Đây là một buổi họp mặt thân tình, trao đổi về giá trị hiếu đễ, đời người, mà không quá nặng nề với từ ngữ triết luận cao siêu, với tôi hiếm gặp, nhưng thấy lòng nhẹ nhàng và thấu cảm. Đó là cuộc hội ngộ tại Lagi Farmstay (khu du lịch Cam Bình, thị xã La Gi) vào sáng ngày 8/8/2022 – Đơn giản với khu vườn đầy cây xanh, vài căn phòng nghỉ cấu trúc thanh thoát nằm bên chiếc ao đầy sen và cá kiểng… Thế mà “hội trường” từ một quầy bar và các loại băng gỗ, ghế bàn cà phê… được bày biện khá đẹp mắt, đã đông người đến dự từ sớm hơn giờ mời.
Buổi họp mặt “ngẫu hứng” của nhà thơ- bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, là người con của quê hương La Gi kết hợp về thăm quê nhân mùa Vu Lan và gặp gỡ những người thân, những anh em văn nghệ sĩ địa phương. Không những quanh quẩn khu vực trung tâm thị xã mà còn nhiều người từ xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam) là quê mẹ của anh cũng kịp đến. Với khoảng hơn 70 người có mặt trong một không khí thân mật, ấm áp và gần như suốt buổi trao đổi vẫn giữ được cái không gian vừa lắng đọng vừa chân tình. Bs Đỗ HồngNgọc bày tỏ – và đúng với thực tế ở những buổi nói chuyện về Thiền, về học Phật của anh- vẫn giữ cho mình thái độ cởi mở, bình dị, mang tính minh triết dẫu bao nhiêu người cũng đều đáng vui, cũng là chia sẻ…
Dù đề tài Bs. Đỗ Hồng Ngọc nói về “Thiền tập” đối với tuổi “Gió heo may đã về” và kể cả đối tượng bạn trẻ của thập niên 80 thế kỷ 20 quá quen ở báo Mực Tím ngày nào, thật sự là cuộc hội ngộ rất hồn nhiên. Cũng là điều đáng nghe để cảm nhận, bởi ý thức về “thân bệnh” có mối quan hệ với hành động hiếu hạnh, tri ân trong mùa Vu Lan như thế nào. Bs Đỗ Hồng Ngọc, như một thói quen khi ở vai “diễn giả” không bao giờ khệ nệ trang giấy, đề cương, tài liệu… mà có duyên biến hóa, liên hệ rất sinh động các vấn đề. Cái tư chất của một nhà thơ (với bút danh Đỗ Nghê- trước 1975)… luôn được chuyển tải một cách nhẹ nhàng với một phong cách ngôn ngữ đầy ấn tượng, cảm thông.
Dẫn dắt từ 4 câu thơ “Bông hồng cho Mẹ” của bs. Đỗ Hồng Ngọc viết trong mùa Vu Lan năm 2012- sau một năm ngày mẹ mất. Bs Đỗ Hồng Ngọc đến chùa cũng nhận được một đóa bông màu trắng (dành cho người không còn Mẹ), chợt anh rưng rưng nhớ: “Con cài bông hoa trắng/ Dành cho mẹ đóa hồng/ Mẹ nhớ gài lên ngực/ Ngoại chờ bên kia sông…” vì tin rằng mẹ mình sẽ gặp Ngoại, nên Mẹ phải mang đóa bông hồng. Bởi ý nghĩa Vu Lan- mùa báo hiếu, là sự tưởng nhớ công đức bậc sinh thành và tổ tiên theo truyền thống Phật giáo từ ngàn xưa.
Trong cuộc gặp gỡ này Bs.Đỗ Hồng Ngọc đã ra mắt và ghi tặng mọi người tập sách “Bông hồng cho mẹ & Những cảm nhận học Phật”, gồm 37 bài, dày 270 trang (do Chùa Phật học Xá Lợi ấn tống). Trong đó có nhiều đề tài anh đã từng viết trên nhiều tạp chí về văn hóa Phật giáo.Trên Youtube “bs. do hong ngoc”, anh với tư cách người “học Phật” mang đến nhiều khóa tu, một số tự viện ở thành phố Hồ Chí Minh những câu chuyện về Phật học và đời sống qua lăng kính của nhà khoa học, nhà thơ… Anh kể, sau một cơn bệnh thập tử nhất sinh, vượt qua cuộc đại phẫu sọ não, anh bắt đầu nghiền ngẫm về triết lý sống an nhiên của Phật giáo bằng tâm thế của một người “học Phật”. Anh với kiến thức y học căn bản của một Tiến sĩ y khoa quốc gia của Y khoa Đại học đường Sài Gòn (1969) và trải nghiệm nhiều năm là Giám đốc trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, cho nên anh khéo biểu đạt, biện giải từ tinh thần Thiền định, không theo cách nghĩ là phải ngồi yên một chỗ, buông xả, đến với “Thiền và Thở” mà anh dẫn dắt được người nghe với nhiều thi vị, khi coi đó là cách “điều khiển” sự thở. Anh kể chuyện bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, từng tốt nghiệp bác sĩ Nhi khoa ở Pháp năm 1941, do mắc bệnh lao phổi và phải qua bao ngặt nghèo trong cứu chữa, chịu mổ 7 lần và chỉ còn 2/3 lá phổi trái. Các chuyên gia y khoa dự đoán chỉ sống chừng hai năm thôi…Vậy mà bác sĩ Nguyễn Khắc Viện sống dài hơi thêm 50 năm, để lại nhiều công trình nghiên cứu, tác phẩm về y học, tư tưởng sống thanh niên. Có thể coi Bs Nguyễn Khắc Viện là “tiền bối” về phương pháp Thở Bụng mang lại điều kỳ diệu cho những người quan tâm đến sức khỏe sau này. Nhưng với Bs Đỗ Hồng Ngọc đã vừa ứng dụng Thở bụng vừa kết hợp Thiền định một cách khoa học, đơn giản và phù hợp với điều kiện cuộc sống của mỗi người.
Với người La Gi, giới học sinh, sinh viên và lứa tuổi đã trưởng thành rất ngưỡng mộ bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Cha mất sớm, mẹ tảo tần nuôi các con khôn lớn đã in sâu trong tâm hồn anh về một người mẹ bất tử trong đời. Ai cũng coi anh là một tấm gương thời trẻ, ở hoàn cảnh làng quê sau chiến tranh, nghèo khó nhưng đã vươn mình trong học tập và thành đạt. Ngôi trường Phan Bội Châu- Phan Thiết là bước đầu đưa anh kịp vào trường Đai học y khoa Sài Gòn rất sớm. Nhưng điều đáng ngạc nhiên, nể phục ở anh là đến nay, dưới tên Đỗ Hồng Ngọc có trên 50 đầu sách về các lĩnh vực Y học, Thiền học, Phật học và nhiều tập thơ, tập tạp bút văn học thuộc loại “hot” nhất, với một văn phong rất riêng, sắc sảo, trẻ trung…Càng quý anh ở cái tình quê hương, họ tộc luôn thấm đậm, nồng hậu mà trong sáng tác đã đong đầy nỗi nhớ thương. Tôi nhớ mấy câu thơ trong bài “Trên sông khói sóng” của Đỗ Nghê/Đỗ Hồng Ngọc-1971: “Người về Mường Mán về Sông Pha/ Người ra Mũi Né về Đại Nẫm/ Thương giọt chuông chiều Lạc Đạo xa”…Với bác sĩ- nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc luôn nặng tình như thế!
(Phan Chính)