văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, September 10, 2012

VĂN QUANG * Thảm họa từ A tới Z




Tin đáng chú ý nhất trong tuần này ở Việt Nam là vụ ông Dương Chí Dũng - nguyên Cục Trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam, nguyên chủ tịch Tổng Công Ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) - bị bắt khi đang lẩn trốn ở một nước ASEAN và bị đưa về Việt Nam. Trong khi đó, căn biệt thự của ông Dương Chí Dũng (ở số 2 ngõ 26 đường Nguyên Hồng, phường Thành Công, quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn đóng kín, im lìm trong sáng ngày 5-9.
Chắc chắn bạn đọc đã biết những thông tin ban đầu, cho đến khi tôi viết bài này, vẫn chưa có tin ông Dương Chí Dũng bị bắt ở nước nào.

Dư luận của người dân

Ở đây tôi chỉ nói đến dư luận sôi nổi của người dân. Người ta tha hồ đồn đoán ông ta bị bắt ở Camphuchia, Lào, Thái Lan. Interpol bắt hay công an Việt Nam sang tận nơi tóm cổ tội phạm bỏ trốn? Bởi vào cuối tháng 6, ngay sau khi phát lệnh truy nã đặc biệt nghi can này, lệnh truy nã quốc tế với ông Dũng được Ban Tổng Thư Ký Interpol đồng ý. Đối với người dân Việt Nam, nó là một lời cảnh báo cho những tên tham quan ô lại, dù có trốn đến đâu, khi có sự tiếp tay của Interpol cũng sẽ bị tóm. Ngoại trừ khi không có sự quyết tâm của các cơ quan quyền lực thì tội phạm vẫn có thể trót lọt sống ở một nơi nào đó trên hành tinh rộng lớn này, đôi khi trốn ngay tại trong nước dưới cái vỏ bọc khác và được bao che, chẳng thiếu gì những trường hợp như vậy.

Một cách khách quan, nhìn nhận vấn đề, người dân rất ngạc nhiên và mang lại cho mọi người một chút niềm tin. Bởi trước đó chừng hơn 1 tuần, ông Nguyễn Tấn Dũng - Thủ Tướng Chính Phủ - đã đưa ra một lời tuyên bố rất mạnh “bắt bằng được Dương Chí Dũng”. Thật ra điều này khiến nhiều người… cười thầm, có ông còn nói “nó sang đến Canada đánh điện về rồi, làm sao mà bắt”. Đó là những ông biết rất ít nhưng nói rất nhiều, ra cái điều “cái gì cũng biết”. Rồi người dân lại như muốn quên đi như họ vẫn thường quên những “chuyện tào lao” với những lời hứa thường… bị nghe các ông có chức có quyền trả lời trước công luận: “Khi nào bắt được sẽ xử lý”. Vì thế vụ bắt Dương Chí Dũng như một “cú chơi ngoạn mục” đã thành sự thật.
Tuy nhiên, những tin tức rất ít ỏi làm người dân tò mò thêm. Có lẽ đây cũng là một cách “nuôi dưỡng thông tin” cho thêm phần hấp dẫn và cũng có thể là còn nhiều tình tiết có liên quan còn đang được xác minh hoặc cần bàn thảo xem nên đưa ra như thế nào, vào lúc nào thì có lợi cho “đường lối chính sách”. Đó là lối thông tin quen thuộc ở Việt Nam. Dân vẫn sẵn sàng chờ đợi.

Chờ đợi gì?

Trước hết và quan trọng hơn hết là có ai đó đã làm lọt thông tin cho Dương Chí “chuồn” trước khi bị đưa vào nhà giam hay không? Bộ Công An khẳng định: “Chưa có tài liệu phản ánh việc lộ lọt thông tin hay việc ông Dũng mất nhiều tiền để được phím trước”. Tức là “chưa có” chứ không phải không có. Nếu có thì người đó là ai?

Thứ hai, những kẻ nào đồng lõa với can phạm. Bộ Công An lại có thông tin đang xác minh những người tiếp tay, che giấu cho ông Dũng trong thời gian bỏ trốn. Cơ quan này kêu gọi những cá nhân, tổ chức có hành vi che giấu, tiếp tay cho Dương Chí Dũng bỏ trốn nếu ra tự thú sẽ được hưởng khoan hồng.

Chắc khó mà có anh nào có đủ can đảm nhảy ra “lạy ông con ở bụi này”. Mấy thằng chỉ biết “ăn” ở Việt Nam đều là những thằng hèn. Đừng trông đợi tụi nó “hồi chánh”. Còn ông Dũng có chịu khai ra ai đã giúp mình không. Điều này cũng có thể xảy ra khi bị điều tra, mấy tên nhát gan phun ra tất. Nhưng người dân trông chờ nhiếu nhất vào công việc điều tra của cơ quan an ninh. Các cơ quan này đều hứa “không có vùng cấm nào” trong việc phanh phui ra những người có dính líu tới việc giúp đỡ cho Dương Chí Dũng. Nói rõ hơn là dù cho người đó là ai, bất kể ở cấp nào, chức nào cũng sẽ bị phơi ra trước ánh sáng và bị trừng phạt. Có thật như thế không? Chúng ta cần phải có thời gian mới trả lời được câu hỏi này.

Thứ ba là sự thất thoát hàng tỉ Mỹ kim của phe cánh ông Dũng ở Tổng Công Ty Hàng Hải (Vinalines) liệu có thể thu hồi được bao nhiêu hay mất trắng?

Thứ tư là bản án dành cho ông Dương Chí Dũng sẽ như thế nào? Tử hình hay chung thân? Đã đến lúc người dân Việt Nam cần được thấy sự cương quyết, nghiêm minh của pháp luật để may ra làm chùn tay những quan lại tham nhũng từ trên xuống dưới. Như nhiều nước khác trên thế giới, tử hình và tịch thu toàn bộ tài sản một hai quan to chức lớn, bỏ tù không có ngày ra những thằng đàn em ăn ké, chỉ đường cho hươu chạy là một biện pháp rất cần thiết trong tình hình tham nhũng nhiều hơn ruồi ở Việt Nam.

Đó là một thảm họa cho người dân Việt, chẳng cần nói, ai cũng biết. Phần sau, tôi tiếp tục bàn đến những thảm họa khác ngoài xã hội.

Năm chiến sĩ trên chuyến xe tăng

Bất ngờ tôi xem được một bức tranh biếm họa rất hay trên một trang báo, mời bạn đọc xem bức họa có tiêu đề là “năm anh em trên một chuyến xe tăng”. Thoạt xem thấy vui. Xem kỹ mới thấy “đau”. Thuốc (thuốc tây) cho người bệnh, nước, gas, điện, xăng là 5 mặt hàng thiết yếu của người dân. Cả “5 chiến sĩ” này cùng ngồi trên chiếc xe… tăng.

Ai cũng hiểu đó là “tăng giá”. Cái vẻ bỡn cợt toác miệng cười của 5 “chiến sĩ” làm người ta xót xa. Và một bạn đọc bèn đưa ra câu hỏi tinh quái “xe tăng đi bắn ai?”. Câu hỏi ai cũng có thể trả lời được và cứ tưởng như mình đang bị bắn vậy.

Tôi xin mượn bức biếm họa này để trả lời lời hứa tôi đã nêu trong tuần trước khi thăm ông Giáo già ở Gò Vấp: “Các cây xăng lại tiếp tục găm hàng chờ tăng giá móc túi dân”.
Nhưng chuyện đó gây ảnh hưởng như thế nào với xã hội, xin bàn vào một kỳ sau. Bức biếm họa đã quá đủ để trả lời.

Đó mới chỉ là tiếng rên xiết sau đợt tăng giá xăng vừa qua. Sau đó các ông xăng dầu lại đồng loạt ca bài “lỗ nặng” để xin tăng giá lần nữa trong vòng chưa đầy một tháng.
Thực tế, cho đến hôm nay, các doanh nghiệp kinh doanh xăng chưa tăng giá bởi áp lực quá mạnh của công chúng. Người ta bắt đấu tố cáo những gian lận của các doanh nghiệp này và đứng đầu là ông độc quyền Petrolimex. Thị trường xăng dầu hiện nay chưa có cạnh tranh vì Petrolimex chiếm hơn 50% thị phần, cộng với PV Oil và Saigon Petro (3 đơn vị này chiếm hơn 80% thị phần).

Chiều 5-9, Tổng Cục Hải Quan đã họp báo công bố danh tính các doanh nghiệp đầu mối nhập cảng xăng dầu nợ thuế và gian lận thuế thông qua việc lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất. Cục Điều Tra Chống Buôn Lậu Tổng Cục Hải Quan đã bắt giữ 1.360 tấn xăng trị giá 40 tỉ đồng tạm nhập từ kho xăng Vũng Áng, tái xuất đi Trung Quốc nhưng lại chia nhỏ sang 3 tàu để tiêu thụ trên biển… Rồi những vụ biến nước lã thành xăng lại được phanh phui. Nhờ vậy mà giá xăng chưa tăng chăng? Nhưng người ta vẫn lo ngại nó tăng “đột xuất” vào lúc nào chưa biết.

Bạn đọc Trần Hùng viết: “Giá cả tăng loạn xạ. Những người bán điện, xăng dầu, dịch vụ và thuốc chữa bệnh, đến rau củ quả, thịt thà, cá mú ở chợ đều giở nhiều chiêu đòi tăng giá vô tội vạ. Người dân đang bức xúc, vì những người buôn bán kiểu này chẳng khác gì các âm binh được thày phù thủy gọi họ lên nhưng không điều khiển được họ.

Khổ dân lắm thay!”.

Như thế cũng đủ phản ảnh tình trạng điêu đứng của người dân đang bị năm anh em trên chiếc xe tăng… bắn. Kể đến bao giờ cho hết!

Một chuyện nhỏ nên in làm tài liệu học tập ở các công sở

Trước khi nói đến những “thảm họa” khác, mời bạn đọc một câu chuyện rất… đời thường nhưng lại không thường chút nào, một chuyện hiếm thấy trong tình trạng xã hội hiện nay.

Những ngày gần đây, nhiều người dân sống tại huyện Tháp Mười và trong tỉnh Đồng Tháp không ngớt lời khen ngợi sự tốt bụng của vợ chồng ông Huỳnh Hoàng Nam (sinh năm 1962) - Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1963) ở ấp Mỹ Tây 1, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười.
Cách đây ít ngày, trong một lần đi công việc bằng xe đạp, vợ chồng ông lượm được 1 cái bóp có tiền và 1 thỏi vàng với tổng trị giá hơn 300 triệu đồng. Vợ chồng ông bà tìm được số điện thoại của người bị mất tài sản, sau đó gọi báo cho chủ nhân đến nhà và trả lại toàn bộ số tài sản trên.
Cảm động vì sự tốt bụng của vợ chồng nghèo đang phải sống trong căn nhà mái lá xiêu vẹo, nhỏ bé, chủ nhân của số tài sản trên vốn là một chủ tiệm vàng lớn ở huyện Tháp Mười gợi ý cất một căn nhà tươm tất cho gia đình ông để cảm ơn, nhưng vợ chồng ông một mực từ chối vì đối với gia đình ông Nam đó là việc làm bất cứ ai cũng có thể làm được.

Điều đáng chú ý nhất là những lời “bình” của người dân công khai trên các báo:
- Bạn Hoàng kêu gọi: “Hỡi những ông bà đang ăn cắp của công hàng tỷ tỷ, hãy cảm thấy một chút xấu hổ với hai vợ chồng nghèo này!”.
- Bạn Vũ Đình Quang viết: “Gửi tình cảm chân thành đến ông Nam, bà Mai. Các quan tham sau song sắt hoặc chưa lộ mặt nghĩ sao đây? Nên in bản tin này cùng hình ảnh cho các công sở học tập. Học kiểu này may ra mới khá được, chứ còn truyền đạt chỉ thị này nọ, chẳng ăn thua gì, như nước đổ lá khoai thôi”.

* Tội gì không đi ăn cướp, tội gì không chơi
Những ý kiến trên đây rất đáng được các ban “tuyên giáo”, các nhà giáo dục suy ngẫm. Khi đồng tiền đang ngự trị, tất nhiên đạo đức phải quay đầu đi xuống. Gần đây quá nhiều những bài báo ở Việt Nam nêu lên những “thảm họa” trong đủ mọi lãnh vực. Từ phim ảnh đến ca nhạc, hoa khôi hoa hậu, từ những scandal giả vờ đến scandal thật để “tiếp thị”, không ngần ngại khoe thân làm PR với đại gia, các chân dài bôi xấu nhau, thậm chí đánh chửi nhau như hàng tôm hàng cá, lối sống thác lọan khủng khiếp không chỉ ở “bọn trẻ” mà ở cả người lớn, có nằm mơ cũng khó ai tưởng tượng được lại có thể trong xã hội Việt Nam thời hiện đại…

Vậy biện pháp nào, sách lược nào giáo dục được những thứ đó? Thật ra đã có hàng trăm bài viết về vấn đề này, hàng ngàn ý kiến nhưng chẳng bao giờ thực hiện được. Thảm họa chính vẫn là nạn tham nhũng, thành phần này làm tiền quá dễ như lấy đồ trong túi, tha hồ xây biệt thự, khoe xe bạc tỉ, vung tiền như rác, gặp em chân dài có vài tiếng, chi 8.000 Mỹ kim. Đối với họ, số tiền đó như tám ngàn bạc Việt Nam bởi mỗi ngày thu vào vài trăm triệu “không chơi cũng uổng”. Chẳng ai đụng đến cái lông chân của họ được.

Trong khi đó thành phần đại đa số, kiếm được vài trăm ngàn Việt Nam đã là khó. Người dân từ thôn quê kéo ra thành thị kiếm việc làm cũng rất vất vả, ngồi vạ ngồi vật chờ đợi, ngày kiếm được vài chục ngàn đã là may. Từ đó sự xa cách giàu nghèo ngày càng lớn. Chúng nó cũng là người sao sướng thế, vậy thì tội gì mình không đi ăn cướp, tội gì không đi bán dâm, tội gì không đi hiếp, không đi tống tiền… Hàng trăm thứ “tội gì” làm xã hội đảo điên. Văn hóa, nghệ thuật cũng theo “quy luật” đó gây nên thảm họa. Đó là một từ ngữ chính xác.

Tôi sẽ tuần tự tường thuật cùng bạn đọc những cái được gọi là “thảm họa” này để hy vọng có một giải pháp nào đó cho xã hội bớt đảo điên. Bây giờ so sánh những gì gọi là truyền thống tốt đẹp trong đời sống của ông cha ta để lại, người dân càng thấy xấu hổ. Không thể để tình trạng này ngang nhiên “biểu diễn” giữa cuộc sống mãi được.
- Thảm họa phim Việt (chữ của báo chí Việt Nam)

Tôi đặt vấn đề này lên đầu vì nó thường xuyên có mặt ở hầu hết mọi gia đình Việt Nam. Tối nào vợ chồng con cái chẳng quây quần bên chiếc máy truyền hình. Trong thời buổi khó khăn này đó là món ăn tinh thần rẻ tiền nhất. Không tiền cũng có thể xem được phim qua ti vi. Phim ảnh chiếm một thời lượng rất lớn trong các đài. Mở ra là thấy phim, hết phim Tàu đến Hàn Quốc rồi đến phim Việt Nam sản xuất. Nhà nào thuê đài truyền hình cáp hoặc vệ tinh K+ , có vô số phim Mỹ, Pháp tha hồ xem.

Ở đây tôi muốn nói thẳng môt sự thật không thể chối cãi. Có rất ít gia đình, dù là ở thôn quê xem phim Việt. Còn ở thành phố, rất nhiều ông cứ thấy phim Việt là chuyển sang đài khác. Họ “sợ” phim Việt như sợ ma. Xin các nhà làm điện ảnh Việt Nam đừng phiền lòng. Bởi chính các vị đã là nên tình trạng này. Tây, Tàu, Hàn quốc không bắt người Việt Nam xem phim của họ được. Tôi lấy thí dụ một bộ phim Việt đã được trình chiếu trên đài truyền hình lớn của cả nước. Đó là phim “Anh chàng vượt thời gian”.
Xem 10 tập phim cũng không hiểu phim nói cái gì.

Đầu tháng 2-2011, phim này được Đài Truyền Hình Việt Nam chấp thuận mua bản quyền và phát sóng trên VTV3.

10 tập phim “Anh chàng vượt thời gian” trôi qua nhưng khán giả vẫn chưa hiểu đây là kiểu phim gì và nội dung phim ra sao. Kiên nhẫn ngồi trước màn hình xem cho đủ 10 tập để cố gắng hiểu phim đang chuyển tải thông điệp gì nhưngnhiều khán giả đành phải bỏ cuộc. Vì phim quá khó hiểu, rời rạc và nhạt nhẽo.

Diễn xuất của diễn viên thì quá tệ. Nhiều người nhận xét, Hứa Vĩ Văn đóng hai vai chính Hải Anh (hiện đại) và hoàng tử Khải Hoàng chỉ có mỗi một động tác trợn mắt bối rối rồi la hét om xòm.Thủy Hươngvai hoàng hậu cũng chỉ biết chau mày.Don Nguyễntrong vai thái giám thì gần như bê nguyên cách hát nhép Teen vọng cổ lên phim.

Và một điều thực sự khó hiểu là phim “Anh chàng vượt thời gian” – bộ phim bị nhiều người cho là “thảm họa phim Việt” vẫn được lên sóng và nhất là lại vào khung giờ vàng trên băng tần truyền hình có số lượng đông khán giả?
- Giờ vàng thiếu phim Việt, phim Hàn, phim Tàu toàn đồ dởm

Cũng xin nhắc lại “giờ vàng” là khoảng thời gian vào buổi chiều sau khi tan sở, lúc đó nhiều gia đinh xem phim nhất. Nhà nước buộc các đài truyền hình Việt Nam phải chiếu phim Việt nhiều hơn phim nước ngoài. Nhưng móc đâu ra phim Việt mà chiếu nhiều thế? Điều này chỉ làm lợi cho các “lò thầu” phim có cớ để giao dịch với các đài truyền hình kiếm chác. Phim Việt không có khán giả nên các đài cũng không thu được quảng cáo. Nên phim Hàn, phim Tàu cứ ung dung lên ngôi. Mà ngay cả phim Hàn phim Tàu bây giờ cũng chỉ toàn là thứ lam nham. Phim cũ chiếu đi chiếu lại, phim bộ mới, tồi hơn bộ cũ, xem không nổi. Lâu lắm, có khi cả tháng mới chọn được một phim Hàn coi được. Quay sang phim Mỹ phim Pháp bạo lực đầy rẫy. Có lẽ người ta chỉ thuê loại phim rẻ tiền. Đúng là dân Việt đang đói phim mà không thể xem nổi phim nào.
- Hãng phim truyện Việt Nam bao giờ giải thể?

Bây giờ chịu khó nhìn lên “thượng tầng kiến trúc”, nơi hoạch định đường lối, sản xuất ra phim ảnh Việt Nam, nắm túi tiền của nền điện ảnh. Đó là Cục Điện Ảnh Việt Nam. Bài báo của Người Quan Sát cho biết “có đến hai gáo nước lạnh dội vào điện ảnh Việt: phim siêu nhảm Nàng men chàng bóng và quyết định tạm đình chỉ vụ án 44 tỷ bốc hơi”.
Đó là một diễn biến chưa từng có trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.
Những tưởng sự việc sẽ được làm tới nơi tới chốn để lấy lại niềm tin của các nhà làm phim, thì một tin sét đánh là Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can – nguyên cục phó Lê Ngọc Minh. Lý do, cơ quan hành pháp… chưa bắt được nghi phạm chính Phạm Thanh Hải, người đã bỏ trốn và đang có lệnh truy nã. Đến nay ông cục phó này vẫn lọt sổ an toàn, không bị tóm như Dương Chí Dũng.
“Các nghệ sĩ điện ảnh cũng tha thiết mong nhà nước ra lệnh bắt tên Phạm Thanh Hải (ở Cục Điện Ảnh) được cho là đã ôm toàn bộ số tiền hơn 40 tỉ ở bỏ trốn) để các nghệ sĩ đỡ ấm ức và cũng để những người có liên đới đỡ phải sống treo như hiện giờ”.

Hãng phim truyện Việt Nam đang đứng trên bờ vực phá sản và nguy cơ giải thể là điều tất yếu. Luật doanh nghiệp Việt Nam đã quy định: “Doanh nghiệp sau hai năm làm ăn không có lãi, thâm hụt vốn phải tuyên bố phá sản; sau một năm doanh nghiệp không có khả năng trả lương cho công nhân viên phải giải thể? Vậy mà hãng phim truyện Việt Nam tồn tại “dở khóc dở cười” hơn chục năm nay rồi, đang chờ giờ phút quyết định trên. Nó lăn ra chết, cơ quan nào sẽ thay nó và sẽ làm được cái gì? Đó là câu hỏi khó.
- Hài Nam thì ba láp, hài Bắc thì lếu láo

Một bạn đọc (bạn Cu Ti) nhận định: “Điện ảnh Việt Nam không ra thể thống gì cả, từ Bắc vào Nam chỉ có hài, hài toàn là ba láp, miền Nam thì hài nhảm, miền Bắc thì lếu láo. Trong khi có rất nhiều đề tài quí báu để dàn dựng. Tại sao các nhà làm phim chỉ biết có hài và hài nhảm nhí, lếu láo”.

Nhận xét đó hoàn toàn đúng. Phim hài ngày càng dở tệ hại. Thôi thì tuyện phim hài dễ dãi cũng chấp nhận được, nhưng những bộ mặt “danh hài” trở nên nhẵn quẹn, xem phát ớn. Thái độ, cử chỉ trong phim nhiều khi thô tục thái quá, khiến con nít cũng đỏ mặt. Đối thoại thì khỏi nói, tục tĩu, xỏ lá là chính.

Rõ ràng, người ta đã đã sử dụng những nhà làm phim bất tài và những hãng phim chụp giựt đang núp bóng vào cái gọi là phục vụ công chúng bình dân, để khỏa lấp lối làm phim dễ dãi và rẻ tiền. Cụ thể như phim “Nàng men chàng bóng” đang gây phẫn nộ trong dư luận. Cả cuốn phim xoay quanh chuyện tình giữa chàng Ẽo Ợt (Ngô Kiến Huy) và Út Chót (Đinh Ngọc Diệp) là vô số những tình tiết phi lý.

Tôi không muốn kể nhiều đến những loại phim như thế này làm nhàm tai bạn đọc. Còn rất nhiều điều đáng nói về phim ảnh Việt Nam hiện nay. Nhưng không có chỗ để viết hết. Trong kỳ sau, tôi sẽ đề cập đến những thảm họa khác về văn hóa và cuộc sống đang đầu độc, làm bại hoại luân thường đạo lý của dân tộc Việt Nam chúng ta. 
 
Văn Quang * 07-9-2012

Saturday, September 8, 2012

Trần Văn Sơn * Bài Ca Vũ Trụ







Ta là khách ghé chơi trong chốc lát
Nào ngờ đâu phiêu bạt đến hôm nay
Chốn trần gian ôm một khối tình say
Ta đắm đuối quên đường về cố xứ

Cõi xa xăm vang vọng lời thiên sứ
Gọi ta về nối nghiệp cả  ngôi hai
Trái đất này không khác cảnh thiên thai
Về và ở cũng như nhau , không thể

Bởi vì ta trót yêu người dương thế
Ta yêu đời và ta cũng yêu em
Thế giới quanh ta cuộc sống êm đềm
Sông uốn khúc như rồng thiêng giỡn ngọc

Biển trân châu trải lụa vàng gấm vóc
Thiên nhiên nhiệm mầu rừng núi bao la
Vũ trụ là em không ờ đâu xa
Em nhan sắc muôn triệu người có một

Em tinh túy muôn triệu năm có một
Kết hoa đăng mừng sáng thế ra đời
Em và thơ mở hồn đất hồn trời
Mở cửa vĩnh hằng vô sinh vô diệt

Người dù đến hay ra đi biền biệt
Em và thơ cuồn cuộn một dòng sông
Máu tim ta hòa nhịp thái dương chung
Hòa ánh sáng vượt lên trên huyền thoại

Hai thái cực cùng quay về nguồn cội
Ngày và đêm mưa nắng sắc màu xưa
Lịch sử ngổn ngang nhật nguyệt giao mùa
Cơn hồng thủy tạo mùa xuân vĩnh cữu

Em vô nhiễm giữa trùng vây thiên cổ
Em hào quang giữa lớp lớp thiên hà
Vẩn thạch sao băng bão táp mưa sa
Hương thanh khiết quyện hồn ta trùng điệp

Ta hôn mê như lên cơn đồng thiếp
Quên tiền thân quên thiên sứ gọi về
Thiên sứ là em tinh thể đam mê
Soãi đôi cánh mang tình yêu bất diệt

Vạn vật hồi sinh bài ca nhân loại
Ta cùng em bay lượn giũa bao la
Vũ trụ là em không ở đâu xa…

TVS


Wednesday, September 5, 2012

LAN ĐÀM * THÁNG CHÍN Ở HUNTINGTON BEACH





Và tháng chín, nhớ người, theo lối biển,
Chiều mênh mang, bờ cát sóng đong đưa.
Bầy chim trắng thẩn thơ trên bãi mịn,
Đếm bóng mình hay tìm dấu chân xưa.

Ngày cuối hạ, nắng ngập ngừng  phố cũ,
Hàng cây buồn, vòm lá gió xôn xao.
Có tiếng nói vang âm từ quá khứ,
Thoáng ngậm ngùi, dĩ vãng cũng hư hao.

Và tháng chín, rồi đêm về rất muộn,
Thèm chút mưa cho kỷ niệm vơi đầy.
Ly rượu đỏ, quán khuya, không hò hẹn,
Biển thầm thì, trăng lạnh, trĩu sầu mây.

LAN ĐÀM - Huntington Beach, 9/12


Ngô Nguyên Nghiễm * Câu chuyện bên vách thần miếu, nói với bầy quỷ dữ hóa sinh





Mã lộ mất dấu không phương hướng
Mây đùn ngơ ngác bên thiên tượng
Lạ lùng cố thổ hoàng điệp rơi
Đầy sân nhểu thắm cơn gió chướng.

Vàng bay sông nước hề ngậm ngùi
Cờ bay không thấm được một lời
Canh trường nhân thế, sầu chất ngất
Oán khí ven trời vằng vặc trôi

Túi đen thạch mộ tổ tiên, hề…
Ngói rơi dưới huyệt, thần miếu hề…
Trống cổ bể tan loài tà mỵ
Hoán dung quỷ kiếp nặng trăng tê…

Đường về xương trắng nằm vương vải
Mỏ núi vùi xương cơn mộng hãi
Sá gì vận nước mịt mùng trôi
Thời khắc thiên hạ nói nên lời…

Thương thay xương máu hòa trong đất
Huyết cốt hóa thạch hóa văn vật
Đêm đêm linh khí dậy hồn thơ
Cổ nhân chong đèn xem gan mật…

Bào thai thuở trước như linh tượng
Nở bọc trăm con trăm rồng phượng
Dựng bờ tinh túy đãy giang sơn
Gấm hoa huyết nhục cháy quanh hồn.

Ừ loài tà mỵ đập trống đồng
Tinh hoa thiên cổ, cổ nhân khóc
Sinh con đâu dễ, trót sinh lòng
Bán đất rừng thiêng cây cỏ mọc

Thời nào không có loài ích tắc
Xẻ thịt xẻ xương như cơm vắt
Tinh túy cha ông nằm đau lòng
Cháy nát tâm cang, xóa nét mặt…

Trên đường mã lộ dấu cỏ mất
Di tích thiên khai bùn trộn đất
Mấy quả càn khôn đọng hình hài
Phù đổng tre rừng đập chất ngất…

Lá cỏ truyền hịch tận đầu nguồn
Kiến đen gậm càng chui nước mật
Bình ngô cáo tự hóa quân vương
Lạ lùng linh tượng bay réo rắc…

Mà nay, không thấm được một lời
Cờ bay như phướn mù yêu khí
Thần miếu hoang sơ hơi chí dị
Trống đình liễu rụng tiếng khè vang

Sá gì vận nước trôi mịt mờ
Bầy chim ích tắc đậu cây tắc
Nhánh oằn đen đủi áo cổ nhân
Gió chướng làm đau lòng lữ khách

Sinh con đâu dễ trót sinh tâm
Tấc đất nam quan cây cỏ khóc
Bút dựng sử thi đêm trăng mọc
Cần gì đến sử Tư Mã Thiên ?!

Canh trường chất ngất dáng cờ bay
Chấm dứt hình hài long quy phụng
Trống đồng bể nát dưới tà huy
Giữa bầy ó dữ khênh linh tượng.

Ngói rơi dưới huyệt, thần miếu hề…
Tan nát non sông, cây cỏ khóc
Ngày đêm nước mắt chảy quanh đây
Cháy nát tâm cang, xóa nét mặt…

Cháy nát tâm cang, cháy hết mặt
Một thời tà mỵ hóa sinh người !

Ngô Nguyên Nghiễm
Thư trang Quang Hạnh