Huỷ vé và quay lại đi. Đằng nào thì
ngày mốt cũng về tới Sài Gòn. Ở lại cùng nhau giải quyết vụ này xong cái
đã!
Tôi không trả lời, lững thững đi bộ dọc theo thân tàu, không rõ xuôi hay ngược.
Khách lên tàu. Những người đưa tiễn. Còi rúc. Những bước chân vội vã. Hàng
cột đèn co ro trong cơn mưa lất phất lạnh. Mưa đan thành những sợi, giống
như những sợi vải lòng thòng, xiên từng lọn qua lớp ánh sáng vàng vọt trên
sân ga. Gió lạnh se bóp vành tai. Còi rúc tiếp. Tôi có thể bước lên tàu,
chờ lăn bánh. Và chỉ trong ít phút nữa, tôi sẽ rời xa nơi ám bụi này. Nhưng
không hiểu sao tôi không bước lên bậc cấp, thản nhiên quay trở lại cái tổ
chim bốc mùi.
-Tàu chạy chưa, sao không trả lời?
-Chưa, tôi sẽ quay lại. Mà có chuyện gì thế? – Chỉ hỏi cho có lệ và tắt máy
ngay. Tôi hiểu phần nào chuyện quay lại: Có thể bên K. lại đưa ra thêm điều
kiện gây khó chúng tôi. Cũng có thể tiết trời se lạnh như thế này, H. cảm
thấy cô độc. Tôi đá văng chiếc lon rỗng, lăn lốc cốc trên đường tàu. Chiếc
lon chùi xuống chỗ nào đó, dưới thanh tà vẹt, và bỗng dưng tôi liên tưởng
đến thân phận mình lúc này. Có cái gì đó, không hình dạng, nhưng xơ xác đến
buốt lòng.
Tôi xách túi hành lý quay ngược ra khỏi ga. Những gánh hàng rong, xe ôm,
taxi… những tấm ni lông di động bay lật phật, nhốn nháo trước cửa ga, cuốn
theo dòng xe cộ ngược xuôi trên đường, làm tôi rơi vào trạng thái gần như
chóng mặt. Cũng có thể do cảnh tượng trước mắt. Cũng có thể do cái “lệnh”
trời ơi của người đàn bà đang ngồi đâu đó trong sảnh khách sạn, nhà hàng,
quán cà phê đêm. Và cũng có thể bà ta khoả thân dưới tấm chăn bông dày chờ
đợi từng bước chân của tôi?
Cùng bước theo những bước chệch choạc, rã rời là tiếng mời chào níu kéo.
Những ấm chè xanh trên chiếc bàn mộc. Chiếc nõ điếu bằng tre nằm lệch
nghiêng cạnh chân bàn chờ khách. Tiếng nõ sẽ rên sòng sọc. Bên kia, khói
phủ mặt bàn. Những người đàn ông ngửa cổ thở khói. Khói và mưa cuộn quấn,
phất phơ trong ánh đèn méo lệch. Khói và mưa ngập ngừng dưới những hàng
hiên. Tôi nhìn những sợi mưa và lặng lẽ kéo túi hành lý lăn thành tiếng,
rào rạo trên mặt đường nhựa. Đi một đoạn khá xa tôi mới gọi taxi. Lúc ngồi
yên trong lòng ghế ấm áp, tôi có cảm giác như con tàu đang lăn trên thân
thể mình, lăn hoài không dứt.
-Bác về đâu?
-Bờ hồ.
-Đất này lắm hồ, nhiều miếu… mà bác ra hồ nào?
-Hồ Tây, khách sạn K. bên Nhật Tân.
-Trễ tàu?
-Không.
-Quên gì sao?
-Không.
Lái xe liếc nhìn lên kính chiếu hậu, làm khuôn mặt anh ta nhảy múa, phình
to, móp méo. Hình ảnh ấy khiến tôi thèm uống một ly rượu mạnh. Lái xe thôi
nhìn vào kính, chăm chú vào đoạn đường phía trước mặt. Nhìn từ sau, chỉ
thấy phần gáy được bao kín bởi chiếc khăn len mầu xám sậm. Lúc xe men ngang
qua vườn Bách Thảo, trong lớp sáng tối nhập nhoạng, tôi lên tiếng đề nghị:
-Anh có thì giờ uống với tôi một ly rượu?
Lái xe ngước nhìn lên kính, lâu sau mới nói:
-Cảm ơn bác, tôi phải kiếm vài cuốc nữa mới đủ chi phí trong ngày. Bác
thông cảm.
-Anh xem quán bar nào, trên Ngọc Khánh chẳng hạn, ghé vào uống một vài ly. Trời
se lạnh thế này tôi nghĩ uống một ly rượu tối ngủ sẽ ngon giấc. Anh chớ bận
tâm về khoảng thời gian chết.
Anh ta cười lục khục trong cổ họng, không thành tiếng:
-Biết thế. Thật lòng, tôi không thể. Tôi ở Nho Lâm ra, kiếm đồng tiền nuôi
vợ con thật khó khăn. Nói thật tôi có quê mà như không – Nói và anh ta lại
cười lục khục như có những hòn sạn chạm trong cổ.
-Là sao – Tôi hỏi.
-Nhà của chúng tôi nằm trong khu qui hoạch. Cái khu chung cư cao cấp gì đó
đã nuốt chửng đất đai chúng tôi rồi, giờ thành những kẻ lang thang kiếm
sống.
-Tốt nhất ta không nên làm thằng dân nghèo – Tôi nói với từ ghế sau.
Im lặng.
Bánh xe siết trên mặt đường Thanh Niên. Con đường giống như những chiếc
phao nối liền, thả nổi bập bềnh giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Tôi ngoái cổ
nhìn đê Yên Phụ. Đường mòn Cổ Ngư chỉ còn trong tâm tưởng những người già.
Tôi mường tượng những bước chân khốn khó của Loan trên mặt đê khi phải chia
tay với Dũng. Gió thổi sướt qua vai. Nhất Linh cũng khổ sở như nhân vật của
ông với mối tình không trọn vẹn. Rồi còn Mai của Lộc nữa. Khái Hưng đã bao
nhiêu lần đứng trên đoạn đê này, bóp trán để tìm ra sự thật của nghệ thuật
trong đoạn kết giữa họ? Hai ông cùng các nhân vật đã mất hút đâu đó, chỉ
nghe tiếng gió thầm thì bị gãy khúc giữa những toà nhà cao ngút, chắn mất
cả mặt đê, bờ hồ. Hồi đó, cả làng Nhật Tân, Nghi Tàm đỏ thắm sắc đào. Mối
tình của họ cũng đỏ rực như vậy. Còn bây giờ? Làng hoa một thời đã nhàu nát
cả rồi. Hai ông nhà văn từng làm đẹp cho tiếng Việt, giờ cũng thui thủi ở
đâu đó, một góc xa xẫm tối? Tôi ngẩn ngơ, ngó sững bóng đêm đậm đặc cuối
tầm.
Qua khỏi hồ Tây, người tài xế cho xe chạy chậm, nói với tôi:
-Ở chỗ này có quán rượu nổi tiếng, tạm lịch sự. Bác có thể ngồi đến sáng –
Nói và cho xe đậu sát lề.
-Anh không vào với tôi?
-Cảm ơn. Tôi đã nói.
Tôi nhìn đồng hồ, trả tiền và đẩy bàn tay anh thu dần vào người:
-Anh giữ hộ tôi chỗ thừa, mua cái gì đó cho cháu, coi như món quà nhỏ,
không nhiều nhặn gì, đừng bận tâm – Nói và tôi kéo xách, bước thật nhanh
vào quán.
Tôi như con chim đêm trong quầng sáng lờ mờ. Quán vắng. Chỉ thấy hai người
khách không rõ giới tính đang ngồi trong góc sâu, chỗ khuất sau một giàn
dây leo lưng lửng chúc xuống.
Đứng ở quầy bar là cô gái có khuôn mặt căng phồng và ửng đỏ, không rõ do
ánh đèn hắt xuống hay những mạch máu li ti trên đôi má bắt quàng với những
chai rượu xếp trên giá? Cô đang chăm chú dũa móng tay. Lúc thấy tôi bước
vào, cô nhét vội chiếc dũa vào túi xách, nở nụ cười như bao nụ cười của
những người đứng sau quầy. Tôi gật đầu chào và ngồi lên chiếc đẩu nệm chân
cao, có cảm giác chông chênh, giống con sếu đang lắc lư, cong cổ xuống vũng
nước.
Tôi đưa ngón tay lên:
-Camus đen, loại XO.
Cô gái có đôi má ửng hồng quay về phía giá rượu, cô bước đi với chiếc mông
tròn ngún ngoảy, trườn theo ánh đèn màu hồng nhạt từ trần rớt xuống, đúng
nơi tôi vừa liếc nhìn. Cô gái tìm rượu trên giá, lâu sau mới quay lại quầy
với ly rượu trong tay trái, chai Camus được cô choàng chiếc khăn trắng bên
tay phải. Cô rót rượu điệu nghệ và đẩy ly rượu bằng đầu mấy ngón tay về
phía khách cũng điệu nghệ không kém. Ly rượu miết sàn sạt trên mặt quầy như
lời mời mọc ngọt ngào. Tôi nghiêng đầu cảm ơn và nâng ly rượu chúc cô gái
có một giấc mơ đẹp tối nay và hỏi cô có muốn uống cùng tôi. Cô gái lắc đầu,
nói cảm ơn. Khi tôi đưa ly rượu lên lưng chừng thì cũng vừa lúc cô tì ngực
vào thành quầy, đưa tay hất ngược mái tóc ra sau. Bộ ngực căng phồng như
muốn gặm nát mép quầy.
Tôi uống thong thả. Đầu óc trống rỗng. Những mảnh ghép bằng gốm nung trang
trí trên tường, mù mờ, không rõ hình dạng. Cả giá đỡ những chai rượu, cả cô
gái cũng mù mờ trong lớp ánh sáng đặc quánh như có thoa kem.
Cái mông tròn lại lướt trước mắt, uốn lượn như con rắn trườn trên mặt đất.
Chuông đổ leng keng.
-Nghe rồi, trên đường về.
-Sao lâu vậy?
-Có chút việc nhỏ - Tôi lấp lửng, không nói rõ đang ngồi bar rượu.
Cô gái quay lại quầy, hết nhìn tôi lại nhìn vào chiếc túi xách có tay kéo
dựng đứng lên sau lưng. Cô buột miệng:
-Ông làm tôi liên tưởng với những phim cao bồi bên Mỹ. Họ vào bar với khẩu
súng và bao da, thắt lưng quăng lên quầy. Còn ông thì với chiếc va li kéo
chổng chơ.
-Cô thích cảnh ấy.
-Không, chỉ liên tưởng sau khi xem phim.
-Cảm ơn phim cao bồi.
-Ông nói sao?
-Phim cao bồi cũng tệ như phim tàu bây giờ. Một đằng là súng đạn, một đằng
là gươm dao. Toàn nhảm nhí.
Cô gái bật cười. Khi cô cười đôi má càng ửng lên, và bộ ngực cũng rung rung
sau mép quầy.
Có vẻ như sẽ mở được cái khoá trong người tôi, cô gái nói:
-Chưa thấy ai vào bar rượu mà mang theo va li!
-Cô đang thấy rồi còn gì?
-Lần dầu. Lạ.
-Ví dụ như gây gỗ với vợ rồi bỏ đi lang thang.
-Có thể.
-Hoặc tình phụ?
-Ông biết rõ hơn ai mà.
-Vậy thì tò mò chuyện cái va li làm gì. Cô cứ coi nó như bạn tôi. Bạn trai
hay gái cũng được. Nó đi với tôi. Nó không biết uống rượu. Nó canh chừng
tôi…
-Hay thật, lần đầu tiên mới nghe có người nói đồ vật đi canh chừng con
người.
-Đó là do xã hội đảo chiều theo phép duy vật biện chứng.
-Hình như có vẻ nguỵ biện, cho có nói.
-Nhưng mà, nó không nguỵ trá, nguỵ tín?
-Chịu, em không thể tranh cãi lại ông. Nhưng ông đi đâu với chiếc va li giờ
này?
-Ra khách sạn K.
-Cũng gần. Cách đây ba trăm mét. Hèn gì.
-Cô sống trong Nam nhiều năm? Ngoài này không ai nói “hèn gì”.
Cô gái không trả lời.
Tôi uống nốt phần rượu còn lại trong ly, trả tiền rồi
kéo chiếc xắch ra khỏi quầy bar. Mưa thôi rơi, nhưng gió thì vẫn lạnh. Gió
hút theo tiếng nói từ xa của cô gái khi nãy “ông đi cẩn thận”.
Bánh nhựa lăn rào rạo sau gót chân. Tiếng nói cô gái mất hút. Khuôn mặt ửng
hồng trôi tuột đi. Và bộ ngực găm vào mép quầy cứ bắt tôi phải tưởng tượng
là nó đang gặm nát thớ gỗ, rơi ra từng mảnh, từng mảnh nhỏ li ti.
Dẫu sao cô gái đứng ở quầy bar cũng tử tế hơn H. Câu dặn với “ông đi cẩn
thận” như câu nói của đứa em lúc nhìn thấy anh đi xa. Trong khi H. thì chỉ
muốn cuộn chặt tôi trong tấm chăn dày…
Hai chiếc bóng hết ngã chúi ra sau lại chồm tới trước, trượt dài trên vỉa
hè. Những cột đèn sáng loá trong đêm sâu. Tiếng còi rúc ùng ục và tiếng máy
tàu dưới sông Hồng dội lên nghe rã rời, nỉ non. Ước gì lúc nãy tôi nhanh
chân bước lên tàu về Nam để không nhìn thấy bóng mình đổ dài, để không nghe
những âm thanh lềnh bềnh trong đêm lạnh. Muộn rồi. Tất cả đều trễ tràng.
Chỉ còn mấy bước nữa thôi, tôi sẽ cuộn người trong tổ mối. H. sẽ quấn chặt
lấy tôi.
Có lẽ nào tôi mãi là tội đồ của bà ta? Ý định rời bỏ công ty đã nhiều lần
bị H. phát hiện. Và mỗi lần như vậy bà lại đưa ra một miếng mồi không thể
cưỡng chống. Có lần tôi thẳng thừng:
“Không thể duy trì tình trạng này mãi được. Tôi thấy ông Th. yêu chị…”
“Cái lão ấy chỉ yêu tài sản của tôi thôi, làm gì có tình yêu thật?”
“Không thể sống mãi kiểu này, rồi sẽ ra sao?”
“Chẳng sao cả. Tôi không muốn bị trói buộc vào ba thứ vớ vẩn đó. Tôi thích
tự do. Cũng như anh và tôi vậy. Chúng ta vì công việc, vì lợi nhuận chính
đáng. Và mỗi khi đến với nhau đều tự nguyện. Cả hai ý thức về hành động của
mình. Không ai ép buộc ai. Đó là sự tự do tuyệt đối. Tôi yêu lối sống tự do
này.
Tôi hiểu anh nghĩ gì và muốn gì? Chọn lựa đúng dắn là
điều may mắn và hạnh phúc nhất trong một phần cuộc đời”.
“Tôi nghĩ, vì công việc…”
“Anh khỏi nói. Tôi hiểu cả… Bây giờ anh có đầy đủ những thứ cần thiết cho
cuộc sống chồng vợ. Cô bạn anh, tên gì nhỉ? Đoan trang, đẹp, hiền…”.
“Tôi không có ý nhắc đến chuyện này”.
“Nó là một phần đời đấy, chớ coi thường.
Trong công việc, tôi rất cần anh. Không có anh giúp,
công ty này coi như chấm dứt từ lâu rồi. Anh giỏi về tài chánh kế toán hơn
tôi. Anh ma mãnh về chuyện này. Anh đã giúp tôi chui lọt qua bao nhiêu lỗ
kim. Tôi trả ơn anh, hay nói chính xác, tôi chia 1/10 lợi nhuận cho anh sau
mỗi công trình trót lọt. Anh có những mưu mô rất đạo đức trong thương
trường mà những người tiền nhiệm không hề có. Còn chuyện kia, anh cứ coi
như một cuộc đi dạo tình cảm. Trinh tiết không phải là sự gìn giữ để chúng
ta không thể hôn nhau, làm tình với nhau! Tôi biết mình lớn tuổi hơn nhiều.
Nhưng lúc này tôi cần anh xoá đi nỗi cô đơn trong tôi. Nói thật, tôi thấy
anh cũng yêu tôi, trước khi anh có cô bạn gái? Chẳng qua, trong người anh
luôn có những thị phạm về ranh giới đạo đức và phi đạo đức về sự chông
chênh. Tôi dám chắc rằng, nếu tôi chỉ hơn anh vài tuổi thì anh sẽ không từ
chối những tình cảm tôi dành cho anh, phải không?”.
Đó là lần đầu tiên H. tuồn ra hết những gì ủ chứa
trong lòng, sau khi công ty thắng thầu một thương vụ lớn, sau khi chúng tôi
ngồi uống hết một chai Martell Noblige ở một nhà hàng hạng sang bên Thủ
Thiêm. Lúc nói, H. nhìn thẳng vào mắt tôi. Đôi mắt cuốn hút như hớp hồn,
như thôi miên cùng với vẻ đẹp rực rỡ đã đốt cháy tôi thành những hạt tro
vụn. Ý thức phản kháng trong tôi mềm nhũn, co rúm lại và H. mặc sức điều khiển.
Giờ này, chuyến tàu lỡ của tôi chắc cũng đến Ninh
Bình hoặc vào địa phận Thanh Hoá. Một quãng đường quá xa để tôi có thể thay
đổi ý định. Tôi biết mình là kẻ tự lỡ tàu. Tôi biết mình đang lầm lũi bước
lên từng bậc cấp trong khách sạn K. lộng lẫy.
Tiếng gõ cửa ngập ngừng, sau đó có một thằng người như con thú cưng cuộn
tròn trong chăn bông. Tôi bật cười ha hả như muốn hất tung cầu thang rơi
vụn ra. Tôi cười đến khi đứng trước cửa phòng. Tiếng cười dội vào cánh cửa
khép hờ, dội ngược về phía tôi, lạnh buốt./
|