văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, June 21, 2012

LINH PHƯƠNG * GẶP BẠN Ở NGÃ BA SÔNG












Gặp bạn ngã ba sông chợ họp
Xuồng tiếp xuồng- ghe đậu sát ghe
Hàn huyên chờ lúc mưa tạnh hột
Ta đứng lên từ giã ra về
Bạn níu tay chẳng cho rời bước
Mấy chục năm trời mới gặp nhau
Mồi sẵn – rượu ngon- ta bày cuộc
Lai rai đánh trận giải cơn sầu
Uống hơn nửa lít. Bạn bật khóc
Nhắc chuyện ngày xưa- chuyện bây giờ
Góc núi- đầu non- đầy ký ức
Binh lửa mờ mờ trong giấc mơ
Hề chi, quá khứ thời trai trẻ
Mộng nuôi chí lớn luận anh hùng
Vạch kiếm ngang trời ta ngạo nghễ
Hào sảng cười khà chốn ba quân

Nhớ khi hai đứa ngồi quán cóc
Mua gói mì tôm nhậu ngon lành
Chừng ba xị đế. Bạn cà gật
Chỉ mình ta độc ẩm một mình
Mà thôi, quên hết đi bạn nhé !
Chớ để bận lòng đau thắt gan
Thời thế- thế thời- thời phải thế
Hảo hán ta vui với ruộng đồng
Dzô dzô trăm phần trăm nốc cạn
Mừng người biệt xứ bạc tóc xanh
Sông nước còn thương đời lận đận
Thì nói chi câu tống biệt hành
Bên kia tràm – đước- xanh ngút mắt
Rừng chắc chạy dài cuối chân mây
Chiều nghiêng vạt nắng- buồn hiu hắt
Rơi xuống môi mềm chưa biết say
Dzô dzô trăm phần trăm nốc cạn
Đừng nói lan man chuyện tầm phào
Chơi hết hôm nay bên bầu bạn
Mai mốt ta về quê cắm câu

* trích trong : TBCK

 

Trần Vấn Lệ * Anh Diệu [*] Thôi Đi Nhé Nhẹ Nhàng



Người nhẹ nhàng đi, đi nhẹ nhàng
  Bảy mươi sáu tuổi bóng sương tan
  Ngày nao giấc mộng phơi trăng cát
  Giờ chút hồn mơ núp cỏ vàng!

  Níu áo người đi, vén áo mình
  Cài chi đây vậy lệ long lanh?
  Lau hoài mà mắt sao không ráo
  Mà máu trời ơi máu lạnh tanh!

  Máu chẳng một lần tung tóe lửa
  Đời trai ai khiến quỵ quê người?
  Rồi đây trong chiếc bình tro cốt
  Trăng cát mờ thôi Non Nước ơi!

  Rồi đây bốn bánh xe lăn khựng
  Cây gậy đìu hiu một góc sân
  Cái ống điếu nằm bên gốc liễu
  Khói không còn quyện tóc giai nhân…

  Nhớ anh sang sảng bài thơ Lính
  Cũng nhớ anh mềm mại tiếng Em
  Một kiếp nam nhi hai thế giới
  Thật lòng thì chỉ một con tim!

  Anh Diệu thôi đi nhé nhẹ nhàng
  Cầm như lát nữa bóng trăng tan
  Cầm như lát nữa tôi về…hết
  Rồi sáng mai buồn lại chứa chan!

  Trần Vấn Lệ



Tô Mặc Giang và Hà Ly Mạc - ảnh pbtd
       
               [*] : tức thi sĩ Hà Ly Mạc, khóa 16 Võ Bị Đà Lạt.

    Anh mất ngày 20 tháng 06 năm 2012 tại
San José – CA         

NGUYỄN TRUNG DŨNG * Cái Chết Về Như Lá Mùa Thu


tranh Đằng Giao


“hãy để cuộc đời tươi đẹp như hoa
 và hãy để cái chết về như lá mùa Thu”
 [Tagor]


Trên lầu cao, từ cửa sổ ngó xuống phố, mắt ông đăm chiêu nhìn những cái lá. Những cái  lá trên  ngọn của một cây sồi già. Những cái lá đó, trước khi bắt đầu thành hình, chúng chỉ là những cái trồi non mới nhú. Trồi nom như những cái cựa gà. Những cái cựa lớn dần rồi dài ra. Chúng hình thoi. Màu trắng. Màu của những đọt măng.

Suốt nhiều tháng, trên lầu cao, từ cửa sổ ngó xuống  phố, ông thấy chúng đã mang hình thể của những cái lá hình thoi, cuống dính vào cành, màu nom  xanh  hơn, mỗi sớm mai thức dậy, ngồi uống chén trà, ông nghe chúng mừng vui trò chuyện.

Nhưng hôm nay, trên lầu cao, từ cửa sổ ngó xuống phố, bầu trời ủng sũng màu chì, mưa phùn với những hạt mưa nhỏ như bụi, những chiếc lá treo thân trên  cành, chúng  đã bắt đầu ngả sang màu vàng. Màu vàng của bệnh tật. Màu vàng của tuổi già. Màu vàng của chết chóc. Màu vàng đó, là triệu  chứng  báo trước cho chúng biết, sớm muộn gì, những cái lá treo thân trên cành sẽ phải rụng.

Cuối Thu, những cơn gió heo may, những mảng mây màu xanh lơ, những cánh đồng hoa cúc trắng, thời tiết và cảnh vật  đã đổi khác. Những  trận cuồng phong, những cơn mưa giông, chúng bất thần kéo đến để báo hiệu cho mùa Đông. Và mùa Đông năm nay, đổ về miền Bắc, có hai cơn bão.

Suốt nhiều ngày trong tuần, đứng  trên  lầu cao, từ  cửa sổ  nhìn xuống phố, ông thấy những cái lá vàng còn cố bám trên cành, chúng run rẩy, những cái lá đã lìa khỏi cành, chúng nằm im bất động như xác của những con bướm, cánh  dính trên mặt đường nhớp nháp bùn và nước. Nhìn cảnh vật cây cối chung quanh, cũng là lúc, ông  nghĩ  đến ông. Ông nghĩ gì. Ông nghĩ, những cái lá đang rủ nhau lìa cành, những cái lá  nằm dưới  mặt đường của con phố kia, chúng và ông có khác gì nhau đâu.

Rồi ông suy ra, từ lúc là một đứa bé, là một  cái trồi  non, là một người trưởng thành, là một cái lá đang tươi tốt, là một ông già, là một cái lá đã ngả sang màu vàng, là một cái xác vô hồn, là những cái  lá nom như những con  bướm nằm trên mặt đường, tận cùng của hiện hữu là cái chết. Chết.

Ông ngồi, vẫn trên lầu cao, từ cửa sổ nhìn xuống phố, mắt đăm đăm ngó những cái cành khẳng khiu trơ trụi, ngó bầu trời mây bao phủ màu xám chì, ngó những  tầu lá ở ngọn những cây dừa già đang lắc lư chao đảo, ngó những giọt  mưa nặng hạt đang xối xả ném xuống mặt đường của con phố, ngó những cái mái màu xám của những ngôi nhà ở hai bên vỉa hè, chưa  lúc nào  bằng  lúc này, cái chết bắt đầu ám ảnh ông. Sợ. Không. Ông chẳng có gì để phải sợ cả. Cái chết là một điều tất yếu phải  đến, đến lặng lẽ, đến một cách bất ngờ, đến không cần báo trước, đến như  một  người  khách lạ, đến với ông hay đến với bất cứ ai, không ngoại lệ và miễn trừ.

Cái chết, dù muốn hay không, dù sớm hay muộn, dù lâu hay mau, thì cái chết sẽ về như lá mùa Thu. Cái chết như một ngọn nến đã đến lúc tàn, lửa phải lụi. Cái chết ở tuổi một người già sức đã yếu, lực đã kiệt, đi bình yên thanh thản.

Đêm qua, khó ngủ nên ông thức rất khuya. Vẫn trên lầu cao, từ cửa  sổ, thay vì nhìn xuống con phố, ông đã ngồi dưới ngọn đèn có ánh sáng đủ để nhìn thấy những hàng  chữ, sách  cầm  tay, ông lặng  lẽ  đọc. Ông  đọc cái gì. Ông  đọc cuốn  “The  story  of philosophy” của Will  Durant. Có đoạn trong sách, Will Durant nhắc lại về cái chết của Socrate được Platon kể . Khi người giữ ngục đi vào với  chén thuốc cầm ở tay, người đó đưa cho Socrate vừa bảo rằng:
“Uống thuốc xong, ông có thể đi dạo. Chừng  nào thấy hai chân bắt đầu nặng, ông trở lại giường rồi nằm xuống chờ cho chất độc dẫn đến tim”.
Thái độ thản nhiên bình tĩnh, Socrate  đưa tay cầm lấy chén thuốc. Lúc Socrate uống, mọi người đứng chứng kiến thẩy đều xúc động. Có kẻ không cầm được nước mắt đã bật khóc. Thấy thế, Socrate đưa mắt nhìn  các môn  đệ, chỉ  khẽ bảo rằng:
“Hãy cứ vui. Các con chôn chỉ chôn cái thể xác của thầy”.
 Người giữ  ngục quan  sát  chân  tay ông, chốc chốc lại hỏi:
“Ông cảm thấy gì chưa”.
Socrate bảo chưa. Nhưng  khi  hai chân đã cứng, sống lưng đã lạnh, Socrate tự tay kéo bỏ  tấm vải  che mặt, trước  khi trút  hơi  thở  cuối cùng, ông  nói:
“Thầy nợ Aslepius một con gà. Con gắng trả giúp thầy món nợ đó”.
Nói rồi, mắt nhắm, ông lặng lẽ ra đi.   

Không giống như những cái lá cuối Thu là lúc tận số phải lìa cành, cái chết của Socrate là cái chết bị bức tử. Rồi đây, ông cũng  sẽ ra đi vĩnh viễn, có thể là ngày mai, có thể là người mốt, có thể là tháng sau, cũng có thể không chừng là tháng sau nữa. Cái mốc thời gian đã ấn định cho mỗi người không có trường hợp ngoại  lệ và miễn trừ, vậy thì, ông cần gì phải lo lắng và bận tâm nghĩ đến. Dù biết rằng, không lúc nào bằng lúc này, ông biết cái chết  đang  rình  rập ông ở đâu đó, rất  gần, đến  độ ông có thể đưa tay ra chạm được nó, có  thể  nhìn  thấy hai con  mắt của nó như hai mắt của một con chó rừng trong bóng tối của đêm đen. Nó đã xuất hiện và đến đứng đó đợi chờ, rình rập.

Trên lầu cao, nhìn xuống đường qua kính cửa sổ, sáng nay khác với mọi sáng, cái ghế của ông thường ngồi đã không có ông ngồi. Ở cái giường đáng lẽ là cái ghế ông ngồi mỗi sáng để nhìn xuống dẫy phố, nhìn cái cây chỉ còn những cành nhánh khẳng khiu, trơ trụi, thì  nay, ở một  căn  phòng cũng có cửa sổ gắn kính, căn  phòng ở lầu 4 của một bệnh viện, ông đang nằm.

Nằm trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Lúc mê, ông hoàn toàn vô thức. Lúc tỉnh, trí nhớ hồi phục giúp ông còn nhận biết được sự việc đã qua và mọi vật diễn  biến  ở  trong căn phòng. Nằm trên giường, có lúc nhìn qua kính cửa sổ, ông  thấy có  một  con  chim. Con chim lông sắc xám. Nó có hót hay không ông không biết. Với  bức  tường  cách âm, cho dù nó có hót, ông cũng chẳng thể nghe được tiếng hót của nó.

Giờ đây, cái nhớ giúp ông nhớ được phần nào những chuyện đã qua. Nhưng  cái nhớ chỉ là những thước phim chiếu lại trên màn hình thường hay bị gián  đoạn hoặc nhòe  nhoẹt vì, óc não ông đã không còn có đủ khả năng bảo  tồn và gợi lại những sự  việc  trước đó đã xẩy ra. Những sự việc đó là những sự việc gì. À, hồi  tưởng lại những cái rất gần, rất rõ, rất cụ thể, ông nhớ đêm qua, hình như lúc đó đã quá  nửa  đêm, hình  như  trong  khi ông đọc xong cuốn sách  viết về cái  chết  của Socrate, ừ, phải  rồi, cái đoạn Socrate đã lạnh chân cẳng, Socrate đã  lạnh  sống lưng, Socrate đã kéo cái khăn che mặt, Socrate đã trăn trối với Citron là trả lại cho Aslepius  một  con gà, thì cũng là lúc, ông thấy máu dồn lên đầu, ông đột quỵ. Rồi sao nữa nhỉ. Rồi trong một cái xe có hú còi, cái xe phóng hết tốc độ trên  đường phố. Nó chạy nhanh  như thế để làm gì. Nó chạy nhanh như thế để rồi sẽ đi đến đâu. Ông thắc mắc đặt câu hỏi nhưng câu hỏi đó, chẳng có ai quan tâm đến ông để trả lời.

Bây giờ, nằm trên cái giường ở trong bệnh viện, lúc hồi tỉnh và nhớ lại được, ông đã có câu trả lời về cái xe đó vì sao  nó đã  hú  còi, và đã  phóng  với  tốc độ quá nhanh trong đêm  tối. Và  bây  giờ, cũng là  lúc  qua  kính  cửa  sổ,  buổi  sáng  ông  nhìn  thấy  con “hummingbird” đậu trên một cành cây. Bầu trời vẫn  màu  xám chì. Mưa vẫn chỉ là cơn mưa bụi. Và chỗ ông đang ở, chưa lúc nào  bằng  lúc này, ông  nhận  thức  một  cách  rõ ràng và chính xác, chính đây là lằn ranh phân  biệt một bên là cõi sinh và bên kia là cõi tử.

Nửa khuya, như một người chết đuối, chìm ở dưới nước, chân tay quờ quạng, hơi thở bị ngộp, thì chính là lúc, ông không còn chủ động để tự cứu mình được nữa. Khi cây kim ngắn và cây kim dài cùng chặp lại ở con số 12, cái giờ khắc định mệnh đã tới, ông như cái lá cuối mùa Thu, cái ngọn nến đã tới lúc tàn, thì có cỗ xe song mã do một tên xà ích chạy đến, kẻ chùm mặt mặc áo đen cúi gặp người xuống chào ông, rồi lễ phép mời ông lên xe. Rồi xe chạy.

Hồn đã rời khỏi xác. Hồn như một sợi khói  bay lơ lửng trên không. Hồn quẩn quanh cố tìm cách nhập vào cái xác. Nhưng cái xác chỉ là một  căn  nhà  cửa  đã đóng. Người chủ của ngôi nhà không có chìa khóa để vào  nên cứ đi loanh  quang  ở  bên  ngoài. Khi xác người chết đã đưa xuống nhà quàn, ông thấy ông nằm trong một cái quan tài bằng gỗ. Nắp quan tài được mở. Ông thấy  có  vợ  con  ông, có thân bằng quyến thuộc và bạn bè của ông. Vô số những vòng  hoa  tang. Cái  đặt  trên  giá  có  chân  đứng. Cái  treo  trên tường. Cái chỉ là những bó hoa được cắm trong bình thủy tinh đựng chúng. Tất cả những hoa tang đó là những lễ vật mang đến để phúng  điếu nhằm mục  đích phân  ưu đến gia đình ông, để tỏ lòng thành kính tưởng nhớ tới người đã khuất.

Ngày chuyển cữu, ông nhớ  quan tài được bốn người bưng. Từ nhà quàn đi ra, một hàng dài những người gồm tang gia, bạn  bè, và thân  quyến, tất cả đều bước chậm chạp dưới cơn mưa phùn bay như bụi.

Đã đến nhà thiêu xác, cỗ áo được những người phụ  trách ở nghĩa trang chuyển đưa vào lò. Lò là một cái thùng hình vuông, có máy điện cao thế, khi  xác đã được đẩy vào, cửa lò đã được đóng, thì hơi nóng bắt đầu tỏa ra. Những gì dễ cháy thì cháy trước. Những gì khó cháy thì cháy sau. Nhưng chỉ  trong một thời  gian ấn  định nào đó, ở trong lò thiêu, tất cả chẳng còn gì ngoài lớp tro đen.

Hồn ông vẫn vật vờ lơ lửng nhưng cái  xác  như  một ngôi nhà đã không còn nữa. Chính vì thế, giờ này, ông không khác gì một con chim  lẻ  bạn, con  chim  đậu  trên  một cành cây ngước mắt nhìn trời, há mỏ nhả ra một tiếng kêu như tiếng nấc.

Vào lúc bóng tối của buổi hoàng hôn đã kéo về, thì trên  những con  đường, trên  những khu phố có  nhà cửa  dân ở, trên  vườn  tược cây  cối của những tư  gia, trên  những  khu công viên có những cây cổ thụ già, mưa phùn vẫn rắc bụi. Chính lúc đó, hồn ông tìm về ngôi nhà ông đã ở. Ngôi nhà có phòng cho thuê  của khu nhà già. Có một  cái cửa chính để ra và vào chung cư. Cửa thì đóng. Lục túi quần để tìm cái bấm cửa thì trong túi quần không  có. Ông  không  còn  cách  nào khác là  phải  đứng  chờ. Vào đúng lúc  đó, có ba người đàn bà vừa ở phố đi về. Họ nói chuyện vui  vẻ  vừa bước  tới gần  chỗ  ông đứng. Ông cúi đầu chào họ nhưng chẳng  ai  trong  ba người  đó đáp  lễ chào  lại  ông. Với cái “remote”, họ bấm và  cánh  cửa tự  động  mở. Ông biết ơn lại một  lần nữa lịch  sự lên tiếng cám ơn họ. Nhưng  rồi, cũng chẳng có một ai thèm trả  lời  ông, ông cảm thấy vừa buồn vừa bị xúc phạm. Chuyện đó chỉ trong chốc lát, khi đã bước  vào bên trong, đi dọc theo dẫy hành lang để trở về phòng mình, thì ông nhanh  chóng  quên ngay. Đứng, một lần nữa bàn tay ông lại lục tìm chìa khóa, nhưng cả hai túi  áo lẫn túi quần, bàn tay ông không đụng tới cái chìa khóa. Như vậy, ông đã quên không  mang theo cái chìa khóa khi đi ra ngoài. Chỉ còn cách dùng tay gõ lên tấm ván của cánh cửa để gọi vợ ông, nên miệng thì nói, tay thì gõ, nhưng rất lâu, cánh cửa thay vì được mở nó lại vẫn không mở.

Chẳng còn cách nào khác, nhìn thấy ở góc hành lang có 4 cái ghế và một cái bàn gỗ để người trong chung cư ngồi chơi, ông thấy cách tốt nhất trong lúc đợi là đến đó ngồi chờ. Thời gian ngồi chờ như thế, đấy là lúc ông  nhìn  dọc theo đường hành  lang dài. Những ngọn đèn gắn ở trên trần, những ngọn đèn ở cửa mỗi căn phòng, ánh sáng vẫn tỏa sáng. Cho nên, dù bây giờ ở bên ngoài là bóng tối, nhưng trong khu chung  cư của  nơi  ông ở, vẫn sáng như ban ngày. Cái hành lang đó, mỗi sáng thức  dậy, mỗi chiều khi bên  ngoài bóng  tối  của buổi hoàng  hôn  chưa phủ, vào mùa Đông, khi thời tiết quá lạnh, có mưa giông và gió lớn thổi, vào những lúc đó ông không thể ra ngoài được, ông thường đi tản bộ dọc theo dẫy hành  lang, mục  đích chỉ là để thư giãn  xương  cốt, để máu  huyết  lưu thông, để đầu óc suy  nghĩ  về  một đề  tài nào đó  cho một  bức  tranh  ông  muốn  hình thành. Một việc làm đi làm lại như thế lâu ngày trở nên một thói quen. Và khi nó đã trở thành thói quen rồi, nó cứ thế mà lập đi lập lại một cách vô thức.

Mùa Đông thì vậy. Nhưng tới mùa  hè, khi những con  đường chung quanh khu nhà ông ở, sáng chưa có nắng gắt, chiều chưa có bóng  tối về, ông và vợ ông thường  rời căn phòng để đi dạo, cũng  là để hít thở  khí trời, để thư thái đầu óc, để thư giãn gân cốt, và để khai thông máu huyết trong người.

Vào lúc ông ngồi và đang nghĩ vẩn vơ như thế, thì, cánh cửa căn phòng ông ở bật mở. Ông thấy vợ ông bước ra. Ông thấy tay bà cầm  một bịch ny  lông. Đi về phía nơi để bỏ rác, ông biết  bà  đi bỏ rác. Ông bước theo sau bà vừa nói:
“Tôi ngồi đợi bà đã khá lâu ở cái ghế ngoài hành lang. Chắc bà đang ngủ nên tôi gõ cửa và gọi vẫn không thấy bà thức để ra mở cửa cho tôi”.
Ông nói. Nhưng ông  không  thấy vợ ông trả lời. Ông lại lên tiếng bảo:
“Này bà, bữa nay  sao  tôi  thấy  cái  gì cũng lạ. Lạ nhất là mấy bà xưa nay tôi quen biết lại bất lịch sự đến  độ  tôi chào nhưng họ cứ làm như  không có tôi. Tôi có điều gì làm cho họ phật ý đâu. Vậy mà họ đối  sử  với  tôi  như  thế được hay sao”.

Ông ngưng nói và chờ bà vợ lên tiếng, nhưng vợ ông vẫn lẳng lặng đi đến cái phòng bỏ rác. Rồi lại từ căn phòng bỏ rác sau khi đã bỏ rác xong, vợ ông đi trở lại căn phòng của vợ chồng ông thuê ở. Cánh cửa mở, ông theo vợ ông vào. Bây giờ đã ngồi ở cái “sofa”, nơi mà
ông hàng ngày ngồi, ông thấy vợ ông rất  buồn, đầu bà ngả trên tựa ghế, đôi  mắt ướt. Ông không hiểu có chuyện gì đã xẩy ra. Để hỏi cho ra nhẽ, ông buộc lòng phải lên tiếng. Nhưng thay vì trả lời, vợ ông vẫn chỉ ngồi lặng thinh, chẳng nói dù chỉ là một lời.

Nhà đầy tranh. Có những bức ông đã vẽ từ nhiều năm trước. Có những bức ông vẽ những ngày gần đây. Cũng còn một hai bức ông vẽ chưa hoàn thành. Không có điều gì cần để hỏi vợ ông nữa, bây giờ là lúc ông ngồi lặng lẽ nhìn ngắm những họa  phẩm của ông đã vẽ. Bốn  bức tường, những bức tranh sơn dầu được treo. Đó là thành quả của những năm tháng miệt  mài làm việc. Mỗi  bức là một đề tài, một kỷ niệm, khi ông gày dựng nó. Đây là bức chân dung ông vẽ vợ ông lúc còn trẻ. Đây là bức ông vẽ một bà cụ già. Bà cụ mồm móm mém nhai trầu. Mặt bà cụ hằn những đường nhăn. Hai má teo tóp như một trái quả khô. Đây là bức ông vẽ một người đàn ông đầu đội mũ “bê rê”, khăn quàng cổ, miệng ngậm ống “pipe”. Đôi mắt của người đàn ông đó nom hơi xếch. Đây là bức ông vẽ một nhà ga có một đoàn tầu nằm dài trên đường ray. Từ miệng ống khói, khói bay lên với lửa và bụi than đen. Đây là bức ông vẽ một bầy ngựa trắng đang gặm cỏ trên sườn một ngọn đồi. Cỏ màu xanh. Có một gốc thụ già cành nhánh khẳng khiu, đứng lẻ loi in lên nền trời màu xanh biêng biếc. Đây là bức ông vẽ hai đứa bé đùa rỡn trên một cánh đồng cỏ. Cỏ vàng màu lông chó vện. Có một cánh  diều  bay lơ lửng trên không. Và đây là bức ông vẽ những con chim hải âu đang dang rộng đôi cánh đảo vòng trên mặt biển. Nước biển thì xanh.

Khi thấy vợ đã tắt  đèn vào  phòng để ngủ, ông vẫn còn ngồi im lặng trong bóng tối. Bóng tối đã làm mắt ông không còn nhìn thấy những bức tranh treo trên tường. Nhưng thay vào đó, ở cái bàn thờ vẫn có ánh sáng của những cây đèn thắp sáng, ánh sáng đủ để mắt ông thấy những bức chân dung lộng kính của các bậc sinh thành đã quá vãng,và còn cả bức chân dung của ông để ở đó nữa.

Đèn đã tắt, trong căn  phòng bây  giờ chỉ còn là bóng  tối, nếu có ánh sáng, ánh sáng lờ mờ của những cây nến đăït trên bàn thờ không thể nhìn rõ những bức tranh, thì ông biết  đã đến lúc ông nên vào trong phòng với  vợ. Ông đinh ninh nghĩ là vợ ông đã ngủ, nhưng không phải vậy, vợ ông chẳng những vẫn chưa ngủ mà bà nằm đó, khóc thút thít.
“Có chuyện gì làm em buồn. Sao lại cứ khóc vậy “.
Ông  nói và đợi vợ lên tiếng. Vẫn chỉ là cái im lặng trong bóng tối của căn phòng, thay cho câu trả lời của vợ.

Đêm rồi cũng qua. Ngoài vườn cây, trời vừa tang tảng sáng. Đã nghe thấy tiếng hót của những con chim. Đúng vậy. Trời tang tảng sáng và tiếng hót của những con chim báo hiệu buổi mai của một ngày đã đến. Nhìn qua kính cửa sổ, rõ ràng ông thấy những vụn nắng le lói như những ánh lửa leo lét trên lá của cây cối  phía bên kia con đường. Ánh sáng đến chính là lúc ông cảm thấy bồn chồn sợ hãi. Cùng lúc với những tiếng động của xe cộ chạy qua lại trên con lộ ở bên ngoài, đã làm hồn ông chấn động. Tan như băng, loãng như khói, mờ nhạt như sương mù, ông là vậy khi  hồn không còn trụ vững, rồi như một quả bóng lặt lờ bay lên cao, như cây cải  bay về trời, như sợi bông gạo giạt về núi, như âm thanh của tiếng chuông đã tắt, hồn ông quay về cõi hư vô.

Đúng một trăm ngày, ngày đó, ông thấy cái hũ đựng tro của ông được vợ con ông mang lên một cái xe. Xe chạy trên xa lộ rồi xe đến một vùng có núi. Đứng ở núi, ngó xuống thấy biển. Địa danh thành phố là San Francisco. Nơi một vài lần ông đã cùng vợ con ông đến.

Ở San Francisco, ngoài cây cầu Golden Gate hùng tráng và vĩ  đại nối bờ đất ở bên này với bờ đất ở bên kia của con sông lớn  chảy ra  biển, ngoài  những  con  đường  núi  dốc đứng đầy nguy hiểm và lảng vảng có bóng tử  thần, ngoài  những  khu thương  mại xầm uất và đông người nờm nợp đi lại trên hè phố, nơi được coi là đất của những người Tầu, thì phần lớn cũng giống như các đô thị khác, chỗ này là  những  tòa  nhà  chọc  trời, chỗ kia là những khu tư gia của những người dân ở, chỗ khác  có những ngôi nhà biệt lập và đây đó xa gần, những cây cầu đúc treo lơ lửng vắt vẻo trên không.

Nếu không phải là những khu trung tâm của  thành phố, thì ở nhiều nơi nhà cửa thấp thấy có những quán ăn, những tiệm sách báo, những cửa hàng bán rượu, những văn phòng dịch vụ, những cột bán xăng, những bãi có xe đậu để bán.

Bây giờ đã đến lúc ông nhận thấy ông cùng vợ con ông ra tới bờ biển. Vợ ông tay ôm cái hũ khi bước xuống tầu.Tầu rời bến rồi từ từ hướng mũi ra khơi. Ngoài khơi, mặt nước phẳng lì và bóng như một tấm gương. Những cơn gió từ ngoài biển thổi về mang theo cái lạnh đưa vào thành phố. Đảo cánh bay qua bay lại, in lên bầu trời ở phía xa xa, là những con chim hải âu. Tiếng kêu của chúng nghe khô khan như tiếng người gọi nhau ở dưới bờ bãi nước vọng về.

Hồn ông chỉ là sợi nắng, là làn khói, là hơi nước, là ánh sáng trong suốt, vì thế, hồn cứ nương theo gió, gió đưa ông lên cao, gió hạ ông xuống thấp, nhưng bao giờ hồn cũng cố gắng bám sát con tầu ở một khoảng cách nào đó, có khi ở ngay chính boong tầu, nơi có cái hũ đựng tro của ông. Đã đến lúc nắp của  cái hũ được mở. Đã đến lúc tro trong cái hũ được bàn tay vợ ông bốc ra. Xuôi theo chiều gió và thuận với hướng chạy của con tầu, lớp tro vừa được rải xuống đã vội vã bay về phía sau, rồi lớp tro đó biến mất.

Từ những ngày đó, hồn thanh thản mát mẻ, ông hòa nhập với biển khơi. Ngày với tiếng kêu của chim hải âu. Đêm với  tiếng sóng gọi nhau chạy vào bờ. Chẳng còn gì phải vương vấn cõi trần thế, hồn tự tại  bình yên an nghỉ ở một cõi vô thường sau khi giã từ kiếp làm người./.

Wednesday, June 20, 2012

trần thiện hiệp * buồn hơn trăng



từ đỉnh núi
nhìn xuống chân rừng tuyết vỡ
dòng sông êm tỏa nhánh
bình yên
như có cõi địa đàng xanh bích ngọc
nắng lung linh trên hoa lá hồi sinh
ta thèm muốn
hồi sinh như thảo mộc
sau những mùa đông băng giá ngập hồn
những năm dài héo úa hoàng hôn
đêm sám hối
nghiệp-đời-cung-kiến-gãy
máu về tim theo từng nhịp thở
đưa ta về nguồn tìm lại chân thân
cung trầm ca nghẹn lời lạc nhịp
rượu cạn rồi đáy cốc trắng hư không
xuống lung thấp
ngẩng nhìn lên núi tím
mây trôi êm vô nhiễm vô thường
theo tia nắng cõi lòng chuyển hóa
giữa trùng trùng ngờ vực với chân nguyên
ta đã trót tìm trầm ngậm ngải
sao em theo cho mõi gót phiêu bồng
để tuổi mộng cùng bụi hồng biển gió
buồn hơn trăng
soi bóng nước qua cầu

TRẦN THIỆN HIỆP
[Trích trong Thơ Phá Thể]

hải phương * đêm tháng năm gối đầu tay em nghe cỏ mọc


tranh Nguyễn Trung


ta đón đợi cơn mưa rừng
sông cái nước nguồn lai láng
lãng du vào châu thổ em
từ lúc em chưa là mùa màng
hồng thơm rụng trứng sáng trăng thời vụ.

đêm tháng năm gối đầu tay em nằm nghe cỏ mọc
từ lúc em là mùa màng gieo trồng thời vụ
được mùa thân xác
mê cung thời gian mềm mại bào mòn
phẳng phiu phiến đá
châu thổ em bốn mùa xanh biếc lá
nơi bờ sông và cửa biển gặp nhau
cuống cuồng xôn xao dòng chảy.

đêm tháng năm gối đầu tay em nằm nghe cỏ mọc
nách trí nhớ xạ hương ngôn ngữ
mậu dịch âm thiết bừng mở
cảm hứng biến tấu vòm ngực dạ quang
lao xao bầy tinh tú
trăng đã hoang vu nên ta uống cạn môi em
một bình minh rất cũ.

đêm tháng năm gối đầu tay em nằm nghe cỏ mọc
dòng sông thụ thai mùa lũ
đòng đòng cỏ trổ ngọn non tơ lúa xạ
biêng biếc gam màu trũng sâu
em tỏa nhiệt bát độ phức âm lãng mạn
bất chợt giấu nụ
thảo nguyên mở rộng trường canh trườn qua
con suốí nhỏ róc rách âm vực lõm.

em tỏa nhiệt phức âm lãng mạn bất chợt rớt nhẹ
đêm lõm sâu mùa màng thời vụ
ta gối đầu tay em
tháng năm nằm nghe cỏ mọc.

ở san jose
tháng năm 2012
HẢI PHƯƠNG

Nguyễn Hiến Lê dịch * Lão Tử: Ngạo đời tựa như ngu độn và ẩn dật




Nguyên tác: The Importance Of Living Tác giả: Lâm Ngữ Đường (Lin YuTang)

Thực là ngược đời, cái triết học "giảo hoạt" của Lão tử lại sản sinh ra cái lý tưởng cao thượng nhất về hòa bình, khoan dung, giản phác và tri túc. Giáo huấn của ông gồm bốn điểm: trí tuệ nên như ngu độn, đời sống nên ẩn dật, xử thế nên nhu nhược và tánh tình nên giản phác. Ngay đến nghệ thuật Trung Hoa, từ thi ý, ảo tưởng đến những lời tán tụng đời sống bình dị của tiều phu, ngư phủ cũng không thể thoát ly triết học đó mà tồn tại. Nguồn gốc của chủ nghĩa hòa bình của Trung Hoa là do cái quan niệm chịu nhận sự thất bại tạm thời để chờ cơ hội thuận tiện, và do lòng tin rằng vạn vật trong vũ trụ đều tuân theo cái luật vận hành phản phục; do đó không một kẻ nào vĩnh viễn "u mê" bao giờ.
Người rất khéo thì như vụng
Người nói giỏi thì như lắp bắp
Cử động thì thắng được lạnh
Nhưng yên tĩnh thì thắng được nóng.
Vậy cứ thanh tĩnh thì mọ.i vật sẽ đâu vào đấy.
Biết vậy rồi thì còn cạnh tranh làm gì nữa. Cho nên Lão Tử bảo bực thánh nhân "không tranh với ai nên không ai tranh được với mình", lại bảo: "Kẻ hùng hổ nào mà không bất đắc kỳ tử, thì ta xin nhận n kẻ đó làm thầy". Một nhà văn ngày nay có thể thêm vào câu đó: "Kẻ độc tài nào mà không dùng mật thám để hộ vệ thì tôi xin tôn làm thủ lãnh". Cho nên Lão Tử nói: "Thiên hạ có đạo thì người ta dùng ngựa để kéo và lấy phân; thiên hạ vô đạo thì người ta nuôi ngựa chiến ở ngoài thành".
Người đánh xe giỏi không xông bừa tới trước (1)
Người chiến đấu giỏi không giận dữ,
Khéo thắng địch là không tranh với địch,
Khéo dùng người là hạ mình ở dưới người.
Đó là cái đức của sự không tranh,
Đó là cái khéo của sự dùng người,
Đó là hợp với chỗ cùng cực của Đạo Trời.
Có cái quy luật động lực và phản động lực rồi mới sản sinh ra cục thế bạo lực đối với bạo lực.
Ai lấy Đạo mà phò vua,
Thì không dùnh binh mà bức thiên ha.
Vì việc như vậy thường quay trở về
(nghĩa là dùng binh bức thiên hạ thì lại bị thiên hạ dùng binh bức lại mình). (2)
Chỗ nào đóng quân thì gai góc mọc đầy.
Sau cuộc chinh chiến tất có mất mùa.
Vậy khéo thắng rồi (khéo đạt được mục đích cứu dân) thì thôi đi, mà không lợi dụng thắng lợi để bức người.(3)
Thắng mà không khoe khoang,
Thắng mà không tự khen,
Thắng mà không kiêu căng,
Thắng vì bất đắc dĩ.
Thắng mà không bức người,
Vì vật mạnh thì có lúc suy.
(Nếu không) Như vậy (thì) là trái Đạo.
Trái Đạo thì sớm bị tiêu diệt.
Tôi có cảm tưởng rằng nếu Lão Tử được làm chủ tịch hội nghị Versailles (4) thì ngày nay không có Hitler (5). Hitler tuyên bố rằng ông và sự nghiệp chính trị của ông tất được "Chúa phù hộ" (nên ông mới thành công mau như vậy). Tôi thì tôi cho rằng việc đó giản dị hơn nhiều: chẳng có Chúa nào phù hộ cả, chỉ có Clémenceau phù hộ mà thôi (6). Chủ nghĩa hòa bình của Trung Hoa không phải là chủ nghĩa nhân đạo mà là chủ nghĩa "giảo hoạt", cơ sở không phải là đạo bác ái mà là một thứ minh triết vi diệu, cận nhân tình.
Sắp muốn rút lại tất phải mở ra đã;
Sắp muốn làm yếu đi, tất phải làm mạnh lên đã;
Sắp muốn vứt bỏ đi, tất phải làm dấy lên đã;
Sắp muốn cướp lấy, tất phải cho đã;
Thế gọi là làm mờ ánh sáng đi. (7)
Nhu nhược thắng cương cường.
Cá không nên ra khỏi vực;
Lợi khí của quốc gia, không nên cho dân biết.
Thuyết về sức mạnh của sự nhu nhược, vì lẽ biến hóa thì sẽ thắng, và lẽ ẩn dật bao giờ cũng có lợi, thì tôi chưa thấy ai có giọng mạnh mẽ, sâu sắc bằng Lão Tử trong đoạn đó. Ông cho nước tượng trưng sức mạnh của nhu nhược - nó cứ nhẹ nhẹ rỏ từng giọt xuống mà đục được đá, nó có cái "trí" vĩ đại của đạo Lão là luôn luôn tìm chỗ thấp mà ở:
Sông biển sở dĩ làm vua trăm hang
Vì nó khéo ở chỗ thấp hơn cả;
Nhờ vậy nó làm vua được trăm hang.
(Giang hải sở dĩ năng vi bách cốc vương giả,
dĩ kỳ thiên hạ chi,
cố năng vi bách cốc vương).
Chữ "cốc" (hang) trong học thuyết Lão Tử còn trỏ cái gì rỗng, tượng trưng cái tử cung của mẹ vạn vật, tức tượng trưng khí âm hoặc giống cái:
Thần hang bất tử,
Cho nên gọi là Huyền Tẫn (8)
Là gốc của Trời, Đất.
Dằng dặc như còn hoài,
Dùng hoài mà không hết.
Lấy giống cái đại biểu cho văn hóa phương Đông và giống đực đại biểu cho văn hóa phương Tây có lẽ không phải là khiên cưỡng.
Jules César muốn được làm người thứ nhất trong làng, Lão Tử trái lại, "không dám ở trước thiên hạ" (bất cảm vi thiên hạ tiên). Trang Tử cho rằng nổi danh là một điều nguy hiểm, và diễn ý đó trong đoạn văn phúng thích dưới đây để chê Khổng Tử là hay khoe tri thức cùng hành vi của mình. Trong bộ Trang Tử có nhiều chỗ bịa đặt ra để bài xích Khổng Tử vì lúc đó Khổng Tử đã mất rồi mà ở Trung Quốc thời xưa cũng không có luật pháp trị tội hủy hoại danh dự của người khác.
"Khổng Tử bị vây ở khoảng giữa nước Trần và nước Sái, bảy ngày không có cơm ăn. (9)
Quan đại công tên là Nhiệm lại chia buồn, hỏi:
- Ông đã suýt chết ?
Khổng Tử đáp:
- Phải.
- Ông sợ chết không ?
- Sợ.
Nhiệm bảo:
- Vậy, tôi xin giảng cái đạo bất tử. "Ở Đông Hải có loài chim tên là Ý đãi. Loài đó chậm chạp, từ tốn như vụng về; bay cùng đoàn với nhau, con trước con sau, chen lấn nhau mà đậu. Khi tiến không con nào tranh bay trước, khi lui không con nào dám ở lại sau; khi ăn không con nào dám ăn trước, đợi những đồ thừa. Cho nên loài đó được sống yên ổn ở trong hàng, người ngoài không hại được nó, mà nó tránh được họa.
"Cây thẳng thì bị đốn trước. Giếng nước ngọt thì cạn trước. Ông có ý tô điểm tri thức để làm cho bọn ngu phải sợ, sửa cái thân để làm rõ kẻ xấu xa. Ông rực rỡ như giơ cao mặt trời mặt trăng mà đi, cho nên không tránh được họạ..".
Khổng Tử đáp:
" Lời ông thật hay!". Rồi từ chối sự giao du, bỏ cả đệ tử, trốn trong một cái trằm lớn (chỗ hoang vu), làm lấy áo cừu áo cát mà bận, hái hột cây thử, cây lật mà ăn, nhập bầy với đàn thú, đàn chim mà thú chim không để ý tới".
Tôi đã làm một bài thơ tóm tắt tư tưởng Đạo gia như sau:
Có cái sáng suốt của sự ngu muội.
Có cái thanh nhã của sự hòa hoãn.
Có cái cơ xảo của sự trì độn.
Có cái hữu ích của sự ẩn cư.
Mấy câu đó chắc làm cho những độc giả theo đạo Ki Tô nhớ lại lời "Thuyết giáo trên núi". Và chắc họ cho rằng đều vô hiệu lực như nhau. Lão Tử còn bảo kẻ ngu được phúc vì họ là những kẻ sung sướng nhất đời. Trang Tử theo cái thuyết "Người rất khéo thì như vụng, người nói giỏi thì như lắp bắp" và khuyên ta phải "liệng bỏ cái trí" đi (khí trí). Thế kỷ thứ tám, Liễu Tôn Nguyên đặt tên cho một ngọn núi gần chỗ ông ở là "Núi Ngu" (Ngu Sơn) và dòng suối nơi đó là "Suối Ngu" (Ngu Khê). Thế kỷ mười tám, Trịnh Bản Kiều có một câu danh ngôn: "Thông minh khó, hồ đồ cũng khó, do thông minh mà đạt được hồ đồ lại càng khó". Trong văn học Trung Hoa có nhiều câu tán tụng sự ngu độn như câu đó. Người Mỹ có câu: "Đừng nên tinh ranh quá" (Don't be too smart), cũng là cái nghĩa: người đại trí thường có vẻ ngu.
Vì vậy mà trong văn hóa Trung Hoa người ta thường thấy hiện tượng lạ lùng này là bậc đại trí phát sinh lòng hoài nghi đối với mình và cho rằng vũ khí tốt nhất trong cuộc tranh đấu trên đời là sự tôn sùng ngu độn và sự ẩn dật. Từ cái thuyết "khí trí" của Trang Tử đến sự tôn sùng kẻ ngu chỉ có một bước ngắn; và trong văn chương cùng hội họa của Trung Hoa ta thấy hình ảnh của nhiều người hành khất, nhiều nhà ẩn dật bất hủ, nhiều nhà sư điên, hoặc những đạo sĩ kỳ dị, như trong tập "Minh Liêu tử du"; đó toàn là phản ảnh quan niệm tôn sùng kẻ ngu độn cả. Khi một nhà sư điên lam lũ được ta coi là tượng trưng cho cái trí tuệ rất cao, cái tư cách rất quý, thì trong cái bến mê là cõi đời này, ta bỗng tỉnh ngộ; trong sự tỉnh ngộ đó có cái ý vị lãng mạn hoặc tôn giáo nó đưa ta vào cảnh giới ảo tưởng của tho.
Kẻ ngu được hoan nghênh, đó là một sự thực không chối cãi được. Tôi tin rằng ở phương Đông cũng như phương Tây, người ta ghét những kẻ tinh ranh quá trong sự giao thiệp. Viên Trung Lang đã kể lý do tại sao mấy anh em ông đều thích giữ bốn tên gia bộc cực ngu nhưng trung tín. Chúng ta cứ nhớ lại những tên bạn bè của mình rồi kiểm soát xem có phải những bạn ta mến không phải là những người mà ta trọng vì tài khôn lanh; và những bạn ta trọng vì tài khôn lanh không phải là những người mà ta mến. Chúng ta thích một tên gia bộc ngu độn vì hắn đáng tin hơn, đối với hắn ta không cần phải đề phòng. Nhiều người đàn ông khôn không muốn cưới người vợ tinh lanh quá mà nhiều thiếu nữ khôn cũng vậy, không muốn có người chồng tinh lanh quá. Trong lịch sử Trung Hoa có nhiều người điên, hoặc điên thật hoặc giả điên mà được nổi danh, được người ta kính yêu. Như họa sĩ Mễ Phí, có lần bận lễ phục tới lạy một phiến đá, gọi phiến đá đó là "ông Nhạc", vì vậy mà có danh hiệu là ông Mễ Điên. Ông ta với Nghê Vân Lâm, một họa sĩ danh tiếng đời Nguyên đều mê sự sạch sẽ. Lại như thi sĩ điên nổi danh, hòa thượng Hà Sơn, đầu bù, chân không, đi lại các ngôi chùa, làm mọi việc lặt vặt trong cái nhà khói (nhà bếp của chùa), xin cơm thừa căn cặn mà ăn và làm được những bài thơ bất hủ viết lên tường các nhà khói. Vị hòa thượng điên được người Trung Hoa ái mộ nhất là hòa thượng Tế Điên., cũng gọi là Tế Công (ông Tế); đời ông sau được người ta chép thành một chuyện dài gấp ba bộ Don Quichotte mà vẫn chưa hết. Ông sống một đời ma thuật, làm thuốc, say rượu, và như có thần lực, có thể cùng một lúc xuất hiện ở hai nơi cách nhau cả trăm dặm. Miếu thờ ông hiện nay ở Hổ Bào, trên bờ Tây Tử Hồ ở Hàng Châu. Những thiên tài lãng mạn, vĩ đại, thế kỷ mười sáu và mười bảy, như Từ Văn Trường, Lý Trác Ngô, Kim Thánh Thán(ông này tự đặt tên hiệu là Thánh thán (nghĩa là tiếng thở dài của Thánh) là vì, theo ông, đúng lúc ông sanh ra đời, ở miếu thờ Khổng Tử trong làng bỗng phát ra một tiếng thở dài bí mật). Tuy các vị đó cũng là những người bình thường như chúng ta nhưng bề ngoài có những cử chỉ trái hẳn thói thường, cho nên người đời gọi là cuồng.
Nguyễn Hiến Lê
(1) Theo Lâm Ngữ Đường. Có người hiểu đó là người tướng giỏi không dùng vũ lực.
(2) Theo Lâm Ngữ Đường. Có người hiểu câu đó là: sẽ thấy được kết quả tốt đẹp.
(3) Cũng theo Lâm. Có người hiểu là không dùng sức mạnh.
(4) Năm 1919, sau thế chiến thư nhất.
(5) Sách này viết năm 1936, 1937.
(6) Ý muốn nói: Clémenceau đại diện cho Pháp ở Hội Nghị Versailles, yêu sách quá đáng, bắt Đức phải bồi thường quá nặng, nên dân tộc Đức bất bình mà Hitler dễ lợi dụng sự bất bình đó.
(7) Cũng theo Lâm. Có người hiểu là: Thế gọi là ánh sáng huyền vi hoặc Thế gọi là sâu kín sáng sủa.
(8) Theo bản dịch tiếng Hán thì Lâm dịch là Mysterious Female: tức Giống Cái Mầu Nhiệm, Mẹ của vạn vật. Có người cho Huyền Tẫn là tên riêng của Đạo, trỏ cái thế hư không của Đạo.
(9) Nguyên văn: hỏa thực là đồ nấu nướng .

HỒ THÀNH ĐỨC * MÁU CHẢY VỀ TIM



Cứ ngỡ em về trong giấc mơ
Vàng son buổi trước lỗi câu thề

Ai đem khăn trắng treo đồi tím
Cây nhớ nhung buồn hoa nhớ hương
Trời khoanh một mảnh tình tan vỡ
Đất cũng cúi đầu rỉ vết thương

Ta biết! Rồi đây em sẽ thấu
Mối tình ngang trái đóng vào đinh
Giọt máu nào trên cây Thánh Giá
Nhỏ vào đời thấm nỗi oan khiên
Ta như chim bay hoài thấm mệt
Bỏ giáo đường mòn mỏi đức tin

Em, như giòng sông trôi chảy mãi
Rã cuộc tình gãy cánh uyên ương!
Từ buổi đó có cây nến lạ
Thắp giữa trời mười ngón đau thương

Từ buổi đó ta đi em ở lại!
Núi sông buồn cây cỏ hoang vu
Ta ở đây đất khách quê người
Nghe chim hót đau từng khúc ruột

Nghe kinh khuya thở cuộc đời buồn
Ước gì có cánh tay nghìn dặm
Níu tình em qua Thái Bình Dương
Ta cũng muốn trải dài cơn mộng

Để lỗi lầm về với ăn năn
Để trăng khuya trở lại đêm rằm
Để sáng dậy nghe chim ca hót
Để tình anh gặp lại đời em!
Xin hãy nhổ cây đinh oan trái
Giọt máu nào không chảy về tim.

HỒ THÀNH ĐỨC

Monday, June 18, 2012

du tử lê * trái tim lập mộ (không tro, cốt!!!.)


tranh DinhCuong
    













   xiển dương ký ức: cây thu bóng.
   kỷ niệm ngồi chung một góc sân.
   giọt lệ lăn xa. ngoài trí tưởng.
   biệt. biệt trôi dần: thân lạc tâm.      

   xiển dương bóng tối: nuôi oan, khuất.  
   gió gọi tên người. ai khuyết danh? 
   hiên xưa. mái cũ. dòng sông cũng
   tự nguyện chôn cùng huyệt lãng quên.       

   xiển dương  câm, nín: trăng bôi mặt.
   chim không rớt bóng. thú ghê rừng.
   trái tim lập mộ (không tro, cốt!!!.)
   kết thúc sau cùng: một kín bưng.

   xiển dương đời khác:  thêm hư. dối.    
   tự hỏi thăm mình: hoa. mỗi đêm.
   đi qua một kiếp như nghìn kiếp.
   ta giống côn trùng!  sống thản nhiên. 

   du tử lê