Ở thế hệ thứ hai của sinh hoạt 20 năm âm nhạc miền Nam, tính từ 1954 tới 1975, nếu có một người lặng lẽ nhất trong mọi sinh hoạt, khiêm tốn nhất trong mọi xuất hiện, thì có lẽ, đó là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Thuộc thế hệ âm nhạc thứ hai, thế hệ lớn lên từ xương thịt miền nam Việt Nam, với những chói lòa của dòng văn chương Mai Thảo, Nguyên Sa, Vũ Khắc Khoan, Doãn Quốc Sỹ và những ca khúc trữ tình của Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Cung Tiến, Phạm Duy, dòng văn học nghệ thuật từ miền Bắc vượt Bến Hải, vào miền Nam; Trầm Tử Thiêng đã mở lấy cho mình một lồng ngực âm nhạc mới. Những lượng khí trời canh tân, những phần máu thịt thế giới, tân kỳ, đã làm thành một Trầm Tử Thiêng của những ca khúc như Hương Ca Vô Tận. Như Kinh Khổ, như Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy.
tramtuthieng |
Những ca khúc mang tên họ Trầm, xuất hiện đột ngột, rực rỡ, như một có mặt ngây ngất, choáng váng cảm thức, tâm hồn người nghe. Chỉ với tam cung, thay vì thất cung, chỉ với ba nốt nhạc đô, rê, mi trên thang nhạc 7 bậc, Trầm Tử Thiêng, cho tới hôm nay, là người đầu tiên, và cũng là người duy nhất, xử dụng để hoàn tất ca khúc Kinh Khổ. Một ca khúc bất hủ. Ca khúc dựa trên thang âm đều đặn của tiếng mõ. Tiếng mõ, nhịp đập chính của trái tim Phật Giáo hay trái tim dân gian Việt Nam.
Nhưng Trầm Tử Thiêng là ai? Rất ít người có thể thỏa mãn câu hỏi từng được cất lên ở cả hai miền Nam-Bắc trong những năm tháng đầu thập niên 60, kéo dài tới giữa thập niên 70.
Nhưng Trầm Tử Thiêng là ai? Rất ít người có thể thỏa mãn câu hỏi từng được cất lên trong các cộng đồng người Việt lưu vong ở khắp mọi nơi trên địa cầu tan tác này, sau khi những ca khúc lớn lao, lồng lộng trời biển của họ Trầm được những thước băng nhựa chuyển tới những tâm hồn Việt Nam luân lạc như Lưu Vong Khúc Của Người Việt Nam, Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng, như Một Đời Aùo Mẹ Aùo Em, như Hãy Vui Lên Khi Lòng Còn Biết Buồn... Hoặc những ca khúc họ Trầm viết chung với Nhạc sĩ Trúc Hồ, một người trẻ, niềm hãnh diện của tuổi trẻ ở hải ngoại. Đó là những ca khúc như Bước Chân Việt Nam, Bên Em Đang Có Ta, hay Một Ngày Việt Nam, vân vân...
Câu hỏi khó được trả lời một cách thỏa đáng, bởi vì, sau bao nhiêu năm ở quê người, tài hoa và trí tuệ vạm vỡ kia, trái tim bát ngát nhân bản nọ, vẫn là một con người lặng lẽ nhất, trong mọi sinh hoạt, khiêm tốn nhất trong mọi xuất hiện.
Con người đó chính là Nguyễn Văn Lợi, người thấy giáo hiền hòa một thời với bảng đen phấn trắng. Con người đó, chính là Nguyễn Văn Lợi sinh năm 1937 tại Quảng Nam, với bài hát đầu tiên được phổ biến rộng rãi, nhan đề Rồi 20 Năm Sau (Lời của Mẹ) viết năm 1957.
Con người đó, con người Nguyễn Văn Lợi, một tên gọi khác của Trầm Tử Thiêng, trái ngược với bản chất khiêm tốn, ở lãnh vực âm giai và trí tuệ, ông lại luôn là kẻ mở đường, xốc tới những cánh rừng tâm linh, nhân bản chưa người khai phá. Con người đó, con người Trầm Tử Thiêng trong Nguyễn Văn Lợi, trái ngược với bản chất lặng lẽ, lại luôn là kẻ gieo mình lên đỉnh đầu những ngọn sóng quê hương, chọn đứng cheo leo trên những đỉnh dốc dân tộc và, tổ quốc.
Như khi thiên tai, khi trận bão Linda, vung lưỡi hái tử thần lên bao nhiều ngàn đồng bào sống dọc theo ven biển miền đông nam tổ quốc Việt, ông đã đứng lên trên mọi ngộ nhận, mọi kiêng cữ, mọi hiểm nguy, để banh ruột phơi gan ông ra, chia sẻ cùng ruột thịt, quê nhà. Trong tinh thần chia sẻ với ruột thịt ở trong tấm lòng mở ra cùg tận, nghiên lắng trái tim mình để chia xớt phần nào bất hạnh, Trầm Tử Thiêng viết Quê Nhà Còn Dông Bão.
Như đã nói, trái tim họ Trầm, là trái tim chọn ở cùng những nhịp đập đất nước. Rung động của họ Trầm là những rung động cùng nhịp với ngọn triều thế sự. Trong nỗ lực đi tìm những ý nghĩa sâu thẳm của một đời người, trong lắng sâu để nghe được hơi thở tương lai, nhịp quay của lẽ tuần hoàn, thấp thoáng trong cách nhạc phẩm của họ Trầm còn là niềm tin yêu, những tiếng cười của nhịp vui sống. Điển hình cho nhân sinh quan đầy tính yêu người và yêu đời này, là ca khúc Hãy Vui Lên (Khi Lòng Còn Biết Buồn):
Hãy vui lên khi lòng còn biết buồn! đời cỏ cây yêu mưa thích nắng, nên xanh thêm lộc mới. Và giọt lệ nhân sinh quý giá như bao nhiêu nụ cười... Cứ vui chơi đến tận cùng vũ trụ - tội tình gì quanh năm ru rú giam chân nơi hẻo lánh - hẹn môt ngày anh em đánh chén say sưa trên Hỏa Tinh - Cứ quay quay theo vòng cờ thế sự - Như người tù binh năm xưa - nay đã hiên ngang lên Đại sứ - Trở về Hỏa Lò nâng ly chếnh choáng, ôm vai từng kẻ thù...
Dõi theo bước chân âm nhạc, khai phá của Trầm Tử Thiêng, từ Việt Nam qua tới quê người, có dễ Trầm Tử Thiêng là người nhạc sĩ duy nhất của chúng ta, đã bắt được nhịp đập cái trái tim thời sự, trái tim đất nước, cho nên trong cõi nhạc của ông, lúc nào cũng tươi rói những dự kiện thời sự, và luôn cả những tựu thành tốt đẹp của nhân loại nữa. Nhạc sĩ Anh Bằng từng thán phục họ Trầm ở lãnh vực này. Ông nói:
“Trầm Tử Thiêng có một khả năng đặc biệt, hơn tôi rất xa. Đó là khả năng nhậy bén của một nhạc sĩ viết được những ca khúc giá trị cho chiến dịch...”
Riêng tôi, tôi vẫn nghĩ, Trầm Tử Thiêng không chỉ là kẻ viết sử bằng âm nhạc mà, ông chính là nhân chứng của từng giai đoạn lịch sử đa đoan, hàm hỗn của đất nước.
Nếu trong âm nhạc, Trầm Tử Thiêng luôn là kẻ đi đầu, kẻ dẫn đường vạm vỡ, hăm hở thì trong đời sống cá nhân, ông lại là kẻ rất đìu hiu, cô quạnh, trong đời sống hàng ngày. Và ông càng đìu hiu cô quạnh hơn nữa, trong đời sống tình cảm? Chưa một người bạn thân thiết nào của họ Trầm, được nghe ông tâm sự về đời sống tình cảm của ông. Không dưới một người bạn của họ Trầm từng dùng hình ảnh một nhà tu khổ hạnh, như dấu vết nhận dạng con người, đời sống của Trầm Tử Thiêng / Nguyễn Văn Lợi.
Nhưng sự thực không phải thế. Sự thực trái ngược hẳn. Nếu ở mặt quê hương, Trầm Tử Thiêng là kẻ chọn gieo mình lên đỉnh đầu ngọn sóng quê hương, chọn đứng cheo leo trên những ngọn dốc dân tộc; là nhân cách âm nhạc Trầm Tử Thiêng, thứ nhất; thì, trong tình yêu, họ Trầm chọn làm người tình thủy chung với những đổ vỡ, những bất hạnh, chia, lìa. Tôi có cảm tưởng như tính thủy chung, lòng bao dung của họ Trầm là nhân cách âm nhạc thứ hai của đời nhạc Trầm Tử Thiêng.
Năm 1970, khi ngồi xuống, trầm mình trong nhát chém tình yêu, mang tên hạnh-phúc- chia-lìa; ve vuốt, âu yếm vết thương của mình, ông viết:
Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời - thì hãi hùng hoàng hôn trờ tới - Ta nghiêng vai soi lại tình người - thì bóng chiều chìm xuống đôi môi- Đang mân mê cho đời nở hoa chợt bàng hoàng đến kỳ trăn trối - Đang nâng niu cuộc tình lộng lẫy - bỗng ngỡ ngàng vụt mất trong tay - Ta khổ đau một đời, để chết trong tình cờ- Ta tìm nhau một thời, để mất nhau vài giờ - Bàn tay làm sao níu, một đời vừa đi qua- bàn tay làm sao giữ, một thời yêu thiết tha - Mang ơn em, trao tặng một lần- là kỷ niệm dù không đầm ấm - mang ơn em đau khổ thật đầy- là nắng vàng dù nhốt trong mây - mang ơn trên cho cuộc đời ta- vài vạn ngày gió cuồng mưa lũ- trăm cơn đau, một vầng nhang khói - kéo ta về, về cõi hư vô.
Đó là Tưởng Niệm, đó là kỷ niệm dù không đầm ấm của Trầm Tử Thiêng, nhưng nó cũng là tưởng niệm, là kỷ niệm của bao nhiêu thế hệ tuổi trẻ Việt Nam.
Năm 1985, mười năm sau cuộc chia tay với người yêu vì biến cố 30 tháng 4-75, họ Trầm lại ngồi xuống, lại trầm mình trong nhát chém tình yêu, mang tên hạnh-phúc- chia-lìa, lạïi vuốt ve, âu yếm vết thương của mình, ông viết:
Mười năm yêu em, em thấy đời mộng mị- mười năm yêu em, ta thấy tình cuồng si - mười năm yêu em, ta hóa thành chiếc lá trôi theo từng cơn lũ của kiếp sống - Tình chưa yên vui, bên sóng đời cuồng nộ - chợt đêm chia phôi, ngăn cách một đại dương - nhiều đêm gian nan, ta ngỡ mình sắp đuối - nhưng em, tình vẫn hát từ bến chờ - Ôi ta nhớ những đêm nằm mộng biển - hồn ta bay trên đôi cánh reo mừng - giữa cằn cỗi, chợt nghe tình xao xuyến - ngỡ môi em thầm đợi những mùa xuân - Dường như trong Ta, em có điều tuyệt vọng - dường như trong Em, ta vẫn đầy hoài mong - Mười năm yêu em cũng sẽ là mãi mãi - xin em cùng ta hát để nhớ hoài...
Đó là Mười Năm Yêu Em của Trầm Tử Thiêng. Cũng như tình khúc Tưởng Niệm, sáng tác cách đó 15 năm năm, giữa quê nhà, tình khúc Mười Năm Yêu Em của họ Trầm, ở quê người, đã lập tức trở thành tiếng hát trên môi, người tình trong tâm tưởng của những người yêu nhạc trong và ngoài đất nước.
Và, phải chăng, người con gái trong tình khúc Mười Năm Yêu Em của Trầm Tử Thiêng, cho đến ngày hôm nay, đã trên mười năm nữa trôi qua, nhưng cô vẫn còn muốn hát cùng họ Trầm bài ngợi ca hạnh-phúc-chia-lìa cho tới cuối đời cô, nên họ Trầm sẽ còn mãi mãi là một nhà tu khổ hạnh trong những đêm nằm mộng biển?