Thursday, November 15, 2012
Thy An * Trinh nữ làng hoa
hohuuthu |
Ngày tôi năm tuổi, nàng xuất hiện. Khi đó, trái đất ngoài tôi ra chỉ có hai người phụ nữ. Mẹ chăm nuôi tôi còn nàng là bông súng trắng độc diễn trên chiếc ao ký ức tuổi thơ tôi. Trinh mảnh dẻ và có một làn da trắng như ngà. Mẹ thường chép miệng: Con Trinh trông yểu mệnh lắm !
Tôi chẳng quan tâm đến những điều mẹ nói. Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi khi đó là mỗi sáng tinh sương được thấy nàng từ vườn nhài đi lên trao cho mẹ những bông hoa nhỏ xíu, trắng như tuyết. Cả người nàng toát ra làn hương thanh thoát và tươi mát của thời khắc bình minh. Dù đang còn ở trên giường hay đang ngầy ngà với mẹ, tôi cũng giành phần chạy ra đón gói hoa từ tay nàng. Một bàn tay nhỏ xíu với những ngón tay mảnh dẻ như cánh hoa ngọc lan. Mẹ rón tay nhúp mấy bông nhài từ gói lá bưởi thả vào bát tào phớ của tôi.
Tôi say mê tào phớ từ khi có Trinh. Từ đó cho tới khi trở thành một gã đàn ông râu ria thường xuyên không cạo, tôi vẫn chỉ say mê màu trắng. Tôi ngây ngất khi được nàng bế và thơm vào má. Nếu lưu ý, hẳn nàng đã thấy trái tim bé nhỏ của tôi đang đập loạn xạ. Có đêm tôi mơ thấy Trinh đang hái nhài. Nhưng thay vì hoa nhài là cả một vườn sao. Mỗi khi nàng giơ tay hái, bông sao đó lại bay vụt đi. Rồi tôi thấy Trinh gánh sao đi. Thỉnh thoảng từ trong hai chiếc sọt xinh xinh lại vương ra một bông sao. Cứ thế vài bông sao lấp lánh ánh bạc rơi lác đác trên nền gạch đỏ đường làng theo lối nàng đi. Năm Trinh mười lăm tuổi, một hôm, không nhịn được, tôi đành thổ lộ với mẹ và chị Na: Sau này con sẽ cưới chị Trinh. Cả hai người cười ngất. Mẹ nói: Vậy con sẽ phải gọi ông Thược Dược (bố Trinh tên là Dược, ông nội tên Thược, nhưng cả làng cứ gọi vậy thành quen) là bố vợ đấy, con có chịu nhận không !
Đó là điều tôi ít ngờ tới nhất. Mẹ Trinh ốm chết từ khi nàng còn thơ dại. Ông Thược một nách nuôi sáu đứa con. Có một dạo ông cũng tấp tểnh nhờ mối lái, toan kén người về đỡ đần, nuôi con. Nhưng cứ nghe đến sáu chiếc tàu há mồm thì bà nào cũng lắc đầu lè lưỡi. Chẳng có ai chịu nâng khăn sửa túi - chiếc túi thường xuyên mắc bệnh viêm của ông. Thế là ông Dược tấp tểnh cặp bồ. Nhưng chẳng có người phụ nữ nào chịu cặp lâu lâu với người đàn ông keo kiệt, kiết xác ấy cả. Làng này ai cũng chê bai ông. Có một dạo đi đâu cũng thấy mấy người ghé vào tai nhau xì xào chuyện ông Dược xông vào buồng tắm của con dâu. Dạo đó nhà tắm của hầu hết mọi nhà trong làng đều làm ở ngoài trời bằng cây que che tạm. Họa hoằn lắm mới có mái che. Buổi tối hôm đó, như thường lệ, con trai ông đi xòe nan quạt. Con dâu ông đang tắm gội dưới trăng. Bỗng roẹt một cái, chiếc cửa nhà tắm làm bằng nan tre tung ra và ông Dược xuất hiện. Như một cơn lốc, bố chồng đè nghiến nàng dâu xuống và cái gì phải đến đã đến. Đứa cháu gái thứ hai giống hệt ông nội. Chẳng nể nang gì gã chồng đạp xích lô suốt ngày tổ tôm tổ cá, đứa con dâu nói huỵch toẹt rằng đó là con ông Dược, ông phải có trách nhiệm. Ông Dược cào chỗ này, cấu chỗ kia được vài trăm, ấn vào mồm đứa con dâu mất nết, thế là nó im.
Cơn sốt đất ngầm ngầm từ vài năm trước đột nhiên bùng phát mạnh. Cả làng hoa rùng rùng nở mày nở mặt. Nhiều gia đình bán một phần đất rồi làm nhà cho con ra ở riêng. Vườn nhài nhà Trinh mau chóng bị chia năm xẻ bảy rồi cũng mau chóng biến thành những lô nhà bê tông có tường bao cắm dây thép gai. Chỉ còn lại con mương thoát nước kề bên, mà hai bờ lở loét của nó được hàng mẫu đơn trắng che chở, là thoát nạn hóa kiếp vì nhà nước chưa có tiền cống hóa. Nhà cũ bán đi. Là con út chưa lập gia đình, Trinh chuyển xuống ở với người cha già trong ngôi nhà nhỏ xíu cuối vườn nhài xưa, y như hồi bố ông ta đã từng sống trước cải cách vậy. Mẹ bảo:
- Ngẫm lại cũng thấy lạ, chưa hết cuộc đời đã thấy cảnh xưa lặp lại.
Tôi cũng bắt đầu cao vống lên - theo lối nói của mẹ - nhưng chẳng có da thịt gì vì phở không ăn lại chỉ ăn tào phớ. Một thứ tào phớ thiếu hương nhài.
Bẵng đi một thời gian không thấy nàng đâu. Mẹ nói nàng đi học nghề trên phố. Thỉnh thoảng nàng lên nhà thăm mẹ, nhưng ít khi tôi gặp vì phải đi học.
Lâu quá không thấy mặt Trinh, tôi xuống nhà ông Dược vờ vĩnh hỏi này hỏi nọ, nhưng nàng không có nhà. "Nó còn phải đi làm ăn chứ lêu lổng thì lấy gì đút vào mồm".
Làm thuê trên phố một thời gian Trinh lại về làng. Nghe nói nàng có mấy anh vô công rồi nghề dòm ngó, nhưng chưa ưng đám nào. Một bậc đàn chị thuê Trinh làm ở tiệm uốn tóc. Gọi là tiệm cho oai chứ thực ra nó chỉ là một chiếc ngõ che tạm bằng mấy tấm cót. Trinh ở giữa đống tạm bợ ấy như một con sẻ non trong chiếc tổ vụng dại của lũ trẻ con hay bắt chim về nuôi. Ế ẩm luôn nên hầu như khi nào tôi đi qua, nàng đều hào phóng ban thưởng cho tôi những nụ cười dịu dàng nhất trần gian làm tôi lâng lâng vui sướng. Niềm vui lớn nhất của tôi là được Trinh cắt tóc cho. Tôi ngây ngất ngắm qua gương khuôn mặt tươi mát của nàng. Tôi lả đi vì hơi thở dịu ngọt của nàng phả vào gáy, vào mang tai. Tôi nghẹt thở vì ở rất gần làn da trong suốt của nàng.
Một hôm tôi đang ngắm nàng qua gương thì bỗng thấy dưới cần cổ xinh xắn, từ làn da mỏng mảnh đó một màu hồng dâng lên từ từ, từ từ trào lên cằm, lan lên thái dương và cả khuôn mặt chuyển thành hồng. Cũng qua gương, tôi nhìn thấy bóng một gã thanh niên lướt xe máy đi tới. Trinh đã nhìn thấy chàng ta và đó chính là nguyên nhân khiến nàng đỏ mặt. Trái tim tôi thắt lại vì phát hiện này. Tôi mới có mười tuổi.
Đêm đó tôi nhói đau trong ngực. Giấc ngủ hốc hác trong mê sảng. Hôm sau mẹ hỏi: Đi cắt tóc chị Trinh chòng ghẹo gì mà suốt đêm cứ gọi tên chị hoài. Rồi tôi lại nhẹ lòng khi nhìn thấy Trinh trau chuốt những móng tay màu hồng. Ôi những ngón tay mảnh dẻ, trắng muốt như những búp hoa lan! Trong chiếc juýp trắng, cổ chân nàng thon nhỏ như một cọng ngó sen, thanh thoát đến lo âu, đến thắt lòng.
Mùa đông đầy ẩn họa đã đến. Cửa hàng của Trinh đông khách hơn. Lũ đàn ông bu đến nhiều. Vất vả hơn nhưng Trinh tươi tắn lạ lùng. Đôi mắt nâu của nàng như có lửa. Hàng mi dài trở nên sống động và linh hoạt. Mái tóc màu hạt dẻ ngang lưng mượt mà như nhung, mềm mại như lụa. Tiếng cười của nàng như những giọt pha lê. Sáng sáng nàng mua những bông hoa loa kèn miệng còn ngậm sương cắm vào chiếc bình bằng men Bát Tràng rồi ngồi trước gương vừa chải tóc vừa đợi khách. Chẳng mấy chốc đã thấy mấy anh chàng xuất hiện. Rồi Trinh gãi đầu cho họ, mơn man tóc họ bằng những ngón tay lụa là.
Gần hết mùa đông thấy Trinh cặp bồ với một tay làm nghề khoan phá bê tông kiêm xe ôm. Gã nợ đìa vì hay cờ bạc. Gia đình đông anh em chen chúc trong căn hộ hai bốn mét vuông. Mẹ nói Trinh nghèo lại thất học, chẳng có điều kiện mở rộng giao tiếp, như ngọc trung ẩn thạch, là viên ngọc nhưng ở trong hòn đá nằm dưới giếng thì làm gì có điều kiện mà kén chọn. Từ đó, thỉnh thoảng Trinh nghỉ làm sớm và đi bát phố. Trinh thích ngồi sau xe của gã vì gã có tay lái lụa. Cả hai đều có điểm chung là thích tham dự vào các cuộc đua xe, nơi mà cái duy nhất có thể đem ra thi thố đó là lòng can đảm, chứ chẳng phải lý lịch, xuất xứ, bằng cấp hay địa vị xã hội. Trinh nói rất thích cảm giác ngồi xe máy mà như được bay lên, được thấy thiên hạ dạt sang lề đường. Tội nghiệp nàng! Trinh chẳng mấy khi có điều kiện đi đây đi đó vì hằng ngày phải rạp lưng gãi đầu cho khách. Một bữa Trinh sang nhà chơi, tôi bộc phát :
- Chị đừng làm nghề gội đầu nữa.
Trinh bảo :
- Không làm nghề này thì biết làm gì mà sống. Cún học cho giỏi đi, bao giờ lớn kiếm tiền nuôi chị nhé.
Rồi cái ngày tang tóc ập đến. Hôm đó mới chợt tối, Trinh nghỉ làm sớm hơn thường lệ. Cương - gã khoan phá bê tông - đến đón Trinh đi. Vừa tới dốc làng, gã lùi số xe rồi vọt lên đường đê, vượt chiếc xe tải cùng chiều đang ở khúc cua, suýt chui tất vào gầm xe, nhưng tay lái lụa may mắn thoát chết.
Trinh ngồi sau người lạng đi, đầu va nhẹ vào thành ô tô, người không hề hấn gì nhưng khi Cương dừng lại thì Trinh chỉ nói được một câu: “Em mệt lắm...”, rồi gục xuống mãi mãi.
Nàng lặng lẽ ra đi với rất ít người đưa tiễn. Cương chẳng có mặt trong đám vì có lẽ gã còn chưa hoàn hồn. Cũng chẳng ai buộc tội gã phải chịu trách nhiệm trong cái chết của Trinh: đơn giản đó là một tai nạn giao thông, có thế thôi. Vì bận đi học từ sớm, tôi được tin Trinh mất vào tối hôm sau, khi mọi người đã đưa Trinh về nơi an nghỉ cuối cùng. Thoạt đầu, tôi chạy ngay ra tiệm gội đầu. Chỉ có hơn một ngày mà tất cả đã đổi khác. Chẳng còn một chút dấu vết gì chứng tỏ Trinh đã từng ở đây. Một cô gái khác đang ngồi đó tỉa tót móng tay.
Tủ đồ đã quay hướng khác. Chỉ còn chiếc gương cũ thản nhiên phản chiếu bất cứ hình ảnh nào đập vào nó. Không thể tin được. Tôi đi vô định trên đường làng. Rồi trên bờ mương um tùm những cây mẫu đơn, tôi thấy Trinh. Trong bộ đồ trắng toát, Trinh dịu dàng nói:
- Cún, em đừng buồn. Chị sẽ không bao giờ xa em, trừ phi em muốn như vậy.
Tôi ôm lấy Trinh, thấy nàng thật dịu dàng, dịu dàng như một làn hương.
Trong khi cả nhà hoảng hốt đi tìm thì tôi trở về nhà, "khuôn mặt bình thản như chưa hề có chuyện gì xảy ra", theo lời của chị tôi kể lại. Ngày hôm sau cũng như nhiều ngày tiếp nữa, tôi nằm bẹp giường. Cả làng thảng thốt: Thằng Cún bị con Trinh bắt mất hồn vía rồi. Mẹ tôi bán mảnh vườn bà ngoại cho để phục thuốc cho tôi. Năm đó tôi ở lại lớp.
Tôi và Trinh còn gặp nhau nhiều lần nữa trong suốt tuổi vị thành niên của tôi. Tôi chuyện trò cùng nàng khi ở nhà một mình, khi bị bọn con trai cùng lứa chòng ghẹo, lũ con gái hắt hủi. Tôi thề sẽ yêu nàng mãi mãi. Nàng là duy nhất, là độc tôn. Ai cũng bảo tôi ngớ ngẩn. Mẹ thở dài thườn thượt. Hai sáu tuổi tôi vẫn chỉ là thằng Cún của mẹ. Bao nhiêu đám mai mối, Trinh đều chặn hết, che sạch. Con gái cứ giáp mặt tôi là lắc đầu. Còn tôi cũng chỉ thấy có nàng. Mẹ đi cắt tiền duyên thì nàng nhập vào mồm ông thầy, phán rằng: Kiếp này Cún chỉ có Trinh, chỉ yêu một mình Trinh. Chỉ có nàng mới đem lại hạnh phúc cho nó. Họ hàng xui đưa tôi đi bệnh viện tâm thần. Mẹ không cho động đến. Nói ra nói vào nhiều quá bà nổi dóa lên chửi ngoa ngoắt: “Bà chỉ có mỗi thằng con vàng, con bạc. Đứa nào bảo nó ngây tao đào mả bố nhà chúng mày lên. Chúng mày chỉ nhòm ngó vào ba sào vườn nhà bà à. Có mà ăn c. cả nhà bà đây này !”. Cuối đời mẹ không rời tay khỏi chiếc mõ. Bà tụng kinh và cả chửi đứa nào động đến con trai vàng, bạc, đồng đen, kim cương, trầm hương vân vân của bà, không ngớt. Chị Na đã ngoài ba mươi chẳng lấy được chồng. Cám cảnh nhà, chị cằn nhằn: Giá anh Cả còn sống thì mẹ đã không quá nuông chiều Cún để đến nỗi nó trở thành bệnh hoạn thế này. Có lúc chị hét lên như bị ít-tê-ri: "Anh Cả mà còn sống thì đã cho mày một trận thừa sống thiếu chết để mày tỉnh người ra, xem mày còn ngây ngây dại dại được nữa không". Có lúc chị lại than: "Giá cha không bỏ mẹ đi thì đời chúng con đâu có thế này".
Mẹ vừa nằm xuống, chị bán quách một sào vườn được tiền tỉ gửi ngân hàng. Chị thét vào mặt tôi: Tao sẽ cắt tiền duyên cho mày! Cho mày biết thế nào là lễ độ, thằng dở người đi tôn thờ cái hồn ma! Chị đưa tôi lúc xuống biển nhặt cá, khi về quê cuốc đất làm vườn, lúc lên núi đuổi dê. Tôi làm lụng mệt quá tối tối lăn ra ngủ ngay, có hôm quên cả rửa chân. Chị Na ướm hỏi một tá cô. Các cô đều lắc, còn tôi chê tất. Nhưng rồi vận may cũng đến. Hoặc giả mẹ, hay anh Cả xui khiến giúp tôi. Một lần tôi đi chăn dê gặp mưa, trú chân cùng một cô thôn nữ. Em gợi chuyện, tôi trả lời nhát gừng. Em thích đàn dê nên thỉnh thoảng đem cỏ mật đến cho chúng. Tôi thấy em trắng lôm lốp, giống một con dê cõn trong đàn. Không biết chị Na dỗ thế nào, em đồng ý lấy tôi. Đêm tân hôn, em kéo tay tôi đặt vào bộ ngực căng tròn của mình.
- Mình tên gì? - Tôi hỏi.
- Em là Linh - Vợ tôi bảo. Nàng trườn lên người tôi.
Tôi nhổm lên:
- Là Linh hay là Trinh ?
Tay nàng chạm vào khe đùi tôi:
- Em là Linh... là... Linh... là Linh... là Linh... anh... anh Quất ơi...
Tôi bỗng thấy một cái gì như vỡ ra, òa ra. Dường như có một luồng sáng nào đó xé toang màn âm u bấy lâu che phủ trí não tôi. Dường như một cơn lũ quét ở thế thượng phong không gì cưỡng nổi, cuốn trôi sạch mọi ẩn ức. Sau ít phút thiếp đi, tôi choàng dậy và nhận thấy cả hai đang lõa thể. Sợ nàng lạnh, tôi kéo chăn cho nàng. Tay tôi chạm vào một bờ cong vồng lên tròn trịa. Đắp chăn xong, tôi lại thèm xoa lên bờ cong đó. Thậm chí đến sáng hôm sau, khi nàng đi chợ, nhớ quá, tôi giơ bàn tay huơ huơ, xoa đi xoa lại, xoa mãi, một bờ cong tưởng tượng...
Wednesday, November 14, 2012
Hà Thúc Sinh * Núi Đổ Trong Lòng
Ông Lộc là một nhà thơ đã ngoài sáu mươi, sống khá bình thản tuy cũng có lúc hơi chúi chúi xuống phía nỗi buồn. Giá như ông đang sống giữa một gia đình đông đủ mà có lúc buồn xa vắng cũng là chuyện thường, huống hồ ông sống có mỗi mình. Nghe nói ông đã có thơ đăng báo từ Hà Nội, Sài Gòn sang đến Mỹ, tính ra bốn mươi năm có thừa, thế mà tên tuổi ông xem ra không có quá nhiều người biết đến. Điều này có thể là mối quan tâm của ông hai mươi năm trước, chứ giờ thì chẳng còn nghĩa lý gì. Ra đời dính một sinh thú lắm khi tình cờ như dính một cái nghề, lâu dần nó bén rễ tựa cây cối, không dễ mà nhổ, dù có lúc người ta tự biết cái cây chẳng sinh hoa kết trái như ý. Nay thì thứ cảm giác khó chịu như thế cũng không còn, thành thói mất rồi, do đó chẳng tuần nào bưu điện không nuốt của ông vài đồng bạc tem. Vâng, ông thả thơ đi khắp thế giới - nơi đâu có báo tị nạn là có thơ ông tìm đến - những vần cổ thi toát lên cái thanh khí của một ngọn núi cao, nhìn xuống mà thương cho cõi thế gian nhầy nhụa những luỵ tình.
Nhưng sáng nay, một sáng cuối năm ngọn núi lòng ông cứ vi vu gió thổi một điệu nhớ nhung cái cõi đầm lầy xa như từ nhiều nghìn năm trước, chỗ mà ông còn là một ngọn đồi xoàng xĩnh lẩn khuất giữa muôn triệu ngọn đồi xoàng xĩnh khác.
Ông nhìn lên bàn thờ vợ. Nhanh quá, mới đó đã non mười bốn năm trời. Bất giác sự liên tưởng dẫn ông xa hơn. Mười bốn năm sau di cư 54 mình làm gì nhỉ? Hồn ông cộm lên nỗi bồi hồi. Lúc ấy ông sắp bốn mươi, thủ một ghế chủ sự phòng trong bộ Tư Pháp, vừa cưới được bà vợ thua ông gần chục tuổi, chưa kịp trăng mật thì trận Mậu Thân xảy ra. Thật là một mùa tao loạn rối ren, nhưng với riêng ông cái bóng tối ấy lại như tấm màn che lại nhiều dấu ấn lãng mạn khó quên. Hai người đã giấm giúi yêu nhau trong cả những phen chạy loạn, tá túc nơi các sân trường.
Ông châm thêm nước nóng, hy vọng tách trà giữ cho ông sự thận trọng dù ngay trong cơn hồi tưởng rộn ràng. Ông nghĩ ông nên đứng dậy dọn dẹp căn phòng.
*
Gia đình ông Lộc thuộc những nhóm thuyền nhân đầu tiên vượt biển và được định cư tại Mỹ. Ông đi cùng vợ hai con, nhưng một cơn bão đã loại khỏi tổ ấm người quan trọng nhất, vợ ông. Thật trời mà có vợ đã chắc gì đau nỗi đau giống ông nếu vợ trời không là người đàn bà đảm. Từ buổi chế độ mới biến ông thành kẻ vô dụng, vợ ông, một bà giáo mà lương tháng không đủ mua hai lon bia Nhật, đành bỏ trường hùng hổ lao ra lề đường, đầu tắt mặt tối kiếm cơm áo nuôi gia đình, rồi xoay xở đem được cả nhà ra đi trót lọt.
Cái chết của vợ như sợi thừng trói vo ông lại với lắm đam mê vốn có của người nghệ sĩ. Nghề giáo không có nghĩa là bà phải thận trọng cả trong cơn ghen. Vâng, xưa vợ ông ghen rùng rợn. Đã không thiếu phen bà xông cả vào sở thanh tra ông tại chỗ. Có lần ông đang đọc lá thư của một cô thư ký cũ gửi về thăm hỏi, chẳng có gì là tình ái trầm trọng, nhưng ông đã phải vo tròn bỏ miệng nuốt trửng. Gì chứ bà vớ được một nét chữ đàn bà trên tay ông thì đến khốn khổ cả phòng. Bà sẽ đóng ngay vai chánh án mà can phạm sẽ không chỉ riêng ông, cả chục nhân viên dưới quyền cầm chắc nguy cơ lãnh án tòng phạm tuốt luốt. Cái nghi của người đàn bà ghen to hơn khối óc là vậy. Có lần bà giận, mỉa mai: “Lấy anh thợ thuyền chân chất mà lại yên bụng hơn lấy anh khoá băm nhăm!”
Tự dưng ông cười ngặt nghẽo, không vì nhớ lại mà cười vợ, nhưng vì ông nghĩ nếu bà còn sống hẳn bà sẽ thấy lấy anh thợ thuyền đã chắc gì hạnh phúc. Vâng, đời sống mới đã đẫy ông vào một chương trình CETA, và cuộc đổi đời đã biến anh khoá thành anh thợ thuyền. Không thiếu lúc ông kinh ngạc tự hỏi động lực nào khiến được ông có thể kiên nhẫn cày nghề thợ tiện trong từng đó tháng ngày. Nhưng giờ đã hết. Đại hạn mười năm đã hết. Ông không còn là thợ thuyền nữa. Ông đã được trở về với con người cũ của ông. Cũng may, ông tự an ủi, rằng trời cho ông còn bàn tay phải để làm thơ, để lâu lâu pha mực Tàu viết vài chữ đại tự tặng những thân hữu còn sót cái tâm của lão ngục quan trong Chữ Người Tử Tù. Ông tự biết nét tài hoa trên bàn tay phải dù đã chịu nhiều thử thách gian nan nhưng còn đáng đồng tiền bát gạo lắm lắm.
Và như thế ông cố lấy những gì ông có mà đổ vào những hang động núi đá, chỗ không ít lúc bày ra lắm khoảng trống vắng bâng khuâng. Mà những thứ ông có cũng chẳng nhiều nhặn chi. Một căn nhà ba phòng ở phố Pasadena trong thung lũng San Gabriel. Nơi đây sau nhà thấy núi. Những chiều Thu mây trắng sà thấp, biến những đỉnh núi nhấp nhô ra lũ đầu bạc ngó xuống rừng phong rặt một màu quan san. Sang Đông núi biến thành những bệt đen dài huyền bí, cho đến một ngày tự dưng có mưa, những vầng mây ô nhiễm biến đi, núi như hiện ngay trước mặt, mở các hang động thả ra rừng hoa đào đỏ au trộn với rừng hoa lê trắng ngần. Có những chiều gió núi thổi tốc xuống rừng cây. Ôi chao, hoa lê bay trắng trời. Ông bước đi mà tưởng như chính ông không còn trông thấy ông nữa.
Hơn hai năm qua các con đi học xa ông luôn giữ cho ông hai phòng. Một phòng ngủ; một phòng được trang trí để vừa làm chỗ viết lách, luyện thiền, tập taichi, vừa đặt bàn thờ vợ; và phòng còn lại tính kiếm người cho thuê, nhưng chần chừ mãi vẫn để trống. Khi mua nhà ông cọc một số tiền khá lớn, mức trả hàng tháng nhờ đó không quá nặng. Nay với số cấp dưỡng tàn tật quả ông có cần thêm một khoản tiền nhỏ chi dụng.
*
Ông Lộc có vài người bạn trà rượu, đều chỗ quen biết cũ, không lối xóm cũng là người đồng sự từ quê nhà. Họ đi lại với ông đều, và ông cũng thích duy trì sự đều đặn đó. Trước nhất họ là những kẻ không thể phủ nhận sự nho nhã có truyền thống của gia đình ông, kế nữa hai thằng giặc nhà này đến lúc cũng phải kiếm vợ cho chúng nó chứ. Đám bạn người nào cũng có tí con gái. Ông đến chơi, thấy tính ăn nết ở lắm đứa được quá, chọn làm dâu con không lấy gì chênh lệch.
Riêng khoản ẩm thực ông Lộc là tay khá bảnh. Chẳng những biết ăn ông còn biết nấu. Thủa mới sang phải cày cuốc ông hay đi ăn tiệm, sau bị chứng máu cao, sợ bột ngọt ông bớt chuyện đi ăn tiệm. Từ tai nạn đến nay, nằm nhà, ông thừa thì giờ làm sống lại cái thú nấu ăn có từ trẻ. Vùng này gần nhiều nông trại. Gà tươi, vịt tươi, heo tươi, dê tươi... Gì chứ chuyện phanh ngưu tể dương muôn đời tạo sự gắn bó. Có tốn kém chút đỉnh, có vất vả chút đỉnh nhưng ông vui. Ít ra quanh ông còn có tiếng nói, tiếng cười thân mật của con người.
*
Một chiều Thu lạnh. Cây trên sườn núi liên miên trút phẩm đỏ xuống vườn nhà. Gió luồn lách như thổi vào lòng. Ông Lộc xốn xang nghe thiếu một điều gì không thể thiếu nữa. Nhưng giống ông lang không nghe mạch được cho chính mình, ông chịu, bỏ lửng ngọn núi lòng ông cho nỗi xốn xang hành hình.
Lại chén rượu thôi, ông nghĩ. Thế là ông sửa soạn một nồi giả cầy, mời ba ông bạn cố cựu tới phụ tay mà giết cái vạn cổ sầu. Ba ông bạn là ông Hoành trong Việt Mỹ Tin Lành Hội, ông Lâm hội Cao Niên và ông Tánh có chân trong ban cố vấn hội Cựu Quân Nhân.
Ông Lộc biết rõ ưu khuyết điểm từng người như biết hai bàn tay mất còn của mình. Nhưng điều ông biết rõ hơn là họ chịu tài nấu của ông. Chẳng món gì ông nấu mà lại không gợi hứng cho đám bạn hân hoan tán tụng. Ông biết họ thành thật. Do đâu? Trời, họ không đều là bọn đàn ông khốn khổ ráo trọi đấy sao? Họ làm chủ những người đàn bà đã ngoài sáu mươi cả, nhưng vì cái nhà, cái xe, cái tủ chè, bộ sa-lông... các bà vẫn phải ngày ngày tự giam mình trong những công tư xưởng, để bếp núc trở thành thứ trò chơi lúng túng cho lũ chồng tự âm thầm biết mình là kẻ bạc phước. Vậy thì ông tiếc chi tí công tí của để lâu lâu cả lũ bạc phước có được với nhau một buổi chiều ấm cúng?
Cứ xem, còn gì thú vị cho bằng chỉ với một nồi giả cầy đã đủ đẻ ra một bầy chó tơ bên quê nhà sủa vang ngõ nhỏ? Bầy chó sẽ đuổi cả đám chạy tứ tán khắp mọi ngả đường quê hương. Kẻ sẽ sa vào sức cám dỗ không thể chống cự của món đầu cá hấp Biên Hoà, kẻ ngã sấp ngã ngửa vào lòng mấy cô em bán nem Thủ Đức, kẻ trốn lủi vào rặng dừa Bến Tre có những đĩa đuông lăn bột chiên bơ béo ngậy, thậm chí có kẻ còn trượt chân rơi sâu xuống mấy tỉnh hạ phần thân thể đất nước. Chà, rùa rắn chuột miệt dưới! Ông không rõ mấy cái thứ đó đã biến bao nhiêu thế hệ sớm thành những tiên ông tiên cậu.
Bữa ăn vui vẻ diễn ra non hai tiếng mới tới màn trà đàm. Họ kéo nhau ra phòng khách. Ông Lộc lấy hộp trà móc câu mới nhận được từ Việt Nam pha đãi bạn, giữa khi giọng ông Tánh “lính” oang oang:
“Thú thật với các bác tôi loại lông nách một nạm trà Tàu một hơi, đến nay vẫn cứ tự hỏi vì đâu lại có cái thú uống trà!”
Ông Lộc thận trọng kê vòi ấm lên miệng chén tống. Ông không nhìn bạn mà nhìn vào dòng trà thơm xanh nhẹ chảy, giọng hài hoà:
“Người ta chỉ có thể om sòm khi uống rượu thôi bác ạ, còn bên khay trà mọi chuyện đều phải thu nhỏ lại cho vừa với không khí ấm cúng. Vung chân vung tay thế nào được nữa. Đấy bác xem, nâng cái chung téo tẹo nóng hổi thế này lên hỏi ai mà không phải thận trọng? Tôi thì tôi nghĩ con người luôn bị xâu xé giữa mộng và thực, nên người ta có méo mó đi, đôi khi bị trương nở, đôi khi bị teo tóp; tách trà nóng quân bình được hết!”
Ông Lâm “hội già” không hơn chủ nhà mấy tuổi, quãng sáu lăm sáu bảy chi đó, nhưng có lẽ cái mác bô lão buộc ông phải có những phù phép riêng. Ông nuôi râu dài trước ngực, ăn nói nhất nhất cái chi cũng đều trịnh trọng. Ông nhìn quanh, bắt gặp giữa những tấm liễn tấm hoành quen thuộc có treo mấy câu thơ Hán tự. Ông vui vui nghĩ mình đã tìm ra được cái cớ mà cảm tạ chủ nhà về bữa ăn ngon.
Ông nói:
“Thế ra uống trà là một ngụ ngôn thâm thuý các cụ để lại đấy!” Ông gật gù: “Có thể thế lắm... Ồ mà cái kia chắc là ông anh mới viết, chà, nét chữ!”
Ông Lộc nhìn lên vách chỗ treo một bài thơ viết thảo thật lớn. Ông nhỏ nhẹ:
“Không phải thơ tôi đâu. Chẳng là mấy hôm trước, nhân thấy cảnh Thu tàn tạ quá, buồn dở sách cũ đọc trúng ngay bài ‘Kim Lũ Y’ của Đỗ Thu Nương, cảm quá mà viết treo chơi đó thôi. Vâng, đó là hai câu cuối của bài tứ tuyệt:
Khuyến quân mạc tích kim lũ y,
khuyến quân tích thủ thiếu niên thì;
hoa khai kham chiết trực tu chiết,
mạc đãi vô hoa không chiết chi.
Đại khái nàng khuyên chàng giữ chi cái áo tơ vàng, có giữ là giữ lấy những ngày xanh; và giục chàng hoa đến mùa thì cứ việc hái, đừng chờ lúc hoa héo chỉ còn cành không.”
Thật thì ông Lộc có nói dối. Ông đã viết mấy câu thơ đó ra trong một phút nhớ người bạn đời của ông quá. Xưa bà là một giáo sư Việt văn. Hai người thương nhau vì cùng gặp nhau ở cái lòng ưu ái cổ thi. Của đáng tội xem ra bà thân với cổ nhân còn hơn cả ông; và há những ngày còn soan, bà đã không lãng mạn gửi cho ông bốn câu thơ khéo nhắc khéo giục ấy đấy sao? Mở sách gặp lại thơ xưa như gặp người cũ, ông ngậm ngùi viết treo trên vách dù chẳng hiểu rồi để làm gì.
Ông Tánh vốn máu lính, nổi tiếng ăn nói ba gai, chen vào:
“Ghê nhẩy, người xưa mà đã cấp tiến vậy đấy!”
Ông Hoành “tin lành” rất cừ Anh ngữ, thấy đã đến lúc cần tí đóng góp, ông nói:
“Tôi cũng dốt chữ lắm, thơ Tàu chỉ đọc bản dịch. Mới đây tôi có đọc một bài tựa là Lover - người tình - đăng trên một tạp chí Mỹ. Tác giả là một nữ sĩ vô danh nhưng bài thơ đã có đâu từ thế kỷ thứ mười. Nó thế này...” Ông hơi lúng túng biện bác: “Thôi thì xin các bác cứ cho phép tôi đọc nguyên văn bản Anh dịch đã nhá.
I know what it means, that damn dog barking
at a man half slumped against my door
A stockingless scamper down the stairs
to my worthless lover, drunk once more.
He needs to be helped to my silk hung bed
Can he get his clothes off on his own?
Of course he can’t. He’s as drunk as a badger,
but I guess it’s better than to sleep alone.”
Nhìn một vòng thấy các bạn đều bối rối, ông Hoành lại lúng túng. Ông bảo: “Xin tạm dịch hầu các bác luôn vậy:
Em biết chó em sủa cái gì
Sủa chàng lảo đảo trước hiên khuya
Thềm hoa lướt xuống chân không vớ
Em đỡ chàng lên say bét be
Đẩy giúp chàng lên giữa gấm sàng
Áo quần chàng tự cởi được chăng?
Vô phương! Chàng gục như con gấu,
Thà thế còn hơn phải ngủ không.”
Đọc xong ông Hoành tin lành nhìn ông Tánh lính:
“Xứ cụ Khổng, thế kỷ thứ mười, chưa là vợ chồng thế mà bác thấy. Trai gái ngày nay buông thả cũng đến thế thôi chứ!”
Bài thơ không ngờ gây kích thích giữa mấy ông đã vào tuổi cụ. Ông Lâm hội già có hao đi tí đạo mạo ngày thường. Ông cười:
“Thú đấy. Gớm, thật là cái câu! Áo quần chàng tự cởi được chăng.” Ông đột ngột nhìn chủ nhà, hỏi bâng quơ: “Mà hỏi thật từ sang đây bác Lộc đã say lần nào chưa nhỉ?”
“Tôi ạ?” Ông Lộc có vẻ chột dạ, gãi nhẹ một chân mày: “Mà sao bác lại hỏi chuyện say?”
Ông Lâm hội già càng hứng khởi hơn:
“Trong hội tôi lắm cụ ông vẫn tìm cớ say hoài đấy. Dĩ nhiên thế nào mà chả có lúc ta cần say, tôi biết. Này bác ạ, ý tôi không nên không phải bác bỏ qua cho, chứ tôi cứ thắc mắc cô quạnh như bác sao không sớm vào hội với chúng tôi. Có tí bác gái mới cũng vui đấy chứ. Đồng đất nước người, lỡ khi ta say còn có kẻ thương cảm, còn hỏi hộ cho mình ‘áo quần chàng tự cởi được chăng’ mà không lý thú sao?”
Ông Lộc cười nhỏ nhẹ:
“Tôi vốn nghĩ tuổi mình đi tới bước nữa là sự liều lĩnh tiêu sớm hơn những điều kỳ thú còn sót lại ở cuối đường, thành ra tôi dừng lại đấy bác ơi.”
Không ai trong bọn nghĩ họ tin ông Lộc!
Kệ họ, ông Lộc cứ điềm nhiên pha thêm một ấm trà. Không nhìn mà ông biết mấy ly rượu khởi ngấm trong người ông Tánh lính. Ông e ngại rồi ra thế nào ông ta cũng kết thúc tuần trà với một câu bậm trợn bất ngờ. Mà thế thật, ông ta đã đứng lên, cười hê hê:
“Mình gặp nhau nói cho ấm chân răng vậy thôi, hữu sự ly kỳ ấy có mà vái cả tơi lẫn nón. Tôi là thằng lính già, ẩu tả quá trời, bê bối quá trời còn phải chịu cái luật đào thải, chưa phải của trời đất chi, mà của ngay cái dục trong tâm can mình đây này; nói chi con người nho nhã, mực thước như cái nhà bác Lộc. Nói các bác bỏ qua cho, hăng như tôi mà giờ cả năm chầy cối trong nhà cũng chẳng còn dịp tưởng nhớ đến nhau, thay thảy cứ lạnh như đít bụt cả!”
Ông Hoành tin lành lướt vào, sợ rồi ra ông bạn nhà binh sẽ đi xa quá. Ông nói:
“À này, từ dạo hai cháu nó đi học xa, nhà trống, sao bác...”
“Vâng, của đáng tội tôi cũng đang có ý tìm một người cho trọ, miễn tử tế, đừng ồn ào...”
“Thôi thế này thì con cháu tôi đúng là buồn ngủ lại gặp chiếu manh. Phải đấy, nhà thì rộng, cảnh lại đơn, tôi không bù khú đâu, nhưng nếu không có tí hơi người trong nhà, tôi sợ ngay cái tâm già ấm cúng của mình rồi ra cũng có ngày nó lạnh như đít bụt thật. Bác ưng, tôi báo tin cho cháu nó mừng.”
Ông Tánh lính cười hê hê:
“Nhưng nên xâu xấu một tí.”
Ông Lộc nghiêm trang:
“Cháu nó đi làm hay đi học?”
Ông Hoành tin lành đáp:
“Nó học năm đầu y khoa. USC. Khổ quá, nhập học đến nơi mà vẫn chưa tìm ra chỗ trọ gần trường.”
Ông Tánh lính ngả người ra ghế, lại cười:
“Thế là được. Bác Hoành bỏ lỗi cho. Gái y dược, hê hê, tôi tin cô cháu đã hội đủ điều kiện để không được đẹp lắm.”
*
Ông Lộc hài lòng về tính nết của Mai. Sự lặng lẽ ấy vừa đủ để không quấy rối ông một ý thơ dang dở, và sự cư xử cho thấy cô gái chắc đã có một bà mẹ nồng nàn.
Dù Mai không hẳn là đoá hoa tươi sắc cắm vào chiếc bình trống, nhưng trong dòng nhạc đời vốn đều đều của ông Lộc quả có nhờ đó mà trổi lên hơi hướm một cảm âm lạ, không đê mê, chỉ gần với chút rung động héo hon, bàng bạc chút mặc cảm không lời của một đoá hoa kém tươi. Một cái bớt đỏ như chiếc lá phong bám một bên má, chạy xuống tới cổ, xoá đi phân nửa vẻ đẹp một chân dung bình thường. Nền giải phẫu thẩm mỹ Hoa Kỳ liệu có khả năng trả lại cho cô gái chút vốn đời khiêm tốn? Ông Lộc không biết, nhưng điều ông biết chắc Mai có đôi mắt thật lạ, đôi mắt buồn xa vắng như bài thơ đẹp, thường bị những lọn tóc rối mỏng như khói xoà xuống che khuất phân nửa, khiến người ta chỉ còn cảm mà khó đọc ra được từng chữ từng lời.
Đôi mắt giống hệt đôi mắt vợ ông!
Dù đang chúi đầu vào chồng sách dưới đèn, nhưng cứ nghe thấy tiếng xe ông đậu trước nhà là cô gái đã nhanh chân ra mở cửa. Ánh sáng sau lưng như làm nảy ra khỏi tấm thân mảnh mai sự ân cần ấm như ý nghĩa gia đình. Thế nào Mai cũng nói câu quen thuộc:
“Sao bác về khuya vậy, bác dùng cơm chưa, cháu dọn nhá?”
Ông không tin lắm đó là hơi lửa nóng trong tình con thương cha, và thích thú tưởng tượng giữa trời đông giá có mớ tro ủ, chỉ chịu khó khơi lên một chút dư sức hâm lại một niêu cơm. Phong thái ấy chẳng khác chi vợ ông ngày nào, có thể hừng hực lửa giận chờ cơm đấy, nhưng thấy mặt rồi giận mất đâu cả.
Những bữa ông về khuya quá, lại có tí hơi men, phản ứng của Mai xem ra có chút trầm trọng. Bực trông thấy. Mai ghét ông uống rượu lái xe. Nhiều lần cô bé kể cái gương ông bố ở nhà cho ông nghe với giọng doạ dẫm. Ba ngàn tiền phạt; mỗi tuần một thứ bảy, chẵn chòi hai năm, cứ đến nơi toà chỉ định mà xem miết những cuốn phim chết người vì uống rượu lái xe.
Thật tai quái, lâu dần ông đâm nghiện cái dáng dấp giận dỗi đó!
Những ngày cuối tuần Mai hay bày ra làm những món ăn nho nhỏ, như bằng chứng hùng hồn trong nhà có một cô gái thì mọi sự phải khác, người đàn ông phải được hưởng một sự sung sướng khác: Một nồi riêu cua đòi nhiều tỉ mỉ, những cặp bánh dầy bánh giò, những đĩa bánh cuốn nóng... Nhìn cái lối ngồi đổ bánh cuốn, tấm lưng hơi gù vẻ nhẫn nhục, đôi bàn tay thành thạo quẹt thanh tre mỏng hớt bánh trên mặt vải bốc khói của cô gái, ký ức ông cứ như bị cái móng nhẹ cào sướt qua.
Ông Lộc quý Mai lắm, nhưng thành thật mà nói nếu chọn vợ cho con chắc ông sẽ có nhiều nghĩ ngợi.
Nhưng giả dụ đùng một cái căn nhà này thiếu đi sự hiện diện kia? Không thiếu lúc ông đã tự hỏi. Ông chắc ông không rối trí lắm đâu, nhưng sẽ bâng khuâng, sẽ buồn nhè nhẹ. Khối óc thi sĩ của ông hình dung ra một nữ tu, vì nhiệm vụ phải dấn thân vào đời vốn nồng nàn sướng khổ, lúc được triệu về nhìn lại những bức tường tu viện lạnh lẽo thế nào, thì chắc nỗi bâng khuâng của ông cũng đến như của chị thôi.
Nhưng ông Lộc đã lầm. Ông không bâng khuâng. Ông chết lặng. Ông không ngờ năm nay trời lạnh đến thế. Tuyết mấy năm trước chỉ lấm đầu núi, năm nay nhiều ngọn bị nhuộm trắng non nửa. Gió cuối năm như nhất quyết không muốn rừng đào rừng lê để dành được đoá nào tới lúc ra giêng. Thế mà ông có mỗi mình!
Cô gái đã về nghỉ lễ với gia đình mãi tận San Jose. Ông đinh ninh rồi cái hơi lạnh cuối năm sẽ khó có cơ tràn vào nhà ông vì hai thằng con cũng về nghỉ lễ kịp lúc. Chúng ồ ạt trám ngay vào tất cả mọi khoảng trống, nhưng chỉ được vài ngày, tưởng như hơi lạnh trong gia đình không đủ cho chúng bão hoà bầu nhiệt khí tuổi trẻ, hè nhau thuê xe đi chơi núi mãi tận vùng tuyết phủ Denver.
Hình như chúng quên trong nhà có một ông bố còn sống!
*
Tách trà cuối vẫn không làm cho ngọn núi lòng ông Lộc ấm hơn, bình tĩnh hơn, thận trọng hơn, nên ông quyết vùng dậy. Đã tới lúc ông phải dọn dẹp căn phòng. Ông lặng lẽ gom mớ ly tách, nhặt từng mẩu bánh vụn, cố nhón khỏi khe bệ cửa sổ một mẩu thuốc lá, một bã kẹo cao su, sửa lại mấy tấm tranh ảnh lệch lạc trên vách. Loay hoay chốc lát ông đã mệt nhừ. Ông ngồi bệt xuống thảm, ngao ngán hỉnh mũi, cảm nhận được sức tàn phá ghê gớm của lũ con trai. Mới mươi ngày trước thôi ông có thể phân biệt rành rẽ cái hương ngây ngây, cái thanh khí dịu dàng đến kỳ bí khi bước vào căn phòng xinh xắn, có cửa sổ liễu rủ, nhìn xuống con đường đầy những đào lê đương độ rực rỡ. Bây giờ đã nát bét cả. Căn phòng toàn mùi pizza, khói thuốc, vớ thối và xem ra còn lẫn lộn cả mùi cơm bánh lên mẻ đâu đây.
Bất giác ông nhìn thấy cái kẹp tóc còn dính vài sợi tóc đen mềm nổi trên mặt thảm trắng. Ông nhặt lên, rút sợi tóc, ngắm, lòng nảy bâng khuâng. Trong tủ áo lòi ra phần cuối chiếc giày nỉ màu xanh lam. Ông nhớ đến cái gót chân tròn trắng như quả trứng ngỗng và những bước đi loanh quanh êm ái. Ông bần thần đẩy cánh cửa tủ hé sang bên. Nơi góc tủ còn vắt lơ lửng chiếc áo lót mình trắng mỏng. Bóng tối như phả lên nó vài bệt mồ hôi sâm sẫm. Khi không ông đứng nhìn trân lúc lâu, rồi nửa hồi hộp, nửa dè dặt ông gỡ manh áo khỏi móc. Trong góc phòng bỗng như có một ma lực kéo ông ngồi xuống. Rõ ràng đã có đôi ba tiếng tim lỗi nhịp. Phải lúc lâu lắm ông mới có gan trải tấm áo trên hai đầu gối. Cổ tay cụt vuốt nhè nhẹ, thật nhẹ trên lớp vải mát mềm như da người ẩm. Rồi mắt ông sụp xuống, như ngấm thuốc ngủ, như đê mê. Ông nhớ có lúc ông đã cảm thấy từ một bệt mồ hôi khô thốt bốc hơi, thơm tho ngấm vào nhiều sợi gân nhạy cảm chỗ cổ tay, đến nỗi trong tiếng thở dài vô cớ sau đó như có phả ra cả cái kỳ hương ấy. Rồi ông không còn nhớ ông đang ở đâu, không nhớ đến căn nhà giá lạnh, đến núi, đến thơ, đến những gian nan đường đời.
Có cơn gió mạnh quất cành liễu vào cửa kính. Ông Lộc choàng dậy với cơn rùng mình sung sướng. Ông thấy gai ốc nổi đầy hai cánh tay. Đôi mắt đẹp buồn của cô gái từ tấm ảnh vừa trố lên. Ông cuống quýt như kẻ bị bắt quả tang đang làm một điều hết sức dị hợm, hay như người quá cao hứng đánh mất đi sự thận trọng, làm đổ toé tách trà nóng ở một chỗ trang nghiêm. Nhưng giờ thì còn gì nữa. Buông thả mất rồi. Ông lỳ lợm ôm riết tấm áo vào ngực, tiêng tiếc khép mắt tìm lại cái cảm giác mới trôi qua - ẩn mật, nôn nao, giục giã và tràn trề./.
|
thơ hồ chí bửu.
|
Saturday, November 10, 2012
huy phương * Những người muôn năm cũ
Âm nhạc thường mang kỷ niệm của quá khứ. Âm nhạc không có phần hoài tưởng là những nốt nhạc vô hồn. Tôi xin cám ơn nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã cho chúng ta bài “Ly Rượu Mừng” bất hủ. Những năm đón giao thừa trong nhà tù tập trung giữa không khí giá lạnh của miền Bắc, chúng tôi hát “Ly Rượu Mừng” mà dàn dụa nước mắt nhớ lại những mùa xuân êm ấm đã qua, mà buồn đến vận nước, mà thương mẹ, nhớ em, nghĩ đến đàn con nheo nhóc. Chính những hình ảnh “người công nhân ấm no”, “binh sĩ lên đàng,” “chúc non sông hoà bình” làm bọn cai tù không để ý, mà chúng tôi ẩn dấu nỗi niềm “có bà mẹ già, từ lâu mong con mắt vương lệ nhoà”, “bước con về hoà nỗi yêu thương…”, “đợi anh về trong chén tình đầy vơi,” và “nhấc cao ly này! hãy chúc ngày mai sáng trời tự do!” Bài hát này chúng ta đã nghe đi nghe lại nhiều lần như là một thứ biểu tượng cho ngày Xuân bên cạnh tiếng pháo hay chiếc bánh chưng xanh.
Chúng ta đi, mang theo Ly Rượu Mừng.
Nhưng hôm nay Phạm Đình Chương đã không còn nữa!
Xuân đến chúng ta nghe “Anh Cho Em Mùa Xuân”, mà người làm thơ Kim Tuấn cũng như người nhạc sĩ phổ thơ Nguyễn Hiền cũng đã ra đi.
Xuân đến chúng ta hát “Xuân Này Con Không Về” làm sao khỏi nghĩ đến giọng hát Duy Khánh, nghe câu “thấy hoa mai nở anh mới biết xuân về hay chưa” lại nhớ Nhật Trường, cả tiếng đàn của Vô Thường trong Xuân Tha Hương như còn réo rắt đâu đây!
Người Huế nhớ Mậu Thân với “Những Con Đường Trắng”,“Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy” làm sao quên được Trầm Tử Thiêng.
Thắp một nén hương thơm, để nghe lại Sĩ Phú, Ngọc Lan…
Xa hơn là Văn Phụng, Dương Thiệu Tước, Ngọc Bích, Nhật Bằng, Minh Trang, Vũ Thành, Hoàng Trọng…kể làm sao hết!
Tất cả đều đã đi qua, nhưng hình như họ vẫn còn đâu đây, phảng phất lời thơ, tiếng nhạc gần gũi bên chúng ta. Chúng ta mang theo họ trong hành trang của chuyến ly hương dài và có khi là vô tận. Có khi nào bạn nghĩ đến những người đã khuất, đã rải hương hoa trên con đường chúng ta đang đi không?
“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
HP
Subscribe to:
Posts (Atom)