Saturday, September 22, 2012
ĐỖ HỒNG NGỌC * Lời Gọi Cỏ May của Phan Bá Thụy Dương
Friday, September 21, 2012
Tiểu Tử * CHUYỆN CHẲNG CÓ GÌ HẾT
tranh Đằng Giao |
Thật vậy, chuyện chẳng có gì hết. Nhưng sao nó cứ đeo theo ám ảnh tôi từ mấy hôm nay. Tôi cứ nghĩ đến nó, nhớ rõ từng chi tiết, hình ảnh, từng xúc động trong lòng mình lúc đó. Để rồi trăn trở băn khoăn, không biết những người khác – những người Việt Nam cũng lưu vong như tôi – có cùng một tâm trạng như tôi hay không, nếu họ chứng kiến câu chuyện chẳng có gì hết này. Đó là lý do tôi muốn kể lại những gì tôi đã nghe thấy cách đây mấy hôm. Và tôi nghĩ : kể lại, chắc sẽ làm nhẹ bớt những gì từ bao lâu nay tôi chất chứa trong lòng…
...Hôm đó, tôi đi mua đồ ở siêu thị. Sau khi kiểm điểm lại những gì mà vợ tôi dặn mua – một danh sách mười mấy món – tôi đẩy xe caddie lại xếp hàng để ra két. Vì đông người nên hàng thật dài, kéo sâu vào hành lang giữa hai dải kệ đầy bánh kẹo. Tôi đứng ở cuối cái đuôi, kiên nhẫn đợi, bởi vì người xếp hàng đã đông mà caddie của người nào cũng đầy ăm ắp.
Phía trước tôi, cách hai người, có ba con đầm tuổi choai choai chắc đi chung nên thấy xô đẩy nhau cười nói. Chúng nó nói chuyện với nhau, nói lớn tiếng như chúng đang ở ngoài đồng và như đứa này cách đứa kia hàng trăm thước ! Một đứa bỗng lấy ra một điện thoại di-động bấm nút rồi nói chuyện. Vì hai đứa kia đang nói lớn tiếng nên nó phải la lớn hơn để người đối thoại mới nghe. Đại khái, nó hỏi : " Hôm qua mày đi với thằng nào ? ... Super... Ừ ! Ừ !... Thằng Alex hả ?... Génial ! ... Ừm ! Ừm ! … Génial ! ... Rồi mày làm sao ?...Ừm ! Ừm !...". Bỗng nó rú lên vừa nhảy cẫng vừa hét vào máy : " Ố ! Ố !...Super ! Super ! Génial !... Ờ… Thôi ! Mày gọi lại tao há ! Bye ! " Nó đóng máy lại mà mắt môi vẫn còn đầy kích động ! Có vài người nhìn nó, nhưng cái nhìn dửng dưng. Chẳng thấy có ai cau mày hay lắc đầu nhè nhẹ để thấy họ có phản ứng, dù là gián tiếp ! Coi như chuyện bình thường…
Tôi thì tôi không chịu được ! Thật là mất dạy.
Mà ở xứ Pháp này, cái thứ mất dạy như vậy, đầy ! Chẳng còn nề nếp gì hết, chẳng
còn lễ độ gì hết, chẳng còn kiêng nể gì hết. Loạn !
Chính trong lúc đó tôi nghe phía sau tôi giọng
đàn bà nói tiếng Việt Nam : " Sophie ! Đừng làm như vậy ! Mẹ nói đừng làm
như vậy !". Ngạc nhiên, tôi nhìn lại : đứng ngay sau tôi là một thiếu phụ
Việt Nam tuổi độ ba mươi và một đứa bé gái tóc vàng mắt xanh cỡ chừng bảy tám
tuổi. Thấy tôi nhìn, cô ta mỉm cười gật đầu chào, rồi tiếp tục nói với đứa con
: " Mẹ dạy con làm sao ? Muốn cái gì cũng phải hỏi ý mẹ trước. Thứ này ở
nhà con còn tới hai hộp lận, ăn chưa hết mà con lấy nữa làm gì ?" Đứa bé đứng
cúi đầu. Cô ta nói tiếp, giọng hơi gằn : " Sophie ! Nhìn vào mắt mẹ nè
!" Đứa bé ngước lên nhìn mẹ, đôi mắt xanh chớp chớp. Người mẹ vừa nói vừa
chỉ hộp bánh nằm trong caddie : " Con đem hộp bánh trả lại trên kệ hàng
cho mẹ ! Đừng làm cho mẹ giận, Sophie !" Đứa bé làm theo lời mẹ, rồi trở về
nắm ống tay áo mẹ giựt giựt nhẹ, giọng như sắp ướt nước mắt : " Mẹ đừng giận
con, nghe mẹ. Mẹ đừng giận con…"
Ngạc nhiên, tôi nói : " Cháu nói tiếng
Việt giỏi quá, há cô !". Mẹ nó cười tươi : " Dạ, lúc nào nó nói chuyện
với cháu nó cũng nói bằng tiếng Việt. Còn nói với ba nó thì nó nói tiếng
Pháp". Rồi cô ta quay qua nói với con : "Chào ông đi con". Con
bé khoanh tay cúi đầu : "Dạ chào ông". Tôi đưa tay xoa đầu nó, nói được
có một tiếng "Giỏi" rồi nghẹn ngang. Tôi vội nhắm mắt quay mặt đi để
che giấu niềm xúc động. Nhắm mắt mà tôi vẫn thấy đứa bé khoanh tay cúi đầu
chào, một cử chỉ rất tầm thường nhưng sao nó bật lên cho tôi hình ảnh quê
hương, cái quê hương ngàn trùng xa cách ? Từ lâu, rất lâu – có lẽ cũng gần ba
mươi năm – tôi không còn thấy cái cung cách lễ độ đó. Ở Việt Nam, phần lớn các
bà mẹ đều dạy con như vậy. Bây giờ, trên xứ Pháp xa xôi này, một người mẹ Việt
Nam trẻ tuổi chẳng những dạy đứa con lai nói rành rọt tiếng Việt mà còn dạy cả
cung cách Việt Nam nữa. Người mẹ đó bỏ xứ ra đi, đã biết mang theo những gì quí
nhứt của quê hương. Hình ảnh Việt Nam bỗng ngời lên trước mắt…
Trả tiền xong, tôi quay lại nói : "Thôi
! Chào cô nghen ! Thấy cô dạy cháu bé như vậy, tôi thật cảm phục. Ở đây, hiếm lắm,
cô biết không ?". Cô ta cười : "Dạ ! Có gì đâu? Mình là người Việt
Nam mà bác. Dạ ! Chào bác". Bé gái đang phụ mẹ chất đồ lên quầy cũng ngừng
tay nhìn tôi cúi đầu chào… Thấy thương quá !
Trên đường về tôi miên man nghĩ tới người thiếu
phụ trẻ tuổi đó và thấy quí những người như vậy vô cùng. Không phải tại vì hiếm
mà quí. Mà tại vì nhờ có những người như vậy cái gốc Việt Nam vẫn còn, vẫn có
trên khắp các nẻo đường lưu vong.
Rồi liên tưởng nhắc tôi một thằng bạn. Tụi
tôi quen thân nhau từ nhỏ. Lớn lên, nó làm trong nhà nước, tôi làm hãng tư,
nhưng vẫn thường gặp nhau. Nó di tản trước tháng tư 75 rồi định cư ở Pháp. Tôi
bị kẹt lại, sống mấy năm trời lận đận. Sau đó tôi vượt biên. Rồi cũng định cư ở
Pháp. Chúng tôi lại gặp nhau ở Paris. Nó làm việc cho nhà nước Pháp, cuộc đời ổn
định từ lâu. Tôi lêu bêu một dạo rồi trôi qua Phi Châu mới có công ăn việc làm.
Từ đó, chúng tôi bặt tin nhau…
Phải hai mươi năm sau, về Paris tôi mới lại gặp
nó. Nó có nhà ở dưới tỉnh, cách Paris cả ngàn cây số. Nhân dịp lên Paris ở hai
ngày để dự đám cưới thằng cháu, nó tìm gặp lại tôi ở nhà một người bạn chung.
Nói chuyện suốt cả buổi chiều vẫn chưa thấy đã.
Sau đó, nó biên cho tôi địa chỉ của nó trên một
tờ giấy nhỏ, tôi nhìn mà nhớ lại thuở thiếu thời. Hồi đó, nó là một trong vài
thằng viết chữ đẹp nhứt lớp, cho nên ông thầy chỉ định nó mỗi buổi sáng vào lớp
trước giờ học để viết trên đầu tấm bảng đen cái thứ trong tuần và ngày tháng
năm. Hồi thời đó, được chỉ định như vậy, "hách" ghê lắm ! Bây giờ, tuồng
chữ của nó vẫn còn đẹp như xưa nhưng cứng rắn hơn.
Mấy hôm sau, tôi viết cho nó một bức thư dài,
nhắc lại những kỷ niệm cũ mà hôm gặp lại nhau còn quên chưa kịp nhắc. Thằng con
tôi bảo tôi viết xong đưa nó đánh vào máy vi tính rồi in ra cho tôi. Máy của nó
có hệ VNI nên đánh chữ Việt Nam được. Tôi nói : "Không ! Ba muốn gởi thư
viết tay, nó trang trọng hơn. Ngoài ra, khi bạn của ba cầm lá thư trên tay,
chưa đọc, chỉ nhìn tuồng chữ thôi, ông ta cũng sẽ thấy được ba trong từng nét
bút. Còn thư đánh máy, nó không mang một bản sắc nào hết, nó cứng ngắt, vô hồn…"
Mươi ngày sau, tôi nhận được lá thư hồi âm của
nó. Thư đánh máy và bằng tiếng Pháp. Tôi cảm thấy thật hụt hẫng. Tôi đâu có dè
nó "mất gốc" đến độ như vậy ! Tôi chỉ còn nhìn ra được thằng bạn tôi ở
cái chữ ký, còn lại là một thằng tây nào đó chớ không phải một thằng Việt Nam !
Tôi chua xót, nhưng cũng ráng đọc cho hết bức thư trước khi thả nó rơi vào sọt
rác. Tình bạn mà tôi đã dành cho nó từ thời tuổi nhỏ chắc cũng đã rơi theo vào
sọt rác, nghe nhẹ như hơi thở dài…
Đó ! Câu chuyện không có gì hết mà tôi muốn kể
lại. Suy cho cùng, chắc nó có mang một "cái gì đó" chớ không phải
"không có gì hết". Tại vì tôi không thấy. Chớ nếu nó không
"nói" lên cái gì hết thì tại sao tôi cứ phải nghĩ ngợi băn khoăn ?
Có lẽ tại vì lâu nay tôi thường nghe người Việt
lưu vong than đã mất quê hương, mà tôi thì cứ cho là chuyện bình thường, chẳng
có gì phải suy nghĩ. Chính cái cung cách khoanh tay cuối đầu chào của cô bé tóc
vàng mắt xanh đã bắt tôi phải suy nghĩ. Nếu người Việt lưu vong giống thằng bạn
của tôi thì đúng là họ đã để mất quê hương thật.
Còn như họ giống mẹ con người thiếu phụ trẻ
tuổi mà tôi gặp trong siêu thị thì làm sao nói mất quê hương ? Quê hương còn
nguyên đó chớ, thể hiện bằng tư duy, bằng ngôn ngữ, bằng phong cách đặc thù Việt
Nam. Đó là cái gốc mà mình đã mang theo, chỉ cần một quyết tâm gìn giữ, vun bồi
là nó sẽ đâm chồi nẩy lộc… Còn hay hơn nữa : mình nên bắt chước người mẹ trẻ tuổi
đó, coi chuyện gìn giữ cái gốc là chuyện tự nhiên, ai ai cũng phải làm. Tôi nhớ
hoài câu nói của cô ta : "Dạ ! Có gì đâu ? Mình là người Việt Nam mà bác
!". Và tôi tin chắc : một người như cô ta chẳng bao giờ than rằng đã mất
quê hương !
Bây giờ thì tôi thấy "câu chuyện không
có gì hết" thật sự không phải không có gì hết!
Tiểu Tử
Phan Bá Thụy Dương ● bóng thời gian
cho LêHùng & Phan ĐổngLý
biển lặng sóng nước xanh như mắt ngọc
liểu vờn bay như suối tóc người tình cơn nắng hồng - giọt nắng mới lung linh thuyền ai đó mái chèo khua bỡ ngỡ ôm khổ hạnh én lần qua đất nhớ gió về đâu nghiêng ngã khóm phi lau gió về đâu mà bụi khói xôn xao mây lờ lửng trên đỉnh trời vàng vọt cành lá biếc vừa đâm chồi nảy lộc ai báo Xuân cho lau cỏ rộn ràng nhịp trống nào xa khoan nhặt mênh mang nghe phảng phất bóng thời gian vời vợi. |
Phạm Tín An Ninh * NGƯỜI BẠN LÀNG TAM ÍCH
tranh Thanh Trí |
Bạn về gõ cửa đêm thâu
Ta nghe âm vọng nỗi sầu ngày xưa
Sau ba năm ngồi bên nhau ở trường Võ Tánh, chia tay, mỗi thằng đi mỗi ngã. Anh bạn của tôi thì vào trường luật, còn tôi thì vào trường...lính. Khi còn đi học, bạn chăm chỉ và giỏi hơn tôi nhiều. Hai đứa học trò nghèo, cùng ở quê lên tỉnh học, nên dễ dàng là bạn tâm giao. Con nhà nghèo nhưng tôi lại mê truyện François Sagan và thơ Xuân Diệu nên biết yêu hơi sớm, nên thay vì theo bạn học thêm vài ba chữ, thì tôi lại đắm say ngụp lặn trong một cuộc tình kiểu Aimez-vous Brahm. Mà dường như tình yêu nó làm cho người ta đổi thay ghê gớm lắm.
Không biết tình yêu ngày ấy có làm tôi "...chết ở trong lòng một ít, và... lạc lối giữa u sầu mù mịt" như ông Xuân Diệu hay không, nhưng nó đã biến tôi thành một thằng lính. Để cho có vẻ lãng mạn một chút, tôi tự cho mình là một thằng lính đa tình.
Trước ngày chia tay, anh bạn dẫn tôi về thăm quê. Từ Nha trang chúng tôi di xe đò Khánh Hòa. một trong những chiếc xe Renault sơn màu nửa xanh nửa trắng, quen thuộc một thời với đám học trò từ Vạn Giã, Ninh Hòa vào Nha Trang đi học. Qua khỏi đèo Rọ Tượng một lúc, xuống xe, anh bạn đèo tôi trên xe đạp về làng. Đi dọc theo con đường đất, hai bên bát ngát những ruộng đồng, hun hút phía xa xa, nằm ẩn hiện sau ngôi đình với bao tàn cây cổ thụ, là làng Tam Ích. Cái làng quê đẹp như bức tranh vẽ và thần tiên như trong cổ tích. Ngay cả cái tên của bạn tôi cũng mộc mạc dễ thương như cánh đồng tôi vừa mới đi qua. Làng Tam Ích hiền hòa, êm đềm với tiếng gió đồng nội hòa cùng tíếng sóng rì rào tạo thành khúc nhạc huyền dịu của đất trời, và hun đúc cái hiền lành thánh thiện trong tâm hồn người bạn thời niên thiếu của tôi...
Vậy mà chiến tranh cũng đã một thời cướp đi cái yên bình đầm ấm của ngôi làng. Ăn cơm chiều sớm, hai đứa chúng tôi chào những người thân, rồi đèo nhau ra phố Ninh Hòa ngủ qua đêm. Nếu chiến tranh ngày đó đã cướp mất của tôi bao nhiêu điều tốt đẹp, thì trong đó có cả cái lần tôi không được ở lại làng Tam Ích một đêm để cùng anh bạn tôi kéo giành bắt cá, đi câu, và ngồi ngắm ánh trăng lung linh trên đầm Nha Phu trong một vùng biển trời tĩnh mịch.
Ra khỏi quân trường tôi về Nha Trang tìm thăm bạn tôi một lần. Hai thằng rủ nhau ra tiệm sách Vĩnh An Thành, bên cạnh chợ Đầm, vờ mua sách để ngắm dung nhan cô chủ mà anh bạn của tôi đã từng say đắm một thời. Rồi kể từ đó biền biệt xa nhau. Chiến trường ngày càng ác liệt, những thằng lính đánh giặc như tôi chỉ biết có súng đạn và mục tiêu trước mặt. Phố phường, bạn cũ trường xưa, là một quá khứ thật dễ thương, nhưng cũng đành phải mờ nhạt phía sau lưng.
Mười năm sau, khi cùng đơn vị sống chết từng phút từng giờ với chiến trường Kontum trong "mùa hè đỏ lửa", bất ngờ tôi gặp lại người bạn làng Tam Ích ngày xưa. Anh sinh viên trường luật ngày nào bây giờ chỉ huy một đơn vị CTCT, vừa từ Ban Mê Thuột lên hỗ trợ tinh thần cho đơn vị tôi. Bộ "chinh y" chưa làm cho chàng ta thay đổi. Vẫn nét mặt thư sinh cùng nụ cười hiền hậu ngày xưa. Hai thằng ôm nhau trong lúc đạn pháo trên các chiến xa T-54 thi nhau bắn vào căn cứ. Nửa khuya hôm ấy đơn vị tôi nhận lệnh di chuyển bất ngờ. Vậy là tâm tình chưa cạn thì hai thằng đã phải lặng lẽ chia tay, chưa kịp bắt chước nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn nắm tay hò hẹn:
"Ngày mai đánh giặc ta còn sống
Về ghé Pleiku* phá phách chơi..
Uống rượu tiêu sầu cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui "
Vậy mà Trời thương, hai thằng còn sống. Mang tấm thân tàn tạ về với gia đình. Tội nghiệp, nghe tin tôi về, anh bạn trọn tình, tìm đến nhà ông bà già vợ tôi ở Ninh Hòa thăm thằng bạn cũ. Lúc ấy chính quyền Cách Mạng không cho phép "tạm trú" với vợ con ở Ninh Hòa, tôi phải về sống với một bà cô ngoài quê nội, nên bạn tôi không gặp. (Ô hay, chẳng lẽ trên quê hương tôi đã từng có cái cảnh "gần trong gang tấc mà xa nghìn trùng " như thế hay sao ?)
Đúng ba mươi năm sau, từ những phương trời xa lạ, bất ngờ đọc trang web Ninh Hòa, bạn nhắn tìm tôi. Kẻ bên bắc Mỹ, người tận bắc Âu xa tít mịt mù, vậy mà tôi có cảm giác hai thằng đang ngồi bên nhau như lúc còn ở trường Võ Tánh. Trên đầu giây điện thoại, hai đứa nhắc nhau bao kỷ niệm vui buồn về bạn cũ trường xưa, cùng chia sẻ mọi nỗi niềm oan khổ từ những ngày "vì sao mà ra nông nỗi..".
Tội nghiệp người bạn một thời học hành chăm chỉ và khi làm lính thì vẫn hiền lành như một thư sinh, vậy mà hơn sáu năm tù đày trở về phải bỏ cái làng quê Tam Ích với biết bao dấu chân suốt một thời thơ ấu, dắt vợ con lang thang vào vùng kinh tế mới Đồng Bò. Chỉ hai năm sau, rừng thiêng nước độc đã cướp mất của bạn tôi người vợ hiền chung thủy cùng đứa con trai mà ngày cha vào tù nó chưa gọi được tiếng Ba.
Bạn chôn cất vợ con và chôn theo nỗi đau đớn tột cùng của đời mình, rồi trốn khỏi vùng kinh tế mới, đem hai đứa con còn lại gởi cho ông bà ngoại, đi làm bất cứ công việc gì để nuôi hai đứa con thơ. Con gà trống nuôi con trong túng quẫn, mà mỗi ngày vẫn nhìn con mình như nhìn về phía chân trời để có thêm nghị lực đứng lên và đi tới.
Cám ơn Trời Đất đã mở ra một con đường cho những người cuối đường bất hạnh. Mang hai đứa con đến Mỹ khi chúng vừa mới lớn, bạn tôi, con gà trống bây giờ lại nuôi con trên xứ lạ quê người. Bằng tấm lòng độ lượng của người cha, cuối cùng hai đứa con thơ cũng đến được chân trời. Ngày hai đứa con thực sự trưởng thành, như những con chim bắt đầu tự bay lên bằng chính đôi cánh vững chải của mình, người bạn của tôi tiễn cô con gái lớn theo chồng rồi trở về sống một mình với nỗi hiu quạnh của tuổi sáu mươi.
Hai năm trước đó, nhờ một nhịp cầu tao ngộ, bạn tôi gặp một cô "con gái" Long Khánh. "Hai người sống giữa cô đơn, nàng như cũng có nỗi buồn giống...tôi " nên trở thành đôi bạn tâm giao. Nhưng chờ lo cho con cái lớn khôn và có cuộc sống riêng, mới đây hai người mới về chung một mái nhà, cùng san sẻ nỗi niềm và cho nhau một chút hơi ấm ở chặng tuổi cuối đời.
Gặp nhau trên điện thoại viễn liên, tôi nghe được một giọng nói phúc hậu hiền lành. Chị cho tôi biết anh bạn tôi có thú làm thơ, đọc sách, còn chị thì thích trồng và chăm sóc mấy cành hoa. Tôi đùa: " thì chị cũng đang mỗi ngày chăm sóc một cành hoa Tam Ích đẹp đẽ đó thôi. Tôi hy vọng qua những ngày thiếu nắng thiếu nước, bây giờ cây hoa ấy được trồng trên vùng đất màu mỡ hiền hòa Long Khánh, chắc nó sẽ còn cho chị và cho đời nhiều bông hoa lắm đó ". Chị cười như cùng đồng cảm với những điều tôi vừa mới nói.
Tôi không biết nhiều về Long Khánh, ngoại trừ một lần duy nhất tôi ghé lại đây. Đó là cái ngày tôi ra khỏi trại tù Z 30 C. Sáu thằng tù vừa được thả, tiều tụy xanh xao, trong túi không có một đồng, đứng giữa rừng buổi trưa nắng cháy, đón xe quá giang xe về Sài Gòn, nơi có gia đình của ba trong sáu đứa. Anh tài xế xe lam còn nặng tình với những thằng lính cũ, không đón khách mà dành cả chiếc xe chở bọn tôi về bến xe Long Khánh và hứa sẽ tìm xe quen gởi chúng tôi về tận Sài gòn. Thời buổi ấy, muốn mua được cái vé xe đò có khi phải nằm ở bến chờ đợi mấy hôm, huống hồ gì chuyện quá giang. Đến bến xe Long Khánh, không còn chiếc xe nào, anh tài xế xe lam tốt bụng mời chúng tôi vào quán ăn, đãi một chầu phở. Trong quán cũng có mấy người đàn bà, hình như buôn bán gần đâu đó. Biết chúng tôi là tù cải tạo mới thả, họ bàn với chủ quán, thay vì mang phở ra, dọn cho sáu thằng chúng tôi một bữa cơm thịnh soạn. Chúng tôi từ chối, nhưng các bà nhất định không cho, bảo chúng tôi đừng phụ lòng của người Long Khánh. Khi xe đến, các bà gặp tài xế, trả tiền xe trước cho chúng tôi. Đã vậy, khi về đến Sài Gòn, anh tài xế còn chuyển lại cho chúng tôi một gói tiền của các bà gởi biếu. Chúng tôi cầm tiền mà muốn rơi nước mắt. Trong cái cảnh bi thương giữa một thời nhá nhem tình nghĩa, vẫn còn có biết bao tấm lòng như người Long Khánh.
Bây giờ bất ngờ gặp chị, nghe lại giọng nói hiền từ của một người Long Khánh, tôi bất giác nhớ lại chuyện xưa, và càng trân trọng chị. Chị đã mở rộng tấm lòng, đón nhận một người bạn đời trên tuổi sáu mươi, mà những vết thương trong tâm hồn vẫn chưa lành được. Xin cám ơn Long Khánh, đã sản sinh cho đời những người con gái giàu tình nặng nghĩa. Tôi mừng cho người bạn thật dễ thương, hiền hậu của tôi, tìm được vòng tay, an ủi, vỗ về, sau những đớn đau mất mát tưởng chừng chẳng còn gì lớn lao hơn
Ngồi nghe bạn kể về cuộc đời gió mưa của bạn, lòng tôi lắng xuống bâng khuâng. Tôi chợt nhớ một vài kỷ niệm thuở hai thằng còn đi học và cảm nhận có đôi điều dường như đã vận vào số phận của bạn, của tôi.
Ngay từ lúc còn là học sinh trung học, hai thằng đã nghèo mà lại còn mang cái bệnh "đa sầu đa cảm". Tôi thì mồ côi mẹ từ lúc mới lên hai, cả một thời ấu thơ và lớn lên trong vòng tay tình nghĩa của cô, dì, ông bà nội ngoại, nên lòng sớm biết u sầu. Vậy mà tôi không mau nước mắt và biết làm thơ buồn như người bạn làng Tam Ích của tôi. Mới học đệ ngũ đệ tứ gì đó mà dám đứng ra thành lập một "thi văn đoàn" giữa đất Ninh Hòa. Cái xứ mà dường như bây giờ mỗi người là một nhà thơ.
(Tôi còn nhớ lúc tôi còn nhỏ, ba tôi thường bảo, những đứa trẻ sớm có tính đa sầu đa cảm thì sau này cuộc đời sẽ buồn ghê lắm. Ông kể cho tôi nghe chuyện nữ thi sĩ Kiết Đào bên Trung Quốc. Lúc còn rất nhỏ, nàng đã thích thơ phú. Bà có người anh là một nhà thơ nổi tiếng, nên thường theo anh để học làm thơ. Năm Kiết Đào mới lên mười, trong một hôm mưa bão, người anh nhìn ra ngoài trời thấy một cây ngô đồng bị gió mưa tơi tả, bảo Kiết Đào làm mấy câu thơ vịnh thử, nàng liền ứng khẩu:
Chi nghênh nam bắc điểu
Diệp tống vãng lai phong
Ông anh nghe xong thất sắc, vừa phục tài nhưng vừa lo lắng điều không may cho hậu vận của em mình. Sau này, khi một triều đại Trung Hoa thay đổi, gia đình bị tù đày khổ ải, nên Kiết Đào đã có thời phải đi làm kỹ nữ. Từ ấy trong văn chương mới có câu " Gió lá cành chim", "đón đưa ai gió lá chim cành". Chuyện ba tôi kể đã trên năm mươi năm, không biết tôi nhớ sai hay đúng, nhưng nó vẫn cứ nằm mãi trong lòng, để liên tưởng tới hôm nay.)
.............
Năm đệ tam, trong giờ Việt văn của thầy Nguyễn Văn Châu, lúc cả lớp tranh luận về bài Tổng Vịnh Truyện Kiều, bạn và tôi đứng về phía Chu Mạnh Trinh hết lời bênh vực nàng Kiều: " Giả sử ngay khi trước Liêu Dương cách trở, duyên chàng Kim đừng dở việc ma chay, quan lại công bằng, án viên ngoại tỏ ngay tình oan uổng, thì đâu đến nỗi son phấn mấy năm lưu lạc, đem thân cho thiên hạ mua cười, mà chắc rằng biên thùy một cõi nghênh ngang ai xui được anh hùng cởi giáp..."
..."Ta cũng nòi tình thương người đồng điệu, cái kiếp không hoa lẩm cẩm, con hồn xuân mộng bâng khuâng, ...lại toan đúc sẵn nhà vàng chờ người quốc sắc, lại muôn mượn chùm phương thảo hú vía thuyền quyên.. "
Năm đệ nhất, hai thằng lại cùng say mê những giờ văn học sử Pháp của Thầy Cung Giủ Nguyên, nên đã nắn nót viết vào tập và đọc đi đọc lại đến độ thuộc lòng mấy bài thơ lãng mạn của Lamartine, Chateaubriand, Jacques Prévert, Victor Hugo.
Cuối cùng thì cuộc đời hai thằng, dù là nam nhi, nhưng nào có khác gì thân phận trôi nổi của nàng Kiều:
Một phen thay đổi sơn hà
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu
(Nguyễn Du)
hay của những chàng thủy thủ mịt mờ trong Oceano Nox:
Où sont-ils les marins sombrés dans les nuits noires ?....
Oh flots ! Que vous savez de lugubres histories !
(Victor Hugo)
Gặp lại tôi sau gần bốn mươi năm, trong những lời tâm tình, bạn cho tôi biết thêm một điều nuối tiếc:
"Tớ buồn quá, vì không tìm thấy cái làng Tam Ích nhỏ nhoi, nghèo mà quá đổi thân thương của mình trên tấm bản đồ Ninh-Hòa trong trang web Ninh-Hòa DOTcom. Cái làng mà ngày xưa bạn có lần về thăm với mình rồi vội vã ra đi ấy ! "
Tôi nghe lòng lắng xuống và thấy thương người bạn hiền thời thơ ấu rồi thương cả chính mình. Thế hệ chúng tôi sao bỗng dưng phải mất đi bao nhiêu điều quí giá, để cuối cùng lại trở thành "khúc ruột ngàn dặm" của quê hương?
Hình ảnh cái Làng Tam Ích ngày xưa của bạn tôi như đang nhạt nhòa trước mắt. Im lặng giây lát, tôi lấy lại bình tĩnh, rồi cười với bạn :
" Thì bạn hãy viết và gởi cho trang web Ninh Hòa, về cái làng của bạn đi, để bạn có cái cảm giác của một Từ Thức trở về nơi xưa chốn cũ, tìm lại dấu vết một thời cùng những "hang động tuổi thơ". Còn với mình, cái "làng Tam Ích dù không trọn một ngày" ấy vẫn mãi mãi còn lại trong lòng mình như một tấm bản đồ, có cả “tọa độ” ngôi đình làng, ngôi nhà của bạn và "điểm đứng" của hai đứa mình trong một ngày nào đó thật xa xưa"
phạm tín an ninh
* Trong nguyên tác của Nguyễn Bắc Sơn: "Về ghé Sông Mao phá phách chơi.".
Thursday, September 20, 2012
Trần Vấn Lệ * *Không Ai Khép Được Cửa Không Gian
Chúa Nhật. Mình không phải tín đồ. Tơ mơ ngồi đếm
tiếng chuông Chùa vang vang trong gió ngân trong nắng. Cây trụ đèn kia
cũng ngẩn ngơ.
Mình
chắc mình như cây trụ đèn. Đời sao kệ nó, chẳng bon chen. Bạn thăm, dừng
bước nhìn xe cộ. Mình đợi một người. Ai thế em?
Mình
biết mình không chỉ bữa nay, làm thơ mới nhắc đến ai – Ai? Mà ngàn năm
trước, ngàn năm trước, Thánh Giá trên đồi Chúa mỏi tay!
Mà
ngàn năm trước, ngàn năm trước, Phật chỉ trăng và Phật nói trăng. Mình để
bàn tay lên ngực trái, nghe tim mình đập, nhớ em chăng?
Ngàn
ngàn năm trước ngàn năm nữa, tỉ tỉ bài thơ một chữ Tình. Mình hiểu vì sao
chuông thánh thót…vì không ai khép được mông mênh!
Ôi em áo lụa năm mười bảy chỉ mặc cho ngày Chúa Nhật thôi,
hai họ nâng ly câu chúc tụng, ướt nhòe chéo áo lệ em rơi…
Trời
mưa ướt áo…(*) hay em khóc?
Nguyễn Bính làm thơ cảnh lỡ làng, mình có làm thơ như Nguyễn Bính
chắc buồn cũng đủ tiếng chuông vang?
Chúa
Nhật mình không phải tín đồ, ngửa tay ngồi hứng tiếng chuông xưa. Giàn
bông giấy đỏ bên hàng xóm, anh đỏ mắt chờ em ngõ trưa…
(*)
Thơ Nguyễn Bính: Trời mưa ướt áo làm gì, năm mười bảy tuổi chị đi
lấy chồng…
Trần Vấn Lệ
Subscribe to:
Posts (Atom)