văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, December 11, 2013

MANG VIÊN LONG * hai trường hợp, một cuộc tình


Tại phòng số 2 – cô nhân viên phụ trách phát cho Ngạn và Kiều mỗi người hai mẫu giấy, hướng dẫn sơ lược diền vào các khoảng, rồi chỉ cho họ đến phòng cuối dãy hành lang…
Phòng “Viết Đơn & Thư” dành cho những kẻ có việc đến Tòa nhỏ hẹp – kê ba dãy bàn ngắn, trống trải đến nổi không có một tấm lịch treo tường. Nó trơ trụi, khô khốc, và lạnh lẽo như những con người đã bước chân vào đây. Vào chốn cuối cùng của tháng năm dằn vặt, muộn phiền để kết thúc một phần đời sống bất hạnh thương đau.


Khi Ngạn và Kiều bước vào, thì hai cô cậu khoảng trên 25 tuổi cũng lần lược bước ra khỏi phòng. Cậu thanh niên mặc quần jean xanh, áo sọc rằn đỏ vội vã đi về phía phòng số 3 để nộp đơn, còn cô gái ngơ ngác lửng thửng bước theo sau. Nhìn dáng vẻ lạnh băng, thiểu não và khô héo của cô gái, Ngạn hiểu họ cũng vừa làm công việc giống mình trước đó mấy phút, để chấm dứt một cuộc tình! Chấm dứt cái ngày xe hoa áo cưới nụ cười chúc tụng rộn rã mà có lẽ chỉ vừa xảy ra cách ngày hôm nay đối với họ không lâu! Họ đã rời xa căn phòng rực rỡ sắc mầu hương thơm hoa chúc dành cho tân lang và tân giai nhân để bước vào ngồi trong chiếc phòng trống trơn trắng toát này để vĩnh viễn rời xa?

Kiều ngồi vào chiếc bàn trên – hý hoáy viết vào các khoảng trống, còn Ngạn ngồi ở bàn dưới – lơ đểnh nhìn vào hai tấm giấy đặt trước mặt, chưa viết vội. Anh có ý chờ Kiều viết xong – rồi mượn ghi lại – cho nhanh. Trong đầu anh trống rổng, đông cứng như tản đá, chẳng biết phải viết thế nào cho phù hợp với toan tính của Kiều. Đồng thời, anh cũng nhận ra, trong các khoảng cần điền vào cho hợp lệ - Ngạn cảm thấy đối với anh không có gì khó khăn, phức tạp cả. Anh cũng đã từng nghĩ đến điều ấy từ những tháng trước khi đồng ý cùng Kiều đến đây rồi. Tất cả đều “ không” – bởi vì cái “không” lớn nhất của đời anh – đã đến từ vài năm nay khi Kiều có ý định theo học lớp sư phạm do người chú đang công tác ở phòng giáo dục gợi ý vì nàng có đủ điều kiện về bằng cấp và lý lịch! Chỉ cần ly hôn với Ngạn, là mọi chuyện sẽ êm thắm. Còn nghề may vá sơ sài, riêng lẻ của Kiều đang vắng dần khách cùng với sự ế ẩm của nghề sửa chửa máy may cũ của Ngạn. 

Trong khu phố đã bắt đầu xuất hiện trở lại vài hiệu may uy tín, ngoài chợ áo quần may sẵn cũng dần được bày bán với giá thấp. Mọi chuyện đã rõ - anh đâu “có” gì để yêu cầu, đề nghị giải quyết nữa? Mắc nợ ai và ai mắc nợ: Không! Tài sản riêng, tài sản chung: Không. Đòi hỏi gì về con cái: Không! Tất cả anh sẽ ghi theo ý muốn của Kiều để mọi chuyện sẽ được giải quyết nhanh chóng. Sẽ chẳng có một lời yêu cầu hay tranh chấp gì trong buổi chia tay vĩnh viễn này cả. Ngạn cảm thấy mỏi mệt hụt hẩng như đang bị chao đảo trên khoảng không ngờm ngợp nắng và gió.

“Đã gần 10 năm từng ngày chăm chút cho hai đứa con với bao kỳ vọng đã trở thành số “không” rồi – thì còn gì để đòi hỏi, yêu cầu thêm cho những tháng năm còn lại cuối đời?”. Ngạn đã dửng dưng đồng ý đến Tòa khi nghĩ vậy theo sự bức bách ngày càng khẩn thiết của Kiều (mà trước đây anh đã nhiều lần khướt từ quyết liệt). Ngạn cũng đã thấy rõ tương lai của anh thợ “chuyên sửa chửa máy may” và “bản án vô hình” của anh sẽ chẳng có gì thay đổi tốt đẹp hơn, nếu không muốn nói là ngày càng tồi tệ.

Đang học năm thứ 3 tại Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ (là tiền thân của đại học Bách Khoa sau 75) ngành công chánh, anh bị dồn vào trại nhập ngũ bởi lệnh tổng động viên năm 72. Giữa năm 73 ra trường, cấp bậc chuẩn úy – binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Tháng 2 năm 75 bị bắt làm tù binh ở chiến trường Tây Nguyên trên đường rút quân về đồng bằng Phú Yên khi chỉ mặc áo lính chưa được hai năm. Vào trại “tù tàn binh” T53 gần hai năm – bằng thời gian anh ở trong quân ngũ, Ngạn được phóng thích khi đang ở vào tuổi 25.

Trở lại quê nhà là niềm khao khát của Ngạn trong những tháng năm sống ở núi rừng thâm u quạnh vắng. Người chị còn lại ở quê là điểm tựa duy nhất cho Ngạn khi anh quyết định ghi nguyện vọng của mình trong đơn xin phóng thích. Đi đâu? Về đâu? - Ngạn thật sự không thể tìm ra một chỗ nào trên quê hương có thể bao dung anh trong lúc này – ngoài quê nhà! Chung quanh anh – nơi nào cũng rẩy đầy bất trắc, đồi thay – lạ lẫm, mờ mịt!

Cũng có đôi lần Ngạn nghĩ đến Cẩm – cô bạn đồng môn ngày trước ở Phú Thọ, nhưng hình bóng của Cẩm lại xa vời quá đổi – khiến anh không còn có thể níu kéo lại được gì trước cơn bão đổi thay của thời cuộc. Thôi thì có chết đói – cũng được chết ở quê nhà – đôi khi quẩn trí cùng đường Ngạn đã nghĩ vậy, để tự an ủi cho quyết định cuối cùng của mình…

Ngạn đến xin học ngay nghề sửa chửa máy may với người bà con phía chồng của chị để nhanh chóng tìm kiếm cơm áo khi trong túi không còn chút tiền nào dự phòng. Biết không thể ăn bám vào gia đình đang lâm vào cảnh khốn cùng của chị (bốn con, chồng đang đi học tập. ruộng vườn đã quy hoạch sáp nhập vào hợp tác xã) - Ngạn bán đi chiếc đồng hồ Seiko 5 và chiếc nhẫn vàng tây một chỉ của Cẩm (cô bạn gái học cùng trường - ngành địa chính, đã đeo vào tay anh khi Ngạn rời Saigon lên trại nhập ngũ Trung Tâm 3 ngày nào) để chi dùng trong thời gian học nghề. Vì chỗ thông gia – và cũng vì thương cho tuổi trẻ của Ngạn sa cơ, ông đã nhận lời sau mấy hôm suy nghĩ. Trong tình trạng khan hiếm máy may, không có máy mới – tất cả đều tận dụng các máy đã cũ, mà nhu cầu may mặc bình thường hằng ngày vẫn phải có ( dù bất kì là loại vải nào) miễn không thể để cho cơ thể trống trải – nghề may vì vậy tương đối phát triển nhanh, “kiếm ăn” dễ dàng.

Kiều là một “khách hàng” quen thuộc của Ngạn. Nhiều lần Kiều mang máy đến. Cũng có khi Ngạn theo Kiều về tận nhà để sửa máy cho nàng. Chiếc máy Singer cũ của mẹ mua từ thuở mới sinh ra nàng để tự may vá ở nhà, nay được đem ra lau chùi như một bảo vật. Kiều chỉ còn người mẹ góa bụa đã luống tuổi. Thấy Kiều hiền từ, xinh xắn, dễ thương – lại có trình độ – Ngạn đem lòng thương yêu, gắn bó dễ dàng trong nỗi cô độc và buồn bã ngày đêm của đời mình. Một đám cưới đơn giản nhưng đầy đủ nghi lễ đã được thực hiện ngay sau khi mẹ Kiều đã cho gọi Ngạn đến, tâm sự: ” Ông ấy thoát ly sớm, rồi mất ở Khe Sanh khi mẹ chỉ có một mình con Kiều – nay, mẹ có thêm con trai – mẹ rất vui …”.

Đứa con trai đầu lòng vừa lên sáu tuổi mới bước chân vào lớp một – Kiều đã nghe theo lời “gợi ý” của người chú – viết đơn xin ly hôn với Ngạn. Anh không chịu ký vào tờ đơn ấy – đến lần thứ ba, kéo dài thêm bốn năm. Kiều sinh thêm bé Ngân – và một năm sau, đã dứt khoát tự mình đến nộp đơn xin ly hôn – không cần chữ ký của Ngạn nữa! Anh trở thành “bị đơn” trong mẫu tự khai ở Tòa sáng nay…

Kiều nhận lại hai mẫu giấy từ tay Ngạn – đọc lướt qua, rồi bước ra khỏi phòng như vừa cầm được niềm hy vọng của cái tương lai đang rộng mở phía trước. Kiều đi – cô gái trạc ba mươi tuổi bước vào phòng, lại ngồi ngay vào chỗ của Kiều. Nhìn thoáng vẻ rụt rè – áo quần đơn giản, Ngạn đoán cô ta ở vùng ngoại ô các xã lân cận. Trước khi rời phòng – Ngạn hỏi: “ Cô làm đơn xin Tòa xử điều gì vậy? “
- Tự nhiên em nhận được giấy đòi của Tòa. Đến đây – mới hay chồng em đã nộp đơn xin ly hôn với em…
- Anh ấy không hỏi ý em hay sao?
- Không!
- Chồng em đang làm việc gì vậy?
- Tài xế…
- Bây giờ em làm gì ở đây?
- Em điền vào các khoảng trống theo lời dặn của cô phụ trách…Chỉ đơn giản là vậy thôi!

Sau khi đã nộp đơn ở phòng số 3 – và sau đó, theo thứ tự được vào gặp ông chánh án ở phòng số 1 – Kiều đã lập lại lời yêu cầu trước đó, là đề nghị Tòa cho xử ly hôn, càng nhanh càng tốt. Ông chánh án kết luận: “ Nếu không có tranh chấp gì về tài sản, con cái, các khoản nợ nần – thì chuyện xử ly hôn là đơn giản thôi…”.

Theo lời hướng dẫn của ông, Kiều (là nguyên đơn) đến phòng số 2 nhận giấy xác minh, để đi đến “Phòng Thi Hành Án” nằm ở khu phố Hai Bà Trưng nộp án phí . Ngạn bước ra khỏi phòng ông chánh án, lơ lửng bước theo Kiều – ngồi vào chiếc băng chờ ở dãy hành lang, trước phòng số 2. Anh cảm thấy thèm điếu thuốc – thò tay lấy bao thuốc trong túi áo khoát, khẻ khàng rút một điếu – châm lửa…

- Tiền đây – anh đi nộp giúp án phí đi…
Ngạn đứng phắt dậy – rút tấm giấy trên tay Kiều – đi vội về phía cầu thang. Lúc Ngạn dắt xe vừa ra khỏi cổng, cô gái gặp sau cùng ở phòng viết đơn thư chạy vôi ra – gọi: “ Anh ơi! Em không biết đường Hai Bà Trưng, anh cho em đi với…”.
- Cô gọi xích lô hay xe ôm đi! Ngạn quay lại nhìn, giọng lạnh lùng.
- Anh làm ơn…
Cô gái đã đến bên cạnh – vẻ lo lắng, khẩn khoản: ”Anh làm ơn…”
- Cô lên xe gấp đi!

Xe chạy được một quảng – dừng lại ở ngả tư đèn đỏ - Ngạn quay lại - hỏi: ” Quê cô ở đâu?” – “ Dạ, thôn Đá Trắng, xã Hòa Ninh” – “ Có mấy con rồi mà ly hôn?” – “ Thưa, một đứa, con gái” – “ Mấy tuổi?” – “ Ba tuổi!” – “ Cô làm nghề gì vậy?” – “ Thợ may…”
Vào đến sân khu “ Phòng Thi Hành Án” – Ngạn tắt máy, bước vội vào bên trong. Được hướng dẫn, anh lên ngay cầu thang – tìm phòng thu lệ phí. Ngạn ngồi ở hàng ghế chờ bên ngoài – lấy thuốc ra hút.

Đến lượt Ngạn vào nộp tiền, thì cô gái cũng vừa đến – ngồi vào chỗ của anh. Nộp xong – Ngạn lại đoan đả quay về phía cầu thang. Khi đã dắt xe ra đến cổng, Ngạn moi tìm trong các túi áo quần không thấy chiếc chìa khóa xe ở đâu cả! Nhìn quơ quất xuống sàn nhà để xe – anh không thấy gì? Ngạn dựng xe nằm bên cổng, đi dần vào các phòng, thử tìm lại…
- Anh đang tìm gì vậy? – Cô gái vừa xuống cầu thang, áy náy hỏi.
- Chìa khóa xe…
- Đây nầy – cô mở chiếc ví nhỏ cầm tay, rút chiếc chìa khóa trao cho Ngạn – Lúc nảy anh vội đi, chỉ tắt máy mà không kịp lấy chìa khóa, em sợ bị mất…

Ngạn vội thò tay lấy lại chìa khóa – nhưng cô gái đã kịp nắm chặt nó giữa lòng bàn tay mình - Ngạn đã cầm lấy nắm tay cô gái giây lâu: “ Em sao vậy?” 
– “ Em muốn anh chở giúp em về…”