văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, August 30, 2019

Trần Yên Hòa ** Giữa Vòng Xoay


Phục như cá mắc câu, hai lưởi câu, không cựa quậy được. Đó là Tiên Phước và Hạnh Nhân. Anh bèn đi đường «ngậm miệng ăn tiền», đến đâu hay đến đó. Cố gắng giữ im lặng, không cho ai biết ai, chờ đến ngày anh lên máy bay, là thoát.
 Phục cũng tự trách mình là có tính cả nễ, không cương quyết trong tình cảm. Rồi cũng nhiều lúc anh trách mình quá đa tình, ham của lạ, nói theo danh từ bình dân là «đụng đâu xâu đó». Nhiều lúc anh tự chế riễu mình, ham cho lắm vào, chỉ khổ «thằng lớn» này thôi, đàn bà nào cũng từng ấy chuyện.

 «Đi hàng ba» là chính sách của Phục lúc này, bắt cá ba tay chứ không gọi là bắt cá hai tay nữa. Sau ngày đi Lái Thiêu với Hạnh Nhân, hai người như tự nói ra rằng, họ là bồ của nhau. Hạnh Nhân đi theo Phục sát nút, chiều chuộng anh hết mực. Ngoài những buổi Hạnh Nhân lên quán cà phê thị sát, thăm viếng, nắm tình hình, thì mỗi tuần anh phải hẹn với Hạnh Nhân ở khách sạn hai lần. Thỉnh thoảng, Hạnh Nhân còn rũ anh đi Suối Tiên, Thanh Đa, Bình Quới. Anh đã vuốt ve chồm lông nách rậm rịt, và cả chỗ sâu hiểm nhất, cũng rậm rịt không kém của nàng. Cái gì trong mơ ước thì thích đạt đến, khi đã trải qua cũng chỉ thấy bình thường.

 Có những điều anh sợ mà Hạnh Nhân không sợ, không sợ một sự gặp gỡ nào với người quen, chạm trán với Trường hoặc Trường biết. Cô ta liều tận mạng rồi, bắt gặp tình yêu của Phục khiến nàng hồi xuân, phơi phới cái thân thể tràn đầy sức sống và lửa đam mê ngùn ngụt cháy
 Phục bây giờ thì anh cố thu mình lại, sợ ra đường mà đèo Hạnh Nhân phía sau lỡ gặp người quen thì khổ cho anh. Nguyệt biết thì gia đình anh sẽ đổ vở, mà điều này anh chẳng muốn chút nào.
 Hàng ngày, cứ buổi sáng Nguyệt lo đi bán bánh mì là Phục bận áo quần lên quán càphê. Nhiều lúc Phục bảo Nguyệt nghỉ đi, Nguyệt từ chối, nêu ra lý do:
- Anh cứ để em bán, kiếm được đồng nào hay đồng đó, chứ em ở không làm gì, anh cứ lo quán cà phê của anh đi.”
 Nguyệt tin tưởng ở Phục quá làm Phục đâm ngại, với hai cuộc tình vụng trộm này, anh chính là kẻ thủ phạm, là nhân vật chính, nên anh nơm nớp hoài trong lòng, nỗi lo âu dai dẵng không dứt.
Với Tiên Phước, thì dễ dàng hơn, anh coi nàng như «cơm nguội». Đúng vậy, nàng là «cơm nguội» thứ thiệt, chứ không phải là Nguyệt. Hai ba tuần hay một tháng, lúc nào rãnh rỗi mà Nguyệt không nghi ngờ, anh tới chở Tiên Phước đi chơi, vào quán cà phê nghe nhạc rồi vào phòng trọ. Tiên Phước hồn nhiên, vui vẻ, không đòi hỏi, không ghen tương. Đúng như lời nàng nói khi mới quen nhau, «em là sân ga, anh là con tàu», lúc nào buồn, anh cứ ghé.
 Nhưng ở đời, thường có những chuyện xảy ra ngoài dự tính, dĩ nhiên là dự tính của Phục. Đi đêm có ngày gặp ma. Câu nói của người xưa là một cảnh báo, mà Phục thì miệng anh đã mắc câu, nên anh chỉ dãy dụa chứ không thể thoát được.
 Đó là một buổi sáng Hạnh Nhân lên quán cà phê, nàng kêu một ly cam vắt. Khi Phục ra ngồi với nàng, Hạnh Nhân thổ lộ:
- Em có đứa em gái mười hai tuổi, em muốn lo cho nó đi Mỹ, mà không biết làm sao, anh biết ở đâu có mối lo cho nó đi được, em sẽ «chạy» cho nó đi. Anh giúp em nhé.”
 Câu nói của Hạnh Nhân như là một tin tưởng, nhờ vả anh, anh thấy lúc này cũng cần giúp cho Hạnh Nhân để trả nàng chút ơn nghĩa. Anh chợt nhớ đến Tiên Phước và những lần chở nàng đi xuống Bắc làm giấy tờ. Có mấy lần anh gặp Bắc nhưng anh chưa tiếp xúc với người đàn bà này nhiều, nhưng anh cũng biết, đó là người chuyên lo chạy những vụ như con lai, HO, ghép cho các người muốn đi. 
 Phục buộc miệng:
- Anh có biết một chỗ, để anh giới thiệu cho em.”
- Anh mà giới thiệu em gái em đi được, em biếu anh một cây vàng đó.”
- Em trả tiền công anh đấy à?”
- Thì tính em sòng phẳng mà, cái gì ra cái đó.”
- Anh còn nợ em, quán cà phê này cũng như là của em.”
- Anh đừng nói vậy, cái đó là em cho anh mượn.”
 Hai người im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Phục thì thấy vui vì anh biết là chuyện này chắc ăn, Tiên Phước làm hồ sơ ghép với ông già Tiến, rồi anh đã giới thiệu Tiên Phước mua được hai cái Giấy Ra Trại để bán lại cho Bắc. Bắc là mụ phù thủy, chuyện lắp ghép hồ sơ để cho một người nào đó muốn ra đi, ả rất cần người đi, miễn là chi đủ tiền cho ả là được.
 Còn Hạnh Nhân thì tin Phục.
 Đã từ lâu, quen biết rồi yêu thương, anh vẫn để trong lòng nàng sự kính nể, sự tin tưởng. Đó là anh chí cốt làm ăn, không lợi dụng tiền bạc của nàng. Số tiền nàng cho mượn anh luôn luôn nhắc đến và hứa là sẽ trả cho nàng khi nào có đủ. Cho nên lời hứa của anh làm Hạnh Nhân vui, chả bù với Trường, lúc nào cũng moi tiền để ăn chơi, đàn đúm, trác táng.
 Cuộc đời ai cũng có những khúc quành, dù đứng dưới góc độ nào, giai cấp nào. Từ cùng đinh, phu phen, đày tớ, đĩ điếm, ông chủ, đại gia, bí thư, chủ tịch, giám đốc, cục trưởng, thứ trưởng, thủ tướng, chủ tịch nước, tổng bí thư. Tất cả đều đóng một vở kịch, một lớp vỏ, cái thật nhất vẫn là con người ở phía trong họ. Đó là sự liêm sỉ. Khi không giai cấp, không chức tước, không địa vị, tất cả đều lột truồng ra, lúc đó, mới thấy cái tâm của họ có phải là con người không? Có khi cái tâm của ngài chủ tịch nước còn thua xa cái tâm của con đĩ đứng đường.
 Con người còn giữ được cái liêm sỉ của mình là điều tốt. Mà những điều tốt đó, đâu phải ngày một ngày hai, mà nó có từ huyết thống bẩm sinh, từ giáo dục gia đình lâu đời đấy chứ.
 Sự giả trá, lường lọc nhau nhan nhản trong xã hội, nhưng với Phục thì Hạnh Nhân tin.
 Phục nói:

- Để tối nay anh đưa em xuống chị Bắc, chị này là tay tổ chuyên làm hồ sơ lắp ghép đó em.”
- Dà, nếu có gia đình nào đi mà muốn ghép thêm con cái vào thì tiện nhất.”
- Chuyện này dễ thôi mà, em gái em mới mười hai, mười ba tuổi, có thể làm con gái một gia đình nào đó.”
- Anh biết tốn bao nhiêu không?”
- Không biết chắc, nhưng nghe nói cũng khoản bảy tám ngàn đô.”
- Bao nhiêu em cũng chạy cho em gái em đi được.”
 Hạnh Nhân quyết chí bỏ tiền ra cho em gái đi. Bây giờ người ta thường lấy vật chất ra khoe, như xế hộp đời mới, nhà mặt tiền, villa ở trung tâm thành phố. Về mặt quyền lực thì khoe là thân nhân của công an quận, tỉnh, thành phố, chủ tịch uỷ ban nhân dân, bí thư các cấp, gọi chung là lãnh đạo, như thời phong kiến, từ hoàng đế xuống thái sư, thượng thư, tổng đốc, quan phủ, quan huyện, chánh tổng, lý trưởng, hương chức. Tất cả là «nhà cầm quyền», là «lãnh đạo». Tất cả đều có quyền lực trong tay, hét ra bom nguyên tử, bom khinh khí, bom vi trùng, tiêu diệt hàng trăm, hàng triệu dân lành. Ngày xưa nói «quan là cha mẹ dân», ngày nay nói «lãnh đạo là đầy tớ của dân», hai câu có ý trái ngược nhau, nhưng thực chất là cùng một nghĩa. Đầy tớ ngày nay ngồi xế hộp máy lạnh, ở nhà villa, ăn cơm nhà hàng cao cấp, còn chủ là người dân, là khố rách áo ôm, chỉ lo đi tìm trong các đống rác, coi có còn gì để bươi móc, lượm lặt, rửa ráy, bán đi để kiếm chút tiềm còm mua chén cơm ăn. Cho nên ngôn ngữ chỉ là món hàng, chỉ có trong sách vở và trên cửa miệng.
 Ngày nay, chạy theo trào lưu đó, người ta còn khoe thêm là có cha, mẹ, vợ (chồng) con cái, anh chị em, định cư ở nước ngoài, như Mỹ, Anh, Pháp, Úc chẳng hạn...nếu không có thì cũng chưa ngon lành đâu nhe.
 Hạnh Nhân biết gia đình mình gốc gác nông dân, chẳng ai đi đến cấp sĩ quan trong chế độ cũ, nên nàng mặc cảm. Nàng muốn có một người thân ruột thịt bên Mỹ để khoe, như nàng đã từng khoe nhà lầu, xe hơi. Nghĩ vậy nên nàng suy tính, dù tốn bao nhiêu cũng lo cho đứa em gái ra đi, đó là một danh vọng.

 Buổi tối hôm đó, Phục nai nịt gọn gàng, áo thun màu xanh hiệu cá sấu, quần jean bạc màu, giày Adidas chính hiệu. Hạnh Nhân bận áo đầm đen, giày cao gót đen, nước hoa thơm lựng người, cả hai đèo nhau trên chiếc Dream 2 đến nhà Bắc.
 Bắc và Thản tiếp đón hai người ngoài phòng khách, trên cái sofa màu nâu sẫm. Thản bây giờ đã ở hẳn với Bắc, vừa là phụ tá, vừa là nài ngựa, vừa là tài xế chở ả đi công việc. Gương mặt Bắc hơn hớn thấy rõ.
 Bắc hỏi:
- Anh chị cần gì?”
 Phục nói mớm lời, nói để Bắc khỏi nghi ngờ anh là cớm:
- Thưa chị, tôi được chị Tiên Phước giới thiệu, cũng chỗ quen biết, đến nhờ chị có chỗ nào còn trống, người em tôi, cô Hạnh Nhân đây có đứa em gái, muốn làm hồ sơ ghép để đi Mỹ.”
 Bắc nghe đến tên Tiên Phước thì đã tin, không phải ả đã nhờ Tiên Phước kiếm mối cho nàng là gì.
 Bắc cố tạo nụ cười thật tươi để lấy cảm tình:
- À, có chị Tiên Phước giới thiệu thì được, cũng có mấy chỗ còn trống.”
 Rồi ả xoay qua hỏi Hạnh Nhân:
- Em chị mấy tuổi rồi?”
“Mười ba.”
- Vậy thì được, có một gia đình đang làm hồ sơ, có hai đứa con trai, đứa mười bảy, đứa mười lăm, em sẽ ghép em chị làm con gái út gia đình này, chị đồng ý không?”
- Đồng ý, miễn sao là em tôi qua được bên đó.”
 Hạnh Nhân hỏi thêm:
- Hình như tôi nghe nói, nếu ghép như thế này thì phải ở trong gia đình người ta mấy năm, phải không? Tôi sợ ở lâu em tôi quên tôi mất.”
 Bắc nhíu mày, rồi cười rộ lên:
- Ô, chị lo xa quá, qua đó thì đường ai nấy đi mà. Nếu chị có bà con thì gởi đứa em ở đó trọ học, còn không thì cứ cho đứa em sống với gia đình đó vài năm, đợi trưởng thành hãy tách ra cũng được.”
 Hạnh Nhân hỏi:

- Vậy trọn gói tốn hết bao nhiêu vậy chị?”
- Mười ngàn đô trọn gói, khi đăng ký vé máy bay phải chung đủ. Nhưng bây giờ chị cũng phải chung trước hai ngàn đô, để lo hồ sơ,
giấy tờ. Tất cả giấy tờ của em chị đều làm mới, không dính dáng gì đến giấy tờ cũ cả.”
- Sao tôi nghe nói có bảy, tám ngàn.”
- Không đâu chị ơi, trước đây một năm thì có giá đó, nhưng nay thì bị «động ổ» mấy vụ, tụi Mỹ phỏng vấn biết được tin làm ghép, nên họ sưu tra kỹ lắm, tụi tôi phải mua công an từ sở ngoại vụ đến bộ nội vụ mới chắc ăn.”
 Rồi Bắc kể lễ:
- Anh chị biết không, phải tay trong tay ngoài với công an ở bộ nội vụ, ở sở ngoại vụ chớ, để biết đoàn phỏng vấn có những ai? ai khó? ai dễ? làm sao cho những hồ sơ này vào tay những đoàn phỏng vấn dễ thì mới qua lọt được, chứ lọt vào đoàn khó, họ nghi ngờ hỏi lung tung, trả lời sai là bể hết.”
 Hạnh Nhân suy nghĩ, cũng không có gì là mắc lắm, nếu tất cả lo từ đầu đến cuối.
- Tôi bằng lòng, nhưng chị cam kết với tôi là trót lọt nhé, khi em tôi có vé máy bay mới chung đủ, phải không?”
- Đúng như vậy, đến khi có vé máy bay mới chung đủ.”
- Được rồi.”
 Phục chỉ ngồi ngheTrần Yên Hòa cũng như Thản, ngồi nghe, còn sắp xếp mọi chuyện là do hai người đàn bà.
 Khi chở Hạnh Nhân về, Hạnh Nhân hỏi Phục:
- Anh có tin chỗ này uy tín không?”
 Phục trả lời:
- Theo anh biết thì họ làm ăn lâu dài mà, không đến nổi nào đâu.”
 Buổi tối còn rất sớm, ra đến đường Điện Biên Phủ gió lộng lên mát cả người. Hạnh Nhân tự nhiên thấy thèm cái không khí ở một phòng khách sạn nào đó, có máy lạnh rất nhẹ, có chiếc giường nệm thật êm, và tấm thân Phục, tấm thân thơm mùi đàn ông hoang dại. Nàng rủ rê:
- Còn sớm, mình tìm chỗ nghỉ đi anh, xa anh lâu, em nhớ quá.”

 Phục biết là đã đến lúc phải «trả bài», phải làm bổn phận. Anh nói:
- Mình xuống khu Văn Thánh nhe em.”
 Tiếng Hạnh Nhân ngọt ngào phía sau:
- Đúng đó anh, nơi đó tình lắm.”

Trần Yên Hòa