văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, January 9, 2013

Cung Tích Biền * QUA SÔNG

truongthithinh

 

1
Dòng họ Trần Liêu vào định cư ở bờ Bắc sông Thu một thời gian lại gặp chuyện chẳng lành. Mấy năm liền, mùa hè như trong lò thiêu, mùa đông như băng giá, khí hậu khắc nghiệt, khắp nơi bị lụt lội, hạn hán, mưa đá, bão tố; lúa đang đòng đòng sâu bọ ăn hết, kiến vàng làm tổ trong măng tre măng trúc; giếng nước có rắn, dọc bờ sông cá sấu phơi mình trên cát; giữa trưa khô khốc từng bầy voi lang thang đi tìm nước dọc bờ sông trắng. Gió rao truyền những tai ương, và biển bủa sóng báo hiệu của hoang phá điêu tàn.
Về mặt nhân văn, con người không tin vào những điều thực tế; nhưng những cảm ứng tâm linh không còn chân chính; nó bị tác động, xua đi theo dấu chân tà thuật. Đó đây mọc lên lời kinh cầu, sấm truyền. Những phù thủy dạy cho con người những u muội, xuyên tạc, đẩy đạo lý đến cửa ngõ của dị đoan mê tín. Người ta thờ những con rắn hai đầu, gà bốn chân, cua mặt người, cọp biết nói. Tin đồn loan truyền, những đồng dao, những mẫu chuyện châm biếm cứ mọc cánh bay đi, tụ hội với trăm nghìn hoang tưởng, làm cho xã hội hôm ám càng nhuốm màu hoang đường. Bọn đồng bóng có nơi ăn chốn ở, quân ma mãnh giàu sang, kẻ trí thức thất sủng sống âm thầm thui chột. Óc tim tẩm độc.

Trần Liêu vay nợ Phú Hào nhiều năm vốn lãi chất chồng không sao trả được, Phú Hào đòi cào nhà và cùm gông Trần Liêu giải lên quan huyện. Trần Liêu đành đem cô gái Út xinh đẹp – Cô Giao Châu – mười bảy tuổi gả làm hầu cho Phú Hào trừ nợ. Kỳ hẹn mười năm Hào trả Giao Châu lại cho Liêu. Nào ngờ, sau đó Phú Hào đem Giao Châu nộp cho quan Huyện, gọi là món lễ vật quý giá. Quan Huyện mê mẩn Giao Châu đến quên cả vợ, nên người vợ tìm cách giết Giao Châu bằng thuốc độc.

Mãi mấy năm sau Liêu biết chuyện, tới huyện đường kêu oan. Huyện phán, “Người đem con gái nạp cho Phú Hào trừ nợ. Vậy, con gái ngươi là món hàng, ai dùng chẳng được. Hàng đã dùng thì có hư hao, sao đòi?” Liêu kêu oan mãi, lại khóc nức nở vì thương con gái. Quan tức giận sai quân lính nọc Trần Liêu ra giữa sân nắng mà đánh ba mươi hèo, rồi đuổi về. Quan Huyện bày trò nhân từ cho Liêu tiền, Liêu không nhận.

Mang một cái đầu căm uất và một cái lưng máu về nhà, Liêu nói cùng vợ con: “Bỏ xứ mà đi thôi”. Vợ Liêu can ngăn: “Mình là dân, phải biết nhịn nhục mà sống, sao bỏ làng nước ra đi. Đi đâu, về đâu?”. Cậu con trai cả của Trần Liêu nói: “Quan hà khắc thì giết lũ quan ấy đi!”. Cậu Út nói theo cách huyễn mộng của mình: “Ta sống không cần vua quan có được không?”.

Rõ ràng bốn người bốn quan điểm khác nhau. Liêu muốn từ bỏ một nơi chốn khắc nghiệt để tìm đến một miền đất lành, như vượt sông Thu vào phía Nam chẳng hạn. Người vợ tòng quyền, nhưng không muốn rời bỏ nơi có mồ mả cha anh; nghĩ về những lao lung của dĩ vãng, bà rất sợ những cuộc ra đi tìm đất Hứa. Cậu con trai cả rõ là muốn nổi loạn, dù đẫm máu, nhưng nó làm sạch triều đình. Cậu Út có khuynh hướng vô chính phủ: “Ta sống với ta, vua quan là cỏ rác”.

Đi? Ở? Giết quan? Hoặc không cần vua quan? Song, trong gia đình ấy có một sợi dây vô hình và bí ẩn: bàn luận thì rộng rãi, cuối cùng vẫn theo lời cha. Họ sẽ ra đi. Nơi họ định đến vẫn trên xứ sở thân yêu của họ, nhưng là bên kia bờ sông Thu. Phải là Bên-kia-Bờ. Bên kia bờ con sông mà định mệnh đã trót cho nó cái tên sông Thu.

Bây giờ đang là mùa đông. Thời tiết năm ấy giá lạnh kinh hoàng, bão khô thổi xao xác làm rừng núi khô vàng như chờ nhóm lửa. Sông Thu có dòng chảy rất xiết, xoáy bờ Nam, phá bãi Bắc, tạo ra những bãi phù sa cồn cồn lớp lớp, hoặc những vịnh nước mênh mông. Ngày ngày mặt trời như một cục máu đỏ hỏn trồi lên một chút là bị mây đen vây phủ. Bầu trời mang máng xám rộng, khi con sông Thu trán tỏa, sóng reo như biển.

Ngày ấy, bờ Nam sông Thu hãy còn ít di dân tới định cư. Bờ Bắc còn lưa thưa xóm làng. Chen lẫn giữa những xóm lá hiu quạnh là rừng thưa hoặc núi đồi, đầm lầy. Từ làng tới huyện phải mất mấy ngày đường. Quan đi lại có ngựa, kiệu, dân cuốc bộ. Quan có lính hầu bảo vệ, dân phải mang giáo mác phòng khi đâm chém với voi rắn, heo rừng. Nông phu đi làm rẫy chạm mặt với thú dữ là thường. Cọp thấy người trước tức thì phóng về người xé xác mà nhai. Người thấy cọp trước thì đập giết cọp mạng về, thịt ăn, da cọp làm áo hoặc làm phên vách quanh nhà. Đôi khi cuộc chiến đấu ngang bằng, cọp người gầm gừ rời nhau, cọp mang máu me chạy vào núi, người mang thương tích về nhà vợ con băng bó. Cọp gặm người vì bản năng, người giết cọp vì ý thức sinh tồn.

Trần Liêu có vóc dáng to khỏe như gấu. Cậu Cả giống bố, ngày ăn bốn bữa, mỗi bữa nồi cơm bự, luôn có ý tìm giết Phú Hào cùng quan Huyện. Trong Cả có dòng máu muốn đứng lên giữa trời, cây đao phơ mà quạt “cỏ dại”. Cậu Út, người mảnh mai, da trắng trẻo, mắt sâu mũi thẳng, cách đi đứng nói năng thanh tú, sính chữ nghĩa thơ văn, có tính khinh đời nhưng lại sợ chuyện đâm cọp giết người. Với cậu, thế gian này chỉ là cõi tạm; trong cuộc hành trình miên viễn của cậu, nơi đây chỉ là cuộc ghé chơi, ngẫm nghĩ xa xôi làm chi cho u hàn thể phách.

Thuở bé, có lần Út đi chơi sao đó mà lang thang vào một hang cọp. Liêu và Cả vác dáo đi tìm. Lúc tới nơi, người ta thấy cậu Út đang ngồi thu mình bên chú cọp con láng mướt màu nhau. Liêu ẳm Út ra khỏi hang cọp. Cả lăm le ngọn dáo. Liêu can ngăn: “Đừng giết cọp con!”. Khi xuống núi, ba cha con gặp cọp mẹ trở về. Lần nữa Liêu nói với Cả, “Hãy tự vệ, đứng giết nó. Nó còn con nhỏ trong hang”.


Cha con Liêu xẻ gỗ đóng thuyền. Lại rèn thêm vũ khí.
Việc qua sông chỉ cần một chiếc ghe nhỏ là vừa nhưng họ đóng một chiếc thuyền khá lớn: như để vượt biển. Liêu giải thích rằng phải chở cả bàn ghế tủ giường, cối xay, chày giã gạo. “Ra đi, chỉ đi một lần không lui lại, có chi thì chở hết”. Vả lại qua bên kia sông đã chắc gì tìm được cái sống lúc ban đầu dễ dàng.
Bà mẹ chuẩn bị lương thực, áo quần. Bà hái lá rừng phơi khô, những loại có thể là những món thuốc Nam, phòng khi chưa hợp thủy thổ. Hôm dọn bàn thờ, người mẹ thấy cái hộp đựng cuốn gia phả đã bị mối mọt ăn, tượng Phật cũng vậy. Để yên thì thần là tượng, mà tháo ra ráp lại không được. Chúng rã tan. Như lớp bụi vô nghĩa. Như một cái gì rất đáng sợ, giữa niềm tin sâu mọt.
Bà mẹ đem chuyện này nói với chồng. Liêu nói nghiêm chỉnh, tuy có một thoáng bàng hoàng: “Cái gì hư mọt thì vất đi, không cần sơn phết làm gì nữa, cha mẹ Phật, Tổ ở lòng ta”.
Mùa đông rồi cũng trôi qua. Nhưng mùa xuân năm ấy kỳ lạ. Gia đình Liêu ăn cái tết từ biệt để chuẩn bị ra đi thì mưa lê thê kéo dài, gió Bắc khô lạnh. Khắp nơi, mai không nở. Cây rừng trụi lủi. Núi đồi hắt hiu bát ngát. Bầu trời luôn màu chì. Giữa tháng giêng sâu bọ bò rào rạt, hàng nghìn triệu con, san bằng đồng lúa. Cào cào châu chấu, kiến cao cẳng đầy nhà đầy vườn. Những luống cải hoa vàng trở thành màu nâu đen vì ruồi nhặng bu quanh. Bướm ong màu sắc tươi xinh chết đầy đất. Chuột chù chuột cống bò khơi khơi trong vườn ngày. Trong trái chín sâu dòi ngổn ngang. Nước đồng ruộng có màu đỏ loãng. Trên mặt nước có đóng ván ngũ sắc, phản chiếu ánh mặt trời chiều trông hoang đường đến nhức mắt. Ánh chiều mong manh như tơ lụa bỗng trở nên gớm ghiếc: “Một mùa xuân ma”.
Một hôm, quan Huyện đi thăm dân tình, gọi là chúc xuân, nhân tiện ghé Phú Hào đánh chén cùng hãm hiếp kín đáo gái quê. Cậu Cả nghe tin ấy, mang dáo ra đi, định giết chúng. Liêu can ngăn con: “Chưa có tòa xử chưa nên giết người!”. Cả cãi lại: “Bọn chúng không còn là người. Mà ai ngồi tòa? Ai xét xử?” Người mẹ vừa khóc vừa sợ hãi van xin: “Dù sao con gái mẹ cũng đã chết rồi, gây ra oan trái làm chi nữa”. Cả giận dữ: “Trừ kẻ có tội, trả thù cho Giao Châu mà là gây oan trái à?”. Cậu Út nói: “Thôi, xin mọi người hãy dẹp cất dĩ vãng đi”. Hôm đó Cả bỏ ăn, nói với cha: “Suốt đời cha chỉ dạy con điều nhịn nhục, chịu đựng. Cha làm tê liệt ý chí con người.”
Thời gian dần qua, mọi việc chuẩn bị xong, ngày ra đi sắp tới. Liêu mang màu vẽ mắt con thuyền. Cả rửa thuyền. Dưới sức nắng mùa hè, con thuyền bạc thếch vì nước lũ có bùn non phủ qua những ngày mùa đông. Trong lòng thuyền một lớp bùn nhão, ở đó một con rắn nằm khoanh tròn. Cả chặt một phát. Con rắn cụt một phần đuôi, vùng thoát, trườn mình hướng về phía đầm lầy. Cả nói vui: “Ngày xưa Lưu Bang chém rắn, ra đi rồi làm vua”. Trần Liêu nhìn con gằn giọng: “Chỉ toàn chuyện vấy máu”. Cả nói: “Nhưng máu của chính đạo thì cũng cần thiết phải đổ ra lắm chứ”. Cha con cùng cười. Nắng mùa hè chói chang. Dãy núi hùng vĩ phía Tây như nghìn ngọn sóng bát ngát trong trời xanh. Mây trắng chập chùng, trôi dạt cả dưới lòng con sông Thu xa xa.
Con thuyền được kê lên cao bởi hai cái đà gỗ. Trần Liêu lập bàn hương án, ăn vận chỉnh tề rồi cầm cọ chấm màu vẽ mắt cho thuyền. Cả nhìn cha vẽ, lại hỏi: “Người có mắt đây mà nhìn không thấy hết phương hướng, lạc mãi chốn vô minh, cha vẽ mắt lên gỗ đá mà chi?” Liêu giải thích: “Mắt người ta là mắt thịt. Mắt gỗ đá mới hiển linh con trai ạ”. Liêu không là họa sĩ nhưng điểm nhãn cho thuyền rất đẹp. Sau đó, họ lắp bánh lái, lợp mui.
Bà mẹ rất lưu luyến chốn cũ nhưng cuối cùng cũng đành phải xuống thuyền cùng chồng con. Hôm ấy người mẹ buồn lắm. Bà khấn vái tổ tiên. Đôi mắt ướt, nhìn hun hút về nương rẫy rừng núi. Liêu đứng ở bờ sông quay mặt về hướng Bắc lạy ba lạy, lại day về hướng Nam bái ba bái. Thấy lạ, Cả hỏi: “Sao cha lạy phương Bắc mà chỉ bái phương Nam?” Liêu giải thích: “Phương Bắc là tổ tiên linh hồn giống nòi ta”. Út nói: “Theo con thì cha phải lạy phương Nam. Phải lạy cái tương lai. Còn quá khứ thì xá xá nó là vừa!”. Liêu cúi mặt, thở dài, nhìn con.
Từ lâu Cả thắc mắc một điều nên gạn hỏi cha: “Này cha! Nghe rằng chúng ta là hậu duệ của vua Trần?”. Liêu nói nghiêm chỉnh: “Đúng vậy, chúng ta là con cháu chính thống vua nhà Trần, vì suy mạt mà ra đi”. Cả lại hỏi: “Cùng một dòng họ nhà Trần sao một thời đầy dẫy anh hùng, nhưng Hưng Đạo, Quang Khải, bây giờ lại toàn một lũ gian manh trộm cắp, hoặc đói khổ đoạ đày như chúng ta?”. Liêu than thở: “Đó là vận nước. Cũng một dân tộc, một thời có thể rặt anh hùng, một thời rặt bọn khùng lũ điên. Thời hưng thịnh thì một người cày ruộng cũng giữ luân lý riêng mình và đạo đức giống nòi. Thời suy vi thì cũng dân quan đó nhưng là lũ ti tiện, coi trọng vật chất, xem thường đạo lý, vì cái sống thấp hèn, vì địa vị, có khi ám hại nhau không nương tay. Trong nhân loại, nước nào cũng có trường hợp đó, vận hạn mà. Nhưng chớ có buồn mần chi. Ở chỗ cùng kiệt, anh hùng lại sẽ xuất hiện, minh quân ra đời. Cuộc nhân sinh sẽ được vun quén trùng tu.”

3
Thuyền hạ thủy vào một ngày rực nắng. Bầu trời xanh ngát không một áng mây. Liêu và cậu Cả ăn vận gọn gàng, dáo mác bên hông, đai lưng bằng da thú, nón mây. Trông Út như một đạo sĩ trong lớp áo trắng phơ phất. Người mẹ nhìn bờ Nam xa tắp, dấu hiệu đất Hứa hãy còn mịt mờ nơi cái tường thành lau trắng xa xa, chưa một bãi dâu, chưa một làn khói bếp nhà. Bơi theo thuyền của họ là một đàn cá sâu vùng vẫy. Cả định phạt một dáo. Liêu can ngăn: “Ta có đường đi của ta, đừng chọc vào lũ sấu xà”. Người mẹ tụng kinh. Tiếng lòng chan hòa sông nước, giữa cái nóng của mặt trời cùng sự reo thèm của lũ cá sấu dưới lườn ghe.
Họ cho thuyền ngang qua bờ. Sông mênh mông không cầu. Cầu quan lộ xa xa dưới kia năm ba ngày chưa thấy một bóng ngựa trạm.
Trước đây gia đình Liêu từng nghe người bơi thuyền qua sông, đi Nam về, kể lại những gì đã từng mắt thấy tai nghe. Câu chuyện khá hấp dẫn đối với Cả và Út khi được biết cách đó không xa có một con đường rẽ về hướng Tây, dẫn sâu vào núi. Một con sông chảy bạt ngàn trên đỉnh núi liền núi. Như một con sông huyền thoại, nhìn nó người ta tưởng nó chảy ngược, vì mắt ta quen nhìn sông xuôi về biển. Đó là hướng Tây của Quảng Nam – mở rộng về phương Nam – mà dòng họ Trần Liêu, con cháu vua tới lập nghiệp. Núi trùng điệp sừng sững. Những thung lũng trầm mặc, bí ẩn. Nơi miền xuôi, những tháp Chàm hiện lên như những cánh xương rồng khổng lồ. Đất đai hãy còn là những thảo nguyên hoang dã.
Người ta kể lại rằng ở đó, miền núi tây của Quảng  nam, có một kinh đô bị chôn vùi trong lòng một ngọn núi. Một dân tộc đã vùi chôn kinh đô của mình trước khi ra đi, bằng cách đắp núi lên đó. Người ta nghĩ rằng lòng đất là nấm mồ sẽ giữ cho kinh đô vĩnh cữu. Núi đó là Nhân Sơn – mộ địa sầu bi, đầy huyền bí. Ngày nay, cái chất thơ hùng đó không chỉ bàng bạc trong sử lịch mà nó hiện hồn bâng khuâng trong từng từng cỏ lau trắng như khăn tang lưng chừng núi. Lúc bình minh, núi chìm trong sương mù biển khói, và hoàng hôn núi lặng im một cách lạ thường, khi cả trời rực lên cái ráng chiều máu pha. Sau đó, núi chìm trong đêm im lìm, tìm cách đầu thai trong bóng tối.
Thuyền đang trôi an bình thì mọi người bỗng thấy dòng nước chảy xiết. Củi khô, bèo giạt ở đâu trôi về đầy. Mặt sông đen ra, mịt mù. Liêu đổi tay chèo cho Cả cầm bánh lái. Mọi người đang vui vẻ bỗng lo lắng. Con sông cứ như có thần linh làm cho nó càng xa thẳm hai bờ. Càng chèo chống, vươn tới, hướng về, mong qua, thì bờ Nam cứ dần dần xa tít. Bãi bờ phương Bắc hun hút với đầm lầy rừng thưa. Bầu trời nắng gắt giờ đây mây phủ, gió rao rao huyền hoặc không còn nữa. Một cơn bão đã tới, gặt, giật, rung chuyển nghìn vạn âm thanh cuồng nộ. Gió khoét nước từ mặt sông tung cao lên không trung. Mưa không thể nào kể hết mưa. Từng tảng nước dội phủ lên thuyền. Người ta cảm tưởng bị rách thịt da, mặt, vì từng cây nước trắng như bạch kim châm vào.
Cả vuốt mặt và nói: “Chúng ta bắt đầu chơi với quỷ thần rồi đây. Bọn âm binh bắt đầu ló mặt. Ta trốn xa lũ quỷ mặt người hóa ra giờ đây…” Út phất tay áo nói: “Đúng là định mệnh chúng ta đang có ma vương thọc tay vào”. Liêu răn dạy: “Hãy bình tĩnh các con. Lúc này mới là lúc thử sức người”.
Trong cuộc chinh phục thiên nhiên, con người vừa muốn tiêu diệt nó, vừa muốn hòa bình, nhân hóa nó. Con người cần lưu giữ thiên nhiên một phần nơi sọ não. Cuộc chơi đó lắm khi gay cấn, không thiếu phần mỉa mai tàn nhẫn, là một bên vẫn cứ muốn tiêu diệt một bên. Nhân loại có nẩy sinh nhưng lần lượt đi vào mộ; thịt da mãi bốc làn khói đen trong trời xanh. Con người tiêu diệt vi trùng nhưng định mệnh cỏ cây cứ nẩy sinh ra nghìn nghìn vi trùng mới, lạ lẫm và khôn ngoan hơn. Những cánh rừng vẫn cứ bị chặt phá, ao hồ khô kiệt, không gian thấm độc, vậy mà con người cứ đào biển phá núi, lăm le đào xới những vì sao, tính tuổi mặt trời. Cho nên, trong qui luật đó, gia đình Trần Liêu đang được treo trên sợi dây bão tố, để thiên nhiên dày vò. Người ta có thể không tin vào thiên đường hay địa ngục nhưng quả thật những mặc khải tâm linh đó không trừu tượng – ít ra về mặt biểu trưng: nghĩa là chúng ta đang ở trong nhau, bão tố thường trực mang thai trong khí hậu an lành.
Đối với gia đình Trần Liêu, con sông Thu giờ đây là một cõi lưỡng nghi hỗn độn: bờ Bắc thì mờ mịt, bờ Nam tít xa ngàn dặm. Dứt bỏ dĩ vãng mà không có tương lai. Rời một đám khói mịt mù để mơ tới một bờ sương vô vọng. Trần Liêu đã dâng hiến một niềm tin sắt son cho bão tố. Cuộc trùng phùng chừng như giấu mặt, bôi vôi. “Trần Liêu? Ngươi có đau lòng chăng khi từ bỏ một quá khứ dị dạng buồn nôn, để hòa mình cùng một thực tại rách nát bão dông?”.
Cả và Út không chèo thuyền nữa, mà gác mái chèo trong lòng khoang. Trời đất vẫn lòi cái mặt nạ xám xịt trong cơn thịnh nộ. Con thuyền răng rắc muốn bức làm đôi. Mũi thuyền trước như con thú chồm lên vồ mồi, mũi sau như con kình ngư chực lặn sâu xuống đáy nước. Nó đâm ngang, rẽ dọc, lại quay tròn, khi lao vào Nam khi trở ngược phương Bắc. Thuyền tự do theo hướng vô phương Phật của nó, sẳn sàng nghiêng hất cha con Liêu giữa dòng. Rồi, rắt một cái, bánh lái gãy. Liêu mất thăng bằng bổ nhào vào lòng thuyền. Người mẹ cúi mặt vuốt nước, miệng tụng kinh. “Một lời kinh nguyện nhỏ nhoi mà dám van xin đất trời an bình?”. Nhưng người mẹ cứ tụng kinh, vì mẹ nghĩ rằng trời đất có lỗ tai để nghe những lời van xin hèn mọn nhỏ nhoi nhất trên thế gian.
Lạ thay, rất lâu, qua nhiều thử thách, thuyền không chìm mà cứ trôi mãi. Lại có vẻ càng lúc càng bình an khi sóng gió đã lặng. Đêm lên. Mảng trăng lưỡi liềm vắt vẻo xa xôi. Bầu trời trở nên sâu lắng huyền ảo. Lúc đầu mọi người còn tỉnh táo, sau họ không định được mình đang ở đâu. Thậm chí họ không còn cảm giác ở trên sông hay biển khi mọi người bắt đầu mê dần. Không gian như có mùi hương tinh khiết. Một bàn tay huyền bí nào đó giữ cho chiếc thuyền không còn bánh lái cứ trôi mãi đi. Mấy ngày đêm liền, thuyền không qua được sông mà trôi ra biển. Cuối cùng rất may mắn thuyền dạt vào một hoang đảo.

4
Cậu Cả là người tỉnh dậy đầu tiên sau một thời gian dài mê xỉu. Anh nằm dài trên cát ngơ ngác nhìn chung quanh và nhận ra cái nắng rát mặt của buổi trưa nơi hoang đảo. Mùi biển tanh nồng hòa trong gió. Sóng vỗ tràn lan qua bãi trắng phẳng lì. Xa hơn, những mỏm đá cheo leo chồm ra vịnh biển. Rừng rất xanh kéo lên tận đỉnh đảo. Một vài cánh chim chao liệng trong trời.
Cả cố đừng lên, lại mệt mỏi ngồi xuống. Chiếc thuyền còn nguyên vẹn, nằm trên cát, cách nơi nằm của cha anh và cậu Út không xa. Mẹ anh trong khoang. Đầu tiên với cây dáo, Cả đào một cái giếng nhỏ trên cát, dùng tay vốc nước uống, lại bốc một nắm gạo sống mà nhai. Sau đó anh tới lay thức mọi người.
Họ đi dần vào chân đảo, tìm một cái hang trú ngụ qua đêm.
Về đêm, khí hậu đảo rất lạnh, sóng đánh rì rầm, tiếng chim và tiếng rú gầm của muôn thú quanh quất. Mấy hôm sau, Liêu và Cả vác dáo đi thám thính quanh vùng và trở về cho người mẹ biết quanh đây không có làng xóm nương rẫy, nghĩa là không có dấu hiệu rằng con người đã từng sống hoặc từng qua đây. Người mẹ hiểu rằng gia đình đang rơi vảo một tình thế hiểm nguy. Lương thực đã hết, vì trước kia bà chưa hề nghĩa tới ngày lạc vào hoang đảo.
Ngày qua ngày, người mẹ chôn dấu sự lo sợ tận đáy lòng. Bên ngoài bà cố vui vẻ, làm những việc giúp chồng con như khâu vá áo quần, quơ nắm củi, hái rau rừng, lấy nước từ giếng xa, sát vực biển, bằng cách khoét một vài lớp cát. Bà tìm một chỗ bằng phẳng sạch sẽ, trong hang đá – để thiết cái bàn thờ tổ tiên. Mẹ vái lạy hằng đêm, khấn nguyện người khuất mặt – tiền linh giống nòi, ông cha, chú bác, anh em thương; cả những oan hồn cô quạnh, những kiếp chết linh hồn nát mẩm thành cô hồn của quỷ ma – để mong chờ phút giây cứu rỗi.
Một hôm Cả đâm được một con thú, xẻ thịt ăn. Con người ăn thịt mãi cũng khó thành người. Những đám rau rừng dần dà cũng mòn tịt đi, vì bốn miệng ăn. Ở chốn sỏi cát, cũng có thể trồng lương thực rau quả, ngặt vì không có hạt giống. Rất may, nơi đây vẫn còn ít loại rau và hoa quả nuôi người. Nhưng người đâu là khỉ, núi rừng cho chi ăn nấy. Nên, thời gian lấy dần thịt da máu tủy người.
Một buổi chiều xám, ba cha con Liêu vắng nhà, người mẹ ngồi thu mình trong hang đá bỗng nghe tiếng động ngoài cửa hang. Mẹ rùng mình hiểu rằng loài thú rừng cũng đang tìm một cái hang ấm áp. Chúng đang ngắm nghía cái hang của mẹ. Đêm nằng mẹ mơ thấy những điều không vui. Trong thế giới hoang đường của giấc ngủ mẹ nghe cả tiếng cười vui, nhưng rất đau lòng, của chồng con. Họ đang chống lại một định mệnh cay đắng. Những con người khỏe mạnh dũng cảm ấy đang bị biến thể, trở nên những bộ xương.
Nhiều hôm trời thanh nắng tốt, mẹ đứng trên mỏm đá cao nhìn mông lung, cố tìm dấu hiệu của đất liền. Mẹ theo dõi cánh chim, mong thấy vệt xám xanh ở chân trời, hay một cánh buồm nào đó qua đây. Mẹ tuyệt vọng cùng tháng ngày, vì trong cái mông lung xanh ngắt kia không một dấu hiệu bến bờ.
Mùa đông lạnh giá lại về. Những mảnh áo tấm quần rách nát. Trần Liêu là một bộ xương có mái đầu bạc: một cái đầu lâu có tóc, có cái nhìn, có tiếng cười, và sự bất trắc vẫn còn đeo đuổi.
Đêm đêm, người ta đốt đống lửa hồng là để cho ấm, để trò chuyện với nhau như ma trong mồ nhớ dĩ vãng trần gian. Lửa ấy ít đun nấu một thứ gì có chất gạo. Da người thiếu chất bột đã trở thành màu da bụng của rắn mối, pha một chút xanh lơ bệnh hoạn của thiếu máu, của mong chờ đất liền, của một ngày về đang chìm trong sương biển. Mọi người trong gia đình Liêu rất thương yêu đùm bọc bảo vệ nhau. Nhưng chính sự khắn khít can đảm đó, trong cảnh khốn cùng đặc biệt, cũng là một hoàn cảnh mỉa mai: Họ đang dần dà biến thành vượn để hoàn chỉnh cái sống của kiếp người.
Một hôm bà mẹ nói – đúng hơn là một bộ xương nói:
- Nếu tôi chết, rất mong mình và các con hãy ăn thịt tôi để sống qua ngày.
Liêu cắn môi, rít qua kẻ răng:
- Đừng nói điều vô đạo.
Bà mẹ nghiêm chỉnh, nói lời nguyện cầu; như một sấm truyền đầy cảm ứng thần linh, như máu trong mẹ nói:
            - Sao lại vô đạo? Tôi là vũ trụ tạo ra chúng. Lúc nằm trong bụng tôi, chúng chẳng từng hít máu tôi, thở trong tôi, ăn hút tủy xương tôi đó sao? Khi là bào thai lại hoang vu ăn thịt người, lúc thành người lại mang đạo đức ra trá hình đối với những dâng hiến cuối cùng.
             Người Mẹ, sau đó, kể cho hai con nghe một câu chuyện đầy ẩn dụ rằng ngày trước có một đám tù vượt ngục từ một trại tù nơi một hòn đảo lớn – địa ngục trần gian. Họ lênh đênh trên biển – với một chiếc bè ráp tạm – rồi trôi dạt vào một hoang đảo. Đói lạnh bệnh tật, nhưng là những người tù chính trị chân chính, họ không hề tuyệt vọng, rất can đảm và minh sáng trong hoàn cảnh hiểm nghèo. Thế là một trong đám người họ quyết định tự tử. Để làm gì? Để những người anh hùng kia lấy thịt mình mà ăn. Con người kiên cường kia biết rằng những người cùng chí hướng với mình sẽ giải quyết cái thân  xác tạm thời của mình để tiếp tục làm cái việc muôn đời cho muôn người.
            Nghe xong, Cả và Út lặng lẽ kinh hoàng. Họ cúi mặt khóc. Ngọn lửa hồng vẫn tiếp tục cháy giữa dòng đại hồng thủy. Sự nghịch lý tàn khốc kia hóa ra vẫn là một xúc tác trong sinh tồn. Tập tục thường hằng lắm khi phải lùi bước trước những điều cao cả: sự tan vỡ cùng cực của đại biến để mở màn cho một kết thúc.
            Từ trong hang động mẹ nhìn ra biển lớn. Lúc đầu bầu trời thanh thản một cách lạ thường. Bầy chim biển sà trên mặt nước xanh. Sóng bạc đầu xua vào bờ hằng nghìn cánh bạc, lấp lánh nắng. Một lúc mẹ nói, giọng rất ấm:
            - Các con nghe mẹ bảo. Nơi đây không thiếu thịt thú rừng. Nhưng các con hãy ăn thịt mẹ. Không là thịt người. Không bao giờ mẹ là thịt người. Mẹ là thiên nhục.
            Lời Mẹ quả là điềm gỡ. Hai hôm sau Mẹ qua đời trong cái hang đá lạnh lẽo ấy. Cả nhà khiêng Mẹ ra đặt trên một phiến đá cao bằng phẳng. Biển bao la thanh thoát. Bầu trời rất cao xanh. Tinh tú như tỏ rạng ngay giữa ban ngày. Bầy hải âu bay, những cánh thiên đường. Rất xa, một chiếc cầu vồng bảy màu hiện ra chênh chếch, nơi đó đang có thể là mưa trong nắng, tụ hội thần linh, nơi có thể sẳn sàng đón một linh hồn tinh khiết nhất, cao cả và thăng hoa nhất. 
            Không ánh đèn, không nhang khói, không kèn đưa trống thổi. Chỉ có sóng trắng bủa xa xa. Chỉ có tiếng rừng của đảo trở nên âm thầm ray rứt. Và chỉ có cậu Cả cầm cây dáo múa như điên trong không khí. Cả muốn đâm mặt trời, muốn chém mây trắng, muốn chặt gió đang vi vu, muốn lấy máu của đá.
            Sau cùng, Cả cắm phập ngọn ngọn dáo lên nền cát rồi gục khóc nức nở.


5
            Trần Liêu chôn vợ một cách thầm lặng, dưới chân viên đá tảng. Đầu người quay về hướng mà người ta tin rằng có đất liền nơi quê nhà. Liêu căm giận nói với hai con:
            - Giao Châu con gái ta bị chết thảm dưới tay cường quyền. Nay, vợ thân yêu của ta cũng chết thảm thương lúc ta bôn đào. Nếu ta gặp cái thằng Số Mệnh ở đâu ta chặt đầu nó ở đấy, nếu quả thật có một thằng Số Mệnh bằng xương bằng thịt.
            Vài hôm sau, kể từ lúc Mẹ nằm yên trong lòng đất, buổi chiều, không gian bỗng huyền hoặc lạ thường. Màu trời vàng lênh láng, mây trôi chập chùng, gió nhẹ, biển lặng. Xa xa, vẫn cái cầu vồng màu sắc hiện lên, như một chiếc cổng trời đầy hào quang. Thế gian như gọt đẽo thần tốc để có một phong diện kỳ ảo. Theo sóng biển, một con nhà táng trôi dạt vào, kề bên nó là một chiếc thuyền buồm lọai nhỏ. Vào bờ được vài phút, cá nhà táng đã chết. Cha con Liêu tìm thấy trên ghe có rất nhiều lương thực, thực phẩm, thuốc men, áo quần, những lọai giống ngũ cốc có thể gieo hạt.. Lại có một ít vũ khí, một la bàn và một bản đồ hải hành. Năm người trên ghe đã chết, máu me đầm đìa. Có những bịch gạo thấm máu tươi như xôi gấc.
             Thời gian trôi đi.
             Đã hơn mười năm cha con Liêu sống nơi hoang dã. Họ xây nhà, gieo hạt, trồng cây. Họ biến một phần đảo có hồn người. Họ khắc đá dựng bia trên mộ người Mẹ. Họ tìm cách để lại trong hang đá những ký hiệu, những lời dặn dò mong hướng dẫn những kẻ không may sau này lạc vào hoang đảo như họ. Từ lâu, rất nhớ đất liền, cha con Liêu thề tìm mọi cách trở về. Chim có tổ, nước có nguồn, cha con Liêu mong một mảnh quê hương, được nghe tiếng nói của đồng bào mình.
            Họ tự học cách sử dụng la bàn, bản đồ hài hành, cụ bị lương thực, xẻ gỗ đóng thuyền. Thời gian đó, may mắn thay, một vài chiếc thuyền buôn ghé đảo. Họ được tiếp xúc với những người thủy thủ da trắng mà họ cho là man di – một loại người rừng đẹp đẽ. Rút kinh nghiệm của lần ra đi năm xưa, bây giờ họ chuẩn bị kỹ lưỡng hơn; bàn bạc với nhau tìm phương cách đối phó nếu gặp hiểm nguy.
            Trần Liêu nay đã là một cụ già, giàu kinh nghiệm nhưng sức sống không còn mãnh liệt như xưa; niềm tin cũng mòn mỏi. Liêu không dám khẳng định một may mắn có thể chuẩn xác trong tương lai. Cả đã là một gã đàn ông rắn rỏi, cương nghị. Những ngày cô đơn, gian khổ, tuyệt vọng đã dạy Cả, nung đúc Cả thành một con người gan dạ, có chí hướng. Riêng cậu Út có khác, Út thường trực ưu tư, có dấu hiệu tâm thần. Đi đâu về đâu, Út vẫn thấy những bất hạnh vây quanh. Những ám ảnh siêu hình, những suy niệm duy tâm luôn đè nặng lên tâm cảm cậu ta. Có lẽ Út sẽ trở thành một nghệ sĩ cô đơn, ca ngợi cái đẹp trong đau xót riêng mình; đành lòng nơi một cõi trú rất phi lý mà phải tha thiết với nó, vì nó. Út rất viễn mơ nhưng lại không tin vào điều tâm nguyện, rất khinh đời, khuynh hướng vô chính phủ, thiếu óc tổ chức. Với cậu, hy vọng chỉ là một sự phiền muộn, mong ước là dấu hiệu của xót đau riêng tư. Út cho rằng con người tự kéo sợi tơ tham vọng quanh mình như con tằm nhả kén chung quanh, sau cùng, đành chết giữa lòng tơ.
            Sáng hôm ấy trời quang mây tạnh. Sau khi kiểm điểm “quân mã”, cha con Liêu bái biệt hoang đảo, xuống thuyền dong buồm ra đi. Ra đi? Có nghĩa là tìm về.
            Lúc rời khỏi mái tranh nhỏ, nhìn mộ vợ dứơi chân viên đá tảng, những nương rẫy hãy còn mầm xanh, những hoa vàng quanh bờ dậu, những con dê được mở cổng chuồng cho chúng về đỉnh đảo, bầy dê lại đi quanh quẩn trong vườn, như nhớ ai, chúng đi dọc bờ rào gặm những đọt xanh; Liêu động lòng nói: “Hóa ra đây là quê hương thứ hai, đã có máu và mồ hôi chúng ta! “ Cả nói: “Sau này thế nào chúng ta cũng trở lại đây. Có lẽ đây cũng là một hòn đảo quê nhà”.
            Ngồi trên sóng bạc đầu, Trần Liêu nghĩ miên man về con sông Thu, về Giao Châu, căm giận bọn Phú Hào, quan Huyện. Liêu nhớ ngày tuổi nhỏ cùng cha vượt đèo vào bờ Bắc sông Thu lập nghiệp. Một đoàn người biệt xứ ra đi, từ đâu đó, tới đâu đó. Có dấu chân người là có con đường, có xóm làng; những dây thân ái cùng khổ đau nối kết, giăng tơ; và có những tên tuổi để gọi danh cho nó. Con người đã làm ấm đất đai vốn nghìn xưa tẻ lạnh.
            Thuyền buồm trôi dạt được hai đêm ngày thì bọn họ thấy đất liền mờ mờ. Rất vui mừng, nhưng ba cha con Liêu lo ngại rằng có phải mình đã đi đúng cái hướng mình muốn tới, hay sẽ lạc vào một vùng người xa lạ, phải đâm chém vong mạng mình mới tìm được chốn nương thân. 
            Cả đề nghị không nên cập bờ ban đêm. “Tối trời nguy hiểm lắm”. Liêu nói: “Cập bờ ban đêm sẽ tránh được sự dòm ngó của dân địa phương”. Đôi mắt cứ đăm đăm nhìn vào mớ vũ khí, nghĩ tới một cuộc đụng độ với người xứ xa lạ, Út nói: “Lần này chúng ta gặp một hoang đảo nữa, ắt thành tiên thành Phật”.
            Lúc bình minh rựng rựng ở Phương Đông, vạn vật còn chìm trong lớp sương mờ ảo, thuyền của cha con Liêu cặp bờ an toàn. Trước mặt họ là một vùng nhấp nhô những đồi cát, rừng phi lao thưa thớt. Vượt qua những đồi nương, mặt trời đứng bóng, cha con Liêu gặp những cánh đầm lầy, nước xâm xấp. Rồi những khoảng rừng tràm gần như vô tận. Chưa thấy nhà, chưa thấy khói, chỉ thấy bóng chim bay, tiếng sóng vỗ về sau lưng. Đêm đầu tiên cha con Liêu ngủ dưới một tàng cây da lớn, chim chóc về đầy. Họ vui mừng vì trong tiếng chim lao xao có một cái gì tuy xa vắng nhưng quen thuộc. Có khi chỉ gặp bóng dáng thiên nhiên đã nhận ra quê hương mình. Có khi chỉ thoáng thấy màu núi xanh lơ đã nghe lòng nao nức mùi vị quê nhà.
             Cha con Liêu cuốc bộ hai ngày đêm thì gặp một cánh đồng khô, sau khi tìm cách vượt qua một con sông rộng. Từ phía hữu ngạn đi lên, trong nắng chiều, họ bắt gặp hình ảnh xa xa một tháp Chàm. Cái khối xương rồng khổng lồ ấy hiện lên nền trời xanh, làm rực cháy trong tâm cảm cha con Liêu một niềm tin quen thuộc. Họ mừng rỡ nắm tay nhau. Lần đầu tiên những nụ cười của họ có màu sắc, sau nhiều năm xám xịt âu lo.
             Họ bắt gặp một con đường mòn. Vậy là đã có dấu chân người. Vậy là da thịt người đã làm mòn mặt đất, cát bụi đã bắt gặp mồ hôi người, người và đất hơn một lần trò chuyện. Sau cùng cha con Liêu đi vào một vùng đồi thấp. Cả bảo: “Hãy gắng đi lên cái ngọn đồi cao nhất kia kìa”. Ý của Cả là nhân đó có dịp quan sát chung quanh, tìm phương hướng cho ngày mai tiếp tục hành trình.   
            Lúc lên tới ngọn đồi cao nhất là lúc mặt trời sắp lặn. Hoàng hôn tim tím, nhãn quang của cha con Liêu bỗng rực rỡ một không gian thoáng rộng khi xa xa bên dưới là con đường quan lộ – có lẽ là xuyên Bắc Nam – những ánh đèn leo lét của vài xóm nhà, những rặng cây bóng tối. Con sông ngoằn ngoèo dẫn về Nam, không một cây cầu. Tất cả hãy còn nhuộm vẻ hoang sơ, đầy đậm chất huyền ảo, của miền đất một dân tộc bỏ đi và một đám di dân chưa kịp tới. Bóng tối thì luôn luôn giống nhau nhưng cái màu sắc nhân văn, cái ẩn số thần linh hãy rất là khác nhau. Ở những cực điểm của hoàn cảnh, con người luôn luôn bị vò xé bởi tâm cảm khó định hình. Mỗi cha con Liêu rơi vào một trạng thái tinh thần hoàn toàn khác nhau. Cậu Út rất ngợp trước những cơn gió không biên cương nơi đỉnh đồi. Cậu lại ngạt thở trước tình huống tự do, mà theo cậu, không đáng tán dương gì. Cậu muốn chết ngay tức thì.
             Đêm đó, cha con Liêu ngủ trên một khoảng đất trên sườn đồi phía Nam – hầu hết những xóm làng trên sườn đồi hay sườn núi Việt Nam đều nằm ở phía Nam. Vì sao vậy? Vì họ tránh gió mùa đông tanh lạnh, từ phương Bắc thổi vào. Mọi người mệt mỏi, không ai nói với nhau được điều gì. Mỗi người ôm ấp một an lành riêng tư, nhấm nháp cái hương vị đất liền sau nhiều năm xa cách. Dấu hiệu phục sinh được họ nhận ra trong tiếng chim rừng quen thuộc, trong mùi cỏ, và trong từng lá cỏ đâm nhói – dưới bờ lưng không mềm chiếu.
            Khuya, trời lạnh buốt. Trần Liêu tìm cách đốt một đống lửa. Cha con ngồi vây quanh sưởi ấm: những bộ xương hồng. Liêu nói: “ Chúng ta lập nghiệp tại nơi đây được rồi các con ạ”. Cả nói: “Hãy đi thêm nữa. Ngày mai có khi chúng ta tìm được một vùng đất phì nhiêu lý tưởng hơn”. Út nói: “Chúng ta là những người trồng kiếp người cho mai sau chứ không phải trồng cây măng cây lúa”.
             Không gian như đượm hương. Đêm một màu đen tuyền, muôn nghìn mắt tinh tú. Cách đó không xa, sóng bờ Bắc sông Thu vây bủa, và những bầy voi trầm mặc đi, những con cọp vồ người vẫn còn giấu mặt chờ sáng. Đã đổi quan huyện mới, nhưng Phú Hào đã xây cất thêm được những dãy nhà mới. Cuộc sống vẫn tiếp tục đồng bộ đi tới bằng những bước chân ác quỷ trá hình; và trong hiện thực màu xám hãy còn nhiều đầu lâu khoác mặt nạ.
             Đám lửa giữa cha con Liêu bừng lên, và những đám hồng reo nổ – do những thanh cây có chất dầu. Cậu Út dõi đôi mắt vào đêm, như tìm cái tiền kiếp của cậu, hay cái gì đó mà cậu vẫn cứ mơ màng là một phần hồn đang cất cánh bay đi. Một số những con nai con sóc thấy ánh lửa chạy tới nhưng thấy người chúng lại phóng mình đi, với chim chóc, cọp, beo, cả chuồn chuồn châu chấu trên ngọn đồi này, trong khu núi thấp triền miên là rừng này, đêm nay, bọn chúng nhận ra rằng đã có bọn người đặt chân tới; nghĩa là rồi ra, chúng sẽ tìm nơi nương thân khác. Giữa đêm tịch mịch, trong ánh hồng soi mặt, Liêu nhìn hai con rồi đột nhiên nói; giọng đầy âm sắc ngọt ngào:
            - Các con, hãy vui sống để làm lại tất cả. Chúng ta đang, và sẽ bắt đầu. Dẫu là trong đêm tối mịt mùng, nhưng trên quê nhà, hôm nay ta đã đốt được một ngọn lửa hồng.
  
*

            Ngọn lửa hồng ấy được đốt lên cách đây gần sáu trăm năm, ngày Quảng Nam thuộc về đất Việt, những cư dân đầu tiên đã tới. Ngọn đồi xưa kia cha con Liêu tới đốt lửa nay là Nỗng Ông Tào. Ngày nay quanh đấy đã đầy những nương rẫy, xóm làng, cuộc sống cứ mãi đổi thay và tiếp tục. Những dấu vết xưa, nay có xóa nhòa, tà huy hay bừng sáng, hy vọng nối hy vọng, khổ đau chồng chất khổ đau, máu pha máu, mồ hôi cạn dần trên mỗi xác thân lương thiện, cuộc sống con người có khai mở, sự lạc hậu tối tăm có thể bị đẩy lùi; nhưng không phải thế, vì vậy, mà những manh tâm nơi con người cứ tuần tự phai tàn đi. Mỗi một con người sớm mai đẩy cửa ra đường đã nhanh chóng có một thằng bản ngã của nó huênh hoang và lếu láo bước theo, và con người lương thiện ấy vẫn tưởng nó – cái phần phân thân kia – đương nhiên phải có như một chiếc bóng của ta trên mặt đường, dưới bóng mặt trời. Ngày ngày chúng ta phải cứ hòa nhập với kẻ thù, chung cùng một trái tim.
            Thuở bé tôi từng nghe cha tôi kể câu chuyện trên – vẫn buổi tối trăng lên ở ngọn cây gòn đầu ngõ, tiếng chuyện trò văng vẳng của các thôn nữ ở vườn bên; tiếng chim đêm cùng trái rụng; gia đình quay quần bên mâm cơm, trên cái sân gạch lung linh ánh trăng, lót dưới mâm cơm là chiếc chiếu trải nền. Và lót dạ thêm cho những bữa ăn thiếu chất là các truyện cổ tích, giai thoại, những câu đồng dao, những câu tiếu lâm. Cái hương vị quê mùa thơ mộng ấy làm câu chuyện về cha con Trần Liêu thấm đậm trong tôi. Đầu óc trinh bạch của tôi thuở ấy giữ mãi câu chuyện trong một thần thái an lành.
            Câu chuyện Trần Liêu không phải là chính sử, chẳng là chuyện thần thoại, cổ tích, thậm chí có người cho rằng đó là một câu chuyện không thể có thật. Tôi không nghĩ như thế. Bị một đau khổ đích thực còn hơn có một niềm vui giả tạo. Bằng vào tính chất trong sáng, nhân bản, không xa lạ với hiện thực, tôi tin rằng câu chuyện Trần Liêu có thật. Nếu không, chúng ta để Tình Người đi đâu, khi ngày nay nhìn mặt, gọi-là-mặt-người.
            Ngọn lửa kia đã tàn trong thiên thu. Con cháu Người-Đốt-Lửa hãy còn. Lửa ấy không chỉ là một thứ ánh sáng vô cảm, trong một xã hội máy móc, lạnh lùng. Lửa ấy cũng không siêu nhiên xa lạ, cũng không nằm chết trong ý nghĩ hạn hẹp hiện thực của lửa. Nó có thể đã biến thành một dạng ánh sáng khác: đậm đà như ca dao, rực rỡ như lời ca hạnh phúc, hay ngậm ngùi như tiếng hát gọi nát lòng của những thân phận hẩm hiu của Mẹ, của Giao Châu.
            Ngọn lửa thiên thu kia đã có một linh hồn và một tác động vĩnh cửu. Chúng ta ghi nhớ lại, cũng có nghĩa là sẽ đốt lên.
            Và, chúng ta chẳng hề quên câu nói tiềm vọng của Liêu: “… Chúng ta sẽ bắt đầu làm lại tất cả. Dẫu rằng trong bóng tối mịt mùng, nhưng trên quê nhà, hôm nay chúng ta đốt một ngọn lửa hồng”.

Cung Tích Biền



hoàng trúc ly * gọi một mình




Đào Hải Triều


Bếp lửa nhà ai lên khói sương
Người yêu mường tượng mắt u buồn
Buổi chiều rét mướt vào chăn gối
Sao em không về tôi mến thương?

Thơ mà huyền hoặc núi non ơi!
Lửa thép cuồng lên giữa mộng đời
Qua thoáng qua rồi mơ ước cũ
Máu nghẹn đôi đường vơi lệ vơi...

Em ơi! Vì sao em vô tình
Anh ơi! Vì đâu anh lặng thinh
Đây chớm thu về đau đớn lắm
Tôi gọi hồn tôi gọi một mình

Từ buổi so le đến lứa đôi
Bao nhiêu mắt biếc lãng quên đời
Tôi thương tôi nhớ, tôi thương nhớ
Nhân loại nỡ nào xa lánh tôi? 

hoàng trúc ly


TIỂU TỬ * MŨ BẢO HIỂM



Mũ bảo hiểm - hồi thời trước gọi là " Mũ An Toàn " – là loại mũ dùng để bảo vệ cái đầu khi làm việc ở các công trường hay khi chạy xe mô-tô hay xe gắn máy. Phải nói cho rõ để thấy vào thời nào người ta cũng … coi trọng cái đầu .Nhứt là sau nầy – nghĩa là sau 1975 – ở Việt Nam, mấy cha cách mạng càng coi cái đầu có " ký lô " hơn … những thứ gì khác trên cơ thể con người ! Bằng cớ là một hôm, thay vì … tập trung trí tụê để giải quyết vấn đề kẹt xe triền miên trong thành phố ( Bây giờ gọi là " Ùn tắc giao thông " nghe rất văn vẻ huê dạng ! )  chánh quyền bỗng … khạc ra   sáng kiến bắt những người chay xe gắn máy hay xe mô-tô ( Bây giờ gọi là "Tham gia lưu thông" , nghe có … trình độ văn hóa hơn ! ) phải đội nón " BảoHiểm " ! Cái khó hiểu là không phải bị bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi anh trèo lên xe để … tham gia lưu thông ở bất cứ trên con đường nào, mà chỉ phải đội mũ trên những " tuyến đường " do nhà nước ấn định thôi ! Có nghĩa là ngoài những tuyến đường được ấn định, ở những con đường khác không có gì … nguy hiểm hết ! Có té cũng không sợ … bể đầu ! Xem tin dưới đây :
Thành ra, người dân đi đâu bằng xe gắn máy hay xe mô-tô phải … lận lưng bản danh sách những tuyến đường bắt buộc đội mũ bảo hiểm để đi cho đúng, tránh bị phạt ! Và bởi vì không phải lúc nào cũng đi vào " tuyến đường đội mũ " nên có nhiều người không mua mũ mà khi cần thì mượn đỡ của bạn bè ! Do đó mới có " dịch vụ " cho mướn mũ bảo hiểm ở mỗi đầu tuyến đường đội mũ !

       Cho mướn là làm như sau :

       - ở đầu đường " đội mũ ", những người làm dịch vụ nầy đặt cái bàn nhỏ  để để mũ. Ở cuối con đường cũng có một cái bàn như vậy của đồng bọn.

       - mình ghé vào muớn mũ, ngoài tiền mướn nộp ngay ở đó , mình phải đóng tiền … " thế chưn " cho cái nón. Khi chạy đến cuối đường, mình ghé vào bàn " dịch vụ " trả nón rồi lấy lại tiền thế chưn.

        Mỗi tuyến đường chỉ có một ê-kíp dịch vụ nên chuyện mướn nón chẳng có gì rắc rối. Có lẽ bọn " làm ăn  dịch vụ" nầy đã … khoanh vùng chia nhau trước nên chuyện mướn nón đã trở thành chuyện … bình thường ! Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ như sau , do thằng con tôi kể lại :

         Thằng con lớn của tôi về Việt Nam làm đám ma cho bà nội nó, sau đó, nó nhờ một thằng bạn nó chở Honda đi thăm bạn bè ở Sài Gòn. Ở một tuyến đường, thằng bạn nó ghé vào mướn nón . Tiền bạc xong , tụi nó đội nón , đi. Thằng con tôi để ý thấy có một thằng nhỏ cởi xe gắn máy cứ chạy kè kè theo hoài, sanh nghi nên nó bấm thằng bạn nó, nói nhỏ :" Ê ! Coi chừng thằng nhỏ ! Nó cứ kè theo tự nảy giờ ! ". Thằng bạn trả lời : " Ờ ! Để coi nó muốn gì ? Mầy dòm chừng nghen ! ". Đến cuối đường, thằng nhỏ tấp vô, nói : " Hai chú cho tui xin lại nón ". Vừa nói nó vừa đưa xấp tiền thế chân. Thì ra, nó là người của dịch vụ tuyến đường nầy ! Hỏi tại sao nó không đặt bàn dịch vụ như ở những nơi khác ? Thằng nhỏ chỉ cái bàn kê dưới gốc cây gần đó, nói : " Trước đây có chớ ! Nhưng tụi tui bị bọn đó chiếm chỗ làm ăn ! Họ là gia đình liệt sĩ nên tụi tôi coi như …thí cô hồn ! Bây giờ , thà tốn chút xăng chạy tới chạy lui mà có việc làm chớ bây giờ biết làm khỉ gì hả mấy chú ? ". Những trường hợp ngoại lệ như vậy ở Việt Nam thiếu gì ! Chuyện bình thường thôi !


         Mũ bảo hiểm từ từ rồi cũng thành thông dụng ! Làm như cứ đội lên là …chuyện gì rồi cũng qua ! Đây , hãy xem vài trường hợp khá … ấn tượng :


         - Khoét lỗ cho mát                            

         - Đội nón bảo hiểm để đi khi nước lụt , sợ té xuống nước bị … bể đầu !

         - Đội nón bảo hiểm để vô chùa , tội lỗi … đầy đầu sợ Phật quở !            

         - Đội nón bảo hiểm để chăn trâu, đúng là cha nầy muốn kêu ngạo Nhà Nước !

                 * * *

Những chuyện trên đây xảy ra cách nay cũng năm sáu năm. Bây giờ ở ViệtNam chắc khá hơn nhiều : ai ai cũng biết sử dụng mũ bảo hiểm, kể cả các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà Nước ! Đừng cười ! Không phải họ … chạy Honda nên cần đội nón , mà vì họ đang … " đi dây chánh trị " như trong gánh xiệc, mất thăng bằng đâm đầu té xuống lúc nào không biết , phải … nâng cao cảnh giác đội mũ bảo hiểm cho ăn chắc !

         Xin kể sơ những nguy hiểm của họ bây giờ :

        - bao lâu nay họ cứ … vắt vẻo một cách mù mờ trên cái " Đỉnh cao trí tuệ của loài người " , bây giờ mới thấy cái đỉnh đó không có chân, nghĩa là nó sẽ ngả xuống bất cứ lúc nào ! Vậy là "ta" tuột xuống thôi, mà phải " tuột nhanh cơ" để tránh … tai nạn lao động và phải đội mũ bảo hiểm nữa !

        - bây giờ,  ngoài miệng họ cứ nói oang oang " phải chống những thế lực thù địch nước ngoài " , chớ thật ra, cái sợ của các lãnh tụ là mấy thằng đồng chí ! Chúng nó luôn rình rập để đá mình ra khỏi chỗ mình ngồi để … cướp cái ghế về cho chúng ! Tiên sư chúng nó ! Mới hôm nào sau khi nhất trí ở đại hội và ôm hun thắm thiết khi chia tay , nay đã vội trở cờ ! Vì vậy, lãnh tụ nào cũng thủ một cái nón bảo hiểm ! Thì ra  " Cái nghề … lãnh tụ, thế mà nguy hiểm đấy! Vỡ đầu lúc nào chả biết ! ".

        Nghe nói Tập Đoàn Doanh Thương gì đó của gia đình một lãnh tụ cao cấp của Việt Nam đang nhập cảng  mũ bảo hiểm loại… xịn, mắc tiền. Chắc không phải để bán cho nhân dân ! Thiên hạ đồn rằng cán bộ không thèm đội … nón cối nữa  ( Bị chê là quê mùa, lạc hậu! ) từ khi có … phong trào đội mũ bảo hiểm trong giới cầm quyền!

TT

Tuesday, January 8, 2013

Văn Quang * Về quê lần cuối


Rất bất ngờ, vào dịp cuối năm 2012, các ông Nhất Giang và Vi Túy từ Úc gọi điện thoại cho tôi với một câu hỏi cũng rất “giật gân”: Anh có muốn về Thái Bình không? Tôi nghĩ hai ông này định giỡn mặt với mình đây. Tôi còn đang phân vân tìm cách đối phó để khỏi rơi vào bẫy việt vị, Nhất Giang nói ngay: Thật đấy, chuyến này báo Văn Nghệ sẽ đi làm từ thiện ở Thái Bình, quê hương anh đấy. Anh thấy thế nào?
Tôi trả lời không cần suy nghĩ:
– Các anh làm từ thiện từ Đồng Bằng sông Cửu Long đến Campuchia, rồi Huế, Pleiku, Kontum, chỉ còn thiếu miền Bắc. Đồng bào đói khổ thì ở đâu cũng là người Việt mình cả. Sao lại không ra miền Bắc một chuyến nhỉ.
Vi Túy hỏi rất thành thật:
– Theo anh, miền Bắc còn nhiều gia đình nghèo lắm không?
– Ở đâu cũng có người nghèo trên khắp dải đất Việt Nam này. Ở miền Bắc, họ hàng tôi còn nhiều, nhất là ở tỉnh Thài Bình mà các anh vừa đề cập tới. Có những người “trên không chằng, dưới không rễ”, nói rõ ra là họ không có người thân, không có họ hàng hang hốc với chính quyền địa phương, phần đông còn nghèo khó là cái chắc, chẳng khác gì những người ở các vùng quê miền Nam đâu. Chưa nói đến trường hợp như mấy đứa cháu tôi, sự nghèo khổ còn thê thảm hơn, kéo dài suốt từ năm 1954 tới bây giờ. Tôi kể lại sơ lược sự thật đó để các anh hiểu rõ hơn.

Nỗi khổ từ “muôn năm cũ”
Năm 1954, sau khi gia đình tôi vào Nam, anh cả tôi ở lại miền Bắc bởi anh theo kháng chiến chống Pháp từ những năm 1949. Như tôi đã có lần tường thuật với bạn đọc về cái chết oan uổng của ông anh cả tôi. Anh đang là chính trị viên, nhưng anh bị sốt rét nên sau khi đi bệnh xá, được nghỉ phép về làng dưỡng bệnh. Gặp ngay đợt cải cách ruộng đất, phong trào đấu tố được “phát huy” lên đỉnh điểm. “Chỉ tiêu” của làng tôi là phải đấu tố 3 anh địa chủ. Thế là ông anh tôi, vốn là con ông chánh tổng, bị lôi ra đấu tố rồi xử bắn. Để lại vợ và 3 đứa con nhỏ, có cháu mới 2 tuổi, cháu lớn nhất mới 6 tuổi. Bà vợ anh không chịu nổi cảnh nhục nhã này nên đã đâm đầu xuống ao nhà tự tử. Mấy đứa con nhỏ bị đuổi ra ở một túp lều lá trong khu vườn chè nhà tôi. Cả làng, kể cả người thân trong họ, cũng không dám giúp đỡ bất cứ thứ gì cho các cháu. Một lần các cháu mò cua bắt ốc, bắt được mấy con cá nhỏ ngoài đồng, mang về đến gần nhà, vô phúc gặp một anh dân quân du kích bắt đứng lại khám xét. Thấy mấy con cá, anh dân quân này quả quyết rằng hai đứa ăn cắp cá, anh ta mang đổ ngay mấy con cá xuống ao làng. Mấy đứa cháu tôi sống nheo nhóc trong hoàn cảnh đó. Tôi không muốn dài dòng về nỗi khổ này của các cháu. Chỉ biết rằng nỗi nghèo khổ đó đã theo đuổi các cháu từ năm 1954 đến nay. Một cháu đã mất tại Nam Định, một cháu bỏ làng ra Hà Nội sống cuộc sống lầm than cho đến bây giờ.
Tôi kể lại chuyện này để các anh hiểu thêm ở miền Bắc còn nhiều gia đình nghèo khổ, cái nghèo “tích lũy” lại từ bao năm nay, đôi khi hơn cả miền Nam. Ở những làng quê Thái Bình không thiếu những gia đình như thế. Các anh đại diện cho bà con người Việt ở nước ngoài phát quà cho bất cứ tỉnh nào ở miền Bắc cũng sẽ gây xúc động cho bà con nghèo trong nước và gây được một tiếng vang đáng kể đấy. Một việc nên làm và không phải ai cũng làm được.
Ông Nhất Giang kết luận một câu hỏi gọn lỏn:
– Vậy anh có đi không? Chúng tôi lấy vé máy bay nhé.
Tôi “nóng máy” gật ngay: “Đi thì đi”.

Kinh Kha qua sông Dịch
Thế là chuyến đi bất ngờ của tôi về quê hương được ấn định từ ngày 25 đến 27-12 vừa qua. Thật ra từ mấy năm trước, mỗi lần báo Văn Nghệ về Việt Nam tặng quà, tặng nhà tình thương cho đồng bào nghèo, tôi vẫn còn đủ sức “chiến đấu” với anh em, từ Lộc Ninh đến Biển Hồ Campuchia, đến Tiền Giang, Đà Lạt tôi đều có mặt. Nhưng mỗi năm tuổi một cao, sức yếu không còn đủ sức “trường chinh” nữa. Năm nay đã 80, tưởng rằng anh em cho yên thân “dưỡng già” trong cái chung cư mục nát này. Nhưng tiếng gọi của quê hương, của những người nghèo khó lại bất ngờ bật dậy, nói theo kiểu chữ nghĩa linh tinh ở đây là nó bật dậy “đột xuất”!
Tôi theo dõi tin thời tiết trên truyền hình, miền Bắc đang vào đợt rất lạnh, có hôm dưới 13 độ C, tôi hơi lo cho “cái thân già” này. Nhưng nhớ lại những ngày nằm trong trại tù cải tạo ở Sơn La, trời lạnh 3 độ C mà chiều vẫn phải tắm nước suối lạnh buốt còn chịu được thì có xá gì cái lạnh Hà Nội. Thế là thêm “dũng khí” ra đi, cứ như Kinh Kha qua sông Dịch vậy. Đi chuyến này rồi về có “bỏ mạng nơi xa trường” cũng đáng lắm.
Xin bạn đừng cho rằng tôi “quan trọng hóa” chuyến đi này. Ở vào tuổi tôi, nhiều bạn bè đã ra đi, nhiều bạn mới năm trước còn dong chơi đây đó, nay đã nằm bẹp, muốn đi đâu cũng không đi nổi. Bây giờ, tôi đi bộ hàng ngày chỉ 15 phút đã thở “bở hơi tai”. Biết mình sức yếu rồi, chỉ còn điều an ủi cuối cùng là “làm được cái gì thì cứ làm, đi được đến đâu thì cứ đi”. Chẳng có điều gì báo trước cho cỗ máy xài đã 80 năm, không hư chỗ nọ cũng hỏng chỗ kia, lắp vá lung tung, đến lúc nó “bung” là hết lết nổi. Do vậy mà chuyến đi của tôi hoàn toàn nằm ngoài dự tính và ngoài cả ý muốn, nhưng cũng phải “liều”. Bạn đã đọc câu chuyện vui tôi gửi đến quý bạn tuần trước: Ở Việt Nam “không liều thì không sống được”. Cho nên tôi đi chuyến này cũng là liều. Bởi tôi biết rất rõ, đi với “cánh Văn Nghệ Úc” là đi liên miên, ngồi xe vào đường làng xóc như nhảy mambo, cuốc bộ đường ruộng hàng vài cây số, đi liên miên để đến được nhiều nơi.
Đầu năm, cho tôi được tậm sự đường dài với bạn đọc thân mến của tôi thế thôi. Năm sau chẳng biết còn đủ sức, đủ minh mẫn để hầu chuyện bạn đọc nữa không.

Người Sài Gòn tiết kiệm cả đêm Giáng Sinh
Đêm 24-12, tôi đón Giáng Sinh ở Sài Gòn, vốn lười đi và tiết kiệm nên nằm nhà coi Ti Vi. Từ ngày phố xá Lê Lợi, Nguyễn Huệ trang hoàng đón Giáng Sinh và Năm Mới, tôi chưa hề bước chân ra đến mấy con phố chính rộn ràng đó. Dường như với người già ở thành phố này, nói chung, họ vẫn nghĩ năm nào cũng như nhau thôi, có đi xem cũng chẳng thấy gì khác. Vả lại năm nay đời sống quá khó khăn, những thứ đèn đóm xa hoa, năm nào cũng phải có cho đủ “lệ bộ” thôi, chứ khó mà vui nổi khi còn trăm thứ lo bù đầu. Vô tình, những thứ đó dành cho những người giàu hay ít ra cũng đủ ăn đủ mặc. Dân nhà nghèo năm nay lo chạy gạo, lo thất nghiệp, tiết kiệm cả đến một cuốc xe đi hưởng thú vui không mất tiền, tức là không mất “phí”. Cái gì chứ nghe đến “phí” là dân nghèo hết hồn rồi. Mất tiền đổ xăng, chẳng lẽ không uống ly nước mía, thôi, thà ở nhà, tiết kiệm được cho gia đình bữa ăn sáng, để dành tiền nộp phí sử dụng đường bộ. Đấy là một sự thật, ít ai nghĩ đến.
Tôi chỉ dám thức đến 11 giờ đêm bởi sáng sớm hôm sau, 5 giờ đã phải thức dậy ra máy bay. Coi như phải “bỏ quên đêm Giáng Sinh”. Chuyến Jetstar cất cánh từ Tân Sơn Nhất lúc 07 giờ 30 phút, sau 1 giờ 45 phút sẽ đến sân bay Nội Bài. Jetstar là hãng hàng không giá rẻ nhất tại Việt Nam bây giờ. Nếu lấy vé trước 1 tháng hoặc 1 tuần, giá sẽ rẻ hơn nhiều. Chỉ bằng nửa giá Air Việt Nam và ngang với giá xe lửa có giường nằm. Khoảng hơn 1 triệu đồng 1 lượt Sài Gòn – Hà Nội. Tất nhiên bạn lấy vé khứ hồi sẽ còn được bớt thêm nữa. Máy bay lớn, khoang hành khách chật chội, tất nhiên không “sang” bằng những hãng khác, nhưng cũng không tệ. Khi máy bay sắp hạ cánh, phi hành đoàn thông báo nhiệt độ tại Nội Bài là 14 độ C. Cô gái ngồi cạnh tôi lè lưỡi rùng mình. Cô vận chiếc quần soọc để khoe cặp đùi dài trắng nhễ nhại. Có lẽ cô ra Hà Nội lần đầu.
Tôi “trang bị” khá kỹ, áo khoác dầy cộm, khăn len quàng cổ, những thứ hàng “son” mua ở chợ Đà Lạt từ mấy năm trước, nằm kỹ trong đáy tủ, bây giờ mới “phát huy tác dụng”.

Về quê hương mà chưa biết đó là quê mình
Từ sân bay Nội Bài, chiếc xe 16 chỗ chạy thẳng một lèo về Thái Bình. Con đường khá dài, ngồi ê ẩm mới tới nơi tôi đã sinh ra và lớn lên rồi bỏ xứ ra đi. Gần 3 tiếng sau chúng tôi tới giáo xứ Phục Lễ. Ngôi nhà thờ rất lớn, với những hàng cây được nắn tỉa công phu quanh những khu vườn sạch sẽ làm tôn thêm vẻ trang nghiêm của nơi này. Người đón tiếp chúng tôi là cha Thao, rất lịch lãm, trẻ và đẹp trai không kém gì tài tử màn bạc. Cha đãi đoàn một bữa cơm khá thịnh soạn. Mọi chương trình đã được hoạch định từ trước cả chỗ ăn chỗ ngủ. Nhưng để khỏi làm phiền nơi tôn nghiêm và có tự do hơn, chúng tôi xin phép cha cho ra nghỉ ở khách sạn bên ngoài.
Đó là một kiểu “nhà nghỉ” ở giữa những con đường lớn. Có nơi treo bảng là “nhà ngủ” cho tiện việc sổ sách. Phòng chật hẹp, cũng có máy lạnh, toilet nhưng có vẻ hơi bầy hầy, bạn kiếm miếng xà bông cũng không ra. Đêm giữa đồng quê nghe ếch nhái kêu cũng vui tai. Tôi chợt nhớ ra là tôi rời quê ra đi vào năm 1950, đến nay đã hơn 60 năm tôi mới được ngủ lại ở chính quê hương mình. Nhìn khung cảnh đồng quê trước mặt mơ hồ trong ánh đèn đêm, dường như nó vẫn vậy, không có gì thay đổi. Thay đổi chăng là ở con người. Tôi thật sự xúc động khi nhớ lại những con đường, những mái nhà, những ngôi trường tôi đã từng ê a học và những khuôn mặt từ xa xưa. Tất cả như còn đang lẩn khuất đâu đây và đang chờ đợi ngày chúng tôi trở về. Nhưng đồng thời với cảm tưởng ấy là ý nghĩ thực tế hơn, có lẽ đây là lần cuối tôi nghỉ lại nơi này. Niềm vui và nỗi buồn đan xen trong cái đêm “hội ngộ” hi hữu này. Đêm đó dù rất mệt nhưng tôi vẫn không tài nào nhắm mắt ngủ yên được.
Sáng hôm sau trở lại nhà thờ Phục Lễ, nghe các giáo dân nói chuyện tôi mới biết giáo xứ này thuộc xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình. Vậy mà từ hôm qua tôi cứ tưởng giáo sứ thuộc huyện khác, mãi đến lúc đó tôi mới biết xã này thuộc huyện mình. Cách huyện lỵ Quỳnh Côi có 4 km, tức là cách làng An Hiệp của tôi 9 km. Bỗng dưng tất vả trở nên thân thuộc quá.

Buổi phát quà tại giáo xứ Phục Lễ
Đúng 9 giờ sáng buổi phát quà bắt đầu ngay tại sân sau nhà thờ Phục Lễ. Chúng tôi thấy việc tổ chức phát quà cho đồng bào nghèo ở một nơi như thế này là rất phù hợp. Nếu tổ chức ở một trụ sở hay ủy ban nào cũng bất tiện vì khẩu hiệu cờ quạt lung tung… Buổi phát quà cho cả đồng bào theo đạo Thiên Chúa và đạo Phật, không hề có sự phân biệt nào. Hơn 100 người đã tề tựu đông đủ, vài người “giàu lắm” cũng chỉ có chiếc xe đạp cũ. Phần quà gồm 2 gói thực phẩm và 100 ngàn tiền mặt. Đến nhận quà, hầu hết là các cụ già, các cô gái và em nhỏ vừa đủ tuổi xách được gói quà khoảng 4 kg. Quan sát những người dân ở đây, tôi không thấy điều gì khác biệt với những người dân ở các địa phương miền Nam mà tôi đã từng đi qua. Có lẽ người nghèo ở đâu cũng giống nhau cả thôi, quần áo “thời đại si đa” đủ mốt, đủ màu, đủ quốc tịch, chữ ăng lê trên ngực áo đủ kiểu kể cả kiểu “I love you” trên áo các em nhỏ chưa đủ lớn khôn. Khác một chút là mùa lạnh nên ai cũng mặc vài ba chiếc áo chằng đụp nên có vẻ có da có thịt hơn.
Tôi cũng được anh em cử ra đứng phát tiền sau khi các cụ đã lãnh quà. Có cụ bê không nổi, rớt lung tung, người khác phải tới “khuân” giúp. Có cụ quên cả lãnh tiền, dù đã được nhắc nhở, tôi phải kéo áo cụ lại mời cụ lãnh giùm cho. Có cụ nói “các ông cho nhiều quá, chưa có ông nào cho nhiều như thế”.
Tiếng gọi nhau í ới, vài người xúm lại “thồ” mấy phần quà trên chiếc xe đạp cũ. Họ vẫn còn quen với kiểu phương tiện vận chuyển thời chiến tranh đi tản cư, di cư.
Ngay hôm đó đoàn lại tiếp tục đi đến 4-5 nhà thờ khác nằm trong địa phận cai quản của cha Thao ở giáo xứ này. Đường làng nhỏ hẹp như bờ ruộng, có nơi xe gắn máy đi còn chật. Chúng tôi cuốc bộ từng chặng chừng 1-2 cây số. Thú thật, nếu không có mấy ông bạn mang giúp hành lý, tôi không đi nổi. Ở nơi nào bà con cũng có vẻ lạ lẫm với đoàn làm từ thiện từ nước ngoài về. Thậm chí có nhiều người chẳng biết nước Úc ở đâu, nếu không giải thích, họ vẫn cứ nghĩ rằng đó là nước Mỹ. Bà con ở miền này biết đến nước Mỹ và đồng đô la chứ quả tình không biết đồng đô la Úc hoặc đô la Canada. Xin bạn hiểu là rất nhiều người biết có đồng đô la chứ chưa nhìn thấy hoặc chưa được cầm đến bao giờ. Đó là điều ngược hẳn với dân Hà Nội. Ai cũng biết giá trị của từng đồng đô la và nhiều người định giá trị nhiều món hàng bằng đô la và tiêu bằng đô la mạnh tay hơn các cụ từ nước ngoài về Việt Nam đấy. Suy ra từ đấy, ở miền Bắc sự cách biệt về giàu nghèo giữa thành thị và thôn quê quá xa. Xa hơn cả miền Nam.
Trở lại chính nơi chôn rau cắt rốn
Buổi chiều chúng tôi lại lên đường trở về Hà Nội. Trên đoạn đường đó, chúng tôi đi qua huyện Quỳnh Phụ và qua cầu Hiệp. Đúng ra tên huyện cũ của tôi là Quỳnh Côi, nhưng sau này, các ông “nhà nước mới” sát nhập hai huyện Phụ Dực và Quỳnh Côi là một, đổi thành huyện Quỳnh Phụ. Rồi nhiều huyện, nhiều tỉnh thấy sự cai trị bất tiện nên lại tách lại các tỉnh huyện như cũ. Như Hà - Nam- Ninh, Vĩnh - Phúc - Yên… Nguyên cái việc sửa tới sửa lui này cũng tốn hết biết bao tiền của công sức của nhân dân. Giấy tờ đều phải làm mới để rồi làm lại như cũ. Sự thiếu nghiên cứu, thiếu kinh nghiệm, với những bộ óc thích “đổi mới vô tội vạ” đã làm điêu đứng người dân không ít.
Ngày nay, cái phố huyện nhỏ xíu bây giờ được nâng lên thành thị trấn và đặt lại cái tên Quỳnh Côi quen thuộc, nhưng huyện thì vẫn là huyện Quỳnh Phụ.
Đi qua con đường đúng 5 cây số từ thị trấn về phố Bến Hiệp, tôi bồi hồi nhớ đến những năm tháng từ phố tôi đi học trường huyện. Con đường trải đá, hai bên đã mòn nhẵn, mỗi ngày có hai chuyến xe đò chạy từ Bến Hiệp đến tỉnh lị Thái Bình. Con đường đã in đậm thuở ấu thơ của tôi, thuở mới tập và thích làm người lớn, thuở bắt đầu biết yêu vụng nhớ thầm cô hàng xén hoa khôi của phố Hiệp. Bốn năm dài như thế, mỗi ngày đạp xe đi trên con đường cái quan này. In đậm trong khối óc trẻ thơ của tôi là vào năm 1943, hai bên bờ cỏ, dọc theo con đường này có rất nhiều người chết đói, nằm la liệt bên đường. Có những xác chết, vì không chôn kịp, đã cháy đen vì nắng như bị hỏa thiêu. Hầu hết họ là những người từ phương xa đến xin ăn ở huyện tôi. Nhà tôi đã bắt tôi phải nghỉ học cả tháng để tránh bệnh tật lây lan từ quãng đường kinh hoàng này. Bây giờ trở lại, đó là những hình ảnh bi đát nhất vẫn còn như trước mắt tôi.

Chùa làng Sơn Đồng và ông sư tự thiêu
Đi gần hết quãng đường này, chúng tôi vì tò mò ghé vào làng Sơn Đồng thăm ngôi chùa có vị sư mới tự thiêu cách đây hai tháng. Làng này cách làng tôi vài cái bờ ruộng và một lũy tre thưa. Bà chị ruột tôi lấy chồng ở làng Sơn Đồng. Anh chị tôi có chừng 7- 8 đứa con hiện ở cả bên Mỹ. Các cháu đề nghị tôi ghé qua chùa thăm lại cảnh xưa có đúng như bức ảnh đã được đưa lên Internet không và lý do nào nhà sư đã tự thiêu.
Chúng tôi đến ngôi chùa Sơn Đồng vào buổi quá trưa “trời không nắng cũng không mưa, chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ nhung”. Không khí chùa ngoài vắng lặng, không một bóng người. Tôi lần ra phía sau chùa vãn cảnh, bất ngờ gặp được sư thầy, có lẽ là vị sư tạm thời trụ trì ở chùa này sau khi vị sư chính tự thiêu. Tôi gợi lại vài kỷ niệm cũ chứng tỏ mình là người cũ của địa phương này. Hồi đó bố tôi thường sai tôi sang chùa này mời cụ sư Hinh sang nhà tôi đàm đạo. Cụ sư Hinh rất phong khoáng trẻ trung nên tôi nhớ mãi tính cách đặc biệt của cụ. Vị sư thầy trụ trì mới này nhận ra ngay tôi là “người nhà”. Vị này tự giới thiệu tên thật là Phạm Tiến Hường.
Sư thầy ra gặp anh em trong đoàn và thuật lại chuyện vị sư đã tự thiêu. Thầy nói khá chi tiết. Tôi chỉ có thể tóm tắt vài điểm then chốt. Vị sư tự thiêu là thầy Thích Thanh Hoằng; tên tục là Nguyễn Văn Mười. Thầy viết thư tuyệt mệnh nói rằng: “Thầy không oán trách phật tử, tự thầy oán trách thầy”. Nhưng theo thầy Phạm Tiến Hường thì một buổi sáng thức dậy, thầy Thích Thanh Hoằng bị “người ta” lấy hết toàn bộ đồ dùng của thầy, trong đó có cả máy vi tính và nhiều sách vở. Thầy buồn lắm nên tự thiêu. Tôi không thể suy luận hai chữ “người ta” đây là sư thầy Hường đã ám chỉ nhân vật nào hay cơ quan nào. Vì một lý do nào đó, thầy Hường cũng chỉ nói hai tiếng “người ta”, nhưng bạn đọc thừa thông minh có thể hiểu đó là ai và tại sao thầy Hường không thể nói rõ hơn được. Thầy Hường chính là người đã ở bên và giúp đỡ săn sóc cuộc sống cho thầy Thích Thanh Hoằng từ 10 năm nay nên biết rất rõ. Thầy Hoằng đã đổ 10 lít xăng lên người để tự thiêu vào buổi sáng. Sau đó vài ngày, chùa định làm một đám tang lớn nhưng lại được phường xã đề nghị cho đám táng đi vòng quanh con đường phía ngoài chùa rồi an táng thầy phía sau miếng đất của chùa Sơn Đồng.

Cây cầu Hiệp mới, nối liền Hải Dương-Thái Bình
Chúng tôi dừng lại chùa Sơn Đồng khoảng hơn 1 tiếng, buổi chiều anh tài xế trẻ đưa đoàn ra Bến Hiệp. Đây chính là nơi tôi đã sống suốt thời thơ ấu. Dãy phố có chừng vài chục căn nhà lầu, nơi có một số gia đình người Hoa làm ăn buôn bán cùng người Việt. Ngày nay chỉ còn lại là những dẫy nhà tranh hai bên đường. Chỉ có cái cầu Hiệp mới làm xong, đó cũng là đặc điểm nổi bật nhất của tỉnh Thái Bình.
Cầu Hiệp bắc qua sông Luộc, nối liền đường bộ giữa 2 tỉnh Hải Dương - Thái Bình, cầu này thuộc 2 xã Hưng Long (huyện Ninh Giang) Hải Dương và Quỳnh Giao (huyện Quỳnh Phụ) Thái Bình, được khởi công xây dựng từ năm 2008. Cầu Hiệp có chiều dài 542,5m, rộng 12m. Buổi chiều trời mưa dăng nhẹ như mưa phùn mùa đông, cây cầu uốn cong nổi lên trên nền trời khá hùng vĩ giữa vùng quê nghèo. Tôi nhớ đến những lần bọn nhóc chúng tôi trần như nhộng, bơi qua sông Luộc giữa mùa nước lớn, dòng phù sa đỏ quạch chảy cuồn cuộn, sang bên kia sông ăn trộm vài trái bắp với cái lý do ngây ngô rằng bắp Hải Dương mới ngon. Và chỉ bơi qua sông chạy trốn về bờ nhà khi có người đuổi theo hô hoán, đứng trên bờ chửi theo. Tuổi trẻ ngỗ nghịch có vài phút sống lại.
Cây cầu này khiến tôi nhớ tới cây cầu Bo, lối bắt đầu vào tỉnh lỵ Thái Bình, nơi bà ngoại tôi sinh sống. Mỗi lần tôi được “lên tỉnh”, nhìn thấy cây cầu Bo như nhìn thấy môt thiên đường mới. Đó mới là ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi về quê ngoại. Tôi nhớ đến mấy câu vè của bọn học trò vẫn hát om xòm: “Thái Bình có cái Cầu Bo. Đêm đêm trai gái lại bò lên chơi. Cứ 5 mét lại một đôi”.
Bây giờ Thái Bính có tới 2 cây cầu Bo, một mới và một cũ, nằm song song, nhưng chuyến đi này tôi không đi qua cầu Bo. Chiếc cầu Hiệp đã thay thế, nhiều xe chạy đường Hà Nội đã thay đổi lộ trình chạy qua đường cầu Hiệp sang Hải Dương ngắn hơn và đường sá tốt hơn.
Buổi tối về đến Hà Nội, chúng tôi quá mệt mỏi chỉ còn nước lăn ra ngủ. Trong chuyến đi của đoàn có một ông bạn từ Cali cũng tháp tùng. Ông Tiến, tục gọi là Tiến râu, người nằm chung phòng với tôi và mang vác hành lý, giúp đỡ tôi rất nhiếu trong suốt cuộc hành trình này. Thế là có cả độc giả từ Mỹ về cùng làm từ thiện cho vui vẻ. Hà Nội đối với tôi chỉ là một trạm dừng chân đợi tàu xe. Nhưng cũng có nhận xét rất “vô tư” rằng người Hà Nội giàu hơn người miền Nam. Có rất nhiều nguyên nhân lý giải điều này sau khi tôi tìm gặp một vài người bà con, kẻ giàu nứt đố đổ vách, người nghèo kiết xác như đứa cháu tôi ở giữa lòng Hà Nội.
Buổi tối chúng tôi trở về Sài Gòn trên chuyến bay cất cánh vào 19 giờ 30 hoàn tất chuyến đi làm từ thiện lần đầu tiên ở miền Bắc. Thưa thật với bạn đọc, ba hôm sau hai bắp đùi tôi vẫn còn đau, leo lên cầu thang lầu 1 chung cư không muốn nổi. Thế mới thấy rõ mình đã “quá đát” và ngồi tiếc nuối thời trai trẻ. Nhưng dù thế nào tôi cũng bằng lòng với mình vì đã “làm được gì cứ làm, đi được đến đâu cứ đi”. Đó chính là cuộc sống “có lý” của tuổi già, phải không bạn?
  
Văn Quang

Monday, January 7, 2013

Trần Thiện Hiệp * ở một góc đời


gởi PBTD

Tháng ngày rỉ sét, đầu đã bạc
Lưu cảo còn gì hởi bạn ta?
Bao nhiêu con chữ từ bỏ nước
Đọc thấy trùng trùng những xót xa

Thơ làm mình đọc, con không hiểu
Tâm sự cùng ai những chuyện lòng!
Đồng hội đồng thuyền đều đau cả
Chẳng ai còn lạ kiếp long đong

Chữ nghĩa lưu vong không về nước
Tình nghĩa ngoài trong dần nhạt phai
Đồng bào quên lãng người biệt xứ
Mãi lo nghèo khó gánh nặng vai

Viết đi, viết lại sầu biển rộng
Tri âm, tri kỹ ở phương nào
Văn chương hải ngoại ngày ế ẩm
Tương lai dài ngắn biết ra sao!

Nhìn lá chuyển mùa, thời gian cạn
Tuổi già chữ nghĩa cũng già nua
Rượu cạn gỏ ly ngâm tứ tuyệt
Ngất ngưởng cười khà nỗi thiệt thua


Mùa thu 2012
Trần Thiện Hiệp
ember.2012


 
Trần Kiêm Đoàn
TINH THẦN HỌC THUẬT PHẬT GIÁO
 

 
Năm nay, 2012, là năm đầu tiên trong ký ức của thế hệ Chiến Tranh Việt Nam, xứ Huế không có một trận lụt nào từ đầu thời điểm lụt lội “tháng Bảy nước nhảy lên bờ” cho đến hết mùa Giáng Sinh. Thế nhưng Huế vẫn rụt rè với những cơn mưa và trở lạnh vào những ngày cuối năm. Cư dân trang mạng càng làm biếng thăm nhau trên những thôn cùng xóm vắng thì lại càng có nhiều “duyên nợ” gặp gỡ nhau hơn tại những điểm nóng của thời cuộc và chữ nghĩa. Những ngày gần cuối năm, sinh hoạt “giặc I-meo” khá rộn ràng là tin đồn “Ngày tận thế” sẽ xảy ra vào ngày 21-12-2012 chỉ vì lịch Mayan ở tận Nam Mỹ, đã có từ nhiều nghìn năm trước, kết thúc dòng thời gian cuối cùng vào ngày nầy. Riêng người theo đạo Phật thì chỉ mỉm cười thú vị vì lý thuyết nhà Phật đã xác định điểm giao thừa giữa tận thế và sáng thế chỉ là sát na của đương niệm hiện tiền.
Bầu không khí sau 21-12 vừa nguội lại bị hâm nóng lên khi người đọc bắt gặp một nguồn tin tôn giáo: “Vì sao luận văn tốt nghiệp Học Viện Phật Giáo Việt Nam ‘Thực chất của Đạo Hòa Hảo’ bị ‘ném đá’ dữ dội?” Xem ra mới biết rằng, trong tháng 12/2012, văn phòng Trung Ương Phật giáo Hòa Hảo đã có văn bản phản đối chính thức gởi tới Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như Học viện Phật giáo Việt Nam tại Sài Gòn, đồng thời với hơn 40 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo từ miền Tây Nam bộ cũng trực tiếp đến HVPGVN để  khiếu kiện. Đối tượng của sự phản đối nầy là một luận văn tốt nghiệp khóa IV của Tăng sinh Thích Thiện Huệ (từ đây xin được viết tắt: Ts. TTH) qua chủ đề: “Thực chất của Đạo Hòa Hảo” do cố GS Minh Chi hướng dẫn và Hòa thượng Thích Giác Toàn, thay mặt Hội đồng Điều hành phê duyệt: “Đạt yêu cầu”!
 
Ở mức độ thông thường và phổ quát của hệ thống đại học toàn cầu thì luận văn tốt nghiệp thuộc phạm trù học thuật ở một trong 3 cấp độ: Luận văn (Essay) thường dành cho cấp cử nhân (Bachelor), Tiểu luận (Thesis) thường dành cho cấp thạc sĩ (Master) và luận án (Dissertation) dành cho cấp tiến sĩ (Doctor).  Nói một cách tổng quát, mỗi cấp độ có những yêu cầu và giới hạn riêng. Ở mức độ càng cao thì tính chất tham khảo, nghiên cứu, tổng hợp, luận giải và lập thuyết càng sâu và rộng hơn. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp luận văn cấp cử nhân vượt trội hơn cả tiểu luận hay luận án cấp tiến sĩ và ngược lại. Nhắc lại khái niệm tương đối mang tính truyền thống nầy để liên hệ tới luận văn tốt nghiệp đã nêu dẫn ở trên của Ts. TTH. Luận văn tốt nghiệp thường phản ánh công trình nghiên cứu khách quan và phương pháp luận của sinh viên tốt nghiệp đậm nét hơn là nỗ lực phủ bác một hệ thống tôn giáo, chính trị hay xã hội mang bản chất chính luận gay gắt như trường hợp Ts. TTH; nhất là trong bối cảnh của một học viện Phật giáo.
Tạm gác ra ngoài những biên kiến tôn giáo và chính trị, vấn đề trung tâm ở đây là trên căn bản học thuật, liệu luận văn “đạt yêu cầu” của Ts. TTH có đạt được mục đích tìm ra được “Thực chất của Đạo Hòa Hảo” hay không. Và, nhìn từ lăng kính Phật giáo, Ts. TTH đã vận dụng được gì tri thức luận Phật giáo để chứng minh, phân tích và tổng luận về thực chất của đạo Hòa Hảo.
Thế giới quan Phật giáo, trước hết, là cái nhìn nhất nguyên. Dẫu khai triển lớn đến mức độ nào và gút thắt nhỏ đến giới hạn nào; thô triển và cực vi đến đâu thì vẫn đối diện với sự thật hiển nhiên “ba nguồn một thể”: Khổ <> vô thường <> vô ngã = Không. Và rồi không lại hoàn không! Bốn thánh đế, mười hai nhân duyên và ba dấu ấn cũng chỉ là một cách lý giải dòng hiện sinh vốn đã có từ vô thủy đến vô chung. Đạo Phật từ thời nguyên thủy đến hôm nay mỗi lúc, mỗi nơi, mỗi sinh thể đều tùy căn cơ mà biến hiện. Mỗi sự đau khổ, mỗi biểu hiện của vô thường của tận thế và khai sinh có mặt cùng lúc theo từng chớp mắt tùy duyên mà sinh khởi. Không ai cả mà là tất cả… đều bị chi phối trong vòng tròn thành, trụ, hoại, không. Chẳng có một trung tâm tối thượng và uyên nguyên nào làm chủ tể mà tùy vào vô lượng phương tiện để đối trị và xoay vần. Tiếc thay, trong luận văn tốt nghiệp, Ts. TTH đã khởi tâm phân biệt khi tự xác tín theo lối biện chứng suy đoán “cây đa sinh ra ông thần; ông thần phải cần cây đa” để làm phương tiện luận lý khi đem những khúc quanh lịch sử và sự tương tác nhất thời giữa con người và hoàn cảnh để làm căn bản chứng minh nguyên nhân ra đời của một pháp (trong vô lượng pháp): Đạo Hòa Hảo. Trong lúc dưới nhãn quan Phật giáo thì mỗi hiện tượng sinh khởi đều không thể phát xuất từ một nguyên nhân hay điều kiện đơn lẻ nào cả mà thành; tất cả đều là hợp duyên mà biến hóa. Ts. TTH đã tự dừng lại giữa trùng trùng duyên khởi để nắm bắt những hiện tượng chính trị và xã hội thời Nam Bộ kháng chiến làm tiêu đề xác định cột mốc khai sinh cho đạo Hòa Hảo. Do vậy, nên tác giả luận văn có vẻ như chỉ thấy hiện tượng cái cầu vồng làm nên cơn mưa mà bất chấp hết thảy thiên thời địa lý khi đặt bút viết:
“Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, một số người đã lợi dụng niềm tin và sự thiếu hiểu biết của người dân bằng loại tín ngưỡng nầy mà lôi kéo họ vào các hoạt động chính trị dưới hình thức của một tôn giáo, đạo Hòa Hảo là một ví dụ điển hình…”
Về mặt tri thức luận, Ts. TTH không dựa trên cột xương sống Trung Đạo của Phật giáo mà lại dựa trên tạp luận cực đoan và biên kiến thiếu vi tế của nhà nghiên cứu chưa thành để mô tả lý thuyết kinh văn của đạo Hòa Hảo như là một mớ ý và lời hỗn độn, vay mượn khập khiễng từ nhiều nguồn tư tưởng khác nhau phi Phật giáo, phi tôn giáo, hoàn toàn không có một chỗ đứng nào trong hệ thống tôn giáo:
“Hòa Hảo là một tôn giáo được thành lập cách đây không lâu, lẽ ra trong kế thừa, nó phải có tính sáng tạo, khi có sự ảnh hưởng hay tiếp nối tư tưởng, mà hầu như toàn bộ giáo lý đạo nầy, nói chung, đều là sự vay mượn lẫn lộn, thiếu trung thực, thiếu sáng tạo từ những tư tưởng của các tôn giáo có trước như Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Cao Đài Giáo…Trong đó chỉ có ba hệ thống tư tưởng của Phật, Khổng, Lão là có ảnh hưởng sâu đậm đến sự hình thành giáo lý đạo Hòa Hảo. Cho nên, trên lập trường tư tưởng, tôn giáo nầy hoàn toàn không có chỗ đứng.”
Thật ra, nguồn kiến thức nhân loại là một quá trình vay mượn kế thừa và tác động lên nhau. Ngay cả những khái niệm rất cơ bản trong lý thuyết Phật giáo như Duyên, Nghiệp, Luân Hồi… cũng đã xuất hiện rất sớm trong văn lý Vệ Đà, Áo Nghĩa Thư, Bà La Môn… hàng nghìn năm trước khi Phật giáo ra đời ở Ấn Độ.
Học thuật Phật giáo đòi hỏi một phương pháp luận tương ứng với giáo thuyết căn bản của nhà Phật; trong đó, tinh thần từ bi và trí tuệ là cánh cửa mở vào thế giới chữ nghĩa của kinh văn. Khiêm cung, ái ngữ, trí tuệ và buông xả là một phần quan trọng trong phẩm hạnh của hành giả tu trì theo đạo Phật. Ngược lại, chấp trước và ngã mạn là cánh cửa khép kín tư duy. Ngày xưa, Châu Lợi Bàn Đà là một đại đệ tử của đức Phật, nhưng học bao nhiêu tháng ngày vẫn không thuộc được một câu kinh bên cạnh A Nan Đà với trí nhớ phi thường, nghe qua một lần là đã thuộc làu thiên kinh vạn quyển. Căn trí ngắn dài do tác nghiệp; chẳng phải là yếu tố tiên quyết của bậc chân tu, của người hành giả. Bồ tát Thường Bất Khinh đảnh lễ từ hàng vương hầu khanh tướng đến giai cấp gánh phân Chiên Đà La: “Xin cúi chào một đức Phật tương lai!”. Tất cả đều là biểu tượng. Một biểu tượng từ bi và trí tuệ muôn đời của đạo Phật do thấy được thể tánh của vạn pháp, không bị vô minh che lấp bởi cái hình tướng giả tạm bên ngoài và âm thanh, chữ nghĩa ma trơi của nhân thế. Với tinh thần Phật giáo, học thuật sẽ biến thành học phiệt, vọng ngôn hay hý luận khi chỉ biết khư khư lấy cái gang tay của mình làm đơn vị đo lường chiều sâu vô lường của đức tin và tâm thức. Chưa nói về kiến thức mà chỉ nói về phẩm hạnh của bậc xuất gia cũng đáng suy gẫm khi đọc bài luận văn tốt nghiệp của Ts. TTH, diễn đạt theo một văn phong phi học thuật đến độ bất ngờ:
 Xét cho cùng, Huỳnh Phú Sổ vẫn là một nhà thông thái của một đám người dốt nát đang tôn xưng ông là giáo chủ, một giáo chủ kiêu căng, khoác lác, hay lòe đời bằng một mớ kiến thức rơm rác do học lóm mà được, một giáo chủ luôn tạo những mâu thuẩn trong lời dạy của mình, vậy mà có ai hay biết gì đâu, vẫn cho đó là những khuôn vàng thước ngọc cần phải noi theo.”
 Trong Bát Chánh Đạo, không có “Chánh Tín” bởi pháp thị do tâm. Linh tại ngã bất linh tại ngã, lòng tin là một cảm thức nặng tâm lý chủ quan có thể đúng với người nầy, nhưng lại sai đối với người nọ và ngược lại. Lắm lúc, chỉ có con nhím đực mới thấy được “làn da mượt mà” của con nhím cái mà thôi. Nhưng Ts. TTH đã tự giới hạn mình riêng một góc trời trong không gian bao la “vạn pháp đều là Phật pháp” để phân tích bỉ thử khi nhận diện nhân vật Huỳnh Phú Sổ. Tác giả luận văn đã dùng lăng kính thị phi đời thường để soi rọi vào giả tướng của người theo đạo Hòa Hảo nên hệ luận tất nhiên là sẽ đưa tới sự khẳng định gần với xu hướng phủ định luận tiêu cực như sau:
“Theo chúng tôi, sở dĩ Huỳnh Phú Sổ mượn hình thức tôn giáo để hoạt động chính trị là có hai nguyên do: thứ nhất, vì tôn giáo là nơi tín ngưỡng của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, và cũng là nơi chính quyền thực dân không dám xâm phạm, do đó, hình thức tôn giáo đối với ông ta là nơi hoạt động an toàn nhất; thứ hai,  chính vì tôn giáo là nơi tín ngưỡng của mọi người dân nên ông sẽ dễ dàng huy động được nhiều người vào  những hoạt động chính trị của ông, nhất là với tầng lớp nông dân ít học. Vì vậy, đạo giáo nầy, cũng được gọi là đạo giáo của những người ít học.”
Cái “học” trong tôn giáo rất khác với cái học đời thường. Khái niệm tiến sĩ đời thường là một tập đại thành của kiến thức; nhưng học vị tiến sĩ Geshe của Phật giáo Tây Tạng là kết quả của công hạnh tu trì, kiến thức chỉ là phương tiện trợ duyên. Người “ít học” trong Phật giáo không phải là người dân chân đất chưa học hết trường làng mà là những người chấp trước, ngã mạn và vô minh, kể cả những bậc đại khoa buông lung khoa đại! Trong sinh hoạt Phật giáo truyền thống, bậc Vô Học “vô sư tự ngộ” vẫn thường được xếp cao hơn hàng Hữu Học “nan ngộ hữu sư”.  Bởi vậy, theo tinh thần Phật giáo thì bề dày của pháp trí chẳng phải là mức độ đến trường nhiều hay ít, chứng chỉ học tập ở trường lớp cao hay thấp mà là ở tâm bồ đề kiên cố và trí tuệ khai mở được chừng nào.
 
**
 
Tôn giáo trong thế kỷ 21 thiên về ứng dụng. Khái niệm Phật giáo ứng dụng (applied Buddhism) đang từng bước phát huy để đem đạo Phật đi vào cuộc đời. Trong khoa học tự nhiên, tâm lý và tri thức bứt phá dám nghĩ, dám nói, dám làm như Galileo ngày xưa dám đoan quyết “quả đất xoay chung quanh mặt trời” vì đã dày công nghiên cứu tường tận và khách quan là biểu tượng tích cực nhất của tinh thần học thuật. Dẫu cho áp lực thần quyền bắt ông nói ngược lại nhưng chân lý khách quan cuối cùng vẫn thắng. Trong khoa học xã hội, chân lý khách quan không rạch ròi hiển lộ như thế nên muốn cầu tiến bộ thì cần phải trang bị một nhãn quan phức hợp đến từ mọi phía. Cần trang bị một nhãn quan thông thoáng để xem những cặp phạm trù thuận nghịch tương tác và tương tranh như đúng/sai, sướng/ khổ, u/minh, thiện/ác… phù hợp với giá trị tương đối và biến chuyển vô thường đầy duyên lành và nghiệp chướng tự tại của chúng. Trường hợp Ts. TTH là một ví dụ điển hình về tinh thần học thuật khai phá – có khi là bứt phá – trong quá trình tìm tòi và học hỏi. Những phản ứng nóng bỏng về luận văn tốt nghiệp liên quan đến đạo Hòa Hảo là một thử nghiệm của tinh thần ứng dụng. Chính cộng đồng liên minh tôn giáo là hội đồng xét duyệt giá trị đích thực của một công trình học thuật. Cánh cửa đối thoại mở rộng giữa ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam liên quan đến trường hợp Tăng sinh Thích Thiện Huệ nhằm hóa giải và khép lại hồ sơ của vụ việc là một ưu điểm đáng ghi nhận của tinh thần “Phật giáo ứng dụng” trên căn bản từ bi và trí tuệ.
Năm mới, ước mong rằng, các học viện Phật giáo nói chung là những trung tâm đào tạo Tăng tài và chỉ “đạt yêu cầu” khi học thuật không xa rời chánh niệm và chánh pháp.
                                               
Làng Liễu Cốc Hạ, ngày Tết Dương Lịch 2013
Trần Kiêm Đoàn
                                
 

Saturday, January 5, 2013

trần tuấn kiệt * BỜ ÐẤT



ta đứng lại giữa chiều đời giông bão
bởi vì em hoa cỏ hỡi chìm tăm
ta đứng lại nhìn tà huy sắp sửa
bởi vì em ta kéo lại đêm rằm

bờ đất đỏ trái cành xanh nở rụng
bình hoa ơi đất đỏ để tang rồi
bờ đất đỏ thay màu ôi tuyết trắng
mấy đau thương mà lớp lớp chân trời

ta đứng lại thốt lên lời cay đắng
buồn thân ta người bỏ mất ngàn trăng
bờ đất lở dưới muôn làn tuyết trắng
một chồi hoa không đón được trăng rằm
 


012


Friday, January 4, 2013

Tường Linh * Xuân lai hoài hữu






nhớ Phan Bá Thuỵ Dương






Cuối năm bạn nói câu từ giã
run ly rượu tiễn sóng nghiêng chiều
sóng chao hai mảnh đời phiêu lãng
sao để mình ta đón tịch liêu ?

Chai rượu nhiều xuân dành đợi bạn
ghế chờ đối ẩm vắng phần ai
đáy ly còn đọng lời tương biệt
sao để mình ta nhớ cả hai ?

TƯỜNG LINH - 2013