Lí Thành Bành (Li Chengpeng) là một nhà văn và blogger có tới trên năm triệu người theo dõi trên mạng Sina Weibo, giống như Twitter của Trung Quốc. Bài này được viết theo một bài dài hơn đã được post trên mạng vào đầu tháng Năm 2012, nhân dịp kỷ niệm năm thứ tư cuộc động đất Tứ Xuyên. Nó đã được Jane Weizhen Pan dịch từ Hoa ngữ sang Anh ngữ.
tranh họa sĩ Rừng |
Bắc Kinh – Những cây cải dầu tại tỉnh Tứ Xuyên nở hoa muộn một tháng vào năm 2008. Dân chúng không quan tâm nhiều về điều đó. Vào thời ấy, dân chúng vẫn tin tưởng các chuyên viên, và các chuyên viên nói rằng nở hoa muộn là chuyện thường. Họ còn nói rằng việc hàng ngàn con ếch bỗng nhiên nhảy ra đường là chuyện thường.
Hôm ấy, tôi đang ngồi viết bài trong phòng làm việc ở Thành Đô. Khi sàn nhà bắt đầu rung chuyển, tôi tưởng đó chỉ là do con mèo quấy phá. Tôi chỉ biết là động đất khi sách trên kệ bắt đầu rớt xuống.
Nhà cửa bị lắc lư. Cột đèn lay chuyển. Một vầng sáng đáng sợ ở chân trời. Tôi chạy xuống cầu thang. Sàn nhà nhấp nhô như nước sôi. Cùng với láng giềng, cuối cùng tôi tới được nơi an toàn là một chỗ trống ở bên ngoài tòa nhà là nơi ở của chúng tôi.
Tin tức đến chậm. Nhiều người chết ở khu vực Dujiangyan là tâm điểm của động đất. Đường tới Beichuan, một huyện gần với trung tâm, bị cắt đứt. Máu dự trữ gần cạn.
Tôi tự nghĩ, “tổ quốc đang kêu gọi”. “Đây là lúc chúng tôi phải xây dựng một Trường Thành Mới bằng thịt và máu của chúng tôi”. Quốc ca vang lên trong đầu tôi. Sáng hôm sau tôi lên đường tới Beichuan với hai người bạn.
Lúc bấy giờ tôi không biết, nhưng đó chính là những ngày yêu nước kiểu Tầu cuối cùng của tôi.
Tôi đến thị trấn Beichuan và hoang mang khi đứng trước cảnh đổ nát của ngôi trường Trung Học Số 1 của Beichuan. Tôi không thể hiểu được tại sao gạch vữa đổ nát của ngôi trường năm tầng mới toanh bao phủ một khu rộng bằng nửa cái sân bóng rổ, trong khi những kiến trúc bên cạnh được xây nhiều thập niên trước vẫn còn đứng nguyên. Tôi không thể hiểu tại sao những tòa nhà mới có vẻ dễ vỡ như bánh đa. Tôi không thể hiểu tại sao ngay cả những học sinh ở tầng trệt của ngôi trường cũng có vẻ không thể chạy thoát đến nơi an toàn.
Tôi nhìn thấy một bà đang lần mò quanh một đống những mảnh vụn. Chỉ vào một chỗ, bà lẩm bẩm: “Nhìn kìa, đó là con tôi. Tay nó vẫn còn đang cử động. Nó vẫn còn sống nhưng tôi không thể kéo nó ra”. Tôi có thể nhìn thấy phía dưới cái áo hoa của một đứa bé gái, và cả những đứa khác nữa. Nhiều đứa trong đó vẫn còn cử động. Nhưng toán binh sĩ cứu hộ cấm chúng tôi tới gần nơi đổ nát, sợ sẽ đổ thêm. Chúng tôi đứng vô vọng. Cuối cùng, đám trẻ hết cử động.
Tôi là một người yêu nước kiểu mẫu trước năm 2008. Tôi tin rằng “những lực lượng thù địch” chịu trách nhiệm về hầu hết những điều bất hạnh của dân tộc tôi. Là một người tường thuật các trận túc cầu giữa Nhật Bản và Trung Quốc, tôi từng viết những câu như, “Chặt đầu bọn quỷ Nhật”. Tôi nhìn những đấu thủ túc cầu Nhật Bản như là hậu duệ của những người lính Nhật đã tàn sát dã man những thường dân Trung Hoa vào năm 1937 ở Nam Kinh. Tôi thường chửi CNN về những lời bình chống Trung Quốc. Tôi là một trong những người biểu tình đứng trước lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô và giơ tay đả đảo sau vụ Hoa Kỳ ném bom trúng Đại Sứ Quán Trung Quốc ở Belgrade vào năm 1999.
Nhưng lòng yêu nước của tôi bắt đầu có vấn đề khi tôi đứng trước những đổ nát của trường Trung Học Beichuan. Tôi nhận thấy rõ ràng rằng “bọn đế quốc” đã không hề ăn cắp những thanh cốt sắt trong ruột khối bê tông để xây trường học cho chúng tôi. Các em học sinh của chúng tôi không hề bị giết bởi bọn ngoại nhân ma quỷ. Mà các em đã bị giết bởi những bàn tay nhơ bẩn của chính dân tộc tôi.
Tôi vẫn còn tin rằng chúng tôi nên “xây bức Trường Thành Mới bằng thịt và máu của chúng tôi” nhưng bây giờ tôi cũng tin rằng bức Trường Thành nên bảo vệ thịt và máu của chúng tôi.
Sau vụ động đất, tôi lang thang nhiều ngày trong khu vực rừng núi ở Beichuan với những người tình nguyện khác, và tìm cách cứu một số những người già và trẻ con. Một ngày nọ, chúng tôi đi qua một trường tiểu học được tài trợ bởi Project Hope (Dự án Hy vọng), một tổ chức an sinh nhằm mục đích mang trường học tới cho những vùng quê nghèo nàn của Trung Quốc.
Ngôi trường vẫn đứng vững và ngay cả những cửa sổ bằng kính vẫn còn nguyên vẹn. Tất cả học sinh của trường này đều thoát hiểm qua vụ động đất.
Sau đó tôi hỏi vị hiệu trưởng và các giáo viên về lý do của phép lạ này. Họ nói chúng tôi nên cảm ơn người đã trông coi việc xây cất ngôi trường. Người này, một thời từng là thành viên công binh của Quân đội Giải phóng Nhân dân, đã được mướn bởi công ty cho tiền xây trường. Họ nói với tôi người đó thường gõ vào tất cả những cột xi măng mới đúc bằng một cái búa nhỏ. Bằng cách nghe tiếng vọng, ông ta có thể nói xi măng đã được trộn có đúng phân lượng không. Toán xây cất được lệnh phải làm lại từ đầu nếu ông ta không bằng lòng với tiếng gõ.
Các giáo viên thêm rằng có hai loại tiếng vang thường vọng lại từ nơi xây cất trường học: tiếng động từ việc xây cất và tiếng la từ ông đó tranh cãi với người ta – hoặc là với những người xây cất về phẩm chất của công trình hoặc với giới chức thuộc chính quyền địa phương về việc chậm trễ trả tiền cho việc kiến thiết (tất cả các ngân khoản cho Project Hope để xây trường mới đều phải qua tay chính quyền địa phương, và tất cả các người xây cất đều phải do chính quyền địa phương chỉ định).
Tôi gặp người cai kiến thiết này và hỏi ông ta rằng ông có theo một chỉ dẫn đặc biệt nào trong việc xây trường không. “Không, chỉ dản dị là xây cất theo những tiêu chuẩn thông thường trên toàn quốc”, ông nói. Tôi còn được biết rằng ông đã trông nom việc xây dựng năm ngôi trường khác và tất cả đều đứng vững qua vụ động đất. Trong khi ấy, truyền thông luồng chính không được phép ca tụng con người này. Ngay cả tên tuổi ông ta họ cũng không được nhắc tới.
Vào một buổi chiều hai năm trước, tôi nhận được cú điện thoại của ông. Ông nói ông đã bị cưỡng bách phải chữa trị một thứ bệnh tâm thần giả tưởng và vợ ông đã bỏ ông. Ông nói muốn trốn khỏi Tứ Xuyên, nơi khiến ông bị rắc rối. Ông cầu xin tôi giúp ông ra đi và tìm một việc làm tại miền Bắc Trung Quốc. Rồi chúng tôi mất liên lạc.
Bốn năm sau vụ động đất ở Tứ Xuyên tôi vẫn còn hoang mang. Tại sao chúng tôi không thể phổ biến tên của những đứa trẻ đã thiệt mạng trong vụ động đất? Tên của tất cả các nạn nhân vụ 11 tháng 9 đã đựợc phổ biến và đọc lên nhiều lần. Và tại sao chúng tôi không thể nhắc đến tên của người đã xây cất những tòa nhà an toàn nhờ đó đã cứu được bao nhiêu mạng sống?
Bốn năm sau vụ động đất, bây giờ tôi tiết lộ tên ông ta: Guo Yandong (Quốc Yên Đông).
Quốc Yên Đông là một nhà ái quốc xuất sắc. Ông đã cứu được nhiều trẻ em Trung Quốc bằng cách xây những tòa nhà an toàn. Ông xứng đáng được tưởng thưởng.
Một tháng sau vụ động đất, tôi trở lại Bắc Kinh. Một ngày nọ, tôi đụng đầu một nhà báo đáng kính thuộc CCTV, kênh truyền hình tin tức của nhà nước. Chúng tôi nói chuyện về loại “kiến trúc đậu phụ” gian trá đã giết nhiều mạng người trong vụ động đất.
“Bọn quan chức tham nhũng đáng bị bắn bỏ”, tôi nói.
“Không”, con người khôn ngoan đáng kính trả lời trong khi nhìn trân vào tôi. “Giải quyết những vấn đề đó tại Trung Quốc cần phải tiến hành từ từ. Nếu không, sẽ lại bị hỗn loạn. Sau hết, chúng ta phải nhờ cậy vào những giới chức đó để tái thiết sau động đất”.
Tôi vốn rất kính trọng con người đó. Bây giờ, chúng tôi là những kẻ xa lạ.
Một số người bây giờ gọi tôi là kẻ phản bội. Một số người gọi tôi là tay sai của bọn ngoại bang ma quỷ. Nhưng làm sao tôi có thể là tay sai cho ngoại bang ma quỷ khi tôi không có ngay cả một tấm thẻ xanh, trong khi không giống hầu hết những người Trung Quốc chọn lọc, con tôi không lái xe Ferrari hay theo học tại một đại học ngoại quốc uy tín, trong khi tôi không làm chủ một bất động sản nào ở Hoa Kỳ hay châu Âu. Tôi yêu nước tôi, nhưng tôi không thể yêu một chính quyền chịu trách nhiệm về quá nhiều những “kiến trúc đậu phụ”.
Những ngày này, dân Trung Quốc thích nói về lòng ái quốc vì có chuyện tranh chấp với các nước láng giềng về những hòn đảo nhỏ và hải lộ. Thật ra, tôi cởi mở trong việc sử dụng quân sự để đòi chủ quyền tại đảo Hoàng Nham (Huangyan Island), hòn đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Phillippines. Nhưng tôi chống lại ý tưởng đánh kẻ thù nước ngoài trong khi để cho kẻ xấu trong nước thoát khỏi tội giết người. Nhiều nhà yêu nước nghĩ khác. Họ tin rằng việc đưa những phần tử xấu ra trước công lý có thể đợi được, nhưng không thể đợi trong việc đòi chủ quyền một hòn đảo nhỏ.
Sau khi chứng kiến nhiều sự việc vào năm 2008 – không phải chỉ có chuyện động đất mà cả chuyện Thế Vận Hội Olympic và vụ sữa pha melamine – định nghĩa về yêu nước của tôi đã thay đổi.
Yêu nước không phải là ăn cắp của dân mình trong khi la lối rằng người ngoài đang ăn cướp chúng ta. Yêu nước không phải là nạt nộ những người mẹ có con thiệt mạng trong vụ động đất, trong khi kêu gọi dân chúng đứng lên đương đầu với nước ngoài nạt nộ tổ quốc chúng ta.
Yêu nước là nhận ít hơn tiền “bôi trơn” và dùng các phương pháp kiến thiết đúng hơn khi xây các lớp học. Yêu nước là xây dựng ít hơn những văn phòng “hoành tráng” cho công quyền và xây thêm nhiều kiến trúc thực dụng cho nông trại. Yêu nước là uống ít hơn rượu mua bằng của công. Yêu nước là cho phép dân chúng được tự do di chuyển trong nước và để cho con chúng ta được học tại thị trấn chúng muốn được theo học. Yêu nước là nói sự thật nhiều hơn. Yêu nước là nhân phẩm cho người dân Trung Quốc.
Tôi là một người yêu nước. Tôi sẽ sung sướng được nhìn thấy một hòn đảo nhỏ thêm vào lãnh thổ của đất nước vĩ đại này. Nhưng điều tôi mong muốn nhiều hơn là được nhìn thấy tên của vô vàn những linh hồn quá vãng được ghi khắc vào những đài tưởng niệm khiêm nhượng trong đất nước tôi.
Nguồn: “Patriotism With Chinese Characteristics” của Li Chengpeng (The New York Times, 25 tháng 5, 2012)