văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, August 10, 2022

MINH NGUYỄN ** ĐỒ SƠN HẢI PHÒNG

Kết quả hình ảnh cho bải biển Sầm sơn Hải phòng

Trên đường từ thành phố biển Sầm Sơn về lại Thanh Hóa, Như luôn miệng năn nỉ tôi cho cô theo đi “giang hồ vặt” ra Hải Phòng một chuyến. Bởi, có đến hơn chục năm, cô chưa lần đặt chân trở ra đó, nghe nói bây giờ Hải Phòng đã có sự thay đổi ghê ghớm, nhất là với biển Đồ Sơn.

Tôi hỏi cô:

- Còn việc ở Thanh Hóa em bỏ cho ai?

Như hớn hở trả lời tôi:

- Chuyện đó dễ hơn con cờ hó, nếu được anh đồng ý, tối nay em chỉ cần xem qua sổ sách kế toán một lúc là ok, hơn nữa em còn trở về Thanh Hóa chứ có đi luôn đâu mà anh lo.

Tôi dọa Như:.

- Anh báo trước, sau khi đến Hài Phòng, khám phá biển Đồ Sơn, anh tiếp tục ra thăm Hạ Long, liệu em có đi theo anh nổi không?

Như đưa ngón tay hình chữ V ra hiệu đồng ý cùng với câu trả lời:

- Dân Sài gòn vốn có câu nói rất hay “dân chơi không sợ mưa rơi”.

- Giỏi! Nếu em đã sẵn sàng rồi thì anh cũng không ngại.

Sáng hôm sau, chuyến bay cất cánh từ sân bay Thọ Xuân đưa tôi và Như đáp xuống cảng hàng không Cát Bi vào tầm mười giờ. Vì, đang vào mùa hè, nên thời tiết tháng 5 tháng 6 ở Hải Phòng thường là những tháng nóng nhất trong năm, đôi lúc nhiệt độ lên đến 39-40 độ C; tuy nhiên, vào ban đêm nhiệt độ hạ thấp xuống vài độ, khiến mọi người cảm thấy dễ chịu.

Trên đường từ sân bay Cát Bi về Đồ Sơn, xe chở bọn tôi về ngang qua trung tâm thành phố Hải Phòng, qua Cầu Rào, rồi từ đó tiến thẳng trên con đường dài hơn 20 cây số, mà dọc 2 bên đường thấy trồng toàn cây phượng. Hỏi thăm tài xế mới biết, chỉ trên đoan đường ngắn này thôi, người ta đã trồng hơn 4000 cây phượng dọc theo hai bên đường. Thật vậy, nhìn đâu bọn tôi cũng bắt gặp màu phượng thắm, đẹp như cô gái xuân thì đứng trùm trên đầu chiếc khăn màu đỏ. Thảo nào, người ta chẳng đặt tên cho Hải Phòng là ‘Thành Phố Hoa Phượng Đỏ”. Điều này, nhắc tôi nhớ đã nghe ca khúc “Thành phố hoa phương đỏ” của nhạc sĩ Lương Vinh, đã phát trên truyền hình vào dịp lễ nào không nhớ :

“Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ

Ơi! Hải Phòng thành phố quê hương.

Ta yêu thành phố quê ta như chính người thương yêu nhất.

Những hẹn hò bên bờ sông lấp.

Những con đường tấp nập bao thuở ngày đêm.

Những bến Bính, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Tiên . . .”

Hoa phượng hay hoa phượng vĩ, có nguồn gốc từ Madagasca, do người Pháp du

nhập sang nước ta vào cuối thế kỷ 19. Được trồng nhiều tại các tỉnh, thành phố lớn như Đà Nẵng, Sàigòn và nhiều rất nhiều tại thành phố Hải Phòng. Hoa mang 5 cánh, có nhụy hoa, đài hoa, hình chim phượng. Ngoài ra, còn có thêm chiếc đuôi dài nên gọi là hoa phượng vĩ. Hoa phượng, biểu tương cho mùa hè, mùa chia tay kỷ niệm của lứa tuổi học trò đầy mộng mị, sau mấy năm dài miệt mài kinh sử. Có lẽ, vì có chung nỗi buồn cùng với nỗi niềm tâm sự đó, mà cố nhạc sĩ Thanh Sơn đã sáng tác nên nhạc phẩm “Nỗi Buồn Hoa Phương”, để lại dấu ấn qua nhiều thế hệ học trò..

“Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn.

Cảm thông được nỗi vắng xa người thương.

Màu hoa phượng thắm như máu con tim.

Mỗi lần hè thêm kỷ niệm.

Người xưa biết đâu mà tìm . . . . ?”

Được biết, quận Đồ Sơn là một bán đảo thuộc dãy núi Rồng vươn ra biển 5 km, cùng với hàng chục ngọn đồi nhấp nhô, cao thấp, từ 25 m đến 130 m, cách thành phố Hải Phòng 20 cây số, về phía Đông-Nam. Là nơi du lịch, nghỉ dưỡng, tắm biển, nổi tiếng ở phía Bắc từ thời nhà Nguyễn và thời Pháp thuộc.

Không đi không biết Đồ Sơn

Đi rồi mới thấy không hơn đồ nhà

Đồ nhà tuy có hơi già

Suy đi tính lại, đồ nhà vẫn hơn.

Mới đầu, nhiều người lầm tưởng bài thơ trên là thơ dân gian hay của tác giả khuyết danh nào đó, nhưng thực ra tác giả là một nhạc sĩ, một nhà giáo ở Hà Giang tên Phan Tiến Giang, quê Đẩu Sơn, xã Bắc Hà, sống tại thị xã Kiến An, thành phố Hải Phòng.

Bài thơ mang nhiều ý nghĩa, từ khi ra đời đến nay đã hơn 20 năm, vừa độc đáo, dí

dỏm, vừa nồng ấm nghĩa tình, được yêu thích, chế tác ra thành nhiều lời, nhiều thể loại;. đặc biệt, các nghệ sĩ hát Xẩm, hát Văn nổi tiếng miền Bắc, như Xuân Hinh hay Tuyết Tuyết, đã có nhiều video ca nhâc phát trên Youtube, được hàng trăm, hàng triêu, lượt người yêu thích hay chia sẻ.

“Chưa đi chưa biết đồ sơn

Đi rồi mới biết vẫn hơn đồ nhà

Đồ sơn bằng cái lá đa

Đồ nhà bằng cái bàn là Liên Xô

Đồ Sơn là của Quốc Gia.

Đồ nhà là của ông bà ngoại cho

Quốc Gia ăn cướp

Ngoại cho dùng dần

Đồ nhà tuy có hơi già

Nhưng mà đồ thât không là đồ sơn.

Thành phố Đồ Sơn chào đón tôi và Như qua mùi biển đang ở rất gần. Chính xác, là

ngay chiếc cổng chào bề thế chắn ngang mặt đường rộng 6 làn xe, bên trên có hàng chữ “Chào Mừng Quí Khách Đến Đồ Sơn”.

Tới một ngã ba, nơi có trụ đèn đang phát tín hiệu màu xanh, thay vì rẽ phải vào khu chợ cũ, tài xế đánh lái rẽ sang trái, chạy ngang qua trước mặt tòa nhà cao tầng sơn màu tím Huế, có tên khách sạn Sao Mai; qua luôn khu Bộ Xây Dựng, một trong hai nơi có dịch vụ mãi dâm nổi tiếng: khu Xo Lăng và khu 203; ghé điểm đầu tiên ở Đồ Sơn là đền Bà Đế để chiêm bái.

Đây là ngôi đền có cấu trúc bề ngoài giản dị, thanh thoát, trang nhã, tựa mình bên vách núi, sát ngay chân sóng biển, tạo nên kỳ quan thiên nhiên độc đáo sơn thủy hữu tình;đồng thời, gắn liền với truyền thuyết kể về nỗi oan trái của người con gái tên Đào thị Hương.

Chuyện kể, vào năm 1718 ở phía Đông Nam vùng Đồ Sơn, có vợ chồng họ Đào lấy

nhau hơn 20 năm, mà chưa có được mụn con nào, nên ra sức tu thân tích đức, càu xin trời Phật ban cho một đứa con. Động lòng trước sự thành tâm của họ, trời Phật đã ban cho gia đình họ cô con gái, lấy tên là Đào Thị Hương. Lạ. Từ khi sinh ra, đứa trẻ đã tỏa ra hương thơm ngào ngạt, càng lớn càng trở nên xinh đẹp; đặc biệt, khi tiếng hát nàng cất lên đã khiến cả muôn loài chim thú đều phải lắng nghe. Năm 1736, khi chúa Trịnh Doanh cùng đoàn tùy tùng đi thuyền di hành đến vụng Ngọc núi Độc, Chúa vô tình nghe được tiếng hát mượt mà, trong lành, của người con gái quê, nên đã khiến cho lòng ngài rung động, bèn truyền lệnh cho đi tìm người hát. Khi gặp giai nhân với vẻ đẹp sắc nước hương trời, chúa đã đem lòng yêu thương quí mến. Từ đó, hai người quyến luyến bên nhau suốt thời gian dài, không muốn rời xa, nên trước khi trở lại Kinh đô, Chúa hẹn, trong thời gian ngắn sẽ đưa thuyền rồng về đón bà. Song, khi Chúa vừa ra đi thì, bà biết mình mang thai, nên ngày đêm lo sợ, trông ngóng Chúa trở về đón.

Không may, chuyện hàng Tổng biết việc bà chưa chồng mà đã cò thai, nên theo lệ đòi phạt tiền, nhưng vì nhà nghèo quà không có tiền nộp phạt, hàng Tổng đã đem bà ra núi Độc dìm xuống biển. Trước khi chết, bà ngửa mặt lên trời khóc than: “Phận gái thân cô, gặp Chúa yêu thương tôi đâu dám chống, nhìn cha mẹ, hàng xóm, tôi đâu dám quên.

Xin trời Phật chứng giám cho lòng con. Khi con bị dìm xuống nước, nếu có oan ức, xin trời Phật cho con nổi lên 3 lần”. Quả nhiên, sau khi chết xác bà đã nổi lên 3 lần, mọi người trông thấy ai nấy đều kinh sợ. Mải tháng sau, thuyền của Chúa trở lại đón bà, mới hay bà đã bị dìm chết trong nỗi oan khuất. Chúa nghe tin vô cùng thương xót, bèn lệnh cho hàng Tổng xây đền, lập đàn giải oan, cho bà. Từ đó, sự linh thiêng của ngôi đền đã khiến cho bọn trộm cướp không dám mò tới; bọn cường hào ác bá cũng không dám sách nhiểu dân lành. Đến đời vua Tự Đức, trong lần đi thăm đền nàng Hương, nhà vua đã ban sắc phong cho bà “Đông Nhạc Đế Bà - Trịnh Chúa phu nhân” để tưởng nhớ đến bà.

Quay lại phường Vạn Sơn, thuộc khu 1, bán đảo Đồ Sơn, bọn tôi xuống xe, đi bộ dọc theo bờ tường của khuôn viên chùa Hang, thấy trên các bờ tường thấp, nhà chùa cho đặt trên đó một dãy tượng các vị la hán, tạc bằng loại đá trắng, trông vừa uy nguy vừatoát lên vẻ nghệ thuật . . . trước khi tới được cổng chính ngôi chùa.

Chùa Hang, ngoài việc là ngôi chùa cổ ra còn được xem là ngôi chùa thiên tạo, lớn

nhất trong khu di tích lịch sử Đồ Sơn, được các nhà nghiên cứu trong nước đánh giá là nơi đầu tiên Phật Giáo du nhập vào Việt Nam, có tên chữ là Cốc tự, xây dựng vào niên đại thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên.

Có lẽ, do đây là lần đầu tiên nhìn thấy các vị A La Hán nên Như thắc mắc quay sang hỏi tôi:


- Mấy tượng kia là ai vậy anh?

Tôi trả lời cô:

- Đó là tượng 18 vị A La Hán hay Thập Bát La Hán, gồm có các vị: La-Hán Thác Tháp,

La-Hán Thám Thủ, La-Hán Khai Tâm, La-Hán Khánh Hỷ, La-Hán Tĩnh Tọa, La-Hán Ba Tiêu, La-Hán Tiếu Sư, La-Hán Tọa Lộc, La-Hán Trường Mi, La-Hán Hàng Long, La- Hán Bố Đại, La-Hán Khoái Nhĩ, La-Hán Trầm Tư, La- Hán Kháng Môn, La-Hán Kỵ Tượng, La-Hán Quá Giang, La Hán Phục Hổ, La-Hán Cử Bát. Đây là 1 chủ đề phổ biến trong nghệ thuật Phật Giáo, tượng trưng cho tín ngưỡng đặc thù dân gian bao gồm 3 ý nghĩa. Giết hết mọi phiền não trong tâm. Đồng thời đạt được trạng thái tâm lý yên tịnh, không còn sinh tử, luân hồi. Và các ngài xứng đáng được người đời cúng dường.

Về lịch sử, chùa được tạo dựng trong một hang núi, tương truyền, do một nhà sư tên Bần, người xứ Thiên Trúc, theo thuyền đi truyền bá đạo Phật và đã đến cư trú tại hang và lâp nên Cốc tự này.

Chùa Hang có cấu trúc hình thang, cao 3,5 m, rông 7m, chia ra làm 2 bậc thềm, thềm bên ngoài rộng 23 m2, thềm trong cao hơn nửa mét, xuyên thẳng vào trong núi với chiều dài 25 m. Càng vào sâu bên trong, hang càng thấp và hẹp với độ cao trong lòng hang 1, 2 m, rộng 1, 3 m.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chùa không còn nằm cheo leo bên bờ biển, mà lui dần vào bên trong, cách xa vị trí của chùa cũ khoảng 100 m và nằm sát ngay mặt tiền đường, quay mặt ra hướng biển, nên khí hậu bên ngoài dù nóng bức, khắc nghiệt đến mấy, bên trong vẫn mát mẻ, dễ chịu. Trước đây, chùa có bàn thờ đá, tượng A Di Đà, bát hương đều bằng đá cùng nhiều bài thơ, vịnh về chùa Hang được khắc trên vách núi đá. Tuy nhiên, sau này do chiến tranh tàn phá và trùng tu nhiều lần nên không còn.

Hiên tại, kiến trúc ngôi chùa gồm 3 tầng, tầng 1 dành cho việc bếp núc, tầng 2 là tòa tam bảo, tầng trên cùng là Tây Phương điện.

Rời chùa Hang, thay vì đi tiếp ra khu 1 biển Đồ Sơn, bọn tôi được một vị khách khuyên nên ghé thăm khu du lịch sinh thái Quốc Tế Đồi Rồng, nằm cách đây không mấy xa, vừa mới khai trương khu bể bơi nhân tạo với hệ thống lọc nước hiện đại nhất, mang từ nước ngoài về.

Chưa kịp nghe hết giới thiệu, Như đã tỏ ra vô cùng hào hứng thích thú, năn nỉ tôi:

- Mình ghé đó chơi nha anh, dù sao cũng nằm trên đường đi mà?.

Theo nhiều người, đây là dự án lấn biển rộng 420 ha, chia thành nhiều giai đoạn, mà giai đoạn đầu tập trung xây dựng, hoàn thiện, các hạng mục giao thông, khu vui chơi giải trí, thể thao nước, bãi tắm nước mặn nhân tạo, công viên cây xanh, đảo con sò, sân golf 18 hố. Đặc biệt, với sự có mặt của công nghệ lọc hiện đại nước ngoài, lọc nước biển đục thành trong, biến toàn bộ nước biển khu vực biển Đồi Rồng trở nên trong xanh, khắc phục đáng kể tình trạng nước biển vốn đâ bị đục như nước biển ở Đồ Sơn.

Thực tế là vậy, song theo người dân địa phương cho biết, cách đây 13 mùa hè, tại

phường Vạn Hương cũng đã từng có một siêu dự án mang tên Hoa Phượng, được chủ đầu tư san lấp, tạo dáng cho hòn đảo nhân tao mang hình ảnh một bông hoa phượng 5 cánh, có đường trục chính nối từ trong đất liền ra đảo giống như cuốn hoa, các tuyến giao thông uốn lượn mềm mại như đường gân của những cánh hoa xòe ra, tất cả được thiết kế nổi trên mặt nước biển. Nhưng kể từ đó đến giờ, không rõ vì lý do gì, mà trải qua hơn mười ba mùa hè rồi, mà hoa phượng trên vẫn chưa chịu nở. Đã thế, mới đây người phường Vạn Hương lại nghe nói, tập đoàn FLC sẽ đầu tư dự án 500 ha cho “Khu phức hợp dich vụ, du lịch, nghỉ dưỡng và biệt thự cao cấp Đồ Sơn” qua mô hình hoa sen 6 cánh nữa.

Nghe sao biết vậy, nhưng ấn tượng về khu du lịch sinh thái Đồi Rồng cứ quấn lấy trong đầu tôi và Như, nên sau một hồi chạy loanh quanh qua những con đường còn thơm mùi nhựa, qua những khu đất bạt ngàn bỏ trống, taxi thả bọn tôi xuống tại bãi đâu xe đã qui định, để từ đó đi bộ ngang qua quảng trường rộng 7 ha, bắt gặp dọc hai bên đường trồng nào dừa, nào cọ, dẫn ra tới tận ngoài bãi tắm nhân tạo. Cái bãi tăm dài ngút tầm mắt, rộng 23 ha, được đổ bởi hàng trăm tấn cát vàng mang từ nhiều nơi khác về.

Không thể kềm nén được cám dỗ từ biển, kèm theo sự nghi vấn cần được giải tỏa về sự mới lạ, hấp dẫn, từ biển nhân tao đầu tiên trên đất nước, nên Như nhanh chóng tháo giày đang mang giao cho tôi giử, cứ thế lôi đôi chân trần xuống nước.

Tôi đứng trên bờ hỏi vọng xuống:

- Cảm giác thế nào em?

Như cười nói đùa::

- Giống đang ở biển Sầm Sơn Thanh Hóa quê em vậy.

- Em thử xem nước ở đây thế nào?

Như cúi xuống nhúng tay vào nước, rồi đưa lên miệng nhẩm nhẩm, một lúc sau cô trả lời:

- Có vẻ là nước biển thật.

Tôi chợt cười trước câu trả lời dí dỏm của Như, bởi nước trong hồ dù có là biển nhân tạo đi chăng nữa, thì cũng là nguồn nước dẫn từ ngoài biển vào, chỉ khác là được lọc qua hệ thống lọc hiện đại để trở nên trong xanh hơn mà thôi. Tuy nhiên, thực tình mà nói, màu nước ở đây cho dù đã được lọc qua hệ thống máy lọc hiện đại, vẫn không thể so sánh được với màu nước biển xanh như ngọc ở nhiều nơi khác, có chăng nó chỉ khắc phục được phần nào màu nước đuc cố hữu ở biển Đồ Sơn mà thôi.

Đang lúc mải lo so sánh, tôi chợt thấy Như từ dưới biển đi trở lên, nên hỏi:

- Em lên thay dồ tắm biển chăng?

Như lắc đầu, buông ngay câu nói nghe thật là bội bạc:

- Chán chết.

- Vì sao?

- Đã mang tiếng đi tắm biển, mà biển chẳng có tí sóng nào, thì lấy gì làm vui.

À! Thì ra chân lý của dân đi biển, ngoài việc tắm mình trong làn nước mặn ra, biển cần phải có sóng để được đùa giởn, nhảy sóng, mới thật sự thích thú.

Chia tay bãi tắm Đồi Rồng, tôi và Như tiếp tục làm cuộc hành trình khám phá, xem biển Đồ Sơn có gì khác so với nhiều nơi?

Nhìn từ trên cao xuống, Đồ Sơn trông chẳng khác gì một con rồng, gồm 3 bán đảo nhỏ mang trên mình những rừng thông, rừng phi lao, bạt ngàn màu xanh, đang vươn mình ra niển lớn, cùng với điểm nhân là đảo Dấu, được ví von như một viên ngọc quí nổi lên giữa biển, tạo ra cảnh quan thiên nhiên vô cùng hùng vĩ. Đặc biệt, nơi đây còn gắn liền

với những bãi tắm khu 1, 2, 3, đầy thơ mộng, lãng mạn, từng được xem là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của miền Bắc. Cho dù, ở phía Bắc và phía Nam của quận Đồ Sơn, có 2 cửa sông Lạch Tray và Văn Úc nằm trong hệ thống sông Thái Bình mang phù sa đổ ra biển, cộng thêm việc quai đê lấn biển xây dựng khu các resort cao cấp, đã khiến cho nước biển ở bãi tắm khu 2 bị xem là đục như bát nước đất.

Thay vì cưỡi ngựa xem hoa, tôi và Như xuống xe ở đầu khu dân cư của quận Đồ Sơn, đi bộ thẳng tới quảng trường bề thế, có diện tích lên tới 2400 m2, được bài trí xung quanh nhiều tiểu cảnh cùng một bệ tượng, trên đó đặt tương đôi trâu chọi bằng đá đen, là biểu tương của lễ hội truyền thống chọi trâu của người dân vạn chài ở Đồ Sơn. Theo đó, lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa đã có từ thế kỷ thứ 18, mục đích là mưu cầu sự thịnh vượng, hạnh phúc, cho người dân đia phương. Tương truyền, vào ngày rằm tháng 8, người dân Đồ Sơn bỗng thấy xuất hiên một ông tiên, đang say sưa ngắm đôi trâu chọi trước cửa đên. Và. Từ đó lễ hội chọi trâu trở thành truyền thống trong đời sống tâm linh đối với người dân nơi đây. Còn dựa theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, dưới chân núi Đồ Sơn, thuộc huyện Nghi Dương, có đền thờ vị Thủy thần, tương truyền, một hôm có người bán thổ đi qua nơi này, nhìn thấy 2 con trâu chọi nhau dưới đền, nên hàng năm vào ngày mùng 9 tháng âm lịch, dân chúng Đồ Sơn có tục lệ chọi trâu tế thần. Nghe đâu, bên cạnh nhu cầu vui chơi, tìm hiểu thì, lễ hội cũng là dịp để người ta tưởng nhớ đến công ơn của vị thần đã duy trì kỷ cương làng xã, cũng như cầu nguyện cho “nhân khang, vật thịnh”; đồng thời, khẳng định tinh thần đoàn kết , duy trì ý thức cộng đồng.

Đi dọc hành lang bờ kè khu bãi tắm 1 trên đường Vạn Sơn, bọn tôi bắt gặp trên đường đi từ khu 1 đến khu 2, người ta cho đặt nhiểu ghế đá, dành cho khách ngồi nghỉ chân, ngắm biển; những thảm cỏ nhìn thấy mát rượi; những công viên cây xanh cắt xén tĩ mĩ hay những bao lơn ăn rộng ra biển . . . khá lý tưởng đối với những ai yêu thích khám phá, ăn uống, vui chơi, ngồi uống cà phê, hơn là chú tâm vào việc tắm biển. Bởi. Biển khu 1 thường hay có sóng to, địa hình nhiều đá nhọn sắc, do có nhièu hàu con đeo bám nơi vách đá; bù lại, ở phía bên đường đối diện, lại có nhiều điểm ăn uống, nhà hàng, khách sạn, nên rất thuận tiện cho việc vui chơi, lưu trú và nghỉ dưỡng.

Mải lo ngắm cảnh trời nước bao la, chừng ngó lại thấy một số đông gia đình mang theo phao bơi, dụng cụ lặn, băng ngang đường, đi xuống biển, tôi và Như mới hay mình đã về tới bãi tăm khu 2 lúc nào không biết.

Đây là bãi tắm được khách du lịch đánh giá khá tưởng, nên bất kỳ ai đến với biển Đồ Sơn đều ghé đến đây, vui chơi, tắm biển. Bởi. Bãi tắm khu 2 khá đẹp, thoáng rông, độ dốcbãi tắm thoai thoải, cát mịn, mực nước cạn, sóng nhẹ; đã vậy, trên bờ còn có nhiều điểm vui chơi, ăn uống, khách sạn cao cấp, biệt thự trên núi, dinh Bảo Đai, khu chợ Cầu Vòng . . . thu hút nhiều khách ghé thăm, nhất là các tour du lịch

Theo chân mọi người, bọn tôi vượt qua các bậc thang bằng xi măng, đi xuống bên

dưới, đặt chân lên bãi cát vàng mơ, bắt gặp quanh đây có khá nhiều hàng quán ăn

uống, các dịch vụ cho thuê ghế ngồi, cho thuê dù vải, phao . . . được sắp xếp khá gọn gàng, ngăn nắp. À! Tôi chợt nhớ, nhờ thời gian giản cách xã hội, phòng chống dịch Covit 19 vừa qua, mà bãi tắm khu 2 như được khoác lên mình một diện mạo mới, qua hình ảnh mọi thứ đều trở nên tinh tươm, sạch đẹp, thoáng đãng và đẹp mắt.

Đi men theo bờ nước ven biển, bọn tôi hòa mình vào sinh hoạt vui chơi, tắm biển, của mọi người. Tình cờ, nhìn thấy ai đó, vớt từ biển lên một con sứa biển to cở vài tay, chuyền cho mọi người xem thành quả của mình. Tò mò, Như cũng thử cầm trên tay con vật mềm nhũn, trong suốt, tưởng chùng có thể tuột khỏi bàn tay bất cứ lúc nào.

Nghe kể, loại sứa này không hề để lại sự ngứa ngáy nào trên con người, nên có thể chế biến thành món gỏi sứa ngon tuyệt cú mèo.

Sau một hồi dạo chơi dưới bãi, bọn tôi để ý thấy có rât nhiều chị phụ nữ, ghé ngồi

quanh những chiếc bàn được kê sát chân bờ kè, chờ ăn món có đề bảng “bánh đa nồi đất”, của một chị bán hàng rong. Được biết, đây là món ăn đặc sản của Hải Phòng, nổi tiếng không thua gì món chả cua bể Hải Phòng.


Ghé ngồi xuống dãy bàn đã có người ngồi, Như goi hai tô bánh đa cua cho tôi và cô ăn thử.

Có lẽ, đoán biết bọn tôi từ xa đến, nên một trong số các chị ngồi cùng bàn hỏi Như:

- Các em từ trong Nam ra đây đi du lịch hả?

Như chỉ tay sang tôi giới thiệu:

- Ban em mới là người ở trong Nam ra, còn em dân Thanh Hóa.

- Hai người là gì của nhau mà trông thật xứng đôi?

Như đỏ mặt cải chính:

- Bọn em mới là bạn của nhau thôi.

- Vậy mà chị cứ tưởng hai em là vợ chồng cơ đấy.

Hai tô bún nóng hổi được mang ra đặt trước mặt bọn tôi. Như thử dùng đũa kiểm tra xem thành phần món bánh đa nồi đất gồm có những gì. Này nhé, đây là là thịt cua đồng giả nhuyễn, nấu thành khối, kế đến chả thịt lợn, rồi chả cuốn lá lột, rau muông luộc, cà chua, nấm mèo thái mỏng, bánh đa đựng trong nồi đât, nước dùng, ăn kèm với rau sống, thêm chút ớt, nếu cần vắt trái quất thay chanh.

Xong. Như dùng muỗng húp thử một ít nước trong tô, trước khi cho biết ý kiến:

- Nước dùng có vị ngọt từ thịt, từ cua, nhưng mằn mặn, lờ lợ, ngang ngang, sao đó.

Nghe Như phát biểu như thế, một chị ngồi gần bên nói:

- Ngoài này không ai thích ăn vị ngọt của đường như trong Nam đâu em..

Như cười vả lả đáp:

- Vậy hả chị, nhưng em có phải người miền Nam đâu.

Trở lên bờ, bọn tôi được các tài xe điên mời chào, đưa đến thăm Dinh Bảo Đại nằm

trên đồi Vung, ngay sau bãi tắm khu 2. Nơi mà trước đây, khi còn làm Hoàng Đế rồi Quốc Trưởng nước Việt Nam, đồng thời cũng là vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, dùng là nơi làm việc, nghỉ ngơi.

Khác với những dinh thự nổi tiếng, Bạch Dinh Vũng Tàu, Dính 1, Dinh 2, Dinh 3 Đà Lạt, Dinh Bảo Đai Buôn Ma Thuột, Dinh Bảo Đại Nha Trang, Dinh Bảo Đại Thanh Hóa . . .

Dinh Bảo Đại ở Đồ Sơn, tuy cùng là kiến trúc Pháp nhưng lại nằm trên ngọn đồi thơ mộng, nhìn xuống một bên là biển Đồ Sơn, một bên là con đường với đầy hoa lá cùng chim muôn hót líu lo.


Từ nơi bán vé, tôi và Như đi bộ theo con đường dành cho xe hơi, chạy thắng tới khuôn viên rộng 3700 m2, bao gồm bãi cỏ rộng, vườn cây cảnh, đài phun nước, ngôi biệt thự hình bát giác, trên ngọn đồi cao 36 m so với mực nước biển. Theo sử sách, biệt thự rộng 1000 m2, do quan toàn quyền Pierre Pasquier xây dựng năm 1928, dành tặng cho vua Bảo Đại. Biệt thự gồm 3 tầng, tầng hầm dùng làm bếp ăn và là nơi thoát hiểm cho gia đình, tầng 2 và tầng thượng trên gác 3, là phòng ngủ của vua, hoàng hâu, các công chúa và hoàng tử

Để tận mắt chứng kiến những vật dụng của vua chúa, đang còn hiện hữu trong Dinh thự lộng lẫy, xa hoa này, trước hét bọn tôi phải vượt qua mấy bậc thềm bằng đá granit đen, sau đó mới có mặt đứng ở phòng khách. Đầu tiên, đập vào mắt mọi mgười là cặp ngà voi thay cho bức bình phong, kế đến là 2 chiếc ngai vua và hoàng hậu sơn son thiếp vàng, lộng che, mũ, áo hoàng bào, hài thêu, bộ lư hương đồng, 2 ảnh vua và hoàng hoàng hậu treo nơi tường. Đi sâu hơn vào bên trong là các phòng họp, phòng ăn, các tủ đựng tư liệu, hình ảnh của gia đình . . .

Tiếp tục đi lên tầng 2, tầng 3, là các phòng ngủ của vua, hoàng hậu, công chúa và các hoàng tử. Mỗi phòng đều được trang bị đầy đủ giường, tủ, bàn trang điêm, bàn làm việc, điện thoại, máy điều hòa, tv; đặc biệt, mỗi phòng đều có cửa sổ nhìn xuống biển Đồ Sơn cùng với cảnh vật bên ngoài. Được biết, từ giữa năm 1999, biệt thự đã cho phép du khách nghỉ lại qua đêm, nhờ vậy giải tỏa sự thắc mắc của tôi và Như, khi phát hiện bên trong các phòng ngủ đều được gắn máy lạnh cùng với truyền hình màu thế hệ mới.

Trở xuống bên dưới, bọn tôi quan sát quanh ngôi biệt thự thêm một lát, trước khi quay ra xe để kịp thời gian chạy đến khu 3, khám phá tiếp khu resort Hòn Dấu.

Kia rồi, từ bên đường nhìn sang cổng Hòn Dấu resort, tôi có cảm giác như đang đứng trước 2 chiếc quạt gió khổng lồ trên cánh đồng Hà Lan nào đó, khác chăng 2 tòa tháp xây dựng trước cổng vào khu resort, thiếu mất bộ đôi cánh quạt?

Resort Hòn Dấu nằm trên đồi Vạn Hoa, được xây dựng bởi mô hình có nhiều tiểu cảnh, bao gồm thác Cam Ly, Thung Lũng Tình Yêu, hồ cá sấu, vườn thú, lâu đài cổ tích, chuột Mickey, vịt Donald, Bạch Tuyết và 7 chú lùn, các khách sạn, bungalow, bãi biển tạo sóng nhân tao, bể bơi trẻ em, khu vui chơi cảm giác mạnh . . . giữa nơi chốn có đôi nét giống như cao nguyên Lâm Viên, nên được ví như một “Đà Lạt Thu nhỏ” ở Đồ Sơn.

Thắc mắc với tên gọi Đà Lạt thu nhỏ, tôi và Như quyết đình, trước mắt mua vé tham quan khu resort, sau mới xem qua Đà Lạt ở đây như thế nào?

Đưa vé cho nhân viên kiểm soát ở ngay đầu những bậc thang, nơi có bảng chỉ đường lên Đà Lạt Thu Nhỏ xong, bọn tôi cứ tưởng điểm đến Đà Lạt nằm rất gần đâu đó, nhưng càng đi càng thấy cái hành lang cạnh bên sườn đồi, mỗi lúc một dài ra vô tận, với một bên là những rừng thông dựng đứng khoe tàn lá trên cao, một bên là khu vui chơi cảm giác mạnh, hồ bơi dành cho trẻ em ở ngay dưới chân, thích hợp cho những ai yêu thích chụp hình sống ảo.

Cuối cùng, chiếc cổng ghi hàng chữ “Welcome to Đà Lạt Thu Nhỏ”, với phía sau là

bảng chỉ đường tới các điểm thăm viếng, vui chơi như: Đền Nữ Thần Tình Yêu, khu

trung bày tượng 12 con giáp, thác Cam Ly, cầu treo, khu vườn thú, Thung Lũng Tình Yêu. . .

Bước qua cổng chào, bọn tôi đứng đối diện với một bên là nhà hàng Hoa Biển, một bên là Đền Nữ Thần Tình Yêu.

Đến đây tôi buột phải hỏi ý kiến Như:

- Em muốn đi hướng nào?

Cô đáp gọn lỏn:

- Dĩ nhiên! Em chọn đường lên đền Nữ Thần, vì em là con gái mà..

Leo hơn chục bậc thang, bọn tôi đi dưới biểu tượng bàn tay nắm lấy bàn tay, lên đứng ở khoảng sân rộng có nhiều cây cao bóng mát, nhìn lên thấy ngôi dền nằm tít trên cao nên tôi ái ngại hỏi Như:

- Thế nào em, có leo lên đền nổi không?

Như trả lời rất tự tin:

- Anh tới đâu em tới đó.

- Vậy mình tiếp tục nhé?

Vừa đi bên tôi, leo tiếp các bậc thang, Như vừa hỏi:

- Nữ thần ở đây tên gì anh biết không?

- Anh nghe gọi là Leo Tarra hay sao đó.

- Còn vị nữ thần tình yêu mà thế giới hay nhắc?

- Trong thần thoại Hy Lạp, vị nữ thần tình yêu, sắc đẹp, niềm vui và sự sinh nở, chính là thần Aphrodite, vị thần này gắn liền với sao Kim Tinh, là hành tinh đặt theo tên nữ thần La Mã-Venus. Ngoài ra, nữ thần còn là đề tài của rất nhiều kiệt tác nghệ thuật hội họa, thơ ca, cùng với hàng triệu trái tim con người đang yêu; đồng thời, là một trong 12 vị thần trên đỉnh Olympus.

- Còn thần nào luôn mang theo một cây cung và những mũi tên ái tình bên mình?

- Đó là thần Eros, vị thần của tình yêu.

Từ xa, hiện ra trước mắt tôi và Như, ngôi đền có lối kiến trúc hình lục giác, gồm có các tầng mái ngói cong vút; những chiếc cửa cách điệu hình mái vòm không cánh, có thể nhìn thấy tận bên trong cái phù điêu hình tứ giác, không rõ trên đó khắc gì.

Vòng ra phía sau đền, đi một đoạn, bọn tôi gặp cổng vào khu vui chơi cùng với khu trưng bày tượng 12 con giáp, được cách điệu bằng các hình nhân mang đầu những con thú. Điều này, nhắc tôi chợt nhớ lại chuyện tranh cải ồn ào một dạo, về các tượng khỏa thân nơi 12 con giáp, từng bị người dân và báo chí phản đối rầm rộ. Có lẽ, ví lý do nhạy cản đó, mà hiện nay khu vực trưng bày tượng 12 con giáp, tạm thời che chắn bằng những tấm pa-nô quảng cáo, nhưng không cấm người vào xem.

Rời khỏi nơi đây, bọn tôi tiếp tục khám phá khu cầu treo, động ma, thung lũng tình yêu, khu vườn thú, trước khi kết thúc buổi tham quan Đà Lạt thu nhỏ, bằng sự có mặt tại hồ bơi tạo sống liên hoàng, có view nhìn thẳng ra biển đẹp tuyệt vời.

Thật vậy, đây là hồ bơi tạo sóng nhân tạo lớn nhât Châu Á, nằm giữa không gian rộng 6,7 ha, gồm có hệ thống lọc và sử lý nước hiện đai nhất Châu Á, có thể lọc hầu hết các cặn bã do nguồn nước biển chảy vào bể bơi. Chính nhờ vây mà, bể bơi loại này đã giúp cho con người cảm nhận được yếu tố tự nhiên và đúng nghĩa là bãi tắm bao gồm cả những con sóng.

Nhắc tới sóng, tôi chơt nhớ lý do tai sao trước đây Như chê bãi tắm ở Đầu Rồng là vậy, song hôm nay với bãi tắm đúng như ý cô, liệu cô sẽ như thế nào?

Tôi nói với cô:

- Biển ở đây có đầy đủ sóng nè, em có muốn xuống bơi không?

Như đáp:

- Giờ thì em cảm thấy hết hứng thú rồi.

- Em nghĩ sao về cái được gọi là Đà Lạt thu nhỏ này?

Như nhún vai trả lời:

- Gọi thế chỉ tội cho Đà Lạt thôi, bởi ở Hòn Dấu chỉ có vài đồi thông, vài căn nhà gỗ, còn thác Cam Ly hay Thung Lũng Tình Yêu chỉ gọi cho có tên,.trong khi Đà lạt là vùng đất của những rừng thông bạt ngàn, của những cánh đồng hoa rực rỡ, của mù sương nối tiếp mù sương qua từng ngọn đồi . . . . đáng yêu qua các tên gọi: “Thành Phố Mộng Mơ

- Thành Phố Mù Sương - Thành Phố Ngàn Hoa - Thành Phố Của Tình Yêu”.

- Em so sánh như thế không sợ người Hải Phòng buồn ư?

- Sự thật là vậy, em có nói ngoa đâu, ai không tin thì vào Đà Lạt kiểm chứng; ngược lại, Đồ Sơn có Casino trên đồi 9 ngọn đẹp hết biết luôn.

- Ý em muốn nhắc đến Casino Đồ Sơn chứ gì?

- Hi hi.

Từ Resort Hòn Dấu, tôi và Như chọn cách đi bộ lên casino Đồ Sơn, để được tự do nhìn ngắm cảnh vật nằm dọc 2 bên đường cực kỳ xinh đẹp và lãng mạn, thoạt nhìn cứ ngỡ như đang leo dốc lên tháp truyền hình Namsan Seoul Tower, bối cảnh trong bộ phim “Vườn Sao Băng” của Hàn Quốc.

Thích quá, Như đi sát vào tôi, chụp vài bức ảnh kỷ niệm chuyến đi, rồi nói:

- Mai mốt ai hỏi em có người yêu chưa, em sẽ đưa ảnh ra khoe và nói là đi chơi Đồ

Sơn với “bồ”.

Tôi đùa lại với cô:

- Hay mình làm tình nhân của nhau đi?

Như hỏi:

- Tình nhân là sao?

- Tình nhân có thể là người yêu, người đang yêu hoặc nam nữ có tình cảm với nhau.

- Đơn giản vậy sao?

- Đơn giản bởi em vẫn là em, anh vẫn là anh, nhà ai nấy ở, không cần để ý đến nhau, không cần biết người kia đang nghĩ gì, làm gì, miễn khi cần là có mặt, nhờ thế mà hai người vẫn luôn là người yêu tuyệt vời của nhau.

Như gật đầu đồng ý::

- Ô! Vui nhỉ, vậy chúng ta thử chơi trò đó, bắt đầu luôn từ bây giờ nha anh yêu?

Xa xa, nơi phía trước cổng ra vào tòa lâu đài Casino Đồ Sơn, bọn tôi thấy có vài nữ du khách đang đứng chụp hình tự sướng, hay một hai youtuber trông rât quen mặt, đang điều khiển flycam quay cảnh sòng bạc.nơi đây?

Đến nơi, tôi hỏi thăm một anh bạn đứng gần cổng vào:

- Không vào được hả anh?

Người này đáp:

- Ai có quốc tịch nước ngoài mới được vào, còn dân trong nước phải thỏa mãn một số điều kiện.

Biết sao bây giờ, bọn tôi đành đứng nhìn tòa lâu đài Vạn Hoa nằm xa tít ở tận bên trong với sự nuối tiếc.

Nhân lúc thấy bác bảo vệ vui tính, tôi bèn hỏi dò và được biết:

- Chủ nhân là đôi vợ chồng, vơ người Đồ Sơn, chồng người Pháp tên Xít-Tông, họ có cả thảy 2 con gái một con trai. Và.Tòa lâu đài được xây dựng theo phong cách Châu Âu thời Phục Hưng, gồm 2 tháp nhọn, do kiến trúc sư người Pháp, cũng chính là người thiết kế xây dưng công trình nhà hát lớn Hải Phòng, trong gần 2 năm 1936-1938.

Tôi thắc mắc hỏi:

- Sao lại có giai thoại nói, hồi những năm 20 của thế kỷ trước, có cô gái người Hải

Phòng nào đó, đã may mắn trúng được món tiền lớn từ sổ xố Đông Dương. Do không biết dùng số tiền lớn đó vào việc gì, nên cô đã mua cả ngọn đồi 9 ngọn và xây dựng nó thành tòa lâu đài xa hoa, lộng lẫy này?

Bác bảo vệ nói:

- Mới đầu, tòa lâu đài được xây dựng thành một hotel có sàn nhảy hẳn hoi, đến năm 1992 nó được giao cho Cty liên doanh du lịch Quốc Tế Hải Phòng khai thác. Và, đến năm 1995 thì Casino Đồ Sơn đi vào hoạt động, đồng thời để lại nhiều giai thoại. Một trong những giai thoại đáng chú ý mang tên Tăng Phát Bảo, quốc tịch Mỹ gốc Hoa, bị bắt năm 2004 qua vụ buôn bán quota hàng dêt may. Ông này được biết là, người từng có tên trong Hội Đồng Quản Trị sòng bạc Las Vegas, thủ phủ cờ bạc nổi tiếng thế giới, đồng thời cũng là chủ nhân Casino Đồ Sơn.

- Có tin nói là Casino Đồ Sơn bị đóng cửa và bỏ hoang là chuyện thật hay chỉ là tin đồn vậy bác?

- Sự thật thì sòng bạc được chuyển xuống khu khách san dưới thung lũng Xanh, còn tòa lâu đài hiện nay đang bị bỏ hoang phế.

Ồ! Thì ra, Casino Đồ Sơn được dời xuống dãy khách sạn cao 4 tầng, là khách sạn

Quốc Tế 4 sao duy nhất có mặt tai thành phố Hải Phòng, tọa lạc dưới thung lũng Xanh, chứ không phải bị đóng cửa như tin đồn.

Như thắc mắc hỏi:

- Dời xuống khách sạn bên dưới rồi có cho người mình vô tham quan không bác?

- Được! Nếu cô thỏa mãn một số qui định đại khái như: Trên 21 tuổi. Có chứng minh đủ năng lực tài chính để tham gia hoặc thuộc diện chịu thuế thu nhập loai 3 trở lên. Phải mua vé 1 triêu đồng cho 24 giờ hoặc 25 triệu đồng 1 tháng . . . .

- Điều kiện khó quá, thà đề dành tiền đi du lịch qua Campuchia, ghé Casino Naga

World chơi đâu phải mất tiền vé.

Tôi đùa:

- Sao không qua Mã đi cáp trẹo lên Genting chơi cho đáng đồng tiền bát gạo hơn, vì ở đó ngoài casino ra còn có các khu mua sắm, khu vui chơi, phòng hòa nhạc, nhà hàng, gần 100 nhà buôn bán lẻ, đặc biệt, còn có nhà VN bán món gỏi cuốn và món chả giò ăn một cuốn no tới chiều.

Trong lúc quay ra định đi về, Như tình cờ nhìn thấy hình ảnh đảo Hòn Dấu đang phát trên You tube do flycam ghi lại, cô bèn níu lấy cánh tay tôi nũng nịu nói:

- Anh yêu! Đảo Hòn Dấu xinh đẹp quá trời, hay tiện thể mình ra đó chơi một chuyến, rồi chờ hôm sau đi tiếp ra Vịnh Hạ Long?

Nghe có lý, tôi cùng Như ngồi xe điện, nhờ chở đến Bến Nghiêng, nơi mà vào thế kỷ XI (1058) vua Lý Thánh Tông, đã từng ngự giá đến đây thị sát, trong giấc mơ nhà vua bắt gặp một con rồng vàng, bèn cho xây dựng một tòa tháp và đặt tên Tường Long. Ngôi tháp, trước hết được dùng vào mục đích tôn giáo, sau là trạm quan sát tiền tiêu, bảo vệ bờ cõi quốc gia Đại Việt, trước hiểm họa xâm lăng từ mặt biển Đông Bắc.

Tại bến Nghiêng, ngay phía sau lưng tôi và Như là ngọn núi thuộc dãy Cửu Long vươn mình ra biển, phía trước là bãi tắm khu 2 nhìn ra cửa biển Ba Lộ. Dựa theo lịch sử, năm 1900 thực dân Pháp đã cho xây dựng tại Đồ Sơn, một quân cảng nhỏ, có độ dốc thoai thoải khoảng 5 độ, dùng để xe tăng đổ bộ xâm lược nước ta, do đó mà được gọi tên bến Nghiêng. Sau tháng 5 năm 1954 kháng chiến thành công, thì ngày 13 tháng 5 năm 1955 những người lính thực dân cuối cùng, cũng phải rút khỏi miền Bắc tại bến Nghiêng lịch sở này.

Hiện nay, ngoài việc bến Nghiêng là địa chỉ di tích lịch sử ra, còn là nơi xuất phát

những chuyến tàu du lich đưa khách ra khám phá đảo Dấu, đảo Cát Bà, Vịnh Hạ Long và cả Móng Cái.

Để ra đảo Dấu, hay đảo Dáu theo tiếng đia phương, bọn tôi phải ngồi tàu thủy, di

chuyển trên biển mất 20 phút. Từ xa, mọi người trên tàu đã trông thấy đảo Dấu như con mắt 9 rồng nơi Đồ Sơn đang chầu về.

Việc làm đầu tiên của tôi và Như khi thuyền cặp cầu cảng là đi theo bảng chỉ dẫn, rẽ trái để ghé đến đền Nam Hải Đại Thần Vương chiêm bái. Ngôi đền nhỏ, chạm khắc cầu kỳ,tọa lạc ngay sát mép biển, dưới bóng những tàn cây cổ thụ. Nghe kể, ngôi đền rất thiêng đối với người dân Đồ Sơn và ngư dân miền Duyên hải Bắc Bộ. Tương truyền, trong đêm quyết chiến với giặc Nguyên Mông ở cửa sông Bạch Đằng năm 1288, khi trời sẩm tối các ngư dân đánh bắt cá gần đảo Dấu, bỗng phát hiện một thi thể không đầu nổi trên mặt nước. Đốt đuốc tới gần, mới nhận ra người này mặc trang phục võ quan Đại Việt nhà Trần, trôi dạt, về đây, nên hè nhau mang xác ngài lên đảo, chờ sáng hôm sau tiến hành lễ mai táng. Không ngờ, sáng hôm sau khi dân làng trở ra thì thấy thi thể đã được mối phủ kín thành ngôi mộ khổng lồ. Người ta tin đây là điềm ứng, bèn cho lập miếu thờ thờ vị võ tướng này.

Theo sách Đại Nam Nhất Thông Chí , vào thời Hậu Lê, vua Lê ngự giá kinh lý vùng Đồ Sơn và nghỉ đêm trên đảo Dấu, đeêm đó nhà vua đã mơ thấy một ông già râu tóc bạ phơ, vai đeo chiếc giỏ, xung mình là Thần đảo. Sáng ra, sau kgi lên thuyền nhà vua kể lại câu chuyện cho các quan hầu cận nghe, rồi nói “nếu là thần đảo xin hãy cho ta thấy một báo ứng. Vừa nói dứt lời, có một con cá quẫy mạnh nhảy lên thuyền. Thấy linh nghiệm, vua bèn sắc phong cho tước hiệu Lão Đảo Đại Thần Vương, sau đó truyền trăm họ lập đền thờ thờ phụng. Lần khác, trong một lần kinh lý ra Bắc, khi vua Tự Đức đi thuyền ngang qua ngôi đền thì gặp phải sóng to gió lớn, Vua bèn lệnh cho dừng thuyền, để ngài lên đền khấn vái, khi Vua vừa bái lại xong thì, liền ngay sau đó trời quang mây tạnh. Từ đó nhà vua phong cho ngôi đền tên Nam Hải Thần Vương.

Lui ra, từ đền thờ Nam Hải Thần Vương đi đến ngọn đèn biển Hòn Dấu , bọn tôi đi theo con đường độc đạo, rợp bóng cây xanh của khu rừng nguyên sinh, bao gồm các cây cổ thụ, thảm thực vật xanh mát, cùng quần thể 37 cây đa búp đỏ là đi sản Quốc Gia, những cây si, cây sanh, cây đa, cổ thụ thả những rể phụ to cở cổ tay, bám xuống đất tạo thêm thế vững chắc cho cây: đặc biệt, với câu khẩu hiệu gây suy nghĩ “ Đừng lấy đi gì ngoài những bức ảnh - Đừng để lại gì ngoài những dấu chân”.

Hải đăng Đảo Dấu, hay Đèn Biển Hòn Dấu do người Pháp xây dựng từ năm 1892 đến 1896 nhưng đến năm 1898 mới được đưa vào hoạt động Đây là một trong 3 tháp đèn xưa nhất ở nước ta, gồm có các hải đăng Mũi Khe Gà, hải đăng Vũng Tàu, hải đăng Hòn Dấu. Ban đầu, ngọn hải đăng được xây dựng cao 140 so với mức nước biển, gồm 1 tòa nhà 2 tầng cùng với tháp đèn cao 5 tầng, bằng những khối đá có hoa văn rất đẹp.

Sau, do chiến tranh tàn phá, dù đã có nhiều lần trùng tu, nhưng ngọn đèn biển không còn đẹp như lúc ban đầu.

Từ dưới chân đèn Hòn Dấu, tôi cùng Như leo hêt thảy 125 bậc thang xoắn ốc, bằng gỗ, lên đứng trên hành lang của tháp. Từ đây, phóng tầm mắt nhìn xa xa, bọn tôi chiêm ngưỡng trọn vẹn vẽ đẹp hùng vĩ nơi biển đảo cùng cảnh núi rừng bao la, nhất là trong buổi chiều tà, thì không còn gì thú vị và hạnh phúc cho bằng.


Để kịp giờ về lại thành phố Hải Phòng, tôi và như cảm thấy luyến tiếc khi phải chia tay đảo Dấu, nơi có phong cảnh đẹp chẳng khác gì chốn bồng lai tiên cảnh ở hạ giới.

Tạm biệt Đồ Sơn, tạm biệt nơi nghỉ mát, nghỉ dưỡng, có nhiều bãi tắm cùng phong

cảnh thật tuyệt vời, xứng đáng được xem là mảnh đất của nhiều huyền thoại cùng với non nước hữu tinh./.


MINH NGUYỄN