văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Sunday, November 4, 2012

Võ Thị Điềm Đạm - ĐÊM TRUNG THU PHAN THIẾT


vothidiemdam

Trong những năm học ở trường Nữ Tiểu Học Phan Thiết (1960-1966), có ba điều tôi ao ước mà không bao giờ được toại nguyện.  Thứ nhất, được cầm cái chùi gỗ để đánh ba tiếng trống thùng thùng thùng những khi vào lớp, khi ra chơi, khi tan trường, với những điệu trống dài ngắn khác nhau.  Tiếng trống sao rền vang, sao oai nghiêm, chị đánh trống sao mà oai quá, mình cũng muốn được oai như chị ấy nhưng không bao giờ được cô chỉ định.

      Thứ hai,
đứng kéo cờ mỗi sáng và mỗi chiều.  Tôi ước ao được cô chọn với một học sinh khác, cho đứng dưới cột cờ.  Khi ấy, tất cả sẽ chăm chăm nhìn đôi tay tôi khéo léo tháo sợi dây thừng, gương mặt nghiêm trang ngước cao hãnh diện nhìn theo lá cờ vàng ba sọc đỏ lên nhẹ nhàng hay xuống từ từ cho đến khi bài quốc ca Này Công Dân Ơi! chấm dứt.  Tất cả sẽ chăm chú nhìn đôi tay tôi và nhỏ bạn nhanh nhẹn xếp gọn lá cờ làm hai, làm tư, làm tám.
      Thứ ba, được ở trong đoàn lân dẫn đầu đoàn diễn hành mỗi đêm Tết Trung Thu.  Ở nhà, tôi đã đội cái gối, trùm cái mền, thằng em đánh trống miệng cho tôi tập dơ cao chân, sải bước dài, hai tay đưa gối qua lại theo nhịp trống miệng.  Vậy mà cô không chọn tôi.  Cô không chọn tôi múa lân, cũng không cho tôi làm ông Địa, càng không cho tôi ôm cái trống trước bụng đánh thùng thùng và cũng không chọn tôi đi phía sau cầm cái đuôi con lân.  Sao mà tụi nó có phước quá vậy!  Nhất là chị Xí, bạn Xê, năm nào cũng dẫn đầu đoàn múa lân của trường Nữ Tiểu Học.  Còn tôi, ngoan ngoãn xếp hàng phía sau đoàn lân, vừa đi vừa chạy vừa ráng giữ cho thẳng hàng.  Hân hoan với đêm hội trăng rằm!
      Rước đèn đêm trung thu gắn liền với tuổi-thơ-Phan-Thiết như mái nhà tranh đơn sơ không thể thiếu trong bất cứ một bức tranh đồng quê Việt Nam.  Và cũng có thể nói; đêm trung thu đối với người dân Phan Thiết là món quà tô điểm đời sống tỉnh lị, món quà đến mỗi năm, nhận được mà không cần cám ơn.  Không cần thông cáo về ngày giờ hay địa điểm, khi trời vừa chập tối thì tự động người dân rủ nhau tụ tập hoặc ở Vườn-Bông-Lớn bên kia cầu hay Vườn-Bông-Nhỏ bên phố để chờ đoàn diễn hành tụ về.

      Từ khắp nẻo
đường, đoàn diễn hành của các trường tiểu học công Nam Phan Thiết, Nữ Phan Thiết, Đức Thắng, Bình Hưng, Đức Nghĩa, Phú Trinh, Đức Long nằm rải rác quanh tỉnh lị lần lượt tụ về.  Mỗi trường một kiểu đèn lồng, hàng lớp thẳng tắp, đi theo sau đoàn lân của mình.  Ánh đèn cầy lấp lánh sau lớp giấy màu mỏng đủ mầu sắc, gương mặt vừa hân hoan vừa hãnh diện, bước chân vừa nhanh cho theo kịp đội lân phía trước vừa ráng giữ hàng lớp ngay ngắn vừa cẩn thận để cây đèn nhỏ như ngón tay không chao làm cháy đèn; đoàn diễn hành rời cổng trường với quyết tâm chiếm giải năm nay.  Đám con nít hàng xóm cũng là học sinh lớp nhỏ chạy theo hai bên đoàn diễn hành, người người hân hoan đổ ra đường đón chào làm cho những học sinh lớp nhì và lớp nhất cảm thấy như mình là tâm điểm và cũng là niềm hy vọng của ấp mình.      Điểm nổi bật nhất của mỗi đàn diễn hành là đội lân của trường.  Đội lân là do học sinh tự tập tự diễn, gồm bốn-năm người thay nhau múa lân và cầm đuôi, ông địa bụng bự đội mặt nạ lúc nào cũng nhe răng cười phe phẩy cái quạt dẫn đường, người đeo cái trống trước bụng, người cầm hai cái xeng giống như nắp nồi bằng đồng.  Tiếng trống khi nhặt khi dồn dập, tiếng xeng khi mạnh khi cạ nhẹ, bước lân khi giơ cao khi sãi dài, đuôi lân lượn qua lượn lại, ông địa lúc chạy lúc thư thả, nhưng lúc nào cũng phía sau tấm bảng lớp để tên trường, đội lân dẫn đoàn diễn hành của trường mình qua đường phố.
      Quanh nhà lục giác trong vườn bông lớn, các trường xếp hàng chờ loa gọi tên.  Khi một trường được gọi tên, lồng đèn lớn của trường được nâng cao lên, đoàn lân múa vài điệu mẫu, học sinh giơ cao đèn cá nhân, đồng hát và hô khẩu hiệu.  Điểm lồng đèn lớn đại diện cho trường, điểm đoàn lân, điểm diễn hành trật tự, điểm lồng đèn học sinh, tất cả được cộng lại để chấm giải.  Năm nào tôi cũng mang nỗi hân hoan trường mình được giải nhất (?), mau chân về nhà đđược bánh kẹo mặc dù buổi chiều trước khi diễn hành, học sinh tập trung ở sân trường và đã được cô phát cho mỗi đứa một cái bánh trung thu nhỏ.  Nhưng sau vài giờ rước đèn, viễn tượng bịch kẹo bánh đang chờ ở nhà càng lúc càng hối thúc bước chân.
      Mỗi năm, ba tôi hợp với vài gia đình trong xóm Phố Ba Mươi Căn có con cùng lứa với chị em tôi, tổ chức phát bánh kẹo.  Chú Sáu Sang có hai người con là Thanh Hiền và Hoàng Minh cùng tuổi với tôi và em trai tôi nên thường tham gia.  Chúng tôi hát, cười giỡn, ngốn ngoán kẹo bánh, trầm trồ lồng đèn của nhau.  Vài chiếc lồng đèn giấy kiếng trong sắc màu lộng lẫy trở nên lạc lõng giữa những lồng đèn bánh ú không được thẳng góc mấy nhưng dán đầy bông giấy, lồng đèn mặt trăng không được tròn trịa nhưng có đường viền tua tủa đủ màu sắc, lồng đèn ngôi sao góc cạnh vụng nhưng được che lấp bởi những chùm giấy màu nhuyễn cọng
      Những lồng đèn con thỏ, con cá, ngôi sao, trống quân… làm bằng giấy kiếng trong đủ màu sắc được tô điểm bởi những nét vẽ của bàn tay nghệ nhân, được uốn cong khéo léo của những ngón tay nhà nghề treo lủng lẳng trước các cửa tiệm bên phố không bao giờ hiện diện trong nhà tôi.  Mắc và phí của!  Như đa số các gia đình có con trẻ, một ngày đẹp trời, má tôi đi chợ về, bày ra bàn bó sống lá và một xếp giấy đủ màu.  Tuy giấy màu mỏng loại rẻ tiền nên đục đục chứ không trong khiết như giấy kiếng, nhưng đđánh sáng lấp lánh từ cây đèn cầy làm hân hoan niềm vui con trẻ.  Quậy hồ, ngâm sống lá, vuốt cây, cắt dán, chúng tôi miệt mài làm hết cái lồng đèn này tới cái lồng đèn khác.  Giấy màu được ưu tiên làm lồng đèn theo kích thước và kiểu mẫu do nhà trường hướng dẫn.  Còn lại là chị em tôi tha hồ làm đủ kiểu lồng đèn cho mỗi đứa. Và những chiếc lồng đèn sắc màu tươi mắt, ren tua tủa, hoa giấy uốn cong cánh điểm tô, theo vào giấc ngủ trẻ con, tô thắm niềm vui mùa trung thu. Cả tuần!
      Đêm trung thu, đêm uống trà ngắm trăng, đêm thả đèn trên giòng sông Cà Ty êm đềm.  Đó là chuyện người lớn!  Với tôi, tôi chẳng bao giờ bận tâm đến ánh trăng có vàng rực hơn, cũng chẳng tò mò xem coi mặt trăng có tròn to hơn, và càng không có đủ kiên nhẫn đứng ngắm ánh đèn trôi nhẹ nhàng trên mặt nước trong đen.  Làm lồng đèn, được ăn bánh trung thu chung với bạn bè, được đi diễn hành, được bánh kẹo và nhất là… nhất là khi về đến nhà thì lại được má chia cho một góc tư cái bánh trung thu beo béo tròng đỏ trứng gà nằm ngạo nghễnh giữa hỗn hợp mứt bí và hạt dưa ngọt ngây ngọt lịm.

V
à chắc cũng chẳng kịp rửa chân chứ nói chi đến chuyện đánh răng, dành được cái gối ôm, tôi lăn ra góc mùng, đi nhanh vào cõi mơ rộn ràng mà yên bình, miệng nhẻo nụ cười thỏa mãn.

Võ Thị
Điềm Đạm

BÙI NGỌC TUẤN * Nguyễn Đức Sơn, Riêng Một Cõi


buingoctuan


Ngôi nhà gỗ mầu xanh với hàng hiên cao khỏi mặt đường chừng ba bốn bậc thang, cửa sổ đóng, ngôi nhà trông tối lạnh. Nguyễn Văn Xô dắt tôi tới đó, anh đứng chờ, không nói. Tôi dựa lưng vào vách tường ngôi nhà đối diện nhìn sang. Lòng bàng hoàng không tả. Nguyễn Đức Sơn, đã từng ở đó, sống những ngày tháng với trí tưởng mênh mang, với tâm tình sôi nổi. Nơi anh đã viết những bài thơ, những truyện ngắn rất Nguyễn Đức Sơn, cực hay. Ngôi nhà gỗ mầu xanh thuộc về một người chú họ của Sơn, anh đến đây, ở với gia đình ông, rồi yêu cô em họ.  Mối tình đã làm ông chú nổi giận, la mắng nặng lời. Sơn bỏ đi.
Rừng núi Đơn Dương trùng trùng điệp điệp, đẹp như một thế  giới bị văn minh bỏ quên. Con đường Đalat đi Phan Rang, khi vượt cao độ 1,700 mét ở Cầu Đất xuống, nhập với con đường từ Tùng Nghĩa băng qua, chạy thêm chừng hai cây số,  qua sông Đa Răng đến đập Đa Nhim,  xuôi đèo Ngoạn Mục đổ xuống Sông Pha, rồi đâm về hướng Đông ra biển, đến Phan Rang.  Chỗ hai quốc lộ gặp nhau ấy là quận lỵ. Phố chính là khúc ngã ba quốc lộ đi Phan Rang đến gần bờ phía đông hồ Đa Nhim, phố chính thứ hai là con đường ngắn từ khoảng ngã ba quốc lộ chạy qua chợ Đơn Dương đến bờ Tây hồ Đa Nhim.

Con phố ngắn ấy tên là đường Nguyễn Công Trứ. Ngôi nhà của ông chú Sơn ở gần cuối đường này. Từ nhà chú Sơn, đi thêm khoảng nửa cây số nữa, khi vừa qua khỏi cây cầu  bắc ngang con suối nhỏ là nhà tôi. Từ đó, con đường chạy dọc theo chân núi, qua những đồng dâu, trái thơm ngào ngạt, những vườn rau xanh mướt, những vườn hồng nặng trái, trước khi chấm dứt ở bờ Tây đập Đa Nhim. Đơn Dương, Đơn Dương, 'giòng nước Đa Nhim như giòng thơ, rừng núi Đơn Dương như thành lũy'. Đơn Dương-Cầu Đầt là vùng đất rất lạ lùng, nhiều người tới đó rồi suốt đời mang theo trong hồn mầu trắng của sương mù, mầu xanh của rừng thông, mùi thơm của dâu chín, mầu hồng của hoa đào rực đồi rực núi, những vườn rau nõn nà, những đám lửa cháy rừng bập bùng trên sườn núi đêm mùa hè, những con đường khúc khuỷu, quanh co bất ngờ. Nguyễn Văn Xô sinh ở đó, nguyền không bao giờ rời đi, Phùng Quyên bỏ đi rồi lại phải trở về, Nguyễn Đạt không ngừng viết những bài thơ tuyệt vời của rừng thông bên sân ga vắng (Mùa hạ vừa qua tôi có về Đa Thọ - Cây cối đứng dậy quanh nhà ga - Ngủ một đêm sáng hôm sau tôi đi nữa - Rừng thông sửng sốt đứng ngây mình), Vũ Đức Nghiêm ghé qua rồi suốt đời cũng không ngừng gọi người yêu dấu ở Đơn Dương.

Tôi rời Đơn Dương để có những ngày còn nhìn thấy trong trí tưởng thời trẻ tuổi đứng trên đầu núi giữa những vùng sương mù và những đêm mùa đông nghe gió vật vã, quằn quại tìm nhau trên mái nhà, rú gào thảm thiết... Còn Sơn ra đi với một mối tình đớn đau, không đường về.
 
Sơn ở đó, viết những bài thơ tuyệt trần nhưng tôi xúc động hơn hết khi nhìn thấy ngôi nhà ấy lần đầu tiên, sống lại một phần cảm giác đớn đau, của mối tình đắm say, nồng cháy và vô vọng của Sơn với người em gái họ mà Sơn viết lại trong một truyện ngắn tôi cho là hay nhất của anh. Tôi hỏi Nguyễn Văn Xô về cô em họ ấy, anh nói cô gái rất đẹp, dáng cao, da trắng, tóc dài, lúc đó đã xuống Saigon học rồi, thỉnh thoảng lắm mới về thăm nhà. Tôi không bao giờ gặp người em họ làm điên đảo tâm hồn, đời sống của Sơn. Một đêm Giáng Sinh ở Đalạt, trời lạnh buốt, Nguyễn Đạt và tôi đi lang thang ngoài đường, vừa run lạnh vừa đọc thơ Nguyễn Đức Sơn. Tôi biết Đạt có về Đơn Dương coi ngôi nhà gỗ mầu xanh nơi cô em họ Sơn cư ngụ.

Tôi đọc Sơn và  yêu thơ văn của anh từ lúc Sơn còn ký tên là 'Sao Trên Rừng'. Thật ra lúc đầu tôi rất ghét cái bút hiệu này. (Tên gì vớ vẩn, nghe cải lương. 'Sao Trên Rừng' có thể hiểu là 'ngôi sao đơn độc ở trên rừng núi hoang sơ', mà cũng có thể hiểu là 'vì sao lại bị đầy ở trên rừng núi cô đơn?'). Tuy nhiên thơ văn anh hay quá sức, riết rồi tôi thấy thân thiết với cái bút hiệu đó của Sơn. Rồi từ khi Sơn dùng tên thật làm bút hiệu thì thơ văn Sơn cũng biến đổi thêm, sâu thẳm, huyền hoặc, bát ngát mà cao ngạo ngỗ nghịch. Thơ Sơn thoát một cách tự nhiên, bởi vì tâm hồn, con người Sơn đã thoát thật sự, không phải kiểu cách, ép buộc chữ nghĩa, làm dáng của nhiều người làm thơ khác.


Hai bài 'Đêm Khơi' thời trước, ký tên Sao Trên Rừng, và bài 'Nhắn' thời sau, ký tên Nguyễn Đức Sơn  hé cho ta thấy cái diễn tiến trong cách bày tỏ tâm tưởng của Sơn:




Đêm khơi
Lênh đênh thuyền dạt xa miền
Nửa đêm bừng tỉnh man thiên một trời
Trăng lên thượng đế đi rồi
Hỏi mây thái cổ con người vân vi
Lối mòn cỏ mộ xanh rì
Ngoài ra còn chẳng có gì nữa sao
Đảo buồn thổi gió lao xao
Ngàn xưa còn tiếng thì thào biển khuya

Sao Trên Rừng


Nhắn Mai sau người nhớ đến ta
Từ lâu xuống lỗ làm ma mất rồi
Đường xa xin chớ bồi hồi
Mồ hoang nhảy đại lên ngồi đi cha

Nguyễn Đức Sơn


Hãy đọc những vần thơ của Sơn, khi đọc xong, xin đừng nói gì thêm, cũng xin đừng hỏi gì nữa, vì thơ Sơn đã đến gần chỗ 'vô ngôn', nói gì nữa cũng chỉ làm tan biến 'những ý không lời':

Mang mang


Tôi về lắng cả buổi chiều
Nghe chim ăn trái rụng đều trong kinh
Còn một mình, hỏi một mình
Có chăng hồn với dáng hình là hai
Từng trưa nằm nghỉ đất dài
Phiêu phiêu nhẹ cái hình hài bay lên

Tiếng ru em
Buồn sao như là héo hon
Đồi nghe ú ớ hãy còn sơ khai
Nghe đời đau quặn trong thai
Tiếng ru chan chứa đêm dài còn mang

Anh chưa nắm tay em
Anh chưa nắm tay em mà muốn chết
Trong khu rừng huyền hoặc của chiêm bao
Ôi! hạnh phúc mong manh như sắp hết
Giữa đêm nào trăng thở quá xôn xao
Anh quỳ xuống dưới vòm trời khao khát
Dù thật lòng em chưa muốn cho xem
Đời anh đó đâu lớn bằng hạt cát
Đã vô tình vương ở gót chân em

Tôi quen Sơn ở  nhà Hồ Thành Đức và Bé Ký, một mùa hè từ Đơn Dương về thăm nhà. Rồi  trở nên bạn anh. Mùa hè ấy, chiều nào  Sơn cũng đến chơi, hai đứa tôi ngồi cả buổi chiều trước hiên đọc thơ, nói chuyện văn chương, nhắc đến núi rừng Đơn Dương-Cầu Đất, nơi cả hai đứa tôi đều cho là chốn đẹp nhất trên thế giới. Nơi Sơn dừng chân để rồi nhận mối thương lòng không bao giờ nguôi. Nhắc nhở đến vùng rừng trăng sương khói mịt mù ấy, là đi về một cõi tuyệt vời của vọng tưởng. Hết mùa hè, tôi sẽ lại về Đơn Dương đứng trên sườn non vắng nhìn xuống quận lỵ dưới thung lũng sâu, nhìn xuống hồ Đa Nhim mịt mù sương khói, nơi tôi đang ở, nơi Sơn không thể quay về.

Những người hàng xóm đưa mắt ngạc nhiên nhìn Sơn với chiếc nón mê, với áo chùng lam cửa Phật, đạp một chiếc xe đạp rất cũ đến nhà tôi ngồi chơi mỗi ngày, đến tận chiều tối, đều đặn. Họ không biết rằng Sơn đã phải đạp xe hơn mười cây số, xuốt từ một ngôi chùa ở bên kia Gò Vấp đến tận Xóm Vẹc để chơi với tôi. (Xóm Vẹc với nhà văn Triều Đẩu cặm cụi ngồi viết ‘Trên vỉa hè Saigon’, với nhà văn Trúc Sĩ, vượt tuyến qua Lào vào Saigon năm 1956 mỗi tối đọc thơ vang xóm, nơi tiếng đàn của anh em Vũ Đức Nghiêm thánh thót  mỗi chiều, nơi Võ Phiến cư ngụ đôi năm mà hàng xóm vẫn không mấy ai biết ông là nhà văn, nơi Thái Lăng Nghiêm trầm ngâm triển khai chủ thuyết Duy Dân của Lý Đông A. Mé bên kia đường Trần Quang Diệu thì có vợ chồng Hồ Thành Đức - Bé Ký, có Trần Dạ Từ - Nhã Ca, cách một quãng ngắn là nhà Phan Nhật Nam).

Nơi đó có phở  gà Nam Xuyên, và rất nhiều món ăn ngon khác mà tôi lại chỉ có thể mời Sơn uống cà phê đá buổi chiều ở phở Lý  Quảng, vì Sơn (và cả gia đình anh)  ăn chay trường. Đến một hôm, nói mãi Sơn mới nhận mấy trái bí tôi lấy của mẹ tặng anh, để mang về luộc cho con ăn. Một ông sư phiêu phiêu hốt hốt mà vợ con đùm đề, mà mọi người vẫn thấy tự nhiên như ngày như đêm. Một ông sư không thật sự tu hành mà còn sư hơn cả nhiều ông sư chính cống. Tôi thủa ấy, nhìn Sơn mà vẫn nghĩ anh là một hóa thân của Lý Bạch, khi Lý Bạch đã quên hết cả rượu để chỉ còn thơ, độc nhất thơ, thuần tinh thơ, không gì khác.
 
Vì thế càng chơi với Sơn tôi càng nhận rõ rằng, ở Việt Nam tuy có rất nhiều người làm thơ hay, nhưng chỉ có ba người thật sự sống cuộc đời thi sĩ, họ và thơ là một, ngoài thơ ra họ không có gì khác, không còn gì khác, không muốn gì khác, không là gì khác. Sơn là một, hai người kia là Bùi Giáng và Trần Tuấn Kiệt. Đó là chỉ ở miền Nam mà thôi, còn miền Bắc thì từ năm 1954 không còn ai biết làm thơ nữa, chỉ có những người viết khẩu hiệu và làm vè mà thôi, đến người đọc thơ còn không có nổi, nói chi tới thi sĩ!

Một buổi tối gần  đây, trong lúc ngất ngư chuếnh choáng, tôi buột miệng nói điều này với một tài tử ngạo mạn khác:  Phan Nhật Nam. Nam đang rót rượu, tay bỗng run lên, chai đụng vào ly lanh canh,  nói: ' Mẹ! Ông nói sướng quá, những ông khác làm thơ rất hay, nhưng họ vẫn còn đời sống, ba ông này không còn đời sống nữa, chỉ còn thơ'.
Mỗi buổi tối mùa hè ấy, khi Sơn đạp xe đi rồi, tôi bàng hoàng hồi lâu. Nguyễn Đức Sơn, kẻ hý lộng quỷ thần ngôn ngữ đó ư. Kẻ có đôi mắt nhìn thấu suốt lẽ nhân sinh, giỡn chơi với chữ nghĩa, hiển lộng cái thần của thơ dưới cái vẻ giả trá của hình ảnh táo tợn, của lời lẽ ngang tàng đó ư.
         
Mùa hè năm sau, khi tôi về Saigon, Sơn đã đưa gia đình anh về lại Bảo Lộc. Rồi sau này không còn gặp Sơn nữa tôi vẫn bàng hoàng mỗi lần đọc lại những bài thơ anh viết, mỗi lần nghe có người nhắc tên Sơn. Tôi biết, sau hơn ba chục năm, chúng tôi sẽ còn có dịp gặp nhau lần nữa. Lần này, biết đâu chừng cả hai chúng tôi sễ có dịp trở về Đơn Dương nhìn lại ngôi nhà cũ, đắm mình lần nữa giữa rừng trăng sương khói của núi đồi Đơn Dương-Cầu Đất. Nguyễn Văn Xô bây giờ ra sao? Mấy năm trước, tôi được tin Xô ngồi trước chợ Đơn Dương vá giầy dép khi không còn được phép dậy học nữa. Người kể chuyện nói Xô ngồi trước chợ vá giầy, cười rộng miệng, ngâm thơ, ngạo nghễ như hảo hán thời xuân thu. Khách vá giầy luôn gọi anh là 'thầy', rất kính nể.  Chao ơi! Kẻ sĩ đời nay vẫn còn bị đọa đầy đến thế sao? Năm nay không biết Nguyễn văn Xô còn được ở đó không nữa Phùng Quyên có còn trầm ngâm giữa rừng thông Cầu Đất? Không biết bây giờ ai ở ngôi nhà gỗ mầu xanh đường Nguyễn Công Trứ? Ngôi nhà đó còn không? Cô em họ ngày xưa bây giờ lưu lạc phương nào Cô có còn nhớ tới Sơn và những bài thơ anh viết không? Còn Sơn, Sơn vẫn phiêu phiêu hốt hốt ở Phương Bối Am. Dù đời sống vô cùng gian nan vất vả, Sơn vẫn còn thơ, Sơn vẫn là thơ.

Nhìn lại lịch sử, nhân loại còn gì đâu. Duy chỉ còn thơ mà thôi.  Trong đó có thơ Nguyễn Đức Sơn, riêng một cõi.

thơ gửi nguyễn đức sơn


rượu rót ra ba chén
một đặt mời vầng trăng
trăng lên đêm bàng bạc
một uống lòng mang mang
bằng hữu phương nào nhỉ
không cùng soi ánh trăng
rừng xưa mù sương núi
vời vợi ngoài trùng dương
rượu uống như nước mắt
lòng có nghìn dao đâm
trăng sâu trong đáy chén
rượu sầu men trăm năm
chiều xưa về góc núi
đứng trông mù sương bay
gió đêm gào qua mái
còn lộng cuồng đêm nay
trong núi có thơ cổ
gió huyền hoặc ngân lời
đêm soi mình trên vách
thấy những giòng mây trôi
rượu uống thêm hai chén
lòng già thêm muôn năm
bên trời cùng một lứa
nhớ nhau lệ đầm đầm
thời loạn làm thi sĩ
thơ thành lời tiên tri
tịnh khẩu đi vào núi
giỡn vầng trăng dưới khe
rượu rót thêm ba chén
uống cạn lòng mang mang
đọc lời thơ thủa nọ
sương đêm nhoè bóng trăng


BÙI NGỌC TUẤN

Saturday, November 3, 2012

Trần Vấn Lệ * Thứ Bảy Ngày Cuối Tuần


brian valentine
   
Thứ Bảy.  Ngày cuối tuần / thân ái chào Buổi Sáng!  Với chút lòng lãng mạn / tôi nói cùng thời gian…
Tôi nói với hoa vàng / đóa hướng dương vừa nở / tôi nói với bướm đỏ / vừa mới chao mình bay…
Và…Tôi nói với ai / anh hôn mình trên tóc / anh dìu mình từng bước / anh tặng mình này hoa… Mình…Là người rất xa.  Tôi…Là mình cái bóng.  Có lời nào cảm động / làm cái bóng lung lay?
Con chim chuyền trên cây / rồi bay, bay đi mất.  Ngọn cỏ gió phơ phất / tia mặt trời rung rinh…
Buổi sáng…Buổi bình minh / bắt đầu thơ tôi đó!  Ai?  Lòng ai có nỡ / không cho tôi hồi âm? Computer âm thầm / chuyển lời chào hằng bữa / cửa thời gian rộng mở / bóng thời gian ở đâu?
Tôi đọc tin đầu ngày / post trên tờ báo mạng.  Bản tin buồn buổi sáng / về cơn bão Sơn Tinh…   .
Tôi nhìn những bức hình / chụp cảnh nhà bay nóc / tôi nghe những tiếng khóc / vang lên từ Việt Nam.
Một ngày tôi sang trang / giống như ngày hôm trước.  Nói với ai mà được:  “Anh buồn xuôi tóc em!”

Trần Vấn Lệ