần được bày bán với giá thấp. Mọi chuyện đã rõ anh đâu “có” gì để yêu cầu, đề nghị giải quyết nữa? Mắc nợ ai và ai mắc nợ: Không! Tài sản riêng,tài sản chung: Không. Đòi hỏi gì về con cái: Không! Tất cả anh sẽ ghi theo ý muốn của Kiều để mọi chuyện sẽ được giải quyết nhanh chóng. Sẽ chẳng có một lời yêu cầu hay tranh chấp gì trong buổi chia tay vĩnh viễn này cả. Ngạn cảm thấy mỏi mệt hụt hẩng như đang bị chao đảo trên khoảng không ngờm ngợp nắng và gió.
“Đã gần 10 năm từng ngày chăm chút cho hai đứa con với bao kỳ vọng dã trở thành số “không” rồi ,thì còn gì để đòi hỏi, yêu cầu thêm cho những tháng năm còn lại cuối đời?”. Ngạn đã dửng dưng đồng ý đến Tòa khi nghĩ vậy theo sự bức bách ngày càng khẩn thiết của Kiều (mà trước đây anh đã nhiều lần khướt từ quyết liệt). Ngạn cũng đã thấy rõ tương lai của anh thợ “chuyên sửa chữa máy may” và “bản án vô hình” của anh sẽ chẳng có gì thay đổi tốt đẹp hơn, nếu không muốn nói là ngày càng tồi tệ.


Đang học năm thứ 3 tại Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ (là tiền thân của đại học Bách Khoa sau 75) ngành công chánh. anh bị dồn vào trại nhập ngũ bởi lệnh tổng động viên năm 72. Giữa năm 73 ra trường, cấp bậc chuẩn úy ,binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Tháng 2 năm 75 bị bắt làm tù binh ở chiến trường Tây Nguyên trên đường rút quân về đồng bằng Phú Yên khi chỉ mặc áo lính chưa được hai năm. Vào trại “tù tàn binh” T53 gần hai năm ,bằng thời gian anh ở trong quân ngũ, Ngạn được phóng thích khi đang ở vào tuổi 25.

Trở lại quê nhà là niềm khao khát của Ngạn trong những tháng năm sống ở núi rừng thâm u quạnh vắng. Người chị còn lại ở quê là điểm tựa duy nhất cho Ngạn khi anh quyết định ghi nguyện vọng của mình trong đơn xin phóng thích. Đi đâu? Về đâu? .Ngạn thật sự không thể tìm ra một chỗ nào trên quê hương có thể bao dung anh trong lúc này,ngoài quê nhà! Chung quanh anh ,nơi nào cũng rẩy đầy bất trắc, đồi thay lạ lẫm, mờ mịt! Cũng có đôi lần Ngạn nghĩ đến Cẩm ,cô bạn đồng môn ngày trước ở Phú Thọ, nhưng hình bóng của Cẩm lại xa vời quá đỗi khiến anh không còn có thể níu kéo lại được gì trước cơn bão đổi thay của thời cuộc. Thôi thì có chết đói cũng được chết ở quê nhà , đôi khi quẩn trí cùng đường Ngạn đã nghĩ vậy, để tự an ủi cho quyết định cuối cùng của mình…

Ngạn đến xin học ngay nghề sửa chữa máy may với người bà con phía chồng của chị để nhanh chóng tìm kiếm cơm áo khi trong túi không còn chút tiền nào dự phòng. Biết không thể ăn bám vào gia đình đang lâm vào cảnh khốn cùng của chị ( bốn con, chồng đang đi học tập. ruộng vườn đã quy hoạch sáp nhập vào hợp tác xã) .Ngạn bán đi chiếc đồng hồ Seiko 5 và chiếc nhẫn vàng tây một chỉ của Cẩm (cô bạn gái học cùng trường,ngành địa chính, đã đeo vào tay anh khi Ngạn rời Saigon lên trại nhập ngũ Trung Tâm 3 ngày nào) để chi dùng trong thời gian học nghề. Vì chỗ thông gia và cũng vì thương cho tuổi trẻ của Ngạn sa cơ,ông đã nhận lời sau mấy hôm suy nghĩ. Trong tình trạng khan hiếm máy may, không có máy mới tất cả đều tận dụng các máy đã cũ, mà nhu cầu may mặc bình thường hằng ngày vẫn phải có ( dù bất kì là loại vải nào) miễn không thể để cho cơ thể trống trải, nghề may vì vậy tương đối phát triển nhanh, “kiếm ăn” dễ dàng.

Kiều là một “khách hàng” quen thuộc của Ngạn. Nhiều lần Kiều mang máy đến. Cũng có khi Ngạn theo Kiều về tận nhà để sửa máy cho nàng. Chiếc máy Singer cũ của mẹ mua từ thuở mới sinh ra nàng để tự may vá ở nhà, nay được đem ra lau chùi như một bảo vật. Kiều chỉ còn người mẹ góa bụa dã luống tuổi. Thấy Kiều hiền từ, xinh xắn, dễ thương lại có trình độ.Ngạn đem lòng thương yêu, gắn bó dễ dàng trong nỗi cô độc và buồn bã ngày đêm của đời mình. Một đám cưới đơn giản nhưng đầy đủ nghi lễ đã được thực hiện ngay sau khi mẹ Kiều đã cho gọi Ngạn đến, tâm sự: ” Ông ấy thoát ly sớm, rồi mất ở Khe Sanh khi mẹ chỉ có một mình con Kiều -nay, mẹ có thêm con trai mẹ rất vui …”.

Đứa con trai đầu lòng vừa lên sáu tuổi mới bước chân vào lớp một ,Kiều đã nghe theo lời “gợi ý” của người chú viết đơn xin ly hôn với Ngạn. Anh không chịu ký vào tờ đơn ấy đến lần thứ ba, kéo dài thêm bốn năm. Kiều sinh thêm bé Ngân và một năm sau,đã dứt khoát tự mình đến nộp đơn xin ly hôn không cần chữ ký của Ngạn nữa! Anh trở thành “bị đơn” trong mẫu tự khai ở Tòa sáng nay…

Kiều nhận lại hai mẫu giấy từ tay Ngạn đọc lướt qua, rồi bước ra khỏi phòng như vừa cầm được niêm hy vọng của cái tương lai đang rộng mở phía trước. Kiều đi ,cô gái trạc ba mươi tuổi bước vào phòng, lại ngồi ngay vào chỗ của Kiều. Nhìn thoáng vẻ rụt rè ,áo quần đơn giản, Ngạn đoán cô ta ở vùng ngoại ô các xã lân cận.Trước khi rời phòng ,Ngạn hỏi: “ Cô làm đơn xin Tòa xử điều gì vậy? “
- Tự nhiên em nhận được giấy đòi của Tòa. Đến đây mới hay chồng em đã nộp đơn xin ly hôn với em…
- Anh ấy không hỏi ý em hay sao?
- Không!
- Chồng em đang làm việc gì vậy?
- Tài xế…
- Bây giờ em làm gì ở đây?
- Em điền vào các khoảng trống theo lời dặn của cô phụ trách…Chỉ dơn giản là vậy thôi!

Sau khi đã nộp đơn ở phòng số 3 và sau đó, theo thứ tự được vào gặp ông chánh án ở phòng số 1.Kiều đã lập lại lời yêu cầu trước đó, là đề nghị Tòa cho xử ly hôn, càng nhanh càng tốt. Ông chánh án kết luận: “ Nếu không có tranh chấp gì về tài sản, con cái, các khoản nợ nần thì chuyện xử ly hôn là đơn giản thôi…”. Theo lời hướng dẫn của ông, Kiều ( là nguyên đơn) đến phòng số 2 nhận giấy xác minh, để đi đến “ Phòng Thi Hành Án” nằm ở khu phố Hai Bà Trưng nộp án phí . Ngạn bước ra khỏi phòng ông chánh án, lơ lửng bước theo Kiều ngồi vào chiếc băng chờ ở dãy hành lang, trước phòng số 2. Anh cảm thấy thèm điếu thuốc ,thò tay lấy bao thuốc trong túi áo khoát, khẽ khàng rút một điếu châm lửa…
- Tiền đây ,anh đi nộp giúp án phí đi…
Ngạn đứng phắt dậy rút tấm giấy trên tay Kiều ,đi vội về phía cầu thang. Lúc Ngạn dắt xe vừa ra khỏi cổng, cô gái gặp sau cùng ở phòng viết đơn thư chạy vôi ra gọi: “ Anh ơi! Em không biết đường Hai Bà Trưng, anh cho em đi với…”.
- Cô gọi xích lô hay xe ôm đi! Ngạn quay lại nhìn, giọng lạnh lùng.
- Anh làm ơn…
Cô gái đã đến bên cạnh vẻ lo lắng, khẩn khoản:”Anh làm ơn…”
- Cô lên xe gấp đi!
Xe chạy được một quảng dừng lại ở ngả tư đèn đỏ ,Ngạn quay lại hỏi: ” Quê cô ở đâu?” – “ Dạ, thôn Đá Trắng, xã Hòa Ninh” – “ Có mấy con rồi mà ly hôn?” – “ Thưa, một đứa, con gái” – “ Mấy tuổi?” – “ Ba tuổi!” – “ Cô làm nghề gì vậy?” – “ Thợ may…”

Vào đến sân khu “ Phòng Thi Hành Án” , Ngạn tắt máy, bước vội vào bên trong. Được hướng dẫn, anh lên ngay cầu thang tìm phòng thu lệ phí. Ngạn ngồi ở hàng ghế chờ bên ngoài ,lấy thuốc ra hút.
Đến lượt Ngạn vào nộp tiền, thì cô gái cũng vừa đến ngồi vào chỗ của anh. Nộp xong ,Ngạn lại đoan đả quay về phía cầu thang. Khi đã dắt xe ra đến cổng, Ngạn moi tìm trong các túi áo quần không thấy chiếc chìa khóa xe ở đâu cả! Nhìn quơ quất xuống sàn nhà để xe ,anh không thấy gì? Ngạn dựng xe nằm bên cổng, đi dần vào các phòng, thử tìm lại…
- Anh đang tìm gì vậy?.Cô gái vừa xuống cầu thang, áy náy hỏi.
- Chìa khóa xe…
- Đây nầy ,cô mở chiếc ví nhỏ cầm tay, rút chiếc chìa khóa trao cho Ngạn ,lúc nảy anh vội đi, chỉ tắt máy mà không kịp lấy chìa khóa, em sợ bị mất…
Ngạn vội thò tay lấy lại chìa khóa ,nhưng cô gái đã kịp nắm chặt nó giữa lòng bàn tay mình .Ngạn dã cầm lấy nắm tay cô gái giây lâu: “ Em sao vậy?” – “ Em muốn anh chở giúp em về…”

Friday, March 30, 2012

Trần Văn Sơn * Lui Binh Hành




tặng 2 vị Tiểu đoàn trưởng của tôi: Lê Phi Ô & Lê Hùng



Lui binh lui binh hề lui binh
tướng giỏi nghiến răng ném bất bình
chiến trận bao năm chưa chiến bại
một ngày buông súng quỉ thần kinh


Gìm súng đêm đen đồi Bảo Đại
quân đi ngậm thẻ nuốt hờn căm
Hoài Đức pháo rơi như đậu vãi
về đâu quốc lộ 1 mù tăm


Băng rừng vượt chốt mở đường máu
tiểu đoàn ba trăm còn ba mươi
bi đông cạn nước tay lựu đạn
máu trộn mồ hôi lẫn xác người


Sông núi rùng mình Biển Lạc khóc
ba lô nón sắt vững lòng dân
hình vợ thẻ bài đeo trước ngực
Lăng Quăng cầu gãy lính chồn chân

La Ngà, Gia Huynh địch vây khổn
Tánh Linh tràn ngập bầy kên kên
quan nghinh đầu súng lính đoạn hậu
sống chết trời cho súng nổ rền


Vợ trẻ chờ chồng con chờ cha
giặc ruồng thôn xóm nát tan nhà
Võ Xu, Chính Đức rồi Võ Đắt
về đâu La Gi xa thật xa


Người lính can trường vuốt mắt bạn
cắn nát môi nuốt lệ rưng rưng
hỡi ơi chiến trận anh hùng tận
vùi thây đánh dấu gốc bằng lăng


Đêm sao Bắc Đẩu soi mắt thần
mỗi bước chân mìn bẫy giăng ngầm
Suối Kiết, Láng Gòn, Tân Long bến
hải đội đâu mà biển lặng câm



Tiểu đoàn ba trăm còn ba mươi
mất tích thương vong lính tả tơi
tận nhân lực anh hùng mạt vận
xuôi đời theo vận nước nổi trôi


Lui binh lui binh hề lui binh
tướng giỏi nghiến răng nén bất bình
trăm trận ra quân trăm trận thắng
tháng tư bẽ súng đất trời kinh


Trần Văn Sơn * 3/2012