văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, March 7, 2014

NGUYỄN MẠNH TRINH * Đọc thơ Hải Phương


Có một người làm thơ đã viết một vài câu thơ tình cờ để tặng một tập thơ đọc cũng rất tình cờ của một nhà thơ mà cuộc gặp gỡ cũng thật... tình cờ vô định trong cõi đời này:

ghé chơi qua chốn mịt mù
thấy ngôn ngữ quạnh thiên thu ngỡ gần 
một bước chân thấy phân vân
thấy trang sách triết tần ngần cõi xa
hai chân bước chợt nhạt nhòa
vần trên câu sáu nở hoa nụ đầu
vế sau câu tám ở đâu
lạc vào cõi sắc mấy mầu tịnh không
soi gương râu tóc bềnh bồng
hỏi chàng thi sĩ có trong mộng hờ?
câu vấn câu đáp lửng lơ
thấy trường giang cuộn mấy bờ dương gian”

Đọc thơ Hải Phương, thấy ngôn ngữ thơ như vờn quanh chúng ta một điệu khiêu vũ mà thân thể dường bất động đứng yên một chỗ. Sao lại đứng yên mà khiêu vũ được ? Bởi vì, trong tâm tư, hình như cái có và cái không trộn lẫn, chân đi mà tưởng như đứng, óc nghĩ mà tưởng như không mảy may suy tư và cảm giác là những nỗi bâng khuâng của mê hoặc bất định. Tôi đã nghĩ như thế và chợt giật mình, tự hỏi. Tôi đọc thơ theo kiểu nào? Phạm Công Thiện hay Bùi Giáng...? Và tôi có giả vờ làm người khách lạ đi tìm thi tứ…

Không, tôi đọc theo kiểu của tôi, không làm cho khác đời và cũng chẳng cầu kỳ bí hiểm. Thấy gì nói nấy, cảm gì bộc lộ nấy. Ở thơ Hải Phương, tôi thấy thơ có lúc bàng bạc phân cách giữa chữ và nghĩa. Nhưng, ở phần cảm xúc là những bước chân kéo đi xa, thật xa đến mịt mù. Mỗi một thi sĩ có phương cách diễn tả riêng. Cái riêng ấy lột tả cái phong thái để thành một căn cước cho thi sĩ. Đọc câu thơ đầu, đã có cảm giác của một danh tánh, đọc câu thơ thứ hai đã thấy một chân dung. Ở Hải Phương, là ngôn ngữ cũ nhưng hình tượng mới, là ngôn ngữ có phấn son nhưng trang điểm nhẹ nhàng. Thơ là những nét vờn của cuộc sống, của những cảm giác thoảng qua trong những giây phút tình cờ tìm kiếm được những mơ mộng đã từ lâu tích chứa.
Như bài thơ ”Chân dung mùa xuân và biển”.

Tóc xao vừa độ nắng hong
gió hiu hiu đủ phiêu bồng mái hiên
liềm trăng lục bát nghe thèm
trầm hương cỏ mượt môi em dậy thì
nét mày vẽ một đường thi
tuyệt chiêu em nước cờ đi qua thành
mềm môi cắn một lằn ranh
nụ hôn vỡ vụn tan nhanh miếng sầu
thắp lòng tĩnh lặng trước sau
đường cong biển dội trộn màu chân dung
bỗng dưng lại bỗng không dưng
bỗng dưng bỗng nữa lưng chừng nhớ em
mở trang vô tự ra xem
thấy trong lá biếc biển đêm dịu dàng “

Đọc xong những câu lục bát trên, có người hỏi tôi. Thơ nói gì vậy? Tôi ngớ ra và chỉ biết nói thơ không bao giờ giải nghĩa được. Tôi chỉ yêu thơ, khoái thơ nhưng bình thơ thì đành chịu. Bởi vì tôi thấy bất lực để dùng ngôn ngữ là một thứ hữu hình để phác họa cái cảm giác là một loại vô hình và ai hiểu sao thì hiểu. Thế thì, cảm giác của tôi khi đọc những câu thơ trên ra sao? Chỉ là những liên tưởng nối tiếp nhau, từ một hình dáng người nữ, có nét thực mà cũng có nét ảo, gợi lại một không gian nào kỳ bí và một thời gian nào có thể gần mà có thể là vạn dặm để trong bỗng dưng nỗi nhớ thấy từng trang vô tự của lá biếc biển đêm. Đó là cảm nhận của riêng tôi, mà người khác có thể không cảm nhận ra. Những câu thơ, tả người nhưng để phác họa tình cảm, để trong những đường nét như có như không ấy, ngầm chứa một thế giới riêng của những nỗi niềm yêu thương bàng bạc. 

Và, trong một sát na "bỗng dưng lại bỗng không dưng / bỗng dưng bỗng nữa lưng chừng nhớ em / mở trang vô tự ra xem / thấy trong lá biếc biển đêm dịu dàng”. Dù là trang vô tự, vẫn thấy biển dịu dàng của bóng đêm…
Hải Phương thường viết về biển. Ở biển, có cuồng ca. Ở biển, có tháng giêng xanh tình cỏ biếc. Ở biển, có nghe vời vợi vỗ khuya. Ở biển. Tiếng em vọng âm rền tiền thân. Những bài lục bát liên tiếp nhau, để biển cả thăm thẳm nỗi niềm, để trùng dương cứ thầm thì một điệu ngữ ngôn của thuở nào đất trời còn hoang sơ của cuộc nhân sinh còn nhiều gót chân đi lạc. 
 
Thơ Hải Phương từ : ”mùa xuân em biển hư vô / triều con sóng vỗ bờ xô cát bày” của "Cuồng ca biển và em” đến: ”Biển buồn trời cũng mây bay / cơn mưa tinh thể đất say điệu mình / đất trời cứ mãi làm thinh / mà sao cỏ biếc xanh tình tháng giêng” của “Mà sao cỏ biếc xanh tình tháng giêng” rồi: ”Mầu trăng động vỡ càn khôn / môi em động vỡ nụ hôn dậy thì / thiên thu động vỡ có khi / tóc em gió rối chân đi lạc lìa / nghe vời vợi biển vỗ khuya / hồn ta động vỡ cồn chia bãi bày" rồi: ”qua đây thấy lạ con đường / hai vai quẩy gánh vô thường mộ xưa / mùi trăng đọng vũng cơn mê / bước chia cố xứ nẻo về mình ên / tiếng khô đá nẻ nhẹ tênh / tiếng em biển vọng âm rền tiền thân”. Rồi: ”Bỏ ta ơi bỏ người ta / bỏ mây tứ xứ em tà áo bay / bỏ hôm trước bỏ ngày bay / rừng phơi lá nỏn biển bày biện em”. 
 
Những câu thơ mở ra những hình ảnh. Ý và tình, tình và ý, chen lẫn nhau để gián tiếp nói với ngôn ngữ của những sợi đàn cảm xúc, vẳng lên nhẹ nhàng và như chứa chan ở trong những dung lượng vô bờ của nỗi niềm dàn trải. Biển có nói gì đâu / ngoài điệu sóng ru, ngoài màu xanh thăm thẳm của chiều sâu tận cùng chẳng bao giờ đụng đáy…

Có người nói thơ sao mơ hồ và đầy những ngôn ngữ ít có âm hưởng đời thường trong thi phẩm Hải Phương. Có thể đó là một lời phê phán với người này nhưng lại là biểu tỏ khen ngợi với người kia. Ở trong những từ có thể gọi là sáo ngữ ấy trong cảm nhận này lại là những vọng âm mở ra những mảnh trời u hiển với tâm thức kia. Riêng với tôi, tôi cảm nhận được trong sự mơ hồ một đời sống nào gần cận lắm, lãng mạn và đầy thiết tha của những trái tim dòn dã nhịp đập thương yêu. Chẳng sao, nếu có ai tô son điểm phấn cho ngôn ngữ. Chỉ xin một điều, có cảm nghĩ thực của cuộc sống thực chứ chẳng phải là một màn kịch mà người thủ vai cứ hững hờ trong lớp áo vô hồn…

Thơ lục bát, đã có một quá trình sáng tạo từ bao nhiêu thế kỷ, đã qua những khuôn khổ như một gắn bó vô hình làm thành những cõi thơ khuôn mẫu. Rất khó cho những dụng công đổi khác. Câu sáu câu tám, mở ra và khép lại. Câu tám câu sáu, khép lại và mở ra. Thi sĩ, như người chọn lựa một cuộc thách thức. Làm sao để tạo cho riêng mình một vóc dáng. Không phải của Nguyễn Du nàng Kiều, không phải của Tú Xương “Sông lấp”. Mà cũng không phải Cung Trầm Tưởng, Trần Đức Uyển, Hoài Khanh,... thuở nào. Mà phải riêng vóc dáng Hải Phương. Trong cố công ấy, tôi đã thấy trong ngôn ngữ và vần điệu. Những chủ ý để bắt người đọc chia sẻ với người làm thơ những tâm tình, có thể là chung của những người đam mê và nhiều mộng ước. Thơ như những ngọn củi, nhen vào bếp lửa nhân sinh để trong hơi cuộc đời chia với nhau niềm thiết tha nồng ấm…

Người thơ nói với người thơ? Có phải là những chung mang của nghiệp duyên phải gánh. Đọc thơ bạn, để thấy gần gũi hơn những câu lục bát, để thấy không gian gần lại một vòng tay. Hải Phương đọc thơ Hoàng Xuân Sơn:

Đất buồn đất hỏi han cùng.
Trời buồn trời lại bão bùng hao hư
Đọc câu lục bát tàn dư
Đêm qua mất ngủ còn như ngó ngày
Phiên đời vụn nhỏ lòng tay
Trái tim âm bản vàng bày lửa nung
Đất trời lục địa nhớ nhung
Con chim nhỏ hát tiếng khùng điên rong
Vì em bữa trước ra bông
Bữa nay ra nụ phiêu bồng tiền thân.”

Trời buồn đất buồn nên câu lục bát cũng tạo thành đêm mất ngủ. Vì sao? Bởi vì: ”vì em bữa trước ra bông / bữa nay ra nụ phiêu bồng tiền thân”. Câu trả lời đơn giản mà phức tạp, tưởng lời cạn mà ý sâu. Thơ mở ra những liên tưởng nhưng cũng đóng lại những luận cứ. Thơ như bơi trong dòng nhân sinh mà tưởng như chân dẫm trên bờ cạn rong chơi. (Không hiểu thi sĩ có chủ ý diễn tả như thế không? Tôi không rõ. Nhưng là người đọc tôi đã cảm thấy như vậy)

Hải Phương làm thơ cho những người bạn Phan Thiết, những người đã sinh ra ở bên sông Cà Ty, núi Cú và Tà Dôn. Thơ gửi Hoài Khanh:

ngày về mở cửa phù vân
cài then thiên cổ mưa gần nắng xa
bút hoa hứng trận phong ba
miếng môi ngậm cứng vành tà huy không
mở trang vô tự phiêu bồng
mái hiên ngôn ngữ mái lòng thênh thanh”
Thơ gửi Đài Nguyên Vu:
người về cỏ rối dưới chân
chén thinh không cạn bước ngần ngại qua
sông Cà Ty trận mưa và
phố lầu Phan Rí rộng tà áo bay
thiền sư thả con diều mây
tràng kinh niệm đến đoạn này đứt giây”
và thơ gửi Từ Thế Mộng;
biển xưa sóng vỗ cồn bày
bến bên kia bãi bên này rộng rinh
biết đâu ruợu uống một mình
môi cay nhín gởi ngọn tình ra roi
mở trang vô tự ra coi
môi khuya thắp ngọn lửa cời bếp xanh.”

Dù thơ viết cho mình hay gửi cho người, Hải Phương vẫn là một người tự may cho mình một tà áo thơ để khoác lên tâm tư những nỗi niềm dàn trải từ cuộc sống. Tôi đọc thơ ông, như những bước chân đi tìm lại những bóng nắng rơi xưa cũ, những tâm tình của một thuở nào tưởng đã quên mà gợi nhớ đến lạ lùng. Nếu có ai thấy tôi viết như trong cơn đồng thiếp thì cũng bỏ qua cho, bởi khi đọc thơ có khi mình đã quên lãng cả chính mình, thân phận mình. Đọc thơ Hải Phương, là để du hành vào một cuộc lữ mà hai chữ có không, cũng như mê và tỉnh chỉ là những ý niệm mơ hồ của ngữ ngôn phù ảo…

Nguyễn Mạnh Trinh