Bạn
về gõ cửa đêm thâu
Ta nghe âm vọng nỗi sầu ngày xưa
Ta nghe âm vọng nỗi sầu ngày xưa
Sau
ba năm ngồi bên nhau ở trường Võ Tánh, chia tay, mỗi
thằng đi mỗi ngã. Anh bạn của tôi thì vào trường
luật, còn tôi thì vào trường...lính. Khi còn đi học,
bạn chăm chỉ và giỏi hơn tôi nhiều. Hai đứa học trò
nghèo, cùng ở quê lên tỉnh học, nên dễ dàng là bạn
tâm giao. Con nhà nghèo nhưng tôi lại mê truyện François
Sagan và thơ Xuân Diệu nên biết yêu hơi sớm, nên thay vì
theo bạn học thêm vài ba chữ, thì tôi lại đắm say ngụp
lặn trong một cuộc tình kiểu Aimez-vous Brahm. Mà dường
như tình yêu nó làm cho người ta đổi thay ghê gớm lắm.
Không
biết tình yêu ngày ấy có làm tôi "...chết
ở trong lòng một ít, và... lạc lối giữa u sầu mù mịt"
như ông Xuân Diệu hay không, nhưng nó đã biến tôi thành
một thằng lính. Để cho có vẻ lãng mạn một chút, tôi
tự cho mình là một thằng lính đa tình.
Trước
ngày chia tay, anh bạn dẫn tôi về thăm quê. Từ Nha trang
chúng tôi di xe đò Khánh Hòa. một trong những chiếc xe
Renault sơn màu nửa xanh nửa trắng, quen thuộc một thời
với đám học trò từ Vạn Giã, Ninh Hòa vào Nha Trang đi
học. Qua khỏi đèo Rọ Tượng một lúc, xuống xe, anh bạn
đèo tôi trên xe đạp về làng. Đi dọc theo con đường
đất, hai bên bát ngát những ruộng đồng, hun hút phía
xa xa, nằm ẩn hiện sau ngôi đình với bao tàn cây cổ
thụ, là làng Tam Ích. Cái làng quê đẹp như bức tranh vẽ
và thần tiên như trong cổ tích. Ngay cả cái tên của bạn
tôi cũng mộc mạc dễ thương như cánh đồng tôi vừa
mới đi qua. Làng Tam Ích hiền hòa, êm đềm với tiếng
gió đồng nội hòa cùng tíếng sóng rì rào tạo thành
khúc nhạc huyền dịu của đất trời, và hun đúc cái
hiền lành thánh thiện trong tâm hồn người bạn thời
niên thiếu của tôi...
Vậy mà chiến tranh cũng đã một
thời cướp đi cái yên bình đầm ấm của ngôi làng. Ăn
cơm chiều sớm, hai đứa chúng tôi chào những người
thân, rồi đèo nhau ra phố Ninh Hòa ngủ qua đêm. Nếu
chiến tranh ngày đó đã cướp mất của tôi bao nhiêu
điều tốt đẹp, thì trong đó có cả cái lần tôi không
được ở lại làng Tam Ích một đêm để cùng anh bạn
tôi kéo giành bắt cá, đi câu, và ngồi ngắm ánh trăng
lung linh trên đầm Nha Phu trong một vùng biển trời tĩnh
mịch.
Ra
khỏi quân trường tôi về Nha Trang tìm thăm bạn tôi một
lần. Hai thằng rủ nhau ra tiệm sách Vĩnh An Thành, bên
cạnh chợ Đầm, vờ mua sách để ngắm dung nhan cô chủ
mà anh bạn của tôi đã từng say đắm một thời. Rồi
kể từ đó biền biệt xa nhau. Chiến trường ngày càng
ác liệt, những thằng lính đánh giặc như tôi chỉ biết
có súng đạn và mục tiêu trước mặt. Phố phường, bạn
cũ trường xưa, là một quá khứ thật dễ thương, nhưng
cũng đành phải mờ nhạt phía sau lưng.
Mười
năm sau, khi cùng đơn vị sống chết từng phút từng giờ
với chiến trường Kontum trong "mùa hè đỏ lửa",
bất ngờ tôi gặp lại người bạn làng Tam Ích ngày xưa.
Anh sinh viên trường luật ngày nào bây giờ chỉ huy một
đơn vị CTCT, vừa từ Ban Mê Thuột lên hỗ trợ tinh thần
cho đơn vị tôi. Bộ "chinh y" chưa làm cho chàng
ta thay đổi. Vẫn nét mặt thư sinh cùng nụ cười hiền
hậu ngày xưa. Hai thằng ôm nhau trong lúc đạn pháo trên
các chiến xa T-54 thi nhau bắn vào căn cứ. Nửa khuya hôm
ấy đơn vị tôi nhận lệnh di chuyển bất ngờ. Vậy là
tâm tình chưa cạn thì hai thằng đã phải lặng lẽ chia
tay, chưa kịp bắt chước nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn nắm
tay hò hẹn:
"Ngày
mai đánh giặc ta còn sống
Về
ghé Pleiku* phá phách chơi..
Uống
rượu tiêu sầu cùng gái điếm
Đốt
tiền mua vội một ngày vui "
Chiến
tranh đã làm bạn bè tan tác, nhưng đến khi kết thúc lại
còn tan tác bi thảm hơn. Sau tháng 4 /75, cái cổng trại
cải tạo của nhà nước đã làm chia ly biết bao tình cảm
con người. Bạn bè kẻ chết ở đầu non, người mỏi
mòn góc bể. Người bạn làng Tam Ích bây giờ chỉ còn
mờ mịt đâu đó trong ký ức hiu hắt của tôi.
Vậy
mà Trời thương, hai thằng còn sống. Mang tấm thân tàn
tạ về với gia đình. Tội nghiệp, nghe tin tôi về, anh
bạn trọn tình, tìm đến nhà ông bà già vợ tôi ở Ninh
Hòa thăm thằng bạn cũ. Lúc ấy chính quyền Cách Mạng
không cho phép "tạm trú" với vợ con ở Ninh Hòa,
tôi phải về sống với một bà cô ngoài quê nội, nên
bạn tôi không gặp. (Ô
hay, chẳng lẽ trên quê hương tôi đã từng có cái cảnh
"gần trong gang tấc mà xa nghìn trùng " như thế
hay sao ?)
Đúng
ba mươi năm sau, từ những phương trời xa lạ, bất ngờ
đọc trang web Ninh Hòa, bạn nhắn tìm tôi. Kẻ bên bắc
Mỹ, người tận bắc Âu xa tít mịt mù, vậy mà tôi có
cảm giác hai thằng đang ngồi bên nhau như lúc còn ở
trường Võ Tánh. Trên đầu giây điện thoại, hai đứa
nhắc nhau bao kỷ niệm vui buồn về bạn cũ trường xưa,
cùng chia sẻ mọi nỗi niềm oan khổ từ những ngày "vì
sao mà ra nông nỗi..".
Tội
nghiệp người bạn một thời học hành chăm chỉ và khi
làm lính thì vẫn hiền lành như một thư sinh, vậy mà
hơn sáu năm tù đày trở về phải bỏ cái làng quê Tam
Ích với biết bao dấu chân suốt một thời thơ ấu, dắt
vợ con lang thang vào vùng kinh tế mới Đồng Bò. Chỉ hai
năm sau, rừng thiêng nước độc đã cướp mất của bạn
tôi người vợ hiền chung thủy cùng đứa con trai mà ngày
cha vào tù nó chưa gọi được tiếng Ba.
Bạn
chôn cất vợ con và chôn theo nỗi đau đớn tột cùng của
đời mình, rồi trốn khỏi vùng kinh tế mới, đem hai đứa
con còn lại gởi cho ông bà ngoại, đi làm bất cứ công
việc gì để nuôi hai đứa con thơ. Con gà trống nuôi con
trong túng quẫn, mà mỗi ngày vẫn nhìn con mình như nhìn
về phía chân trời để có thêm nghị lực đứng lên và
đi tới.
Cám
ơn Trời Đất đã mở ra một con đường cho những người
cuối đường bất hạnh. Mang hai đứa con đến Mỹ khi
chúng vừa mới lớn, bạn tôi, con gà trống bây giờ lại
nuôi con trên xứ lạ quê người. Bằng tấm lòng độ
lượng của người cha, cuối cùng hai đứa con thơ cũng
đến được chân trời. Ngày hai đứa con thực sự trưởng
thành, như những con chim bắt đầu tự bay lên bằng chính
đôi cánh vững chải của mình, người bạn của tôi tiễn
cô con gái lớn theo chồng rồi trở về sống một mình
với nỗi hiu quạnh của tuổi sáu mươi.
Hai
năm trước đó, nhờ một nhịp cầu tao ngộ, bạn tôi
gặp một cô "con gái" Long Khánh. "Hai
người sống giữa cô đơn, nàng như cũng có nỗi buồn
giống...tôi "
nên trở thành đôi bạn tâm giao. Nhưng chờ lo cho con cái
lớn khôn và có cuộc sống riêng, mới đây hai người
mới về chung một mái nhà, cùng san sẻ nỗi niềm và cho
nhau một chút hơi ấm ở chặng tuổi cuối đời.
Gặp
nhau trên điện thoại viễn liên, tôi nghe được một
giọng nói phúc hậu hiền lành. Chị cho tôi biết anh bạn
tôi có thú làm thơ, đọc sách, còn chị thì thích trồng
và chăm sóc mấy cành hoa. Tôi đùa: " thì
chị cũng đang mỗi ngày chăm sóc một cành hoa Tam Ích đẹp
đẽ đó thôi. Tôi hy vọng qua những ngày thiếu nắng
thiếu nước, bây giờ cây hoa ấy được trồng trên vùng
đất màu mỡ hiền hòa Long Khánh, chắc nó sẽ còn cho
chị và cho đời nhiều bông hoa lắm đó ".
Chị cười như cùng đồng cảm với những điều tôi vừa
mới nói.
Tôi
không biết nhiều về Long Khánh, ngoại trừ một lần duy
nhất tôi ghé lại đây. Đó là cái ngày tôi ra khỏi trại
tù Z 30 C. Sáu thằng tù vừa được thả, tiều tụy xanh
xao, trong túi không có một đồng, đứng giữa rừng buổi
trưa nắng cháy, đón xe quá giang xe về Sài Gòn, nơi có
gia đình của ba trong sáu đứa. Anh tài xế xe lam còn nặng
tình với những thằng lính cũ, không đón khách mà dành
cả chiếc xe chở bọn tôi về bến xe Long Khánh và hứa
sẽ tìm xe quen gởi chúng tôi về tận Sài gòn. Thời buổi
ấy, muốn mua được cái vé xe đò có khi phải nằm ở
bến chờ đợi mấy hôm, huống hồ gì chuyện quá giang.
Đến bến xe Long Khánh, không còn chiếc xe nào, anh tài xế
xe lam tốt bụng mời chúng tôi vào quán ăn, đãi một
chầu phở. Trong quán cũng có mấy người đàn bà, hình
như buôn bán gần đâu đó. Biết chúng tôi là tù cải
tạo mới thả, họ bàn với chủ quán, thay vì mang phở
ra, dọn cho sáu thằng chúng tôi một bữa cơm thịnh soạn.
Chúng tôi từ chối, nhưng các bà nhất định không cho,
bảo chúng tôi đừng phụ lòng của người Long Khánh. Khi
xe đến, các bà gặp tài xế, trả tiền xe trước cho
chúng tôi. Đã vậy, khi về đến Sài Gòn, anh tài xế còn
chuyển lại cho chúng tôi một gói tiền của các bà gởi
biếu. Chúng tôi cầm tiền mà muốn rơi nước mắt. Trong
cái cảnh bi thương giữa một thời nhá nhem tình nghĩa,
vẫn còn có biết bao tấm lòng như người Long Khánh.
Bây
giờ bất ngờ gặp chị, nghe lại giọng nói hiền từ
của một người Long Khánh, tôi bất giác nhớ lại chuyện
xưa, và càng trân trọng chị. Chị đã mở rộng tấm
lòng, đón nhận một người bạn đời trên tuổi sáu
mươi, mà những vết thương trong tâm hồn vẫn chưa lành
được. Xin cám ơn Long Khánh, đã sản sinh cho đời những
người con gái giàu tình nặng nghĩa. Tôi mừng cho người
bạn thật dễ thương, hiền hậu của tôi, tìm được
vòng tay, an ủi, vỗ về, sau những đớn đau mất mát
tưởng chừng chẳng còn gì lớn lao hơn
Ngồi
nghe bạn kể về cuộc đời gió mưa của bạn, lòng tôi
lắng xuống bâng khuâng. Tôi chợt nhớ một vài kỷ niệm
thuở hai thằng còn đi học và cảm nhận có đôi điều
dường như đã vận vào số phận của bạn, của tôi.
Ngay
từ lúc còn là học sinh trung học, hai thằng đã nghèo mà
lại còn mang cái bệnh "đa sầu đa cảm". Tôi thì
mồ côi mẹ từ lúc mới lên hai, cả một thời ấu thơ
và lớn lên trong vòng tay tình nghĩa của cô, dì, ông bà
nội ngoại, nên lòng sớm biết u sầu. Vậy mà tôi không
mau nước mắt và biết làm thơ buồn như người bạn
làng Tam Ích của tôi. Mới học đệ ngũ đệ tứ gì đó
mà dám đứng ra thành lập một "thi văn đoàn"
giữa đất Ninh Hòa. Cái xứ mà dường như bây giờ mỗi
người là một nhà thơ.
(Tôi
còn nhớ lúc tôi còn nhỏ, ba tôi thường bảo, những đứa
trẻ sớm có tính đa sầu đa cảm thì sau này cuộc đời
sẽ buồn ghê lắm. Ông kể cho tôi nghe chuyện nữ thi sĩ
Kiết Đào bên Trung Quốc. Lúc còn rất nhỏ, nàng đã
thích thơ phú. Bà có người anh là một nhà thơ nổi
tiếng, nên thường theo anh để học làm thơ. Năm Kiết
Đào mới lên mười, trong một hôm mưa bão, người anh
nhìn ra ngoài trời thấy một cây ngô đồng bị gió mưa
tơi tả, bảo Kiết Đào làm mấy câu thơ vịnh thử, nàng
liền ứng khẩu:
Chi nghênh nam bắc điểu
Diệp tống vãng lai phong
Ông
anh nghe xong thất sắc, vừa phục tài nhưng vừa lo lắng
điều không may cho hậu vận của em mình. Sau này, khi một
triều đại Trung Hoa thay đổi, gia đình bị tù đày khổ
ải, nên Kiết Đào đã có thời phải đi làm kỹ nữ. Từ
ấy trong văn chương mới có câu " Gió lá cành chim",
"đón đưa ai gió lá chim cành". Chuyện ba tôi kể
đã trên năm mươi năm, không biết tôi nhớ sai hay đúng,
nhưng nó vẫn cứ nằm mãi trong lòng, để liên tưởng
tới hôm nay.)
.............
Năm đệ tam, trong giờ Việt văn của thầy Nguyễn Văn Châu, lúc cả lớp tranh luận về bài Tổng Vịnh Truyện Kiều, bạn và tôi đứng về phía Chu Mạnh Trinh hết lời bênh vực nàng Kiều: " Giả sử ngay khi trước Liêu Dương cách trở, duyên chàng Kim đừng dở việc ma chay, quan lại công bằng, án viên ngoại tỏ ngay tình oan uổng, thì đâu đến nỗi son phấn mấy năm lưu lạc, đem thân cho thiên hạ mua cười, mà chắc rằng biên thùy một cõi nghênh ngang ai xui được anh hùng cởi giáp..."
Năm đệ tam, trong giờ Việt văn của thầy Nguyễn Văn Châu, lúc cả lớp tranh luận về bài Tổng Vịnh Truyện Kiều, bạn và tôi đứng về phía Chu Mạnh Trinh hết lời bênh vực nàng Kiều: " Giả sử ngay khi trước Liêu Dương cách trở, duyên chàng Kim đừng dở việc ma chay, quan lại công bằng, án viên ngoại tỏ ngay tình oan uổng, thì đâu đến nỗi son phấn mấy năm lưu lạc, đem thân cho thiên hạ mua cười, mà chắc rằng biên thùy một cõi nghênh ngang ai xui được anh hùng cởi giáp..."
..."Ta
cũng nòi tình thương người đồng điệu, cái kiếp không
hoa lẩm cẩm, con hồn xuân mộng bâng khuâng, ...lại toan
đúc sẵn nhà vàng chờ người quốc sắc, lại muôn mượn
chùm phương thảo hú vía thuyền quyên.. "
Năm
đệ nhất, hai thằng lại cùng say mê những giờ văn học
sử Pháp của Thầy Cung Giủ Nguyên, nên đã nắn nót viết
vào tập và đọc đi đọc lại đến độ thuộc lòng mấy
bài thơ lãng mạn của Lamartine, Chateaubriand, Jacques
Prévert, Victor Hugo.
Cuối
cùng thì cuộc đời hai thằng, dù là nam nhi, nhưng nào có
khác gì thân phận trôi nổi của nàng Kiều:
Một
phen thay đổi sơn hà
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu(Nguyễn Du)
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu(Nguyễn Du)
hay
của những chàng thủy thủ mịt mờ trong Oceano Nox:
Où
sont-ils les marins sombrés dans les nuits noires ?....
Oh flots ! Que vous savez de lugubres histories !(Victor Hugo)
Oh flots ! Que vous savez de lugubres histories !(Victor Hugo)
Gặp
lại tôi sau gần bốn mươi năm, trong những lời tâm
tình, bạn cho tôi biết thêm một điều nuối tiếc:"Tớ
buồn quá, vì không tìm thấy cái làng Tam Ích nhỏ nhoi,
nghèo mà quá đổi thân thương của mình trên tấm bản
đồ Ninh-Hòa trong trang web Ninh-Hòa DOTcom. Cái làng mà ngày
xưa bạn có lần về thăm với mình rồi vội vã ra đi ấy
! "
Tôi
nghe lòng lắng xuống và thấy thương người bạn hiền
thời thơ ấu rồi thương cả chính mình. Thế hệ chúng
tôi sao bỗng dưng phải mất đi bao nhiêu điều quí giá,
để cuối cùng lại trở thành "khúc
ruột ngàn dặm"
của quê hương?
Hình
ảnh cái Làng Tam Ích ngày xưa của bạn tôi như đang nhạt
nhòa trước mắt. Im lặng giây lát, tôi lấy lại bình
tĩnh, rồi cười với bạn :"
Thì bạn hãy viết và gởi cho trang web Ninh Hòa, về cái
làng của bạn đi, để bạn có cái cảm giác của một
Từ Thức trở về nơi xưa chốn cũ, tìm lại dấu vết
một thời cùng những "hang động tuổi thơ". Còn
với mình, cái "làng Tam Ích dù không trọn một ngày"
ấy vẫn mãi mãi còn lại trong lòng mình như một tấm
bản đồ, có cả “tọa độ” ngôi đình làng, ngôi nhà
của bạn và "điểm đứng" của hai đứa mình
trong một ngày nào đó thật xa xưa"
phạm tín an ninh
*
Trong nguyên tác của Nguyễn Bắc Sơn: "Về
ghé Sông Mao phá phách chơi.".