văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, July 15, 2020

BS Đỗ Hồng Ngọc ** Thư gởi bạn (14.7.2020)




Chuyện của Nghĩ Từ Trái Tim


Cảm ơn bạn đã muốn biết thêm chi tiết về cuốn Nghĩ Từ Trái Tim viết về Tâm Kinh Bát Nhã của mình, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP in lần đầu 2003, sau khi đọc bài Huỳnh Ngọc Chiến trên Giác Ngộ Online 2009 đã gởi mình để post lại. Như mình đã có lần nói, mình chỉ học Phật lõm bõm, thấp thoáng thôi như đã “giải trình” trong TÔI HỌC PHẬT (Tệp tuyển do Nguyễn Hiền Đức thực hiện, thuvienhoasen 2019). Lúc trẻ thì mình cũng đọc Krishnamurti, Suzuki… đọc cả Lão Trang, Khổng Mạnh như bao bạn bè cùng lứa. Đọc cho biết. Nhưng có lẽ mình có chút duyên với Phật nên hồi 4,5 tuổi đã được Cha mẹ, cậu dì cõng đi Chùa Cú ở Phan Thiết, nơi có “Linh Sơn Trường Thọ tự”, vì nhà bà Ngoại mình ở gần ngay dưới chân núi.  Nhỏ xíu, chỉ còn nhớ khi tới Đá Bàn, thì nghỉ chân, giở mo cơm ra ăn và nhìn cá bơi lội, lên chùa thì nước lạnh ngắt…

Năm 1997, sau một trận bệnh thập tử nhất sanh, những ngày nằm viện sau mổ cấp cứu vì tai biến mạch máu não, có người bạn (Bs Ngọc Ánh) cho mình mượn cuốn sách mỏng viết về Tâm Kinh (Trái tim hiểu biết của thầy Nhất Hạnh) mình mới có dịp nghiền ngẫm sâu và tìm kiếm thêm nhiều tài liệu khác nữa để tham khảo và nhất là đi vào thực hành nhằm tự chữa bệnh cho mình, bởi thuốc men không lợi ích gì nhiều trong trường hợp bệnh lý này.
Có lẽ nhờ không phải “đọc cho biết” như xưa nữa mà đọc để “tự chữa bệnh” cho mình nên có gì đó như sáng dần ra. Sau 3 năm nghiền ngẫm, thực hành… Rồi nghĩ. Hay là nên ghi lại kẽo quên. Vậy là viết. Viết ào ào, như “mây trôi gió cuốn”, say mê, quên hết mọi thứ xung quanh, hơn 6 tháng thì xong (12/2000 đến 7/2001). Thở một hơi.  Nhưng vẫn chưa dám nói năng chi. Gởi bản thảo viết tay đến vài ba người bạn Phật tử thuần thành nhờ đọc. Rồi tiếp tục nghiền ngẫm, thực hành thêm. Sau cùng, gởi đến Ni sư Trí Hải nhờ “thẩm định”. Ni sư nói hôm đó ở Hốc Môn bị cúp điện, phải đốt đèn cầy đọc suốt đêm thứ “chữ bác sĩ” nguệch ngoặc của mình, nhưng sáng sớm hôm sau đã phone khen ngợi, và khuyến khích “nên in ra đi vì sẽ có lợi ích cho nhiều người”, Sư nói vậy. Mình nghe lời, năm 2003 mang đến Nxb Tổng hợp, Giám đốc là ông Trần Đình Việt nói sách “tôn giáo” khó in lắm. Rồi nể mình, anh chịu đọc qua. Nói được. Thôi để tôi in thử chừng ngàn cuốn cho anh. Ai dè… sách bán chạy quá, anh in tiếp, in tiếp… tái bản dài dài. (Đến nay đã tái bản chính thức lần thứ 14). Lúc đó, Trang mạng Khuông Việt của thầy Thiện Niệm ở Pháp gởi thư xin đưa lên net. Xin cứ tùy nghi. Thầy Thanh Tuệ, An Tiêm cũng viết meo xin in ở Pháp, nhưng rồi sau đó thầy mất, chưa kịp thực hiện. Nhiều nơi làm Audiobook, ra đĩa… Xin cứ tự nhiên. Năm 2013 thấy có Radio SBS ở Úc đọc trong một chương trình nào đó, sau đó có gởi về mình một đĩa như để … xin phép tác giả. Xin cứ tùy hỷ. Một người bạn bên nửa vòng trái đất nói đọc xong, phải lái xe đi hơn hai giờ để mang đến cho người bạn khác đọc. Có người xin ấn tống. Xin cứ tùy nghi…
Vậy đó. Câu chuyện của Nghĩ Từ Trái Tim.
Xin gởi thêm bạn vài ba bài dưới đây, một của GS Trần Văn Khê khi  nằm bệnh viện Chợ Rẫy để chữa bệnh (2003), có thì giờ đọc Nghĩ Từ Trái Tim (do chị Lý Thị Lý- vợ nhà báo Trần Trọng Thức- ghi âm); một của nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo (2006) , và một của “NA blog” (2009) mà tới giờ này mình vẫn không biết là ai. Thôi, cho phép chia sẻ nơi đây cùng bè bạn bè thân thiết.
Đa tạ tất cả.
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc.
(Về thu xếp lại)

Con đường đi tới Tâm Kinh của tôi (*)
GS Trần Văn Khê

(…) Con đường đi tới Tâm kinh của tôi vòng vo như vậy, mãi cho tới khi gặp bà Karfung tôi mới hiểu rõ hơn. Bà Karfung là một thầy thúôc châm cứu, dạy khí công của tôi. Suốt một năm rưỡi bà chỉ chuyên tâm cắt nghĩa Tâm kinh bằng tiếng Pháp..
Bà Karfung đọc và giảng từng câu cũng như Đỗ Hồng Ngọc đã đề cập trong cuốn sách của mình. Bà Karfung cho rằng không dịch ra mà để nguyên chữ Phạn, chỉ đọc ra âm thanh thôi. Âm thanh đó nhắc nhở con người phải hành, phải đi tìm chân lý, bến giác. Đến chữ “Yết đế” trong câu Yết đế, Yết đế, Bala yết đế, Bala tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha!, bà dịch là avant, encore en avant, toujours en avant et plus loin en avant (đi tới, đi tới, còn đi tới nữa và luôn luôn đi xa tới hơn nữa) để tới đáo bĩ ngạn, tới Paramita.
Lần này về Việt Nam được đọc cuốn sách Nghĩ từ trái tim của Đỗ Hồng Ngọc, những điều tôi biết về Tâm kinh từ bà Karfung đều được Đỗ Hồng Ngọc nói rõ ràng bằng tiếng Việt, văn phong chẳng những giản dị mà còn dí dỏm, kèm thêm những thí dụ trong cuộc đời, lâu lâu lại chêm vàì câu Kiều, thơ của Xuân Diệu hay lời ca của Trịnh Công Sơn. Càng đọc tôi càng thấy thấm thía và có phần gần gũi. Tôi đọc mà vô cùng thú vị, qua đó cho thấy hiểu biết của tác giả rất sâu sắc. Có những điều tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả. Mọi người cho rằng trong Tâm kinh, đức Phật phủ định tất cả những gì mình đã dạy. Nhưng Đỗ Hồng Ngọc lại nghĩ ngài không phủ định mà chỉ khẳng định lại những điều mình đã dạy một cách rõ ràng hơn. Điều đó đúng quá, Đức Phật nói lần lần cho người ta hiểu.
Đỗ Hồng Ngọc là một bác sĩ, làm như phải có khoa học thì mới tìm được những chi tiết trong Tâm kinh. Người bác sĩ này có cả tâm hồn hướng về con người nên đã viết cho trẻ con, cho những người già, người sản phụ, tìm hiểu căn bệnh để trừ bệnh, để giúp cho người ta bớt bệnh bớt khổ. Tâm tư đó là tâm từ đi tới bi. Người bác sĩ đó có được một tinh thần phóng khoáng, một tâm từ, còn là một nhà văn dí dỏm, một nhà thơ mộc mạc dễ thương nên hiểu được Tâm kinh như thế. Phải trải qua một trận đau, một lần bị giải phẫu, khi đó cả một cơ thể mình chuyển động thay đổi, tâm tư thay đổi thì tự tìm lấy cách để trị bệnh cho mình. Trong khi học trị bệnh tức là đã hành. Tâm kinh không chỉ đọc hiểu không thôi mà phải hành. Đỗ Hồng Ngọc nhờ tổng hợp được những yếu tố đó mà viết ra được quyển Nghĩ từ trái tim như thế này thì tôi cho đây là một tuyệt tác, nắm được tinh hoa của đạo Phật giảng ra một cách dễ hiểu, dễ dàng để cho người ta tìm thấy được mỗi chuyện làm ở trong đời….
(*)Tựa của ĐHN. 
bài do chị Lê Thị Lý ghi âm (trích 2003)

Đức Phật và lời dạy của cha tôi
Nguyễn Thánh Ngã

Tôi không nhớ rõ tôi đến với Đức Phật như thế nào, nhưng cái thời khắc nhỏ nhất mà Phật đến với tôi, thì tôi không thể nào quên được! Đó là dấu ấn suốt đời, kiếp kiếp.
Khoảng năm lên 7,8 tuổi, tôi rất thích bắt những chú kiến bỏ vào hộp diêm. Lúc thì chơi đùa với chúng, lúc thì lại giết đi. Một hôm cha tôi thấy vậy nói: “Con không nên giết hại sinh vật, dù chúng có bé nhỏ tới đâu, vì chúng cũng muốn có được niềm vui như con vậy!”. Rồi cha đem những chú kiến còn lại thả cho chúng bò đi, miệng lầm rầm những điều không rõ. Ánh mắt cha thương tôi một cách lạ thường. Tôi đã nhận ra (dù còn là khờ dại) trong ánh mắt ấy, hình ảnh Đức Phật soi chiếu tâm tôi. Ngài đã đến với tôi bằng lời của cha tôi. Ngài đã tọa nhập vào tôi bằng ánh mắt của cha tôi. Sau này tôi mới vỡ lẽ như thế. Còn lúc đấy, một cách tự nhiên, thật thơ ngây, Đức Phật đến!
Ngài ngồi đó, giữa hoang địa tâm trí tôi. Cha mẹ tôi tất bật chạy lo cơm áo. Tôi lớn theo từng manh áo của mẹ. Nhưng hàng ngày mẹ luôn nhắc tôi “làm lành lánh dữ”. Hàng ngày cha nhắc niệm Phật. Đức Phật của tôi vẫn còn xa tôi nhiều lắm. Cả những lúc bíu áo mẹ đi chùa, tôi vẫn không hề biết lời Phật dạy có sức mạnh tiềm ẩn trong tôi đến vậy. Tôi học cách lượm một mảnh chai giữa đường, học cách bắt một cọng cỏ qua dòng nước cho bầy kiến bò qua… Tôi làm tất cả những điều ấy mà vẫn chưa hiểu gì nhiều. Nhưng chắc chắn những “điều không có gì” đó lại thay đổi cuộc đời tôi. Hướng dẫn tôi gội rửa tâm của mình.
Gội rửa tức là làm sáng bóng một hình tượng. Nhưng vì quá mê tín, tôi xem Đức Phật của tôi như Thượng đế, tôi buộc ngài ban phát cho tôi những điều tôi cầu xin. Xin được tôi đem lòng tham. Không được tôi đem lòng nghi hoặc. Tôi chạy theo ảo ảnh của cuộc truy tìm. Tôi đem kiến thức nhà trường để đọc kinh Bát Nhã. Đức Phật trong tôi ngày một mù mịt. Tôi nghĩ rằng những quyển sách triết sẽ cứu vãn tôi. Tôi đem Khổng Khâu, Socrate, Sartre, Nietzsche… để lấn át Đức Phật của tôi. Và rồi chỉ còn là ngọn đèn leo lắt trong tâm tôi giữa những ngọn gió lớn!
Ngông nghênh với một cái đầu đầy thiền triết của “Vô môn quan”, của hiện sinh…, tôi đâm ra coi thường tất cả. Tất cả cuộc đời đều là phi lý, buồn nôn… Tôi đảo điên. Tôi mộng ảo. Tôi bế tắc. Dĩ nhiên là tôi có quyền cho phép mình độc đoán, khát vọng không tưởng, và thể hiện cả những thói ích kỷ nhỏ nhen, thù ngịch. Tôi sử dụng trình độ của mình để coi rẻ, phân ly. Tôi thoả thích chạy theo rượu chè. Cuộc đời với tôi là những sự lẩn quẩn. Tôi trở nên một người trống rỗng. Cách đây 4,5 năm gì đó, báo Giác Ngộ gởi tặng tôi quyển Tâm Kinh (Kinh Trái Tim). Sách quý nhưng đọc… chỉ là để đọc! Sau đó, tôi đem tặng cho một người bạn. Tặng xong tôi lại nhận được một quyển khác. Tôi đọc và tiếp tục mê tín trở lại! Trầm trọng hơn. Một hôm lang thang ở tiệm sách, cầm trên tay quyển sách “Nghĩ từ trái tim” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc mà tôi thấy mình có một Đức Phật thật bình dị, thật đơn giản, thậm chí thật hồn nhiên nữa! Câu thơ của ông mà tôi thuộc lòng từ lâu đã ám ảnh tôi: “Sóng/ quằn quại thét gào/ Không nhớ mình/ là nước!”. Tôi đọc và vỡ lẽ từng chữ, từng câu. Bằng cách viết làm thất vọng nhiều thứ bằng cấp, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã giúp tôi vượt qua mê tín mà lâu nay tôi ngỡ là chánh tín. Đây là lời cảm ơn của tôi đối với người bác sĩ mà tôi chưa từng quen biết. Trong tôi thức dậy một tình yêu mới, rất hồn nhiên thơ ngây. Tôi cố gắng quét sạch mọi thành kiến, xa rời mọi triết luận. Và tôi đã có một Đức Phật cho riêng mình. Đức Phật từ thời cha tôi dạy và Đức Phật trong chữ nghĩa của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhập làm một: thật hồn nhiên, thật giản dị, nhưng rọi chiếu tâm tôi. Đức Phật của tôi luôn nhắc tôi: “Đừng tin ta khi con chưa hiểu ta!”.
 (Tạp chí Văn hóa Phật giáo, 15.8.2006)

Blog của NA, 2009 

“…Trước giờ mình là một đứa vô thần. Hồi còn bé, mình không thích Phật giáo, không hiểu lý do vì răng. Nếu không kể những gì được học ở trường Đại học thì cuốn Nghĩ từ trái tim của Đỗ Hồng Ngọc là cuốn đầu tiên về Phật giáo mình đọc được. Lúc đầu mình không biết là ông viết về Tâm kinh Bát Nhã, tìm đọc chỉ vì thích Đỗ Hồng Ngọc.Đây là cuốn mình đọc đi đọc lại nhiều nhất, tới bảy tám lần. Cũng là cuốn mình mua nhiều nhất, mua cho và mua tặng, cũng khoảng bảy tám lần.
Cứ mỗi lần thấy trong lòng có chi đó không vui là mình lại lấy cuốn Nghĩ từ trái tim ra đọc. Điểm đặc biệt ở chỗ, mỗi lần đọc là lại thấy một điều chi đó mới mẻ, hoặc ngẫm ra được một cái chi đó thú vị để áp dụng vào cuộc sống hằng ngày. Chỉ cần cầm cuốn đó lên đọc vài hàng là đã thấy trong người nhẹ nhàng thư thới. Thấy những vọng động trong mình lắng xuống. Thấy mọi tranh chấp hay bon chen ngoài kia không đáng để cho mình phải lao tâm khổ tứ nữa.
Mình biết có một số người không thích Đỗ Hồng Ngọc tự nhiên chuyển sang viết về Phật giáo, mình chưa đủ trình độ để đánh giá là Đỗ Hồng Ngọc viết như thế nào so với những người khác cùng viết về lĩnh vực ni. Nhưng Nghĩ từ trái tim đã có một công lao rất to lớn đó là thay đổi cái nhìn của mình với Phật giáo. Điều mình thấy quý và thích Đỗ Hồng Ngọc là cách viết và cách chia sẻ của ông trong Nghĩ từ trái tim rất gần gũi, đơn giản, và dung dị. Chính vì rứa mà những cái rất khó hiểu và trừu tượng như Tâm Kinh Bát Nhã trở nên dễ hiểu, dễ đi vào lòng người và dễ thấm”….