văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, September 14, 2012

Ngô Nguyên Nghiễm * RỪNG – Kinh Dương Vương, Sự Hóa Thân Lộng Lẫy Trong Hội Họa – Văn Chương

tranh: họa sĩ Rừng

Bước vào không phận nghệ thuật, người nghệ sĩ đã hóa thân cùng cực trên sự sáng hóa kỳ vĩ mà chính bản thân đã soi rọi bằng ánh lửa biểu tượng đã chọn. Nhưng với Rừng- Kinh Dương Vương, thật tình nhiều lúc nghiêng tâm để chiêm nghiệm và định danh hướng đi kỳ ảo, mảnh liệt đầy lửa của anh, tôi cũng chưa bao giờ phân biệt giữa một họa sĩ Rừng và một nhà văn Kinh Dương Vương. Bề dày, của hai nhánh rẽ trên con đường chung anh đi, lại là những hóa thân kỳ diệu tụ chung của một con người đa bản ngã. Sự ngồn ngộn tư tưởng, phát sinh từ tâm thức sáng tạo, có lúc như vạch ra từ hiện thực những bí ẩn cực đoan của nhu cầu sự sống và hình thể.  Cũng có lúc như quạt đỏ ngọn lửa, đưa tri thức lập dựng một thế giới cùng cực săn đuổi bản ngã. Nét kỳ diệu trong tác phẩm của Rừng – Kinh Dương Vương, đều bộc phá mãnh liệt dù trên văn chương hay hội họa…đã khiến cháy bỏng cả một vũ trụ quan được lập dựng, hiển hiện đặc thù riêng biệt, dù ở đó là ký ức nguyên sơ, hay một dự phóng tương lai của một phương trời tạo lập khai sinh… Tác phẩm của Rừng – Kinh Dương Vương, đặt nặng một nhân bản sáng hóa thật bộc phá, hầu như tất cả nhào lộn trên ngọn lửa hóa sinh lập dựng một sinh thái đa dạng, mà ngôn ngữ chỉ là một cách diễn đạt sâu lắng của ý tưởng.
       
Cách đây hơn 40 năm, trong giai đoạn đất  nước đang oằn nặng bom đạn của mọi phía, trên não cân dân tộc bị rãi đầy kẽm gai, mìn chông, đã làm băng hoại mọi ý thức và sự sống…Sự bộc phát phản kháng trong nghệ thuật là một cách bày tỏ kiên định. Giao tế với bằng hữu trong thời gian này, là một sự lập dựng chân tình của những người trẻ cùng hướng chung một tâm thức. Dù ở giai đoạn nào, sự chân thành cũng là giềng mối, tạo thành một sự liên kết chặt chẽ, đa dạng cho chính nghệ thuật và nghệ sĩ. Anh em mỗi người một phương trời, đều mang trong tri thức một sự sáng tạo cống hiến, lập dựng cho chính văn hóa một góp mặt đa diện, làm phong phú cho nhân dáng văn hóa văn học quê hương. Chính vậy, mỗi người làm văn nghệ, phải tạo tác một hướng đi riêng biệt, và đứng sừng sững trên ngõ sáng tạo kỳ vĩ chính mình. Khoảng thời gian này, Rừng – Kinh Dương Vương đa dạng trong hội họa và văn chương. Người ta chào đón một hướng mới bập bùng ngọn lửa dương tính mãnh liệt, căng phồng sự sống nhân bản khiến tranh anh chứa đầy sự ẩn ức, biểu lộ một sức trăn trở đầy tư tưởng bộc phá. Điều đáng nói, là ý thức ngời sáng một cách kiên định trên một dòng tâm hướng phản chiến, bức bách trong cuộc sống ngột ngạt, tù đày của thân phận con người. Nét khác biệt của những họa sĩ đương thời, nhất là nhóm Họa sĩ Trẻ, mỗi người một phương cách chiêu hồn cho tranh riêng biệt. Giai đoạn, sự đấu tranh mãnh liệt của Rừng, đã đánh dấu bước lập dựng kỳ thú, chất ngất, như muốn động vỡ bản thể,  chui thoát khỏi sự bức bách nội tâm mà Huỳnh Hữu Ủy có lúc phát  biểu: Tranh Rừng, đập vào mắt người xem một cách vô cùng dữ dội, đẩy ta trở lại đối mặt với những gốc rễ của nền tảng nguyên thủy…Một vẻ nặng nề và trầm uất mà hồn nhiên, như tranh Gauguin hay nơi những trang sách Kamasutra, hay nơi một đền thờ Ấn Độ Giáo (Địa chỉ văn hóa TPHCM, XB 1990, Tr.298). Và nhà thơ Trần Hữu Dũng đã đưa ra một đoạn tiêu biểu giới thiệu cuộc hòa mình phiêu bạt và gian truân của Rừng – Kinh Dương Vương, đi-sống-vẽ-viết văn làm thơ như một thứ trò chơi quỷ ám, miệt mài sáng tạo bất chấp thành công hay thất bại, mà anh mê mãi ngụp lặn, bay bổng trong thế giới màu sắc của sự sáng tạo choáng ngộp, của một người nghệ sĩ đích thực của cuộc sống hôm nay. (Trích Nguyệt san Nghệ Thuật số 2/1994)

Sự đa dạng và tài hoa, Rừng – Kinh Dương Vương đã bộc phá một cách mãnh liệt trên ý thức nguyên bản, tạo lập một tư tưởng cùng cực mạnh bạo, và chiều sâu tâm thức như một sự soi lắng đột ngộ. Trên văn học, những truyện ngắn Kinh Dương Vương (như Bí Đái, Đường Kiến…) đăng rải rác trên Bán Nguyệt san Văn, Bách Khoa, Văn Học…của thời kỳ trước 1975, đã như một sự bộc phá tư tưởng, mà trong giai đoạn cuối của cuộc chiến trầm kha thường gây ngộ nhận. Nhưng phải công tâm mà nói, ở một thể chế đang ngụp lặn trong những tang thương mất mát một cách cùng cực của quê hương, sự hiểu biết đã hóa nhập đầy trong tư tưởng siêu đẳng của những người làm văn nghệ, đó là sự nới rộng của một nền nghệ thuật đích thực của miền Nam, là một điểm son rực rỡ, khiến nền văn học Việt Nam ít nhiều có giá trị trên ngôn ngữ và tư tưởng với văn học thế giới.

Sự bộc phát đa dạng của thời kỳ này, xuất hiện một lớp người văn nghệ chính thống, xây dựng cả con tim, khối óc…hóa thân kỳ diệu trên những tác phẩm kinh điển, mà lịch sử sẽ công tâm hơn. Tầng lớp văn nghệ sĩ của thời buổi xuân thu, chan đầy những tác phẩm chứng nhân, cho một dòng văn học miền Nam, không thể chối cải được, đã hầu như làm giàu rực rỡ thêm cho tiếng nói nhân văn của đất nước, ngang vai với những dòng văn học nước ngoài. Phải chăng, từ sự kiêu hãnh bay nhảy trên sáng hóa của người nghệ sĩ, lập dựng quan điểm tư tưởng như những phương trời hóa sinh kỳ diệu trong thế giới riêng của từng bằng hữu văn nghệ, đã tung rải hằng hà tinh tú lập dựng một không gian tuyệt diệu cho nghệ thuật.

Rừng – Kinh Dương Vương hóa thân một cách hoàn thiện trên khu rừng nghệ thuật bằng tư tưởng sáng hóa kỳ diệu, lập dựng màu sắc và ngôn ngữ riêng cho anh một cương thổ ngự trị phì nhiêu, sang trọng. Thời gian gần nửa thế kỷ trước, dù văn chương và hội họa là hai ngõ sáng tác và trưng bày, tức khắc hoạch định được một trí tuệ phong phú gây chú ý hòa đồng tuyệt diệu với khách thưởng ngoạn. Tranh của Rừng trong giai đoạn này, ngồn ngộn sinh khí đầy biểu tượng dương tính, phát huy tư hướng mãnh liệt đầy phong cách Rừng. Một phong cách biểu tượng hiện thực, chấm phá trên những gam màu nóng bỏng, như bùng vỡ trên từng centimet họa phẩm. Dữ dội như một hành tinh căng phồng chờ giây phút thiên khai để bùng vỡ và hủy diệt. Cái hiện hữu còn lại sau cơn chấn động tư tưởng, là hòa quyện giữa tâm thức một ngôn ngữ lập triết đầy tính phồn thực hóa sinh…

Cũng giai đoạn này, anh chan hòa trong một bản ngã khác là bước thênh thang trên khu vườn văn học, phải chăng đó lại là một kỳ thú tài hoa. Sự đa dạng của văn nghệ sĩ, thật ra không xa lạ gì, mà hằng thế kỷ trước trôi qua, những nhà khoa học lại là nhà văn, nhà điêu khắc, hội họa, thiên văn, địa lý…một cách kỳ diệu như: Léonade de Vinci…Kinh Dương Vương xuất hiện một loạt truyện ngắn đăng trên các tạp chí Văn, Bách Khoa, Văn Học…vô hình chung phát huy được một tư tưởng lập dựng, đào xới tận cùng tâm thức, bày ra ánh sáng những bức xúc ngột ngạt , bất lực, chỉ vì muốn nảy sinh một mầm hy vọng, một mầm sống thực tiễn cho cõi đời. Bất cứ một sáng tác văn học nào của Kinh Dương Vương, cũng hình thành trong sự trăn trở màu nhiệm của cốt lõi nhân bản, dày xéo tan nát tận cùng bản ngã của bản năng sơ nguyên và sự hoàn thiện tính người. Đọc những tác phẩm anh, len lỏi giữa những kinh sợ là bản chất hiện thực của thú và người. Kinh Dương Vương đào sâu tận cùng gốc rễ của những cái có thể và cái không thể, luôn luôn sinh hoạt luân lưu trong tâm thức và đời sống của cái gọi là con người. Sự biến thiên phức tạp trong những tình huống nghiệt ngã của tâm thức đời thường và sự sống còn của bản năng. Lập dựng một hướng quy hoạch cho bất cứ tình cảnh nào cũng có thể xảy ra, biến đổi chức năng tối thượng của một sinh vật thượng đẳng, trở thành đích danh một loài thú tật nguyền. Nhào nắn trong tư hướng đa bản ngã, thường xuyên dằn vật trong cuộc sống hằng ngày, đưa đẩy sự đổi màu tri thức bằng những bản năng tâm lý cực kỳ lạnh lùng và tàn nhẫn. Cái Thiện, cái Ác hòa trộn trong một hướng đi không thể phân biệt, và sự phán đoán thù ghét hay cảm tính đều bị nhầm lẫn trong từng giai đoạn hóa thân của nhân vật. Phải chăng, bản chất của đời sống, tâm linh cũng như mây khói, và vật chất cũng là khoảnh khắc chớp nhoáng thoáng qua trong quá trình cải biến nếp sống thường ngày. Mọi hình ảnh ghi nhận được biến đổi một cách linh động, như sự đổi màu vô cùng kỳ thú của tắc kè hoa. Trong cái ghê rợn mà Kinh Dương Vương diễn tả trong nhiều cốt truyện, đều dựa trên một nguyên tắc là, tận tụy đào xới tận gốc rễ của nguyên sinh sự sống. Trong đó có bản năng, tâm thức, đạo vị, cuộc đời…giống như sự lẳng lặng vô cùng tận lắng sâu hằng ngàn đáp số bay nhảy trên kiếp sống, đầy những tục tằn xáo trộn trong một hiện thể sinh học bao bọc trong một lớp da nhân tạo, lập dựng một đời sống kỳ quặc của thú và người. Mọi việc đều thản nhiên trên bàn mổ, như robot cấy bằng những con chip vô hồn, mà mọi xáo trộn tâm thức đều được định vị tàn nhẫn từ bản năng sinh tồn, đập vỡ tất cả những ý niệm được hình thành truy đuổi tận cùng bản ngã đích thực giữa hiện diện con người và tư tưởng…

Mọi sự soi rọi sâu thẳm, khiến người đọc thường bất ngờ và choáng ngộp trong những diễn biến của câu chuyện, xoắn đầy giữa bản năng và trí tuệ. Trong lớp nhà văn trẻ thời chiến tranh, có thể nhận định Kinh Dương Vương là một tài hoa cực kỳ quý hiếm, vượt qua ngưỡng cửa kinh điển của các luồng gió văn học nhuốm đậm Âu  Tây của những văn sĩ Bắc hà xuôi Nam trong thời kỳ hơn nửa thế kỷ trước, thành danh và chiếm lĩnh văn đàn một cách ngạo nghễ. Sự bốc trần một cách hỗn man tách bạch mọi tư hướng trần trụi của bản ngã, xô đẩy cái thực tại sinh tồn dằn xé, đọa đày trong một tâm thức lương thiện còn phảng phất ở kiếp người. Sự xáo trộn giữa hiện thực bản năng và sự trăn trở tâm thức, hình như được Kinh Dương Vương nhào nắn thành một khối duy nhất, đưa đẩy nhị trùng bản ngã trải dài trên sân khấu tranh tối tranh sáng, hầu thể hiện một bi kịch kinh khiếp, được dẫn chứng ở từng câu chuyện sáng tạo trong văn Kinh Dương Vương.

Thời kỳ những năm tháng đã qua, Rừng – Kinh Dương Vương bay nhảy trên những gam màu đỏ rực trong hội họa, bộc phát sự phẫn nộ phản kháng kiêu kỳ của người họa sĩ trước chiến tranh, thì văn xuôi của anh cũng thấm đẫm một lý triết nhân sinh đào xới tận cùng cuộc săn đuổi bản ngã, đưa lên cán cân giữa hiện thực bản năng và tâm thức siêu hình.

Nét nhìn vời vợi của một nghệ sĩ tài hoa  cực điểm, giúp người thưởng ngoạn nhìn lại những bóng dáng khuynh khoát của các nhân tài thế giới ở mọi lãnh vực, nhất là hội họa và văn chương. Hầu như, sự ẩn nhập đều đạt đỉnh chiêu hồn trên các tác phẩm sáng hóa một cách huyền diệu. Thì, Rừng – Kinh Dương Vương từ nửa thế kỷ nay, bộc phát kỳ vĩ trên những tác phẩm đầy vẻ trí tuệ, tạo lập cho mình một thế giới riêng biệt, đầy sáng hóa không ảnh hưởng ở một trường phái nào khác. Chính vậy, minh định được rằng Rừng – Kinh Dương Vương độc tôn ở cõi riêng mình.

Thời gian gần đây, bắt đầu từ 1988, sự trở lại của Rừng với cuộc triển lãm đầu tiên: Bình Minh Mới, bùng vỡ dương tính làm rực rỡ cho mọi ảnh hưởng sâu rộng với tầng lớp bằng hữu văn nghệ miền Nam. Khoảnh khắc của cuộc triển lãm gây ấn tượng lan rộng cho mọi chiều hướng văn nghệ, một giai đoạn mở với không khí thoáng rộng giúp cho nhiều tác phẩm đang chìm ngấm trong cơn lốc quê hương, được lần lượt hồi sinh…Ngọn đuốc từ bản thân Rừng cũng bừng cháy mãnh liệt, với sức sáng tạo cuồng tín, đa tâm thức, với quan điểm sáng hóa ngồn ngộn, phát huy tận cùng với nhiều chiều hướng sinh động. Cùng lúc, tranh Rừng biến hóa như trò chơi quỷ ám, bay nhảy giữa những tầng không thanh khí đầy tư hướng siêu hình, một nét biểu tượng mới trong gia tài hội họa dày đặc lý triết. Nét biểu tượng của Trên Tầng Thanh Khí (2004), tinh túy gom trọn vẹn trong một cuộc hóa thân tuyệt diệu mà Lê Khắc Cầm cho là cuộc phiêu lưu mộng tưởng – ánh sáng và bóng tối. Đến nay, qua bao nhiêu cuộc triển lãm kế tiếp, phải chăng là những cuộc đầu thai hướng về những cuộc biến hình mới như những không gian sương khói phủ trùm làm ấm áp cội nguồn của sự sống. Cảm Tạ Người Nữ (2009), đưa 7 hình tượng Mẹ rực rỡ màu sắc và linh điển. Sự hiển linh của người nữ đã tuôn đẫm ánh sáng huyền ảo, cháy bỏng trong từng hơi thở tôn vinh và bùng vỡ như cuộc thánh lễ tôn giáo bái hỏa mà 80.000 năm về trước, giữa vũ trụ hoang khai vẫn bùng lên một sức sống kỳ diệu, viễn mộng, đầy ắp tinh hoa mẫu hệ của sơ nguyên cuồn cuộn dâng trào. Năm 2011, Rừng thật sự trầm lắng lại, bằng sự thiền vọng, đưa đẩy chân thức bước qua sự biến dịch vô ngã trong cái tĩnh uyên nguyên. Quan điểm sáng tác mới của họa sĩ Rừng, bước vào một chân nguyên kỳ bí mà Hà đồ Lạc thư xoáy vòng tâm thức Đông phương hằng mấy ngàn năm hóa hiện. Những biểu đồ âm dương, bát quái, ngũ hành…được thu gom trong một khung trời hội họa mang nặng tính lý triết, còn âm thầm phân giải đời sống của thiên, địa, nhân. Sự biến hóa vũ trụ nằm trên giác ngộ từng người, nên hướng tới của Rừng trên một hoạch diện lý dịch, được người nghệ sĩ bày tỏ bằng nét chấm phá tâm thức hoác ngộ, soi thẳng vào cuộc tìm kiếm cái mới cho người đồng hành, thâm nhập vào tận cùng ý nghĩa của thế giới huyễn tượng và kỳ bí. Chiếc khóa chưa được mở, nên vòng quay âm dương lưỡng nghi biến hóa cùng cực trên nếp áo, phục sinh từng màu sắc trắng, đỏ, đen,… bay lượn huyền bí trong tư tưởng mầu nhiệm của nghệ thuật.

Sự đột phá của Kinh Dương Vương, cũng không phải là bước đi mới của anh trong cuộc lữ hành tìm kiếm bản chất thực của con người. Mà hơn 40 năm qua, sự dâng trào tư tưởng đầy sáng hóa, Kinh DươngVương đã là một trong số ít người viết văn, nói lên được những nét dị thường, phức tạp trong đời sống thường ngày. Nét dị thường đó là bản năng của một kiến trúc đa dạng xấp lốp trong bản thể sinh vật. Họa chăng, chất người còn sót lại là những tiếng nói chân phương bị dằn xé trong cuộc sinh tồn, hay ngôn ngữ chỉ tượng trưng được phần nào cho sự ẩn ức sâu thẳm trong tâm hồn !?...

Tất cả chính kiến, nhà văn Kinh Dương Vương hoàn thành trong những toàn tập Thơ Văn ấn hành gần đây làm sáng tỏ một phương án lý triết được anh lập dựng gần nửa thế kỷ hóa thân trong cuộc sống trăn trở, đọa đày, dằn xé từ một cõi mê cung lộng lẫy của hội họa và văn chương vậy…..

NGÔ NGHUYÊN NGHIỄM

Viết tại thư trang Quang Hạnh
(Mùa hạ 2011)

Tuesday, September 11, 2012

Phan Đổng Lý * Bạn Tôi: Trần Vấn Lệ




(Năm mươi mốt năm sau, ta lại gặp nhau 1958-2009)

( Ngày xưa tóc biếc, tung đường gió

Nay bạc tóc đầu, mi với tao…)

Trần Vấn Lệ

         
Sự đời lắm chuyện bất ngờ
Lại thêm một gã lơ ngơ khật khờ
Mới ngày nào lất phất lơ phơ
Nay hực hở một trời thơ diễm lệ

Nhớ xưa ấm ớ hội tề
Bước cao bước thấp chân quê nhập trường
Bao năm chung mái học đường
Lời xiên tiếng xỏ há nhường cho nhau
Thanh bình bỗng dậy binh đao
Con đường hoạn lộ băng sau quân trường
Gió mây biến ảo khôn lường
Giang sơn một giải, bốn phương mịt mờ
Máu đào nhuộm đỏ màu cờ
Một thân tù tội vật vờ thâu canh
Ngẩng đầu chẳng thẹn trời xanh
Dõi trông vận nước, đỏ vành con ngươi

Giờ đây phiêu bạt xứ người
Chiếc thân cô lữ, ta cười với ta
Bạc đầu gần đất trời xa
Lần tay đếm ngược trời xa cũng gần
Trước sau gì cũng một lần
Vướng thêm một chút bụi trần đã sao?
Chợ đời là chốn tiêu dao
ợn thơ, sớm lu tối đào, mua vui

Đêm nằm nhắm mắt ngủ vùi
Tìm về cố quận, ngậm ngùi tử sinh
Đâu ngoại ngồi tắm nắng bình minh
Mẹ hiền tất tưởi bát canh chén trà
Đâu cánh diều gió dật chiều tà
Em thơ dõi mắt hi ha tiếng cười
Dâu, cà ai tưới mà tươi!
Người xưa nay với biển tri lênh đênh

Đường về cố quận buồn tênh!!!

Phan Đổng Lý   08/2012

Monday, September 10, 2012

Tiểu Tử * CHUYỆN CHẲNG CÓ GÌ HẾT


tranh Hà Cẩm Tâm



Thật vậy, chuyện chẳng có gì hết. Nhưng sao nó cứ đeo theo ám ảnh tôi từ mấy hôm nay. Tôi cứ nghĩ đến nó, nhớ rõ từng chi tiết, hình ảnh, từng xúc động trong lòng mình lúc đó. Để rồi trăn trở băn khoăn, không biết những người khác – những người Việt Nam cũng lưu vong như tôi – có cùng một tâm trạng như tôi hay không, nếu họ chứng kiến câu chuyện chẳng có gì hết này. Đó là lý do tôi muốn kể lại những gì tôi đã nghe thấy cách đây mấy hôm. Và tôi nghĩ : kể lại, chắc sẽ làm nhẹ bớt những gì từ bao lâu nay tôi chất chứa trong lòng…

...Hôm đó, tôi đi mua đồ ở siêu thị. Sau khi kiểm điểm lại những gì mà vợ tôi dặn mua – một danh sách mười mấy món – tôi đẩy xe caddie lại xếp hàng để ra két. Vì đông người nên hàng thật dài, kéo sâu vào hành lang giữa hai dải kệ đầy bánh kẹo. Tôi đứng ở cuối cái đuôi, kiên nhẫn đợi, bởi vì người xếp hàng đã đông mà caddie của người nào cũng đầy ăm ắp.


Phía trước tôi, cách hai người, có ba con đầm tuổi choai choai chắc đi chung nên thấy xô đẩy nhau cười nói. Chúng nó nói chuyện với nhau, nói lớn tiếng như chúng đang ở ngoài đồng và như đứa này cách đứa kia hàng trăm thước ! Một đứa bỗng lấy ra một điện thoại di-động bấm nút rồi nói chuyện. Vì hai đứa kia đang nói lớn tiếng nên nó phải la lớn hơn để người đối thoại mới nghe. Đại khái, nó hỏi : " Hôm qua mày đi với thằng nào ? ... Super... Ừ ! Ừ !... Thằng Alex hả ?... Génial ! ... Ừm ! Ừm ! … Génial ! ... Rồi mày làm sao ?...Ừm ! Ừm !...". Bỗng nó rú lên vừa nhảy cẫng vừa hét vào máy : " Ố ! Ố !...Super ! Super ! Génial !... Ờ… Thôi ! Mày gọi lại tao há ! Bye ! " Nó đóng máy lại mà mắt môi vẫn còn đầy kích động ! Có vài người nhìn nó, nhưng cái nhìn dửng dưng. Chẳng thấy có ai cau mày hay lắc đầu nhè nhẹ để thấy họ có phản ứng, dù là gián tiếp ! Coi như chuyện bình thường…

Tôi thì tôi không chịu được ! Thật là mất dạy. Mà ở xứ Pháp này, cái thứ mất dạy như vậy, đầy ! Chẳng còn nề nếp gì hết, chẳng còn lễ độ gì hết, chẳng còn kiêng nể gì hết. Loạn !

Chính trong lúc đó tôi nghe phía sau tôi giọng đàn bà nói tiếng Việt Nam : " Sophie ! Đừng làm như vậy ! Mẹ nói đừng làm như vậy !". Ngạc nhiên, tôi nhìn lại : đứng ngay sau tôi là một thiếu phụ Việt Nam tuổi độ ba mươi và một đứa bé gái tóc vàng mắt xanh cỡ chừng bảy tám tuổi. Thấy tôi nhìn, cô ta mỉm cười gật đầu chào, rồi tiếp tục nói với đứa con : " Mẹ dạy con làm sao ? Muốn cái gì cũng phải hỏi ý mẹ trước. Thứ này ở nhà con còn tới hai hộp lận, ăn chưa hết mà con lấy nữa làm gì ?" Đứa bé đứng cúi đầu. Cô ta nói tiếp, giọng hơi gằn : " Sophie ! Nhìn vào mắt mẹ nè !" Đứa bé ngước lên nhìn mẹ, đôi mắt xanh chớp chớp. Người mẹ vừa nói vừa chỉ hộp bánh nằm trong caddie : " Con đem hộp bánh trả lại trên kệ hàng cho mẹ ! Đừng làm cho mẹ giận, Sophie !" Đứa bé làm theo lời mẹ, rồi trở về nắm ống tay áo mẹ giựt giựt nhẹ, giọng như sắp ướt nước mắt : " Mẹ đừng giận con, nghe mẹ. Mẹ đừng giận con…"

Ngạc nhiên, tôi nói : " Cháu nói tiếng Việt giỏi quá, há cô !". Mẹ nó cười tươi : " Dạ, lúc nào nó nói chuyện với cháu nó cũng nói bằng tiếng Việt. Còn nói với ba nó thì nó nói tiếng Pháp". Rồi cô ta quay qua nói với con : "Chào ông đi con". Con bé khoanh tay cúi đầu : "Dạ chào ông". Tôi đưa tay xoa đầu nó, nói được có một tiếng "Giỏi" rồi nghẹn ngang. Tôi vội nhắm mắt quay mặt đi để che giấu niềm xúc động. Nhắm mắt mà tôi vẫn thấy đứa bé khoanh tay cúi đầu chào, một cử chỉ rất tầm thường nhưng sao nó bật lên cho tôi hình ảnh quê hương, cái quê hương ngàn trùng xa cách ? Từ lâu, rất lâu – có lẽ cũng gần ba mươi năm – tôi không còn thấy cái cung cách lễ độ đó. Ở Việt Nam, phần lớn các bà mẹ đều dạy con như vậy. Bây giờ, trên xứ Pháp xa xôi này, một người mẹ Việt Nam trẻ tuổi chẳng những dạy đứa con lai nói rành rọt tiếng Việt mà còn dạy cả cung cách Việt Nam nữa. Người mẹ đó bỏ xứ ra đi, đã biết mang theo những gì quí nhứt của quê hương. Hình ảnh Việt Nam bỗng ngời lên trước mắt…

Trả tiền xong, tôi quay lại nói : "Thôi ! Chào cô nghen ! Thấy cô dạy cháu bé như vậy, tôi thật cảm phục. Ở đây, hiếm lắm, cô biết không ?". Cô ta cười : "Dạ ! Có gì đâu? Mình là người Việt Nam mà bác. Dạ ! Chào bác". Bé gái đang phụ mẹ chất đồ lên quầy cũng ngừng tay nhìn tôi cúi đầu chào… Thấy thương quá !

Trên đường về tôi miên man nghĩ tới người thiếu phụ trẻ tuổi đó và thấy quí những người như vậy vô cùng. Không phải tại vì hiếm mà quí. Mà tại vì nhờ có những người như vậy cái gốc Việt Nam vẫn còn, vẫn có trên khắp các nẻo đường lưu vong.

Rồi liên tưởng nhắc tôi một thằng bạn. Tụi tôi quen thân nhau từ nhỏ. Lớn lên, nó làm trong nhà nước, tôi làm hãng tư, nhưng vẫn thường gặp nhau. Nó di tản trước tháng tư 75 rồi định cư ở Pháp. Tôi bị kẹt lại, sống mấy năm trời lận đận. Sau đó tôi vượt biên. Rồi cũng định cư ở Pháp. Chúng tôi lại gặp nhau ở Paris. Nó làm việc cho nhà nước Pháp, cuộc đời ổn định từ lâu. Tôi lêu bêu một dạo rồi trôi qua Phi Châu mới có công ăn việc làm. Từ đó, chúng tôi bặt tin nhau…

Phải hai mươi năm sau, về Paris tôi mới lại gặp nó. Nó có nhà ở dưới tỉnh, cách Paris cả ngàn cây số. Nhân dịp lên Paris ở hai ngày để dự đám cưới thằng cháu, nó tìm gặp lại tôi ở nhà một người bạn chung. Nói chuyện suốt cả buổi chiều vẫn chưa thấy đã.
Sau đó, nó biên cho tôi địa chỉ của nó trên một tờ giấy nhỏ, tôi nhìn mà nhớ lại thuở thiếu thời. Hồi đó, nó là một trong vài thằng viết chữ đẹp nhứt lớp, cho nên ông thầy chỉ định nó mỗi buổi sáng vào lớp trước giờ học để viết trên đầu tấm bảng đen cái thứ trong tuần và ngày tháng năm. Hồi thời đó, được chỉ định như vậy, "hách" ghê lắm ! Bây giờ, tuồng chữ của nó vẫn còn đẹp như xưa nhưng cứng rắn hơn.

Mấy hôm sau, tôi viết cho nó một bức thư dài, nhắc lại những kỷ niệm cũ mà hôm gặp lại nhau còn quên chưa kịp nhắc. Thằng con tôi bảo tôi viết xong đưa nó đánh vào máy vi tính rồi in ra cho tôi. Máy của nó có hệ VNI nên đánh chữ Việt Nam được. Tôi nói : "Không ! Ba muốn gởi thư viết tay, nó trang trọng hơn. Ngoài ra, khi bạn của ba cầm lá thư trên tay, chưa đọc, chỉ nhìn tuồng chữ thôi, ông ta cũng sẽ thấy được ba trong từng nét bút. Còn thư đánh máy, nó không mang một bản sắc nào hết, nó cứng ngắt, vô hồn…"

Mươi ngày sau, tôi nhận được lá thư hồi âm của nó. Thư đánh máy và bằng tiếng Pháp. Tôi cảm thấy thật hụt hẫng. Tôi đâu có dè nó "mất gốc" đến độ như vậy ! Tôi chỉ còn nhìn ra được thằng bạn tôi ở cái chữ ký, còn lại là một thằng tây nào đó chớ không phải một thằng Việt Nam ! Tôi chua xót, nhưng cũng ráng đọc cho hết bức thư trước khi thả nó rơi vào sọt rác. Tình bạn mà tôi đã dành cho nó từ thời tuổi nhỏ chắc cũng đã rơi theo vào sọt rác, nghe nhẹ như hơi thở dài…

Đó ! Câu chuyện không có gì hết mà tôi muốn kể lại. Suy cho cùng, chắc nó có mang một "cái gì đó" chớ không phải "không có gì hết". Tại vì tôi không thấy. Chớ nếu nó không "nói" lên cái gì hết thì tại sao tôi cứ phải nghĩ ngợi băn khoăn ?

Có lẽ tại vì lâu nay tôi thường nghe người Việt lưu vong than đã mất quê hương, mà tôi thì cứ cho là chuyện bình thường, chẳng có gì phải suy nghĩ. Chính cái cung cách khoanh tay cuối đầu chào của cô bé tóc vàng mắt xanh đã bắt tôi phải suy nghĩ. Nếu người Việt lưu vong giống thằng bạn của tôi thì đúng là họ đã để mất quê hương thật.
Còn như họ giống mẹ con người thiếu phụ trẻ tuổi mà tôi gặp trong siêu thị thì làm sao nói mất quê hương ? Quê hương còn nguyên đó chớ, thể hiện bằng tư duy, bằng ngôn ngữ, bằng phong cách đặc thù Việt Nam. Đó là cái gốc mà mình đã mang theo, chỉ cần một quyết tâm gìn giữ, vun bồi là nó sẽ đâm chồi nẩy lộc… Còn hay hơn nữa : mình nên bắt chước người mẹ trẻ tuổi đó, coi chuyện gìn giữ cái gốc là chuyện tự nhiên, ai ai cũng phải làm. Tôi nhớ hoài câu nói của cô ta : "Dạ ! Có gì đâu ? Mình là người Việt Nam mà bác !". Và tôi tin chắc : một người như cô ta chẳng bao giờ than rằng đã mất quê hương !

Bây giờ thì tôi thấy "câu chuyện không có gì hết" thật sự không phải không có gì hết !