Ngày xưa, - dĩ nhiên là thời gian chưa có cái gọi là “đường mòn Hồ Chí Minh” - rừng Trường Sơn có nhiều cọp, voi. Ngược sông Thạch Hãn, phía tả ngạn, con đường bộ lên tới Trấm, sau nầy gọi là xã Phong An, - phía tây làng An Đôn – là hết. Từ Trấm lên Ba Lòng – một thời gọi là chiến khu, thời Ngô Đình Diệm là quận Ba Lòng, người ta phải đi đường thủy, dùng đò.
Phía hữu ngạn, có con đường từ đầu Cầu Ga đi ngược lên phía núi, qua các làng Như Lệ, Tân Lệ… rồi dọc theo sườn núi bên bờ sông, lên tới “Bơơng” - một thung lũng nhỏ, gặp một ngọn núi cao, con đường phải bọc vào phía trái, bên trong, rồi cũng lên tới Ba Lòng.
Con đường nầy thường được gọi là “đường Bảo Đại”, con đường làm ra để vua Bảo Đại đi săn, bởi vì một phần vua Bảo Đại rất thích săn bắn, thứ hai là do âm mưu của Tây: Nhà vua cứ vui chơi đi, việc nước (An Nam) đã có Tây lo. Nước ta bây giờ cũng vậy, bọn trẻ cứ vui chơi đi, việc nước đã có “đảng” lo. Bên Mỹ nầy có khác chăng? Mọi người hãy lo làm việc và vui hưởng đời sống tiện nghi và đóng thuế, việc chính trị đã có thượng viện, hạ viện lo, dân chúng khỏi lo – Âm mưu độc quyền đó, quí vị ạ.
“Bạn” đi săn của vua Bảo Đại ở Quảng Trị là ai?
Tiệm may Phan Xuân Sang là một tiệm may lớn ở Quảng Trị, nằm trên đường Trần Hưng Đạo, - xưa gọi là Đường Ga – và đường Lý Thái Tổ, - xưa gọi là đường Cửa Tiền. Tiệm ngó ra ngã tư. Không phải ai cũng vô may ở đây được vì tiệm “chuyên may” đồ Tây, tức là may veston, người ta thường gọi là may “đồ lớn”. Ngay phòng trước, chỗ tiếp khách và may đo, trên vách tường lớn, gắn sát vách là bộ da cọp, có đủ đầu đuôi, đủ bốn chân, móng còn nguyên.
Hồi còn trẻ, học cấp 2 và cấp 3, tôi thường đến nhà nầy, không phải để may vá gì - học trò may “đồ lớn” làm chi -, nhưng để chơi, trao đổi bài vở với Phan Xuân Phú, bạn học từ hồi nhỏ. Nơi chúng tôi thường lên là sân thượng - nhà mới xây lại, không phải căn nhà ngói lụp xụp như trước 1945. - Ngoài Phú, tôi cũng thường chuyện trò với Phan Xuân Trọng, học trước tôi một lớp – người nói ngọng muôn năm – bao giờ chữ NH cũng thành D. Tôi thường hát câu nầy để ghẹo anh ta: “Cái Dà (Nhà) là dà Việt Nam”. Sau Trọng làm “sĩ quan quan sát viên không quân”, rớt máy bay chết bên kia sông Thạch Hãn, làng Nhan Biều – làng ngoại tôi.
Ông cụ tên Sang, anh con trai đầu tên Trọng, thứ là Phú, út là Quí. Sang, Trọng, Phú, Quí. Bốn cha con họp lại là đủ bộ.
Học chung, thi chung với tôi nhưng Phú không bao giờ qua được “cửa ải” Tú Tài 1 vì anh học hành “nghiêm chỉnh” hơn tôi nhiều. Tôi thì “chơi” bất kể giờ giấc, học bất kể giờ giấc, học tới sáng bạch, ăn chén cháo - con nhà nghèo - xong đạp xe đi học. Phú thì không thể như vậy được. Anh ta bảo: “Hại sức khỏe. Hại sức khỏe”. Chín giờ tối, anh ta lên giường rồi, còn tôi thì còn ngồi… “càphê Lạc Sơn”. Cũng phải thông cảm cho anh ta một chút. Từ nhỏ, anh bệnh họan nhiều. Rõ ràng là anh nhỏ con, như anh bạn chí cốt Lương Thúc Trình của tôi vậy. Có lẽ hồi nhỏ anh còn bị té, mặt va vào cây bả đậu, có khi “mặt va thùng đinh” hay “bàn chông” Việt Cộng. Người ngợm như vậy, mặt mày như vậy mà anh ta cũng có vợ đấy, nhưng hơi chậm, và anh khỏi bị động viên”.
Có lần Phú nói với tôi: “Tấm da cọp treo dưới nhà là tấm da cọp bắn trong một lần đi săn với “Đức Kim Thượng”. Nhiều người đòi mua nhưng ba mình không bán. Kỷ niệm quí của ông.”
Con hổ nầy bị bắn ở Đá Nổi, phía trên Ba Lòng, trước khi Đức Kim Thượng thoái vị. “Đức Kim Thượng” là người cao nhất hiện thời, là Kim. Kim Thượng là vua. Tiếng người dân tôn kính gọi vua trước 1945. Trong trận chiến năm 1972, sau khi quân Cộng Sản Bắc Việt xâm lược chiếm được “Quảng trị tui”, tấm da hổ kỷ niệm với Đức Kim Thượng của ông Sang trôi giạt về đâu? Uổng thiệt.
Thời Ngô Triều, ông cụ ̣ Phan Xuân Sang cũng thường nói ông là bạn đi săn với ông Cố Vấn ̣Ngô Đình Nhu. Chỉ có thế, ông không kể gì thêm.
Đường số 9 là đường qua Lào. Bắt đầu từ Đông Hà, lên Cam Lộ, Ca-Lu, Khe Sanh, Lao Bảo. Bên kia Lao Bảo là nước Lèo, - nước Lào đấy, xưa người ta thường gọi là Lèo. Nhờ con đường nầy, người ta dễ đi sâu vào rừng để săn cọp.
Phú kể: có lần ông bố đi săn ở Khe Sanh, - (người viết: Những năm đầu đời nhà Ngô, tình hình còn yên bình.) – ông đi săn, gần một buôn làng của người Vân Kiều hay Stiêng gì đó, nghe ở buôn làng bên cạnh có tiếng người la cầu cứu, tiếng mỏ, tiếng cồng, tiếng thùng, nồi… đánh dữ dội. Ông bố liền xách súng chạy qua. Tới nơi, ông thấy một con cọp, đứng thẳng lên bằng hai chân sau, hai chân trước đang cào vào vách tranh của một cái nhà thấp. Ông nghĩ bụng: “Con cọp nầy dữ ghê.” Ông liền núp phía sau lưng cọp, bắn liền mấy phát - ông săn bằng súng Shotgun hai nòng. Con cọp gục ngay tại chỗ. Xem lại, ông thấy đó là con cọp què một chân trước. Ông từng nghe “dân mọi” địa phương nói tới con cọp nầy. Cọp què dữ và táo tợn, núp bắt người đi đường giữa ban ngày. Bộ da con cọp nầy, ông bán được hai chục ngàn, giá thời đầu thập niên 1960.
Lại một hôm, ông Sang kể, hôm đó ông đi săn ở Khe Sanh về, ông lái xe chạy theo đường số 9. Gần tới Cam Lộ, qua một khúc quẹo, đèn xe hơi chiếu vào một đống to sù, sáng lấp lánh, nằm bên góc đường. Qua khỏi đống sáng ấy hơn mười mét, ông dừng xe lại, xách súng đi ngược lui. Nhờ đèn săn, ông biết đó là một con trăn rừng rất lớn đang nằm cuốn tròn lại. Ông đưa súng nhắm hướng bắn. Hai người cùng đi với ông cản lại. Con trăn to quá, lỡ nó không chết, quật lại thì “bỏ mạng”. Ông không nghe, ông “gan” hơn họ. Sau khi thấy được cái đầu trăn, ông nhắm vào đó, bắn hai phát. Xong, ông nạp đạn bắn thêm hai phát nữa. Con trăn nằm im.
Ba người, - ông và hai người kia -, vất vả lắm, mới khiêng được con trăn bỏ lên xe, chỗ phía sau. Con trăn đã chết rồi mà nó còn vùng vẫy, đôi khi quẫy mạnh, khiến anh ngồi sau sợ quá, phải leo lên ngồi trên thành xe.
Da lột đem bán, thịt để ăn và biếu bạn bè. Khi Phú nói chuyện với tôi xong, anh ta vào bếp, lấy cho tôi một miếng to bằng bàn tay. Miếng thịt trăn còn nhúc nhích, tôi sợ quá, không dám nhận.
Mộ ông Năm ở Mã Tây là ai?
Bà Năm quê ở làng Trà Trì, bỏ làng đi ra Bắc khi bà còn trẻ. Mấy chục năm sau, bà giàu có, trở lại Quảng Trị, mua ruộng ở làng, mua phố ở thị xã, xây nhà ở với chồng, và xây chùa “cúng Phật”. “Chùa Bà Năm” nằm trên đường Nguyễn Hoàng nối dài, đoạn gần trường Thánh Tâm cũ.
Chồng bà là một ông Quan Năm Tây - ngày nay gọi là Trung tá - đã về hưu, không về Tây mà ở lại quê vợ. Thỉnh thoảng ông đi săn cọp, voi ở rừng Trường Sơn để giải trí. Một lần, gặp con voi rừng, thường gọi là “voi một” - voi sống một mình - thường là voi dữ. Ông đưa súng nhắm vào mắt voi để bắn, nhưng trật. Con voi chỉ bị thương, xông vào ông tấn công. Hoảng hồn, ông trèo lên cây. Cây nầy không lớn, bị con voi xô ngã. Ông Năm té xuống, chưa kịp chạy thì bị voi lấy chân chà lên người ông Năm. Ông chết ngay tại chỗ. Bà Năm đem ông về chôn tại Mã Tây.
Mã Tây là khu nghĩa địa cho người Tây chết tại Viêt Nam, không đem về nước. Nghĩa địa nầy khang trang, đẹp đẽ, có hàng rào xi-măng, các ngôi mộ đều xây xi-măng. Mộ ông Năm lớn nhứt, nằm chính giữa, có nhà mồ. Tôi tò mò, từng vô coi mộ ông Năm một lần với ông anh cả tôi. Khu mộ nầy nằm phía ngoài Cửa Tả thành cổ Quảng Trị, cửa ngó về hướng Nam, dọc theo đường Trần Cao Vân, nay là đường 49C.
Sau khi ông Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống, đuổi Tây về Tây, cả người sống lẫn người chết. Lính Tây, lính “Tây đen rạch mặt” (Sénégalais), lính Ma-rốc… chôn ở sân trước nhà thờ Thạch Hãn – trên đường Quang Trung –, chôn ở bến xe Nguyễn Hoàng, sau làm bến xe - và ở Mã Tây, đều theo nhau “hồi hương”. Xương cốt ông Năm cũng về Tây, khi ấy bà Năm qua đời đã lâu rồi./
hoànglonghải