Như thói quen mỗi buổi sáng ở freeway trên
con đường đến sở, tôi lơ đãng bật đài phát thanh để nghe cho đỡ đường dài.
Bỗng nhiên, nghe đoạn phóng sự những người tị nạn về Galang thăm lại cảnh cũ
xưa, tưởng như mình lạc vào một thế giới khác. Trước mặt, không thấy cảnh kẹt
xe nữa. Suy nghĩ miên man, đi quá mấy exit mà không biết. Trong tâm, bùi ngùi
cảm xúc. Hai mươi năm, qua thật mau. Một thời đã qua. Một đời tiếp nối. Tự
nhiên, những người trăm năm cũ hiện về. Từ ký ức chẳng thể nào quên. Những
ngày tháng ấy.
Tôi vượt biển vào tháng tám năm 1980. Cũng
đã đi nhiều lần, cũng lên “cá lớn, cá nhỏ” nhiều bận, bị lừa gạt, chạy xát
bất xang bang nhiều phen, rốt cuộc đến được xứ sở tạm dung vào một ngày trăng
tròn. Đến đảo Kuku, khi nơi đây dân tị nạn vừa chuyển tiếp từng đợt qua đảo
lớn Galang nên chỗ này hoang vu lắm. Những dãy nhà dài bỏ không, cây cỏ xanh
um. Ngôi chùa ở lưng đồi, trơ những hàng cột và những tấm bạt ni- lông rách
bươm phần phật trong gió. Và nghĩa địa, nơi những người tị nạn sớm bỏ dương
trần, những bia gỗ sắp hàng trong cái lạnh lùng hoang dã không sinh khí.
Nhưng, phong cảnh đảo thì tuyệt đẹp. Đi sâu
vào trong, có dòng suối, có những mỏm đá hữu tình. Bờ biển cát trắng, nước
trong. Những ngày đầu, trăng sáng lồng lộng. Qua một hành trình mệt nhọc trên
biển, bây giờ mới biết chắc mình còn sống. Lúc đầu, chân lơ lửng bềnh bồng
như trên sóng. Mấy ngày sau, mới bình thường đi lại vững vàng trên mặt đất.
Thời khắc mà nhìn biển với màu xanh mù mịt
thăm thẳm đã qua. Nhớ lại cảm giác,trên hành trình, nhìn đại dương xanh biền
biệt một màu, nhất là vào những buổi chiều tắt nắng sao cô đơn và phập phồng
chi lạ. Biển với những tay sóng thịnh nộ như lúc nào cũng muốn ra oai vùi dập
với con người và con thuyền gỗ nhỏ bé. Biết bao nhiêu người vùi mình dưới đáy
đại dương. Biết bao nhiêu con thuyền vỡ tan trong giông bão. Đến lúc nhìn
thấy những cánh chim sao ấm áp quá. Đất đã hiện ra, và cái sống đã như trở
lại.
Bây giờ, biển lại hiền hòa vỗ về bờ cát.
Bây giờ, biển lại âm vang những khúc tình ca. Ngay cả khi trong những cơn mưa
nhiệt đới, dù mù mịt ngoài khơi nhưng trong bờ nước ấm áp dễ chịu. Ngọn núi ở
phía trong, với những đường mòn khuất khúc, với những khoảng rừng thưa, như
hứa hẹn những không gian nào, nơi chốn nào cho tìm tòi khám phá. Hết rồi
những ngày bị dòm ngó, bị đe dọa ở quê hương. Saigòn, có những lúc rưng rưng
nhớ. Thành phố của những ngày mới lớn, của những mơ ước, của những nỗi niềm.
Ở Kuku nửa tháng rồi có tàu lớn chở qua
Galang, một cuộc sống khác bắt đầu, như ở một phố nhỏ nào lạ lẫm. Một con
đường trải nhựa từ bến tàu đi vào trung tâm đảo. Những dãy nhà tôn hai bên,
khu Galang I. Con đường đi qua tới cuối đảo là khu Galang II đang xây cất. Lúc
ấy cả đảo có chừng gần hai chục ngàn thuyền nhân, có người di chuyển từ Mã
Lai, Thái Lan hoặc Hồng Kông tới. Thuyền nhân Hồng Kông thì có bề ngoài bảnh
bao hơn những nơi khác đến. Nhiều lần tôi ở trong những người đại diện trại
đón tiếp và cũng nhiều lần được nghe những mẫu chuyện về đời thuyền nhân. Có
những nghẹn ngào cố nén xúc động khi nhắc về những người đã khuất và những
chuyện thương tâm. Biển đưa người đi nhưng biển cũng vô tình giết người.
Ở đó, một cuộc sống tạm bợ lạ lùng bắt đầu.
Cũng có các nơi phải đến: nơi cấp lương thực hai tuần một lần, nơi phát thư
để mong có những liên hệ với thế giới bên ngoài, có văn phòng cao ủy để làm
thủ tục định cư, có ban đại diện trại để lo những công tác công cộng.
Nhìn bề ngoài thì như vậy, nhưng trong thâm
tâm mỗi người tị nạn chất chứa đầy ắp những nỗi niềm. Cá nhân tôi, may mắn
mọi chuyện chót lọt, không phải lo lắng đến chuyện đi Mỹ nên tâm tư thoải mái
hơn. Dù rằng, vẫn nghĩ về quê hương với nỗi ngậm ngùi. Còn phần đông, với mọi
người là cảnh huống nóng lòng chờ đợi ngày đi định cư. Những ngày ở đảo, dài
theo chuỗi đợi chờ. Có nhiều người bị ở đây cả năm nên tinh thần khá sa sút.
Những cái loa, báo tin mừng, tin buồn. Người đi vui vẻ. Người ở lại, lo lắng
đợi chờ.
Nhưng, có những nỗi đau đớn lớn hơn. Có
những người mất mát thân nhân ngoài biển cả. “Nghĩ đắt vô cùng giá tự do”,
câu thơ Thanh Nam thật là đúng. Ở barrack tôi ở có ông già người Hoa cả đại
gia đình cả mấy chục người chỉ còn sót lại có hai ông cháu. Buổi tối ông cõng
đứa cháu nội trên vai lủi thủi đi xem truyền hình rồi nặng nề trở về trong
đêm tối trông đau đớn làm sao. Có lần ông kể trong nước mắt, cái đêm mà cả
đại gia đình của ông bị lính Mã Lai áp tải lên thuyền tống ra khơi rồi tất cả
bị sóng cuốn đi. Tiếng khóc nén trong lồng ngực nghe tội nghiệp. Xoa đầu đứa
bé ba bốn tuổi, ông nói nếu không có nó chắc ông cũng chẳng sống làm gì.
Những người như vậy, chắc đến lúc họ xuôi tay về với đất mới có thể quên lãng
được nỗi đau đớn ấy.
Nếu có dịp trở lại, tôi sẽ ghé về để nhìn
lại barrack mà mình đã sống gần sáu tháng. Cũng như, sẽ bồi hồi biết bao khi
đứng ở cầu tầu để đón những người đến và tiễn những người đi. Con đường xuyên
qua đảo, biết bao nhiêu kỷ niệm. Những hình bóng thoáng qua. Những cuộc tình
vời vợi. Cũng có những nuối tiếc bâng khuâng, ngày ấy tuy đã hơn ba mươi tuổi
mà sao nghe già cỗi cuộc đời. Mới đây hai mươi lăm năm. Và, những người muôn
năm cũ.. Tôi chợt nhớ đến một bài hát làm tôi xúc động. Bài “Trên đảo Galang
nghe người hát” của anh Trần Đình Quân, bây giờ đã khuất núi. Bài hát mà tôi
đã nghe chính tác giả hát trong một cuộc họp mặt có rất đông những người viết
văn làm thơ viết nhạc ở nhà tôi với tiếng đàn đệm dương cầm của chị Quỳnh
Giao. Bài nhạc đã làm cho tôi rưng rưng và mắt đỏ đến
nỗi phải ra sau vườn để trấn tĩnh lại. Nốt
nhạc buồn, ngôn ngữ bình dị nhưng truyền cảm, diễn tả một tam trạng mà bất cứ
ai đã ở trại đảo đều cảm thấy. Hình như tôi đã thấy đôi mắt buồn vời vợi của
người hát:
“Chiều qua trên đảo Galang, nghe người hát
bài Kembali Ké Jakarta (trở về Jakarta). NgườiI có Jakarta, người có quê
hương để trở về thăm nhà.
Chiều nay trên đảo Galang quê người xa lạ
một mình nghe lòng đau. Trở về đâu. Về đâu?
Quê ta! Về đâu! Về đâu! Trở về đâu! Về
đâu!?
Quê ta đó ta không được ở. Nhà ta đó ta
phải bỏ đi.
Cha mẹ ta tủi buồn thương nhớ. Người yêu ta
đau đớn lìa xa. Anh em ta âm thầm từ biệt. Bạn bè ta câm nín ngậm ngùi”
Điệp khúc về đâu, về đâu cứ xoáy mạnh trong
tim người nghe. Về đâu bây giờ, những người đã bỏ mình trong biển cả? Về đâu
bây giờ những người lưu lạc bỏ lại quê hương? Không phải một mình anh Trần
Đình Quân có câu hỏi ấy, lúc đó. Mà, bây giờ, cũng có nhiều người
ngậm ngùi hát điệp khúc ấy trong hồi ức như
tôi, lúc này. Sao tôi muốn gửi theo những người thuyền nhân trở về thăm lại
Galang, Bidong một chút tâm tình chia sẻ. Hãy thấp giùm tôi một nén nhang nơi
nghĩa trang của những người nằm lại. Hãy đi giùm tôi lên nhà
thờ trên dốc cao hay bước những bậc thang
gỗ lên chùa để cầu nguyện và đa tạ đất trời. Tôi muốn cám ơn đất nước
Indonesia đã dung chứa và bảo bọc chúng tôi. Tôi vẫn luôn luôn nghĩ mình là
một người may mắn dù trong bất cứ hoàn cảnh ngặt nghèo nào. Làm lại cuộc đời
ở tuổi trên ba mươi dù chậm nhưng vẫn còn chưa trễ. Định cư xứ người đi học,
đi làm, tôi đã hiểu được cái giá mà khi mình vượt biển đã định. Cố gắng sao
sống cho đúng con người, chu toàn bổn phận với chính bản thân mình, gia đình
mình, đất nước mình. Có phải, đó là điều tôi thực hiện? Xin ơn trên dìu dắt
tôi đi trên con đường ấy!
NMT
|
Tuesday, July 10, 2012
NGUYỄN MẠNH TRINH * GALANG MỘT THỜI MỘT ĐỜI
TƯỜNG LINH ● mùa nghiêng nẻo gió
“chim hồng đã mỏi cánh chưa “ *
người về hỏi lại, xin thưa cùng người :
dài cơn giấu khóc giả cười
những mười năm mất + những mười năm xa
ngu ngơ giữa cõi ta bà
vòm trời riêng mãi la đà bóng mây
thơ treo ngọn cỏ may gầy
mùa nghiêng nẻo gió trả đầy tiếng xưa
Tuong Linh – Saigon 2012
|
(*) câu cuối bài “túy mộng du du hề” của PBTD tặng TL.
|
Hà Thúc Sinh * Kẻ Nào Bố Cháu & Nguồn Cơn
* Kẻ Nào Bố Cháu
Nhìn thử xem
nào các cháu ngoan
Ai người
trong ảnh cả nhà thương
Phải ông đeo
kính ông đầu hói
Hay đứa cầm
côn đứa mặt rằn
Nếu đúng lúc
này ao tích nước
Bằng không
mai mốt họa vào thân
Bởi thằng bố
cháu quân ăn mặn
Sẽ khát đời
con há hốc mồm
* Nguồn Cơn
(Trái sang phải) Lý Bằng,
Giang Trạch Dân,
Nguyễn văn Linh, Ðỗ Mười,
Phạm văn Ðồng.
Việt quận thành thì Việt
quốc tan (55)
Phải chăng công ấy Linh
Mười Ðồng
Ức Trai loà mắt Nam Quan
kiếm
Mạc tộc què chân Bản Giốc
lùng
Giang Lý bò đen lưng đỉnh
núi
Hồ Ôn khuấy bẩn mặt
gương đông
Than ôi dân nước gần
trăm triệu
Biết ẩn nơi đâu một đấng
hùng
Ha
Thuc Sinh
__
(55) Theo nhiều
nguồn tin được tiết lộ, sau khi Liên Xô sụp đổ, để cứu chế độ, cánh chóp bu cộng
sản Hà Nội thời ấy đã chạy sang Tàu van xin hoà hiếu trở lạị Cuộc họp hai
ngày từ mùng 3 đến 4 tháng 9 năm 1990 ở Thành Ðô, tỉnh Tứ Xuyên đã diễn ra giữa
Việt cộng gồm Nguyễn văn Linh (TBT), Ðỗ Mười (chủ tịch HÐBT tức thủ tướng),
và Phạm văn Ðồng (cố vấn) với Trung cộng gồm Giang Trạch Dân (TBT) và Lý Bằng
(TT). Kết quả cuộc họp với nhiều nhượng bộ ở tầm bán nước của phái đoàn Việt
cộng như cắt đất, dâng biển, dẫn đến những thảm họa tiếp nối có tính long lở
từ đó đến nay cả thế giới đang chứng kiến.
|
Trần Thiện Hiệp * chuyện sâu tham nhũng nước tôi
Đinh Cường |
Chủ Tịch Nước, Tổng Bí Thư
Cả hai bất lực diệt trừ
tham quan
Cán bộ từ tỉnh đến làng
Từ Trung Ương đảng đến
hàng Bộ, Ban
Cấu kết tham nhũng dọc
ngang
Quốc doanh rút ruột
trăm, ngàn tỷ đô
Công quỷ thâm thủng khổng
lồ
Đô la, vàng ký chạy vô
túi bà
Ô tô, biệt thự nguy nga
Con học ngoại quốc, xa
hoa ngất trời
Nạn cưỡng chiếm đất kiếm
lời
Văn Giang, Tiên Lãng, khắp
nơi biểu tình
Tỉnh-thành-huyện-xã bất
minh
Dân oan khiếu kiện, đảng
mình im hơi
Lãnh đạo rủi ro hết thời
Thanh Tra, Tòa án vẻ vời
bao che
An toàn hạ cánh, lui ghe
Án tuyên đại khái, phè
phè rút lui
Coi dân như điếc, như
đui
Cháo rau nghèo khổ ngậm
ngùi miệng câm
Hở môi đàn áp, hại ngầm
Chẳng ai còn bé cái nhầm
đảng ta
Danh xưng xã hội cọng
hòa
Sản sinh tham nhũng nước
nhà tả tơi
Toàn dân khấn đất kêu trời
Diệt sâu tham nhũng đổi
đời Việt Nam
Tran
Thien Hiep – SG mùa mưa
|
Monday, July 9, 2012
Tạ Quang Khôi * Ký giả nằm vùng
Sunday, July 8, 2012
ĐINH TỪ THỨC chuyển ngữ: Yêu Nước Kiểu Tầu
Lí Thành Bành (Li Chengpeng) là một nhà văn và blogger có tới trên năm triệu người theo dõi trên mạng Sina Weibo, giống như Twitter của Trung Quốc. Bài này được viết theo một bài dài hơn đã được post trên mạng vào đầu tháng Năm 2012, nhân dịp kỷ niệm năm thứ tư cuộc động đất Tứ Xuyên. Nó đã được Jane Weizhen Pan dịch từ Hoa ngữ sang Anh ngữ.
tranh họa sĩ Rừng |
Bắc Kinh – Những cây cải dầu tại tỉnh Tứ Xuyên nở hoa muộn một tháng vào năm 2008. Dân chúng không quan tâm nhiều về điều đó. Vào thời ấy, dân chúng vẫn tin tưởng các chuyên viên, và các chuyên viên nói rằng nở hoa muộn là chuyện thường. Họ còn nói rằng việc hàng ngàn con ếch bỗng nhiên nhảy ra đường là chuyện thường.
Hôm ấy, tôi đang ngồi viết bài trong phòng làm việc ở Thành Đô. Khi sàn nhà bắt đầu rung chuyển, tôi tưởng đó chỉ là do con mèo quấy phá. Tôi chỉ biết là động đất khi sách trên kệ bắt đầu rớt xuống.
Nhà cửa bị lắc lư. Cột đèn lay chuyển. Một vầng sáng đáng sợ ở chân trời. Tôi chạy xuống cầu thang. Sàn nhà nhấp nhô như nước sôi. Cùng với láng giềng, cuối cùng tôi tới được nơi an toàn là một chỗ trống ở bên ngoài tòa nhà là nơi ở của chúng tôi.
Tin tức đến chậm. Nhiều người chết ở khu vực Dujiangyan là tâm điểm của động đất. Đường tới Beichuan, một huyện gần với trung tâm, bị cắt đứt. Máu dự trữ gần cạn.
Tôi tự nghĩ, “tổ quốc đang kêu gọi”. “Đây là lúc chúng tôi phải xây dựng một Trường Thành Mới bằng thịt và máu của chúng tôi”. Quốc ca vang lên trong đầu tôi. Sáng hôm sau tôi lên đường tới Beichuan với hai người bạn.
Lúc bấy giờ tôi không biết, nhưng đó chính là những ngày yêu nước kiểu Tầu cuối cùng của tôi.
Tôi đến thị trấn Beichuan và hoang mang khi đứng trước cảnh đổ nát của ngôi trường Trung Học Số 1 của Beichuan. Tôi không thể hiểu được tại sao gạch vữa đổ nát của ngôi trường năm tầng mới toanh bao phủ một khu rộng bằng nửa cái sân bóng rổ, trong khi những kiến trúc bên cạnh được xây nhiều thập niên trước vẫn còn đứng nguyên. Tôi không thể hiểu tại sao những tòa nhà mới có vẻ dễ vỡ như bánh đa. Tôi không thể hiểu tại sao ngay cả những học sinh ở tầng trệt của ngôi trường cũng có vẻ không thể chạy thoát đến nơi an toàn.
Tôi nhìn thấy một bà đang lần mò quanh một đống những mảnh vụn. Chỉ vào một chỗ, bà lẩm bẩm: “Nhìn kìa, đó là con tôi. Tay nó vẫn còn đang cử động. Nó vẫn còn sống nhưng tôi không thể kéo nó ra”. Tôi có thể nhìn thấy phía dưới cái áo hoa của một đứa bé gái, và cả những đứa khác nữa. Nhiều đứa trong đó vẫn còn cử động. Nhưng toán binh sĩ cứu hộ cấm chúng tôi tới gần nơi đổ nát, sợ sẽ đổ thêm. Chúng tôi đứng vô vọng. Cuối cùng, đám trẻ hết cử động.
Tôi là một người yêu nước kiểu mẫu trước năm 2008. Tôi tin rằng “những lực lượng thù địch” chịu trách nhiệm về hầu hết những điều bất hạnh của dân tộc tôi. Là một người tường thuật các trận túc cầu giữa Nhật Bản và Trung Quốc, tôi từng viết những câu như, “Chặt đầu bọn quỷ Nhật”. Tôi nhìn những đấu thủ túc cầu Nhật Bản như là hậu duệ của những người lính Nhật đã tàn sát dã man những thường dân Trung Hoa vào năm 1937 ở Nam Kinh. Tôi thường chửi CNN về những lời bình chống Trung Quốc. Tôi là một trong những người biểu tình đứng trước lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô và giơ tay đả đảo sau vụ Hoa Kỳ ném bom trúng Đại Sứ Quán Trung Quốc ở Belgrade vào năm 1999.
Nhưng lòng yêu nước của tôi bắt đầu có vấn đề khi tôi đứng trước những đổ nát của trường Trung Học Beichuan. Tôi nhận thấy rõ ràng rằng “bọn đế quốc” đã không hề ăn cắp những thanh cốt sắt trong ruột khối bê tông để xây trường học cho chúng tôi. Các em học sinh của chúng tôi không hề bị giết bởi bọn ngoại nhân ma quỷ. Mà các em đã bị giết bởi những bàn tay nhơ bẩn của chính dân tộc tôi.
Tôi vẫn còn tin rằng chúng tôi nên “xây bức Trường Thành Mới bằng thịt và máu của chúng tôi” nhưng bây giờ tôi cũng tin rằng bức Trường Thành nên bảo vệ thịt và máu của chúng tôi.
Sau vụ động đất, tôi lang thang nhiều ngày trong khu vực rừng núi ở Beichuan với những người tình nguyện khác, và tìm cách cứu một số những người già và trẻ con. Một ngày nọ, chúng tôi đi qua một trường tiểu học được tài trợ bởi Project Hope (Dự án Hy vọng), một tổ chức an sinh nhằm mục đích mang trường học tới cho những vùng quê nghèo nàn của Trung Quốc.
Ngôi trường vẫn đứng vững và ngay cả những cửa sổ bằng kính vẫn còn nguyên vẹn. Tất cả học sinh của trường này đều thoát hiểm qua vụ động đất.
Sau đó tôi hỏi vị hiệu trưởng và các giáo viên về lý do của phép lạ này. Họ nói chúng tôi nên cảm ơn người đã trông coi việc xây cất ngôi trường. Người này, một thời từng là thành viên công binh của Quân đội Giải phóng Nhân dân, đã được mướn bởi công ty cho tiền xây trường. Họ nói với tôi người đó thường gõ vào tất cả những cột xi măng mới đúc bằng một cái búa nhỏ. Bằng cách nghe tiếng vọng, ông ta có thể nói xi măng đã được trộn có đúng phân lượng không. Toán xây cất được lệnh phải làm lại từ đầu nếu ông ta không bằng lòng với tiếng gõ.
Các giáo viên thêm rằng có hai loại tiếng vang thường vọng lại từ nơi xây cất trường học: tiếng động từ việc xây cất và tiếng la từ ông đó tranh cãi với người ta – hoặc là với những người xây cất về phẩm chất của công trình hoặc với giới chức thuộc chính quyền địa phương về việc chậm trễ trả tiền cho việc kiến thiết (tất cả các ngân khoản cho Project Hope để xây trường mới đều phải qua tay chính quyền địa phương, và tất cả các người xây cất đều phải do chính quyền địa phương chỉ định).
Tôi gặp người cai kiến thiết này và hỏi ông ta rằng ông có theo một chỉ dẫn đặc biệt nào trong việc xây trường không. “Không, chỉ dản dị là xây cất theo những tiêu chuẩn thông thường trên toàn quốc”, ông nói. Tôi còn được biết rằng ông đã trông nom việc xây dựng năm ngôi trường khác và tất cả đều đứng vững qua vụ động đất. Trong khi ấy, truyền thông luồng chính không được phép ca tụng con người này. Ngay cả tên tuổi ông ta họ cũng không được nhắc tới.
Vào một buổi chiều hai năm trước, tôi nhận được cú điện thoại của ông. Ông nói ông đã bị cưỡng bách phải chữa trị một thứ bệnh tâm thần giả tưởng và vợ ông đã bỏ ông. Ông nói muốn trốn khỏi Tứ Xuyên, nơi khiến ông bị rắc rối. Ông cầu xin tôi giúp ông ra đi và tìm một việc làm tại miền Bắc Trung Quốc. Rồi chúng tôi mất liên lạc.
Bốn năm sau vụ động đất ở Tứ Xuyên tôi vẫn còn hoang mang. Tại sao chúng tôi không thể phổ biến tên của những đứa trẻ đã thiệt mạng trong vụ động đất? Tên của tất cả các nạn nhân vụ 11 tháng 9 đã đựợc phổ biến và đọc lên nhiều lần. Và tại sao chúng tôi không thể nhắc đến tên của người đã xây cất những tòa nhà an toàn nhờ đó đã cứu được bao nhiêu mạng sống?
Bốn năm sau vụ động đất, bây giờ tôi tiết lộ tên ông ta: Guo Yandong (Quốc Yên Đông).
Quốc Yên Đông là một nhà ái quốc xuất sắc. Ông đã cứu được nhiều trẻ em Trung Quốc bằng cách xây những tòa nhà an toàn. Ông xứng đáng được tưởng thưởng.
Một tháng sau vụ động đất, tôi trở lại Bắc Kinh. Một ngày nọ, tôi đụng đầu một nhà báo đáng kính thuộc CCTV, kênh truyền hình tin tức của nhà nước. Chúng tôi nói chuyện về loại “kiến trúc đậu phụ” gian trá đã giết nhiều mạng người trong vụ động đất.
“Bọn quan chức tham nhũng đáng bị bắn bỏ”, tôi nói.
“Không”, con người khôn ngoan đáng kính trả lời trong khi nhìn trân vào tôi. “Giải quyết những vấn đề đó tại Trung Quốc cần phải tiến hành từ từ. Nếu không, sẽ lại bị hỗn loạn. Sau hết, chúng ta phải nhờ cậy vào những giới chức đó để tái thiết sau động đất”.
Tôi vốn rất kính trọng con người đó. Bây giờ, chúng tôi là những kẻ xa lạ.
Một số người bây giờ gọi tôi là kẻ phản bội. Một số người gọi tôi là tay sai của bọn ngoại bang ma quỷ. Nhưng làm sao tôi có thể là tay sai cho ngoại bang ma quỷ khi tôi không có ngay cả một tấm thẻ xanh, trong khi không giống hầu hết những người Trung Quốc chọn lọc, con tôi không lái xe Ferrari hay theo học tại một đại học ngoại quốc uy tín, trong khi tôi không làm chủ một bất động sản nào ở Hoa Kỳ hay châu Âu. Tôi yêu nước tôi, nhưng tôi không thể yêu một chính quyền chịu trách nhiệm về quá nhiều những “kiến trúc đậu phụ”.
Những ngày này, dân Trung Quốc thích nói về lòng ái quốc vì có chuyện tranh chấp với các nước láng giềng về những hòn đảo nhỏ và hải lộ. Thật ra, tôi cởi mở trong việc sử dụng quân sự để đòi chủ quyền tại đảo Hoàng Nham (Huangyan Island), hòn đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Phillippines. Nhưng tôi chống lại ý tưởng đánh kẻ thù nước ngoài trong khi để cho kẻ xấu trong nước thoát khỏi tội giết người. Nhiều nhà yêu nước nghĩ khác. Họ tin rằng việc đưa những phần tử xấu ra trước công lý có thể đợi được, nhưng không thể đợi trong việc đòi chủ quyền một hòn đảo nhỏ.
Sau khi chứng kiến nhiều sự việc vào năm 2008 – không phải chỉ có chuyện động đất mà cả chuyện Thế Vận Hội Olympic và vụ sữa pha melamine – định nghĩa về yêu nước của tôi đã thay đổi.
Yêu nước không phải là ăn cắp của dân mình trong khi la lối rằng người ngoài đang ăn cướp chúng ta. Yêu nước không phải là nạt nộ những người mẹ có con thiệt mạng trong vụ động đất, trong khi kêu gọi dân chúng đứng lên đương đầu với nước ngoài nạt nộ tổ quốc chúng ta.
Yêu nước là nhận ít hơn tiền “bôi trơn” và dùng các phương pháp kiến thiết đúng hơn khi xây các lớp học. Yêu nước là xây dựng ít hơn những văn phòng “hoành tráng” cho công quyền và xây thêm nhiều kiến trúc thực dụng cho nông trại. Yêu nước là uống ít hơn rượu mua bằng của công. Yêu nước là cho phép dân chúng được tự do di chuyển trong nước và để cho con chúng ta được học tại thị trấn chúng muốn được theo học. Yêu nước là nói sự thật nhiều hơn. Yêu nước là nhân phẩm cho người dân Trung Quốc.
Tôi là một người yêu nước. Tôi sẽ sung sướng được nhìn thấy một hòn đảo nhỏ thêm vào lãnh thổ của đất nước vĩ đại này. Nhưng điều tôi mong muốn nhiều hơn là được nhìn thấy tên của vô vàn những linh hồn quá vãng được ghi khắc vào những đài tưởng niệm khiêm nhượng trong đất nước tôi.
Nguồn: “Patriotism With Chinese Characteristics” của Li Chengpeng (The New York Times, 25 tháng 5, 2012)
Lý Thụy Ý * h o à i n i ệ m
Người lính ấy không còn trẻ nữa
Thời gian hằn những nét vô tình
Nhưng ánh mắt vẫn còn nguyên chất lửa
Của một thời lừng lẫy đao binh
Người lính ấy không nói về cuộc chiến
Chỉ nhắc nhiều đồng đội năm xưa
Những khẩu pháo chưa một lần im tiếng
Dưới đạn thù xối xả như mưa
Người lính ấy lặng thầm và khắc khổ
Ôm nỗi đau dù chưa bại bao giờ
Năm tháng xa dần cơn bão tố
Trong hồn chứng tích vẫn trơ trơ
Người lính ấy không còn trẻ nữa
Chiều nay hoài niệm chuyện ngày xưa
Trong ánh mắt vẫn còn nguyên chất lửa
Hạ Sài Gòn mà thoang thoáng thu mưa
LÝ THỤY Ý
|
Saturday, July 7, 2012
Subscribe to:
Posts (Atom)