văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, August 22, 2012

Văn Quang * Còn thác loạn đến thế nào nữa?



Đã có biết bao nhiêu chuyện quái gở xảy trong nhũng năm gần đây, báo hiệu một nền luân lý đạo đức xuống cấp trầm trọng, tưởng không thể xuống cấp hơn được nữa. Chuyện bằng giả, bằng mua, bằng thi thuê, thi giùm cho sếp chỉ còn là chuyện vặt. Đã có bao nhiêu sếp xài bằng giả bị lật tẩy không đếm được. Giám khảo coi thi, mang bài giải vào tận trường thi cho thí sinh là chuyện từ “thượng cổ” tới nay chưa từng thấy… Nền giáo dục Việt Nam đang cảnh báo những hồi chuông nghiêm trọng.

Còn thác loạn đến thế nào nữa?

Về lối sống, đạo đức luân lý, gần đây dư luận đã kinh hoàng về vụ 3 ông bà bác sĩ cùng làm việc ở một cơ quan, ngoại tình “ngon lành” rồi bà bác sĩ tự quay phim cảnh ái ân của mình và tình nhân là sếp của mình, đưa cho chồng vừa “chiêm ngưỡng” vừa làm bằng cớ, tung ra trước các báo chí cho cả làng cùng xem, sau đó kiện sếp đã quyến rũ, bắt ép vợ mình “quan hệ”. Kết quả cuối cùng hai ông bà trí thức ngoại tình bị thuyên chuyển đi mỗi người một nơi, kể như xong. Sự sa đọa và lối giải quyết “nửa chừng xuân” ấy như chỉ làm cho có, làm cho xong, đối phó với dư luận. Nhưng thực ra là họ đã đối phó, thách thức, nhạo báng với cả một nền luân lý truyền thống của ông cha ta để lại.
Người trí thức tạm gọi là “thành đạt” đã có một cuộc sống khá giả, vậy mà vẫn nổi loạn. Làm gương xấu cho lớp trẻ mới lớn. Điển hình là câu chuyện quái gở tôi đã tường thuật với bạn đọc về hai cô cậu chỉ ngồi “chat” với nhau qua mạng internet, để rồi hẹn hò đưa nhau vào khách sạn, thực hiện những gì đã học được suốt một tuần lễ liền đến phờ phạc ngớ ngẩn khiến cả hai gia đình đều không còn nhận ra con mình nữa. Chúng trở thành những “quái thai thời đại”, chẳng biết tương lai ra sao.
Đó chỉ là 2 câu chuyện điển hình, của một, hai năm trước. Tưởng rằng đó là hết mức của những thác loạn. Nhưng ngững ngày gần đây, sự sa đọa còn có nguy cơ… tiến bộ hơn, “vượt thời gian và không gian”. Nó quái đản đến nỗi có giàu óc tưởng tượng cũng hình dung ra.

Ra mắt bố mẹ chồng bằng slogan… quái gở
Mời bạn đọc hàng tin ngắn này:
“Trong lần ra mắt gia đình người yêu, Thanh Hương (23 tuổi, quê Nghệ An - một "tín đồ" của áo thun slogan) chẳng ngại mặc chiếc áo với dòng chữ: Đu theo xe rác, lượm xác người yêu. Lần đầu, ba mẹ người yêu tưởng cô bé chỉ mặc một lần cho vui, nhưng lần khác đến chơi, cô bận ngay chiếc áo với dòng slogan còn sốc hơn: Bỗng dưng muốn ấy.... Cứ mỗi lần đến, cô lại gắn trên ngực áo một câu dữ dội khiến ba mẹ người yêu tưởng mình hoa mắt. Chắc chắn ông bà này phải chạy dài, vừa chạy vừa vái cô con dâu tương lai kia đến nhà khác làm dâu, đừng bén mảng tới nhà bà, kẻo con trai bà chết sớm”.
Không cần bình luận gì thêm, bạn đã thấy được sự thác loạn của tuổi trẻ ở đây bây giờ lên đến “cao trào” nào.
Kiểu mặc áo thun có những slogan trên ngực là chuyện thường thấy. Hầu hết là những hàng chữ rất dễ thương hoặc gây đôi chút tò mò với người xung quanh hoặc muốn bày tỏ một điều gì đó như mơ ước, ý thích của riêng mình. Ở Việt Nam cũng vậy, có những hàng chữ như “Phản đối đào đường”, “Tôi ghét kẹt xe”... Hoặc slogan có thể tạm chấp nhận được, mang tính hài hước như : “ăn chơi sợ gì mưa rơi”, “bó tay con gà quay”, “đói như con sói”...

“Hàng độc” ở đâu ra?
Nhưng cũng có những dòng slogan với ngôn từ nhố nhăng như “Chán như con gián”, “Không bao giờ bán đứng bạn bè nếu... chưa được giá”, “Chúng ta rồi cũng sẽ già, sẽ lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân”. “Bầu ơi thương lấy bí cùng, mai sau có lúc nấu chung một nồi”, “không say không về”… Qua những slogan ấy, các cô các cậu học trò còn muốn chứng tỏ “đẳng cấp” của mình trong giới ăn chơi. Vì thế cần phải có những slogan được coi là “hàng độc”, nhiều hàng chữ được các “tuổi teen” sáng tạo ra rồi các cửa hàng chuyên in áo thun tiếp sức sáng tác ra thêm những “phiên bản” mới, độc hơn, dữ dằn hơn. Đó chính là các người lớn khuyến khích cho trẻ em bước dần vào những trò chơi thác loạn mà không một cơ quan văn hóa nào thèm để mắt tới.
Vì thế sự phát triển của những trò chơi trẻ trung này thành trò thác loạn rất nhanh, chỉ trong vòng vài tháng gần đây là nó “biến thái” như vết dầu loang trên biển. Nếu không nhanh tay ngăn chặn, không hiểu đường phố và tuổi trẻ Việt Nam sẽ biến thành cái gì. Cái chợ cổ động cho những trò chơi trụy lạc!

Ngăn chặn “vết dầu loang”

Hãy nhìn vào thực tế, quanh các khu công nghiệp Đồng An, Sóng Thần (Bình Dương), khu chế xuất Linh Trung I, II (Thủ Đức, TP Sài Gòn), nhan nhản các bạn trẻ áo quần lòe loẹt với đủ loại xanh, đỏ, tím, vàng.
Nhiều cô cậu đi xe đời mới, dùng điện thoại xịn nhưng lại khoác chiếc áo với dòng chữ to tướng “Tui nghèo kệ tui” bởi “Nghèo không phải là cái tội mà là phong cách sống”. Đó là cách khoe của kiểu mới. Rồi giới học sinh, sinh viên cũng gây sốc với slogan: “Học đi đôi với hành, hành đi đôi với... tỏi”, “Yêu là việc nhỏ, học là việc lớn. Không làm được việc nhỏ, sao làm được việc lớn”, “Học. Học nữa. Học mãi. Đuổi... nghỉ”.
Một cửa hàng áo quần gần khu công nghiệp Đồng An treo đủ loại áo thun in nhan nhản slogan nhảm nhí với giá bán chỉ 30.000 - 50.000 đồng. Người bán hàng còn lôi trong túi ra một lô hàng với các hình ảnh sexy và nói: “Mấy mẫu này bữa nay hút lắm, không có hàng lấy về bán luôn”. Đấy là chưa kể những mẫu áo với những tấm hình và câu chữ “quái dị” hơn, chủ cửa hàng chỉ dành cho khách quen hoặc khách lạ với giá cắt cổ. Những cửa hàng ở Bình Dương hay Thủ Đức kiếm ăn được, tất nhiên những của hàng ở ngay TP Sài Gòn cũng nhanh chóng vào cuộc, rồi Hà Nội, Hải Phòng cũng cứ thế “phát huy” thêm.
Tôi cho rằng đây là trách nhiệm của nhà trường, của gia đình và các tổ chức xã hội. Các cơ quan văn hóa Việt Nam cần phải phối hợp với các cơ quan khác, ngăn chặn ngay những cô cậu mang những slogan nhảm nhí này. Có thể nói đây là những hành động không khác gì “công súc tu sỉ như trước đây chúng ta có luật cấm và phạt những kẻ vi phạm. Không thể để cho một lớp trẻ thiếu văn hóa, thiếu ý thức tôn trọng cộng đồng cứ nhởn nhơ như thế mãi được. Đã phạt những ca sĩ “khoe của” trên sân khấu thì cũng nên phạt những kẻ bôi nhọ thành phố, làm bại hoại thuần phong mỹ tục. Sự thờ ơ của những người có trách nhiệm khiến người dân vô cùng ngạc nhiên.

Cô gái trẻ đang buồn muốn gì?
Đấy là tảng băng nổi, tảng băng chìm còn nguy hại hơn nhiều. Mới đây, trên Faceboook, một cô gái rất trẻ đang sống ở Hà Nội (theo thông tin trên facebook) đã đăng dòng status với nội dung “đang rất buồn và muốn quan hệ tình dục” và cung cấp số điện thoại để những ai có nhu cầu liên lạc. Đáng tiếc hơn nữa là đây lại là sinh viên của một trường cao đẳng và mới chỉ sinh năm 1993.
Chỉ trong một thời gian ngắn, status này đã thực sự thu hút cộng đồng mạng với hàng trăm lượt chia sẻ. Ngoài ra, cô bạn này còn thản nhiên bình luận dòng status của mình với những lời lẽ hết sức thô tục, lại còn kể thêm cả các “chiến tích” mà mình đã đạt được từ khi đi học.
Hành động của cô gái này trên mạng xã hội khẳng định thêm về một lối sống quá sa đọa của không ít các cô cậu “tuổi teen” ở Việt Nam hiện nay.

Rùng mình kinh hãi vì thái độ “hồn nhiên” của hung thủ 16 tuổi

Đó là chuyện cô gái trẻ, chuyện của các cậu trai mới lớn còn nguy hiểm hơn, chưa đầy 16 tuổi đã hiếp dâm, giết người cướp của.
Mới tuần trước đây thôi, vào đêm 11-8, một Lê Văn Luyện thứ hai ở Thanh Hóa hiếp rồi giết dã man nữ sinh lớp 11. Kẻ giết người Lê Tuấn Anh tự nhận là “em” của Lê Văn Luyện.
Nạn nhân, em Nguyễn Thị Bích Ngọc, sinh năm 1995 (hiện là học sinh lớp 11 T1 trường THPT Quảng Xương III) đã bị hung thủ giết, hiếp sau đó ném xác xuống sông thuộc địa phận xã Quảng Châu (huyện Quảng Xương- Thanh Hóa).
Khi bị bắt, hung thủ man rợ này còn “hồn nhiên” nói rằng “Cháu có họ hàng với anh Lê Văn Luyện nên cháu phải làm một điều gì đấy giống anh ấy”.
Điều đáng sợ ở đây, không chỉ là tội ác của lứa tuổi 16 mà chính lá thái độ “hồn nhiên” của cậu học trò ấy. Câu trả lời kiểu “vì tôi có họ hàng với anh Luyện” nên cũng hành động như Luyện đã làm rùng mình những người sắt đá nhất. Nhưng đó cũng là câu trả lời “thật nhất” của hung thủ. Những tội phạm vị thành niên, tội phạm mới lớn đã từng đọc, từng nghe, từng xem đâu đó những hành vi tàn độc ở một thời điểm nào đó. Nguy hại hơn nữa, từ thời Lê Văn Luyện được một số giới trẻ Việt Nam xem như “người hùng” và làm thơ, viết nhạc ca ngợi tên sát nhân này!!!

Trở về với đời sống thời kỳ bán khai, hồng hoang nào đó
Tờ Dân Trí đã viết: “Liên tiếp những tội ác man rợ khiến người ta có thể ngỡ ngàng như thể xã hội đã bị đưa về với thời kỳ bán khai, hồng hoang nào đó. Luật pháp xã hội dường như không còn tác dụng răn đe khi hết xử những vụ giết người man rợ này lại xuất hiện trọng án khác.
Điều này cho thấy, điều nguy hiểm cho xã hội không chỉ ở những kẻ thủ ác mà chính là một hệ thống truyền thông hồn nhiên vô tình tiếp tay cho tội ác lan tràn.
Một nhà văn đã nói: càng hồn nhiên với tội ác - dưới bất kỳ hình thức nào - là càng góp sức mở đường cho tội ác tràn lan.
Theo luồng ý kiến này, độc giả Minh Thành cho rằng: Kể từ sau vụ Lê Văn Luyện, ngày càng xuất hiện nhiều tên tội phạm tuổi teen. Nhất là tội phạm đặc biệt nguy hiểm như cướp của, giết người, hiếp dâm. Bọn chúng lập băng nhóm và tự xưng là đàn em Lê Văn Luyện để gây tội ác khắp nơi.
Môi trường sống không cải thiện thì còn nhiều đứa trẻ phát triển tâm lý cực đoan chán đời và sẵn sàng thực hiện tội ác”.
Môi trường sống đó ở xã hội Việt Nam phải cải thiện như thế nào là một dấu hỏi lớn. Khi đồng tiền và thú vui hưởng thụ là lẽ sống của một số rất lớn “đàn anh, đàn chị” và kể cả “các chú, các bác” thì “đàn em, đàn cháu” bất chấp chuyện gì cũng có thể làm được cho bằng các anh các chị là điều dễ hiểu.
Có đúng là bề trong xã hội đang trở về với cuộc sống thuở hồng hoang như tờ báo Dân Trí đã mô tả? Quả là sự tụt xuống đáy dốc thê thảm.

Lời kể chuyện của một cô giáo

Một cô giáo trẻ đang dạy trung học tại Hà Nội đã viết qua e-mail cho một tờ báo kể lại những chuyện mắt thấy tai nghe của cô về “sự yêu đương” của học sinh lớp 6, lớp 7 ngay trong chính lớp cô dạy, khiến chúng ta lại phải giật mình lần nữa trước lối sống buông thả của không ít “teen” thành phố bây giờ. Xin trích nguyên văn những gì cô giáo đã kể lại:
“… Tôi đọc đựơc những lời hẹn hò tình tứ, những câu yêu thương rất người lớn trong lá thư của hai cô cậu học trò nhí của mình. Đọc thư, tôi thật sự bàng hoàng.
Bạn có tưởng tượng được không khi mà ở tuổi đó các em viết thư cho nhau với những lời lẽ mà sau khi đọc chúng ta phải giật mình. Tôi xin trích nguyên văn một đoạn như thế này: Chồng iu quý của em! Tối qua, chồng hok đến gặp em như đã hẹn, có fải chồng đi chơi với con khác hok? Em bắt đền chồng, tối thứ 7 tuần này chồng fải đền cho em nhìu hơn đấy nhé! Mà lần này hok ra bụi chuối hôm nọ nữa đâu, ở đó bẩn lắm lại nhìu muỗi nữa. Chồng cố chơi lấy con lô để cuối tuần hai vợ chồng mình đi nhà nghỉ cho nó máu nhé! Vợ chồng cái Thương nó toàn đi nhà nghỉ mà chồng….
Một lá thư khác thì có nội dung thế này: Chồng à! tí nữa em ra nhà vệ sinh trc rùi 5'sau chồng ra sau nhé, chúng mình sẽ làm kiểu đứng như trong phim hôm nọ em xem, em sẽ dạy chồng kiểu đó, hay lắm!...”.

Hành động “thực tế” ngay tại trường
Cô giáo kể tiếp: “Tại lớp 6A, đang trong giờ học, cả lớp say sưa nghe giảng và sôi nổi học tập thì một em nữ học sinh xin phép tôi ra ngoài đi vệ sinh. Lẽ tất nhiên tôi cho phép em ra ngoài và không quên dặn dò: Em hãy quay lại lớp ngay nhé. Nhưng chưa đầy 3 phút sau thì một học sinh nam tiếp tục xin phép ra ngoài và cũng là ra nhà vệ sinh.
Và rồi 5 phút, 10 phút tôi không thấy hai học sinh đó quay về lớp, tôi bắt đầu sinh nghi và trong khi học sinh làm bài tập, tôi bước vội ra nhà vệ sinh để kiểm tra tình hình, thì… tôi giật bắn người. Hai học sinh của tôi đang hôn nhau và làm những việc vượt quá lứa tuổi học trò của các em. Tôi chững lại, rồi như chợt nhận ra tôi đang đứng nhìn, hai học sinh vội cúi mặt.
Băn khoăn, tôi tìm gặp, trò chuyện với các chị lao công thì được hay rằng, khi dọn vệ sinh họ thường lượm được rất nhiều vỏ bao cao su nhét trong bồn toalet.
Chồng - vợ là những câu xưng hô mà đến như tôi, một người đã có chồng, mỗi khi gọi “chồng ơi” cũng thấy một chút ngượng ngùng, vậy mà cách xưng hô chồng vợ dường như lại đang trở thành mốt của không ít cô cậu tuổi teen ngày nay.
Bạn có thể nghe thấy hoặc bắt gặp một cô nàng tóc vàng hoe, mặt búng ra sữa đi đường gọi một anh chàng đang vừa đi vừa đọc truyện tranh một câu rất ngọt tai như thế này: Chồng ơi! chờ em với.
Chúng ta không nên chỉ nên án những hành vi thiếu lành mạnh đó của các em mà đồng thời ta phải tìm hiểu được nguyên nhân sâu xa, gốc gác của những hành vi ấy. Vậy ai, cái gì là nguyên nhân gây ra và tiếp tay cho những suy nghĩ và hành động như vậy ở lứa tuổi các em? Câu trả lời xin dành lại cho tất cả những ai là người lớn trong xã hội chúng ta”.
Ai trả lời cho cô giáo những điều này? Và trả lời rồi có làm thay đổi được gì cho xã hội sáng sủa hơn không? Câu hỏi còn bỏ ngỏ. Lại xin dành cho các nhà làm văn hóa, giáo dục của thế hệ này trả lời giùm.

Đến chuyện một cô giáo “cuồng dâm” đáng thương hay đáng giận?
Trên đây là chuyện của học trò. Ngay cả chuyện của cô giáo cũng có những mâu thuẫn oái oăm.
Nhắc đến chuyện cuồng yêu, bạo dâm hay những câu chuyện về cai nghiện tình dục, bác sĩ Tô Thanh Phương – Trưởng khoa 6 (Bệnh viện Tâm thần Trung Ương 1) nhớ ngay đến trường hợp bệnh nhân N.T.T sinh năm 1982. Được biết, người phụ nữ tên T – nạn nhân của chứng cuồng yêu này đã được gia đình cho nhập bệnh viện tâm thần hôm 13-7 vừa qua.
Khi mới được đưa vào bệnh viên, T. thường xuyên mệt lả, mất sức, bị rối loạn tâm thần. Cô luôn luôn buồn chán, khóc lóc, lúc lại hoang tưởng vì bị quan hệ tình dục quá nhiều lần chỉ trong 1 đêm.
Cô T. sinh ra ở Mộc Châu (Sơn La), cô có bằng Đại Học Sư Phạm, dạy tại một ngôi trường trong tỉnh. T. xinh đẹp, nhưng lấy chồng 2 năm thì ly dị. Cô ra Hà Nội, tìm được công việc là giáo viên hợp đồng dạy học cho một trung tâm giáo dục thường xuyên và cũng được nhiều thanh niên theo đuổi. Nhưng cô vẫn treo cao giá ngọc không để ý đến ai.
Cho tới khi T. gặp D. – một thanh niên trí thức người Hà Nội. Thấy D. hiền lành, nói năng khiêm nhường và cũng có một công việc ổn định nên T. cũng thầm mến D. từ khi nào không biết. Nhiều lần ở bên nhau, D. cũng đòi T. cho “quan hệ” nhưng T. vẫn quyết giữ gìn.

Khi cái giá ngọc rơi xuống

Cho tới một ngày không hiểu sao T. lại dễ dãi đồng ý đi vào nhà nghỉ (khách sạn) với D. Vừa vào đến phòng, D. đã khóa trái cửa lại. Mặc T. chống cự, D. liên tiếp quan hệ với T. hùng hục suốt đêm mà chẳng có lấy một phút nghỉ ngơi.
Ngoài chuyện bắt “yêu” suốt đêm, D. thản nhiên bắt T. quan hệ tình dục ở đủ các tư thế. Cứ thế, suốt một đêm ròng bị yêu thô bạo, T. mệt mỏi và sợ hãi đến loạn thần.
Bác sĩ Tô Thanh Phương – người đang trực tiếp điều trị cho T. cho biết:“Ngày đầu vào bệnh viện, T. mệt mỏi, hay khóc lóc và buồn chán. T. tâm sự rằng vừa sợ cậu bạn trai quan hệ thô bạo suốt đêm kia nhưng lại vừa thích được yêu như thế và cũng thích gặp lại người đàn ông ấy”.

Luồng gió độc từ đời sống ngoài xã hội

Vừa sợ hãi lại vừa mong gặp lại người đàn ông “cuồng bạo” đó chính lá cái mâu thuẫn lớn nhất và là một bi kịch trong con người cô giáo. Nó mở toang cái cánh cửa thật sự của những ẩn ức, dồn nén, thèm khát của con người “treo cao giá ngọc”, sống “khép kín” nhưng làn gió độc từ ngoài cuộc đời thật, hàng ngày vẫn đè nặng lên tâm trí cô. Cái “giá ngọc” đã rơi xuống vỡ toang. Không ai có thể biết được trong những lúc cô đơn, cô giáo đã làm những gì, đã chui vào những trang web nào, đã xem những phim gì, đã học được những gì qua những trang sách báo nhan nhản những chuyện tình, những hình ảnh gợi cảm của những cuộc thi hoa khôi hoa hậu, thi hát xướng, nhảy nhót tưng bừng trên màn ảnh… Tất cả những thứ đó đã âm ỷ cháy trong tâm tưởng cô giáo như thùng thuốc súng chỉ chờ một ngòi nổ. Và cái ngòi nổ ấy đã đến. Nhưng nếu nó đến từ từ như những “cuộc nổi loạn” khác có lẽ cô giáo không bị loạn tâm thần như bây giờ. Song lúc này chính là lúc cô giáo sống thật nhất với mình.
Không biết cô T. đáng thương hay đáng giận? Tùy bạn đọc phán xét.

VQ - Sài Gòn, 17-8-2012

Tuesday, August 21, 2012

BÙI NGỌC TUẤN ◙ Yêu Em, Hồng Hiển & Khi gặp Hồng Hiển ở Vỹ Dạ



bùi ngọc tuấn

gió lay tưởng vạt áo em
hoa thơm tưởng tóc, động thềm tưởng chân
ngừng trang sách đọc mấy lần
tưởng nghe hơi thở ấm gần bên tai
tưởng bàn tay nhẹ đặt vai
yêu em tưởng cả đất trời là em

1/23/2012


Thiên đường có một vì sao ngọc
Băng xuống trần gian hiện dáng em
Anh mang thơ đến bờ sông vắng
Mơ chuyện tình nhân mộng xuốt đêm

Em bước vào sân đêm ngát hương
Trăng sáng ngời theo bước dịu dàng
Hàng cau đứng ngẩn thôi động lá
Đêm ngạt ngào muôn ý mến thương

Em có mùa xuân ở nét cười
Nắng hồng hoa thắm nở trên môi
Mùa trăng thanh khiết tươi đôi má
Hương tóc ru mềm sóng viễn khơi 

Em đến mang theo mộng hiện hình
Từ trang thơ cổ, bút thư sinh
Tâm ý nghìn năm thành hương sắc
Chuyển dáng yêu kiều bước khỏi tranh

Cùng em chan chứa tình tha thiết
Mộng nở hoa lòng hương ngát thơ
Đường trăng sánh bước yêu muôn kiếp
Cung nhạc giao hòa chung ước mơ

bùi ngọc tuấn
X. 2010


Saturday, August 18, 2012

◙ NGÔ NGUYÊN NGHIỄM * Trên Ngôi Mộ Cổ Hoàng Hôn Ðề Thơ Tặng Người Xử Nữ



tranh Nguyễn Trung


Vắt chùm ánh sáng lấy mùi hương
Rặn nát mù sa máu dặm trường
Tụ đỉnh giang hồ thương dép cỏ
Vô tình in đậm vết phong sương
Tóc mây búi ngược người thiên cổ
Giũ áo chưa bay hết bụi đường
Ðá chẳng nặng bằng hương xử nữ
Ngàn năm nhuộm kín buổi tà dương
Ô hay, hồn bỗng chùn như núi
Ðứng lặng câm hàn nhiệt khác thường

Tuyệt chiêu ngày tháng thử lòng chơi
Ta cũng lung linh chiếc kén người
Lỡ kéo lưới đời cho nhện bạc
Mài trăng soi kiếm dấu hài rơi
Hồn nhiên như thể hoa đồng nội
Theo gió, tinh anh thổi ngợp trời

Gạch rụng bao giờ mới gặp nhau
Lềnh bềnh địa chấn nát canh thâu
Trở trăn suốt kiếp tài hoa vặt
Ồ nét buồn đâu nhuộm bạc đầu
Tứ xứ thiên hà phơi đại mộng
Trường canh rơi rớt khúc giao cầu
Thì ra Trang Tử còn ngơ ngác
Hóa bướm cho đầy chuyện biển dâu

Ðâu nỡ sổ lồng con sáo nhỏ
Qua sông nặng chở khói lam chiều
Bước đi là cả trời vô định
Lèn dưới chân mây một bóng xiêu
Ngọn khói vô tình vương mái rạ
Bện lên tiềm thức mộng đìu hiu
Nhân thân rải rác quang niên trước
Chẳng gánh được đầy sông nước theo.

Ô hay, sao bỗng chùn như núi
Ngâm dưới thời gian óc đá mòn
Giũ áo phong trần hồn viễn xứ
Chập chùng dép cỏ ngập hoàng hôn
Thấy chưa, lãng tử vô tình lắm
Ném ấn công hầu theo gió sương
Ta cũng lui cui phơi đại mộng
Vắt ngang đạo hạnh lấy mùi hương
Rượu đầy rót xạ dăm ba giọt
Nhuộm thắm tà dương bóng dị thường

Ngo Nguyen Nghiem

Friday, August 17, 2012

ĐINH CƯỜNG * Đỗ Quang Em - Người Đặt Để Ánh Sáng Một Cách Quyền Uy

Đỗ Quang Em - Đinh Cường

Mượn lời Nguyễn Trung làm đề tựa, và ghi lại đây chút kỷ niệm cùng người bạn tôi quý mến . Để nói ông nghe nè … giọng miền Phan Rang của Đỗ Quang Em, hình như  khi nào cũng bắt đầu câu chuyên cùng nhau như vậy . Nhớ  một ngày mùa đông năm 1995, Đỗ Quang Em từ Sàigòn qua Los Angeles, California rồi qua Virginia thăm tôi, vẫn dáng điệu của những buổi sáng cà phê lề đường Đa Kao, những ngày lang thang cùng nhau Hà Nội, vẫn với chiếc mũ dạ xám, không chút hành trang, hai bàn tay trống trơn, hai bàn tay trong gió … Đỗ Quang Em chỉ ở lại một đêm , buổi chiều chúng tôi ra ngồi trên gốc cây gỗ mục ngoài vườn rộng, mừng gặp lại nhau, sáng hôm sau cùng người bạn lái xe đưa Đỗ Quang Em trở lại phi trường Newark, gần New York, trên xa lộ thênh thang êm đềm với rừng cây bạt ngàn xanh tươi hai bên, chúng tôi cùng nhắc lại vài câu chuyện cũ: cùng nhau đi mua cái ghế tre đan, căn nhà trong con hẻm Nguyễn Thiện Thuật một thời đã gỡ cánh cửa sắt đi bán, căn nhà một thời  trầm luân, sau khi chiếc ghe do chính người họa sĩ đóng, năm 1976 ra biển vượt biên bị lạc hướng phải tấp vào một bãi san hô … phải ngồi tù 3 năm. Chiếc bị mây, cây đèn dầu, cái lò đất nứt,  mấy que củi khô, ánh mắt người vợ nhìn ngây dại lạc thần được vẽ sau đó . Bức tranh nằm trong góc tối nhiều năm, bổng một hôm tôi lại được thấy treo trang trọng giữa phòng khách của một người sưu tập tranh ở gần nhà, tại Virginia cùng với mấy bức khác của Đỗ Quang Em. Vẫn nồng ấm một màu nâu được chuốt thật mịn mặt phẳng tranh, vẫn ánh sáng rất quý từ khuôn mặt, nếp áo, đồ vật, nhưng trên hết là bố cục, một bố cục mới và bạo, cho thấy tinh thần bức tranh hoàn toàn hiện đại so với không khí tranh cổ điển của sáng và tối, cũng một màu nâu, đỏ đậm đặc tuyệt vời thời Phục Hưng với Rembrandt, Vemeer…hay Ludovic Carrache.  



Vợ tôi và tôi , 1989
80 x100 cm

Đỗ Quang Em chỉ vẽ vợ, con ( sau này), cũng như Andrew Wyeth chỉ vẽ cô hàng xóm Helga Testorf ở Pennsylvania, miền đông bắc Hoa Kỳ, cũng như Egon Schiele, một họa sĩ tài hoa chết trẻ của nước Áo, thời gian đầu vì nghèo, đi đâu cũng kéo theo cái gương lớn, tự soi mình để vẽ .Tự vẽ chính mình, khốc liệt và đầy cuồng nộ, say đắm .Những chân dung tự họa ấy vẫn có một sức thu hút mãnh liệt, cũng như những tranh chân dung tự họa mịt mùng sâu thẳm của Đỗ Quang Em những năm gần đây. Cho nên, con người, đồ vật cũng chỉ là cái cớ, như anh đã nói “… quan trọng nhất là cốt lõi của sự vật - điều kiện bên ngoài chỉ là cái cớ, cái chất xúc tác thôi .Làm hết được cái bình thường nhất không phải là chuyện nhỏ đâu.Trong nghệ thuật không nhất thiết đòi hỏi sự cao siêu, triết lý này nọ, vấn đề là mình có đắm chìm trong sự im lặng của sáng tạo hay không…” ( Thế giới tranh Đỗ Quang Em - Niềm Hạnh Phúc Im Lặng - Phạm Chu sa, Thanh Niên Chủ Nhật số 80, 19-5-1996 ) Thật vậy, sự chín chắn  tài hoa toát ra từ chính bức tranh, ở sự gởi gấm thầm kín của họa sĩ, mà nghĩ cho cùng cũng chỉ là sự phong thần nỗi cô độc. Thế nên, khi Đỗ Quang Em ngồi trước tấm toile trắng, cảm dần ra tiếng nói của tiềm thức, loang ra từ tịch lặng, chút ánh sáng quý hiếm soi rọi lạ lùng kia, cho dù là cái ấm đất, những củ đậu, những chiếc ly thuỷ tinh, chén nước cặn, cành cây khô, những viên gạch đỏ, con chim giấy xếp -nhớ đến niềm say mê mài miệt thánh thiện trong nghệ thuật origami của Đinh Trường Giang -đến chiếc ghế tre, cây đàn tỳ bà, chiếc khăn choàng đầu của vợ, hay vòng ngọc xanh chiếc áo gấm đỏ ngày cưới của con gái đầu lòng, chỉ để Đỗ Quang Em sống trọn vẹn tâm hồn mình và tình cảm sâu lắng nhất cho những người thân yêu, cho nghệ thuật…cũng có thể ta bắt gặp ở đó cái không gian mênh mông màu nâu đen ”Đó là một không khí thâm u của một hiện tại như được ông làm cho lùi xa vào một quá khứ xa lắc, dồn nó vào góc tối sâu thẳm của thời gian và tất cả đều trở nên sinh động nhờ một nguồn ánh sáng mà ông đặt để một cách quyền uy …( Đỗ Quang Em – Ánh Sáng  và Trang Nghiêm, trích bài viết của Nguyễn Trung cho tập sách ĐQE chưa in ) . Để cho những đồ vật tầm thường nhất có sức mê hoặc người thuởng ngọan, qua mấy ngón tay run nhưng rất chính xác của anh, hay nói như Võ Đình:
’’ Tôi trân trọng bởi lẽ cái thang tre, cây đèn dầu, những viên gạch được Đỗ Quang Em vẽ ra thật tỉ mỉ, thật “thật”, nhưng sự “thật” này không đánh lừa ta, không quyến rũ ta vì cái đặc dị của đề tài, cái tài tình của kỹ thuật, cái tinh vi của bút pháp. Họa phẩm thu hút ta vì một sự có mặt tự tại. Một sự có mặt mầu nhiệm. Đúng thế, có thể nói, nói mà không ngại là đại ngôn: hình thể trong tranh Đỗ Quang Em, người cũng như vật, biểu hiện sự mầu nhiệm của hiện hữu …” ( Trường hợp Đỗ Quang Em , tạp chí Hợp Lưu số 28 tháng 5 và 6 năm 1966 )

Từ triển lãm của Hội Họa Sĩ Trẻ năm 1973 Đỗ Quang Em được nhớ nhiều với bức     “Tăng” vẽ Nguyễn Hữu Hiệu lúc ấy là Thích Chơn Pháp ở Đại Học Vạn Hạnh, hiện nay  ông đang ở Manassas, Virginia…cho đến những năm 1980,1990  tranh Đỗ Quang Em được sự chú ý đặc biệt trong các cuộc bày tranh chung cùng bạn bè ( Đinh Cường - Đỗ Quang Em - Trịnh Công Sơn , 14 -1 đến 24-1-1989, Nhà Hữu Nghị Tiệp Khắc , TPHCM và Trịnh Cung -  Đỗ Quang Em -Trịnh Công Sơn – Tôn Thất Văn tại Hội Giao Lưu Văn Hoá Việt Nhật, tháng 9.1991 tại The Floating Hotel ,TPHCM )  nhất là tại Galerie Lã Vọng ở Hong Kong  do các bà Shirley S. Hui và Judith Hughes Day điều hành, từ năm 1993 đến 1996, đã giới thiệu tranh Đỗ Quang Em một cách trang trọng đặc biệt cùng với tập sách  in đẹp .Tranh Đỗ Quang Em còn tham dự  triển lãm An Ocean Apart năm 1995, một cuộc triển lãm thú vị cho các họa sĩ Việt Nam trong nước và ngoài nước  do Smithsonian Institution Traveling  bảo trợ, được trưng bày tại bảo tàng các thành phố lớn nước  Mỹ . Trên The New York Times số ra ngày 29-11-1994 đã đăng tin một bức tranh của anh bán với giá rất cao , đó là bức “ Tôi và vợ tôi “ vẽ năm 1989, rất hiện thực mà cũng rất siêu thực có chút nào không khí tranh Salvador Dali, họa sĩ mà anh ưa thích.

Huỳnh Hữu Uỷ thì cho rằng :… “Đó là nghệ thuật của các nhà tân hiện thực, hay nói cho chính xác là cực thực, hypperréaliste, gần gũi với nhiếp ảnh nhưng hoàn toàn khác xa nhiếp ảnh, chỉ cách nhau một đường tơ nhưng là hai thế giới ngoài nhau hoàn toàn. Đối vật trong tranh Đỗ Quang Em hiện ra rất thực nhưng luôn luôn là bí mật, tạo nên một vẻ gì hư ảo vượt ra bên ngoài thực tại, dễ gây nên cảm giác về một điều gì đó rất quạnh hiu nhưng là một thứ quạnh hiu bất tử.” ( Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại , trang 182, VAALA – California 2008 ) .Cũng nên ghi nhớ, Đỗ Quang Em đã được sinh ra trong một gia đình nổi tiếng về nhiếp ảnh tại Phan Rang, còn tiếp nối cho đến nay bởi cô con gái anh: nhiếp ảnh gia Đỗ Ngọc Trâm. Anh và chị Thanh Nhàn vợ và cũng là người mẫu tuyệt vời nhất có ba gái một trai đã trưởng thành, đều ở Los Angeles- California.

Phan Rang, nơi người họa sĩ lớn lên, rong chơi một thời trẻ dại, có bóng ma Hời, có sân ga Mường Mán, tôi cứ nghĩ lan man thêm như vương vất một hồn Chàm ( khi xem bức tranh xưa nhất của Đỗ Quang Em trong bộ sưu tập của ông bà John T. Bennett- Marinka tại Alexandria, Virginia vẽ người phụ nữ Chàm đội chiếc hũ với áo dài xanh huyền diệu  tương tự bức chân dung Xuân tên gọi của Đỗ thị Liệu em gái anh, vẽ năm 1971, trước khi cô qua định cư tại Úc ). Đó là một tâm hồn lạ. Đỗ Quang Em cũng thật khắt khe và có quy luật trước đời sống, cho nên tranh anh được nhận ra bằng trái tim của một ẩn dụ không lời. Cuối cùng, Đỗ Quang Em đã vượt lên cái tân-hiện -thực mà nhiều người đã nghĩ. Bởi vì, tham vọng của họa sĩ là vẽ về thực tại như thực tại, nhưng thực tại cũng có thể là ảo tưởng của thực tại. “Kh ông có gì thực hơn cái không thực “ ( Nothing is more real than nothing ) như nhận định chí lý của Samuel Beckett về nghệ thuật . Cho nên tranh của bạn tôi, Đỗ Quang Em rất thực mà không thực. Là Hư Vô. Không Tánh .
Virginia, 12 Nov. 2011

Đỗ Quang Em sinh năm 1942 tại Ninh Thuận
Tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định 1965
Nguyên giảng viên trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định
Giải Văn Học Nghệ Thuật Tổng Thống 1971

Tác phẩm hội họa:



Chân dung Xuân ,1971
 86 x 66 cm
 



 




 
Áo cưới ,1993
86 x 99 cm
 

 








Bùa hộ mệnh , 85 x 100 cm






 


Tỳ Bà , 1989
63 x 76 cm



Wednesday, August 15, 2012

lan đàm * BUỔI TRƯA Ở LAKE MEAD/NEVADA





Chờ em ta đứng giữa trời,
Mênh mông núi xám, dốc ngời nắng trưa.

Hồ xanh, bờ đá nghìn xưa,
Có không những dấu chân vừa qua đây.

Gọi em gió động cây gầy,
Thấy trăm năm chẳng thêm đầy trần gian.

Về thôi, cát bãi ngút ngàn,
Ta hồn thiên cổ đã tan chốn này.

Lan Dam
7/12

BÙI NGỌC TUẤN * Cung Trầm Tưởng - tiếng Việt, lời thơ


NguyễnNgọcDiễm, CungTrầmTưởng,  BùiNgọcTuấn



Chúng ta may mắn nói tiếng Việt Nam, bởi vì tiếng Việt đơn âm và giầu thanh điệu. Những nguyên âm với 5 dấu giọng; Sắc Huyền Hỏi Ngã Nặng, một âm tiếng chẳng những thay đổi ý nghĩa mà còn chuyển nhạc điệu. Ví dụ thường dùng nhất là chữ: Ma, Mà, Mả, Mã, Mạ. Ngoại trừ chữ I, 4 nguyên âm kia còn đổi thanh và nghĩa như A thành  hay Ă, E thành Ê, O thành Ơ, thành Ô, U thành Ư.
Tiếng Việt lại còn giầu trong cách diễn tả, cùng một ý mà có nhiều cách diễn tả khác nhau, bằng nhiều tĩnh tự khác nhau, mang theo những âm điệu khác nhau, gợi lên những hình ảnh khác nhau và cũng vì thế mang nhiều cường độ khác nhau. Những chữ kép còn hoán chuyển vị trí, gợi lên những ý tình, những cung bậc khác nhau, như thiết tha và tha thiết, say đắm và đắm say, ngơ ngẩn và ngẩn ngơ, quên lãng và lãng quên, ai dám nói rằng cảm thông đồng nghĩa với thông cảm …
Vì thế tiếng Việt là một ngôn ngữ của thơ, vì thế người nói tiếng Việt nào cũng yêu thơ, đọc thơ, làm thơ. Những thi sĩ chẳng những có nhiều vần điệu, có nhiều tĩnh tự, nhiều cách diễn tả khác nhau để xử dụng mà lại còn nhiều vật liệu để tạo ra nhiều cách diễn tả giầu hình ảnh, giầu nhạc điệu khác nhau, du dương hơn, xoáy động hơn.
Với những ngôn ngữ khác: người ta đọc thơ, còn với tiếng Việt, ngoài đọc thơ người ta còn ngâm thơ.  Tuy nhiên, nên để ý rằng, tiếng Việt nói: “soạn nhạc”, “viết văn”, nhưng không nói “viết thơ” mà nói “làm thơ”. Vì sao thế? Vì thi sĩ, thường bị dày vò, băn khoăn, trắc trở lâu mới làm được bài thơ. Cái quá trình làm thơ thường rất dài, thường rất nhiều tìm kiếm, chọn lựa, thay đổi, vứt bỏ. Người đọc có được bài thơ hay không biết rằng lời thơ nhẹ nhàng hay nồng nàn, đắm say hay đau xót đã từng làm thi sĩ trăn trở rất nhiều mới nên. Người xưa nói làm thơ là lao tâm khổ tứ là vì thế. “Viết” là bầy tỏ ý tưởng, “Làm” là sáng tạo, là dựng lên một cái gì trước đó chưa hề có.  Vì là ngôn ngữ của thơ cho nên tiếng Việt mới không nói “viết thơ” như những ngôn ngữ khác, mà nói chính xác là “làm thơ”. Có những vần thơ Cung Trầm Tưởng làm xong, đăng báo, xuất bản, nhưng vẫn cứ tiếp tục sửa đổi.
Những thi sĩ có tài là những phù thủy của ngôn từ. Trong số đó, Cung Trầm Tưởng là một trong những phù thủy của ngôn từ tài ba bậc nhất. Thơ Cung Trầm Tưởng từ khởi đầu, đến bây giờ, xuốt 60 năm tràn đầy những tác phẩm mà tiếng Việt được xử dụng tài tình và được sang tạo tài tình.
Ngày trước, để ngợi ca tiếng Việt, thi sĩ Trần Tuấn Kiệt, trong lời mở đầu của tác phẩm Tiếng Đồng Nội đã viết rằng: Cấm dịch tác phẩm này sang bất kỳ một ngôn ngữ nào khác. Để người đọc phải đọc bằng tiếng Việt, ngôn ngữ đẹp nhất của nhân loại. Ông chắc không sai.
Thơ Cung Trầm Tưởng cũng thế, cũng là những tác phẩm tuyêt vời ngợi ca tiếng Việt. Tôi xin nói về Cung Trầm Tưởng bằng vài chữ giản dị: “Cung Trầm Tưởng, tiếng Việt, lời thơ”.
Sao biết thế nào là một vần thơ hay? Vì khi đọc thơ, ta có niềm rung động chăng? Hãy phân tích ra xem. Để làm gì? Đọc thơ để cảm xúc chưa đủ sao? Phân tích để nâng trí hiểu biết ngõ hầu nhận biết được niềm cảm xúc, và hơn thế nữa, để nâng cao niềm cảm xúc lên nhiều cung bậc cao hơn, để nâng trình độ thưởng ngoạn thơ cao hơn.
Những yếu tố chính của bài thơ hay là gì? Thơ Cung Trầm Tưởng có những yếu tố gì?
Thơ hay vì giàu với 5 yếu tố:
1.    Ý – thơ không ý thì trơ trẽn
2.    Tình – thơ nghèo tình thì nông cạn, thiếu sức cảm xúc
3.    Nhạc điệu – thơ kém nhạc điệu thì kém du dương, kém sức lôi cuốn
4.    Hình ảnh – thơ không hình ảnh thì nghèo nàn, không khơi động được trí tưởng
5.    Cách tạo chữ - kém tạo chữ thì không làm giầu được nhạc điệu, hình ảnh, không dấy động được ý tình.
Hãy đọc thơ Cung Trầm Tưởng, suốt từ khởi đầu, từ 60 năm trước, vần thơ nào của ông cũng phong phú đủ 5 yếu tố trên. Không những phong phú mà thôi, mà phong phú với sự sáng tạo riêng, đặc biệt Cung Trầm Tưởng. Đứng đầu, một mình, một cõi.
Tôi không bao giờ gặp Cung Trầm Tưởng ở Việt Nam, ông lớn tuổi hơn tôi, và ngoài thơ ra, chúng tôi sống trong hai thế giới khác nhau. Khi anh đã dựng nên sự nghiệp, tôi vẫn lang thang như một chàng phiêu lãng. Nhưng khi gặp nhau ở Minnesota lần đầu tiên, khoảng 10 năm trước, tôi thấy như gặp lại bạn xưa. Cũng chính vì trong bao năm qua tâm tư tôi tràn ngập thơ Cung Trầm Tưởng. Là một nhà thơ, cuộc đời là ngôn ngữ, tâm tình là ngôn ngữ, nên Cung Trầm Tưởng cũng giao tình bằng ngôn ngữ.
Trong bài thơ: “Nửa đêm đàn vọng cung trầm, buồn như ly khách” tôi có vài câu thơ như:
Vời đêm vọng lệ tim nhau
Những giòng tâm tưởng, nhưng câu lặng hồn
Đêm trường thoảng gió ngoài sân
Trăng lu, sương nhạt, đàn ngân cung trầm

Khi viết tặng tôi tập “Một Hành Trình Thơ”, Cung Trầm Tưởng viết rằng:
‘Thân tặng Thi Sĩ Bùi Ngọc Tuấn của “đàn ngân cung trầm”, “những dòng tâm tưởng, những câu lặng hồn”. Cung Trầm Tưởng, Minnesota ngày 5/5/2012’

Thủa đó, tôi còn là một gã thiếu niên ở Saigon, Cung Trầm Tưởng ở Pháp về,xuất bản tập thơ “Tình Ca”, với tranh Ngy Cao Uyên là phụ bản, với nhạc phổ của Phạm Duy. Gã thiếu niên ấy có những ngày tháng tuyệt vời đọc, cảm và yêu thơ Cung Trầm Tưởng. Yêu bài “Kiếp Sau”. Rồi một tối trời mưa, từ trên đài phát thanh Saigon, vang lên giọng ngâm nồng nàn, tha thiết của Tô Kiều Ngân với bài “Kiếp Sau”. Gã thiếu niên là tôi càng say đắm hơn trong ý, trong tình, trong nhạc điệu, trong hình ảnh, trong lối dùng chữ, tạo chữ tuyệt vời của Cung Trầm Tưởng. Trong 6 bài thơ mà Phạm Duy phổ nhạc trong tập thơ này. 3 bài được hát thường là Bài Tiễn Em (từ bài thơ Chưa Bao Giờ Buồn Thế), bài Mùa Thu Paris, bài Khoác Kín, nhưng bài Kiếp Sau (mặc dù rất hay) nhưng lại hiếm khi được nghe.
Bởi vì sao? Tôi cho rằng cái ý, cái tình trong bài thơ này đòi hỏi nó phải được đọc lên trong nhạc điệu riêng mà Cung Trầm Tưởng đã tạo ra, khó diễn tả bằng âm nhạc. Dù rằng cả thơ lẫn nhạc đều giàu nhạc điệu, hình ảnh. Nhưng hát xong rồi thì điệu hát ngừng, còn thơ đã đọc xong mà vẫn vang vọng mãi. Câu thơ đọc xong, cũng như tiếng cồng vừa đánh rồi mà âm vọng cứ ngân mãi.
Nếu bạn yêu thích những bản nhạc Phạm Duy đã phổ thơ Cung Trầm Tưởng, thì tôi chắc rằng khi đọc nguyên bản những bài thơ đó bạn mới biết rằng những bài thơ ấy hay biết chừng nào. Phạm Duy là một kỳ tài trong số những nhạc sĩ có tài phổ nhạc vào thơ. Nhưng nhạc của âm nhạc dù gần mà vẫn khác cái nhạc điệu linh động, uyển chuyển và vang vọng của thơ.
Đây là lời ca bài “Tiễn Em”:
Hôn nhau phút này
Chia tay tức thì
Em ơi! Khóc đi em, Khóc đi em
Sao rơi rớt rụng, vai em ướt mềm
Em ơi khóc đi em, khóc đi em

Còn đây là đoạn nguyên thủy trong bài thơ “Chưa bao giờ buồn thế”:
Hôn nhau phút này rồi chia tay tức khắc
Khóc đi em, khóc đi em
Để luồn qua tóc rối
Những vì sao rụng ướt vai mềm

Hay câu thơ đầu trong bài “Kiếp Sau”:
Bù em một tháng trời gần
Đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi

Phạm Duy phải đổi thành: Đền em một tháng trời gần, đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi. Trong tiếng Việt chữ “đền” tuy gần nhưng lại không cùng nghĩa như chữ “bù”. Đền là để hoàn lại cái gì đã lấy mất đi. Trong khi đó chữ “bù” lại có nghĩa là bồi thêm, đắp thêm vào cái có sẵn. “Đền” là thụ động, “bù” là chủ động. Về nhạc điệu “Bù em một tháng trời gần” gợi thêm chan chứa tình yêu thương, và nghe du dương tha thiết hơn. Nhưng Phạm Duy không thể đưa nguyên câu thơ đó vào nhạc được. Vì người nghe nhạc không có kịp thì giờ để nhận được cái vang vọng của lời thơ.      

Cũng như vậy, một đêm mưa gần đây, trong lúc xa nhà, ở trong phòng một khách sạn miền Tây. Tiếng mưa nhịp đều trên cửa kính. Nằm yên trong bóng tối, chợt tự sâu thẳm trong trí tưởng, vang lên bài thơ Sinh Nhật của Cung Trầm Tưởng, và vọng lên những đêm mưa của hè phố Saigon. Lần nữa, bạn hãy đọc bài thơ này để thấy ý, thấy tình, thấy nhạc điệu, thấy hình ảnh, thấy tài dùng chữ của Cung Trầm Tưởng.
Đêm Sinh Nhật
Mưa rơi. Đêm lạnh. Sài Gòn
Mưa hay trời khóc đêm tròn tuổi tôi
Mưa hay trời cũng thế thôi
Đời nay biển lạnh. Mai bồi đất hoang
Hồn tu kín xứ đa mang
Chóng hao tâm thể, sớm vàng lượng xuân
Niềm tin tay trắng cơ bần
Cuối hoàng hôn lịm bóng thần tượng xưa
Đêm nay trời khóc trời mưa,
Gió lùa ẩm mục, trời đưa thu về.
Trời hay thu khóc ủ ê?
Cổ cao áo kín đi về đường tôi
1961

Trong lời bình tác phẩm Tây Sương Ký, Kim Thánh Thán, đời nhà Thanh nói về phép làm thơ, cũng như phép vẽ tranh: “Vẽ mây, nẩy trăng”. Người vẽ giỏi, người làm thơ tài ba, vẽ giải mây mà người xem thấy vầng trăng.
Phép “vẽ mây, nẩy trăng” chính là phương thuật mà khi biết xử dụng, người làm thơ viết được những câu thơ xoáy động lòng ta. Là một phù thủy ngôn ngữ, Cung Trầm Tưởng xử dụng phương pháp này tài tình và tinh tế vô cùng. Hãy lấy một bài, như bài “Thầm Lặng”, trong bài không có một chữ thơ, chữ buồn, chữ cô đơn, chữ sáng tạo…Bài thơ đầy hình ảnh của đời sống xuôi chảy, của sáng nắng, đêm khuya, của hoàng hôn tươi thắm, của rạng đông tươi hồng, của trẻ thơ, của mẹ hiền. Đó là những giải mây, đọc rồi ta sẽ thấy vầng trăng, ta sẽ thấy Cung Trần Tưởng nói về tâm tư của người làm thơ: một mình lặng lẽ đau đớn với phận người tràn đầy khắc khoải giữa giòng sống xuôi chẩy không ngừng. Mọi vật thảy đều theo luật “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàn” riêng nỗi lòng của nhà thơ ngàn đời không đổi. Ngàn đời buồn cho kiếp người, ngàn đời đau cho cuộc đời.  Bạn hãy tìm đọc bài thơ ấy, khi ngồi một mình, hay bạn có thể đọc bất kỳ bài thơ nào khác của Cung Trầm Tưởng, bạn cũng sẽ nhìn thấy những vầng trăng của thi sĩ lồng lộng sang sau giải mây bạc vắt ngang trang giấy.
Hình như chỉ có tiếng Việt, đơn âm, giàu thanh điệu mới nẩy sinh được thể thơ lục bát, thể thơ độc nhất dùng yêu vận. Chữ thứ 6 của câu 8 chữ, vần với chữ cuối của câu thơ 6 trên đó:
Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá, cá lặn – trông sao, sao mờ

Ca Dao Việt Nam trong nhiều trăm năm (hay nhiều nghìn năm) tràn đầy những lời thơ lục bát của người dân thôn làng, mà đến thế kỷ 19, Nguyễn Du đã thăng hoa trong truyện Kiều. Rồi lục bát được đổi mới không ngừng, với những nhà thơ như Huy Cận của đầu thập niên 1940, của Viên Linh, của Hoài Khanh của thập niên 1960. Nhưng cũng từ thập niên 1950, Cung Trầm Tưởng là người mang lại sinh khí mới, sắc thái mới, hình ảnh mới, chữ dung mới và cả nhạc điệu mới cho thơ Lục Bát. Từ những bài thơ của 1954, 1956, 1958….1960, 1962, 1965, cho đến những bài thơ mới làm gần đây. Lục bát của Cung Trầm Tưởng vẫn giàu sắc thái mới của Cung Trầm Tưởng mà cũng vẫn đầy sáng tạo, nhạc điệu vẫn đổi mới mà cũng vẫn uyển chuyển, vẫn tràn đầy hình ảnh của đời sống đương thời.

Hãy đọc từ những bài thơ của thời trẻ tuổi, của thập niên 1950 trong tập thơ Tình Ca, hãy lấy một bài, bài nào cũng được, ví dụ bài tôi yêu nhất trong tập này là bài “Kiếp Sau”
Kiếp Sau
Bù em một tháng trời gần 
Đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi.
Bù em góp núi chung đồi,
Thiêu nương đốt là cũng rồi hoang sơ.
Bù em phất phới buồm thơ,
Vẫn e gió trở ngược bờ sông thương.
Bù em một tháng thiên đường
Mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu
Non sông bóng mẹ sầu u
Mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái đầu.
Thôi em xanh mắt bồ câu,
Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau
1956

Hãy đọc những câu thơ của 1954:
Mùa Đông tuyết xứ hoang vu
Bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn

(hãy chú ý: Mùa Đông tuyết xứ hoang vu chứ không phải là Mùa Đông xứ tuyết hoang vu. Vì nếu nói xứ tuyết hoang vu, thì không những hình ảnh trở nên nghèo nàn mà nhạc điệu cũng trở nên tầm thường. Cùng trong bài này, hãy để ý: “tầu như dưới tỉnh núi còn vọng âm”. Nếu không phảiI là  chữ  “như “ mà    một chữ  nào khác (đi, xa, bon….) thì    câu thơ  tầm thường, câu thơ của một tay mơ.  Câu thơ xác quyết, trơ trẽn, nông cạn “Tầu như dưới tỉnh” gợi hình ảnh mơ hồ, tầu đang chạy trong tâm tư người hay tầu đang chạy trên đường. Có thật tầu đang chạy dưới đó không, hay đã xa rồi, hay chưa đến tỉnh? Tiếng vang vọng của tầu trong thung lũng, trên sườn núi hay tiếng vang vọng của những chuyến tầu của kỷ niệm, trong ý tình? Đọc thơ Cung Trầm Tưởng phải thấy rằng cái rung cảm của mình nẩy sinh từ nghệ thuật dùng chữ của Cung Trầm Tưởng đã mang đến những hình ảnh linh động, những tình ý man mác, bao trùm, những nhạc điệu tha thiết mà cuồng sôi.)

Hay của 1956:
Thôi em xanh mắt bồ câu
Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau

Hay của 1965:
Gót ngờ rớt chín phân vân
Để sau một hóa mười lần đến anh

của 1984:
            Mai sau ngủ giấc cây sồi
            Làm thiên thu chiếc miếu ngồi thờ em

Hay:
            Mắt chiều hun hút sân ga
            Còn cầm tay đã mất và nhớ nhung

đến Minnesota 1995:
            Ngủ trùm vừng tưởng hồng hoang
            Rung rinh cong tớn thời gian dợn mình 

Thi sĩ Viên Linh, người bạn, người cùng Cung Trầm Tưởng làm sang rực thơ lục bát từ thập niên 1950, 1960 ở Saigon, kể rằng chẳng những bài thơ Sinh Nhật của Cung Trầm Tưởng rung động ông đến mức, mỗi năm đến ngày sinh nhật của mình ông vẫn thường thấy vang vọng trong hồn bài thơ “Đêm Sinh Nhật” của Cung Trầm Tưởng.

Viên Linh còn kể rằng, thơ Cung Trầm Tưởng chấn động ông đến mức năm 1994, khi sang Pháp, Viên Linh đã tìm đến ga Lyon để sống cái tâm tưởng của Cung Trầm Tưởng 40 năm trước:

            Ga Lyon đèn vàng
            Tuyết rơi cuồng mênh mang
            Cầm tay em muốn khóc
            Nói chi cũng muộn màng

Hình như Cung Trầm Tưởng là thi sĩ độc nhất dùng thơ lục bát để ca ngợi tình yêu với một thiếu nữ “mắt nâu, tóc vàng”. “Người em mắt nâu, tóc vàng sợi nhỏ” đó nay đâu? Trong tâm tư những người yêu thơ Việt, yêu thơ Cung Trầm Tưởng, lúc nào thiếu nữ này cũng muôn đời là một cô gái tuổi đôi mươi thấp thoáng ẩn hiện với vẻ đẹp dịu dàng, muôn đời, muôn kiếp không lớn lên, không thay đổi. Người ta thường nói, người yêu của thi sĩ cũng bất tử như chính thi sĩ là thế.

Cung Trầm Tưởng có những bài thơ Lục Bát dài mươi câu, những cũng có những bài dài, rất dài như bài “Bài Ca Níu Quan Tài”, gồm 18 đoạn, mỗi đoạn dài 50, 60 câu hay hơn trăm câu. Bài thơ này được viết sau 10 năm tù cải tạo, và được bạn ông dấu được sang Hoa Kỳ, vào cuối thập niên 1980. Đây là bài thơ ta phải đọc để hiểu để cảm, để cùng đau xót với người Việt, nước Việt, với tấm lòng Cung Trầm Tưởng.
 
Muốn biết cái hay của tiếng Việt, phải đọc thơ Lục Bát, muốn đọc thơ Lục Bát hay, phải đọc thơ Cung Trầm  Tưởng, không phải đọc một bài, mà phải đọc toàn tập. Đọc toàn tập mới thấy được nhiều nhạc điệu luân chuyển, nhiều ảnh hình biến hoá, nhiều ý thiết tha, nhiều tình tha thiết. Đọc thơ Cung Trầm Tưởng để biết cách dùng tiếng Việt.
Cuối thập niên 1930, Phạm Quỳnh từng nói: “Tiếng ta còn, thì nước ta còn” Than ôi! tiếng Việt ta còn không? Ở Việt Nam, và cũng ở trên báo chí, truyền thanh truyền hình ở hải ngoại, chỉ có một thứ tiếng Việt ngớ ngẩn với những chữ tối tăm, lối nói nặng nề, sai cả ngữ pháp. Tiếng Việt vốn trong sáng, nhưng bây giờ, thay vì nói “tốt” người ta nói “có chất lượng”, thay vì nói “ghi tên” thì lại nói “đăng ký”, thay vì nói “có “ thì  lại nói “sở hữu”, như thay vì nói “cô gái ấy có một gương mặt đẹp” lại nói “cô gái ấy sở hữu một gương mặt đẹp”.
Có phải nước Việt Nam còn mà như mất, vì có phải tiếng Việt đang tàn lụi chăng?
Xin đọc thơ Cung Trầm Tưởng, để giữ gìn tiếng Việt.
bùi ngọc tuấn
(bài nói chuyện giới thiệu “Cung Trầm Tưởng, một hành trình thơ” - Minnesota, 17 tháng 6, 2012)