văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, June 26, 2012

Trần Kiêm Đoàn * BẢO THÁP, Biểu tượng văn hóa cửa thiền giữa dòng thế tục

Tháp Báo Ân chùa Bằng A
Nghệ thuật kiến trúc đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa Phật giáo Đông cũng như Tây, quá khứ cũng như hiện tại. Nét kiến trúc tự căn bản đã mang nhiều ý nghĩa. Một ngôi chùa hay bảo tháp biết đặt đúng chỗ đã tự nói lên những điều thâm diệu mà ngôn từ bình thường từ miệng, từ chữ nghĩa không đủ sức nói lên. Những ngôi chùa thâm u, im lặng chìm trong thiên nhiên mây khói của Nhật Bản tự nó đã nói lên lời thiền tịnh. Những ngôi chùa ẩn hiện trong hang động hay ven sườn núi cheo leo của Tây Tạng tự nó là hỉnh ảnh tuyết sương của hành giả trên lối đạo an nhiên thiểu dục, vô thường. Những ngôi chùa với kiến trúc đồ sộ và màu sắc sặc sỡ của Trung Quốc mang đậm tính “nhập thể tướng, độ quần sinh” của hành giả Đại thừa. Bởi vậy, tuy chỉ là hình tướng phù vân, nhưng dáng vẻ riêng của mỗi công trình xây dựng đều mang dấu ấn của hướng tu, nếp nghĩ, lối sinh hoạt – điều kiện cơ bản cấu thành văn hóa – của một bộ phái hay một ngôi chùa.
  
Tháp Quán Thế Âm chùa Vĩnh Nghiêm
Bảo tháp là biểu tượng văn hóa cửa thiền. Có những ngôi tháp làm cho ngôi chùa tăng thêm sự thiêng liêng nổi tiếng: Đó là trưởng hợp bảo tháp (ngôi tháp cao quý).  Nhưng cũng có những ngôi tháp “phá cảnh” ngôi chùa, làm cho ngôi chùa ngày càng bị lãng quên và đi xuống.
Nhiều nghìn năm trước khi đạo Phật ra đời, “tháp” là nấm mồ của hàng vua chúa như Kim tự tháp ở Ai Cập, tháp Chàm ở nước ta. Sau ngày đức Phật Thích Ca nhập diệt, tháp trờ thành một biểu tượng thiêng liêng chứa kim thân xá lợi của đức Phật. Khái niệm về “tháp” thay đổi hoàn toàn từ hình thức cũng như về nội dung. Tháp trở thành một công trình mỹ thuật kiến trúc chùa viện và tháp là nơi trưng bày những di vật thiêng liêng của các bậc giác ngộ và thánh trí. Càng về sau, tự thân ngôi tháp hay tháp xây dựng trong quần thể của chùa viện được sử dụng linh động hơn làm nơi thờ phụng di vật kỷ niệm và tro cốt của hàng danh sư, đại tăng có công lớn với đất nước, xã hội, môn phái. Từng bước, nương theo sự “ứng dụng linh động” nầy, hàng vua chúa và hào phú đã lạm dụng đem quyền thế và tiền bạc biến bảo tháp cửa thiền thành nơi đựng tro cốt của hàng bạo chúa và phàm nhân. Đặc biệt tại một số vùng của các quốc gia có sự tiếp cận và pha trộn giữa đạo Phật và “tôn giáo dân gian” địa phương như xứ chùa tháp Miên, Nam Ấn, Nam Dương, Mã Lai... thì tháp chùa thường bị lợi dụng biến thành đền thờ và kho chứa tro cốt của Đa Thần giáo và Bái Vật giáo.

Bảo tháp trong mỹ thuật kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Trong nhiều đặc tính và hình tượng tiêu biểu của mỹ thuật kiến trúc chùa viện Phật giáo Việt Nam từ xưa đến nay, hình ảnh ngôi Tháp Chùa vẫn là hình ảnh biểu trưng cho tinh thần văn hóa Phật giáo. Mái chùa, bảo điện, hình tượng, quy mô... của một ngôi chùa có thể đổi thay theo hoàn cảnh văn hóa và nhu cầu thời đại, nhưng tháp chùa vẫn là một biểu tượng thiêng liêng nhất cho lịch sử và sức sống của một ngôi chùa.
Theo Kiêm Đạt trong Mỹ thuật Phật giáo:
Ba kiến trúc Phật Giáo cơ bản là Saitya (Chi đề), Vihâra (Tự) và Stupa (Tháp) đã tồn tại ở Việt Nam dưới nhiều dạng thức: Chùa ở dạng hang động, chùa ở dạng kiến trúc theo quy ước thường thấy và chùa ở dạng bảo tháp.
 Theo Từ Hải Từ Điển của Trung Hoa có viết như sau: Sách "Từ Vực" nói: Tháp là phù đồ, nơi chôn xương Phật, cũng gọi là Tháp bà, Phù đồ (hay Phù tề); còn có một tên nữa là Phù họa hay Phật Đồ đều là tiếng Phật; nó do chữ "Hãn đổ ba" (Stupa) hay "Xuất đô bà" (Dagoba) nói theo âm Hán Việt. Theo nghĩa đạo Phật, nó là mồ mã, là linh miếu. Về tầng tháp thì trong Kinh Niết Bàn, quyển 41, có chỉ cách xây tháp: Phật tháp thì 13 tầng, Bích Chi Phật tháp thì 11 tầng, A La Hán tháp thì 4 tầng... Còn Tháp của vị Chuyển Luân Vương thì chẳng nên xây tầng; là vì vị Chuyển Pháp Luân chưa thoát khỏi các mối khổ trong tam giới.
Tháp Ấn Tôn chùa Từ Đàm

Phù đồ, bảo tháp là biểu tượng thiêng liêng nhất trong kiến trúc Phật giáo. Tại đất Phật Ấn Độ, phù đồ được coi như là chính sự hiện diện của đức Phật. Các tu sĩ chỉ cần một chỗ trú ngụ tạm thời trong những hang động hay những gian nhà đơn sơ trong rừng cây. Những cơ sở quy mô, đẹp đẽ thì chỉ được dùng trong việc thờ phụng. Khi Phật giáo được truyền sang Trung Quốc và Việt Nam, song song với sự phát triển của giáo pháp Đại Thừa, tháp và chùa phát triển đồng bộ trên căn bản “chùa thờ Phật, tháp hướng Phật”. Mỗi bảo tháp được xây dựng như phần tinh hoa hướng Phật của chùa. Tháp trở thành chiếc cầu tâm linh giữa người tu và chư Phật. Do vậy, những giáo phái Phật giáo khác nhau cũng đã có những lý giải khác nhau về tháp. Như Tịnh Độ Tông thì thiên về hình tượng các tầng tháp là biểu trưng cho các kiếp tu (Tam phẩm vãng sanh) như loại tháp Hoà Phong (chùa Dâu - Bắc Ninh), tháp Cửu Phẩm Liên Hoa (chùa Động Ngọ - Hải Hưng), tháp Bút (Hà Bắc). Phật giáo Mật Tông thiên về loại hình “Cối Kinh” . Phật Giáo Tiểu thừa lại thiên về loại tháp "bát úp" xây theo hình quả chuông.Những ngôi tháp nầy chính là ngôi đền thờ, trong đó thờ đức Thích Ca Mâu Ni.
Đạo Phật Việt Nam đời Lý (1010-1225) và đời Trần (1226-1400) đã có sự chuyển biến đồng hành với tinh thần độc lập dân tộc. Mặc dầu ảnh hưởng của một một nền Phật học Hán Tạng du nhập từ Trung Quốc quá lâu dài và nặng nề; nhưng sự vươn mình của đạo Phật Việt Nam ra khỏi quán tính Trung Hoa không bao giờ ngừng nghĩ. Thể hiện đậm nét nhất là nghệ thuật kiến trúc chùa tháp:  Điện Phật được mở ra rộng rãi hơn và thờ ngôi Tam Bảo là chính. Những bảo tháp không còn được đặt vị trí trung tâm, mà được xây trước chùa hay hai bên chùa. Có bốn bảo tháp lớn được xây dưới triều Lý Thánh Tông là: Tháp Báo Thiên (1057) tháp Tường Long (1059), tháp chùa Phật Tích (1066) và tháp Thăng Bình (1068). Vua Lý Nhân Tông cũng cho xây rất nhiều tháp. Có những tháp phải xây trong nhiều năm mới hoàn tất.
Vào đời nhà Lý các tháp thường là kiến trúc chính, là trung tâm điểm của toàn bộ ngôi chùa. Tuy nhiên các tháp của đời Trần đều là những kiến trúc có tính chất phụ thêm cho quần thể chùa chiền.
Các bảo tháp xây dựng đời nhà Trần là sự tiếp nối công trình xây dựng đời Lý. số lượng khá nhiều, có vị trí quan trọng trong kiến trúc Phật Giáo của giai đoạn nầy. So với những tháp đời Lý, tháp đời Trần có kích thước và hình dáng thanh và gọn hơn, tuy nhiên, mô thức đại cương đều giống nhau. Những ngôi tháp nầy được dựng lên với mục đích làm nơi thờ Phật và lưu giữ những di tích mang tính chất kỷ niệm của Phật giáo. Điển hình là các tháp Phổ Minh (Hà Nam Ninh), tháp Bình Sơn (Lập Thạch, Vĩnh Phú) tháp Bảo Thắng (Quỳnh Lâm, Quảng Ninh)... Cũng có tháp để làm mộ của các sư tăng, như các tháp của vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang (Trúc Lâm tam Tổ) ở Trúc Lâm Yên Tử.
Qua đời Lê, Nguyễn thì sự phát triển chùa chiền ứng hợp với sinh hoạt xã hội trực tiếp hơn là ở tầm cao mang tính tượng trưng thời Lý Trần. Tuy những hình thức bảo tháp cũng được tôn vinh và phát huy xây dựng khắp nơi nhưng không trở thành trung tâm điểm của một ngôi chùa hay một quần thể chùa chiền.
Phần lớn những bảo tháp thời Lý Trần có tuổi cả 1000 năm thì chỉ còn lưu tên gọi hay ở dạng phế tích, cổ sử hoặc vẫn tồn tại dưới dáng vẻ tôn tạo, phục chế hay trùng tu. Ngày nay, các bảo tháp còn tồn tại gần với sơ bản nguyên thủy nhất là các bảo tháp đời Nguyễn. Số lượng nhiều nhất là ở Huế.
Tháp Phước Duyên chùa Linh Mụ

 Hành hương qua bảo tháp 
Mùa Xuân năm nay, 2012, tôi có dịp viếng một số bảo tháp của các chùa Việt Nam. Tháp cổ xưa tuổi cả ngàn năm như chùa Bảo Tháp ở Thanh Trì bên bờ sông Nhuệ. Tháp xây khi tôi còn là thanh niên như tháp Vĩnh Nghiêm ở Sài gòn. Tháp mới tạo dựng còn nước sơn nguyên thủy đầu tiên như tháp chùa Linh Ứng ở Bãi bụt Đà Nẵng. Tháp mới nhất là tháp chùa Từ Đàm ở Huế.
Nếu khách hành hương hiếu kỳ với những con số “kỷ lục” thì viếng Tháp Báo Ân (Hà Nội). Tháp được xây dựng trong khuôn viên chùa Bằng A. Đây là ngôi bảo tháp cao nhất ở Việt Nam mà tôi được viếng. Tháp có 13 tầng, cao 57 mét. Bên trong thờ 104 pho tượng đức Phật Thích Ca bằng đồng. Chung quanh tháp có 4 pho tượng tứ trấn Thiên Vương bằng đá. Trên 8 cửa ở tầng 1 có 8 pho sách đúc bằng đồng, chạm nổi những bài thiền kệ. Bên cạnh tháp là 18 pho tượng La Hán. Khi đứng ngoài, từ xa nhìn tới và từ dưới nhìn lên, ban đầu tôi có một cảm giác hơi lạc lõng vì dáng tháp quá cao, vượt hẳn với quần thể chung quanh. Nhưng khi vào bên trong, nội dung bài trí nghệ thuật và hòa điệu tạo nên một cảm giác thanh thản và an lạc.
Trên đường từ Bắc vào Nam, nếu vẫn còn thích chút lãng mạn đá mòn, rêu nhạt thành cổ, đường xưa... thì nên dừng chân ở Huế là nơi vẫn còn  nhiều bảo tháp. Những bảo tháp rất cổ nhưng vẫn còn đứng vững với thời gian là tháp Phước Duyên chùa Linh Mụ, tháp Bồ Đề chùa Từ Hiếu, tháp Nguyên Thiều chùa Quốc Ân, tháp Liễu Quán chùa Thuyền Tôn... và bảo tháp mới nhất ở Huế là tháp Ấn Tôn chùa Từ Đàm, xây dựng và hoàn thành cùng thời với việc đại trùng tu chùa vào năm 2009. Tháp có 7 tầng, cao 27 mét. Bên trong đặt tượng Phật 7 đời trong quá khứ. Tháp có tên Ấn Tôn vì nguyên gốc chùa Từ Đàm do thiền sư Minh Hoằng - Tử Dung khai sơn vào thế kỷ 17 lấy tên là Ấn Tôn có nghĩa là lấy sự truyền tâm làm tôn chỉ. Năm 1703, chúa Nguyễn Phúc Chu sắc phong cho chùa là “Sắc Tứ Ấn Tôn Tự”. Đến năm Thiệu Trị 1841, chùa được đổi tên là Từ Đàm, có nghĩa là đám mây lành.
Nếu ở Huế, tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ tạo nên hình tượng bảo tháp như một lời thơ thiền hòa điệu với cảnh chùa và thiên nhiên, sông núi bao la thì ngược lại, tháp Ấn Tôn chùa Từ Đàm làm cho không gian tự nhiên của tổng thể ngôi chùa bé lại vì kiến trúc đồ sộ của khung kỹ thuật đã vượt lên phần mỹ thuật. Hơn thế nữa, bảo tháp thường hiện hữu giữa cảnh núi sông chứ núi sông không hiện sinh từ trong lòng bảo tháp.
Trước khi về lại xứ sở vắng bóng “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ...” tôi đến viếng tháp Vĩnh Nghiêm. Bốn mươi năm tôi mới về thăm lại chùa Vĩnh Nghiêm Sài gòn (cũng có một chùa Vĩnh Nghiêm khác ở miền Bắc). Từ xa đã thấy tháp Quán Thế Âm chùa Vĩnh  Nghiêm sừng sững với dáng uy nghi, cân đối và mỹ thuật. Tháp có 7 tầng, cao 40m, nằm phía bên phải cổng tam quan. Gần 20 năm sau, 1982, một tháp khác của chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng bên phải, cao 25m, nằm phía đằng sau chùa ở một vị trí khuất và kín đáo với khu vực công cộng. Đây là tháp cất giữ tro cốt người quá vãng đựng trong những bình sành do thân nhân mang tới ký tự với nhà chùa. Tháp tro cốt được đặt tên là “Tháp Xá lợi Cộng Đồng”! Đã có rất nhiều ý kiến góp ý về cụm từ “xá lợi” không thích hợp vì đây là tháp đựng tro cốt của người thường chứ không phải là “xá lợi” của các bậc tôn đức. Hiện nay tháp tro cốt chứa trên hai mươi mấy ngàn bình đựng thi hài người đã tịch diệt.
Năm 2003, một ngôi tháp bằng đá đặc, được khắc chạm đầy nghệ thuật, được dựng lên bên trái của chùa để thờ vị sáng lập chùa là hoà thượng Thích Thanh Kiểm và Thích Tâm Giác.
Khi bàn về hình ảnh “tháp chùa trong Văn Hóa Phật Giáo”, cách bố trí các ngôi tháp của Chùa Vĩnh Nghiêm đã cho tôi một ấn tượng khá sâu sắc. Nhà chùa có sự phân định rạch ròi: Đâu nơi thờ Phật (tháp Quán Thế Âm), đâu là nơi thờ Tổ khai sáng (tháp Đá), đâu là nơi phổ độ vong linh đại chúng (tháp Cộng đồng).
Thời Minh Trị, thiền sư Minh Đăng Tuệ Minzu Kaishiwa đã ban nội chỉ cho chư Tăng trước bảo tháp Kinkaku-ji ở Kyoto (1377), lời nhắn nhủ đã được nhắc nhở lại ngay sau trận động đất 2011: “Kiến thức vững vàng về các nguyên lý Phật học, khả năng ứng dụng và điều hợp nghiêm cẩn theo truyền thống văn hóa cửa thiền và ý hướng phát huy tình thần vô ngã không dính mắc là những công hạnh hàng đầu trong việc hộ trì Tam bảo của những vị trú trì tôn túc xưa nay. Đồng thời, đó cũng là nền tảng xây dựng bảo tháp tự chân tâm chứ không phải bằng xi măng và đá gạch đẽo, khiêng mang đến từ bên ngoài nên sẽ không có thiên tai nào phá hủy được”. (Kaishiwa, Japanese Stupas. 2011)
Khi có tin các thầy địa lý nổi tiếng của Trung Quốc ra tay cho xây dựng những tháp chùa để trấn yểm sự hưng thịnh của Phật giáo phương Nam, Tuệ Quang Tổ Sư đời Trần ghi trong pháp chỉ về nguyên tắc xây dựng chùa tháp như sau: 
Chánh đạo bất kinh phong thủy bá
Chân tâm vô úy điện lôi thần
Tả, hữu, tiền đình duy Phật tháp
Bàng viên hậu điện vọng linh am

Tạm dịch: 
Chánh đạo sá gì trò phong thủy
Chân tâm chẳng sợ sấm hung thần
Phải, trái, tiền đường xây tháp Phật
Vườn bên, nhà hậu cúng am linh

Nghĩa là khi xây dựng chùa tháp đúng chỗ như: Bên phải, bên trái, phía trước xây bảo tháp thờ Phật và vườn cạnh sau chùa có am vọng linh là đi đúng với chánh đạo, tâm thành thì chẳng còn lo gì chuyện phong thủy, sấm sét tinh ma đầy hư vọng.

Đạo Phật nhập thế không đồng nghĩa với thế tục hóa
Khuynh hướng “nhập thế, cứu thế” của Phật giáo Đại Thừa ngày càng thể hiện rõ nét trong xã hội ngày nay. Nhưng sự quan ngại lớn nhất của quá trình “đem đạo vào đời để cứu đời” là khả năng an trú trong giới luật của hàng tăng lữ và sức cuốn hút của tham ái giữa cuộc đời thường. Cuộc đối mặt giữa thánh và phàm đang trở thành một sự thách thức trực tiếp. Tuy thể hiện khi ẩn, khi tàng, khi biến tướng dưới muôn vàn hình thái nhưng vô cùng bạo liệt.
Nói đến đạo Phật, người ta thường nghĩ ngay đến nguyên lý nhà Phật là “vạn pháp giai thị Phật pháp”, nghĩa là toàn thể cuộc sống chẳng có gì bí ẩn vượt ra ngoài tầm nhìn của nhà Phật. Tuy nhiên, mỗi vật, mỗi việc, mỗi sự vật không khác nhau về bản chất tuyệt đối (tánh); nhưng lại đều khác nhau hình thái, dáng vẻ (tướng) và cách tác động, sinh hoạt, vận hành (dụng). Tất cả các bảo tháp xưa nay đều không khác nhau về tính rỗng lặng và quá trình biến hoại không ngừng nhưng lại khác nhau về hình thể, về cách sử dụng của nhà chùa nơi dựng tháp. Văn hóa chùa tháp là văn hóa tâm linh tiềm ẩn hay hiển lộ trong suối nguồn giáo lý nhà Phật. Bởi vậy, chùa tháp là nơi thờ tự và ngưỡng vọng. Tuyệt nhiên không phải là nơi trưng bày, cúng tế, lễ lạc mang nặng tính chất cầu xin, khoe mẽ hay mua bán. Những ngôi bảo tháp mà người viết có dịp trình bày trên đây, tuy có lịch sử cách xa nhau hàng nghìn năm nhưng đều có chung một đặc tính lịch sử là thanh tịnh, thiêng liêng. Chưa có trường hợp bảo tháp bị các hàng giáo phẩm tự viện lạm dụng, biến tướng thành những ngôi tháp chứa tro cốt nặng tính thị trường hơn là thuần khiết tôn giáo.
Đặc biệt là trong một hoàn cảnh văn hóa mới của người Việt Nam đang sống ở nước ngoài, tính “dụng” của chùa tháp đang bị thách đố không ngừng trước khuynh hướng “thế tục hóa”.  Có thể đơn cử một trường hợp tham khảo (a case study) như sau:
Một ngôi chùa Việt Nam ở Mỹ vừa được tôn tạo với kinh phí hàng triệu đô la trong khu đất vườn chùa cũ. Trú trì chùa là một nhà sư trẻ, bản lĩnh, năng động, từ đất Việt sang định cư ở Mỹ trên dưới mười năm và lên hàng trú trì rất sớm. Vì nhu cầu xây dựng nhà chùa không giới hạn nên nhà sư thường xuyên bị cuốn hút vào công việc xây dựng: Hết chánh điện đến các dự án tượng đài. Tượng đài chưa xong đến lễ hội. Lễ hội vừa dứt đến tiệc gây quỹ. Đến viếng khu quần thể chùa mới xây, người ta hoa mắt và lòng thanh tịnh giảm xuống vì quá nhiều ảnh tượng Phật, bồ tát, la hán, chúng sanh, tượng đài, giả sơn, hoa viên, cổ mộc... được trưng bày la liệt khắp nơi. Kể cả tượng Quan Công râu dài mặt đỏ thủ đại đao và Trương Phi râu hùm dựng ngược to lớn hơn người thường đặt đứng gác ngay trước chánh điện.
Chùa có một dự án vừa mới khởi công là việc xây dựng một “bảo tháp” đựng tro cốt do một “đại gia” tài trợ. Sự quan ngại gây ra tranh cãi đầu tiên chưa phải vấn đề gì xa hơn là vị trí tháp tro cốt đặt không đúng chỗ. Từ cổng tam quan đi vào và tính theo chiều tiền - hậu của khuôn viên chùa thì tháp tro cốt ở bên phải và ngang tầm với bậc cấp bước vào chánh điện.
Nhà sư trú trì trả lời cho mọi sự góp ý với kết luận “tiến công” như sau: “Văn hóa Phật giáo phải được thay đổi và ứng dụng linh động theo hoàn cảnh mới ở Mỹ!”
Những vị góp ý và thỉnh ý trình bày như sau:
1. Đứng về văn hóa Phật giáo thì “tiền Phật hậu thánh” hay phát triển rộng trong dân gian sau nầy “tiền Phật hậu linh” là một nguyên tắc mềm dẽo nhưng “tùy duyên bất biến” của Phật giáo Đại thừa. Nguyên tắc nầy được vận dụng trong trường hợp nhà chùa có thêm phần “phổ độ chúng sanh” bằng phương thức sử dụng phần sau chùa (hậu linh) để thờ tro cốt của một số người quá vãng có thân nhân mang tới ký thác cho nhà chùa. Văn hóa Phật giáo có thể tùy hoàn cảnh và tùy nhu cầu mà hóa độ. Tuy nhiên, bảo tháp xây dựng dính liền hay ở vị trí trực tiếp với tiền đình của chùa chỉ thờ những biểu tượng của Phật và thánh chúng. Nhất định không được tùy tiện thờ nhục thân tro cốt của phàm nhân.
Đó là chưa bàn đến lý nhà Phật về thân tứ đại (đất, nước, gió, lửa) do duyên hợp mà thành. Khi hết duyên thì vạn sự đều không. Lập tháp thờ tro cốt trong chùa là chấp ngã. Muốn linh hồn vãng sanh thì phải cần “phá ngã vãng sanh”. Do đó, xiển dương việc giữ tro cốt người quá vãng lại trong chùa là phi Phật pháp.
2. Đứng về văn hóa Việt Nam thì “sống nhà, thác mồ” nên khi “mồ yên thì mả đẹp; động mả thì ngã mồ”. Thế nào là động, thế nào là an?
Trường hợp vua Tự Đức (1848-1883) thật đáng tham khảo. Trong số 13 vua triều Nguyễn, vua Tự Đức được xem là ông vua có kiến thức Tam giáo, đặc biệt là Phật học vững vàng và suốt đời rất có hiếu với mẹ. Khi có người tâu vua rằng, nên lo hậu sự cho mẹ vua là bà Từ Dũ bằng cách tìm một nơi trong những bảo tháp nổi tiếng nhất của Huế để gởi tro xác của bà khi quá vãng để bà được “văn kinh thính pháp”. Nhà vua đã trả lời rằng: “Mẫu hậu ta tuy là bậc mẫu nghi thiên hạ; tuy nhiên, vẫn chưa thoát ra khỏi vòng lục dục thất tình của nhân thế. Trong lúc lý nhà Phật coi vạn sự giai không và bảo tháp là nơi phụng tự những bậc xuất trần xuất thế. Việc thờ tro cốt trong chùa viện đã là việc không nên rồi. Nay lại tính chuyện đưa hậu thân của mẹ ta vào chung bảo tháp với các bậc thượng thừa Phật thánh thì khác nào nhốt chim đồng nội với rồng trên mây, với phượng hoàng trên núi vào trong chiếc lồng son Tam Bảo. Mới nghĩ đến cũng đủ làm cho mẫu hậu ta lo sợ rồi, nói chi đến bình tâm mà văn kinh thính pháp.” (Khải truyền. NXB. Đông Phương, 2001).
3. Đứng về văn hoá Âu Mỹ thì đặc tính quan trọng hàng đầu của văn hóa phương Tây là sự phân định rõ ràng giữa quyền tự do cá nhân và tập thể.  Một cơ sở xây dựng lên do sự đóng góp chung của đại chúng thì phải phục vụ đại chúng. Chùa, bảo tháp dựng lên là tài sản và phương tiện chung của tập thể. Nay biến chùa hay bảo tháp làm nơi “dưỡng linh, dưỡng địa”, phục vụ cho một số người đem quyền thế hay tiền bạc ra mua quyền lợi đặc thù là vừa không hợp tình mà cũng chẳng hợp lý trong hoàn cảnh của cộng đồng người Việt hải ngoại hiện nay.
Trong sách Hành hương qua những Di tích Bảo Tháp tại Việt Nam, nhà nghiên cứu cổ vật Trúc Sơn Trương Công Minh đã liệt kê khái quát lược sử, hình ảnh, di tích và phế tích của hơn 300 bảo tháp từ các chùa viện của Phật giáo Việt Nam. Ông nhận định rằng: “Bảo tháp là biểu tương văn hóa của một ngôi chùa. Nhưng càng ngày khuynh hướng thế tục hóa đã làm phai mờ dần hình ảnh thiêng liêng của bảo tháp. Có 3 trường hợp vô tình hay cố ý, tính ‘dụng’ của bảo tháp thường bị lạm dụng là: (1) Xây bảo tháp làm vật trang trí không đúng thời, không đúng chỗ cho một quần thể chùa chiền. (2) Xây bảo tháp để vinh danh và thờ phụng một hay nhiều nhân vật bất xứng nhưng được thế lực giàu có, quyền thế lợi dụng tôn xưng. (3) Xây bảo tháp để đựng tro cốt những người thường vô danh chẳng có công trạng gì với xã hội hay với ngôi tự viện phụng tự nhưng do thân nhân đem vàng bạc ra mua.” (TCM. Sđd;tr. 216)
Thời hiện đại, tác động tiền làm chủ – money talk – của kinh tế thị trường đang diễn ra sôi nổi, tạo ảnh hưởng vật chất thực dụng đầy tiêu cực đến mọi ngõ ngách trong cuộc sống.  Từ nhỏ đến lớn như tình cảm, đạo lý, phong hóa; từ cá nhân đến tập thể như mỗi người, thầy giáo, thầy thuốc, giới lãnh đạo; từ đời thường đến tâm linh như cửa tiệm, nhà buôn, chùa chiền, tu viện… rất khó có nơi nào tránh khỏi nanh vuốt cuốn hút của kinh tế thị trường. Không ít chùa chiền đã biến thành “Tiệm Phật” (chữ của Alan Maspero – Buddha Enterprises) với đủ màn đóng góp, cúng dường, gây quỹ thường xuyên. Cảnh báo chí quảng cáo rầm rộ, tệ nạn sân chùa thanh tịnh trang nghiêm biến thành sấn khấu ăn uống, bán vé, nhạc giựt xập xình, ca sĩ uốn éo, la hét hay nức nở những bản tình ca đầy “tam độc” trước sự “thưởng lãm” của chư tăng ni… không còn là giới cấm.
Một khi văn hóa tôn giáo bị lạm dụng và thoái trào thì đời sống tâm linh sẽ bị suy đồi và ảnh hưởng tiêu cực trên đời sống tinh thần sẽ kéo dài đến cả một, vài thế hệ.

Kết luận
Cuộc cách mạng truyền thông đại chúng và khoa học kỹ thuật hiện nay đã làm dấy lên những thử thách mới cho tôn giáo nói chung. Riêng đối với Phật giáo Việt Nam, vấn đề càng trở nên đa diện hơn – nếu không muốn nói là nhiêu khê và phức tạp – bởi tinh thần tự do phóng khoáng của đạo Phật đã theo trào lưu toàn cầu hóa mà mở ra quá nhiều hướng. Tuy nguyên tắc đa nguyên, đa hệ là môi trường lý tưởng của khả năng phát huy và sáng tạo; nhưng đồng thời cũng là mối đe dọa của mầm mống phân hóa và phân tranh phe phái cục bộ như Phật tử trong cũng như ngoài nước đang chứng kiến và nếm trải trong những năm qua.
Đạo Phật có cương lĩnh thành văn rất minh bạch. Đó là giới luật, giáo chỉ, giáo pháp và kể cả giáo điều. Thế nhưng, có luật lệ và tự do dân chủ là một việc; còn có khả năng và tinh thần thi hành và sử dụng nghiêm chỉnh những luật tắc ấy hay không là việc khác.
Nhu cầu đời sống tâm linh của con người, nhất là thế hệ trẻ ngày nay nặng tính xã hội nhân sinh nhiều hơn nhu cầu triết lý tư tưởng.  Do đó, tôn giáo ngày nay là đáp số cho khát vọng giải thoát hay cứu rỗi phần đời còn lại hơn là thênh thang đi tìm câu trả lời cho những vấn nạn siêu hình xa xôi.  Trên những vùng đất mới, vai trò người tu sĩ đang bớt dần phần “tĩnh” như xưa mà chuyển sang phần “động” trước yêu cầu thực tế.  Hệ quả tất nhiên là đáng mừng vì đạo pháp có cơ phát triển và hưng thịnh hơn; nhưng đồng thờì cũng đáng quan ngại vì dưới sự tác động thiên hình vạn trạng của vật chất thì giá trị tâm linh sẽ rất dễ biến tướng theo nghiệp chướng của mô thức “kinh tế thị trường” trong tôn giáo.
Người viết bài nầy, mạo muội bàn đến những giá trị tâm linh của bảo tháp. Nhưng xin được nhấn mạnh về những Bảo Tháp tâm truyền nhiều hơn là những bảo tháp gạch đá thế truyền.
Kính chúc Tứ Chúng và mọi người mùa An Cư Kiết Hạ năm Nhâm Thìn đều xây dựng thành công một bảo tháp tâm truyền cho chính mình và tạm quên đi hình tướng những bảo tháp xây bằng gạch đá thế truyền đã khiến tâm mình bất tịnh.

Sàigòn – Cali mùa An cư kiết Hạ 2012
Trần Kiêm Đoàn

NGUYỄN LỆ UYÊN * tàu khuya




Huỷ vé và quay lại đi. Đằng nào thì ngày mốt cũng về tới Sài Gòn. Ở lại cùng nhau giải quyết vụ này xong cái đã!
Tôi không trả lời, lững thững đi bộ dọc theo thân tàu, không rõ xuôi hay ngược. Khách lên tàu. Những người đưa tiễn. Còi rúc. Những bước chân vội vã. Hàng cột đèn co ro trong cơn mưa lất phất lạnh. Mưa đan thành những sợi, giống như những sợi vải lòng thòng, xiên từng lọn qua lớp ánh sáng vàng vọt trên sân ga. Gió lạnh se bóp vành tai. Còi rúc tiếp. Tôi có thể bước lên tàu, chờ lăn bánh. Và chỉ trong ít phút nữa, tôi sẽ rời xa nơi ám bụi này. Nhưng không hiểu sao tôi không bước lên bậc cấp, thản nhiên quay trở lại cái tổ chim bốc mùi.

-Tàu chạy chưa, sao không trả lời?
-Chưa, tôi sẽ quay lại. Mà có chuyện gì thế? – Chỉ hỏi cho có lệ và tắt máy ngay. Tôi hiểu phần nào chuyện quay lại: Có thể bên K. lại đưa ra thêm điều kiện gây khó chúng tôi. Cũng có thể tiết trời se lạnh như thế này, H. cảm thấy cô độc. Tôi đá văng chiếc lon rỗng, lăn lốc cốc trên đường tàu. Chiếc lon chùi xuống chỗ nào đó, dưới thanh tà vẹt, và bỗng dưng tôi liên tưởng đến thân phận mình lúc này. Có cái gì đó, không hình dạng, nhưng xơ xác đến buốt lòng.
Tôi xách túi hành lý quay ngược ra khỏi ga. Những gánh hàng rong, xe ôm, taxi… những tấm ni lông di động bay lật phật, nhốn nháo trước cửa ga, cuốn theo dòng xe cộ ngược xuôi trên đường, làm tôi rơi vào trạng thái gần như chóng mặt. Cũng có thể do cảnh tượng trước mắt. Cũng có thể do cái “lệnh” trời ơi của người đàn bà đang ngồi đâu đó trong sảnh khách sạn, nhà hàng, quán cà phê đêm. Và cũng có thể bà ta khoả thân dưới tấm chăn bông dày chờ đợi từng bước chân của tôi?

Cùng bước theo những bước chệch choạc, rã rời là tiếng mời chào níu kéo. Những ấm chè xanh trên chiếc bàn mộc. Chiếc nõ điếu bằng tre nằm lệch nghiêng cạnh chân bàn chờ khách. Tiếng nõ sẽ rên sòng sọc. Bên kia, khói phủ mặt bàn. Những người đàn ông ngửa cổ thở khói. Khói và mưa cuộn quấn, phất phơ trong ánh đèn méo lệch. Khói và mưa ngập ngừng dưới những hàng hiên. Tôi nhìn những sợi mưa và lặng lẽ kéo túi hành lý lăn thành tiếng, rào rạo trên mặt đường nhựa. Đi một đoạn khá xa tôi mới gọi taxi. Lúc ngồi yên trong lòng ghế ấm áp, tôi có cảm giác như con tàu đang lăn trên thân thể mình, lăn hoài không dứt.
-Bác về đâu?
-Bờ hồ.
-Đất này lắm hồ, nhiều miếu… mà bác ra hồ nào?
-Hồ Tây, khách sạn K. bên Nhật Tân.
-Trễ tàu?
-Không.
-Quên gì sao?
-Không.

Lái xe liếc nhìn lên kính chiếu hậu, làm khuôn mặt anh ta nhảy múa, phình to, móp méo. Hình ảnh ấy khiến tôi thèm uống một ly rượu mạnh. Lái xe thôi nhìn vào kính, chăm chú vào đoạn đường phía trước mặt. Nhìn từ sau, chỉ thấy phần gáy được bao kín bởi chiếc khăn len mầu xám sậm. Lúc xe men ngang qua vườn Bách Thảo, trong lớp sáng tối nhập nhoạng, tôi lên tiếng đề nghị:
-Anh có thì giờ uống với tôi một ly rượu?
Lái xe ngước nhìn lên kính, lâu sau mới nói:
-Cảm ơn bác, tôi phải kiếm vài cuốc nữa mới đủ chi phí trong ngày. Bác thông cảm.
-Anh xem quán bar nào, trên Ngọc Khánh chẳng hạn, ghé vào uống một vài ly. Trời se lạnh thế này tôi nghĩ uống một ly rượu tối ngủ sẽ ngon giấc. Anh chớ bận tâm về khoảng thời gian chết.
Anh ta cười lục khục trong cổ họng, không thành tiếng:
-Biết thế. Thật lòng, tôi không thể. Tôi ở Nho Lâm ra, kiếm đồng tiền nuôi vợ con thật khó khăn. Nói thật tôi có quê mà như không – Nói và anh ta lại cười lục khục như có những hòn sạn chạm trong cổ.
-Là sao – Tôi hỏi.
-Nhà của chúng tôi nằm trong khu qui hoạch. Cái khu chung cư cao cấp gì đó đã nuốt chửng đất đai chúng tôi rồi, giờ thành những kẻ lang thang kiếm sống.
-Tốt nhất ta không nên làm thằng dân nghèo – Tôi nói với từ ghế sau.

Im lặng.
Bánh xe siết trên mặt đường Thanh Niên. Con đường giống như những chiếc phao nối liền, thả nổi bập bềnh giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Tôi ngoái cổ nhìn đê Yên Phụ. Đường mòn Cổ Ngư chỉ còn trong tâm tưởng những người già. Tôi mường tượng những bước chân khốn khó của Loan trên mặt đê khi phải chia tay với Dũng. Gió thổi sướt qua vai. Nhất Linh cũng khổ sở như nhân vật của ông với mối tình không trọn vẹn. Rồi còn Mai của Lộc nữa. Khái Hưng đã bao nhiêu lần đứng trên đoạn đê này, bóp trán để tìm ra sự thật của nghệ thuật trong đoạn kết giữa họ? Hai ông cùng các nhân vật đã mất hút đâu đó, chỉ nghe tiếng gió thầm thì bị gãy khúc giữa những toà nhà cao ngút, chắn mất cả mặt đê, bờ hồ. Hồi đó, cả làng Nhật Tân, Nghi Tàm đỏ thắm sắc đào. Mối tình của họ cũng đỏ rực như vậy. Còn bây giờ? Làng hoa một thời đã nhàu nát cả rồi. Hai ông nhà văn từng làm đẹp cho tiếng Việt, giờ cũng thui thủi ở đâu đó, một góc xa xẫm tối? Tôi ngẩn ngơ, ngó sững bóng đêm đậm đặc cuối tầm.

Qua khỏi hồ Tây, người tài xế cho xe chạy chậm, nói với tôi:
-Ở chỗ này có quán rượu nổi tiếng, tạm lịch sự. Bác có thể ngồi đến sáng – Nói và cho xe đậu sát lề.
-Anh không vào với tôi?
-Cảm ơn. Tôi đã nói.
Tôi nhìn đồng hồ, trả tiền và đẩy bàn tay anh thu dần vào người:
-Anh giữ hộ tôi chỗ thừa, mua cái gì đó cho cháu, coi như món quà nhỏ, không nhiều nhặn gì, đừng bận tâm – Nói và tôi kéo xách, bước thật nhanh vào quán.

Tôi như con chim đêm trong quầng sáng lờ mờ. Quán vắng. Chỉ thấy hai người khách không rõ giới tính đang ngồi trong góc sâu, chỗ khuất sau một giàn dây leo lưng lửng chúc xuống.
Đứng ở quầy bar là cô gái có khuôn mặt căng phồng và ửng đỏ, không rõ do ánh đèn hắt xuống hay những mạch máu li ti trên đôi má bắt quàng với những chai rượu xếp trên giá? Cô đang chăm chú dũa móng tay. Lúc thấy tôi bước vào, cô nhét vội chiếc dũa vào túi xách, nở nụ cười như bao nụ cười của những người đứng sau quầy. Tôi gật đầu chào và ngồi lên chiếc đẩu nệm chân cao, có cảm giác chông chênh, giống con sếu đang lắc lư, cong cổ xuống vũng nước.
Tôi đưa ngón tay lên:
-Camus đen, loại XO.
Cô gái có đôi má ửng hồng quay về phía giá rượu, cô bước đi với chiếc mông tròn ngún ngoảy, trườn theo ánh đèn màu hồng nhạt từ trần rớt xuống, đúng nơi tôi vừa liếc nhìn. Cô gái tìm rượu trên giá, lâu sau mới quay lại quầy với ly rượu trong tay trái, chai Camus được cô choàng chiếc khăn trắng bên tay phải. Cô rót rượu điệu nghệ và đẩy ly rượu bằng đầu mấy ngón tay về phía khách cũng điệu nghệ không kém. Ly rượu miết sàn sạt trên mặt quầy như lời mời mọc ngọt ngào. Tôi nghiêng đầu cảm ơn và nâng ly rượu chúc cô gái có một giấc mơ đẹp tối nay và hỏi cô có muốn uống cùng tôi. Cô gái lắc đầu, nói cảm ơn. Khi tôi đưa ly rượu lên lưng chừng thì cũng vừa lúc cô tì ngực vào thành quầy, đưa tay hất ngược mái tóc ra sau. Bộ ngực căng phồng như muốn gặm nát mép quầy.

Tôi uống thong thả. Đầu óc trống rỗng. Những mảnh ghép bằng gốm nung trang trí trên tường, mù mờ, không rõ hình dạng. Cả giá đỡ những chai rượu, cả cô gái cũng mù mờ trong lớp ánh sáng đặc quánh như có thoa kem.
Cái mông tròn lại lướt trước mắt, uốn lượn như con rắn trườn trên mặt đất. Chuông đổ leng keng.
-Nghe rồi, trên đường về.
-Sao lâu vậy?
-Có chút việc nhỏ - Tôi lấp lửng, không nói rõ đang ngồi bar rượu.
Cô gái quay lại quầy, hết nhìn tôi lại nhìn vào chiếc túi xách có tay kéo dựng đứng lên sau lưng. Cô buột miệng:
-Ông làm tôi liên tưởng với những phim cao bồi bên Mỹ. Họ vào bar với khẩu súng và bao da, thắt lưng quăng lên quầy. Còn ông thì với chiếc va li kéo chổng chơ.
-Cô thích cảnh ấy.
-Không, chỉ liên tưởng sau khi xem phim.
-Cảm ơn phim cao bồi.
-Ông nói sao?
-Phim cao bồi cũng tệ như phim tàu bây giờ. Một đằng là súng đạn, một đằng là gươm dao. Toàn nhảm nhí.
Cô gái bật cười. Khi cô cười đôi má càng ửng lên, và bộ ngực cũng rung rung sau mép quầy.
Có vẻ như sẽ mở được cái khoá trong người tôi, cô gái nói:
-Chưa thấy ai vào bar rượu mà mang theo va li!
-Cô đang thấy rồi còn gì?
-Lần dầu. Lạ.
-Ví dụ như gây gỗ với vợ rồi bỏ đi lang thang.
-Có thể.
-Hoặc tình phụ?
-Ông biết rõ hơn ai mà.
-Vậy thì tò mò chuyện cái va li làm gì. Cô cứ coi nó như bạn tôi. Bạn trai hay gái cũng được. Nó đi với tôi. Nó không biết uống rượu. Nó canh chừng tôi…
-Hay thật, lần đầu tiên mới nghe có người nói đồ vật đi canh chừng con người.
-Đó là do xã hội đảo chiều theo phép duy vật biện chứng.
-Hình như có vẻ nguỵ biện, cho có nói.
-Nhưng mà, nó không nguỵ trá, nguỵ tín?
-Chịu, em không thể tranh cãi lại ông. Nhưng ông đi đâu với chiếc va li giờ này?
-Ra khách sạn K.
-Cũng gần. Cách đây ba trăm mét. Hèn gì.
-Cô sống trong Nam nhiều năm? Ngoài này không ai nói “hèn gì”.
Cô gái không trả lời.

Tôi uống nốt phần rượu còn lại trong ly, trả tiền rồi kéo chiếc xắch ra khỏi quầy bar. Mưa thôi rơi, nhưng gió thì vẫn lạnh. Gió hút theo tiếng nói từ xa của cô gái khi nãy “ông đi cẩn thận”.
Bánh nhựa lăn rào rạo sau gót chân. Tiếng nói cô gái mất hút. Khuôn mặt ửng hồng trôi tuột đi. Và bộ ngực găm vào mép quầy cứ bắt tôi phải tưởng tượng là nó đang gặm nát thớ gỗ, rơi ra từng mảnh, từng mảnh nhỏ li ti.
Dẫu sao cô gái đứng ở quầy bar cũng tử tế hơn H. Câu dặn với “ông đi cẩn thận” như câu nói của đứa em lúc nhìn thấy anh đi xa. Trong khi H. thì chỉ muốn cuộn chặt tôi trong tấm chăn dày…

Hai chiếc bóng hết ngã chúi ra sau lại chồm tới trước, trượt dài trên vỉa hè. Những cột đèn sáng loá trong đêm sâu. Tiếng còi rúc ùng ục và tiếng máy tàu dưới sông Hồng dội lên nghe rã rời, nỉ non. Ước gì lúc nãy tôi nhanh chân bước lên tàu về Nam để không nhìn thấy bóng mình đổ dài, để không nghe những âm thanh lềnh bềnh trong đêm lạnh. Muộn rồi. Tất cả đều trễ tràng. Chỉ còn mấy bước nữa thôi, tôi sẽ cuộn người trong tổ mối. H. sẽ quấn chặt lấy tôi.
Có lẽ nào tôi mãi là tội đồ của bà ta? Ý định rời bỏ công ty đã nhiều lần bị H. phát hiện. Và mỗi lần như vậy bà lại đưa ra một miếng mồi không thể cưỡng chống. Có lần tôi thẳng thừng:
“Không thể duy trì tình trạng này mãi được. Tôi thấy ông Th. yêu chị…”
“Cái lão ấy chỉ yêu tài sản của tôi thôi, làm gì có tình yêu thật?”
“Không thể sống mãi kiểu này, rồi sẽ ra sao?”
“Chẳng sao cả. Tôi không muốn bị trói buộc vào ba thứ vớ vẩn đó. Tôi thích tự do. Cũng như anh và tôi vậy. Chúng ta vì công việc, vì lợi nhuận chính đáng. Và mỗi khi đến với nhau đều tự nguyện. Cả hai ý thức về hành động của mình. Không ai ép buộc ai. Đó là sự tự do tuyệt đối. Tôi yêu lối sống tự do này.

Tôi hiểu anh nghĩ gì và muốn gì? Chọn lựa đúng dắn là điều may mắn và hạnh phúc nhất trong một phần cuộc đời”.
“Tôi nghĩ, vì công việc…”
“Anh khỏi nói. Tôi hiểu cả… Bây giờ anh có đầy đủ những thứ cần thiết cho cuộc sống chồng vợ. Cô bạn anh, tên gì nhỉ? Đoan trang, đẹp, hiền…”.
“Tôi không có ý nhắc đến chuyện này”.
“Nó là một phần đời đấy, chớ coi thường.

Trong công việc, tôi rất cần anh. Không có anh giúp, công ty này coi như chấm dứt từ lâu rồi. Anh giỏi về tài chánh kế toán hơn tôi. Anh ma mãnh về chuyện này. Anh đã giúp tôi chui lọt qua bao nhiêu lỗ kim. Tôi trả ơn anh, hay nói chính xác, tôi chia 1/10 lợi nhuận cho anh sau mỗi công trình trót lọt. Anh có những mưu mô rất đạo đức trong thương trường mà những người tiền nhiệm không hề có. Còn chuyện kia, anh cứ coi như một cuộc đi dạo tình cảm. Trinh tiết không phải là sự gìn giữ để chúng ta không thể hôn nhau, làm tình với nhau! Tôi biết mình lớn tuổi hơn nhiều. Nhưng lúc này tôi cần anh xoá đi nỗi cô đơn trong tôi. Nói thật, tôi thấy anh cũng yêu tôi, trước khi anh có cô bạn gái? Chẳng qua, trong người anh luôn có những thị phạm về ranh giới đạo đức và phi đạo đức về sự chông chênh. Tôi dám chắc rằng, nếu tôi chỉ hơn anh vài tuổi thì anh sẽ không từ chối những tình cảm tôi dành cho anh, phải không?”.

Đó là lần đầu tiên H. tuồn ra hết những gì ủ chứa trong lòng, sau khi công ty thắng thầu một thương vụ lớn, sau khi chúng tôi ngồi uống hết một chai Martell Noblige ở một nhà hàng hạng sang bên Thủ Thiêm. Lúc nói, H. nhìn thẳng vào mắt tôi. Đôi mắt cuốn hút như hớp hồn, như thôi miên cùng với vẻ đẹp rực rỡ đã đốt cháy tôi thành những hạt tro vụn. Ý thức phản kháng trong tôi mềm nhũn, co rúm lại và H. mặc sức điều khiển.

Giờ này, chuyến tàu lỡ của tôi chắc cũng đến Ninh Bình hoặc vào địa phận Thanh Hoá. Một quãng đường quá xa để tôi có thể thay đổi ý định. Tôi biết mình là kẻ tự lỡ tàu. Tôi biết mình đang lầm lũi bước lên từng bậc cấp trong khách sạn K. lộng lẫy.
Tiếng gõ cửa ngập ngừng, sau đó có một thằng người như con thú cưng cuộn tròn trong chăn bông. Tôi bật cười ha hả như muốn hất tung cầu thang rơi vụn ra. Tôi cười đến khi đứng trước cửa phòng. Tiếng cười dội vào cánh cửa khép hờ, dội ngược về phía tôi, lạnh buốt./





Monday, June 25, 2012

triển lảm Seven Doors tại San José - CA


phan bá thụy dương * niệm khúc tôi


by Paul Warner
           tặng hải phương, huỳnh tấn thời, phan đổng lý & trần vấn lệ
  

ta về tóc phủ sương đông
áo tà huy quyện bụi hồng phấn tơ

hốt nhiên tỉnh giấc mộng hờ
mắt từ dung đã lững lờ tử sinh

rán chiều rực lửa vô minh
nhịp chuông chiêu niệm lời kinh cầu vàng

ta về cõi trú thênh thang
bỏ dương thế với địa đàng hoang vu.

ĐỖ HỒNG NGỌC * “Bãi” Phan Thiết



         tặng các bạn PBC

bãi PhanThiết @ đhn


“Bãi” đây dĩ nhiên là bãi biển rồi! Không thể không thiên vị khi nói về bãi biển Phan Thiết của tôi. Với tôi, đó là một bãi biển tuyệt đẹp, đẹp nhất… thế giới, chạy dài từ Cà Ná đến Cù Mi, qua Cổ Thạch, Mũi Né, Lagi, Kê gà… Hồi nhỏ, ở Phan Thiết nghe người ta hay nói “Đá một đá ra Cà Ná cá nuốt”, cứ á, á vậy mà không biết tại sao. Lớn lên, có dịp đi xe lửa ra Nha Trang, ngang Cà Ná mới “á, á” vì đẹp đến nín thở! Bãi sâu mà xanh tận chân trời. Đá từ trên núi cao đổ ập xuống… chỉ chừa một con đường lắc lẻo cho xe vụt qua. Cổ Thạch thì bãi toàn đá bảy màu lổn nhổn, mênh mông. Các cô gái chỉ cần lượm vài cục đá nhỏ, xỏ sợi dây, đeo lên cổ, đủ biến thành một nàng tiên. Mũi Né ngày xưa thì tuyệt vời với Rạng, với những rặng dừa không thua Honolulu, nhưng bây giờ bãi đã bê tông hóa thật đáng tiếc. Các resorts mọc lên như nấm, chia cắt bãi biển thành những lãnh địa, hùng cứ một phương, bảo vệ tuần tra đằng đằng sát khí…

 Ngay tại Phan Thiết thì xưa có bãi Thương Chánh nổi tiếng (Ơi những con đường ta đã đi/ Gia Long Đồng Khánh mượt xuân thì/ Chân run rẩy cát bờ Thương Chánh/ Gió ở đâu về thơm bước khuya – ĐN), nay chỉ còn một chút bãi Đồi Dương, Vĩnh Thủy!
Thế nhưng bãi Phan Thiết luôn có cái hay riêng. Không mơ màng như Đại Lãnh, Dốc Lết… phẳng lặng quá, trong xanh quá, chẳng gợn tí sóng, làm ngại ngần những bước chân. Nha Trang thì ra vài bước đã sụp sâu như cái hồ nước mặn với những đảo nhỏ xung quanh chắn sóng, y như một hòn non bộ. Phan Thiết không vậy. Nước mặn chát, khi đục khi trong, bãi khi trồi khi sụt, chỗ cao chỗ thấp, sóng đập ầm ầm, sơ sẩy lăn cù… Đặc biệt là cát. Cát ở đây hạt to, lởm chởm, như sỏi chưa kịp tán nhuyễn. Đi nghe rào rạo, đau điếng. Nhờ vậy mà… tốt cho sức khỏe
.


Giống như được châm cứu vào các huyệt ở hai lòng bàn chân, nhất là huyệt dũng tuyền. Sóng ầm ầm như biết xoáy vào các huyệt thận du, chí thất, phế du… Bãi Lagi cũng giống Phan Thiết, cũng trồi sụt bất thường, cũng đầy đe dọa, cũng sóng ầm ầm, cát to lởm chởm … nhưng Lagi hoang sơ hơn nhiều, tắm một mình trên
biển vắng cũng hay!
Mỗi lần về Phan Thiết bao giờ tôi cũng tắm biển cho… khỏe người. Bước rào rạo trên cát lởm chởm để được châm chích. Đưa lưng cho sóng dần, xoa bóp. Nhớ nhà thơ Từ Thế Mộng, ngày nào cũng đạp xe đi tắm biển, có lần than: Mấy hôm nay biển thở dài/ Thì ra em bệnh đã vài bốn hôm… Rồi nhớ Nguyễn Bắc Sơn, vào tận Viện Y dược học dân tộc, gặp Trương Thìn, nèo nẹo đòi phổ biến “ý châm”: chỉ dùng ý tưởng, châm đến đâu người ta nhảy dựng lên đến đó, bệnh gì cũng khỏi. Rồi… Nguyễn Như Mây, Liên Tâm, Nguyễn Hiệp, Ngô Đình Miên, Phan Anh Dũng, Lưu Văn Trung … Ghé chùa thăm thầy Huệ Tánh, ghé nhà thờ thăm cha Diễn, thăm Đức ông- nhà thơ Xuân Ly Băng…
Cho nên nói gì thì nói, tôi vẫn cứ mê bãi Phan Thiết.

đỗ hồng ngọc

Saturday, June 23, 2012

HOÀNG TRÚC LY * Chứng Tích



  










   gởi vì sao khuya cô độc
  đêm đêm rưng lệ nguyện cầu
  lòng tôi không muốn khóc
  nước mắt có gì đâu?
  từ lớn khôn rồi yêu không dám nói
  dạ chỉ bồi hồi lòng chỉ sắt se
  hình ảnh người em mái tóc quên thề
  cát bụi chìm chân nhỏ bé
  ngày mẹ thương con ngày con nhớ mẹ
  tôi có bao giờ tôi còn trẻ thơ
  giọt nước mắt chưa hề được khóc
  những tiếng nói chưa hề được nói
  tôi có bao giờ là tôi-muôn-năm?

  hoàng trúc ly


TƯỜNG LINH * Nói rõ về nơi thi sĩ Bùi Giáng chăn dê


Bùi Giáng

Đầu năm 2007, trong thời gian nằm bệnh viện, tôi nhận được tin buồn muộn màng về anh bạn, cùng làng, cùng lứa tuổi với tôi, đã từ trần tại huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Đó là anh Văn Phú Nhẫn. Viết văn, làm thơ, anh ký bút danh Bạch Linh.
Trước năm 1945, làng Trung Phước của chúng tôi ở phía Tây huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam có sáu phái (đơn vị như ấp, thôn) là phái Thượng, phái Hạ, phái Thị, phái Trung, phái Trà Viên và phái Giáp Nam. Nhà anh Văn Phú Nhẫn ở phái GiápNam, phái bên trái quan lộ theo hướng chợ Trung Phước vào đèo Le, giáp ranh với xã Quế Lộc ngày nay *.
Anh Văn Phú Nhẫn chỉ có hai anh em, người em trai của anh là Văn Ngọc Hưng. Hai anh em mồ côi cha rất sớm. Thân mẫu của hai anh, được người làng gọi là bà giáo Nhẫn theo lối lấy tên con trai đầu để gọi một cách kính trọng, thuộc thành phần trung nông, lo thờ chồng, nuôi hai con ăn học nên người.
Trong nhiều điều tôi nhớ về người bạn quê xưa vừa qua đời nói trên nổi đậm lên thời gian thi sĩ Bùi Giáng chăn dê tại quê chúng tôi. Nơi Bùi thi sĩ ngày ngày thả dê là rặng đồi cây lúp xúp, một chi sơn giữa dãy núi Chúa và núi Hòn Tàu. Rặng đồi này ở ngay phía sau nhà hai anh Phú Nhẫn và Ngọc Hưng.
Thời gian này là trọn năm 1951 và mấy tháng đầu năm 1952. Thi sĩ Bùi Giáng chỉ chăn dê trong vòng một năm rưỡi ấy mà thôi.
Như nhiều người trong chúng ta có biết, nơi sinh của Bùi Giáng là làng Vĩnh Trinh thuộc huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam, nhưng thân phụ của thi sĩ là cụ Cửu Tý có nhà cửa, vườn cây và nà trồng dâu bắp bên sông tại Trung Phước huyện Quế Sơn. Bùi thi sĩ thành hôn hồi đầu năm Ất Dậu 1945 rồi đôi vợ chồng trẻ lên Trung Phước ở với gia đình.
Trung Phước và mấy làng lân cận như Đại Bình, Trung Lộc, Phước Bình… đời nào cũng có nhiều người làm thơ. Họ kết thân với nhiều nhà thơ gần xa và các nhà thơ này thường lui tới giao thiệp với nhau. Thời Bùi Giáng đến ở tại Trung Phước thì tại địa phương này có các nhà thơ đã thành danh như Huỳnh Lý, Hoàng Châu Ký, Huỳnh Hưng, Nguyễn Thụy Khái, Tạ Ký… Bạn thơ của họ từ các nơi xa thường đến đây ở chơi năm bảy hôm. Người viết bài này còn nhớ trong số đó còn có các nhà thơ nổi tiếng như Trinh Đường, Khôi Anh (Phạm Văn Kỳ), Hồ Thấu, Nguyễn Đình, Hồ Hiếu Dân… Bùi Giáng đến với quê hương thứ hai này có thể vì hai lý do: lập nghiệp với gia đình và kết bạn thơ.
Sau Tết Ất Dậu ấy, khi đã rời làng Vĩnh Trinh lên Trung Phước, chị “Sáu Giáng” quản lý nà dâu, bán dâu từng lứa cho các hộ nuôi tằm. Mẹ tôi thường bảo tôi đến mua dâu của chị vì chị tính giá “nới” hơn các chủ nà khác, chưa sẵn tiền trả ngay thì chờ xong lứa tằm sẽ thanh toán cũng được.
Tôi và một số bạn yêu thơ trong làng rất quý mến thi sĩ Bùi Giáng. Chúng tôi gọi thi sĩ bằng cái tên thân mật là anh “Sáu Giáng”.
Suốt mấy năm ở cùng làng, ngày ngày gần gũi nhau, tôi không hề thấy anh biểu lộ chút gì gọi là “điên” cả. Anh rất hiền, ít nói, hay cười, y phục luôn gọn gàng, sạch đẹp. Anh cũng chẳng mấy khi nói về thơ, tranh luận về lĩnh vực thi ca lại càng không. Chỉ khi nào chúng tôi đến nhà anh thì anh mới đưa cho xem bản thảo những bài thơ hoàn chỉnh của mình. Anh chỉ làm thơ tại nhà chứ không bao giờ ghi ghi chép chép trước mặt người khác tại bất cứ đâu.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp 19/12/1946, mấy nơi giáp ranh với Trung Phước chỉ cách một dãy núi và đường truông Thạch Bàn như Thu Bồn, Kiểm Lâm, phía tả ngạn là Phú Thuận, Giao Thủy… đều bị Pháp tạm chiếm, đóng đồn. Vùng Trung Phước đổ lên mãi tận đầu nguồn sông Thu Bồn, chạy vào phía Nam của tỉnh gồm huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước, Trà Mi là vùng tự do rộng lớn của ta tiếp giáp với các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, suốt chín năm chống Pháp là vùng bất khả xâm phạm. Địa phương tôi ở là khu Hoàng Văn Thụ có một công binh xưởng lớn chế tạo vũ khí, có nhiều cơ quan, kho tàng của ta. Đấy cũng là địa bàn thường có các đơn vị chính quy cấp tiểu đoàn trú đóng và xuất kích đánh địch tại vùng xuôi.
Không tiến công, lấn chiếm, đóng đồn được, Pháp dồn sức vào việc dùng máy bay thả bom, bắn phá ác liệt vùng tự do của ta. Xã tôi, nhất là khu vực chợ Trung Phước, phải chịu vô số lần máy bay giặc trút bom, bắn phá, có cả bom napalm (xăng đặc). Xóm cụ Cửu Tý (thân phụ anh Bùi Giáng) nhà cửa khang trang, vườn xanh tốt nhất địa phương, lại gần chợ, nên thường bị máy bay giặc oanh kích nhiều hơn các nơi khác.
Thi sĩ Bùi Giáng có cái “tật” chết người là không bao giờ chịu vào hầm trú ẩn để tránh bom đạn của máy bay giặc. Khi nghe tiếng kẻng báo động vang lên từ gò Đồn, mọi người vội chạy ra khỏi nhà và xuống hầm, chỉ riêng anh Sáu Giáng cứ đứng nơi góc sân để… coi. Anh theo dõi hoạt động của máy bay giặc và tùy từng lúc mà la lớn cho mọi người trong hầm nghe:
- Nó thả bom. Hai quả… bốn quả…
- Nó chúi… bắn.
- Xóm chợ có nhà cháy! (…)
Cụ Cửu Tý và mọi người cự nự anh về chuyện không nấp hầm thì thi sĩ của chúng ta lại cười và giải thích một cách rất… Bùi Giáng: “nó thả bom, nó bắn chắc chi đã trúng, lỡ trúng chắc chi đã chết?”.
Thấy nguy hiểm quá nên sau cái Tết năm Tân Mão 1951, cụ Cửu Tý mua bầy dê năm con vừa lớn vừa nhỏ cho “Bán Giùi” của cụ làm công việc chăn dê. Cụ thuê người vào thôn Giáp Nam làm cái chuồng dê thô sơ bên mé đồi sau nhà bà giáo Nhẫn như đã nói ở trên. Sáng thật sớm, Bùi thi sĩ mang theo cơm gói bằng mo cau và ống tre đựng nước chè, vào đấy mở cửa chuồng lùa bầy dê lên đồi cho chúng ăn lá cây. Chủ dê ngồi hay nằm trên cỏ dưới bóng mát của một lùm sim già. Anh nhìn trời, ngắm núi, ngâm nga thơ của các nhà thơ nổi tiếng. Tôi chưa bao giờ nghe anh ngâm hay đọc thơ của anh, lại càng không bao giờ nói về thân thế mình với bất cứ ai. Điều này anh giữ cho đến cuối đời:

Hỏi tên, rằng biển xanh dâu
Hỏi quê, rằng mộng ban đầu đã xa
nơi BG từng chăn dê * photo TuongLinh


Và Bùi Giáng đã trả lời chung những ai muốn hiểu sâu về con người, đời riêng, tâm sự của mình như nhiều người đã thấy nơi bìa sau cuốn Tư Tưởng Hiện Đại của anh viết được tái bản tại Sài Gòn năm 1972:
“Thi sĩ sinh ra như mọi người giữa cỏ cây ly kỳ và chết đi giữa cỏ cây ly kỳ gay cấn”…
Hồi ấy, cụ Cửu Tý giao việc nuôi dê cho anh Sáu Giáng mục đích là để anh tránh xa vùng oanh kích hàng ngày của máy bay Pháp chứ không phải vì kinh tế.
Thời gian này, các vùng hậu phương thực hiện chủ trương “tăng gia sản xuất, tự cấp tự túc”. Thấy anh Bùi Giáng chăn dê, tưởng đây là một kiểu làm ăn có lợi nên có người cũng tạo bầy dê thả rong trên cùng dãy đồi này. Năm ấy tôi đã thoát ly. Một lần về phép, tôi đến thăm và ở chơi trọn ngày với anh Sáu Giáng. Hai anh Văn Phú Nhẫn và Văn Ngọc Hưng cũng có mặt. Gần trưa, “ông chủ dê” lấy gói cơm mo cau cắt ra từng miếng ngon lành mời chúng tôi ăn. Cơm gói chấm muối mè, lại ngồi dưới bóng lùm sim râm mát, bốn anh em chuyện trò quá đỗi hưng phấn, gói cơm hết veo mà bụng mỗi người  vẫn còn… ấm ức. Nhưng không sao, bà giáo Nhẫn đã đoán trước cớ sự này nên tăng cường kịp thời cho chúng tôi một rổ cơm nóng lót lá chuối với một trã cá đồng kho lá gừng ngon tuyệt!
Khi uống nước chè tươi, anh Giáng nói với chúng tôi rằng anh ngại dê của anh lộn với dê người khác. Chúng tôi đề nghị anh hãy tròng vào cổ mỗi con dê một cái vòng tre nhuộm màu khác nhau. Ba đứa chúng tôi tìm tre, pha phẩm màu thực hiện ngay. Do đó sau này mới có giai thoại mỗi “em dê” của thi sĩ Bùi Giáng mang một chiếc “kiềng” có màu trắng, đen, xanh, vàng, đỏ. Điều này, sau khi Bùi Giáng từ trần thấy có người viết gần đúng sự thật. Kỳ dư, về sự chăn dê, địa điểm và số năm chăn dê của thi sĩ Bùi Giáng đã có nhiều người viết nhưng đều không đúng. Chẳng hạn có người nói Bùi Giáng chăn dê vì bất mãn cuộc đời, anh chăn dê tại Vĩnh Trinh nhiều năm gần giống như ông Tô Vũ đời Hán Vũ Đế bên Tàu…
Chính xác, thi sĩ Bùi Giáng không hề chăn dê tại quê nhà Vĩnh Trinh và anh chỉ chăn dê trong vòng một năm rưỡi như đã nói ở trên. Đầu năm 1948, phu nhân của anh từ trần. Sau đám tang, anh bỏ nhà đi đến các địa phương phía Nam của tỉnh Quảng Nam, vào Quảng Ngãi, Bình Định, vào tận Phú Yên. Đến năm 1950, anh trở về nhà. Nghe có kỳ thi Tú tài đặc biệt của Liên khu 5 tổ chức tại Bồng Sơn tỉnh Bình Định, anh đi thi và đỗ Tú tài toàn phần. Về nhà, anh chuẩn bị mọi thứ rồi theo đoàn người băng rừng lội suối ra Liên khu IV để học đại học tại Hà Tĩnh. Đây là trường đại học của ta trong thời kháng chiến chống Pháp. Nhưng ngay hôm khai giảng, vì không vừa ý điều gì đó, Bùi Giáng bỏ học và lại băng rừng lội suối về lại Quảng Nam. Chuyến đi ra rồi đi trở vào toàn luồn đường rừng, tránh các đồn bót của Pháp… mất trọn 3 tháng. Nội cái chuyện đi ra đi vào hết sức gian nan, nguy hiểm này cũng đã nói lên một phần tính-cách-Bùi-Giáng.
Khoảng tháng 5 năm 1952, Bùi Giáng đã từ giã Trung Phước, ra Đà Nẵng rồi ra Huế một thời gian ngắn, sau đó vào Sài Gòn tự học, làm thơ, biên khảo, trước tác, dịch thuật một khối lượng tác phẩm đồ sộ đủ loại cho đến tận ngày cuối đời. Thi sĩ Bùi Giáng từ trần lúc 14 giờ 15 phút ngày thứ Tư, 7-10-1998, nhằm ngày 17 tháng 8 năm Mậu Dần tại Bệnh viện Chợ Rẫy Sàigòn, thọ 73 tuổi (17-2-1926 – 7-10-1998).
Nơi thi sĩ Bùi Giáng chăn dê thuở trước, bây giờ mé đồi đã thành đất thổ cư, nhiều nhà mọc lên, toàn cảnh đã khác xưa. Bà giáo Nhẫn khả kính, thi sĩ Bùi Giáng, anh Văn Phú Nhẫn và bao người quen thân nhau thời ấy đã không còn nữa. Anh Văn Ngọc Hưng, một trong những người thuộc lứa đàn em rất gần, rất kính mến thi sĩ Bùi Giáng nay là Đại đức Thích Thiện Huệ, trụ trì chùa Tân Thành, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp…



mộ BG tại Gò Dưa * ảnh PBTD
 
Đêm trực tang thi sĩ Bùi Giáng tại chùa Vĩnh Nghiêm các bạn văn nghệ sĩ đã nói với nhau: cuộc đời và sự nghiệp văn thơ của Bùi thi sĩ là “bất khả tư nghị”. Vâng, tôi cũng nghĩ như vậy. Tuy nhiên, riêng về việc chăn dê của cố thi sĩ thì tôi xin phép được viết để trả lại đúng sự thật cho một mẩu giai thoại về một con người, một thi sĩ có khá nhiều giai thoại.
Tường Linh
* Làng Trung Phước cũ ngày nay là xã Quế Trung, huyện Nông Sơn – Quảng Nam.
Vườn Tao Ngộ xin đính kèm 2 bài thơ về "chăn dê và chăn bò" của thi sĩ họ Bùi để bạn đọc tìm hiểu và thưởng thức:

NỖI LÒNG TÔ VŨ
(Kỷ niệm một đoạn đời 15 năm chăn dê ở núi đồi
Trung Việt Nam Ngãi Bình Phú )

Đồi tăm tắp chạy về ôm chân núi
San sát đồi phủ phục quấn núi xanh
Chiều xuống rồi tơ lòng rộn ràng rối
Trời núi đồi ngây ngất nhảy dê nhanh

Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Nhảy múa tung sườn núi vút giòng khe
Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Vang vang lên đồi núi giọng be be

Những bận nào Trà Linh qua Đá Dừng Hòn Dựng
Dùi Chiêng về Phường Rạnh ngược Khe Rinh
Bao lần anh cùng chúng em lận đận
Bôn ba qua rú rậm luống rùng mình

Những bận nào Quế Sơn Rù Rì con suối ngược
Nước trôi nguồn nước lũ xuống phăng phăng
Những bận nào mịt mùng mưa gió ướt
Đẫm thân mình co rúm lạnh như băng

Em nhớ hay không? hồn hoa dại cỏ
Những ngậm ngùi đầu núi canh khuya
Vàng cao gót nai đầu truông hãi sợ
Gió cây rung trút lá mộng tan lìa

Nhưng từ nay Giáp Nam anh đóng trại
Cố định rồi - em khỏi ngại ngày đêm
Dưới nắng mưa tha phương du mục mãi
Cay đắng từng, bùi ngọt mặn mà thêm

Chiều hôm nay bên chó vàng chễm chện
Anh lặng nghe em bé hé bên sườn đồi
Khoanh mấy vòng tay anh thoăn thoắt bện
Vòng cho em từng chiếc sắp xong rồi

Chiều đã xuống em đà no nê chắc
Huýt tù và! em xúm xít lại anh đeo cho
Mỗi chúng em mỗi vòng mây mỗi sắc
Lại mau đây! to nhỏ cổ anh so

Này em Đen chiếc vòng vàng tươi lắm
Này em Vàng chiếc trắng há mờ đâu
Này em Trắng chiếc hồng càng lóng lánh
Này em Hoa Cà * hỡi! chiếc nâu

Ngẩng đầu lên! dê ơi anh thong thả
Đeo vòng vào em nghển cổ cong xinh
Ngẩng đầu lên! đây lòng anh vàng đá
Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên

Ngẩng đầu lên nhìn anh mờ mắt lệ
Từ lần đầu vòng ngọc tuổi hai mươi
Trao người em trăm năm lời ước thệ
Đây lần đầu cảm động nhất mà thôi **

Vòng em xong, vòng anh dành riêng chiếc
Dành riêng mình - dê hỡi hiểu vì sao
Vì lòng anh luống âm thầm tha thiết
Gán đời mình trọn kiếp với Dê Sao

Nhìn anh đây các em Vàng Đen Trắng
Tía Hoa Cà lổ đổ thấu lòng chưả
Từ từ đưa chiếc vòng lên thủng thẳng
Anh từ từ đưa xuống cổ đong đưa

Và giờ đây một lời thề đã thốt
Nghìn thu sau đồi núi chứng cho ta
Cao lời ca bê hê em cùng thốt
Hòa cùng lời anh nghẹn nỗi thiết tha

Và giờ đây hoàng hôn mờ chĩu nặng
Bốn bề tràn lan bóng mịt mùng sa
Xếp hàng ngay nhanh lên hàng ngũ thẳng
Rập ràng về bế hế rập ràng ca


Anh Lùa Bò Vào Đồi Sim Trái Chín
Anh lùa bò vào đồi sim trái chín
Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim
Anh nhìn lên trời xanh đỏ chín
Anh ngó bốn bề cây lá gió rung rinh

Anh nằm xuống để nhìn lên cho thỏa
Anh thấy lòng mở rộng đón trời xanh
Chim ngây ngất vào trong đôi mắt lả
Anh lim dim cho chết lịm hồn mình

Anh quên mất bò đương gặm cỏ
Anh chỉ nghe tiếng cọ rì rào
Có hay không ? bò đương gặm đó ?
Hay là đây tiếng gió thì thào ?
Hay là đây tiếng suối lao xao
Giữa giòng cỏ xuôi ghềnh chảy xuống ?

Mùi thoang thoảng lách lau sương đượm
Mùi gây gây gấy gấy của hương rừng
Mùi lên men phủ ngập mông lung
Không biết nữa mà cần chi biết nữa

Cây lá bốn bên song song từng lứa
Sánh đôi nhau như ứa lệ ngàn ngàn
Hạnh phúc trời với đất mang mang
Với bò giữa rừng hoang đương gặm cỏ
Với người ngó ngất ngây đương nằm đó
Không biết trời đất có ngó mình không
Bùi Giáng



Friday, June 22, 2012

hải phương * Thất Môn Chi Họa Phẩm


viết để chào mừng cuộc triển lảm  
S E V E N   D O O R S   
tại San José của các thân hữu:

Thomas Chu
Đào Hải Triều
Jenny Do
Lê Thị Quế Hương
Trịnh Mai
Nguyễn Trí Minh Quang
Trương Thị Thịnh


Ngựa non nào không hấu đá
Trăng già vằng vặc đầu non
Cây cọ rớt trong tim đã
Rịm màu sắc tím hoàng hôn

Nội tàng lửa khuya rực rã
Ngoại tàng gió biếc chon von
Thế kỷ vén màn vô ngả
Ngựa non hí lộng chân bon 
 


 hải phương