văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, October 28, 2019

Iliana Hagenah ** từ chuyện trai gái, phụ nữ góp phần lật đổ chính quyền


Chuyển ngữ: Đinh Từ Thức 

Mọi chuyện khởi đầu từ lời cầu cứu của một phụ nữ ở Sudan mười ngày trước đám cưới của cô. Phụ nữ này bị lo âu dằn vặt, có cảm tưởng là người chồng sắp cưới lừa dối mình, và cô cố gắng hết sức để tìm hiểu sự thật trước khi yên lòng bước vào cuộc đời mới.

Cô quyết định liên lạc với một người bạn là Rania Omer, người đã may mắn thắng cuộc rút thăm để được trở thành công dân Mỹ 5 năm trước. Bấy giờ Omer 24 tuổi, đang theo đại học tại Nebraska, nhưng vẫn nghĩ mình được cộng đồng mật thiết nơi quê nhà Khartoum biết tới như một người chống đối hôn nhân qua mai mối. Cô dâu tương lai này muốn nhờ Omer đưa lên Facebook tấm hình của người chồng sắp cưới, xem có phụ nữ nào biết và cho thêm tin tức về anh ta không?

Chỉ vài giờ sau, Omer đã có câu trả lời: Một người cho biết bà là vợ của anh ta. Omer nói với Elle.com trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Vợ anh ta xuất hiện, nói làm ơn gỡ tấm hình xuống, và tôi đã ‘Hỡi ôi!”

Khi có nhiều phụ nữ bắt đầu tìm tới Omer, nhờ cô giúp tìm kiếm thêm tin tức về những người đàn ông họ quen, cô bèn quyết định thành lập trên Facebook một cộng đồng phái nữ làm “thám tử phanh phui kẻ lừa gạt”, một nhóm người canh chừng hành động của nam giới, với tên gọi Minbar-Shat. Theo Omer, chỉ trong một tuần, thành viên của nhóm đã tăng tới trên mười ngàn. Đó là lúc cô nhận ra rằng có nhiều chuyện đáng cho Minbar-Shat làm hơn là chỉ chuyên phanh phui bọn đàn ông lường gạt tình cảm.

Khi Omer từ Sudan tới Mỹ năm 2010, quê hương cô đã bị nhà độc tài Omar Al Bashir cai trị trong 21 năm, lâu hơn cả lớp tuổi trung bình của người dân. Hầu hết công dân Sudan trải qua cả đời mình dưới quyền cai trị của ông ta; và rất nhiều người đã trải qua thời niên thiếu chống lại ông ta.

Tháng Bảy năm 2010, Bashir trở thành quốc trưởng đầu tiên nhận trát bắt giam của Toà Hình Sự Quốc Tế (International Criminal Court), vì ông ta đã can dự vào việc tiêu diệt các nhóm người không thuộc giống Ả Rập tại Darfur. Đó là cơ hội lịch sử mà cuối cùng không đi đến đâu, để báo chí không ngừng nói tới ông ta là một tổng thống “tội phạm chiến tranh” mà không bị buộc tội. 2010 cũng còn là năm Luật An Ninh Quốc Gia Sudan bị thu hồi, thay bằng một luật mới, cho phép cơ quan Tình báo và An ninh Quốc gia (NISS – National Intelligence and Security Service) có nhiều quyền hơn trong việc bắt, giam giữ, và tra tấn những người biểu tình, dựa trên những căn bản mơ hồ. Chính quyền che chở nhiều viên chức NISS khỏi bị truy tố sau khi họ bị tố cáo việc bạo hành tính dục và công khai đánh đòn phụ nữ trên đường phố.

Tại Sudan, theo truyền thống, phụ nữ độc thân chỉ có thể gặp bạn vào thời gian và nơi chốn được gia đình chấp thuận, khiến phụ nữ thiếu nơi gặp gỡ để “trút bầu tâm sự”, chia sẻ vui buồn với bạn bè. Dưới chế độ độc tài, việc chuyện trò hàng ngày cũng bị canh chừng cẩn mật. Nhưng với Minbar-Shat, Omer đã có thể tạo ra một không gian riêng tư cho phụ nữ chia sẻ với nhau những chuyện thường họ e ngại ít dám nói tới. Omer nói: “Phái nam không đồng ý với việc làm của chúng tôi”. Nhưng lúc ấy, cô không màng tới hậu quả; cô cho rằng chống đối từ phía đàn ông chỉ là lời nói suông.

Marine Al Neel, thành viên của nhóm, và là một nhà hoạt động 26 tuổi, kể lại câu chuyện về một phụ nữ đang hẹn hò với một chàng trai và anh này đã mời cô tới gặp gia đình mình. Người phụ nữ này ngần ngại tiến tới, đã post hình anh lên mạng để mong tìm kiếm thêm thông tin về anh. Và nhờ đó đã biết hai phụ nữ khác trong nhóm cũng đang hẹn hò anh. Người phụ nữ này đã quyết định để một người hẹn gặp anh tại một tiệm ăn quen thuộc ở Khartoum, và những phụ nữ khác cũng xuất hiện. “Sau chuyện này, hầu như mọi người đều nghĩ, — mình phải coi chừng cái bọn này!” Al Neel vừa cười vừa nói.

Phụ nữ luôn đóng vai trò chính trong việc thách thức chế độ ở Sudan trong khi tranh đấu cho quyền bình đẳng của nữ giới. “Luật đạo lý” (morality laws), một trong những thứ luật lệ tệ hại nhất của Bashir, cho phép cảnh sát được đánh bất cứ ai không tuân thủ những ý tưởng mơ hồ như “đàng hoàng nơi công cộng” (public decency), kể cả cách ăn mặc. Luật này không thể tránh việc kỳ thị nữ giới, vì thân thể của họ là mục tiêu xét đoán nghiêm ngặt nhất theo “đạo lý công cộng”. Cho đến năm 2015, dưới chế độ cai trị ở Sudan, phụ nữ rất cần sự hỗ trợ trong việc buộc nam giới phải có trách nhiệm. Minbar-Shat trở thành một trong những diễn đàn đó.

Nhóm này đã trở thành một mạng lưới hỗ trợ phụ nữ trong nước. Các thành viên giúp đỡ lẫn nhau, góp ý kiến về những khó khăn trong cuộc sống. Omer nói có lần Minbar-Shat đã gom được khoảng hai ngàn đô la Mỹ từ những đóng góp nhỏ để giúp một phụ nữ thành viên trả nợ tiền học. “Chúng tôi giúp những người bệnh, sinh viên, người cần xây nhà”, cô nói.

Nhưng khởi đầu không phải tất cả phụ nữ hoạt động ở Sudan đều hoàn toàn đồng hành với nhóm. Cô Rowa Kodi, một nhà hoạt động nữ quyền 30 tuổi, gia nhập nhóm lần đầu năm 2015. Ít lâu sau, cô rời nhóm vì không thoả mãn với sự thiếu đối thoại về các vấn đề nhân quyền. Cô nói: “Tôi nghĩ rằng, nếu con gái chẳng có chuyện gì làm trong đời, và chỉ muốn nói về đàn ông, thì tôi rất tiếc. Nhưng trong chừng mực nào đó, họ có thể đã là những người đầu tiên ủng hộ các đề tài về nữ quyền, và các nạn nhân bị hãm hiếp”. Sau năm 2018, cô gia nhập nhóm trở lại, và đã nhìn thấy sự khác biệt. Các đề tài thảo luận trong phạm vi nhóm đã thay đổi theo hoàn cảnh chính trị. Chẳng bao lâu, phụ nữ nói nhiều về biểu tình và khẩu hiệu hoạt động, hơn là nói về bọn đàn ông xấu thói. Khi những cuộc biểu tình lớn lan rộng khắp nơi ở Sudan, nhóm này đã trở thành công cụ chính trị quan trọng để tranh đấu cho tương lai đất nước.

Chính Kodi cũng đã là một phần của nhiều cuộc biểu tình quan trọng ở Sudan từ khi cô còn là sinh viện đại học. Nhưng cô cảm thấy những cuộc biểu tình đã thay đổi khi được phát động trở lại vào cuối năm 2018. Các cuộc biểu tình phản đối khởi đầu tại Ad-Damazin, thủ phủ của Bang Blue-Nile ở Sudan, một trong những vùng bất ổn nhất về kinh tế. Vùng Đông Nam hẹp hòi này đã bị khốn khổ về giá thực phẩm đắt đỏ vì chính sách kinh tế dẫn tới khủng hoảng lạm phát. Sau khi Bashir tuyên bố ông sẽ chấm dứt trợ cấp lúa mì, giá bánh mì tăng gấp ba. Theo tiếng Ả Rập–Sudan, bánh mì là “aeesh”, dịch theo nghĩa đen là “đời sống”: và người dân bắt đầu thí mạng để phản đối.

Các cuộc biểu tình lan rộng toàn quốc suốt tháng 12, nhưng Bashir không hề lay chuyển. Lên tiếng trước những người ủng hộ ông tại thủ phủ tỉnh Kassala, ông tuyên bố: “Thay chính quyền và thay tổng thống sẽ không qua WhatsApp và Facebook, mà sẽ qua thùng phiếu”.

Chính quyền đáp ứng những cuộc biểu tình lớn ở Khartoum bằng cách cho nhân viên NISS được tự do khủng bố người biểu tình trên đường phố. Họ tới những khu vực biểu tình với xe vận tải trang bị súng AK 47 và súng ngắn; họ dùng hơi cay, gậy và dùi cui để giải tán đám đông. Hàng trăm người bị trọng thương, và phụ nữ — khoảng 70% trong số người biểu tình – đối diện với đòn thù tàn bạo nhất.

Nhiều nhóm Facebook phụ nữ biến thành trụ sở tổ chức tạm thời trong thời gian này. Lực Lượng Tự Do và Thay Đổi (Forces of Freedom and Change), một tập hợp các nhóm ở Sudan, đã tổ chức biểu tình, lập Facebook để các nhóm cùng chia sẻ. Các nhóm thịnh hành chuyên săn sóc sắc đẹp và làm tóc, cũng như một nhóm chit-chat khác vốn hay nói về chuyện tình cảm của phụ nữ (women’s crushes), như nhóm mang tên El-Radmia, bắt đầu loan truyền tin tức về các cuộc biểu tình. Theo Omer, trên Minbar-Shat “sau tuần lễ thứ nhì của tháng Giêng, bạn sẽ thực sự xấu hổ, nếu bạn post bất cứ điều gì ngoài chuyện cách mạng”.

Vào tháng Giêng 2019, một phụ nữ nhắn tin riêng cho Omer trên Facebook về một viên chức NISS, người đã quấy nhiễu và theo phụ nữ này về nhà. Cô gái đã chụp được hình anh ta bằng phone và gửi cho Omer, yêu cầu nếu có thể, nhờ cô post lên Minbar-Shat để hàng trăm ngàn thành viên có thể giúp kiếm địa chỉ anh ta, và nói cho gia đình anh ta biết những gì anh ta đã làm. Omer làm theo yêu cầu. Chỉ trong thời gian ngắn, một phụ nữ đã viết lại tên và địa chỉ của tay mật vụ.

Theo Omer, “anh ta đã thực sự sợ hãi. Sau vụ này, các tay mật vụ của NISS bắt đầu che mặt”, để khỏi bị nhận diện. Còn những phụ nữ, họ bắt đầu post hình mật vụ NISS, thay vì chuyện tình cảm. Tháng đó, Minbar-Shat đã tìm ra chỗ đứng của mình trong cuộc cách mạng – Omer quyết định chính thức biến nhóm mình thành nơi vạch mặt các nhân viên NISS, và tổ chức biểu tình. Omer nói: “Nhiều người đang giết nhau, chiến đấu với chính quyền, có rất nhiều chuyện đang diễn ra ở Sudan. Đây không phải lúc post hình ảnh hay chuyện vui và videos”. Omer bắt đầu chấp nhận tất cả, và loại bỏ những gì không liên quan, đến cuộc cách mạng.

Bây giờ Omer 29 tuổi, người con lớn nhất trong chín anh chị em, từ một gia đình nghèo ở Khartoum. Cô sang Mỹ để làm việc kiếm tiền gửi về nhà trong khi theo học đại học. Kể về thời niên thiếu ở Khartoum, Omer nói: “Mọi thứ đều đắt đỏ, và không có việc làm." Bây giờ cô sống ở Nebraska với đứa con mới sinh được hai tháng, trong khi chồng cô đang sống ở Sudan, và cô đang tìm cách để anh có thể nhập tịch Hoa Kỳ. Mặc dầu cô không thể tự thân góp phần vào cuộc cách mạng, Minbar-Shat khiến cô cảm thấy như mình cũng có thể dự phần vào những cuộc chống đối mang tính lịch sử từ xa.

Nhưng chính quyền Sudan đã canh chừng rất cẩn mật, và theo Omer, nhóm của cô đã bị đe doạ trong nhiều trường hợp. Hầu hết những đe doạ cô nhận được qua điện thoại, nhưng cô cũng nghe nói chính quyền đã trả tiền cho bọn tin tặc (hackers) để phanh phui hoạt động của nhóm. Khi đàn ông khởi sự làm chương mục giả mang tên phụ nữ để xâm nhập, cô bắt đầu xét kỹ hơn việc chấp nhận thành viên mới. Nhưng vì nhiều phụ nữ Sudan theo Hồi giáo và không muốn lộ diện, họ thường không dùng hình thật của mình cho lên mạng, nên rất khó phân biệt thật giả. Omer thú nhận có thể có đàn ông trà trộn, nhưng cô cố gắng hết sức theo dõi và loại bỏ các thành viên bị coi là nam giới. “Họ nói những điều kỳ cục, không giống chúng tôi”, Omer nói về cách để khám phá ra ai là đàn ông trà trộn trong nhóm.

Quan ngại về an ninh của nhóm lên cao độ khi vào tháng Ba 2019, một người điều hành bị bắt giữ. Omer nhận được một cú gọi từ số điện thoại của một người điều hành, nhưng khi cô trả lời thì có tiếng đàn ông ở đầu giây kia. Người này tự nhận anh ta là một viên chức của NISS, nói với cô rằng chính quyền đã tìm ra người điều hành, nhờ lần theo địa chỉ IP của cô ta, và cô đã bị bắt trên đường phố trong khi đang trên xe Uber. Theo Omer, “Họ nói họ sẽ giam giữ người bị bắt vô thời hạn, và họ có thể bắt gia đình tôi” nếu tôi không chấm dứt hoạt dộng của nhóm. Sau khi báo động Omer về người bạn bị bắt, viên chức này đưa giây nói cho cô ta để nói chuyện với Omer. Sợ hãi, người điều hành nói với cô rằng chính quyền đồng ý thả cô ta, nếu Omer đồng ý để họ kiểm soát Minbar-Shat. Omer không chịu khuất phục, cô nói: “Tất cả phụ nữ, họ tin tưởng tôi. Ít nhất có tới ba trăm ngàn thành viên của nhóm. Nếu chúng tôi ngưng hoạt động, sẽ nguy hiểm cho tất cả”. Người điều hành đã được thả khoảng một tháng sau đó khi đòi hỏi của chính quyền không được đáp ứng.

Minbar-Shat duy trì được ảnh hưởng chính trị tại Sudan, ngay cả sau khi Bashir bị loại khỏi chính quyền vào tháng Tư 2019, và Hội Đồng Nhiếp Chính Sudan (Sudan Sovereign Council) hiện đang cai trị đất nước trong thời kỳ chuyển tiếp ba năm. Ngày 19 tháng Tám, một phụ nữ đăng lên mạng của nhóm tấm hình Nasri Morgos, một dược sĩ địa phương, một ngày sau khi ông ta được đề cử làm thành viên thứ 11 của Hội đồng Nhiếp Chính Sudan. Phụ nữ này nói rằng Morgos, một khuôn mặt vào hàng cha chú, và một chuyên viên được kính trọng trong lãnh vực y tế, trong một lần tham khảo về thuốc đã đưa cô vào sau tấm màn nhôm, tại đấy cô đã bị sờ đùi và tốc váy. Cô đã bỏ chạy vì hoảng sợ.

“Tôi biết không phải chỉ có mình tôi”, người phụ nữ mở đầu bài post của mình. Chỉ trong khoảnh khắc, nhiều phụ nữ khác góp thêm những truyện thảm hạị, liệt kê thành tích quấy nhiễu tình dục của vị dược sĩ trong nhiều năm. Trong vòng một ngày sau bài tố cáo trên mạng, Hội Đồng Nhiếp Chính Sudan quyết định để một thành viên phụ nữ lên thay thế ông Morgos. Không có loan báo chính thức về lý do huỷ bỏ việc đề cử ông Morgos, nhưng theo nhiều nhà hoạt động thì câu trả lời đã rõ ràng. Kodi nói: “Minbar-Shat là một phần của uỷ ban đối kháng địa phương. Họ có liên hệ mật thiết với Lực Lượng Tự Do Thay Đổi ‘Freedom of Change Forces’. Hai trong số các nạn nhân này đã gặp họ”.

Vào tháng Hai, Omer trở về Khartoum lần đầu trong hai năm, nói rằng cô đã được đón tiếp nồng nhiệt. “Khi ở Sudan tôi được nghe dân chúng nói về Rania Omer và Nhóm [Minbar-Shat] ở khắp nơi”, cô nói. “Tôi đã nổi tiếng. Tôi không quen với điều này”. Nhóm đã có ảnh hưởng quá sâu rộng trong đời sống, và Omer được coi như một anh hùng cách mạng.

Kodi, người khởi đầu đã do dự về Minbar-Shat, là một trong những người ủng hộ Omer. Cô tin rằng Nhóm đã có lý do để nhận lãnh vai trò then chốt vào thời hậu Bashir ở Sudan, ngay cả bây giờ khi các thành viên quay trở lại việc đăng hình ảnh những đàn ông chuyên lừa dối. Cô nói: “Lừa dối chúng tôi, hay lợi dụng chúng tôi – bất cứ điều gì các anh làm sẽ bị phanh phui”.

“Tôi nghĩ bây giờ đàn ông Sudan sẽ nghĩ kỹ hơn trước khi họ lừa dối”, cô nói thêm.