văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Saturday, October 27, 2012

PHAN * Hạt Dẻ Mùa Ngâu


Trên cái băng ghế gỗ ngoài công viên, tôi nhặt được trái tim màu tím, bằng nhựa trong như pha lê của cô bé nào bỏ quên. Làm tôi nhớ đến trái tim mà nàng Rose đã hơn trăm tuổi, thả xuống biển cho chàng Jack hôm trước thì hôm sau nàng cũng vĩnh biệt cõi đời. Hôm đó, ngồi trong rạp tôi chỉ hiểu nàng Rose đã sống đến trăm tuổi để làm mỗi một việc ấp ủ trong tim cả đời người. Hình ảnh bà cụ Rose trong phim Titanic, thả kỷ vật trăm năm xuống biển sâu cứ như một vết sẹo không còn đau nhưng còn đó, và trăm năm sau người đời hãy còn mang những ý nghĩ khác nhau về một chuyện tình đã đi vào lịch sử…


Ngày ấy, chàng hoạ sĩ nghèo đã gặp nàng tiểu thơ đài các trên chuyến tàu định mệnh; cái định mệnh nhỏ nhoi của tình yêu nghiệt ngã muôn đời giữa giàu và nghèo. Nhưng người đi qua đời nhau trăm năm trước, chàng buông tay nàng giữa biển đêm để người yêu được sống. Nếu chỉ vì nàng Rose mới 17 tuổi, thì còn bao nhiêu trẻ em khác trên tàu cũng cần được sống hơn nàng. Điều khác biệt của nàng trong mắt chàng hoạ sĩ Jack là một tình yêu chân thành mà chàng cần đáp lại khi tấm ván hộ mệnh chỉ cưu mang được một người.

Họ đi qua đời nhau ngắn ngủi nhưng đậm sâu, không như người đi qua đời nhau trăm năm sau, cả hai chỉ biết giữ lấy tấm check cho riêng mình trong hoàn cảnh kinh tế ngoài kia vẫn lao đao, việc làm vẫn bấp bênh; hàng quán vẫn đóng cửa âm thầm; vật giá leo thang… Trong cuộc mưu sinh nghiệt ngã từng ngày, những chiếc bóng lẻ loi vẫn đi-về; người đi qua đời nhau hôm nay chỉ khắc vào tim nhau gian dối một chữ tình, tính toán một chữ tham. Sự hy sinh trong tình yêu không còn làm người ta thổn thức; những giá trị vật chất để sử dụng đã đổi vị trí với con người để yêu thương thì người ta sử dụng con người và yêu thương tài sản trong đời hôm nay.

Trái tim ngoài công viên như bao trái tim đã bỏ nhau, khi chân tình chỉ còn lời gió thoảng trong tình người mây bay, ngày đi trong tuyệt vọng, cõi buồn làm cho tâm hồn nhiều vướng bận, trách khứ cuộc đời khi mỗi người đều tự tạo ra cái vòng luẩn quẩn của mình bởi được- mất, rồi đi qua đời nhau để thương tích cả đời. Sự nghiệt ngã làm cuộc sống hết thanh cao là do con người hơn do cuộc đời, không bởi thời gian… tạo nên vòng trầm luân vô biên vì không còn ai giữ được nồng nàn của tình yêu như chàng Jack và nàng Rose .

Một trăm năm nhìn lại cuộc tình Titanic, ở một góc độ nào đó, có thể nói là trái tim nàng Rose đã chết theo người tình ngay trong đêm định mệnh, bởi cho dù Jack có nhường cho nàng tấm vám cứu mạng, một cái còi để thổi lên bằng hơi tàn lực kiệt khi thấy tàu cứu cấp; thì từ đó tới hết đời nàng, những vui-buồn nhân thế đều thoáng hiện bóng dáng một người; như vậy Jack không chết, lúc nào chàng cũng bất tử trong tình yêu thầm kín của nàng. Rose tuy còn sống sót nhưng làm sao Rose có thể yêu ai bằng hết trái tim khi hình bóng Jack đã thành kỷ niệm.

Tôi máng trái tim đồ chơi lên nhánh cây, có thể cô bé con nào đó còn nhớ, đi tìm, hay bỏ quên vĩnh viễn để trưởng thành trong thời đại người đi qua đời nhau như gió thoảng mây bay; con người cần quên đi để sống! Mong là cô bé con trở lại và nghĩ suy vì sao người nhặt được không bỏ túi, hay vứt đi; hoặc giả một người lớn thấy được, cũng đặt câu hỏi, để hàn gắn lại, trân qúy hơn cuộc tình đã lỡ; có thể những con sóc thấy lạ nên tha về ổ, làm hạt dẻ mùa ngâu…

Văn Quang * “Văn hóa không tên” tạo nên linh hồn của Sài Gòn xưa

 
 
 
Nghe bùi tai, tôi đồng ý ngay. Dù biết rằng ra đó ngồi sẽ rất ngậm ngùi nhớ bạn, nhờ tình, nhớ thời trai trẻ, nhớ đủ thứ… trong cái không gian ấy.
Văn Quang

Buổi sáng Thứ Sáu tuần vừa qua, tôi được một ông bạn điện thoại đến rủ ra Givral uống cà phê. Tôi rất ngạc nhiên vì từ hơn 2 năm nay Givral nằm trong thương xá Eden đã bị đập phá tan tành để… làm một cái gì đó, chắc cũng “vĩ đại” như tòa nhà Vincom chiếm trọn khu vườn hoa trước mặt. Mỗi lần đi ngang qua đường Đồng Khởi, tôi không thể nào quên đó là đường Tự Do xưa kia… của chúng tôi. Nhìn toàn bộ khu tứ giác Eden chỉ còn là đống gạch vụn với những hàng rào kiên cố xung quanh cứ như nhìn thấy… cái gọi là “trại cải tạo”. Thì ra, sau hơn 12 năm, cái “trại cải tạo” ấy vẫn còn ám ảnh tôi ngay cả trong vô thức, đôi khi ngay cả trong giấc mơ. Thế nên mỗi khi đi qua khu Eden bị tàn phá đó, tôi bỗng cúi đầu, chẳng muốn nhìn lâu và cũng chẳng muốn tìm hiểu xem trong thời gian tới, nó sẽ mọc lên cái gì. Tôi cứ nghĩ Givral đã thuộc hẳn về quá khứ, như những người bạn tôi ra lò hỏa thiêu, không bao giờ gặp lại.
Ông bạn thấy tôi khựng lại, ông giải thích:
– Nó mở lại Givral hôm qua (10-10-2012) ở chỗ cũ rồi ông ạ. Cũng điểm tâm, cà phê như xưa. Ra ngồi xem cho biết, nhớ lại chút kỷ niệm xưa.
Nghe bùi tai, tôi đồng ý ngay. Dù biết rằng ra đó ngồi sẽ rất ngậm ngùi nhớ bạn, nhờ tình, nhớ thời trai trẻ, nhớ đủ thứ… trong cái không gian ấy.

Cái “trục văn hóa không tên”
Nói đến Givral là nhớ đến La Pagode, Brodard… chắc chắn những người đã từng sống, từng ghé qua Sài Gòn chưa ai quên. Nhất là những văn nghệ sĩ, nhà báo, dân biểu, thường ngồi ở đấy làm nơi trao đổi tin tức nghề nghiệp. Còn một số lớn khách du lịch, sĩ quan, quân nhân, công tư chức làm việc tại “thủ đô miền Nam” và các bạn trẻ Sài Gòn thập niên 60-75 cũng hay lui tới nơi này. Một địa điểm trung tâm thành phố, rất thuận tiện cho mọi việc, từ hẹn hò, mua sắm vài thứ, đợi giờ vào rạp chiếu phim, hoặc chỉ đi “bát phố” mà hồi đó chúng tôi gọi là đi “hittuking”, tức là đi “hít tủ kính” chứ không mua bán gì. Hơn thế, thương hiệu bánh ngọt Givral rất nổi tiếng, thu hút nhiều khách sành ăn. Mấy bà đi ngang qua Lê Lợi - Tự Do ghé vào mua vài cái bánh mang về cho chồng con là chuyện bình thường.
Givral, La Pagode, Brodard đã trở thành một cái “trục văn hóa không tên” phảng phất mà rất sâu đậm trong cái hồn của Sài Gòn.
Sau năm 1975, Givral vẫn còn sống sót cho đến khi khu này bị “giải tỏa”, nhưng khách không còn “chọn lọc” như thời xưa. Khách hàng đủ mọi loại, ông Tây bà Đầm, ông Hàn Quốc bà Đài Loan, chân dài đẹp, chân dài xấu, nghệ sĩ thập cẩm ra vô thong thả và giá cả cũng váo loại trung bình, không “mềm” cũng không “cắt cổ”.

Givral ngày ấy… bây giờ

Trong khi ông bạn tôi tìm chỗ gửi xe, tôi đứng trên đường Lê Lợi nhìn qua khung kính vào nhà hàng Givral mới. Nó vẫn ở cái góc Lê Lợi – Đồng Khởi, mấy cái cửa kính lớn vẫn cho khách có thể nhìn ngắm hai mặt đường phố và tất nhiên khách đường phố cũng có thể chiêm ngưỡng những khách hàng “đẳng cấp” ngồi bên trong.
Điếu đáng tiếc nhất là cái cột to tướng đúng vào góc đẹp nhất che lấp mất tầm nhìn nơi cửa chính trước kia, làm cho không gian có vẻ như chật chội hơn, không thể nhìn thẳng ra nhà hát lớn, khách sạn Continental với phong cách rất Tây và khách sạn Caravelle cùng cái vòng xoay và những con đường chảy vào giữa lòng thành phố.
Chúng tôi bước vào nhà hàng với một vẻ lạ lẫm. Những chiếc bàn ghế mới toanh, những bộ salon kê hai bên góc khá đẹp. Tất cả đều mang dáng vẻ sang trọng như bất cứ một nhà hàng cà phê, điểm tâm “có hạng” nào ở những thành phố lớn.
Khoảng 9 giờ sáng, khách đã chiếm hết số bàn trong tiệm. Số còn lại ngồi rải rác quanh chiếc comptoir hình móng ngựa. Những người hoàn toàn xa lạ ngồi riêng biệt, chẳng ai nhìn ai. Cái không khí ấy khiến tôi không thể quên những ngày xưa. Tuy ngồi khác bàn nhưng chúng tôi vẫn có thể biết xung quanh mình có những ai.
Bàn bên kia là bốn năm anh ký giả chuyên làm tin hành lang Quốc Hội, bàn góc trái là mấy ông dân biểu Hạ Nghị Viện thời Đệ Nhị Cộng Hòa đang say sưa bàn về những “ý kiến” đã và đang chuẩn bị lên diễn đàn. Bàn giữa nhà là mấy “dân chơi” quen mặt, có lẽ ngồi đợi người đẹp… Thỉnh thoảng một cái gật đầu, một cái vẫy tay, một ánh mắt thân thiện. Sự gần gụi, quen thuộc ấy chính là cái linh hồn của Givral trước 1975. Bây giờ không tìm lại được nữa.

Cái “trục văn hóa” từ La Pagode, Givral đến Brodard khác nhau thế nào?
Nằm chung trên đường Tự Do xưa, có ba quán café cùng nổi tiếng như nhau. Bắt đầu từ nhà hàng La Pagode ở góc Lê Thánh Tôn – Tự Do, qua vài nhà hàng đến tiệm sách Xuân Thu, đến hành lang Eden, trong đó có rạp Ciné Eden từ hồi… cựu hoàng Bảo Đại mới lên ngôi. Đến góc đường này là Givral nằm đối diện với khách sạn Continental, sát bên trụ sở Hạ Nghị Viện (nhà hát lớn TP cũ), nhìn chéo sang phải là khách sạn Caravelle sinh sau đẻ muộn. Đi quá chút nữa là nhà hàng Brodard.
Ba tiệm cùng nằm trên một con đường rất gần nhau, chỉ cách khoảng trên dưới 100m và gần như có kiểu kinh doanh giống nhau. Nhưng thật ra, nếu để ý kỹ, khách hàng thường chia làm 3 loại khác nhau. Ở đây tôi chỉ kể riêng về mặt “sinh hoạt văn hóa”.
Trước hết phải kể đến nhà hàng La Pagode, tôi cho là “cổ kính” nhất. Ngay từ những năm 1953, khi tôi mới biết taxi là “cái giống gì” (bởi ở miền Bắc hồi đó chưa có taxi), tôi đã biết La Pagode. Hồi đó Pagode còn bày hàng ghế salon bọc da ra ngoài hành lang, theo lời ông Nguyên Sa thì nó giống hệt nhiều nhà hàng ở Paris. Ngồi ở đây thoáng đãng. Khách đến thường chỉ dùng một ly cà phê, ngồi từ chiều đến tối mịt. Phía trong có một bàn đánh “tin” dành cho khách giải trí chứ không có mục đích cờ bạc kiếm tiền. Ông Hoàng Hải, anh ruột của cố Chuẩn Tướng Lưu Kim Cương, có thể kể là một “nhà vô địch” về môn giải trí này. Chúng tôi chỉ cần mua một chục cái jeton, như đồng xu, bỏ vào khe là chơi triền miên. Cứ sắp hết lại kêu ông Hoàng Hải “cứu giá”, bonus lại đổ xuống hàng đống jeton tha hồ chơi.

Từ đâu có “Radio Catinat”
Khách hàng của La Pagode hầu hết là nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ. Cứ vào buổi chiều, sau giờ tan sở là tụ tập lại đây. Tất nhiên cũng ngồi thành nhóm. Những ngày đầu tôi thường đi cùng Thanh Nam, Thái Thủy, Hoàng Thư và đến đây thường gặp các anh Nguyên Sa, Trần Thanh Hiệp, Mặc Thu, Cung Trầm Tưởng, Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Tạ Quang Khôi, Viên Linh, Nguyễn Đạt Thịnh, Phạm Huấn, Anh Ngọc, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Nguyễn Đình Toàn… Quá nhiều, tôi không thể nhớ hết. Thật sự cái nhu cầu chính là đến đây gặp nhau, để… nói dóc, “bình loạn” vài cái tin văn nghệ, thời sự chính trị cho vui thôi. Cả ba nhà hàng này với những cái “loa ngầm, loa không ai kiểm chứng” nên có thời người ta gọi những tin tức ấy là “radio Catinat” (bởi con đường Tự Do, thời Pháp được đặt tên là đường Catinat). Tuy nhiên cũng có những nguồn tin “bí mật quốc gia” rất chính xác bên cạnh những nguồn tin chẳng bao giờ là sự thật. Nó cứ nhập nhằng như thế nên “radio Catinat” chưa chắc đã là “láo toét” như nhiều người kết tội nó.
Vậy tạm gọi Pagode dành cho giới viết lách gặp nhau, xả stress.

Quyền lợi hỗ tương giữa phóng viên và các ông “nghị”

Còn Givral đông nhất và đáng kể nhất vào mỗi buổi sáng. Phóng viên trẻ thường tụ tập ở nhà hàng này vì nó ở ngay trước trụ sở Hạ Nghị Viện, các ông dân biểu thường ra ngồi giải lao tại đây và “thảo luận” đủ thứ chuyện bên lề. Và chuyện bên lề bao giờ cũng hấp dẫn hơn chuyện trong nghị trường. Chuyện “bí mật quốc gia”, chuyện phe nhóm, “gia nô” và không “gia nô”, chuyện tình bà nghị ông nghị… cứ nghe mấy ông này là có đủ tin “giật gân” trong ngày. Cánh phóng viên thường bắt mối rất chặt chẽ với các ông bà dân biểu và nghị sĩ thượng hạ nghị viện. Thật ra họ có quyền lợi “hỗ tương”, anh cho tôi tin, báo tôi yểm trợ lập trường của anh. Trong số những phóng viên Việt Nam còn có một số phóng viên người Mỹ, Pháp từ khách sạn Continental trước mặt ghé sang. Hoặc cũng có một số phóng viên người Việt làm cho các đài truyền hình, truyền thanh nước ngoài săn tin tại đây.

Nhà thơ hàng đầu Việt Nam thường hẹn hò ở Givral

Có một nhà thơ hàng đầu Việt Nam thời đó là thi sĩ Đinh Hùng, bình thường ông hay ngồi ở La Pagode, nhưng khi “hữu sự” ông lại ngồi ở Givral. Dáng người “thanh thoát” nhỏ nhắn rất thư sinh. Lúc nào ông cũng chải chuốt, complet, cravate, đầu chải mượt gọn gàng, tay luôn xách chiếc cặp da, ông còn giữ nguyên vẻ đỏm dáng, lịch lãm của “công tử Hà Nội” những năm 50. Ông thường hẹn gặp những người ái mộ ở đây. Tôi để ý thấy hầu hết là những nữ độc giả rất trẻ, đẹp. Khi ông ngồi cùng 3-4 cô, khi ông lại rù rì với một người đẹp duy nhất. Đúng là ông có số đào hoa và dù đã ngoại ngũ tuần nhưng trái tim vẫn còn rất trẻ. Những lúc nhìn ông “say” như thế, tôi có cảm tưởng như ông cũng giống như những cậu trai 20 ngồi bên cô gái 18. Ông sống thật với rung cảm của mình. Có lẽ vì vậy thơ ông bao giờ cũng mang cái óng mượt, thần thoại rất đặc trưng. Có thể, Givral chính là nơi bắt ngưồn cho những cánh thơ thăng hoa của cảm xúc này.
Hôm nay ngồi ở Givral, hình bóng anh Đinh Hùng vẫn quanh quẩn đâu đây. Nhớ lại, khi tôi viết truyện dài “Đời Chưa Trang Điểm”, tiêu đề này chính là đã mượn trong câu thơ “đời chưa trang điểm mà xuân đã về” của anh. Lúc gặp nhau, anh Đinh Hùng nói với tôi: “Ừ, cái tít ấy có vẻ tiểu thuyết lắm, cứ lấy xài đi, đóng thuế cho tớ một cuốn thôi”. Mới đây mà đã hơn nửa thế kỷ rồi anh Đinh Hùng ơi!

Brodard với những “dân chơi”
Còn nhà hàng Brodard nằm ở góc Tự Do – Nguyễn Thiệp, nhìn sang bên kia là vũ trường Tự Do của ông Cường lùn và chị “tài pán” Nhựt, bà chị này hành nghề cai quản các em “ca nhe” từ vũ trường Ritz Hà Nội vào Nam. Ở đây lại đông vui vào những buổi sáng muộn và buổi tối khi “gà lên chuồng”. Nơi lui tới của những “dân đi chơi đêm” Sài Thành. Những anh hùng “hảo hớn” như Khê - Thăng Long Xích Thố, anh em ông Kim đầu bạc, Kính tennis, Chương Marine cũng lui tới ngồi tán chuyện giang hồ. Các “đại gia, tiểu gia” thời đó không nhiều, chỉ vỏn vẹn một số ông dược sĩ, tu bíp, doanh nhân có “xế bốn bánh” đủ để chở các em đi ăn đêm. Thỉnh thoảng một vài em vũ nữ, thường là loại có hạng như Lệ Hằng, Thủy Điên, Mỹ Khùng… ở mấy cái vũ trường gần đó như Tự Do, Mỹ Phụng, Olympia cũng la cà vào đây tán dóc.
Ba nhà hàng ấy là 3 sắc thái riêng biệt làm nên cái trục “văn hóa không tên”, cái linh hồn của Sài Gòn, khó phai mờ trong ký ức của những người Sài Gòn.
Còn một địa chỉ nữa ở gần chợ Bến Thành là nhà hàng Thanh Thế, nơi này là chỗ gặp nhau của những ký giả thể thao như đàn anh Huyền Vũ, Thiệu Võ và một số những nhà báo miền Nam.

Tai nạn nghề nghiệp tại Givral, chuyện bây giờ và chuyện ngày xưa
Nhắc đến Givral và gần đây có câu chuyện về tin “siêu hot” trên nhiều tờ báo ở Việt Nam, tôi chợt nhớ đến câu chuyện cũng gần giống như thế xảy ra giữa mấy anh phóng viên với nhau ngay tại nhà hàng Givral hồi xưa. Xin ghi lại chuyện vừa xảy ra trước.
Hẳn bạn đọc còn nhớ câu chuyện “tin không nổi” mới xảy ra vài tuần trước. Ngày 18-9, VOV online, một trang thông tin trên mạng của Việt Nam, đã đăng tải thông tin với nội dung rất kỳ cục về “quan hệ” bố chồng nàng dâu. Sau khi VOV online đăng thông tin này, rất nhiều báo, trang thông tin điện tử ở Việt Nam đã trích nguồn tin này, có báo còn vẽ rắn thêm chân cho tình tiết thêm phần “thật” và tăng độ “gay cấn” lên cao. Xin nhắc lại câu chuyện có thể kể là chuyện ly kỳ quái đản nhất thế kỷ tại Việt Nam. Trang mạng này đưa tin nguyên văn như sau:
“Bố chồng yêu con dâu, cùng phải đi cấp cứu
Ông A (58 tuổi) có quan hệ tình dục với cô con dâu (36 tuổi). Trong khi thực hiện hành vi vô đạo đức này, người con dâu bị chứng co thắt âm đạo làm cho bố chồng không tách rời ra được.
Chiều 18-9, Phó Giáo sư, tiến sĩ Tạ Văn Trầm - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang xác nhận, vừa quyết định chuyển 2 bệnh nhân (cư ngụ ở xã Tân Trung, thị xã Gò Công) lên tuyến trên điều trị trong tình trạng dính nhau. Điều đáng nói là 2 bệnh nhân này là bố chồng và con dâu.
Trước đó, trong lúc người con trai đi làm ở TP., ông A (58 tuổi) có quan hệ tình dục với cô con dâu (36 tuổi).
Trong khi thực hiện hành vi vô đạo đức này, người con dâu bị chứng co thắt âm đạo làm cho bố chồng không tách rời ra được, được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh”.
Thật ra đây chỉ là nguồi tin do BS. Tạ Văn Trầm - phó giám đốc bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang nói vui với bạn bè thôi. Hoàn toàn không có thật. Sau đó vài ngày, sáng 22-9 trang báoVOVonline đã phải xin lỗi:
“Ngày 18-9, VOV online đã đăng tải thông tin với nội dung về quan hệ bố chồng nàng dâu. Tuy nhiên qua xác minh, phóng viên viết tin này đã có sai sót khi chỉ dựa trên một nguồn tin không chính xác, thiếu thẩm định lại, dẫn đến tin đưa không đúng sự thật. VOV online chân thành cáo lỗi cùng bạn đọc”.

Chuyện ở Givral thời xưa
Thưa bạn, chuyện này làm tôi nhớ đến câu chuyện có thật ở Givral hồi xưa, do anh Hồng Dương kể lại. Khi đó anh là phóng viên của Đài Phát Thanh Quân Đội phụ trách tin tức nghị trường. Hầu như ngày nào anh cũng ngồi với cánh phóng viên ở Givral. Trong số những phóng viên đi săn tin có một ông, lớn hơn vài tuổi. Ông này thích “mần văn nghệ đủ thứ”, làm thơ, viết văn, nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học kiêm luôn nghề săn tin. Ông lại thích tỏ ra hiểu biết hơn người, coi mình là cái rốn của vũ trụ nên anh em không ưa. Ông nói và viết nhiều hơn những gì ông biết. Ông chỉ đọc chừng 10 cuốn sách nhưng phê bình đến cả trăm văn nghệ sĩ. Chứng tỏ ông chỉ nghe lỏm chứ không biết đâu là đúng đâu là sai.
Một lần anh em đang ngồi tán dóc, thấy ông (xin giấu tên, tạm gọi là ông X.Y) đi tới. Mọi người đều im bặt. Ông X.Y đoán chắc có tin gì hay, tụi nó giấu mình. Ông hỏi, nhưng anh em không ai nói câu nào, ông càng nghi. Sau cùng ông lựa một anh có vẻ “thật thà” nhất gặng hỏi cho được cái tin “bí mật” kia. Anh phóng viên “thật thà” bèn bịa ngay ra một “tình sử” tiết lộ cho đàn anh X.Y. Tôi không nhớ rõ là chuyện gì, nhưng đại khái là thứ tin tức động trời như kiểu tin “bố chồng dính lẹo với nàng dâu”.
Ông X.Y tức khắc viết bản tin đăng trên báo hàng ngày. Ông chủ nhiệm bị thiên hạ gọi đến tòa soạn hỏi tới tấp và có nhiều phản ứng rất gay gắt. Ông chủ nhiệm báo này cũng giống như ông chủ nhiệm VOV phải đi xác minh. Cánh phóng viên nói hoàn toàn không có tin này. Chủ nhiệm đành đăng lời “cáo lỗi cùng bạn đọc” và chỉ còn cách cho anh phóng viên nằm nhà làm việc vặt.

Cái bẫy của mấy ông bác sĩ
Trở lại chuyện ngày nay trên VOV, tôi thấy có dư luận chê trách BS Tạ Văn Trầm - phó giám đốc bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang nói bậy. Nhưng suy luận cho cùng, tôi nghĩ đây cũng chỉ là chuyện ông BS Trầm thấy anh phóng viên kia hay nghe lóm, viết văng mạng nên ông ta cùng bạn bè ghét mặt, bèn giăng cái bẫy, bịa chuyện “bố chồng nàng dâu”, cho anh ta nghe lỏm, cũng giống như cái bẫy của mấy anh bạn phóng viên ngồi ở Givral hồi xưa thôi. Chẳng có lý do gì một bác sĩ phó giám đốc bệnh viện lại nói một chuyện không hề có như vậy. Thiếu gì chuyện để mấy ông tu bíp nói giỡn với nhau, sao lại nhè lúc anh phóng viên có mặt mà “khui” ra chuyện kỳ quái kia, phải không bạn? Bài học này quả là đắt giá cho những người cầm bút chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp.
Tôi kể lại chuyện cũ, chuyện mới để bạn đọc dễ dàng so sánh hai chuyện có cùng một nguyên nhân không.

Không thể tìm lại dĩ vãng
Tóm lại, trong bài này, tôi chỉ muốn thông tin đến bạn đọc một nét “văn hóa xưa” vừa được khơi gợi lại giữa Sài Gòn. Nhưng với tôi, nó chỉ còn cái tên Givral của thời xa xưa thôi. Tất cả đều khác trước, giá cả lại quá cao không phù hợp chút nào với cánh phóng viên Việt Nam. Nó sẽ chỉ còn thích hợp với khách du lịch ghé ngang qua thành phố này.
Dù sao cũng xin gửi đến bạn đọc nặng lòng với những hoài niệm cũ, với Sài Gòn xưa, một cái gì đã mất đi không thể tìm lại được. - (VQ)

Friday, October 26, 2012

Trần Vấn Lệ * Tùy Bút Mùa Thu


danggiao


Mùa Thu, trời ngộ thiệt:  nắng nửa chiều rưng rưng, làm như mưa không chừng, chờ hoài mưa không tới…

Mùa Thu lá chới với / dù gió nhẹ nhàng qua. 
Gió heo may xót xa / không riêng lòng chiếc lá… 

Mùa Thu những con quạ / ít kêu, mà kêu buồn.  Tiếng kêu như tiếng chuông / khàn khàn và vỡ nát…

Ơ hay những bài hát / vang vang cũng nghe buồn!  Cô ca sĩ dễ thương / mặt dường như sương khói…

Mùa Thu trời vời vợi, thấp mà sao như sâu; dòng nước chảy qua cầu, xanh mà sao xanh ngắt? 

Tôi thắp nhang bàn Phật / cầu xin cho người yêu / có được những buổi chiều, lạnh, lòng nghe vẫn ấm…

Tôi vẫn còn xa lắm / chưa về kịp với ai.  Tôi ráng giữ vòng tay / chỉ cho riêng người ấy…

Người yêu tôi, người Huế, chiều Vỹ Dạ bâng khuâng…

Trần Vấn Lệ

Wednesday, October 24, 2012

Du Tử Lê * Pho tượng

nguyenthanhthu


Cô bé hỏi người lính :
- Tết năm nay nữa, ông bao nhiêu tuổi?
Hình như người đàn ông không chờ đợi câu hỏi bất ngờ đó nơi cô gái. Ông gỡ điếu thuốc khỏi môi. Điếu thuốc bị ngậm chết ở một vị trí khá lâu/có lẽ thế/cho nên khi được gỡ ra, một lớp giấy mỏng còn dính lại nơi môi. Người đàn ông gỡ bỏ lớp giấy mỏng trước khi trả lời cô gái :
- Tôi già rồi.
- Bao nhiêu và thế nào mà ông cho là già?
Người đàn ông nâng tách cà phê lên nhưng không uống ngay, trong lúc cô gái nghịch cái thìa trong tay và mắt chờ đợi:
Nghĩ một lát, mỉm cười, đặt tách cà phê xuống, ông nói :
- Như cô và tôi, chúng ta đã ở hai đầu dây ngăn cách. Chúng ta như hai cực của một ngày. Tôi đã xế chiều và cô mới bình minh. Khi cô thực sự bình minh, thì đó là lúc tôi vào sâu bóng tối.
Người lính nhìn qua khung kính lớn, dãy thung lũng trải dài với thảm cỏ mướt xanh uốn lượn như con sóng lớn. Một vài cây phong đổi mầu lá ối đỏ, trang điểm nó. Dáng chiều từ chân đồi hắt ngược lên càng khiến những chiếc lá phong bầm đỏ và tối hơn. Người lính chỉ tay vào thung lũng :
- Cô thấy gì ngoài khung kính này?
- Buổi chiều vàng, một buổi chiều vàng trong nhạc của Nguyễn văn Khánh. Ông biết bài đó? Người con gái đáp như trúng tủ trong một cuộc thi vấn đáp?
- Phải... “trên đồi thông chiều đã xuống dần mặt trời lấp ló sau đồi, chiều vàng...”
- Ông có biết là tôi yêu bản nhạc đó, như yêu một cảnh đời mình đã... khuất.
- Cô nói như một bà già năm mươi!
- Vâng! Khi tôi chửa được một nửa của tuổi đó.
Người con gái không che giấu tự tin và chút gì giống như hãnh diện trong câu trả lời của mình.
Người lính lắng tâm hồn và cảm xúc ông vào đôi mắt mở lớn, trong veo, không một gợn đục. Từ đôi mắt thơ ngây ấy, những lời nhạc như tiếp tục vẳng lên: “Chiều nay viếng thăm hồn cố nhân, ta nên đau thương gắng bước hoài, đời chỉ có riêng em mà thôi”.
Những hình ảnh xưa cũ, như một trận bão bất ngờ trút xuống trong thần trí ông.
- Tôi bốn mươi rồi. Tết này nữa, tôi đúng bốn mươi.
Người con gái như không hề ngạc nhiên về tuổi tác của người lính. Làm như cô đã biết trước tuổi ông. Cô nói :
- Vì thế, ông cho rằng ông đã già, quá già rồi.
Người lính gật đầu. Ông di di mẩu thuốc lá trong chiếc gạt tàn;
- Đúng thế. Nếu cô biết rằng các cụ mình có câu: “Tam thập nhi lập, từ thập nhi bất hoặc...” Tôi đã mười năm bước qua tuổi ba mươi mà chưa “lập”, thì nói gì... Người lính ngập ngừng trước khi tiếp:
- Tôi không còn tuổi trẻ nữa.
- Ông nói thế nghĩa là sao?
Người lính nén tiếng thở dài :
- Nghĩa là tôi không còn cơ hội. Tôi không còn những yếu tố căn bản là tuổi trẻ, lòng hăng say, để bắt đầu hay để làm lại.
Cô gái múc một thìa kem. Nàng hé môi hàm răng trắng đều và cặp môi đỏ tự nhiên. Cô ngậm như cắn thìa kem. Cô khép đôi mắt, như để tận hưởng cảm giác mát lạnh và hương vị ngọt ngào của thìa kem chảy tan trong cơ thể?
Bất ngờ, cô hỏi:
- Ông biết tôi bao nhiêu không?
- Tôi không hề để ý tới tuổi cô. Chỉ biết cô còn bé lắm.
Người con gái hin hin mũi, tinh nghịch :
- Bé cỡ nào, ông?
Người lính lúng túng :
- À... À... Bé lắm. Bé như là bé... tý hon.
Cô gái đưa tay che miệng cười. Tiếng cười cô ròn rã, vang ấm một góc quán.
- Tôi mười tám. Tết này, tính theo tuổi ta, tôi mười chín. Cô đăm đăm nhìn những giọt nước đang tạo hình trên ly kem khi nói. Như một tiếng thở dài lúc cô thêm:
- Mười chín mà tôi thấy mình như đã ngoài ba mươi!
- Tại sao?
- Không phải tại tôi cảm thấy tôi già trước tuổi. Rất thường, tôi tự thấy, tôi còn nhỏ lắm. Còn trẻ con lắm trong cả ý nghĩ, tư tưởng của mình. Nhưng đôi khi, đôi khi thôi, ông biết không, tôi tự hỏi, rồi tôi sẽ ra sao? như thế nào? làm được những gì ở năm hăm chín, bốn mươi? Tôi luôn thấy tôi lạc lõng trong tất cả mọi “pạc ty” của bạn bè. Tôi cũng không một chút ham muốn trước phấn son, không một chút rạo rực trước quần áo hôm nay, quần áo mà người ta gọi là quần áo “disco” đó ông. Không phải tôi làm bộ. Không phải tôi giả cách. Ba mẹ tôi tuy không khuyến khích nhưng cũng chẳng cấm cản tôi. Tôi biết rõ điều đó. Vấn đề là tự thâm tâm, tự một chỗ nào đó trong tâm hồn tôi, tôi không thấy thích, tôi không thấy ham muốn những thứ đó. Bạn tôi có đứa bảo tôi bị bệnh. Bệnh lãng cảm. Tôi không hiểu rõ lắm bệnh này và, thực sự cũng chẳng mấy quan tâm...
Có thể người lính không chờ đợi những lời đối thoại như vậy. Ông lúng túng:
- Cô không sợ bạn chê là nhà quê sao?
Cô gái lắc đầu: tự tin :
- Không. Cho đến hôm nay, tôi không hề có một mặc cảm nào khi đứng trước mặt bạn bè. Tôi có lố bịch không ông /?/ Nếu tôi nói với ông rằng tôi biết những gì tôi hơn bạn bè tôi.
- Cô làm tôi nhớ em gái tôi. Nó cũng bướng, cũng “lý sự” như vậy!
Cô gái mỉm cười. Nụ cười nhiều phần miễn cưỡng:
- Tôi có nói nhiều quá không ông?
Người lính lắc đầu :
- Có bao giờ cả một ngày cô không được nghe một tiếng nói nào chưa? Tiếng mẹ đẻ! Tôi đã nhiều lần trải qua cảm giác đó. Cảm giác thèm khát muốn phát điên vì thiếu tiếng nói. Nhưng lúc ấy, thì ngay cả tiếng lảm nhảm, vô nghĩa với tôi cũng cần thiết. Chưa kể, càng nói cô càng cho tôi cảm tưởng khoảng cách giữa cô và tôi được ngắn lại phần nào.
Người con gái không giấu hân hoan.
- Ông nói thật? Thật phải không ông?
- Tôi có thể nói dối với tất cả mọi người, trừ... cô.
Người con gái dướn gương mặt hạnh phúc, rực rỡ về phía người đàn ông. Tuy nhiên, như chưa tin hẳn, cô gái hỏi thêm :
- Tại sao lại trừ tôi?
- Tại cô là cô bé. Bé tý hon.
Cô gái như không còn kìm giữ được lòng sung sướng, rất nhanh và rất tự nhiên, cô đặt tay cô lên bàn tay người lính.
Ông xoay ngược bàn tay, nắm lấy bàn tay nhỏ, mềm như được làm bằng bột của cô gái. Từ từ, những ngón tay xạm nắng bóp xiết những ngón tay chỉ còn là một màu trắng sữa. Cô bé thốt kêu :
- Ông... ông Lãm.
Người lính như đang bơi trong cơn mơ sảng :
- Học...
Ông buông tay cô. Bàn tay người con gái trơ vơ trên mặt bàn nhung màu huyết dụ, rung động như phần cánh bị thương của một con chim sâu.
Vài giây sau, người con gái mới rút tay về...
Bóng tối như từ đáy thung lũng dâng lên mỗi lúc một cao, cùng lúc với sương mù bám vào cửa kính, làm thành một lớp vải voan mỏng.
Tự lòng quán nhìn ra, người ta chỉ còn thấy được những cây phong gần nhất. Lúc này, chúng giống những ông già mặc áo bành to, đang rộng đôi tay, ngửa mặt, lặng im khấn nguyện một điều gì đó với trời đất.
Người kính châm điếu thuốc mới. Cô bé đã trả hai bàn tay xuống gầm bàn như lúc ban đầu. Cô day mặt về phía cửa kính.
Người đàn ông cố gắng (sự cố gắng thấy rõ trong giọng nói ngượng ngùng của anh) :
- Tôi thật đáng trách... Tôi không định thế...
Cô bé quay lại. Đôi mắt đỏ, nhưng miệng nàng cười :
- Đâu có. Ông.
Giọng nói của người con gái lúc đầu còn đượm nhiều xúc động, trước khi bớt dần:
- Học... ồ tôi không hiểu... ừ mà tôi cũng không hiểu tại sao nữa? Là người lớn, ông...
Người lính lắc đầu!
- Học tưởng người lớn biết tất cả mọi thứ.
Người lính cười, thở ra như vừa trút đi khỏi lồng ngực một sức nén ép khủng khiếp:
- Không phải người lớn thì cái gì cũng biết. Có khi còn ngược lại, như tôi.
- Ngược lại? Ông Lãm? Học không hiểu!
- Tôi muốn nói có nhiều điều trẻ con biết mà, người lớn thì không...
Cô buột miệng:
- Xì! Ông Lãm “xạo”. Học không tin.
Người lính nghiêm mặt :
- Thật đó.
Cô bé cong môi :
- Chẳng hạn?
- Chẳng hạn trẻ con biết làm cho người già trẻ lại. Trong khi người già bất lực. Họ không không biết cách nào để làm cho trẻ con trở nên trẻ con hơn nữa.
- Nhưng người già biết cách làm cho trẻ con già thêm phải không?
Người lính mỉm cười :
- Chính thế. Sự nguy hại của trẻ con chơi với người lớn ở chỗ đó.
- Học không còn là bé nữa. Học đã bước vào tuổi mười tám. Học lớn rồi. Phải không ông Lãm?
Người lính dùng một câu hỏi thay cho câu trả lời:
- Cô định làm gì ở những ngày tháng đầu tiên của tuổi mười tám?
Cô gái ngẫm nghĩ :
- Học không biết nữa. Ơ mà Học thấy có nhiều điều trước đây, Học không thể làm được, nhưng bây giờ thì đã...
- Thí dụ một vài điều?
Cô gái mím môi để khỏi cười. Đôi má nàng au đỏ. Nàng lắc đầu :
- Không. Học chẳng thể nói ra với ông.
- Sao vậy?
- Học mắc cở. Với lại...
- Với lại?
- Kỳ lắm. Mà thôi, Học không nói đâu. Học sẽ không bao giờ nói ra đâu. Ông Lãm đừng bao giờ hỏi nữa...
Càng nói, người con gái càng rơi sâu trong sự mắc cỡ của chính nàng. Hình như người lính cảm biết được một điều gì đấy. Ông dọa:
- Lỡ...
Người con gái cướp lời :
- Không. Không nha. Ông Lãm.
Cô bé ngước mắt nhìn người lính vẻ khẩn khoản. Người lính cười. Nụ cười khoan hòa, như nụ cười của một người cha chiều lòng một đứa con gái nũng nịu.
- Ừ! Tôi sẽ chẳng bao giờ tôi hỏi Học điều đó.
Làm như hai người cùng ngầm hiểu điều họ có thể... không hiểu hay hiểu sai!
Tuy nhiên, phần cô gái vẫn là nụ cười. Nụ cười mang theo hương thơm ngọt ngào của thìa kem chảy tan một lần nữa trong cô..
Người lính trả tiền và đưa cô gái ra khỏi ngôi quán. Đêm thẳm sâu và lạnh. Cô giấu đôi bàn tay vào túi áo vest, trong khi người lính thọc hai tay vào túi quần sau khi cài nốt những khuy áo còn lại của chiếc bành tô.
Họ sóng bước. Trong lúc người lính trở nên trầm ngâm thì cô gái ngược lại, liến thoắng hơn. Cô nói :
- Ở đây không có chợ Tết!
- Ừ không có chợ Tết.
- Cũng không có cả ciné giống như ở quê nhà nữa.
- Cũng không cả ciné...
- Ông Lãm...
- Gì Học?
- Tết ông Lãm làm gì?
- Ngủ. Tôi ngủ cho qua Tết.
- Tết ai lại ngủ?
- Nhưng tôi ngủ. Và uống rượu...
- Thế ông không định đi thăm Học sao?
- Ừ nhỉ! Phải đi thăm Học.
Cô gái không thể biết người lính nói sẽ đi thăm Học hay đó là câu hỏi? Cô dám ngước mặt lên nhìn mặt người đàn ông. Cô sợ ông phật ý. Nàng chợt nhận thấy từ lúc bước ra khỏi quán, người đàn ông như rơi vào một thế giới khác! Nhưng cô không quan tâm.
Niềm vui, hay hạnh phúc nếu có thể nói được như vậy, khiến cô chỉ muốn nói bất cứ điều gì chợt đến. Đây là lần đầu tiên, cô được đi chơi khuya với người lính. Cũng lần đầu tiên, cô cho rằng người đàn ông không còn nhìn cô như một đứa con nít.
Ta đã lớn. Ta đã mười tám. Ta đã... Ta đã... Cô muốn thét to, muốn la lớn cho vỡ trong lồng ngực, cho tất cả thành phố đều phải biết rằng cô đã mười tám. Cô đã bắt đầu một tình yêu!
Họ chậm bước rồi dừng lại ở một ngã tư có đèn. Người lính đưa tay ấn nút. Họ chờ băng ngang đường.
Người con gái nói :
- Ông Lãm.
- Gì Học?
- Sắp Giao Thừa chưa?
Người lính vén tay áo, nhìn đồng hồ.
- Còn hai tiếng nữa.
Dấu hiệu cho phép băng ngang đường chuyển từ màu đỏ sang xanh.
Người con gái không có vẻ gì muốn bước đi :
- Ông Lãm.
- Sao Học?
Người con gái im lặng giây lát, rồi nói giọng thật nhỏ :
- Học chưa muốn về.
Những nếp nhăn xếp hàng trên trán người lính. Ông đặt tay lên vai cô :
- Phải về chứ. Muộn rồi.
Cô gái cúi mặt như che giấu thất vọng và xấu hổ của mình.
Người đàn ông lại đưa tay bấm nút đèn. Người con gái lại nói :
- Ông Lãm.
- Gì Học?
- Sao ông không nói gì với Học?
Lần này cô bạo dạn ngước nhìn người lính. Ông hỏi :
- Học muốn điều gì?
- Gì cũng được.
Dấu hiệu băng ngang đường lại chuyển từ đỏ sang xanh. Ánh sáng xanh của ngọn đèn đường, không làm mất đi màu đỏ gấc trên gương mặt cô gái. Đôi cánh mũi của cô phập phồng như nhịp theo hơi thở gấp rút trong cô.
Người lính nắm chặt bàn tay. Bất giác, như không kìm giữ được nữa, ông vòng tay qua vai cô:
- Học
- Dạ.
Người lính im lặng. Ông không biết nên hay phải nói điều gì trong? Sự im lặng kéo dài cho đến lúc người con gái lên phải cất tiếng :
- Ông Lãm.
- Gì Học?
- Sáng mai mồng một, Học đến nhà ông Lãm.
Vừa nói dứt câu, người con gái không để người lính kịp trả lời, đã vùng thoát khỏi vòng tay người lính. Cô chạy băng qua bên kia đường, giữa lúc đèn xanh đã trở lại màu đỏ.
Người lính trở về nhà đúng giao thừa. Ông đặt tay lên đùi. Nhắm mắt. Mơ hồ thấy mình trong dáng ngồi của pho tượng “tiếc thương”, ở nghĩa trang quân đội ở Biên Hòa. Nhưng cùng lúc, ông cũng nhớ lại rằng, pho tượng ấy không còn nữa. Nó đã bị giật đổ.

Nguyễn Lệ Uyên * Buổi Sáng Trong Làng

daohaitrieu
Gà vừa cất tiếng gáy sang canh, Dự vội vã bật dậy nhóm bếp nấu ấm nước pha trà, loại trà nát như cám được phân phối theo tem phiếu trên cửa hàng mậu dịch của hợp tác xã. Uống loại nước chan chát không mùi vị khiến anh có cảm giác như lúc ở trại Thập hái lá cây rừng sao vàng thay trà. Dẫu sao trà cám vẫn hơn nước đun sôi và nước đun sôi vẫn hơn loại lá rừng đắng chát. Với lại, thời buổi này không thể tìm đâu ra thứ trà ướp ngâu, ướp sen… mà có thì cũng không có tiền mua. Cái gì cũng có thể trở thành thói quen, anh thầm nghĩ và uống cạn bình trà trước khi đứng dậy ra tháo cổng chuồng.

Lúc lùa đôi bò ra ngõ, vợ Dự vừa kịp lóp ngóp ngồi dậy, hỏi nhóng theo:
-Sáng nay anh ăn ghé khoai lang hay mì?
Dự nhổ phẹt bãi nước bọt xuống nền đất, xoay cây cày sang vai phải, từ bìa sân gạch nói với:
-Gì cũng xong. Đầy bụng là quý rồi.

Đôi bò theo thói quen, ra khỏi ngõ rẽ qua truông trái, chậm rãi bước thẳng ra đồng. Cây cày trên vai bị trở vai liên tục, vì hồi nào tới giờ anh có biết cày cuốc là gì. Học chưa hết năm đệ Tam tới tuổi phải vào lính, đánh nhau suốt từ năm này sang tháng khác cho đến lúc bị gán cho tội cầm súng đế quốc chống lại nhân dân. Cái tội tày đình đó phải học tập cải tạo như bao nhiêu người khác cùng cảnh ngộ đến gần hai năm. Hai năm theo đúng nghĩa của người tù khổ sai để cuối cùng cầm mảnh giấy rơm vàng ố quay về trình diện địa phương. Như vậy kể cũng may mắn: Đạn bom chưa giết chết Dự. Bệnh tật, đói khát, sơn lam chướng khí… trên rừng núi không vật ngã được anh. Dự vẫn sống nhăn răng để trở về và chịu đựng tiếp những khổ nạn của thân phận thằng ngụy quân cầm súng bắn phá cách mạng, chống lại nhân dân…

Cây cày đè nghiến trên vai. Màn đêm lờ mờ. Cây cày bị xoay trở liên tục. Lúc ngang qua xóm Gòn, lũ chó chạy ra thọc mõm qua bờ rào sủa như muốn xé rách màn đêm. Cả một đàn chó trong xóm cùng gào lên như thể Dự là quân trộm cắp, là bóng ma đang lởn vởn trong làng. Ra tới chòi canh đầu xóm, người du kích quấn chiếc mền thu lu quanh cổ, đang bập bập điếu thuốc chỉ thấy đốm lửa đỏ như que nhang, quẹt đèn pin thành vệt dài một lượt, hỏi:
-Cày sớm anh Hai?
-Cày sớm về nghỉ cho khỏe.
-Ngồi hút điếu thuốc đã.
-Thôi, để tranh thủ. Tôi chịu nắng dở lắm - nói và Dự thúc đôi bò bước nhanh.
Bóng đêm vẫn còn đậm đặc, tiệp với màu cây cối hai bên đường. Tiếng chó sủa thôi rát nhưng tiếng gà gáy thì bắt đầu rộ lên. Cũng tiếng gà ấy, nhưng ngày trước nghe giục giã, còn giờ thì nghe mỏi mòn, eo óc, giống tiếng kẻng lệnh treo giữa xóm, trên cây duối, điều khiển mọi hoạt động của đám người trong làng.

Đôi bò lầm lũi bước. Dự lầm lũi bám theo chúng, trở thành vị cứu tinh của cả nhà. Dự áng chừng cũng gần bốn giờ sáng. Bốn giờ bắt đầu mắc bò vào quải, bắt đầu đánh rõng, cày đến khi mặt trời gát qua khỏi đọt tre cũng gần mười giờ. Mười giờ mở bò, mở trước lúc tiếng kẻng lệnh vang lên chói tai. Thời gian lúc này đối với Dự (và cả dân làng) không còn có thể nhìn vào chiếc kim nhỏ chạy vòng tròn trên mặt số nữa rồi. Tiếng gà gáy và mặt trời đã thay thế vị trí của nó, bởi những chiếc đồng hồ đã được đem bán đi để mua thêm vài mươi cân lúa dự phòng. Có đồng hồ trong nhà mà cái bụng tóp teo phỏng ích gì, ai cũng nghĩ vậy.

Mắc được đôi bò vào quải, Dự đã nghe rõ mồm một tiếng lội bì bõm trong đám ruộng bên. Té ra cha con hương Bổn còn ra đồng sớm hơn. Dự tằng hắng:
-Bữa nay nữa xong chưa đó?
Tiếng hương Bổn từ xa:
-Chưa. Còn gần hai sào nữa.
-Tôi ráng bữa nay là gác cày.
 -Mửng này đói vẫn hoàn đói, chưa chết là may - tiếng hương Bổn lầu bầu không ăn nhập gì tới sự quan tâm cày nhanh chậm.

Dự nghe mà không trả lời, cầm chui cày, nhịp roi lên mông đôi bò. Cả ba dựa vào nhau bước tới. Bước tới để hít mùi bùn đất dậy lên gây gây trong buổi sáng tinh mơ. Tiếng chân bò thả bì bõm trong nước. Đôi chân anh cũng thả bì bõm trong màn nước ngậm bóng đêm lạnh ngắt. Thỉnh thoảng những bước chân bước hụt xuống lỗ đất hẹp thấp làm nước ruộng bắt vọt lên mặt, lạnh ngắt. Nhưng cái lạnh ấy khiến anh cảm thấy có chút yên ổn rằng mình đang còn cử động, hơi thở vẫn còn phụt ra hai lỗ mũi, tim vẫn còn đập, dẫu biết rằng đó là giả tạm. Lưỡi cày găm vào đất, xới lên thành vồng tỏa ra thứ mùi thơm nồng đặc biệt. Đó là mùi bùn đất lưu cửu tổ tiên để lại cho con cháu bằng cả mồ hôi, nước mắt và máu và xương. Cái mùi ấy đã thấm sâu vào da thịt dân làng này. Họ biết vậy. Biết và hàm ơn nên ông bà lớp trước mới xây một ngôi đình khang trang để thờ người mở đất…

Đó là ngôi đình thờ thành hoàng. Ngôi đình rộng mênh mông từ bao đời, bỗng nhiên, chỉ trong một buổi sáng, nó biến thành nơi hội họp của hợp tác xã theo lệnh của ai đó ở trên. Họ nói thờ cúng là mê tín dị đoan. Với lại đất đai là của nhà nước, của nhân dân chớ không của riêng một kẻ nào, không có ông thành hoàng nào mở đất cả!

Lệnh rớt xuống như lưỡi dao bén chém ngang thân chuối. Cái lệnh ấy khiến đám thanh niên lóc chóc hò la xông vào, gỡ những tấm nghi khậu, liễng đôi ném xuống đất như thể chúng đang đánh nhau với kẻ thù. Đám khác chia nhau ôm cờ phướn, đèn thờ, trống, phèn la… vất vào gian lẫm phía sau chái. Vật tế tự, từ khí nằm vương vãi, lăn lóc như xác địch quân sau trận chiến ác liệt. Máu không chảy thành vũng, nhưng những mạng nhện lòng thòng có vẻ như những mảnh tim gan phèo phổi của tổ tiên rớt ra từ những vật tế lễ kia. Phút chốc ngôi đình trống hoác. Bức hoành phi với mấy chữ đại tự sơn son thếp vàng, mới đây còn uy nghiêm trên thanh xà gian giữa, giờ nằm chổng chơ trên nền đất lạnh.

Dự đi ngang qua, tình cờ cong người nhìn vào và chợt thấy, rùng mình như hồi nhỏ từng chứng kiến cảnh tiêu thổ kháng chiến. Ông gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán và những giọt nước mắt chực chảy ra, quay lui ra phía kiệt tre và đụng mặt ngay cô Lại đang bước tới, người bạn chận bò thuở thiếu thời. Lại cười khẩy, rít lên:
-Anh tiếc mấy thứ giẻ rách kia hả, cứ vào lấy mang về nhà. Tôi cho đấy!
Dự liếc mắt nhìn cô, nghĩ thầm: Không ngờ con Lại của mười mấy năm về trước nay thay đổi thiệt nhanh chóng. Cô lạnh lùng, tàn nhẫn… vụt bay ra từ cái nhìn nhọn sắc và hàm răng khít rin, thù hận. Dự suy nghĩ mãi, không hiểu tại sao cô lại làm như vậy? Một đứa con gái như bao cô gái khác trong làng, cần mẫn với ruộng vườn, bếp núc; cũng cười đùa hể hả với đám bạn mỗi khi có dịp đùm túm với nhau. Vậy nhưng sau cái đêm cô biến mất khỏi làng, “sau một thời gian dài không tung tích, nó đột ngột quay về trong đêm, tập hợp dân làng hô hào nổi lên diệt ác ôn đánh Mỹ cứu nước - Cha Dự chậm rãi cất giọng lào khòa kể lại - Nó răn đe mọi người sẽ bị xử trị đích đáng nếu tiếp tay cho địch. Nói xong nó bắn một phát súng thị uy rồi biến mất trong đêm tối một cách đột ngột như lúc đến”. Giờ thì Lại quay về, lãnh đạo cả xã, cả làng phá sạch những thứ mà Lại gọi là tàn dư, là rác rưởi của đế quốc và tay sai để lại. Mấy ngôi miễu thờ cô hồn là nạn nhân đầu tiên; ngôi chùa nhỏ cuối làng cũng không thoát khỏi số phận hẩm hiu… Rồi nay tiếp đến ngôi đình này. Không biết cô còn nghĩ ra những gì khác nữa để tiếp tục đập phá cho hả lòng căm thù?

Những khi cô ra lệnh như vậy, Dự tự hỏi, có giây phút bất chợt nào đó, Lại nhớ về cái đêm trăng non sang tiết lập thu? Đêm mà cô háo hức xô ngã Dự lọt qua bờ rào chiêm chiêm, phóng theo đè lên người Dự. Mảng da thịt âm ấm của cô gái mười bảy phủ chụp lên khắp người thằng nhóc con là Dự đang bước vào tuổi dậy thì, khiến nó run rẩy với những khoái cảm sững sờ. Lại sờ soạng, bấu riết, hôn lên mặt mũi, lột truồng nó ra, giống như lúc bị xô ngã qua hàng rào chiêm chiêm rồi biến nó thành đàn ông khi mới mười ba! Đêm trăng non trong tiết lập thu vĩnh viễn để lại trên người Dự vết sẹo của nỗi hoang mang, sợ hãi cuộn tròn lại như những đợt sóng lớn nhỏ đập mãi vào bờ đá. Những ngày đi lính, gặp phụ nữ Dự sợ còn hơn đang lúc đánh trận. Đêm đầu tiên gần vợ, Dự cong người lại y như lúc ngã qua bờ rào. Nỗi sợ hãi chập chờn trôi nổi bềnh bồng như túm rác trôi trên con kênh đen quánh… Lại, dưới con mắt Dự là hiện thân của những tội lỗi rực rỡ chồng chất thành những vệt lân tinh trong khu rừng ẩm ướt mỗi lúc hành quân, trên chiếc giường tre có cô vợ bé nhỏ nằm bên cạnh và ngay cả khi thả chân xuống mặt ruộng trắng nước. Tiếng bước chân của chính Dự vang lên bì bọp, òn ọt khiến Dự luôn có những cái rùng mình bất ngờ…
Dự vãi mồ hôi giữa buổi tinh mơ lạnh ngắt.

Đôi bò thong thả kéo chiếc lưỡi sắt nhọn lật tung những dề đất phía dưới, còn Dự thì miên man suy nghĩ xa gần trên chuôi cày. Ba sinh linh bé nhỏ giữa đất trời cao rộng này bơi vòng vòng quanh đám ruộng hợp tác xã, giống con vịt bơi trong ao tù.

Cày đâu hơn hai rõng đất thì trời sáng rõ. Lát sau cu Lớn lơn tơn xách giỏ cơm đặt trên bờ ruộng gọi lớn: “Cha ăn cơm con về đi học!”. Dự ngoái lại nhìn thằng con ốm nhách, cao như cây sậy, trong lòng gợn lên nỗi cồn cào không hình dạng. Hồi nhỏ, anh có đâu như vầy. “Ừa, để đó”. Dự la lớn và hình như tiếng la đó rớt cái tõm xuống ruộng nước. Cu Lớn đã lên tới bờ mòn, cắm cúi bước thật nhanh về phía làng.

Dự cày giáp vòng, đến gần phía bờ đặt rổ cơm, anh dừng lại, rút náp cho lưỡi cày găm sâu xuống đất (giống như người ta thắng xe) hô “dọ, dọ…” để đôi bò dừng lại rồi gát roi lên bắp cày, thủng thỉnh bước lên bờ.
-Anh Năm ơi - Dự kêu lớn - nghỉ vào ăn cơm cái đã.
-Ăn đi. Tôi ăn cơm nguội ở nhà rồi.
-Thì nghỉ uống nước cái đã. Xong sớm tôi qua cày giúp anh mấy đường - Dự nói cho có nói chứ trong bụng biết tỏng hương Bổn chưa có hột cơm nào trong bụng. Mấy tháng nay vợ bệnh, con đau số lúa dự trử cứ vơi dần, lấy đâu cơm sáng cho ông đi cày? Đến viên thuốc cũng không có, thay vào là những viên xuyên tâm liên từ hiệu thuốc nhân dân đắng ngắt trị bá bệnh thì bệnh nào qua khỏi!

Hương Bổn dừng bò, kẹp chiếc roi cày vào nách bước về chỗ Dự đang ngồi.
-Cái đời tôi - hương Bổn khọt khọt trong cổ họng để đẩy cục đờm vướng víu đâu đó, khạc ra, nhổ phẹt xuống mặt nước ruộng - lúc nào cũng đen đủi, bắt thăm trúng đôi bò cày của con mẹ Chánh ốm nhách, gioongs như đồ như lao, thúc mấy cũng không mập lên. Người ta cày cả sào thì nó lê lết chưa được phân nửa. Mẹ đời, tôi muốn trả lại cho hợp tác quá trời, ngặt nỗi trả lại thì lấy gì mà sống đây. Đã bị phân vào tổ cày bừa rồi. Còn phần ruộng chú thấy đó, nó là cái ao thì đúng hơn, phải bơi để cấy…

Dự nghe giọng nói hùn hụt gần như đứt hơi, cảm thấy chạnh lòng:
-Anh Năm, kệ mẹ đời, anh ăn chút cơm rồi hẵng cày. Chòm xóm với nhau anh khách khí làm gì.
-Tôi đã nói, ăn rồi. Chú biết tánh tôi mà?
Nói dứt câu, hương Bổn thở phì phì như chính ông kéo cây cày nặng trình trịch thay đôi bò và tiếp tục bơi trong đám ruộng ao của mình.
-Thôi anh, để hôm nào họp tổ, anh em xúm nhau đưa đơn xin đổi đôi khác cho anh.
-Đổi ai? Đâu có đôi nào “rề dẹt” mà đổi. Thiệt ngán. Tôi muốn giao lại, nhưng nhìn đàn con lít nhít thấy không nỡ. Mẹ đời. Cách với chả mạng. Trước tôi đâu đến nỗi khổ vầy. Bao nhiêu ruộng vườn ép vào hết hợp tác, thành của người khác, của nhân dân, mình trắng tay. Mẹ cứt, nhân dân là cặc chó gì không biết nữa!
-Thôi đi anh Năm ơi. Đại nạn là chung cho cả bầy người lúc nhúc, đâu riêng gì anh em mình? Hè, làm chén cơm cho nóng rồi xuống cày tiếp.
Hương Bổn xua tay:
-Ăn rồi. Cơm nguội từ hôm qua cứng như sạn cũng cố mà nuốt. Chú mày ăn đi, tao uống miếng nước, không thấy đói.  Nói và ông giở ấm chén rót ra uống đánh ực một hơi rồi lần vô túi áo rút gói thuốc rê ra vấn. Điếu thuốc to bằng ngón tay cái quấn bằng giấy vở học trò tách đôi ra như người ta lóc phần da và thịt con cá lóc. Hương Bổn kẹp điếu thuốc lấm lem mực viết. Điếu thuốc cứ rung rung giữa hai ngón tay như chính nó đang lên cơn sốt.

Dự chần chừ một lúc mới giở tấm lá chuối đậy trên rổ cơm vừa ái ngại nhìn người hàng xóm, cảm thấy như mình là kẻ có tội với cha con hương Bổn. Dự biết là ông chưa có hột nào trong bụng, nhưng nài ép chút nữa có nghĩa là làm nhục ông ta, bèn dùng tay nhón lấy chút cơm lẫn trong những miếng sắn mì, vón thành cục nhỏ chấm muối é cho vào miệng, nhai nhỏn nhẻm. Dự cũng không hơn gì hương Bổn, có điều đỡ gánh nặng gia đình, chỉ phải nuôi đứa con duy nhất. Vợ Dự còn khỏe, vào tổ đan đát, mỗi ngày kiếm cũng vài trăm gam lúa. Cả hai chắt mót, tùng tiệm cũng đủ xoay xở. Chỉ tội hương Bổn. Con đông quá, cả hai vợ chồng vật lộn với ruộng đồng cũng không đủ miếng ăn.

Dự đậy tấm lá chuối lại, hỏi xin điếu thuốc. Hương Bổn ngó sững Dự:
-Sao không ăn. Chú tội nghiệp tôi hả?
-Dạ không, anh Năm. Tự dưng hết muốn nuốt. Làm ăn kiểu này đến lụn bại mất. Anh nhớ mùa rồi, tụi thằng Cạnh thằng Sang giấu lúa hột kéo về nhà? Chúng nó là đội trưởng, đội phó đấy. Lại nghe nói tay chủ nhiệm và tay thủ kho tuồn mấy tấn ra chợ đen. Bị bể ổ, nhưng chúng tự biết dán miệng nhau thành ra êm xuôi, chẳng có thằng xã viên nào dám hó hé.
-Đấy, mình xỏ miệng vô thì trước sau cũng bị gán phản động.
-Tôi vẫn ức vụ ngôi đình.
-Ức thì chú làm được gì?
-Đúng là không làm được gì. Nhưng cái mặt con Lại đấy, từ đất nẻ chui lên chắc?
-Tôi biết nó thù chú mà? Mấy lần chú giải thích nhưng nó đâu có nghe, phải không?
-Giải thích gì anh ơi. Tôi chỉ nói là nếu cần hung thì dọn dẹp đồ thờ tự sang một góc để làm tạm hội trường, chớ có đập phá, tội. Kẻ hậu sinh cũng phải nhớ công lao người đi trước. Tôi nói chỉ có  vậy mà cổ kêu tôi là kẻ phá hoại. Anh coi có oan tôi không?

Hương Bổn kéo một hơi thuốc thật dài, phà khói bay thành mảng trên mặt nước:
-Chuyện dâu biển, nay dời mai đổi, biết đâu mà lường, chú ơi.
Hai người chuyện vãn một lát rồi đứng lên, trở lại cầm chuôi cày.

Những dề đất lật qua một bên láng tưng như thoa một lớp mỡ. Những con sáo nâu, cò xám sà tới tranh nhau những con trùn nước, cắn mổ la chí chóe. Chúng đậu thật gần, chỉ cần hươ củ roi là đụng ngay, nhưng Dự không làm vậy. Nó cũng đang tìm miếng ăn như bọn anh mà. Anh không để ý đến lũ cò sáo, cắm cúi cầm chắc chuôi cày, cốt cho thật nhanh để ngày mai theo bọn thằng Xanh lên núi hái ít gánh củi về dự trử cho mùa mưa bão sắp tới. Cày bừa xong giao đất cho tổ gieo sạ coi như yên một bề, tìm thêm chuyện mà làm, đâu có thể nằm chờ mấy công điểm mọn?

Nắng lên cao, thu ngắn bóng người cày và đôi bò về một phía. Còn một rõng nhỏ nữa là xong, có thể qua bên hương Bổn cày giúp ông ta vài đường, nhưng tiếng ví thá bên kia ruộng sao nghe cứ nhỏ dần, bước chân và đường cày như một dòng nước yếu bị cản lại không thành tiếng lõm bõm như lúc trước. Dự ngó qua. Đôi bò chệnh choạng dựa vào bắp cày bước thật chậm. Hình như cả hương Bổn cũng bước chậm. Dự La lên:
-Anh Năm mệt lên bờ ngồi nghỉ. Tôi cũng sắp xong. Để đó tôi qua cày giúp cho.
Tiếng Dự bay đâu đó trên không, không thấu tai hương Bổn. Hình như ông ta đuối hung rồi. Dự “dọ” bò dừng lại, bước vài bước về phía ruộng hương Bổn đang cày, nhưng chưa tới bờ đã thấy hương Bổn khụy xuống, tay vẫn nắm chặt chuôi cày làm cho nó nghiêng hẳn về một bên.
Dự hớt hải la lên:
-Anh Năm, anh Năm… làm sao vậy? Có bị sao không?

Lúc Dự tới nơi thì hương Bổn ngồi khụy xuống ruộng nước, mặt tái xanh. Dự luồn hai tay qua nách đỡ ông đứng lên:
-Anh có sao không?
Hương Bổn không mở được miệng chỉ lắc lắc đầu, nhưng cái lắc rất yếu. Dự hiểu tất cả. Ông bị lũi đói. Từng ấy miếng cơm độn ít ỏi từ chiều qua thì còn sức đâu để cày với bừa? Dự khom người thấp xuống quàng tay hương Bổn lên vai rồi du dần vào bờ, đặt nằm trên lớp cỏ lởm chởm. Dự lấy chiếc nón ngựa kê đầu, rót nước ra chén và vạch miệng đổ từng hớp nhỏ:
-Ít thôi nghe anh Năm, từ từ. Mà anh cũng thiệt lạ. Chòm xóm với nhau, ăn chút cơm ghé có gì là ghê gớm Tôi biết bụng anh trống nhưng không dám nài ép sợ anh giận. Thôi, cứ nằm nghỉ cho khỏe rồi mở bò. Tôi cũng mở. Mai tôi ra quanh mấy đường xong ngay. Chớ lo, anh Năm.

Nhưng Dự nói cho chính tai mình nghe vì đôi mắt hương Bổn đã nhắm nghiền, bên khóe ứa ra chút nước sền sệt. Ông không còn nghe và thấy gì nữa. Dự hoảng hốt thọc tay vào ngực người bạn cày hàng xóm, lạnh ngắt. Dự bàng hoàng, khóc ồ lên như nỗi uất ức lúc bị đẩy qua bờ rào chiêm chiêm, đè nén lại thành cục u nhỏ đầy gai nhọn, bấy lâu nay có dịp vỡ bung ra.

Hai đôi bò vẫn đứng yên tại chỗ. Bóng nắng thu tròn, nhỏ lại quanh hai người./.