văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Saturday, December 1, 2012

Nguyễn Lệ Uyên * Những Kẻ Căm Lặng


luongtruongtho

 
 
Liệu cảm thấy sợ hãi vô cùng khi đặt bàn tay lên quả nắm. Thỏi sắt lạnh ngắt, len vào hồn nhanh như cơn gió loạn. Liệu rùng mình trước cánh cửa đóng kín, im lìm. Sự im lặng cứ kéo dài mãi dưới gót chân Liệu nghiến vỡ dần những hạt cát khô. Ngọn nến leo lét ở phía trong lọt qua khe hở. Liệu nghe tiếng động lịch kịch và tiếng trở mình. Liệu gọi thầm Thư ơi, Thư ơi rồi buông thõng tay xuống thềm.

Bầu trời giông màu tối, kín bưng. Những vì sao lấp lánh ở xa ngút tầm mắt như biểu hiện nỗi mơ ước tan hoang đang bùng dậy và tắt ngúm dần dà trong Liệu. Những vì sao ngày xưa có lần Liệu cầm tay Thư chỉ cho xem những hạnh phúc nhấp nháy. Những vì sao bao quanh hai người trên những lối mòn dẫn từ biển lên đồi, vòng sau lưng thành phố. Những vì sao đó, chính những vì sao đó đã thúc giục Liệu tìm cách vượt ra khỏi sự kiềm hãm của cuộc sống ồn ào. Và nay cũng chính những đốm sáng xa vời nhỏ bé kia bắt Liệu phải phóng mình đi lần nữa theo cái nhìn ngậm ngùi của người tình. Có nên gọi Thuật dậy nghe lần cuối sự mỏi mệt rã rời gặm mòn trí óc, và lén nhìn Thư, một phút, trong góc nào đó giữa căn nhà trống trải.

Sự mất mát vô cùng rực sáng.

Buổi chiều ở phía cuối rừng Sim Liệu thấy rõ tà áo Thư bay nhẹ trong gió quấn quít trên những cành hoa tím, những cánh hoa đan vào nhau nghẹn ngào. Liệu nôn nao, mong vượt nhanh xuống đồi cát, chạy ùa về khu phố vắng, ở đó Liệu sẽ gặp Thư, sẽ ôm chầm lấy nàng vuốt ve.

Liệu đứng bất động, căn nhà nhòa dần trước mặt và cuối cùng Liệu không còn nhìn rõ hình dáng những vật giăng trải phía trước. Thỏi sắt, quả nắm, màu vôi bức tường xám dường như đã kéo vào khơi quên lãng yên ngủ. Những người bạn thân thiết nhất giữa đời sống hối hả có biết đêm nay Liệu trở về giữa cơn nắng cô đơn, đứng lặng không dám lên tiếng gõ cửa, không dám mở rộng miệng gọi.

Đêm nay Liệu phải đi bất cứ nơi nào. Phải vượt qua khỏi hầm cát lún, chạy xa, thật xa khu trại tiền chế hầm hập sức nóng mùa hạ. Phải đi, Liệu nhủ thầm trong đầu óc một cách quyết liệt, dù Thuật có phải ngồi vạch lại tay áo xem lại vết sẹo cũ và Thư ngồi hoài trên bàn trang điểm để đánh quên thời gian trôi dập dềnh trước mặt. Sự ra đi của Liệu như một vượt thoát. Liệu đi vì thấy mình không sống nổi. Không thể hạ mình thật thấp xuống những con đường cái kín đường răng cưa nhọn, nghe miết mãi những câu nói vô duyên, dọa nạt của gã trưởng trại. Chúng bay phải biết thân, biết chỗ đứng của mình ở đâu. Những cái gọi là bằng cấp, trí thức to lớn chúng bay hãy nhét cả vào lỗ cống vì thảy đều là những tên phản loạn. Chúng bay đừng mang ra khoe khoang, cứng đầu bởi chỗ này là nhà tù, một trại giam các tội phạm. Chúng bay không còn là giáo sư hay thẩm phán như ngoài đời. Chúng bay là những con chó ghẻ lở, một bọn tù nhơ bẩn nghe chưa… Gã nói miên man bất tận tưởng chừng như không bao giờ dứt. Cái miệng gã rộng xách ngược lên tận mép tai dường như chưa đủ lớn để quất vào mặt bọn Liệu… Những lời nói cộc cằn, thù hận muôn kiếp nào. Cả bọn đứng im thin thít. Giây phút im lặng kéo dài như cái cớ để gã được thể la lối to hơn. Gã đá tung chiếc thùng gỗ văng ra xa nổ tung. Gã chỉ tay. Đó bọn mày hãy mở to con mắt ngu đần xem những mảnh ván gãy vụn trước mặt. Hoặc là chúng mày muốn được yên đôi chút hoặc muốn tan xác thì cứ tiếp tục làm loạn, xúi bẩy. Đứa nào đã tìm cách cắt hàng rào kẽm gai, đứa nào lập kế trốn thoat tao đều biết hết, song muốn bắt tất cả để đạp xuống hố cùng một lượt, đỡ tốn công. Gã di chuyển tấm thân cục mịch ra khỏi chỗ Liệu đứng, bỏ vào nhà. Bóng gã gãy cong trên mặt cát, mất hút. Quanh quẩn chỉ còn những ánh mắt e ngại trộn lẫn những kinh tởm, nhìn nhau ngập ngừng. Giữa đêm tối, bọn tù trông như những thay ma chết đứng, bất động. Có tiếng thằng Báo sau lưng Liệu.
“Mẹ kiếp, nó là cái con cặt gì mà dám sỉ vả mình chứ, ở đây có đứa nào hở miệng nói một câu to nhỏ với lũ ngốc đó đâu. Tao mà ra ngoài được hắn sẽ biết tay.”
“Mày ở trong đám biểu tình?”
“Chỉ đứng xem thôi. Ừ nhỉ tao có tiếp tế nước.”
“Ngay từ lúc mới lùa vào, tao thấy hắn nhìn tụi mình với ánh mắt căm hờn rồi chúng mày ạ. Hình như đời hắn sinh ra để nhìn người khác với ánh mắt đó”.
“Ối chao, cái thứ mặc cảm ngu đần.” Tiếng thằng Báo tuy khẽ nhưng ngầm chứa sự tức tối lớn bằng trời.
Phía dưới hàng xầm xì:
“Mặc cảm nào chả ngu đần, rõ khéo.”
“Hắn sinh ra trong viện mồ côi và lớn lên trong phòng Nhì nhỉ. Coi gớm quá đi mất.”
“Viện nào thì viện, có điều cần xác định xem hắn là cái gì và bọn mình ở đâu đến, có phải là lũ tù kinh khiếp không đã. Nếu nhìn đúng vị trí của mỗi bên chúng ta mới có thái độ chứ”.
Có nhiều tiếng ồn ào nổi lên.
“Thái độ cái con cặt. Thằng nào có can đảm cứ đấm một cú vào mặt hắn coi nào. Nên xem mình là một kẻ phạm tội thì hơn. Thời gian ở đây nên im lặng”.
Cơn giận lúc mỗi cao tưởng có thể nổ tung như trái đạn, cơn giận dữ thật dai dẳng, kéo tuốt vào giường ngủ, chập chờn những hình thù kỳ dị. Đôi mắt gã trợn tròn nổi gân máu, lúc nào cũng chực sẵn bên người, đe dọa.
Hai mươi bốn chiếc giường đã buông mùng, nhưng tiếng động vẫn nổi dậy một cách run rẩy, lén lút. Liệu nằm sát vách với Giảng. Những lần như vậy hai đứa lại có dịp khơi dậy, thêm một chút kỷ niệm đã nằm sâu trong cõi nhớ.
“Tao chịu hết nổi rồi mày ạ! Có nước chết”.
Liệu chồm dậy. Ghé sát vào tai Giảng.
“Mày xem có đứa nào sung sướng đâu. Than thở cho lắm cũng thừa, mệt hơi, để sức còn chịu đựng. Thời gian còn dài”.
“Chịu thế đếch nào được. Thà nó tra tấn mình còn hơn chơi màn chưởi rủa. Nó tưởng nó là nhân vật tốt đẹp nhất trong cái xã hội thối tha này à”.
“Sao không nói chuyện khác cho đỡ mệt trí”.
“Biết chuyện gì để nói bây giờ. Tao chán quá”.
“Như chuyện vợ con mày, người tình mày”.
“Thích nghe lắm sao”.
“Ừ, quên nổi khổ”.

“Tao không có vợ, vợ tao là người tình vừa mới bỏ đi tu cách đây hai tháng. Không hiểu vì cớ gì. Lúc nào ra tù tao sẽ cho mày xem những bức hình của con bé xuất hiện trước đám đông. Giọng hát của nàng làm tao choáng váng, ngây ngất ngay từ lúc đầu. Những đêm sau tao đều đến ngồi thu mình trong góc tối giương mắt ra nhìn. Và sau đó, dĩ nhiên là tao được nàng. Hai đứa yêu nhau tha thiết. Những chiều đưa nhau vào tu viện. Những tối đưa qua những ngả phố vắng. Nàng sống một mình với bà ngoại. Mẹ ở xa còn ông bố xem như mất tích.”
“Thảm nhỉ.”

Dường như không chịu nổi sự cô đơn cùng tận, Giảng vạch mùng chui qua nằm giường Liệu. Cả hai nằm nói chuyện dong dài tới khuya và lún dần vào giấc ngủ, phủ đầy cơn mộng dữ.

Khu phố thật vắng vẻ. Hàng quán cửa đóng im lìm như những khuya mùa đông nhìn những chiếc lá nhỏ từng giọt nước xuống mặt đất. Lá che nhau những bàn tay mưa, ve vuốt trí óc mịt mù. Liệu đi hoài không biết mỏi cẳng, băng qua các ngả đuờng trống, gió thổi tốc áo quần. Liệu biết đi đâu giữa đêm khuya vắng lặng và con phố xa lạ. Biết có còn đủ hơi sức để vượt qua ngọn đèo cao chắn ngang trước mặt, và biển che khuất núi rừng trùng điệp phía sau. Dù sao Liệu cũng đã thoát ra khỏi vòng rào, đã đặt bàn tay lên quả nắm nhà Thuật, không dám gọi tên, cho giấc ngủ Thư được yên lành. Sáng mai, khi tiếng chim đầu ngày hót rộn trên cành nhãn để đánh thức Thư dậy với một ngày vô cùng ngạc nhiên nhận chìm Liệu trong cơn gió nóng khô mặt. Liệu sẽ vứt bỏ hết, khu vườn nhãn oằn trái và con đường thơm mùi tóc Thư nghe tim nhảy những nhịp hụt hẫng. Phải đi. Dù đến bãi vực nào của đời sống khốn khó, miễn sao thoát xa khu trại giam, xa đôi mắt trợn ngược của gã, chứa đựng vô vàn những tính toán kinh hoàng. Khuôn mặt đầy những vết sẹo của gã có phải là những lưỡi dao sáng lóe, chờ dịp ấn sâu mũi nhọn vào đầu óc, tim bụng lũ người đứng trước. Nhiều khi Liệu tự hỏi tại sao bọn Liệu và hắn giáp mặt trong khung cảnh này. Màu trời rọi trên cát đốt cháy từng phiến thịt. Những ngọn tóc xơ xác cùi cụt có vẻ làm gã hài lòng hơn là khi nhìn thấy bọn Liệu làm ồn trong khu trại khi mới đến. Nỗi bất an, lo lắng đã biến mất trong đôi măt gã. Gã đã đè bẹp được. Gã là kẻ thắng cuộc giữa vòng đua không có người lên ngựa. Từ đó cái miệng đã rộng lại rộng hơn sau những lần quát tháo, chửi rủa cầm gậy đập mạnh lên đầu bọn tù không chút thương xót, tàn nhẫn. Những vết sẹo con nổi bật, đỏ loét bao quanh vết sẹo chúa kéo dài từ má phải xuống lút sâu dưới cổ càng tăng đầy vẻ hung tợn. Bọn Liệu không cần tìm biết nguyên do nào khiến gã đến như vậy, nhưng hình ảnh đó đủ để ám ảnh cả lũ trong suốt những tháng dài chờ chết. Mỗi hạt cơm đưa lên miệng đều được trả giá bằng trăm ngàn câu chửi vô cùng súc vật. Thứ ngôn ngữ gớm ghiếc đó đã đưa dần mòn từng hạt máu nhỏ ra ngoài.

Liệu rùng mình, gai lạnh.
Liệu đã thoát được ra ngoài trại giam khi Giảng bị đưa lên phòng thẩm vấn lần thứ sáu. Tiếng thét vang dội từ cuối đường hầm xa như muốn vỡ tung lồng ngực Liệu ngoài vòng rào. Những hàng dây kẽm giăng cao tua tủa như mắt cú vọ trong bóng tối nhá nhem phút chốc đã đẩy Liệu đi thật xa. Liệu khum người bò dáng kiến, len lỏi qua các khe hở. Những đường nối hai vòng dây bén nhọn móc lên da thịt ray rát. Liệu đi dưới các họng súng đen ngòm chỉa từ trên cao xuống. Mồ hôi vãi ra khắp cùng thân thể và cơn rét ào đến, cấu buốt thịt da. Liệu trườn mãi trên những lưỡi dao bén sơn màu chết tức. Liệu đang chơi vơi giữa khoảng cách của sự sống và sự chết. Liệu cay rát ở mí mắt khi thân mình lọt xuống rãnh mương bên ngoài. Thôi. Ta cảm ơn những bàn tay nhầy nhụa. Ta xin chào tất cả bạn bè ta còn ở lại, những đứa bạn cùng một trời nhưng bất hạnh. Ra đây, ta biết chẳng giúp được gì cho tụi bay vì ta đang là kẻ bị truy lùng ngay từ khi mảnh áo móc dính cứng trên cuộn dây. Ta phải chạy thoát khỏi vùng mê ám. Xin chào. Thư ơi.
Suốt ba ngày, từ khi vượt khỏi tay bọn công an Liệu chui nhủi từ đầu hẻm này lần qua khu phố khác như một con chuột Liệu cảm thấy bơ vơ quá đổi và không ngăn được những giọt nước mắt tủi cực ứa trào. Có lẽ nào tôi phải đứng mãi trong cái thành phố rộng lớn này, lẽ ra tôi được yên ấm, ngồi bên bà mẹ già nua nói chuyện ngày sau. Cớ sao mãi đến giờ này tôi vẫn không thể ôm Thư trong lòng vuốt ve những lời ru mềm ngọt. Cớ sao. Hả. Liệu đứng run run đôi chân mỏi. Lưng tựa vào bờ tường đổ nát. Không, ta phải đến Thuật, phải đến nghe lại những câu chuyện kể dài dòng sau mấy tháng rong duổi chân tay trong hầm tối, phó mặc từng trận đòn đánh cơ hồ banh xác. Bước chân Liệu tự dưng đổi nhịp chạy ùa ra khỏi ngõ tối.

Căn nhà nằm sâu trong khu vườn cây, âm u. Bóng dâm mát của con nắng tắt ùa xuống tưởng như đang đứng giữa chiều thu. Lòng Liệu rộn ràn theo chiếc lá chao nhẹ. Một bước chân ngắn nữa thôi tức khắc Liệu sẽ đuợc gặp lại tất cả, lòng thân thiện, tình yêu. Những thứ đó đang có trong tầm mắt nhưng thật xa vời. Liệu ôm đầu, ngồi bệt xuống lề cỏ trước cổng gỗ.

Trên balcon có bóng người con gái thấp thoáng sau bức rèm trúc. Người con gái mặc chiếc áo cánh ngắn tay màu trắng tinh khiết, mái tóc xỏa dài phủ trước mặt. Nàng đang ở trong tư thế ngồi, có lẽ nàng đang chăm chú làm công việc gì đó. Bất giác Liệu ngó sững, đứng tròng. Có phải đó là hình tượng của nàng công chúa ngày xưa đang lựa cách gieo trái cầu xuống đất. Thư ơi! Hôm nay anh đã trở về, chỉ có mình anh và sao em không lẹ tay gieo trái cầu xuống cho anh chụp. Đôi tay em vuốt nhẹ lưng tóc mềm có thấy được kẻ trở về lầm lũi. Liệu đứng bật dậy, hai tay níu chấn song sắt, Liệu đứng tư thế nhà tù. Rõ ràng là Thư đang ngồi, đang cắm cúi móc từng sợi len nhỏ vào nhau. Thư đan hạnh phúc hay đan sự tưởng nhớ rực rỡ, sợi len thả bay trong gió nhưng không xa tới chỗ Liệu đứng, áp nhẹ lên má chàng. Sợi len bay bay những đường hạnh phúc chơi vơi.

Người con gái chợt ngẩng mặt. Ồ Thư, Thư bỏ cuộn len nhìn xuống, Liệu giật thoát người nép sau cánh gỗ. Thư ngó xuống chỗ Liệu đứng bật tiếng kêu:
“Ồ! Anh Thuật ơi, ra xem. Ai như là…”
Có tiếng Thuật ở nhà dưới:
“Cái gì thế?”
“Anh ra cổng xem.”
Liệu lạnh toát người, tê cứng. Liệu đứng rũ như kẻ đã chết từ lâu…
“…Liệu!  Sao cậu về được.”
“Tôi trốn thoát.”
“Cậu vượt ngục.”
Liệu bối rối nhìn Thư đứng nép phía sau.
“Bao lâu rồi.”
“Ba ngày.”
“Sao không đến ngay.”

Liệu nhìn sững người bạn, bối rối. Sao không đến ngay. Liệu không biết tại sao như vậy. Liệu sợ đụng mặt với ông Thản hay sợ phải bắt kể những điều Liệu cố dấu. Dù ở mỗi đỉnh nhọn nào sự đau khốn Liệu vẫn thấy kinh hãi. Những ngày ngồi trong trại giam cũng không hơn gì lúc ngồi trước mặt ông Thản nghe những câu sỉ vả cay đắng bằng trăm ngàn cái tát kim châm. Những cái tát vỡ hồn buốt mặt. Những cái tát nhận lún Liệu xuống vũng sình lầy hôi thối nhất. Liệu không hiểu những lý do chính xác khiến ông Thản đâm ra thù oán mình một cách dai dẳng. Ông không muốn Liệu đến gần anh em Thuật. Những vết tích năm xưa Liệu cố đánh quên thì ngược lại ông tìm đủ mọi cách để khơi dậy mỗi lần nhìn xuống bàn chân chỉ còn ba ngón. Sự lầm lẫn đến nỗi làm ông đau đớn. Dĩ nhiên đều không do Liệu tạo ra với số tuổi chàng còn non hơn hai ngón chân mất tích. Cách mạng, giải phóng, độc lập… những danh từ đó đã mê hoặc lớp người trẻ cùng một thời với ông. Những bước chân chạy rầm rập, rung chuyển núi rừng. Những quả nắm tay giơ lên cao miệng tung hô hung hãn. Trong đám đông ồn ào khí thế tranh đấu đó có mặt cha Liệu, ông Thản và dì Oanh. Những người đã xô tung ghế nhà trường nhảy vọt ra ngoài như bầy chim bay tìm xứ ấm. Những cánh chim thanh xuân đi tìm bình minh, yên ấm cho lũ người ngơ ngác đứng sau.
“Cậu vẫn còn sợ hãi.”

Thuật lay vai Liệu như lay kẻ mộng du.
“Có lẽ vậy.”
Liệu nghe có tiếng thở dài thật khẻ phía sau lưng. Tiếng thở dài u ám của đám mây đen kéo ngang trên ngực áo. Liệu đứng chết lặng, và có lẽ cả Thư cũng vậy. Cả hai không câu chào nhau, nhìn xuôi. Thư dấu những xúc động bỡi sự gặp mặt quá bất ngờ. Vùng tận cùng sâu của trí não nàng nghĩ Liệu sẽ không bao giờ trở lại nữa, trên căn nhà, khu đất này. Liệu sẽ chết dần mòn trong hầm đá kín hay ngoài hòn đảo nào đó ngoài khơi xa cách nội địa nghìn trùng. Thân xác Liệu sẽ ném tung xuống lòng biển sâu, chìm từ từ tận đáy cát. Những nhánh rong cuộn tròn xác Liệu không bao giờ về nữa trong đôi mắt Thư.
Tự dưng Liệu thấy thèm khóc.
“Cậu không nhận ra em gái tôi?”

“Có”.
Liệu trả lời ngắn ngủn. Thư run rẩy như cánh chim bị đạn. Liệu gật đầu chào bằng vô thức. Cái đầu nghẹo xuống tội nghiệp, còn hơn một tín đồ phạm tội.
“Cậu định đi hay ở đây?”
“Chưa biết trước. Song nếu gắt quá tôi sẽ đi. Sợ không thoát.”
“Ngoài này tụi nó cũng xẹp rồi. Tệ quá. Còn mình cũng chịu, chắc Giảng và Tuyên bị hành ghê gớm.”
“Ừ, chờ chết”.
“Thôi vào đi”.

Thuật nói và bỏ đi trước thật nhanh. Cố ý để Liệu ở lại với Thư. Thuật biết giây phút không phải dành cho mình. Khoảng cách giữa hai người bạn phải ngưng lại cho Thư. Phải nhường cho sự bắt gặp bất chợt, òa sáng.
“Anh Liệu, anh ốm quá”.
Giọng nàng run run.
“Sống đã là cái may. Còn nhiều điều ghê gớm hơn cái ốm”
“Anh Liệu”.
“Phải vậy biết sao hơn. Ở mãi trong đó có ngày cũng chết, phải biết chọn lựa cái chết thỏa mái chứ”.

Thư đi chậm nép vào người Liệu. Những giọt nước mắt nàng bắt đầu ứa ra. Liệu thấy nóng bên ngực, giọt nước mắt của người con gái dành cho kẻ thua cuộc hay của người mẹ gặp lại đứa con hoang trên đường về. Liệu không biết ai là kẻ đáng tội nghiệp nhất. Bố đi cách mạng chống Tây mất tích trong rừng sâu. Mẹ sống chờ mòn mỏi chết già. Hai người thân yêu trong đời Liệu có những lối đi thê thảm thực tình Liệu không bao giờ muốn nhớ lại. Nay vừa mới đứng dậy, Liệu đã ngã bổ nhào. Con ơi! Họ đâu muốn con làm thế. Mắt mẹ nhòe lệ và Liệu dẫy dụa tắt hơi.
“Anh Liệu, anh yếu quá. Vào nhà nghỉ, anh”.

Thư vuốt nhẹ trên vai, âu yếm.
“Anh ngồi được, chịu cực quen rồi”.
Liệu loay hoay tìm đôi môi người yêu. Bao nhiêu ngày tháng xa nhớ, Liệu đều dán lên cả ở đấy. Hơi thở Thư đứt quãng, dồn dập. Máu trong người Liệu nóng ran. Cả hai như vừa từ cõi chết sống dậy, ở khung trời khác, yên ấm.
“Anh ở lại đây mãi nhé”.
Câu hỏi Thư làm Liệu ngộp thở, chóng ván. Câu hỏi thoát ra từ cửa miệng người con gái trông giống thứ hạnh phúc bị đe dọa.
Liệu trấn an:
“Ở lại, ở lại với em chứ còn biết đi đâu bây giờ”.
“Căn nhà kín đáo. Vả lại ông cụ làm trong Bộ Nội Vụ nên tụi cảnh sát chẳng dòm ngó chi”.
Liệu gật đầu ầm ừ thay câu trả lời mà lòng buồn rượi. Hình ảnh ông Thản nổi dậy thật rõ. Bộ mặt dữ dằn oán hận nhìn nuốt lấy Liệu. Ông ta cao lớn. Và sự hung bạo cũng như vậy. Người Liệu lạnh toát như đang ở vùng cực bắc trái đất.
“Anh sẽ ở lại bên em mãi. Không đi nữa. Không làm cách mạng”.
Có những vì sao vừa mới nhú trên nền trời đen, cánh sao nhỏ và sáng. Những cánh sao xa vời trong tầm mơ ước. Liệu ngửa mặt. Gió thổi vút qua rất mạnh, những vì sao lung lay và rụng mất. Bây giờ trời bỗng trở nên u ám. Những cơn mưa kéo đến. Mưa xối xả trong lòng Liệu. Mưa che kín mặt, cắt đứt Thư ra làm trăm mảnh nhỏ. Trong cơn mưa ào ạt, Liệu chỉ nhìn thấy suối tóc Thư xỏa dài. Suối tóc chảy cơn mưa lạnh.

… Chị nghĩ tình cũ mà cho cháu nương nhờ trong lúc nguy khốn. Dù sống hay chết, anh Bốn nghe tin cũng vui lòng… Liệu giở lá thư và địa chỉ của ông Hạ đưa cho hồi sáng ra xem lần nữa. Cả thành phố đang chìm trong giấc ngủ nặng nề. Những hàng quán đều đóng kín cửa. Phố thực vắng. Thỉnh thoảng vài con chó thả rong chạy vụt qua đường, len lỏi khắp các thùng rác, sục sạo. Tự nhiên Liệu thấy mình và loài chó kia không khác xa là bao, có khi kiếp chó còn hơn cuộc sống con người. Ít ra nó còn có tự do, đi đứng ăn ngủ không sợ ai. Nó không cần giờ giấc. Và không phải khép mình vào thứ kỷ luật bệnh hoạn giết người một cách ghê gớm. Liệu thấy thèm vô ngần nếu phải được làm kiếp chó trong thời buổi này.

Liệu đi đã mỏi cả chân nhưng chưa tìm ra địa chỉ của dì Oanh. Liệu rã rời, ngồi xuống lề đường và ngủ thiếp.
Giữa khuya Liệu giật thót người khi nghe tiếng quát tháo của toán tuần cảnh đêm:
“Ai đó, giơ tay lên. Động đậy chúng tôi nổ súng”.
Liệu đưa hai tay, làm những cử động nhanh như máy, Liệu nghe như sau gáy mình có hàng trăm viên đạn xuyên qua.
“Sao ông ở giữa đường giờ này. Cho xem giấy tờ”.

Liệu móc thẻ nhà báo và tấm căn cước bọc nhựa đưa cho người trưởng toán. Liệu phải dối quanh co là phải đi lấy tin chiến sự ở mặt trận cao nguyên. Giữa đường phi cơ hỏng máy phải mò xuống phố tìm nhà bạn. Không ngờ hắn đã dọn đi nơi khác. Đêm khuya tìm không ra phòng ngủ. Người trưởng toán trả lại Liệu giấy tờ và hỏi ông nhà báo có cần nghỉ ngơi. Liệu gật đầu cười thầm. Nếu hắn biết mình là tên tội phạm, một kẻ đã phá vòng rào kẽm, vượt ngục, bị truy lùng trong lúc này hắn sẽ nghĩ sao? Liệu mỉm nụ cười sáng rực trong bóng tối nhá nhem và leo lên xe.
“Ông chắc đi nhiều nơi”.
Gã trưởng toán gợi chuyện.
“Dạ vâng, thường ở những trận đánh lớn. Tưởng đã bỏ xác ngoài A Shau cách đây hai tháng”.
“Tôi cũng có thằng con đi lính ngoài đó. Chết năm ngoài”.

Liệu nghe câu nói gã thực giản dị nhưng buồn. Gã chí nói đuợc câu đó và quay mặt ra đường. Gã đang dấu sự xúc động yếu đuối. Gã muốn chứng tỏ sức mạnh, uy quyền và trật tự trong lớp áo màu đã tối. Nhưng gã có nhận thức rõ những bàn tay nuôi dưỡng chiến tranh và sự chết chóc. Gã có bị cuốn hút vào cái guồng máy hư nát đó.

Liệu thấy có cảm tình với gã đôi chút.
“Tôi thành thực chia buồn với ông. Trong hoàn cảnh của chúng ta ai cũng có một số phận như vậy”.
Liệu ỡm ờ.
“Ông có mong hòa bình đến không?”
“Trời ơi, ông hỏi lạ. Sao không, oán ghét chiến tranh ghê lắm. Thù mãn kiếp”.
Cá nhân và đám đông đang quay cuồng. Liệu thấy như có người thân vừa mới ngã xuống.
Xe chạy một vòng lên đầu phố, rẻ phải men theo bờ sông và đậu trước câu lạc bộ thị xã. Đèn vẫn còn sáng. Có người ngồi. Liệu đoán chừng 3, 4 giờ sáng. Liệu cảm thấy đói, nhổm dậy.
“Tôi xin được mời tất cả cùng vào uống cà phê”.
“Ông là khách. Chúng tôi ở đây đương nhiên là chủ. Chúng ta hãy thử sống một đêm như những người hiệp khách giang hồ ngày xưa xem sao”.

Ông ta nói, cười ha hả bá cổ Liệu lôi vào một cách thân mật. Câu lạc bộ trang hoàng giản dị nhưng đẹp, hợp với khuôn mặt thành phố ở điểm nhìn bao quát, Liệu đâm ra mến ngay. Khen:
“Đẹp lắm”.
“Chà ông khách ơi. Còn nhiều cái đẹp hơn thế kia”.

Cả toán cười sặc sụa. Liệu chỉ hiểu lờ mờ. Cả bọn tìm một chỗ ngồi, ít ánh sáng. Liệu gọi cho mình một tách cà phê sữa. Ở cuối góc phòng có ai như Thành đang ngồi. Liệu chăm chú, dáng nhỏ thó khuôn mặt hơi đen sạm, lại bộ râu quai nón. Chính hắn, Liệu đứng dậy xin lỗi gã trưởng toán và các nhân viên của gã, vội vã lại chỗ Thành ngồi.
“Thành, cậu nhớ tớ chứ?”
“Ồ Liệu. Mẹ sao cậu lại vác mặt ra đây. Nghe tin cậu…”

Liệu lấy tay che miệng bạn.
“Im đi, dài lắm. Có cả bọn cảnh sát ngồi kìa. Tớ đi với lũ chúng”.
Thành trợn mắt ngạc nhiên. Liệu ghé tai giải thích. Cả hai cùng cười.
“Thôi cậu lại đây tớ làm một phát giới nghiêm rồi chuồn”.
Liệu chưa kịp mở miệng họ đã nhận ra nhau. Liệu thấy yên tâm.
“Ấy chúng tôi lượm được ông bạn quí của ông ngoài đuờng, sáng mai nhớ ghé lại Ty nộp phạt nhé”.
Câu nói khôi hài làm Liệu vui lây.
Thành lôi bạn ra xe xềnh xệch như lôi cổ con mèo con.
“Cậu liều quá, chơi trò đó có ngày bị tóm”.
“Sống chết một lần thôi con”.
“Cách đây hai tháng thằng Thuật báo tin cậu bị tóm cùng tụi Tuyên. Tôi ngại quá, không ngờ lại gặp cậu ở đây”.
Thành lái xe đưa Liệu về nhà riêng. Trên đường đi Liệu ngồi im cho đến khi tắm rửa, uống một cốc rượu mạnh và đi ngủ.

Bất cứ ở đâu và chỗ nào cũng không làm tôi yên tâm. Những cơn mộng kinh quái luôn luôn ám ảnh tôi. Lưỡi dao đưa trước cổ. Sợi dây thắt vòng và những viên đạn xuyên ót. Đêm nào tôi cũng chứng kiến cảnh máu chảy. Những xác chết chất cao ngất. Những ngọn cờ phựt cháy đỏ núi rừng. Trái đất tan thành biển lửa thiu rụi trần gian. Khi lửa tắt, chỉ còn mình tôi bơ vơ trên cõi đất chết. Ở đâu cũng là sa mạc, rừng cây đen đúa. Một cảnh tan hoang, tiêu điều phơi bày trước mặt tôi. Những bước chân chập choạng xiêu ngã. Tôi bơ vơ quá đỗi. Có phải tôi là một con người. Có phải đây là quả đất. Ở đâu có nhà cửa, có sự sống. Tôi đi hoài, dáng cao lỏng khỏng, trên người khoác bộ quần áo rách xơ xác. Gió nồng mùi da thịt cháy lay tôi nghiêng ngã. Những mảnh vải rách bay bay trong gió như màu cờ, a ha, đó là màu cờ của riêng tôi, không phải màu máu người, không phải màu thối rữa. Tất cả đang reo vui trên cơn gió quay cuồng hung hãn. Màu cờ đang treo nỗi chết và sự sống, cái khoảng cách hiu hắt tàn tạ nhưng vô cùng rực sáng.

Liệu cảm thấy tỉnh táo hoàn toàn khi uống đến viên thuốc cuối cùng. Ly nước trong veo và mát. Cổ họng Liệu như có trăm ngọn heo may đang lùa vào. Thư ơi, anh sẽ đưa em đi qua căn nhà mơ ước. Căn nhà có giàn thiên lý, có vườn cây xanh bóng mát. Lũ con chúng ta sẽ nô đùa trong đó. Buổi tối sẽ lên lầu cao ngồi hát, anh sẽ đệm dương cầm và lũ con yêu dấu của chúng ta làm khán giả. Ngày em sẽ đi dạy, anh tiếp tục công trình của anh. Một quyển sách dành tặng cho trần gian, trong đó anh chỉ nói về hạnh phúc của chúng ta thôi, Thư nhé.

Đôi mắt Liệu khép lại. Bóng Thư nhạt nhòa ngoài khe lũng. Trước mặt Liệu chỉ còn cơn mưa rơi từng giọt nhẹ xuống mặt, kết nên trăm nghìn cánh tay vuốt nhẹ hồn. Đưa Liệu đi thật xa./.

Wednesday, November 28, 2012

LAN ĐÀM * TIỂU TRUYỆN TIÊU SƠN












BÀI TRƯƠNG QUỲNH NHƯ

Ta còn rượu, chỉ vắng người,
Bài thơ họa dở, tình ơi sao buồn.
Kinh kỳ lạnh những hoàng hôn,
Lối quen, lầu cũ bước dồn sợ đau.
Tiêu Sơn cách mấy giang đầu,
Xa thêm- người đã thay mầu áo xưa.
Khuê phòng trằn trọc tiểu thư,
Rừng hoang, cổ tự, thiền sư ngậm ngùi.
Nến hồng lửa ngọn chẳng vui,
Vườn khuya trăng cũng ngủ vùi trong mây.
Sương đêm mờ mịt sông đầy,
Vạc kêu, ta nhớ vừa say một mình.

BÀI PHẠM THÁI

Từ mượn nâu sồng che kiếm bạc,
Mười năm gió núi lộng thư phòng.
Rượu cạn, bình khô, chiều nắng tắt,
Nhớ người, tê buốt ngọn thu phong.

Thao thức nghìn khuya Tiêu Sơn lạnh,
Nửa đời mộng lỡ, nhạt chờ mong.
Cổ tự mưa sương chìm cô quạnh,
Kệ buồn, tráng sĩ để sầu đong.

Gươm báu vẫn nằn yên trong vỏ,
Ngựa chồn soi bóng lặng suối trong.
Những sớm rừng hoang vang tiếng mõ,
Trông vời, xa cách mấy Thăng Long.

Thôi trả dọc ngang cho thiên hạ,
Tình ơi, chuyện cũ sót sa lòng.
Khóe mắt giai nhân tàn chí cả,
Chùa nghèo, trà đắng, nhện đầy song.













ĐOẠN CUỐI, TIÊU SƠN
Trương Quỳnh Như

Nhớ người chợt tỉnh cơn say,
Kinh đô đêm lạnh, trăng gầy mông lung.
Gọi tên âm lạc thanh chùng,
Tiêu Sơn xa đã muôn trùng, tình ơi.


Phạm Thái

Dọc ngang thôi trả cho đời,
Tương tư xin gửi lại người, Quỳnh Như.
Lời kinh thay tiếng tạ từ,
Chiều sương, chùa vắng, thiền sư nghẹn ngào.

Bạt

Giai nhân, hề, vẫn chiêm bao
Thất phu, hề, biết chốn nào dung thân ?

LAN ĐÀM

Cung Tích Biền * Ở trỏng là khói mây



1-
“ Về thăm nước lâu ngày, cháu thấy nơi đây luôn có một cái gì ở trỏng”.
“Ở trỏng là nghĩa làm sao? Ở trỏng cái gì?”.
“ Nghĩa là trỏng mùa xuân, xã hội này luôn có héo hắt thu, có lạnh lẽo đông. Rất nóng bức hạ”.
“ Cô không sành tiếng Việt. Nên gắng gói gọn và nói rõ ràng hơn”.
“ Nghĩa là vấn đề, là có bao vấn đề, những dữ liệu trong sử sách, những hiện tượng xã hội, khắp bao la mịt mùng sự việc thường nhật đang tỏ lộ, bày biện ra trên bề mặt hiện thực này luôn có một cái gì còn khuất lấp, ẩn giấu phía sau cái chúng ta đang rõ ràng nhìn thấy hoặc hiểu biết”.
“ Cô muốn nói đến cái bí ẩn đằng sau những hiện tượng?”
“ Không phải. Cháu muốn nói đến cái lương thiện, cái sự thật mà người ta đang che giấu, hủy diệt nó đi. Không có gì gọi rằng bí ẩn. Nó có đấy một giá trị, nhưng giá trị ấy đang bị bào mòn, hủy hoại”.
* * *
Nhị Xuân đến thăm tôi vào một ngày xáp Tết. Đây là dịp bà con xa xứ nhân năm mới về thăm quê nhà. Màu trời, bóng nắng, cỏ cây có khác hơn một chút. Ấy là trong khi thiêng có cái mầu nhiệm làm cho vạn vật trở nên hài hòa, tươi vui hơn, kể cả con heo con gà thấy chúng cũng chẳng lo toan chi, vẫn gáy vang, ụt ịt thư thả, dù chúng sắp bị mần thịt, bằm chặt, cho vô cối xay, làm ra chả nem, chiên nướng đưa lên bàn thờ khói hương, rồi hạ xuống hỉ hả buổi tiệc đầu xuân.
Bọn trẻ con có áo mới, thêm tuổi đời xanh tươi. Là hẳn nhiên vui. Bọn tuổi già, còn vài bước lai rai là hui nhị tì, cũng vui, xuân nhựt mà. Chung sự, ngỏm củ tỏi đấy, là một cư xử khá bình thường, giản dị và sòng phẳng. Chẳng ai bảo rằng tôi không thể món nhận quà trời cho ấy. Kẻ nào ham hố nhận quà hai lần là có một từ biệt dở dang, e nỗi trầm luân kéo dài thêm ra. // Người chết hai lần thịt da nát tan// ông Trịnh từng tài tình diễn giải.
Được cái, khi lòng nguôi ngoai, nghe ra chán hít thở khí trời, ấy là lúc những nỗi buồn thân quen, những luyến nhớ thường tình được nấu chảy ra tiếng khóc, rót vào cái hòm thiên thu. Bay bay trên ngọn lửa phù du. Lại rất gọn gàng, anh chàng trai trẻ to khỏe bặm trợn 70 ký, cụ già tóc bạc rụng răng cu teo, tất thấy đều là một nhúm xương đen, bỏ vào một cái hủ sành kích cỡ rất ư như nhau, sắp thẳng băng hàng lối trong chỗ khói hương chung. Bình đẳng rất mực. Chết, là ta đi gầy dựng một mùa Xuân khác.
* * *
Nhị Xuân sống ở Paris từ thuở lọt lòng mẹ. Cô mang hai dòng máu Việt Pháp. Cha của cô là một người bạn học cũ, thân thiết và học cùng lớp với tôi tại Huế non năm chục năm trước. Thưở ấy, anh bạn tôi được một học bổng sang Pháp du học. Sau, anh lấy vợ người Pháp, cùng là bạn sinh viên, rồi ở luôn xứ người.
Đây là lần thứ hai Nhị Xuân, cô gái 24 tuổi, về thăm quê nhà. Lần thứ nhất lúc mười hai tuổi, cô chưa biết gì Việt nam. Lần này cô trưởng thành, gọi rằng cô biết nhiều, rất nhiều, nhưng theo cô, rốt cuộc, cô than phiền theo cách không sành sõi tiếng “cha đẻ” [mẹ cô người Pháp mà] thì rằng là: “Nơi đây cái gì cũng có vấn đề ở trỏng bác ạ. Vấn đề là có quá nhiều vấn đề kỳ quái…quặc, không thể lý giải theo lô-gích khoa học được”. Tôi bảo: “ Cháu về thăm quê hương mấy ngày rồi ra đi, quan thiết chi nhiều ba cái kỳ quái…quặc mà mang…cái vấn đề vô bụng”.
* * *
Hóa ra Nhị Xuân về thăm quê nhà rồi ở luôn suốt một năm ròng. Cô làm một cuộc nghiên cứu với đề tài: “ Sự Thật nào ở trỏng một Sụ Thật đang hiển nhiên phô bày trên bề mặt xã hội hôm nay tại Việt Nam”.
Cô hứa , và nhất định thực hiện để hoàn thành ý nguyện của mình.
Chúng tôi rất thường gặp nhau. Tôi bàng hoàng vì thiện chí, sự thông minh và tiến trình hòa nhập, khám phá, của cô. Có lẽ vì ở xứ Mẹ cô đã thừa hưởng được một nền giáo dục tiên tiến, lương thiện, để nuôi dưỡng được sự tự do trong cái cách làm người của mình.
Tôi càng kinh ngạc hơn, sự hòa nhập, mang tích hiến tế, của cô có một số phận lịch sử khó giải. Cô trở về cội nguồn của cha cô. Như con tằm phải trả nợ lá dâu xanh. Như thế. Cái kén, phải được nấu chín, cái ruột nằm trong phải hiện ra cái vật chết, là thân con nhộng, thì mới ra tơ. Cái hiện tình tuy son phấn mà vô luân của lịch sử này mai kia phải hóa tro, thì Sụ Thật, cái Lương Thiện mới được bày ra sợi tơ dưới ánh mặt trời. Khi ấy bao nhiêu con người lương tri của hôm nay đang là Bãi Nhộng.
* * *
Ảnh hưởng mẹ, và môi trường ngôn ngữ bản địa, Nhị Xuân tuy đã tốt nghiệp đại học, đang là một nghiên cứu sinh tiếng Việt, cô vẫn chưa sành sõi lắm. Một câu nói chen vài ba từ nước ngoài. Giọng cô phát âm tiếng Việt thật êm ái nhưng nội dung, câu cú, hơi làm mệt người nghe.
Một hôm Nhị Xuân thánh thót:
- Cháu rất dấu yêu Việt nam. Giờ đây cháu muốn thu gọn cái đề tài vào trỏng cái chữ nghĩa. Nó gọn nhẹ hơn. Cháu tham vọng làm một án luận sẽ về văn chương Việt Nam. Cháu rất sẽ muốn nhờ bác lá lành đùm lá rách giúp cháu, như chẳng hạn bác làm một thầy dạy phạm trù ngôn ngữ, cả thảy là cố vấn luôn cái vấn đề luận án”.
Chỗ này có cái ngặt nghèo. Rõ là cô bị ảnh hưởng, dùng từ ngữ ở nhiều tình huống đôi khi không đáng dùng, hoặc dùng sai. Giúp một người cháu thì tôi sẵn sàng giúp hết lòng, nhưng nghe ra chênh vênh quá. Như việc con trâu cái cho con bò con thiếu mẹ bú sữa trâu.
* * *
Nhị Xuân đẹp huyền ảo do sự tương tác dị chủng. Sự hòa trộn mơ màng từ tâm linh đông phương với sắc thái hình hài, mọi điều mọi việc đều rõ nét lý trí của tây phương. Đôi mắt cô rộng, sáng đẹp, có lẫn chút màu ngà lạnh lạnh. Cô nhìn tôi mong đợi một sự đồng tình. Tôi lưỡng lự một lúc rồi khuyên cô nên từ bỏ ý định ấy đi. Cô tâm sự:
- Cháu muốn rất nhân đây, làm cái việc cực kỳ khó khăn này, vượt tường rào ngôn ngữ, là để sửa lại cái mất gốc Việt nam của cháu. Bác ạ, cháu muốn tìm hiểu những gì có-cái-việt-nam-ở-trỏng..Đây là quê hương của bên nội cháu mà.
Lạ. Là cô phát âm cái từ Trỏng rất chuẩn.
Chạm mặt một cái thịnh tình. Một chọn lựa trở về đầy nhiệt tâm và tha thiết. Thôi cũng đành. Trước tiên tôi khuyên Nhị Xuân nên bỏ một thời gian học cho thấu ngọn nguồn tiếng Viêt, sau, hãy tính tới các tư liệu, việc nghiên cứu.

 2-
Nghe tôi khuyên nhủ, Nhị Xuân miệt mài học tiếng “cha-đẻ”. Bằng nhiều cách. Ngoài việc mua sách đọc, vào thư viện nghiên cứu, cô xông vào chốn bụi bặm đời thường. Những ngày xuân bà con dành thời gian đi viếng chùa chiềng, thăm thắng cảnh, du lịch đó đây, Nhị Xuân la cà ở khu tây ba lô Phạm Ngũ Lão, những khu xóm nghèo, chợ búa, tiếp cận các sinh viên Việt cùng trang lứa. Có hôm tôi thấy Nhị Xuân ngồi đấu láo bên bàn rượu chỗ bờ kè kinh Nhiêu Lộc, nước kinh đen hôi kinh hoàng lúc triều xuống cạn kiệt, bày lô nhô trên những bãi bùn là rác rưởi xác thối. Nhị Xuân bận quần cộc như con trai, áo ba lỗ, cùng một bọn trai phạch ngực bàn luận thông tin vỉa hè. Đêm, cô ghi chép khá tường tận những gì xảy ra trong ngày.
Cô học cả những phương ngữ bắc trung nam. Miền trung gọi đôi tất, thì miền nam gọi ấy là đôi vớ. Có lúc cô biết nhại theo lời nhạc, cô hát // quê hương tôi cái màn mà kêu cái mùng// Cô nhận ra giọng Bắc giọng Huế, rồi tập nói, giọng rất chuẩn. Cô rủ tôi đi karaoke, cô hát rất hay. Món gì cô tập tành cũng lẹ làng.
Dân Paris, còn rất trẻ, cô lại thích cải lương. Cô tâm sự, bác ạ đời sống vùn vụt bụi bặm thế này mà hát một câu vọng cổ rề rà, nhởn nhơ như chẳng có tháng ngày, nghe ra nó loãng bớt độ đặm đặt, đời trở nên thư thả, thong dong… //Trời ơi bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu … Hà [tắt đèn tối thui] Bạn tình ơi đừng hoài công mòn mỏi đợi chờ // Hãy gọi tên anh trong những chiều sương lạnh, khi cánh nhạn bay về cuối nẻo trời xa // Hay những lúc canh khuya tựa rèm châu ngắm áng trăng tà nàng hãy nhớ đến tháng Tư Đen này có một người yêu đã vùi thây giữa vùng cát trắng… Chu Lai.
Cô hát rất mùi. Lại thêm thắt hai từ Chu Lai, và tháng Tư Đen vào bài hát. Cô bảo, cho nó ảo não cùng mình.
* * *
Một hôm Nhị Xuân rủ tôi cùng ra bến xe bến Miền Đông. Chao ôi là đám chạy xe ôm mời khách, đám bán vé xe lậu níu kéo, bọn bán hàng rong mời chào. Bụi bặm, ồn ào, một cảnh vô cùng hỗn loạn. Nhị Xuân tỉnh bơ, lại khuyên tôi coi chừng bị móc túi với giựt điện thoại. Ngon thiệt. Cô gái lai trắng dẫn tôi ra chốn phàm phu này là để cô thị hiện cái cách “Cháu đã ở trỏng Việt nam rồi ạ. Bác chớ lo về cái vấn đề ngôn ngữ.”
Tôi nghiêm chỉnh nói:
- Tôi rất phục cháu tinh thần ham học và tính khoa học trong tiếp cận. Nhưng Nhị Xuân ạ, trong đích thị những gì là văn chương thi ca rất hiếm tính chợ búa, rau cải, lái xe đò…Xe đò, rau cải, chợ búa, thậm chí tận đáy cái xã hội tục tỉu không hẳn là vô bổ vô dụng; nó vẫn là những tư liệu, chất sống, nguồn cơn đẩy ra cái bộ mặt thật của xã hội con người. Nhưng nó phải được tinh lọc, gạn chẻ khi dùng vào văn chương nghệ thuật. Khác với tây phương của cháu, nơi ấy từ trong nền móng, ngay đối với những lớp ngưởi bình dân họ vẫn được giáo dục kỹ lưỡng, được thừa hưởng một cấp độ văn hóa cao. Nơi này khác, cháu phải thận trọng, chớ bị đánh lừa.
Nhị Xuân tươi cười, nhưng cách nói của cô có chút than van:
- Nhưng trong cái văn chương nơi xứ này, ở trỏng cái chữ nghĩa của Việt nam cũng có rất nhiều…vấn đề bác ạ
- Vấn đề chi?
- Thiên về cảm tính quá.
- Không sao. Đông phương mà. Ông Lâm Ngữ Đường đã từng nói “Người Tây phương làm thơ từ cái đầu, người phương Đông mần thơ bằng…cái bụng”.
Nhị Xuân lại rên rĩ chung quanh “cái vấn đề” của cô:
- Đành vậy. Nhưng cháu thấy có tai hại khủng khiếp cái nhân cách nơi này.
- Khủng khiếp cái chi?
- Nơi này, những người gọi là trí thức Việt nam cái vấn đề trộm cướp hơi là nhiều.Văn hóa này không biết xấu hổ, chẳng biết cảm ơn, không hề xin lỗi ai, chẳng ngại ngùng trong việc trộm cướp.
- Trộm cướp ? có thể cháu dùng từ chưa chuẩn. Ta có nên nhẹ nhàng hơn không ?
Nhị Xuân trình bày rõ hơn, giọng rất quyết liệt.
- Dạ, người ta chuộng cái Danh mà bỏ đi cái Thực. Người này cổm thơ đạo văn, đánh cắp tư liệu của người kia. Cháu đã đọc một số tiểu luận, luận án, cả một số bài viết gọi rằng danh giá đương thời, đó chính là cái cháu cũng đã đọc, đã thấy có sẵn trong lưu trử trước đây nơi các thư viện. Người hôm nay chỉ làm mỗi việc nhẹ nhàng là “vào trỏng” bê nguyên tư liệu của người có trước; chép ra, rồi bỏ tên tác giả, không cần ghi chú cội nguồn tư liệu. Họ đương nhiên xem sản phầm ấy, tư tưởng, công lao kẻ khác chính là của mình. Đã là thạc sĩ, tiến sĩ sao hành tung như bọn lâm tặc. Nơi này người ta dùng chung tài sản trí tuệ, như anh em trong nhà dùng chung cái nón. Chẳng của riêng ai. Bác giải thích xem có phải vì ham danh vọng địa vị mà hóa ra trộm cướp không cần nổ súng.
Tôi cười ngất, lại hỏi:
- Ở bên Pa-ri ba – rỉ gì đấy chắc là cháu có từng ăn nước mắm?
- Ồ, mắm nước à, Ba cháu thích lắm.
- Mẹ cháu, bà đầm ấy có thích không?
- Ôi hồi đấu má cháu ói, sau ghiền.
- Nhị Xuân có biết cái gì làm cho nước mắm hấp dẫn không?
- Dạ …mùi
- Giỏi. Nhưng mùi của nước mắm mùi gì?
- Dạ hôi
- Ấy, chính cái thum thủm ấy là mùi thơm, là hấp lực đối với ai mê thích. Mê thích rồi thì Hôi chính là Thơm. Có người ca ngợi mùi nước mắm chính là quốc hồn quốc túy.
Chừng như Nhị Xuân chưa hiều cách đặt “vấn đề”mang tính ẩn dụ của tôi, cô nói:
- Bác ạ, ngoài mùi rồi còn phải vị nữa chớ bác? Bắt đầu từ cái Tết này cháu biết ăn thịt heo cuốn bánh tráng chấm nước mắm. Ngon tuyệt. Nhưng phải là nước mắm từ xác cá kia. Từ mục nát. Có cái hóa kiếp kia. Chớ nước mắm hóa chất thì huề.
* * *
Nhị Xuân là loại thanh nữ khá đặc biệt. Một cõi lai vàng-trắng thuộc loại hiếm. Không những mê nước mắm mà cả thịt chó mắm tôm. Cô ăn rất điệu nghệ. Kẹp cái mơ ra làm sao. Cái rựa mận phải dùng sau cái món nào. Đưa cay, với cô phải là rượu nếp than chớ rượu tây là sai dòng lạc điệu. Cô học cách gói bánh tét, gói nem, cách làm dưa hành củ kiệu, cô bảo cô phải mang cái phong vị Việt nam trở lại Paris trong mùa xuân tới để tặng mẹ cô.
Để trở lại câu chuyện mùi với vị, Nhị Xuân nhắc lại:
- Bác ạ, cái mùi với cái vị thường chẳng hòa điệu. Cái vị không phản ánh cái mùi. Cái mùi không giải thích được vị. Bác có thể nói rõ hơn vì sao?
- Nhị Xuân ạ, nó như cái Danh với cái Thực. Cái danh có danh thơm, và danh nặng mùi. Cháu là giỏi tiếng Việt lẫn tính Việt lắm rồi. Nhưng phải hiểu, Mùi thì tới trước, có thể lan rộng xa. Còn Vị, khi nó phải đẫm vào đến đầu môi chót lưỡi. Mùi là cái tiếng tăm. Vị là cái thực chất. Kẻ manh tâm bất chính, chính là bỏ đi cái vị, mà lấy cái mùi làm chính.
- Cháu chưa hiểu.
- Mùi là cái của các vị trộm cướp kia muốn biến ra cái danh.
Nhị Xuân lửng lơ một thoáng, rồi nói:
- Cảm ơn bác, giờ cháu hiểu ra …cái vấn đề…
* * *
Mùa xuân tới cuối mùa hạ, như nắng mưa thay nhau, Nhị Xuân khi vui khi buồn, luôn bị ám ảnh, phiền hà cái cách “trộm của nhau”. Cô đâm ra nghi ngờ mọi thứ. Cô tới với với các bậc gọi rằng danh giá, ngự trên quyền năng nơi này, qua cái mùi nặng nặng.
Tôi hỏi:
- Bị bệnh nghi ngờ, bị tẩu hỏa, vậy cháu có muốn tôi chủng ngừa không.
- Để làm gì.
- Đề sống bình yên, sống chung cùng.
- Bác nói gì cháu chưa hiểu.
- Chủng ngừa, tức là cấy vào người cái có thể là bệnh tật, hiểm họa sẽ tới mai sau. Tôi sẽ chủng ngừa cho cháu cái Dỏm. Mục đích “chủng” là giải tỏa sự sợ hãi, thất vọng, phòng ngừa cái dị ứng, bệnh tật khi gặp phải. Không hề bị đồng hóa, nhưng là bình thường hóa, bằng cách tạo thói quen sống chung với nó, chúng nó. Tỉ như cấy con vi trùng lao ác nhơn vào cái người, sau này gặp phải một bầy vi trùng lao xâm nhập, cơ thể ta nó nhàn nhã bảo: “Cái vấn đề này cũ rích rồi, chán rồi, trong phổi tao đã có con sâu lao phổi từ khuya. Đi chỗ khác chơi anh em vi trùng lao thân mến ạ”.
- Cháu vẫn chưa hiểu.
- Muốn thằng nhỏ sau này từ bỏ thịt heo thì từ bé nhỏ cứ tống thịt mỡ vào mồm nó. Muốn một bọn trẻ hóa ngu, ớn cái vấn đề tư tưởng – để về sau dễ sai khiến, dễ lùa chúng vào bầy đàn theo duy nhất một lý tưởng, đồng nhất một chiều tư duy, thì hãy chủng ngừa chúng ngay từ thưở chập chửng đến trường, là ngày ngày học tập môt tư tưởng. Như đã chủng ngừa cái lao phổi cái dịch hạch, cái uốn ván, cái viêm siêu vi gan, lúc lớn khôn bọn trẻ nhóc này sẽ rùng mình, buồn nôn nếu ai nhắc tới cái tư tưởng. Có một đứa ngớ ngẩn nào đưa ra cái ý đấu tranh, phản biện, là bị đồng lứa mắng ngay: “ Dẹp cha mày đi tư với tưởng. Hãy lo cái nồi gạo nhà mày đi”.
- Bác ơi bác có thuốc chống nôn không?
- Có đây. Khuấy với cà phê mà uống hằng ngày đi, nếu muốn lơ lửng chốn thường trực gây buồn nôn này.

 3-
Một hôm, Nhị Xuân nhờ tôi kiểm tra kiến văn của cô, tôi hỏi:
- Lâu nay đi chơi với bọn đầu đường xó chợ, cô đã đọc những gì, những ai, những thời đại nào trong cái gọi rằng có thơ ca Việt nam ở trỏng?
- Dạ cháu đọc thơ các thi nhân cách mạng.
- Lạy chúa tôi. Đã đọc thơ Lý, Trần, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương chưa?
- Dạ có chút chút. Trước khi qua đây cháu có nghiên cứu chút đỉnh ở Paris. Nhưng chẳng hiểu hươu nai gì cái vấn đề cổ điển với kinh điển.
Tôi hỏi:
- Cháu có rành thơ lục bát không?
Cô thành thật trả lời”
- Dạ không. Cháu có gặp một vài thi sĩ trẻ Việt Nam…
- Gặp? Là sao? Là ngủ với các cậu ấy cho phình thơ ra phải không?
Nhị Xuân từ tốn:
- Dạ các anh ấy bảo rằng thi ca Việt nam chỉ có những thằng vô tài bất tướng mới làm thơ lục bát. Như Nguyễn Du chẳng hạn, không biết mần thơ mới, tân hình thức, thơ tự do mới ngồi mà rặn ra truyện Kiều.
- Vậy là chưa hề đọc truyện Kiều hà?
- Dạ. Đọc cũng vô ích.
Tôi hằn giọng:
- Cô mà gặp mấy thi-sĩ-đồi-thịt-băm ấy thì nên dè chừng.
Tôi bảo cô đưa quyển vở. Tôi chép vào đó mấy câu thơ. Rồi kỹ lưỡng hỏi cho chắc:
- Cháu biết thơ này của ai không?
Cô đọc bài thơ. Thái độ trân trọng. Cô nhíu mày rồi trả lời:
- Thơ này có vẽ tân hình thức hay hậu hiện đại hay thơ tự do gì đấy, nhưng cháu không biết là của thi nhân nào.
Tôi bảo Nhị Xuân là thơ của tôi đấy. Cung Tích Biền mần thơ đấy. Rồi tôi ký đàng hoàng tên thằng chả Cung Tích Biền tác giả hoành tráng dưới bài thơ. Bài thơ thế này:
Trăm năm trong
Cõi người
Ta chữ
Tài chữ
Mạng [ không phải w.w.w] khéo là
Ghét nhau”.
[ thơ Cung Tích Biền]
Cô cháu cười hiền hòa, nói:
- Thơ của bác ngôn ngữ tài tình quá. Để rồi cháu nghiên cứu xem cái vấn đề bác nói gì ở-trỏng-những-câu-thơ như là “ Hậu Hiện Đại” này.
Cô lại hỏi:
- Bác ạ, sao bài thơ không có tựa đề.
Tôi cười nói:
- Tựa đề của nó là Thơ Chủng Ngừa.
* * *
Ba hôm sau tôi nhận được một cú điện thoại. Có giọng cô gái hỏi:
- Bác ơi bác có lấy bút hiệu nào khác là Nguyễn Du không ạ ?
- Nhị Xuân, cháu gặp ông ấy rồi hà.
- Dạ trong nhà sách. Không thấy ông ta đâu. Chỉ thấy thơ bác sao hao hao thơ Nguyễn Du quá xá cở?
- Chao ôi ăn mỡ rồi mà không biết quen mùi, biết ngán mỡ hà.
- Dạ cháu hiểu. Cháu chỉ tự trách sao biết Nguyễn Du quá muộn. Nhưng mà chao ôi, tới Bác mà cũng đạo thơ của người khác, cũng nhặt của người làm của mình hà.
- Bác là ai ? là ai mà thiếu khả năng lưu manh, trộm của người để lừa bịp thế gian.
* * *
Một chiều cuối năm. Chúng tôi gặp nhau. Nhìn ánh mắt Nhị Xuân tôi biết sự thất vọng này có đượm chút hài hước, có cái thử thách mông lung khi đối diện một quê cha rất đổi bàng hoàng. Nụ cười của cô như được gội rửa phần nào những thơ ngây tới từ tây phương, mà tôi gặp gỡ lần đầu. Nụ cười Nhị Xuân hôm nay có màu héo hắt, lẫn chút khinh bạt, sau khi thua thiệt vì cái đểu cáng của thời thế an – nam.
Cô tặng tôi một trái sầu riêng [thứ này có mùi, mà ta ghiền] và vài lạng cà phê [thứ đắng này phải thêm ngọt mới nuốt trôi, nhưng thiếu nó thì u mê, gật gù trọn ngày]. Tôi hỏi:
- Thứ này tặng cho tài mần thơ của bác phải không?
- Dạ nhưng là bác Nguyễn Du.
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mạng khéo là ghét nhau”
Rôi cô đọc thuộc làu cho tôi nghe nào Truyện Kiều, Chinh Phụ ngâm, cả thơ của một số thi sĩ nổi danh đương đại.

4-
Tôi và Nhị Xuân, trong một quán cà phê vườn ở miệt Làng Hoa Gò Vấp, ngoài kia bạt ngàn những màu hoa chờ mùa chợ hoa cuối năm. Một mùa hoa Xuân cuối cùng. Rồi đây những cánh đồng hoa của Làng Hoa thơm ngát sẽ không còn, vì những thửa đất này đã đô thị hóa, chờ xây nhà.
Chủ quán có treo những cái lồng chim rỗng, những cái chén để đựng nước cùng thức ăn lật nghiêng ngả. Chim chết ráo từ đời tám hoánh. Đất đai giá tăng nhanh, anh ta đã bán khu vườn này rồi.
Nhìn một hàng lồng chim trống hoát, lòng ta rộng một nỗi xót. Như nhìn cái đầu trì trệ thiếu rự do, trống rỗng vĩ đại quanh đây, vì thiếu sự bay nhảy vút tung.
Cô cháu thông minh, bằng một lời ngắn ngủi:
- Cảm ơn Thầy đã chủng ngừa cho em. Nên bớt nỗi đau. Dù quen rồi, nhưng từ nay em cần cẩn trọng hơn khi đi vào cái Ở-Trỏng của Việt nam, trên mọi lĩnh vực. Em cảm ơn Thầy.
Tôi không giải thích gì thêm, vì tôi rõ cô đã hiểu, đã từng giáp mặt cái hệ thống, cái văn hóa hôm nay, trên cái xứ sở nhiều…cái vấn đề cực kỳ là vấn đề kỳ quái…quặc này.
Cô về Paris.
* * *
Tôi vẫn nhớ mãi một tâm hồn dị chủng khắc khoải trong một xác thân dị chủng. Nhớ một vẻ đẹp thánh nữ đành cưu mang một mùa Xuân nơi cội nguồn giống nòi cha cô hằng trải qua nhiều nghìn năm. Lòng người trong nhân gian ấy xuống cấp, lạc đường vào nẻo quỷ. Nhưng thiên nhiên ấy vần còn một lời thân ái chào cô. Quê hương ấy, vẫn còn một phần lương tri tận hiến sau cùng, đưa dắt cô trên những nẻo đường hy vọng.
Tôi nhớ những đồi nương đầy gió và mùi lá khô hôm tôi đưa nàng về thăm quê tôi. Đứng trên Nỗng Ông Tào, nhìn về phương nam, đã thấy xa xa trong sương chiều cây trụ tháp truyền tin hai màu xanh đỏ của thành phố Tam kỳ. Đó là một nơi chốn có thực đã từ lâu hóa hư ảo trong tôi, mỗi khi tôi đứng trên khu rừng nghiêng nghiêng theo lưng đồi này. Khu rừng xanh lá luôn như buông thả, như muốn trôi xuống cánh đồng mùa đông, hòa tan cùng biển nước trắng dưới kia.
Những chuyến xe xa tít trên đường cái quan chạy bên này đồi Tuần Dưỡng vào Quán Gò, rồi qua tháp Bà Rầu Con Nghê, trước khi vào tới Tam Kỳ. Cái đầu nghê, tác phẩm nghệ thuật Champa một thời nằm ngay trên đám ruộng nước. Một cái đầu đá nghìn thu mùa đông ngước nhìn qua mặt nước lạnh buồn; mùa hạ thửa đất khô, khô hạn nhiều tháng ngày, nứt nẻ ra những hoa văn đất, như một phối cảnh tưởng niệm cái đầu nghìn thu Champa không tóc bạc. Tôi đưa nàng đến thăm tháp. Những cành xanh lêu lỗng bám vào những bực đá xám rêu. Nàng bảo: “ Mùi thời gian thật buồn”.
Có ai un khói dưới chân đồi. Người ta dọn mùa rừng để đón xuân. Nàng bảo là nàng thích mùi hoa giỏ giẻ thơm rực hương lúc hoàng hôn. Tôi bảo hãy còn nhiều mùi thơm khiêm tốn, xa vắng nơi thôn giả. Mùi rạ khô. Mùi của đất lúc cơn mưa giồng chiếu nắng vừa đổ xuống. Mùi gỗ cũ trong cột kèo miếu đền. Tất cả đi ra từ mùi Mẹ. Đi ra từ linh thiêng ấm áp.
Nỗng Ông Tào đầy nắng và gió. Nắng có màu. Nắng có hình thù in trên tường vôi mã mồ lạnh. Gió thì vô hình, không màu, chẳng biết nặng nhẹ, nhưng quả là tôi và nàng đang bị gió đấy trôi. Một lúc nàng quay lại, sâu trong mắt nàng nỗi buồn như tan chảy, xoắn tròn, và kêu rít. Nàng đưa cái hoa giỏ giẻ cánh trắng nhỏ, phần trong tâm cánh hoa có màu vàng nghệ lên tầm mắt. Nàng nghe hoa nói bằng đôi mắt.
Nàng đã về Paris.
 
Cung Tích Biền
Bồ Đề cốc 2010

Trần Vấn Lệ * Khi Yêu Nhau



 

 
dinhcuong

Khi yêu nhau, người ta không nói,
để trái tim thao thiết thay lời,
để bầy chim ca ngợi mặt trời,
để hoa hồng em ơi vì em hoa nở…

Khi yêu nhau, một giây hơi thở
đủ buộc ràng đời đến trăm năm. 
Có thể người ta nói rất âm thầm,
bốn mắt nhắm cho vầng trăng lộng lẫy…

Hai chữ Tình Yêu không cần nhìn thấy…
bởi thấy rồi ở Lưu Bút Ngày Xanh. 
Ánh mắt người con gái long lanh,
ánh mắt người con trai có hình sông dáng núi…

Trong chiến tranh, tình yêu là chờ đợi. 
Trong hòa bình tiếp nối ước mơ. 
Tình yêu từ xưa rất đổi xưa
là bài thơ không cần câu kết thúc…

Hãy đếm tình yêu như đếm tóc…
tưởng tượng mình cầm hạnh phúc trên tay. 
Người đàn ông nào cũng muốn mình kẽ chân mày
cho người đàn bà mình yêu thương mãi mãi…

Ai bảo em được sinh làm con gái
cho anh thề chê hết thảy giai nhân!

Trần Vấn Lệ