văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, October 16, 2012

Tiểu Tử * BÀI CA VỌNG CỔ


Tôi vượt biên một mình rồi định cư ở Pháp. Năm đó tôi mới 49 tuổi, vậy mà đi tìm việc làm, đến đâu người ta cũng chê là tôi già! Vì vậy, một hôm, khi chải tóc, tôi nhìn kỹ tôi trong gương. Tôi bỗng thấy ở đó có một người có vẻ quen nhưng thật ra thì rất lạ : mắt sâu, má hóp, mặt đầy nếp nhăn trên trán, ở đuôi mắt, ở khóe môi, mái tóc đã ngà bạc cắt tỉa thô sơ như tự tay cắt lấy. Từ bao lâu nay tôi không để ý, bây giờ soi gương vì bị chê già, tôi mới thấy rằng tôi của hồi trước “Cách mạng thành công” và tôi của bây giờ thật không giống nhau chút nào hết. Tôi già thiệt, già trước tuổi. Cho nên, tôi nhìn tôi không ra. Từ đó, mỗi ngày tôi… tập nhìn tôi một lần, nhìn kỹ, cho quen mắt !
Một người bạn làm việc lâu năm ở Côte d’Ivoire (Phi châu) hay tin tôi đã qua Pháp và vẫn còn thất nghiệp, bèn giới thiệu cho tôi Công ty Đường Mía của Nhà nước. Không biết anh ta nói thế nào mà họ nhận tôi ngay, còn gửi cho tôi vé máy bay nữa!
Xưa nay, tôi chưa từng quen một người da đen gốc Phi Châu nào hết. Và chỉ có vài khái nhiệm thô sơ về vùng Phi châu da đen như là : Ở đó nóng lắm, đất đai còn nhiều nơi hoang vu, dân chúng thì da đen thùi lùi, tối ngày chỉ thích vỗ trống, thích nhảy tưng tưng v…v… Vì vậy, tôi hơi … ngán. Nhưng cuối cùng rồi tôi quyết định qua xứ da đen để làm việc, danh dự hơn là ở lại Pháp để tháng tháng vác mặt Việt Nam đi xin trợ cấp đầu nọ, đầu kia.
Nơi tôi làm việc tên là Borotou, một cái làng nằm cách thủ đô Abidjan gần 800km! Vùng nầy toàn là rừng là rừng. Không phải rừng rậm rì cây cao chớn chở như ở Việt Nam. Rừng ở đây cây thấp lưa thưa, thấp thấp cỡ mười, mười lăm thước… coi khô khốc. Không có núi non, chỉ có một vài đồi trũng nhưng đồi không cao và trũng, không sâu…
Nhà nước phá rừng trồng mía… Ruộng mía ngút ngàn! Nằm ở trung tâm là khu nhà máy, khu cơ giới, khu hành chánh, khu cư xá v…v… nằm cách nhau cỡ vài cây số. Muốn về thủ đổ Abidjan, phải lái xe hơi chạy theo đường mòn xuyên rừng gần ba chục cây số mới ra tới đường cái tráng nhựa. Từ đó, chạy đi Touba, một quận nhỏ với đông đảo dân cư. Từ đây, lấy máy bay Air Afrique về Abidjan, mỗi ngày chỉ có một chuyến. Phi trường Touba nhỏ xíu, chỉ có một nhà ga xây cất sơ sài và một phi đạo làm bằng đá đỏ, mỗi lần máy bay đáp lên đáp xuống là bụi bay … đỏ trời!
Tôi hơi dài dòng ở đây để thấy tôi đi “đi làm lại cuộc đời” ở một nơi hoang vu hẻo lánh mà cảnh trí thì chẳng có gì hấp dẫn hết! Thêm vào đó, tôi là người Á Đông duy nhất làm việc chung với Tây trắng (chỉ có năm người) và Tây đen (đông vô số kể).
Ở đây, thiên hạ gọi tôi là “le chinois” – thằng Tàu. Suốt ngày, suốt tháng tôi chỉ nói có tiếng Pháp. Cho nên, lâu lâu thèm quá, tôi soi gương rồi… nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt, trông giống như thằng khùng! Chưa bao giờ tôi thấy tôi cô đơn bằng những lúc tôi đối diện tôi trong gương như vậy.
…. Một hôm, sau hơn tám tháng “ở rừng”, tôi được gọi về Abidjan để họp (đây là lần đầu tiên được về thủ đô!). Anh tài xế đen đưa tôi ra Touba. Chúng tôi đến phi trường lối một giờ trưa. Sau khi phụ tôi gởi hành lý, anh tài xế nói :
-Tôi ra ngủ trưa ở trong xe. Chừng Patron (ông chủ) đi được rồi, tôi mới về.
Ở xứ đen, họ dùng từ “Patron” để gọi ông chủ, ông xếp, người có địa vị, có tiền, người mà họ nể nang v…v.. Nghe quen rồi, chẳng có gì chói lỗ tai hết! Tôi nói :
- Về đi! Đâu cần phải đợi!
Hắn nhăn răng cười, đưa hàm răng trắng tốt :
-Tại Patron không biết chớ ở đây, lâu lâu họ lại hủy chuyến bay vào giờ chót, nói tại máy bay ăn-banh (en panne) ở đâu đó. Máy bay cũng như xe hơi vậy, ai biết lúc nào nó nằm đường.
Rồi hắn đi ra xe.
Tôi ngồi xuống một phô-tơi, nhìn quanh, hành khách khá đông. Nhiều người ngồi với một số hành lý như thùng cạc-tông, bao bị, va-ly v…v.. Không phải họ không biết gửi hành lý, nhưng vì những gì họ đã gửi đã đủ số ký-lô dành cho mỗi hành khách, nên số còn lại họ… xách tay, cho dầu là vừa nhiều món vừa nặng, vừa cồng kềnh!
Không khí nóng bức. Mấy cái quạt trần quay vù vù, cộng thêm mấy cây quạt đứng xoay qua xoay lại, vậy mà cũng không đủ mát. Thiên hạ ngủ gà ngủ gật, tôi cũng ngã người trên lưng ghế, lim dim…
Trong lúc tôi thiu thiu ngủ thì loáng thoáng nghe có ai ca vọng cổ. Tôi mở mắt nhìn quanh rồi thở dài, nghĩ : “Tại mình nhớ quê hương xứ sở quá nên trong đầu nghe ca như vậy.” Rồi lại nhắm mắt lim dim… Lại nghe vọng cổ nữa. Mà lần nầy nghe rõ câu ngân nga trước khi “xuống hò”:
“Mấy nếp nhà tranh ẩn mình sau hàng tre rũ bóng… đang vươn lên ngọn khói… á… lam… à… chiều….”
Đúng rồi! Không phải ở trong đầu tôi, mà rõ ràng có ai ca vọng cổ ngồi kia. Tôi nhìn ra hướng đó, thấy xa xa dưới lùm cây dại có một người đen nằm võng. Và chỉ có người đó thôi. Lạ quá! Người đen đâu có nằm võng. Tập quán của họ là nằm một loại ghế dài bằng gỗ cong cong. Ngay như loại ghế bố thường thấy nằm dưới mấy cây dù to ở bãi biển… họ cũng ít dùng nữa.
Tò mò, tôi bước ra đi về hướng đó để xem là ai vừa ca vọng cổ lại vừa nằm võng đong đưa. Thì ra là một anh đen còn trẻ, còn cái võng là cái võng nhà binh của quân đội Việt Nam Cộng Hòa hồi xưa. Tôi nói bằng tiếng Pháp :
- Bonjour!
Anh ngừng ca, ngồi dậy nhìn tôi mỉm cười, rồi cũng nói “Bonjour”. Tôi hỏi, vẫn bằng tiếng Pháp :
-Anh hát cái gì vậy?
Hắn đứng lên, vừa bước về phía tôi vừa trả lời bằng tiếng Pháp :
-Một bài ca của Việt Nam. Còn ông? Có phải ông là “le chinois” làm việc cho hãng đường ở Borotou không ?
Tôi trả lời, vẫn bằng tiếng Pháp :
-Đúng và sai! Đúng là tôi làm việc ở Borotou. Còn sai là vì tôi không phải là người Tàu. Tôi là người Việt Nam.
Bỗng hắn trợn mắt có vẻ vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ, rồi bật ra bằng tiếng Việt, giọng đặc sệt miền Nam, chẳng có một chút lơ lớ :
- Trời ơi! …. Bác là người Việt Nam hả ?
Rồi hắn vỗ lên ngực :
-Con cũng là người Việt Nam nè!
Thiếu chút nữa là tôi bật cười. Nhưng tôi kiềm lại kịp, khi tôi nhìn gương mặt rạng rỡ vì sung sướng của hắn. Rồi tôi bỗng nghe một xúc động dâng tràn lên cổ. Thân đã lưu vong, lại “trôi sông lạc chợ” đến cái xứ “khỉ ho cò gáy” nầy mà gặp được một người biết nói tiếng Việt Nam và biết nhận mình là người Việt Nam, dù là một người đen, sao thấy quý vô cùng. Hình ảnh của quê hương như đang ngời lên trước mặt.
Tôi bước tới bắt tay hắn. Hắn bắt tay tôi bằng cả hai bàn tay, vừa lắc vừa nói huyên thuyên :
-Trời ơi! … Con mừng quá! Mừng quá! Trời ơi!... Bác biết không? Bao nhiêu năm nay con thèm gặp người Việt để nói chuyện cho đã. Bây giờ gặp bác, thiệt… con mừng “hết lớn” bác à!
Rồi hắn kéo tôi lại võng :
-Bác nằm đi! Nằm đi!
Hắn lại đống gạch “bờ-lốc” gần đấy lấy hai ba viên kê bên cạnh võng rồi ngồi lên đó, miệng vẫn không ngừng nói :
-Con nghe thiên hạ nói ở Borotou có một người Tàu. Con đâu dè là bác. Nếu biết vậy, con đã phóng Honda vô trỏng kiếm bác rồi! Đâu được tới bây giờ.
Hắn móc gói thuốc, rồi mời tôi :
- Mời bác hút với con một điếu.
Hắn đưa gói thuốc về phía tôi, mời bằng hai tay. Một cử chỉ mà từ lâu tôi không còn nhìn thấy. Một cử chỉ nói lên sự kính trọng người trưởng thượng. Tôi thấy ở đó một “cái gì” rất Việt Nam.
Tôi rút điếu thuốc để lên môi. Hắn chẹt quẹt máy, đưa ngọn lửa lên đầu điếu thuốc, một tay che che như trời đang có gió. Tôi bập thuốc rồi ngạc nhiên nhìn xuống cái quẹt máy. Hắn nhăn răng cười :
-Bộ bác nhìn ra nó rồi hả?
Tôi vừa nhả khói thuốc vừa gật đầu. Đó là loại quẹt máy Việt Nam, nho nhỏ, dẹp lép, đầu đít có nét cong cong. Muốn quẹt phải lấy hẳn cái nắp ra chớ nó không dính vào thân ống quẹt bằng một bản lề nhỏ như những quẹt máy ngoại quốc. Hắn cầm ống quẹt, vừa lật qua lật lại vừa nhìn một cách trìu mến :
-Của ông ngoại con cho đó! Ông cho hồi ổng còn sống lận.
Rồi hắn bật cười :
-Hồi đó ông gọi con bằng “Thằng Lọ Nồi”.
Ngừng một chút rồi tiếp :
-Vậy mà ổng thương con lắm à bác !
Hắn đốt điếu thuốc, hít một hơi dài rồi nhả khói ra từ từ. Nhìn cách nhả khói của hắn, tôi biết hắn đang sống lại bằng nhiều kỷ niệm. Tôi nói :
-Vậy là cháu lai Việt Nam à?
-Dạ. Má con quê ở Nha Trang.
-Rồi má cháu bây giờ ở đâu?
Giọng của hắn như nghẹn lại :
-Má con chết rồi. Chết ở Nha Trang hồi năm 1975.
-Còn ba của cháu?
-Ổng hiện ở Paris. Tụi nầy nhờ có dân Tây nên sau 1975 được hồi hương. Con đi quân dịch cho Pháp xong rồi, về đây ở với bà nội. Con sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn, về đây, buồn thúi ruột thúi gan luôn!
Tôi nhìn hắn một lúc, cố tìm ra một nét Việt Nam trên con người hắn. Thật tình, hắn không có nét gì lai hết. Hắn lớn con, nước da không đến nỗi đen thùi lùi như phần đông dân chúng ở xứ nầy, nhưng vẫn không có được cái màu cà phê lợt lợt để thấy có chút gì khác. Tóc xoắn sát da đầu, mắt lồi, môi dầy. Tôi chợt nói, nói một cách máy móc :
-Thấy cháu chẳng có lai chút nào hết!
Hắn nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng nghiêm trang:
-Có chớ bác. Con có lai chớ bác.
Hắn xòe hai bàn tay đưa ra phía trước, lật qua lật lại :
-Bên nội của con là nằm ở bên ngoài nầy đây nè.
Rồi hắn để một tay lên ngực, vỗ nhè nhẹ về phía trái tim : Còn bên ngoại nó nằm ở bên trong. Ở đây, ở đây nè bác.
Bỗng giọng hắn nghẹn lại :
-Con lai Việt Nam chớ bác !
Trong khoảnh khắc, tôi xúc động đến quên mất màu da đen của hắn, mà chỉ thấy trước mặt một thanh niên Việt Nam, Việt Nam từ cử chỉ tới lời lẽ nói năng. Tôi vỗ nhẹ lên vai hắn mấy cái, gật đầu nói :
-Ờ… Bác thấy. Bây giờ thì bác thấy.
Hắn mỉm cười :
-Ở đây, người ta nói con không giống ai hết, bởi vì con hành động cư xử, nói năng không giống họ. Bà nội con cũng nói như vậy nữa! Còn con thì mỗi lần con nhìn trong kiếng, con vẫn nhận ra con là người Việt Nam. Bác coi có khổ không?
Rồi nó nhìn tôi, một chút trìu mến dâng lên trong ánh mắt :
-Bây giờ con gặp bác rồi, con thấy không còn cô đơn nữa. Gặp một người mình, ở cái xó xa xôi hẻo lánh nầy, thiệt là trời còn thương con quá!
Tôi im lặng nghe hắn nói, nhìn hắn nói mà có cảm tưởng như hắn đang nói cho cả hai : cho hắn và cho tôi. Bởi vì cả hai cùng một tâm trạng.
Hắn vẫn nói, như hắn thèm nói từ lâu :
-Nhớ Sài Gòn quá nên con hay ca vọng cổ cho đỡ buồn. Hồi nãy bác lại đây là lúc con đang ca bài “Đường Về Quê Ngoại” đó bác.
-Bác không biết ca, nhưng bác rất thích nghe vọng cổ.
Giọng nói hắn bỗng như hăng lên :
-Vọng cổ là cái chất của miền Nam mà bác. Nó không có lai Âu, lai Á gì hết. Nó có cái hồn Việt Nam cũng như cá kho tộ, tô canh chua. Bác thấy không? Bởi vậy, không có gì nhắc cho con nhớ Việt Nam bằng bài ca vọng cổ hết.
-Bác cũng vậy.
Tôi nói mà thầm phục sự hiểu biết của hắn. Và tôi thấy rất vui mừng có một người như vậy để chuyện trò từ đây về sau.
Có tiếng máy bay đang đánh một vòng trên trời. Chúng tôi cùng đứng lên, hắn nói :
-Nó tới rồi đó. Con phải sửa soạn xe trắc-tơ và rờ-mọt để lấy hành lý. Con làm việc cho hãng Air Afrique, bác à.
Rồi hắn nắm tay tôi lắc mạnh :
-Thôi, bác đi mạnh giỏi. Con tên là Jean. Ở đây ai cũng biết “Jean le Vietnamien” hết. Chừng về bác ghé con chơi, nghen.
Bỗng, hắn ôm chầm lấy tôi siết nhẹ rồi giữ như vậy không biết bao nhiêu lâu. Tôi nghe giọng hắn lạc đi :
-Ghé con nghe bác…. Ghé con…!
Tôi không còn nói được gì hết. Chỉ vừa gật đầu vừa vỗ vỗ vào lưng hắn như vỗ lưng một người con.
Khi hắn buông tôi ra, tôi thấy hai má của hắn ướt nước mắt. Tôi quay đi, lầm lũi bước nhanh nhanh về nhà ga mà nghĩ thương cho “thằng Jean le Vietnamien”. Hồi nãy nó ôm tôi, có lẽ nó đã tưởng tượng như là nó đang ôm lại được một góc trời quê mẹ.
Trên máy bay, tôi miên man nghĩ đến “thằng Jean”, rồi tự hứa sẽ gặp lại nó thường. Để cho nó bớt cô đơn. Và cũng để cho tôi bớt cô đơn nữa!
Bây giờ, viết lại chuyện “thằng Jean” mà tôi tự hỏi : “Trong vô số người Việt Nam lưu vong hôm nay, còn được bao nhiêu người khi nhìn trong gương vẫn nhận ra mình là người Việt Nam? Và có được bao nhiêu người còn mang trong lòng bài ca vọng cổ, để thấy hình ảnh quê hương vẫn còn nguyên trong đó?”
Tiểu Tử

Phan Bá Thụy Dương * đêm trên bãi Cà Ná




dường như lá ngủ trong mê
lũ chim muông đã tìm về núi xa

trên cao bên dãy thiên hà
có vì sao rụng bóng tà long lanh

nổi chìm trong nước biển xanh
nhấp nhô sóng bạc xô gành đá non

còn chi ẩn mật u tàng
bãi đêm quanh quẩn
rượu càng nhạt môi

sinh sinh hóa hóa dòng đời
cũng huyền ảo với kiếp người phù du

lều ai heo hắt đèn lu
           lẫn trong hơi gió cát mù mù bay
              

Sunday, October 14, 2012

Trần Kiêm Ðoàn * Mạc Ngôn là ẩn ngữ: Nobel Văn chương 2012



Sáng nay, 11-10-2012, đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (China Central Television’s – CCTV) thông báo tin nhà văn Mạc Ngôn (Mo Yan) đang sinh sống ở Bắc Kinh được giải thưởng Nobel Văn chương năm 2012 chỉ cách 10 phút sau khi Hàn Lâm Viện Thụy Điển thông báo tin trúng giải. Tiếp theo là báo chí toàn quốc Trung Hoa đã rộn ràng thi nhau không tiếc lời ca tụng “vinh dự nước nhà”.

Đây là lần thứ hai trong lịch sử 111 năm của giải văn chương Nobel với 108 người đã trúng giải, nhà văn Trung Quốc được giải. Thế nhưng dòng truyền thông văn học “chính thống” của Trung Quốc thì lại xem như lần đầu có một tác giả Trung Quốc trúng giải Văn chương Nobel. Mặc dầu năm 2000, nhà văn Trung Quốc đầu tiên được giải Nobel là Cao Hành Kiện (Gao Xingjian); nhưng Cao bị xem là người “ngoại đạo” vì sống ở phương Tây và có quốc tịch Pháp nên thông tin mấy ngày sau mới được loan ra một cách dè dặt... như thường lệ!

Mạc Ngôn tên thật là Quản Mạc Nghiệp, sinh năm 1955 ở thị xã Cao Mật, tỉnh Sơn Đông thuộc vùng Đông Bắc Trung Quốc; lớn lên trong môi trường nông nghiệp, cha mẹ đều là nông dân. Mạc tốt nghiệp khoa văn của học viện Nghệ thuật Giải phóng Trung Quốc.

Tác phẩm Mạc Ngôn có 11 tiểu thuyết và khoảng 100 truyện ngắn, hầu hết lấy bối cảnh sáng tác và phát hành ở Trung Quốc. Một nửa tiểu thuyết và vài mươi truyện ngắn được dịch ra nhiều thứ tiếng là các tác phẩm: Hồng Cao Lương, Đàn Hương Hình, Cây Tỏi Nổi Giận, Rừng Xanh Lá Đỏ...

Dư luận văn giới phương Tây và ngay cả tạp chí Global Time tại Bắc Kinh đã đặt vấn đề là có chăng yếu tố chính trị toàn cầu đóng một vai trò nào đó trong việc trao giải thưởng văn chương cho Mạc Ngôn. Sự ám ảnh đó cho rằng, đây như một cử chỉ đưa cành cây Ô-liu ra hóa giải mối căng thẳng vẫn còn nguyên trong tâm lý của giới lãnh đạo Trung Quốc đối với hội đồng chấm giải Nobel khi nhân vật đối lập Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình năm 2010.
Mặc dầu đây đó vẫn có nhiều lời đồn đãi thị phi, tuy nhiên, phần đông các nhà bình luận quốc tế vẫn chân thành chúc mừng Mạc Ngôn. Như trường hợp giáo sư đại học Bắc Kinh, He Weifang nói rằng, ông lấy làm tiếc cho Mạc Ngôn vì nhà văn nầy từng tự tay viết ra một tham luận theo kiểu Stalinist mà Mao Trạch Đông đã đưa ra năm 1942 ra lệnh cho các nhà văn viết ca ngợi Đảng. Đồng thời, ông viết trong “blog” của mình rằng: “Giải Nobel văn chương năm 2012 trao cho Mạc Ngôn đã làm mất danh tiếng của giải văn chương lịch sử nầy. Đây có thể là trò... uốn éo giữa Hội đồng chấm giải Nobel và giới cầm quyền Trung Quốc.” Tuy nhiên giáo sư He Weifang vẫn cho là nhà văn Mạc Ngôn rất đáng được chúc mừng.

Tại Hồng Kông, báo South China Morning Post đã mỉa mai so sánh hai người Trung Quốc được giải thưởng Nobel... đều “câm miệng hến” (Shut Up). Nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba thì bị ra lệnh “Câm Miệng”; còn nhà văn Mạc Ngôn khi chọn bút hiệu nầy thì đã tự mình “câm miệng” (mạc ngôn: không nói) từ lâu lắm rồi!

Trên quan điểm văn học nghệ thuật thuần túy, thật không dễ gì thắp đuốc nhân gian soi rọi để thấy rõ khuôn mặt trung thực của một nhà văn. Chính trị đi vào đầu người bằng tiếng vang và búa gõ; văn chương đi vào lòng người bằng im lặng và âm thầm.

Nói như Phùng Quán, kẻ sáng tạo văn chương cũng ví như người xiếc đi dây. Tuy người xiếc đi dây thật khó, nhưng không khó bằng làm nhà văn. Có lẽ Phùng Quàn đã đi trên con đường sáng tạo đồng thời và đồng cảnh ngộ với Mạc Ngôn. Phùng Quán nói lên những thao thức, trăn trở của mình – một người cầm bút – từ những biểu tượng nhân sinh và thực tế bạo liệt qua Lời Mẹ Dặn. Mạc Ngôn tự chọn cho mình một thế nhìn và thế đứng nói mà không nói: mạc ngôn! “Mạc ngôn” trong văn hóa phương Đông không có nghĩa là “không nói gì cả” như giới văn bút phương Tây thường chuyển ngữ. Cần nhìn khái niệm “mạc ngôn” trên quan điểm văn hóa Phật giáo để thấy mạc ngôn là nguyên ngôn; mạc ngôn là ẩn ngữ. Đó là sự chiêm ngắm hiện thực cuộc đời qua tinh thần quán niệm. Có những lúc cần phải xếp chữ nghĩa, vùi thiên kinh vạn quyển qua một bên để tự chính mính nói cho mình nghe và suy niệm trong vắng lặng. Che mắt đời ra chợ giả ngu!

“Tác phẩm” đầu tiên giúp tôi biết đến Mạc Ngôn là khi lần đầu được xem cuốn phim Hồng Cao Lương (Red Sorghum) ở Century Theater tại Sacramento, một thành phố nhỏ vùng  Bắc Mỹ. Đây là cuốn phim dàn dựng theo tác phẩm được đánh giá là  tiêu biểu nhất trong số 11 tiểu thuyết của nhà văn Mạc Ngôn. Vì thích cuốn phim, tôi tìm đọc tác phẩm Hồng Cao Lương đã được Howard Goldblatt  dịch ra tiếng Anh  (Viking Penguin – New York, Penguin, 1994). Tôi tìm gặp một thế giới gần gũi với nông thôn ruộng đồng mà xa lạ như ảo ảnh. Một thế giới bơ phờ, hoang vu đầy những uẩn khúc tình dục, mê muội và bạo động vô nghĩa. Rõ ràng là tác giả muốn nói lên và chống lại một thế lực ám ảnh nặng nề đang đè nặng lên thân phận bèo bọt của con người cùng khổ. Các nhân vật lại hành động như những bóng ma ẩn hiện khi thật khi hư, khi say khi tỉnh. Đây rõ ràng là một thế giới của khuynh hướng “hiện thực ảo giác” (hallucinatory realism). Nó thật hơn cả thật nhưng cũng đầy ảo ảnh hơn cả ma trơi. Người đọc có cảm giác như Mạc Ngôn viết xong dăm câu, vài đoạn thì buông bút đứng cười, nói: “Tui là tui rứa đó. Dẫu bạn có cười hay khóc thì mặc bạn. Tui chỉ cười, có nói chi mô!”

Năm ngoái về thăm quê, tôi tìm được một tác phẩm của Mạc Ngôn với tên gọi rất chi là... hiện thực ảo giác: Ma Chiến Hữu (Trần Trung Hỷ dịch). Tác phẩm nói về cuộc chiến Trung-Việt năm 1979. Lúc đó, Mạc Ngôn là sĩ quan tuyên giáo của binh đoàn, nhưng tác giả lại không hò hét “cầm gươm ôm súng xông tới” mà chỉ nói khơi khơi chuyện người và ma rủ nhau lên những tàng cây uống rượu và nói chuyện lan man nóng lạnh đời thường. Sau lăng kính mạc ngôn – nói không lời; lời mà không nói – ấy, tác giả hướng về tầng lớp giai cấp nghèo khổ, quê mùa. Họ đi cày hay vác súng ra trận cũng như đi đào mương làm thủy lợi trong xã hội Trung Quốc thời nông trường tập thể. Tính nhân bản của một nhà văn có thể nhận ra khi biết trái tim của họ thể hiện trong sáng tạo thật sự hướng tới ai và đứng ở vị thế nào.

Có thể nói Cao Hành Kiện và Mạc Ngôn đều là hai tài năng văn chương sáng giá. Sáng giá không phải chờ đến khi nhận giải Nobel nhưng bởi sự dấn thân “xiếc đi dây” trong hành trình sáng tạo. Dù rằng một bên đứng ở đỉnh Linh Sơn khoảng khoát tinh thần trong một xã hôi phương Tây đầy bon chen, thực dụng và một bên dùng “mạc ngôn” hư hư thực thực để vật lộn với một xã hội xem giá trị tâm linh và tinh thần là biểu hiện của suy đồi, phù phiếm.
Dư luận phương Tây lao xao tiếng bấc tiếng chì khi giải Nobel văn chương năm nay về tay Mạc Ngôn, một phần vì nhà văn có chân trong đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng dư luận lại ít chú ý câu phát biểu chính thức đầu tiên của Mạc Ngôn ngay sau khi được giải văn chưong Nobel là yêu cầu trả tự do cho Lưu Hiểu Ba, nhân vật được giài Nobel Hòa Bình năm kia đã từng gây phẫn nộ cho giới cầm quyền Trung Quốc. Thái độ phản kháng bất công và áp bức trong phút đầu tiên bước lên đài danh vọng giữa lúc “quan trên ngó xuống, người ta trông vào” quả là sự hành xử thiên chức đáng quý của một nhà văn có bản lĩnh. Muốn cho phải có vật cho. Nhà văn muốn “phù thế giáo một vài câu thanh nghị” như Nguyễn Công Trứ nói về kẻ sĩ thì phải kiểng chân đứng ở tầm cao trên tác phẩm mới có người nghe tiếng.

Nhìn người lại nghĩ đến ta. Đâu mươi năm trước, từ quê người, tôi nghĩ về viễn ảnh một giải Nobel văn chương sẽ đến với người cầm bút ở quê nhà qua bài viết nay vẫn còn luân lưu trên các trang mạng: “Viễn ảnh về một giải văn chương cho giới văn bút Việt Nam”** . Có người cho là ảo tưởng vì trong điều kiện sáng tác “cái khó bó cái khôn” thì làm sao mà có được.  Năm mươi năm trước, chú bé Mạc Nghiệp con nhà nông dân giữa một vùng quê nghèo đói Trung Hoa mà nói đến một chữ bẻ làm đôi cũng còn là ảo tưởng. Nhưng hôm nay, Mạc Nghiệp đã thành Mạc Ngôn.
Trong muôn một và im lặng, một người vô danh đang chúc mừng nhà văn Mạc Ngôn của Trung Quốc đã thành danh. Chúc mừng những nghệ sĩ văn bút Việt Nam đang trên đường sáng tạo.

Trần Kiêm Ðoàn  * Sacramento, tháng Mười 2012


Friday, October 12, 2012

Hồ Trường An * Bà Già Trầu Cảm Khái

nguyenvanbay


Mèn ơi, lẩm rẩm tui ở Xóm Gà được ba năm rồi đó chị Tám. Thời buổi giặc giã, dân quê kéo nhau ra thành phố mỗi lúc một đông. Xóm Gà bởi đó mà nhà cửa mọc thêm nhiều.

Thú thiệt với chị Tám, cũng bởi tui thương hai đứa cháu nên tui đành đoạn bỏ nhà bỏ cửa đi theo tụi nó. Ở đây, đêm đêm tui nhớ xóm quê, vườn nhà, nhớ mấy cây cau Bà Ðiểm, mấy nọc trầu vàng mà ứa nước mắt. Thiệt tình, trầu cau do mình chăm nom, bón gốc, tưới mát hằng ngày mình ăn mới ngon. Ðằng nầy cứ mỗi tuần, tui lặn lội ra chợ Bà Chiểu để mua trầu cau vôi thuốc. Tui mất cái thú đêm nằm trong buồng lắng chừng mùi hương cau từ cửa sổ lọt vào tận lá mùng. Tui hết còn dịp tự tay ra sân hái lá trầu xếp từng ốp vào khay, tui đâu còn được bổ cau từng miếng bày trong những cái sàng rồi đợi nắng tốt đem phơi hoặc vào những ngày mưa dầm, quạt than cho đỏ sấy cau, để dành ăn lai rai.

Như chị biết, thằng con trai tui năm 45 bỏ nhà theo Việt Minh, rồi tới năm 53 nó đành đoạn theo "mấy ổng" đi tập kết. Con dâu tui nổi sùng giao hai đứa con nó cho tui rồi bỏ lên Lèo lấy chồng khác. Tui lo làm vườn, làm rẫy nuôi hai con cháu còn cha mẹ đầy đủ mà hoá ra côi cút kia. Nhờ trời thương Phật độ, tụi nó mạnh cùi cụi, lớn mau như thổi.

Con chị Ngọc Hạnh thôi học sớm để đi làm sở Mỹ. Chỉ có con em Ngọc Hiền thì còn đi học năm thứ nhứt đại học Sư phạm. Chèn ơi, Mỹ đang rục rịch muốn rút về nước nên con Ngọc Hạnh lo lắm. Nó lo kiếm thằng chồng Mỹ để nương dựa. Nó nói:

- Thằng Ðít (Dick) muốn cưới con. Con qua Mỹ rồi sẽ lo giấy tờ rước nội và con Hiền qua luôn.

Mẹt mẻ ông bà ông vải, tiên nhơn tổ đường ơi! Mỗi tiếng nói của nó là một phát súng cà nông nã vào đầu tui làm tui xây xẩm tối tăm mặt mũi. Chị nghĩ coi, hồi nó mới đẻ, má nó đi buôn bán giao nó cho tui. Tui nuôi cháu bằng sữa Con Chim, sữa bột chớ tui đâu có nuôi nó bằng máu hoè mà nó ngu dại đòi lấy cái thứ râu rìa, mắt mèo, mũi lõ đó! Tui rống lên khóc. Con Ngọc Hiền cũng khóc theo. Xời ơi, con Ngọc Hạnh mọc lông mọc cánh rồi, đủ vi đủ kỳ rồi nên nó muốn bay bổng, lội xa ra mái nhà của nội nó. Tui biết lỗ tai nó điếc rồi, đâu có để lời than van khóc lóc của tui lọt vô...

Vậy mà rồi tui cũng đến nhà thờ Tin Lành để dự đám cưới con cháu nội bất hiếu của tui. Tên thằng cháu rể Phiên bang Rít-sa (Richard) gì đó, vậy mà sao bạn bè cùng con vợ nó lại Ðít hổng biết! Con Ngọc Hạnh cũng đổi tên MỹOăn-đa (Wanda) nghe kỳ hết sức.

Con Oăn-đa Ngọc Hạnh tùng phu về xứ Huê kỳ để lại cho bà nội nó 20 lượng vàng làm vốn nuôi em. Tui nai lưng bán sinh tố, lưng mỏi, mình rêm mà nào dám bỏ phế việc bán buôn.

Con Ngọc Hiền lớn lên coi bộ có duyên và mướt hơn con chị của nó. Nó lên năm thứ ba rồi sanh sứa theo bọn sinh viên phản chiến trong trường, nay đi họp mai đi quay truyền đơn biểu ngữ, có khi gần tới giờ giới nghiêm mới chịu về nhà. Tui lui cui hâm cơm canh cho nó ăn rồi rút vô bưồng, cứ nghĩ tới đường kia nỗi nọ mà ứa nước mắt.

Con Ngọc Hiền coi bộ nghiêm trang, cười không hở răng vậy mà có cặp mắt mời trai chị Tám à! Chòm xóm nói nó trinh không ra trinh, dâm không ra dâm, chém chết cung mạng nó không có sao Ðào Hoa thì cũng có sao Hồng Loan chiếu chi đây nên tui lo lắm chị Tám! Lo nó giống như con Ngọc Hạnh, lấy một tên Phiên tặc to lớn dình dàng thì chết tui.

Nhắc tới con Ngọc Hạnh tui càng thêm thương, thêm buồn không cầm được nước mắt. Dẫu cỏn nỡ bỏ bà nội và em để theo thằng chồng Phiên tặc về nước, dẫu nó chê tên cha mẹ đặt cho, lấy tên Mỹ mẽo chăng nữa, nhưng nó gởi tiền, gởi quà về cho tui đều đều. Chèn ơi, mỗi bức thơ gởi về Xóm Gà là nó than thở nhớ nhà, nó rống nó kêu chỗ nó ở nào là mùa đông tuyết ngập tới gối, mùa hè thì nóng như cái lò bát quái luyện linh đơn và ẩm ướt làm cho da thịt nó nhơn nhớt như bôi keo. Nó chụp hình màu gởi về. Tui dụi mắt mấy lượt, vái trời mình thấy lộn, để khi nhìn lại sẽ thấy con cháu nội cưng của mình bận áo dài. Nhưng mà không. Con nầy đâu còn là Ngọc Hạnh nữa, nó là Oăn-đa rồi mà.

° ° °

Chị Tám, tui coi bộ thời cuộc găng dữ đa chị. Ỏ ngoại ô thì bom đạm tơi bời, pháo kích ầm ĩ; ở thành thị thì biểu tình tùm lum. Ðó đây, truyền đơn bươm bướm phơi xác đầy đường, lâu lâu đạn cay ứ nghẹt từng góc phố góc đường. Con Ngọc Hiền vắng nhà hà rầm. Tui già cả, quê mùa bù trất chuyện thời cuộc nên cứ lo thủ phận mần ăn.

Một buổi chiều nọ, con Ngọc Hiền thỏ thẻ:

- Nội à, có một anh sinh viên trường quân y để ý thương con. Mai sau, ảnh ra làm bác sĩ, vinh diệu vô cùng..

Tui mừng quýnh, nghĩ rằng nhờ phước đức ông bà, nhờ mồ mả tổ tiên nên có người đàng hoàng tử tế đòi cưới nó. Thằng sinh viên trường quân y kia là dân Bắc kỳ di cư, mặt mày coi phải thế thanh niên, ăn nói mềm mỏng, nhỏ nhẹ, hễ mở miệng ra là thưa cụ, đóng miệng lại là kính cụ, thấy thương hết sức! Tui mới hỏi con cháu nội:

- Mầy gặp nó ở đâu? Dịp nào?

Con Ngọc Hiền cười chúm chím, cặp mắt ướt rượt coi giống mấy con đào thủ vai Phàn Lê Huê, Mộc Quế Anh, Ðoàn Hồng Ngọc...thứ gái được vua chúa, cha mẹ, bà thầy thánh mẫu nuôi cho nên vai nên vóc rồi trở mặt phủi ơn để theo trai nước cừu địch...Sao tui ghét mấy con lủng đó quá trời!
Gạn hỏi hoài tui mới rõ con cháu nội tui trời biển lắm đó chị Tám! Té ra phản chiến gì nó! Họp hành, xuống đường, dự đêm không ngủ là nó cốt tìm dịp kiếm chồng. Con nầy khôn trật đời! Tuy tui có bần dùn về kiểu kiếm chồng dị hụ đó, nhưng nghĩ tới thằng cháu rể mai sau làm bác sĩ quân y là tui mát dạ mát gan. Rồi tui đâm ra hối hận. Trước kia, khi thấy cỏn cùng lũ bạn gái dượt mấy bản phản chiến là tui tức mình tức mẩy, nóng phổi, ngứa gan. Có lần tụi nó xúm lại đờn địch rầm rĩ rồi cất giọng eo éo:
Máu ai đây?
Xác của ai?
Giòng máu này là bạn?
Thây ma nào là thù?
Ô hay chỉ là người,
Cùng tiếng nói Việt Nam...

Chu choa ơi, tụi nó hát tới hát lui, dượt đi dượt lại làm mụ già trầu nầy bắt thuộc lòng. Tui ghét quá, phang mạnh: "Máu của con nào thì con đó biết. Mỗi tháng bây biết đều đều, khéo làm bộ hỏi nhau rằng máu ai đây?" khiến tụi nó mắc cỡ, xẻn lẻn giải tán...

Thôi từ đây tui cũng nhẹ thở. Rồi đây con Ngọc Hiền sẽ làm bác sĩ phu nhơn. Tui ra sức o bế thằng hổ bôn tiểu tặc Bắc kỳ. Tui nấu suông đặc ngừ tôm quết nhuyễn đỏ ối. Tui đổ bánh xèo, nhưn bánh đầy tôm thịt, nấm rơm. Tui nấu canh chua cá bông lau với khóm, tui lựa cá rô mề để kho tộ, tui nấu cơm gạo nanh chồn, thơm ngát xóm trên lừng xóm dưới...Tiểu tướng Bắc kỳ chắc lưỡi hít hà khen ngợi làm tui mát bụng, lá gan nở bự như cái quạt, xả thân mẹo dậu kho nấu chiên xào cho thẳng.

Sau đám hỏi, con Ngọc Hiền chí thú học hành nên tốt nghiệp đại học Sư phạm, đi dạy tại một trường trung học bên Phú Lâm. Có nghề nghiệp trong tay, được một ý trung nhơn tốt mã, con cháu nội tui yêu đời lắm nên cứ chót chét véo von tối ngày. Sáng sáng nó theo bài hát mở đầu chương trình gia binh phát thanh, rống lên: "Mừng cho đôi uyên ương, sống vui vầy trăm năm hạnh phúc..." Hay quá! Chẳng những con Ngọc Hiền hát ra tiếng mà tui đây cũng hát thầm để chúc cho con Oăn-đa Ngọc Hạnh lỡ lấy thằng Ðít thì lấy luôn, đừng lạng quạng mà gặp cảnh ba chìm bảy nổi; cho con Ngọc Hiền sẽ được thằng chồng Bắc kỳ tưng tiu, không ép vợ ăn rau muống, không mời vợ xực mắm tôm mà chỉ khuyên vợ chơi năm ba chân hụi. Có vậy nếp nhà mới không bại xuội, vợ chồng mới thuận thảo đề huề.

Vậy mà gần tới ngày đám cưới, không hiểu mắc mớ gì mà con Ngọc Hiền cứ ong ỏng ca: "Giờ thì cũng yêu mà yêu với chồng..." hoặc "Thôi hết rồi, em đã về vui với người, ta xa nhau rồi" khiến tui phải la:

- Con nhà tử tế thì phải hát bản vui tươi, lời nhạc có đạo lý, lẽ đâu tối ngày mầy lại nghêu ngao mấy bài ôn dịch nghe mà xuội bại tứ chi, bủn rủn tâm trí đó!

Rồi đó tui nhận được thơ của con Oăn-đa than thở kêu nhớ nhà, chung quanh không có kẻ đồng chủng. Linh tính của tui sao mà nhạy, coi vèo con quỉ đó hết mê Ðít mê Khu rồi chị ơi! Nó muốn nhảy lăng ba vi bộ gì đây!

Thơ trước vừa nằm trong ngăn tủ kéo chưa đầy một tháng thì thơ sau tới, con Oăn-đa báo tin nó vừa kết hôn với thằng Mỹ khác, lớn tuổi hơn thằng Ðít nhưng là bác sĩ có phòng mạch. Thì ra, khi viết thơ trước, cỏn đã lôi thằng Ðít ra toà xé giấy hôn thú từ bốn tháng trước. Thằng chồng mới của nó tên là Uy-li-âm mà nó biểu kêu là Biêu cho gọn. Thiệt tui xẩu mình con cháu lớn nầy quá trời quá đất. Nó hết dại nầy sang dại khác. A thần phù lấy Mỹ là đã trét tro trét bùn lên mặt tui. Lỡ lấy rồi còn không chịu ăn đời ở kiếp với chồng lại ôm cầm sang thuyền khác làm tui thêm nhục.

Tấm hình chụp hôm con Oăn-đa Ngọc Hạnh tái hôn ngó mà ớn óc. Nó bận áo voan, ôm bó bông hường liếc qua thằng chồng mới tóc vàng như rơm khô, mắt xanh lè như mắt mèo. Chèn ơi, bởi cặp mắt với nụ cười đó mà đờn ông chịu khiếp phục để nó vo tròn bóp mép đó đa!

Hồi trước, khi thằng con trai tui dắt con vợ nó ôm bụng chửa chình ình về trình diện tui, thấy cặp mắt con đó là tui bủn rủn, bàng hoàng rồi. Gái mà có cặp mắt đó đâu có đợi đàng trai cầm trầu cầm cau cười hỏi. Nó thấy trai là xáp vô bày bát quái trận hoặc mê hồn trận để chim trai. Nó vác bụng chửa về nhà chồng dẫu không cưới hỏi mà không hề ngại ngùng, hỗ thẹn. Con Ngọc Hạnh với con Ngọc Hiền lựa nét lẵng của mẹ tụi nó mà giống. Con Ngọc Hạnh lựa hai, giống má nó cả cặp mắt lẫn nụ cười; con Ngọc Hiền đỡ hơn, chỉ giống má nó ở cặp mắt. Thiệt tình, con chị đi trước nêu toàn gương xấu nên tui chỉ còn kỳ vọng ở con em.

° ° °

Chị Tám, chèn đét ơi, ai mà dè chị em mình có ngày sống trên đất Mỹ rộng minh mông nầy? Chị ở Tây Nam, tui theo lũ cháu ở Ðông Bắc. Tui đâu có dè tụi Cộng sản nuốt trộng miền Nam rùm rụp vậy! Vợ chồng con Ngọc Hiền bắt đủ mọi đường dây để lánh nạn quỉ đỏ, đuơng thèm lo lắng cho tui. Bửa 30 tháng 4, tui ra bến tàu kiếm tụi nó, lòng chết điếng. Rồi tui bị lớp sóng người đẩy văng tuốt lên cầu tàu. Tui la, tui khóc, muốn tháo lộn trở lại mà không được. Tàu rời bến, tui hét lên chết giấc.

Khi tới đảo Gam (Guam), tui bật ngửa ra, gặp con Ngọc Hiền có mặt ở đó trong lớp người di tản. Thì ra trong lúc quính quáng, nó chợt nhớ tới thằng mèo cũ vốn là sĩ quan hải quân làm trong phòng tâm lý chiến ở căn cứ Bạch Ðằng, nên xin tháp tùng theo, nỡ bỏ chồng lại.

Nó ỏn ẻn hứa hẹn:

- Qua Mỹ, con sẽ cố sức vận động để đem chồng con qua.

Miệng nói nhỏ nhẹ mà cặp mắt ướt rượt của nó rà qua thằng hải quân! Thằng nầy cao lớn, trắng trẻo mắt sáng mày thanh, ria mép tỉa mỏn, coi bộ sáng hơn thằng cháu rể Bắc kỳ của tui. Chị Tám ơi, cặp mắt ướt rượt kia đã dắt con mẹ tụi nó đi xa, qua tuốt bên Lèo, đẩy con Ngọc Hạnh mới chưa đầy bốn năm từ vòng tay thằng Ðít tới thằng Biêu. Rồi cũng cặp mắt đó theo thời cuộc, đẩy con Ngọc Hiền vào cảnh thay chồng, quên nghĩa tào khang.

Trời ơi, ngay trên đảo, con Ngọc Hiền đã bỏ bê tui, đánh đôi đánh đọ với đủ thứ đàn ông, vầy cuộc đờn ca hát xướng. Con cháu nội tui đó, tuy giọng nó không chát không chua nhưng lên cao thì tét, xuống trầm thì nghẹt, vậy mà mơ làm ca sĩ. Nó hăm he hễ đặt chơn tới Mỹ là đi tìm thầy luyện giọng. Cũng trong thời gian hai bà cháu ở đảo, con Ngọc Hạnh lo làm giấy để rước bà nội và em về thủ đô Hoa Thịnh Ðốn.

Thiệt tình tui tưởng dù có đánh đôi đánh đọ hát xướng với bọn đờn ông, con Ngọc Hiền vẫn là của riêng của thằng hải quân nọ. Ai dè một bữa nọ, nó đem một tên mập mạp rậm râu sâu mắt tới giới thiệu:

- Thưa nội, anh Hát đây trước kia là giám đốc trung tâm băng nhạc Sơn Ca và cũng là nhạc sĩ. Ảnh muốn cưới con...

Tui bợ ngợ:

- Còn thằng chồng mầy kẹt bên nhà thì sao?

Nó cười gằn, mắt đổ hung quang:

- Hôm nay con xin thú thiệt với nội. Thằng chồng Bắc kỳ của con, trước ngày mất nước một tuần nó đã tò vè được con ông chủ tàu đánh cá ở Phú Quốc. Thằng con trai ổng cũng là sĩ quan hải quân tại đó. Chồng con chịu đi theo gia đình ông ta, bỏ con ở lại.

Nó trình cho tui coi bức thư tạ lỗi vợ của thằng cháu nội rể trời đánh kia.

Khi tên rậm râu sâu mắt đi khỏi, tôi mới hỏi:

- Còn ông quan ba hải quân thì sao đây?

Ngọc Hiền cười cười:

- Thì vẫn là bạn bè. Ảnh có vợ rồi. Vợ ảnh quốc tịch Pháp. Từ hai năm rồi bả qua Pháp để trị bịnh suy nhược thần kinh. Bả có viết thơ nói sẽ làm giấy bảo lãnh ảnh qua Pháp.

Hứ! bạn bè gì kỳ cục vậy? Từ hôm qua đảo tới lúc dẫn tên cựu giám đốc trung tâm băng nhạc tới trình diện tui, con Ngọc Hiền ở miết trong lều tên đại úy hải quân. À, thì ra nó đền ơn đáp nghĩa ân nhân và trả đũa thằng chồng bạc bẽo của nó bằng cách đó! Tui khờ khạo lắm chị Tám à. Thời cuộc dồn dập xảy tới tui trở tay không kịp. Trên đảo thiếu thốn tiện nghi, vừa nhớ nước nhớ nhà lại vừa khốn đốn thói đi ngang về tắt của con cháu đàng điếm khiến tui tê điếng, không biết tính sao nữa. Những ngày đầu tui thèm trầu cau muốn khóc, riết rồi cũng quen. Ðêm đêm dưới mái lều, tui trằn trọc. Ðời bà già đã gần 70 bỏ xứ ra đi, còn hy vọng gì? Bỏ làng quê một lần, bỏ xứ thêm một lần nữa, tấm lòng đã hao hớt hơn phân nửa. Chong mắt nhìn hai con cháu ăn ở trái luân thường đạo lý, tui không hiểu mình còn dựa điều gì mà sống đây? Ánh trăng mờ sương bên ngoài lọt kẽ lều đến chỗ tui nằm, đưa tui vào giấc chiêm bao có những cây cau phơi bẹ xạm nắng, những nọc trầu lá ửng lấp lánh dưới trăng. Từ vườn cau, vườn trầu, tui gặp lại biết bao nhiêu khuôn mặt bà con chòm xóm ở quê nhà. Tui thấy lại những chiếc lu, khạp bể liệng dưới gốc cây da che mát miếu thổ địa. Tui thấy cảnh chợ quê, duới bến chợ ghe lúa, ghe khoai, ghe mắm đậu lển nghển. Ðặc biệt nhứt là chiếc ghe chở đồ gốm như lu hũ, cà ràng, hoả lò, nồi ơ, chén dĩa...
° ° °

Con Ngọc Hạnh bảo lãnh bà nội và em về thủ đô Hoa Thạnh Ðốn. Nó dọn cho tụi tui một căn ở dưới từng trệt, lúc đầu tui cứ gọi là tầng địa huyệt. Từng đó cũng đầy đủ tiện nghi, có cầu tiêu nhà tắm, có chỗ phơi quần áo. Nó còn mua cho tui ba cái lồng chim, mỗi lồng nhốt bốn con cùng giống, véo von cho vui nhà.

Tui quên cho chị hay, bữa đón tui và con Ngọc Hiền ở sân bay, con Ngọc Hạnh có mang theo hai thằng cả chồng mới lẫn chồng cũ. Ðít, Biêu có vẻ thuận thảo lắm. Con Ngọc Hạnh đứng giữa hai thằng Mỹ, vóc nó nhỏ thó khác nào con gà tre đứng giữa hai con gà cồ. Con quỉ sống nầy bày cảnh gia đình ông Táo sao chớ! Thằng Ðít cứ xà quần theo con Ngọc Hiền, còn cỏn thì như nhồng lột lưỡi, nói thôi tía lia.

Mỗi ngày con Ngọc Hiền và tui lụm cụm leo ba bực thang để lên nhà bếp nấu ăn cho vợ chồng thằng Biêu. Nhưng tui phải làm theo chỉ thị của con Ngọc Hạnh là không được kho thịt cá vì mùi nước mắm sẽ thấm vào thảm, vào màn cửa. Thằng Biêu mê chả giò, tôm lăn bột chiên, gỏi gà, cà ri...Nó kêu tui bằng "gờ-răng-ni" (granny) coi bộ cũng tử tế. Tui tuy 68 tuổi rồi nhưng nhờ vận động nhiều nên tay chơn cứng cáp, làm bếp còn sõi lắm. Qua xứ nầy, coi bộ con Ngọc Hiền khó làm bà, bởi đó tui khuyên nó tập làm bếp. Nó nhún vai, mắt ngó lên tấm hình con ca sĩ Mỹ tóc chải như lông nhím mà cặp mắt ướt rượt. Tui sợ quá chị Tám ơi! Cái thằng cựu giám đốc hãng băng nhạc ở Cali cứ gọi điện thoại cho con Ngọc Hiền đều đều. Tui sợ con nầy bỏ chị bỏ bà qua Cali để làm ca sĩ hết sức.

Quên, tui chưa kể với chị, từ hôm có con Ngọc Hiền, thằng Ðít mỗi tuần đều lái xe cả 50 mai (miles) đến thăm con em vợ cũ. Cỏn coi bộ cũng ưa thằng cựu anh rể. Con Ngọc Hạnh thì không nói không rằng nhưng có vẻ khuyến khích hai đứa. Do đó mà con Ngọc Hiền vắng nhà hà rầm. Tui lo quá, cứ than thở hoài. Con Ngọc Hạnh cười:

- Kệ nó nội ơi! Nó lớn rồi. Ở cái xứ nầy, con cái trưởng thành là tự chọn bạn chọn bồ, chọn chồng, chọn vợ. Thằng Ðít coi cũng xứng với con Hiền. Nó tử tế, dễ thương. Nó mà cưới con Hiền thì con mừng lắm.

Tui trợn mắt:

- Nó tử tế, vậy sao mầy lộn nài bẻ ống bỏ nớ?

Nó có vẻ buồn buồn:

- Tại vì con không làm tròn bổn phận chăn gối với nó. Chuyện gối chăn lắt léo lắm. Con đành trả tự do cho nó. Con vẫn thương yêu nó như thương yêu thằng Biêu, có điều là thằng Biêu dịu dàng, kiên nhẫn, hạp với con hơn. Lại nữa...

Thôi, thôi, nó càng nói tui càng hổng hiểu gì ráo! Tui già cả đầu óc đã mù mịt, giờ càng đen đậm đen đặc như đêm ba mươi. Chuyện gối chăn giữa vợ chồng với nhau mà con nầy cũng đem ra nói. Chồng mình không ưng bụng về chuyện đó thì phải tìm cách làm đẹp lòng chồng, có lý đâu lại bỏ chồng để lấy chồng khác? Chị Hai tui hồi xưa, sau hai lần sanh nở khó khăn, liền cưới vợ bé cho chồng. Thời buổi nầy, đờn ông lấy vợ bé thì kỳ cục lắm nhưng nếu mình không làm đẹp lòng chồng là mình phạm lỗi rồi. Bỏ chồng để lấy chồng khác thì chỉ có mấy con Hạ Cơ, Tuyên Khương, Võ Chiếu mới làm nổi chuyện đó.

Nằm đêm nghĩ lại, tui thấy mình tuy vậy cũng còn có phước hơn mấy ông già bà cả di tản qua đây bị con cái bỏ bê không thèm ngó ngàng tới lui hoặc bị bỏ vô nhà dưỡng lão. Hai con Ngọc của tui sớm xa cha mẹ nên đeo dính bà nội từ nhỏ. Qua đây tụi nó có bè có lũ riêng nên không đeo theo tui như chầu xưa nữa nhưng vẫn chịu khó đưa tui đi mua trầu, mua cau, mua dầu cù-là Trung cộng, thuốc Bắc loại cao đơn huờn tán; chở tui đi giao thiệp với ông già bà cả người mình trong viện dưỡng lão. Duy có điều con Hạnh không cho tui kho cá kho thịt hay chưng mắm.

Tại nhà dưỡng lão, tui gặp một bà người Huế nói tiếng Nam sành sỏi. Nghe đâu bả là cháu nội của quan đại thần hồi trào vua Ðồng Khánh. Chồng trước của bả là hoàng thân, vốn là thày dạy của thái tử Bảo Long. Ông hoàng chết, bả tái giá với ông nhạc sĩ dòng dõi quan quyền gì đó ngoài Bắc. Hồi xưa bả là ca sĩ nổi tiếng tên là Minh Loan, sau đó nghe đâu bị suyễn nên mất giọng và chức đệ nhứt nữ danh ca của bả mới chuyền qua cô ca sĩ được thiên hạ kêu là "tiếng hát trường cữu". Giờ đây bả tuy già mà lưng thẳng như cây cau, dáng dấp thon mảnh, đi nhẹ nhàng và vùn vụt như gió. Gặp bả, tui thẹn phận mình quê mùa, chữ trét chưa đầu lá mít vậy mà bả chịu khó nghe tui kể chuyện cà kê dê ngỗng, cười từng chập. Bả kêu tui bằng chị, xưng em. Rồi đó mỗi tuần bả tự lái xe tới thăm tui, chở tui đi mua đồ, đi chơi. Nhận thấy bả thành thiệt, không làm phách, tui mến bả, làm món ngon mời bả.

Bà Minh Loan có tám đứa con, đứa nào cũng ca hay đờn giỏi nhưng không ai theo nghề ca hát hết, chỉ lo làm ăn bồi đắp gia đình. Còn con Ngọc Hiền của tui thì giọng hát ngang ngang mà sanh sứa mơ làm ca sĩ, hễ ban tổ chức buổi trình diễn văn nghệ nào mời là nó nhảy lên sân khấu liền một khi làm tui khổ tâm hết sức!

Con Ngọc Hiền đi tới đâu là có thằng Ðít phò tá tới đó. Nó săn đón kỹ quá, riết rồi con Ngọc Hiền ở miết nhà anh rể cũ. Tuy có buồn bực, tui cũng vái trời cho nó lấy thằng Ðít phứt cho rồi. Lấy Ðít là nó còn ở đây, đôi ba bữa tui còn thấy mặt nó, làm món ngon vật lạ cho nó ăn.

Ðều đều bà Minh Loan vẫn lui tới thăm viếng, an ủi tui. Bả nói tụi trẻ thời nay không giống tụi mình, thôi cứ để tụi nó sống theo ý, dẫu có vấp ngã thì tụi nó lại đứng dậy, làm lại cuộc đời dễ dàng. Mà cũng lạ, tại sao bả với tui, người học thức, kẻ quê dốt mà lại hạp nhau? Bả chở tui về nhà cậu con trai bả, đãi tui một bữa cơm có cá lụn vụn kho tiêu và canh cải nấu tôm khô ngon thần sầu. Tụi Mỹ đời nào chịu húp canh nấu tôm khô, bởi đó ở nhà con Ngọc Hạnh, tui đâu được ăn món nầy.

Chiều thứ sáu tuần đó, vợ chồng con Ngọc Hạnh đi nghỉ mát ở xa, hẹn tối chúa nhật mới về. Một bà trong viện dưỡng lão có cho tui một nửa hũ mắm sặt. Bà Minh Loan bèn đưa tui ra chợ Việt Nam mua rau thơm, giá sống, cà tím, nấm, cá hồi, tôm đông lạnh về làm món mắm và rau. Hai chị em cùng hai bà bạn già khác thưởng thức món ăn quê nhà vô cùng hả hê, khoái lạc.

Ai dè sau bữa ăn đó tui gặp nạn. Thằng Biêu vừa vô nhà là la rùm lên. Con Ngọc Hạnh hơ hải hỏi:

- Có phải nội kho mắm không? Thằng Biêu nó nói có con chuột hay con gì đó chết sình nên mùi thúi bay tùm lum đây nè....

Nghe qua tự sự, thằngBiêu đem quần áo ra ở khách sạn. Tui và con Ngọc Hạnh xịt đủ thứ dầu chanh, dầu cam, dầu sả mà mùi mắm quái ác vẫn lẩn quần trong nhà. Túng thế, tui điện thoại gọi bà Minh Loan. Bả bảo:

- Chị cứ lấy nhang thơm của chà và đốt vài nén là tẩy hết mùi. Thôi được, em có nén nhang bạch đàn đây, để em đem lại.

Mùi mắm bay đi, thằng Biêu trở về. Bà Minh Loan có gặp thằng Phiên tặc đó để giải thích. Nó đặt tay lên vai tui xin lỗi nhưng từ đó tui hết dám nghĩ tới mắm kho, mắm chưng, hết dám mơ tưởng tới thịt kho, cá kho gì nữa.

Bà Minh Loan mê bài bạc nên bả leo lên máy bay đi Cali ở với cô con gái út để lãnh tiền cấp dưỡng gấp đôi. Ở đó người Việt đông, bả sẽ mở lớp dạy ca sĩ, luyện giọng, làm một cái gì có ích hơn là đánh bạc. Hôm tiễn bả ra phi trường, mấy tay đánh bạc và tui khóc mùi. Bả hứa sẽ trở về nhưng tui biết bả về là cũng chỉ về thăm thôi rồi trở lại Cali. Nghĩ vậy mà tui ôm bả khóc ngất.

Cái ngày tui lo sợ con Ngọc Hiền bỏ bà nội đi Cali đã tới rồi, chị Tám! ThằngÐít đi trước, nó đi sau, cách nhau một tháng. Tui lấy làm lạ hỏi con Ngọc Hạnh:

- Em mầy qua bển làm vợ thằng Hát hay làm vợ thằng Ðít?

- Nó có định làm vợ ai đâu? Thằng nào cũng là bạn nó thôi nội à!

- Bạn cách nào? Tao thấy...

Ngọc Hạnh nhăn nhó

- Ối, chuyện tụi trẻ...khó nói lắm. Nội để ý làm gì cho mệt! Ít tháng nữa nội có cháu cố, xin nội cưng nó như đã từng cưng tụi con.

Cỏn có bầu rồi chị Tám à. Cái bụng nó tròn như trái dưa hấu xẻ đôi úp lên. Nghĩ tới lúc được bồng cháu cố mà tui sướng run.
° ° °

Giấc mơ ca sĩ của con Ngọc Hiền lẩm rẩm vậy mà thành đó chị Tám! Nó gửi hình, gởi tấm chương trình về cho tui và cho chị nó hà rầm. Trong hình nó nhuộm tóc vàng như trét cà-ri rồi không biết nó thoa vuốt cách nào mà từng tép tóc nó chĩa ra như lông nhím. Nó còn thoa son môi màu tím như màu cà dái dê, đánh phông mắt đỏ hoét, đeo vòng chuỗi nặng cả ký lô, mặc áo hở ngực hở vai ...coi lạ hoắc. Ca sĩ Giên Ngọc Hiền đó đa! Nó biểu hát nhạc trẻ thì phải có tên Tây tà mới hạp.

Con Ngọc Hiền có vẻ yêu đời. Nó ở chung với thằng Ðít nhưng đi lưu diễn với thằng Hát, nghe đâu được hoan nghinh lắm. Mới đây nó theo phái đoàn lưu diễn của thằng Hát trở về Hoa Thạnh Ðốn trình diễn, nghe đâu là chương trình nhạc trẻ một trăm phần trăm, tụi nhỏ ưa lắm. Tui dẫu già cả, quê dốt nhưng cũng mua giấy để coi con Giên tui hát hỏng ra sao.

Chèn ơi, chị Tám! Không hiểu mồ mả ông nội của hai con Ngọc có bị trâu dẫm, bò đạp, heo chó phóng uế hay không mà mả bị động khiến lũ cháu gái mất nết hư thân. Con Giên tuy không dám loã thể trên sân khấu nhưng nó chế ra cái áo giống như cái áo lá, để chừa một khoảng bụng lòi cái lỗ rún thật sâu đựng cỡ một muổng cà phê nước mắm. Cái quần của nó thiệt lạ đời: xì-líp không ra xì-líp, quần cụt không ra quần cụt. Quần bằng nhung đen, thêu con dơi bằng kim tuyến ngay chỗ giữa cặp đùi. Quên nữa, cái áo hở bụng của nó cũng bằng nhung đen, ôm tròn cặp vú, thêu từng vòng tròn ở chỗ lồi của vú. Mèn ơi, áo quần mà thêu kiểu đó có khác nào réo gọi khán giả rằng: "Mấy người hãy coi đây!". Ngộ hén! Ca sĩ trình diễn là để mời khán giả thưởng thức giọng hát chớ có lý đâu mời họ nhìn và tưởng tượng mấy thứ bửu bối của đờn bà nằm dưới con dơi và những vòng tròn thêu kim tuyến đó!

Con Giên vừa ỏng ẹo bước ra, lũ choai choai thôi huýt sáo, rít tu hít từng tràng dài. Tui nhục nhã biết để đâu cho hết, chị Tám! Khi hát nó ưa xoay lưng lắc lắc cái mông thiếu điều dện vô mặt khán giả. Rồi khi quay mặt lại là nó nẩy người lên, chàng hảng chê hê coi thiệt là tục tĩu, vô phép tắc. Vậy mà lũ trẻ coi bộ thích lắm, hoan nghinh như sấm. Tui và bà bạn già bỏ ra về, ở coi cho hết chương trình càng thêm nhục! Tới chỗ bán băng nhạc, tui tò mò nhìn vô. Tui bị quáng mắt hay thông manh đó chăng? Cái băng nhạc có cái nhãn in hình cô nữ ca sĩ trần truồng nguyên con là ai vậy? Ðầu óc tui đảo lộn, tui ngã quị xuống như cây chuối bị đốn. Có tiếng nói văng vẳng:

- Ca sĩ Giên Ngọc Hiền đó đa bà con. Cổ là cháu nội bà Năm Xóm Gà chớ ai!
HTA

NGUYỄN ĐÌNH TOÀN * Khi anh về



Andres Amador

Khi anh về căn nhà xưa đã mất
Buồn phơi trên từng những bức tường dài
Và cánh tay, và lớp bụi trên vai
Những ngày tháng mỏi mòn che lấy mắt

Bàn tay thô hàng ngón sần ngơ ngác
Mùi lá non trên đường chỉ dở dang
Em xa rồi giếng xưa giờ vẫn mát
Anh cúi đầu vỗ trên vết da nhăn

Những giọt nước âm thầm đem nỗi vui chợt đến
Như cơn gió hiền chợt nhớ về thăm
Những người lạ nhìn anh, anh cúi đầu nhìn bóng
Thấy mơ hồ những nỗi nhớ run lên

Hình ảnh ấy đã chìm trong dĩ vãng
Đối diện anh bằng một mặt nước trong
Anh nhấc khẽ bàn tay rồi nhắm mắt
Tiếng võ vàng khua động trong thâm tâm

NGUYỄN ĐÌNH TOÀN

Trần Vấn Lệ * Bây Giờ Tháng Mười



Bian Valentine


Bây giờ đã là Tháng Mười.  Buồn ơi ta nói với người-rất-xa.  Rất mênh mông.  Rất bao la. Rất long lanh giọt lệ là trùng dương…

Với người ấy, với Quê Hương.  Với ta, tình tự giữa đường lao lung.  Muôn năm không có lời cùng / như non còn bóng, như sông còn đò…

Tháng Mười là tháng ước mơ / mà trong hư thực bao giờ đã vui!
Với con trăng biết ngậm ngùi.  Ta đau đớn lắm tháng Mười chẳng riêng.

Ờ thì chung hết anh em, bà con, cô bác, một thềm biển dâu… Tháng Mười, ông lão buông câu, cá chưa thấy động chân cầu thời gian,

dẫu cho dầu cạn bấc tàn, đời ai có gãy đổ ngang cũng đành!  Tháng Mười, ta nói lạnh tanh, đến sương cũng lạnh trên Đình mái rêu…

Tháng Mười, ta thương ta yêu, hoa sen cứ nở và bèo cứ trôi…

Trần Vấn Lệ


Tuesday, October 9, 2012

Thiếu Khanh * THỦ THỈ CÙNG CON *




Cái chết là một sai lầm tuyệt đối
Chẳng còn chi sửa chữa được nữa rồi
Ba đã ngần này tuổi đời, con cũng không còn cơ hội
Ba vịn bàn thờ con mà khóc, Phước An ơi!

Ước chi đây chỉ là cơn ác mộng
Khi ba tỉnh dậy thấy con cười
Nói chuyện kinh doanh làm ăn rất nóng
Ba lau mồ hôi mừng rỡ đất trời vui.

Nhưng tiếng máy niệm “Nam mô A-di-đà Phật”
Bảo rằng con đã thực sự bỏ đi xa
Mắt con trong hình rất buồn như vừa mới khóc
Chắc con nhìn tóc trắng mái đầu ba

Từ lúc trưởng thành con không còn được ba ôm thân ái
Khi được ba ôm thì con đã không còn
Hơi nóng người ba không đủ cho xác thân con ấm lại
Ba ôm chặt con trong lòng mà ba đã mất con!

Con là nắng mai ba là chiều tà bóng xế
Ba hoang mang tê liệt thấm cơn đau
Con vắng mặt khắp nơi trong ngôi nhà ngày càng quạnh quẽ
Gió xô nghiêng cây chuối nhỏ trên lầu

Nửa đêm ba đến bàn thờ con thắp cây nhang và khóc
Nước mắt già nua không nuốt được vào lòng
Cứ chốc chốc ba giật mình hoảng hốt:
Ba lỡ hỏa táng con rồi, còn cứu vãn được gì không?

Con chân thật với mọi người và hết lòng cùng bè bạn
Chơi với ai cũng không thủ phần mình
Nụ cười hiền và tâm hồn hào sảng
Đâu có điều gì để ba ngờ cuộc sống sẽ mong manh!

Ba mốt tuổi chưa có điều chi thỏa chí
Con chưa kịp để lại gì ghi dấu một đời trai
Ba thường nhắc nhở con gắng lên cho bằng anh bằng chị
Mà bây giờ con chỉ còn lưu lại nắm tro thôi!

Ba nghe nói chết không phải là chấm hết
Chẳng qua con rủ bỏ xác thân giả tạm cõi vô thường
Nhưng ba mất con là ngàn thu vĩnh biệt
Nên lòng ba tan nát bi thương

Ba không trách con những lần con thất bại
Nhưng ba thường la con vì những chuyện vô tâm
Ba có biết đâu đến một ngày con không còn ở lại
Ôi con sống được bao lăm mà ba trách những sai lầm!

Kinh sách nói sinh tử là chuyện thường tình hiểu được
Như ngày và đêm, sáng và tối thay nhau
Rằng tan hợp là do nhân duyên từ nhiều kiếp trước
Nhưng cái biết sách vở này có an ủi được gì đâu.

Con là một trong bốn Phương của ba mẹ
Mà nay ba lạc mất một Phương rồi!
Anh Đông Phương, chị Nam Phương, chị Yến Phương có nỗi đau nào hơn thế
Ba mẹ già rồi, tội lắm Vĩnh Phương ơi!

24 ngày mất con.
Thiếu Khanh

* Con trai út, Phước An Nguyễn Hoàng Vĩnh Phương

Pháp danh Nguyên Tâm
Sinh năm 1982
Từ trần ngày 12/9/2012 tại Sài Gòn.