tặng Song Thao
em là hoa nên ghiền vẽ hoa
song hoa hợp bích quả như là
tinh khôi một khối thơm trời đất
nghệ thuật nhân sinh chợt sáng lòa
em có bao nhiêu ngọn bút lông ?
bàn tay khuê cát ngón thơ cầm
tượng trưng một ngọn nơi trần thế
còn những ngọn kia bận trổ bông
tranh vẽ khởi từ điểm yêu thương
mở ra một thế giới nghê thường
mỗi đường mỗi nét giàu sinh động
bằng cả tâm thân trắng nõn nường
dáng đứng điệu nằm rõ tài hoa
hoa từ ngọc thể hiển hiện ra
hương thơm ngấm lụa và lan tỏa
họa phẩm cùng em quá đậm đà
xin được vì tranh khai bút thơ
trắng tinh hồn vía chẳng mù mờ
dâng lên họa sĩ lòng chiêm ngưỡng
cùng ngọn bút tình ta lửng lơ
hời hợt mươi câu thưởng ngoạn hoa
để làm nổi bậc ý lòng ta
một câu,
hay đúng hơn, vài chữ:
mê, rất là mê nhan sắc hoa
Luân Hoán
|
Saturday, December 8, 2012
Luân Hoán * Họa Sĩ Và Họa Phẩm
Du Tử Lê * Và Thơ Luân Hoán
Nếu trận địa chấn nào cũng để lại sau đó những di họa ngày một hoắm sâu, thấy rõ, thì một trong những di họa mà trận địa chấn 30 tháng 4 năm 1975 đã để lại cho dòng văn học miền nam Việt Nam sau hơn 20 năm ở quê người là sự bế tắt, tính lụi tàn của rất nhiều nhà văn. Những nhà văn đã thành danh trước thời điểm này. Thập niên đầu của bước đường tị nạn, người ta chỉ thấy sự bế tắt, tính lụi tàn nơi thế hệ nhà văn miền nam ở lứa tuổi năm mươi. Những gượng dậy nơi những cây bút ở lứa tuổi kia những năm đầu lưu vong, nếu có, cũng chỉ là những gắng gượng mệt nhọc đầy tội nghiệp. Một số nhỏ, quá nhỏ trong hàng ngủ những nhà văn ở lứa tuổi ấy có cho thấy nổ lực duy trì phong độ, tấm lòng thiết tha ăn ở với chữ nghĩa thì nó cũng chỉ nằm nơi số lượng mà không hề nằm trong phần sinh động, phần hực hực của những ngọn lửa sáng tạo tìm kiếm. Những tưởng thời gian sẽ mang đến mầu nhiệm về cho những quắc khô, những nghèo khó trên mảnh đất trí tuệ của những nhà văn đi ra từ Việt Nam, nhưng dường như thời gian đã không giúp cho những người ở trong những trường hợp này. Hơn thế, bước qua thập niên thứ hai của cuộc sống lưu đày thời gian cũng đã đóng tiếp dấu ấn tàn nhẫn của nó lên thế hệ những nhà văn thành danh ở Việt Nam, ở lứa tuổi 40 và 30. Số nhà văn ở lứa tuổi này bước ra khỏi cuộc trường chinh chữ nghĩa, rời bỏ sân chơi văn chương ngày một nhiều hơn. Ðây đó, khắp nơi, lặng lẽ diễn ra cuộc chia tay, cuộc quay lưng hay đầu hàng buồn thãm. Nhưng nói như thế, không có nghĩa toàn thể; nói như thế không có nghĩa hết thày, bằng cớ nếu cần tìm một cây bút thành danh ở quê nhà trước biến cố tháng tư, 75, ở lứa tuổi 30, 40 còn hăm hở dưới ngọn triều thi ca, phấn kích đi tới những chân trời bất tận của vần điệu thì đó là Luân Hoán.
Tôi muốn gọi ông là người tình nhân thuỷ chung của thi ca Việtnam ở quê người. Tôi muốn gọi ông là trái tim Việt hẹn hò ở với tận cùng hơi thở Việt. Thật vậy, không kể hai thi phẩm tái bản ở hải ngoại, trong vòng hơn 10 năm, kể từ 1985, khi đặt chân đến thành phố Montreal trong chương trình đoàn tụ gia đình, Luân Hoán đã cho xuất bản 7 thi tập, mà Cỏ Hoa Gối Ðầu là thi phẩm mới nhất.
Văn Quang * “Đặc sản cướp Sài Gòn” cuối năm con Rồng
)
Cứ đến những ngày cuối năm, địa phương nào cũng có những món đặc sản mang ra bày bán kiếm tiền tiêu Tết. Từ Bắc chí Nam đủ thứ đặc sản, từ măng vùng núi, hải sản vùng biển, nem tré miền Trung, cốm làng Vòng, bưởi Lai Vung... không thể nào kể hết. Nhưng những năm gần đây, nhất là năm con Rồng này, có nhiều thứ đặc sản đang được người bán hàng “thay họ đổi tên” một cách “khoa học”. Chỉ kể riêng những loại trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc đang bị các bà nội trợ tẩy chay vì đụng vào thứ nào cũng có chất độc. Bởi những món hàng đó mang từ bên Tàu sang, qua nhiều ngả, nhiều ngày, phải tẩm một thứ gì đó vào để giữ lâu và nguy hiểm hơn là làm cho những trái cây đó có màu sắc tươi tắn bắt mắt hơn, nên họ không từ nan tẩm vào mọi chất “hóa học”, dù biết nó sẽ nguy hại cho sứ khỏe con người. Biết đâu, đó lại là sự cố ý của mấy anh bạn láng giềng vốn nổi tiếng là thâm hiểm. Hàng Trung Quốc bị tẩy chay thì con buôn làm giả thành hàng Việt Nam hoặc hàng Mỹ hàng Nhật. Ngay cả nước giải khát cũng bị làm giả từ nước lạnh pha tí màu xanh đỏ, sữa cũng giả, còn rượu thì hầu hết là giả. Một chai rượu Tây thật, pha chừng vài lít nước lạnh thành năm bảy lít.
Cho nên đặc sản ngày nay trở thành hàng giả rất nhiều. Chưa nói đến kỹ thuật biến cá chết, thịt heo thịt gà chết thành thịt sống, tôm khô cũng được nhuộm màu, cua đồng cũng bắt bằng thuốc trừ sâu… Cái gì cũng có độc dù là hàng chính cống từ nhà quê mang ra.
Đấy là sơ qua về thức ăn đồ uống, tôi không thể dài dòng về vấn đề này, tôi tin rằng bạn đọc dù ở nước ngoài cũng đã biết quá rõ. Cho nên, tôi có một số bà con và vài ông bạn tôi từ nước ngoài về Việt Nam không biết ăn thứ gì không có độc. Ông bà nào thường cũng chuẩn bị một lô thuốc mang theo chống tiêu chảy, chống đau bụng, chống nhức đầu, chống cảm sốt vì thời tiết, chống dị ứng… Mọi sự đề phòng là không thừa, bởi thuốc Việt Nam cũng chưa chắc đã có công hiệu.
Nhưng có một thứ mà các ông bà không đề phòng và dù có đề phòng cũng chẳng được. Đó là nạn cướp giật kinh hoàng tại thành phố lớn nhất nước này.
Đặc sản cướp Sài Gòn cuối năm con Rồng
Nạn trộm cắp ở Việt Nam nhiều năm nay đã trở thành một vấn nạn lớn cho mọi người dân từ thành thị tới thôn quê. Cướp tiệm vàng giữa ban ngày, giết người cướp của ban đêm, cướp vào nhà lầu, cướp ở xóm nhà lá, cướp ngay tại đường phố, cướp từ sợi dây chuyền vài chỉ đến cái xe gắn máy… Người làm trộm cắp của chủ, bảo vệ trộm đồ của công ty, cháu giết bà vì vài trăm ngàn. Đời sống thiếu an ninh, cho dù nhà cầm quyền có ra sức dẹp cũng chẳng nơi nào yên tĩnh. Nhiều người đã cho rằng “còn loạn hơn thời loạn”.
Nhất là vào dịp cuối năm, ông bà ta đã gọi là “tháng củ mật” phải đề phòng trộm cướp. Nhưng nạn trộm cướp mỗi ngày một lộng hành thêm. Nhất là năm nay, vừa vào dịp cuối năm, nạn cướp giật ở Sài Gòn đã hoành hành dữ dội. Cứ hở ra là bị cướp. Có rất nhiều kiểu ăn cướp “hiện đại”, bạn không ngờ tới.
Theo báo cáo của Công an TP Sài Gòn, trong 9 tháng đầu năm 2012, ở Sài Gòn đã xảy ra gần 850 vụ cướp giật. Mỗi ngày tại đây xảy ra ít nhất là 3 vụ cướp giật. Đây chỉ là con số thống kê được từ những vụ cướp giật do nhà cầm quyền khám phá và số vụ cướp do nạn nhân trình báo. Còn rất nhiều vụ do nạn nhân bị giật nhưng không trình báo hoặc chưa điều tra ra, hoặc không bao giờ điều tra ra được. Con số ấy chắc chắn là nhiều hơn con số biết nói 850 vụ.
Bọn cướp ngày nay rất dữ tợn, sẵn sàng “xả dao”, liều chết khi nạn nhân chống cự, bởi vậy, những vụ cướp táo tợn này không chỉ gây thiệt hại về tài sản cho người dân mà còn bị nguy hiểm về tính mạng. Bọn chúng còn bày đủ nhiều chiêu trò để đến gần, đe dọa “con mồi”, đánh lừa những người xung quanh.
Cướp kiểu “danh chính ngôn thuận”
Ngay giữa đường phố đông người, một ông ăn diện rất bảnh bao, túm lấy chiếc xe SH giá năm bảy chục triệu của một bà sồn sồn, tát bà ta một cái và kêu ầm lên:
- Con này, mày lấy xe của tao đi từ sáng tời giờ, mày chở trai, tao thấy, bây giờ mới bắt được mày. Đưa xe cho tao đi làm rồi về tao tính sổ với mày sau.
Thế là người bị tát ngã xuống, anh “chồng” leo lên xe bỏ đi. Người đàn bà lồm cồm bò dậy, mặt mũi còn tái xanh, chưa kịp hoàn hồn, lắp bắp phân bua với mọi người: “Tôi có biết thằng đó là ai đâu”. Lúc đó mọi người mới té ngửa ra đó là một màn cướp.
Đó là cảnh cướp xe giữa chỗ đông người rất “danh chính ngôn thuận”. Cảnh sát cũng chịu thua. Kẻ cướp chạy về một tỉnh nào đó làm giấy tờ giả, bán chác hay cầm cố rồi, thì đến mười năm sau cũng chưa chắc đã kiếm ra.
Đấy chỉ là một trong số những màn kịch thiên biến vạn hóa mà bọn trộm cướp ở Sài Gòn “sáng tác” ra. Hơn hẳn những “mô típ” cũ rích trong những cuốn phim Hàn Quốc đang chiếu hà rầm trên các đài truyền hình tại Việt Nam. Nếu là chủ hãng phim Hàn Quốc, tôi về Việt Nam kiếm mấy thằng ăn cướp này sáng tác kịch bản, còn ngoạn mục hơn nhiều.
Cướp Sài Gòn “mê” Việt kiều
Lại xin nhắc các bạn một điều là bọn cướp giật rất “mê” các ông bà từ nước ngoài về Việt Nam, ở đây thường gọi chung là “Việt kiều”. Gặp được “con mồi” từ nước ngoài về, chúng coi như vớ được “món bở”. Chúng rất tinh ranh, bạn có “hóa trang” thành người ở Việt Nam chính hiệu, ăn mặc như người Sài Gòn, nhưng chỉ nhìn vẻ mặt, làn da và bất cứ một thứ trang sức hoặc đồ dùng nào lộ ra như giày dép, mũ, đồng hồ… là chúng có thể xác định được bạn là người từ nước ngoài về. Chúng chỉ theo dõi bạn một đoạn đường là có thể ra tay. Hoặc một thí dụ khác, bất thình lình bạn bị một cô gái, ăn diện rất thời trang, túm áo la toáng lên:
- Anh bỏ mẹ con tôi, anh đi với gái, anh phải về, anh đưa bóp tôi xem anh lấy tiền của tôi, còn không.
Cuộc giằng co diễn ra chớp nhoáng, bạn bị một hai tên con trai ra cái điều “anh hùng cứu mỹ nhân”, xúm vào hành hung; trong khi cô gái vẫn đóng vai giả là vợ hoặc bồ của bạn khóc lóc om xòm. Bạn chưa kịp trấn tỉnh, phân trần thì đã bị lột sạch điện thoại, đồng hồ và cả cái bóp trong túi nữa. Khi chúng đã “thanh toán” xong, leo lên xe bỏ đi, bạn chưa kịp trấn tỉnh, phân trần với người đi phố hoặc đi báo công an thì chúng đã cao chạy xa bay mất tiêu rồi. Nếu mang chuyện này về Mỹ, Úc, Canada kể lại với mọi người, chắc khó ai tin. Bà xã bạn có thể còn đặt ra năm mười cái dấu hỏi:
- Nếu anh không có gì với nó, làm sao nó dám túm áo anh được?
Bạn cãi thế nào?! Mệt thật đấy.
Những vụ cướp của người nước ngoài mới xảy ra
Trên Thời báo kinh tế Sài Gòn, Tổng Giám Đốc một công ty lữ hành quốc tế (đề nghị giấu tên), cho biết, chỉ trong vòng 15 ngày (từ 15-9 đến 30-9-2011), khách du lịch của công ty ông đã bị cướp giật đến 9 lần. Những vụ cướp giật này xảy ra tại những nơi thăm viếng chính làm doanh nghiệp và cả khách du lịch hết sức lo lắng.
- Gần đây nhất là vụ cướp dây chuyền “ngàn đô” của một bà từ nước ngoài về Việt Nam vào trưa 26-11 tại đường An Dương Vương, quận 5, Sài Gòn. Thủ phạm là tên Diệp Xương Đạt (SN 1989, ở quận 10, TP. Sài Gòn).
Lúc đó, Đạt một mình đi xe gắn máy trên đường An Dương Vương, để “săn mồi”. Sau đó, hắn rú ga, ép sát lề, rồi giật phăng sợi dây chuyền trị giá 1.300 Mỹ kim của bà Nguyễn Thanh Loan (SN 1969, người Úc gốc Việt) khi bà này đang ngồi sau xe gắn máy do chồng lái.
- Tối 25-11 vừa qua, tại đường Nguyễn Lương Bằng, Quận 7, anh Han Youn (30 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc) đang đi bộ trên vỉa hè cũng bị tên Nguyễn Tuấn Em (21 tuổi) giật điện thoại di động (trị giá 16 triệu đồng) rồi lên xe đồng bọn là Phạm Bá Vinh (19 tuổi) tẩu thoát.
Vụ cướp dã man mới nhất làm dân Sài Gòn run sợ
Vào tối 24-11 vừa qua, vụ cướp táo tợn chặt đứt khuỷu tay nạn nhân xảy ra ở chân cầu Phú Mỹ (Quận 2, TP Sài Gòn) đã thực sự đẩy nỗi sợ hãi về tình trạng bị cướp giật tài sản của người dân ở thành phố này lên cực độ. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy (28 tuổi, ở tại phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2).
Được biết, chị Thúy bị 2 tên đi xe máy chạy ép sát, sau đó, tên ngồi sau mặc áo đen vung dao chặt thẳng vào khuỷu tay phải chị.
Hậu quả là nạn nhân bị ngã xuống đường, tay phải gần như đứt lìa. Sau khi hạ gục được nạn nhân, 2 tên cướp đã cố cướp xe SH của chị Thúy. Không chỉ có thế, 2 tên khác còn giật luôn túi xách chị mang trên người (đựng 5 triệu đồng) rồi bỏ chạy.
Bốn ngày sau, người phụ nữ bị nạn mới có thể diễn tả lại cảnh kinh hoàng ấy. Tại phòng hậu phẫu, gương mặt vẫn xanh xao, người phụ nữ 28 tuổi đã có đủ sức khỏe có thể trò chuyện cùng những người đến thăm hỏi. Nhúc nhích các ngón của bàn tay bị cướp chém, chị cho hay đã có thể cử động từng ngón theo yêu cầu của bác sĩ.
Nhớ lại câu chuyện xảy ra đêm 24-11, chị Thúy cho biết hôm ấy khoảng 8 giờ tối, chị dự xong tiệc cưới trên đường từ quận 7 về nhà ở quận 2 thì nhóm cướp xuất hiện. Chị kể: “Đoạn đường không quá vắng, xe của chúng chạy song song xe tôi. Tôi cũng không chú ý mà chỉ lo chạy, đến khi chúng vung dao chém tôi mới biết mình bị cướp”. Chị Thúy cho biết thêm, tên cướp chém nhát thứ nhất thì bàn tay chưa đứt rời, đến nhát chém thứ hai thì bàn tay chỉ còn dính lại cánh tay bởi một mảng da.
Chị nhắm mắt nhớ lại, giọng còn run: “Thấy bàn tay phải lủng lẳng, tôi lấy tay trái vừa cầm bàn tay phải vừa kêu cứu, nhát chém rất ngọt nên khi ấy không hề thấy đau đớn”.
Cô gái còn ôm cánh tay giằng co với tên cướp đang dựng chiếc xe SH của cô lên nổ máy định tẩu thoát.
Nhưng xe SH của chị Thúy không nổ máy, một người đi đường giúp cô đuổi bọn cướp. Nhóm cướp bỏ chạy, còn nạn nhân được người dân đưa đến bệnh viện. May mắn, chị Thúy có hy vọng bình phục trong vài tuần sắp tới. Băng cướp tàn bạo này sau đó đã bị bắt.
Chị Thúy không phải là nạn nhân đầu tiên.
Bọn cướp gồm 4 tên cùng “làm ăn” chung và khai nhận trong 4 tháng, bọn chúng đã thực hiện 15 vụ dùng mã tấu chém người để cướp tài sản. Trước khi đi cướp, bọn chúng đều sử dụng chất ma túy tổng hợp. Công an quận 2 đã bắt thêm Hùng Bảo Anh (SN 1988), Cao Văn Hưng (SN 1983) và Đậu Văn Võ (SN 1990) là những tên tiêu thụ hàng cướp được của băng cướp trên. Trong các tên cướp này, Nguyễn Hoàng Phương đang bị Công an tỉnh Ninh Thuận truy nã về tội “cướp giật tài sản” và Hùng Bảo Anh về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Luông thú nhận vào đêm 4-11, thấy anh Trường (35 tuổi) đi xe SH trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) đã đuổi theo tìm cơ hội ra tay. Đến đoạn vắng gần cầu Cống Dinh, 2 tên trong nhóm phóng lên áp sát và rút mã tấu chém liên tiếp vào hông, lưng và bả vai khiến anh Trường ngã xuống đường. Nạn nhân nhanh trí rút chìa khóa bỏ chạy, tri hô nên nhóm cướp phải rút lui.
Cũng trong đêm đó, khi phát hiện đôi nam nữ đi xe máy song song đến gần cầu Cống Dinh, băng cướp lại bám theo. Chúng ép xe, chém vào vai người thanh niên và một nhát vào hông cô gái để cướp chiếc Air Blade và một điện thoại.
Còn rất nhiều vụ cướp táo tợn xảy ra trong thời gian này
Xin tạm kể vài vụ điển hình:
- Lao vào đám cưới cướp dây chuyền cô dâu
Vụ này vừa xảy ra ngày 25-11 ở Bình Chánh, TP Sài Gòn. Cô dâu đang cười tươi bỗng thét lên sợ hãi vì bất ngờ bị giật sợi dây chuyền, khi đang cùng một người bạn gái tạo dáng chụp hình trước rạp đám cưới. Giữa chốn đông người mà tên cướp không hề sợ hãi, vẫn phóng xe lướt qua, thẳng tay giật dây chuyền trên cổ cô dâu. Vì quá bất ngờ, cô dâu với tay theo nhưng không nắm kịp sợi dây chuyền, đành vô vọng nhìn theo. Hai họ choáng váng, không ai ngờ những tên cướp bây giờ lại liều mạng đến thế.
- Sáng 23-11, chị Nguyễn Thị Phượng (36 tuổi, ngụ quận Tân Phú) đi bộ trên lề đường Trần Hưng Đạo (quận 5), đeo túi trên vai. Bất ngờ từ phía sau, tên cướp đi xe tay ga lao đến cướp chiếc túi. Cú giật mạnh, bất ngờ làm chị bị kéo theo một đoạn rồi ngã sõng soài trên lề đường.
- Đúng một tháng trước,Cao Trung Lập (28 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) đã đâm chết một nam sinh sau khi giật ba lô đựng laptop của anh này. Một cảnh sát xông vào truy bắt Lập cũng bị hắn đâm trọng thương.
Vào lúc 11 giờ ngày 17-9, một nam sinh và bạn gái đi xe tay ga trên đường Cộng Hòa, hướng từ công viên Hoàng Văn Thụ về Trường Chinh. Khi tới đoạn gần đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) vài chục mét, họ bị Lập từ phía sau áp sát, giật túi đựng laptop.
Đôi nam nữ tri hô “cướp cướp” rồi phóng xe truy đuổi. Tới ngã tư, người thanh niên tông vào xe tên cướp khiến hắn ngã xuống đường. Cuộc vật lộn giữa tên cướp và nạn nhân diễn ra quyết liệt trước sự chứng kiến của rất đông người đi đường. Trong lúc giằng co, Lập rút dao đâm nhiều nhát vào cậu thanh niên. Dù máu ra đẫm áo, cậu nam sinh vẫn cố gắng ôm chặt tên cướp. Lúc này, một công an lao vào hỗ trợ nạn nhân đã bị Lập đâm gục.
Sau khi viên cảnh sát không thể truy đuổi, người dân hai bên đường Hoàng Hoa Tham đồng loạt lao ra đuổi bắt Lập, giao cho công an. Lúc này, do vết thương quá nặng, nam sinh đã chết trước khi đến bệnh viện.
Đó chỉ là sơ lược những vụ cướp bóc giữa đường phố gần đây. Còn hàng trăm, hàng ngàn vụ trộm cắp khác nữa đã và đang tiếp tục diễn ra vào những ngày cuối năm này.
Đi tìm nguyên nhân: do kinh tế khó khăn và sự phân hóa xã hội
Chưa bao giờ, người dân cảm thấy bất an như lúc này. Kẻ cướp ngày càng táo tợn, liều lĩnh hơn. Vì sao lại có tình trạng này?
Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên phó chủ tịch thường trực UBND TP Sài Gòn, nhận định: “Nguyên nhân khách quan là tình hình kinh tế khó khăn, dẫn đến thất nghiệp, mất việc làm và đặc biệt đối với TP Sài Gòn là dòng thác nhập cư quá nhiều.
Từ đó dẫn đến tình trạng thiếu việc làm, chỗ ở nên đây là cơ hội phát sinh tội phạm. Bên cạnh đó là sự phân hóa xã hội, như phân hóa giàu - nghèo, phân hóa giữa các vùng miền và những tồn tại này không được giải quyết nên bộc phát những vấn đề xã hội”.
Sự cách biệt giữa người quá giàu, kẻ quá nghèo khổ đã tạo nên tâm trạng “chỉ có đi ăn cướp của anh giàu, anh có của, mới sống nổi”.
Ông Trương Lâm Danh (phó trưởng ban Pháp Chế HĐND TP Sài Gòn) nhận định:
“… Do kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có dấu hiệu giải thể, ngưng sản xuất, sa thải khá nhiều công nhân. Tình hình thiên tai bão lũ ở một số địa phương dẫn đến việc di dân ồ ạt vào thành phố. Dân thành phố đã đói, càng đói.
Một vấn đề quan trọng nữa là việc giáo dục thế hệ trẻ trong gia đình, nhà trường, xã hội, việc chọn lọc, định hướng cho các em khi xem các sản phẩm game online, phim ảnh. Cứ mở ti vi ra thì thấy phim đều có nhiều cảnh bạo lực, chém giết, yêu dở dang, thù hận. Còn các em mới lớn, thiếu sự quan tâm của gia đình, nhà trường, học hành không đến nơi đến chốn, thiếu suy nghĩ. Buồn chán không có việc làm, không chịu làm nghề bốc vác, bưng bê nên dễ sa ngã.
Các phạm nhân hầu hết đều còn rất trẻ, muốn có tiền ăn chơi nên tạo thành các băng nhóm trộm cắp, cướp giật. Vụ chém cô gái cướp xe máy SH trên đường dẫn cầu Phú Mỹ (quận 2), tên cướp mới chỉ sinh năm 1993 cầm đầu một nhóm có tiền án tiền sự gây án…
Một nguyên nhân khác là thành phần trộm cướp, ma túy ở các trại giam được trở lại hòa đồng cùng xã hội, vẫn ngựa quen đường cu”, làm nguy hại cho xã hội hơn. Mặt khác, sự trừng phạt của luật pháp chưa nghiêm, chưa đủ làm bọn trộm cướp chùn tay. Một vài năm tù đối với chúng chẳng còn có nghĩa gì nữa. Cần phải có hình phạt nghiêm khắc hơn”.
Người dân chỉ còn biết khuyên nhau tự bảo vệ mình
Bên cạnh thái độ hoang mang sợ hãi xen lẫn căm phẫn trước hành vi tàn bạo của những tên cướp, người dân Sài Gòn chỉ còn biết khuyên nhủ, dặn dò nhau: Bây giờ, ra đường phải tuân thủ các quy tắc: Không đi xe xịn, không ăn vận đẹp, không đeo nữ trang, không dùng điện thoại đắt tiền ngoài đường… để thu hút kẻ cướp. Ngoài ra, người đi đường không nên mang ví, túi xách treo lủng lẳng, không mang tiền mặt quá nhiều trong người, nếu có phải đi giao dịch với số tiền lớn thì nên đi taxi mới mong an toàn khi ra đường. Hở ra là mang họa ngay. Đúng là một thứ “đặc sản” cho người dân Sài Gòn vào cuối năm con Rồng này. Đành sống chung với cướp vậy. - (VQ)
Wednesday, December 5, 2012
Đỗ Hồng Ngọc * Đọc CHUYỆN TRÒ của CAO HUY THUẦN
“Chữ nghĩa không phải là than vậy mà cũng làm nóng người”… Bùi Văn Nam Sơn dẫn một câu trong cuốn Chuyện Trò (CT) của Cao Huy Thuần (CHT) để giới thiệu ở bià sách. Tôi thì tôi không thấy nóng mà thấy lạnh, rồi ấm. Chưa có ở đâu CHT đặt ra một loạt những vấn đề luân lý đạo đức một cách rốt ráo, sâu thẳm đến vậy dưới dạng những câu chuyện vô cùng hấp dẫn: nói dối, hổ thẹn, đam mê, tình yêu, chung thủy, chiếm hữu, mặc cảm, tự tin, bổn phận, nguyên tắc… Cho nên không phải vô cớ mà CHT “dàn dựng” CT bắt đầu với “nói dối”, để rồi kết thúc với “hổ thẹn”.
Cuốn sách có một cấu trúc làm ta nhìn ra CHT : 4 thứ chuyện trên đời mà anh không chạy đâu thoát, đó là: Tình Yêu, Văn hóa, Giáo dục và Phật giáo.
* Sợi tóc, một chuyện tình, Love Story, hấp dẫn như một chuyện phim trinh thám, hai người đàn ông, một người đàn bà, một ông sư, một tiếng súng nổ, hai cái chết, mấy sợi tóc… Nhà sư vì muốn cứu một người đàn bà đẹp, Pretty Woman, mà phải nói dối và dằn vặt mãi về sự nói dối đó. Dằn vặt là phải vì xưa nay “nói dối cũng có ba bảy đường” nhưng với nhà sư thì khác. Thế nhưng, “sợi tóc vương chân người” rồi! Ánh mắt nhà sư hôm đó làm sao giấu được, cho nên nhà sư “xuống núi” là phải thôi. « Nói dối với người ngoài, ta trở thành kẻ đáng khinh trước mắt của họ. Nói dối với chính ta lại còn tệ hại hơn vì ta trở thành đáng khinh trước mắt của chính ta… (tr 34).
* Yêu nhau là thứ tình đam mê, đắm đuối: “như chim liền cánh như cây liền cành”, làm nhớ Trịnh Công Sơn: « đường phượng bay mù không lối vào/ hàng cây lá xanh gần với nhau »... ! Chuyện nhắc Đường Minh Hoàng, nhắc Guy de Maupassant : “Tình yêu không có cái chết. Dù thân xác có chết, tình yêu vẫn sống…” (tr 44).
* Lá sầu riêng và hoa nghĩa địa... ta lại được đọc một chuyện… tình, làm nhớ Tình Già của Phan Khôi: « hai mái đầu đều bạc/ nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được…. ».
Hai người biết mà chưa quen nhau, mến nhau vì tài, kẻ văn chương người kịch nghệ. Vậy mà họ nhìn ra nhau, giữa Paris tháng sáu: trời không mưa tôi cũng lạy trời mưa (Nguyên Sa) . Mưa để che dù chạy lúp xúp. Mưa để chui vào một quán nước. Mưa để ngồi nói chuyện ngàn năm… “Anh nhà giáo đang ngồi làm việc thì chuông điện thoại reo. Ủa, giọng ai như giọng KC. – Gọi từ Sàigon hả ? – Không, từ Paris. – Qua hồi nào vậy ? Hiện hồn như ma! – Mới qua được hai bữa. – Ờ, thì phải đến thăm chị chớ ! Chị đang ở đâu ? – Ở trong nghĩa địa. – Ở trong nghĩa địa ? Trên đất hay dưới đất ? – Còn ở trên. Đang kiếm mộ để thăm…”. Ai bảo họ đã qua cái tuổi cổ lai hi? KC đi thăm một ngôi mộ trong nghĩa địa. Ngôi mộ lạ lùng, không chôn người chết mà chôn một nhân vật tiểu thuyết của Alexandre Dumas con, Marguerite Gautier trong vở kịch La Dame aux camélias mà cô đã chuyển thành Trà Hoa Nữ vang tiếng một thời. CHT viết : “Qua đây, làm sao mà không đến thăm Trà Hoa Nữ ! KC mà ! Tình yêu mà ! ».
Với tôi, KC vào nghĩa địa thăm Trà Hoa Nữ còn có một lý do khác : gặp Đa Bảo Như Lai của mình.
Về Phật học, CHT chỉ nói đến Phổ Hiền, vị bồ tát cưỡi voi 6 ngà và cầm búp hoa sen. Lục độ. Vạn hạnh. Đến chùa lạy Phổ Hiền cũng là lạy chính mình. Người thầy giáo, người cầm bút cũng chính là người đang làm chuyện của Phổ Hiền đó thôi.
Về giáo dục, CHT chủ trương phải đưa cái học vào cái hành, đưa cái biết vào cái làm, cái knowledge thành cái know-how. Kiến thức thì cần, nhưng « kiến thức suông là một kiến thức cô đơn, chuyên biệt, chôn chân trong một lãnh vực cố định… gặp hoàn cảnh thay đổi, gặp bất ngờ thì chuệnh choạng, mất phương hướng…(Đi một ngày đàng, tr 257). CHT dẫn Dewey : «… và điều quan trọng nhất, là sự việc con người hấp thụ được thói quen học. Nó học được chuyện học ! ».
Đúng quá chớ gì nữa. Với phương tiện truyền thông hôm nay, học kiến thức suông có mà tẩu hoả nhập ma ! Cái quan trọng của học là biết cách học. Cho nên dạy là dạy cách học. « Thế nhưng, để có thể tự dạy, tự học, ta phải được mở mang hiểu biết từ nhà trường » (tr 268). Nhà trường đã được đặt đúng vị trí quan trọng của nó. Ta nhớ vì sao bà mẹ Mạnh Tử đã phải ba lần dời nhà !
* Cái nhìn ở cuối sách, qua lời kể của một ông giáo già, ta nghe thêm một chuyện tình…(lại tình) : « có những chuyện vặt cứ nằm hoài trong lòng, nhúc nhích , cựa quậy, gặm nhắm, soi mói »… ( Cái nhìn, tr 294). Với những « chuyện vặt » đó, ta được học về sự hổ thẹn. Ta gặp Freud hồi nhỏ « đái dầm » mà đào sâu xuống tiềm thức, gặp Sartre « nói dóc » khi còn bé mà thấy mình qua cái nhìn của người khác, gặp Camus « nói dối » khi còn thơ mà thấy nhân loại qua cái nhìn về mình… Tôi hiểu CHT còn muốn nói thêm : hãy quay về nương tựa chính mình , bởi nương tựa chính mình thì sẽ thấy « cả và thiên hạ » !…
Nhưng, « Con người cần cái khác hơn là triết lý » (tr 320) để có thể hạnh phúc. Nếu không, người ta không thể tự giải thoát. Cái khác đó là Wisdom, Sagesse, Minh triết gì cũng được nhưng đó là thứ triết lý sống, để sống. Thông điệp ở cuối câu chuyện.
Với tôi, Chuyện Trò là một cuốn Quốc văn giáo khoa thư của thời đại, và cả Luân lý giáo khoa thư nữa. Cho nên khi đọc thấy quen quen, thấy ấm lòng. Mỗi câu chuyện là một bài học, nhiều bài học, đa tầng đa nghiã. Trong Chuyện Trò, CHT có một bài về Sơn Nam, với truyện ngắn Tình nghĩa giáo khoa thư của ông. Cái truyện ngắn đó, nói thiệt, mỗi lần đọc tôi đều thấy rưng rưng. Tôi tin CHT cũng có cảm xúc giống vậy. Bỗng dưng tôi thấy mình cũng có « tình nghĩa » gì đó với anh, nên viết mấy dòng này để cảm ơn anh./.
ĐHN
trịnh bửu hoài * phù du
Trần Văn Sơn * Giấc Ngủ Phương Đông
|
Nguyễn Lệ Uyên * Miền Không Dấu Chân Người
Chuyến xe cuối ngày xuống khách ở ngả ba đường dẫn vào thị trấn. Lẫn trong đám người nhớn nhác là người đàn ông gày gò, vai lệch, hai hốc mắt trũng sâu, ngơ ngác đưa mắt đảo một vòng rồi khoát chiếc túi xách lên vai, lầm lũi bước trên con đường đất đỏ dưới cơn mưa lất phất.
Đứng trên đầu dốc, người đàn ông nhìn sững màn khói lạnh đùn lên thành dãi trắng đục lềnh quấn quanh chóp núi cao, những ngọn đồi lô nhô dưới xa kia và sự di động chậm chạp của những bóng người li ti bên những đường ranh đất đỏ giữa các vườn cà phê. Trong thị trấn, các hàng quán bắt đầu kéo hẹp cửa, sáng ánh đèn từ bên trong và mái hiên dội xuống, lẫn trong bóng chiều ngập sương.
Phía bên kia đường, người phụ nữ đi ngược chiều, mang chiếc gùi có mấy cọng bạc hà xanh mướt nhô lên. Cả thân hình chị chúc xuống như sắp ngã chúi về phía trước, trên con dốc nhoè đỏ giữa màu sáng lửng nhập nhoạng cuối ngày.
Người đàn ông dõi mắt nhìn một lúc, rồi tiếp tục bước dưới bụi mưa bay bay. Bóng tối xuống mỗi lúc một đậm hơn.
Người đàn ông bước ngập ngừng qua mấy dãy phố nhỏ rồi ngóng về phía ngọn núi trước mặt bắt đầu nhoè sẫm. Ông không nhớ mình đã bám xe đò lên miền đất này bao nhiêu lần để nhìn nó, rờ chạm vào nó như đang trở về với người thân, như tìm kiếm vật báu đã rớt lại chốn này. Ông đã bao lần háo hức bước ngược lên dốc núi dựng đứng, rồi thả rơi về chốn cũ với vẻ mặt đầy thất vọng đau khổ.
Lần này, ông cũng bắt đầu bằng nỗi háo hức mới nguyên khi cắm đũa vào tô mì đang bốc khói nghi ngút, trong ngôi quán dựng bằng những tấm cót mò o. Những sợi mì vàng quấn quanh đôi đũa không ấm lên bóng núi nhoè vào bóng đêm. Một chút khí lạnh trườn tới quanh tô mì tưởng có thể thò tay nắm lên được.
Đang lúc ăn, khách không nhận biết người chủ quán bước ra, đứng sau lưng. Ông ta cao to. Râu quai nón và râu mép xồm xoàm làm cho khuôn mặt càng thêm u tối. Chủ quán quan sát khách một lúc rồi bước tới, ngồi xuống phía đối diện, bộ dạng dò xét, vừa lôi từ túi áo gói thuốc, bật quẹt rít một hơi thật dài, phun khói mù mịt. Đợi khách ăn hết tô mì, ông hỏi: “Ông đi đâu giờ này còn ngồi đây?”. “Lên đỉnh núi 635, ngọn núi Tử Thần”. “635 là núi nào?”. “Ngọn núi cao nhất ở trước mặt kìa”. Người đàn ông bật cười ha hả, những cọng râu cũng bật rung theo: “Núi chư Đ’rắk. Đó là chư Đ’rắk. Mà ông lên đó làm gì?”. “Tìm một người”. Chủ quán ngạc nhiên vừa liếc nhìn vào chiếc tô trống trơn trên mặt bàn gỗ. Ông ta lắc đầu, rít mạnh hơi thuốc rồi quăng tàn vào vách. Mẫu thuốc thừa bị chạm mạnh lên vách ván văng ra những đốm đỏ li ti và tắt ngấm mau chóng. “ Lên núi tìm người. Lạ thật, nhưng trời tối rồi, sao đi kịp? Ở xứ này không có quán trọ. Mà cũng thiệt lạ, ngọn núi kia cất giấu những thứ của quí gì nhỉ? Tôi nghe nói có một người đàn ông cứ thỉnh thoảng lại lên thị trấn nhỏ này rồi mò vào núi tìm kiếm cái gì đó. Chợt đến chợt đi như con chim nhớ tổ, như con sói mẹ đi tìm đứa con đã bị đánh cắp”. Khách dừng đũa ngó vào mặt chủ quán định nói gì đó nhưng rồi lại tiếp tục cúi xuống tô mì chỉ còn chút nước lợn cợn dưới đáy. “Anh không biết đấy thôi - chủ quán đổi cách xưng hô- Ngày xưa, trên ngọn núi này là nỗi kinh hoàng của quân hai bên. Tất cả đều bị san bằng, không một ai sống sót, thành một nấm mồ tập thể. Kinh khủng. Chiến tranh thật kinh khủng”. Nói và chủ quán thẫn thờ nhìn những vạt sáng tối nhảy nhót ngoài hiên, thò tay vào túi áo định rút điếu thuốc khác châm lửa, nhưng nghĩ sao rụt tay lại, nhìn vào mặt ông khách. “Anh có ai quen ở thị trấn này không?”. “Không”. Ngẫm nghĩ một hồi: “Nhà chỉ mỗi một chiếc giường. Hay tôi lấy tấm bạt anh nằm tạm trên nền vậy. Tôi vào rừng khuya mới về”.
Trong khi nói, bộ râu trên mép và chòm râu dưới cằm luôn khua động, có vẻ như lời nhắc chừng người khách lạ, cho đến khi đôi môi khép lại thì hình như sự bình yên như mái hiên nhà được kéo dài thêm ra một chút cho khách.
Cái lạnh và mệt mỏi đường xa khiến người đàn ông cong rút trong tấm bạt quấn kín lại như con sâu kèn. Mưa gõ lào xào trên mái tôn. Tiếng gió chạm, tiếng chim đêm kêu thảng thốt ngoài cánh rừng, nghe thật gần; có cả những tiếng lộc cộc đều đều như có người cầm búa gỗ gõ lên thân cây mục. Những âm thanh và gió ngái lạnh kéo sụp hai mắt người khách lạ bằng tiếng thở nặng, gãy khúc.
Giấc ngủ chập chờn đu đưa qua lại trên mẫu xương cá nhọn vây quanh ngọn đồi. Những tiếng lộc cộc vỡ toác ra, rít lên the thé, vỡ toang tiếng nổ bên giao thông hào. Đất đá khạc ra màu đỏ của lửa rực và máu, còn bên trên, tít trên cao kia là chiếc chổi của mụ phù thuỷ xịt từng cột khói đen ngùn ngụt, lúc cao lúc thấp cùng với những tiếng nổ đến trời long đất lở.
Cả đại đội của anh chẳng khác gì bầy gà con bị ném vào vũng cỏ rối. Bên dưới kia, trong các khe lũng, dòng suối, đối phương trùng trùng lớp lớp ào lên như thể những đợt sóng thần dựng đứng và bổ ầm xuống. Hết đêm lại ngày. Từ ngày này qua ngày khác. Cái chảo lửa khổng lồ ấy hừng hực thiêu đốt cả trăm sinh mạng, đẩy ngược từ phía lưng núi gãy lên tới đỉnh bằng kèm theo những tiếng nổ xé nát núi rừng. Cả đại đội chỉ còn mươi người không lành lặn, co cụm về phía các hốc đá như những mộ huyệt định mệnh, không còn đủ sức chống đỡ đối phương băng lên. Trên cao kia là những chiếc chổi lem luốc và những con mụ phù thuỷ lem luốc dữ dằn không ngớt khạc nhổ những bãi nước bọt trắng xanh, tanh lợm xuống đỉnh đồi.
Cứ điểm 635 trở thành vũng bùn nhão nhoét. Thân thể anh bị hất tung ra khỏi hốc đá. Khẩu súng trên tay hình như biến thành con cá núi lặn tít xuống vực suối sâu. Sau đó, thân thể mọc ra đôi cánh, từ từ bay lên chóp trời mây trắng và tan loãng thành những hột nước mưa ngập ngừng rơi không đến mặt đất.
Anh nghe miệng mình khô khốc và đắng nghét. Toàn thân như thỏi sắt nung. Chung quanh yên tĩnh đến rợn người. Ngày hay đêm sau đôi mắt khép cứng? Hình như có ai đó bỡn cợt dùng cây lẹm khâu kín hai mí mắt bằng sợi thép gai? Và anh đang ở đâu?
Mắt không mở. Cả người cứ lạo rạo như những hạt sỏi nhỏ, dần súc trong chai. Đôi chân thành hai tảng đá. Hình như cả tay cũng hoá đá? Đầu cứ lụp bụp lói nhói những hột bắp bị ghè lăn trong đường rãnh cối xay đến nát ngứu.
Ngày và đêm không còn xù xì hình dạng. Mọi tiếng động trước đây đều im bặt. Im lặng đến có thể kéo nhổm cả cánh rừng bạt ngàn bay qua miền đất không có tên tuổi..
Lại lịm đi. Lại tỉnh dậy. Có tiếng rên yếu ớt đâu đây. Tiếng từ lồng ngực vỡ của mình thoát ra hay tiếng xương gãy khua chạm vào nhau? Mắt vẫn bị xâu kín. Tay chân không thể động cựa. Một sinh vật nhỏ bé áp vào thân thể anh âm ấm, thì thào “nưưư…ươ…”. Tiếng kêu mỏng manh như sương như khói, đứt quãng như một mảng mây mỏng bị trận cuồng phong kéo lên dập xuống đến tả tơi.
Thời gian trôi qua không biết bao lâu, nhưng giờ thì anh nhận ra, quanh quất đâu đây là mùi khói đạn, mùi nhựa cây, đá bị thiêu cháy trộn lẫn với mùi máu khô nồng nặc. Đầu óc anh nhận biết được rằng cả ngọn núi này đã thành tro bụi. Mọi sinh vật đều bị nghiền nát. Tiếng thì thào lại nổi lên. Anh cố sức quay về phía phát ra giọng nói yếu ớt, cố hết sức mở hai mí mắt một cách khó khăn và đau đớn. Theo bản năng, anh lần bàn tay vào thắt lưng và nhận ra chiếc bình đông nước còn đeo dính bên hông. Đất đá phủ kín người. Phải khó khăn lắm mới cong được tay gạt lớp đất đá, lần vào thắt lưng, chỗ có chiếc bình đông nhướng mắt về phía vừa phát ra những âm thanh méo mó khi nãy. Nhưng anh không còn cảm giác gì nữa, rồi lả đi, chìm trong cơn sốt chói loà màu đỏ lẫn với màu vàng cam nhảy nhót, quay cuồng. Bất thần một trái bom (hay một tảng đá) dội thẳng vào người anh, nát ngứu… Anh cảm thấy mình nhẹ tênh như một chiếc lông con thiên nga tự trời cao chao lượn mãi mãi trong khoảng không bềnh bồng mây trắng, mênh mông...
“Hình như anh đang lên cơn sốt. Anh đang kêu khản giọng câu gì đó không thành tiếng. Người nóng quá. Anh bị sốt rồi”, chủ quán nói với khách vừa lay lay một bên vai. Khách mở choàng mắt, chống tay ngồi dậy: “Lại những giấc mơ hãi hùng”. Cặp mắt không còn thần sắc ngó dáo dác ra bên ngoài, trong khi chủ quán chạy vội vào trong. Lát sau trở ra trên tay cầm chiếc khăn vải bọc những thỏi đá nhỏ. Chủ quán chà xát lên mặt lên cổ khách như thể một người thân lâu ngày, quá lâu ngày, trở về. Trời vẫn còn tối đen. Gió sột soạt luồn vào vách ván lạnh ngắt. Khách có vẻ dịu lại đôi chút. Chủ quán: “Để tôi pha cho anh ly cà phê”.
Bây giờ thì người khách lạ đã tỉnh táo chút đỉnh. Anh ta ngồi dậy, cuộn tấm bạt, chăn gối đặt ngay ngắn lên ghế. Hai ly cà phê bốc khói trên mặt bàn gỗ ghép bằng những mẫu ván bìa. Chủ quán lại rút thuốc châm lửa như một thói quen không thể dừng. “Hồi nãy anh kêu hãi hùng…?”. “Tôi luôn bị những giấc mơ kinh hoàng xuất hiện trong giấc ngủ từ hơn ba mươi năm nay. Nó lì lợm như một gã ăn xin truyền kiếp”. “Giấc mơ? Có những giấc mơ đẹp và những giấc mơ làm con người chết khiếp. Mà sao anh toàn mơ thấy những điều kinh hãi…?”. Khách rụt chân lại, đầu gối chạm lên mép bàn kêu thành tiếng. Suy nghĩ một lúc, khách lên tiếng: “Cái người đàn ông mà ông nghe nói đó là tôi. Chính là tôi”. “Anh đi tìm gì?”. “Ngọn núi chư chư Đ’rắk đó là nơi tôi bị ném xuống như người ta ném một viên sỏi cách đây hơn ba mươi năm. Sau khi tốt nghiệp trường Luật, tôi bị động viên, rồi trực thăng thả chúng tôi lên đỉnh núi tử thần này. Đó là một ngọn núi chiến lược. Bên nào chiếm giữ được nó coi như khống chế toàn bộ cả vùng rừng núi bao la trải dọc mạn tây-bắc thành phố, và hơn hết nó là cái nút chai bịt kín, ngăn không cho đối phương tràn xuống đồng bằng ven biển. Nó là cái yết hầu. Được là có tất cả. Mất là mất tất cả. Hai bên quần nhau từ ngày này sang tháng khác. Chúng tôi có phi pháo yểm trợ tối đa, còn đối phương thì có núi rừng điệp trùng, có những gộp đá che chắn cùng với sự gan dạ liều lĩnh…Bất phân thắng bại bỡi đồ tiếp tế (súng đạn, nước uống, lương thực…) từ trên cao thả xuống đỉnh núi chỉ đến được tay chúng tôi phân nửa. Phần còn lại là cánh quân lẫn trong màu lá rừng. Cả hai đều được tiếp tế đầy đủ nên tha hồ quần thảo nhau như thuở nhỏ chơi trò cút bắt. Tới một đêm mưa lắc cắc, cái lạnh của khí đá tràn về cũng là lúc họ dồn tất cả mọi hoả lực tấn công lên vành đai phòng thủ. Hình như họ từ dưới lòng đất chui lên, từ các cành cây hay trời cao bay xuống. Vành đai phòng thủ phía đông-nam bị vỡ, rồi tiếp tới mạn sườn phía bắc. Vậy là bao nhiêu bom đạn từ các chiến đấu cơ điên cuồng đổ xuống như vãi cát. Một ngày u ám, một ngày rung lên và bắt đầu cuộc giết chóc man rợ nhất: xoá sổ cả đại đội để xoá sổ luôn quân địch. Các đại đội trưởng, đại đội phó đều tử thương, trung đội đều tử thương. Tôi là chuẩn uý mới ra trường nắm quyền chỉ huy 14 người lính sống sót, mình mẩy đầy thương tích. Chúng tôi không đủ hơi sức chống đỡ hoả lực từ bên dưới bắn lên, từ trời cao dội xuống. Ngày tàn của kiếp người đã hiện rõ, thật rõ theo những chùm bom lấp loá trong ánh sáng hoả châu. Và không hiểu sao, tất cả 14 con người sắp về với cát bụi kia cùng một lúc hướng mũi súng lên trời cao bắn như điên như cuồng vào cõi trống không, như thể thoả mãn chút hận thù cay rát đang nhú mầm. Bỡi kẻ thù của chúng tôi lúc ấy, chính là những chiếc chổi nhớp nhúa trên cao kia chứ không phải quân đối phương đang tiến lên, cũng không phải chủ nghĩa, ý thức phản tỉnh này nọ. Sự sống và cái chết như một cành cây giữa giông bão. Mà bản năng con người luôn giành lấy sự sống trong tình cảnh khắc nghiệt trước mặt. Và rồi điều tệ hại nhất đã đến: hàng loạt bom tấn cuối cùng cũng dội cả lên đầu chúng tôi, lên tất cả những ai còn thở trên đỉnh núi. Những người lính của tôi, người ngã vật ra máu phun thành vòi, người bị nhấc bổng lên cao rồi rơi xuống như thể người ta cầm con cóc ném lên cao. Phần tôi chỉ kịp nghe một tiếng nổ long trời lở đất và một cột lửa bốc cao để thấy mình đang bay vào cõi chết tức tưởi, ô nhục nhất của tuổi trẻ”.
Chủ quán nhìn người khách lòng trĩu nặng, ái ngại. Chiếc bật lửa và điếu thuốc cầm sẵn trên tay, nhưng lửa không đốt lên, khói không bay ra. “Ơn trời phật, anh đã thoát chết, như…ưưng…”. Chủ quán ngập ngừng, bỏ lửng câu cuối. Khách nhìn chủ quán, hàm ơn sự cảm thông, chia sẻ. “ Tôi không biết tại sao mình sống sót trong cái chảo lửa khổng lồ kia. Khi mở được mắt, cử động được chân tay việc đầu tiên là vẹt những lớp đất đá phủ kín người nằm bên cạnh. Không phải là người lính mà một cô gái. Túi cứu thương vắt ngang ngực cô ta có hình chữ thập đỏ ướt đẫm máu. Quần áo cô ta rách toạc, mặt mũi đen nhẻm như anh lính cứu hoả vừa từ đám cháy dữ dội phóng ra. Tôi rút chiếc bình đông nhỏ từng giọt nước nhỏ vào miệng, dùng vạt áo rách lau mặt mũi…rồi tìm vết thương trên người: bàn chân bị dập gãy, bên hông sượt một vết sâu. Những vết thương trên người cô gái không rõ có phải do mảnh bom đạn hay là những vết cắt, dần của những mảnh đá vỡ xán vào. Máu me đầm đìa. Tôi nắn đến đâu cô ta cong người lại đau đớn tột cùng. Tôi mở túi cứu thương thấy có cả dao kéo và thuốc nhưng chẳng biết phải làm gì với chúng. Tôi dùng băng cá nhân từ chính chiếc túi xách trên người cô băng bó các vết thương, nhưng máu cứ chảy ra như những mạch nước trong các khe đá. Tôi chỉ làm được có vậy. Chung quanh không còn ai, không có gì để có thể cứu cô gái tỉnh lại và bớt đau đớn. Tôi bất lực, đầu óc mụ mị đông cứng. Lâu sau cô ta ú ớ: Đôô… ồng chí bị thư…ng n…ăặng khô… ông. Tôi nâng đầu cô lên ghé vào tai nói bằng chút sinh khí yếu ớt: Cô can đảm lên. Sẽ có người đến cứu. Cô ta mở mắt nhìn tôi và kinh hãi đến tột độ qua ánh mắt tôi nhìn thấy, thì thào: Còn chờ gì nữa, ông giết tôi đi, quân ba…án . Tôi siết thật chặt bàn tay nhỏ nhắn của cô gái cứu thương giọng phấn khích: Chúng ta đều là những nạn nhân khốn khổ… Không rõ cô có nghe được câu tôi nói không. Tôi chắc là không bỡi cô lịm đi, hơi thở thoi thóp. Trời bắt đầu mưa lắc cắc, gió lạnh lùa về mang theo bóng đêm ghê rợn. Với chút hơi sức còn sót lại, tôi mở chiếc áo chống đạn đắp lên người cô, kéo những cành cây gãy phủ lên che mưa, chắn gió. Nửa đêm gió lạnh dữ. Cô gái kêu khát. Tôi mở nắp bình đông với niềm hy vọng sẽ có người đến, dù bên này hay bên kia để cứu cô. Vì trong giờ phút ấy, tôi nghĩ bên nào tìm thấy chúng tôi, vấn đề thù hận, chính trị sẽ không còn là chuyện hệ trọng. Hai sinh linh thoi thóp kia cần được sống bỡi họ còn tuổi trẻ, họ còn ngày mai.
Bả vai trái của tôi bắt đầu đau nhức ghê gớm. Tôi có cảm giác như chiếc áo trận nơi bả vai cứ phồng lên từng giây từng phút. Cô gái bắt đầu mê sảng, sốt hầm hập. Bằng hơi thở yếu, giọng đứt khúc cô nói: Đồng chí làm ơn lấy cái ví trong túi áo. Nhà tôi ở phố chợ Hôm. Tấm ảnh gia đình…. Phải khó khăn lắm tôi mới nghe hết. Tôi kề sát vào tai nói không sao cả, cô sẽ được cứu, cô sẽ được trở về với gia đình, chúng ta sẽ được cứu sống. Đồng đội của cô sẽ đến ngay. Một lúc sau giọng cô bất thần vụt sáng chói như chiếc bấc đèn giữa đêm gió lạnh cắt da: Bên trường Y, em còn…. Tôi kề tai sát môi cô gái nhưng không nghe được gì nữa. Cô cong người lên, tay bấu chặt vào người tôi. Tôi vội vàng ôm người cô nhưng thân hình mỏng manh đầy máu me kia nguội dần, lạnh dần sau tiếng nấc nghẹn.
Đêm tối đen. Gió vi vút thổi qua ngọn đồi tan nát. Đất đá rơi xuống. Tôi không biết cả hai đang nằm ở đâu, trên đỉnh, lưng chừng núi hay đáy vực. Tôi ôm xác cô sinh viên trường Y và khóc. Tôi khóc vì sự bất lực của mình. Tôi khóc vì sự tàn nhẫn của chiến tranh, phi lý của một kiếp người, lòng hờn oán…Tôi khóc đến kiệt sức trong cơn đau đớn vật vã và rồi cũng chết lịm đi với cô sinh viên trường Y còn quá trẻ. Tuổi trẻ của chúng tôi.
“Chiến tranh thì ở đâu và lúc nào cũng vậy…, chủ quán thở dài với giọng buồn bã, trước tôi cũng ở binh đoàn Hương Giang, cũng từng chứng kiến cảnh vật vã của thương binh miền Nam, của đồng đội chúng tôi sau những trận đánh. Tôi cũng nhìn tận mắt cái chết của họ trên tay, tôi đã nhìn thấy nụ cười của họ khi nhìn tôi trong giây phút cuối cùng. Nhưng khốn thay những nụ cười ấy không làm cho chiến tranh ngưng lại cho tới khi…”. Khách ngạc nhiên nhìn chủ quán với cái nhìn đồng cảm. “Tôi định bụng khi tỉnh dậy sẽ dùng chút sức thừa còn sót, đào cho cô ta một mộ huyệt, sẽ xếp những viên đá bị bom dội nát kia thành một nấm mồ tuyệt đẹp nếu có thể, nhưng điều đó đã không đến, không bao giờ đến được; cũng như từ khi tôi phát hiện đến khi cô tắt thở tôi luôn cầu khấn cho cô qua được cơn đau đớn khủng khiếp, cô sẽ sống và trở về với gia đình, với những người thân yêu. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Lòng thành của tôi không thấu trời cao…”. “Rồi phép màu nào anh được cứu sống?”, chủ quán hỏi.
Khách xoay ly cà phê nguội ngắt trong lòng tay. “Đó là một bi kịch của đời tôi. Thay vì chết tôi đã sống. Thay vì sống để tự tay chôn cất cô gái xấu số kia thì tôi lại mất tất cả: Tỉnh dậy tôi thấy mình được nằm trên chiếc giường trắng tinh, người được băng bó như đang khoác tấm áo choàng lông trắng, sợi dây dài lòng thòng chuyền sự sống vào người tôi… Nước mắt tôi ứa ra. Lúc này tôi tỉnh táo hoàn toàn dù khắp người vẫn đau đớn. Những gì hiện ra đầu tiên trong đầu óc tôi lúc đó không phải là cha mẹ, anh chị… mà là cô sinh viên Y Khoa kia. Cô không đáng phải nhận lãnh cái chết như thế. Và điều tệ hại nhất khi tôi xuất viện (trên một chiếc tàu của hải quân Mỹ ngoài khơi) tất cả quần áo, vật dụng cá nhân đã biến mất. Chiếc ví cô gửi gắm cũng biến mất. Trong đầu tôi chỉ còn mấy từ chợ Hôm, trường Y... Tôi gào lên như một đứa trẻ bị mất đồ chơi. Tôi kêu chúng phải tìm trả cho tôi bằng được những thứ ấy, nhưng cái thằng y tá (hay bác sĩ?) há những chiếc răng trắng ởn: Are you nuts? I don’t know (*). Tôi nhảy bổ ba bước chụp hụt hắn, té lăn xuống sàn.
Chiến tranh thì có tội với tuổi trẻ. Còn tôi thì có tội với cô gái không nhìn rõ mặt, cũng không biết được tên tuổi, bỡi tôi đã không thực hiện được lời gửi gắm cuối cùng. Sau những tháng năm cải tạo, tôi đã tìm đến chợ Hôm, đi quanh các con phố, nhà nào cũng gõ cửa nhưng ai cũng lắc đầu. Thậm chí có người nghe tôi dài dòng về nhân thân và mục đích cuộc tìm kiếm, họ tỏ vẻ thương xót, cũng có lúc có người quay mặt đi cố giấu đi những cảm giác khó chịu. Hơn tháng trời không sót ngõ ngách nào. Cuộc tìm kiếm như cách để tôi trả nợ lần cuối cho cô, cũng rơi vào cõi trống không, vô vọng. Tôi ân hận vô cùng và luôn sống trong những mặc cảm bất lực, luôn bị dày vò.
Chủ quán tới lúc này mới đốt điếu thuốc nhưng cứ giữ mãi giữa hai ngón tay. Vòng khói trắng la đà cất lên rồi tan nhanh trước mặt hai người. Vòng khói như có như không kia khiến người khách chạnh lòng nhìn sững.
Khách đột ngột đứng lên, chìa bàn tay khẳng khiu về phía chủ quán: “Cảm ơn ông đã cho tôi ngủ nhờ một đêm. Giờ thì tôi phải lên ngọn núi kia”.
Chủ quán bóp chặt tay khách, không nói câu nào, yên lặng nhìn người khách lạ khoát túi xách lên vai, bước ra khỏi quán với đôi vai lệch làm cho những chân nhang màu đỏ nhô trên miệng túi đeo lủng lẳng trên vai cứ nhảy nhót theo từng bước chân khập khễnh của ông ta./.
Nhất Hạnh * Chú Dương
Thời hạn giữ bò của tôi đã qua. Bò được giao lại cho chú Dương. Chú Dương đã gần bốn mươi tuổi, rất mạnh khỏe, tu từ bé tí nhưng đến nay chỉ lên đến chức Chú mà thôi. Chú có tật tay trái nên làm gì Chú cũng chỉ sử dụng tay phải. Chỉ một tay thôi mà chú có thể làm được hầu hết tất cả mọi việc. Chú có thể buông gàu xuống giếng múc nước rồi kéo kên bằng một tay, cuốc đất bằng một tay, hái củi bằng một tay. Tay có tật chỉ có thể giúp Chú như một điểm tựa. Chú hay cười, và cái cười rất dễ mến. Điệu nào cũng thân với Chú. Chú là một nhân vật đặc biệt trong chùa và là một người đã giúp tôi suy nghĩ rất nhiều đến sự cần mẫn và đức tin vững chãi nơi những cố gắng đều đều ở hiện tại.
Điệu nào cũng phải qua một thời gian giữ bò và khi thời gian hết thì bò lại được trao cho chú Dương. Trong những thời gian không giữ bò, chú Dương đi làm những việc khác. Chú vui lòng làm tất cả những việc gì mà các Thầy yêu cầu. Dì Tư hay nhờ Chú đi gánh giúp ít đôi nước hoặc đi kiếm ít củi. Chú ít có mặt trong những buổi nói chuyện thân mật của từng nhóm trong đại chúng.
Chỗ của chú ngủ là lầu chuông. Chú giữ việc thỉnh chuông khuya, vừa thỉnh chuông vừa ngâm kệ. Tiếng ngâm của chú đầm ấm mà rất tha thiết, có lẽ tha thiết hơn bất cứ tiếng của ai trong chùa:
“Hồng chung sơ khấu
Bảo kệ cao âm
Thượng thông thiên đường
Hạ triệt địa phủ ...”
Trong đêm khuya, tiếng ngâm kệ của Chú làm cho cả chùa ấm áp. Tôi cũng thức dậy từ tiếng khai chung thứ nhất và dù trời lạnh lẽ cũng phải chui vào cái bếp nhỏ phía giữa nhà hậu và liêu phòng của Lạc Nghĩa Đường mà nhóm lửa nấu trà hầu thầy. Khi bếp lửa đỏ rồi tôi mới hết run. Tôi hơ tay trên lửa và lắng nghe tiếng chú Dương xen lẫn với những tiếng đại hồng chung ngân dài, và đôi khi dồn dập:
“Văn chung thinh
Phiền não khinh
Trí tuệ trưởng
Bồ đề sinh ...”
Boong ... tiếng chuông khuya sao mà tinh tiến thiết tha, như tiếng kệ của chú Dương không khác. Không ai nghe tiếng đó mà không choàng dậy để lo sửa soạn ngồi thiền hoặc đi công phu. Mỗi khi có người ngủ quên không nghe cả tiếng chuông, chú Dương thường nói: ngủ quên không nghe tiếng chuông thì không sao, nhưng nếu đã thức mà nghe không dậy, tội to lắm. Tội ấy là tội kiếp sau làm rắn, chỉ nằm hoài mà không đứng dậy được. Rồi chú đọc câu kệ:
“Văn chung ngọa bất khởi
Hộ pháp thiện thần sân;
Hiện thế duyên phước bạc
Lai thế thọ xà thân”.
Nghe mà muốn ớn lạnh xương sống. Không ai dám trùm chăn mà ngủ thêm nữa, khi nghĩ đến mấy câu kệ ấy!
Cả chùa dậy lúc bốn giờ sáng mà trong khi tôi hoặc chú Mãn nấu trà thì chú Dương đánh chuông, chú Giải lo việc hương dâng. Chuông đánh trong khi các Thầy ngồi tham thiền. Rồi khi chuông gần nhập, nghĩa là dứt, thì các Thầy ra khỏi phòng, uống trà và sửa soạn đi công phu sáng. Những ai không đi công phu thì lo học bài. Chú Dương cho rằng chú phải đi con đường “tu phước” hơn là đi con đường “tu huệ” cho nên không chịu học thêm nữa mà chỉ lo làm công quả, thỉnh chuông và đi công phu. Khi chuông sớm đã “nhập’, chú vào chùa theo cửa hông và đi công phu với đại chúng. Tôi đứng chấp tay ở phía trước và nghe rõ tiếng tụng kinh rất thiết tha của chú. Có khi chú không theo kịp tiếng mõ nhưng mà chú rất chịu khó lắng tai nghe để hòa tiếng kinh của chú vào trong tiếng của đại chúng.
Sau này ở Phật Học Đường Báo Quốc, tôi hay về thăm chùa mỗi nửa tháng, và dầu đã lên chức Chú, đã học “giỏi” hơn chú Dương nhiều, tôi vẫn kính trọng Chú như đàn anh. Tôi thường nói riêng với chú Mãn: “Mình có cơ duyên học nhiều, nhưng sự trì chí của mình chắc chắn là không bằng của chú Dương. Biết đâu một kiếp nào đó gặp lại chú, mình phải công nhận rằng mình tuy đi mau nhưng lại tới trễ”. Và có một bữa nhìn chú Dương đóng chuồng bò, tôi nói với chú: “Khi nào chú thành Phật chú nhớ độ cho tôi với nghe chú Dương”. Câu nói thành thật nhưng mà chú tưởng là tôi nói đùa. Chú cười có vẻ hoan hỷ. Tôi tức quá, nói: “Thật đó, tôi nói thật đó mà chú Dương”.
Nhưng mà Chú vẫn không tin. Tôi đành chịu vậy. Tôi nhớ lại câu chuyện “vận thủy bang sài” ngày xưa của tổ Huệ Năng. Tổ thật ra có học hành gì đâu, nhưng nhờ căn trí mà “huệ” đã phát ra một cách tự nhiên, nhờ công việc gánh nước, kiếm củi, giã gạo. Y và bát tượng trưng cho sự đạt đạo đã được tổ Hoằng Nhẫn truyền cho Ngài. Tôi có cảm tưởng rằng đi đâu, mấy mươi kiếp về sau trở lại chùa, tôi vẫn gặp chú Dương với phong độ, nụ cười và niềm tin cũ. Chú Dương như một cây đại thọ nhiều hùng lực, khiến tôi say mê.
Chẳng có khi nào chúng tôi đem giáo lý “cao siêu” mà nói cho chú Dương nghe. Tôi có cảm tưởng Chú không cần giáo lý cao siêu. Chú thường nhìn chúng tôi và nói: “Tôi mừng mấy Chú được có cơ duyên học tập cao xa. Tôi thì bao giờ cũng vẫn như thế này”. Chú không biết rằng chúng tôi chẳng hề tự hào chút nào về cái học “cao xa” của chúng tôi cả. Chúng tôi chỉ biết sau này mỗi khi ngắm Chú, tự nhiên trong lòng cảm thấy hơi bâng khuâng và e ngại. bâng khuâng và e ngại vì không biết mình sẽ có được vững chãi mãi mãi trên con đường cam khổ như chú Dương hay không; và chỉ cần nhìn nơi Chú thôi, chúng tôi cũng biết rằng đời Chú sẽ còn vững chãi mãi mãi như thế.
Chuông tối phải thỉnh đủ một trăm lẻ tám tiếng, Chú Dương, tôi biết, rất cẩn thận về điều đó. Dưới giá chuông có giăng một sợi dây thép mang một trăm lẻ tám cái thẻ. Mỗi khi thỉnh một tiếng chuông, chú kéo một cái thẻ từ trái sang phải, như vậy cho đến khi nào đủ một trăm lẻ tám thẻ thì chú mới đọc kệ “nhập chung”. Chuông sáng bao giờ cũng dồn dập hơn chuông chiều. Chuông chiều thì phải hết sức khoan thai. Chú Dương nói: Chuông sáng phải dồn dập hơn để thúc giục các người khuất mặt trở về cõi âm trước khi trời sáng. Riêng tôi thì tôi thấy tiếng chuông dồn dập buổi sáng có công hiệu thúc đẩy và đập tan sự biếng lười.
Chú Dương chỉ có một cái tật nhỏ thôi là tật hút thuốc. Nhưng có lẽ đối với chú Dương, điều đó không nên gọi là một cái tật. Đó là một cái gì cần thiết ấm áp cho chú, cũng như tình bạn cần thiết giữa tôi và chú Mãn. Cái tình bạn ấy không phải là một cái tật hay sao? Nếu chú Dương thiếu thuốc, chú sẽ cảm thấy thiếu thốn và khó chịu. Chúng tôi cũng thế, một ngày mà hai anh em không được có dịp nói chuyện với nhau thì thật là thiếu thốn quá.
Vì hút thuốc cho nên chú Dương phải trồng một đám thuốc ở khoảng vườn phía sau mấy ngôi cổ tháp. Những cây thuốc lên xanh um, có những lá thật to bản. Chắc thế nào chú cũng có bón bằng phân bò và phân bổi. Có những buổi trưa tôi thấy chú hái thuốc về và ngồi sau hiên nhà hậu để xâu những lá thuốc vào từng xâu dài treo hóng dưới nóc liêu. Những xâu thuốc sẽ héo dần trong bóng mát thẫm mầu. Rồi có những buổi chú đem thuốc xuống, tước cuống đi và cuộn thành từng cuộn chặt, dài, và khoanh thành tửng khoanh tròn. Từng đó việc, chú chỉ cần làm một tay. Cho đến khi xắt thuốc, chú cũng chỉ làm một mình. Chú vấn thuốc rất tài. Những buổi trời mưa lùa bò ra núi, chú luôn luôn có một điếu thuốc trên môi cho ấm, tuy thế chú chẳng bao giờ hút thuốc trong những cần phải nghiêm trang. Trời có lạnh mấy đi nữa thì chú cũng không hút thuốc trong khi chú thỉnh chuông.
Có những buổi sáng tôi đi theo chú ra núi hái củi. Cầm một chiếc khèo dài chú khèo những cành thông khô thật cao xuống. Thông gãy răng rắc làm chúng tôi phải tránh ra xa. Thế rồi tôi gom góp những cành thông khô lại và hai chúng tôi vác mỗi người một ôm củi khá lớn về chùa.
Trong lúc tôi viết bài này thì chú Dương vẫn còn ở chùa, mạnh khỏe như một cây đại thọ, tuy rằng tuổi chú đã cao. Chú Dương thuộc về thế hệ của những người không phải bận tâm về vấn đề thời cuộc. Chú không phải và nghe những điều chú Mãn và tôi phải thấy và nghe. Chúng tôi phải nghĩ đến những điều rắc rối như là vấn đề duy tân đạo Phật, đem đạo Phật trở lại trong cuộc đời như thuở Lý Trần. Chúng tôi phải nghĩ đến vấn đề học hỏi, thực tập, thi cử, giảng diễn và tổ chức lại giáo hội. Chúng tôi phải lo nhiều việc quá mà không biết có nên được việc gì không. Con người của chúng tôi bị thực tại xã hội xâm chiếm quá nhiều, và trong chúng tôi niềm thắc mắc chung của thời đại đã trở thành niềm thắc mắc riêng tư. Cho nên tôi càng thấy nếp sống bình tĩnh và vô tư của Chú Dương là quý hóa. Thế hệ Chú có quyền nghĩ đến vấn đề của bản thân và giải quyết vấn đề đó như vấn đề quan trọng nhất của cuộc đời. Mà thực ra thì con người phải có quyền như thế. Trong khi viết những dòng này, tôi biết tâm hồn tôi không được an tĩnh bằng tâm hồn chú Dương. Đó là một điều tôi thấy thua chú, khiến tôi ước ao. Có lẽ đọc những dòng này, Chú sẽ mỉm cười cười cho là tôi lắm chuyện, nhưng thực ra, thế hệ chúng tôi vô phước hơn thế hệ của Chú nhiều. Làm sao chúng tôi có thể đóng lại chiếc cửa sổ đã mở ra cho chúng tôi nhìn vào cuộc đời, cuộc đời đầy dẫy những vấn đề, cuộc đời đã khiến cho người trai trẻ Tất Tạt Đa băn khoăn thao thức tìm phương cứu độ?
Tuesday, December 4, 2012
NGÔ NGUYÊN NGHIỄM * TIẾNG GIÓ
Tiễn biệt Song Thân đi vào cõi nhớ
(21.08 âl. 1988 và 22.11âl. 1997)
*
Dốc Tây sườn núi đá ngổn ngang
Hơi nổ nào còn vương nội cỏ
Hiện trường phảng phất tiếng chim rền
Bốn phía hoa nho phơi thắm đỏ
Trung thu sao lạnh tiết mưa bay
Sấm chớp giăng giăng đầy sông Hậu
Đường trăm cây số nhạn bay về
Đáy suối soi mình hồn ứa máu
Dẫu biết chiều tà bóng tịch dương
Tránh đâu sương khói không phả đất
Mống trời treo vắt tận biên cương
Chở bóng lạc vàng ngựa vun vút
Đêm xuống phù dung nở lẻ loi
Thang mây áo nguyệt mờ một cõi
Sóng bủa chân cầu thương bèo trôi
Tăm tắp phương trời, đời mấy lối?
Áo gai phếch gót, ngọn đèn lu
Le lói nhập hồn sao mới rụng
Cát bụi bay theo gió tung mù
Xa cách nghìn trùng hơi lửa ấm
Con kênh biên giới thật xa xôi
Nỡ chảy thênh thang quanh trí nhớ
Bới giữa tro than tìm lấy hơi
Chỉ thấy gậy già treo góc xó
Lãng đãng đàn mây trắng tháng năm
Che ngang vầng trán nên trăng khuyết
Đời thường nào khác bánh xe lăn
Kéo bóng hoàng hôn rơi rả rít
Âm thanh rền nát đá Đầu Bờ
Khe núi mọc đầy hoa thiên tuế
Ngoảnh lại cánh buồm từ cơn mơ
Quầy quã ngược xuôi dòng nhân thế
Thương người lạc lõng gió ngàn mây
Đêm tạnh sao giăng quanh dế rí
Trên đỉnh tháp vàng hương còn đây
Gạch rụng mơ hồ lên mộng mị
Hôm nay nằm ngủ giữa đồng hoang
Dờn dợn quanh hồn đầy khí núi
Vó câu vỗ cánh lá phơi vàng
Tiễn gót thiên thu về cát bụi
Mái trăng hiu hắt còn gác hờ
Ngựa đạp cầu sương chờ cố chủ
Gươm tặng treo lên nhánh cây khô
Nghĩa tận đau lòng cành liễu rũ
Đánh rớt bên đời chút đá vàng
Sư tử đành về rừng núi cũ
Bờm vàng chau tiếng hống thênh thang
Cát bụi ngàn năm theo gió hú
Bấm tay nhẩm tính chặng đường qua
Dấu chân người đẹp như sử ký
Mong manh sợi khói lã quê nhà
Ráng vàng hừng hực tiếng ngựa hí
Đêm trường mới hiểu giọt chiêm bao
Nhễu xuống hồn trăng lời vạn cổ
Đèn nghiêng vách nhỏ bóng bạc đầu
Vi vút ngoài hiên rền tiếng gió…..
NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
|
Subscribe to:
Posts (Atom)