văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Sunday, June 17, 2012

VÕ THẠNH VĂN * Album Ảnh & Thơ: Nẻo Từ Ly




xem trọn ảnh và thơ trong album, xin bấm vào link:

Trúc Giang * TRÙNG KHÁNH : QUYỀN LỰC, THAM NHŨNG VÀ THANH TRỪNG




1- Mở bài

Tham nhũng, sống sa đoạ, đấu đá nhau để tranh giành quyền lực, là thuộc tính của giai cấp tư bản đỏ, cụ thể nhất là ở hai nước Cộng Sản, Trung Cộng và Việt Cộng ngày nay. Những câu chuyện không mới lạ gì, nó chỉ bị phanh phui khi đối thủ bị ngã ngựa trong những cuộc đấu đá giành quyền lực.

Trái lại, nếu các phe nhóm biết phân chia quyền lực đồng đều nhau, đoàn kết lại bảo vệ đảng và cùng nhau chia lợi lộc, hầu sống xa hoa, sa đọa kín đáo thì mọi việc êm xuôi và đảng Cộng Sản vẫn còn quang vinh muôn năm.

Vụ án Bạc Hy Lai là câu chuyện mang nhiều kịch tính và rất ly kỳ, nội dung xoay quanh các vấn đề quyền lực, tham nhũng, tình tiền tù tội và án mạng, của cán bộ cao cấp trong đảng Cộng Sản, có thể ví như một bộ phim dài nhiều tập, với các tình tiết gay cấn, nghẹt thở giống như phim nói về Mafia của Hollywood vậy.

Về hình thức bên ngoài, thì cái chết của doanh nhân người Anh tên Neil Heywood mở màn cho vụ án chính trị làm chấn động thế giới, trong đó, nhiều âm mưu, thủ đoạn được thực hiện để hạ nhau trên trường chính trị.
Nhân vật chính là Bạc Hy Lai, một người đầy tham vọng chính trị, độc ác, sống sa đọa và tham nhũng. Đó là điển hình của cán bộ lãnh đạo các đảng Cộng Sản.
Câu chuyện ly kỳ đến nổi Hollywood có dự án dựng thành phim do cặp Brad Pitt và Angelina Jolie thủ diễn.
Trùng Khánh là một thành phố trực thuộc trung ương, có diện tích 82,300km2 với 31.4 triệu dân cư.

2- Vương Lập Quân chạy vào lãnh sự quán Hoa Kỳ xin tỵ nạn chính trị

Vào buổi tối ngày 6-2-2012, Vương Lập Quân, phó thị trưởng kiêm  giám đốc công an thành phố Trùng Khánh, đã lái xe vào tòa lãnh sự Hoa Kỳ ở Thành Đô (Tứ Xuyên) để xin tỵ nạn chính trị, vì tánh mạng bị đe dọa. Trong khi đó, công an Trùng Khánh và Thành Đô với 70 xe cảnh sát bao vây tòa lãnh sự và yêu cầu trả người.

Nhân viên lãnh sự quán gọi điện thoại tới tấp về Washington để xin chỉ thị, thậm chí cũng có những cuộc điện đàm với toà Bạch Ốc.

Ông Vương Lập Quân ở qua đêm trong toà lãnh sự và có cuộc nói chuyện với các viên chức ngoại giao Mỹ suốt 10 tiếng đồng hồ.

Ba mươi sáu giờ sau, một thứ trưởng Bộ An Ninh Quốc Gia tên Khâu Tiên, được cử đến để hộ tống ông Vương ra khỏi vòng vây của lực lượng cảnh sát địa phương, dưới quyền của bí thư thành ủy kiêm thị trưởng Trùng Khánh, Bạc Hy Lai.

Các viên chức ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, nhân viên lãnh sự quán không đưa mẫu đơn tự khai xin tỵ nạn chính trị cho ông Vương điền vào, vì có nhiều vấn đề nhạy cảm giữa HK và Trung Cộng. Trước hết, toà lãnh sự Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ông Vương ra khỏi nước nầy. Tuy nhiên, ông Vương được bảo vệ để không bị cảnh sát địa phương đang vây bắt.

Nhạy cảm vì đó là thời điểm mà ông Tập Cận Bình chuẩn bị viếng thăm Hoa Kỳ, do lời mời của Phó tổng thống Joseph R. Biden.
“Nhân viên lãnh sự Mỹ đã trao đổi với ông Vương, và hai bên thoả thuận để ông Vương dùng điện thoại thông báo vụ việc về Bắc Kinh. Sau đó, ông Vương đã tự ý rời khỏi toà lãnh sự”, phát ngôn viên bộ Ngoại giao HK cho biết như thế.

Ngày 24-4-2012, các quan chức Mỹ, cuối cùng, cũng hé lộ những thông tin về vụ việc đã xảy ra  trong 36 tiếng đồng hồ, khi ông Vương ở trong toà lãnh sự.

Tờ New York Times và Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ Washington, xác nhận ông Vương Lập Quân đã tìm đến tòa lãnh sự Mỹ xin tỵ nạn chính trị với các tài liệu tố giác những sai phạm của Bạc Hy Lai và vợ là Cốc Khai Lai., đồng thời xin được nói chuyện với các quan chức cao cấp ở Washington ở cương vị của phó thị trưởng kiêm giám đốc Công An Trùng Khánh, như một viên chức đào thoát xin tỵ nạn chính trị.

Việc tỵ nạn đã tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi và cuối cùng, Washington đã từ chối cho tỵ nạn, vì e ngại sẽ gây căng thẳng với Bắc Kinh, trong bối cảnh ông Tập Cận Bình sắp viếng thăm Hoa Kỳ. Có nguồn tin cho biết, phó tổng thống Joe Biden là người tích cực từ chối cấp quyền tỵ nạn chính trị cho Vương Lập Quân.

Để thanh minh, Bộ Ngoại giao HK đã nhiều lần lên tiếng, nhấn mạnh, lãnh sự quán Mỹ không có áp lực buộc ông Vương phải rời khỏi tòa lãnh sự. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao HK, bà Victoria Nuland lên tiếng cho hay: “Ông Vương đã rời khỏi lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô một cách hoàn toàn tự nguyện”.

Ông Orville Schell, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung, thuộc Viện Xã hội châu Á, cho biết: “Sẽ cực kỳ không khôn ngoan, nếu Mỹ công khai tham dự vào công việc nội bộ của Trung Cộng, vì Mỹ và Trung Cộng đang cần củng cố mối quan hệ tốt đẹp hơn. Hoa Kỳ cần Trung Cộng giúp đỡ về các vấn đề Bắc Hàn, Iran, Sudan và Syria ở tại Hội Đồng BA/LHQ.”

3- Vương Lập Quân tiết lộ gì với Hoa Kỳ?
Hồ sơ vụ án doanh nhân người Anh, Neil Heywood và những bí mật nghiệp vụ của công an Trung Cộng có thể đã lọt vào tay của Hoa Kỳ.

Vài giờ trước khi lái xe suốt 3 tiếng đồng hồ, vượt 300km từ Trùng Khánh đến Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên), ông Vương Lập Quân đã gọi điện thoại hẹn khẩn cấp với các viên chức toà lãnh sự Anh ở Trùng Khánh. Đài BBC cho biết, Bộ Ngoại Giao Anh không hiểu lý do gì mà ông Vương hẹn mà không đến, trái lại, chạy đến toà lãnh sự Mỹ.

3.1. Giương đông kích tây

Vương Lập Quân là người điều tra về cái chết bất thường và mờ ám của doanh nhân người Anh là Neil Heywood, một đối tác làm ăn với gia đình Bạc Hy Lai, theo đó, vợ của Bạc Hy Lai là Cốc Khai Lai xác nhận với công an điều tra, bà là thủ phạm. Ông Vương từng là cánh tay mặt của họ Bạc, nhưng Bạc Hy Lai muốn ém nhẹm vụ đầu độc và những việc chuyển tiền ra nước ngoài, để bảo vệ vợ, sự nghiệp chính trị và kinh tế gia đình, nên đã cách chức và đe dọa, ông Vương cảm thấy tánh mạng bị nguy hiểm, nên đã chạy vào lãnh sự quán Mỹ xin tỵ nạn chính trị.

Nhật báo The Telegraph (Anh) nhận định rằng, việc hẹn đến toà lãnh sự Anh để thông báo thủ phạm của vụ đầu độc Neil Heywood, có thể là kế “giương đông kích tây” để đánh lạc hướng những người đang theo dõi ông.

Ông Vương không dám báo cáo lên cấp trên, vì thế lực của họ Bạc rất lớn ở trung ương, là Ủy Viên Thường Vụ Bộ Chính Trị.

Ở toà lãnh sự HK, họ Vương không liên lạc với Bộ Công An, mà yêu cầu Uỷ Ban Kiểm Tra Trung Ương và Kỷ Luật đảng cử người đến đón ông về Bắc Kinh.

3.2. Toà Bạch Ốc lúng túng
Theo tờ New York Times, Vương Lập Quân đến tòa lãnh sự Mỹ “trong trạng thái kích động”. Ông nầy mang theo tài liệu tố giác tội lỗi của vợ chồng họ Bạc, trong đó có vụ hạ độc Neil Heywood hồi tháng 11 năm 2011. Hai bên nói chuyện với nhau suốt 10 giờ, nhưng “ông Vương không trao tài liệu cho người Mỹ”. Họ Vương cũng cho biết nghiệp vụ điều tra của ông ở Trùng Khánh từ tháng 6 năm 2008 đến tháng 2 năm 2012, khi ông bị cách chức. Ông cũng cung cấp tin tức về những mối quan hệ phức tạp và mờ ám liên quan đến quyền lực chính trị và tham nhũng ở Trung Cộng.

Cuối cùng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ bác bỏ lời yêu cầu xin tỵ nạn với 2 lý do.

Lý do 1.
Ông Vương là một nhân vật có nhiều tai tiếng không tốt và đang bị điều tra về tội tham nhũng khi còn làm giám đốc công an thành phố Thiết Lĩnh, tỉnh Liêu Ninh. Ông không phải là một nhân vật bất đồng chính kiến, ông là một phạm nhân, chớ không phải là một nhà tranh đấu nhân quyền.

Lý do 2.

Hoa Kỳ muốn tránh Scandal quốc tế trong bối cảnh ông Tập Cận Bình sắp viếng thăm nước nầy.

Tuy không cho tỵ nạn, nhưng HK vẫn bảo vệ ông, cho phép lưu trú 36 giờ và cho được gọi điện thoại về Bắc Kinh xin cử người đến đón ông, ngày 8-2-2012.

Người đón ông là Thứ trưởng Bộ An Ninh Quốc Gia tên Khâu Tiên, 57 tuổi. Cùng đi với ông Tiên là một lực lượng an ninh có vũ trang. Đã xảy ra một cuộc đấu khẩu trước tòa lãnh sự giữa Khâu Tiên với người chỉ huy của 70 xe cảnh sát Trùng Khánh và Tứ Xuyên, nhưng không có đụng độ xảy ra.

4- Bức thơ ngỏ


Ngày 2-2-2012, Vương Lập Quân, phó thị trưởng thành phố Thượng Hải kiêm giám đốc công an thành phố đã bị cách chức, vì báo cáo vợ ông Bạc Hy Lai là thủ phạm vụ đầu độc ông Neil Heywood.
 
Bạc Hy Lai (Bo Xilai) 


Ngày 3-2-2012, Vương Lập Quân tung bức thơ ngỏ lên trang mạng Weibo của Trung Cộng. Bức thơ bắt đầu bằng câu “Khi mọi người đọc thơ nầy thì tôi đã chết hoặc mất tự do.” Nội dung chủ yếu là tố cáo Bạc Hy Lai là “Ông trùm của những ông trùm. Đã biến đảng, nhân dân và cả thành phố Trùng Khánh thành một vương quốc riêng. Ông ta như người nhai kẹo cao su, nhai vài cái rồi nhổ ra, không cần biết số phận người đó ra sao”.

Trong thơ, người viết nói ông bị đối xử tệ bạc, mặc dù đã vào sanh ra tử vì ông ấy. “Không những đối xử tệ bạc với thuộc hạ, mà còn cả với anh em, với người vợ cũ nữa. Khi tôi từ chối làm những việc tồi bại, ông ta bắt tài xế và 10 người thân tín để đe dọa tôi”..

Cuối thơ, người viết cho biết, sẵn sàng hy sinh tánh mạng, công bố tài liệu ông Bạc là một người tham nhũng gộc, gia đình giàu có bất thường, tham vọng chính trị to lớn.

Bức thơ không biết là hàng thật hay hàng giả, nhưng có 2 điều được coi là chính xác.


Điều thứ 1.

Cách chức Vương Lập Quân và bắt giam 11 thủ hạ để đe dọa.

Ngày 2-2-2012, Bạc Hy Lai họp Ban Thường Vụ thành ủy, bãi miễn chức giám đốc công an  và phó thị trưởng Trùng Khánh của Vương Lập Quân, hạ tầng công tác, phân công phụ trách môi trường, khoa học và giáo dục. Đối với họ Vương, việc lột áo công an là một sĩ nhục lớn.

Ngày 3-2-2012, bức thơ ngỏ xuất hiện.

Ngày 6-2-2012, Vương chạy vào lãnh sự quán Mỹ xin tỵ nạn chính trị.
 

Vương Lập Quân


 Ngoài việc bắt tài xế, Bạc Hy Lai còn cho bắt 10 thuộc hạ thân cận của họ Vương. Việc xảy ra sau khi họ Vương báo cáo những chứng cớ mà Cốc Khai Lai, vợ của Bạc, là thủ phạm vụ đầu độc Neil Heywood.


Theo Reuters, hôm đó là ngày 18-1-2012, ông Bạc bị sốc và nổi cáu, yêu cầu họ Vương ra khỏi phòng lập tức, để ông tịnh tâm. Một giờ sau, cho gọi họ Vương vào và ra lịnh, cho điều tra vụ án với tư cách là một giám đốc công an Thành Đô.


Thế nhưng 3 ngày sau, ông Bạc đổi ý, tiến hành thủ tục chuyển công tác cho họ Vương để bảo vệ vợ. Để dằn mặt Vương Lập Quân, Bạc Hy Lai ra lịnh bắt giam tài xế và 10 thuộc hạ thân tín với hàm ý là “Chớ có tiết lộ bí mật với ai, nếu không thì tất cả đều mất mạng”.


Điều thứ 2.
Bắt cóc con của vợ cũ

Bạc Hy Lai bắt cóc con của vợ cũ để bịt miệng một vụ ngoại tình trước thềm khai mạc Quốc Hội 18. Người thực hiện việc bắt cóc chính là Vương Lập Quân.

Theo trang mạng AsiaOne, ông Bạc cưới bà Lý Vũ Đan năm 1976. Bà Đan là một bác sĩ quân y, con gái của bí thư thành ủy Bắc Kinh, Lý Tuyết Phong, người có thế lực rất lớn lúc đó. Bạc Hy Lai cưới bà để dựa hơi nhà vợ tiến thân, bởi vì Bạc lúc đó chi là một công nhân quèn, bị phạt lao động tập trung vì cha là Bạc Nhất Ba, một trong những người sáng lập ra nước Trung Hoa Cộng Sản ngày nay. Lúc đó, Bạc Nhất Ba bị thất sủng vì có liên quan đến vụ Cách Mạng Văn Hóa.

Sau khi Bạc Nhất Ba được phục hồi uy quyền và trở thành phó thủ tướng, thì Bạc Hy Lai không muốn ở với người vợ nhan sắc tầm thường, tuy đã có một con trai tên Bạc Vương Tri. Bạc Hy Lai ngoại tình với Cốc Khai Lai, một sinh viên rất xinh đẹp của trường luật Bắc Kinh, con của một thiếu tướng. Cuộc tình diễn ra gần như công khai. Họ Bạc đòi ly dị, nhưng bà Lý Vũ Đan từ chối, và đâm đơn kiện khắp nơi, từ Hội Liên Hiệp Phụ Nữ đến toà án tối cao, nhưng thế lực họ Bạc rất mạnh, nên kiện chẳng ăn thua gì.

Cuối cùng, bà bị sức ép của Bạc Nhất Ba, nên buộc phải chấp nhận ly dị. Tức mình, bà đổi họ con trai từ Bạc Vương Tri thành Lý Vương Tri. Học xong Đai học Bắc Kinh, qua Mỹ học tại Đại học Columbia, và năm 2003, Vương Tri về nước hành nghề luật sư.


5- Tình, tiền và án mạng

Báo chí quốc tế cho biết, ông Neil Heywood mất mạng vì tham tiền và cũng có thể đã trót có quan hệ tình cảm với vợ của Bạc Hy Lai, hoặc cả hai.
5.1. Vụ chuyển tiền định mệnh

Theo hãng tin Reuters, vào tháng 11 năm 2011, bà Cốc Khai Lai, vợ của Bạc Hy Lai, đã nhờ  Neil Heywood chuyển số tiền 800 triệu bảng Anh ra nước ngoài. Heywood là người phụ trách rửa tiền cho gia đình họ Bạc. Trong vụ chuyển 800 triệu nầy, bà Cốc giận dữ khi Heywood đòi khoản tiền huê hồng cao hơn giá cả thường lệ, là 10%. Bà Cốc phản ứng gay gắt, cho rằng Heywood quá tham lam. Qua tranh cãi, Heywood đã phạm phải một lỗi lầm chết người, khi tuyên bố rằng ông ta có thể phanh phui tất cả mọi việc phạm pháp để phá hủy gia đình họ Bạc.
Sau đó, bà Cốc ra lịnh giết Heywood bằng chất độc xyanur (Potassium cyanide). Xyanur là chất kịch độc, chỉ một vài giọt cũng đủ lấy mạng một người khoẻ mạnh trong vòng vài phút, và tạo ra cái chết có triệu chứng của cơn đau tim.

Ông Neil Heywood được tìm thấy đã chết khoảng 26 giờ trong phòng của khách sạn Nanshan Lijing Holiday Hotel (Nam Sơn Lệ Kinh khách sạn) ở Trùng Khánh vào ngày 14-11-2011. Tử thi không được khám nghiệm và được hỏa táng ngày hôm sau, 15-11-2011. Đó là bà Cốc cùng 2 cận vệ vũ trang đến gặp vợ của Heywood, yêu cầu ký tên vào bản đồng ý cho hỏa táng mà không cần khám nghiệm tử thi.
Tin báo chí cho biết, Cốc Khai Lai bị ung thư xương, đời sống có thể kéo dài trong vài ba năm nữa thôi.

5.2. Ông Neil Heywood

Neil Heywood sinh ngày 20-10-1970, chết vì ngộ độc. Ông đã sống ở Trung Cộng trên 10 năm, nói tiếng Tàu rất thông thạo. Người vợ Tàu tên Vương Lộ Lộ (Wang Lulu). Có 2 con: con gái tên Olivia 11 tuổi, con trai Peter, 7 tuổi.

Khi Heywood chết, người vợ chạy vào lãnh sự quán Anh xin được bảo vệ.

5.3. Tổ ấm tình yêu của Heywood và Cốc Khai Lai

Bạc Hy Lai là người có nhiều tham vọng chính trị, đa tình và ăn chơi sa đọa. Ông có hàng trăm bồ nhí chân dài trẻ đẹp, nổi bật nhất là hoa hậu truyền hình tên Zhang Weijie.

Giới thân cận cho biết, ông Bạc và bà Cốc không phải là vợ chồng đúng nghĩa trong nhiều năm qua.

Cốc Khai Lai & Heywood

Bà Cốc được mô tả là một phụ nữ có sức quyến rũ với những người đàn ông đối diện.

Bà Cốc và Heywood có tình cảm sâu đậm vượt qua khỏi mức độ bạn bè. Tổ ấm tình yêu của bà  và Heywood là một căn nhà bên bờ biển của thành phố Bournemouth. Tờ Daily Mail cho biết, căn hộ của hai người trị giá 25,000 bảng Anh. Hai người từng bị bắt gặp đang ở trong tình trạng yêu đương tình tứ tại cầu thang của căn hộ.

5.4. Cốc Khai Lai cùng ở trong phòng với Heywood khi xảy ra án mạng

Ngày 25-4-2012, bà Cốc Khai Lai, vợ của Bạc Hy Lai thừa nhận với cảnh sát điều tra rằng, bà ở trong phòng với Heywood khi ông bị đầu độc. Đó là những gì mà Vương Lập Quân nói với các nhà ngoại giao Mỹ khi ở trong lãnh sự quán 36 giờ trong đêm 6-2-2012.

Theo tài liệu mà Vương Lập Quân mang đến toà lãnh sự Mỹ, thì bà Cốc đã thú nhận rằng bà đã thực hiện giết người bằng câu nói “Tôi đã làm điều đó”, bằng cách cho Heywood uống rượu có pha chất độc cyanur. Bà đã xác nhận câu nói đó 3 lần như thế. Bà thuật lại “Khung cảnh lúc đó rất khủng khiếp, Heywood nhổ chất cyanur ra, nên “chúng tôi” phải “ép” ông ta uống thêm.

Trong vài tuần qua, vụ án giết người gây chấn động nầy được lan truyền rộng rãi trên các trang web. Đó là một điều rất bất thường đối với chế độ kiểm duyệt chặt chẽ của chế độ Cộng Sản  nước nầy. Từ đó, nghi vấn lan truyền là đảng Cộng Sản cố ý đưa tin, mục đích đe dọa những người thân cận với phe nhóm Bạc Hy Lai.

Vào thời điểm của vụ hạ độc, Heywood đang cần tiền để mở một trung tâm bán hàng cao cấp của Anh Quốc tại Trung Cộng, với số vốn là 80 triệu bảng Anh. Do cần tiền, Heywood đòi tiền hoa hồng cao hơn thường lệ, từ đó sinh ra cãi vả và bị người yêu dứt điểm cuộc đời.

Heywood thường kể với bạn bè rằng, bà Cốc là một người độc đoán, giống như những bà hoàng hậu độc ác ngày xưa.

5.5. Hợp tác làm ăn

Theo lời kể của bạn bè, thì trước kia, công ty của Heywood gặp nhiều khó khăn, tưởng chừng như phải đóng cửa, nhưng nhờ Bạc Hy Lai bảo kê nên phát triển tốt đẹp.

Đã từng học luật ở Anh, Heywood giúp bà luật sư Cốc Khai Lai rất nhiều trong những vụ án có liên quan đến người nước ngoài. Đồng thời, lo hồ sơ xin cho thiếu gia nhà họ Bạc là Bạc Qua Qua, con một của bà Cốc, được vào học tại một trường danh tiếng nhất nước Anh là Harrow. Thân mật đến nỗi, vợ chồng Bạc Hy Lai nhận làm cha mẹ đỡ đầu cho hai đứa con của Heywood. Bạc đã giúp cho Heywood có cơ hội trúng những mối thầu lớn, theo thoả thuận như sau, Heywood đài thọ và cung cấp cho họ Bạc được lưu trú trong những phòng hạng sang của khách sạn 5 sao. Đi lại bằng xe Mercedes với tài xế riêng, chi phí vé máy bay đi khắp nơi trên thế giới và “một khoản tiền nhỏ” sinh hoạt, cộng với 2% bất cứ khoản đầu tư thành công nào.”


6- Bạc Hy Lai bị cách chức

Ngày 15-3-2012, Tân Hoa Xã loan tin: “Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSTQ quyết định: đồng chí Trương Đức Giang sẽ là Ủy Viên Thường Vụ Bộ Chính Trị, kiêm bí thư thành ủy Trùng Khánh; đồng chí Bạc Hy Lai sẽ không còn giữ chức vụ Ủy Viên Thường Vụ Bộ Chính Trị và bí thư thành ủy Trùng Khánh”.

Ngày 18-4-2012, tờ Telegraph dẫn nguồn tin từ doanh nhân tên Vương Khan, cho biết, Bạc Hy Lai và 39 cá nhân liên hệ đang bị giam giữ tại thành phố Bắc Đới, tỉnh Hà Bắc. Phe nhóm của Bạc Hy Lai còn có Chu Vĩnh Khang, là một trong 9 Ủy viên Thường Vụ Bộ Chính Trị, đang nắm ngành an ninh mật vụ, người đã đề nghị họ Bạc thay thế ông ta, sau khi ông rời quyền lực cùng với Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Chu Vĩnh Khang đang bị điều tra về tội tham nhũng.

6.1. Bạc Hy Lai

Bạc Hy Lai sinh năm 1949, là hạt giống đỏ thuộc thế hệ thứ tư. Từng là Thị trưởng thành phố Đại Liên, Bộ trưởng Bộ Thương Mại, bí thư thành ủy Trùng Khánh.
Sự việc diễn ra trong giai đoạn chuyển giao quyền lực, cho nên được cho là một cuộc thanh trừng nội bộ, thường thấy trong lịch sử đảng CS nước nầy.

6.2. Liệt kê 7 tội của Bạc Hy Lai
Ngày 24-4-2012, trong khi chưa có tin chính thức của đảng Cộng Sản,  thì tạp chí Yazhu Zhoukan của HongKong đăng một bài kiệt kê 7 tội của Bạc Hy Lai.

Tội 1.
Tham nhũng và chuyển tiền ra nước ngoài, điều tra sơ khởi cho biết đã chuyển 6 tỷ USD ra ngoại quốc. Nhiều người khác có liên quan đến vụ việc.
Tội 2.
Lạm quyền. Cách chức giám đốc CA Trùng Khánh của Vương Lập Quân ngày 2-2-2012, với mục đích ngăn cản vụ điều tra vụ hạ độc Neil Heywood để bảo vệ vợ. Việc cách chức giám đốc Công an vi phạm luật nghiêm trọng, vì chỉ có Bộ trưởng CA mới có cái quyền đó.
Tội 3.
Có quan hệ chặt chẽ, không thích hợp, với người nước ngoài.
Tội 4.
Xử dụng phương tiện truyền thông riêng chỉ trích các lãnh đạo CS khác. Đã xuất hiện những tin tức cho rằng Bạc Hy Lai đang ôm mộng chạy đua với Tập Cận Bình.
Tội 5.
Ra lịnh cho giám đốc công an Vương Lập Quân cài thiết bị nghe lén điện thoại của một số quan chức, trong đó có Hồ Cẩm Đào.
Tội 6.
Chà đạp quy định pháp luật, bắt người, tra tấn, giam giữ mà không có chứng cớ , trong đó, có những người bị cho là “cái gai” cản trở trên đường sự nghiệp và kiếm tiền.
Tôi thứ 7.
Thành lập phe nhóm để cũng cố quyền lực và gây tổn hại đến trung ương. Còn liên hệ đến 2 vụ giết người khi làm thị trưởng thành phố Đại Liên. Đó là cái chết của con gái của cựu thị trưởng Đại Liên là Yuan Xianqian và người dẫn chương trình đài truyền hình đẹp nổi tiếng là Zhang Weijie, là người tình của Bạc Hy Lai, đã sinh đứa con gái. Trong cơn ghen, Cốc Khai Lai đã ra lịnh thủ tiêu người phụ nữ nầy.

Đó là những tội mà Bạc Hy Lai sẽ phải đối mặt.
Chung quanh vụ Bạc Hy Lai chỉ là một thảm kịch trong ván cờ chính, tức là thanh trừng lẫn nhau trong đảng Cộng Sản.


7- Hạt giống đỏ, thái tử đảng Bạc Qua Qua
Đặc tính chung của thái tử đảng là thế hệ nối tiếp nắm vai trò lãnh đạo đất nước, cụ thể là Kim Jong-un của Bắc Hàn. Và những Nông Quốc Tuấn (Con Nông Đức Mạnh), Nguyễn Thanh Nghị (Con Nguyễn Tấn Dũng), Nguyễn Chí Vịnh (Con Nguyễn Chí Thanh) …ở Việt Nam.


7.1. Cuộc sống xa hoa của thiếu gia nhà họ Bạc


Bạc Qua Qua sinh năm 1987, là con của Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai.


Năm 12 tuổi đã ra học ở nước ngoài.
Tại Anh Quốc, học tiểu học chi phí 40,000 USD/năm. Trung học danh tiếng nhất nước Anh là Harrow, Qua Qua là người Tàu duy nhất trong 850 nam sinh được tuyển chọn, chi phí 50,000 USD/năm.
Theo học các trường đại học danh tiếng nhất nước Anh và Hoa Kỳ. Đại học Oxford và Harvard, học phí từ 70,000 đến 90,000 USD/năm. Ở Mỹ, Qua Qua sống trong căn hộ 2 phòng ngủ ở tầng trệt của toà nhà 7 tầng, gần khuôn viên Đại Học Harvard, tiền thuê nhà 2,950 USD mỗi tháng, tính ra, chỉ riêng tiền thuê nhà là 35,400 USD/năm. Cộng với học phí là 125,400USD một năm. Chưa kể tiêu xài xa hoa phung phí.

7.2. Ăn chơi phung phí

Sở hữu hàng loạt siêu xe, phóng tay tổ chức những cuộc vui chơi “hoành tráng”. Tổ chức màn trình diễn của các võ sư Thiếu Lâm từ Trung Cộng sang, mời diễn viên Thành Long (Jackie Chan) sang Luân Đôn để chỉ nói chuyện phiếm.
Bạc Qua Qua (Bo Guagua)
Tờ Daily Mail (Anh) cho biết, Qua Qua là một tay chơi thật sự và đúng điệu. Chơi nhiều hơn học, các giáo sư nhận xét “Thiếu chuyên cần trong học tập” và bị đình chỉ một năm (ở lại lớp) do học kém. “Tiêu tiền không bao giở nghĩ, và có quan hệ khó khăn với sách vở”.

7.3. Bạc Qua Qua lên tiếng

“Học phí của tôi ở trường Harrow, Oxford và Harvard là nhờ sự trợ cấp hào phóng, mà mẹ tôi đã cần kiệm được trong những năm bà là luật sư và là người viết sách thành đạt”.

7.4. Tin đồn về việc xin tỵ nạn ở Hoa Kỳ

Mới đây, có tin đồn về việc Qua Qua xin tỵ nạn tại Mỹ. “Theo những gì mà chúng tôi biết, thì không có tin tức về việc xin tỵ nạn, anh ấy vẫn ở trường Harvard”, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao, Mark Toner cho báo chí biết như thế.

Báo chí đặt câu hỏi về tình trạng Visa đã quá hạn hay chưa?. Bà Victoria Nuland, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao cho biết: “Rất nhiều báo chí đưa tin rằng tình trạng của anh ấy ở Harvard rất tốt”. Hoa Kỳ từ chối bình luận về việc cấp visa cho Qua Qua. Thông thường, chiếu khán nhập cảnh để học có thời hạn, nếu không gia hạn, thì xem như đương phải rời khỏi Hoa Kỳ.

Bạn học cho biết là sau vụ Bạc Hy Lai bị cách chức, thì họ không thấy Bạc Qua Qua đến lớp nữa. Nếu không có gì thay đổi, thì Qua Qua sẽ tốt nghiệp chương trình thạc sĩ vào tháng 5 tới đây.

7.5. Bạc Qua Qua đang tìm cách che dấu tài sản
Ngày 20-4-2012, tờ Want Daily tiết lộ, Qua Qua đã đến gặp một người quen ở New York để lên kế hoạch chuyển tài sản gia đình đến một địa điểm bí mật, mục đích xoá bằng chứng mà chính quyền trong nước có thể xử dụng để chống lại cha của anh ta, đồng thời, cũng tránh việc HK có thể đóng băng tài sản, để giữ quan hệ tốt với Bắc Kinh.

Qua Qua hiện ở đâu thì không có ai biết rõ. Lãnh sự quán Trung Cộng ở HK đang tìm kiếm Qua Qua, và Trung Cộng cũng yêu cầu anh ta về nước.

Báo chí cho biết, sau một năm thực tập, kể từ khi tốt nghiệp, thì Qua Qua có đủ điều kiện để xin tỵ nạn tại Hoa Kỳ.

7.6. Cảnh sát Mỹ hộ tống Qua Qua ra khỏi nhà

Theo tờ Telegraph, Qua Qua mặc chiếc áo khoát đen, kéo theo chiếc va li nhỏ, rời căn hộ ở gần trường Harvard. Cậu không có vẻ sợ hãi, nhưng lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt khi đi cùng với cảnh sát.

Anh ta lo lắng cũng phải, vì e ngại HK làm vui lòng Bắc Kinh, sẽ trả anh ta về nước sau khi hết hạn visa. Trường hợp HK không cho Vương Lập Quân tỵ nạn, khiến cho hắn ta có thể bị kết án tử hình vì tiết lộ tài liệu bí mật quốc gia cho nước ngoài.



8- Kết

 

Bị tố cáo tham nhũng. Vương Lập Quân, Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang đều bị tố cáo tội tham nhũng. Thật ra, tham nhũng là con đẻ của chế độ độc tài Cộng Sản. Tham nhũng do cơ chế sinh ra. Hầu như các quan lớn ai ai cũng tham nhũng, cứ nhìn vào tài sản của họ thì biết ngay. Thế nhưng, những người bị tố cáo tham nhũng là những người bị ngã ngựa trong cuộc đấu đá tranh giành quyền lực.

Gia đình Bạch Hy Lai
Sống xa hoa phung phí và sa đọa. Sa đọa là con đẻ của tham nhũng. Cán bộ Trung Cộng và Việt Cộng đều giống nhau ở điểm nầy. Một Bạc Hy Lai với hơn 100 nhân tình, bồ nhí xinh đẹp ở Trung Cộng, thì ở Việt Nam có những Nguyễn Việt Tiến (thứ trưởng Giao Thông Vận Tải), Bùi Tiến Dũng (Vụ PMU.18), các quan chức Viện Kiểm Sát Nhân Dân ở Tân An, Lương Quốc Dũng, chuyên mua dâm trẻ em, hiệu trưởng Sầm Đức Xương mua trinh học sinh vị thành niên…
Về việc con cái du học nước ngoài. Bạc Qua Qua ở Trung Cộng, Kim Jong-un ở Bắc Hàn và con cái cán bộ lãnh đạo CSVN, là những hạt giống đỏ được bồi dưỡng ở những trường nổi tiếng nhất, học phí cao nhất… để nối tiếp cha, ông, cai trị đất nước, một mặt bảo vệ tài sản đã tham nhũng, mặt khác tiếp tục tham ô. Chỉ có con em của nhân dân anh hùng thì tiếp tục đi đánh giày, bàn vé số…”con sải ở chùa, thì đời đời kiếp kiếp vẫn đi quét lá đa ”.
Về thanh trừng. Độc tài là cha đẻ của thanh trừng. Đảng Cộng Sản không chỉ độc tài trong việc cai trị nhân dân, mà trong sinh hoạt đảng cũng không có dân chủ, cho nên mới có đấu đá nhau, tranh giành quyền lực. Phe thắng thế được gọi là anh hùng, vĩ đại, phe ngã ngựa thì bị hài tội tham nhũng, vi phạm luật pháp…

Thật ra, bọn chúng cũng chỉ là cá mè một lứa cả.


Trúc Giang
Minnesota ngày 5-2012

Saturday, June 16, 2012

phạm tín an ninh * Chuyện Con Dế



            
Nhờ có bạn bè lưu lạc khắp năm châu nên tôi được đi đây đi đó hơi nhiều, "tham quan" một số danh lam thắng cảnh của nhân gian. Nhưng tôi phải thành thật mà khoe rằng, có lẽ không có mùa hè ở nơi nào đẹp và khí hậu dễ thương cho bằng mùa hè ở mấy xứ Bắc Âu này. Khi tuyết vừa tan, mùa đông chưa kịp hẹn lời tái ngộ, thì ngàn cây nội cỏ đã đua nhau đâm chồi nẩy lộc để chào đón ánh mặt trời.

DU TỬ LÊ * Trầm Tử Thiêng, Kẻ Ngợi Ca Hạnh-Phúc-Chia-Lìa, Hay Nhà Tu Khổ Hạnh Trong Những Đêm Nằm Mộng Biển?



tramtuthieng
Ở thế hệ thứ hai của sinh hoạt 20 năm âm nhạc miền Nam, tính từ 1954 tới 1975, nếu có một người lặng lẽ nhất trong mọi sinh hoạt, khiêm tốn nhất trong mọi xuất hiện,  thì có lẽ, đó là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Thuộc thế hệ âm nhạc thứ hai, thế hệ lớn lên từ xương thịt miền nam Việt Nam, với những chói lòa của dòng văn chương Mai Thảo, Nguyên Sa, Vũ Khắc Khoan, Doãn Quốc Sỹ và những ca khúc  trữ tình của Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Cung Tiến, Phạm Duy, dòng văn học nghệ thuật từ miền Bắc vượt Bến Hải, vào miền Nam; Trầm Tử Thiêng đã mở lấy cho mình một lồng ngực âm nhạc mới. Những lượng khí trời canh tân, những phần máu thịt thế giới, tân kỳ, đã làm thành một Trầm Tử Thiêng của những ca khúc như Hương Ca Vô Tận. Như Kinh Khổ, như Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy.

Những ca khúc mang tên họ Trầm, xuất hiện đột ngột, rực rỡ, như một có mặt ngây ngất, choáng váng cảm thức, tâm hồn người nghe. Chỉ với tam cung, thay vì thất cung, chỉ với ba nốt nhạc đô, rê, mi trên thang nhạc 7 bậc, Trầm Tử Thiêng, cho tới hôm nay, là người đầu tiên, và cũng là người duy nhất, xử dụng để hoàn tất ca khúc Kinh Khổ. Một ca khúc bất hủ. Ca khúc dựa trên thang âm đều đặn của tiếng mõ. Tiếng mõ, nhịp đập chính của trái tim Phật Giáo hay trái tim dân gian Việt Nam.

Nhưng Trầm Tử Thiêng là ai? Rất ít người có thể thỏa mãn câu hỏi từng được cất lên ở cả hai miền Nam-Bắc trong những năm tháng đầu thập niên 60, kéo dài tới giữa thập niên 70.
Nhưng Trầm Tử Thiêng là ai? Rất ít người có thể thỏa mãn câu hỏi từng được cất lên trong các cộng đồng người Việt lưu vong ở khắp mọi nơi trên địa cầu tan tác này, sau khi  những ca khúc lớn lao, lồng lộng trời biển của họ Trầm được những thước băng nhựa chuyển tới những tâm hồn Việt Nam luân lạc như Lưu Vong Khúc Của Người Việt Nam, Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng, như Một Đời Aùo Mẹ Aùo Em,  như Hãy Vui Lên Khi  Lòng Còn Biết Buồn... Hoặc những ca khúc họ Trầm viết chung với Nhạc sĩ Trúc Hồ, một người trẻ, niềm hãnh diện của tuổi trẻ ở hải ngoại. Đó là những ca khúc như Bước Chân Việt Nam, Bên Em Đang Có Ta, hay Một Ngày Việt Nam, vân vân...

Câu hỏi khó được trả lời một cách thỏa đáng, bởi vì, sau bao nhiêu năm ở quê người, tài hoa và trí tuệ vạm vỡ kia, trái tim bát ngát nhân bản nọ, vẫn là một con người lặng lẽ nhất, trong mọi sinh hoạt, khiêm tốn nhất trong mọi xuất hiện.

Con người đó chính là Nguyễn Văn Lợi, người thấy giáo hiền hòa một thời với bảng đen phấn trắng. Con người đó, chính là Nguyễn Văn Lợi sinh năm 1937 tại Quảng Nam, với bài hát đầu tiên được phổ biến rộng rãi, nhan đề Rồi 20 Năm Sau (Lời của Mẹ) viết năm 1957.
Con người đó, con người Nguyễn Văn Lợi, một tên gọi khác của Trầm Tử Thiêng, trái ngược với bản chất khiêm tốn, ở lãnh vực âm giai và trí tuệ, ông lại luôn là kẻ mở đường, xốc tới những cánh rừng tâm linh, nhân bản chưa người khai phá. Con người đó, con người Trầm Tử Thiêng trong Nguyễn Văn Lợi, trái ngược với bản chất lặng lẽ, lại luôn là kẻ gieo mình lên đỉnh đầu những ngọn sóng quê hương, chọn đứng cheo leo trên những đỉnh dốc dân tộc và, tổ quốc.

Như khi thiên tai, khi trận bão Linda, vung lưỡi hái tử thần lên bao nhiều ngàn đồng bào sống dọc theo ven biển miền đông nam tổ quốc Việt, ông đã đứng lên trên mọi ngộ nhận, mọi kiêng cữ, mọi hiểm nguy, để banh ruột phơi gan ông ra, chia sẻ cùng ruột thịt, quê nhà. Trong tinh thần chia sẻ với ruột thịt ở trong tấm lòng mở ra cùg tận, nghiên lắng trái tim mình để chia xớt phần nào bất hạnh, Trầm Tử Thiêng viết Quê Nhà Còn Dông Bão. 

Như đã nói, trái tim họ Trầm, là trái tim chọn ở cùng những nhịp đập đất nước. Rung động của họ Trầm là những rung động cùng nhịp với ngọn triều thế sự. Trong nỗ lực đi tìm những ý nghĩa sâu thẳm của một đời người, trong lắng sâu để nghe được hơi thở tương lai, nhịp quay của lẽ tuần hoàn, thấp thoáng trong cách nhạc phẩm của họ Trầm còn là niềm tin yêu, những tiếng cười của nhịp vui sống. Điển hình cho nhân sinh quan đầy tính yêu người và yêu đời này, là ca khúc Hãy Vui Lên (Khi Lòng Còn Biết Buồn):

Hãy vui lên khi lòng còn biết buồn! đời cỏ cây yêu mưa thích nắng, nên xanh thêm lộc mới. Và giọt lệ nhân sinh quý giá như bao nhiêu nụ cười... Cứ vui chơi đến tận cùng vũ trụ - tội tình gì quanh năm ru rú giam chân nơi hẻo lánh - hẹn môt ngày anh em đánh chén say sưa trên Hỏa Tinh - Cứ quay quay theo vòng cờ thế sự - Như người  tù binh năm xưa - nay đã hiên ngang lên Đại sứ - Trở về Hỏa Lò nâng ly chếnh choáng, ôm vai từng kẻ thù... 

Dõi theo bước chân âm nhạc, khai phá của Trầm Tử Thiêng, từ Việt Nam qua tới quê người, có dễ Trầm Tử Thiêng là người nhạc sĩ duy nhất của chúng ta, đã bắt được nhịp đập cái trái tim thời sự, trái tim đất nước, cho nên trong cõi nhạc của ông, lúc nào cũng tươi rói những dự kiện thời sự, và luôn cả những tựu thành tốt đẹp của nhân loại nữa. Nhạc sĩ Anh Bằng từng thán phục họ Trầm ở lãnh vực này. Ông nói:
“Trầm Tử Thiêng có một khả năng đặc biệt, hơn tôi rất xa. Đó là khả năng nhậy bén của một nhạc sĩ viết được những ca khúc giá trị cho chiến dịch...”

Riêng tôi, tôi vẫn nghĩ, Trầm Tử Thiêng không chỉ là kẻ viết sử bằng âm nhạc mà, ông chính là nhân chứng của từng giai đoạn lịch sử đa đoan, hàm hỗn của đất nước.   

Nếu trong âm nhạc, Trầm Tử Thiêng luôn là kẻ đi đầu, kẻ dẫn đường vạm vỡ, hăm hở thì trong đời sống cá nhân, ông lại là kẻ rất đìu hiu, cô quạnh, trong đời sống hàng ngày. Và ông càng đìu hiu cô quạnh hơn nữa, trong đời sống tình cảm? Chưa một người bạn thân thiết nào của họ Trầm, được nghe ông tâm sự về đời sống tình cảm của ông. Không dưới một người bạn của họ Trầm từng dùng hình ảnh một nhà tu khổ hạnh, như dấu vết nhận dạng con người, đời sống của Trầm Tử Thiêng / Nguyễn Văn Lợi.

Nhưng sự thực không phải thế. Sự thực trái ngược hẳn. Nếu ở mặt quê hương, Trầm Tử Thiêng là kẻ chọn gieo mình lên đỉnh đầu ngọn sóng quê hương, chọn đứng cheo leo trên những ngọn dốc dân tộc; là nhân cách âm nhạc Trầm Tử Thiêng, thứ nhất; thì, trong tình yêu, họ Trầm chọn làm người tình thủy chung với những đổ vỡ, những bất hạnh, chia, lìa. Tôi có cảm tưởng như tính thủy chung, lòng bao dung của họ Trầm là nhân cách âm nhạc thứ hai của đời nhạc Trầm Tử Thiêng.

Năm 1970, khi ngồi xuống, trầm mình trong nhát chém tình yêu, mang tên hạnh-phúc- chia-lìa; ve vuốt, âu yếm vết thương của mình, ông viết:
Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời - thì hãi hùng hoàng hôn trờ tới - Ta nghiêng vai soi lại tình người - thì bóng chiều chìm xuống đôi môi- Đang mân mê cho đời nở hoa chợt bàng hoàng đến kỳ trăn trối - Đang nâng niu cuộc tình lộng lẫy - bỗng ngỡ ngàng vụt mất trong tay - Ta khổ đau một đời, để chết trong tình cờ- Ta tìm nhau một thời, để mất nhau vài giờ - Bàn tay làm sao níu, một đời vừa đi qua- bàn tay làm sao giữ, một thời yêu thiết tha - Mang ơn em, trao tặng một lần- là kỷ niệm dù không đầm ấm - mang ơn em đau khổ thật đầy- là nắng vàng dù nhốt trong mây - mang ơn trên cho cuộc đời ta- vài vạn ngày gió cuồng mưa lũ- trăm cơn đau, một vầng nhang khói - kéo ta về, về cõi hư vô. 

Đó là Tưởng Niệm, đó là kỷ niệm dù không đầm ấm của Trầm Tử Thiêng, nhưng nó cũng là tưởng niệm, là kỷ niệm của bao nhiêu thế hệ tuổi trẻ  Việt Nam.

Năm 1985, mười năm sau cuộc chia tay với người yêu vì biến cố 30 tháng 4-75, họ Trầm lại ngồi xuống, lại trầm mình trong nhát chém tình yêu, mang tên hạnh-phúc- chia-lìa, lạïi vuốt ve, âu yếm vết thương của mình, ông viết:
Mười năm yêu em, em thấy đời mộng mị- mười năm yêu em, ta thấy tình cuồng si - mười năm yêu em, ta hóa thành chiếc lá trôi theo từng cơn lũ của kiếp sống - Tình chưa yên vui, bên sóng đời cuồng nộ - chợt đêm chia phôi, ngăn cách một đại dương - nhiều đêm gian nan, ta ngỡ mình sắp đuối - nhưng em, tình vẫn hát từ bến chờ - Ôi ta nhớ những đêm nằm mộng biển - hồn ta bay trên đôi cánh reo mừng - giữa cằn cỗi, chợt nghe tình xao xuyến - ngỡ môi em thầm đợi những mùa xuân - Dường như trong Ta, em có điều tuyệt vọng - dường như trong Em, ta vẫn đầy hoài mong - Mười năm yêu em cũng sẽ là mãi mãi - xin em cùng ta hát để nhớ hoài...

Đó là Mười Năm Yêu Em của Trầm Tử Thiêng. Cũng như tình khúc Tưởng Niệm, sáng tác cách đó 15 năm năm, giữa quê nhà, tình khúc Mười Năm Yêu Em của họ Trầm, ở quê người, đã lập tức trở thành tiếng hát trên môi, người tình trong tâm tưởng của những người yêu nhạc trong và ngoài đất nước.
Và, phải chăng, người con gái trong tình khúc Mười Năm Yêu Em của Trầm Tử Thiêng, cho đến ngày hôm nay, đã trên mười năm nữa trôi qua, nhưng cô vẫn còn muốn hát cùng họ Trầm bài ngợi ca hạnh-phúc-chia-lìa cho tới cuối đời cô, nên họ Trầm sẽ còn mãi mãi là một nhà tu khổ hạnh trong những đêm nằm mộng biển?

Friday, June 15, 2012

Kiều Phong (LTĐ) - Tống Cổ về Việt Nam ăn…

                    
Ông Võ văn Ái là chủ nhiệm tờ Quê Mẹ. Ông Nguyễn viết Ty là chủ nhiệm tờ Đoàn Kết. Cả hai tờ cùng xuất bản ở thủ đô nước Pháp nhưng lập trường đối nghịch nhau như sáng với tối, như địa ngục và thiên đường, như chiến sĩ quốc gia và bồi bút Cộng sản.
Tờ Quê Mẹ, như phần lớn những tờ báo của người Việt lưu vong, thường đem tội lỗi của Đảng Cộng sản Việt nam ra phân tích cặn kẽ, châm trích cay nghiệt. Tờ Đoàn Kết thì như tất cả những tờ báo của những đảng viên cộng sản trẻ tuổi, đang lớn, ra công bảo vệ sự sáng suốt của Đảng cũng như sự rực rỡ tên vàng của bác Hồ, khoe khoang nước giàu dân mạnh, Việt nam đói rách hiện nay chính là đuốc soi đường cho nhân loại…

phan bá thụy dương * Túy Mộng Du Du Hề 3 * Thư họa: Đào Phương


               

  
3- bài cho Hà Thưng Nhân

về đâu cánh vạc Chân Như
có qua thủy mộ huyết hư chập chờn

người đi sấm vỗ hoàng hôn
nhịp khua long trượng
động hồn lửa thiêng

nhập dòng sinh hoá vô biên
biển mê bến ngộ đôi miền tịch lương
bay đi - lão hạc vô thường !


phan bá thụy dương * Tuý Mộng Du Du Hề 2 * Thư Họa Đào Phương


                     


2- bài cho Trn Tun Kit

cõi trần thế lỡ đam mê sa đọa
mải rong chơi người lạc lối quay về

đồng cỏ thấp bập bềnh con nước nổi
thôi - sá gì bụi ám áng Kinh Thi

đã biết nhược mộng chỉ là bào ảnh
sao rượu nồng chưa lắng nỗi cuồng si ?

phan bá thụy dương * Túy Mộng Du Du Hề 1 * Thư họa: ĐÀO PHƯƠNG



    1- bài cho Tường Linh


chung trà chén rượu u minh
thảo trang đường trúc,
một mình quạnh hiu

Ngủ Hành đá dựng xiêu xiêu
có hay tâm tịnh, sắc chiều mang mang ?

hỏi người mài kiếm dưới trăng
ngựa xưa ẩn mật hoá thân bao giờ
chim hồng đã mỏi cánh chưa ?


Đặng Tiến * NHỚ CỐ HƯƠNG XAO XUYẾN TẤC LÒNG



Chuyện Hòn Vọng Phu nằm trong truyền thuyết dân gian, có ghi lại trong phần phụ lục Lĩnh Nam Chích Quái [i], một tập truyện dân gian bằng chữ Hán, xuất hiện rất sớm, có lẽ từ thời Trần. Riêng phần phụ lục, thì người đời sau thêm thắt vào, có lẽ đầu thời Lê.

Friday, June 8, 2012

TRẦN TUẤN KIỆT * BÊN SÔNG TRẦN GIỚI

tranh Trương Thị Thịnh
















Non thần xa cách ngàn xưa
Hạc về gợi tiếng sầu đưa muôn trùng

Bến bờ sóng lớp mênh mông
Trăng khuya vàng rụng mấy tầng trời xa

Con thuyền giọng hát đêm qua
Ngỡ như Thần Hạc ngân nga giữa trời

Giòng sông chảy lạnh về khơi
Mộng trường sinh cuộn bến đời ngược xuôi

 
Trần Tuấn Kiệt